Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lí hình sự và tội phạm học...

Tài liệu Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lí hình sự và tội phạm học

.PDF
104
133
94

Mô tả:

LUẬN VĂN: Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh pháp lí hình sự và tội phạm học Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Sau hai mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thành tựu lớn nhất là đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng khá cao; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được thiết lập; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh. Quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp từ nguồn nội lực của đất nước tăng lên nhiều, tình hình chính trị, xã hội ổn định, được nhân dân và bạn bè quốc tế khâm phục, đánh giá cao. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo lập cơ chế đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế thị trường cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó có nhiều vấn đề mới phát sinh có liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tình hình tội không tố giác tội phạm đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, trong không ít vụ án, một số công dân không làm tròn nghĩa vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, không tố giác tội phạm, cho nên các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tốn rất nhiều công sức để điều tra, khám phá vụ án. Việc một số công dân không thực hiện quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội, có nghĩa là họ không tham gia đấu tranh chống tội phạm nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và trong các trường hợp do pháp luật hình sự quy định, hành vi không tố giác tội phạm do họ thực hiện đã cấu thành tội không tố giác tội phạm. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm, đã đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi khoa học pháp lý phải nghiên cứu, giải quyết như khái niệm, những dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội không tố giác tội phạm, nguyên nhân, điều kiện của tội không tố giác tội phạm... Về mặt lý luận, xung quanh vấn đề đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài, " Tội không tố giác tội phạm - một số khía cạnh phỏp lý hỡnh sự và tội phạm học ", mang tính cấp thiết, không những về lý luận, mà còn là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Tội không tố giác tội phạm là tội phạm có tính nhạy cảm cao, phức tạp, đã được một số nhà luật học đề cập trong Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập II của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998; Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm) của Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 1997; Đề tài khoa học cấp Bộ: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi)", mã số 95-98-107/ĐT của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nghiệm thu năm 1998; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987 (tái bản năm 1992, 1997); ThS. Phạm Thanh Bình và TS. Nguyễn Vạn Nguyên có công trình: "Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp" (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997)... Sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 được ban hành, tội không tố giác tội phạm được tiếp tục đề cập trong Giáo trình luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2000; Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm) của Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2002; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần các tội phạm) của TS. Phùng Thế Vắc, TS. Trần Văn Luyện, luật sư ThS. Phạm Thanh Bình, TS. Nguyễn Đức Mai, ThS. Nguyễn Sĩ Đại, ThS. Nguyễn Mai Bộ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001. Ngoài ra, tác giả Vũ Thành Long có bài viết: "Mấy ý kiến về Điều 314 Bộ luật hình sự về tội không tố giác tội phạm" (Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 10-2005); ThS. Trần Đại Thắng có bài viết: "Một số vấn đề về việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án hình sự" (Tạp chí Kiểm sát, tháng 122005, số 24); tác giả Thái Văn Đoàn có bài viết: "Một số bất hợp lý trong các quy định về tội che giấu tội phạm và tội không tố giác tội phạm" (Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 10-2005, số 19)... Các công trình nói trên đã đề cập tội không tố giác tội phạm, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về tội không tố giác tội phạm dưới hai góc độ: pháp lý hình sự và tội phạm học. 3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn Mục đích của luận văn Mục đích của luận văn là trên cơ sở lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm, nêu ra những giải pháp mang tính hệ thống để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Nhiệm vụ của luận văn Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn đã đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ sau: - Phân tích, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của những quy định về tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự Việt Nam. - Làm sáng tỏ khái niệm, các dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội không tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999; phân tích các quy định của pháp luật hình sự một số nước trên thế giới về tội phạm này. - Phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình tội không tố giác tội phạm, nguyên nhân của thực trạng đó; dự báo tình hình của tội không tố giác tội phạm trong những thời gian tới. - Đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm. Đối tượng nghiên cứu của luận văn Luận văn nghiên cứu tội không tố giác tội phạm. Phạm vi nghiên cứu của luận văn Luận văn nghiên cứu tội không tố giác tội phạm dưới hai góc độ: pháp lý hình sự và tội phạm học ở Việt Nam, trong thời gian từ năm 1997 đến năm 2005. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước và pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ sở thực tiễn của luận văn là những bản án, quyết định của Tòa án về tội không tố giác tội phạm; số liệu thống kê, báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao về tội phạm này. Phương pháp luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong khi thực hiện đề tài, tác giả sử dụng các phương pháp: hệ thống, lịch sử, lôgíc, thống kê, phân tích, tổng hợp, kết hợp với các phương pháp khác như so sánh, điều tra xã hội... 5. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý Việt Nam ở cấp độ luận văn thạc sĩ luật học, nghiên cứu một cách tương đối toàn diện và tương đối có hệ thống về tội không tố giác tội phạm dưới hai góc độ: pháp lý hình sự và tội phạm học. Có thể xem những nội dung sau đây là những đóng góp mới về khoa học của luận văn: - Phân tích, làm rõ lịch sử hình thành và phát triển những quy định về tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự Việt Nam. - Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về tội không tố giác tội phạm; những dấu hiệu pháp lý hình sự đặc trưng của tội phạm này trong pháp luật hình sự hiện hành. - Phân tích, đánh giá những quy định về tội không tố giác tội phạm trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới nhằm rút ra những giá trị hợp lý về lập pháp hình sự, để vận dụng có chọn lọc, bổ sung cho những luận cứ và giải pháp được đề xuất trong luận văn. - Đánh giá đúng thực trạng tình hình tội không tố giác tội phạm ở Việt Nam, phân tích, làm rõ nguyên nhân của thực trạng đó. - Đề xuất hệ thống các giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm. 6. ý nghĩa của luận văn Kết quả nghiên cứu và những kiến nghị của luận văn có ý nghĩa nhất định đối với việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm ở nước ta. Thông qua kết quả nghiên cứu và các kiến nghị, tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc phát triển lý luận về tội phạm học, luật hình sự, cũng như công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có tính nhạy cảm cao và phức tạp này. Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về khoa học pháp lý nói chung, khoa học luật hình sự, tội phạm học nói riêng và cho các cán bộ thực tiễn đang công tác tại cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương, 8 mục. Chương 1 Tội không tố giác tội phạm Trong luật hình sự việt nam 1.1. khái lược sự hình thành và phát triển những quy định về tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự Việt Nam 1.1.1. Giai đoạn từ thời kỳ nhà Lê cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 Tội không tố giác tội phạm là một trong những tội phạm được quy định rất sớm trong luật hình sự Việt Nam. Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) - Bộ luật chính thống và quan trọng nhất của triều đại nhà Lê đã đề cập tội không tố giác tội phạm tại Điều 500: Những người biết có kẻ mưu phản loạn, mưu đại nghịch, thì phải đến mật báo ngay với các quan ty gần đó, nếu không tố cáo, thì xử tội lưu đi châu xa. Biết có kẻ chỉ trích nhà Vua hay là đặt ra những lời quái gở mà không đi báo, thì xử nhẹ hơn tội kể trên một bậc. Quan ty thấy báo mà không tâu lên hay đi bắt ngay (quan ở kinh thành thì phải tâu ngay, quan ở ngoài thì phải bắt ngay), để quá nửa ngày, thì cũng phải tội như kẻ không đi báo. Nếu là việc truy bắt còn phải sắp đặt nên quá thời hạn trên thì không phải tội [41, tr. 181182]. Đáng chú ý, Quốc triều Hình luật đã phân biệt trách nhiệm phát hiện, tố giác tội phạm giữa quan và dân thường như quy định tại Điều 158 Bộ luật: Các quan giám lâm, quan chủ ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác, xử biếm hai tư, đàn cư quan biết mà không phát giác, tội cũng như thế. Những người biết hàng xóm của mình phạm tội mà không phát giác, tội giảm một bậc. Riêng việc đúc tiền và việc phản nghịch là tội nặng, thì luận tội khác [41, tr. 79]. Điều 355 Bộ luật còn quy định việc khen thưởng cho người tố giác tội phạm: "Dân đinh mà tự thiến mình, thì xử tội lưu; ai thiến hộ hoặc chứa chấp kẻ ấy, thì giảm tội một bậc; các nhà lân cận không tố cáo, thì xử tội nhẹ hơn hai bậc; xã quan không phát giác, thì xử tội đồ; người tố cáo đúng sự thật thì được thưởng một tước tư" [41, tr. 119]. Đặc biệt, Điều 373 Bộ luật còn đồng nhất việc không tố giác tội phạm với che giấu tội phạm trong trường hợp quan biết mà không tố giác: Những người cày ruộng đất công mà khai dối là cày cấy cho quan ty, để mong tránh đóng thuế, thì xử tội theo luật chiếm ruộng đất công. Quan ty dung túng thì cũng đồng tội; không biết thì không xử tội. Xã quan biết mà không tố giác thì xử tội giấu giếm; không biết thì được giảm 2 bậc; quan lộ huyện vô tình không biết thì xử tội biếm [41, tr. 137]. Bộ luật này còn đề cập việc tố giác ông bà, cha mẹ, vợ chồng phạm tội tại Điều 504: Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, nô tỳ tố cáo chủ có tội lỗi gì, đều xử tội lưu đi châu xa; vợ tố cáo chồng cũng bị tội trên. Tố cáo ông bà ngoại, cha mẹ và ông bà, cha mẹ về bậc tôn trưởng vào hàng cơ thân của chồng, cùng là nô tỳ tố cáo người vào bậc cơ thân của chủ, dẫu việc có thật, cũng phải tội biếm hay tội đồ; nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ thì cho phép tố cáo [41, tr. 183]. Đây là quy định mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, đồng thời kết hợp được chữ "hiếu" đối với sự tồn vong của đất nước. Chính vì vậy, mặc dù tại khoản 7 Điều 2 của Bộ luật này quy định bất hiếu là một trong mười tội ác (thập ác): "Bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái với lời cha mẹ dạy bảo" [41, tr. 37], nhưng Bộ luật này vẫn quy định: nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ thì cho phép tố cáo. Điều 508 Bộ luật đã quy định cụ thể cách thức tố cáo: "Tố cáo tội người, thì phải ghi năm tháng và trình bày sự thực không được nói là việc còn ngờ (nói việc đó không đáng tin cũng vậy); trái luật này thì phải phạt 80 trượng; quan nhận những đơn trái lệ này, mà đem ra xét xử, thì phạt tiền 30 quan" [41, tr. 184]. Như vậy, trong Bộ luật Hồng Đức, tội không tố giác tội phạm đã được tương đối cụ thể, chi tiết, thể hiện trình độ lập pháp hình sự rất cao của cha ông chúng ta thời kỳ này. Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp thực hiện chính sách "chia để trị", chia đất nước Việt Nam làm ba xứ với ba chế độ chính trị khác nhau. Nam Kỳ là đất thuộc địa, không còn quan hệ phụ thuộc vào triều đình Huế; Bắc Kỳ là đất "nửa bảo hộ" đặt dưới quyền cai trị của một viên thống sứ người Pháp; ở Trung Kỳ, triều đình bù nhìn vẫn còn được duy trì với danh hiệu "Chính phủ Nam triều", nhưng quyền hành thực tế nằm trong tay viên khâm sứ người Pháp là chủ tịch Hội đồng bảo hộ Trung Kỳ [35, tr. 86]. ở Nam Kỳ, theo Điều 11 Sắc luật ngày 25-7-1884, Bộ luật Gia Long được áp dụng đối với người phạm tội là người bản xứ. Trong Sắc luật ngày 16-3-1890, thực dân Pháp quy định từ thời điểm này, các Tòa án ở Nam Kỳ phải áp dụng pháp luật hình sự của Pháp thay cho Bộ luật Gia Long, ngoại trừ trường hợp pháp luật hình sự của Pháp chưa dự liệu được [18, tr. 132-133]. Sắc luật ngày 31-12-1912 của toàn quyền Đông Dương đã sửa đổi 56 điều của Bộ luật hình sự Pháp thành Hình luật canh cải (Code pénal modifié) và cho áp dụng tại Nam Kỳ. ở Bắc Kỳ, Nghị định ngày 2-12-1921 của toàn quyền Đông Dương đã cho áp dụng Luật hình An Nam. ở Trung Kỳ, bằng Dụ số 43 ngày 31-7-1933 của Bảo Đại, Hoàng Việt hình luật được ban hành. Trong Hoàng Việt hình luật, không có quy định về tội không tố giác tội phạm, mà đề cập đến việc tố cáo những người thân thuộc, bất hiếu, bất cố gia truyền. Điều 341 Bộ luật này quy định: Phàm cáo giác ông bà cha mẹ, tức là bất hiếu sẽ bị câu cầm từ 6 năm đến 10 năm. Trừ trường hợp sau này thời người cáo giác không có tội: hoặc cha mẹ ông bà phạm một tội đại hình có can đến sự trị an của Bổn quốc (hay nước bảo hộ), hoặc là mẹ giết cha, cha giết mẹ hoặc cha mẹ mình làm con nuôi cho người ta mà giết cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ nuôi giết cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ giết ông bà nội, ông bà ngoại hoặc là cha mẹ ông bà ngược đãi con bé chưa đến 16 tuổi và đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng [23]. Quy định này cho thấy, ngoài việc tiếp tục kế thừa tinh hoa của Bộ luật Hồng Đức, Hoàng Việt hình luật đã thể hiện rõ sự thuộc vào nước Pháp bảo hộ của chính quyền thực dân phong kiến. 1.1.2. Giai đoạn từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công cho đến trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ở Đông Nam á, đã tiến hành tích cực hoạt động lập pháp nói chung và hoạt động lập pháp hình sự nói riêng. Chỉ trong gần bốn tháng năm 1945 và năm 1946, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật hình sự, đáp ứng yêu cầu giữ vững chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài của cả nước. Tuy nhiên, do tình hình hết sức khẩn trương, không thể ban hành kịp các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật hình sự cần thiết nói riêng, nên ngày 10-10-1945, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 47-SL cho tạm thời giữ các luật lệ cũ, trong đó có bộ "Luật hình An Nam", bộ "Hoàng Việt hình luật" và bộ "Hình luật pháp tu chính" với điều kiện "không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa" [10, tr. 190]. Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công cho đến năm 1954 là thời điểm ký Hiệp định Giơnevơ, Quốc hội ta là Quốc hội kháng chiến, Chính phủ ta là Chính phủ kháng chiến, pháp luật ta cũng là pháp luật kháng chiến. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, do phải tập trung quy định các tội phạm liên quan đến sự an nguy của chính quyền nhân dân như các tội phản bội Tổ quốc, tội gián điệp, tội hối lộ, tham ô..., cho nên, trong giai đoạn này, tội không tố giác tội phạm chưa được quy định. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và bọn tay sai thống trị. Tình hình đó đã hình thành ở nước ta "hai khu vực có chế độ chính trị và xã hội khác nhau" [22, tr. 505]. ở miền Bắc, Đảng ta chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước; ở miền Nam, tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Sắc lệnh số 267-SL ngày 15-06-1956 của Nhà nước ta về trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước, của Hợp tác xã, của nhân dân và cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch Nhà nước đã đề cập vấn đề tố giác tội phạm tại Điều 14: "Đối với kẻ phạm pháp, nhân dân có nhiệm vụ tố cáo hoặc mật báo với cơ quan có trách nhiệm và hết sức giúp đỡ việc điều tra xét xử, nhưng không được vì thù riêng, lợi riêng mà vu cáo. Người nào có công trong việc tố cáo, khám phá các vụ phạm pháp, tìm bắt kẻ có tội, sẽ được khen thưởng" [10, tr. 117]. Tuy nhiên, Sắc lệnh chưa có quy định về trường hợp không thực hiện nghĩa vụ này, thì phải có chịu trách nhiệm hình sự hay không? Về mặt lập pháp hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật hình sự ban hành trong thời gian sau đó như Pháp lệnh ngày 30-10-1967 trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân, đều đã đề cập vấn đề động viên nhân dân tố giác tội phạm ở lời nói đầu: "Để nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân, động viên toàn dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự an ninh" [10, tr. 193] và "Để phát huy tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội và toàn thể nhân dân, đề cao đạo đức xã hội chủ nghĩa, động viên mọi người ra sức đấu tranh chống những hành động xâm phạm tài sản đó" [10, tr. 203]. Tuy nhiên, cả hai Pháp lệnh này đều chưa đề cập tội không tố giác tội phạm, mà chỉ quy định nguyên tắc tương tự. Ví dụ: Điều 21 Pháp lệnh ngày 30-10-1967 trừng trị các tội phản cách mạng, quy định: "Đối với những tội phản cách mạng chưa nêu trong Pháp lệnh này, thì áp dụng những điều về tội phạm tương tự trong Pháp lệnh này mà xét xử" [10, tr. 198]. Trong thời gian này, các Tòa án của ta đã xét xử một số trường hợp không tố giác tội phạm nghiêm trọng như tội phản cách mạng, tội giết người. Ví dụ: bản án số 13 ngày 20-03-1958 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử phạt Nguyễn Thị Chất là vợ Hải 3 năm quản chế, vì khi biết âm mưu, hoạt động của bọn Hải mà không tố cáo với cơ quan có thẩm quyền. Đối với những hành vi không tố giác những tội phạm ít nghiêm trọng, thực tiễn xét xử của ta trong thời gian này không coi là tội phạm cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó xuất phát từ tình hình xã hội ta lúc đó: tâm lý sợ thù oán không dám tố giác, tình cảm nể nang trong gia đình còn khá phổ biến. Vì vậy, chủ yếu áp dụng biện pháp giáo dục nhiều hơn là biện pháp trừng trị bằng pháp luật hình sự. Từ sau ngày miền Nam được giải phóng cho đến năm 1979, trong bối cảnh Mỹ và các thế lực thù địch khác ra sức bao vây, cấm vận, nước ta còn phải đối phó với hai cuộc chiến tranh quy mô lớn ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Ngoài ra, chúng ta còn phải đương đầu với những khó khăn chồng chất và gay gắt về kinh tế và đời sống; tình hình tiêu cực, nhất là tệ hối lộ diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã đề ra chủ trương: "Kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng" [38, tr. 8]. Để kịp thời thể chế hóa chủ trương trên của Đảng và trên cơ sở Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, ngày 20-5-1981, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ. Sự ra đời của Pháp lệnh là một sự kiện pháp lý quan trọng, góp phần giữ vững và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh chống tệ hối lộ và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác trong xã hội. Nhằm động viên mọi công dân trong việc tố giác tội hối lộ, Điều 12 Pháp lệnh quy định việc khen thưởng cả về tinh thần và vật chất đối với những người có công phát hiện tội hối lộ: Những người không nhận hối lộ và tố giác với cơ quan có trách nhiệm người đưa hối lộ hoặc người môi giới hối lộ thì được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước. Những người tố giác và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm trừng trị tội hối lộ thì được khen và được thưởng tiền bằng 10% giá trị của hối lộ đã bị tịch thu [38, tr. 69]. Tuy nhiên, Pháp lệnh vẫn chưa đề cập tội không tố giác tội phạm. Trong thời gian từ năm 1978 đến những năm 1980, 1981, tình hình đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép diễn biến phức tạp, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch nhà nước và đời sống của nhân dân. Đấu tranh chống các loại tội phạm, những hiện tượng tiêu cực trên thị trường là một yêu cầu cấp bách nhằm thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối lưu thông, góp phần ổn định giá cả, thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân. Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30-6-1982 là để đáp ứng yêu cầu trên và nguyện vọng của nhân dân. Để động viên, khuyến khích việc tố giác đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, Điều 12 Pháp lệnh quy định: Người có công trong việc chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, được xét khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước. Ngoài ra, tùy theo tính chất của vụ án và công lao đóng góp của mỗi người, còn được thưởng một khoản tiền từ 5% đến 10% trị giá hàng hóa tịch thu hoặc tiền phạt [35, tr. 98]. Cũng như Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ, Pháp lệnh này chưa đề cập tội không tố giác tội phạm. Cùng với sự phát triển của khoa học luật hình sự, khái niệm tội không tố giác tội phạm đã bắt đầu xuất hiện trong các sách báo pháp lý. Giáo trình hình luật xã hội chủ nghĩa của Trường cao đẳng Kiểm sát Hà Nội đã đề cập tội không tố giác tội phạm và đưa ra khái niệm không tố giác tội phạm: Không tố giác tội phạm nghĩa là không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm mà mình biết đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện hoặc biết rõ một kẻ sắp phạm tội hay đã phạm tội rồi nhưng không báo cáo. Tội không tố giác tội phạm khác với tội che giấu ở chỗ, hành vi của kẻ không tố giác là một hành vi tiêu cực (biết chắc chắn mà không báo cáo) [54, tr. 189]. 1.1.3. Giai đoạn từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời cho đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 Trong quá trình thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thành tựu quan trọng trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo ra những cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tiên cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta đã gặp phải không ít khó khăn và khuyết điểm như chủ quan duy ý chí, duy trì quá lâu mô hình kinh tế quan liêu, bao cấp, nên không thực hiện được mục tiêu đã đề ra là ổn định một cách cơ bản tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hình sự đơn hành không thể hiện được toàn diện, đầy đủ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, việc ban hành Bộ luật hình sự là vấn đề có tính tất yếu khách quan và cấp thiết, có ý nghĩa góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 27-6-1985, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, tại kỳ họp thứ 9, đã thông qua Bộ luật hình sự, có hiệu lực từ ngày 1-1-1986 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1985). Bộ luật hình sự năm 1985 là Bộ luật hình sự đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân, đã kế thừa và phát triển những thành tựu của luật hình sự Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám, tổng kết cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian trước năm 1985 và dự báo được tình hình tội phạm trong thời gian tới. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật đã có quy định về tội không tố giác tội phạm tại Điều 19: "Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định". Việc Bộ luật hình sự năm 1985 chính thức ghi nhận về mặt pháp lý tội không tố giác tội phạm, là bước tiến bộ về kỹ thuật lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Để bảo đảm hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn, Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp tại Chương X. Trừ tội bắt, giam, khám người, khám đồ vật, nhà ở, thư tín trái phép và tội tra tấn, dùng nhục hình đã được quy định trong Luật số 103-SL ngày 20-5-1957 bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, các tội phạm khác, trong đó có tội không tố giác tội phạm mới được quy định tại chương này. Điều 19 Bộ luật chưa quy định cụ thể những trường hợp không tố giác tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 247 Bộ luật quy định cụ thể về những trường hợp không tố giác tội phạm cấu thành tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, Điều 247 đã liệt kê các tội cụ thể mà hành vi không tố giác tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự: 1. Người nào biết rõ một trong những tội phạm quy định ở các điều sau đây đang được chuẩn bị hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm: - Các điều từ 72 đến Điều 85 về các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Điều 87 (tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy); Điều 94, khoản 2 (tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 95, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 96, khoản 2 và 3 (tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ); Điều 96 a, khoản 2 và 3 (tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy); Điều 98 (tội làm tiền giả, tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, tội phá hủy tiền tệ); - Điều 101 (tội giết người); Điều 112, khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); - Điều 129 (tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 132, khoản 2 và 3 (tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 133, khoản 2 và 3 (tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa); Điều 138, khoản 2 và 3 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa); - Điều 151 (tội cướp tài sản của công dân); Điều 152 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân); - Điều 165, khoản 2 và 3 (tôi đầu cơ); Điều 172, khoản 2 và 3 (tội chiếm đoạt tem, phiếu, tội làm hoặc lưu hành tem, phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối; - Điều 245, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam); 2. Người không tố giác tội phạm nếu có hành động ngăn chặn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. 1.1.4. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 cho đến nay Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành trong những năm của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, mặc dù đã phản ánh được nhu cầu bức xúc của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm thời kỳ đó, nhưng ở một mức độ nhất định vẫn chịu ảnh hưởng nhất định của cơ chế đó. Vì vậy, một số quy định trong Bộ luật này không phù hợp cho việc bảo vệ các quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Về kỹ thuật lập pháp hình sự, Bộ luật hình sự năm 1985 còn có những hạn chế nhất định như bố cục một số chương, điều chưa hợp lý, nhiều tội danh được quy định quá chung chung; một số hành vi phạm tội với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nhưng lại được quy định trong một điều luật với cùng một chế tài; khung hình phạt trong nhiều điều luật quá rộng, dễ dẫn đến tiêu cực… Hạn chế lớn nhất của Bộ luật hình sự năm 1985 là qua bốn lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật đã không còn là một chỉnh thể thống nhất. Trong đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng ta đã đề ra, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự năm 1985 là một đòi hỏi khách quan của hoạt động lập pháp hình sự. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 21-12-1999, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X tại kỳ họp thứ 6, đã thông qua Bộ luật hình sự (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999), thay thế cho Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ ngày 1-7-2000. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314. So với quy định tương ứng tại Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1985, tội không tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 đã có những nội dung được sửa đổi, bổ sung như sau: Thứ nhất, bổ sung khoản mới (khoản 2) nhằm thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của ông, bà, cha, mẹ, con cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người có hành vi không tố giác, khi biết người thân của mình phạm tội. Quy định này được bổ sung trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn trong pháp luật của ông cha ta. Trong Bộ luật Hồng Đức đã quy định việc không trừng phạt phạt (trừ tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ) đối với việc không tố giác tội phạm giữa những người thân thích. Đây là sự ghi nhận mối quan hệ tình cảm gia đình sâu nặng vốn là một trong những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa á Đông. Theo quy định mới được bổ sung, thì người không tố giác là ông, bà, cha, em, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia (quy định tại các điều từ 78 đến Điều 91 Bộ luật) hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 1 Điều 313 (chứ không phải mọi tội phạm được quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999). Thứ hai, bổ sung vào cấu thành tội phạm hành vi "đang được thực hiện mà không tố giác" cho đầy đủ, bởi lẽ Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hành vi "đã được thực hiện mà không tố giác", chưa quy định hành vi nêu trên. Thứ ba, không liệt kê các điều, khoản của Bộ luật hình sự về các tội mà nếu không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ viện dẫn Điều 313 Bộ luật hình sự cho điều luật được ngắn gọn. Thứ tư, tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (trong Bộ luật hình sự năm 1985, quy định đến một năm) và giữ nguyên mức phạt tù đối với tội này. 1.2. Tội không tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 1.2.1. Khái niệm tội không tố giác tội phạm Để có thể làm sáng tỏ khái niệm tội không tố giác tội phạm, trước hết cần làm rõ khái niệm không tố giác tội phạm. Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999 của nước ta quy định ba dạng hành vi liên quan đến tội phạm là che giấu tội phạm (Điều 21), không tố giác tội phạm (Điều 22) và chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250). Trong cả hai bộ luật này, các nhà lập pháp không sử dụng cụm từ "liên quan đến tội phạm", nhưng đều có quy định về hành vi cố ý liên quan đến tội phạm do người khác thực hiện; người thực hiện hành vi liên quan đến tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người đó, bởi lẽ hành vi này không phải là hành vi thực hành, tổ chức, xúi giục, giúp sức, vì vậy chỉ có thể cấu thành tội phạm độc lập với tội phạm do người khác thực hiện trong những trường hợp được Bộ luật quy định [42, tr. 199-200]. Không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 1999: 1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314: 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 điều này. 3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Để có thể hiểu rõ điều 314, cần tìm hiểu tiếp Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999: 1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm: - Các điều từ Điều 78 đến Điều 91 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; - Điều 93 (tội giết người); Điều 111, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 112 (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 114 (tội cưỡng dâm trẻ em); Điều 116, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với trẻ em); Điều 119, khoản 2 (tội mua bán phụ nữ); - Điều 120 (tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); - Điều 133 (tội cướp tài sản); Điều 134 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 138, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 139, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 140, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 143, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); - Điều 153, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 154, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 155, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm); Điều 156, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 157 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 158, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 160, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 165, các khoản 2 và 3 (tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 166, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 179, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng); Điều 180 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả); Điều 181 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 189, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng); - Điều 193 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 194 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy); Điều 195 (tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng cho việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 196, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 197 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 198 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 200 (tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất