Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc g...

Tài liệu Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn theo luật hình sự việt nam

.PDF
216
15
81

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH TRẦM MINH KHANG TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ “PHẠM TỘI NHƯNG CHƯA GÂY THIỆT HẠI HOẶC GÂY THIỆT HẠI KHÔNG LỚN” THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2018 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ “PHẠM TỘI NHƯNG CHƯA GÂY THIỆT HẠI HOẶC GÂY THIỆT HẠI KHÔNG LỚN” THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Mã CN: 60380104 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa Học viên: Trầm Minh Khang Lớp: CHL khóa 1 – Sóc Trăng TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi với sự hướng dẫn của PGS-TS.Nguyễn Thị Phương Hoa. Các thông tin trích dẫn trong Luận văn đã được nêu rõ nguồn gốc. Các kết quả trình bày trong Luận văn là trung thực và chưa được công bố trong bất cứ công trình khoa học nào trước đây. Tác giả luận văn Trầm Minh Khang DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT Từ viết tắt Nội dung từ viết tắt BLHS Bộ luật hình sự HĐXX Hội đồng xét xử TAND Tòa án nhân dân TNHS Trách nhiệm hình sự VKSND Viện kiểm sát nhân dân MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU ...................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1. TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ “PHẠM TỘI NHƯNG CHƯA GÂY THIỆT HẠI” ............................................................ 6 1.1. Quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” .............................. 6 1.1.1. Khái niệm, điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” ................................................................. 6 1.1.2. Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” ................................................................................. 10 1.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” ................................................................................. 21 1.2.1. Cơ sở của kiến nghị ................................................................................. 21 1.2.2. Kiến nghị cụ thể....................................................................................... 22 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 ...................................................................................... 25 CHƯƠNG 2. TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ “PHẠM TỘI NHƯNG GÂY THIỆT HẠI KHÔNG LỚN” .............................................. 26 2.1. Quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” ................... 26 2.1.1. Khái niệm, điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” ....................................................... 26 2.1.2. Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” ......................................................................... 29 2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn”......................................................................... 45 2.2.1. Cơ sở của kiến nghị ................................................................................. 45 2.2.2. Kiến nghị cụ thể....................................................................................... 46 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 ...................................................................................... 49 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 50 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là vấn đề vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, được Bộ luật hình sự quy định là một trong những căn cứ bắt buộc Tòa án phải xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Trong đó, các tình tiết giảm nhẹ, với ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục hoặc các đặc điểm về nhân thân đáng để khoan hồng cho người phạm tội, khi được áp dụng một cách đúng đắn, phù hợp sẽ có vai trò đặc biệt tích cực trong việc giáo dục, giúp người phạm tội nhận thức được hành vi sai trái của mình và chính sách khoan hồng của Nhà nước, tạo ra cơ hội để những người được hưởng các tình tiết giảm nhẹ sớm trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, nếu hiểu và áp dụng không chính xác các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội có thể dẫn đến mục đích của hình phạt và việc áp dụng các chính sách khoan hồng của Nhà nước trong việc giáo dục người phạm tội, việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm không đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là hết sức cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Theo quy định của BLHS 2015, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được liệt kê từ điểm a đến điểm x khoản 1, Điều 51 và ngoài ra tại khoản 2 Điều 51 còn quy định Tòa án có thể coi đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Tuy nhiên, quy định của luật lại chưa giải thích một cách cụ thể và đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ này mà còn mang tính chất liệt kê, chính vì vậy nên dẫn đến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay còn nhiều bất cập. Qua thời gian công tác tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng, bản thân nhận thấy một trong những vướng mắc, bất cập phổ biến liên quan đến vấn đề này là việc hiểu và áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, xuất phát từ việc BLHS chưa quy định rõ ràng về khái niệm cũng như điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ này, đồng thời Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng như giữa liên ngành Tư pháp trung ương cũng chưa ban hành Nghị quyết hoặc văn bản chung thống nhất để hướng dẫn áp dụng mà việc xác định chủ yếu dựa vào quan điểm chỉ đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng và nhận thức của người tiến hành tố tụng. Chính vì vậy đã dẫn đến thực trạng việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này trong 2 các vụ án hiện nay chưa được nhất quán giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí là trong nội bộ các cơ quan này thì cũng có sự áp dụng khác nhau giữa các đơn vị trực thuộc, hoặc trong cùng một đơn vị ở từng giai đoạn khác nhau cũng có những quan điểm khác nhau về một số vấn đề như: đối với các tội phạm xâm hại cùng lúc nhiều khách thể hoặc thiệt hại gây ra có thể là phi vật chất thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không? việc tài sản được thu hồi nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có được áp dụng không hay việc xác định mức thiệt hại như thế nào là “không lớn”…, đã có nhiều trường hợp Viện kiểm sát ban hành kiến nghị, kháng nghị bản án của Tòa án vì quan điểm khác nhau trong việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” khiến cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Trong khi đó, số lượng các vụ án hình sự có chiều hướng ngày càng gia tăng phức tạp hơn trước, khiến cho yêu cầu giải quyết vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trở nên cấp bách. Trước tình hình đó, liên ngành tư pháp địa phương cũng đã tiến hành nhiều cuộc Hội nghị chuyên đề liên quan đến việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, nêu lên các quan điểm chứ chưa đưa ra một khái niệm chung cũng như chưa có giải pháp hiệu quả nào để khắc phục hạn chế trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trên thực tế. Xuất phát từ thực trạng như trên, nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu nhằm tạo ra sự nhận thức một cách đầy đủ, chính xác hơn quy định về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, người viết đã chọn đề tài nghiên cứu: Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo luật hình sự Việt Nam, nhằm mục đích thông qua việc nghiên cứu đề tài có thể phân tích, làm sáng tỏ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, xây dựng được cơ sở lý luận chung nhất về khái niệm cũng như điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, từ đó đề ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục các vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, giúp cho việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ nói trên của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được chính xác, khách quan và thống nhất. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Qua tìm hiểu các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận văn, tác giả nhận thấy chưa có công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu, đầy đủ và riêng biệt về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”. Nghiên cứu các quy định của pháp luật thì hiện nay trong các Nghị 3 quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hay các Thông tư liên tịch của liên ngành Tư pháp trung ương cũng chưa hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Tuy nhiên, liên quan đến đề tài về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo luật Hình sự Việt Nam thì có không ít các công trình nghiên cứu, bài viết khoa học của nhiều nhà khoa học như: Các sách chuyên khảo của tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao như: Bình luận khoa học BLHS Tập 1 (2012), Nhà xuất bản Lao Động; Bình luận các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (2009), Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Luận án tiến sỹ: “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam”, tác giả Trần Thị Quang Vinh (năm 2000); Bình luận khoa học BLHS 2015, Nhà xuất bản Hồng Đức, do Trần Văn Biên chủ biên cùng nhóm tác giả đang công tác tại Bộ Tư pháp thực hiện (năm 2016); Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam phần chung (2012), do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Nxb Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam; Lê Văn Luật (2010), Pháp luật hình sự Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Tư pháp. Ngoài ra, còn có các bài viết khoa học đăng trên các tạp chí như: Bùi Kiến Quốc (2000), Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam, Tạp chí Luật học (số 06); Trịnh Tiến Việt (2004), Về ảnh hưởng của các tình tiết giảm nhẹ trong việc quyết định hình phạt, Tạp chí Khoa học pháp luật (số 01); Phạm Hồng Hải (2006), Bàn về nhận thức và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tạp chí Kiểm sát (số 17); Minh Lương (2007), Khái niệm và các đặc điểm của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, tạp chí TAND (Số 12); Lê Văn Luật (2005), Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 điều 46 BLHS, Tạp chí Khoa học pháp lý, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2005 (Số 02); Trần Thị Quang Vinh (2002), Phạm vi của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật (Số 8); Bùi Kiến Quốc (2000), Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội (Số 6). Các công trình nghiên cứu, các bài viết khoa học của các tác giả nói trên đều đã có đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam ở các phương diện và mức độ khác nhau, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu đề tài của tác giả thông qua việc kế thừa các kết quả nghiên cứu về khái niệm, bản chất pháp lý, phạm vi và ý nghĩa của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói chung. Tuy nhiên chưa có một công trình nghiên cứu nào riêng biệt về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây 4 thiệt hại không lớn” mà chủ yếu mới đề cập một cách khái quát về tình tiết này, đặc biệt là chưa phản ánh đầy đủ được những vướng mắc, bất cập của việc hiểu và áp dụng tình tiết này trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, do đó cần có sự phát triển các kết quả đã đạt được trên để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn mà hiện nay chưa giải quyết được. Do đó có thể nói rằng đề tài nghiên cứu về “Tình tiết giảm nhẹ phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn trong luật hình sự Việt Nam” nghiên cứu những vấn đề mới liên quan đến vướng mắc phát sinh trong thực tiễn giải quyết án hình sự và không trùng với các công trình đã công bố liên quan đến đề tài này. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài Thông qua việc nghiên cứu một cách toàn diện cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, luận văn hướng tới mục đích là đề ra các giải pháp hướng tới thống nhất, hoàn thiện về mặt lý luận cũng như là đưa ra được các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự nói chung và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Để thực hiện mục đích trên, luận văn thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu như sau: - Về mặt lý luận: Phân tích và xây dựng định nghĩa khoa học cũng như những vấn đề về điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”. - Về mặt thực tiễn: Phản ánh và phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, thể hiện qua việc giải quyết từng vụ án cụ thể. - Cuối cùng là kiến nghị, đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, hạn chế đã được làm rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ nói trên trong việc giải quyết các vụ án hình sự. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài Về đối tượng nghiên cứu, luận văn tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận, quy định của BLHS hiện hành về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, đồng thời nghiên cứu tình hình áp dụng, các vướng mắc, hạn chế của việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và một số địa phương khác. Phạm vi nghiên cứu: Các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” qua việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn một số địa phương khác. 5 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài Luận văn được trình bày trên cơ sở vận dụng phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin về Nhà nước và Pháp luật, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước ta về xử lý tội phạm. Đặc biệt là những quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08/NQTW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở kết hợp một số phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp, nghiên cứu trên cơ sở các quy định của pháp luật, các nghiên cứu khoa học và hồ sơ, bản án thực tế các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và một số địa phương khác. 6. Dự kiến các kết quả nghiên cứu và địa chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu - Kết quả nghiên cứu: thông qua việc nghiên cứu đề tài, tác giả dự kiến kết quả đem lại về mặt lý luận là sẽ đưa ra được khái niệm chung nhất về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, đồng thời phân tích làm rõ được nội dung cũng như các điều kiện để người phạm tội có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ này cũng như giải quyết một số trường hợp phức tạp về áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. - Địa chỉ ứng dựng các kết quả nghiên cứu: Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể được sử dụng để làm tài liệu tham khảo về mặt nghiệp vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng trong việc đánh giá, nhận định để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” trong giải quyết từng vụ án cụ thể, đồng thời luận văn có thể làm nguồn tư liệu để Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, liên ngành tư pháp trung ương xem xét trong việc ban hành các Nghị quyết, Thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Lời mở đầu, Kết luận, Danh mục Tài liệu tham khảo thì Luận văn được chia thành 2 Chương cụ thể như sau: - Chương 1: Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” trong luật hình sự Việt Nam - Chương 2: Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn” trong luật hình sự Việt Nam 6 CHƯƠNG 1 TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ “PHẠM TỘI NHƯNG CHƯA GÂY THIỆT HẠI” 1.1. Quy định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” 1.1.1. Khái niệm, điều kiện áp dụng của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” a) Về khái niệm: Quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” đã xuất hiện từ rất sớm kể từ khi BLHS đầu tiên của nước ta ra đời năm 1985, sau đó lần lượt là BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999) và cho đến BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) chính thức có hiệu lực thì tình tiết giảm nhẹ này vẫn được giữ nguyên là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc khoản 1 của Điều luật quy định về tình tiết giảm nhẹ cũng như là nội dung của tình tiết hầu như không có sự thay đổi nào cho đến nay, được quy định cụ thể tại điểm h, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015. Khác với một số tình tiết giảm nhẹ khác, tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” về bản chất chỉ là một tình tiết giảm nhẹ nhưng được chia thành hai mức độ khác nhau, trong đó người phạm tội chỉ có thể được áp dụng đồng thời một trong hai mức độ đó là “chưa gây thiệt hại” hoặc “gây thiệt hại không lớn” của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này đối với tội phạm mà mình thực hiện. Tuy nhiên, quy định về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” đến nay nhìn chung vẫn còn được nêu trong BLHS ở dạng liệt kê mà chưa có một quy định cụ thể nào trong các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng như các Thông tư liên tịch của liên ngành tư pháp trung ương hướng dẫn về việc hiểu và áp dụng tình tiết này. Qua nghiên cứu, tìm hiểu và khảo sát các văn bản mang tính hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương thì “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” có thể được hiểu như sau: - Theo Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Vụ 3) - VKSND tối cao về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong BLHS thì “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” là nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội và được hiểu là trường hợp: “hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay 7 được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”. - Theo Sổ tay thẩm phán TAND tối cao thì “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” được hiểu như sau: “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội)” 1. - Qua nghiên cứu một số sách chuyên khảo, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học khác thì “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” được hiểu theo những khái niệm sau đây: + Theo Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thì phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại được hiểu là trường hợp “phạm tội nhưng thiệt hại trên thực tế chưa xảy ra do nguyên nhân khách quan nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội”2. + Bình luận về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng chưa gây thiệt hại là trường hợp thiệt hại của tội phạm không xảy ra có nguyên nhân nằm ngoài ý muốn của người phạm tội3. + Theo tác giả Đinh Văn Quế, nguyên thành viên Hội đồng thẩm phán, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao thì: “Chưa gây thiệt hại là hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra”, khái niệm này được tác giả minh họa bằng trong các trường hợp sau: Giết người mà người đó không chết, trộm cắp nhưng chưa lấy được tài sản, hiếp dâm nhưng chưa giao cấu được với người bị hại... 4 + Theo TS. Trần Minh Hưởng (Học viện Cảnh sát nhân dân) thì: chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả của tội phạm chưa xảy ra và khi áp dụng tình tiết này thì cần chú ý đến nguy cơ xảy ra hậu quả, tác hại của tội phạm ở mức độ nào, nguyên nhân dẫn đến việc hậu quả chưa xảy ra là nguyên nhân chủ quan hay nguyên nhân khách quan. 5 1 Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Sổ tay Thẩm phán, “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, http://www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/ebb/1787571?p_id=1787571&p_l ang=vn&m_action=2&p_itemid=647, truy cập ngày 09/01/2018. 2 Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung, Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên), Nhà xuất bản Hồng Đức, Hội luật gia Việt Nam, tr. 324. 3 Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên) (2017), Bình luận khoa học BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nhà xuất bản Tư pháp, tr. 257-258. 4 Đinh Văn Quế (2017), Bình luận BLHS năm 2015, Phần thứ nhất: Những quy định chung, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr. 247. 5 Tập thể tác giả Học viện Cảnh sát nhân dân do TS. Trần Minh Hưởng chủ biên (2009), Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, Bình luận khoa học BLHS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Tập 1), Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, tr. 124. 8 Như vậy, theo hướng dẫn của của từng cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cũng như quan điểm khoa học của các tác giả như trên ta có thể thấy được mặc dù vẫn còn có sự chưa thống nhất hoàn toàn với nhau về khái niệm “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” nhưng có một điểm chung nhất đó là đều xác định việc “chưa gây thiệt hại” luôn nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này bởi lẽ mục đích của tội phạm bao giờ cũng nhằm để xâm hại một khách thể nào đó được pháp luật hình sự bảo vệ, với động cơ phạm tội có thể là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nhưng lúc nào người phạm tội cũng mong muốn gây ra một thiệt hại nhất định cho đối tượng mà tội phạm nhắm tới, vì vậy việc thiệt hại không xảy ra là điều mà người phạm tội không mong muốn, tức là “chưa gây thiệt hại” lúc nào cũng nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Trừ các tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý do tuy rằng người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng đối với các tội phạm vô ý thì không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và đều đi kèm với việc gây ra một thiệt hại ở mức độ nghiêm trọng hơn đối với các tội phạm cố ý thì mới cấu thành tội phạm. Trong các quan điểm khoa học về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” như trên nhận thấy về vấn đề xác định khái niệm “thiệt hại” được nói đến trong tình tiết giảm nhẹ này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Theo Từ điển Luật học thì thiệt hại là “Tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân hoặc tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ”6. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 về định nghĩa tội phạm thì các thiệt hại mà tội phạm xâm hại đến bao gồm: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Như vậy tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó có thể gây ra những thiệt hại không chỉ về mặt vật chất như tài sản, tính mạng, sức khỏe mà nó còn có thể gây ra những thiệt hại mang tính phi vật chất như: danh dự, nhân phẩm, uy tín; chế độ quản lý Nhà nước về trật tự công cộng, kinh tế, chính trị, văn hóa... Do đó, chúng tôi cho rằng khái niệm “thiệt hại” được nêu trong tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” cần hiểu là bao gồm tất cả các thiệt hại vật chất, phi vật chất mà người phạm tội gây ra chứ không chỉ giới hạn thiệt hại về mặt vật chất như một số 6 Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nhà xuất bản Tư pháp và Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, tr. 713. 9 quan điểm hiện nay. Ngoài ra cần lưu ý rằng, “thiệt hại” được xem xét trong tình tiết giảm nhẹ này không chỉ bao gồm loại thiệt hại mà mà tội phạm nhắm tới, hay nói cách khác không chỉ xem xét thiệt hại của khách thể chính đại diện cho tội phạm (ví dụ: các tội thuộc Chương tội xâm phạm sở hữu) mà là phải đảm bảo xem xét đầy đủ thiệt hại ở các khách thể khác cũng bị hành vi phạm tội xâm hại. Vấn đề thứ hai cần làm rõ khi xây dựng khái niệm về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” đó là xác định khái niệm như thế nào là “phạm tội”. Theo khoa học pháp lý thì khái niệm “phạm tội” là việc một người thực thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi và được quy định là tội phạm trong luật hình sự (chưa nói đến việc người đó có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay chưa, khác với khái niệm “Tội phạm”). Như vậy, chỉ được xem là một người đang phạm tội chỉ khi người đó bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của một tội nhất định nào đó trong BLHS, việc hành vi phạm tội đó của họ có thực hiện được đến cùng hay không (đạt hay chưa đạt) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà mình đã thực hiện nên khái niệm “phạm tội” trong tình tiết giảm nhẹ này được hiểu bao gồm cả trường hợp phạm tội chưa đạt. Còn ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì người chuẩn bị phạm tội vẫn chưa thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm mà mình định phạm nên tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” không bao gồm trường hợp chuẩn bị phạm tội. Dựa trên sự phân tích và kế thừa những kết quả nghiên cứu như trên, chúng tôi xin đưa ra khái niệm của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” như sau: “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm, nhưng chưa gây ra thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất do nguyên nhân nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội”. b) Về điều kiện áp dụng: Vấn đề điều kiện áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể các trường hợp nào thì được người phạm tội được áp dụng còn trường hợp nào thì không được áp dụng, căn cứ vào quy định cụ thể của BLHS và nhận thức về khái niệm của tình tiết giảm nhẹ này như đã nêu trên có thể rút ra một số điều kiện áp dụng đối với tình tiết này như sau: - Thứ nhất, chỉ áp dụng “chưa gây thiệt hại” khi người phạm tội đã thực hiện hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm nhưng thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, bao gồm trường hợp phạm tội chưa đạt. 10 - Thứ hai, “thiệt hại” được xác định khi xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất. Thiệt hại này không nhất thiết phải là khách thể trực tiếp mà tội phạm nhắm tới (động cơ, mục đích phạm tội) mà là bất kỳ thiệt hại nào được luật hình sự bảo vệ nhưng bị hành vi phạm tội xâm phạm. - Thứ ba, hành vi phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại của người phạm tội đối với tội phạm nào thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” đối với tội phạm đó. - Thứ tư, việc thiệt hại chưa xảy ra luôn nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Nếu việc chưa gây thiệt hại là nằm trong ý thức chủ quan của người phạm tội là thuộc phạm vi áp dụng của tình tiết giảm nhẹ khác (ví dụ: người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm). - Thứ năm, tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” không đồng thời là tình tiết tội hoặc tình tiết định khung nên việc áp dụng tình tiết này không bị giới hạn bởi quy định tại khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015 (tình tiết giảm nhẹ nào đã được áp dụng làm tình tiết định tội hoặc định khung thì không được tiếp tục áp dụng là tình tiết giảm nhẹ nữa). 1.1.2. Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” 1.1.2.1. Vướng mắc liên quan đến xác định thiệt hại dựa trên dấu hiệu khách thể của tội phạm Mỗi tội phạm được quy định trong BLHS đều có những khách thể trực tiếp mà tội phạm đó xâm hại, được phân chia thành từng Chương riêng biệt dựa theo khách thể loại của từng nhóm tội phạm trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS. Thực tiễn cho thấy hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất với nhau về việc tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” liên quan đến mặt khách thể bị xâm hại đối với một số loại tội phạm nhất định, thể hiện ở những vấn đề sau: - Vấn đề vướng mắc đầu tiên đó là đối với một số tội phạm thuộc Chương các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, có khách thể là các quyền tự do thân thể, bất khả xâm phạm về chổ ở, tự do tín ngưỡng, tôn giáo… được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ bị hành vi phạm tội xâm hại. Do đó đối với các tội này, thiệt hại xảy ra cho người bị hại khi các quyền tự do cơ bản của họ đã bị hành vi phạm tội làm cản trở, xâm hại (ví dụ như đã bị bắt, giữ trái pháp luật, đã bị xâm phạm chổ ở, bị cản trở tự do tín ngưỡng), việc sau đó hành vi xâm hại các quyền này bị chấm dứt thì cũng không thể xem như chưa gây thiệt hại được. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp nhận thức chưa đúng về loại tội phạm này dẫn đến áp dụng tình tiết 11 giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” cho người phạm tội khi mà đã có thiệt hại xảy ra, cụ thể như nội dung vụ án sau: Vụ án số 1: Vào tháng 8 năm 2017, Đoàn Lê Thanh V (sinh năm 1990) hẹn Nguyễn Ngọc Thanh T (sinh ngày 15/8/2003) gặp nhau tại 1 chòi lá trong quán cà phê tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để nói chuyện tình cảm do T muốn chia tay với V. V níu kéo tình cảm của T không được nên nảy sinh ý định khống chế T lại rồi chụp hình khỏa thân của T và dùng hình này để buộc T không được chia tay với mình. Để thực hiện ý định, V dùng một sợi dây điện trói hai tay T ra sau rồi bế T nằm lên bàn, V dùng tay vén áo và kéo quần của T xuống rồi dùng điện thoại chụp lại hình T đang khỏa thân, sau khi chụp xong thì V cởi trói cho T đi về. Đến đầu tháng 11 năm 2017, V nhắn tin cho T yêu cầu phải đưa số tiền 3.000.000 đồng nếu không sẽ công khai hình ảnh của T lên mạng xã hội, do bị V đe dọa nên T sợ và đồng ý. Cho đến ngày 20/11/2017 thì T đến cơ quan Công an trình báo, đến 15 giờ ngày 21/11/2017 khi V vừa nhận số tiền 3.000.000 đồng từ T tại quán cà phê và đã bỏ vào túi thì bị bắt quả tang. Tại bản án số 18/2018/HSST ngày 10/4/2018 của TAND thành phố Bà Rịa đã tuyên xử V về hai tội là “Bắt người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”, trong phần đánh giá về các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX nhận định bị cáo phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người bị hại nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999) khi quyết định hình phạt trong cả hai tội mà bị cáo đã thực hiện.7 Theo chúng tôi, trước hết đối với tội Bắt người trái pháp luật thì khách thể xâm phạm không phải là quyền sở hữu tài sản mà quyền tự do thân thể của người bị hại, do đó khi người phạm tội đã có hành vi xâm phạm đến quyền này thì dù thời gian bắt người lâu hay mau thì cũng là đã gây thiệt hại, đồng thời xét hành vi của bị cáo không đơn thuần chỉ là bắt người trái pháp luật mà lợi dụng quá trình phạm tội đó bị cáo còn tiếp tục có hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về thân thể khi thực hiện việc cởi đồ và chụp ảnh khỏa thân của bị hại, do đó không thể xem đây là trường hợp “chưa gây thiệt hại” được. Tiếp theo xét đến hành vi cưỡng đoạt tài sản, xuất phát từ việc đã bắt bị hại khống chế lại để chụp ảnh khỏa thân, bị cáo tiếp tục uy hiếp đến tinh thần người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và hành vi này đã khiến bị hại lo sợ và phải đồng ý với yêu cầu của bị cáo nhưng vì không muốn chịu sự uy hiếp nữa nên bị hại tố cáo và bị cáo bị bắt quả tang sau khi đã nhận tiền của bị hại. Như vậy, bị cáo đã chiếm đoạt được số 7 Trang thông tin điện tử Công bố bản án Tòa án nhân dân tối cao, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta10623 9t1cvn/chi-tiet-ban-an, (phụ lục số 1). 12 tiền 3.000.000 đồng mà bị hại đã bị buộc phải đưa cho bị cáo, mặc dù sau đó bị bắt quả tang nên số tiền này được thu hồi trả lại cho bị hại nhưng cũng không thể xem là chưa gây thiệt hại. Đồng thời khách thể của tội Cưỡng đoạt tài sản là ngoài quyền sở hữu tài sản thì còn xâm phạm về nhân thân của người bị hại, cụ thể để cưỡng đoạt được tài sản thì người phạm tội phải thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp về mặt tinh thần khiến người bị hại lo sợ buộc phải đưa tài sản, xét trong vụ án này V đã có hành vi đe dọa sẽ công khai các hình ảnh xúc phạm đến danh dự nhân phẩm (các hình ảnh này V có được do dùng vũ lực khống chế bị hại có được) của bị hại T là trẻ em nên không thể nói rằng việc V chưa điếm đoạt được tài sản là chưa gây thiệt hại được vì dù V chưa công khai hình ảnh khỏa thân của T thì bị bắt nhưng rõ ràng tinh thần và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của T đã bị hành vi của V làm ảnh hưởng một cách tiêu cực. Do đó việc HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” cho cả hai tội phạm mà V đã thực hiện theo chúng tôi là chưa đúng và không phù hợp. - Vấn đề vướng mắc thứ hai liên quan đến khách thể tội phạm đó là đối với tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự công cộng) thì còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc có được áp dụng hay không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” đối với tội này. Chúng tôi cho rằng, đối với loại tội phạm này mặc dù có liên quan đến các tội phạm xâm phạm sở hữu (chứa chấp, tiêu thụ tài sản do tội phạm sở hữu chiếm đoạt mà có) nhưng khách thể trực tiếp của nó không phải là quyền sở hữu tài sản mà là trật tự an toàn công cộng, đồng thời gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý và góp phần tạo điều kiện, làm gia tăng tình hình tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Thể hiện ở việc tài sản một khi đã được chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm cũng như thu hồi lại được tài sản phạm pháp, đồng thời nó còn khuyến khích người phạm tội chiếm đoạt tài sản thì yên tâm khi có nguồn tiêu thụ tài sản do mình phạm tội mà có để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Do đó quan điểm của chúng tôi là đối với tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì về bản chất khi người phạm tội thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản thì đã gây ra thiệt hại cho khách thể của tội phạm đó là làm cho trật tự công cộng tại địa phương bị xâm hại, góp phần gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm khác nên không thể xem là “chưa gây thiệt hại”, trừ một số trường hợp người phạm tội chưa chứa chấp, hoặc có chưa có hành vi tiêu thụ số tài sản do phạm tội mà có (ví dụ như A trộm được xe rồi điện thoại cho B biết và đề nghị B mua lại thì B đồng ý và đến nhà A để xem xe thì bị bắt quả tang, B vẫn chưa trả tiền và chưa đem xe đi). Tuy nhiên thực tiễn vẫn có trường hợp 13 người phạm tội này ở giai đoạn hoàn thành vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” thể hiện ở nội dung vụ án sau: Vụ án số 2: Vào khoảng 11 giờ ngày 23/03/2015, Danh Hoàng Em cùng với Nguyễn Tuấn Kiệt cùng nhau đột nhập vào bên trong nhà của bà Lợi Tố Quyên ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và lấy trộm được số tài sản của bà Quyên gồm: tiền Việt Nam là 25.000.000 đồng cùng một số trang sức như: nhẫn kim cương, vòng đeo tay, nhẫn, dây chuyền bằng vàng trắng với tổng giá trị theo định giá là 71.958.400 đồng, trong đó Kiệt được chia 12.500.000 đồng còn lại thì Hoàng Em cất giữ. Đến tối cùng ngày Hoàng Em đi uống cà phê thì gặp bạn là Liêu Cường, Cường nhìn thấy Hoàng Em có nhiều tiền nên hỏi thì Hoàng Em nói là trộm cắp được nên Cường nảy sinh ý định muốn lấy số tài sản này nên đến khoảng 00 giờ ngày 24/03/2018 thì Cường đến tìm và nói với Hoàng Em là Công an đang đi tìm nên kêu Em đưa số tài sản trộm cắp để Cường cất giấu giùm thì Hoàng Em đưa cho Cường 3.000.000 đồng tiền còn lại sau khi tiêu xài và toàn bộ số trang sức trộm cắp được cho Cường đem về nhà cất giữ, sau đó Cường đưa tiền và vàng cho mẹ là bà Sơn Thị Yến cất giữ, còn 01 vòng đeo tay bằng vàng trắng trọng lượng 4,2 chỉ thì Cường đem cho bà Kim Thị Khiêm. Quá trình điều tra Cơ quan điều tra xác định được Em và Kiệt là người trộm cắp tài sản và Cường là người chứa chấp, tiêu thụ tài sản nên đã tiến hành thu hồi lại số tài sản mà Cường đã nhận từ Hoàng Em, riêng số tiền 18.300.000 đồng thì Kiệt và Em đã tiêu xài hết nên không thu hồi được. Tại bản án số 02/2016/HSST ngày 26/01/2016 của TAND huyện Châu Thành đã tuyên bố bị cáo Liêu Cường phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và nhận định hành vi của bị cáo Cường là chưa gây thiệt hại nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm g, khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 cho bị cáo, hình phạt mà bị cáo phải chịu là 02 năm tù. Trong vụ án này chúng tôi cho rằng việc chỉ xem xét về mặt toàn bộ tài sản mà bị cáo đã chứa chấp, tiêu thụ đã được thu hồi trả lại cho bị hại để nhận định thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại là chưa đúng. Bởi vì mặc dù tài sản mà bị cáo Cường đã nhận từ Hoàng Em đã được thu hồi trả lại cho bị hại nhưng như đã phân tích ở trên, do khách thể xâm phạm của tội này không phải là quyền sở hữu tài sản nên khi bị cáo Cường đã đem số tài sản do phạm tội mà có về để chứa chấp và tiêu thụ, tức là đã chuyển dịch tài sản phạm tội mà có từ người phạm tội sang cho bị cáo cất giấu, tiêu thụ thì hậu quả thiệt hại mà bị cáo đã gây ra cho qui định quản lý của Nhà nước về trật tự cộng cộng tại địa phương là đã xảy ra8. - Vướng mắc thứ ba liên quan đến khách thể tội phạm đó là đối với một số tội thuộc Chương các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế, có khách thể xâm phạm 8 Bản án số 02/2016/HSST ngày 26/01/2016 của TAND huyện Châu Thành, tr. 7 (phụ lục số 2). 14 là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời trong đó hành vi phạm tội còn có thể xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khác tương ứng với từng tội phạm cụ thể thì thực tiễn việc áp dụng tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” cũng còn chưa chính xác. Thể hiện ở việc các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ chú trọng đánh giá đến việc hành vi phạm tội chưa gây ra thiệt hại cho những khách thể mà thiệt hại có thể dễ dàng nhận biết và đo đếm được (ví dụ như giá trị tài sản, mức độ thiệt hại về kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp...) còn các thiệt hại khó có thể đong đếm và thể hiện cụ thể như chính sách quản lý của Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, chính sách tiền tệ hoặc ảnh hưởng của hành vi phạm tội đến sự ổn định của môi trường kinh doanh... thì lại không xem xét đến, trong khi các khách thể này đóng vai trò vô cùng quan trọng và là sự thể hiện rõ nhất tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Chúng tôi xin đưa ra một số vụ án thực tiễn như sau: Vụ án số 3: Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 28/02/2017, Vũ Thị H đến khu vực chân cầu Long Biên, thành phố Hà Nội thì gặp 01 người đàn ông tự giới thiệu với H là có bán tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng với giá bán mỗi tờ là 250.000 đồng (tiền thật) thì H dùng 500.000 đồng tiền thật của mình để mua 02 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng giả. Sau đó đến khoảng 9 giờ ngày 01/03/2017 thì H điều khiển xe mang theo 02 tờ tiền giả đến tiệm tạp hóa của bà Nguyễn Thị Chúc ở quận Long Biên để mua 01 số đồ dùng cá nhân với số tiền là 90.000 đồng, lúc trả tiền thì H đưa cho bà Chúc tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng giả đã mua trước đó, bà Chúc sau khi nhận tiền kiểm tra thì phát hiện là tiền giả nên đã tri hô cho mọi người xung quanh giữ H lại và trình báo Công an. Tại bản án số 181/2017/HSST ngày 29/8/2017 của TAND Quận Nam Từ Liêm, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Vũ Thị H do bị bắt quả tang nên chưa gây thiệt hại nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 cho bị cáo.9 Theo chúng tôi, đối với tội Lưu hành tiền giả thì có khách thể xâm phạm là quy định của Nhà nước về phát hành và lưu hành tiền tệ, gây mất ổn định xã hội và lợi ích của người dân do tác hại của tiền giả, do đó trong trường hợp này ta thấy hành vi của H mua tiền giả của người khác với mục đích hưởng lợi từ việc sử dụng là đã xâm phạm chính sách của Nhà nước về lưu hành tiền tệ, đồng thời hành vi mua tiền giả đã góp phần giúp cho tội phạm sản xuất, lưu hành tiền giả tiêu thụ và đưa thêm được tiền giả ra thị trường đã gây thiệt hại đến sự ổn định xã hội, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân đối với việc đã có tiền giả xâm nhập thị 9 Trang thông tin điện tử Công bố bản án Tòa án nhân dân tối cao, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta36029 t1cvn/chi-tiet-ban-an, (phụ lục số 3). 15 trường nên mặc dù H bị người dân phát hiện khi đang cố tiêu thụ tiền giả chưa gây thiệt hại cho người bán hàng là bà Chúc nhưng không thể xem là trường hợp “chưa gây thiệt hại” nếu xét toàn diện về khách thể mà tội phạm này xâm hại. Vụ án số 4: Do biết Nguyễn Hữu A có máy móc và nhà xưởng nên từ tháng 03 năm 2016, Tô Ngọc Hồng V thuê A tiến hành in nhãn hiệu nhựa Bình Minh giả lên các ống nhựa do V cung cấp thì V sẽ trả tiền công cho A theo sản phẩm, mỗi khi A in xong thì V thuê xe ô tô chở đến giao ở các cửa hàng bán lẻ ở nhiều nơi theo đặt hàng của một người tên T (T biết rõ hàng là giả). Việc sản xuất ống nhựa giả thì không có lập sổ sách lưu lại nhưng A khai nhận cho đến khi bị bắt vào ngày 06/7/2016 thì đã sản xuất được từ 10.000 đến 15.000 sản phẩm ống nhựa giả. Căn cứ theo lời khai của V, Cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra và thu giữ tại công ty S ở Hóc môn 1.193 sản phẩm, công ty H ở quận 12 200 sản phẩm, công ty H ở Hóc Môn 130 sản phẩm ống nhựa giả. Tổng cộng số lượng hàng giả thu giữ được là 1.876 sản phẩm, có giá trị tương đương với hàng thật theo kết quả định giá là 389.383.280 đồng. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định mặc dù các bị cáo khai nhận đã sản xuất khoảng 10.000 đến 15.000 sản phẩm ống nhựa giả và các công ty S, H cũng xác nhận đã mua số sản phẩm ống nhựa của T do V giao đến và đã bán ra thị trường một số sản phẩm nhưng Cơ quan điều tra không thu giữ được số hàng này do các công ty đã bán cho các khách hàng vãng lai không xác định là ai mua và số lượng bao nhiêu, vì vậy không có cơ sở quy buộc các bị cáo về hàng đã bán ra này mà chỉ căn cứ trên giá trị số hàng ống nhựa giả đã thu giữ chưa bán ra thị trường để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Do số sản phẩm ống nhựa này chưa được bán ra thị trường, chưa gây thiệt hại cho người tiêu dùng nên tại bản án sơ thẩm số 175/2017/HSST ngày 22/5/2017 của TAND thành phố Hồ Chí Minh và bản án phúc thẩm số 628/2017/HS-PT ngày 29/11/2017 của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đều áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 đối với các bị cáo10. Theo chúng tôi, trong vụ án này các bị cáo đã phạm vào tội Sản xuất, buôn bán hàng giả có khách thể xâm phạm là quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh hàng hóa, gây mất ổn định thị trường và xâm hại lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Do đó hành vi của các bị cáo trong vụ án này không thể chỉ căn cứ vào việc số hàng giả này có gây thiệt hại cho người tiêu dùng không mà còn phải xem xét đến các khách thể khác bao gồm quy định Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và sự ổn định của thị trường, thể hiện ở việc 1.523 sản phẩm 10 Trang thông tin điện tử Công bố bản án Tòa án nhân dân tối cao, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta5192 6t1cvn/chi-tiet-ban-an, (phụ lục số 4).
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan