Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tiểu luận hành vi cạnh tranh không lành mạnh...

Tài liệu Tiểu luận hành vi cạnh tranh không lành mạnh

.PDF
12
194
98

Mô tả:

LỜI MỞ ĐẦU Kinh tế thị trường được xem là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Cho đến nay chúng ta không thể tìm ra được kiểu tổ chức kinh tế nào có hiệu quả hơn kinh tế thị trường vì nó luôn hàm chứa trong mình những thách thức đối với sự nhạy bén và sáng tạo của con người thông qua môi trường cạnh tranh. Cạnh tranh là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên nếu cạnh tranh quá gay gắt sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp đã và sẽ xâm hại quyền tự do kinh doanh, gây hậu quả xấu cho môi trường kinh doanh, cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cho người tiêu dùng. Cơ chế thị trường cũng đặt ra nhu cầu phải thiết lập và duy trì một môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh. Vì vậy vấn đề chống cạnh tranh không lành mạnh luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Việc xây dựng chế định pháp lý về cạnh tranh, đặc biệt là chống cạnh tranh không lành mạnh đã được các nhà nghiên cứu, lập pháp chú ý nhằm cải thiện môi trường pháp lý, khuyến khích hơn nữa các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên trước một nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sự vận động của các quan hệ kinh tế ngày càng phong phú và đa dạng dẫn đến quy mô cũng như mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong khi đó việc thực thi pháp luật cạnh tranh còn chưa thực sự có hiệu quả, Cơ quan quản lý cạnh tranh còn chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa trong môi trường toàn cầu hóa, công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, việc tận dụng điều kiện đó thông qua hình thức quảng cáo để cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng phổ biến. Do đó, việc đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà đặc biệt là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh luôn là vấn đề vô cùng cấp thiết. NỘI DUNG 1. Lý luận chung về cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh 1.1. Khái niệm cạnh tranh Cạnh tranh là sự chạy đua giữa hai hay nhiều đối thủ. Cạnh tranh trong nền kinh tế về bản chất được hiểu là sự chạy đua giữa các doanh nghiệp trên thị trường nhằm không ngừng tung ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất với giá cả thấp nhất nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. Với mục đích tối ưu hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp, cạnh tranh đã thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra không đều ở các ngành, các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đây là tiền đề vật chất cho sự hình thành các hình thái cạnh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh còn là môi trường đào thải các nhà kinh doanh không thích nghi được với các điều kiện của thị trường. Về các hình thức cạnh tranh: Dựa vào tính chất của thủ đoạn cạnh tranh và ảnh hưởng của nó, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh; Dựa vào mức độ tác động của Nhà nước đối với cạnh tranh, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước; Dưới góc độ cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền. Cạnh tranh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Thứ nhất, nó điều chỉnh quan hệ cung cầu trên cơ sở quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Trong môi trường cạnh tranh khó có thể bóc lột người tiêu dùng vì luôn có một đối thủ khác chào bán sản phẩm với giá tốt hơn. Thứ hai, đảm bảo đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ ba, cạnh tranh tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực xã hội một cách có hiệu quả, là động lực bên trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất thích ứng hàng loạt với sự biến động của nhu cầu xã hội và đổi mới công nghệ. Thứ năm, tạo cơ sở hình thành phương thức hợp lý và công bằng cho quá trình phân phối lại trong xã hội. Thứ sáu, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và đổi mới tổ chức nền kinh tế. Thứ bảy, là môi trường đào thải các nhà sản xuất, kinh doanh không thích nghi được với điều kiện của thị trường. Thứ tam, giúp tạo sự đổi mới chung, thường xuyên và liên tục vì vậy mang lại sự tăng trưởng kinh tế chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên bên cạnh có cạnh tranh cũng có những tác động tiêu cực, thể hiện ở xu hướng phân hóa các doanh nghiệp, phân hóa giàu nghèo, gây ra tình trạng phá sản, nạn thất nghiệp, gây mất ổn định về mặt xã hội, tạo sức ép lớn đối với chính sách kinh tế và chính sách xã hội của mỗi quốc gia. Cạnh tranh không lành mạnh càng tạo ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với người tiêu dùng và với chủ thể tham gia cạnh tranh. 1.2. Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh Xét ở góc độ khái quát, cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cạnh tranh đi ngược lại với các nguyên tắc xã hội, tập quán và truyền thống kinh doanh, xâm phạm lợi ích của các nhà kinh doanh khác, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của toàn xã hội. Có thể nói hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cụ thể, đơn phương vì mục đích cạnh tranh của chủ thể kinh doanh luôn thể hiện tính không lành mạnh (chứ không phải là bất hợp pháp) mà mục tiêu của nó là gây ra cho một hay các đối thủ cạnh tranh sự bất lợi hay thiệt hại trong hoạt động kinh doanh. Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.” Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có những đặc điểm biểu hiện chính như sau: Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các chủ thể tham gia trên thị trường thuộc mọi thành phần kinh tế dù có thuộc doanh nghiệp hay không. Dẫn đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, mọi công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Việc xác định hành vi nào là cạnh tranh không lành mạnh dựa trên hai căn cứ chính đó là căn cứ vào luật định và căn cứ vào tập quán kinh doanh thông thường đã được thừa nhận rộng rãi trong đời sống của thị trường. Thứ ba, hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc xác định hành vi nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một vấn đề rất quan trọng về mặt chính sách. Về nguyên tắc, ngoài các quy định được nêu ra trong Công ước Paris năm 1883, các quốc gia tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu cụ thể của nước mình mà xác định hành vi nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật Cạnh tranh năm 2004 điều chỉnh hầu như toàn diện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định 10 hành vi sau là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; 2. Xâm phạm bí mật kinh doanh; 3. Ép buộc trong kinh doanh; 4. Gièm pha doanh nghiệp khác; 5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; 6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 8. Phân biệt đối xử của hiệp hội; 9. Bán hàng đa cấp bất chính; 10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.” Như vậy Luật Cạnh tranh năm 2004 xác định quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Quảng cáo đưa thông tin sai lệch về dữ liệu của hàng hóa và phương thức điều kiện thương mại là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang tính phổ biến nhất. Hiện nay ở Việt Nam hành vi này diễn ra khá mạnh dưới nhiều hình thức và góc độ khác nhau. Doanh nghiệp có quyền quảng cáo để giới thiệu, khuếch trương về hàng hóa hay dịch vụ của mình. Với bản chất là quá trình thông tin có ý nghĩa lớn trong định hướng hành vi mua sắm và sử dụng dịch vụ của khách hàng, quảng cáo là phương pháp quan trọng giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình, cạnh tranh giành thị phần trên thị trường. Để đạt được mục tiêu này ở mức độ tối đa, một số doanh nghiệp có thể thực hiện hành vi quảng cáo không trung thực như so sánh hàng hóa dịch vụ của mình với hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp khác, sử dụng những sản phẩm quảng cáo hoặc những thông tin có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng… Những hành vi quảng cáo như vậy đều được cho là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Có thể nhận thấy rằng điều khoản này là tương đối rõ ràng nhưng riêng với khoản 3 (Đưa thôn tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây) có sự trùng lặp với Điều 40 (Chỉ dẫn nhầm lẫn). Thêm vào đó khoản 4 (Các hoạt động quảng cáo khác mà pháp luật có quy định cấm) còn chưa liệt kê được rõ ràng là các hoạt động quảng cáo khác mà pháp luật cấm là các hoạt động nào. 2. Thực trạng hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh Không thể phủ nhận được các lợi ích của quảng cáo, các doanh nghiệp cần quảng cáo để đưa sản phẩm thâm nhập thị trường còn người tiêu dùng thì có thêm nhiều thông tin hơn trước khi mua bán hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên với sự xuất hiện tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, quảng cáo có nhiều biến tướng, đôi khi quảng cáo trở thành phương tiện để các doanh nghiệp thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Nói đến ngành quảng cáo Việt Nam, chúng ta thường nghĩ ngay đến một thực tế về sự yếu thế của các doanh nghiệp nội địa trước sự lấn lướt của các hãng quảng cáo nước ngoài. Theo Hiệp hội quảng cáo Việt Nam thì toàn bộ khoảng 3000 doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm vẻn vẹn 20% thị phần quảng cáo trong khi 80% còn lại được nắm giữ bởi khoảng 30 công ty nước ngoài.3 Một thực tế khó có thể phủ nhận là nội dung của các chương trình, tiết mục quảng cáo hàng hóa nước ngoài hay hơn, hấp dẫn hơn so với quảng cáo của Việt Nam. Có thể nói nó đã trở thành một món ăn tinh thần của đại đa số người xem truyền hình. Cuộc chiến trong lĩnh vực quảng cáo đầy kịch tính và nóng bỏng. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài lẫn các doanh nghiệp trong nước. Có thể nhận thấy các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo tồn tại chủ yếu dưới các dạng sau: 2.1. Quảng cáo không trung thực Các hành vi quảng cáo gian dối, quảng cáo quá lố về quy cách, phẩm chất của hàng hóa đang diễn ra một cách công nhiên ở nước ta. Các chỉ số mà quảng cáo đưa ra thì có cơ quan nhà nước nào đứng ra kiểm chứng được hay không. Nguy hiểm hơn cả là quảng cáo không trung thực về các loại dược phẩm, đặc biệt các sản phẩm tăng trí thông minh, tăng cường sức khỏe… Quảng cáo gian dối về giá cũng là một hình thức quảng cáo điển hình hiện nay. Quảng cáo này gây nhầm lẫn nhất cho người tiêu dùng, tạo ấn tượng rằng mức giá này mới là hết sức lợi nhuận. Những lời quảng cáo thiếu trung thực xuất phát từ việc lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ của khách hàng nhằm móc túi người tiêu dùng. Các nhà cung cấp lợi dụng các khe hở của pháp luật vì họ thừa hiểu rằng để kiểm định được những chỉ tiêu đó không phải là việc đơn giản và có thể thực hiện được bất cứ lúc nào. 2.2. Quảng cáo so sánh. Đây là loại quảng cáo nhằm hạ thấp danh tiếng của một sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh để nâng cao sản phẩm, dịch vụ của mình trên cơ sở so sánh hai loại sản phẩm với nhau. Ví dụ Viettel đưa ra so sánh giá cước dịch vụ với VNPT. Có những loại quảng cáo so sánh tuy không đưa ra trực tiếp cụ thể doanh nghiệp, sản phẩm nào nhưng lại đưa ra thông tin làm cho khách hàng nghĩ ngay đến loại sản phẩm nào và của doanh nghiệp nào. Mặc dù Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định cấm các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, song dường như điều này còn tỏ ra kém hiệu lực khi mà những hành vi quảng cáo này vẫn tiếp diễn liên tục dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi hay quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. 2.3. Quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Ở loại hành vi quảng cáo này, người quảng cáo đưa vào các nội dung các chỉ dẫn nhằm mục đích cố tình gây ra sự hiểu sai lệch về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Hoặc hành vi quảng cáo mang tính lừa gạt ngừoi tiêu dùng là quảng cáo hứa thưởng nhưng phần thưởng không hề được trao đến tay người tiêu dùng. 3. Đề xuất xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng 3.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh Thứ nhất, bổ sung một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới vào Luật Cạnh tranh năm 2004. Thứ hai, sửa đổi Luật Cạnh tranh theo hướng bảo vệ lợi ích người tiêu dùng một cách thiết thực hơn. Thứ ba, đề xuất về đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh năm 2014 nên là tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường với mục đích cạnh tranh chứ không nên giới hạn bó hẹp là doanh nghiệp. Thứ tư, Luật Cạnh tranh cần đảm bảo sự tương thích, hài hòa với các luật liên quan. 3.2. Về thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh Sự chồng chéo về thẩm quyền trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khiến doanh nghiệp không biết trình báo sự việc đến cơ quan nào, như thế nào. Do vậy Luật Cạnh tranh cần quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, mà thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về hai cơ quan chuyên trách là Cục quản lý cạnh tranh và Tòa án. 3.3. Nâng cao năng lực và thẩm quyền của Cục quản lý cạnh tranh trong việc xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp. Theo Luật Cạnh tranh năm 2004 thì Cục quản lý cạnh tranh có vai trò trung tâm, then chốt, quyết định đến hiệu quả trong việc phòng, chống đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cục quản lý cạnh tranh không chỉ có nhiệm vụ điều tra mà còn có cả nhiệm vụ xử lý, xử phạt đối với các hành vi này. Tuy nhiên thực tế từ khi ra đời đến nay, Cục quản lý cạnh tranh chỉ tiếp nhận một số lượng rất ít các vụ liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trong số đó cũng chỉ giải quyết được một số vụ. Do đó cần có những giải pháp để phát huy hiệu quả nhất với vị trí, chức năng và nhiệm vụ mà Luật Cạnh tranh đã giao cho cơ quan này như nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng năng lực cán bộ, nâng cao thẩm quyền của Cục quản lý cạnh tranh. Ngoài ra cần nâng cao ý thức pháp luật và tự bảo vệ của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, xây dựng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, phát huy vai trò của thương lượng và hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. KẾT LUẬN Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật tạo khung pháp lý cho nền kinh tế nước ta, góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng cũng như hạn chế được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Cạnh tranh năm 2004; 2. Nghị định của Chính phủ số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; 3. Nghị định của Chính phủ số 119/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh; 4. Đặng Vũ Huân, Pháp luật về kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; 5. Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Cạnh tranh và xây dựng pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan