Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thực hành đốt vàng mã ở hà nội (qua khảo sát ở đình thôn, phường mỹ đình 1, quận...

Tài liệu Thực hành đốt vàng mã ở hà nội (qua khảo sát ở đình thôn, phường mỹ đình 1, quận nam từ liêm, hà nội)

.PDF
97
764
116

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN TIẾN HƯNG THỰC HÀNH ĐỐT VÀNG MÃ Ở HÀ NỘI HIỆN NAY (Qua khảo sát ở Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) LUẬN VĂN THẠC SỸ VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI, 2016 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN TIẾN HƯNG THỰC HÀNH ĐỐT VÀNG MÃ Ở HÀ NỘI HIỆN NAY (Qua khảo sát ở Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Chuyên ngành: Văn Hóa Học Mã số: 60 31 0640 LUẬN VĂN THẠC SỸ VĂN HÓA HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. ĐỖ LAN PHƯƠNG HÀ NỘI, 2016 LỜI CẢM ƠN Trong quá trình thực hiện đề tài “Thực hành đốt vàng mã ở Hà Nội (qua khảo sát ở Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)”, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, cơ quan trong việc khảo sát, thu thập tư liệu. Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các cấp chính quyền, nhân dân Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi được tìm hiểu, nghiên cứu về thực hành đốt vàng mã tại địa phương. Đặc biệt, cho tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới giáo viên hướng dẫn, TS. Đỗ Lan Phương - người đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong việc định hướng cũng như tiếp cận các nguồn tư liệu để tôi có thể hoàn thành luận văn. Nhân đây, tôi cũng gửi lời cám ơn tới các đơn vị cơ quan: Thư viện Quốc Gia Việt Nam, thư viện Hà Nội; thư viện Học viện Khoa học xã hội, thư viện Viện Văn Hóa, thư viện Bảo tàng Dân tộc học, thư viện trường ĐH Văn hóa Hà Nội, thư viện trường CĐ Thương mại Du Lịch Hà Nội, ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, bộ phận Văn hóa - Xã hội phường Mỹ Đình 1, tổ dân phố Đình Thôn,… và một số cơ quan ban ngành khác cùng các thầy cô, các nhà nghiên cứu, các cá nhân, các gia đình, bạn bè đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành bài luận văn này. Xin chân thành cám ơn. Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2016 Tác giả Nguyễn Tiến Hưng LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các tư liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực, trích dẫn rõ dàng. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu kết quả là sản phẩm sao chép đã được công bố. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TỤC ĐỐT VÀNG MÃ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU ........................................................................ 7 1.1. Khái quát về nghề mã và tục đốt vàng mã của người Việt ..................... 7 1.2. Khái quát về Đình Thôn ........................................................................ 19 Tiểu kết Chương 1...................................................................................... 24 Chương 2: THỰC HÀNH ĐỐT VÀNG MÃ CỦA CƯ DÂN ĐÌNH THÔN HIỆN NAY ..................................................................................................... 25 2.1. Thực hành đốt vàng mã tại các không gian thờ tự cộng đồng .............. 25 2.2. Thực hành đốt vàng mã tại nghi lễ gia đình ......................................... 30 Tiểu kết Chương 2 ......................................................................................... 49 Chương 3: KHÍA CẠNH VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA HOẠT ĐỘNG ĐỐT VÀNG MÃ HIỆN NAY ................................................................................ 50 3.1. Đốt vàng mã - một thực hành tín ngưỡng giúp cân bằng quan hệ gia đình và xã hội ............................................................................................... 50 3.2. Đốt vàng mã phản ánh sự thay đổi kinh tế, phân hóa xã hội ................ 54 3.3. Đốt vàng mã và thay đổi trong quản lý thực hành tín ngưỡng ............. 57 3.4. Đốt vàng mã - những hệ quả tiêu cực đến kinh tế, xã hội .................... 63 Tiểu kết Chương 3 ......................................................................................... 66 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Với quan niệm “chết” không phải là hết mà chỉ là một bước chuyển để con người sang một thế giới khác - thế giới của người âm, giống như thế giới của người đang sống - trần gian, những linh hồn của thế giới bên kia cũng có những nhu cầu về ăn, ở, đi lại, cần tiền để tiêu, cần quần áo để mặc…vì vậy, những người đang sống phải có trách nhiệm cung cấp những vật dụng này cho người âm, Khổng Tử nói,“sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” theo đó người ta ứng xử với người đã qua đời như với người còn sống qua nghi lễ thờ cúng. Ban đầu, người ta cúng các đồ thật nhưng sau này với ý nghĩa nhân văn và tránh lãng phí của cải cho xã hội, người ta dần thay đồ thật thành những đồ giả, làm bằng giấy, gọi là đồ mã. Đồ mã ra đời và tục hóa mã để gửi xuống cho người âm đã dần trở thành một tục lệ phổ biến trong các thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần linh như một phương tiện và cách thức để con người đi vào thế giới tâm linh. Người dân Đình Thôn nói riêng, người dân Việt nói chung sử dụng đồ mã ở hầu hết các nghi lễ, đã thành thói quen diễn ra phổ biến tại nhiều địa điểm: gia đình, cộng đồng dân cư, các địa điểm tín ngưỡng tôn giáo…Tuy nhiên, không phải tất cả người dân đều hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của tục đốt vàng mã mà nhiều khi chỉ thực hành theo thói quen và bắt chước (nhìn) người khác làm. Bên cạnh đó, nhiều mặt của xã hội có những thay đổi nhanh chóng đã kéo theo nhiều thay đổi trong việc sử dụng đồ mã. Đó là sự nảy sinh tâm lý mới khi đốt vàng mã, cách thức người ta đốt vàng mã cũng như sự xuất hiện của nhiều loại hình đồ mã mới được dùng trong xã hội hiện nay; Bên cạnh những giá trị nhân văn, văn hóa do hoạt động đốt vàng mã đem lại thì hoạt động đốt vàng mã của người dân Việt nói chung, của cư dân 1 Đình Thôn nói riêng cũng nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, môi trường, văn hóa, tâm lý của cộng đồng dân cư. Thậm chí, ngay cả những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc sản xuất, buôn bán và tiêu dùng đồ mã cũng nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu sử dụng đồ mã trong việc thực hành tín ngưỡng của người dân tại các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm công cộng. Xuất phát từ những vấn đề trên, tôi lựa chọn đề tài “Thực hành đốt vàng mã ở Hà Nội hiện nay (qua khảo sát tại Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)” làm đề tài luận văn Thạc sĩ Văn hóa học. Từ nghiên cứu ở một địa bàn cụ thể, tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ đem lại cái nhìn tổng quan về hoạt động đốt vàng mã từ nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa đến những biến đổi của hoạt động này. Qua đó, nội dung nghiên cứu cũng hướng tới những lý giải về hiện tượng đốt vàng mã và những biến đổi của nó trong xã hội hiện nay cũng như những tác động của thực hành tín ngưỡng này đối với kinh tế, tài nguyên, môi trường và xã hội. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Từ trước tới nay, nghiên cứu về vàng mã đã có rất nhiều công trình, thường đi vào những hướng nghiên cứu như: Những công trình tiếp cận trên cơ sở các làng nghề sản xuất đồ mã, trong đó phải kể đến cuốn Bắc Ninh địa dư chí (Đỗ Trọng Vĩ, 1891), hay cuốn Làng Nghề thủ công truyền thống (Bùi Văn Vượng, 1998), luận văn thạc sỹ Văn hóa học của Nguyễn Thị Việt Anh (năm 2013) đề cập đến nghề làm vàng mã ở Đông Hồ, Thuận thành, Bắc Ninh, đề cập đến đồ mã chủ yếu ở khâu sản xuất với tư cách là các làng nghề truyền thống của địa phương. Đến luận văn của Hồ Phước Nguyên (năm 2014) về Nghề làm hàng mã ở Huế, ngoài việc đề cập tới nguồn gốc nghề mã, lịch sử du nhập Việt Nam, tác giả đi vào khảo cứu nghề này tồn tại ở Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử, chỉ ra những 2 đặc trưng riêng về cách làm, tổ chức thợ nghề, chủng loại và cách dùng đồ mã trong các thực hành nghi lễ cho trẻ em, thờ cúng tổ tiên, cúng thần linh của cộng đồng, qua đó tác giả chỉ ra những nét riêng trong tục đốt đồ mã ở Huế và một số biến đổi của tục đốt đồ mã ở Huế hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có một số các công trình đề cập đến tục đốt vàng mã, sử dụng đồ mã của người dân, coi vàng mã như một vật lễ, một phương tiện để kết nối âm - dương, điển hình là các cuốn Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính, 1990), Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam (Toan Ánh, 2000), Đồ thờ trong di tích người Việt (Trần Lâm Biền, 2003), đều đề cập tới thực hành đốt mã, nơi chốn thực hiện, nhưng là những mô tả trong quá khứ. Nhưng với bài viết của Nguyễn Kim Hiền: “Vàng mã cho người sống, chuyển hóa tâm linh trong một xã hội mở” in trong cuốn Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay (Nhiều tác giả, 2008), tác giả đã đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa việc đốt vàng mã với đời sống xã hội đang chuyển đổi ở miền Bắc Việt Nam. Tác giả đã dựa trên cơ sở nghiên cứu vị thần Chúa Kho làng Cổ Mễ (Bắc Ninh) và cách người dân sử dụng đồ vàng mã, cách người ta thực hiện các nghi lễ để thấy được một số vấn đề có liên quan đến sự chuyển dịch/chuyển đổi cơ cấu kinh tế - chính trị của xã hội Việt Nam qua các giai đoạn phát triển. Một số bài viết, công trình nghiên cứu có nhắc đến nghề làm vàng mã và tục đốt vàng mã trong cơ sở tôn giáo như: luận văn Đồ mã trong điện thờ Mẫu (Luận văn cao học Viện nghiên cứu Văn hóa của Giang Nguyệt Ánh, 2007), hay đồ mã được dùng trong các ngày lễ tết, ngày rằm qua bài viết “Đồ mã rằm tháng bảy, những lớp văn hóa truyền thống - hiện đại” của Trang Thanh Hiền (2003) trên tạp chí Văn hóa dân gian,…; Bên cạnh các bài viết, các công trình nghiên cứu về nghề làm vàng mã, về tục đốt vàng mã thì cũng có nhiều bài báo hàng ngày cập nhật vấn đề lãng 3 phí, gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác do hoạt động đốt vàng mã gây ra, ví dụ bài viết của Quách Chí Dũng “Lãng phí lớn từ vàng mã” đăng trên báo Nhân dân cuối tuần, số 17 (430), 27/4/1997; bài viết “Đốt vàng mã, một hủ tục cần bài trừ” của Nguyễn Thanh Dũng đăng trên báo Thanh Niên ngày 24/12/2013; hay một số bài viết của tác giả Như Trường: “Kinh hãi những vụ đốt vàng mã gây đại họa” trên báo Pháp luật plus ngày 01/02/2016; Hoàng Liên Tâm có bài “Suy ngẫm về việc đốt vàng mã iphone, ipad một hủ tục mê tín cần phải bỏ” trên báo Vườn hoa Phật giáo,…; Như vậy, các công trình nghiên cứu, các bài viết trên đề cập đến một hay vài khía cạnh liên quan đến vàng mã: có thể là nơi sản xuất với tư cách là một làng nghề, hay chỉ là các loại hình (sản phẩm) đồ mã, hoặc chỉ nhắc đến việc đốt vàng mã như là một “tục” của người dân, khía cạnh kinh tế của tục này khi bị xem là sự lãng phí, hay ở khía cạnh niềm tin với những mặt trái của thực hành tín ngưỡng này. Vì vậy, thông qua luận văn tác giả mong muốn giúp người đọc có cái nhìn bao quát, toàn diện về thực trạng sử dụng và đốt vàng mã trên địa bàn Hà Nội qua khảo sát cụ thể tại Đình Thôn, Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: từ nguồn gốc, ý nghĩa đến những biến đổi, hệ lụy của hoạt động này. Trên cơ sở đó, luận văn có những luận giải về việc sử dụng đồ vàng mã của người dân trong xã hội hiện nay cũng như những bất cập trong việc thực hiện các văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến vàng mã, mối quan hệ giữa nhu cầu thực hành tâm linh và đời sống xã hội của người dân. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu việc sử dụng đồ vàng mã của người dân Đình Thôn với các mục đích khác nhau trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và mối quan hệ của nó với đời sống văn hóa - xã hội hiện nay. 4 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Tìm hiểu quan niệm về thế giới quan của cộng đồng cư dân Đình Thôn về người sống và người đã khuất thông qua các hoạt động văn hóa liên quan đến hoạt động đốt vàng mã; Tìm hiểu những biến đổi trong tục đốt vàng mã ở Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội) trong những năm đầu thế kỷ XXI trở lại đây, ảnh hưởng của chúng đối với xã hội hiện nay trên phương diện kinh tế, tài nguyên, môi trường, đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân cũng như những bất cập của các văn bản nhà nước liên quan đến hoạt động đốt vàng mã. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận văn xác định đối tượng chính là hoạt động đốt vàng mã với các thành tố văn hóa liên quan: quan niệm, ý nghĩa, đối tượng, địa điểm, loại hình vàng mã đem đốt, đồng thời nghiên cứu sự tác động của hoạt động đốt vàng mã này đối với kinh tế, văn hóa của cộng đồng; Trong phạm vi luận văn chỉ dừng lại tìm hiểu hoạt động đốt vàng mã của người Việt ở Hà Nội qua khảo sát tại địa bàn Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp điều tra khảo sát, điền dã thực tế để thu thập tài liệu (quan sát, ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, chụp ảnh,…); Cùng với các phương pháp điều tra khảo sát, điền dã thực tế, tác giả cũng sử dụng phương pháp khảo cứu, sưu tầm, phân tích các tài liệu (sách, báo, bài viết,…) có liên quan đến hoạt động sản xuất và đốt vàng mã; Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành: văn hóa học, tôn giáo học, xã hội học trong việc phân tích so sánh và đánh giá tư liệu,…. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 5 Luận văn sau khi hoàn thành góp phần cung cấp tư liệu tổng quát liên quan đến hoạt động đốt vàng mã của cư dân Đình Thôn (nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, quan niệm về thế giới sống - chết,…) cũng như những xu hướng biến đổi, tác động của hoạt động này đến đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân hiện nay. Thông qua luận văn cũng giúp cho cơ quan quản lý văn hóa địa phương có những điều chỉnh, hướng dẫn việc thực hành tín ngưỡng nói chung, hoạt động đốt vàng mã nói riêng của người dân sao cho vừa đúng chủ trương đường lối của Nhà nước vừa giữ gìn nét truyền thống văn hóa của dân tộc. 7. Cơ cấu luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm ba chương. Chương 1: Khái quát về tục đốt vàng mã của người Việt và địa bàn nghiên cứu. Chương 2: Thực hành đốt vàng mã của cư dân Đình Thôn hiện nay. Chương 3: Khía cạnh văn hóa - xã hội của hoạt động đốt vàng mã hiện nay. 6 Chương 1 KHÁI QUÁT VỀ TỤC ĐỐT VÀNG MÃ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Khái quát về nghề mã và tục đốt vàng mã của người Việt 1.1.1. Khái niệm vàng mã và lịch sử nghề mã Người Hoa gọi vàng mã là “kim chỉ” [金紙] tức là vàng giả bằng giấy, “âm ti chỉ” [陰司紙] tức là tiền giấy âm ti, “chỉ tiền”[紙錢] tức là tiền giả bằng giấy, “minh tệ”[冥幣] tức là tiền âm phủ. Và với thuật ngữ tiếng Anh, “joss-paper” mang ý nghĩa bao quát, chỉ chung cho tất cả các loại giấy tiền, vàng mã kể cả mô hình vật dụng, hình nhân thế mạng [13, dẫn theo Phạm Hữu Dũng]. Ở Việt Nam, chúng ta đang tồn tại các khái niệm vàng mã, đồ mã, tiền âm phủ như: Tiền âm phủ (còn gọi là tiền địa phủ, tiền vàng bạc, tiền vàng mã) là một loại giấy kích thước và trang trí giống (hoặc gần giống) như giấy bạc thật, được dùng để cúng bái trong các dịp ma chay, đám giỗ, cúng tiến, làm lễ chùa.v.v. [Bách khoa toàn thư mở Wikipedia]; Đồ mã là khái niệm chỉ chung những đồ làm bằng giấy và có thể đốt được, gồm: nhà, xe, voi, ngựa, đồ đạc, quần áo và trang sức, hình nhân,… Theo quan niệm dân gian, muốn người âm nhận được thì đồ lễ phải được đốt (hóa) sau khi dâng cúng, vì thế, đồ mã thường làm bằng những nguyên liệu dễ cháy như giấy, nan tre khô. Vàng mã là những thỏi vàng, bạc hay tiền địa phủ (sau này người ta in giống như tiền thật) được làm bằng giấy để cúng đốt cho người đã chết theo tín ngưỡng dân gian. 7 Trong phạm vi luận văn, tác giả sử dụng khái niệm đồ mã với ý nghĩa chung nhất bao gồm toàn bộ sản phẩm được làm bằng giấy, tre được dùng trong các nghi lễ thờ cúng và được đốt (hóa) đi khi cúng xong. Với cách hiểu như trên thì đồ mã rất đa dạng từ tiền vàng đến các vật dụng mô phỏng: ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, ô tô, xe máy, biệt thự, iphone, ipad,… hoặc đến các loại voi, ngựa, hình nhân thế mạng. Đốt đồ mã hay còn gọi là hoá vàng là một tập tục lâu đời tồn tại cho đến ngày nay ở các quốc gia: Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến hiện nay, chưa có bất cứ tài liệu nào cho ta biết nghề làm hàng mã, tục đốt vàng mã du nhập, xuất hiện ở nước ta chính xác từ bao giờ và đa số người dân cho rằng tục hoá vàng hay đốt vàng mã là một hiện tượng văn hoá nội sinh có truyền thống lâu đời và gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, đây là một quan niệm phiến diện, bởi tập tục đốt vàng mã là một hiện tượng văn hoá ngoại sinh được du nhập vào nước ta trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc (111 TCN - 938 SCN). Sách An Nam chí có viết: “Tục người Giao Chỉ chuộng quỷ hàng năm vào tháng bảy, họ làm rất nhiều mâm bàn, quần áo mã để tế trời,…” hay trong Dã sử cũng ghi “Thời Hùng Vương, vào tháng bảy hàng năm lệnh cho Đông Hồ chế ra các loại voi, thuyền, xe, ngựa, đồ dùng quần áo để tế trời,.…” [2, tr.26, dẫn theo Nguyễn Thị Việt Anh]. Mặc dù không biết thời điểm chính xác của việc sản xuất hàng mã và tục đốt vàng mã du nhập vào nước ta từ bao giờ nhưng qua các nguồn sử liệu và truyền thuyết đều cho chúng ta biết, nó đã có từ lâu đời và gắn liền với tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt. 8 Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh (từ cây cỏ, động vật, con người) đều có linh hồn và thể xác. Phần xác chính là phần thực thể mà chúng ta có thể cầm, nắm, nhìn thấy,… sau một thời gian tồn tại sẽ bị lão hóa, chết đi và phân hủy. Còn phần hồn, trú ngụ trong vỏ bọc là phần xác, phần hồn này chúng ta không thể nhìn thấy, không nắm bắt được mà chỉ có thể cảm thấy. Khi phần xác chết đi, phần hồn sẽ thoát ra và tồn tại ở một thế giới khác “thế giới của người âm” nhưng hồn của người đã qua đời luôn dõi theo những hoạt động của người đang sống và luôn phù hộ độ trì cho con cháu hoặc báo oán với những người đã làm hại mình hoặc con cháu nhà mình. Với quan niệm “trần sao âm vậy” những linh hồn tồn tại ở thế giới người âm cũng có những nhu cầu như của con người khi còn sống như: ăn, mặc, ở, đi lại và các nhu cầu sinh hoạt, giải trí khác,…. Chính vì vậy, những người còn sống (con cháu, người thân quen) phải cung cấp cho người âm những vật dụng này. Ban đầu người ta chôn người, đồ dùng, vật dụng thật gọi là “tế khí” [祭器]; sau này được thay thế bằng các đồ mô phỏng theo đồ thật bằng đất sét, tre, gỗ,… gọi là “minh khí” [明器]) để chôn theo người đã mất. Thời nhà Hạ (năm 2205 TCN), người ta mới bắt đầu dùng đất sét để nặn làm mâm bát và dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông, khánh, đàn sáo .v.v.. để chôn theo người chết. Ngoài việc chế ra đồ dùng cho người chết người ta còn chế ra người bù nhìn bằng gỗ để làm kẻ hầu người hạ cho người chết “…đã chế ra đồ dùng cho người chết, tất phải có người hầu hạ người chết, người ta mới lại chế ra người bù nhìn bằng gỗ đem chôn theo người chết” [53, tr.48]. Đến đời nhà Ân (năm 1765 TCN), người ta không chôn theo người chết những đồ dùng, vật dụng, bù nhìn bằng tre gỗ nữa mà dùng toàn đồ thật để chôn theo. Đến đời nhà Chu (năm 1122 TCN), khi các vua chúa băng hà người ta lại dùng cả đồ vật giả theo lệ nhà Hạ và đồ thật theo lệ nhà Ân để 9 chôn theo; còn đối với hạng sĩ phu tới những người bình dân, khi chết chỉ được chôn theo đồ giả. Không những vậy, người ta còn đặt ra tục “tuẫn táng” - nghĩa là khi các vua và các quan lớn chết đi thì từ vợ con, người hầu đến các đồ yêu quý của người đã chết sẽ phải đem chôn sống để hầu hạ, làm đồ dùng cho người chết ở thế giới bên kia. Sách Tả Truyện chép: “Đời vua Văn Công thứ sáu, vua Trần Mục Công tên là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo Mục Công”. Về sau này, người ta thấy việc đem người sống chôn theo người chết là vô nhân đạo, mới chế ra người cỏ nhưng sau vì thấy người cỏ không được mỹ thuật, người ta lại dùng đồ gỗ “Mộc ngẫu” như trước. Sách Trang Tử chép: “Vua Mục vương nhà Chu (năm 1001 TCN) có người tên là Yến Sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết”. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này liền than rằng: “Kẻ nào sinh ra tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân”. Thầy Mạnh Tử cũng đau buồn với tục hình nhân thế mệnh mà nguyền một câu rằng: “Kẻ nào dùng người bù nhìn là tuyệt tự”. Đến thời nhà Hán, giới trí thức Nho học cảm động với lời tuyệt cự thống thiết của ngài Khổng, Mạnh trong tục lệ dùng người sống chôn theo với người chết, mới bỏ tục lệ “tuẫn táng”, không dùng người sống chôn theo với người chết nữa, nhưng lại làm ra nhà mồ để cho vợ, con, tôi, tớ người đã chết ra để ấp mộ. Còn các thức đồ ăn mặc,... của người chết, khi còn sống dùng những thứ gì, khi chết cũng đem chôn theo hết. Ngoài ra, người ta còn đục phỗng đá, voi, ngựa đá để bài trí chung quanh phần mộ. Đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (năm 105), ông Thái Luân bắt đầu lấy vỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy, vì đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo,... đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách Thông Giám cương mục có chép: vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ 10 thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng khi nhà vua có tế lễ [53, tr.50]. Về tục đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7 là do xuất phát từ câu chuyện: Vào thời vua Đại Tông nhà Đường (726 - 779), nhằm lúc Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày của Diêm Vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ, trong việc lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân dùng” [53, tr.51]. Vua Đại Tông đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ, từ đó nhân dân lại thi nhau đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy để kính biếu gia tiên. Nhưng chẳng bao lâu lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ, vì cho rằng việc đốt vàng mã vào ngày lễ trọng của Phật giáo đã làm cho cái lệ ngày 15/7 không còn có chính nghĩa nữa. Phần lớn dân chúng Trung Hoa hồi đó đã tỉnh ngộ, cùng nhau bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề nghiệp vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là người Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã. Thất nghiệp, Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, đã có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn, nước uống. Đương khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân với gia nhân và họ hàng của ông, đem cả hàng ngàn loại đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mệnh ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ, khi mọi người đương suýt xoa khấn khứa, bỗng trăm nghìn mắt như một, trông thấy hai năm rõ mười, cỗ quan tài rung động lên. Bấy giờ, Vương Luân đã đứng 11 sẵn bên quan tài, người giả chết kia cũng lò dò ngồi dậy, giả vờ lù dù, trông trước, trông sau, mới bước từ quan tài ra, với một điệu bộ như người chết đi sống lại, rồi thuật lại chuyện với công chúng rằng: “Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mệnh cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế”. Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mạng được và thánh thần trong tam, tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng vì không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã, mà đến cả thiên, địa, quỷ, thần trong tam, tứ phủ cũng tiêu dùng đồ vàng mã,.... 1.1.2. Quy trình sản xuất, sản phẩm và các vùng sản xuất hàng mã Đồ mã là những sản phẩm được làm ra để đốt sau khi cúng, vì vậy nguyên liệu để làm các đồ này chủ yếu là các chất liệu dễ cháy như: tre, nứa, giấy và phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Qua khảo sát tại một số làng nghề (Đông Hồ - Bắc Ninh, làng Cót – Hà Nội, một số làng nghề đồ mã ở Thường Tín – Hà Nội…), tác giả đã khái quát về chu trình sản xuất, công cụ, sản phẩm và nguyên liệu để sản xuất đồ mã hiện nay, cụ thể như sau: a. Nguyên liệu Tre: phải là tre già sau khi mua về được trẻ mỏng, phơi khô. Phần cật để đan khung cho sản phẩm, các phần còn lại để chế tác các sản phẩm mã khác. Giấy: có nhiều loại dày, mỏng khác nhau phù hợp với yêu cầu của sản phẩm: giấy cát tông, giấy bìa cứng, giấy màu, giấy hoa,…. Các loại hình nhân thế mạng, mũ nón được làm từ các loại giấy dày, giấy mỏng để làm giấy tiền vàng, giấy màu và giấy thiếc để dập khuôn hình hoa văn trang trí cho các loại sản phẩm. Trước kia, giấy được nhuộm từ các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên: màu đen thì dùng than của lá tre hay than của rơm nếp; màu trắng óng 12 ánh thì từ vỏ trai, vỏ điệp nghiền mịn; màu xanh từ lá cây chàm hay rỉ đồng, màu vàng từ hoa hòe, quả dành dành; gấc tươi tạo màu đỏ,…. Ngày nay, giấy được nhuộm màu công nghiệp với nhiều màu sắc khác nhau được nhập từ Trung Quốc và ngày càng được sử dụng nhiều trong sản xuất hàng mã. Hồ dán: trước kia, hồ được làm từ bột gạo nếp trộn với nước vôi trong sau đó được khuấy đều đun sôi để tạo độ dẻo, quánh và dính. Ngày nay, để giảm chi phí sản xuất, người ta thay bột gạo nếp bằng bột sắn cũng cho ra loại hồ có độ kết dính tương tự như hồ bột nếp [10. PL04]. Ngoài ra, trong sản xuất hàng mã cụ thể là các mặt hàng đồ gõ những người thợ còn sử dụng nguyên liệu là đất sét. Đất sét sau khi được lấy lên từ ao, hồ được ngâm và pha trộn với hồ dán để tạo thành nguyên liệu có độ kết dính cao. b. Dụng cụ trong sản xuất Để tạo ra các sản phẩm hàng mã ngoài đôi tay tài hoa của những người thợ, nghệ nhân, trong quá trình sản xuất còn sử dụng thêm một số công cụ để tạo tác sản phẩm như: bàn trổ, mũi đục, dùi đục, dao trổ, kim đục, kéo, chổi: Bàn trổ: Bàn trổ dùng để trổ giấy mã, bàn trổ được tạo nên từ hỗn hợp: mỡ trâu, mọt gỗ lim và sáp ong. Hỗn hợp này được đun sôi lên và đổ vào khuôn gỗ hình chữ nhật [9. PL04]. Dao, kéo: trong quá trình tạo tác sản phẩm người thợ sử dụng nhiều loại dao khác nhau: dao trổ - để trổ giấy và thường được làm từ lưỡi cưa cũ mài sắc và có gắn cán bằng tre, gỗ; dao mã - để cắt và dọc giấy và cũng nhiều kích thước khác nhau. Kéo: có loại kéo răng cưa để tạo cắt hoa văn cho sản phẩm và kéo thông thường để cắt giấy [9. PL04]. Chổi: được làm bằng lá thông, trong quá trình gõ sản phẩm dùng để phết đất thó. 13 Đồ đục: gồm có mũi đục, dùi đục và kim đục. Mũi đục được làm bằng thép với nhiều hình dạng kích cỡ khác nhau để đục tạo hình hoa văn trên từng thếp giấy. Dùi đục làm bằng gỗ cứng dùng để gõ lên đục hoặc kim đột trong quá trình tạo tác hoa văn cho sản phẩm. Kim đục được làm bằng kim loại với kích thước to nhỏ, dài ngắn khác nhau có gắn chuôi tre, gỗ. Ngoài các dụng cụ truyền thống, ngày nay để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa nhiều loại máy móc cũng được đưa vào sản xuất như máy cắt giấy, máy dập khuôn, máy photo, máy in màu,.… [7,8. PL04]. c. Quy trình sản xuất Để tạo ra một sản phẩm vàng mã phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, tùy theo từng loại hình sản phẩm mà quy trình sản xuất có độ phức tạp riêng, song nhìn chung phải trải qua các khâu chính sau: chọn mẫu và làm khuôn sản phẩm; định dạng, lắp ráp tạo hình cho sản phẩm; đóng gói sản phẩm. Chọn mẫu và làm khuôn sản phẩm: Sản phẩm hàng mã đa dạng tùy theo mục đích sử dụng cũng như yêu cầu của khách đặt hàng. Trước kia, các mẫu sản phẩm được lấy từ nguyên mẫu là các vật dụng thường ngày của người đang sống: quần áo, giầy dép, bát đĩa,… sản phẩm này được các thợ có tay nghề làm tạo thành các mẫu hàng đẹp, chuẩn từ đó các thợ khác bắt chước và làm theo. Ngày nay, các mẫu mã đa dạng hơn và việc chọn mẫu cũng dễ dàng hơn do có những hình mẫu sẵn có được người thợ cập nhật từ trên internet. Đối với những sản phẩm không cần khuôn người thợ chỉ cần cắt hoặc in theo các hình mẫu sau đó được bẻ gấp, dán ghim lại tạo thành sản phẩm. Còn đối với những sản phẩm phải cần khuôn hoặc cốt (khung) tre thì người thợ tiến hành thấm giấy qua hồ dán, sau đó dán, ép nếp lên những khuôn (khung) đã có. Các sản phẩm làm từ khung tre thì tiến hành dán giấy mầu và 14 hoa văn để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh; các sản phẩm làm từ khuôn thì phải chờ cho hồ se lại thì bóc sản phẩm ra khỏi khuôn sau đó phơi khô tạo thành các phôi sản phẩm. Các phôi sản phẩm này sau đó được dán giấy màu, hoa văn để tạo thành các sản phẩm theo yêu cầu [11,12. PL05]. Định dạng, lắp ráp tạo hình cho sản phẩm: Các sản phẩm được cắt, dán, ghim, kết nối với nhau theo các hình mẫu đã có một cách cẩn thận, chính xác và trang trí hoa văn để tạo thành sản phẩm hoàn thiện. Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm: Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được đóng gói thành từng lô, từng bịch, từng khối để chờ xuất xưởng theo các đơn đặt hàng từ trước. d. Sản phẩm hàng mã Sản phẩm hàng mã đa dạng, phong phú về chủng loại và loại hình đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người đang sống. Vì vậy, thật khó để có thể thống kê đầy đủ và chính xác các loại và loại hình sản phẩm hàng mã. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn tác giả tạm chia hàng mã ra làm ba loại chính: tiền vàng; đồ minh y (quần áo, giầy dép, mũ nón,…) và đồ minh khí (các vật dụng). Tiền vàng: Sản phẩm tiền vàng được sử dụng ở hầu hết các nghi lễ và cũng hết sức phong phú: tiền giấy (tiền xu in trên giấy, tiền giấy theo mệnh giá của tiền ngân hàng Việt Nam, các đồng tiền ngoại tệ: đô la Mỹ, bảng Anh, đồng Yên Nhật,…); vàng thoi, vàng miếng và vàng nén [PL06]. Loại tiền xu in trên giấy: mô phỏng theo loại tiền cổ của nước ta (tiền có dạng đường tròn, giữa là lỗ hình vuông, trên có chữ mệnh giá và loại tiền theo niên hiệu của các triều vua bằng chữ Hán Nôm). Loại tiền này được in trên giấy mỏng, xấu. Trước kia, những người thợ còn cắt theo các hình tròn và in các chữ Hán Nôm trên hình đồng tiền nhưng ngày nay thì thường in trên 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan