Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố ...

Tài liệu Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự việt nam

.PDF
24
258
139

Mô tả:

1! PHẦN MỞ ĐẦU 1.! Tính cấp thiết của đề tài Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ49/TW) đã chỉ rõ quan điểm về việc xây dựng thủ tục rút gọn: “… Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”. Hiến pháp 2013 (HP 2013) quy định rõ về việc áp dụng TTRG để giải quyết một số loại vụ án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành (BLTTDS), các tranh chấp dân sự (TCDS) nói chung, cũng như các tranh chấp kinh doanh, thương mại (TCKDTM) nói riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đều được giải quyết bằng một trình tự thủ tục tố tụng thông thường, áp dụng chung mà không phân biệt giá trị tranh chấp, tính phức tạp hoặc đơn giản của tranh chấp, có sự thừa nhận nghĩa vụ của đương sự... là không hợp lý và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, môi trường kinh doanh và làm tăng chi phí trong hoạt động kinh doanh. Nhiều nước đã xây dựng thủ tục rút gọn (summary procedure) hay còn gọi là thủ tục giản lược (simplified procedure) để áp dụng xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Do đó, đề tài: “Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” thực sự là cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh trên. 2.! Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 2.1.!Mục đích nghiên cứu Một là, làm sáng tỏ cơ sở lý luận về TTRG trong TTDS; Hai là, phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn giải quyết TCKDTM tại Tòa án Việt Nam làm cơ sở xây dựng TTRG giải quyết TCKDTM; Ba là, làm rõ các yêu cầu và đưa ra các đề xuất xây dựng TTRG giải quyết TCKDTM tại Tòa án Việt Nam. 2.2.!Nhiệm vụ nghiên cứu Phân tích và làm sáng tỏ cơ sở lý luận về TTRG trong TTDS và thực tiễn áp dụng TTRG ở một số quốc gia trên thế giới; phân tích thực trạng pháp luật TTDS và thực tiễn giải quyết 2! TCKDTM hiện nay làm cơ sở cho việc xây dựng TTRG giải quyết TCKDTM tại Tòa án Việt Nam; xây dựng các tiêu chí xác định các vụ án được giải quyết theo TTRG có tính đến đặc thù áp dụng đối với TCKDTM; đề xuất xây dựng TTRG và các giải pháp hoàn thiện pháp luật và cơ chế áp dụng TTRG giải quyết một số vụ án về TCDS nói chung và TCKDTM nói riêng. 3.! Phạm vi, đối tượng nghiên cứu 3.1.!Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của Luận án không chỉ giới hạn nghiên cứu TTRG giải quyết TCKDTM mà còn phải bao gồm TTRG giải quyết TCDS nói chung vì TTRG giải quyết TCKDTM phải dựa trên nền tảng TTRG giải quyết TCDS nói chung. Phạm vi nghiên cứu của Luận án cũng chỉ giới hạn ở TTRG giải quyết vụ án dân sự mà không bao gồm giải quyết việc dân sự tại Tòa án chứ không bao gồm các cơ chế ngoài Tòa án như tại các tổ chức trọng tài thương mại hoặc các cơ chế giải quyết tranh chấp khác. 3.2.!Đối tượng nghiên cứu Bao gồm: Các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, BLTTDS và các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến TTDS và TTRG; Thực trạng giải quyết TCKDTM tại Tòa án; TTRG trong TTDS của một số quốc gia trên thế giới; Các quy định về TTRG và các quy định liên quan trong Dự thảo BLTTDSSĐ. 4.!Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Kết quả nghiên cứu của Luận án sẽ cung cấp những nội dung, thông tin quan trọng, tin cậy và có giá trị về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng TTRG trong TTDS tại Việt Nam, trong đó có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Ngoài ra, Luận án có giá trị tham khảo, phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập. 5.! Kết cấu của Luận án Ngoài Phần mở đầu, Tổng quan nghiên cứu, Những công trình liên quan đến Luận án đã được công bố, Danh mục tài liệu tham khảo, Luận án bao gồm các chương sau đây: Chương 1: Cơ sở lý luận về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự; Chương 2: Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại; Chương 3: Kiến nghị về xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. 3! TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.! Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.!Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Các tài liệu nước ngoài có thể chia ra làm ba nhóm sau: (i) những vấn đề chung của TTRG; (ii) tính hiệu quả của TTRG; và (iii) các tiêu chí xác định một vụ án được giải quyết theo TTRG; trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết vụ án theo TTRG. Thứ nhất, nhóm tài liệu liên quan đến một số vấn đề chung của TTRG gồm một số bài viết phân tích về TTRG như là một thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn thủ tục thông thường. Các tài liệu chính về nhóm vấn đề này bao gồm: bài viết “The Pragmatic Court: Reinterpreting the Supreme Court of China” (Tòa án thực dụng: Giải thích lại Tòa án tối cao của Trung Quốc) của tác giả Taisu Zhang; bài viết “Simplified Procedure for Court Determination of Disputes Under New York’s Civil Practice Law and Rules” (Thủ tục đơn giản cho Tòa án xác định tranh chấp theo Luật dân sự thực hành của New York) của tác giả Jay C. Carlisle; bài viết “When Should a Case be Dismissed? The Economics of Pleading and Summary Judgment Standards” (Khi nào thì một vụ kiện bị đình chỉ? Tính kinh tế của việc khởi kiện và tiêu chuẩn bản án giản lược) của tác giả Keith N. Hylton; bài viết “Summary Judgment is Constitutional” (Các bản án giản lược là hợp hiến) của tác giả Edward Brunet. Thứ hai, nhóm các tài liệu liên quan đến tính hiệu quả của TTRG bao gồm nhóm tài liệu phân tích về trường phái kinh tế luật và nhóm tài liệu lý giải về tính ưu việt của TTRG. Về kinh tế luật, có hai công trình khoa học chính là cuốn sách của Thẩm phán R. Posner về “Economic Analys of Law” (Phân tích kinh tế của pháp luật) và bài viết “The Great Recession and the Rhetorical Canons of Law and Economics” (Đại khủng hoảng và các quy tắc hùng biện của pháp luật và kinh tế) của Giáo sư Michael D. Murray. Về tính ưu việt của TTRG, có bài viết “Consumer Dispute Resolution and Redress in the Global Marketplace” (Giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng và chế tài trong thị trường toàn cầu; và bài viết “Three American Ventures in Summary Civil Procedure” (Ba mạo hiểm đối với nước Mỹ trong thủ tục tố tụng dân sự giản lược). 4! Thứ ba, nhóm các tài liệu liên quan đến các tiêu chí xác định một vụ án được giải quyết theo TTRG và trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tranh chấp theo TTRG, bao gồm hàng loạt các văn bản pháp luật tố tụng của một số nước như: các Bộ luật tố tụng dân sự của Pháp, Đức, Nhật v.v. 1.2.!Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam Tại Việt Nam, các tài liệu về TTRG trong TTDS có thể được phâ theo các nhóm vấn đề sau đây: (i) yêu cầu về tính hiệu quả của việc giải quyết TCKDTM; (ii) nhu cầu và quan điểm về việc xây dựng TTRG ở Việt Nam; (iii) xác định cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng TTRG trong TTDS tại Việt Nam; và (iv) giới thiệu kinh nghiệm nước ngoài về TTRG, bao gồm tiêu chí xác định vụ án được giải quyết theo TTRG, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết vụ án theo TTRG. Thứ nhất, có một số ít tài liệu liên quan đến yêu cầu về tính hiệu quả của việc giải quyết TCKDTM đều chung quan điểm giải quyết TCKDTM phải đảm bảo tính hiệu quả, ngắn, gọn… như sau: cuốn sách “Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay”; đề tài nghiên cứu khoa học về “Thực tiễn tranh chấp kinh tế với việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh” do GS.TS.NGƯT. Mai Hồng Quỳ làm chủ nhiệm đề tài; cuốn sách “Kinh tế luật” của TS. Lê Nết; và một số bài viết, kết quả nghiên cứu phục vụ Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự để cải thiện môi trường kinh doanh” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức ngày 1-10-2015 tại Hà Nội. Thứ hai, nhóm tài liệu về nhu cầu và quan điểm về việc xây dựng TTRG ở Việt Nam gồm một số bài viết được đăng trên tạp chí đề cập đến các vấn đề khác nhau của TTRG như nhu cầu xây dựng TTRG, phạm vi loại việc được áp dụng TTRG, mối quan hệ giữa TTRG với một số nguyên tắc xét xử cơ bản, kinh nghiệm từ một số quốc gia có quy định TTRG trong TTDS... như sau: bài viết “Vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử và thành lập Tòa giản lược trong hệ thống Tòa án nhân dân”; bài viết “Cần có quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng dân sự” của Đỗ Văn Chỉnh và Phạm Thị Hằng; “Báo cáo nghiên cứu và đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án Việt Nam” do nhóm chuyên gia của Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền năm 2015. 5! Thứ ba, nhóm tài liệu xác định cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng TTRG trong TTDS tại Việt Nam bao gồm: đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự” do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) thực hiện năm 1996; và đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay - Thực trạng và giải pháp” do TS. Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài thực hiện năm 2014; đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự theo định hướng cải cách tư pháp” do TS. Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài năm 2010; (ii) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức cá nhân kinh doanh bằng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự” do Thạc sỹ Đặng Thanh Hoa làm chủ nhiệm đề tài năm 2013. Thứ tư, nhóm tài liệu giới thiệu kinh nghiệm áp dụng TTRG về tiêu chí xác định một vụ án có thể giải quyết theo TTRG, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết vụ án theo TTRG của một số nước trên thế giới bằng tiếng Việt như sau cuốn sách Japanese Law (Luật Nhật Bản); bài viết “Mô hình Tòa án đơn giản ở Nhật Bản” của tác giả Ngô Cường; hai cuốn kỷ yếu: “Hội thảo pháp luật về tố tụng dân sự ngày 9&10-11-2000” và “Hội thảo pháp luật về tố tụng dân sự ngày 29&30-10-2001” của cùng tác giả Jean-Marie Coulon. 1.3.!Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu Nội dung sau đây của TTRG đã được các công trình khoa học nghiên cứu: (i) nhu cầu, xu hướng áp dụng TTRG trong việc giải quyết một số loại tranh chấp tại Tòa án; (i) mô tả kinh nghiệm của một số nước về áp dụng TTRG giải quyết một số loại tranh chấp tại Tòa án; (iii) các quan điểm và đề xuất xây dựng TTRG ở Việt Nam. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trước đây còn chưa đề cập: (i) phân tích tương đối cặn kẽ tính hiệu quả của TTRG trong mối tương quan với yêu cầu bảo đảm công lý và các nguyên tắc tư pháp cơ bản; (ii) giới thiệu TTRG của nước ngoài kết hợp có sự lý giải về bối cảnh, cơ sở, lý do của các quy định về TTRG hoặc đưa ra quan sát, đánh giá, lý giải và đúc rút về những điểm tương đồng của kinh nghiệm quốc tế đó; (iii) phân 6! tích một cách mạch lạc và làm rõ các tiêu chí lựa chọn một vụ án được giải quyết theo TTRG; các nội dung của TTRG và việc có nhất thiết phải rút gọn tất cả hay chỉ cần một hoặc một số nội dung đó trong quá trình giải quyết vụ án theo TTRG; (iv) đánh giá và phân tích thực tiễn Tòa án Việt Nam giải quyết TCKDTM thông qua các vụ án cụ thể nhìn từ góc độ nhu cầu áp dụng TTRG và khả năng có thể áp dụng TTRG qua thực tế giải quyết TCKDTM để từ đó lý giải các đề xuất xây dựng TTRG mang tính khoa học dựa trên cơ sở thực tiễn. 2.!Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1.!Cơ sở lý thuyết Luận án được nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý thuyết sau: (i) các quan điểm của Đảng về yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế và về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (ii) các nguyên tắc hiến định, các lý thuyết liên quan đến pháp luật TTDS của Việt Nam và một số nước, ảnh hưởng đến việc xây dựng TTRG giải quyết một số TCDS nói chung và TCKDTM nói riêng; (iii) triết lý kinh tế luật trong việc xây dựng pháp luật tố tụng; (iv) quan điểm lập pháp của Việt Nam giải quyết TCKDTM tại Tòa án dựa trên nền tảng thủ tục tố tụng chung nhưng thời hạn giải quyết ngắn hơn. 2.2.!Phương pháp nghiên cứu Các phương pháp nghiên cứu sau đã được sử dụng: phân tích và tổng hợp; nghiên cứu tài liệu, các công trình đã được công bố trước đây ở trong và ngoài nước; so sánh; nghiên cứu một số vụ án cụ thể; điều tra xã hội học. 3.!Giả thuyết nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu 3.1.!Giả thuyết nghiên cứu Luận án được nghiên cứu dựa trên giả thuyết: giải quyết TCKDTM theo thủ tục tố tụng hiện nay tại Tòa án là dài, phức tạp, không hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu cần phải được giải quyết nhanh, gọn và dứt điểm. 3.2.!Câu hỏi nghiên cứu Hai câu hỏi nghiên cứu trọng tâm là: (i) các tiêu chí cần thiết để xác định một TCDS, bao gồm TCKDTM, được giải quyết theo TTRG là gì?; (ii) TTRG bao gồm những đặc điểm nào? 7! NỘI DUNG, KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ 1.1. Khái niệm và tính hiệu quả của thủ tục rút gọn 1.1.1. Khái niệm thủ tục rút gọn TTRG, thủ tục đơn giản hay thủ tục giản lược theo cách hiểu của hai nước đại diện cho hai trường phái pháp luật phổ biến trên thế giới, đều có nghĩa là một thủ tục tố tụng riêng biệt so với thủ tục thông thường nhằm giải quyết một số loại vụ án nhanh gọn hơn thủ tục thông thường nhưng vẫn bảo đảm công lý. Ở Việt Nam, TTRG là một khái niệm khá mới mẻ và được du nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, một số nội dung của TTRG cũng đã được thể hiện trong pháp luật của Việt Nam ngay từ trước năm 1945 khi quy định về giải quyết một số loại vụ án có giá ngạch thấp bởi Tòa án cấp sơ thẩm và không được phép kháng cáo. Trong khoa học TTDS, TTRG được đề cập đến trong một công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ gần đây theo hướng thiên về xác định loại việc được giải quyết theo TTRG. Gần đây TTRG được chính thức đề cập trong HP 2013 tại Điều 103 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và sau đó được quy định tương ứng tại Điều 8 và Điều 10 LTCTAND năm 2014 nhưng cũng chỉ sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” chứ không đưa ra khái niệm cụ thể của TTRG. Khái niệm TTRG lần đầu tiên được diễn giải trong một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (Điều 311, Dự thảo BLTTDSSĐ) là: “thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết các vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”. Như vậy, với các tài liệu mà tác giả được tiếp cận nghiên cứu, kể cả nước ngoài hay Việt Nam, dù là thủ tục giản lược, thủ tục đơn giản hay TTRG được dẫn chiếu khi bàn về thủ tục giải quyết các tranh chấp đơn giản hoặc có giá trị nhỏ đều được hiểu là một thủ tục mang tính rút gọn hơn, giản đơn hơn so với thủ tục thông thường từ hai khía cạnh: (i) thành phần giải quyết 8! tranh chấp; và (ii) trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết. Nói cách khác, TTRG có thể được hiểu là một thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn so với thủ tục TTDS thông thường về mặt thành phần, trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết tranh chấp, được áp dụng đối với một số loại tranh chấp đơn giản hoặc có giá trị thấp. 1.1.2. Tính hiệu quả của thủ tục rút gọn Xây dựng thủ tục tố tụng nói chung và thủ tục tố tụng đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng nói riêng, ngoài mục đích để bảo đảm công lý còn phải được xem xét từ khía cạnh thời gian và chi phí tố tụng. Hiệu quả là một trong những mục tiêu cơ bản của kinh tế học. Hiệu quả trong giải quyết tranh chấp là một trong những tiêu điểm của kinh tế luật. Việc xây dựng TTRG trong TTDS giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng. Có một sự thừa nhận chung rằng, nếu áp dụng một thủ tục tố tụng chung với tất cả các TCDS nói chung và TCKDTM nói riêng mà không phân biệt tính chất đơn giản, phức tạp, giá trị tranh chấp nhỏ hoặc lớn, hay có hoặc không sự thừa nhận nghĩa vụ của các đương sự sẽ gây lãng phí về thời gian và chi phí do quá trình giải quyết bị kéo dài. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án áp dụng TTRG được xem là một đặc trưng quan trọng khi xây dựng TTRG ở nhiều nước nhằm mục đích giúp cho đương sự, Tòa án và xã hội tiết kiệm các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết, hạn chế gián đoạn và tránh bỏ lỡ chi phí cơ hội trong hoạt động kinh doanh của đương sự. Như vậy, TTRG có ý nghĩa cơ bản là tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng mà vẫn đảm bảo công lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. 1.2. Cơ sở pháp lý và định hướng xây dựng thủ tục rút gọn 1.2.1. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng thủ tục rút gọn Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng xây dựng TTRG và HP 2013 là cơ sở chính trị và pháp lý của việc xây dựng TTRG. 1.2.2.!Định hướng xây dựng thủ tục rút gọn Xây dựng TTRG giải quyết vụ án dân sự trong giai đoạn hiện nay phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây: (i) chế độ hai cấp xét xử mà Hiến pháp đã quy định; (ii) việc xét xử phải được thực hiện trực tiếp thông qua phiên tòa; (iii) bảo đảm quyền và 9! lợi ích của đương sự: (iv) có tính đến sự ổn định về pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng và tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Việc xây dựng TTRG trong TTDS nói chung và đối với việc giải quyết các TCKDTM nói riêng được thực hiện theo các định hướng sau đây: (i) TTRG cần phải được xây dựng trong BLTTDSSĐ tại một chương riêng như là một thủ tục riêng biệt so với các thủ tục tố tụng khác; (ii) cần thiết khi xây dựng các quy định về TTRG một mặt nên đầy đủ và chi tiết nhưng mặt khác các quy định cũng cần phải mang tính mở và tính nguyên tắc; (iii) TTRG có tính đến đặc thù của các loại tranh chấp khác nhau, trong đó bao gồm cả TCKDTM.! 1.2.3.!Mối quan hệ giữa thủ tục rút gọn với các nguyên tắc xét xử cơ bản TTRG được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản mà từng quốc gia quy định trong hoạt động tư pháp. Ở Việt Nam, theo tác giả, trước mắt các nguyên tắc cơ bản sau đây của Hiến pháp phải được bảo đảm khi xây dựng TTRG: xét xử công khai và bảo đảm tranh tụng, chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm và Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp. Về lâu dài, sau một thời gian TTRG được kiểm chứng qua thực tiễn áp dụng sẽ cân nhắc và đánh giá liệu có cần thiết tiếp tục áp dụng các nguyên tắc hiến định nêu trên đối với việc giải quyết các vụ án theo TTRG hay không để đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng phù hợp làm cơ sở cho việc tiếp tục đơn giản và gọn nhẹ TTRG. Đối với các nguyên tắc luật định sau đây, không nhất thiết phải tuân thủ khi xây dựng TTRG: giám đốc việc xét xử, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, hòa giải trong TTDS. 1.3.!Đặc điểm của thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự 1.3.1. Thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với một số vụ án nhất định Có sự tương đồng giữa các nước về các tiêu chí xác định một vụ án được giải quyết theo TTRG khi có một trong các yếu tố sau: (i) giá ngạch thấp; (ii) chứng cứ rõ ràng; hoặc (iii) đương sự thừa nhận nghĩa vụ. 1.3.1.1. Tranh chấp có giá ngạch thấp Theo Paul Ranjard, sau khi phân tích và so sánh TTRG của 10! một số nước trên thế giới, nhận thấy giá ngạch của tranh chấp là một căn cứ để Tòa án khi thụ lý quyết định tranh chấp đó được giải quyết bởi Tòa án cấp thấp hơn theo thủ tục giản lược, ví dụ: Ở Pháp những tranh chấp có giá trị nhỏ không vượt quá 4.000 Euro (EUR); Đức: dưới 6.000 EUR; Anh: 10.000 Bảng Anh (GBP) trở xuống; Mỹ: từ 2.500 đô la Mỹ (USD) đến 25.000 USD: Nhật Bản: dưới 900.000 đồng yên Nhật (JPY); Thái Lan: dưới 50.000 bạt Thái Lan (THB); Hàn Quốc: dưới 5.000.000 won Hàn Quốc (KRW) v.v. Như vậy, kinh nghiệm nước ngoài cho thấy chỉ cần một tiêu chí giá ngạch thấp là đủ để vụ án được giải quyết theo thủ tục giản lược hoặc TTRG. Giá ngạch bao nhiêu được coi là thấp để áp dụng TTRG phụ thuộc vào quy định của từng nước và xác định giá ngạch thấp cũng phải dựa trên tính khả thi của quy định về TTRG. 1.3.1.2. Tranh chấp có chứng cứ rõ ràng Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, ngoài tiêu chí giá ngạch thấp. Các nước theo hệ thống Dân luật (Pháp, Đức, Nhật v.v.) cho phép áp dụng TTRG giải quyết các yêu cầu về thanh toán nợ, thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Các tranh chấp nợ hoặc về nghĩa vụ thanh toán thông thường là tranh chấp đơn giản xét từ hai góc độ pháp luật áp dụng và xác định sự thật khách quan của tranh chấp. Các yêu cầu về thực hiện các trái vụ nhỏ, theo tác giả, cũng có bản chất đơn giản và chứng cứ rõ ràng như các tranh chấp về vay nợ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Anh và Hoa Kỳ - đại diện cho hệ thống Thông luật cũng quy định áp dụng TTRG để giải quyết các tranh chấp về đòi nợ, các vụ tranh chấp mà chứng cứ rõ ràng chứng tỏ rằng các tranh chấp đó, tương tự như các nước theo hệ thống Dân luật, là các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng. 1.3.2. Rút gọn về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp Về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp theo TTRG có sự thừa nhận chung theo hướng: việc giải quyết và xét xử chỉ do một Thẩm phán tiến hành từ khi thụ lý cho đến khi xét xử sơ thẩm. Về sự tham gia của Viện kiểm sát, dường như đại đa số các nước trên thế giới đều quy định cơ quan công tố không có vai trò trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Về sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Luật sư) trong quá trình giải quyết tranh chấp theo TTRG, về cơ bản 11! quan điểm của phần lớn các nước cho rằng đây là quyền của đương sự nhờ người khác bảo vệ quyền lợi của mình nên pháp luật không can thiệp miễn là sự tham gia của họ không làm trì hoãn hoặc cản trở đến việc áp dụng TTRG. 1.3.3. Rút gọn về trình tự và các bước tố tụng Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, TTRG giảm thiểu một hoặc một số trình tự, thủ tục và giai đoạn tố tụng, phụ thuộc vào bản chất của tranh chấp được xét xử theo TTRG. Cụ thể: (i) Đối với vụ án đương sự thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ, các trình tự thu thập chứng cứ, lấy lời khai, hòa giải là không cần thiết và có thể được bỏ qua; (ii) Đối với vụ án đơn giản, giá ngạch thấp và chứng cứ rõ ràng, các trình tự lấy lời khai, hòa giải, thu thập, xác minh chứng cứ là không cần thiết và có thể được bỏ qua toàn bộ hoặc một phần; (iii) Đối với vụ án giá ngạch thấp, nhưng phức tạp hoặc chứng cứ chưa rõ ràng, có mâu thuẫn... việc lấy lời khai, thu thập hoặc xác minh chứng cứ là cần thiết và không được bỏ qua; (iv) Đối với vụ án mặc dù giá ngạch lớn nhưng đơn giản và chứng cứ rõ ràng, các trình tự lấy lời khai, hòa giải, thu thập xác minh chứng cứ là không cần thiết và cũng có thể được bỏ qua. 1.3.4. Rút gọn về cấp xét xử Đối với các phán quyết giải quyết theo TTRG ở nhiều quốc gia, pháp luật tố tụng không cho phép kháng cáo hoặc cho phép kháng cáo phúc thẩm nhưng nội dung kháng cáo bị hạn chế ở việc chỉ cho phép kháng cáo về áp dụng pháp luật. 1.3.5. Rút gọn về thời gian giải quyết tranh chấp Pháp luật TTDS của nhiều nước trên thế giới khi quy định về TTRG trong TTDS đều có ghi nhận về thời gian giải quyết vụ án ngắn hơn so với thủ tục TTDS thông thường. Trung Quốc thời hạn giải quyết tranh chấp theo TTRG là không quá ba tháng; Hàn Quốc là hai tháng rưỡi so với thủ tục thông thường là sáu tháng. Thời gian trung bình giải quyết xong một vụ kiện có giá trị nhỏ ở Anh là ba mươi mốt tuần. Đặc biệt có một số nước khi áp dụng TTRG giải quyết đối với việc ra lệnh thanh toán chỉ vài tuần kể từ thời điểm thụ lý yêu cầu như tại các nước Nga, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thời gian giải quyết vụ việc nhỏ tại Hoa Kỳ là hai đến ba tháng (ví dụ: đối với bang California, từ năm 2004 đến năm 2013, 70-80 % các vụ kiện nhỏ được giải quyết xong trong vòng 90 ngày). 12! KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 Qua nghiên cứu cơ sở lý luận về TTRG trong TTDS, tác giả đi đến một số kết luận sau đây: Thứ nhất, về khái niệm TTRG: TTRG có thể được hiểu là một thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn so với thủ tục tố tụng dân sự thông thường về thành phần giải quyết, trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết tranh chấp, được áp dụng đối với một số loại tranh chấp nhỏ, đơn giản, chứng cứ rõ ràng hoặc đương sự thừa nhận nghĩa vụ. Thứ hai, về tính hiệu quả của TTRG: TTRG nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí tố tụng cho đương sự, Tòa án và xã hội mà vẫn bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thứ ba, Hiến pháp 2013 là cơ sở pháp lý để xây dựng TTRG. Về mối quan hệ giữa TTRG và các nguyên tắc tư pháp cơ bản: xây dựng TTRG ở Việt Nam phải tuân thủ hai nguyên tắc hiến định: xét xử công khai, bảo đảm tranh tụng và bảo đảm chế độ hai cấp xét xử. Thứ tư, về tiêu chí xác định một vụ án giải quyết theo TTRG: nhiều nước trên thế giới quy định một vụ án có thể được giải quyết theo thủ tục đơn giản hoặc rút gọn khi có một trong các yếu tố: giá ngạch thấp, đơn giản và chứng cứ rõ ràng hoặc đương sự thừa nhận nghĩa vụ. Thứ năm, TTRG ngoài đặc điểm chỉ áp dụng đối với một số vụ án đáp ứng tiêu chí nhất định, TTRG có những đặc điểm sau: rút gọn thành phần giải quyết vụ án; rút gọn trình tự, thủ tục hoặc giai đoạn tố tụng; và rút gọn thời hạn giải quyết tranh chấp. Thứ sáu, về TTRG đối với các TCKDTM: các nước không có TTRG riêng áp dụng đối với việc giải quyết các TCKDTM. Từ các kết luận trên đây, trong Chương 2 tiếp theo, tác giả sẽ đánh giá các quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng các quy định đó trong quá trình giải quyết TCKDTM và đánh giá việc giải quyết TCKDTM tại Tòa án Việt Nam thông qua các vụ án cụ thể làm cơ sở để tác giả đưa ra các đề xuất xây dựng TTRG tại Việt Nam trong Chương 3 của Luận án. 13! CHƯƠNG 2: CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG THỦ TỤC RÚT GỌN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN VIỆT NAM 2.1. Xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại từ thực trạng pháp luật tố tụng dân sự 2.1.1. Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm 2.1.1.1.!Nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án Quy định về thời hạn xem xét đơn khởi kiện theo Điều 167 BLTTDS trong vòng năm ngày làm việc trên thực tế không được tuân thủ trong nhiều trường hợp. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì các quy định về TTRG sẽ không có ý nghĩa trên thực tế vì thời gian giải quyết vụ án đã bị trì hoãn ngay từ khâu “đầu vào” này. 2.2.1.1.!Chuẩn bị xét xử sơ thẩm Các quy định về tống đạt, thông báo chưa cho phép được thực hiện thông qua các hình thức đơn giản và thuận lợi hơn nhiều trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay (như thông qua hệ thống thư điện tử) khi mà dường như hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng thư điện tử và các hình thức liên lạc điện tử khác. Pháp luật tố tụng dân sự hoàn toàn có thể quy định cho phép hình thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng này, bởi lẽ đương sự thường chủ yếu là các doanh nghiệp, thương gia trong các TCKDTM. Điều 86 BLTTDS quy định: “Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng…” có thể hiểu và được áp dụng phổ biến trên thực tế, theo hướng “Thẩm phán triệu tập đương sự đến Tòa án để lấy lời khai khi đương sự chưa có bản khai.” Hơn nữa, để có bản khai của đương sự thì Tòa án phải triệu tập đương sự lên Tòa án để đề nghị họ viết bản khai. Do đó, việc triệu tập đương sự để họ làm bản khai hoặc lấy lời khai dường như là một thủ tục bắt buộc. Về hòa giải bắt buộc, Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành hòa giải đối với hầu hết các vụ án về TCKDTM kể cả trong các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp, đương sự thừa nhận nghĩa vụ, hoặc đương sự cố tình không thực hiện nghĩa vụ v.v. chỉ mang tính hình thức. Về thời hạn chuẩn bị xét xử, Điều 179 BLTTDS quy định 14! thời hạn chung là chưa hợp lý bởi lẽ rất nhiều trường hợp thời hạn chuẩn bị xét xử bốn tháng (đã gia hạn tối đa) không đủ để giải quyết với các TCKDTM phức tạp, cần thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ và phân tích các vấn đề pháp lý có liên quan, tiến hành hòa giải v.v. Trong khi đó, những vụ án về TCKDTM đơn giản, giá ngạch thấp, bị đơn đã thừa nhận nghĩa vụ của mình, chứng cứ rõ ràng không cần phải tiến hành khá nhiều trong số các hoạt động tố tụng và như vậy thời hạn chuẩn bị xét xử có thể không cần nhiều như vậy. 2.1.1.3.!Mở và tiến hành phiên tòa sơ thẩm Về việc hoãn phiên tòa, quy định hiện nay về việc hoãn phiên tòa trong trường hợp có một trong các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất mà không cần nêu lý do; thành phần giải quyết vụ án có sự tham gia của Viện kiểm sát trong một số phiên tòa là những bất cập dẫn đến hoãn phiên tòa làm kéo dài việc giải quyết tranh chấp một cách không cần thiết. Về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm, theo theo quy định tại Điều 234 BLTTDS, tại phiên tòa sơ thẩm Viện kiểm sát chỉ phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án mà không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án đặt ra sự nghi ngờ về tính thiết thực và sự cấn thiết quy định về thực hiện quyền năng giám sát hoạt động xét xử thông qua việc tham gia phiên tòa hay có thể thực hiện được quyền năng đó thông qua thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. 2.1.1.!Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm 2.1.2.1.!Quy định về việc kháng cáo, kháng nghị và phạm vi xét xử phúc thẩm Trong các vụ án về TCKDTM đơn giản và chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp hoặc đương sự đã thừa nhận hoàn toàn nghĩa vụ… việc cho phép kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ nội dung bản án, quyết định sơ thẩm, bao gồm việc xác định sự thật của vụ án cũng như việc áp dụng pháp luật bởi Tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp. Bởi lẽ, các vụ án đó về bản chất là đơn giản nên ít khi Tòa án cấp sơ thẩm có thể sai sót trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. 15! 2.1.2.2.!Quy định về thủ tục chuẩn bị xét xử phúc thẩm Quy định về thời hạn giải quyết vụ án về TCKDTM ở cấp phúc thẩm như hiện nay là tương đối phù hợp đối với các vụ án thông thường nhưng hơi dài đối với những vụ án đơn giản và có chứng cứ rõ ràng, hoặc đơn giản và có giá ngạch thấp, hoặc đương sự đã thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ. 2.1.2.3. Thủ tục tiến hành phiên tòa xét xử phúc thẩm Điều 266 BLTTDS về việc hoãn phiên tòa cũng áp dụng tương tự như đối với phiên tòa sơ thẩm làm cho thời hạn chuẩn bị xét xử bị kéo dài không cần thiết. Theo quy định hiện nay, thành phần hội đồng xét xử phúc thẩm bao gồm ba Thẩm phán không phù hợp đối với những vụ án về TCKDTM có tiêu chí áp dụng TTRG… 2.2.!Xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại từ thực tiễn xét xử của Tòa án 2.2.1.!Đối với các tranh chấp mà đương sự thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ Có khá nhiều vụ án đơn giản, bị đơn đã thừa nhận hoàn toàn nghĩa vụ nhưng Tòa án vẫn phải tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường dẫn đến thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài mà kết quả giải quyết không có gì khác ngoài việc tuyên một phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án cấp phúc thẩm về cơ bản cuối cùng vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm (trong trường hợp bị đơn rút kháng cáo) và không cần thiết để cần một Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán thực hiện một công việc không phức tạp như vậy. Ví dụ: Vụ Ngân hàng Thương mại Kỹ thương Việt Nam kiện Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Xuân Định, Bị đơn thừa nhận toàn bộ khoản vay gốc và khoản lãi chưa thanh toán nêu trên nhưng cho rằng “nếu nguyên đơn giảm lãi thì bị đơn tiếp tục thanh toán tiền gốc; nhưng nếu không giảm lãi thì Tòa xử theo pháp luật.” Vụ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Petrolimex kiện Ông Nguyễn Quốc Thanh – Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Vạn Phúc, Bị đơn thừa nhận toàn bộ các khoản tiền còn nợ nêu trên và đồng ý trả toàn bộ tiền gốc nhưng xin giảm lãi... Vụ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á kiện Công ty 16! TNHH Sản xuất Thương mại Hoành Tráng, Bị đơn không có phản đối nào với các yêu cầu khởi kiện nêu trên của Nguyên đơn mà chỉ nêu quan điểm “đang gặp khó khăn không thể trả được nợ và đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.” Vụ Công ty Cổ phần Thép và Thương mại Hà Nội kiện Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Sài Gòn, Bị đơn thừa nhận toàn bộ khoản tiền mua cốt thép bê tông và một số vật liệu khác nhưng “do khó khăn” nên chưa thanh toán được tiền mua hàng. Vụ Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Đông Dương kiện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Đình Nguyễn, Bị đơn thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ nhưng không đưa ra bất kỳ lý do nào về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình. 2.2.2.!Đối với các tranh chấp đơn giản, giá ngạch thấp và chứng cứ rõ ràng Từ đánh giá thực tiễn xét xử thông qua một số vụ án cụ thể nêu trên cho thấy ở nước ta không thể chỉ dựa vào giá ngạch thấp để xác định vụ án đó đơn giản và có thể được giải quyết theo TTRG mà còn phải dựa vào tính chất của từng vụ án, ví dụ: liệu kết quả giải quyết có ảnh hưởng danh tiếng, uy tín kinh doanh hoặc có hệ quả về tài sản, kinh tế, vật chất khác đối với đương sự, mức độ phức tạp về mặt pháp lý liên quan đến tranh chấp v.v. Trong vụ Phạm Văn Quang kiện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ra TAND quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyên đơn đã yêu cầu Bị đơn trả lại số tiền rất nhỏ là 5.500 đồng phí ATM. Trong vụ án này, mặc dù giá trị tranh chấp thấp nhưng có thể để lại hậu quả lớn (dẫn đến hàng loạt vụ kiện tương tự hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp). Cũng có những trường hợp mà giá trị tranh chấp không lớn nhưng việc xác định tính chất vụ án không đơn giản. Trong vụ Ngô Lê Anh Chi kiện Công ty TNHH MTV Kem và H.Hai.O, Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn trả lại 3.000 USD tiền đặt cọc. Trong vụ án này, việc đặt cọc bằng ngoại tệ có bị coi là vi phạm hay không là vấn đề pháp lý còn có các quan điểm khác nhau dẫn đến nhận định khác nhau giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm. Về việc xác định chứng cứ rõ ràng, theo tác giả, đây là vấn đề 17! phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể và theo cách đánh giá chủ quan của Thẩm phán dựa trên các tài liệu, chứng cứ của vụ án. 2.2.3. Đối với các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng giá ngạch lớn Trên thực tế có khá nhiều tranh chấp giá trị lớn nhưng tính chất của tranh chấp đơn giản về mặt áp dụng pháp luật và chứng cứ rõ ràng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, vì đây là các tranh chấp có giá trị lớn và việc quyết định áp dụng thủ tục tố tụng nào sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả giải quyết của vụ án và vì án phí của các vụ án cũng không nhỏ, cho nên, tác giả thiết nghĩ, chỉ nên áp dụng TTRG để giảm thiểu chi phí tố tụng khi có yêu cầu hoặc sự đồng ý của các đương sự của vụ án. Trong vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 179/2012/TLSTKDTM ngày 27-11-2012, Nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đã khởi kiện Bị đơn là Công ty TNHH Lắp ráp điện tử Thương mại Kỹ thuật Sáng Tạo ra TAND quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu Bị đơn thanh toán số tiền lãi 2.628.614.536 đồng. Trong vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 180/2013/TLSTKDTM ngày 27-11-2012, Nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình đã khởi kiện Bị đơn là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thiết bị dầu khí Chí Thép ra TAND quận Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu Bị đơn thanh toán tổng số tiền là 16.867.003.737 đồng, Bị đơn đồng ý trả khoản gốc nhưng phản đối yêu cầu thanh toán lãi quá hạn vì Bị Đơn cho rằng Nguyên đơn đã tính lãi suất quá cao so với quy định. Trong mỗi vụ án nêu trên, giữa Nguyên đơn và Bị đơn có hợp đồng tín dụng cụ thể, rõ ràng và các khoản vay đã được giải ngân. Do đó, Bị đơn khó có thể chối cãi trách nhiệm đối với các khoản nợ của mình đối với Nguyên đơn. Vấn đề còn lại của tranh chấp chỉ còn ở chỗ xác định lãi suất cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Vấn đề pháp lý trong những trường hợp này không phức tạp. Tính chất của vụ án là đơn giản về mặt pháp lý và chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, giá ngạch tranh chấp là lớn và việc giải quyết vụ án có thể gây ảnh hưởng lớn về vật chất đối với các đương sự. Do đó, việc áp dụng TTRG có thể theo hướng nếu các đương sự đồng ý áp dụng TTRG. 18! KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 Thông qua việc đánh giá thực trạng pháp luật TTDS và thực tiễn giải quyết TCKDTM tại Tòa án làm cơ sở xây dựng TTRG, tác giả đưa ra một số kết luận như sau. Một là, các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và việc áp dụng các quy định đó cho thấy còn những hạn chế, bất cập về việc nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án; về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; về lấy lời khai của đương sự; về tính hình thưc của việc hòa giải bắt buộc trong nhiều trường hợp; về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm áp dụng chung cho các tranh chấp mà không phân biệt tính phức tạp của tranh chấp, chứng cứ đã rõ ràng…; về việc hoãn phiên tòa trong trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng vắng mặt kể cả khi không có lý do chính đáng; về thành phần tham gia giải quyết tranh chấp còn có những bất cập theo hướng không cần thiết phải giải quyết các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp bởi một hội đồng xét xử tập thể và với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát. Những hạn chế này ảnh hưởng đến việc giải quyết nhanh chóng và đỡ tốn kém các TCDS nói chung và TCKDTM nói riêng đơn giản, chứng cứ rõ ràng hoặc đương sự thừa nhận nghĩa vụ… Hai là, đánh giá về việc Tòa án giải quyết một số tranh chấp đơn giản, đương sự thừa nhận nghĩa vụ, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp cho thấy: (i)!đối với các tranh chấp mà tất cả các đương sự thừa nhận nghĩa vụ thì Tòa án chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp của sự thừa nhận nghĩa vụ của các đương sự để ra phán quyết công nhận sự thừa nhận đó; (ii)!đối với các tranh chấp mà Tòa án cho rằng đơn giản về mặt áp dụng pháp luật, chứng cứ rõ ràng và giá ngạch thấp, Tòa án có thể giải quyết đúng đắn các tranh chấp đó mà không cần thiết phải tiến hành tất cả các trình tự, thủ tục tố tụng và cũng không nhất thiết cần có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, đối với các loại tranh chấp nêu tại điểm (ii) nêu trên nếu giá ngạch lớn thì kết quả giải quyết có tác động không nhỏ đến lợi ích của đương sự, cho nên cần có sự đồng thuận của các đương sự trong việc xác định các tranh chấp đó là đơn giản và chứng cứ rõ ràng, để có thể áp dụng một thủ tục tố tụng đơn giản, gọn nhẹ hơn so với thủ tục thông thường. 19! CHƯƠNG 3: KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC XÂY DỰNG THỦ TỤC RÚT GỌN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN VIỆT NAM 3.1. Giải pháp xây dựng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại 3.1.1. Về tiêu chí xác định loại vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn Dự thảo BLTTDSSĐ quy định cần phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí mới có thể áp dụng TTRG là thiếu khả thi. Ví dụ: đáp ứng hai điều kiện “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” và “tài liệu, chứng cứ rõ ràng, đủ cơ sở giải quyết Tòa án không cần thu thập tài liệu, chứng cứ” là chưa hợp lý, vì đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ nên không cần phải đáp ứng điều kiện tài liệu, chứng cứ rõ ràng. Tương tự, việc quy định cần phải đáp ứng tiêu chí “các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng” và “không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài” cũng chưa hợp lý vì đương sự không có nơi cư trú rõ ràng hoặc có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, mặc dù thời gian giải quyết tranh chấp có thể không được “rút gọn” nhưng tranh chấp đó vẫn có thể giải quyết được theo TTRG bằng một Thẩm phán. Theo tác giả, một vụ án khi có một trong các tiêu chí sau đây có thể được giải quyết theo TTRG: (i) Đương sự đã thừa nhận hoàn toàn nghĩa vụ của mình; (ii) Vụ án đơn giản, có giá ngạch thấp theo quy định của pháp luật, chứng cứ rõ ràng và không có sự phản đối hợp lý của đương sự; hoặc (iii) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng (không phụ thuộc vào giá ngạch) mà các đương sự đồng ý áp dụng TTRG. 3.1.2.!Về rút gọn thành phần tham gia giải quyết tranh chấp Việc giải quyết vụ án theo TTRG chỉ cần một Thầm phán và với sự tham gia hạn chế của đại diện Viện kiểm sát. 3.1.3.!Rút gọn về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án theo TTRG Cần bổ sung thêm một thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử. Không cần triệu tập đương sự đến Tòa án lấy lời khai trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG. Không nên quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với các vụ án được giải 20! quyết theo TTRG. Cần mạnh dạn quy định phạm vi kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm theo TTRG chỉ nên giới hạn ở việc kháng cáo, kháng nghị về việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm... Về phiên tòa phúc thẩm, Dự thảo BLTTDSSĐ quy định không cần mở phiên tòa phúc thẩm để giải quyết kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng TTRG là chưa hợp lý vì không phù hợp với nguyên tắc hiến định là việc xét xử phải được tiến hành công khai, trực tiếp và bảo đảm việc tranh luận. Do đó, việc giải quyết vụ án theo TTRG ở cấp phúc thẩm vẫn phải được thông qua bởi phiên tòa. 3.1.4.!Rút gọn về thời gian giải quyết vụ án theo TTRG (i)!Đối với thủ tục sơ thẩm Thứ nhất, về thủ tục nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án: (i) về lâu dài cần quy định khi nộp đơn khởi kiện không đòi hỏi đương sự phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp và đồng thời quy định khi nhận đơn khởi kiện là thụ lý ngay; (ii) trước mắt cần phải bổ sung quy định Tòa án có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện. Thứ hai, về thời điểm xác định vụ án có thể được áp dụng TTRG, việc quyết định áp dụng TTRG nên quy định theo hướng có thể thực hiện vào bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án khi xác định được tiêu chí áp dụng đã được đáp ứng và trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng nếu căn cứ cho việc áp dụng TTRG không còn nữa thì Tòa án hoàn toàn có quyền quyết định không tiếp tục áp dụng TTRG. Thứ ba, về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm: (i) trong trường hợp bị đơn thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ của mình theo đơn khởi kiện tại văn bản trả lời đơn khởi kiện (ý kiến về việc thụ lý vụ án), Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; (ii) trong trường hợp vụ án được giải quyết theo TTRG do giá ngạch thấp, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử ngay sau khi nhận được sự khẳng định của các bên đương sự về việc không phản đối việc xét xử theo TTRG hoặc hết thời hạn dự kiến đương sự phải trả lời nhưng đương sự không trả lời thông báo của Tòa án về việc áp dụng TTRG; (iii) trong các trường hợp còn lại, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử khi xuất hiện điều kiện áp dụng TTRG.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất