Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học xã hội Văn học thoi gian va khong gian nghe thuat trong tac pham rung na uy cua haruki murakam...

Tài liệu thoi gian va khong gian nghe thuat trong tac pham rung na uy cua haruki murakami

.DOCX
74
613
83

Mô tả:

thơi gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm rừng na uy của haruki murakami
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN VÕ KHÁNH PHƯƠNG MSSV: 6095808 THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM RỪNG NA- UY CỦA HARUKI MURAKAMI Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: Ths. Gv LÊ THỊ NHIÊN Cần Thơ 2013 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích, yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG CHÍNH CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 Thời gian nghệ thuật 1.1.1 Khái niệm thời gian nghệ thuật 1.1.2 Cấu trúc biểu hiện thời gian nghệ thuật 1.1.2.1 Thời gian sự kiện 1.1.2.2 Thời gian nhân vật 1.2 Không gian nghệ thuật 1.2.1 Khái niệm không gian nghệ thuật 1.2.2 Các loại không gian nghệ thuật 1.2.2.1 Không gian bối cảnh 1.2.2.2 Không gian sự kiện 1.2.2.3 Không gian tâm lý 1.3 Mối quan hệ giữa thời gian và không gian nghệ thuật 1.4 Tác giả và tác phẩm 1.4.1 Tác giả Haruki Murakami 1.4.2 Tác phẩm Rừng Na-uy 1.4.2.1 Vài nét về nội dung và nghệ thuật 1.4.2.2 Tóm tắt tác phẩm CHƯƠNG 2: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM RỪNG NA-UY CỦA HARUKI MURAKAMI 2.1 Thời gian thực tại 2.2 Thời gian hồi tưởng 2.2.1 Thời gian trật tự tuyến tính 2.2.2 Thời gian đảo tuyến CHƯƠNG 3: KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM RỪNG NA-UY CỦA HARUKI MURAKAMI 3.1 Không gian bối cảnh 3.1.1 Không gian thiên nhiên bốn mùa 3.1.2 Không gian xã hội phức tạp 3.2 Không gian sự kiện 3.3 Không gian tâm lý 3.3.1 Không gian tâm- cảnh 3.3.1.1 Không gian tâm lý qua dòng hồi tưởng 3.3.1.2 Tâm lý tác động đến bối cảnh 3.3.1.3 Bối cảnh ảnh hưởng đến tâm lý 3.3.2 Không gian phi thực PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nói đến tiểu thuyết nước ngoài nói chung và tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản nói riêng thì người đọc không thể không nhắc đến tác giả Haruki Murakami, chủ nhân của những tiểu thuyết độc đáo về nội dung lẫn nghệ thuật, góp phần làm phong phú kho tàng văn chương thế giới. Độc giả Việt Nam đã từng biết đến Haruki Murakami qua một số tác phẩm: Lắng nghe gió hát, Kafka bên bờ biển, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Biên niên ký chim vặn dây cót… và đặt biệt là Rừng Na-uy. Độc giả đã biết đến Haruki Murakami qua giải thưởng Franz Kafka năm 2006 với tác phẩm Rừng Na-uy. Tác phẩm được dịch lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997, tuy chưa thật xuất sắc nhưng ít nhiều nó đã gây được chú ý. Mãi đến năm 2006, bản dịch Rừng Na-uy mới ra mắt và được đánh giá là hoàn chỉnh nhất, tác phẩm được giới trẻ đương đại Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ ở Việt Nam, Rừng Na-uy còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, nó luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất. Để làm nên thành công một cuốn tiểu thuyết như Rừng Na-uy, Haruki Murakami đã dụng công một cách khéo léo trong việc sử dụng nghệ thuật để thể hiện tài năng, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trong bối cảnh trần trụi của cuộc sống Nhật Bản thời văn minh và hiện đại. Tác phẩm Rừng Na-uy không chỉ hay về nội dung, mà còn có các biện pháp nghệ thuật độc đáo của Haruki Murakami. Song, một thế giới nghệ thuật thì không thể thiếu hai hình tượng không gian và thời gian nghệ thuật, hai phạm trù thi pháp này là yếu tố quan trọng để nghiên cứu một tác phẩm văn chương. Thi pháp học đem lại những phạm trù mới, những đề tài mới cho nghiên cứu văn học như: không gian, thời gian, … mở rộng các cánh cửa tiếp cận văn bản. Mặc dù chất lượng chưa đồng đều, một điều rất bình thường, nhưng những công trình tiếp sau đã góp phần khám phá, vỡ vạc nhiều phương diện nghệ thuật của hầu hết hiện tượng văn học thế kỉ XX, từ văn học hiện thực sang lãng mạn, tượng trưng; văn học trung đại với các thể loại và đặt nền móng cho một sự nghiên cứu cao hơn, sâu hơn về sau. 4 Với sự yêu thích và tìm hiểu nghiêm túc về thi pháp học cũng như là thời gian và không gian nghệ thuật, người viết đã lựa chọn và muốn đi sâu hơn vào bên trong tác phẩm Rừng Na-uy của Haruki Murakami để phát hiện ra cái hay của Haruki Murakami nhất là khi ông thể hiện không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là lý do người viết quyết định chọn đề tài “Thời gian và không gian nghệ thuật trong Rừng Na-uy của Haruki Murakami” cho luận văn tốt nghiệp của mình. 2. Lịch sử vấn đề Rừng Na-uy mặc dù được biết đến khá lâu nhưng vẫn còn tranh cãi rất nhiều về đề tài, chưa có được ý kiến thống nhất. Cho nên, tiếng nói của các nhà nghiên cứu về tác phẩm này rất ít ỏi, đặc biệt là vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật. Chính vì vậy, khi tiến hành nghiên cứu đề tài này, người viết chỉ tìm được một số ý kiến, nhận định khái quát về thời gian và không gian nghệ thuật trong Rừng Na-uy. Cụ thể là: Trong trang Vanhoanghean.vn, ở bài Thực tại và con người trong sáng tác của Haruki Murakami, Trần Tố Loan có nói: “Rừng Na-uy tái hiện bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 60. Đó là thế giới của những hộp đêm, những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, đời sống sinh viên bê tha, không lý tưởng và những cuộc biểu tình đòi giải tán đại học. Trong tiểu thuyết, người đọc ấn tượng với khu học xá có những con người tẻ nhạt, bí hiểm kéo cờ, hạ cờ mỗi ngày, với lớp học vắng ngắt thiếu sức sống; không gian nhà nghỉ Ami – nơi đặc biệt dành cho những người “không thể hoà nhập được” với đời sống.”. Tác giả đã đưa ra được khía cạnh không gian chủ đạo toàn bộ tác phẩm, đó là không gian tưởng chừng như rất hiện đại, đầy đủ, dư giả về vật chất nhưng lại thiếu đạo đức và tinh thần, đó cũng là biểu tượng xã hội Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại phát triển thần tốc. Còn trang tapchisonghuong.com.vn, trong bài Về con người cô đơn trong tiểu thuyết Rừng Na-uy của Haruki Murakami, tác giả Nguyễn Văn Thuận có đưa ra lời nhận xét sau: “Haruki Murakami đã thổi vào không - thời gian cảm giác nhàm chán vì sự thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng những mục đích sống chân chính khiến cho sự cô đơn như vón cục lại. Nhân vật cô đơn trong thời gian, trong những khoảnh khắc tuyệt vọng khi người yêu tự sát, bạn bè rời xa: ‘Tôi không có ai để chào buổi sáng hoặc chúc một ngày tốt lành’”. Trong cô đơn, vô vọng và tột cùng đau khổ, họ căm ghét ngày mai sắp đến. Đối với họ, hiện tại ngưng đọng, nhàm chán còn tương lai chỉ là đón chờ việc cái đẹp đang biến đi và thế vào đó là sự dung tục, là nỗi buồn: ‘ Này Kizuki, tôi nghĩ cậu chẳng lỡ làng cái quái gì đâu. Thế giới này là một bãi cứt. Lũ khốn kia đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng’. Các nhân vật của Murakami đã đưa quá khứ lên bệ thờ. Vì vậy, họ thấy hiện tại như cái gì đó quái dị. Bởi thế, quá khứ trong Rừng Na-uy trùm lên hiện tại, ám ảnh hiện tại, khống chế hiện tại. Nhân vật sống với quá khứ, chịu đựng hiện tại và hi vọng trong một tương lai bấp bênh, vô định.” [12] Tác giả đã nhìn ra thời gian thực tại trong tác phẩm, một thời gian đầy bóng tối, nhập nhằng giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Con người trong thế giới thực tại ấy đang hoang mang lo sợ và dần đi vào ngõ cụt không lối thoát. Sau đó, cũng trong tác phẩm trên, tác giả này lại có một nhận định khác: “Nhân vật trong Rừng Na-uy tìm đến tình yêu nhưng không sao thoát ra ngoài nỗi ám ảnh của quá khứ, cảm giác bất toàn trong tình yêu, bất lực trong tình dục và sự phức tạp đa đoan của cuộc đời. Murakami đã xây dựng hình ảnh giếng đồng như một biểu tượng nhằm chỉ tất cả những ám ảnh đó - những ám ảnh khiến con người cô đơn, cô độc và bị li cách mãi mãi trong thế giới phi thực tại và bí mật trong tác phẩm này.” [13] Và cái không gian ảo này vừa là nơi trú ngụ của những tâm hồn lạc lối, vừa là nơi trói buộc họ. Trong bài viết Rừng Na-uy, thực tại ngọt ngào, bí ẩn…, tác giả Khánh Phương chia sẻ trên trang vanchuongviet.org: “Đọc Rừng Na-uy, bạn đọc có thể gặp một thiên nhiên quen thuộc của nước Nhật: rặng núi, cánh đồng hoa, tàu cao tốc lướt đi giữa bầu trời và mặt biển xanh chói lọi… Nhưng đó là một thiên nhiên biết đồng cảm sẻ chia những vương vấn khúc mắc của tâm tưởng, thúc giục dòng suy tư, khơi dậy đời sống nội tâm của của con người- một thiên nhiên có linh hồn. Nhân vật của Murakami, hễ cứ bước ra khỏi căn phòng chật, chỗ trú thân tạm thời với những mảnh đời lộn xộn buồn lẫn vui, là được bao bọc nâng đỡ bởi thiên nhiên, với mối giao cảm vốn dĩ giữa hai bên” [14]. Khánh Phương đã đề cập đến không gian thiên nhiên, bên cạnh không gian thực tại xô bồ, thì không gian thiên nhiên như một cứu cánh tinh thần giúp các nhân vật giảm bớt mệt mỏi. Người viết nhận thấy rằng, những nhận định trên còn mang tính khái quát vấn đề. Thực sự chưa có tác giả nào đi sâu vào “Thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm Rừng Na-uy” của Haruki Murakami. Đây chính là vấn đề cần tiếp nhận và giải quyết một cách cụ thể hơn trong công trình nghiên cứu này. 3. Mục đích, yêu cầu Hai hình tượng thời gian và không gian nghệ thuật trong thế giới văn chương là hai phạm trù không mới nhưng khá độc đáo, nó không chỉ thể hiện được cảm quan nghệ thuật của tác giả, mà còn khiến cho người đọc chìm đắm trong một thế giới phi thực. Đặc biệt hơn ở tác phẩm Rừng Na-uy của Haruki Murakami, người đọc sẽ cảm nhận rõ hơn về thời gian và không gian nghệ thuật mà nhà văn đã thể hiện trong tac phẩm, đồng thời còn giúp người đọc hiểu thêm về cách cảm nhận thời gian và không gian của người Nhật, cũng như văn hóa của đất nước họ. Qua đề tài này người viết cũng muốn thử sức mình để tìm hiểu về thi pháp học nói chung và thời gian, không gian nghệ thuật nói riêng. Để đóng góp phần nhỏ, trước hết là vào tiến trình phát triển chung của thi pháp học ở khía cạnh thời gian, không gian nghệ thuật, sau đó là thỏa mãn được sự yêu thích của người viết với tác phẩm và với văn học Nhật Bản. Song để thực hiện được mục đích này, người viết phải đưa ra được lý luận chung về thời gian và không gian nghệ thuật của văn chương dựa trên tư liệu của các nhà nghiên cứu văn học, từ đó kết hợp với những lý lẽ, lập luận để soi chiếu vào tác phẩm. 4. Phạm vi nghiên cứu Trong nghiên cứu văn chương, thi pháp học là một cơ sở phổ biến và quan trọng. Thi pháp học là một lĩnh vực rất rộng để nghiên cứu về nghệ thuật trong văn chương: ngôn từ, thể loại, phong cách… Nhưng người viết chỉ tập trung một khía cạnh nhỏ của thi pháp học, đó là thời gian và không gian nghệ thuật. Từ đó người viết vận dụng vào một tác phẩm cụ thể là Rừng Na-uy- tác phẩm tiêu biểu nhất của Haruki Murakami. Tiểu thuyết Rừng Na-uy được dịch giả Trịnh Lữ dịch chủ yếu từ bản tiếng Anh Norwegian Wood. Bản quyền tiếng Việt thuộc công ty cổ phần văn hóa truyền thông Nhã Nam, do Nhà Xuất Bản Hội nhà văn xuất bản năm 2008. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, người viết đã sử dụng một số phương pháp khoa học chung để thuận lợi trong việc nghiên cứu. Phương pháp thống kê: để tìm ra những qui luật, xác định tần số xuất hiện của những hiện tượng thẩm mĩ nghệ thuật liên quan đến đề tài, người viết đã sử dụng phương pháp thống kê. Phương pháp so sánh: nhằm mục đích thấy được cái đặc sắc, những đóng góp mới của Haruki Murakami, người viết đã sử dụng các biện pháp so sánh, đối chiếu giữa các tác phẩm của ông cũng như một số tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước. Phương pháp chứng minh: với phương pháp này, giúp người viết làm sáng tỏ những luận điểm, những ý kiến được đưa ra trong tác phẩm đang nghiên cứu. Từ đó tạo tính thuyết phục hơn từ độc giả. Phương pháp phân tích- tổng hợp: Bên cạnh các phương pháp trên, phương pháp phân tích- tổng hợp cũng thường xuyên được sử dụng không kém phần quan trọng. Đối với phương pháp này, người viết rất dễ áp dụng trong mọi trường hợp, khi cần cụ thể, chi tiết hoặc khái quát, cô đặc những vấn đề đã đề cập, giúp người đọc dễ hiểu khi tiếp cận bài viết. Ngoài ra người viết còn sử dụng một số phương pháp liên ngành: lịch sử. văn hóa… Từ đó từng bước mổ xẻ, lý giải những vấn đề một cách logic, hợp lý và chặt chẽ hơn. PHẦN NỘI CHÍNH CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 Thời gian nghệ thuật 1.1.1 Khái niệm thời gian nghệ thuật Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thế giới. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp hai yếu thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật.” [3; 322] Giáo trình Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại của Gs Trần Đình Sử có nói: “Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới thực tại chỉ tồn tại trong không gian và thời gian, thì cũng như thế, thế giới nghệ thuật chỉ tồn tại trong không gian và thời gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là cái thời gian được cảm nhận bằng tâm lý, qua chuỗi liên tục các biến đổi (biến cố) có ý nghĩa thẩm mỹ xảy ra trong thế giới nghệ thuật. Là thời gian được cảm nhận bằng tâm lý và mang ý nghĩa thẩm mỹ nên thời gian nghệ thuật khác với thời gian khách quan đo bằng lịch và đồng hồ, nó có thể đảo ngược, từ hiện tại hồi tưởng lại quá khứ.” [10, 62] Còn trong tiểu luận Những thế giới nghệ thuật thơ của Trần Đình Sử thì thời gian nghệ thuật: “Là phương thức tồn tại của thế giới vật chất, thời gian cũng như không gian, đi vào nghệ thuật cùng với cuộc sống được phản ánh như là một tất yếu của nó.”[11, 390] Qua các khái niệm trên ta có thể rút ra một kết luận. Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể hiện trong một tác phẩm văn chương với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh chậm, với các chiều quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian nghệ thuật là hình tượng của thời gian là sự sáng tạo của người nghệ sĩ làm cho người đọc phải chờ đợi, chìm đắm tạm thời vào thế giới nghệ thuật. Nếu thiếu sự cảm thụ tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xác định. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học được biểu hiện bởi nhiều phương tiện. Trước hết là các trạng từ thời gian như: “ngày xửa ngày xưa”, “dạo ấy”, “cách đây không lâu” cùng các từ chỉ các đoạn thời gian, chỉ cách tính thời gian. Bên cạnh, thời gian được trần thuật còn được biểu hiện bởi những dấu hiệu chỉ thời gian như tuổi trẻ, tuổi già, xuân, hạ, thu, đông, bằng tiếng đỗ quyên kêu, bằng hoa mai nở, bằng tiếng chuông chùa, bằng phiên chợ, các lễ kỷ niệm hằng năm… Ngoài ra thời gian nghệ thuật còn được biểu hiện qua thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, tức là thời gian người phát ngôn. Nó vận động theo chiều vận động tuyến tính một chiều của văn bản ngôn từ. Ngược lại, thời gian được trần thuật là thời gian của những sự kiện được nói tới bao gồm thời gian sự kiện- đó là chuỗi sự kiện liên tục trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. 1.1.2 Cấu trúc biểu hiện của thời gian nghệ thuật 1.1.2.1 Thời gian sự kiện Thời gian sự kiện là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. Thời gian sự kiện là thời gian năng động, biến hóa nhất trong tác phẩm. Nó đối lập với thời gian miêu tả. Thời gian sự kiện có tính gấp khúc, đột biến, dồn dập hoặc gối lên nhau hoặc giãn ra. Thời gian sự kiện còn được gọi là thời gian lịch sử hay thời gian truyện. Thời gian lịch sử là mối tương quan giữa nhân vật và các sự kiện lịch sử trong tác phẩm văn chương. Mà ở đó, thời gian luôn gắn liền với các sự kiện lịch sử. Đoạn kết tác phẩm Vợ Nhặt- Kim Lân, hình ảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”, nó gợi nhớ đến sự kiện phá kho thóc Nhật ở miền Bắc. Thời gian lịch sử có tính liên tục, không cho phép đứt đoạn và mang tính nhân quả rõ rệt, do lịch sử luôn luôn vận động.Ví dụ như Truyện Từ Thức lên cõi tiên, câu chuyện được đặt trong một khung cảnh thời gian lịch sử cụ thể. Từ Thức là người châu Hóa, tri huyện Tiên Du, năm Quang Thái đời Trần. Sự kiện chàng cứu cô gái làm gãy cành hoa xảy ra vào năm Quang Thái thứ chín (tức 1395). Chàng trở về trần gian vào năm Diên Ninh thứ năm đời nhà Lê (tức 1458). Như vậy, thời gian lịch sử trôi liên tục qua 63 năm; trải qua ba đời. Bên cạnh đó, sự kiện lịch sử còn tác động đến nhân cách cá nhân của nhân vật. Trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, sự kiện sưu thuế đã làm cho gia đình chị Dậu lâm vào hoàn cảnh khó khăn cùng với sự bóc lột của bọn cường hào ác bá, khiến cho chị Dậu có cơ hội bộc lộ tính cách mạnh mẽ của mình để tự bảo vệ mình và gia đình. 1.1.2.1.1 Trình tự thời gian sự kiện: là thời gian tương quan giữa trật tự thời gian kể chuyện và thời gian hiện thực của các sự kiện được kể lại trong tác phẩm. Trình tự thời gian sự kiện được sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của tác giả, tạo nên sự tương tác với người đọc khiến người đọc có thể tạm quên đi thực tại mà chỉ biết có thời gian trong truyện. Có một số dạng trình tự thời gian sự kiện tiêu biểu sau: Thời gian đơn tuyến Thời gian đơn tuyến là hình thức truyện kể chỉ có một tuyến thời gian nhân vật chính, trong đó người kể giấu mình đi, chỉ có nhân vật và hành động xuất hiện. Thời gian đơn tuyến thường đi một đường thẳng, tức là mỗi thời điểm trong chuyện tương ứng với mỗi thời gian trong truyện, người kể không xáo trộn, không phân chia thời gian. Những sự kiện (tình tiết) này nối tiếp các sự kiện khác theo sự vận động nhân– quả. Đây là cách xây dựng của các truyện cổ tích, truyện lịch sử chương hồi, và phần lớn truyện ngắn hiện đại. Lấy truyện cổ tích Ăn khế trả vàng làm ví dụ cụ thể, câu chuyện cây khế thực sự bắt đầu khi chim “ăn một quả trả cục vàng, mang tui ba gang mà đựng”. Vậy là chờ đợi, ước mong chim thần trả vàng, người anh gạ đổi cây khế, người anh tham lam, lộn cổ xuống biển mà chết. Khi sự kiện xong xuôi, không có cơ hội phát triển, không gây chờ đợi, thời gian dừng lại. Với người đọc kiểu thời gian này phổ biến và dễ tiếp nhận, dễ nắm bắt cốt truyện và có thể dự đoán hành động tiếp theo của nhân vât, gần như không phải động não hay tư duy nhiều, mọi thứ cứ đi theo một mạch thời gian. Nhưng ngược lại kiểu thời gian này cũng có hạn chế, với một số truyện dài thì khó xây dựng kiểu thời gian này, nó gây ra cảm giác nhàm chán, đơn điệu, cho nên có nhiều tác phẩm có nội dung lẫn đề tài rất hay nhưng không hấp dẫn được nhiều độc giả vì lý do trên. Thời gian đảo tuyến Các thời điểm trong truyện ngược hướng với thời gian câu chuyện thực tế. Người kể có thể sắp xếp, xáo trộn thời gian theo từng thời điểm hoặc toàn bộ truyện. Kiểu thời gian này không mới, ta đã gặp trước đây qua Chí Phèo (Nam Cao) và một số truyện ngắn hiện đại. Truyện có thời gian đảo tuyến thường gặp ở những cây bút chuyên về tiểu thuyết tâm lý, những truyện hồi ức, hồi tưởng…, trong đó cứ mỗi hồi ức, một kỷ niệm lại được đánh dấu bằng một mốc thời gian. Khác với kiểu thời gian đơn tuyến, thời gian đảo tuyến được hấp dẫn bởi sự phong phú của con người, cảnh vật, vì mỗi lần đảo tuyến thời gian thì đồng thời cũng tạo ra một không gian mới, hình ảnh mới. Đặc biệt là luôn tạo ra những bất ngờ thú vị, người đọc khó mà dự đoán được những sự kiện tiếp theo. Truyện của nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh đạt được hiệu quả nhờ cách kể này. Thời gian đa tuyến Thời gian đa tuyến là dạng thời gian xuất hiện trong truyện có nhiều nhân vật, mỗi nhân vật xuất hiện trong từng thời điểm có thể trùng hoặc không trùng nhau. Trong cùng một tác phẩm, có một tuyến nhân vật hoạt động độc lập với một tuyến nhân vật khác, nhưng không khác chiều mà cùng chiều. Cùng một khoảng thời gian, đối với tuyến nhân vật này có thể là ngắn nhưng tuyến kia lại dài tùy theo số lượng thời gian xuất hiện và hoạt động của tuyến nhân vật đó. Một biểu hiện nữa của thời gian đa tuyến là tác phẩm được xây dựng trên hai trục thời gian: quá khứ và hiện tại. Hai tuyến thời gian này không tách rời nhau mà xen kẽ nhau, lồng nhau rất chặt. Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai sẽ thấy rõ hơn lối xây dựng kiểu thời gian này. Thời gian hòa bình mới hai năm, còn thời gian chiến tranh là mười năm, có một khoảng cách ngắn ngủi mà các nhân vật thay đổi từ ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ, hành động, vì thế đều khác hẳn đến mức không nhận ra được nhau, một người thành hai, ba người, tiểu thuyết lồng tiểu thuyết. Còn một dạng thời gian truyện cứ đan xen nhau trong một rừng ký ức nhập nhằng, đó là cách kể trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), chiến tranh, hòa bình, trước chiến tranh sau chiến tranh, thời gian lộn xộn thay đổi không theo một trật tự nào. Con người và sự việc đan cài nhau với dòng hồi ức đứt nối của nhân vật. Theo dòng ký ức nhân vật đưa ta trở lại không gian thanh bình miền Bắc, cảnh bom đạn chiến tranh, phố xá sơ tán, đến chiến trường dữ dội ở vùng núi Trường Sơn… Tiểu thuyết hồi tưởng còn sử dụng thời gian đồng hiện: quá khứ, hiện tại, tương lai cùng xuất ngay trong lúc kể. Nhìn chung, các trình tự này được tác giả sử dụng có thể là độc lập, cũng có thể là đan xen nhưng tất cả có chung mục đích là tạo được hiệu quả nghệ thuật cao. 1.1.2.1.2 Nhịp độ thời gian: tức là độ dài của sự kiện và khoảng cách giữa các sự kiện cũng như độ dài thời gian của việc cảm thụ sự kiện ấy. Nhịp độ thời gian tồn tại hai dạng là nhịp độ diễn ra tự nhiên và nhịp độ của tâm trạng: Nhịp độ tự nhiên Người ta cảm nhận được thời gian từ những đổi thay, biến cố trong tự nhiên (sáng, trưa, chiều, tối, xuân, hạ thu, đông), trong đời người (lọt lòng, lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, già, chết), trong phong tục xã hội (các ngày lễ hội, các phiên chợ…), trong đời sống chính trị (đời vua nào, trước cách mạng, sau giải phóng…). Mọi cảm nhận biến đổi theo tuần tự thời gian: “Ôi sáng xuân nay, xuân 41 Trắng rừng biên giới nở hoa mơ Bác về. Im lặng. Con chim hót Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ” (Theo chân Bác-Tố Hữu) Nhịp độ tự nhiên không tạo ra nhiều kịch tính, hồi hộp, lo lắng cho người đọc. Nhịp độ người kể trùng khít với thời gian sự kiện (hay độ dài thực tế), thời gian sự kiện qua nhanh thì nhịp độ người kể phải nhanh, thời gian sự kiện chậm lại thì người kể cũng phải rề rà theo. Nhịp độ tự nhiên phụ thuộc vào thời gian của truyện chứ không dựa vào trạng thái của người kể. Nhịp độ tâm lý Nhịp độ thời gian tâm lý- bao gồm nhịp độ thể hiện qua hành động, hoạt động bên ngoài và nhịp độ trong tâm tưởng, tư duy thường phù hợp với nhịp độ thời gian sự kiện. Nhịp độ thời gian gấp khúc, dồn dập thì nhịp độ thời gian của nhân vật luôn hối hả khẩn trương. Chẳng hạn trong Vợ Nhặt của Kim Lân, chuyện cưới vợ rất quan trọng cần thời gian chuẩn bị cho thật hoàn hảo, nhưng trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ- nạn đói khủng khiếp năm 1945, thì con người ta không còn thời gian để suy nghĩ hay đắn đo, chỉ có bốn bát bánh đúc cùng những lời bông đùa mà anh Tràng có được vợ một cách nhanh chóng, không ngờ. Qua đó, ta thấy được hiện thực và càng làm nổi bật sự thương xót của tác giả…. Ngược lại, thời gian hành động nhân vật sẽ thong thả, thư thái khi nhịp độ thời gian của sự kiện chậm lại trì trệ. Đôi khi, nhịp độ tâm lý cũng được xây dựng từ ý đồ nghệ thuật của tác giả chỉ một sự kiện nhỏ xảy ra trong một ngày nhưng nhà văn có thể miêu tả và kéo dài thời gian của sự kiện ra hàng chục trang giấy trong vài ba chương. Và ngược lại, có khi biến cố cả cuộc đời nhân vật mà tác giả chỉ dồn nén trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Trong truyện Một ngày dài hơn thế kỷ của T.AiMaTov ta có thể thấy rõ hơn, thời gian hiện tại từ nửa đêm khi Edigel nhận được tin Kazangap chết đến lúc an táng thi hài người quá cố ở nghĩa địa Ana-Bejit chỉ trọn vẹn một ngày , nhưng tác giả còn tái hiện lại quá khứ đau thương đầy khổ cực của những công nhân sống nơi Ga Xép bão tuyết, trên thảo nguyên mênh mông, hiu quạnh và vô cùng khắc nghiệt cùng viễn cảnh tương lai của khoa học khám phà vũ trụ.Và điều đó mang lại một ý nghĩa thẩm mỹ, tạo cho độc giả một cảm giác như sống trong thời gian nghệ thuật đó. Tóm lại, nhịp độ thời gian là quá trình sắp xếp, bố trí các sự kiện, chi tiết của tác giả. Qua đó, ta nhận ra được những gửi gắm, nguyện vọng cùng với các chi tiết độc đáo của một tác phẩm. 1.1.2.2 Thời gian nhân vật Song song với thời gian sự kiện, thời gian nhân vật là một biểu hiện khác thuộc phạm trù thời gian được trần thuật. Thời gian nhân vật là sự tồn tại của nhân vật mà ở đó nhân vật có thể suy nghĩ, hoạt động, là chủ thể của hành động và cũng là đối tượng bị tác động bởi chuỗi sự kiện trong tác phẩm văn chương. Thời gian nhân vật trong tác phẩm rất quan trọng, vì nó giúp cho người đọc ý thức được sự tồn tại của nhân vật. Trong tác phẩm Vỡ bờ, nhân vật Khắc chết ngay ở phần hai của tập một. Nhiều người băn khoăn là sao nhân vật chết quá sớm. Nhưng Khắc chết là hợp lý. Vì anh đại diện cho lớp chiến sĩ cách mạng hy sinh trước lúc cách mạng thành công. Trong anh chứa đựng toàn bộ phẩm chất, đặc điểm của những người cách mạng thời đó. Anh xuất hiện với tư cách là một đại biểu. Những người cách mạng thời đó làm được thì Khắc cũng không thua kém (vận động quần chúng đi vào công nhân, diễn thuyết, viết báo, in ấn tài liệu và cả ở tù), anh xem sở thích của họ cũng là sở thích của anh (trong tù anh thích đọc và ngâm Truyện Kiều…). Do đó, nếu để Khắc sống lâu hơn thì anh sẽ là con người của thời đại khác, sẽ làm lu mờ nội dung lịch sử mà nhà văn muốn thể hiện. Thời gian nhân vật gồm thời gian tiểu sử nhân vật và thời gian tâm trạng (tâm lý) nhân vật. 1.1.2.2.1 Thời gian tiểu sử Thời gian tiểu sử nhân vật là khoảng thời gian trong tác phẩm dành để biểu hiện nguồn gốc, xuất thân của nhân vật. Những thông tin trên có thể do nhân vật tự nói hoặc do một nhân vật khác kể lại, mà có khi chính tác giả cung cấp. Thời gian tiểu sử nhân vật thường xuất hiện trong các tác phẩm viết về đề tài người anh hùng lập chiến công vĩ đại cho tập thể hay cộng đồng. Lấy nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, tác phẩm mở đầu bằng cuộc trao đổi giữa viên quản ngục và tên Thư lại về tội nhân đặc biệt sắp bị giải đến. Cuộc trao đổi ngắn nhưng giúp ta hình dung được tài năng khác thường của nhân vật. Đó là người văn võ song toàn, viết chữ nhanh đẹp và có cả tài bẻ khóa vượt ngục, người chưa đến mà danh tiếng vang dội khắp nơi. Cách miêu tả gián tiếp khéo léo vừa có tác dụng giới thiệu ngắn gọn đầy sức thuyết phục tài năng nhân vật, vừa thể hiện rõ đặc điểm của người anh hùng nghệ sĩ đậm chất huyền thoại dân gian. Kết cấu của loại thời gian này thường ngắn, đơn giản, không phức tạp, bởi nó chủ yếu chỉ liệt kê đánh giá nhân vật. Thời gian tiểu sử có thể được đưa ra trước khi nhân vật xuất hiện theo trình tự. Nhưng cũng có thể sau khi nhân vật xuất hiện mới được nêu ra, thường được hồi tưởng lại giúp làm nổi bật những ưu- khuyết điểm của nhân vật. Lấy nhân vật rất quen thuộc của Nam Cao là ví dụ điển hình, cuộc đời Chí Phèo ta trải qua nhiều biến cố và kết thúc bằng bi kịch. Nhưng qua thủ pháp nghệ thuật này, tác giả vẫn khái quát được cuộc đời của hắn cho dù trình tự thời gian trong tác phẩm có đảo ngược. Cuộc đời hắn được miêu tả đầy đủ và kịch tính hơn khi tác giả khéo léo cắt khúc và xen vào những sự kiện dẫn đến những biến cố đó, góp phần làm rõ hơn phần tiểu sử của nhân vật. Bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ được nhặt về và được những người trong làng truyền tay nhau nuôi đi ở cho Bá Kiến đi tù thành lưu manh và trở về làng tay sai cho Bá Kiến trải qua mối tình với Thị Nở thức tỉnh lương tâm muốn làm người lương thiện giết chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Một cuộc đời đầy bi kịch. Tóm lại, qua thời gian tiểu sử tác giả muốn người đọc bước đầu tiếp cận nhân vật của mình, từ biết được hoàn cảnh xuất thân thì người đọc mới có thể hiểu được hành động, tâm trạng cũng như cảm xúc của nhân vật, cũng từ đó khoảng cách giữa nhà văn và độc giả được rút ngắn hơn. 1.1.2.2.2 Thời gian tâm lý Có một loại thời gian mà ta không thể dùng dụng cụ vật lý để đong, đo, đếm được, đó là thời gian cảm nhận bằng tâm lý qua chuỗi liên tục các biến đổi (biến cố) có ý nghĩa thẩm mỹ xảy ra trong thế giới nghệ thuật. Bởi là thời gian được cảm nhận bằng tâm lí và mang ý nghĩa thẩm mỹ nên thời gian nghệ thuật khác với thời gian khách quan đo bằng lịch sử và đồng hồ. Vì nó được cảm nhận bằng tình cảm, cảm xúc của con tim, bằng lăng kính chủ quan của chủ thể, đối tượng tiếp nhận. Khi vui sướng, hạnh phúc thì con người cảm thấy thời gian ngắn ngủi: Ngày vui ngắn chẳng tày gang Trông ra ác đã nhậm gương non đoài (Truyện Kiều) Vì thế không ít nhà thơ, nhà văn của chúng ta rất sợ thời gian qua nhanh mà chưa hưởng trọn vẹn vị ngọt cuộc đời. Trong đó, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn khát khao yêu, khát khao sống hết mình vì tình yêu nên ông đã từng lo sợ, thảng thốt trước cảm giác ngắn ngủi của thời gian: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn le lói suốt trăm năm … Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ! Em, em ơi, tình non sắp già rồi… (Giục giã) Ngược lại, khi buồn khổ thì thời gian dường như đi chậm lại: Sầu đong càng lắc càng đầy Ba thu dọn lại một ngày dài ghê (Truyện Kiều) Hay khi nhớ nhung, chờ đợi, con người cảm thấy thời gian dài đằng đẵng: Nhưng rồi người khách tình xuân ấy Đi biệt không về với bến sông Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi Mấy lần cô gái mỏi mòn trông (Cô lái đò –Nguyễn Bính) Do được cảm nhận bằng tâm lý nên thời gian không theo một trình tự nhất định nào. Trong văn xuôi, thời gian tâm lý thường được biểu hiện ở hiện tại với những đau khổ, dằn vặt hay vui sướng, hạnh phúc. Tất cả quá khứ hay tương lai dường như tập hợp trong hiện tại bây giờ. Bởi kết quả của quá khứ là hôm nay, cái hôm nay dự báo ngày mai. Trong Sống mòn của Nam Cao, thời gian tâm lý thể hiện rất rõ qua các nhân vật Thứ, San…Chúng ta thấy khoảng thời gian sống ở căn gác nhà trường là khoảng thời gian Thứ và San phải đối mặt với Oanh, với tiếng the thé, gắt gỏng, hách dịch của Oanh, Oanh nói suốt ngày, Oanh không bằng lòng về lũ học trò, về lão chủ nhà, về thằng Nô, về bọn trẻ con, về những người láng giềng và cả người tình nhân ở xa xôi. Có thể nói, đó là những chuỗi ngày nặng nề mà Thứ và San phải chịu đựng khi sống với Oanh. Có khi thời gian ở hiện tại lại mở ra viễn cảnh hay dự báo tương lai. Nó có thể cho thấy niềm lạc quan yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp hoặc cũng có thể là bế tắc sầu muộn của nhân vật hay của chính tác giả. Trong Chí Phèo của Nam Cao, chi tiết “Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và thoáng nghĩ tới cái lò gạch cũ…”, là chi tiết biểu hiện cho thời gian ở tương lai, đó là một kết thúc mở gợi cho người đọc viễn cảnh “Chí Phèo con” ra đời và dự báo cuộc đời nó cũng chẳng khác gì cha nó. Hay quá khứ hiện tại đan xen nhau còn là biểu hiện của thời gian hồi tưởng, hoài niệm về quá khứ. Con người như tiếc nuối quá khứ muốn níu kéo, bởi nó có ấn tương tốt đẹp, là kỷ niệm sâu sắc khó phai. Mà hiện tại họ đang chán nản tuyệt vọng, đau buồn, chờ đợi…và dự báo một tương lai cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam, trong lúc đợi đoàn tàu, hai chị em Liên và An nhớ lại lúc ở Hà Nội, được dẫn đi dạo ở Bờ hồ, được uống những cốc nước xanh đỏ…, còn giờ chúng phải ngồi giữa bóng tối chập chờn bao trùm nơi phố huyện nghèo mà chẳng thấy gì ở tương lai. Những hồi ức này càng làm chúng buồn và chới với. Tuy nhiên, đôi khi quá khứ cũng là một hoài niệm đẹp, con người dùng nó làm động lực để sống tự tin hơn, sống đúng hơn đẹp hơn trước hiện tại. Tóm lại, khi nghiên cứu thời gian nghệ thuật, ta cần có cơ sở lý thuyết vững chắc và tùy vào từng tác phẩm, từng đề tài cụ thể mà lựa chọn vận dụng một cách có hiệu quả. Cần quan tâm đến sự tương quan giữa thời gian trần thuật với thời gian được trần thuật. Chính sự so le của thời gian cho ta thấy tác giả tập trung phản ánh thời điểm nào đó của sự kiện hay nhân vật. Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật làm nên hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là một chủ thể xác định, tính xác định của nó được làm nên bởi không gian và thời gian. Bởi thế, nghiên cứu thời gian nghệ thuật là khám phá tác phẩm như một thế giới, một chỉnh thể nghệ thuật được xác định trong không – thời gian 1.2 Không gian nghệ thuật 1.2.1 Khái niệm không gian nghệ thuật Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hiện tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật” [3; 160]. Giáo trình Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại của Gs Trần Đình Sử có nói: “Không gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ trường nhìn, cách nhìn. Không gian ấy có thể rất mênh mang, có thể rất eo hẹp. Không gian này cũng có viễn cảnh, giá trị tình cảm. Tình cảm có thể làm cho không gian bao la thêm hay gò bó chật chội thêm” [10; 42] Trong tiểu luận Những thế giới nghệ thuật thơ, Gs Trần Đình Sử có nêu: “Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận của mình ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy.”[11; 372] Tóm lại không gian nghệ thuật là một hình tượng nghệ thuật, là phương tiện khái quát thế giới nội tại, là nơi bày tỏ quan niệm về cuộc sống cũng như con người của tác giả. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng. Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không qui được vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới- dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở như trong cổ tích làm cho ước mơ công lý được thực hiện dễ dàng. Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật cũng rất đa dạng và phong phú. Các cặp phạm trù cao-thấp, xa-gần, rộng-hẹp, cong- thẳng, bên này- bên kia, vững chắc- bập bênh, ngay- lệch….đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu các loại hình của các hiện tượng nghệ thuât . Không gian trong tác phẩm văn học có một ranh giới phân biệt với không gian vật chất bên ngoài, nó thể hiện tính chất của một thế giới tinh thần. Những ranh giới này có thể là ranh giới bên trong, ranh giới bên ngoài, ranh giới bất biến hay khả biến Không gian trong văn học được thể hiện bằng các không gian điểm mang tính ước lệ, tượng trưng. Hay không gian biểu thị bằng các từ không gian vốn mã hóa sẵn về ý nghĩa trong đời sống: trên cao, dưới thấp, nghiêng, lệch lạc, hữu khuynh, tả khuynh, xuống dốc, rộng hẹp, quanh co, ngắn dài…Các yếu tố này làm cho không gian thấm đượm nội dung văn hóa truyền thống. Khi kể, người kể và cái được kể hình thành nên một không gian với nhiều mối tương quan tác động lẫn nhau: các sự kiện được kể, các quan hệ được kể giữa người kể và các nhân vật được kể và giữa người kể và ngôn ngữ nhân vật được kể được gọi là không gian trần thuật. Ngược lại, không gian trần thuật là không gian được kể, tả trong tác phẩm bao gồm: bối cảnh, sự kiện, tâm lý. 1.2.2 Các loại không gian nghệ thuật 1.2.2.1 Không gian bối cảnh Không gian thường xuất hiện trong tác phẩm văn chương là không gian bối cảnh. Không gian bối cảnh là môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm có tên riêng hay không có tên riêng, trong đó có đủ cả thiên nhiên, xã hội và con người. Nó là điều kiện cần thiết cho mọi sự kiện, mọi hoạt động, mọi phạm vi thế giới. Một “cái gì đó” xảy ra không thể không có quan hệ với một cái khác ở “nơi nào đó”. Làng quê của Nam Cao, Ngô Tất Tố… được phát họa chân thực chi tiết là môi trường của các nhân vật sống như Chí Phèo, Lão Hạc, chị Dậu…, thảo nguyên vùng sông Đông là môi trường sống của các nhân vật Grigori, Panchelay, Natasa… (Sông Đông êm đềm), hay Paris nghèo khổ là không gian của Tê-nac-đi-ê, Cô-đét, Făng-tin… (Những người khốn khổ). Hơn bất cứ một thể loại nào, truyện đã mở rộng không gian đến mức có thể đưa lại cho nhân loại những hiểu biết về thế giới ở cái tầm nhìn của con người bị hạn chế bởi tầm mắt con người. Khi con người đói khát thông tin thì truyện là phương tiện lý tưởng bậc nhất. Trong truyện ngắn Lão Êkhip và bé Lionka của nhà văn Nga nổi tiếng M.Gorki đã cho người đọc thấy được bối cảnh hiện thực của xã hội Nga lúc bấy giờ- một xã hội nghèo khổ và đầy bất công. Có thể phân chia bối cảnh làm ba loại: bối cảnh thiên nhiên, bối cảnh xã hội và bối cảnh tâm trạng. Bối cảnh thiên nhiên gồm những hiện tượng thiên nhiên như trời, đất, gió, mây, sông, núi, cây cỏ… làm thành khung cảnh rộng lớn, đa dạng thay đổi theo mùa khác nhau ở những địa phương khác nhau, trong từng giây phút. Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu khá thành công trong việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên ở Việt Bắc: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan