Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Thơ mới và sự đổi mới nghệ thuật thơ trong thơ việt nam hiện đại...

Tài liệu Thơ mới và sự đổi mới nghệ thuật thơ trong thơ việt nam hiện đại

.PDF
186
331
51

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BÙI QUANG TUYẾN THƠ MỚI VÀ SỰ ĐỔI MỚI NGHỆ THUẬT THƠ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2001 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 3 MỤC LỤC .................................................................................................................... 4 PHẦN DẪN NHẬP ...................................................................................................... 5 1. Tính cấp thiết của đề tài: ...............................................................................................5 2. Lịch sử vấn đề : ...............................................................................................................6 3. Mục đích, ý nghĩa: ........................................................................................................22 4. Phương pháp nghiên cứu: ............................................................................................22 5. Giới hạn đề tài, phạm vi nghiên cứu:..........................................................................23 6. Cấu trúc luận án: ..........................................................................................................23 7. Đóng góp mới của luận án: ..........................................................................................24 CHƯƠNG 1: GIỚI THUYẾT VỀ “THƠ MỚI” (1930 - 1945) VÀ SỰ ĐỔI MỚI NGHỆ THUẬT THƠ ................................................................................................ 25 CHƯƠNG 2: SỰ ĐỔI MỚI “THƠ MỚI” TRÊN BÌNH DIỆN THI HỨNG ...... 36 2.1. Sự đổi mới thi hứng, yếu tố quyết định đổi mới “Thơ Mới” .................................36 2.2. Những nguồn thi hứng mang cảm quan mới trong “Thơ Mới”............................37 2.2.1. Cảm hứng về cái tôi ..............................................................................................37 2.2.2. Cảm hứng về cái buồn, cái cô đơn ........................................................................61 2.2.3. Cảm hứng về tình yêu: ..........................................................................................72 2.2.4. Cảm hứng về đất nước, quê hương; về những số phận không may. ....................84 2.2.5. Cảm hứng về thiên nhiên ......................................................................................94 CHƯƠNG 3: SỰ ĐỔI MỚI “THƠ MỚI” TRÊN BÌNH DIỆN THI PHÁP...... 107 3.1. Sự quy định của thi hứng đối với thi pháp: ..........................................................107 3.2. Sự đổi mới “Thơ Mới” trên bình diện thể loại .....................................................108 3.2.1. Thể thơ tự do: ......................................................................................................113 3.2.2. Thể thơ lúc bát: ...................................................................................................118 3.2.3. Thể thơ 7 tiếng: ...................................................................................................121 3.2.4.Thể thơ 8 tiếng: ....................................................................................................127 3.3. Sự đổi mới “Thơ Mới” trên bình diện ngôn ngữ thơ: ..........................................134 3.3.1. Sự đổi mới lời thơ: ..............................................................................................135 3.3.2. Sự đổi mói câu thơ: .............................................................................................156 PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................................. 171 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 178 PHẦN DẪN NHẬP 1. Tính cấp thiết của đề tài: 1.1. Phong trào “Thơ Mới” (1930 - 1945) chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Đó là một phong trào cải cách, đổi mới thơ ca về thi hứng và thi pháp, đánh dấu sự chuyển biến của một nền thơ ca từng ngự trị lâu đời trên thi đàn dân tộc, tạo nên bước ngoặt lịch sử, đưa thơ ca Việt Nam từ loại hình cổ điển bước vào loại hình hiện đại, góp phần đặt nền móng cho thơ ca hôm nay. Có thể nói, với ““Thơ Mới””, thơ ca Việt Nam bước tới sự hội nhập với thơ ca hiện đại thế giới, cùng với thơ ca thế giới đi sâu khám phá những giá trị nhân văn phức tạp, đa dạng của con người thế kỷ XX. Ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, “Thơ Mới” là một hiện tượng văn học có giá trị trong nửa đầu thế kỷ XX. 1.2. Mặt khác, đây là một hiện tượng văn học phức tạp, từng gây ra nhiều cuộc thảo luận, tranh luận sôi nổi, hấp dẫn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong một thời kỳ lịch sử khá dài. Những cuộc thảo luận, tranh luận không chỉ dừng lại trong phạm vi văn học nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa về xã hội, chính trị, tư tưởng. Cũng như vấn đề Truyện Kiều trước nó, “Thơ Mới” tạo ra những cuộc tranh luận, thảo luận nối tiếp nhau, mỗi lần như thế vấn đề lại càng nâng cao càng mở rộng. “Thơ Mới” có một số phận thăng trầm trong một quá trình tiếp nhận, với nhiều quan điểm xem xét, đánh giá khác nhau, tùy theo góc độ lựa chọn của mỗi độc giả, mỗi nhà nghiên cứu, tùy theo tâm lý xã hội và yêu cầu chủ đạo của mỗi giai đoạn lịch sử. Cho đến hôm nay, vấn đề nhận định, đánh giá “Thơ Mới”, cũng chưa phải đã thống nhất. Có thể nói, nhìn chung việc đánh giá hiện tượng “Thơ Mới” tuân theo một tiến trình khá biện chứng: phủ định - khẳng định rồi lại phủ định - khẳng định. Do vậy, dù đã trải qua 70 năm được nghiên cứu, đánh giá đặc biệt là trong 10 năm đổi mói vừa qua, “Thơ Mới” vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu, lý giải thêm. 1.3. “Thơ Mới” được đưa vào giáo trình Đại học, sách giáo khoa môn Văn ở trường Trung học Phổ thông. Chỉ trong phạm vi nhà trường, giữa các thầy giáo với nhau, về “Thơ Mới” vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Là một nhà giáo giảng dạy văn học ở trường Trung học, trong đó có giảng dạy “Thơ Mới”, trong nhiều quan điểm chúng tôi mong muốn chọn quan điểm được cho là xác đáng và hợp lý nhất để lý giải hiện tượng văn chương này. Song đây chắc chắn chưa phải là ý kiến cuối cùng mà chỉ là cái hướng tìm hiểu một phong trào thơ ca. Sở dĩ có ý định táo bạo như thế là do chúng tôi tiếp thu những ý kiến, những bài học về nghiên cứu, đánh giá của các bậc đi trước, mặt khác, chúng tôi sống trong bối cảnh những năm cuối thế kỷ XX - bối cảnh có tính chất tổng kết để chuyển sang thế kỷ XXI - có điều kiện nhìn lại chặng đường đau khổ và oanh liệt của dân tộc cũng như những đóng góp và hạn chế của các hiện tượng văn chương cụ thể. 2. Lịch sử vấn đề : Lịch sử nghiên cứu, đánh giá “Thơ Mới” gắn liền vói yêu cầu từng giai đoạn lịch sử hiện đại dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được chúng tôi lược thuật theo thời gian từng giai đoạn như sau : 2.1. Trước 1945: Có thể nói Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh, Hoài Chân là bản tổng kết 10 năm các cuộc tranh luận và những thành tựu, những vấn đề của phong trào “Thơ Mới”. Với bản tổng kết này, hai tác giả đánh giá phong trào “Thơ Mới” là “một thời đại trong thi ca”, một phong trào thơ có sự đổi mới mạnh mẽ về thi thể và thi tứ… Về thi thể, các tác giả cho rằng '"phong trào “Thơ Mới”"trước hết là một cuộc thí nghiệm táo bạo để định lại giá trị những khuôn phép xưa" [ 1 1 0 , tr. 41]. Cuộc thí nghiệm táo bạo ấy đã đổi mới thể thơ bằng cách "vứt đi nhiều khuôn phép xưa" và "cũng nhiều khuôn phép xưa nhân đó thêm bèn vững". Tác giả cũng thấy được hạn chế không thể tránh khỏi trong cuộc thí nghiệm về cách tân thi pháp như: "câu thơ hàm súc đến nỗi có những câu không ai hiểu gì cả" (36), "cái thói bắt chước vô ý thức" làm những câu 27 chữ, hay có đủ 12 chân "biến nghĩa tiếng một đi bằng cách sắp đặt tiếng này với tiếng khác một cách bất ngờ" làm cho "lời thơ rắc rối quá" và tác giả cho rằng đó là "cái ngông cuồng trái với tinh thần tiếng Việt", cái "mầm chết", cái họa, là "con đường tối tăm". Các tác giả chưa tìm hiểu về hình dáng cầu thơ, về vần, về ngữ pháp, cú pháp. Về thi tứ , hay tinh thần “Thơ Mới” , cái điều mà tác giả cho là quan trọng hơn đã có một sự đổi mới sâu sắc. Tác giả khẳng định "Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay “Thơ Mới” - có thể gồm trong hai chữ là tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi "(tr. 44). Không chỉ dừng lại với nhận xét chung cả phong trào thơ mà tác giả còn phát hiện cái tôi với vẻ đa dạng, phong phú tiêu biểu cho từng phong cách thi nhân mới. Cũng theo tác giả chữ tôi là tinh thần đổi mới của “Thơ Mới” song đó cũng là hạn chế của nó, "bởi vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: một lòng tin đầy đủ" (tr. 46). Đây là một nhận xét xác đáng, khách quan của tác giả. Phê bình về “Thơ Mới” cũng có thể kể đến Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại (1942). Trong Nhà văn hiện đại, tác giả dành 70/1266 trang (từ tr. 699 - 769) để viết về các nhà “Thơ Mới” (trong đó 6 trang cho nhận định tổng quát về sự đổi mới thơ), những trang còn lại viết về 10 nhà thơ mà tác giả cho là "tiêu biểu cho những áng “Thơ Mới”. Về sự đổi mói của “Thơ Mới” , tác giả cho rằng tinh thần của nó là "nguồn hứng" mới hay ở "ý rất mới". Vì rằng "các thi gia hiện đại chả dùng nhiều thể lục bát, thể thất ngôn và ngũ ngôn, trường thiên là gì? Những bài ấy gọi là “Thơ Mới” vì "ý rất mới" rồi "những thể thơ mà bây giờ người ta cho là mới xét ra đều xuất nhập ở các lối thi ca từ khúc cũ, thơ tám chữ chẳng qua chỉ là biến thể của lối hát ả đào" Từ đó tác giả đi đến kết luận: "Vậy cái chữ "mới" mà người ta tặng cho thơ bây giờ có lẽ để chỉ vào ý và lời thì dùng hơn là chỉ vào thể" [88 tr.699]. Mặt khác khi phân tích mười nhà thơ mà tác giả cho là tiêu biểu cho phong trào, tác giả khai thác ở góc độ nguồn hứng mới. Với Thế Lữ, tác giả cho rằng: "Ái tình tạo vật, rồi sầu man mác, đó là những nguồn hứng không cùng ở ông" (tr.749). Về Thánh nữ đồng trinh Maria của Hàn Mặc Tử, tác giả khẳng định: "Lần này cũng là lần đầu thi ca Việt Nam thấy được nguồn hứng mới" (tr. 768). Với Xuân Diệu thì: "những nguồn hứng mới: yêu đương và tuổi xuân dù lúc vui hay lúc buồn, cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thắm thía" (tr. 775). Còn những nhận xét như thế này thật hiếm: "Cũng là lục bát mà những câu lục bát "Tiếng sáo Thiên Thai" thật khác hẳn với những câu lục bát thuở xưa". Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn học Sử yếu (1942) cũng đánh giá cao các nhà “Thơ Mới” . Trong chương 6 "Vềmấy thi sĩ hiện đại", tác giả cho rằng các nhà “Thơ Mới” "là người có biệt tài và có tâm hồn thi sĩ” họ "không những muốn cải cách lối thơ về đường hình thức mà cũng có cái hoài bão đổi mới lối thơ về đường tinh thần" [43, tr. 439]. Theo ông, “Thơ Mới” đã có sự đổi mới về hình thức (thể cách) ở các mặt "số câu trong bài và trong khổ", "số chữ trong câu", "cách hiệp vần và điệu thơ" [tr. 431-432- 433-434]. Và cũng theo ông, “Thơ Mới” , mới ở đề mục và thi hứng, bởi vì họ quan niệm: Thơ phải là "cây đàn muôn điệu" để gẫy lên các âm thanh trong lòng người và "cây bút muôn màu", để vẽ đủ các hình sắc trong tạo vật. Phê bình chuyên sâu về một nhà thơ trong làng “Thơ Mới” có Trần Thanh Mại với tiểu luận Hàn Mặc Tử (1942). Trong tập tiểu luận dày 207 trang này tác giả đánh giá Hàn Mặc Tử là "một thiên tài", "là người đầu tiên trong thế kỷ XX mở một cuộc cải cách lớn lao cho văn chương Việt Nam và thành công một cách vinh quang, rực rỡ". [76, tr 184]. Cuộc cải cách lớn, "một phần hết sức quan trọng trong việc tạo thành giá trị và nghệ thuật thơ" của Hàn Mặc Tử, theo tác giả là âm nhạc. Cũng theo tác giả Hàn Mặc Tử là người đầu tiên đã tìm ra cái mà ta có thể gọi là quy luật cho lối thơ tám chữ. "Ấy là nhờ sự tìm ra được chỗ ngắt hơi (césure) trong lối thơ tám chữ phải nằm sau chữ thứ 3" (tr. 181). Năm 1935, xảy ra cuộc tranh luận giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l'art) và nghệ thuật vị nhân sinh (l’art pour la vie). Hải Triều vị chủ tướng của phái nghệ thuật vị nhân sinh chủ trương "nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội" (l'art est un produit de la vie sociale) nên cho rằng: "Nghệ thuật là vì nhân sinh chứ không bao giờ có cái nghệ thuật vị nghệ thuật" [132, tr. 100]. Ông phê phán thuyết "Nghệ thuật vị nghệ thuật", nghệ thuật thuần túy (l’art pur), nghệ thuật thần tiên (l’art olympien). Trong khi đó, Hoài Thanh, chủ tướng của phái Nghệ thuật vị nghệ thuật lại cho rằng : "Văn chương muốn gì thì gì, trước hết cũng phải là văn chương đã” hoặc "Nói cho cùng, nghệ thuật nào mà chẳng vị nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì sinh hoạt tinh thần của người ta" [109, tr. 261-262]. “Thơ Mới” thuộc khuynh hướng lãng mạn, giai đoạn này đang trên đà phát triển rực rỡ. Những quan điểm của Hoài Thanh đã tiếp sức cho các nhà “Thơ Mới” trên hành trình sáng tạo một nền thi ca mới. Còn những quan điểm của Hải Triều thức tỉnh các nhà “Thơ Mới”, kéo họ trở về với thực tại xã hội. Các nhà phê bình “Thơ Mới” trước Cách mạng Tháng Tám, mặc dù đứng ở những góc độ, mục đích, phạm vi nghiên cứu khác nhau nhưng họ có những nhận định thống nhất về giá trị của “Thơ Mới”, đánh giá đúng đắn, chừng mực sự đổi mới về mặt nội dung cũng như hình thức của “Thơ Mới”. Họ cũng thấy “Thơ Mới” có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, phần lớn đây là những ý kiến phê bình vẫn còn hạn hẹp chưa nghiên cứu toàn diện phong trào cũng như quá trình vận động của “Thơ Mới”. Nhìn chung những công trình ấy đã góp tiếng nói khoa học làm sáng tỏ một hiện tượng văn chương trẻ về đội ngũ, đa dạng về phong cách, mới về quan niệm thi ca. 2.2. Sau 1945: 2.2.1. Qua hai cuộc kháng chiến: Nếu trước 1945, nhiều công trình nghiên cứu về “Thơ Mới” đã đánh giá cao khả năng đóng góp của nó trong việc hiện đại hóa thơ ca đầu thế kỷ XX thì trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1946 - 1954) hầu như không có công trình nào, chỉ có tập sách Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) của Hoài Thanh, một số ý kiến trong cuộc chỉnh huấn Văn nghệ sĩ năm 1952 và Hội nghị tranh luận Văn nghệ Việt Bắc (1953). Hầu hết các ý kiến đều phủ nhận Thớ Mới và cho rằng đó là "vần thơ có tội nó xui người ta buông tay cúi đầu" [108, tr.10], mà chưa thấy mặt đóng góp của nó. Từ sau 1954 , nhất là những năm 1960 trở đi, vấn đề “Thơ Mới” được chú ý hơn trong các công trình: Lược thảo Lịch sử Văn học Việt Nam (1957) của nhóm Lê Quý Đôn, Văn học Việt Nam 1930 - 1945 (1961) Bạch Năng Thi - Phan Cự Đệ. Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật, (1962) của Hồng Chương, Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam 1930 - 1945, (1964) và Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong Văn học Việt Nam hiện đại 1930 1945 của Vũ Đức Phúc, Thơ ca Việt Nam, Hình thức và thể loại (1971) của Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức, Giáo trình lịch sử Văn học Việt Nam - trường Đại học Sư phạm - Hà Nội, Giáo trình Văn học Việt Nam – trường Đại học Tổng hợp - Hà Nội, Phong trào "“Thơ Mới”" 1932-1945 (1966) của Phan Cự Đệ. Trong đó công trình "Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại", hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã nghiên cứu hình thức “Thơ Mới” đặt trong sự phát triển của hình thức thơ ca đầu thế kỷ XX và cho rằng : "Điều đáng chú ý của phong trào “Thơ Mới” là phần đóng góp về hình thức nghệ thuật. Phong trào “Thơ Mới” đã đem lại cho bộ mặt thơ ca nhiều đổi mới đáng kể, như về thề thơ, về sự biểu hiện phong phú của các trạng thái cảm xúc hay về những yếu tố mới trong ngôn ngữ thơ ca" [80 tr.112]. Các tác giả đi đến kết luận “Về hình thức, “Thơ Mới” mang lợi nhiều khả năng biểu hiện cho thơ ca và do đó thúc đẩy sự phát triển của thơ ca thời kỳ hiện đại" (tr. 370). Các công trình còn lại thiên về nghiên cứu nội dung, xuất phát từ quan niệm văn chương cũng là vũ khí đấu tranh, phải phản ánh chân thực hiện thực, phải đáp ứng yêu cầu cách mạng của dân tộc, trong giai đoạn lịch sử. Do đó, “Thơ Mới” bị đánh giá thấp, thậm chí bị phê phán nặng nề về nội dung tư tưởng, về tác dụng. Chẳng hạn: Phong trào “Thơ Mới” cũng như khuynh hướng lãng mạn nói chung là biểu hiện của cá nhân tư sản [33 tr. 290]. “Thơ Mới” trong thời kỳ này có nghĩa không bằng lòng với cuộc sống trước mắt, nhưng nó hướng người đọc vào những con đường bế tắc [136, tr. 79]. ...Nếu căn cứ vào nội dung để đánh giá thì “Thơ Mới” hay thơ cũ mà nội dung không tốt cũng vất đi. Nói về tư tưởng thất bại hay đầu hàng đế quốc thì chính đó là cơ sở tư tưởng của trào lưu lãng mạn sau 1931, trong đó có “Thơ Mới” [90, tr. 69]. ...Trong lúc bằng cách này hay cách khác thoát ly đòi sống hiện thực, họ lại gieo rắc tư tưởng bi quan, tiêu cực, chán chường, thất vọng. Văn thơ lãng mạn chủ nghĩa thời bấy giờ phản ánh tâm lý bi quan, thất vọng, đầu hàng giai cấp tư sản, tiểu tư sản sau cơn khủng bố trắng và cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó có tác dụng ru ngủ quần chúng, làm cho quần chúng không nhìn thấy các mâu thuẫn sâu sắc và cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt trong xã hội, làm cho quần chúng xa rời cách mạng và bó tay làm nô lệ. [15 tr. 126]. Các bài viết trên tạp chí Văn học của Hoài Thanh: Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 - 1936 (1960) và Một vài ý kiến về phong trào “Thơ Mới” và quyển Thi nhân Việt Nam, tuy có thừa nhận một vài đóng góp của “Thơ Mới” nhưng mặt phủ nhận là chủ yếu. Chẳng hạn: Nhìn chung “Thơ Mới” chìm đắm trong buồn rầu, điên loạn, bế tắc. Đó chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa. Nguy hiểm nhất là nó tạo ra một thứ say sưa trong đó. Hình như không buồn rầu, không điên loạn, không bế tắc thì không hay, không sâu. Bế tắc đã biến thành một thứ lý tưởng. Một thứ lý tưởng như thế bao giờ cũng nguy hiểm, trong một hoàn cảnh cần phải đấu tranh quyết liệt lại càng nguy hiểm. Cho nên mặt chính của “Thơ Mới” phải nói là mặt tiêu cực [111, tr. 295]. Những bài viết khác cũng không xa hơn những nhận định trên. Trong khi đó các nhà thơ xuất thân trong làng “Thơ Mới” lại có những đánh giá cân đối hơn, họ thấy mặt hạn chế đồng thời cũng thấy được sự đóng góp đáng kể của phong trào. Xuân Diệu cho rằng: "“Thơ Mới” là một hiện tượng dân tộc, nó đã có những đóng góp nhất định vào mạch văn dân tộc." "Trong phần tốt của nó, “Thơ Mới” có một lòng yêu đời, yêu thiên nhiên, đất nước, yêu tiếng nói dân tộc. “Thơ Mới” là một tiếng hát đau khổ, không chịu vui với cái xã hội ngang trái, vùi dập đương thời." [18, tr. 166]. Chế Lan Viên hơn ai hết hiểu sâu sắc cái tình của các nhà “Thơ Mới” và thấy được những gì tinh túy của “Thơ Mới” cần được tiếp thu. Nhà thơ tâm sự: Tôi hiểu cái "tội" của những nhà thơ ấy, nhưng tôi cũng rất yêu cái "tình" của họ. Cái tình của những người yêu đời, nhưng đời, đầu tiên là chỉ có mình. Cái tình của những người yêu cuộc sống, nhưng lại bi quan về cuộc sống. Cái tình của những người yêu nước nhưng lại yếu hèn và không biết lối ra. Họ đứng dẫm chân tại chỗ khóc than. Ngỡ đâu là một sự chống trả với quân thù và biết đâu không thức tỉnh được dăm người thật là làm bi lụy và quẩn chân bao người khác. Bình tĩnh rồi ngày kia trong văn mạch hào hùng dân tộc ta cũng tiếp thu những tiếng khóc lời than ấy, nó cũng là một phần máu thịt ta đã rơi vãi trên đường đi [65, tr. 32]. Trong bối cảnh nghiên cứu như thế, Trường Chinh đã đưa ra nhận định cho việc gạn đục khơi trong đối với di sản văn hóa dân tộc trong đó có “Thơ Mới”, ông viết: "Đối với trào lưu văn nghệ lãng mạn, chúng ta không nên mạt sát vơ đũa cả nắm mà cần đi vào phân tích những đóng góp tiến bộ trong những thời kỳ khác nhau" [13 tr. 63]. Có lẽ cũng nên có một cái nhìn khách quan lịch sử đối với thơ lãng mạn, nhà thơ Tố Hữu tâm sự: Tôi cũng thích nhạc điệu và hơi thơ của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận...Trong tâm hồn các anh lúc dó, tôi tìm thấy những nỗi băn khoăn đau buồn của những người cùng thế hệ, đòi hỏi tự do, ước mơ hạnh phúc, trong các anh chưa tìm thấy lối ra, và nhiều khi rơi vào chán nản [54 tr 42]. 2.2.2. Tại các vùng tạm chiếm: Tại các vùng tạm chiếm tiếp tục chế độ thuộc địa nên vẫn tiếp tục sự đánh giá như trước 1945. “Thơ Mới” được đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu phê bình văn học. Ở Sài Gòn, các tạp chí như Bách khoa, Văn hóa Á Châu, Phổ thông, Văn, Văn học, Nghiên cứu Văn học đều có bài nghiên cứu về “Thơ Mới”, hoặc về tác giả, tác phẩm “Thơ Mới”. Các chuyên san đã giới thiệu những phong cách, cá tính sáng tạo, cảm hứng riêng góp phần phát hiện một mùa thơ ca bội thu. Chẳng hạn, Tam ích viết về Bích Khê: Chàng ly khai với thơ cũ và trưởng thành trong những nhịp "“Thơ Mới”", nhịp của những Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận ...Người của thời mới có nhịp mới, Bích Khê thi nhân tượng trưng cho thơ Đường trở nên thi nhân tượng trưng của “Thơ Mới”. Thời làm sao, người làm sao, nhịp làm vậy: câu thơ chỉ là phản ánh của cá tính nhìn qua một thứ quang tuyến ...Cùng với những thi nhân tiền chiến chàng sáng tạo lại (récreation) âm thanh của chàng trong một số thi tiết mới [58, tr. 16]. Đinh Cường viết: "Với "Tinh huyết" tập thơ làm bằng tim, óc, thịt và máu cùng những ý tưởng thanh cao và tội lỗi. Bích Khê yêu một thể thơ trụy lạc và nghệ thuật đi đến chỗ thắm chín tuyệt đích. Thơ Bích Khê ví như cái cầu vồng, đi từ màu trắng bâng khuâng đến màu gay gắt, ray rứt, điên cuồng, chỉ khi nào hiểu mới thấy được những màu kia. Bích Khê đã phát ra một rung động mới mẻ (un frisson nouveau), thường dùng những biểu tượng (symboles) để diễn tả những hình ảnh và những ý tưởng khác lạ có đủ ma lực gợi ra hay làm sáng tỏ đối tượng" [17, tr. 67]. “Thơ Mới” cũng được nghiên cứu ở các tuyển tập, phê bình và văn học sử. Có thể kể: Thi nhân Việt Nam hiện đợi (1959) của Phạm Thanh, Nguyên tắc sáng tác thi ca (1959) - Vũ Văn Thanh, Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1962) - Minh Huy, Kỷ niệm Văn thi sĩ hiện đại (1962) - Bàng Bá Lân, Luật “Thơ Mới” - Minh Huy, Ngày đó có em - Đinh Hùng, Thơ Việt hiện đại (1969) - Uyên Thao, Khuynh hướng thi ca tiền chiến (1969) Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, Hàn Mặc Tử, thi sĩ tiền chiến (1968) - Hoàng Diệp, Văn sĩ tiền chiến (1969) - Nguyễn Vỹ, Đời Bích Khê (1971) - Quách Tấn, Phê bình Văn học thế hệ 1932 (1972) - Thanh Lãng, Văn Thể lược giảng, Việt Nam Văn học Sử giản ước tân biên (1965) - Phạm Thế Ngũ, Phép làm thơ - Diên Hương, Việt Nam Thi nhân tiền chiến (3 tập) - Nguyễn Tấn Long, Vũ trụ Thơ (1972) Đặng Tiến, Những hàng châu ngọc trong thi ca (1969) - Huy Trâm, Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam - Hà Như Chi, Nhà văn tiền chiến 1930 - 1945 (1974) - Thế Phong. Về sự đổi mới “Thơ Mới”, các công trình đã đề cập đến cả hai bình diện nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật trong đó chú ý nhiều hơn về hình thức nghệ thuật (kỹ thuật thơ). Theo các nhà nghiên cứu trong giai đoạn này, “Thơ Mới” đã có một sự chuyển đổi từ cái "ta" cộng đồng sang cái "tôi" cá nhân lãng mạn, phongphú, đa dạng. Nói như Hà Như Chi "mỗi cái một vẻ, làm cho thi văn ta dồi dào về tình cảm hơn bao giờ hết" [11, tr. 21]. (Theo chúng tôi tắt cả đánh giá này chưa vượt qua Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh Hoài Chân). Các công trình nghiên cứu hầu như đặc biệt chú trọng về sự đổi mới hình thức thơ (kỹ thuật). Minh Huy đưa ra "Luật “Thơ Mới”" [52, tr. 9]: "Luật bằng trắc" và "cách gieo vần" trên một chừng mực nhất định để áp dụng cho các thể “Thơ Mới”. Vũ Văn Thanh cho rằng: "“Thơ Mới” linh động hơn Cổ phong, lời lẽ thường nhẹ nhàng, uyển chuyển và đặt câu cũng có phần gọn gàng, phù hợp với thời gian tính" [112, tr. 121]. Phạm Thế Ngũ cho rằng: "Câu thơ không hạn định số chữ và không theo thanh luật, bài thơ không hạn định số câu, phân khổ tùy ý, vần gieo theo mấy kiểu vần trong thơ Pháp. Cách đặt câu và ngắt câu phóng túng" [82, tr. 92- 93- 97]. Có thể xem nhận định của Phạm Thế Ngũ cũng là ý kiến chung của các nhà nghiên cứu đương thời về thể cách “Thơ Mới” . Thể cách “Thơ Mới” ảnh hưởng thơ Pháp song đó chỉ là bước đầu, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy rằng về sau " chúng ta chỉ rút ra từ thi luật Pháp những điểm hay những cách gieo vần, tréo, ôm, tiếp, những lối choàng, thông trong thơ làm cho câu thơ biến hóa thêm tiết điệu, thêm thơ" [53, tr. 31]. Nhìn chung, tình hình nghiên cứu “Thơ Mới” tại các vùng tạm chiếm giai đoạn này khá sôi nổi nhiều về số lượng, có những tác giả áp dụng các phương pháp nghiên cứu "mới" như: ấn tượng, khách quan, thực chứng, phân tâm, cấu trúc... tạo nên một nguồn tài liệu dồi dào cho các công trình nghiên cứu sau này. Song các công trình nặng về khái quát văn học sử. 2.2.3. Sau ngày thống nhất và trong thời kỳ đổi mới Sau 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, điều kiện nghiên cứu văn học có thuận lợi hơn. Song phạm vi đề tài nghiên cứu được tập trung chung quanh những tác phẩm phản ánh hai cuộc kháng chiến yêu nước vừa qua. Tình hình nghiên cứu “Thơ Mới” chưa thực sự khỏi sắc, việc đánh giá, thừa nhận sự đóng góp thì cũng tỏ ra dè dặt. Chẳng hạn, trong Thêm một vài lời về quyển Thi nhân Việt Nam (1932 - 1945) Hoài Thanh suy nghĩ "Ngày nay hòa bình lập lại, hoàn cảnh đã đổi khác. Trong hoàn cảnh đổi mới, nên chăng nhìn lại Thi nhân Việt Nam một cách khác? Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục trân trọng phần hay, phần đẹp trong “Thơ Mới” như ta vẫn nhận định trước đây. Những phần ấy không phải phần chính. Phần chính là thơ xuôi tay và nước chảy xuôi dòng" [106, tr. 168]. Còn trong Phong trào “Thơ Mới” của Phan Cự Đệ in lại 1982 có quan tâm hơn đến mặt tích cực của “Thơ Mới” nhưng về cơ bản, trong phần nói về nhược điểm tác giả vẫn cho rằng “Thơ Mới” "nguy hại lâu dài và khó chữa", "có hại cho Cách mạng thì ít nhiều phải có lợi cho địch" [27, tr. 125-126]. Từ sau 1986 đến nay, đặc biệt sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), cùng với một không khí dân chủ hóa trong đời sống xã hội, trong sáng tác văn học, lý luận, phê bình nghiên cứu cũng có sự đổi mói. Vấn đề “Thơ Mới” lại được đặt ra sôi nổi, khẩn thiết. Việc giải quyết vấn đề có căn cứ khoa học, khách quan, có sức thuyết phục bằng những phương pháp tiếp cận mới, được đăng tải trên các báo, tạp chí cùng các công trình chuyên khảo, lý luận. Đáng chú ý năm 1987, trong bài tựa, Sông Thương, Sông Hương trong dòng văn học, Chế Lan Viên đặt lại vấn đề cần đánh giá “Thơ Mới” nghiêm túc. Tác giả viết: Tôi không muốn ngày nay bảo vệ cho “Thơ Mới” lại phải thanh minh, quất cho nó vài roi, rồi cho nó vào nhà "lạy cha, lạy mẹ, lạy các anh chị đi rồi ngồi vào mâm đó". Tôi tán thành sự đề cao sự xuất hiện cái tôi trong văn học, cái tôi với tất cả bí mật của nó như Bêlinxki đã gọi cái tôi với tất cả những khắc khoải của nó như ta từng biết cái tôi [138, tr. 13]. Tác giả đồng tình với nhiều người có cách đánh giá như Hoài Thanh ở Thi Nhân Việt Nam: "...Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này", và không đồng tình cách đánh giá ngược lại "Chỉ biết có thơ cách mạng, rồi phủ nhận thơ trước đó, xem nó không phải là di sản dân tộc". Cũng trong bài tựa này tác giả khẳng định mối quan hệ giữa “Thơ Mới” và thơ Tố Hữu, ảnh hưởng của “Thơ Mới” và thơ hôm nay, trên bình diện tiếp thu sáng tạo, tác giả viết: "“Thơ Mới” đã đem lại hình thức mới mà trước đây chưa có. Nhưng chính hình thức mới đó đã giúp cho nội dung xã hội chủ nghĩa sau này tung hoành". [138, tr. 17]. Trong lời tựa về Hàn Mạc Tử, với cái tên : Hàn Mạc Tử, Anh là ai? như một yêu cầu khẩn thiết cần đánh giá nghiêm túc một tài năng thơ rất sớm, tác giả viết: Đừng đưa Anh lên cao, nhưng cũng xin đừng lợi dụng Freud, lợi dụng phân tâm học, hạ anh xuống một nhà thơ xác thịt. Chính thế tục trong Anh, cái sức nặng của sự sống có hồn và có thân thế ấy đã níu anh lại, không cho anh dứt dây bay hút vào cõi siêu hình. Vả chăng Anh thế chứ đâu có tục! Khi ta thích "Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" của Nguyễn Du, ta phải thích "Ơ kìa bóng nguyệt trần truồng tắm" của Anh. Chả lẽ cô Hồ Xuân Hương có quyền mà bóng trăng của anh thì bị cấm! [139, tr. 216]. Phải nói hai bài tựa của Chế Lan Viên về “Thơ Mới” mở đầu cho hướng nghiên cứu sâu, đánh giá đúng thực chất một hiện tượng thơ có giá trị đầu thế kỷ XX. Các bài : Văn học Pháp và sự gặp gỡ với Văn học Việt Nam 1930 - 1945 (Đặng Anh Đào). Ảnh hưởng Văn học Pháp tới Văn học Việt Nam trong giai đoạn 1932 - 1940 (Phan Ngọc), Ảnh hưởng của Văn học Pháp và Văn học Anh vào Văn học Việt Nam từ 1930 (Phan Cự Đệ), Ảnh hưởng đối với “Thơ Mới” Việt Nam từ phía thơ ca Pháp (Lê Đình Kỵ), Văn học Pháp hiện đại và Việt Nam (Lộc Phương Thủy), Thơ La Fontaine và “Thơ Mới” (Nguyễn Tường Lịch), Baudelaire, chủ nghĩa tượng trưng và “Thơ Mới” (Hoàng Ngọc Hiến), Viết về Rimbaud 1854 -1891 (Đỗ Đức Hiểu) đã nghiên cứu “Thơ Mới” ảnh hưởng Văn học Pháp ở mặt từ ngữ: như việc xuất hiện rất nhiều "từ định lượng, từ sở hữu, từ định nghĩa", "sự cá thể hóa cao độ nhân vật trữ tình"; cũng như kết cấu: "nhịp câu, vần điệu và thể thơ" [24, tr 2-3]. Các tác giả cho rằng “Thơ Mới” chịu ảnh hưởng hơn một thế kỷ thơ Pháp, từ trường phái lãng mạn đầu thế kỷ XIX (Chateaubriand, Lamartine, Hugo, Musset, Vigny...) đến trường phái Thi Sơn (Théophile Gautier, Leconte de Lisle...) qua Baudelaire đến trường phái tượng trưng (Verlaine, Rimbaud, Mallarmé) và các trường phái khác của thế kỷ XX. Sự ảnh hưởng sâu sắc đến nỗi "đổi mới chuyển hướng cả một nền thi ca" [79, tr. 27] góp phần đưa thơ ca Việt Nam hội nhập với thế giới. Các bài Ông Đồ dịch thơ Ác Hoa (Văn Tâm), Vũ Hoàng Chương - Nhìn từ phương Tây, cái hiện đại (Đỗ Đức Hiểu), đối chiếu so sánh với Baudelaire, Bài thơ Huyền diệu của Xuân Diệu và quan niệm "Tương ứng các giác quan" của Baudelaine (Nguyễn Lệ Hà), Ảnh hưởng của thơ nước ngoài trong thơ Chế Lan Viên (Nguyễn Xuân Nam) và Hoàng Nhân với các bài: Xuân Diệu và Baudelaire, André Breton và Hàn Mặc Tử đã đi tìm sự gặp gỡ, tương giao qua hồn thơ, phong cách và nghệ thuật, khai thác tính hiện đại (la modernité) của thơ Xuân Diệu, siêu thực của thơ Hàn Mạc Tử. Chẳng hạn về Xuân Diệu và Baudelaire, Nguyễn Lệ Hà nhận xét: Chọn câu thơ nổi tiếng của Charles Baudelaire (1821 - 1867) trong bài Tương ứng (Correspondances 1846-1847): "Les parfums, les couleurs et les sons se repondent" (Hương thơm, màu sắc, âm thanh đáp ứng nhau) làm đề từ cho bài thơ, Xuân Diệu đã bộc lộ niềm tâm đắc của ông với quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ Pháp thế kỷ XIX: Quan niệm "tương ứng các giác quan" (Correspondance de sens) [40, tr 28]. Còn Đỗ Đức Hiểu thấy " Vũ Hoàng Chương nhập thân vào ngôn từ quay cuồng của tinh thần đô thị, đức tính hiện đại của Baudelaire" [48, tr. 140]. Hiện đại, siêu thực nhưng đầy tinh thần sáng tạo và rất Việt Nam. Do vậy khi nói siêu thực của Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên nhận xét "Siêu thực Châu Âu là siêu thực vì bộ óc. Hàn Mạc Tử thì vì nàng đánh tôi đau quá". Hoàng Nhân cho rằng: "Ở Hàn Mạc Tử vẫn đậm đà bản sắc của một tâm hồn thơ Việt Nam" [84, tr. 111]. Với vốn hiểu biết phong phú, tinh thần nghiên cứu khoa học, các tác giả đã chỉ ra điểm ảnh hưởng đồng thời phát hiện tinh thần sáng tạo và khẳng định hồn thơ đậm đà dân tộc của các nhà “Thơ Mới”. Ảnh hưởng Văn học Pháp đến Văn học Việt Nam 1930 - 1945 đặc biệt là với “Thơ Mới” đã được Hoài Thanh, Hoài Chân đề cập đến trong tiểu luận nổi tiếng "Một thời đại trong thi ca" để cho đến bây giờ trong không khí dân chủ hóa, các nhà nghiên cứu có điều kiện trở lại vấn đề rộng hơn, sâu hơn, có những đánh giá khách quan và thỏa đáng. Những năm gần đây thi pháp học hiện đại được các nhà nghiên cứu sử dụng làm công cụ khám phá văn chương : như Quan niệm nghệ thuật về con người, hình tượng tác giả, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, điểm nhìn nghệ thuật. Nghiên cứu về “Thơ Mới” có các bài : Vài cảm nhận về không gian nghệ thuật trong “Thơ Mới” - (Nguyễn Kim Đính). Thời gian nghệ thuật trong thơ (“Thơ Mới” 1932-1945), Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Xuân Diệu (Qua hai tập: Thơ Thơ và Gửi Hương cho gió) của (Nguyễn Thị Hồng Nam) Thế giới không gian nghệ thuật của Xuân Diệu qua Thơ Thơ và Gửi Hương cho gió - (Lý Hoài Thu), Cảm xúc thời gian trong thơ Xuân Diệu - (Lê Quang Hưng), Nghệ thuật cấu tứ trong thơ tình - Xuân Diệu - (Lưu Khánh Thơ), Thời gian nghệ thuật thơ Chế Lan Viên - (Đoàn Trọng Huy), Chế Lan Viên với cái nhìn nghệ thuật trong thơ - (Huỳnh Văn Hoa). Đây là hướng nghiên cứu có nhiều phát hiện mới mẻ trên bình diện đổi mới thi hứng, tuy nhiên các bài còn tập trung một số bài thơ, tập thơ, nhà thơ. Nghiên cứu theo đề tài, chủ đề chẳng hạn như: Thiên nhiên như một biểu hiện của cái tôi trữ tình trong “Thơ Mới” (Phan Huy Dũng), Sự trở về với cái tôi - một đóng góp của “Thơ Mới” lãng mạn (Phạm Quang Long), Về cái buồn của “Thơ Mới” (Hoài Chân) là những chủ đề chính của nội dung “Thơ Mới” được các nhà nghiên cứu quan tâm lý giải: "Thiên nhiên như một khách thể chi phối mạnh mẽ phương thức sáng tạo, thể hiện của các nhà “Thơ Mới”" [21, tr. 2] ; “Thơ Mới” đã có những đóng góp to lớn cho mạch văn dân tộc trong việc phát hiện "cái tôi bản thể, cái tôi con người, cái tôi với tư cách là đối tượng nhận thức và phản ánh thi ca" [71, tr. 82]; “Thơ Mới” đã đưa thơ tình yêu lên đỉnh điểm của thơ ca lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945; "cái buồn của “Thơ Mới” là cái buồn của những con người tâm huyết đau buồn vì bế tắc chưa tìm ra lối thoát [7, tr. 23]. Ở hướng nghiên cứu này tác giả được chú ý nhiều nhất là Xuân Diệu với các bài : Nỗi buồn và sự cô đơn trong thơ Xuân Diệu - Qua hai tập Thơ Thơ và Gửi Hương cho gió (Lý Hoài Thu), Cái tôi trữ tình và phương thức biểu hiện cái tôi tình yêu trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng (Lưu Khánh Thơ), Tinh thần phục hưng trong lý tưởng thẩm mỹ của Xuân Diệu thời trước 1945 (Lê Quang Hưng), Nhận diện Xuân Diệu qua Thơ Thơ và Gửi Hương cho gió (Lưu Khánh Thơ), Thơ tình Xuân Diệu nồng và trẻ (Vũ Quần Phương), Xuân Diệu, nhà thơ tình (Vũ Ngọc Phan). Vấn đề “Thơ Mới” và thơ hôm nay được các nhà nghiên cứu tranh luận sôi nổi. Trần Thanh Đạm trong bài "“Thơ Mới” 1930 - 1945 và thơ hôm nay" đã khẳng định sự đổi mới “Thơ Mới” trên cả hai bình diện thi pháp và thi hứng. Trong đó thi hứng - "nguồn cảm hứng của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lãng mạn trở thành linh hồn của “Thơ Mới”" [25, tr. 3] đồng thời tác giả cũng thấy rằng: "Mọi cách tân về thi pháp phù hợp với cách tân về thi hứng thì được tồn tại và phát huy, những gì cực đoan, quá khích, lố lăng, lai căng ngoài tác động khoấy động nhất thời sự chú ý của dư luận đã nhanh chóng bị loại bỏ". Và theo tác giả lần đổi mới của “Thơ Mới” là lần thứ ba (trong thế kỷ XX này thơ Việt Nam đã trải qua ít nhất là sáu lần đổi mói) và lần thứ sáu là trong cuộc đổi mới thơ hôm nay có chỗ giống nhau là "đi đôi với chuyển biến trong sáng tác thơ, có diễn ra những cuộc thảo luận, tranh luận về mới, cũ trong thơ, nhất là trên phương diện thi pháp". Từ đó trên tinh thần khách quan, toàn diện, tích cực, nhìn nhận “Thơ Mới” là một hiện tượng lịch sử, xã hội, tác giả khẳng định: "Về cơ bản “Thơ Mới” đã chấm dứt với Cách mạng tháng Tám để khởi đầu một cuộc cách tân mới của thơ với nguồn thi hứng mới kéo theo một hệ thi pháp mới". Với cái nhìn biện chứng tác giả đã phủ nhận ý kiến cho rằng thơ Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi phạm trù “Thơ Mới” . Cùng với ý kiến trên có các bài: Hành trình thơ Việt Nam hiện đại (Trần Đình Sử ). Về một xu hướng đổi mới thi pháp thơ hiện nay (Đỗ Lai Thúy). Nhận diện thơ sau cách mạng tháng Tám, Chuyện “Thơ Mới” (trao đổi với nhà thơ Huy Cận) (Lê Đình Kỵ); Có một thời đại mới trong thi ca (Trần Mạnh Hảo); Nhìn lại tiến trình thơ hiện đại (Vũ Quần Phương). Đáng chú ý cuộc tranh luận mới giữa Phạm Xuân Nguyên và Trần Mạnh Hảo. Khi Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Thơ Việt miền Bắc mấy chục năm qua về cơ bản vẫn là “Thơ Mới” theo hướng lặp lại và nối tiếp... Thơ Việt miền Nam đã một lần muốn làm cuộc cách mạng thi ca với nhóm Sáng tạo và thi sĩ tiên phong là Thanh Tâm Tuyền đã nhúc nhích đi tới hiện đại". Trần Mạnh Hảo trong bài: "Có một thời đại mới trong thi ca", với một cái nhìn khách quan đã cho rằng “Thơ Mới” đã tới đỉnh cao... "nó đã bước tiếp một bước nữa và cũng là bước cuối cùng của mình. Cái bước chấm hết kia của “Thơ Mới” có tên là Xuân Thu Nhã tập". Và chứng minh rằng thơ hôm nay (sau “Thơ Mới” ) "thơ ca Việt Nam đã được đổi mới thêm một lần nữa cả về nội dung lẫn hình thức" [44, tr. 3]. Nguyễn Hưng Quốc, trong "Thơ, v.v... và v.v..." đặt “Thơ Mới” trong bối cảnh lịch sử xã hội những năm 30 và so sánh với loại hình thơ trung đại, cho rằng: “Thơ Mới” đã thật sự thoát hẳn quỹ đạo văn hóa trung đại với ba sự cách tân quan trọng nhất "sự đồng nhất giữa khái niệm dòng thơ và khái niệm câu thơ bị phá vỡ ... khái niệm khổ thơ được hình thành... chủ nghĩa cá nhân được đề cao" và tác giả đi đến kết luận "Nền tảng của ba sự cách tân trên là sự xuất hiện của một quan niệm mới về chức năng của thơ và một hình ảnh về nhà thơ. Thơ không còn được dùng để chở đạo hay để nói chí nữa mà là, trước hết để thể hiện cái đẹp, để bộc lộ thế giới nội tâm, để góp nhặt những "thanh sắc trần gian" "Nhà thơ là một khách tình si". [92, tr 23-24-25]. Song có lẽ do ý đồ chính trị tác giả phủ nhận những đóng góp của một nền thơ sau 1945, với một thái độ miệt thị đáng lẽ ra không nên có ở một nhà phê bình văn học. Trong khi đó, Thi Vũ, trong cuốn "Bốn mươi năm thơ Việt Nam" (1945-1985) lại có những nhận xét khá sắc sảo, khá xác đáng về nền thơ kháng chiến đã bước qua nền thơ tiền chiến. Tác giả viết: Thật ra, thơ tự do đã khởi phát từ thời cách mạng mùa thu 45. Ở những giai kỳ lịch sử, khi tâm hồn toàn thể quần chúng bị xáo trộn dữ đội, thi ca - dự báo của ý thức và tư tưởng - lại lột xác đi tìm ngữ thức mới để bộc lộ. Suốt 4 năm (45 - 49) cao trào cách mạng và kháng chiến sôi sục, hình thức thơ tiền chiến bể vụn như chiếc phễu thủy tinh hết dung chứa nổi khối lượng đường phèn rõ chảy Như con sông trong xanh lặng lờ bỗng thác nguồn tuôn lũ lụt, dềnh lan hai bờ, dềnh ngập làng mạc ven sông. Ý, chữ, câu cuồn cuộn trong thơ, chảy thành dòng cuồng nhiệt xôn xao. Bài thơ cứ thế dài, lênh, thoáng, đầy theo những ý so le bất tận... Thơ tự do ra đời, Ý lực phủ nhận thơ tiền chiến đã được nối đuôi bởi nhiều thi sĩ; Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Hồng Nguyên" [43, tr. 207]. Các công trình: Xuân Diệu, toàn tập (T1) (1987); Tuyển tập Xuân Diệu (Thơ) (1986); Xuân Diệu con người và tác phẩm (1987) ( Hữu Nhuận), Xuân Diệu một đời người một đời thơ (1993) (Lê Tiến Dũng), Hàn Mặc Tử, Thơ và đời (1994) (Lữ Huy Nguyên), Tuyển tập Hàn Mặc Tử (1987), Hàn Mặc Tử trong riêng tư (1994) (Nguyễn Bá Tín), Chế Lan Viên, Thơ văn chọn lọc (1988); Thế Lữ, Cuộc đời trong nghệ thuật (1991), (Hoài Việt), Tuyển tập Nguyễn Bính (1996), T.T.KH nàng là ai (1994) (Thế Nhật); Văn học Việt Nam 1930-1945 (Tập 1), Văn học lãng mạn (1991), Thơ Việt Nam 1930-1945 (1991) Văn Tâm, đã chỉ ra sự đóng góp từng nhà thơ. Chẳng hạn khẳng định tài thơ đặc biệt và sáng chói của Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên viết: Văn học cần nói những vấn đề chung, phổ biến cho nhân loại. Nhưng oái ăm chưa, nó lại đòi cái người nói đó là một cá nhân, một bản lĩnh, một sắc thái riêng, không giống ai, chỉ có một bản duy nhất, không lặp lại hai lần (Nói thế chứ trong văn học người ta vẫn na ná nhau khối ra đấy!) Hàn Mạc Tử thì không. Anh chỉ có một, thật. Như một Rimbaud của Pháp, một Holderlin của Đức, một MaiaKovxky (trước cũng như sau cách mạng tháng Mười) của Liên Xô ‘... Tử là một đỉnh cao chói lòa trong văn học của thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ’. [139, tr. 207]. Nhìn chung các công trình đã đi đến khẳng định giá trị “Thơ Mới”, vị trí thi nhân và “Thơ Mới” trong mạch văn dân tộc. Phong Lê trong công trình Văn học và công cuộc đổi mới, khi nghiên cứu về "Thập kỷ “Thơ Mới” trong thế kỷ XX nền thơ Việt Nam" cho rằng ."Cái tôi", "Cái riêng" và "khát vọng được thành thật" là cái mới của “Thơ Mới” , vì "khi cái riêng, tư cách chủ thể của con người và sự thành thật được chú ý và tôn trọng thì thơ sẽ trở lại phong phú và đa dạng như chính cuộc đời. Thơ sẽ gần gũi, gắn sát với đời hơn" [67, tr. 69]. Và cũng theo tác giả "sự sống lại những giá trị “Thơ Mới” sau hơn nửa thế kỷ chìm nổi là hiện tượng tự nhiên, phù hợp với quy luật của cuộc sống và nghệ thuật" [tr. 71]. Lam Giang trong Khảo luận về Thơ, (1994) đã đi sâu khám phá luật “Thơ Mới”, đặc biệt thể 8 chữ và cho rằng "khi sử dụng câu thơ tám chữ một sáng chế quý báu của phong trào “Thơ Mới” , người làm thơ tự nhiên và mặc nhiên ứng dụng luật quân bình tam phân" Tác giả còn cố gắng tìm kiếm những đóng góp khác của “Thơ Mới” như: "Thơ hai chữ, thơ nhạc, thơ bình thanh, điệp khúc, song tuyệt, tam tuyệt" [39, tr. 106-112-116-125] trong mối quan hệ với hình thức thơ Pháp. Nguyễn Bá Thành trong Tư duy Thơ và tư duy thơ Hiện đại Việt Nam (1996) đã đặt “Thơ Mới” dưới góc độ tư duy mới và cho rằng tư duy thơ được tự do khi chủ thể thật sự tự do không bị ràng buộc bởi mọi thứ tư tưởng giáo điều và các quyền tự do cá nhân được bảo đảm; tư duy “Thơ Mới” được mở rộng, "không còn tuân theo khuôn sáo về hình thức và đạo lý về nội dung nữa mà nó tuân theo những tình cảm chủ thể" [114, t.r 139]; là một đóng góp lớn cho thơ ca hiện đại nhằm khám phá chiều sâu tâm linh con người. Lê Đình Kỵ trong chuyên luận “Thơ Mới” - Những bước thăng trầm (1993) đã so sánh về mặt loại hình giữa Thơ cũ và “Thơ Mới” để chỉ ra nhưng đổi mới trên cả hai phương diện hình thức biểu hiện cũng như nội dung cảm hứng. Từ đó đi đến khẳng định đầy tính thuyết phục rằng "“Thơ Mới” đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng xét về mặt nào đó là một cuộc cách mạng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, đưa thi ca cổ điển Việt Nam đạt đến hiện đại cả về mặt biểu hiện cũng như cảm hứng thi ca" [61, tr. 136]. Trên tinh thần khách quan và khoa học, tác giả thừa nhận “Thơ Mới” có những đóng góp lớn và yêu cầu đánh giá “Thơ Mới” đúng mức. Nguyễn Quốc Túy với “Thơ Mới”, Bình minh thơ Việt Nam hiện đại (1994) đã nghiên cứu “Thơ Mới” dưới góc độ ảnh hưởng tổng hợp các nền văn hóa: Văn hóa Phương Tây (Thơ Pháp), Văn hóa Phương Đông (Thơ Đường), thơ trung đại, Văn hóa dân gian Việt Nam (ca dao, dân ca). Từ đó đi đến kết luận rằng “Thơ Mới” là bình minh thơ Việt Nam hiện đại, "một nền thơ đa giọng điệu, nhiều trường phái, lắm phong cách" [127, tr. 36- 38] Trần Đình Hượu trong Cái mới của “Thơ Mới” từ xung khắc đến hòa giải với truyền thống đã đặt “Thơ Mới” trong sự phát triển liên tục của thơ ca hiện đại và cho rằng, tuy "“Thơ Mới” là sự hòa giải với truyền thống" nhưng phần đóng góp của nó là đã "đưa cái mới vào thơ ca dân tộc" đó là tình cảm khác trước..."đưa thơ ca liên kết với kịch, tiểu thuyết tách khỏi văn thơ phú lục tức là hoàn chỉnh bộ mặt văn học hiện đại" [57, tr. 74]. Hà Minh Đức trong Giá trị nhân bản của phong trào “Thơ Mới” quan tâm đến nội dung, phát hiện thêm một phẩm chất của “Thơ Mới” là giá trị nhân bản. Tác giả cho rằng: "thương người và tự cảm thương mình, hai phạm vi, hai bình diện đó đã đóng góp phần tạo nên giá trị nhân bản vững chắc trong phong trào “Thơ Mới”" [35, tr. 101] . Còn trong Khải luận phong trào “Thơ Mới” Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945, sau khi chỉ ra những đóng góp về mặt nội dung cũng như hình thức nghệ thuật của phong trào “Thơ Mới” , tác giả đi đến kết luận "“Thơ Mới” là của quá khứ, nhưng cũng là của hiện tại. Những thành tựu của phong trào “Thơ Mới” đã góp phần xây dựng và nuôi dưỡng nền thơ ca hiện đại, Trào lưu “Thơ Mới” biểu thị một thời kỳ hưng thịnh của thơ ca dân tộc. Đó là một bó hoa đẹp mà vẻ đẹp của mỗi bông hoa được thắp sáng lên bằng chính ánh sáng của tài năng nghệ thuật” [35, tr. 73]. Phan Cự Đệ có những kết luận khách quan hơn so với trước đây về cái tôi. Ông cho rằng "“Thơ Mới” đã góp phần giải phóng bản ngã, mở rộng thế giới tâm hồn bên trong của con người. “Thơ Mới” khẳng định cái tôi như bản lĩnh tích cực trong cuộc sống, như một chủ thể sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật " [28, tr. 89]. Lại Nguyên Ân trong Cuộc cải cách “Thơ Mới” và tiến trình thơ Tiếng Việt chú trọng về mặt hình thức đã nghiên cứu những giai đoạn của cuộc cải cách Thơ của phong trào “Thơ Mới” trong tiến trình thơ Tiếng Việt và đi đến nhận xét bao quát rằng: "đây không phải là cuộc cải cách bỏ cũ thay mới hoàn toàn và triệt để mà là "tạo thêm một số khuôn mẫu mới, giành chỗ đứng cho cái mới này" rồi hòa vào thơ truyền thống "tạo nên một sự chung sống giữa cái cũ và cái mới" [2, tr. 30-31] Trần Đình Sử trong bài “Thơ Mới” - và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình Tiếng Việt cho rằng “Thơ Mới” có những đóng góp lớn trong việc cải tạo tiến trình thơ Tiếng Việt là đã "tạo ra một hệ thi pháp mới với ba đặc điểm nổi bật khác với hệ thống thi pháp thơ cổ điển" [95, tr. 164]. Thứ nhất, đã mang lại nhãn quan mới về ngôn ngữ thơ. Đây là thành tựu của “Thơ Mới” là đã giải phóng câu thơ, tạo dáng lại câu thơ Tiếng Việt. Thứ hai, nhãn quan mới về con người và thế giới. Có thể nói cuộc đi tìm cái tôi với một nhãn quan mới làm nên sự phong phú của “Thơ Mới”. Thứ ba, nhãn quan tạo hình mới trong thơ với cái nhìn hướng ngoại. Cái nhìn hướng ngoại của “Thơ Mới” là một thi pháp mới có nhiều biểu hiện đa dạng. Nghiên cứu “Thơ Mới” ở góc độ nhãn quan mới tác giả đã mở ra nhiều chiêu kích để đi sâu khám phá một thế giới nghệ thuật thơ phong phú và đa dạng góp một tiếng nói khoa học, khách quan khi đánh giá một hiện tượng văn chương. Tiếp cận “Thơ Mới” từ hướng thi pháp học, Đỗ Đức Hiểu trong “Thơ Mới”, cuộc nổi loạn của ngôn từ thơ đã phân tích tinh tế để đưa ra những kết luận về sự đóng góp của “Thơ Mới” trên phương diện ngôn ngữ. Và tác giả cho rằng “Thơ Mới” sáng tạo một hệ thống ngôn từ mới. Ngôn từf “Thơ Mới” là "bản giao hưởng chưa từng thấy'' [48, tr. 141].
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan