Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết chu lai thời kì đổi mới...

Tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết chu lai thời kì đổi mới

.PDF
111
426
73

Mô tả:

1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 *************************** PHẠM VĂN MẠNH ĐỀ TÀI THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CHU LAI THỜI KỲ ĐỔI MỚI TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC Mã số: 602232 Người hướng dẫn khoa học:PGS-TS Lý Hoài Thu HÀ NỘI,2011 2 MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Chu Lai là nhà văn trưởng thành trong và sau chiến tranh. Ông sáng tác ở nhiều thể loại như: truyện ngắn, kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu phê bình văn học và theo sự cảm nhận của chính tác giả thì tiểu thuyết là thể loại sáng tác thành công nhất của Chu Lai và tên tuổi của ông cũng được khẳng định ở chính thể loại này. Chu Lai là nhà văn xuất thân từ người lính cho nên tác giả có vốn sống phong phú và điều kiện lí tưởng để nhà văn phản ánh hiện thực vào trong tiểu thuyết của mình. Nhưng tác giả không bao giờ bằng lòng với chính mình, ông luôn khao khát làm mới chính mình để tạo nên nét riêng trong phong cách sáng tác. Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết của Chu Lai, chúng tôi nhận thấy những sáng tác của ông trong thời kỳ đổi mới đã có những đóng góp nhất định cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Với cách nhìn nhận, khám phá mới, nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, những cảnh đời, những số phận của người lính khi trở về đời thường gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống. Chu Lai không chỉ miêu tả người lính trở về sau chiến tranh mà hình tượng người lính trong chiến trận cũng được tác giả khai thác trong bối cảnh hiện thực chiến tranh khốc liệt. Người lính phải đối diện với những khó khăn thử thách, giữa sự sống và cái chết. Có những người lính vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp, họ vào trận với ý chí quyết tâm đánh giặc trả thù cho đồng đội, quê hương. Bên cạnh đó, những góc khuất của hiện thực chiến tranh còn ít được các tác giả đề cập đến trong văn học trước 1975. Đó là sự hèn nhát, yếu đuối, phản bội… Tất cả điều đó làm nên diện mạo riêng trong cách xây dựng thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai. 3 Thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy có một số công trình, bài viết về những sáng tác của Chu Lai như: “Nhân vật anh hùng và mĩ nhân”, “ Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Chu Lai”, “Mô tip anh hùng - mĩ nhân trong tiểu thuyết Chu Lai…”. Các công trình được các nhà nghiên cứu khai thác ở nhiều khía cạnh để làm nổi bật những những đóng góp của Chu Lai trong thể loại tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Để thấy được những đóng góp của Chu Lai trong nền tiểu thuyết đương đại Việt Nam, chúng tôi đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của ông. Bởi nhân vật có vai trò quan trọng trong tác phẩm văn chương, nếu thiếu nhân vật thì nhà văn không thể phản ánh sâu sắc hiện thực, thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống, con người …Nghiên cứu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Từ đó, chúng ta thấy được những khám phá trong chiều sâu tâm hồn con người. Đã có nhiều công trình, bài viết về các sáng tác của Chu Lai với nhiều ý kiến đánh giá xác đáng. Các ý kiến đều thống nhất xếp Chu Lai là một trong những nhà tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thành công của văn học đương đại Việt Nam. Song việc tìm hiểu, nghiên cứu về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới chưa có nhiều công trình đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu. Với việc chọn đề tài này, chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp một cái nhìn mới, khách quan về thế giới nhân vật phong phú và đa dạng trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Sau năm 1975, đất nước được thống nhất, chiến tranh đã kết thúc. Những vết thương của chiến tranh dần được hàn gắn. Nhưng các nhà văn vẫn lấy đề tài chiến tranh làm cảm hứng sáng tác cho riêng mình như: Nguyễn 4 Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Bảo Ninh… Đại hội Đảng VI thành công, đất nước chuyển dần từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần - nền kinh tế thị trường. Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được các nhà văn tập trung khám phá, khai thác, miêu tả, đề cập đến. Trong đó, Chu Lai là một trong số các nhà văn đã có nhiều tiểu thuyết thể hiện sâu sắc về hiện thực chiến tranh, người lính. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đề cập tới sự đổi mới của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam và thế giới nhân vật trong tiểu thuyết về chiến tranh - hình tượng người lính. Có khá nhiều bài báo bàn về đề tài chiến tranh và người lính trong văn xuôi 1975, đặc biệt là tiểu thuyết sau 1986. Trong bài viết “Với chiến tranh qua những tác phẩm văn xuôi được giải”, tác giả Tôn Phương Lan đánh giá : “Càng lùi về thập kỷ 80 sự thật trong văn chương về chiến tranh càng được biểu hiện theo một hướng khác. Một mặt ở chủ đề sáng tạo, quan niệm về hiện thực không có nghĩa là sự sao chép hiện thực ngoài đời. Mặt khác, bản thân người đọc cũng muốn đi vào tìm hiểu thế giới tinh thần của con người trong những diễn biến phức tạp. Con người trở thành đối tượng khám phá của cả người viết lẫn người đọc, và hiện thực chiến tranh với đầy đủ tính chất ác liệt của nó đã được hiện lên qua số phận và thế giới nội tâm của con người…” [43]. Điều này giúp cho chúng ta thấy được sự thay đổi đáng kể của cả người viết lẫn người đọc. Bởi hiện thực cuộc sống thay đổi và có sự dân chủ hóa trong đời sống, văn học, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Giáo sư Hà Minh Đức trong bài “Những chặng đường văn xuôi của cách mạng” đã nhận xét: “Đại hội Đảng lần thứ VI đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, cho sự đổi mới tư duy, bao gồm cả tư duy nghệ thuật. Thái độ 5 thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất của hiện tượng xã hội, tinh thần dân chủ được phát huy trong quá trình đổi mới đã tạo nên sự thúc đẩy lớn lao cho sự phát triển của văn xuôi. Đề tài chiến tranh vẫn được tiếp tục, được miêu tả với những bình diện, những tổn thất đau thương và những số phận con người sau chiến tranh” [12]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long trong bài “Văn xuôi sau 1975 viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ” cho rằng: “Tái hiện quá khứ để hướng vào cuộc sống hiện tại, đó là một nguyên tắc viết về chiến tranh hôm nay… Bên cạnh yêu cầu tái hiện hiện thực chiến tranh thể hiện ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến, văn học gần đây đi vào những số phận, diễn biến tâm lí, tình cảm của con người. Nhà văn đã xây dựng những tình huống quyết liệt, những xung đột phức tạp, để trình bày những diễn biến và số phận không đơn giản của con người” [47]. Trong bài “Những tìm tòi không mệt mỏi”, nhà văn Hồ Phương nhận định: “Gắn liền với việc viết sâu sắc về tính cách và số phận con người trong chiến tranh, mặt bi kịch của chiến tranh cũng được miêu tả sâu sắc, chân thực hơn trước. Chính trong bi kịch, con người càng bộc lộ rõ hơn, đầy đủ và thật hơn tất cả bản lĩnh cũng như phẩm giá…Qua bi kịch ấy, chúng ta mới thấy hết cái giá của chiến tranh” [55]. Trong bài “Nhân vật người lính trong văn học”, nhà văn Chu Lai viết: “ Người lính đòi hỏi văn học phản ánh họ như cái vốn có. Cứ phản ánh trung thành với trái tim lành lặn, thiện chí nhất”. Bởi “chiến tranh với tất cả những hình thái đặc thù của nó hoàn toàn có thể đẩy nhân vật người lính đến tận cùng của số phận. Và chính cái nghĩa tận cùng đó, người lính bỗng vỡ vạc ra tất cả…” [37]. Qua các bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà văn, chúng tôi nhận thấy, đề tài về chiến tranh thật vô cùng phong phú và đa dạng. Các tác giả có cái nhìn nghiêm ngặt hơn về hiện thực chiến tranh, điều mà văn học 6 trước năm 1975 chưa miêu tả, khai thác hết. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đã xây dựng một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng và sinh động, với nhiều cảnh đời, nhiều số phận con người. Tiếp nối thế hệ các nhà văn viết về chiến tranh như: Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu …nhà văn Chu Lai tiếp tục viết về người lính trong và sau chiến tranh. Tác giả đã phản ánh một cách chân thực, sinh động về hiện thực trong chiến tranh, số phận các nhân vật. Từ sau năm 1975, ông đã có tiểu thuyết Nắng đồng bằng (1977), Đôi ngả thời gian (1982),Út Teng (1985). Đặc biệt từ sau 1986, Chu Lai đã cho ra đời một loạt tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và người lính trở về sau chiến tranh như: Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Khúc bi tráng cuối cùng, Cuộc đời dài lắm, Phố, truyện ngắn Chu Lai… Tác giả Bùi Việt Thắng cho rằng: “Tiểu thuyết của Chu Lai gợi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm trên đề tài chiến tranh với ý nghĩa như một đề tài lịch sử” [63]. Nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu cũng khẳng định: “Dù trực tiếp viết về dĩ vãng mịt mù bom đạn hay chuyển dịch sang tiếp cận “kênh” thông tin mới xô bồ của thời hiện tại, bao giờ Chu Lai cũng nghiền ngẫm, suy tư về với sự nhiệt tình và lòng trung thực của người lính” [68]. Tác giả Nguyễn Hương Giang nhận xét: “ Sự thật về chiến tranh hôm nay được nhìn lại là một sự thật đã trải qua những năm tháng day dứt, trăn trở trong tâm hồn nhà văn Chu Lai, hơn thế, nó thực sự là những nếm trải của người “chịu trận”, “người trong cuộc” [14]. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương của nó vẫn in sâu trong tâm những người lính. Đó chính là sự hi sinh, mất mát, khó khăn, gian khổ. Và người lính khi trở về cuộc sống thường nhật, họ gặp nhiều trắc trở, khó khăn, phải đối diện với hiện thực nghiệt ngã. Tác giả Bùi Viết Thắng nhận định: “Viết về chiến tranh còn có nghĩa viết về hậu quả của nó – bởi vì một cuộc chiến tranh ba chục năm đánh bại mấy đế quốc lớn, dù chiến thắng lẫy 7 lừng, to lớn nhưng hậu quả của nó chắc chắn dai dẳng, phức tạp” [60]. Lời nhận xét trên hoàn toàn phù hợp với sáng tác của Chu Lai trong các tác phẩm: Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Ba lần và một lần, Phố… Chu Lai là nhà văn quan tâm đặc biệt đến số phận người lính trong và sau chiến tranh.Trong chiến tranh, họ là đồng đội của nhau, cùng tham gia một chiến dịch, một trận đánh, cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách… Họ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho nhau thậm chí hi sinh cả mạng sống cho đồng đội… Nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, họ lại đứng ở hai phía đối nghịch nhau như: Năm Thành (Thành Long) với Sáu Nguyện (Ba lần và một lần), Linh với Huấn (Vòng tròn bội bạc)… Những người lính như Sáu Nguyện, Hai Hùng, Linh…khó có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường. Bởi ở đó có muôn vàn cái xấu, cái ác, cạm bẫy mà họ không thể nào chấp nhận được. Đúng như nhà phê bình Hồng Diệu nhận xét: “Tiểu thuyết Chu Lai đề cập đến nhiều vấn đề. Nhưng bao trùm lên tất cả là những người lính sau chiến tranh, rời chiến trường trở về, người thì tha hóa, người thì bước vào cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến đấu của những người lương thiện chống kẻ bất lương, mà thật trớ trêu: có người trước kia là đồng đội của nhau, bây giờ đứng trên hai mặt trận đối lập nhau” [4]. PGS.TS Nguyễn Bích Thu cho rằng tiểu thuyết Chu Lai “là sự truy đuổi đến cùng của quá khứ để tìm nguyên nhân cái ác vì chỉ có nhìn thẳng vào quá khứ, con người mới tránh được thảm họa của cái ác, mới có thể trừng phạt cái ác để thanh thản sống với hiện tại, hướng tới lẽ phải và điều thiện” [70]. Chu Lai cũng xây dựng được các nhân vật phản diện đầy sức sống. Các nhân vật đó được hiện lên chân thực, cụ thể, sinh động như: nhân vật Địch (Ăn mày dĩ vãng), nhân vật Năm Thành (Thành Long) (Ba lần và một lần), nhân vật Đăng Điền (Cuộc đời dài lắm ), Huấn (Vòng tròn bội bạc)… Ở các 8 nhân vật này, cái xấu, cái ác, lừa lọc, hăm dọa người tốt hiện lên với đầy đủ những mưu mẹo… Cùng với miêu tả thế giới nhân vật phong phú, đa dạng. Chu Lai còn đóng góp cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam ở phương diện nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đánh giá: “Tiểu thuyết của Chu Lai không chỉ đa dạng trong các phương thức tiếp cận mà cả trong các biện pháp nghệ thuật, kết hợp độc thoại nội tâm, dòng ý thức, nghệ thuật đồng hiện và có những thành công nhất định” [10]. Bên cạnh đó, Chu Lai còn thành công cả ở phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật. Đó là “lối chạm khắc nhân vật trong Ăn mày dĩ vãng cũng có nhiều đóng góp mới. Ngày trước, nhân vật thường mang một ý nghĩa phổ quát, tức là có cái gì chung cho cả lớp người … còn Hai Hùng của Chu Lai có số phận được miêu tả như một yếu tố cá biệt độc nhất nhưng vẫn mang tính điển hình. Nhân vật Hai Hùng của Chu Lai tàn tạ về thân xác, nhưng vạm vỡ về tâm hồn. Hai Hùng có bộ xương “xuống cấp” vì thương tật, vì sự hủy hoại của mọi thứ vớ vẩn thời hậu chiến, nhưng vẫn nhất quán một bản lĩnh, một kiểu xông pha gần như bạt mạng vì không chịu chấp nhận một cái gì lập lờ, tráo trở” [25]. Bên cạnh các ý kiến của các nhà nghiên cứu đều khẳng định những thành công của tiểu thuyết Chu Lai, tiểu thuyết Chu Lai còn có những hạn chế. Trong cuộc trao đổi về tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng, Các tác giả Thiếu Mai, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu đều có những đánh giá chung: Hơi văn nhiều lời, ngôn ngữ chưa thật chọn lọc, công phu, một số chi tiết còn “thô”. Về cách xây dựng nhân vật ở Cuộc đời dài lắm, nhà phê bình Trần Ngọc Vương cho rằng: “Nhà văn chưa “truy bức” nhân vật của mình đến cùng, chưa nhập cuộc với các khả năng mà nhân vật có thể bộc lộ cả cái xấu với cái tốt, cả người xấu lẫn người tốt”. 9 Tiểu thuyết của Chu Lai còn là đối tượng của một số các công trình nghiên cứu, luận văn thạc sĩ như: Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Chu Lai (Phạm Thúy Hằng), Cách xử lí đề tài chiến tranh qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng (Nguyễn Thị Thanh), Một số đặc điểm tiểu thuyết Chu Lai (Nguyễn Thị Hải Hà), Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 (Nguyễn Thị Ngọc Diệp)…Tất cả các công trình nghiên cứu, luận văn đều đi tìm hiểu những thành công của tiểu thuyết Chu Lai ở phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó, chúng ta thấy được những đóng góp của tác giả cho tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Từ những ý kiến, nhận định ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng: các nhà phê bình, nghiên cứu đều đánh giá những thành công của Chu Lai trong việc viết về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng vẫn có một cách nhìn riêng, có những khám phá mới. Đó là một thế giới nhân vật vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều kiểu nhân vật và những phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông. 2. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 2.1 Mục đích nghiên cứu Chúng tôi chọn đề tài Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới nhằm làm nổi bật những thành công của nhà văn Chu Lai trong việc xây dựng nhân vật tiểu thuyết. Từ đó, chúng tôi muốn khẳng định tài năng, phong cách và những đóng góp của Chu Lai đối với tiểu thuyết đương đại Việt Nam. 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn không có tham vọng tìm hiểu tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của Chu Lai mà chỉ đề ra nhiệm vụ: tập hợp, xây dựng một cơ sở lí thuyết về nhân vật để từ đó nghiên cứu các nhân vật trong các văn bản cụ thể. 10 Qua đó, nhận diện, xem xét, đánh giá thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 4.1. Đối tượng nghiên cứu Do khuôn khổ của luận văn, người viết chỉ đề cập tới Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Những sáng tác của Chu Lai thời kì đổi mới gồm có nhiều tiểu thuyết, nhưng những tiểu thuyết tiêu biểu của ông gồm có: Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Khúc bi tráng cuối cùng, Cuộc đời dài lắm. 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện đề tài, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính sau đây: 5.1 Phương pháp loại hình 5.2 Phương pháp so sánh 5.3 Phương pháp phân tích, tổng hợp 5.4 Phương pháp thống kê 5.5 Phương pháp tiếp cận thi pháp 6. DỰ KIẾN ĐÓNG GÓP MỚI Về mặt lí luận: Luận văn là một công trình nghiên cứu có hệ thống về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới. Từ đó, chúng ta thấy được vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết và quan niệm, tư tưởng của tác giả . Về thực tiễn: Luận văn là nguồn tài liệu tham khảo cho các chuyên đề văn học đương đại Vệt Nam trong nhà trường. 7. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu và kết luận. Luận văn gồm ba chương: 11 Chương 1: Khái lược về nhân vật và hành trình sáng tác của Chu Lai. Chương 2: Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới. Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật. Cuối cùng là mục tài liệu tham khảo. 12 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 KHÁI LƯỢC VỀ NHÂN VẬT VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN CHU LAI 1.1 Nhân vật văn học Nhà văn người Đức W .Goethe đã từng nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người và con người chỉ hứng thú với con người”. Điều này giúp chúng ta thấy được con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Nhân vật xuất hiện từ trong văn học dân gian với các thể loại như: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích… Các nhân vật đó là các vị thần, dũng sĩ, người nghèo, mồ côi không nơi nương tựa… Những nhân vật này có sự phân tuyến rõ ràng. Một bên đại diện cho cái xấu, cái ác như: kẻ tham lam, độc ác… Một bên đại diện cho những ước mơ, khát vọng của quần chúng nhân dân. Bằng tài năng sử dụng ngôn từ, nghệ thuật xây dựng truyện, chúng ta nhận thấy bất kì tác phẩm văn học nào cũng có nhân vật. Có nhân vật có tên như: Tấm Cám, Thạch Sanh, Đam San, Asin, Thúy Kiều….Có nhân vật không có tên : thằng bán tơ (Truyện Kiều), người vợ nhặt (Vợ nhặt), người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)… Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân vật trong các bộ giáo trình lí luận văn học và từ điển thuật ngữ văn học, của các nhà nghiên cứu. Cuốn sách Lí luận văn học do GS Trần Đình Sử (chủ biên ) viết: “Nhân vật văn học là con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Văn học không thể thiếu nhân vật bởi vì nó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Nhân vật văn học là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng” [57, tr62) 13 Trong cuốn Lí luận văn học, tác giả Đoàn Đức Phương cũng cho rằng: “Nhân vật là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định” . Tác giả Lại Nguyên Ân trong cuốn 150 thuật ngữ văn học cho rằng: “Nhân vật văn học là đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thực ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần nguyên mẫu có thật. Nhân vật là sự thể hiện quan niệm của nhà văn về con người. Nó có thể được xây dựng dựa trên cơ sở quan niệm ấy” [1,tr250]. Các tác giả trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Nhân vật văn học là một nhân vật nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống… Nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác nhau của đời sống… Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì vậy, nhân vật luôn gắn với chủ đề tác phẩm... Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại” [17, tr198- 199]. Thông qua những khái niệm của các nhà nhiên cứu, chúng ta đều thấy rằng, con người trong tác phẩm văn học là nhân vật văn học. Đó là đứa con tinh thần của nhà văn. Nhân vật chính là nơi mà nhà văn muốn gửi gắm quan niệm, tư tưởng về con người, cuộc đời, lí tưởng thẩm mĩ. 1.2 Vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết Tiểu thuyết là thể loại văn học ra đời muộn hơn so với các thể loại khác như thơ ca, sử thi…và “là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và chưa còn định hình…Thể loại tiểu thuyết ra đời và trưởng thành dưới ánh 14 sáng thanh thiên bạch nhật của lịch sử. Nòng cốt thể loại tiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết khả năng uyển chuyển của nó [2, tr78]. Điều này cho chúng ta thấy sức sống của tiểu thuyết trong văn học hiện đại và đương đại của thế giới và Việt Nam. Các tác giả trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: “Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng …” [17, tr268]. Trong một tác phẩm văn học “không thể thiếu nhân vật”. Bởi nhân vật có một vai trò quan trọng. Thông qua nhân vật nhà văn miêu tả thế giới con người một cách hình tượng. Bản chất của văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những mô hình thực tại. Với việc khắc họa chân dung nhân vật thông qua sự khám phá những vấn đề của số phận cá nhân và thân phận con người là một đặc trưng quan trọng của tiểu thuyết. “Hình dung về thể loại, người ta dễ dàng nhận thấy hai vấn đề nổi bật nhất cấu thành giá trị nội dung của tiểu thuyết là tầm vóc hiện thực và số phận con người. Đó những chuẩn mực không thể phủ nhận, song thật khách quan mà xét thì ấn tượng sâu đậm nhất, sức ám ảnh lớn nhất của tiểu thuyết lại thuộc về nhân vật. Những niềm vui, nỗi buồn, sự sung sướng hay đau khổ, hạnh phúc hay bất hạnh…của đời sống con người từ lâu đã thành chất liệu không thể thiếu trong hành trang sáng tạo của các nhà tiểu thuyết. Cũng không quá vô lí khi nhiều người cho rằng, tiểu thuyết bao giờ cũng xoay quanh phạm vi đời tư: tình yêu, hôn nhân, gia đình, dòng họ”…[69, tr241 – 242]. Sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ tăng lên rất nhiều nếu nhà văn biết xoáy sâu vào những vấn đề của đời sống cá nhân. Những nhà tiểu thuyết lớn xưa nay đều bộc lộ tài năng và phong cách của mình rõ rệt 15 nhất trong lĩnh vực sáng tạo nhân vật như: Đôn kihôtê của Xécvăngtét, Grăngđê của Bandắc, Natasa của L.Tônxtôi, Grigôri của Sôlôkhôp, Tào Tháo, Trương Phi, Khổng Minh của La Quán Trung… “Thông qua những nhân vật đã được khắc họa một cách tài tình ấy, bạn đọc tiểu thuyết không chỉ thấy rõ ràng bộ mặt của xã hội đương thời, những biến chuyển của thời đại mà sâu xa hơn là còn “đọc” được những vấn đề muôn thưở của thân phận con người” [69, tr242]. Cũng giống như các tác phẩm có cốt truyện thuộc dòng văn xuôi tự sự (theo quan niệm truyền thống) như truyện vừa, truyện ngắn, nhân vật trong tiểu thuyết có một vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là hạt nhân của sự sáng tạo, là trọng điểm để nhà văn lý giải tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội. Nhân vật tiểu thuyết có thể chỉ là sự hóa thân, là hình bóng, là mộng tưởng của chính tác giả như trong tiểu thuyết lãng mạn cũng có thể được xây dựng từ những nguyên mẫu của đời sống kết hợp với năng lực tổng hợp và sáng tạo của nhà văn như trong tiểu thuyết hiện thực. Nhân vật có thể là nạn nhân của một bối cảnh lịch sử đủ khả năng làm chủ vận mệnh của mình… Điều quan trọng là nhân vật ấy phải là điểm xuất phát và trung tâm của sự mô tả nghệ thuật. Về phía tác giả, nhân vật là yếu tố mang theo cảm hứng nhân văn, là sự thể hiện “quan niệm nghệ thuật về con người”. Về phía độc giả, nhân vật luôn là “chìa khóa” để “giả mã” những vấn đề hiện thực mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Bởi vì, suy cho cùng, “tiểu thuyết là thể loại lớn đủ sức nghiên cứu chính sự tồn tại của con người” (Kundera), và như vậy, trên một phương diện nào đó cũng có thể coi là khoa học về con người. Nhà tiểu thuyết luôn nhìn nhận và đánh giá hiện thực thông qua tâm điểm nhân vật và mọi nỗ lực sáng tạo đều nhằm mục đích là xây dựng được những nhân vật có cá tính độc đáo và đặc sắc. 16 Trong tiểu thuyết, có sự xóa bỏ khoảng cách giữa người kể và nhân vật, nhìn ngắm nhân vật trong cảm nhận và miêu tả con người hiện tại cho phép nhà văn dùng kinh nghiệm của mình để lí giải nhân vật, nhìn ngắm nhân vật một cách thân mật, suồng sã. Cho nên nhân vật không nên là “anh hùng”, mà thống nhất trong bản thân các nét vừa chính diện vừa phản diện, vừa tầm thường vừa cao cả, vừa buồn cười vừa nghiêm túc. Nhân vật tiểu thuyết khác với các nhân vật ở các thể loại như kịch, truyện ngắn, sử thi, thơ… Trong thơ, con người – nhân vật trữ tình “sống” bằng tâm trạng, hiện lên trong tác phẩm chủ yếu là những khoảnh khắc cảm xúc. Có thể gọi đó là những chân dung tâm hồn. Trong kịch, nhân vật thường hiện lên bằng hành động. Nhân vật trong thể loại kịch xuất hiện những thời điểm “sóng gió” nhất của số phận và bị “cuốn” rất nhanh vào những xung đột chính của tác phẩm. Chính vì vậy, nhân vật trong kịch được xây dựng trên cơ sở của hành động và luôn ở trong tư thế hành động. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích, nhấn mạnh vai trò ý nghĩa trung tâm của nhân vật trong quá trình sáng tạo thì vẫn chưa chỉ ra được đặc điểm riêng của nhân vật tiểu thuyết. Khi vận dụng các thể loại khác, nhà văn đều thông qua nhân vật để gửi thông điệp đến độc giả, nhất là những tác phẩm cùng dòng tự sự. Điểm dễ nhận thấy và khác biệt rõ nhất là khuôn khổ rộng lớn của tác phẩm với sự bao la vô tận của không gian – thời gian cho phép người viết khai thác nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận. Đây là đặc điểm chính, là phẩm chất, thuộc tính nổi bật nhất của nhân vật tiểu thuyết. Từ trong nguồn gốc xa xưa, ý thức về số phận cá nhân vừa là nhân tố quyết định sự hình thành, vừa đồng thời là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tiểu thuyết trong nhiều chặng đường lịch sử. Mô típ “con người phiêu du” qua nhiều xứ sở in đậm trong kí ức thể loại phần nào nói lên “phong thái” riêng của nhân vật tiểu thuyết. Đặc trưng thể loại không chỉ thuận lợi cho việc 17 nhà văn mở ra thế giới nhân vật đông đúc cho tác phẩm mà còn tạo điều kiện để nhà văn đi sâu mô tả những “nếm trải” của số phận. Ngay trong truyện ngắn, một thể loại nằm trong cùng phương thức điển hình hóa thì nhân vật cũng chỉ hiện lên ở những thời điểm có ý nghĩa quyết định đến số phận trên nền của câu chuyện có dung lượng hiện thực không lớn, nhân vật không nhiều, không gian thường xoay quanh một nơi chốn duy nhất và thời gian diễn ra khá nhanh… Nếu tiểu thuyết được vận hành bằng một quá trình thì truyện ngắn là sự cô đặc lại. Một bên là sự vận động của tâm hồn, một tính cách, là những diễn biến tâm lí phức tạp nhằm đạt tới chiều dài của cuộc đời và sự khái quát hóa về số phận con người… Một bên là sự nhất quán về tâm lí, là một khía cạnh tiêu biểu cho tính cách, là một đoạn đường đời có ý nghĩa quan trọng trong hành trình số phận nhân vật. Khi thể hiện tính cách, khác với truyện ngắn, các nhà tiểu thuyết không gò ép nhân vật vào những khuôn khổ chật hẹp với một tiết tấu hành động nhanh mà luôn giữ nhịp độ bình thường như chính bản thân nhịp điệu của cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó mà hơn hẳn các thể loại khác, nhân vật trong tiểu sống một quãng đời tương đối dài với sự mô tả hết sức cụ thể, tỉ mỉ đến từng chi tiết trong những đoạn đường đời, những bước đi của số phận. Điều này được thể hiện qua một số tiểu thuyết tiêu biểu như: (Những người khốn khổ - V.Huygô, Chiến tranh và hòa bình – L.Tônxtôi, Sông Đông êm đềm – Sôlôkhôp, Thời xa vắng – Lê Lựu …). Nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải”. Nhân vật tiểu thuyết cũng hành động, nhưng với tư cách là đặc trưng thể loại, nhân vật ấy như là con người nếm trải, cảm nhận, tư duy, đau khổ dằn vặt về cuộc đời. Tiểu thuyết miêu tả con người trong hoàn cảnh, không tách nhân vật khỏi hoàn cảnh, không cường điệu. Tiểu thuyết miêu tả nhân vật như một con người đang trưởng thành, biến đổi. Khi hành động, nhân vật phải chịu đủ mọi tác động của đời sống. Nhân vật trong tiểu thuyết thường không đồng nhất với 18 chính nó. Một người có địa vị cao nhưng lại có những hành vi thấp hèn, độc ác, giả dối, lừa lọc…Có những người ở địa vị thấp nhưng lại có những hành vi cao thượng. Trong một số tiểu thuyết đương đại Việt Nam, các nhà văn cũng xây dựng nhân vật của mình không trùng khít mà nhân vật hiện lên cả cao thượng, thấp hèn như: Tám Tính đánh giặc rất giỏi nhưng lại có tật “vồ gái”…, Hai Hùng một người chỉ huy, đánh giặc “thần sầu” nhưng đêm đến lại ăn trộm sữa của anh em thương binh, để sáng ra người nọ nghi ngờ người kia…(Ăn mày dĩ vãng). Nhân vật Huấn chỉ vì mâu thuẫn với cấp trên mà trong lúc bom đạn đã trả thù một cách hèn hạ, khi trở về anh ta còn nhận cha của người đã bị Huấn bắn làm cha nuôi… (Vòng tròn bội bạc). Chính vì vậy, các nhà tiểu thuyết tập trung miêu tả thế giới bên trong, đi sâu phân tích diễn biến tâm lí nhân vật. Các nhà nghiên cứu lí thuyết cấu trúc, tự sự học rất ít quan tâm đến vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học. Họ thường quan tâm đến các sự kiện, hành động, và chức năng, còn nhân vật chỉ như quân cờ, chỉ là kẻ tham gia vào sự kiện. Nếu nhìn nhận như vậy, nhân vật không có vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nhân vật không chỉ là quân cờ, mặt nạ mà nhân nhân vật là một con người sống động, có cả ngoại hình, tính cách, số phận, thế giới nội tâm vô cùng phong phú, phức tạp. Thông qua nhân vật, nhà văn cũng gửi gắm tư tưởng, quan niệm của mình trong đó. Từ những vấn đề đã nêu ở trên, chúng ta thấy được vai trò của nhân vật ở truyện, kịch, tiểu thuyết… Tiểu thuyết là một thể loại có dung lượng lớn, chứa đựng trong đó các mặt của đời sống xã hội. Và nhân vật trong tiểu thuyết được miêu tả, khám phá nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Đúng như Mi Lan Kudera đã nhận định: “Nhân vật không phải là sự mô phỏng một con người sống thật. Đó là một con người tưởng tượng. Một cái tôi thử nghiệm”. 19 Nhân vật trong tiểu thuyết hiện lên từ tính cách, cá tính, số phận, từ các quan hệ, ngôn ngữ đều được nhà văn khám phá, khai thác. Đặc điểm nổi bật của nhân vật trong tiểu thuyết có tính cách, số phận, cá tính, diễn biến tâm lí… Tất cả đều được phát triển trong một quá trình. Nhân vật trong tiểu thuyết cũng phong phú, ở đó có đầy đủ các loại người, hạng người trong xã hội. Trong tiểu thuyết không giới hạn số lượng nhân vật. Số lượng nhân vật trong tiểu thuyết có thể lên đến 500 – 600 người như trong Chiến tranh hòa bình (L.Tônxtôi), Hồng Lâu Mộng (Tào Tuyết Cần), Sông Đông êm đềm (Sôlôkhôp)... Đề cập đến nhân vật tiểu thuyết, một yếu tố không thể không nhắc đến là bởi nó góp phần đắc lực vào việc tạo ra nhưng tính cách điển hình sống động: đó là yếu tố hư cấu nghệ thuật. Theo Puskin: “Qua chữ tiểu thuyết, chúng ta hiểu là cả một thời đại được phát triển trong hư cấu”. Sau này, A. Tônxtôi (tác giả của bộ tiểu thuyết lớn Con đường đau khổ ) nhấn mạnh hơn đến vai trò của đặc biệt quan trọng của hư cấu nghệ thuật đối với quá trình tái tạo nhân vật: “hư cấu nghệ thuật là cặp mắt để phát hiện những hiện tượng điển hình trong cuộc sống”. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định hư cấu nghệ thuật là một trong những vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân vật. Tác giả người Pháp Henri Bơnac cho rằng: “tiểu thuyết là một câu chuyện kể bằng văn xuôi,… là sự phiêu lưu của trí tưởng tượng”. Theo cách nói của Kudera: “Tiểu thuyết là thứ văn xuôi tổng hợp lớn dựa trên trò chơi giữa các nhân vật hư cấu”. Do nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của yếu tố này, những nhà tiểu thuyết chân chính bao giờ cũng biết kết hợp một cách hài hòa vốn sống phong phú và năng lực sáng tạo tài tình để tiến hành quá trình điển hình hóa nhân vật. Như vậy, hư cấu nghệ thuật là một thao tác không thể thiếu trong tư duy sáng tạo của nhà tiểu thuyết. Cả L.Tônxtôi, Ban dăc, Lỗ Tấn, Vũ Trọng 20 Phụng, Nam Cao…cùng nhiều tên tuổi lừng danh khác đã tạo được những hình tượng tiểu thuyết bất hủ nhờ phép tư duy sáng tạo này. Chúng ta có thể tìm thấy dáng dấp nguyên mẫu trong các nhân vật AQ (Lỗ Tấn), bà mẹ La (Nguyên Hồng), chị Sứ (Anh Đức)… Ngay bản thân tác giả có thể tự khai thác mình như một nguyên mẫu và trong trường hợp ấy, độc giả sẽ tìm thấy sự trùng hợp của nhiều chi tiết về tiểu sử tác giả với số phận đời tư nhân vật. Đó là trường hợp của Nam Cao với Thứ (Sống mòn), Lê Lựu với Giang Minh Sài (Thời xa vắng), Nguyễn Khải với Việt (Gặp gỡ cuối năm), nhân vật “hắn – nhà văn” (Thượng đế thì cười)… Tuy nhiên, tiểu thuyết không hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên mẫu, bởi sự chi phối chặt chẽ về mức độ xác thực của đối tượng. So với kí, rõ ràng tiểu thuyết đã dành một phạm vi hết sức rộng rãi để nhà văn phát huy đến mức cao nhất năng lực tưởng tượng sáng tạo của mình. Nếu kí chỉ đi từ một con người thực tế trên một bối cảnh có thực để xây dựng một hình tượng điển hình thì tiểu thuyết có thể tạo dựng một điển hình nghệ thuật từ nhiều con người, nhiều bối cảnh thực. Trong vô vàn những gương mặt đời thường, giữa muôn vàn biến cố của hiện thực, người viết tiểu thuyết đồng hóa và tái hiện đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo. Đời sống hàng ngày dù đa dạng phong phú đến đâu cũng không thể cung cấp cho người viết tiểu thuyết một nhân vật (hay một cốt truyện) hoàn chỉnh. Chính Tônxtôi, người được mệnh danh là bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực Nga cũng chỉ ra rằng: “Cần phải quan sát nhiều người cùng loại với nhau để xây dựng một kiểu người nhất định” và “nếu miêu tả một con người mà chỉ thấy một người thật làm mẫu thì kết quả sẽ là một cái gì đó đơn nhất, ngoại lệ và không thú vị”. Từ những vấn đề đã nêu ở trên, chúng ta nhận thấy hư cấu nghệ thuật là yếu tố bộc lộ rõ rệt khả năng sáng tạo dồi dào của nhà văn. Từ cuộc đời bước vào tác phẩm, nhân vật tiểu thuyết được bồi đắp thêm về phẩm chất và nguồn
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan