Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thanh tuu nuoi bien vn 2016 nqh...

Tài liệu Thanh tuu nuoi bien vn 2016 nqh

.DOC
7
321
106

Mô tả:

thành tựu nuôi biển
BÁO CÁO THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BIỂN BỀN VỮNG TS. Nguyễn Quang Huy Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 1. GIỚI THIỆU Việt Nam là quốc gia ven biển hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển. Với đường bờ biển dài hơn 3260 km, vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km 2, hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều eo vịnh kín sóng gió đã tạo ra tiềm năng mặt nước để phát triển nuôi biển. Những tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi biển như Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc, Khánh Hòa, Phú Yên ở Nam Trung Bộ, Vũng Tàu, Kiên Giang ở Nam Bộ. Thêm vào đó, nguồn lợi tự nhiên biển Việt Nam phong phú với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành đối tượng nuôi như cá biển (cá song, cá giò, cá chim, cá vược…), giáp xác (tôm hùm, tôm sú, cua biển), nhuyễn thể (bào ngư, hầu, tu hài, trai ngọc, ốc hương..) và rong biển (rong sụn, rong mơ, rong câu,…). Rong biển vừa là nguồn cung cấp thực phẩm và cũng là nguồn sản xuất các keo tảo như Agar, alginate, carrageenan, có nhiều ứng dụng trong y dược, nông nghiệp, công nghiệp. Trong gần 3 thập kỷ qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực nuôi thủy sản biển ở nhiều cấp độ, từ địa phương (cấp tỉnh) đến trung ương (cấp Bộ, cấp Nhà nước) đã được các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai. Bên cạnh đó, các dự án hợp tác Quốc tế với các nước có nghề nuôi biển phát triển thông qua các tổ chức tài trợ như NORAD (Na Uy), DANIDA (Đan Mạch ), ACIAR (Úc) … cũng đã hỗ trợ tích cho phát triển công nghệ nuôi biển ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm các đối tượng nuôi biển, quản lý sức khỏe và môi trường nuôi…đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần quan trọng trong thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng nuôi, giá trị xuất khẩu và hiện đại hóa nghề nuôi theo hướng công nghiệp. Một số mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp như nuôi cá biển với sản lượng nuôi lớn đã xuất hiện. Tuy nhiên, nhìn chung nghề nuôi biển ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Về cá biển, sản lượng cá nuôi biển trong năm 2015 đạt khoảng 80.000 tấn, chiếm xấp xỉ 2.3% tổng sản lượng nuôi thủy sản, thấp hơn so với sản lượng cá biển được quy hoạch cho năm 2015(160.000 tấn) theo quyết định số 1523/QĐ-BNN-TCTS ngày 8/11/2011 về Phê duyệt quy hoạch nuôi cá biển đến 2015 và định hướng đến 2020. Để thúc đẩy hơn nữa nghề nuôi biển Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học mới, tiên tiến đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết này sẽ tổng quan những thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi biển đã đạt được, nêu những thách thức và đề xuất giải pháp KHCN liên quan đến phát triển nghề nuôi cá biển. 1 2. THÀNH TỰU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG NUÔI THỦY SẢN BIỂN 2.1. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo - Về giống cá biển: Cho đến đầu những năm 2000, nguồn giống cá biển phục nghề nuôi của chúng ta vẫn phụ phần lớn vào khai thác cá giống tự nhiên và nhập khẩu. Nhờ những nghiên cứu về sinh sản nhân tạo, hiện nay chúng ta đã sản xuất giống nhân tạo hơn 20 loài cá biển. Trong đó, các loài cá biển có giá trị kinh tế cao, đóng vai trò chủ lực trong nghề nuôi cá biển như cá Vược/cá chẽm (Lates calcarfer), cá chim vây dài (Trachinotus blochii), cá chim vây ngắn (Trachinotus falcatus), cá giò/cá bớp (Rachycentron canadum), các loài cá song (Epinephelus spp), cá hồng Mỹ (Sciaenops ocellatus), cá bống bớp (Bostrychus sinensis)…Một số đối tượng cá biển mới, có tiềm năng cho phát triển nuôi biển cũng đã được nghiên cứu sinh sinh sản nhân tạo thành công như cá nhụ 4 râu (Eleutheronema tetradactylum), cá song vua, cá song lai (giữa cá song vua và cá song hổ), cá bè vẫu (Caranx ignobilis), cá rô biển (L.surinamensis). Hiện nay, nguồn giống cá biển được sản xuất từ các cơ sở sản xuất giống của nhà nước và tư nhân đã đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu giống cá biển nuôi chủ lực, giảm hẳn sự phục thuộc vào nguồn giống khai thác tự nhiên và nhập khẩu, vốn ngắn liền với các nguy cơ về suy giảm nguồn lợi cá giống trong tự nhiên và lan truyền dịch bệnh. Sản lượng cá giống sản xuất phụ thuộc vào nhu cầu thị trường theo từng năm. Hiện nay, giống cá vược có thể đạt 60-70 triệu con/năm, cá giò 0,3-0,5 triệu con/năm, cá hồng Mỹ 0,5-1,0 triệu con/năm, cá chim vây ngắn và vây dài 2-3 triệu con/năm. Thành công trong sản xuất giống nhân tạo cá biển liên quan đến các vấn đề khoa học công nghệ sau: 1) Quản lý cá bố mẹ (thu thập, gia hóa, quản lý giới tính, nuôi vỗ, sinh sản nhân tạo), 2) Ương nuôi ấu trùng (quảng canh, bán thâm canh và thâm canh) và 3) Sản xuất thức ăn sống. Sản xuất thức ăn tươi sống đảm bảo về số lượng và chất lượng cho ấu trùng trùng cá biển đóng vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo sự thành công trong sản xuất giống cá biển. Hiện nay chúng ta lưu giữ và sản xuất sinh khối với mật độ cao một cách chủ động cho nhiều loài thức ăn tươi sống. Các loài thức ăn tươi sống dùng trong ương ấu trùng cá biển bao gồm: các loài vi tảo (Nanochloropsis occulata, Isochrysis galbana, Tetraselmis sp, Chlorella sp), các loài luân trùng thuộc các dòng như dòng siêu nhỏ (Proales similis), dòng nhỏ (Branchionus rotundiformis) và dòng lớn (B. plicatilis), artemia, copepod. Tùy từng loài cá biển mà sử dụng một hoặc kết hợp nhiều dòng luân trùng (có kích thước từ vài chục µm ở dòng siêu nhỏ đến vài trăm µm ở dòng lớn) để đảm bảo sự thành công và nâng cao tỉ lệ sống trong giai đoạn ương từ ấu trùng lên cá hương. Kỹ thuật làm giàu/cường hóa luân trùng, artemia để tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu n-3 HUFA, protein và vitamin đã được thiết lập. - Về giống nhuyễn thể: Nhiều loài nhuyễn thể có giá trị thương mại cao đã được sản xuất giống nhân tạo thành công, phục vụ phát triển nghề nuôi nhuyễn thể ở nước lợ và biển như: ốc hương (Babylonia aereolata), ngao bến tre (Meretrix lyrata), hầu cửa sông (Crassostrea spp), hầu Thái Bình Dương 2 (Crasostrea gigas), tu hài (Lutraria spp), vẹm xanh (Perna viridis), sò huyết (Andara granosa), điệp quạt (Chlamys nobilis), trai ngọc (Pinctada martensii, P. Maxiama ), bào ngư (Haliotis diversicolor, H. asinina). Việc sản xuất thành công các đối tượng nhuyễn thể ở quy mô thương mại cũng góp phần bảo vệ nguồn lợi do hạn chế khai thác nguồn giống từ tự nhiên và thúc đẩy nghề nuôi phát triển phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Các loài nhuyễn thể có giá trị xuất khẩu cao như ốc hương, điệp quạt, ngao bến tre, tu hài, sò huyết. Hàng năm sản xuất được khoảng 30 tỉ con giống nhuyễn thể, đáp ứng 50 % nhu cầu giống nuôi (Trần Công Khôi, 2016) - Về giống giáp xác: Bên cạnh tôm sú, là loài bản địa, đã được sản xuất giống thành công thì trong 4 loài cua bùn (Scylla spp), loài S. paramamosain được sản xuất giống thành công nhất. Công nghệ sản xuất giống cua bùn từ Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 đã được chuyển giao rộng rãi đến các địa phương trong cả nước. Về tôm hùm, loài nuôi phổ biển ở Việt Nam là tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (P.homarus). Mặc dù chúng ta chưa sản xuất giống thành công, giống nuôi dựa hoàn toàn từ khai thác tự nhiên hoặc nhập khẩu (tôm hùm xanh) nhưng kỹ thuật ương tôm hùm trắng thành tôm hùm giống đã phát triển, nâng cao tỉ lệ sống, góp phần đáng kể vào giải quyết giống tôm hùm. 2.2. Công nghệ nuôi thủy sản biển Song song với thành công trong sản xuất giống các đối tượng nuôi thủy sản biển, nhiều quy trình công nghệ nuôi thương phẩm các loài cá biển, nhuyễn thể, giáp xác và rong biển cũng đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy nghề nuôi biển ở nước ta trong những năm vừa qua. - Nuôi thương phẩm cá biển Nghề nuôi cá biển thương phẩm hiện nay ở nước ta vẫn đang chủ yếu ở quy mô nhỏ, cá được nuôi trong ao nước lợ hoặc trong các lồng gỗ ở những vùng ven biển kín sóng gió, sản lượng nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhờ sự hỗ trợ của dự án do Nauy tài trợ "Nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và khuyến ngư cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1”(1999-2007) trong đó pha 3 của dự án là “Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam” (2011-2016) và các đề tài, dự án nghiên cứu của Nhà nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 (Viện 1) chủ trì như đề tài " Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thiết bị đồng bộ và quy trình vận hành trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở" (KC.07/06-10) và dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm” (KC.07.DA07/11-15), hiện nay chúng ta đã làm chủ công nghệ sản xuất, lắp đặt lồng nuôi cá biển chịu sóng và quy trình công nghệ nuôi cá biển ở quy mô công nghiệp. Hệ thống lồng nuôi biển quy mô lớn: là hệ thống lồng tròn được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE có thể tích mỗi lồng nuôi từ 1200 m 3 đến 2400 m3, các lồng được kết nối ở dạng neo giàn với mỗi neo nặng 3-4 tấn. Hệ thống lồng này có khả năng chịu được bão gió cấp 12, cho phép triển khai nuôi ở những vùng biển xa bờ, đảm bảo môi trường nước trong sạch, do 3 đó có thể hạn chế được nguy cơ ô nhiễm và tránh xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải thủy, du lịch ở những vùng vịnh kín sóng gió. Mô hình trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp: mô hình này được Viện 1 vận hành tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Hàng năm có thể sản xuất được 80-100 tấn cá (cá chim, cá giò) với năng suất nuôi đạt từ 8-12 kg/m 3. Tỉ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so với mô hình nuôi nhỏ lẻ. Quy trình vận hành nuôi sử dụng hệ thống thiết bị đồng bộ như tàu vận chuyển chuyên dụng có gắn cần cẩu, ca nô, máy cho ăn và cơ sở hậu cần (nhà bè nổi, kho chứa thức ăn, dụng cụ). Tác động của hoạt động nuôi đối với môi trường được giám sát định kỳ và được đánh giá dựa trên phương pháp Mô hình hóa- giám sát môi trường trong quá trình nuôi (ModellingOngrowing-Monitoring: MOM) do Na Uy phát triển. Quy trình nuôi biển quy mô công nghiệp của Viện đã đạt chứng nhận VietGap. Hệ thống lồng quy mô nuôi công nghiệp và quy trình vận hành nuôi của Viện 1 đạt trình độ KHCN tương đương với trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp với các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang triển khai tại nước ta như công ty Marine Farm AS (Na Uy), Australis (Australia). Sản phẩm cá biển của dự án đạt yêu cầu về các chỉ tiêu ATVSTP, được thương mại hóa thông qua các kênh phân phối ở các chợ đầu mối hải sản lớn, hệ thống siêu thị và bước đầu khai thác thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Mô hình trang trại trình diễn nuôi cá biển cũng là điểm đào tạo tập huấn kỹ thuật nuôi biển, tìm hiểu về công nghệ, cơ hội đầu tư cho người dân và các doanh nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển nuôi cá biển quy mô công nghiệp ở nước ta. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề chuyển giao công nghệ nuôi biển quy mô công nghiệp với Viện 1. Viện cũng đã xây dựng được diễn đàn Công nghệ nuôi trồng thủy sản, là không gian thuận lợi cho việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân liên quan với nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng hải sản nói riêng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin về khoa học, công nghệ, thiết bị, dịch vụ, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chính sách quản lý, sản xuất và nhu cầu thị trường sản phẩm nuôi biển (http://aquaforum.vn/). - Nuôi nhuyễn thể Công nghệ nuôi nhuyễn thể đã được phát triển đa dạng, tùy thuộc vào từng đối tượng nuôi. Nuôi trên biển bao gồm các hình thức như: i) nuôi lồng bè, giàn treo, dây treo, khay treo, lồng treo được áp dụng cho hầu, tu hài, vẹm xanh, trai lấy ngọc, điệp quạt ii) nuôi lồng thả đáy được áp cho tu hài, iii) nuôi bãi, nuôi ao áp dụng cho nghêu, sò, ốc hương và iv) nuôi bể, áp dụng cho bào ngư, ốc hương. Sản nuôi nhuyễn thể tăng từ 157 nghìn tấn năm 2011 lên 265 nghìn tấn năm 2015 với nghêu, sò, hầu là nhóm có sản lượng tăng trưởng nhanh (Trần Công Khôi, 2016). - Nuôi tôm hùm Dựa trên các kỹ thuật đã phát triển về khai thác giống, ương nuôi và nuôi thương phẩm, Việt Nam được xem là nước có nghề nuôi tôm hùm (spiny loster) thương phẩm trong lồng trên biển phát triển mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới (Jone, 2015 ). Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm đạt trên 1,5 nghìn tấn, cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực như Indonesia (20-40 tấn), Malaysia và Philippine. 4 3. Thách thức và giải pháp về khoa học công nghệ Với điều kiện kiện tự nhiên khá thuận lợi, dân số hơn 95 triệu người, nhu cầu sản phẩm hải sản sản có lợi cho sức khỏe tăng cao, thị trường xuất khẩu thủy sản đã vươn tới 164 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiến trình hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới (EVFTA, TPP…) là những cơ hội thuận lợi cho phát triển nghề nuôi nuôi thủy sản biển ở nước ta, phục vụ tiêu dùng nội địa cũng xuất khẩu. Tuy nhiên, nghề nuôi biển ở nước ta đang đối mặt nhiều thách thức để phát triển bền vững. Một số thách thức về mặt KHCN chủ yếu bao gồm: - Về giống: nhìn chung chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi về số lượng (nhuyễn thể, rong biển, tôm hùm) về chất lượng (giống có biểu hiện thoái hóa như ở Hầu Thái Bình Dương, rong biển, nhiễm bệnh ở cá biển....). Một số loài nuôi còn phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên (tôm hùm, nghêu lụa...) có thể dẫn đến suy giảm nguồn lợi nếu không có biện pháp quản lý khai thác phù hợp. - Sản phẩm nuôi: phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hướng đến xuất khẩu cần được cấp các chứng nhận như VietGAP, Global GAP, ASC, MSC…tùy theo yêu cầu của các thị trường. Mặt khác giá thành sản phẩm đảm bảo cần đảm bảo tính cạnh tranh để dễ tiêu thụ. - Dịch bệnh và môi trường nuôi: Dịch bệnh còn thường xảy ra ở tất cả đối tượng nuôi, điển hình là bệnh sưng vòi tu hài, bệnh sữa ở tôm hùm, bệnh virus và nhiễm khuẩn gây chết hàng loạt ở cá nuôi biển. Nguy cơ ô nhiễm môi trường ở những vùng nuôi ven biển do mật độ lồng nuôi cao còn tiềm ẩn. - Công nghệ xử lý, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến: hiện nay đây là vẫn đề chưa được quan tâm nghiên cứu, ứng dụng đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của sản phẩm. - Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tác động của biến đổi khí hậu. Tần suất và cường độ của thiên tai như bão, lụt ngày càng tăng. Các hoạt động nuôi biển ở vùng ven biển hay xa bờ đều chịu tác động nặng nề của BĐKH. 4. Các giải pháp về KHCN Để giải quyết các thách thức về mặt KHCN đặt ra một cách tổng thể, cần có một chương trình KHCN riêng dành cho lĩnh vực nuôi biển nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững cho nghề này, bao gồm vấn đề giống, thức ăn, thiết bị nuôi, công nghệ nuôi, quản lý sức khỏe và môi trường, công nghệ bảo quản sau hoạch và chế biển, thích ứng với BĐKH. Trước hết có thể tập trung vào một số đối tượng nuôi biển chủ lực, có tiềm năng thị trường lớn để ưu tiên giải quyết. Một số vấn đề KHCN cụ thể được đề xuất như sau: - Đối với vấn đề giống: Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng giống. Quản lý đàn bố mẹ một cách khoa học đảm bảo tính đa dạng di truyền, tránh cận huyết. Thực hiện các chương trình chọn giống một số đối tượng cá biển, nhuyễn thể (hầu) theo các tính trạng như nâng cao tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỉ lệ thịt/phi lê. Sản xuất và lưu giữ giống rong biển bằng phương pháp nuôi cấy mô. Tiếp tục nghiên cứu các đối tượng nuôi mới, loài bản địa, phù hợp với từng vùng sinh thái, nhằm đa dạng 5 đối tượng nuôi. Nghiên cứu đánh giá trữ lượng, biện pháp khai thác, mùa vụ khai thác đối với con giống khai thác từ tự nhiên để bảm nguồn lợi được khai thác bền vững… - Công nghệ nuôi: Tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng nâng cao năng suất nuôi, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, quản lý dịch bệnh tốt, giảm chi phí sản xuất để có giá cạnh tranh - Thức ăn nuôi cá biển, tôm hùm: Tiếp tục nghiên cứu thức ăn công nghiệp nuôi cá biển theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng (giảm hệ số chuyển đổi thức ăn), giảm giá thành sản xuất để nâng cao hiệu quả nuôi. Các nghiên cứu cần ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp nhằm giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và suy giảm nguồn lợi. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm, thay thế một phần toàn bộ cá tạp trong nuôi tôm hùm. - Quản lý sức khỏe thủy sản : nghiên cứu phát triển vacine phòng bệnh cho một số loài cá biển nuôi chủ lực, sử dụng bổ sung các chế phẩm probiotics để nâng cao sức đề kháng qua đó hạn chế được sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. - Thích ứng với biến đổi khí hậu: nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ về thiết bị nuôi (lồng, nhà bè, cơ sở hậu cần) cũng như công nghệ nuôi (loài nuôi, cỡ giống thả, mùa vụ nuôi, hình thức nuôi…) phù hợp, thích ứng với BĐKH. Tóm lại, tiềm năng phát triển nuôi thủy sản biển của chúng ta còn rất lớn. Tuy nhiên nghề nuôi biển hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về nhiều mặt để phát triển bền vững và vươn lên thể hiện vai trò ngày càng quan trọng hơn trong cơ cấu sản lượng, giá trị trong ngành thủy sản. KHCN là một trong những giải pháp cần thực hiện động bộ với các giải pháp khác (cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư, hợp tác quốc tế…) để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có của lĩnh vực này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chu Chí Thiết, 2016. Báo cáo tổng kết dự án " Hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị nuôi cá lồng vùng biển mở và ứng dụng nuôi cá giò thương phẩm”. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước (KC.07.DA07/11-15) 2. Jons, C., 2015. Report on " Status of rock lobster farming in Southeast Asia and oppourtunity for Australia and New Zealand". Rock Lobster Congress, 29-30, Perth, Australia. 3. Nguyễn Quang Huy, Như Văn Cẩn, Đỗ Văn Minh, Peter Lauesen, Phạm Lam Hồng, Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Bùi Văn Hùng và Trần Mai Thiên, 2003. Phát triển kĩ thuật sản xuất giống cá giò (Rachycentron canadum), Tuyển tập hội nghị khoa học toàn quốc về nuôi trồng thuỷ sản lần thứ 2, Viện nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản I, tr 269-274. 6 4. Nguyễn Văn Giáp, 2016. Báo cáo tổng kết đề tài " Hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp ở Việt Nam". Dự án SRV-11/0027. 5. Như Văn Cẩn, 2010. Báo cáo tổng kết đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thiết bị đồng bộ và quy trình vận hành trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở". Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước (KC.07/06-10) 6. Trần Công Khôi, 2016. Định hướng và giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Báo cáo hội thảo Vietfish 2016. 7. Tuyển tập báo cáo Hội thảo " Định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thủy sản giai đoạn 2014-2018. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nha trang ngày 2223/3/2013. 7
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan