Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính...

Tài liệu Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

.DOCX
5
277
93

Mô tả:

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. 1. Ý nghĩa của các quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 : - Vấn đề thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đựơc quy định tại chương IV của Pháp lệnh với 15 điều (từ Điều 28 đến Điều 42). Đây là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính vì nó đặt cơ sở pháp lý cho việc xác định những cơ quan nào, những chức danh nào trong các cơ quan quản lý nhà nước để "phán xét" và quyết định việc xử lý đối với vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. - Bên cạnh đó việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính cũng phải căn cứ vào nguyên tắc cơ bản trực tiếp liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được trao quyền xử phạt hành chính đã được quy định cụ thể trong pháp lệnh như vấn đề phân định thẩm quyền xử phạt, vấn đề xác định thẩm quyền xử phạt đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt cụ thể, vấn đề xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp phạt tiền, … 2. Những nội dung chủ yếu về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 : a. Quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các chức danh cụ thể trong 1 số cơ quan Quản lý hành chính Nhà nước : Chương IV của Pháp lệnh quy định cụ thể có 74 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm : - Quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cụ thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh ; - Quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các chức danh cụ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt được nêu cụ thể tại các điều của chương này, đó là: Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Toà án nhân dân, Thi hành án ; - Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc cơ quan Thanh tra chuyên ngành ; - Quy định thẩm quyền xử phạt của 1 số chức danh cụ thể thuộc 1 số cơ quan xuất phát từ nhu cầu bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong các hoạt động đó : Giám đốc cảng vụ hàng hải, Giám đốc cảng vụ hàng không, Giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa. b. Quy định về vấn đề ủy quyền xử lý vi phạm hành chính : Quy định về vấn đề ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 41 của Pháp lệnh năm 2002 với một số nội dung chủ yếu sau đây : + Không phải tất cả các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể tại chương IV của Pháp lệnh đều có thể thực hiện việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính mà viện dẫn cụ thể (63 chức danh trong tổng 74 chức danh có thẩm quyền xử phạt) tại Điều 41 của Pháp lệnh. + Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính chỉ được cấp trưởng thực hiện đối với cấp phó trực tiếp của mình mà không được thực hiện đối với bất kỳ chức danh nào khác và chỉ trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt. + Cấp phó được cấp trưởng ủy quyền có quyền xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền của cấp trưởng mà mình được ủy quyền và phải chịu trách nhiệm về việc xử lý vi phạm hành chính do mình thực hiện theo sự ủy quyền đó. Điều 14 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 41 của Pháp lệnh như sau : - Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính do các chức danh quy định tại điều 41 của Pháp lệnh chỉ được thực hiện đối với cấp phó trực tiếp, việc ủy quyền chỉ được thực hiện bằng văn bản và trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt. - Cấp phó được cấp trưởng ủy quyền có quyền xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền của cấp trưởng mà mình được ủy quyền và phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính do mình thực hiện. Người được ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác. c. Về quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính : - Quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt theo chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ (của Ủy ban nhân dân) và chức năng quản lý nhà nước theo ngành (của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt khác ngoài Ủy ban nhân dân các cấp); tham khảo xem Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002). - Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quềyn xử phạt được quy định cụ thể trong chương IV là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính và quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt của các chức danh được quy định cụ thể tại chương này trong trường hợp phạt tiền. - Thẩm quyền xử phạt của các chức danh cụ thể quy định trong Pháp lệnh được xác định trên cơ sở tất cả các căn cứ sau : Một là đối với thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền : được căn cứ vào mức phạt tối đa của khung phạt tiền quy định cho hành vi vi phạm hành chính cụ thể và mức phạt tiền quy định cho chức danh đó trong pháp lệnh. Hai là đối với thẩm quyền áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm : được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi cụ thể đó hay không ; Pháp lệnh có quy định chức danh đó có được áp dụng hình thức phạt tịch thu tang vật, phương tiện hay không, nếu có thì trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm quy định cho chức danh đó được áp dụng và thực tế trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm của vụ vi phạm hành chính. Ba là đối với thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép : được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi cụ thể đó hay không; Pháp lệnh có quy định chức danh đó được áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép hay không và quy định của Pháp lệnh có liên quan đối với loại giấy phép cụ thể cần phải áp dụng hình thức này trong vụ vi phạm hành chính cụ thể. Bốn là đối với thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả : được căn cứ vào quy định của văn bản về xử phạt vi phạm hành chính có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu qủa đối với hành vi cụ thể đó hay không, nếu có thì đó là biện pháp gì ; Pháp lệnh có quy định chức danh đó có được áp dụng biện pháp khắc phục hậu qủa đó hay không. Việc xem xét thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp cụ thể được xác định sau khi đã tính đến tất cả các căn cứ trên đây. Trường hợp không thỏa mãn được các căn cứ đã được "pháp lý hóa" đối với vụ việc vi phạm hành chính cụ thể thì phải chuyển vụ vi phạm đến chức danh thỏa mãn các căn cứ xử phạt nêu trên để chức danh đó quyết định xử phạt theo thẩm quyền được Pháp lệnh quy định cho họ. - Điều 13 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 42 của Pháp lệnh được cụ thể như sau : + Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. + Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước (xem Điều 13 Nghị định 134/2003/NĐ-CP xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính). 3. Những điểm mới về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định : Đối với các chức danh cụ thể trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 nội dung " quy định cụ thể thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính" của chương IV Pháp lệnh nêu tại điểm a. Trên đây có một số điểm mới chung như sau (*) : - Nâng thẩm quyền phạt tiền của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt so với quy định tại Pháp lệnh năm 1995; (sẽ nêu chi tiết dưới đây) - Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; (ví dụ: Cảnh sát biển, Giám đốc cảng vụ hàng hải, Giám đốc cảng vụ hàng không, Giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa, …) - Bỏ thẩm quyền áp dụng biện pháp "Buộc bồi thường thiệt hại đến 1.000.000đ vì biện pháp này vốn được quy định tại khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995 nay không còn được quy định trong Pháp lệnh năm 2002. - Bổ sung thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cho Bộ trưởng Bộ công an để áp dụng với người nước ngoài (hình thức xử phạt này có thể được áp dụng với tư cách có thể là hình thức xử phạt hoặc phạt bổ sung). Dưới đây là những điểm mới cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định trong Pháp lệnh năm 2002: - Đối với thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp : + Quy định thẩm quyền xử phạt của đích danh chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh tại các điều 28, 29 và điều 30 của Chương IV mà không quy định chung chung là "của Ủy ban nhân dân" như Pháp lệnh xử lý vi phạmn hành chính năm 1995, xuất phát từ nguyên tắc xác định chế độ trách nhiệm hành chính đối với người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cũng như thực tế nội dung của các điều này đều quy định thẩm quyền cụ thể cho đích danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. + Nâng thẩm quyền phạt tiền vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cụ thể là cấp xã từ 200.000đ (trong Pháp lệnh năm 1995) lên 500.000đ, của Chủ tịch UBND huyện từ 10.000.000đ lên 20.000.000đ, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từ 100.000.000đ lên mức tối đa quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh (tức là có thể phạt đến 500.000.000đ trong một số lĩnh vực cụ thể). + Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh (thẩm quyền này theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 được trao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). - Đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh cụ thể thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt được Pháp lệnh quy định tại chương IV, bao gồm: Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường : - Nâng thẩm quyền phạt tiền của của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay, đó là : * Đối với Công an nhân dân (Điều 31) : gồm có 23 chức danh có thẩm quyền xử phạt. Thẩm quyền phạt tiền của Trưởng Công an cấp huyện (khoản 4 Điều 30) từ 2.000.000đ (Pháp lệnh năm 1995) lên 10.000.000đ (gấp 5 lần). Thẩm quyền phạt tiền của Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng cảnh sát giao thông, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Trưởng phòng cảnh sát xuất nhập cảnh, Thủ trưởng cảnh sát cơ động cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập, Trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất từ 2.000.000đ lên 10.000.000đ (gấp 5 lần) - Lưu ý : Pháp lệnh năm 2002 thêm chức danh Trưởng phòng cảnh sát phòng chống ma túy, bỏ chức danh Thủ trưởng đơn vị cảnh sát đặc nhiệm ở Trung ương, sửa tên Trưởng phòng cảnh sát giao thông trật tự thành Trưởng phòng cảnh sát giao thông. Nâng thẩm quyền phạt tiền của Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự, Cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Cục trưởng cục cảnh sát quản lý xuất cảnh, nhập cảnh từ 20.000.000đ (Pháp lệnh năm 1995) lên đến mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của các chức danh đó được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh 2002 (tức là tối thiểu ít nhất cũng ở mức 20.000.000đ). Quy định chức danh Bộ trưởng Bộ công an có quyền quyết định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Chính phủ (khoản 8 Điều 31 pháp lệnh năm 2002). * Đối với Bộ đội biên phòng (điều 32) : gồm 7 chức danh có thẩm quyền xử phạt (xem Điều 32 PL XLVPHC năm 2002). * Đối với Cảnh sát biển (Điều 33) : gồm 7 chức danh có thẩm quyền xử phạt (xem Điều 33 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002). * Đối với Hải quan (Điều 34) : gồm 7 chức danh có thẩm quyền xử phạt (xem Điều 34 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002). *Đối với kiểm lâm (Điều 35) : gồm 7 chức danh có thẩm quyền xử phạt (xem Điều 35 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002). *Đối với cơ quan Thuế (Điều 36) : gồm 5 chức danh có thẩm quyền xử phạt (xem Điều 36 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002). Thẩm quyền xử phạt của một số chức danh thuộc cơ quan Thuế được quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh năm 2002. Khác với các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt được quy định trong pháp lệnh, thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc cơ quan Thuế được quy định trong nhiều luật thuế với mức phạt quy định khác nhau đối với từng chức danh. Điều này dẫn đến cần thiết phải quy định tại Điều 36 và Điều 123 của Pháp lệnh khẳng định trường hợp luật có quy định khác với Pháp lệnh thì áp dụng quy định của Luật để đảm bảo nguyên tắc pháp chế XHCN trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật. Cụ thể ngay Điều 36 của Pháp lệnh quy định: "Trừ trường hợp luật có quy định khác về mức phạt, những người sau đây có quyền :" Cũng tương tự như các chức danh có thẩm quyền xử phạt của các cơ quan, lực lượng khác quy định trong pháp lệnh, thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc cơ quan thuế được tăng lên từ 5 lần (đối với Chi cục trưởng Chi cục thuế) đến 10 lần (Trạm trưởng Trạm thuế, Đội trưởng Đội thuế). Riêng đối với thẩm quyền của nhân viên thuế vụ vẫn giữ nguyên như quy định của pháp lệnh 1995, tức là 100.000đ. Khác với các lực lượng khác có thẩm quyền xử phạt, các chức danh thuộc cơ quan thuế chủ yếu áp dụng hình thức phạt tiền đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế: đối với hình thức xử phạt bổ sung thì một số chức danh thuộc cơ quan thuế (Chi cục trưởng, Cục trưởng) có quyền áp dụng hình thức phạt tịch thu tang vật, phương tiện đựơc sử dụng để vi phạm hành chính. Điều khác biệt này xuất phát từ đặc điểm chức năng quản lý nhà nước của cơ quan thuế và những vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực thuế. * Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường (Điều 37) : gồm 4 chức danh có thẩm quyền xử phạt. So với điều 33 của Pháp lệnh năm 1995 thì các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên thẩm quyền phạt tiền của 1 số chức danh có sự thay đổi theo hướng tăng lên (trừ thẩm quyền phạt tiền của Kiểm sát viên thị trường vẫn giữ nguyên). Theo quy định tại Điều 37 Pháp lệnh mới ban hành thì Đội trưởng Đội quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 5.000.000đ (gấp 5 lần). Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 20.000.000đ (gấp 2 lần), Cục trưởng Cục quản lý thị trường có quyền phạt đến 70.000.000đ, là mức tối đa đối với lĩnh vực thương mại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh (gấp 3,5 lần). Bên cạnh đó, thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính của Đội trưởng Đội quản lý thị trường cũng có thay đổi (được tăng lên từ trị giá 20.000.000đ lên 30.000.000đ). * Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành (điều 38) : gồm 3 chức danh có thẩm quyền xử phạt. Quy định về các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành vẫn giữ nguyên 3 chức danh là Thanh tra viên chuyên ngành, Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như quy định tại Pháp lệnh năm 1995. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền xử phạt của các chức danh thanh tra chuyên ngành có một số thay đổi sau : - Bỏ cụm từ "Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp sở, cấp bộ" vì không còn cần thiết- sửa cụm từ "chánh thanh tra chuyên ngành cấp bộ" thành "chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ" để đảm bảo sự chính xác của quy phạm. - Tăng thẩm quyền phạt tiền của Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở từ 10.000.000đ (Pháp lệnh 1995) lên 20.000.000đ (gấp 2 lần), Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 20.000.000đ quy định trong Pháp lệnh năm 1995 lên đến các mức tối đa quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh (tức là 20.000.000đ, 30.000.000đ, 70.000.000đ, 100.000.000đ, 500.000.000đ tùy lĩnh vực quản lý của từng lực lượng thanh tra chuyên ngành của các ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tăng thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành từ trị giá 500.000đ quy định trong Pháp lệnh năm 1995 lên 20.000.000đ (gấp 4 lần). Thẩm quyền xử phạt của Giám đốc cảng vụ hàng hải, hàng không, thủy nội địa (Điều 39)- (xem Điều 39 PLXLVPHC 2002). * Thẩm quyền xử phạt của Toà án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự (Điều 40) :gồm 5 chức danh có thẩm quyền xử phạt. So với quy định của Điều 35 Pháp lệnh XLVPHC năm 1995 thì các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh mới không có sự thay đổi. Tuy nhiên thẩm quyền phạt tiền của chức danh thẩm phán chủ tọa phiên tòa quy định tại điều này từ 100.000đ nay nâng lên đến 1.000.000đ (gấp 10 lần), chấp hành viên thi hành án dân sự phạt đến 200.000đ (gấp 2 lần), Trưởng phòng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương phạt tiền đến 1.000.000đ (gấp 2 lần). Tuy nhiên, thẩm quyền phạt tiền của Trưởng thi hành án dân sự không thay đổi, vẫn phạt tiền đến 500.000đ như quy định trong Pháp lệnh năm 1995.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan