Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Tại sao trẻ không vâng lời

.PDF
74
149
98

Mô tả:

L. F. OSTROVSKAYA TẠI SAO TRẺ KHÔNG VÂNG LỜI NGUYỄN DƯƠNG KHƯ dịch 1982 #tusachluamoi biên tập – v1.1 Tủ sách Lừa Mới Mã: TL2 Phiên bản: v1.1 Tên sách: Tại sao trẻ không vâng lời Tác giả: L. F. Ostrovskaya (1977) Người dịch: Nguyễn Dương Khư Năm xuất bản: 1982 Số hóa: #tusachluamoi Biên tập: #tusachluamoi – Có tham khảo bản tiếng Nga (Почему ребенок не слушается) Quá trình: – v1.0 (8/8/2015): số hóa, biên tập, tra cứu tên, lập chỉ mục. – v1.1 (17/8/2015): sửa lỗi. Giới thiệu Tủ Sách Lừa Mới: #tusachluamoi là hoạt động tình nguyện và phi lợi nhuận nhằm số hóa những cuốn sách được chọn lựa kỹ lưỡng và xét thấy là cần thiết để làm giàu mạnh kiến thức. Ghé thăm chúng tôi tại: http://facebook.com/tusachluamoi MỤC LỤC Lời nói đầu ........................................................................................................................... 4 Hiểu trẻ là biết những đặc điểm phát triển của trẻ .................................................................. 6 Chúng ta bàn về thói nhõng nhẽo và bướng bỉnh ................................................................. 10 Đừng phạm sai lầm như vậy trong giáo dục ......................................................................... 15 Thực chất sự vâng lời của trẻ là ở chỗ nào ........................................................................... 22 Giáo dục tính sẵn sàng nghe lời như thế nào ........................................................................ 28 Về sự yêu cầu cao đối với trẻ .............................................................................................. 37 Dạy trẻ biết cư xử đúng đắn ................................................................................................ 49 Động viên, khuyến khích là một trong những phương pháp giáo dục hành vi tốt cho trẻ trước tuổi học phổ thông ........................... 58 Có được trừng phạt hay không ........................................................................................... 64 Tài liệu tham khảo............................................................................................................... 72 Chỉ mục theo tên ................................................................................................................ 73 Bảng tra cứu tên phiên âm ................................................................................................... 74 3 LỜI NÓI ĐẦU Việc giáo dục con người mới, con người xây dựng chủ nghĩa cộng sản, được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nuôi dạy trẻ và gia đình. Đại hội lần thứ 25 của Đảng Cộng Sản Liên Xô đã trang bị cho đội ngũ giáo viên, cô nuôi dạy trẻ và những cán bộ khác của ngành giáo dục quốc dân một chương trình cụ thể để nâng cao trình độ công tác giáo dục trong các cơ quan nuôi dạy trẻ. Đại hội đã chú ý nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đến việc hình thành tình cảm yêu nước và những nhu cầu của tâm hồn… Khát vọng phục vụ Tổ quốc, phục vụ xã hội, lao động vì lợi ích của Tổ quốc và xã hội, lòng yên mến nhân dân lao động là những phẩm chất tạo nên nền tảng đạo đức của con người mới. Những phẩm chất ấy phải được rèn luyện rất sớm từ thời thơ ấu trong gia đình. Thời kỳ này diễn ra sự hình thành tình cảm, tư tưởng và tính nết của đứa trẻ. Những bậc cha mẹ nhận thức rõ tất cả trách nhiệm giáo dục trẻ mà xã hội trao cho mình, đã biểu hiện một sự quan tâm lớn đối với những tri thức sư phạm. Họ đọc những sách báo về sư phạm, theo học các trường đại học nhân dân, xin ý kiến của các nhà sư phạm về từng vấn đề giáo dục. Vì vậy, người làm việc trong các cơ quan nuôi dạy trẻ cần phải chuẩn bị không chỉ để trả lời hàng trăm ngàn câu hỏi ―tại sao?‖ của trẻ mà còn để cung cấp những lời khuyên với trình độ chuyên môn cao cho các bậc cha mẹ. Các cha mẹ thường đặt ra với các cô nuôi dạy trẻ và các cô mẫu giáo những câu hỏi: tại sao trẻ không nghe lời, hay nhõng nhẽo và bướng bỉnh. Họ mong được khuyên cần làm như thế nào để trẻ thực hiện các yêu cầu của người lớn. Khi trả lời câu hỏi tại sao một số trẻ không nghe lời người lớn, không thể đưa ra một nguyên nhân duy nhất; Có nhiều nguyên nhân làm cho đứa trẻ hoặc là hình thành được đúng lúc tính sẵn sàng nghe lời hoặc là tính nết trở nên khó uốn nắn. Chỉ có một điều không thể chối cãi: giáo dục đóng một vai trò quan trọng, song để giáo dục đúng, cần nắm được những đặc điểm phát triển của trẻ em. Một trong những chương của sách sẽ trình bày với bạn đọc đặc tính của lứa tuổi, trước khi vào trường phổ thông, những đặc điểm về lứa tuổi, về tâm lý, về cá tính của đứa trẻ và những đặc điểm ấy sẽ ảnh hưởng đến tính nết của đứa trẻ như thế nào? Hành vi của trẻ là kết quả của sự giáo dục. Luận điểm này được củng cố trong sách bằng những dẫn chứng mà các nhà sư phạm thường gặp trong công tác thực hành của mình. Đứa trẻ trước tuổi vào trường phổ thông sẵn sàng làm theo lời khuyên bảo của người mà nó yêu 4 mến, nó tin và nó cho là công bằng, tốt bụng và nghiêm khắc. Thói tự tiện, bướng bỉnh, nhõng nhẽo chứng tỏ sự thiếu uy tín của người lớn. Sự mất uy tín của bố mẹ xảy ra trong những trường hợp nào? Tại sao trẻ thôi không nghe lời người lớn nữa? Sách sẽ lưu ý cô giáo về các vấn đề đó và giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân của những thiếu sót trong sự giáo dục của gia đình và đưa ra những lời khuyên nhủ đối với các bậc cha mẹ. Quyển sách này sẽ chú ý nhiều đến vấn đề hình thành ở trẻ tính sẵn sàng nghe lời. Có cần bắt trẻ phải phục tùng tất cả các yêu cầu của người lớn không? Tất nhiên là không nên! Vấn đề chủ yếu là sự tự giác thực hiện những yêu cầu đưa ra. Người lớn chỉ có thể bằng lòng với sự vâng lời tích cực của trẻ, mà nền tảng của nó là sự thôi thúc về mặt đạo đức. Chính vì vậy mà trong quyển sách này sự vâng lời, như là giai đoạn đầu tiên của tính kỷ luật, được xem xét trong mối liên quan chặt chẽ với sự hình thành ở đứa trẻ những khái niệm đạo đức. Việc giáo dục cho trẻ sự sẵn sàng vâng lời một cách tích cực được xem xét trong quá trình tổ chức cuộc sống hàng ngày và những hoạt động khác. Sách sẽ nói tới việc lựa chọn các phương pháp sư phạm để tác động đến trẻ, tới tính yêu cầu cao trong giáo dục, tính hợp lý của sự động viên khuyên khích, tới ý nghĩa của gương tốt, của lời chỉ bảo và của sự giải thích những quy tắc của hành vi v.v... Tất cả nội dung của tập sách nhỏ này nhắc nhở người đọc rằng những biện pháp sư phạm đa dạng chỉ đạt kết quả khi tất cả những người lớn đang có trách nhiệm giáo dục trẻ — bố, mẹ, các cô giáo — phải có sự thống nhất trong những yêu cầu đối với trẻ, và nếu như họ tìm thấy trong đứa trẻ một nhân cách đang đòi hỏi sự quan tâm, sự ân cần và sự tôn trọng. 5 Đứa trẻ là tấm gương phản chiếu cuộc sống đạo đức của cha mẹ. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky HIỂU TRẺ LÀ BIẾT NHỮNG ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ Trước khi nói về sự vâng lời của trẻ, phải lưu ý một số đặc điểm phát triển của trẻ có thể ảnh hưởng đến tính nết của trẻ em. Sự độc đáo trong các chức năng về tư duy (tính cụ thể và tính hình tượng của tư duy, chưa biết trừu tượng hóa, so sánh, tổng kết, rút ra kết luận), tình cảm chiếm ưu thế hơn so với lý trí, tính xung đột, chưa có khả năng nỗ lực về ý chí và tự kiểm tra, sự thiên về bắt chước, lòng mong muốn hoạt động độc lập, lòng khao khát khám phá – tất cả những cái đó là những người bạn đường không thể thiếu được của tuổi thơ trước lúc cắp sách đến trường phổ thông. Nếu không lưu ý đến chúng thì khó có một sự đánh giá đúng đắn các động cơ của những hành vi này hay hành vi khác của trẻ. Trẻ trước tuổi đi học suy nghĩ một cách độc đáo. Ushinsky đã chỉ ra rằng ―đối với trẻ không có cái không thể được, bởi vì trẻ không biết cái gì có thể được và cái gì không‖ (Ushinsky, 1950). Điều đó đặc biệt đúng với những trẻ bé. Người ta nói với đứa trẻ: ―Hãy đợi đến ngày mai‖ hoặc: ―Tuần sau chúng ta sẽ đi thăm‖. Nhưng đứa trẻ không hiểu tại sao không thực hiện điều đã hứa ngay lập tức, và vòi vĩnh đòi kỳ được, làm người lớn nổi nóng. Thì ra là họ không hiểu nhau. ―Để phán đoán công bằng và đúng đắn về một đứa trẻ, chúng ta không nên đặt đứa trẻ vào hoàn cảnh của ta mà phải tự đặt ta vào thế giới tinh thần của đứa trẻ‖ (Pirogov, 1953). Để thực hiện yêu cầu của người lớn, trẻ phải hình dung rõ ràng người lớn muốn cái gì ở nó. Vì vậy những chỉ bảo không cụ thể đối với trẻ sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Thường người ta nói với trẻ: ―Hãy giữ gìn đồ chơi‖, ―Hãy cư xử một cách gương mẫu‖, ―Hãy lễ phép‖... nhưng trẻ khó lòng hiểu rõ cái gì chứa đựng trong những khái niệm quá rộng và quá trừu tượng như thế. Vì vậy tuy rất chăm chú nghe lời người lớn, nó vẫn tiếp tục vứt lung tung những con búp bê, vẫn quên chào hỏi, cảm ơn, vẫn cãi cọ và bắt đầu làm om sòm với những trẻ cùng tuổi, bất chấp mọi sự cấm đoán. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhà trẻ và lớp mẫu giáo, mỗi khi giao nhiệm vụ cho trẻ, cô giáo gọi tên từng em một: ―Cả Vê-ra, Vô-va và Ri-ta, tất cả sẽ thu dọn đồ chơi‖. Nếu chỉ nói chung chung với tất cả bọn trẻ thì đứa trẻ không phải bao giờ cũng thấy được rằng điều đó có liên quan đến bản thân mình, bởi vì nó suy nghĩ cụ thể. ―Trẻ không thể suy nghĩ được như người lớn. Sự thiếu tri thức và kinh nghiệm buộc nó suy nghĩ cách khác‖ (Korczak, 1968). Đôi khi người lớn thiên về dùng lời để răn dạy trẻ, quên rằng ―trẻ sống một cách tình cảm và say mê hơn người lớn, nó ít có khả năng vận dụng lý luận. Thói quen suy nghĩ phải đến với trẻ dần dần‖ (Makarenko, 1955). 6 Thậm chí nếu đứa trẻ hiểu rằng người lớn không hài lòng về nó thì lúc đó, đối với trẻ, những lời chỉ bảo của người lớn cũng không có tác dụng hướng dẫn hành vi: do năng lực tư duy còn hạn chế, trẻ không phải lúc nào cũng có thể liên hệ những yêu cầu đã biết với những hoàn cảnh mới, hoặc cả những hoàn cảnh tương tự. Cũng không được quên một đặc điểm nữa: lòng tự ái đang nảy nở trong đứa trẻ. Chẳng hạn một em bé lên năm cảm nhận một cách sâu sắc lời chế nhạo, sự châm biếm, thái độ miệt thị đối với nó và nó thường phản ứng lại một cách quyết liệt: nhõng nhẽo, bướng bỉnh và không làm theo những yêu cầu của người lớn. Đặc biệt đau xót đối với các em là sự bất công, dù là nhỏ nhất, và những hình phạt về thể xác. Bản tính của trẻ là ham hiểu biết. Khát vọng nhận thức của trẻ thường mang lại phiền hà cho người lớn: đứa bé ―vô tình‖ phá bao kính của ông để tìm hiểu xem dùng kéo có thể cắt được nó không; làm gãy cái đồ chơi chạy bằng dây cót vì muốn khám phá xem tại sao nó chuyển động! Vì không đi sâu vào bản chất các hành động nhận thức thế giới của đứa trẻ, người lớn có thể coi hoạt động của trẻ như là có ác ý. Cần tạo cho trẻ những điều kiện để tích lũy kinh nghiệm sống, nhưng không phải kinh nghiệm tự phát mà kinh nghiệm có tính mục đích, nhất là cần dự tính trước ―sự nảy sinh‖ những thí nghiệm không đáng mong muốn. Ushinsky đã viết: ―Quy luật cơ bản của bản tính trẻ có thể được diễn đạt như sau: Trẻ em đòi hỏi sự hoạt động không ngưng nghỉ; không phải hoạt sự hoạt động mà chính là tính đơn điệu, một chiều của những hoạt động đó làm mệt trẻ. Bắt trẻ ngồi yên, trẻ rất mau chóng thấy mỏi mệt; nằm, trẻ càng mau mệt hơn. Nó không thể đi bộ lâu, không thể nói, hát, đọc lâu và càng không thể suy nghĩ lâu. Nhưng trẻ chơi đùa và cử động suốt ngày, thay đổi và xen kẽ tất cả các hoạt động đó mà không phút nào cảm thấy mệt, và chỉ một giấc ngủ say đủ để hồi phục sức lực của trẻ cho ngày hôm sau‖ (Ushinsky, 1945). Những nhà giáo và những bậc cha mẹ đã xử sự không đúng khi bắt buộc đứa trẻ ngồi lâu trên ghế vì muốn hạn chế sự tinh nghịch của nó. Đứa trẻ mỏi mệt vì phải ngồi không sẽ bắt đầu nghịch ngợm với mức độ gấp đôi vì cơ thể của nó đòi hỏi phải giãn gân cốt bằng vận động. Bé Vi-ta-lic lên năm vừa có mặt buổi sáng ở lớp mẫu giáo là đã bắt đầu chạy nhảy ngay. Khó chuyển hướng cho bé vào công việc yên tĩnh. Nếu phải tuân theo yêu cầu của cô giáo, bé ngồi sau những đồ chơi đặt trên bàn, là lập tức bé cãi cọ với bạn và thường cuối cùng bé khóc. Thái độ này của em mới bắt đầu xuất hiện. Tại sao vậy? Trong câu chuyện với bố em, người ta phát hiện ra là gia đình em đã chuyển đến một căn nhà mới, trong lúc đó bố mẹ em còn phải mang em đến lớp mẫu giáo cũ. ―Chắc là em bị mệt lúc đi đường‖ – Cô giáo đưa ra một lời nhận định. Bố em phản đối: ―Không thể như thế được. Vì cháu ngồi suốt dọc đường đi‖. Có đúng là đứa trẻ mệt mỏi không? Lấy gì giải thích một đặc điểm của cơ thể trẻ thơ là mau mệt do sự hạn chế của vận động hoặc do hoạt động đơn điệu? 7 Khi đứa trẻ giữ yên một tư thế khá lâu (đứng, ngồi v.v...) trọng tải rơi vào cùng một nhóm các cơ và vào những trung tâm tương ứng của hệ thần kinh, do đó mau chóng nảy sinh sự mệt mỏi. Nếu hoạt động của trẻ là đa dạng thì trọng tải vì thế cũng thay đổi, những cơ và những trung tâm thần kinh lúc này làm việc thì lúc sau nghỉ ngơi và lấy lại sức. Những trẻ nhỏ thiên về sự bắt chước. Nhà giáo dục học Poland (Ba Lan), Korczak đã diễn đạt rất sâu sắc đặc điểm đó của trẻ: ―Trẻ nói tiếng nói của những người chung quanh, phát biểu quan điểm của họ, lặp lại điệu bộ của họ, bắt chước hành vi của họ‖ (Korczak, 1968). Trẻ trước tuổi đến trường phổ thông chưa có đủ kinh nghiệm sống để đánh giá đúng cái gì là đáng khen và cái gì đáng chê. Cùng lúc đó, trẻ hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những gì người lớn làm đều đáng noi theo (bởi lẽ bé mong muốn biết bao được là người lớn và giống những người thân, giống cô giáo!). … Em bé gái lên năm ru con búp bê, vỗ vào nó và lẩm bẩm vẻ bực tức: — Mày cứ thử không ngủ xem nào! Nhắm mắt lại ngay lập tức! Nhận thấy thế, cô giáo khẽ nhắc bé: — Người ta không nói như vậy với con gái. Tốt hơn hết là hãy vuốt ve nó và hát một bài. Nhưng cô bé cãi lại : — Nhưng mẹ cháu luôn làm như vậy khi A-len-ca lâu không ngủ. Trẻ bắt đầu bộc lộ rất sớm sự ham thích tính độc lập. Lòng mong muốn hoạt động độc lập kết hợp với thói hay bắt chước và chưa biết đánh giá sức lực và khả năng của mình, đôi khi có thể là nguyên nhân ngoài ý muốn của những hành vi của trẻ, mà người lớn coi như là sự ngỗ nghịch. Bé ―đóng‖ đinh, như bố, và bé chọn chỗ dễ trông thấy nhất ở trên tường. Bé ―lau‖ bụi, như mẹ, nhưng lại đánh vỡ cái lọ con. Động tác của trẻ nhỏ còn chậm chạp, vụng về cho nên em làm rơi, đánh đổ, không tiến hành ―đúng cách‖. Tất cả những cái đó đòi hỏi người lớn phải kiên nhẫn, phải biết giúp đỡ, chỉ vẽ đúng lúc. Cũng cần nhớ rằng bất kỳ sự hạn chế nào đối với tính tích cực và tính độc lập của trẻ đều có thể gây nên ở đứa trẻ sự chống đối, ý muốn đòi hỏi cho kì được theo ý mình. Trong trường hợp này, đánh giá tính nết trẻ là vòi vĩnh, bướng bỉnh thật là sai lầm. Những công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học và giáo dục học đã chỉ ra rằng trong cuộc sống của trẻ trước tuổi học, cảm giác có vai trò rất to lớn. Sechenov nói rằng ―gốc rễ của tư duy nằm trong sự cảm giác của trẻ‖ (Sechenov, 1947). Trẻ nhỏ phản ứng nhanh, trực tiếp và rất xúc động với mọi thứ. Tuy nhiên sự xúc cảm của trẻ chưa tuân theo lý trí và ý chí. Lo sợ, giận dữ, vui mừng, thương xót thường trở thành những động lực hành vi của trẻ. Đứa trẻ sinh sự khi người ta đưa nó về nhà lúc nó đang chơi, nhõng nhẽo khi người ta cấm nó lấy đồ chơi của các trẻ khác v.v... Cảm xúc chiếm ưu thế so với lý trí nên không cho phép đứa trẻ làm người phán xét vô tư hành vi của bản thân mình. Giải thích như thế nào sự xung động của trẻ thơ? Hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn 8 chỉnh, quá trình hưng phấn lấn át các quá trình ức chế. Chính vì thế mà đôi khi trẻ hành động thậm chí trái với lẽ phải: trẻ bị những ham muốn và tâm trạng của bản thân chi phối. Trẻ có thể khóc thê thảm khi đánh mất chú lính bằng chì mà nó yêu thích và vui mừng khi cướp được đồ chơi của trẻ khác. Trẻ cũng chưa thể hiểu được là nó đã xúc phạm đến bạn. Hơn nữa trẻ chưa nắm được nhiều chuẩn mực đạo đức, cũng như những biểu tượng về cái tốt và cái xấu. Chỉ dần dần, cùng với sự mở rộng tầm hiểu biết về đạo đức, và sự tích lũy các kinh nghiệm sống trẻ mới có được năng lực đối chiếu hành vi của mình với các quy tắc đối xử đã biết. Khi đó mới xuất hiện thái độ xúc động đối với cái trước đây không làm em quan tâm, sự nhận thức đúng đắn đối với cái trước đây em chưa hiểu, chưa lĩnh hội được. Ngoài những đặc điểm về lứa tuổi và tâm lý, còn phải chú ý đến khí chất mà đứa trẻ đã được phú cho từ khi mới đẻ. Tùy theo đặc điểm của hoạt động thần kinh mà có một số loại khí chất sau đây: hoạt bát, nóng nảy, lãnh dạm và đa sầu. Trẻ có khí chất hoạt bát khá điềm tĩnh, linh hoạt và tích cực ở mức vừa phải, cảm xúc một cách tích cực, nếu giáo dục đúng trẻ sẽ không nhiễm thói nhõng nhẽo. Trẻ với khí chất nóng nảy thường mãnh liệt trong những bộc lộ của mình, nếu người lớn không chú ý đến đặc điểm này thì khó có thể làm cho trẻ nghe lời. Trẻ có khí chất lãnh đạm thì trầm tĩnh, thậm chí chậm chạp, điều này thể hiện không chỉ ở sự chậm chạp của các phản ứng tâm lý, mà cả trong cử chỉ. Trẻ khoan thai, làm mọi việc một cách đủng đỉnh, chín chắn, không ứng đáp được ngay tức khắc mệnh lệnh của người lớn, và vì vậy làm cho người lớn không hài lòng. Trẻ có khí chất đa sầu không bền vững trong cảm xúc, thiên về nước mắt và nhõng nhẽo bởi vì em cảm nhận quá sâu sắc, thậm chí cường điệu, mỗi sự xúc phạm nhỏ nhặt nhất. Thực hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng loại khí chất này tốt hay loại khí chất khác xấu. Tất cả đều tùy thuộc ở sự giáo dục đúng đắn. Muốn vậy, người lớn phải căn cứ vào những đặc điểm về lứa tuổi, về tâm lý và về cá tính của đứa trẻ. Thời kỳ trước tuổi học là thời kỳ tích lũy mạnh mẽ những sức mạnh về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Và những biểu hiện vốn có của trẻ 2 – 3 tuổi, không thể gán cho trẻ 6 – 7 tuổi. Trẻ càng lớn càng ý thức được rõ rệt hơn những biểu hiện của mình. Nếu tính nết của trẻ nhỏ phụ thuộc ở mức độ lớn vào cảm giác của nó, thì ở trẻ lớn hơn đã phần nào thoáng thấy có năng lực sơ đẳng của sự tự kiểm tra; kinh nghiệm sống của nó phong phú lên; nó biết nhiều nguyên tắc xử thế và nhờ các quá trình ý chí đang phát triển, có thể kiềm chế những ý muốn của mình. Trẻ lớn đã có thể không những thực hiện những yêu cầu của người lớn, mà còn tự bắt buộc mình làm những gì mình thấy cần thiết. 9 CHÚNG TA BÀN VỀ THÓI NHÕNG NHẼO VÀ BƯỚNG BỈNH Nhiều bố mẹ lo ngại về những sự nhõng nhẽo, bướng bỉnh của con. Đối với những lời chỉ bảo thông thường nhất: rửa tay, chuẩn bị đi ngủ, thu dọn đồ chơi, trẻ trả lời hoặc bằng sự lẳng lặng không tuân lệnh, hoặc bằng sự phản đối ầm ĩ. Những phản ứng tương tự ở một số trẻ biểu lộ thường xuyên đến nỗi người lớn bắt đầu coi chúng như là những hiện tượng có tính quy luật của lứa tuổi trước lúc vào trường phổ thông. Thật là hoàn toàn không đúng nếu cho rằng thói nhõng nhẽo, bướng bỉnh tất yếu là bạn đồng hành của tuổi thơ. Trẻ không phải sinh ra đã như vậy và đó không phải là đặc điểm lứa tuổi của trẻ, song dẫu sao thì sự nhõng nhẽo cũng thường hay bộc lộ ở lứa tuổi trước tuổi học. Điều đó do nguyên nhân gì gây ra? Dĩ nhiên là thói nhõng nhẽo gắn liền với những đặc điểm lứa tuổi và tâm lý của trẻ: trẻ càng nhỏ, các quá trình hưng phấn ở trẻ biểu lộ càng mạnh, do đó mà có sự xung động và sự nóng nảy. Dù sao thì nguyên nhân chính của thói nhõng nhẽo và bướng bỉnh ở trẻ nằm chủ yếu không phải trong những đặc điểm về lứa tuổi và tính khí của trẻ, mà trong sự thiếu đúng đắn của thái độ giáo dục đối với trẻ. Pavlov nhấn mạnh rằng ―Loại hình phẩm hạnh của con người... phụ thuộc không chỉ vào những đặc điểm bẩm sinh của hệ thần kinh, mà còn phụ thuộc vào những ảnh hưởng đã tác động và còn thường xuyên tác động đến cơ thể trong cuộc sống của cá nhân, tức là lệ thuộc vào sự giáo dục và dạy bảo thường xuyên, với nghĩa rộng nhất của những từ đó‖ (Pavlov, 1951). Sự nhõng nhẽo được biểu hiện ra bề ngoài bằng tình trạng cảm xúc của đứa trẻ, bằng sự thay đổi ý muốn không có lý do, mà theo cách nhìn của người lớn là hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, sự nhõng nhẽo của trẻ vẫn có cái logic bên trong của nó. Sư nhõng nhẽo của những trẻ nhỏ nhất và những trẻ lớn trước tuổi học có nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, trẻ đang nằm trong nôi thì chưa có sự nhõng nhẽo đúng với nghĩa của nó. Những dấu hiệu để bảo rằng cần phải thay tả lót ướt, hoặc cho bé ăn, hoặc đặt bé nằm ngủ, đó chưa phải là những sự vòi vĩnh thực sự. Nhưng nếu người lớn không đoán trước được kịp thời tiếng khóc của trẻ và đứa trẻ thường xuyên nhắc họ về những sự khó chịu của mình thì sẽ xuất hiện ở bé thói quen dùng tiếng khóc để đạt được sự thỏa mãn những nhu cầu của bé. Những biểu hiện lặp đi lặp lại của những xúc động tiêu cực, nếu đã trở thành thói quen sẽ tạo nên tiền đề làm nảy sinh sự nhõng nhẽo. Sự nhõng nhẽo của những trẻ hai ba tuổi thường gắn liền với việc không thõa mãn được những nhu cầu tự nhiên (đói, mệt mỏi, buồn ngủ), với cảm giác về những khó chịu cơ thể (lạnh, nóng, giày chật, áo quần làm gò bó cử động, giường thiếu tiện nghi v.v...). 10 Sự nhõng nhẽo có thể là triệu chứng của sự đau ốm. Trẻ cảm thấy một sự khó chịu nào đó trong người nhưng không biết nói thế nào. Thường ở trường hợp như vậy, trẻ cố gắng kìm lại, bằng cách lúc đòi cái này, lúc đòi cái khác, khao khát sự quan tâm của người lớn. Nhưng vì sự thỏa mãn những ý muốn cũng không làm cho bé dễ chịu hơn trong cơ thể nên bé khóc và nhõng nhẽo. Đôi khi trẻ nhõng nhẽo ngay cả trong thời kỳ vừa khỏi bệnh. Sau trận ốm, trẻ còn yếu chưa thể cử động nhiều, chưa thể tham gia những trò chơi mà chúng bạn chơi. Sự bắt buộc hạn chế hoạt động đó gây nên những tiếng khóc vô cớ. Nhưng cũng có thể là vì sau thời gian ốm đau trẻ đã quen với sự quan tâm cao hơn thường ngày của những người chung quanh nên khi khỏi bệnh em không muốn rời bỏ sự quan tâm đó. Cô giáo phải giải thích cho các cha mẹ rằng sự dịu dàng trong việc đối xử với trẻ bị ốm phối hợp với tính kiên trì, với sự yêu cầu hợp lý (tuân theo chế độ, thực hiện những quy định của bác sĩ) sẽ ngăn ngừa được sự nhõng nhẽo có thể xảy ra. Sự nhõng nhẽo có thể xuất hiện ở đứa trẻ do quá bão hòa những ấn tượng. Thường buổi tối Xê-ri-ô-gia ở nhà với bà. Công việc chủ yếu của em trong thời gian đó là xem tất cả những tiết mục truyền hình. Chỉ đến khuya, khi bố mẹ bé ở trường trung học kỹ thuật về, bé mới được đưa đi ngủ. Bị kích động quá độ, bé nằm lâu không ngủ và khóc thút thít. Đêm bé ngủ không yên giấc và buổi sớm dậy rất khó khăn. Bé đến lớp mẫu giáo nét mặt cau có, không vui, ăn kém, vòi vĩnh, cãi lộn với những trẻ khác. Trí não và óc tưởng tượng của trẻ không được chất chứa quá nhiều điều giải trí. Ngay cả những ấn tượng tươi vui nhất, nhưng với số lượng lớn, cũng không mang đến cho trẻ sự thoả mãn mà những người lớn đã nhầm tưởng khi mong cho trẻ được khoan khoái. Nhưng thường thường nguyên nhân của sự nhõng nhẽo là do giáo dục không đúng. Trẻ thường xuyên đạt được sự thỏa mãn ý muốn của mình bằng tiếng khóc và người lớn thực hiện không chút chậm trễ những ý muốn đó. Dần dà hình thành ở đứa trẻ thói quen đạt được điều mong muốn nhờ vào tiếng khóc và tiếng thét. Được củng cố một cách dần dần khó nhận thấy, thói quen đó biến thành một nét của tính nết. Tính nhõng nhẽo của trẻ đôi khi đi liền với tính bướng bỉnh. Bướng cũng là một sự phản ứng tiêu cực đối với những yêu cầu, những tác động của người lớn. Tính bướng bỉnh của những trẻ bé nhất có thể được thể biện bằng một sự khăng khăng không đáng có. Chẳng hạn, đứa bé một tuổi rưỡi khăng khăng muốn đoạt lấy một đồ vật đã thu hút sự chú ý của nó. Không có lời ―không được‖ nào có thể chặn nó lại. Khi người ta xếp đồ vật vào ngăn kéo, đứa trẻ tìm cách mở ngăn kéo, lấy nắm tay đập thình thình lên mặt bàn 11 và bướng bỉnh lặp đi lặp lại: ―Đưa đây! Đưa đây !‖. Những tình huống như vậy thường kết thúc bằng những trận khóc. Trẻ càng nhỏ, những biểu hiện tiêu cực mà trẻ dùng để thay thế sự bất lực trong việc giải thích cho người lớn hiểu ý muốn của mình, cũng là chưa có ý thức. Dần dà trẻ lớn lên, ý thức đã phát triển thì sự nhõng nhẽo và bướng bỉnh bắt đầu mang tính chất có ý thức hơn, có chủ tâm hơn và trở thành một phương tiện thường dùng trong hành vi để đạt được mục đích của mình. Thường sự nhõng nhẽo và sự bướng bỉnh hay bị hiểu lầm là sự kích động thần kinh: trẻ thét lên, vung quả đấm, ném đồ chơi lung tung, giậm chân, lăn ra sàn nhà và gào. Cảnh huống như vậy làm người lớn bối rối và luống cuống. Họ nâng đứa trẻ dậy, khuyên giải và dỗ dành nó. ―Thằng bé hay cáu kỉnh! cần dịu dàng đối với nó, không được gây chấn thương cho nó‖. Họ nghĩ như vậy và tự hành hạ mình vì tội đã dám có yêu cầu cao, dễ gây ra ―cơn thần kinh‖ đó. Cô giáo phải khuyên bố mẹ đưa trẻ đến một bác sĩ chuyên khoa đề loại trừ ước đoán về chứng bệnh thần kinh. Khi bố mẹ đã tin rằng sự lo sợ của mình là thừa, nhiệm vụ của nhà sư phạm là phân tích những mối quan hệ đã được xác lập trong gia đình giữa người lớn và trẻ em và tìm ra nguyên nhân của những ―cơn thần kinh‖ đó của trẻ. Vậy thì phải phản ứng thế nào với những biểu hiện nhõng nhẽo như vậy của trẻ? Trước tiên phải tập có thái độ bề ngoài bình tĩnh đối với tiếng thét của trẻ. Trong những lúc đó, tốt nhất là để trẻ một mình cho đến lúc tình huống đó qua đi. Bé Na-ta-sa ba tuổi to tiếng đòi: — Con muốn ra đường! Đi dạo nữa! Con muốn nhảy dây!... Nó không nghe lời khuyên nhủ là đã đến giờ ăn cơm trưa và ngủ, mọi đứa trẻ đã về nhà. Nó vừa thét vừa lăn ra sàn nhà, chân nện thình thình. Bà mẹ cố tỏ ra bình tĩnh, đi vào phòng và đóng chặt cửa lại. Na-ta-sa ở lại một mình trên hành lang. Chẳng mấy chốc tiếng thét ngừng lại. Nhưng chỉ vì cửa lại mở ra nên tiếng thét lại tiếp tục với cường độ gấp đôi. Sau đó, bà mẹ nói với giọng điềm tĩnh, dường như chỉ nói lên suy nghĩ của mình: ―Bây giờ phải rửa sàn hành lang thôi; ở đây bẩn lắm‖. Nghe vậy, Na-ta-sa ngồi lên ngay: chính là vì trên mình bé mặc chiếc áo mới. Vẫn còn nức nở, bé hỏi giọng đầy nước mắt: — Thế cái áo, có giặt sạch được không mẹ? — Được. Chỉ có một điều là sau khi giặt, áo sẽ không còn đẹp như trước. Na-ta-sa vội vàng đứng dậy và chạy vào phòng. 12 — Mẹ ơi, mẹ cởi áo cho con. — Thế là tốt! Bây giờ ta thay quần áo, mặc áo choàng, rửa tay chân mặt mũi rồi ăn trưa! Đã đến giờ… Cũng cần thấy rằng khi gây ra cảnh ầm ĩ trẻ trông mong có những người chứng kiến và những người thông cảm. Nếu trẻ thường xuyên tin rằng tiếng gào thét của mình không chút nào làm động lòng những người xung quanh thì cái thói bắt chước người loạn thần kinh sẽ mất dần. Sự bướng bỉnh biểu hiện chủ yếu ở những trẻ được nuông chiều, quen được quan tâm quá mức và thiếu sự khuyên bảo. Mức cao nhất của sự bướng bỉnh, thường được gọi là thói chống đối, thể hiện ở sự phản đối vô nghĩa lý của trẻ đối với bất cứ yêu cầu nào của người lớn. Thói chống đối luôn luôn mang tính chất có ý thức, có chủ tâm và thông thường, bộc lộ trong trường hợp bố mẹ cố gắng khuyên bảo trẻ và bối rối trước sự không vâng lời của trẻ, hoặc trong trường hợp mà người lớn không ngớt bắt bẻ đứa trẻ, cấm đoán nó mọi thứ và quát mắng nó. Trong trường hợp sau, sự bướng bỉnh dường như là một phản ứng tự vệ chống lại một chuỗi quá đáng những biện pháp giáo dục đó. Arkin viết: ―Trong những trường hợp trẻ bướng bỉnh, nhà sư phạm phải chú ý là nguyên nhân của sự bướng bỉnh thường khi không nằm ở đứa trẻ mà nằm ở cách đối xử của người lớn chung quanh em‖ (Arkin, 1948). Cũng phải phòng ngừa ở các bậc cha mẹ một thiếu sót phổ biến: thường họ lẫn lộn thói bướng bỉnh với tính kiên trì. Biểu hiện bề ngoài của chúng trong hành vi của trẻ là giống nhau. Nhưng sự bướng bỉnh là một biểu hiện xấu cần phải loại trừ, còn sự kiên trì là một tính tốt tất nhiên cần được nâng đỡ. Ông bố và bà mẹ gọi đứa con trai sáu tuổi của họ là thằng bướng vì em có thể hàng giờ nài xin họ đọc sách cho em nghe hoặc trả lời những câu hỏi mà em đang băn khoăn. Nếu bố tìm cách lẩn tránh bằng một câu trả lời cụt lủn thì con không thỏa mãn với lời giải thích đó, lại chạy đến và lại hỏi. Đó không phải là sự bướng bỉnh mà là sự kiên trì mà nền tảng là lòng ham hiểu biết, là sự bền bỉ đạt tới mục đích. Những đức tính đó cần được nâng đỡ và phát triển bằng mọi cách ở đứa trẻ. Đây là một thí dụ về cách xử sự của cô giáo trong những trường hợp tương tự. Ta-ma-ra đang thu dọn cẩn thận trong tủ. Ngay cả sau khi tất cả các trẻ khác đã rời nhóm, em vẫn tiếp tục công việc của mình. Em nài nỉ cô giáo: — Một phút nữa thôi... cháu xong ngay đây mà. 13 — Tốt lắm – Cô giáo đồng ý vì cô hiểu rằng cần tạo điều kiện cho cháu bé hoàn thành công việc đang làm. Nếu thời gian không cho phép, thì cô giáo giải thích cho em: bây giờ phải tuân theo thời gian biểu chung (―vì tất cả các bạn không thể đợi một người!‖), và có thể sẽ tiếp tục làm cho xong việc sau khi đi dạo về. Lẽ dĩ nhiên, cô giáo phải thực hiện lời hứa của mình, và nếu trẻ quên thì nhắc nhở trẻ. Đôi khi người lớn cảm thấy đó là bướng bỉnh, nhưng thực ra không phải là sự bướng bỉnh. Người ta bảo một em bé hát hoặc đọc thơ. Mọi người nhìn em chờ đợi, còn em thì chỉ cúi đầu và im lặng. — Kìa, đừng bướng! Đọc đi, cháu đọc được mà. Người lớn khuyến khích em, cho rằng thái độ của em là biểu hiện của sự bướng bỉnh. Trong trường hợp này, người lớn phải rất thận trọng và đừng tưởng lầm sự ức chế của quá trình thần kinh là sự bướng bỉnh. Tình trạng này không phải bướng bỉnh mà có thể do ảnh hưởng của những kích thích mạnh như: hoàn cảnh khác thường, sự có mặt những người lạ, sự chú ý của mọi người. Cô giáo phải ngăn ngừa các cha mẹ, đừng dùng sức mạnh để bẻ gãy sự bướng bỉnh của trẻ, đặc biệt là đừng dùng sự trừng phạt về thể xác. 14 ĐỪNG PHẠM NHỮNG SAI LẦM NHƯ VẬY TRONG GIÁO DỤC! Sukhomlynsky viết: ―Tất cả thực chất của việc giáo dục con người là ở chỗ làm sao để những ham muốn của cá nhân phù hợp với những lợi ích của tập thể, của xã hội, của nhân dân, của Tổ quốc. Phải trau dồi những nguyện vọng đó ngay từ những ngày đầu cuộc sống có ý thức của đứa trẻ…‖ ―Người nào không tập điều khiển từ bé những nguyện vọng của mình, không thể nghiệm tính xác đáng và có căn cứ về mặt đạo đức của chung thì người đó trở thành không đáng tin cậy về mặt xã hội và sẽ lâm vào tình trạng xung đột với các yêu cầu của xã hội. Nếu một người từ thời thơ ấu được nuôi nấng một cách thiếu suy nghĩ trong sự sung sướng về vật chất thì người đó không có nguyện vọng học tập. Sau đó, xảy ra tai họa khủng khiếp hơn  người ấy không có nguyện vọng lao động sản xuất. Đó là những mắt xích của cùng một sợi dây chuyền‖ (Sukhomlynsky, 1972). Phần đông cha mẹ dạy cho trẻ, từ những ngày đầu cuộc đời của nó, biết kiềm chế những nguyện vọng và hứng thú bồng bột của mình. Điều đó bắt đầu từ cái nhỏ nhặt khi trẻ đòi ―đưa đây‖, ―con muốn‖, thì người lớn trả lời kịp thời và dứt khoát ―không‖, ―không được‖. Không có những yêu cầu kiên quyết thì không thể hình thành ở trẻ năng lực bắt những ―tôi muốn‖ mù quáng và thất thường của mình phục tùng những mục đích quan trọng và tự giác. Với sự giáo dục đúng đắn, việc hướng dẫn hành vi của trẻ không gặp những khó khăn gì đặc biệt, trẻ tỏ ra sẵn sàng làm theo những chỉ bảo của người lớn. Tuy nhiên, khi quan sát đứa trẻ ở nhà trẻ hay lớp mẫu giáo, khi đi thăm các gia đình, khi nói chuyện với các cha mẹ, nhà sư phạm phát hiện được nhiều nguyên nhân của sự không vâng lời của trẻ những nguyên nhân này thường nói lên sự thiếu sót của việc giáo dục. Chúng ta thử dừng lại ở những thiếu sót chính. Một trong những nguyên nhân của sự không vâng lời là tình thương không hợp lý của cha mẹ đối với trẻ. Tất nhiên là cha mẹ mà không thương yêu con cái là trái với luật tự nhiên. Và giáo viên mà không thương yêu trẻ thì không thể nào ứng đáp được nhiệm vụ cao quý của mình. ―Tình thương sáng tạo ra tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, mạnh mẽ và tươi sáng‖ (Dzerzhinsky, 1956). Không có nó thì khó lòng gây cho trẻ có lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác, biết chú ý đến người xung quanh và điều quan trọng là không có nó thì không thể có sự tiếp xúc giữa người lớn và trẻ em, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và tình thân ái. Nhưng lòng thương yêu trẻ chưa phải là cái chủ yếu nhất. Maxim Gorky nói: ―Yêu thương thì gà mái cũng biết yêu thương‖. Quan trọng hơn nhiều là học cách điều khiển tình cảm của mình, lấy lý trí hướng dẫn tình cảm. Trong y học, có thuật ngữ: quá liều lượng. Nó có nghĩa 15 là nếu người ta lạm dụng một thứ thuốc dẫu là thần hiệu nhất, thì nó cũng không còn bồi bổ cho sự sống mà tác động đến cơ thể như là một chất độc. Nếu đứa trẻ thường xuyên cảm thấy ở mình một tình thương yêu quá liều lượng của bố mẹ thì điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ như một chất độc. Lòng thương yêu trẻ, đó là một tình cảm có hiệu lực, biểu hiện vừa ở sự tôn trọng, vừa ở tính yêu cầu cao một cách hợp lý, vừa ở lòng nhân hậu có mức độ đối với trẻ. Tình thương chân chính của bố mẹ không loại trừ, mà trái lại bắt buộc phải bao hàm sự nghiêm khắc hợp lý và tính khách quan. Nhưng trong thời gian đứa trẻ còn hoàn toàn bé nhỏ, một số người làm bố mẹ coi sự bướng bỉnh, sự nghịch ngợm, sự không tuân theo những lời chỉ bảo, như là một điều tự nhiên. Đôi khi, thậm chí những biểu hiện xấu trong hành vi của trẻ lại khêu gợi ở bố mẹ một cảm giác thích thú. Đứa con trai hay đánh nhau, nhưng bố mẹ lại nghĩ rằng lớn lên nó sẽ cương nghị và biết tự vệ. Nó không nhường đồ chơi cho ai cả, lại cho là có tính cẩn thận. Nó khó tính, không chịu thua ai, không ăn ý với những trẻ khác, lại cho là có tính nết mạnh mẽ. Cô giáo đến chơi nhà và nói chuyện với bố mẹ của bé Xê-ri-ô-gia lên năm thì thấy: trong gia đình mọi sự đều phụ thuộc vào sở thích của đứa trẻ, ngay cả những trò tinh nghịch hỗn láo của nó cũng làm mọi người âu yếm nó. — Bà đi đi, bà lui ra! Để cháu chơi với mẹ cháu. Đứa cháu trai không rứt ra khỏi cuộc chơi, nói với bà một cách không hài lòng. Bà nói với cô giáo: — Cũng cần nói như vậy thật. Đứa bé mới sắc sảo, mới khác thường làm sao! Khi đứa con ngồi chơi ở bàn viết cùng bố thì ông bố phải làm việc ở bàn ăn. Khi cả nhà ngồi xem vô tuyến thì đứa bé ngồi ở chỗ tốt nhất  trên ghế bành của bà. Miếng ngon đầu tiên được dành cho bé: ―Dừa dành riêng cho Xê-ri-ô-gia. Nó thích dừa lắm‖. Bà mẹ khẩn khoản nói: — Xin cô đừng phê bình cháu mà nó khóc đấy, nó nổi nóng thì rất có hại cho nó. Nếu đứa trẻ cảm thấy rằng nó thường xuyên là trung tâm chú ý của mọi người, rằng tất cả các cuộc trò chuyện trong gia đình đều chỉ xoay quanh nó, nó trở thành một tên bạo chúa thực sự, nó sẽ sử dụng những từ ―đưa đây‖, ―mang lại đây‖, ―bé muốn‖, ―bé không muốn‖ để ra lệnh cho người lớn và để đạt được điều ham muốn. 16 Sự không vâng lời của trẻ là dấu hiệu chứng tỏ rằng người lớn không có uy tín đối với trẻ. Để chinh phục trẻ, một số bố mẹ cố gắng xây dựng toàn bộ sự giáo duc trên nguvên tắc: bố mẹ thương con thì con cũng phải thương bố mẹ. Trong những trường hợp như vậy, họ tìm cách hướng dẫn hành vi của trẻ bằng cách luôn luôn nhắc nó ―Con không làm như mẹ đã nói với con, có nghĩa là con không yêu mẹ‖. ―Con không vâng lời  bố sẽ không yêu một đứa xấu như vậy!‖. ―Nếu con yêu bố, con sẽ không làm như vậy‖. ―Con không vâng lời mẹ, bố sẽ đem con cho một bà khách lạ‖. Makarenko nói: ―Uy tín của tình yêu là hình thức phổ biến nhất của uy tín giả dối. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng: để trẻ vâng lời, cần làm cho trẻ yêu bố mẹ, và để trẻ có tình yêu đó, cần thiết ở khắp mọi nơi phải biểu lộ tình yêu của bố mẹ đối với trẻ... Gia đình như vậy sẽ chìm đắm trong một biển những âu yếm và tình cảm yếu đuối, đến mức không còn nhận ra điều gì khác. Nhiều điểm nhỏ nhất nhưng quan trọng của giáo dục gia đình không được các bậc cha mẹ quan tâm. Đấy là một loại uy tín rất nguy hiểm. Nó nuôi dưỡng những con người ích kỷ, giả dối. Mà thường khi, bản thân bố mẹ trở thành nạn nhân đầu tiên của thói ích kỷ đó‖ (Makarenko, 1952a). Đứa trẻ được nuông chiều thường là đứa trẻ lớn lên trong một gia đình mà ở đấy em là đứa bé độc nhất giữa những người lớn. Em được mọi người quan tâm, đoán trước bất cứ những đòi hỏi nào của em. Bị ám ảnh bởi lòng mong mỏi đem lại niềm vui cho đứa trẻ, bố mẹ quên mất việc giáo dục cho em kỷ luật của những ham muốn, và cái ―bé muốn‖ của trẻ trở thành luật lệ đối với bố mẹ. Đáng lo ngại nhất khi người lớn cho rằng những quan hệ như vậy là hợp quy luật: ―Chẳng lẽ chúng tôi lại nuông chiều con cái! Chúng tôi cũng cho nó mặc và cho ăn uống như trong các gia đình khác‖. Có thể nuông chiều đứa trẻ không chỉ bằng đồ chơi và bánh kẹo, mà cả bằng một sự quan tâm quá mức. Những người thân thường có khuynh hướng khuyếch đại những ưu điểm của con cái mình, âu yếm nó và chăm sóc nó quá mức. Kết quả của sự giáo dục như vậy là làm cho đứa trẻ chỉ quen nhận chứ không hề cho cái gì trở lại. Em rất cần bà là để bà giúp em một sổ việc (mặc quần áo, cởi áo quần, đưa thức ăn, bón thức ăn). Còn mẹ sẽ thực hiện mọi ý muốn kỳ quặc của em (mua đồ chơi, kẹo bánh, dẫn đi xem hát), còn bố thì đánh giá em một cách xứng đáng bằng những lời khen. ―Cuộc sống xác nhận: nếu đứa trẻ chỉ có ―tiêu thụ‖ niềm vui, mà không đạt được nó bằng lao động, bằng sự nỗ lực của sức mạnh, tâm hồn thì trái tim của đứa trẻ có thể trở nên nguội lạnh, khô cứng và dửng dưng‖ (Sukhomlynsky, 1974). Quen nhìn nhận những người thân của mình từ địa vị một người hưởng thụ, đứa trẻ như 17 vậy, ngay giữa những bạn cùng lứa tuổi, cũng chỉ cố tranh đoạt lấy quyền, mà không muốn thực hiện một nghĩa vụ nào. Ý thức trách nhiệm đối với hành vi của bản thân là xa lạ đối với em. Một em bé mới vào lớp mẫu giáo lớn. Mẹ và bà giới thiệu em là một đứa trẻ đặc biệt và phát triển trước tuổi. Quả thật đứa bé tỏ ra là một ―đứa trẻ đặc biệt‖: lỗ mãng, không biết coi trọng các bạn, khoác lác. Nó có thể giằng lấy cây bút chì hoặc làm hỏng bức vẽ của bạn bên cạnh, cô giáo phê bình thì nó trả lời một cách láo xược: ―Thế thì sao nào!‖. Nó đánh giá bất cứ công việc nào của mình — dù là bản vẽ, hình nặn hay đọc thơ — với điểm số cao nhất: ―Của cháu tốt hơn tất cả!‖. Khó khăn lắm cô giáo mới buộc được nó thực hiện các yêu cầu. Đứa trẻ chẳng muốn làm gì, chẳng quan tâm đến điều gì cả. Chẳng hạn, cô giáo đề nghị nó giúp bạn trực nhật dọn bàn ăn, nó trả lời: — Ở nhà, cháu chẳng bao giờ dọn bàn ăn. Cháu không phải là một đứa con gái! — Thế thì hãy giúp Ô-lếch nhặt lá ở vườn trường. — Cháu không thích. Cháu thích tụt từ cầu trượt xuống hơn. Cô giáo nói với bé: — Hãy đi chơi cờ nhảy với các bạn. Nhưng nó cũng lại từ chối: — Cờ nhảy à? Không thú! — Nó vừa nói vừa khoát tay có vẻ trịch thượng — Ở nhà, cháu chơi cờ tướng với bố cháu. — Thế thì có lẽ cháu hãy xem sách? Đứa bé ―đặc biệt‖ lại phản đối: — Cháu đã biết hết từ lâu những quyển sách mỏng và bé ấy. Mẹ đọc cho cháu nghe truyện Tom Sawyer cơ. Đứa trẻ được nuông chiều khó thích nghi với nhà trẻ hoặc lớp mẫu giáo: nó không hiểu tại sao nó lại không được phép làm mọi thứ. Chính nó là ―nhất — nhất‖, thế mà chẳng ai để ý tới điều đó. Và kết quả là nó làm loạn dưới hình thức những sự nhõng nhẽo, bướng bỉnh, vi phạm các quy tắc chung. Việc giáo dục lại một đứa trẻ như vậy là một công việc phức tạp. Giáo viên phải đưa em vào cuộc sống của tập thể trẻ em, làm cho em quan tâm đến công việc của các bạn cùng tuổi, buộc em phải thừa nhận rằng em không phải là một cá nhân riêng lẻ, mà là một cá nhân giữa nhiều cá nhân khác cũng giống như em. Và điều cần thiết là phải cùng thực hiện công việc đó với các bậc cha mẹ, cùng sử dụng những phương pháp giáo dục thống nhất. Sự quan tâm quá mức trong gia đình con một có khả năng góp phần hình thành cảm giác về tính chất đặc biệt, và sự đánh giá quá cao những năng lực của mình, mặt khác, hình thành 18 sự bất lực, sự nhu nhược. Chính vì đoán trước và chiều theo những ham muốn của trẻ, các bậc cha mẹ, dẫu không hề nghi ngờ điều đó, nhưng về thực chất đã tước bỏ khả năng rèn luyện ý chí của đứa trẻ, khả năng điều khiển hành vi của nó. Đứa trẻ quen thói dùng tiếng khóc nức nở hay sụt sịt để khiến người lớn sẵn sàng chạy đến giúp đỡ không chút chậm trễ thì bản thân trở thành thụ động, bàng quan. Bé Mác-xim lên bốn nhưng so với những đứa trẻ khác trong nhóm thì hoàn toàn bất lực: không tự cởi được áo măng-tô hoặc bít-tất tay; không muốn cài cúc và cởi dây giày. Thậm chí ở bàn ăn em cũng ngồi chờ đến lúc người ta bón cho. Với mọi lời chỉ bảo em tự làm lấy một việc gì đó, thì nước mắt lưng tròng và nói một cách rầu rĩ: ―Cháu không muốn‖, ―cháu không biết‖. Thế nhưng ở nhà, với bố mẹ thì giọng của Mác-xim rất quyền thế, rất đòi hỏi. Và người lớn hối hả ngăn ngừa không để em khóc: vì nó bé bỏng, yếu đuối đến như vậy. Cô giáo phải giải thích cho các cha mẹ rằng trẻ bắt đầu nắm bắt được thái độ của người lớn đối với nó rất sớm. Hơn nữa rất dễ gợi cho trẻ thấy rằng nó bé bỏng, yếu đuối, bướng bỉnh, khó bảo hoặc ngược lại, thấy mình lớn, mạnh, gan dạ. Tất cả cái đó quy định một phần lớn đặc điểm tính nết của đứa trẻ. Phương pháp đối xử khi đã được xác lập giữa người lớn và trẻ em thì khó thay đổi. Thậm chí khi bố mẹ hiểu rõ rằng mình đã phạm sai lầm trong việc giáo dục và đặt ra yêu cầu cao hơn thì điều đó cũng không thể diễn ra một cách dễ dàng cả về phía đứa trẻ và cả về phía bản thân bố mẹ. Giáo dục lại bao giờ cũng là công việc khó khăn hơn, bởi vì ―nó đòi hỏi nhiều sức lực hơn, nhiều tri thức hơn, nhiều kiên nhẫn hơn và không phải ở bậc cha mẹ nào cũng có các đức tính đó‖ (Makarenko, 1952a). Giáo dục trong bốn bức tường là một trong những nguyên nhân của những hành vi tiêu cực của trẻ. Nếu đứa trẻ được giữ gìn để khỏi phải gắng sức về thể lực cũng như về đạo đức được cách ly khỏi xã hội của những bạn cùng tuổi, thì không nên xem cuộc sống của nó là có giá trị đầy đủ vì cuộc sống đó không chứa đựng một nội dung làm phát triển đứa trẻ mà cần phải tổ chức hành vi của nó và tập trung vào hoạt động có ích. Chơi, học, lao động sẽ diễn ra tốt hơn nếu đứa trẻ có bạn cùng chia sẻ sở thích, tính sáng tạo và sự phát triển các dự định của nó. Hiểu điều đó, người lớn cố gắng bổ sung sự tiếp xúc với bạn cùng tuổi mà trẻ còn thiếu, xét thấy cần thiết phải cho trẻ vui chơi, giải trí, tạo ra những công việc mà trẻ cảm thấy hứng thú hơn, gợi ý cho trẻ đề tài cuộc chơi và cách thức chơi. Khi trẻ còn rất nhỏ, điều đó ở một mức độ nhất định là chính đáng. Tuy nhiên, bất kì hoạt động nào cũng chỉ có thể giáo dục tính tích cực khi đứa trẻ có thể bộc lộ trong hoạt động đó óc tưởng tượng, tính độc lập và thực hiện những dự tính của mình. Với sự giáo dục trong lồng kính, trẻ trước tuổi học luôn luôn cảm thấy gánh nặng của sự 19 bảo trợ quá đáng đè lên mình: không được chạy nhảy thỏa thích — vì bé sẽ mệt đấy; cầm cái búa con trong tay — bé sẽ đập vào tay đấy; cầm kim để khâu — bé sẽ đâm vào tay đấy. Chốc chốc trẻ lại nghe thấy: ―Đừng chơi trên cát, bé sẽ bị lấm‖, ―Đừng cởi khăn quàng cổ, bé sẽ ốm đấy‖. Quen với kiểu mỗi bước đều được người lớn nhắc nhở, trẻ mất khả năng suy xét về những hành vi của mình. Nhiệm vụ của cô giáo là nói cho bố mẹ trẻ hiểu rằng điều quan trọng là đừng lẫn lộn tính yêu cầu cao với sự bảo trợ vụn vặt chỉ làm tê liệt sức lực của trẻ. Giữ cho trẻ khỏi chịu một sự căng thẳng nào đó, không biểu hiện một sự kiên quyết phải có, là không nhìn vào tương lai của trẻ. Cô giáo cũng cần ngăn ngừa bố mẹ trẻ về một sự cực đoan khác: sự nghiêm khắc quá mức, làm cho trẻ cảm thấy chán nản. Tính yêu cầu cao không phải là sự hà hiếp, hành hạ mà nó phải hợp lý và phải xuất phát từ thiện ý. Ở những trẻ lớn, đã bộc lộ rõ rệt khả năng nhận thấy rằng bố mẹ, khi nghiêm khắc, không phải bao giờ cũng đúng, và những trẻ khác được độc lập hơn trong hoạt động của chúng ―Thế mà Vi-chi-a thì được phép làm‖, ―Ô-li-a được bố mẹ cho phép còn con thì không, tại sao vậy?‖. Dung túng sự tinh nghịch của trẻ cũng như không chịu nổi sự tinh nghịch đó đều là biểu hiện ở mức độ như nhau sự cực đoan trong thái độ của người lớn với trẻ em và không thể coi là chuẩn mực được. Đừng quên rằng đứa trẻ phát triển bình thường cảm thấy nhu cầu biểu hiện dưới hình thức tích cực trạng thái xúc cảm của mình. Chẳng hạn, trẻ có tâm trạng vui vẻ, trẻ xúc động trước những sự kiện tốt đẹp (nhận một tặng phẩm mong đợi từ lâu; một người bạn thân thiết vừa đến; có khách đột ngột đến nhà v.v...) và bộc lộ một cách sôi nổi những tình cảm của mình. Điều quan trọng là biết phân biệt sự tinh nghịch trẻ con với sự ngổ ngáo quá trớn, không để chúng vượt quá giới hạn được phép. Nếu trẻ kịp thời tập có thái độ tự giác đối với lời chỉ bảo của những người giáo dục mình, có thể dễ dàng chấm dứt sự tinh nghịch bằng cách ngăn ngừa sự sôi nổi quá mức trong xúc cảm của trẻ. Cần luôn luôn chú ý là hình thức và mức độ biểu hiện sự xúc động phụ thuộc ở sự giáo dục. A-len-ca mừng vui chạy ra khỏi nhóm đón bố. Em rất xúc động: biết bao nhiêu sự việc sau một ngày! Cô giáo khen em về việc em đã giúp các bạn bé hơn mặc áo quần; lúc đi dạo, em được xếp ở hàng đ ầu; hôm qua em làm trực nhật ở góc thiên nhiên. Tất cả những điều đó đều rất quan trọng và rất lớn lao; và làm sao không chia sẻ những điều đó với bố được! Nhưng ông bố, bận bịu với những ý nghĩ riêng tư, chỉ đồng ý với em một cách lạnh nhạt. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan