Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Sự giao thoa giữa cảm thức aware và zen trong tiểu thuyết yasunari kawabata...

Tài liệu Sự giao thoa giữa cảm thức aware và zen trong tiểu thuyết yasunari kawabata

.PDF
72
336
121

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM ĐẶNG VĂN HÙNG SỰ GIAO THOA GIỮA CẢM THỨC AWARE VÀ ZEN TRONG TIỂU THUYẾT YASUNARI KAWABATA LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NGÀNH SƯ PHẠM NGỮ VĂN Cần Thơ, 2014 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm lại nỗi lòng của Thạch Lam trong lời tựa của tập truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa: “Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có thể nói, đó là tâm tình của một tập truyện, của một kiếp kết duyên với văn chương và cũng là mộng của biết bao văn nhân. Từ những khúc hát của người nghệ sĩ mù Homeros, tiếng đàn trên bến Tầm Dương đến những cung đàn của nàng Kiều, bao khúc ca đã đi vào vĩnh cửu. Ta nhận ra rằng, khi bước vào nghiệp văn chương, mỗi người sẽ có một khúc hát riêng để tôn vinh giá trị của cái đẹp. Cái cốt yếu mà họ hướng đến là sự thanh lọc tâm hồn và “làm cho người gần với người hơn”. Nỗi niềm của ngày xưa nay vọng về cùng người nghệ sĩ lớn của thế kỉ XX, đó là Yasunari Kawabata. Kawabata luôn tìm kiếm và đến với cái đẹp bằng tất cả niềm thiết tha, say mê và rạo rực. Chỉ thiết tha và say mê không vẫn chưa đủ, mà trên hết là cả ý thức về tinh thần dân tộc và nhân loại. Thế kỉ XX là thời đại của tiến bộ khoa học kĩ thuật chưa từng có và của các cuộc chiến tranh đẫm máu. Cái ác vẫn diễn ra theo tiếng gọi của lòng tham con người. Tác giả tìm đến ánh sáng diệu kì của Thiền để soi chiếu vào con người, để gìn giữ và cứu vớt cái đẹp. Với Kawabata, cái đẹp cũng có một số phận, có một linh hồn riêng. Và linh hồn ấy thật mong manh, dễ vỡ. Nhà văn đang lắng nghe những tiếng rạn nứt trong lòng dân tộc mình. Lúc đó, không biết thế giới có nghe được tiếng rạn nứt đang ngấm ngầm? Điều cao quý trong tư cách của ông đó là, ông đã dùng cái đẹp để xóa nhòa mọi khoảng cách và chữa lành những rạn ứt ấy. Cho nên, ai mà không rung động, không muốn tìm đến nhà văn nhân hậu này. Trên đài vinh quang của giải Nobel, nhà văn ấy đã tâm sự rằng: “Mỗi khi ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tuyết hay vẻ đẹp của trăng, khi ta mê đắm vẻ đẹp của bốn mùa, khi nhận thức được khơi dậy và ta cảm thấy hạnh phúc được tiếp xúc với cái đẹp, lúc đó ta đặc biệt nhớ đến bạn bè, khao khát được chia sẻ niềm vui với bạn. Tóm lại, sự chiêm ngưỡng cái đẹp đánh thức trong ta cảm xúc mãnh liệt về sự cảm thông và tình yêu, và lúc đó hai tiếng “con người” vang lên như bạn bè” [24; 963-964]. Chân thành như thế, tha thiết như thế nhưng để hiểu hết con người ấy thật khó. Tuy giản dị và sáng trong như một sắc hoa anh đào hay một ánh trăng nhưng cũng đủ làm ta giật mình về bao câu chuyện của thế nhân. 1 Với đề tài “Sự giao thoa giữa cảm thức Aware và Zen trong tiểu thuyết Yasunari Kawabata”, người viết muốn hòa trong dòng chảy của thời gian và ngược về quá khứ để đi tìm vẻ đẹp của linh hồn Nhật Bản trong chiều sâu thẳm của Thiền và Aware. Hoa rồi cũng sẽ tàn, đọc tác phẩm của ông ta như lạc vào vườn hoa để lần theo dấu chân của nàng gheisa đi nhặt những cánh hoa rơi. Nhặt hoa rơi để tưởng nhớ về xa xưa và nghĩ về hiện tại. Rồi ta mãi say xưa, mãi đắm đuối để rồi luyến tiếc một thứ gì sắp tan vỡ. Cùng với Basho, Kawabata trở thành người lữ khách ưu sầu đi tìm cái đẹp. Đó không phải là sứ mệnh, mà đó là một con đường. Thiền là con đường không có giới hạn. Ta hãy cùng mở lòng đi trên con đường đó, cùng tìm về dấu chân của người xưa. 2. Lịch sử vấn đề Mishima Yukio gọi Kawabata là Eien-no-Tabibito: Vĩnh Viễn Lữ Nhân. Nghĩa là, “Người lữ khách muôn đời” đi tìm cái đẹp. Nỗi buồn song hành cùng người lữ nhân như một duyên kiếp, như định mệnh. Nét Aware cũng từ đó ẩn hiện trong Thiền, để dạo nên bao cung đàn về số phận của cái đẹp. Mỗi nhà nghiên cứu, khi tìm đến Kawabata như tìm kiếm một điều gì rất cần cho hôm qua, hôm nay và mai sau. Anders Sterling trong Giới thiệu giải Nobel văn chương năm 1968 đã nhận ra, từ Vũ nữ Izu, nỗi buồn và sự thuần khiết đã dạo nên những nốt lặng đầu tiên cho “một điệp khúc buồn” cho những bản dân ca về sau. Nhật Chiêu có một bài viết giàu chất thơ: Yasunari Kawabata – người cứu rỗi cái đẹp. Chất thơ khởi phát từ tâm hồn của một con người yêu cái đẹp. Có lẽ, giữa hồn thơ trong văn xuôi của Kawabata đang hội ngộ cùng trang viết đậm chất nghệ sĩ và có chiều sâu trong linh hồn của cái đẹp của Nhật Chiêu. Trong dòng chảy xuyên suốt của dân tộc, Kawabata đã làm nên một cuộc tương hợp lạ kì giữa thơ Haiku và tiểu thuyết, giữa thơ và văn xuôi, giữa tự sự và trữ tình. Nhật Chiêu nhận ra, cội nguồn sâu xa để tạo nên dòng chảy tươi mát này chính là Thiền: “Đối với Kawabata, người thuộc văn hóa Thiền Tông, thì nghệ thuật vô ngôn và dư tình thuộc về truyền thống. Ông vận dụng một cách tuyệt vời vào tiểu thuyết hiện đại” [24; 1074]. Cái đẹp đang bị đọa đày nên con người cần phải cứu rỗi cái đẹp. Đó là tiếng lòng của Kawabata, của Nhật Chiêu, và của những ai đang tìm kiếm và nâng niu cái đẹp. Không chỉ riêng gì Nhật Chiêu, một con người phương Đông đã quá say mê một người nghệ sĩ phương Đông. Cái say mê của những người cùng nét văn hóa Á Đông. Nhân cách của Kawabata còn làm rung động cả người phương Tây, văn hóa phương Tây. Người ta đã tìm thấy nhụy làm nên hương trong văn phẩm của Kawabata chính là Thiền. 2 Kawabata – con mắt nhìn thấu cái đẹp của N.T. Phedorenko là bài viết mang phong vị Aware, là niềm luyến tiếc về những khoảnh khắc của cuộc đời. Kawabata đã kiên trì đi tìm khoảnh khắc, rồi ngày hôm nay, chúng ta lại thấy rưng rưng khi nghĩ về những khoảnh khắc ấy. Phedorenko và Kawabata gặp nhau để rồi không bao giờ gặp nhau nữa. Cái còn lại trong kí ức của người bạn phương Tây kia là vẻ đẹp bình dị, tao nhã và u huyền của thiên nhiên và con người Nhật Bản. Những vẻ đẹp của tâm hồn Nhật Bản thoáng qua tựa một làn hương trong cách thể hiện như những bức tranh cuộn. Từng trang viết, từng đề mục như những bức tranh mang tinh thần hội họa phương Đông dưới nhãn quan phương Tây. Và nét vẽ kết lại của Phedorenko là: “Kinh nghiệm nghệ thuật của Kawabata chịu ảnh hưởng rõ rệt của mĩ học Thiền luận, dựa vào sự suy nghiệm bên trong. Thiền nghĩa là bộc lộ tất cả sức mạnh tinh thần của mình đến độ trở thành “vô ngã”, hòa nhập vào cái tổng thể của thiên nhiên” [24; 1052]. Như vậy, nhà nghiên cứu phương Tây đã hòa nhập hồn mình vào cái màu nhiệm của Thiền bằng tất cả lòng thành kính cái đẹp. Qua bài viết Yasunari Kawabata giữa dòng chảy Đông – Tây, ta thấy, bằng ngòi bút hướng về thi pháp, Đào Thị Thu Hằng đã lột tả được đặc trưng nghệ thuật của Kawabata qua hệ thống nhân vật, chi tiết liên truyện, độc thoại nội tâm, dòng ý thức, sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng. Đặc biệt, tác giả vẫn không quên nhận ra: “Cái “chân không, trống vắng” của thơ Haiku cũng hiện hữu trong nhiều tiểu thuyết của ông, nơi độc giả thường bắt gặp những quan cảnh bao la, tĩnh lặng của thiên nhiên, khoảnh khắc trầm tư suy tưởng của con người…Cái “chất” đó là chất nền của văn minh phương Đông, phát triển trên cơ sở lấy thiên nhiên làm gốc” [24; 1105]. Và, cái “chân không, trống vắng” của thơ Haiku kia chính là sự hiện hữu của Thiền. Một chuyên luận khác của Đào Thị Thu Hằng đi sâu tìm hiểu thi pháp của nhà văn và sự giao hòa giữa Kawabata với mạch nguồn văn hóa dân tộc là Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata. Trong mạch nguồn văn hóa ấy, Thiền đã xuyên thấm vào nghệ thuật của Kawabata để nuôi dưỡng linh hồn văn hóa xứ sở. Đi sâu hơn vào long mạch của tâm hồn Nhật Bản, Thụy Khê có bài viết Từ Murasaki đến Kawabata. Tác giả đã thực hiện một cuộc hành trình du ngoạn trên văn đàn Nhật Bản và của cả hồn cốt phương Đông, nắm lấy những vì sao sáng để mang về và tạo nên một cuộc hòa điệu của tâm linh phương Đông. Thông qua biểu tượng, Thụy Khê chỉ rõ, làn hương của Murasaki đã âm thầm nuôi dưỡng cho linh hồn dân tộc qua những bước thăng trầm của bao thời đại. Vì thế, thấp thoáng trên những trang văn thơ mộng của Kawabata, ta thấy cái mềm mại, duyên dáng, thướt tha, yêu kiều đầy nữ tính của nàng Murasaki. Vì đã mang bóng dáng của nàng nên tình thần bi cảm (Aware) đã hòa tan vào trong thế giới của Kawabata. 3 Thế giới của Kawabata là thế giới của những cuộc hòa điệu. Hòa điệu trong nội tại của nền văn học Nhật Bản và hòa điệu giữa Nhật Bản với thế giới. Ai cũng nhận ra điều đó vì nó mang tầm vĩ mô, khái quát. Nhưng có một sự hòa điệu, một sự kết hợp tinh tế nữa ở tầm vi mô, đó là: Aware và Thiền. Aware thuộc về thẩm mĩ Nhật Bản (Aware, Sabi, Wabi, Yugen). Thiền thuộc về mạch nguồn trong bản chất tâm linh Nhật Bản. Cả hai đều tôn tạo linh hồn của xứ sở hoa anh đào. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được những nét độc đáo của Aware và Thiền, nhưng với tư cách là những nhân tố riêng biệt chứ chưa thấy sự hòa điệu diệu kì của hai yếu tố này để hình thành nên nét riêng biệt trong phong cách của Kawabata. Chúng đã kiến tạo nên diện mạo riêng của nền văn học Nhật Bản, một nền văn học tôn thờ cái đẹp. Chính vì thế, đây là điều mà chúng ta cần phải khơi nguồn và làm sáng rõ. Ta có thể thấy, đã có nhiều nghiên cứu về thi pháp và nhất là về cách sử dụng biểu tượng của Kawabata, nhưng đi sâu vào sự giao thoa giữa Aware và Thiền hầu như không có. Một số bài nghiên cứu đã đề cập đến Thiền hoặc Aware trong sáng tác của Kawabata nhưng chưa đi sâu vào những giá trị tương hợp của chúng trong sáng tác của Kawabata, dù vậy, đó vẫn là những kiến thức quý giá cho bài nghiên cứu này. Bởi vì nó giúp người viết bước đầu đi vào thế giới của thẩm mĩ và cái khôn cùng của Thiền trong dòng chảy của văn học Nhật Bản, đồng thời kích thích và tạo ra động lực cho niềm say mê một nền văn học vừa gần gũi, vừa hấp dẫn và thần bí. 3. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi muốn tìm ra những nét riêng biệt trong phong cách của Kawabata khi ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa thẩm mĩ Nhật Bản và Thiền trong thể loại tiểu thuyết. Ngoài ra, việc làm sáng rõ sự kế thừa nền văn học dân tộc và đổi mới trong tư duy tiểu thuyết của tác giả là điều tất yếu. Nghĩa là, chúng tôi muốn làm nổi bật những vẻ đẹp của tâm hồn phương Đông nói chung, hồn cốt Nhật Bản nói riêng và sự tiếp thu làn gió của ánh sáng phương Tây. Thông qua đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng, những giá trị trong tác phẩm của ông không chỉ nằm trong khu vực mà nó đã vươn lên mang tầm nhân loại. Đối với Kawabata, một người đã đắm mình trong những cơn gió thời đại và mang chúng hòa vào tâm thức Nhật thì việc thẩm thấu những giá trị trong sáng tác của ông là không dễ dàng. Vì thế, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã vận dụng ánh sáng của phương Tây trong mối tương quan với tâm thức Nhật để làm sáng tỏ những giá trị ấy. Để ta hiểu vì sao các nhà nghiên cứu lại cho rằng, Kawabata chính là người đã bắt nhịp cầu nối hai bờ Đông, Tây. 4. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi tập trung nghiên cứu vào một số tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata như: Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, Cố đô và Người đẹp say ngủ. Toàn 4 bộ trích dẫn của những tác phẩm được rút ra từ quyền Tuyển tập Y. Kawabata của Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2001 và Yasunari Kawabata – tuyển tập tác phẩm của Nhà xuất bản Lao động, Hà Hội, năm 2005. Nhằm tạo nên sự thuyết phục cho cơ sở lập luận của mình, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng thêm những tài liệu trên báo chí, sách, internet về lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật có liên quan. 5. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp xã hội học và phương pháp tiểu sử: chúng tôi tìm hiểu sáng tác của Kawabata trong mối tương quan với cuộc đời, số phận của nhà văn, bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội nước Nhật những thập niên đầu thế kỉ XX và trong dòng chảy của văn hóa, văn học Nhật Bản để lí giải nguyên nhân hình thành cũng như đặc trưng riêng về mối tương giao giữa cảm thức Aware và Thiền của ông so với nền văn hóa, văn học truyền thống. Phương pháp hệ thống: chúng tôi đi sâu vào những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của Kawabata, khảo sát, phân loại các dạng nhân vật từ trong giọng điệu, tính cách, hay về kết cấu của tác phẩm,…đồng thời kết hợp với thống kê, phân tích, tổng hợp để đáp ứng với những mục đích nghiên cứu cụ thể. Với phương pháp so sánh văn học, chúng tôi tiến hành so sánh về mối quan hệ giữa tinh thần thẩm mĩ Aware và Thiền trong sáng tác của Kawabata so với nền văn học cổ điển Nhật Bản để chỉ ra những nét riêng độc đáo khi ông dùng hai yếu tố này cùng soi chiếu lẫn nhau. Ngoài ra, chúng tôi đặt sáng tác của Kawabata trong văn học thế giới và trong mối liên hệ so sánh với những học thuyết triết học hiện đại phương Tây để làm nổi bật về góc nhìn thẩm mĩ đầy sáng tạo của nhà văn. 5 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG 1.1. Khái niệm chung về cảm thức thẩm mĩ Nhật Bản Trước khi nói về cảm thức thẩm mĩ Nhật Bản, chúng tôi xin bàn về nội hàm của hai từ cảm thức và tâm thức. Người ta vẫn thường hay sử dụng từ cảm thức hay tâm thức trong đời sống hay trong nghiên cứu văn hóa, văn học. Dường như, khi nói về những vấn đề mà trong quá trình vận động và phát triển, nó vẫn tồn tại ở một góc nào đó trong suy nghĩ của con người thì khi đó người ta sẽ dùng hai từ rất tinh gọn, cô đọng và giàu ý nghĩa này. Chẳng hạng, cảm thức văn hóa hay tâm thức văn hóa trong sáng tác của Vũ Bằng, Thạch Lam, Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc. Thế nhưng hai từ này vẫn có sự khác biệt. Hai từ này, giống như mùi hương đã thoáng bay đi nhưng ta không bao giờ quên được cái dự vị của nó. Tuy nhiên, mùi hương của chúng không hoàn toàn giống nhau. Khi nói về tâm thức là xét ở cả hai góc độ là tình cảm và lí trí, nó chỉ một trạng thái thức nhận rõ ràng về một giá trị, chân lí vĩnh hằng và bất biến. Tâm thức là những gì đã lắng sâu, được đúc kết trong tiến trình lịch sử và mang một màu sắc đậm đặc để tri nhận. Còn từ cảm thức, ta cũng thấy nó tồn tại cả hai yếu tố tình cảm và lí trí, nhưng từ này màu sắc chỉ bàng bạc như ánh trăng mờ, ta chỉ biết đó là trăng nhưng khó lòng nhìn rõ. Cảm thức là nghiêng về mức độ đậm đặc của cảm xúc mà mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng về đối tượng, theo thời gian nó có vẫn tồn tại nhưng sẽ có thể mờ đi và lãng đãng như mây khói. Đôi khi có những cảm xúc không thể nói thành lời mà ta chỉ có thể cảm nhận. Cảm thức thuộc về tình cảm, nhận thức của một cá nhân, để họ tìm một thứ gì đã lùi xa và tái hiện lại trong tâm tư của mình. Còn tâm thức là nó thuộc về diện rộng của cả một cộng đồng, tồn tại như một sự thật hiển nhiên, ta muốn phủ nhận cũng không được. Ngược lại, cảm thức thì đôi khi không dễ để nhận ra và có thể không đi tìm tùy vào thiên hướng tinh cảm cá nhân. Chính vì thế, chúng ta có thể gọi tâm thức là một trạng thái tinh thần cao hơn cảm thức, nhưng chính cảm thức là tiền đề để đi đến tâm thức. Nền văn học Nhật Bản là nền văn học đặc trưng riêng bởi những cảm thức thẩm mĩ. Trong quá trình phát triển của lịch sử và văn hóa, bằng sự nghiên cứu, tìm tòi từ trong bản tính của con người và chìm sâu trong thiên nhiên, vũ trụ, các nghệ nhân đã đúc kết nên những nguyên lí thẩm mĩ riêng và độc đáo. Bốn nguyên lí chủ đạo thể hiện được bản chất và vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản, đó là: Sabi, Wabi, Aware và Yugen. 6 Như thế, cảm thức thẩm mĩ Nhật Bản là mối tổng hòa của những nguyên lí thẩm mĩ, mà nó được tạo nên trong quá trình lịch sử, thể hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Nhật Bản. Cảm thức thẩm mĩ Nhật Bản được thể hiện qua văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo Nhật Bản. Những cảm thức này, không chỉ là nét riêng của cốt cách tâm hồn Nhật mà còn thể hiện được vẻ đẹp hài hòa, sâu lắng và bí ẩn của phương Đông. Sabi đưa ta vào cõi tịch lặng, cổ kính, rêu phong, cô tịch và trầm mặc đến khôn cùng theo dấu ấn của thời gian. Hình ảnh một chú quạ đơn độc đợi bình minh trong thơ haiku có gì như cô đơn, như đường bệ đến huy hoàng của niềm tịch tĩnh theo không gian và thời gian. Wabi mang vẻ đẹp bình dị, đời thường. Wabi là “sự vắng mặt một cái gì đấy cầu kì, sặc sỡ, cố ý, mà theo quan niệm của người Nhật là sự tầm thường”. Điều này gắn liền với văn hóa Samurai hay sự thể hiện ở những chén trà, tuy giản đơn nhưng vô cùng an nhiên, thanh nhàn. Một vẻ đẹp vừa quyến rũ, thanh tao vừa u buồn, dịu dàng và sâu lắng về sự vật đó là cảm thức Aware. Aware gọi đầy đủ hơn là mono no aware, nghĩa là nỗi buồn sự vật, “gợi lên vẻ đẹp tao nhã, nỗi buồn dịu dàng pha lẫn cảm thức vô thường của Phật giáo”. Đây là cảm thức thẩm mĩ đã hằn sâu trong huyết mạch của người Nhật, hương thơm của nó nồng nàn từ thời đại Heian, xuyên qua bao thế kỉ mà vẫn lắng sâu trong tâm hồn Nhật Bản. Yugen là vẻ đẹp u huyền, gợi lên cái hư không của vũ trụ và nhìn ra được cái “Diệu” của sự vật. Aware nghiêng về cảm xúc, còn Yugen đi vào chiều sâu của tâm linh. Khơi gợi lên cái khôn cùng của vạn vật và nhìn thấy cả cái vô hình. Đó là những khoảng trống trên những bức tranh thủy mặc của Catzan, trong vườn đá tảng và trong sân khấu Nô. Đó là bốn nguyên lí chủ đạo chi phối các loại hình nghệ thuật trong văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, còn có những yếu tố thẩm mĩ khác như: Iki (khí), Jojo (dư tình), Furyu (phong lưu), Shibui (khiêm nhường),,…mỗi thẩm mĩ là một bông hoa góp nên hương thơm quyến rũ và tô thắm vẻ đẹp của cuộc đời. Theo thời gian, những yếu tố thẩm mĩ ấy trở thành cảm thức thẩm mĩ trên xứ sở mặt trời mọc này. Trong tiến trình của văn học Nhật Bản sau này, chúng ta vẫn tìm thấy vẻ đẹp của những cảm thức ấy trong văn học đương đại, điển hình là các sáng tác của Haruki Murakami. 1.2. Vài cảm nhận về Thiền và tâm thức Thiền Nhật Bản Khi xét về nguồn cội, Zen (Thiền) là hành trang trở về của Eisai (1141 – 1215) và Dogen (1200 – 1253) khi họ du học ở Trung Quốc trở về. Công lao lớn nhất là của Dogen. Bằng tư tưởng Thiền Tào động (Sotozen), ông đã tạo nên một sinh khí mới cho 7 Phật giáo Nhật Bản. Ông mang tới một chủ trương mới, đề cao việc tọa thiền, mong muốn tìm lại tâm mình, tìm lại Phật tính cho chính mình. Nhật Chiêu đã có nhận xét rất chân tình: “Một thế giới loạn lạc như thời Kamakura và Muromachi lại có thể tự biểu hiện qua những cái đẹp tinh tế đầy hượng vị Thiền như thế thực là một điều đáng ngượng mộ” [1; 145]. Vượt qua những bước thăng trầm, có lúc nó bị phản bác nhưng rồi nó đã khẳng định sức mạnh nội tại trong tinh thần và lan tỏa vào đời sống văn hóa Nhật Bản. “Vậy là Thiền, phát triển ở Trung Hoa thế kỉ thứ VI và ở Nhật từ thế kỉ XIII, mà phương pháp đạt ngộ dựa vào trực cảm, đã tìm thấy đất lành, hòa nhập vào mọi sinh hoạt văn hóa. Vườn đá kiểu Kare – sansui (khô sơn thủy), tranh thủy mặc (Sesshu), trà đạo (Rikyu), sân khấu Nô (Zeami). Trong khi đó, Thiền ở Trung Quốc không vượt qua được Khổng giáo và Lão giáo về ảnh hưởng đối với văn hóa nghệ thuật” [1; 145]. Thiền đã gặp được mảnh đất lành và phát huy tính ưu việt của nó khi dung hòa với tâm hồn Nhật Bản. Tính cách của người Nhật Bản bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa của Thiền. Mọi cử chỉ hành động, lời nói, cách nghĩ, cách sống đã hình thành nên một hệ giá trị văn hóa riêng biệt. Thiền phát triển ở Trung Hoa từ rất sớm, ở Nhật tuy phát triển muộn hơn nhưng khi Zen đã bắt trúng ngay vào huyết mạch của bản chất tâm hồn Nhật Bản thì tỏa sáng đến lạ lùng. Charles – Eliote, khi nói đến Phật giáo Nhật Bản đã khẳng định rằng: “Tính cách của Nhật Bản chính là Thiền, đó thật là một điều khẳng định chính xác, không có gì phải bàn cãi cả” [4; 82]. Điều này giống như một cơ duyên thần bí, thời cơ chín muồi thì đá cũng nở ra hoa. Đến đây, chúng ta đã hiểu vì sao phải dùng từ tâm thức để chỉ mối tương quan giữa Thiền và tâm hồn Nhật Bản. Nội hàm về khái niệm và ý nghĩa của Thiền nằm trong khoảnh khắc của một cánh hoa anh đào rơi, trong âm thanh ngân vang của tiếng chuông chùa và trong cú nhảy của một con ếch. Thiền là nghệ thuật, nghệ thuật nắm bắt cái “Diệu” của cuộc sống. Trong các giai thoại về Thiền, bằng những câu chuyện “trong lòng bàn tay” mà gợi lên cái thâm sâu của Thiền đòi hỏi ta phải có sự trải nghiệm, dấn thân mới hiểu hết chân giá trị của nó. Nên Thiền thường không có khái niệm rõ ràng để gọi là cơ sở khoa học. Thuyết giáo là dùng lí trí, logic và văn tự ngôn ngữ làm cơ sở cho sự đối thoại giữa hai hay nhiều đối tượng với nhau, mà phương pháp Thiền thì ngược lại. Một cánh hoa của đức Phật nâng lên đã giúp cho Ca Diếp tìm thấy ánh sáng của Phật pháp, hay nói đúng hơn đó chính là tuệ giác tự thân của Ca Diếp. Chúng ta chỉ có thể lãnh ngộ được Thiền Nhật Bản không phải bằng một pho sách về Thiền mà bằng con đường duy nhất thôi, đó là trải nghiệm. Cũng giống như giai thoại này, ta phải dùng kokoro (tâm) của mình để thấu cảm về tâm thức Nhật, để cùng nhau suy ngẫm và trả lời câu hỏi Cỏ cây sẽ giác ngộ như thế nào: “Vào thời Kamakura (1183-1331), Shinkan học ở trường Tendai sáu năm, học thiền bảy năm; xong Shinkan sang Trung Hoa chiêm ngưỡng thiền mười ba năm. 8 Khi trở về Nhật, nhiều người muốn viếng Shinkan và hỏi nhiều câu hỏi khó. Nhưng lúc tiếp khách, thường Shinkan hiếm khi trả lời những câu hỏi của khách. Một hôm thiền sinh năm mươi tuổi đạo đến nói với Shinkan: “Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Tendai dạy rằng cả đến cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi điều này có vẻ kì lạ quá”. Shinkan hỏi: “Bàn luận về cỏ cây sẽ giác ngộ thế nào có ích chi đâu? Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được; ông có xét thấy điều này không?”. Người già lạ lùng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này”. Shinkan kết thúc: “Rồi, hãy về nghĩ kĩ xem” [7; 238]. Trong Thánh kinh đã nói về âm thanh của một tiếng gõ: “Chỉ cần gõ cửa thì cửa sẽ mở”. Nhưng nội hàm của từ gõ cửa này thật ảo diệu vô cùng, có phải gõ cửa thì cửa sẽ mở? Đối với mỗi thiền nhân, để mở được cánh cửa kia, thì tiếng gõ ấy phải là sự thông tuệ của một trạng thái bừng ngộ. Và chính Kawabata đã nhẹ nhàng mở ra cánh cửa để ta bước vào thưởng ngoạn vẻ đẹp của tâm hồn Phù Tang. Vẻ khoan thai, nhẹ nhàng và điềm tĩnh của người nghệ sĩ ấy như điệu Hoa luân vũ khúc (Điệu vũ của loài hoa) mà ông đã từng viết. Những điệu vũ nhẹ như hoa nâng bước chân ta vào xứ sở hoa anh đào. Trong một bức kakemono, Ikkyu đã viết một bức thư pháp với dòng chữ: “Phật giới nhập dị, ma giới nhập nan” (Vào cõi Phật dễ, vào cõi ma khó). Câu nói đó đã ám ảnh Kawabata. Lời quả quyết này thật giống với câu nói trong Thánh kinh làm sao. Với Kawabata, một con người sinh ra từ trong lòng của cái đẹp rồi mang trong mình sứ mệnh đi tìm Chân – Thiện – Mĩ của cuộc đời thì tất yếu phải lĩnh hội được ánh sáng của Phật pháp: Vào cõi ma khó. Vào thế kỉ thứ VI, khi văn minh Trung Hoa và Phật giáo được truyền bá sang đã đem lại những thay đổi lớn về văn hóa và tôn giáo ở những giai đoạn sau của lịch sử Nhật Bản. Trong đó, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến cốt cách tinh thần của người Nhật. Kawabata vô cùng ngưỡng mộ kinh Phật, có lẽ một phần vì nó dung hòa với tính cách của người Nhật, một phần vì kinh Phật là nơi để con người ngã mái đầu vào, hướng về cõi nhiệm màu của sự cứu rỗi. Ánh hào quang của nó thật vĩ đại, ông cho rằng, “những kinh điển của phương Đông, đặc biệt là kinh Phật, là những tác phẩm quan trong nhất của văn chương thế giới”. 9 Khi cánh cửa của cõi Phật được mở ra là muôn ngàn hương sắc được đến với trần gian này để cứu độ thế giới. Ngàn cánh hạc có dịp hòa theo điệu hoa luân vũ khúc tràn đầy tình yêu, trong ngần và thánh thiện. Hòa trong hơi ấm của cõi Phật, Kawabata thốt lên: Nhật Bản, cái đẹp và tôi. Nếu các môn nghệ thuật Nhật Bản là những hành tinh thì chúng đang tự quay quanh trục của mình mà tâm điểm chính là ánh mặt trời. Và mặt trời kia chính là Thiền, nó mang nguồn ánh sáng nồng ấm đến nhân loại để hướng thiện con người. Chẳng phải, những lời diễn từ của Kawabata đã rót vào hồn ta một nguồn cảm xúc yêu thương và chan hòa hay sao? Bao tình yêu và thù hận cùng hội tụ cùng không gian trong trẻo không chút bụi mà Kawabata đã dẫn ta vào. Đó là thế giới của ánh trăng mùa đông trong thơ của nhà hiền triết Myoe, của hoa mùa xuân, cu gù, tuyết đông trong thơ của Dogen, của nghệ thuật trà đạo, của nghệ thuật cắm hoa, của vườn đá tảng, thư pháp đang hội tụ cùng tình yêu chân thành. Kawabata hay chép tặng mọi người bài thơ Vầng trăng mùa đông đi cùng ta, vì ông cảm nhận được ở chúng “chan chứa lòng nhân hậu, tình cảm ấm áp, đằm thắm đối với thiên nhiên và con người” và quan trọng hơn hết là nó “thể hiện sự dịu dàng sâu lắng của tâm hồn Nhật Bản”. Và đây là cảm xúc hiền hòa của bài thơ: “Ôi vầng trăng mùa đông, khi ẩn trong mây, khi ló dạng, em soi sáng bước chân ta khi ta vào điện thiền hoặc trở ra từ đó. Với em, ta không sợ cả chó sói đang rào rú ngoài thung. Tuyết trắng có làm em lạnh? Gió hàn có thổi em run?”. Sự e thẹn, đằm thắm, tinh tế và kín đáo khi vầng trăng ẩn trong mây kia có gì đáng yêu. Phải có một tâm hồn nhạy cảm lắm, Myoe mới phát hiện ra vẻ đẹp yêu kiều và duyên dáng của vầng trăng trong sự vô thường. Khoảnh khắc ấy thật hiếm hoi giữa cuộc sống Nhật Bản lúc bấy giờ. Nữ sĩ Kaga no Chiyo (1703 – 1775) có một bài Haiku về hoa Khiên Ngưu, khoảnh khắc này cũng mang một vẻ đẹp mong manh, tế vi như vầng trăng kia: Tỉnh biên liễu quán quải Khiên Ngưu mạn nhi ba mãn liễu Đề thủy đáo lân gia. Dịch: Chiếc gàu treo trên cành liễu bên giếng, Hoa Khiên Ngưu bám đầy Phải sang hàng xóm xin nước. 10 Hoa Khiên Ngưu hay còn gọi là hoa Triêu nhan – Asagazu, có nghĩa là: nhan sắc buổi sớm. Trăng rồi cũng ra đi, hoa rồi cũng sẽ tàn, chỉ có cái đẹp lưu giữ trong đôi mắt và trái tim con người là sẽ còn mãi. Trước khi mất, nhà sư Ryoukan (1758 – 1831), có để lại những câu thơ này: Cái gì sẽ còn Sau khi ta mất? Hoa thắm mùa xuân, Cu gù trong núi, Lá rụng mùa thu. Như thế, những câu thơ sẽ xanh tươi cùng hoa thắm và vang mãi cùng tiếng chim. Bây giờ, chúng ta hãy tự hỏi: Thiền là gì? Ta chỉ biết rằng, nó tồn tại ở một góc nào đó trong ta, trong tình yêu, trong tiếng hát, trong vầng trăng, trong hoa, và trong cả tiếng khóc khi ta nhận ra rằng, cái đẹp sẽ cứu rỗi cuộc đời. 1.3. Mối quan hệ giữa tinh thần thẩm mĩ và tinh thần Thiền tông Nhật Bản Thật ra, mọi sự biểu hiện của những tinh thần thẩm mĩ Nhật Bản đều mang bóng dáng của Thiền. Thiền đã giúp cho từng nguyên lí thẩm mĩ toát lên một mĩ cảm riêng, vì thế, ta có thể khẳng định rằng, Thiền đã nhập hồn vào thẩm mĩ Nhật Bản, rồi giữa các nguyên lí lại biểu dương cho Thiền. Từ bốn nguyên lí, chúng tôi tập trung đi sâu chỉ ra mối quan hệ giữa Yugen, Aware với tinh thần Thiền tông Nhật Bản. Yugen chính là cốt lõi của tư tưởng Thiền Nhật Bản, còn cốt tủy văn chương Nhật Bản là cảm thức Aware. 1.3.1. Yugen – đi tìm cái “Diệu” của vạn vật Buson (1716 – 1783) được mệnh danh là thi sĩ của mùa xuân, đã có lần tạo nên nét chấm phá hồn nhiên: Thanh thanh chung đồng thượng Hồ điệp du nhiên miên. Dịch: Trên chuông đồng xanh xanh Con bướm miên man ngủ. Từ ý thơ này, ta lại nhớ đến một câu thơ trong Trại đầu xuân độ của Nguyễn Trãi, đó là: 11 Cô chu trấn nhật các sa miên. Dịch: Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày. Hình ảnh con bướm và con thuyền với dáng điệu miên man ngủ kia gợi lên trong tâm hồn ta những ý nghĩ gì? Như thế, có phải “Nghệ thuật gia chân chính cũng giống như một bậc thầy về Thiền, nghĩa là họ đều lãnh ngộ được cái “Diệu” của sự vật” ? Trong văn học Nhật Bản, có lúc “Diệu” được gọi là “U huyền” (Yugen). Có bình luận gia cho rằng, trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đều thể hiện sự “U huyền”. Thật vậy, làm sao ta có thể quên được một Mùa thu vàng tịch lặng và thơ mộng của Levitan, một Nàng Monalisa với nụ cười bí ẩn đã đi vào huyền thoại của Leonard De Vinci, hay những bài thơ haiku, một tách trà, một bức thư họa,...Còn rất nhiều môn nghệ thuật khác nữa, tất cả đều tìm đến cái “Diệu” của sự vật. Là nghệ thuật gia chân chính, họ luôn tìm thấy linh hồn của vạn vật và cảm thấy sự rung động mãnh liệt. Đó là cách để ta lí giải vì sao lại khó tách biệt được, giữa Aware và Yugen, đâu là nguyên lí thẩm mĩ chủ đạo trong sáng tác của Yasunari Kawabata. Dễ nhận thấy, hai nguyên lí thẩm mĩ này đã nhẹ nhàng thẩm thấu vào từng trang viết của ông như một làn hương. Vì sao Yugen chính là nguyên lí thẩm mĩ cốt lõi trong tư tưởng của Thiền Nhật Bản? Để lí giải được điều này ta phải xét về nguồn cội của văn hóa Nhật. Trong quyển Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Joshep. M.Kitagawa có viết: “Chúng ta có thể nói rằng, một trong những đặc điểm của thế giới tôn giáo Nhật Bản cổ là cấu trúc đơn nghĩa của nó. Cấu trúc đó khẳng định niềm tin rằng thế giới tự nhiên là thế giới đầu tiên, và niềm tin đó quan niệm rằng toàn bộ vũ trụ đều thấm đượm bản chất thiêng liêng hay thần thánh (Kami) [15; 207]. Nghĩa là từ hoa, cỏ, dòng sông đều có linh hồn riêng, một sự sống riêng đang giao hòa với con người. Các tác phẩm cổ từ Kojiki (năm 712) đến Nihongi (năm 720) đều phản ánh rõ tư tưởng sơ khai đó. Trong Kojiki cảm thức hòa quyện giữa con người và vạn vật cũng manh nha trong tâm hồn Nhật Bản. Đó là, một câu hát buồn rầu khi nhìn cây thông của Yamatotakeni, người anh hùng lừng danh, lê đôi chân què quặt về gần xứ xở, chàng cất tiếng hát: Nhìn về Ohari Trên núi Otsu Cây thông đơn độc Em trai của ta ơi 12 Ôi cây thông đơn độc Nếu như em là người Ta sẽ cho em kiếm đeo Ta sẽ cho em áo mặc Ôi cây thông đơn độc Em trai của ta ơi. Trong cô đơn, người ta đã tìm thấy mối thân tình với cây thông đơn độc. Do đó, giữa vạn vật và chàng đã có một đời sống chung, một cảm thức sau này thấm sâu vào mọi biểu hiện của văn hóa Nhật Bản. Và trong tác phẩm Nihongi thì “cả loài cây và các loài cỏ, tất cả đều có thể nói được”. Trong lời giới thiệu tuyển tập thơ Vạn diệp tập (Manyoshu) – tuyển tập thơ cổ nhất Nhật Bản từ thế kỉ IV đến thế kỉ VIII, sẽ cho ta hiểu về cội nguồn của Yugen: “Nhận thức Nhật Bản về tự nhiên, có nguồn gốc tình cảm tôn giáo sâu xa, đã được vun đắp qua sự liên hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên. Trong tập thơ Vạn diệp (Manyo), thiên nhiên cổ xưa được miêu tả một cách sinh động bằng chính những hiện tượng tự nhiên được cường điệu lên theo sự tôn sùng tôn giáo và được đồng nhất với cảm xúc con người...Thậm chí trong các trường hợp, khi các đối tượng tự nhiên được đối xử thuần túy như chất liệu thơ, thì dường như chúng vẫn còn giữ được cái riêng tư và sự sống của chúng – mỗi thực thể tinh thần thấm đượm một không khí thần bí. Chúng chưa bao giờ là những áng thơ sáo rỗng khô cứng thiếu sức sống, hay những phép ẩn dụ khô khan” [15; 156]. Vì vậy, ta hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một ngọn núi trong Manyo: Núi Futagami, suối Imizu uốn quanh Ngẩng đầu nhìn lên ngọn núi Xuân đến mùa hoa rực rỡ, Thu về mùa lá đỏ rực Hùng vĩ thay Thiêng liêng thay, Ngọn núi đứng đó đẹp biết nhường nào Với những đỉnh núi ngút cao. Ta cảm nhận được rằng, núi không còn là núi mà đó chính là các Kami. 13 Tư tưởng Shinto (Thần đạo) kết hợp với tư tưởng Phật giáo đã tạo nên một nền văn hóa tôn sùng tự nhiên rất riêng biệt và độc đáo. Sau này, Thiền đã nâng tư tưởng ấy lên đến đỉnh cao của nghệ thuật, bởi khả năng chiếu diệu từ bên trong là bản chất của Thiền. Giờ đây, trong mỗi sự vật, không chỉ là thế giới, là sự sống, là linh hồn mà đó còn là cái đẹp. Điều này gọi là thuyết Vạn vật hữu linh. Nhật Bản là một vũ trụ thần bí từ tuyết, trăng, hoa đến con người, nên người ta vẫn muôn đời đi tìm cái “Diệu” của thiên nhiên và của chính con người. Yugen chính là sự khải thị của Thiền. Kawabata đã áp dụng thuyết Vạn vật hữu linh vào sáng tác của mình rất thành công. Những âm thanh, ánh sáng, màu sắc, hương thơm, cử chỉ điệu bộ,..trong văn phẩm của ông đều được gói gọn trong khoảnh khắc, chúng như được đi vào vĩnh cửu và tạo nên một vũ trụ tương giao. Mà sự tương giao ấy rất khác với sự tương giao trong thơ Pháp, sự khác biệt nằm trong cội rễ của hai nền văn hóa. Trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, vì sao hình ảnh chiếc khăn thêu ngàn cánh hạc, chiếc bình shino hay cặp chén Raku cứ ám ảnh ta, và như có một phép nhiệm màu cuốn ta vào thế giới của nó? Hay vì ta đang ngộ ra một điều gì trong linh hồn của vạn vật mà ta không thể lí giải hết, nên cứ mãi kiếm tìm... Nghệ thuật của Kawabata đã dẫn ta đi từ cái Diệu này đến cái Diệu khác. Dẫn ta vào thế giới thâm diệu của Thiền, thế giới trong lòng bàn tay. Bàn tay của người đã ươm mầm cho cái đẹp. Đó chính là màu sắc Yugen. Yugen là sản phẩm của sự ngộ. Suzuki đã lí giải điều này rất thuyết phục: “ “Ngộ” mang một sắc thái đặc biệt của Phật giáo, tác dụng của nó chính là phát hiện ra mối tương quan giữa tính thực tế của sự vật và tính thần bí của cuộc sống, với chân lí của Phật giáo. Khi “Ngộ” trở thành một thứ nghệ thuật biểu diễn, thì nó sẽ sản sinh ra tác phẩm mang đầy tính “U huyền”, hiển thị cái “Diệu” theo thể điệu của thần tính và linh hồn cho chúng ta thấy, đồng thời cũng triển thị sự coi thường về tính thần bí khôn lường của sự vật. Tất cả những thứ ấy đã khiến Thiền giúp cho người Nhật Bản dung nạp, tiếp nhận và lãnh ngộ sự tồn tại của bản năng sáng tạo về thần bí, trong tất cả các bộ môn nghệ thuật” [4; 183]. Như vậy, Kawabata chính là một bậc thầy về Thiền. Vẻ đẹp u huyền của nghệ thuật thư họa, trà đạo, kimono trong sáng tác của ông đã đi đến sự toàn bích. Ở Ngàn cánh hạc, chiếc chén Raku như chứa đựng những mảnh hồn tan tác của con người, của tình yêu, của văn hóa Nhật Bản. Vẻ u uẩn và huyền diệu đọng lại trong chén trà như hội ngộ cùng chén ngọc lưu ly, mong đợi một giọt nước mắt để được nát tan. Vẻ đẹp u huyền chìm sâu trong linh hồn vạn vật được Kawabata vẽ nên từ chính kokoro của mình. Không biết Kawabata có phải là thiền gia hay không vì với đức tính khiêm tốn của mình, ông chưa bao giờ nhận mình là một thiền gia cả, nhưng ông chính là một nghệ thuật gia chân chính. Người Nhật là thế, họ không nói nhiều về tư tưởng, tư tưởng của họ hiện diện trong hoa, cỏ mà thôi. 14 Như chúng tôi đã đề cập, Thiền chính là long mạch nuôi dưỡng cho tâm hồn Nhật Bản. Thiền và Yugen soi chiếu lẫn nhau để dệt nên những sợi tơ muôn màu, phủ lên đất nước mặt trời mọc một tấm thảm đầy u huyền. “Biểu hiện của Thiền chính là phá trừ tất cả các hình thức nhân tạo, thật sự nắm bắt tinh túy ẩn chứa đằng sau nó! Chính cái biểu hiện đó đã nuôi nấng cho người Nhật Bản nhớ về đại địa, gần gũi với tự nhiên, không ngừng nếm trải sự hồn nhiên chất phác vốn có” [4; 23]. Trong thế giới của kịch Nô, Yugen được thể hiện sâu sắc nhất, bởi các diễn viên rất kiệm lời nói và kiệm hành động. Phần lớn các diễn viên đều thể hiện sự trầm mặc và tịch tĩnh với chiếc mặt nạ. Đòi hỏi người xem cũng hòa vào cái không cùng của không gian kịch Nô. Những vườn đá tảng, những bức thư họa của catzan đều mang đậm chất u huyền. Tóm lại, hầu như từ văn hóa, nghệ thuật đến tôn giáo Nhật Bản đều mang bóng dáng của Yugen. Nó như ánh mặt trời chiếu vào cái hư không của cuộc đời. Những tác phẩm của Kawabata cũng lột tả được tinh thần Yugen đó, nhưng nếu ta đi sâu hơn sẽ thấy rõ, cốt tủy thẩm mĩ làm nên sự bất tử trong sáng tác của ông đó là Aware. Yugen sẽ giúp ta đi sâu vào cái đẹp trong vũ trụ để rồi ta thấy luyến tiếc về cái hư hư ảo ảo của thế gian. Từ xa xưa, Aware đã thổi hồn vào truyện Genji để bây giờ người ta vẫn không quên làn hương của nó, vì làn hương đó vẫn có sức ám ảnh và quyến rũ trong hôm nay. Thế nên, Yugen là diện mạo chung trong tư tưởng, văn hóa Nhật Bản, còn Aware chính là bàn tay êm mát cho sự nở rộ của nền văn học đậm chất bi cảm. Giống như những bông tuyết, trong trắng, thanh tao và tinh khôi rồi cũng tan đi trong phút chốc. Vẻ đẹp u buồn, dịu dàng đến nao lòng đó mới là diện mạo trong tác phẩm của Kawabata và của nền văn học Nhật Bản. Một đám mây hoa Chuông đền Ueno vang vọng Hay đền Asakusa Trong bài thơ, nét u huyền đã tạo nên bản hòa ca giữa tiếng chuông, mây và hoa anh đào. Tiếng chuông hòa vào trong hoa, hoa lẫn vào trong mây. Và thi sĩ Basho đang hòa tan, phiêu du cùng khoảnh khắc diệu kì ấy. 1.3.2. Một nền văn học của sự bi cảm (Aware) Nhật Chiêu đã khẳng định: “Vô thường quan thật ra là quan niệm cốt tủy của văn chương Nhật Bản, có mặt trong hầu hết các trang sách của nó ngay từ khởi nguyên. Văn chương cổ điển phương Tây thường tìm sự vĩnh cửu, hướng về linh hồn bất tử để tạo ý nghĩa cho đời sống. Văn chương Nhật trái lại cố gắng tìm kiếm ý nghĩa ngay giữa lòng vô thường. Nhưng ít tác giả Nhật nào diễn tả tinh thần ấy đầy đủ và mãnh liệt như Kenko”. Kenko viết rằng: “Nếu con người không bao giờ tan biến như những giọt sương trên cánh đồng Adashi; không bao giờ mất hút như làn khói trên 15 miệng núi Toribe, mà lại đeo đẳng vĩnh viễn trên thế gian này thì còn gì làm cho ta xúc động nữa! Điều quý báu nhất trong đời sống chính là nỗi vô thường” [1; 178]. Đó là những lời tâm sự trong Trầm tư trên cỏ. Không phải ngẫu nhiên mà Aware được gọi là cốt tủy thẩm mĩ trong văn học Nhật Bản. Khi ta ngắm một vầng trăng đang độ đẹp nhất thì ta lại nghĩ rồi ngày mai đây trăng có còn như thế không? Đến mùa hoa anh đào khoe sắc thắm, ta vừa ngồi nhâm nhi tách trà vừa than thở, hoa rồi cũng sẽ buôn mình theo làn gió. Không phải Nguyễn Du cũng từng tự hỏi đó sao: “Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không”. Nguyễn Du nói đến chữ duyên, còn ta nói đến chữ mệnh trong văn học Nhật Bản. Số mệnh của văn nhân trên xứ sở hoa anh đào này là gắn với Aware. Càng yêu, càng thiết tha với hương sắc của thế gian, họ lại càng đắm chìm trong niềm luyến tiếc. Được xếp ở vị trí thứ hai sau Truyện Genji, Truyện Heike là một trong những áng văn xuôi cổ điển lớn nhất thời đại Kamakura và của cả dân tộc. Tác phẩm mở đầu bằng một tiếng chuông chùa: “Chuông đền Ghiôn rung lên trong trái tim mỗi người luôn nhắc ta rằng cuộc đời tất cả chỉ là phù du. Những bông hoa héo tàn của những cây bồ đề đặt bên chiếc giường Đức Phật nhập Niết Bàn đã làm nhân chứng cho một chân lí: đời có thịnh ắt có suy. Quả vậy, niềm kiêu hãnh cũng có ngày tàn bởi vì nó chỉ thoảng qua như giấc mộng đêm xuân. Người dũng cảm, kẻ kiêu hùng, rồi cũng về với cát bụi” [16; 508]. Truyện có kết cấu như một bản giao hưởng. Mở đầu bằng một tiếng chuông rồi khép lại cũng bằng một tiếng chuông. Tiếng chuông vang lên để kể về sự hưng vong của một dòng họ, về sự vô thường của thế gian: Tiếng chuông chùa Ghion Vang lên nỗi vô thường Những người đầy tham vọng Như giấc mộng đêm xuân Anh hùng rồi tuyệt diệt Như bụi giữa cuồng phong. Một bài thơ trong tác phẩm cũng hòa vang cùng tiếng chuông: Cỏ kia trên đồng nội Mọc lên rồi tàn lụi Cỏ nào cũng vậy thôi. Muôn loài đều phải đợi Mùa thu, trả kiếp đời. 16 Nhật Chiêu đã tìm ra ba yếu tố trong trong văn hóa Nhật, đó là: Cái đẹp, tư tưởng và sức mạnh. Những chiếc lá cuối thu sở dĩ nó tuyệt đẹp bởi vì khoảnh khắc mà nó lìa cành thật đẹp, thật xao xuyến, thật oai hùng. Phải chăng, đó là sức mạnh tiềm ẩn trong cái đẹp của chiếc lá vàng. Nếu ai đó cho rằng, niềm bi cảm này cũng chỉ là sự bi lụy thì họ đã không nhìn thấy cái “Diệu” khi chiếc lá lìa cành. Ai mà không cảm thấy rung động bằng tất cả xúc cảm khi bước vào thế giới của truyện Genji, truyện Heike và tiểu thuyết của Kawabata. Chất dịu dàng và sâu lắng cứ làm trái tim ta tan theo không gian và thời gian. Trong tiểu thuyết Cố đô, ta làm sao quên được cảnh chia tay đượm chất thơ và cảm động của hai chị em Chieko và Naeko, từng lời nói đến những cử chỉ, hành động của các nhân vật dường như cô đọng, thu lại, nó dịu dàng và êm ái, mong manh như những hạt tuyết đang rơi ngoài trời. Cái kết lại thật nhẹ nhàng như lẽ tự nhiên của cuộc đời: “Thành phố vẫn còn ngủ”. Người đọc như say nhòe theo những giọt lệ mà Kawabata đã đánh rơi trong tác phẩm để rồi ta tự hỏi, gặp lại làm chi để rồi chia tay. Phải chăng, khi thốt lên những lời đó là ta đang vang lên tiếng nấc nghẹn ngào của niềm bi cảm. Nó cứ ngân mãi, ngân mãi cùng tuyết rơi... Trong ba nền văn hóa của Á Đông, nếu Trung Hoa là duy lí, Ấn Độ duy linh, thì Nhật Bản mang đậm chất duy cảm, duy tình. Người Nhật thường đề cao tình cảm, cái đẹp. Cũng chính vì căn nguyên đó đã hun đúc nên một nền văn học giàu chất trữ tình. Aware thể hiện rõ tính chất đó. Trong bài viết tham dự hội thảo về văn học Nhật Bản – Văn học Nhật Bản – Lịch sử và đặc trưng – giáo sư Nunamo Mitsuyoshi đã nhắc đến tính trữ tình như một đặc trưng nổi bật của văn học Nhật Bản: “Nếu chuyển cái nhìn từ các yếu tố bên ngoài vào bản thân nội dung tác phẩm để xem xét cách diễn đạt và nhịp điệu, có thể thấy rõ, trong phần lớn các tác phẩm văn học từ trước đến nay của Nhật Bản tính chất trữ tình và cảm tính rất mạnh mẽ” [24; 99]. Trong văn học Nhật Bản, truyền thống trữ tình đã lướt qua và hòa nhập vào trong thơ ca và cả văn xuôi. Từ những vần thơ haiku của Basho, Saygo, Myoe, Buson đến cả những thể loại mang đậm dấu ấn cá nhân như nhật kí, tùy bút, du kí,.. đều phảng phất hương vị nồng nàn của chất trữ tình. Thi hào Basho đâu chỉ tài hoa trong địa hạt thơ ca mà còn uyên bác trong văn xuôi, tác phẩm Oku no hosomichi (Áo chi tế đạo hoặc con đường sâu thẳm) là cảm xúc dạt dào về vũ trụ, thiên nhiên và con người. Trong văn học nữ lưu thời Heian, kiệt tác Genji monogatari – được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, những cảm xúc dịu dàng, tinh tế và tao nhã đã làm nao lòng cả thế giới. Bài tiểu luận mở đầu cho Kokinshu của Jsurayuki viết vào khoảng năm 922, có những lời dạt dào cảm xúc: “Thơ ca mọc lên từ trái tim con người và lời thơ trở thành vô số lá cành. Trong cuộc đời, biết bao điều làm con người xao xuyến xúc động, họ tìm thấy cách thể hiện cảm xúc của mình qua những hình ảnh mà họ nghe thấy. Khi nghe dạ oanh ca hát trong hoa, nghe ếch nhái kêu vang trong nước, ai mà không muốn làm thơ. Vì nhận ra sự 17 thật là mọi sinh vật đều phát tiết thơ ca. Chính là thơ ca đã làm chuyển động đất trời, ngay cả quỷ thần vô hình cũng phải xuyến xao” [1; 70]. Qua đây, ta thấy rằng, nghệ thuật phải gắn liền với cảm xúc. Trong tập Kokinshu, Tomonori có một bài thơ giản dị nhưng chứa chan tình cảm: Khi tôi treo áo trước khi đi nằm thì bên trái tim một niềm thương nhớ treo hoài trong đêm. Và rồi, người ta tìm đến văn học Nhật Bản để hiểu ra, vì sao đất nước Kimono này lại vô cùng yêu quý cái đẹp đến thế? Cho nên, yếu tố trữ tình là mảnh đất màu mỡ cho sự lên ngôi của Aware. Bao thời đại đã kinh qua biết bao thử thách, thịnh rồi suy, suy rồi thịnh, đến một ngày kia khi cơn gió phương Tây ập đến vậy mà họ vẫn giữ được cốt cách riêng của tâm hồn Nhật Bản. Nhưng ai biết được rằng, chính bao biến cố đó đã khẳng định vai trò và vị trí của Aware trong văn chương Nhật Bản. Nếu Sầu là nét chữ tiêu biểu của thơ ca Trung Quốc thì chất Aware lại là điểm sáng trong văn chương Nhật Bản. Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa nhưng trong sự giao thoa đó họ đã xây dựng cho mình một nền văn hóa mang bản sắc rất riêng. Nếu Trung Quốc có đường Thi vang danh, Việt Nam có tinh hoa lục bát, thì Nhật Bản có quốc bảo Haiku. Từ Murasaki Shikibu đến Kawabata, trải qua nhiều thế kỉ như thế, chất Aware vẫn đường bệ và đứng vững trong văn học. Đến đây, ta đã có thể phân biệt rạch ròi và tìm ra những nét tinh tế trong sự khác biệt giữa, Yugen – truy tìm cái “Diệu” của sự vật và Aware – niềm bi cảm của cảm xúc. Aware chú trọng đến khoảnh khắc, nỗi vô thường, đến bản thân sự vật, không mấy quan tâm đến cái bóng vô tận ở sau hoặc ở trong sự vật. Yugen thì không dừng lại ở hình sắc đó, nó còn gợi tính chất huyền diệu thăm thẳm của cuộc sống, cái ẩn giấu nhưng lại là sự sống, là linh hồn của hình sắc. Cách lí giải này của Nhật Chiêu thật sâu sắc. Đây là niềm bi cảm của Izumi Shukibu khi lắng nghe tiếng chuông, lắng nghe tiếng lòng mình: Trong bóng hoàng hôn Nghe tiếng chuông ngân Ta buồn 18 Biết còn nghe lại Vào ngày mai không? Cái buồn kia bỗng lắng lại khi ta nghe lời tâm sự vui tươi của thi sĩ Myoe: Và ta sẽ sang bên kia núi. Này trăng ơi, hãy đến mau, Đêm nay Và nhiều đêm nữa Ta sẽ bên nhau. Izumi thấy bóng tối của sự vô thường, còn Myoe thì thấy được ánh sáng của sự vô thường. 19
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan