Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ So sánh và ẩn dụ trong thơ nguyễn bính....

Tài liệu So sánh và ẩn dụ trong thơ nguyễn bính.

.PDF
60
6
74

Mô tả:

1 ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KHOA NGỮ VĂN ---------- NGUYỄN THÙY LINH So sánh và ẩn dụ trong thơ Nguyễn Bính KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP 2 MỞ ĐẦU 1.1 Lí do chọn đề tài Nghìn sao lấp lánh trên trời Ngôi sao Nguyễn Bính vẫn ngời trong đêm Vẫn ngời bởi những niềm tin Vẫn ngời bởi vẫn còn nghìn nhớ thương. (Hoàng Tấn) Vậy là đã hơn 45 năm kể từ ngày Nguyễn Bính tạ từ nhân thế để vĩnh viễn đi vào cõi hư ảo. Đất mẹ mở ra đón nhà thơ vào lòng nhưng ông vẫn mãi mãi sống với giậu mồng tơi, bến nước, con đò, với hương đồng gió nội, với cuộc sống làng quê mà người suốt đời nặng duyên nặng nợ. Qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, những bài thơ của Nguyễn Bính vẫn neo đậu vững vàng trong lòng người đọc. Điều ấy chính là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định tài năng của nhà thơ. Cùng với Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính là một trong ba đỉnh cao của Thơ mới, sừng sững như Tam Đảo, Ba Vì, tạo nên thế chân kiềng vững vàng cho một thời đại rực rỡ nhất của thi ca. Vị trí của Nguyễn Bính trong phong 3 trào Thơ mới nói riêng và nền thi ca Việt Nam nói chung đã được xác định. Nhưng nghiên cứu về Nguyễn Bính và nghệ thuật thơ của ông vẫn là một nguồn mạch cần được tiếp tục khơi dòng. Từ những năm trước cách mạng, nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét Nguyễn Bính mang một hồn thơ “quê mùa”, Nguyễn Bính cũng tự nhận mình là “thi sĩ của thương yêu”. Và những người bình thơ cũng như những nhà nghiên cứu sau này khi đi tìm hiểu về Nguyễn Bính cũng đã cùng gặp nhau ở những luận điểm: Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê, thi sĩ nhà quê, thi sĩ của đồng quê, của hồn quê, tình quê, là thi sĩ của yêu thương…Những kết luận đó phần lớn được các nhà nghiên cứu rút ra từ thế giới nghệ thuật và đề tài mà Nguyễn Bính hướng tới trong thơ mà ít chú ý đến phần ngôn ngữ thơ. Sự thiên lệch ấy phải chăng là một thiếu sót của chúng ta khi nghiên cứu về thơ ông? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trong thơ Nguyễn Bính sử dụng rất nhiều những biện pháp tu từ cấu tạo theo quan hệ liên tưởng, trong đó nổi bật nhất là biện pháp so sánh và ẩn dụ tu từ. Và đối tượng được liên tưởng đến trong hai phép tu từ ấy bao giờ cũng là chuẩn mực của đời sống nông thôn Việt Nam. Như vậy, nếu giải mã được cơ chế cấu tạo của những biện pháp tu từ này trong thơ Nguyễn Bính, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp chân quê từ góc độ tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Với đề tài “So sánh và ẩn dụ trong thơ Nguyễn Bính” người viết hi vọng sẽ đóng góp một cái nhìn mới trong việc tìm hiểu vẻ đẹp thơ Nguyễn Bính từ góc độ ngôn ngữ. Hơn thế nữa, xuất phát từ thực tiễn giáo dục, là một người đang theo học ngành sư phạm, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ là một quy trình bắt buộc. Nhưng có một thực tế đã thành lối mòn xưa nay là cách tiếp cận nặng về nội dung văn bản, xem nhẹ nghệ thuật ngôn từ. Vậy nên 4 rèn luyện cho học sinh hình thành thói quen phân tích, đánh giá tác phẩm từ góc nhìn ngôn ngữ là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với một giáo viên giảng dạy bộ môn ngữ văn. Với những lí do trên cùng với niềm thiết tha của kẻ hậu sinh muốn tìm hiểu về một trong những đỉnh cao của thơ ca, tôi đã quyết định chọn đề tài “ So sánh và ẩn dụ trong thơ Nguyễn Bính” làm đề tài luận văn cuối khóa của mình. 1.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Việc tìm hiểu về các phương tiện biểu cảm của ngôn ngữ từ lâu đã là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với các nhà ngôn ngữ học. Trên thế giới, người ta đã nghiên cứu về các biện pháp tu từ từ rất sớm. Từ những năm trước Công nguyên, nhà triết học, nhà hùng biện lỗi lạc của Hi Lạp là Arixtốt đã đặt nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu các biện pháp tu từ trong thi ca. Trong cuốn Thi học nổi tiếng của mình, Arixtốt đã gọi tên khả năng kết hợp ngôn ngữ theo quan hệ liên tưởng theo tiếng La Tinh là Figura (ngữ hình), nghĩa là hình thức bóng bẩy. Arixtốt cũng tổng kết những Figura chủ yếu, có tính phổ dụng là: So sánh (similis), ẩn dụ (metaphoria), hoán dụ (metonymia), khoa trương (hyperbole)… Ở Việt Nam, so sánh và ẩn dụ là những phương thức tu từ được nghiên cứu trong nhiều thế kỉ và từ nhiều góc độ khác nhau. Nguyễn Văn Tu, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Cù Đình Tú, Đinh Trọng Lạc… đã nghiên cứu so sánh và ẩn dụ dưới tư cách là hiện tượng của ngôn ngữ văn chương. Gần đây, trên thế giới bắt đầu xuất hiện một quan niệm mới nghiên cứu mối quan hệ giữa ẩn dụ và tư duy. Tiếp thu những phát triển mới này của ngôn ngữ học hiện đại, 5 trong những năm gần đây xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về ẩn dụ dưới góc nhìn tri nhận. Đó là các công trình như: Ngôn ngữ học tri nhận từ lí thuyết đại cương đến tư duy thực tiễn Tiếng Việt của Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ) của Trần Văn Cơ, Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của Nguyễn Đức Tồn … Bên cạnh đó việc nghiên cứu các phương thức tu từ gắn với sáng tác của một tác giả nào đó cũng là công việc thu hút không ít các nhà nghiên cứu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận văn viết về vấn đề này. Nhà thơ Nguyễn Bính là người đã biết tìm cho mình một lối đi riêng, thơ ông với rất nhiều chất mộng, chất lãng mạn nhưng lại không giống với các nhà Thơ mới khác. Chính cái nét rất riêng ấy mà thơ Nguyễn Bính cứ vương vấn mãi trong lòng người đọc, thu hút được rất nhiều nhà nghiên cứu. Từ những năm trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Bính đã là một trong số ít nhà thơ được giới phê bình chú ý đến. Nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã lần đầu tiên gọi tên hồn thơ Nguyễn Bính là hồn thơ “quê mùa”. Đồng thời Hoài Thanh cũng khẳng định sức sống mãnh liệt của hồn thơ ấy trong cái xã hội Âu hóa đảo điên lúc bấy giờ “Người nhà quê Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường” [13, tr.135]. Từ năm 1975 cho đến nay, điều kiện xã hội phát triển nên tính chuyên nghiệp trong vấn đề nghiên cứu văn học được nâng lên. Qua một độ lùi nhất định của thời gian nên người ta có cái nhìn đúng đắn và sáng suốt hơn với văn chương thời kì trước. Và lúc này, các nhà nghiên cứu chú ý hơn đến những tác giả đã khẳng định được tài năng và giá trị của mình, Nguyễn Bính và thơ ông được quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện. 6 Thời gian đầu các công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính thường xuất hiện dưới dạng các bài báo như: Nguyễn Bính – nhà thơ kháng chiến (Thái Bạch), Nguyễn Bính – một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư (Vũ Bằng), Một số đặc điểm nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính (Hồng Diệu) Khối tình lỡ của người chân quê (Nguyễn Đăng Điệp), Nguyễn Bính – Nhà thơ hiện đại (Trần Mạnh Hảo), Nguyễn Bính trong nền thơ Việt Nam (Vũ Quần Phương)… Càng về sau cái tên Nguyễn Bính càng được nhắc nhiều trong những công trình nghiên cứu đồ sộ cũng như nhiều chuyên luận lớn nhỏ khác như: Thơ và lời bình (Vũ Quần Phương, 1992), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thơ ca (Hà Minh Đức, 1993), Ngôn ngữ thơ (Nguyễn Phan Cảnh, 2001)… Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử (Chu Văn Sơn) là công trình nghiên cứu viết về ba đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới là Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử. Trong cuốn sách này, Nguyễn Bính được đánh giá là nhà thơ “quen nhất”, là “thi sĩ của thương yêu”, người khởi xướng “dòng thơ quê”. Các bài viết, chuyên luận và công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính cũng được sưu tầm, biên soạn thành những cuốn sách quy mô đồ sộ như: Nguyễn Bính – Thi sĩ của thương yêu (Hoài Việt sưu tầm và biên soạn), Nguyễn Bính – Thơ và đời (Hoàng xuân sưu tầm và biên soạn). Đặc biệt cuốn sách Nguyễn Bính, về tác gia và tác phẩm (Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương tuyển chọn) đã giới thiệu những công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính ngay từ lúc Nguyễn Bính mới xuất hiện cho đến khi ông qua đời. Mặc dù đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính cùng ngôn ngữ và nghệ thuật thơ của ông nhưng tất cả đều thống nhất: Nguyễn Bính là nhà thơ “chân quê” nhà thơ của “hồn quê”, “tình quê”…Trong một thời 7 gian dài, thơ Nguyễn Bính được nghiên cứu và xem xét ở nhiều góc độ khác nhau từ nội dung đến nghệ thuật, từ tư tưởng đến phong cách, từ giọng điệu đến kết cấu. Tuy thế, chưa có nhà nghiên cứu nào nghiên cứu một cách toàn diện và tập trung về ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính. Tuy đã có một số tác giả đề cập đến nhưng chừng ấy dường như chưa nói hết được những giá trị của thơ Nguyễn Bính đặc biệt là về mặt nghệ thuật. Hi vọng rằng nghiên cứu về “So sánh và ẩn dụ trong thơ Nguyễn Bính” của chúng tôi sẽ góp một phần nhỏ trong việc tìm hiểu những giá trị còn ẩn giấu trong thơ của một thi sĩ “chân quê, chân tài”. 1.3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu + Đối tượng nghiên cứu: So sánh và ẩn dụ tu từ trong thơ Nguyễn Bính. + Phạm vi nghiên cứu: Chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát phần thơ Nguyễn Bính trước 1945 được in trong cuốn Nguyễn Bính toàn tập, 2008, Nguyễn Bính Hồng Cầu (Sưu tầm và biên soạn), Nxb Văn học, Hà Nội. 1.4 Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện để tài này chúng tôi sử dụng rất nhiều phương pháp, trong đó ba phương pháp sau được chúng tôi đặc biệt coi trọng: - Phương pháp thống kê, phân loại Tiến hành khảo sát, thống kê và phân loại so sánh và ẩn dụ tu từ trong thơ Nguyễn Bính. Phương pháp này chúng tôi sử dụng ở chương Hai. - Phương pháp phân tích miêu tả Tiến hành phân tích, miêu tả để xử lí những dữ liệu đã thu thập được. Phương pháp này chúng tôi sử dụng ở chương Hai và chương Ba. - Phương pháp liên hội so sánh 8 Tiến hành thao tác so sánh để thấy được nét độc đáo khác biệt của từng đối tượng. Phương pháp này được chúng tôi sử dụng rải rác trong toàn bài. 1.5 Dự kiến đóng góp + Xác định, thống kê và phân loại so sánh và ẩn dụ tu từ trong thơ Nguyễn Bính. + Từ so sánh và ẩn dụ tu từ trong thơ Nguyễn Bính đặt một cái nhìn về tư duy nghệ thuật Nguyễn Bính. 1.6 Cấu trúc đề tài Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn của chúng tôi gồm có ba chương: Chương Một: Những vấn đề lí luận liên quan đến đề tài. Chương Hai: Khảo sát các biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ trong thơ Nguyễn Bính. Chương Ba: Vai trò của biện pháp so sánh và ẩn dụ tu từ trong thơ Nguyễn Bính 9 NỘI DUNG Chương Một: NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1 So sánh và ẩn dụ tu từ 1.1.1 So sánh tu từ 1.1.1.1 Khái niệm Đã có rất nhiều tác giả đưa ra khái niệm cho phép so sánh tu từ. Nhóm tác giả Võ Bình, Lê Anh Hiền, Cù Đình Tú, Nguyễn Thái Hòa định nghĩa: “So sánh tu từ (so sánh hình ảnh) là sự đối chiếu hai đối tượng cùng có một dấu hiệu chung nào đấy nhằm biểu hiện một cách hình tượng đặc điểm của một trong hai đối tượng đó.” [1, tr.145] Tác giả Cù Đình Tú quan niệm: “So sánh tu từ là sự đối chiếu hai sự vật (về tính chất, trạng thái, sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đấy giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn được gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh 10 không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là có một nét tương đồng nào đó về nhận thức hay tâm lí.” [9, tr.84] Đinh Trọng Lạc lại cho rằng: “So sánh tu từ là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực tế khách quan, không đồng nhất với nhau hoàn toàn, mà chỉ có một nét giống nhau nào đó nhằm diễn tả hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng.” [8, tr.262] Các nhà nghiên cứu Lê bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi định nghĩa: “So sánh là phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có quan hệ tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm , thuộc tính của đối tượng này thông qua đặc điểm, thuộc tính của đối tượng kia.” [6, tr.230] Điểm qua những định nghĩa của các nhà nghiên cứu về so sánh, ta thấy: tuy có sự diễn đạt khác nhau, nhưng về cơ bản các tác giả đã tương đối thống nhất khái niệm về so sánh tu từ. So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu các đối tượng khác loại có cùng nét giống nhau nào đó nhằm diễn tả một cách có hình ảnh và biểu cảm đặc điểm của một đối tượng. 1.1.1.2 Cơ chế cấu tạo Ở dạng hoàn chỉnh, so sánh tu từ có cấu trúc như sau:Cái được so sánh cơ sở so sánh - từ thể hiện quan hệ so sánh - cái dùng để so sánh. Qua cấu trúc trên ta có thể thấy, so sánh tu từ ở dạng hoàn chỉnh có 4 yếu tố: + Cái được so sánh (A) + Cơ sở so sánh (csss) + Từ so sánh (tss) + Cái dùng để so sánh (B) Cái được so sánh Cơ sở so sánh Từ so sánh Cái dùng để so sánh 11 Cổ tay em trắng như ngà (Ca dao) Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân (Tố Hữu) Lúa thời con gái mượt như nhung (Nguyễn Bính) Khói đậm đà như vị mật. (Nguyễn Tuân) Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Xuân Diệu) a/ Cái được so sánh Cái được so sánh (Vế A) là cái chưa biết, cái cần được làm sáng tỏ. Vế A có thể là một từ, một ngữ, thậm chí là một hoặc nhiều cụm chủ vị. Ví dụ: Anh như táo rụng sân đình Em như gái dở đi rình của chua (Ca dao) Ví dụ: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thủa xưa. (Nguyễn Tuân) Ví dụ: Cho tới chừ đây tới chừ đây Tôi mơ qua cửa khám bao ngày 12 Tôi thu tất cả trong im lặng Như cánh chim buồn nhớ gió mây. (Tố Hữu) b/ Cơ sở so sánh Cơ sở so sánh là thuộc tính, là đặc điểm của B, là cơ sở dùng để so sánh B với A. Ví dụ: Đàn ông nông nổi giếng khơi Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu (Ca dao) Ví dụ: Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền Êm như hơi gió thoảng cung tiên Cao như thông vút, buồn như liễu Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên. (Thế Lữ) Ví dụ: Cổ tay em trắng như ngà Đôi mắt em sắc như là dao cau. (Ca dao) Trong cấu trúc so sánh tu từ, cơ sở so sánh có thể được ẩn đi, được ngầm hiểu chứ không thể hiện trên bề mặt văn bản. Ví dụ: Miệng cười (Ø) như thể hoa ngâu 13 Chiếc khăn đội đầu (Ø) như thể hoa sen (Ca dao) Ví dụ: Tình anh (Ø) như nước dâng cao Tình em (Ø) như dải lụa đào tẩm hương. (Ca dao) c/ Từ so sánh Từ so sánh là từ biểu thị quan hệ so sánh. Theo thống kê của tác giả Bùi Trọng Ngoãn trong bài viết “Bàn thêm về phép so sánh tu từ” đăng trong tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 5(40) thì có khoảng hơn 20 từ được sử dụng với vai trò là từ so sánh. Đó là: như, như là, tựa, tựa thể, tợ, giống, giống như, tày, ngang, hơn, bằng, thua, nhường, kém, khác nào, khác chi, chẳng khác, na ná. Ngoài ra còn có thêm những từ so sánh như: tỉ như, là… Ví dụ: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. (Trần Đăng Khoa) Áo chàng đỏ tựa ráng pha Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. (Đoàn Thị Điểm) d/ Cái dùng để so sánh Cái dùng để so sánh(Vế B) là cái đã biết, cái được dùng để làm sáng tỏ A và khiến A thêm hình ảnh, cụ thể, hấp dẫn. Tương tự như vế A, vế B cũng có thể là một từ, một ngữ hoặc một hoặc một chuỗi cấu trúc chủ vị. 14 Ví dụ: Đôi ta như lửa mới nhen Như trăng mới mọc như đèn mới khêu. (Ca dao) Ví dụ: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. (Chế Lan Viên) Ví dụ: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa. (Chế Lan Viên) Một điều đặc biệt là trật tự các yếu tố trong phép so sánh tu từ có thể thay đổi. Cái dùng để so sánh có thể được chuyển lên trước cái được so sánh. Ví dụ: Chòng chành / như /nón không quai csss tss B Như/ thuyền không lái /như/ ai không chồng. tss B tss A (Ca dao) 15 1.1.1.3 Các dạng thức so sánh tu từ Các nhà nghiên cứu có nhiều ý kiến khác nhau về phân loại so sánh tu từ. Tác giả Cù Đình Tú chia ra làm 3 loại: - Loại A - tss- B (hoặc là Như B - A, hay A//B) - B bao nhiêu A bấy nhiêu - A là B. Tác giả Đinh Trọng Lạc chia so sánh tu từ thành các kiểu cấu tạo: - So sánh chìm (so sánh vắng cơ sở so sánh) - So sánh đối chọi (tức so sánh sử dụng chỗ ngắt giọng) Gái thương chồng,/ đương đông buổi chợ, Trai thương vợ,/ nắng quái chiều hôm. (Ca dao) Mỗi tác giả có một cách chia khác nhau và mỗi người có cái lí riêng của mình cho từng cách chia đó. Nhưng để rõ ràng và đơn giản hơn, chúng tôi chia thành 4 kiểu loại như sau: a/ A như (tựa, tựa thể, như là, như thể,giống như, tày…) B Ví dụ: Ta như lá nõn như hoa nụ Mới biết tình yêu buổi bắt đầu (Nguyễn Bính) Ví dụ: Tuấn kiệt như sao buổi sớm Nhân tài như lá mùa thu (Nguyễn Trãi) Cũng có khi người ta đảo ngược trật tự Ví dụ: 16 Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng B Hồn tôi vang vọng cả hai miền. A (Tế Hanh) b/ Kiểu A là B Ví dụ: Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim. (Tố Hữu) c. Kiểu song hành A // B Ví dụ: Hồn tôi giếng ngọt trong veo A B Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh. B B (Nguyễn Bính) Ví dụ: Người giai nhân: Bến đợi dưới cây già A B Tình du khách: Thuyền qua không buộc chặt. A B (Xuân Diệu) d. Kiểu B bao nhiêu, A bấy nhiêu (Xem [10, tr.256]) 17 Ví dụ: Qua cầu ngả nón trông cầu Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu. (Ca dao) 1.1.2 Ẩn dụ tu từ 1.1.2.1 Khái niệm Ẩn dụ là phương tiện trang trí hoa mĩ cho ngôn từ và được nghiên cứu từ rất sớm. Các nhà phong cách học Võ Bình, Lê Anh Hiền…cho rằng: “Ẩn dụ là cách lấy tên gọi của một đối tượng này để lâm thời biểu thị một đối tượng khác trên cơ sở thừa nhận ngầm một nét giống nhau nào đấy giữa hai đối tượng.”[1,tr.150] Cù Đình Tú quan niệm: “Ẩn dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên cơ sở mối quan hệ liên tưởng về những nét tương đồng giữa hai đối tượng” [14,tr.279]. Đinh Trọng Lạc lại cho rằng “Ẩn dụ là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau (có tính chất hiện thực hoặc tưởng tượng ra), giữa khách thể (hoặc hiện tượng, hoạt động, tính chất) B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A” [7, tr.52] Đào Thản giải thích cụ thể hơn trong khái niệm về ẩn dụ khi đặt ẩn dụ trong mối quan hệ với so sánh: “Ẩn dụ cũng là một lối so sánh dựa trên sự giống nhau về hình dáng, màu sắc, tính chất, phẩm chất hoặc chức năng của hai đối tượng. Nhưng khác với so sánh dùng lối song song hai phần đối tượng và phần so sánh bên cạnh nhau, ẩn dụ chỉ giữ lại phần để so sánh.” [9, tr.78] 18 Qua các định nghĩa trên, ta thấy rằng mỗi nhà nghiên cứu trong quá trình đi tìm khái niệm cho ẩn dụ mỗi người lại có một cách diễn đạt khác nhau. Nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Ẩn dụ là dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên sự liên tưởng đồng nhất hóa những thuộc tính nào đó giữa chúng. 1.1.2.2 Cơ chế cấu tạo Cơ sở của ẩn dụ chính là so sánh. So sánh bao giờ cũng hiển ngôn trên bề mặt văn bản những thành phần trong cấu trúc của mình bao gồm cái được so sánh, từ so sánh và cái dùng để so sánh. Ẩn dụ cũng là so sánh nhưng không hiển ngôn, nghĩa là so với so sánh thông thường, ẩn dụ ẩn đi từ so sánh và cái được so sánh, trên bề mặt văn bản chỉ còn lại cái dùng để so sánh. Chính vì thế mà ẩn dụ còn được gọi là so sánh ngầm, để giải mã được ẩn dụ người đọc vẫn thường dùng thao tác so sánh. Ví dụ: Về thăm nhà Bác làng Sen Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng (Nguyễn Đức Mậu) “Lửa hồng” là ẩn dụ chỉ “màu đỏ” của hoa râm bụt. Khi đọc câu thơ ấy, tư duy chúng ta xuất hiện sự so sánh để giải mã “hoa râm bụt đỏ như những ngọn lửa hồng” Có thể đã có một quá trình chuyển hóa từ so sánh sang ẩn dụ. Ban đầu dựa trên những điểm giống nhau, người ta tạo nên sự so sánh giữa các sự vật. Ví dụ: Anh như thuyền đi. Em là bến đợi. 19 Hình ảnh thuyền luôn cơ động ngược xuôi giống người con trai trong xã hội cũ có quyền lấy năm thê bảy thiếp, cũng như chiếc thuyền đi hết bến này đến bến khác. Còn “bến” với đặc điểm: cố định, thụ động chờ đợi được so sánh với người con gái: chỉ tấm lòng chung thuỷ son sắt của người con gái. Sau một thời gian hình ảnh thuyền quen thuộc gắn với hình ảnh người con trai, bến là người con gái cho nên có thể lược đi cái được so sánh và từ so sánh mà người đọc, người nghe vẫn hiểu. Ví dụ: Thuyền về có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền (Ca dao) Tương tự như thế, các hình ảnh như tằm - dâu, thuyền - bến, bướm - hoa, trầu - cau… như đã được mặc định để nói về hình ảnh người con trai và người con gái tạo nên những ẩn dụ. Trong ẩn dụ, những suy nghĩ, tình cảm được thể hiện gián tiếp. Hay nói cách khác, quy luật tạo nghĩa của ẩn dụ có thể được hiểu như là lấy xa nói gần, lấy ít nói nhiều, lấy vòng nói thẳng…để biểu đạt điều muốn nói. Như vậy, quá trình chuyển hóa từ so sánh sang ẩn dụ dựa trên nguyên tắc ẩn đi cái được so sánh nhưng vẫn đảm bảo người đọc, người nghe thông qua cái so sánh nhận ra cái được so sánh một cách dễ dàng. Để làm được điều đó người ta thường dựa vào văn cảnh, vào tính logic và đặc biệt là dựa vào thói quen thẩm mĩ. 1.1.2.3 Các kiểu dạng ẩn dụ tu từ Có rất nhiều quan điểm trong việc phân chia các kiểu loại của ẩn dụ tu từ: 20 Theo Cù Đình Tú, trên lý thuyết, nếu như có bao nhiêu khả năng tương đồng thì có bấy nhiêu khả năng cấu tạo ẩn dụ tu từ. Có thể nêu một số khả năng tương đồng được dùng làm cơ sở để tạo ra các ẩn dụ tu từ: + Tương đồng về màu sắc. Ví dụ: Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông (Nguyễn Du) Lửa và hoa lựu có màu sắc như nhau (màu đỏ), lửa biểu thị hoa. + Tương đồng về tính chất. Ví dụ: Đất nước Việt Nam chìm trong bóng đêm kéo dài hàng thế kỉ bỗng bừng lên ánh bình minh của thời đại. “Bóng đêm và chế độ thực dân phong kiến” có tính chất như nhau (tăm tối), bóng đêm biểu thị chế độ thực dân phong kiến. + Tương đồng về trạng thái. Ví dụ: Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh (Tố Hữu) “Ngôi sao lặn” và Bác Hồ qua đời có trạng thái như nhau (không còn), sao lặn biểu thị Bác Hồ từ trần. +Tương đồng về hành động. Ví dụ: Thay mặt cho tất cả các tổ chức ấy chỉ có một mình anh ủy viên thường trực trẻ tuổi. Con sông nhỏ hứng đủ trăm dòng suối trút xuống.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất