Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Mầm non - Mẫu giáo Skkn sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy trẻ mầm non...

Tài liệu Skkn sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy trẻ mầm non

.PDF
17
226
56

Mô tả:

SÁNG KIẾN CẢI TIÊN KỸ THUẬT “Sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy trẻ Mầm non” 1. PHẦN MỞ ĐẦU 1.1. Lí do chọn đề tài: Tất cả chúng ta đều biết, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ ở lứa tuổi mầm non. Khác biệt với các lứa tuổi khác, trẻ mầm non “Học bằng chơi, chơi mà học”. Việc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ chính là tổ chức hoạt động cuộc sống của trẻ, nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và tình cảm xã hội, vui chơi cũng chính là phương tiện để trẻ học làm người. Đặc biệt ở lứa tuổi này tư duy của trẻ là tư duy trực quan hình tượng. Trong bất cứ hoạt động học tập hay vui chơi nào của trẻ cũng đòi hỏi cần phải có đồ chơi, đồ dùng trực quan. Chính vì vậy, đồ dùng đồ chơi ở trường mầm non được coi là bộ sách giáo khoa đầu tiên để dẫn dắt trẻ vào đời. Để giúp trẻ thực hiện tốt hoạt động chủ đạo của mình điều tất yếu phải có đủ đồ dùng đồ chơi tương ứng để tổ chức tốt các hoạt động mà trẻ sẽ được trải nghiệm. Thực tế chung là các đồ dùng, đồ chơi được cấp phát chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu giáo dục mầm non do nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng còn rất hạn chế. Do đó, ngoài việc sử dụng một cách hiệu quả những đồ dùng đồ chơi được cấp phát, giáo viên mầm non còn tận dụng môi trường lớp học, khuôn viên trường và tự tạo những đồ dùng, đồ chơi từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau để đáp ứng nhu cầu của các hoạt động giáo dục trẻ. Đó cũng là chủ trương của ngành đề ra. Mỗi đồ dùng dạy học được cấp phát hay giáo viên tự làm đều có mục đích sử dụng riêng, tự nó không thể phục vụ được nhiều hoạt động khác nhau, dẫn đến việc giáo viên mầm non phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc làm đồ dùng dạy học phục vụ cho “ý đồ” giảng dạy của mình. Các đồ dùng được làm rất kỳ công nhưng công năng sử dụng lại hạn chế. Sự hạn chế đó đôi khi không phải do bản thân đồ dùng mà do chính giáo viên chưa biết cách khai thác đồ dùng mình làm ra cũng như khai thác hiệu quả hơn các đồ dùng, đồ chơi được cấp phát và các phương tiện trong môi trường hoạt động. Xuất phát từ lý do này, trong hơn 3 năm công tác, tôi đã nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp khác nhau để phát huy tính hiệu quả của các đồ dùng được cấp phát cũng như tự làm cùng với các phương tiện trong lớp học, giúp tiết kiệm chi phí trong việc làm đồ dùng, đồng thời cũng đạt được những hiệu quả rất tốt trên trẻ. Đồng thời, với kết quả cao trong các hội thi “giáo viên tự làm và sử dụng đồ dùng dạy” cấp huyện, cấp tỉnh trong năm qua đã giúp tôi thêm tự tin để viết đề tài “Một số kinh nghiệm sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy trẻ mầm non” để chia sẻ cùng đồng nghiệp. 1.2. Điểm mới của đề tài: Qua việc vận dụng đề tài này vào thực tiễn rất có hiệu quả. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác tự làm đồ dùng đồ chơi, sử dụng có hiệu quả các đồ dùng đồ chơi, bản thân tôi đã tham khảo một số đề tài của một số đồng nghiệp, các giáo viên đã làm về sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy. Riêng bản thân tôi mạnh dạn đưa ra một số phương pháp sử dụng hiệu quả đồ dùng, đồ chơi trong giảng dạy vào đề tài này. Điểm mới của đề tài đó là: Cách thức sử dụng và bảo quản đồ dùng có hiệu quả; chú trọng thực hiện các kỹ năng tạo thành đồ dùng đồ chơi thẩm mỹ đảm bảo tính giáo dục; Quản lý và trao đổi đồ dùng giữa các lớp; Đề ra nguyên tắc sử dụng đồ dùng cho bản thân. 1.3. Phạm vi áp dụng của đề tài sáng kiến: Đề tài sáng kiến kỹ thuật “Sử dụng hiệu quả đồ dùng trong giảng dạy trẻ Mầm non” được thực hiện trong năm học 2015-2016. Đề tài này có thể áp dụng đối với tất cả 3 độ tuổi của trẻ mẫu giáo trong nhà trường những năm tiếp theo và có thể áp dụng rộng rãi đối với các trường mầm non trên địa bàn huyện Lệ Thủy. 2. PHẦN NỘI DUNG. 2.1. Thực trạng của đề tài: Khi thực hiện đề tài này, tôi gặp những thuận lợi, khó khăn sau: a. Thuận lợi: - Trong những năm học gần đây, nhà trường đã được cấp phát khá nhiều đồ dùng phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. - Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm góp ý, chỉ đạo và tạo điều kiện cho tôi cũng như đồng nghiệp sử dụng đồ dùng dạy học hiệu quả qua các đợt thao giảng, dự giờ. - Bản thân tôi đã được tham gia các đợt làm và triển lãm đồ dùng dạy học, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn học ở các trường cũng như các đồng nghiệp đi trước - Đặc biệt, trong quá trình công tác, được sự hỗ trợ, giúp đỡ, góp ý của Ban Giám hiệu và đồng nghiệp, tôi đã tham gia các hội thi đồ dùng dạy học cấp huyện, cấp tỉnh và đạt được kết quả cao. - Trường Mầm non Hoa mai nơi tôi công tác là một trường bán trú, thời gian tiếp xúc với trẻ nhiều hơn, tổ chức các hoạt động phong phú hơn, do đó tôi dễ vận dụng từng đồ dùng, đồ chơi cũng như các yếu tố khác trong môi trường lớp học vào việc tổ chức hoạt động cho trẻ. Nhờ vậy, tôi có thể dễ dàng khảo sát được tính hiệu quả của đồ dùng đó trong từng hoạt động để linh hoạt bổ sung, hoàn chỉnh. b. Khó khăn - Nếu thống kê theo danh mục đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non (Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT02/2010/TTBGDĐT) chuẩn đồ dùng của ngành học Mầm non thì vẫn chưa đủ, đồng bộ, đôi khi thừa loại này nhưng thiếu loại khác. - Thời gian để làm những bộ đồ dùng dạy học có chất lượng cũng chiếm lượng nhất định, nhưng trong điều kiện lớp bán trú, quy chế nhà trường không có thời gian cho việc làm đồ dùng dạy học, và thời gian để đầu tư soạn giảng, hoàn thành hồ sơ sổ sách và học tập nâng cao gần như chiếm hết thời gian những ngày nghỉ của tôi cũng như đồng nghiệp, chưa tính đến kinh phí làm đồ dùng, tuy là sử dụng phế liệu, phế phẩm, nhưng vẫn tốn chi phí trong quá trình thao tác làm ra đồ dùng. Do đó, số bộ đồ dùng tự tạo ở mỗi lớp không nhiều nên thường xuất hiện tâm lý là những bộ đồ dùng tạo ra chỉ để dự thi, triển lãm, “chạy theo thành tích” mà ít cho trẻ được sử dụng. - Ở mỗi lớp đều có đồ dùng, đồ chơi khác nhau, nhưng việc mượn – trả gặp nhiều khó khăn nên tâm lý cho mượn đồ dùng giữa lớp này với lớp khác vẫn còn có sự e dè, không nhiệt tình, và đôi khi là “từ chối khéo”. - Mặt khác, tuy đa số giáo viên đều nhận thức được sự cần thiết của đồ dùng học tập trong mọi hoạt động của trẻ, vận dụng đồ dùng đồ chơi đúng nơi, đúng lúc, sáng tạo. Tuy nhiên, đôi lúc chưa khai thác hết đồ dùng trong một hoạt động, hoặc phải chuẩn bị quá nhiều đồ dùng trong khi chỉ cần 1 hay một vài đồ dùng trong những đồ dùng đó là có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các nội dung hoạt động. - Các thông tin, tài liệu về việc sử dụng đồ dùng, đồ chơi hiệu quả không nhiều, và có phần trừu tượng, chung chung, không cụ thể nên việc vận dụng thực tế thường theo tâm lý chủ quan của mỗi người. Điều này không tiêu cực nhưng lại có nhiều hạn chế. Từ những thuận lợi và khó khăn của thực trạng vấn đề, qua thời gian công tác ứng dụng đề tài vào việc giảng dạy, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế như sau: 2.2. Một số biện pháp thực hiện: 2.2.1. Sử dụng và phát huy hiệu quả của đồ dùng được cấp phát và tận dụng môi trường lớp học. a. Sử dụng hiệu quả đồ dùng được cấp phát và đồ dùng có trong trường. Sử dụng hiệu quả đồ dùng, trước hết tôi thường chú ý đến việc sử dụng hiệu quả đồ dùng được cấp phát. Có rất nhiều hoạt động không nhất thiết giáo viên phải hì hục thiết kế đồ dùng thật kỳ công, tạo ra nhiều đồ dùng mới lạ mà quên hẳn những đồ dùng đồ chơi được cấp phát cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự, thậm chí là cao hơn, còn đồ dùng đã làm ra thì lại thấy không cần thiết và hiếm khi dùng đến. Ví dụ: Trong một tiết làm quen văn học, để phục vụ cho mục đích dạy trẻ đọc thơ ,một giáo viên đã kỳ công vẽ tranh để dạy trẻ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó trường đã cấp phát cho lớp một bộ tranh rất đẹp có thể sử dụng rất tốt cho hoạt động mà không mất nhiều thời gian. Hay trong các hoạt động ngoài trời, một số cô kỳ công chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động mà lại không cho trẻ được chơi các trò chơi trong sân trường. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên sử dụng đồ dùng ở trong lớp như gậy, vòng, cờ, bóng,…; Nhạc cụ, trang phục hóa trang ở phòng âm nhạc. Tôi sử dụng vào các hoạt động tổ chức trò chơi trên lớp, đóng vai nhân vật trong các tình huống tổ chức hoạt động hoặc sử dụng làm đồ dùng chính trong các hoạt động của trẻ. Ví dụ như sử dụng trang phục trong phòng âm nhạc cho trẻ làm quen với trang phục các vùng miền; Làm quen với các loại nhạc cụ; Chơi trò các trò chơi như “kéo co”, các trò chơi có lồng ghép các vận động như bật liên tục qua các vòng, ném, tung bắt bóng,… Ngoài việc sử dụng đúng chức năng, mục đích sử dụng đồ dùng, tôi còn chú ý nhiều đến việc sử dụng đồ dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng cường độ sử dụng đồ dùng. Ví dụ như trong các tình huống đặt câu đố với trẻ thì trước đó, tôi chú ý không cho đồ dùng được đố ở nơi mà trẻ có thể nhìn thấy được cho đến khi có đáp án. Hay trong việc chuyển tiếp hoạt động, nếu đồ dùng không còn sử dụng cho hoạt động tiếp theo thì cũng không đặt trong tầm quan sát của trẻ để tránh cho trẻ bị phân tâm, mất tập trung trong hoạt động kế tiếp. Hoặc trong việc sắp xếp, chọn vị trí đặt đồ dùng, tôi thường chú ý đến tính hợp lý của vị trí đồ dùng để hoạt động bảo đảm tính tự nhiên, khoa học. Ví dụ như trong các mô hình, con người, con vật, hoa, cỏ, phương tiện giao thông không đặt cao hơn cái nhà hay cây xanh; đồi núi, mây, mặt trăng, mặt trời không được thấp hơn các nhà cửa, cây cối,… Tôi thường chú ý đến việc sử dụng đồ dùng giữa các hoạt động. Tôi thường tránh việc sử dụng lại đồ dùng quá 2 lần với cùng một cách thức sử dụng trong 1 chủ đề. Ví dụ như tuần này sử dụng khung rối để kể chuyện thì lần sau hay tuần sau, tôi sẽ không sử dụng khung rối đó kể chuyện nếu như chưa thêm thắt chi tiết, trang trí cho khung rối những chi tiết mới mẻ, phù hợp với nội dung hoạt động. Và cũng không phải với hoạt động làm quen văn học nào tôi cũng sử dụng các hình thức giống nhau với các đề tài khác nhau. Ví dụ: Trong chủ đề gia đình Tuần 1: Kể chuyện “chú vịt xám” Kể lần 1 kết hợp tranh, lần 2 kết hợp Powerpoint. Tuần 2: Kể chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”; Kể lần 1 tôi kể kết hợp tranh; Kể lần 2 kết hợp mô hình. Tuần 3: Thơ “Thăm nhà bà”; Đọc thơ lần 1 kết hợp cử chỉ điệu bộ, lần 2 kết hợp mô hình, sau đó tôi sử dụng mô hình cho trẻ chơi trò chơi “Về đùng nhà”. Mặt khác, tôi còn thêm thắt chi tiết cho đồ dùng cấp phát hoặc phối hợp những đồ dùng cấp phát để tạo thêm hiệu quả sử dụng mới cho đồ dùng. Ví dụ như sử dụng mặt sau của kệ để tổ chức các trò chơi học tập, làm giá treo sản phẩm tạo hình,…; Trang trí các chi tiết khác nhau cho khung rối, tạo cho khung rối sự mới mẻ trong nhiều hoạt động làm quen văn học hay các hoạt động khác; Sử dụng 2 bảng to kết hợp phông màn của lớp để làm sân khấu rối;… b. Tận dụng hiệu quả môi trường lớp học. Ngài ra, tôi còn chú ý tận dụng hiệu quả môi trường lớp học cũng như các đồ dùng khác trong việc tổ chức hoạt động cho trẻ. Theo tôi, việc sử dụng đồ dùng hiệu quả hay không còn tùy thuộc nhiều vào việc sắp xếp, bố trí đồ dùng, đồ chơi trong môi trường lớp học và tận dụng các đồ dùng trong lớp như đồ dùng phục vụ bán trú, hay chính đồ dùng cá nhân của trẻ. Ví dụ: Trong lớp học, tôi thường tận dụng các khung cửa, cửa sổ, cạnh góc tường để tạo các tình huống gợi mở vấn đề cho trẻ hoạt động; Sử dụng thùng chứa nước lọc để tổ chức các thí nghiệm về nước như “Nước chảy đi đâu?”, sự bốc hơi của nước,…; Sử dụng khăn cho trẻ làm búp bê; Ngoài ra, tôi còn sử dụng giá ca, giá dép vào các hoạt động khám phá của trẻ như các hoạt động tìm hiểu, phân loại các nhóm thực phẩm, đồ dùng gia đình, quá trình phát triển của cây,… Khi tổ chức hoạt động, tôi thường tận dụng tối đa không gian lớp để trẻ được hoạt động thoải mái, với từng nội dung hoạt động, tôi thường định hình trước khoảng không gian cần cho trẻ hoạt động, bố trí các đồ dùng tạo cho trẻ sự thuận lợi trong hoạt động. Ví dụ như hoạt động góc tôi thường sử dụng góc chơi có tíêng động nhiều hơn như góc xây dựng, phân vai ở gian trước vì nó gần cứa chính hơn và tiếp xúc với nhiều tiếng ồn hơn so với gian sau; Gian sau thường sử dụng cho hoạt động hoạt động thực hành, đọc sách, thư giãn, góc học tập và nghệ thuật vì nó yên tĩnh hơn. Ví dụ: Trong một tiết làm quen văn học, để phục vụ cho mục đích kể chuyện với rối, một giáo viên đã kỳ công làm một khung rối mất rất nhiều thời gian, trong khi khung rối được cấp phát thì nằm chỏng trơ ở phòng kho. Thay vì với khung rối đó, trang trí thêm một vài chi tiết đã có thể sử dụng rất tốt cho hoạt động mà không mất nhiều thời gian. Hay trong các hoạt động ngoài trời, một số cô kỳ công chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động mà lại không cho trẻ được chơi các trò chơi trong sân trường. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên sử dụng đồ dùng ở trong lớp như gậy, vòng, cờ, bóng,… Nhạc cụ, trang phục hóa trang ở phòng âm nhạc. Tôi sử dụng vào các hoạt động tổ chức trò chơi trên lớp, đóng vai nhân vật trong các tình huống tổ chức hoạt động hoặc sử dụng làm đồ dùng chính trong các hoạt động của trẻ. 2.2.2 Làm và sử dụng đồ dùng tự tạo hiệu quả. Muốn sử dụng đồ dùng tự tạo hiệu quả thì phải tính toán ngay từ khâu chuẩn bị làm đồ dùng đó để tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi thường làm những đồ dùng, đồ chơi mà thật sự lớp không có hoặc không thay thế được. Đồ chơi được làm cũng tính nhiều đến tính hiệu quả, tần suất sử dụng đồ dùng để tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền của. Khi bắt tay vào làm đồ dùng, tôi thường chú ý đến tính sư phạm, tính mỹ thuật, tính kỹ thuật, tính kinh tế, tính sáng tạo của đồ dùng. Những đồ dùng tôi đã làm, đang được sử dụng trong lớp đa số từ các nguyên vật liệu gần gũi nhất, dễ tìm thấy nhất ở bất cứ nơi đâu. Đầu tiên là sử dụng những nguyên vật liệu có thể sử dụng được ngay mà không cần tái chế lại hay tái chế rất ít, tốn thời gian ít nhất. Ví dụ như rơm, vỏ sò, sỏi, lá cây, chai nước ngọt, hộp sữa, muỗng và hộp sữa chua, đĩa CD, ống hút, dây chun, lịch cũ, que kem… Với những nguyên vật liệu đó, trẻ có thể thao tác, chơi rất nhiều hoạt động khác nhau như xếp hàng rào, xếp sân khấu, chơi bán hàng,… Đầu tiên tôi chú trọng cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, truyền thống từ những đồ chơi sẵn có trong thiên nhiên hoặc làm các đồ chơi truyền thống như nhảy lò cò, làm tò he, làm con trâu bằng lá mít, làm kèn,…. Các hoạt động này không mất của tôi nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị đồ chơi nhưng mang đến hiệu quả giáo dục, phát triển rất tốt cho trẻ. Sau đó, từ những nguyên vật liệu nguyên sơ, dễ tìm đó, tôi tạo ra những đồ chơi khác nhau .Trước tiên tôi làm những đồ chơi đơn giản, trẻ có thể thực hiện cùng với cô trong hoạt động vui chơi, tạo hình ngoài tiết học, đó là những đồ dùng tôi đã thực hiện như: Bình hoa, ngôi nhà, tranh sáng tạo, búp bê, chiếc hộp nhiều ngăn, đồng hồ số, cây cảnh, các hình học,… Với những đồ dùng này tôi chỉ cần chuẩn bị các hộp sữa, vòng bánh sinh nhật, muỗng sữa chua, đĩa CD, lon bia, gáo dừa, quả cau già, nhánh cây khô, vỏ bút chì sau khi chuốt,… Tôi cắt những phần khó của đồ chơi, sau đó hướng dẫn trẻ sắp xếp và dán ngay ngắn các phần lại với nhau để tạo thành một đồ chơi. Và với những đồ chơi này, trẻ đã chơi được rất lâu, sử dụng được tất cả các chủ đề trong những hoạt động làm với, môi trường xung quanh, làm quen với toán,… 2.2.3. Tuyên truyền về hiệu quả đồ dùng đến phụ huynh. Đầu tiên là việc tuyên truyền đến phụ huynh về ý nghĩa của các đồ chơi gắn với trò chơi dân gian, gần gũi, sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có, rẻ tiền. Cuộc sống bộn bề ngày nay đã làm cho phụ huynh không còn thời gian để nghĩ đến những việc đó mà thay thế hoàn toàn bằng trò chơi, đồ chơi hiện đại, được sản xuất trên các dây chuyền công nghiệp hiện đại. Trên thị trường đồ chơi ở Việt Nam, đồ chơi của Trung Quốc và nước ngoài chiếm đa số. Có hàng trăm loại đồ chơi với nhiều chủng loại, giá cả, chất liệu, mẫu mã khác nhau. Bên cạnh một số đồ chơi mang tính giáo dục, phát huy trí tuệ, sự thông minh, khả năng khám phá của trẻ cũng có những đồ chơi không an toàn, kích động tính hiếu chiến, bạo lực như súng, gươm, siêu nhân cầm vũ khí, mặt nạ dữ dằn v.v... và nhiều đồ chơi phản cảm, gây sợ hãi, không có tính chân - thiện - mỹ đã gây tác hại không nhỏ đến tâm lý trẻ. Đồ chơi, trò chơi truyền thống chính là một phần của văn hoá dân tộc. Từ việc giáo dục cho trẻ hiểu biết về bản sắc văn hoá dân tộc qua đồ chơi, trò chơi dân gian Việt Nam, những đồ chơi, trò chơi dân gian được phục hồi sẽ giúp cho trẻ có cơ hội được tiếp cận với văn hoá cổ truyền và có thêm đồ chơi, trò chơi, thêm niềm vui từ khả năng kinh tế còn hạn hẹp của cha mẹ. Với các trò chơi như thả diều, thổi sáo, ném còn, pháo đất, chọi gà, chọi chim, đánh quay, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu v.v... không cần những đồ chơi tốn kém mà chỉ tận dụng những vật liệu sẵn có, và tốn rất ít công sức là có thể làm được một đồ chơi rất vui cho trẻ, những đồ chơi cho các trò chơi này trẻ cũng có thể tự chuẩn bị được. Bên cạnh việc tuyên tuyền về đồ chơi, trò chơi truyền thông, đồ chơi tự tạo là loại đồ chơi làm bằng nguyên vật liệu đơn giản, dư thừa mà ở bất cứ đâu cũng có. Phụ huynh có thể dễ dàng tự làm cho con và hướng dẫn con cùng chơi. Đây là một quá trình sáng tạo cần thiết, tập cho trẻ em nhiều kỹ năng, giúp các em tự mình có thể làm và sáng tạo trong quá trình học mà chơi, chơi mà học. Với việc trò chuyện với trẻ về các nguyên vật liệu làm ra đồ dùng đồ chơi và cách làm ra đồ dùng đồ chơi đó, trẻ đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực cho việc tuyên truyền đến phụ huynh về các đồ dùng đồ chơi có tính chất giáo dục phù hợp với trẻ. Từ đó, phụ huynh tích cực hơn trong việc hỗ trợ các nguyên vật liệu phế thải, và nguồn nguyên vật liệu này rất phong phú, có nhiều vật liệu là phế thải từ đặc thù ngành nghề của phụ huynh. Mặt khác, phụ huynh cũng tỏ ra rất hứng thú trong việc làm các đồ dùng, đồ chơi từ các vật liệu phế thải thay cho các đồ chơi mua trôi nổi trên thị trường. Tôi thường trưng bày đồ dùng, đồ chơi mình đã làm được ở những nơi phụ huynh dễ nhìn thấy, tôi giải thích với phụ huynh về cách làm đồ dùng, ý nghĩa của đồ dùng như: đồ dùng tự tạo sẽ an toàn hơn, vệ sinh hơn các đồ dùng đồ chơi trôi nổi, không rõ nguồn gốc như hiện nay, mặt khác đồ dùng đồ chơi tự làm có tác dụng giáo dục trẻ mang tính tích cực hơn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, phát triển tính sáng tạo của trẻ và tiết kiệm chi phí mua đồ chơi cho trẻ. Nhiều phụ huynh đã tò mò về các đồ dùng và bắt đầu làm cho trẻ những đồ dùng như ở lớp cho trẻ chơi. Từ những hoạt động phối hợp với phụ huynh, trẻ lớp tôi đã dần dần ít vòi ba mẹ mua đồ chơi hơn, còn phụ huynh thì quan tâm hơn đến việc cho con chơi gì và chơi như thế nào để không ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, đặc biệt hơn, có phụ huynh còn mang tặng lớp đồ chơi mà mình đã làm được. 2.2.4. Quản lý đồ dùng và trao đổi đồ dùng giữa các lớp. Với những đồ dùng được cấp phát cũng như tự tạo tôi làm được cũng như phụ huynh hỗ trợ, tôi đều cập nhật đầy đủ vào sổ tài sản của lớp, có ghi chú rõ ràng. Với những đồ chơi tự tạo, tôi thường mô tả tóm tắt về đồ dùng, chú thích về cách sử dụng đồ dùng. Tôi thường cập nhật tất cả các đồ dùng tự tạo trong lớp thành một bảng thống kê riêng theo của lớp và cùng triển khai các lớp khác trong tổ. Các lớp trong tổ khi cần đồ dùng nào sẽ mượn đồ dùng đó, có ký mượn, ký trả rõ ràng. Hoạt động này đã giúp các lớp trong tổ tôi thuận lợi hơn trong việc quản lý và làm đồ dùng. Việc mượn, trả đồ dùng được thực hiện nghiêm túc, nhiệt tình. Các lớp đảm bảo mượn và trả đúng đồ dùng, đúng thời gian quy định, không làm hỏng hay tổn thất đồ dùng. Đối với các đồ dùng còn thiếu để phục vụ cho chủ đề, tôi vận động các giáo viên trong tổ sẽ cùng nhau phối hợp, sưu tầm thêm đồ dùng phục vụ cho chủ đề, đề tài đó. Khi chọn tranh ảnh, vật thật, tài liệu phục vụ cho chủ đề, đề tài chú ý đến tính điển hình, phản ánh trung thực và chính xác, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và tính mỹ thuật để không mất thời gian và công sức sưu tầm đồ dùng. 2.2.5. Đề ra nguyên tắc sử dụng đồ dùng cho bản thân. Đối với tôi, để sử dụng đồ dùng hiệu quả cần phải có những nguyên tắc sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Với tôi, những nguyên tắc mà tôi đề ra là: - Sử dụng đồ dùng phù hợp đề tài, đúng lúc, đúng chỗ, khai thác hiệu quả đồ dùng. - Ưu tiên tận dụng đồ dùng, đồ chơi có sẵn trong lớp, trong trường kết hợp tận dụng môi trường lớp học. - Thường xuyên tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi mới, mỗi tháng bổ sung ít nhất một bộ đồ dùng, đồ chơi mới có chất lượng và hiệu quả. - Bảo quản tốt đồ dùng, đồ chơi đã có, gia cố, sửa chữa hoặc thay thế ngay đồ dùng hư hỏng. - Thường xuyên bổ sung, thay đổi đồ dùng đồ chơi hoặc thay đổi cách chơi để để trẻ bị nhàm chán. - Việc mượn, trả đồ dùng cần nghiêm túc, không làm hư hao, tổn thất đồ dùng. - Không sử dụng cùng một đồ dùng với cùng hiện trạng và cùng hình thức sử dụng tương tự nhau giữa các hoạt động, các chủ đề. - Lắng nghe góp ý của đồng nghiệp, không cố chấp, bảo thủ. 2.3. Kết quả đạt được. Qua việc ứng dụng thực tiễn trong công tác, qua các đợt thì đồ dùng cấp huyện, cấp tỉnh, tôi có các kết quả sau đây: *Đối với trẻ: - Trẻ hứng thú, tích cực hơn và nhớ lâu hơn. - Trẻ dần thích chơi các đồ chơi ở lớp hơn các đồ chơi bên ngoài như súng, gươm, siêu nhân,… - Trẻ có những sáng tạo rõ nét với các đồ dùng, đồ chơi, cách chơi, có thể tự tạo nhiều đồ chơi cho mình từ các nguyên vật liệu và đồ chơi ở lớp. - Trẻ thể hiện vai chơi và sử dụng đồ chơi rất sáng tạo. Ví dụ như đối với “tiền” ở góc phân vai, trẻ phân loại “tiền” từ tờ lịch là “tiền đôla”, tiền từ các thẻ số là “tiền Việt Nam”, hay việc trả giá, kỳ kèo; đóng giả là người Việt Nam hay người nước ngoài, thể hiện cử chỉ, điệu bộ rất dễ thương, sáng tạo. - Qua các đợt thao giảng, dự giờ có cấp trên dự, trẻ lớp tôi được đánh giá là có kỹ năng chơi rất tốt. Kết quả Số lượng trẻ Các hoạt động khi chưa áp dụng đổi mới Sau khi áp dụng các biện pháp đề ra - Số trẻ hứng thú, tích cực 29 50% - 60% 85% - 90% - Thể hiện tốt vai chơi. 29 55% - 60% 85% - 90% - Có kỹ năng tốt. 29 60% - 65% 80% - 90% - Có sự sáng tạo, đề xuất ý kiến trong quá trình hoạt 29 25 - 30% 60 - 70% 29 60 - 65% 85 - 95% động. - Khắc sâu biểu tượng về đối tượng tìm hiểu. * Đối với giáo viên: - Có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc sưu tầm, lựa chọn nguyên vật liệu để làm đồ dùng đồ chơi - Tôi được Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu, các đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao trong việc sử dụng đồ dùng giảng dạy một cách khoa học, hiệu quả. - Tôi đã đạt giải nhất hội thi giáo viên tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học cấp Huyện năm học 2015 – 2016 và đạt giải nhì hội thi đồ dùng dạy học cấp Tỉnh năm học 2015 – 2016. - Bản thân hoàn thành nhiều đồ dùng đảm bảo các tiêu chí của đồ dùng, đồ chơi, sử dụng hiệu quả, chất lượng cũng như trao đổi cùng đồng nghiệp để rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. - Việc chuẩn bị đồ dùng cho hoạt động không còn là gánh nặng hay áp lực lớn cho tôi. * Đối với phụ huynh: Phụ huynh rất phấn khởi và quan tâm hơn về việc tự nguyện đóng góp nguyên liệu, phế liệu để cô và cháu cùng làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động. * Bài học kinh nghiệm: Từ những kết quả đạt được, tôi đã rút ra được những kinh nghiệm sau: - Cần nhìn nhận đúng hơn về tiêu chí “đồ dùng dạng mở” trong hoạt động giáo dục trẻ. “Đồ dùng dạng mở” ở đây không phải là đồ dùng giáo viên tự làm từ nguyên vật liệu phế thải, mà ở tính mở của đồ dùng, đồ chơi, nghĩa là có thể sử dụng cả đồ dùng đồ chơi cấp phát, nhưng phải làm sao để trẻ được thao tác, được hoạt động nhiều trên đồ dùng, đồ chơi, nghĩ ra các cách chơi khác nhau với đồ dùng, đồ chơi đó chứ không phải là cầm lên quan sát rồi đặt vào vị trí. Điều đó vô tình tự mình tạo gánh nặng cho mình trong việc chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cho mỗi hoạt động, mà trẻ hoạt động không tích cực, hiệu quả. - Khi chuẩn bị đồ dùng, ngoài yếu tố thẩm mỹ còn cần chú ý nhiều đến công năng sử dụng đồ dùng, hạn chế làm những đồ dùng chỉ có thể phục vụ cho một hay hai hoạt động nhất định rồi không dùng đến nữa. Lúc này cần nghĩ đến đồ dùng thay thế để không phải mất công làm đồ dùng. - Trong hoạt động, không nhất thiết phải tự chuẩn bị quá nhiều đồ dùng mà quên đi đồ dùng, đồ chơi được cấp phát trong lớp học cũng như trong sân trường. Ví dụ như thường gặp ở hoạt động ngoài trời, cô chuẩn bị quá nhiều đồ chơi còn đồ chơi trong sân trường thì không cho trẻ chơi; Hay hoạt động vui chơi, cô phải mua trái cây, rau củ cho trẻ chỉ với mục đích cho trẻ chơi đi chợ, còn đồ trái cây, rau nhựa của lớp thì cô cất đi. Điều này rất tốn kém và không cần thiết. - Giáo viên cần có tinh thần học hỏi, trau dồi kinh nghiệm về việc sử dụng đồ dùng giữa các lớp, các trường. - Đầu tư nhiều hơn vào hoạt động phối hợp với phụ huynh, dặn dò trẻ cùng chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cho hoạt động, đề tài hay chủ đề tiếp theo sẽ giảm tải rất nhiều áp lực về chuẩn bị tài liệu, đồ dùng cho hoạt động của cô. - Bản thân có những nguyên tắc về sử dụng đồ dùng hay những khía cạnh khác sẽ giúp mình thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác. Tuy nhiên, nguyên tắc đó phải khoa học, không cứng nhắc, biết tiếp thu góp ý của đồng nghiệp. 3. PHẦN KẾT LUẬN 3.1. Ý nghĩa của đề tài: Nói chung, trong quá trình dạy học, việc sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả sẽ giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi(dễ hiểu bài, hiểu bài sâu sắc hơn và nhỡ bài lâu hơn). Có được các đồ dùng đồ chơi thích hợp,sử dụng có hiệu quả người giáo viên sẽ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy, làm cho hoạt động nhận thức của trẻ trở nên nhẹ nhàncho trẻ những tình cảm tốt đẹp với bài học. + Sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả còn giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tư duy và trí tưởng tượng của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn về mọi mặt (trí, thể, mỹ...) 3.2. Kiến nghị, đề xuất: Để cho hoạt động sử dụng đồ dùng đồ chơi trong giảng dạy trẻ đạt hiệu quả cao hơn, tôi xin đề xuất một số khuyến nghị sau đây: * Đối với nhà trường: - Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tham mưu với các cấp, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức và cá nhân để huy động có nguồn kinh phí mua sắm các loại đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phù hợp phục vụ các hoạt động trong nhóm, lớp - Ban Giám hiệu cần tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất để làm đồ dùng như: Cưa, kéo to để cưa, cắt các vật cứng, keo các loại.... Bên cạnh đó tổ chức các đợt triển lãm đồ dùng dạy học mà ở đó có sự tham gia của phụ huynh, triển lãm và khuyến khích tinh thần hỗ trợ làm đồ dùng đồ chơi của phụ huynh, trong đó có hoạt động thực tế bằng việc cho trẻ tham quan, vui chơi với những đồ chơi triển lãm đó. * Đối với Phòng Giáo dục & Đào tạo: - Phát động phong trào thi đua làm đồ dùng dạy học thường xuyên. - Thường xuyên tổ chức triển lãm về đồ dùng đồ chơi tự làm từ nguyên vật liệu sẳn có ở địa phương để tạo điều kiện cho giáo viên các trường học hỏi lẫn nhau. * Đối với địa phương: Tạo điều kiện về nguồn kinh phí cho nhà trường tăng trưởng cơ sở vật chất, tu sửa nâng cấp trường lớp tạo điều kiện cho trẻ hoạt động. Muốn sử dụng đồ dùng đồ chơi hiệu quả thì trước hết cần phải có đồ dùng đồ chơi phù hợp, đồ dùng có bao gồm cả đồ dùng đồ chơi cấp phát và tự tạo. Nhưng hiện nay đồ dùng cấp phát vẫn còn thiếu và đồ dùng tự tạo thì dù ít hay nhiều cũng cần kinh phí làm đồ dùng, Do đó, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn về thiết bị tối thiểu trong lớp và kinh phí cho việc làm đồ dùng, đồ chơi từ các cấp. Từ thực tế lớp tôi phụ trách, với những khó khăn mà bản thân tôi gặp phải tôi đưa ra một số biện pháp, những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức các hoạt động vui chơi trong trường mầm non. Mong rằng những biện pháp này sẽ được áp dụng một cách có hiệu quả khi được các cấp, các đồng nghiệp góp ý, bổ sung thêm và tích cực đổi mới trong công tác vận dụng để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đáp ứng với nhu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Trên đây là một số sáng kiến và đề xuất nhỏ của tôi, để bản sáng kiến được hoàn thiện hơn, có hiệu quả hơn rất mong được sự đóng góp ý kiến của hội đồng khoa học và các đồng nghiệp bổ sung cho sáng kiến kinh nghiệm này được hoàn thiện và đầy đủ hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn! MỤC LỤC 1. PHẦN MỞ ĐẦU: ..........................................Trang 1 1.1. Lý do chọn đề tài:......................................Trang 1 1.2. Phạm vi áp dụng của đề tài:........................Trang 2 2. PHẦN NỘI DUNG:.......................................Trang 2 2.1. Thực trạng:...............................................Trang 2 a. Thuận lợi:.....................................................Trang 2 b. Khó khăn:.....................................................Trang 2 2.2. Một số biện pháp thực hiện...........................Trang 3 2.2.1. Sử dụng và phát huy hiệu quả của đồ dùng được cấp phát và tận dụng môi trường lớp học..........Trang 3 2.2.2. Làm và sử dụng đồ dùng tự tạo hiệu quả.....................Trang 6 2.2.3. Tuyên truyền về hiệu quả đồ dùng đến phụ huynh........Trang 7 2.2.4. Quản lý đồ dùng và trao đổi đồ dùng giữa các lớp........Trang 9 2.2.5. Đề ra nguyên tắc sử dụng đồ dùng cho bản thân..........Trang 9 2.3. Kết quả đạt được:.................................................Trang 10 * Đối với trẻ:............................................................. Trang 10 * Đối với giáo viên:.......................................................Trang 11 * Đối với phụ huynh:.....................................................Trang 11 * Bài học kinh nghiệm: .................................................Trang 11 3. PHẦN KẾT LUẬN: ...................................................Trang 12 3.1. Ý nghĩa của đề tài:...... ...........................................Trang 12 3.2. Kiến nghị, đề xuất:.................................................Trang 12
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan