Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Mầm non - Mẫu giáo Skkn một số kinh nghiệm giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 4 – 5 tuổi tại trường mầm ...

Tài liệu Skkn một số kinh nghiệm giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 4 – 5 tuổi tại trường mầm non

.PDF
16
169
79

Mô tả:

MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO TRẺ 4 – 5 TUỔI TẠI TRƯỜNG MẦM NON I. PHẦN MỞ ĐẦU: 1. Lí do chọn đề tài: Như Bác Hồ đã nói: Hiền dữ phải đâu là tính sẳn Phần nhiều do giáo dục mà nên. Ý nghĩa của hai câu thơ trên đã giúp chúng ta nhận thức được rằng mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy từ năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” nhằm giúp giáo viên định hướng trong việc lập kế hoạch giáo dục lồng ghép để thực hiện rèn luyện cho trẻ một số kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống, hành vi văn minh trong cuộc sống. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, nhằm xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi thói quen tiêu cực giúp trẻ nhận thức được những hành vi tốt, thái độ đúng đắn và thực hành các kỹ năng thích hợp. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non sẽ mang lại cho trẻ nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, sớm có ý thức, khả năng thích nghi với cuộc sống và làm chủ bản thân, hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như cộng đồng. Việc xây dựng giáo dục lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vào chương trình chăm sóc giáo dục mầm non vô cùng cần thiết và đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành học mầm non. Kỹ năng sống cho trẻ bao gồm rất nhiều kỹ năng: kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng vệ sinh, kỹ năng thích nghi với môi trường sống, kỹ năng hợp tác chia sẻ…Dạy kỹ năng sống cho trẻ là truyền cho trẻ những kinh nghiệm sống của người lớn nhằm hình thành cho trẻ có kỹ năng xử lý với những khó khăn trong cuộc sống, trẻ biết vận dụng, biến những kiến thức của mình để giải quyết vấn đề trong cuộc sống một cách tự lập. Muốn đạt được điều đó người lớn phải tạo cho trẻ một môi trường thực tế, cụ thể để trẻ có cơ hội trải nghiệm thực hành. Nhưng trên thực tế xã hội hiện nay các gia đình chỉ chú trọng việc dạy trẻ học kiến thức mà quên đi việc hình thành và phát triển các kỹ năng sống cho trẻ, luôn bao bọc, nuông chiều, làm hộ trẻ khiến trẻ có tính ỷ lại, ích kỹ, không quan tâm đến người khác và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày rất hạn chế, từ đó dẫn đến khó khăn cho trẻ trong việc xử lý tình huống bất ngờ xảy ra. Ở trường, giáo viên chủ yếu đi sâu truyền thụ những kiến thức cho trẻ qua các giờ học, ít chú trọng đến việc rèn các kỹ năng sống cho trẻ, nên hầu hết trẻ chưa có vốn kiến thức về kỹ năng sống. Là giáo viên mầm non nhiều năm trong nghề, nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống đối với sự phát triển của trẻ, tôi đã luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi có hiệu quả. Việc xác định được các kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp giáo viên lựa chọn đúng những nội dung trọng tâm để dạy trẻ. Tôi nhận thấy rằng đối với trẻ 4- 5 tuổi “ Giáo dục kỹ năng sống” không phải là nói cho trẻ biết thế nào là đúng, thế nào là sai như ta thường làm. Các phương pháp cổ điển như bài giảng đi theo những chuẩn mực, cô hỏi trẻ chủ động trả lời sẽ hoàn toàn thất bại vì chúng chỉ cung cấp thông tin, mà từ thông tin và nhận thức đến thay đổi hành vi thì khoảng cách còn rất lớn. Giáo dục kỹ năng sống là giúp trẻ nâng cao năng lực để tự lựa chọn giữa những giải pháp khác nhau. Với những lý do trên, năm học này tôi đã mạnh dạn trao đổi với chị em đồng nghiệp đề tài: “ Một số kinh nghiệm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi tại trường mầm non” . 2. Điểm mới của đề tài: So với trước đây, điểm mới của đề tài mà tôi đề cập đến đó là: - Giáo viên thực sự dạy trẻ hiểu rõ hơn về kỹ năng sống, điều quan trọng là trẻ có ý thức tự giác, tư duy, mạnh dạn, tự tin, độc lập, sáng tạo, linh hoạt, dễ hòa nhập, dễ chia sẻ… hình thành nếp sống văn minh, có hành vi ứng xử, giao tiếp theo quy tắc, chuẩn mực phù hợp. - Tạo ra một môi trường giao tiếp thật sự cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giải bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè nhờ vậy mà giáo viên hiểu trẻ nhiều hơn, trẻ hiểu nhau hơn, từ đó việc hình thành và giáo dục kĩ năng sống cho trẻ có hiệu quả. * Đối tượng và phạm vi áp dụng đề tài: Một số kinh nghiệm giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi ở trường mầm non II. PHẦN NỘI DUNG: 1. Thực trạng của nội dung nghiên cứu: Năm học 2018 – 2019 bản thân tôi trực tiếp giảng dạy lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi với tổng số trẻ là 39 cháu. Trong quá trình thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, tôi nhận thấy có một số thuận lợi và khó khăn sau: 1.1. Thuận lợi: Được tham gia tập huấn chương trình giáo dục kĩ năng sống POKI do phòng tổ chức Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của nhà trường trong việc triển khai kế hoạch nội, dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Tổ chuyên môn hoạt động có nề nếp nên bản thân có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với chị em đồng nghiệp. Giáo viên trong lớp có sự phối hợp đồng thuận, nhất trí cao trong việc tổ chức các hoạt động học tập và vui chơi của trẻ. Các cháu đã có nề nếp học tập và vui chơi liên tục từ các lớp dưới lên nên đã có được một số kiến thức và kỹ năng nhất định. Luôn được sự quan tâm chia sẻ và ủng hộ của phụ huynh. 1.2. Khó khăn: Tuy các cháu cùng độ tuổi và được theo học liên tục từ các lớp dưới lên nhưng vẫn còn đa số trẻ chưa mạnh dạn, thiếu tự tin, chưa có tính chủ động. Các kỹ năng về nhận thức, sự tự tin, tính tự lập, sự hợp tác, tự phục vụ, quan hệ xã hội, giao tiếp ứng xử, ý thức bảo vệ môi trường… của trẻ không đồng đều. Đa số trẻ nam hiếu động chưa có ý thức trong các hành vi hành động của mình. Việc xây dựng lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vào các hoạt động trong ngày chưa xuyên suốt, còn ôm đồm. Mặt khác do nhận thức của các bậc phụ huynh luôn coi trẻ là “trẻ con” và hơn thế nữa là họ cưng chiều con quá mức, luôn làm thay trẻ dẫn đến khiến cho trẻ khó hình thành các kỹ năng như lao động tự phục vụ, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng vệ sinh, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng bảo vệ môi trường… thậm chí vì sự nuông chìều mà đôi lúc phụ huynh vô tình chấp nhận theo cái sai của con trẻ. Do tác động của xã hội làm cho trẻ bị ảnh hưởng một số thói quen xấu nên việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ có phần khó khăn. Qua khảo sát đầu năm kết quả cụ thể như sau; 1.3. Khảo sát thực tế trẻ: BẢNG KHẢO SÁT TRẺ ĐẦU NĂM STT Các mặt phát triển Số trẻ đạt Số trẻ chưa đạt Số trẻ Tỉ lệ % Số trẻ Tỉ lệ % 1 Kỹ năng tự phục vụ 19 48,7 20 51,3 2 Kỹ năng tự bảo vệ 18 46 21 54 3 Kỹ năng vệ sinh 19 48,7 20 51,3 4 Kỹ năng giao tiếp- ứng xử 17 44 22 56 5 Kỹ năng bảo vệ môi trường 16 41 23 59 1.4. Nguyên nhân: - Do đặc thù của ngành học phần lớn thời gian dành cho công tác trực tiếp CSGD trẻ nên ít có thời gian nghiên cứu tài liệu nên việc lựa chọn các kỹ năng đưa vào từng chủ đề dạy trẻ còn chưa khoa học - Tài liệu về chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ chưa được phong phú. - Một số trẻ được bố mẹ nuông chiều, thường làm hộ trẻ mọi việc. - Một số trẻ hiếu động, còn chưa chú ý và chưa nghe theo lời hướng dẫn của cô giáo. - Một số phụ huynh chưa hiểu được tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ. - Lớp học còn chật, học sinh đông nên còn khó khăn trong việc tổ chức dạy kĩ năng sống cho trẻ. 2. Các giải pháp chính của sáng kiến: * Giải pháp 1: Tạo tình huống và xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học: Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non là tư duy trực quan hình tượng, vì vậy những kiến thức, nôi dung giáo dục cho trẻ phải cụ thể, gần gũi, dễ hiểu và trẻ được trãi nghiệm tiếp xúc qua thực tế và thường xuyên như phương châm “mưa dầm thấm lâu” chính vì vậy tôi đã chọn những hình thức để giáo dực trẻ như sau: - Hình thức tạo tình huống: + Kỹ năng chào hỏi, giao tiếp: Đây là một kỹ năng quan trọng và cần thiết nhất của con người như câu tục ngữ đã nói “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Trước đây tôi cũng thường xuyên dạy trẻ là phải biết chào khách khi có khách đến thăm lớp và phải trả lời câu hỏi khi được hỏi không gật hay lắc đầu. Với phương pháp này thì trẻ lớp tôi cũng đã một phần nào biết chào khách nhưng trẻ chỉ hoàn toàn thụ động vào sự hướng dẫn và nhắc nhỡ của cô giáo không có tính chủ động vì vậy tôi đã thực hiện như sau: Tôi phối hợp với giáo viên trong trường thường xuyên đến thăm lớp tôi và đặc câu hỏi về sự quan tâm của mình đối với trẻ để tạo cơ hội cho trẻ có cơ hội thực hành trãi nghiệm cách chào hỏi và giao tiếp, mỗi lần dạo chơi tôi dẫn trẻ đến từng lớp để thăm lớp các anh chị, lớp các em từ đó tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc với nhiều đối tượng qua đó giúp trẻ mạnh dạn trong giao tiếp và phát huy tính tích cực của trẻ nhằm hình thành cho trẻ có tính chủ động trong việc chào hỏi. + Kỹ năng bảo vệ môi trường: Trước giờ hoạt động ngoài trời tôi cố tình tạo một môi trường “bẩn” có nhiều loại rác như: lá cây, hộp sữa, bì ohsi…quanh địa điểm chuẩn bị cho trẻ hoạt động để lồng giáo dục cho trẻ biết phải bỏ rác đúng nơi quy định và biết nhặt rác khi có rác làm cho môi trường bẩn và sau đó tiến hành cho trẻ lao động làm vệ sinh sân trường từ đó tôi đã hình thành thói quen cho trẻ biết tự chủ động trong việc bảo vệ môi trường sân chơi cũng như trong lớp học. - Hình thức tạo môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học: Với hình thức này tôi kết hợp trao đổi với giáo viên trong trường qua các buổi sinh hoạt chuyên môn bàn bạc đưa ra tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non và khuyến khích vận động chị em sưu tầm tranh ảnh có những hành động đúng - sai trang trí trong và ngoài lớp học để giáo dục trẻ. Tôi thường xuyên cho trẻ đi dạo chơi tham quan môi trường của các lớp học và gợi ý cho trẻ xem tranh và nhận xét về nội dung bức tranh, từ đó giáo dục trẻ thực hiện theo hành động đúng và tuyệt đối không bắt chước hành động sai. Với những hình ảnh và việc làm như vậy trẻ đã được khắc sâu và chủ động hơn trong hành động của mình. Qua thực hiện giải pháp trên tôi thấy trẻ lớp tôi đã tiến bộ rất nhiều trẻ biết chủ động chào khách, mạnh dạn trong giao tiếp, biết nhặt rác khi môi trường bẩn, biết bỏ rác đúng nơi quy định và ý thức được việc làm đúng, sai của mình. * Giải pháp 2: Xây dựng kế hoạch tuần theo từng chủ đề và lồng ghép vào các hoạt động trong ngày - Xây dựng kế hoạch: Việc xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng chương trình chăm sóc trẻ, từ mục tiêu kế hoạch tuần giáo viên có thể đặc ra mục đích yêu cầu cụ thể cho việc thực hiện kế hoạch từng ngày đạt kết quả. Vì vậy tôi đã chú trọng đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào trong kế hoạch tuần nhằm giáo dục trẻ một cách có hiệu quả. Mỗi tuần tôi chỉ chú trọng đưa vào 1 hoặc 2 tiêu chí và chú ý hơn để rèn luyện cho trẻ còn các tiêu chí khác chỉ nhắc nhở. Ví dụ: Với chủ đề: Trường mầm non Tuần 1: Tiêu chí biết chào hỏi, biết cách xưng hô Tuần 2: Tiêu chí đi lại nhẹ nhàng, không chạy nhảy, leo trèo. Tuần 3: Tiêu chí biết chủ động chào khách, biết bỏ rác đúng nơi quy định Tuần 4: Tiêu chí biết chủ động rửa tay, lau mặt Tuần 5: Tiêu chí sắp xếp đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định Với việc lên kế hoạch tuần cụ thể không những giúp trẻ thực hiện có hiệu quả mà còn giúp cho giáo viên dễ dàng trong việc quản lý hành động của trẻ. - Lồng vào các hoạt động trong ngày: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là một nội dung không có hoạt động tách bạch riêng lẽ mà chủ yếu chỉ lồng ghép vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ trong ngày. Chính vì vậy để năng cao chất lượng trong việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ giáo viên phải thường xuyên tổ chức các hoạt động trong ngày sao cho phù hợp và xuyên suốt. Đối với trẻ mỗi hoạt động trong ngày đều nhằm đạt một mục đích giáo dục nhất định và hoạt động nào cũng có ưu thế, tính chất riêng của nó nhưng nó lại hòa quyện và gắn kết với nhau. Thông qua các hoạt động trong ngày cô giáo luôn gương mẫu và là người hướng dẫn, gợi ý giúp trẻ phát huy tính tích cực hoặc làm mẫu cho trẻ làm theo. Từ đó giúp trẻ biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng kỹ xảo vốn có vào thực hành luyện tập một cách linh hoạt và thành thạo. Tôi đã lồng ghép vào các hoạt động như sau: + Thể dục buổi sáng: Sau khi thực hiện bài tập thể dục, điểm danh xong nếu là ngày thứ hai đầu tuần tôi đưa ra các tiêu chuẩn để thực hiện trong tuần, với những ngày khác còn lại tôi gợi ý để trẻ nhắc lại nhằm khắc sâu tiêu chí cần thực hiện trong tuần. + Hoạt động có chủ định: Thông qua hoạt động có chủ định giúp trẻ phát triển đồng đều các lĩnh vực “thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, và thẩm mỹ”. Qua việc giáo viên đặt câu hỏi gợi mở hoặc tổ chức cho trẻ chơi trò chơi sẽ tạo cho trẻ sự hứng thú, giúp trẻ phát triển tư duy và pháy huy tính tích cực trong học tập, chủ động phám phá, tìm tòi biết vận dụng vốn kiến, thức kỹ năng vào việc giải quyết các tình huống khác nhau. Ví dụ: Khi cho trẻ khám phá về một số đồ đồ chơi ở lớp, cô có thể đặc câu hỏi: Những đồ dùng đồ chơi... do ai làm ra? Cô chú công nhân đã vất vả để tạo ra những đồ dùng đồ chơi cho các con vì vậy khi sử dụng đồ dùng đồ chơi các con phải như thế nào?... Từ đó giáo dục trẻ biết yêu thương kính trọng người đã làm ra đồ dùng đồ chơi, biết giữ gìn, bảo quản đồ dùng đồ chơi. Hoặc thông qua hoạt động âm nhạc tôi tổ chức cho trẻ chơi “đoán nhanh hát đúng” tôi tổ chức trò chơi như sau: Chia trẻ thành hai đội đứng thành hai vòng tròn, cô đúng giữa, cô chỉ tay về một đội bất kỳ rồi nói ký hiệu của công việc, tiếng kêu hay nơi hoạt động của một con vật nào đó thì đội đó sẽ hát một bài hát đúng với chức năng cô vừa nêu Ví dụ: Cô nói: “Meo meo” trẻ hát bài “Thương con mèo hoặc vì sao mèo rửa mặt” “Lội bờ ao” trẻ hát bài “Một con vịt hoặc đàn vịt con” “Đánh thức mọi người” Trẻ hát bài “Con gà trống” “Bay thấp thì mưa” Trẻ hát bài “Con chuồn chuồn”… Thông qua việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi và cách đặt câu hỏi gợi mở đã giúp trẻ mạnh dạn tự tin, biết diễn đạt câu từ trọn vẹn hình thành cho trẻ những kỹ năng tư duy, phán đoán, phát huy tính tích cực trong mọi hoạt động đồng thời giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. + Hoạt động vui chơi (hoạt động góc): Trẻ được vui chơi trong giờ hoạt động góc sẽ tạo cho trẻ nhiều hứng thú và đây cũng chính là cơ hội cho trẻ tự thể hiện mình qua các công việc của người lớn. Qua đó tôi nhắc nhỡ trẻ về kỹ năng giao tiếp, thái độ trong khi chơi, biết hợp tác chia sẻ cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ. + Hoạt động ngoài trời: Cho trẻ vui chơi ngoài trời sẽ tạo cơ hội cho trẻ được quan sát, ngắm nhìn, trẻ được khám phá trải nghiệm những sự việc, cảnh vật và hiện tượng xung quanh từ đó trẻ có cảm nhận về vẽ đẹp của thiên nhiên, môi trường sống của loài vật xung quanh trẻ sẽ giúp trẻ nhận thức sâu hơn về kỹ năng giữ gìn và bảo vệ môi trường ở trường, lớp, gia đình và nơi công cộng. Ví dụ: Cho trẻ lao động nhặt rác vệ sinh sân trường, Chăm sóc cây ở góc thiên nhiên… + Hoạt động vệ sinh, ăn, ngủ: Hoạt động vệ sinh ăn ngủ được thực hiện đều đặn, thường xuyên sẽ giúp trẻ có nề nếp thói quen trong sinh hoạt từ đó giúp trẻ có ý thức biết giữ gìn vệ sinh thân thể, lao động tự phục vụ và giữ gìn đồ dùng cá nhân. Lúc đầu đến giờ ăn tôi cho trẻ ngồi vào bàn và ổn định bằng cách đặt câu hỏi “bé ngoan bé biết làm gì”? Trẻ trả lời bằng bài thơ: Bé ngoan bé biết vâng lời Rửa tay thật sạch mới ngồi vào ăn Đánh răng sau mỗi bửa cơm Rửa tay lau mặt bé thơm cả ngày. Thế là tôi nhắc nhở trẻ đi rửa tay lau mặt, sau khi ăn xong tôi gợi ý cho trẻ đi đánh răng, tôi nhắc nhở trẻ mở nhỏ nước vừa dùng, không làm ước áo, không vẫy nước làm ước nền nhà vì nền nhà ước rất dễ trược ngã. Đến giờ ăn, giờ ngủ tôi luôn gợi cho trẻ nhớ lại tiêu chuẩn bé sạch, bé ngoan trong tuần để trẻ thực hiện (giờ ăn không nói chuyện, không bốc tay, không nhai nhồm nhoàm...) Sau mỗi hoạt động trong ngày mỗi lần trẻ làm được một việc tốt đúng như tiêu chí trọng tâm trong tuần là được tặng một hình ảnh khuôn mặt cười gắn lên bảng bé ngoan, trẻ vi phạm sẽ gắn khuôn mặt buồn. + Nêu gương cuối ngày: Nêu gương cuối ngày là một việc làm quan trọng nhất để tổng kết lại các hoạt động trong ngày của trẻ. Tôi cho trẻ nêu lên ba tiêu chuẩn đầu tuần để cho trẻ tự nhận xét. Tôi nêu lên những trẻ nào trong ngày được tặng khuôn mặt vui để khen trước lớp và tặng cờ đỏ cho trẻ, nhắc nhở những trẻ vi phạm có khuôn mặt buồn rồi tặng cờ xanh để nhắc nhở động viên trẻ hôm sau cố gắng làm những việc tốt như bạn để được cờ đỏ. Với việc làm như trên lớp tôi đã sớm đi vào nề nếp và trẻ đã có tính chủ động trong mọi hoạt động. * Giải pháp 3: Thông qua nội dung bài thơ, câu chuyện Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non là rất thích nghe kể chuyện, những nội dung bài thơ, câu chuyện thường để lại cho trẻ ấn tượng khó phai mờ. Chính vì vậy tôi đã chú trọng vào từng nội dung của bài thơ câu chuyện để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Ví dụ: Với câu chuyện “Gấu con bị đau răng” thông qua nội dung câu chuyện gợi cho trẻ biết được lý do và sao gấu con bị đau răng. Từ đó giáo dục cho trẻ phải đánh răng sạch sẽ sau khi ăn buổi sang ngủ dậy và mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Hoặc với bài thơ “Cô dạy” tôi đặc câu hởi gợi mở để giúp trẻ hiểu rằng vì sao phải giữ gìn tay sạch sẽ và vì sao phải nói lời hay (giữ gìn tay sạch là để không bẩn áo, phải nói lời hay là để cho miệng xinh đẹp). Với câu chuyện “Tích Chu” gợi cho trẻ biết được tính thờ ơ, ham chơi của Tích Chu không biết quan tâm đến bà dẫn đến hậu quả là bà phải hóa thành chim để bay đi uống nước. Và hỏi trẻ nếu là trẻ khi có bà hoặc người than bị ốm trẻ sẽ làm gì? Từ đó hình thành cho trẻ tình cảm yêu thương biết quan tâm chăm sóc đến người thân và mọi người xung quanh trẻ. Câu chuyện “Cáo, thỏ và gà trống” giáo dục trẻ tính thật thà, dũng cảm không tranh giành đồ chơi của bạn. Hoặc bài thơ “Ong và bướm” giáo dục tính siêng năng, chăm chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao mới được đi chơi, giáo dục trẻ biết sắp xếp đồ chơi gọn gàng sau khi chơi. Chuyện “Cây táo thần” giáo dục trẻ không tham lam, ích kỹ, biết nhường nhịn và chia sẻ với bạn, với mọi người. Hay chuyện “Củ cải trắng” giáo dục trẻ nếu mình làm việc tốt thì sẽ hưởng được sự quan tâm của người khác và mọi điều tốt lành sẽ đến với mình. Chuyện “Qua đường” giáo dục trẻ biết chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông. Ngoài những bài thơ, câu chuyện có trong chương trình tôi đã sưu tầm thêm một số câu chuyện có nội dung gần gũi, sát với thực tế để kể cho trẻ nghe vào mỗi buổi chiều nhằm hình thành và nâng cao chất lượng kỹ năng sống cho trẻ. Ví dụ: Chuyện “Trong phòng tắm” nội dung giáo dục trẻ không nghịch nước, chạy nhảy vì khi đang tắm nền ướt rất trơn, dễ bị ngã. Chuyện “Cái vỏ chuối” nội dung giáo dục trẻ biết bỏ rác đúng nơi quy định nếu không sẽ bị dẫm lên võ chuối sẽ bị ngã và làm bẩn môi trường. Chuyện “Vì sao bé nín khóc” nội dung giáo dục trẻ biết kiên nhẫn chờ đợi không lẫy, không giận hờn làm mẹ buồn. Chuyện “Kiến con đi ô tô” nội dung giáo dục trẻ biết nhường nhịn và lễ phép với người lớn. Chuyện “Chiếc ổ khóa” nội dung giáo dục trẻ khi đến nhà người khác không phá phách, không tò mò, tự ý hoặc đòi lấy đồ đạc trong nhà để chơi… Qua thực tiển áp dụng giải pháp trên tôi thấy rằng trẻ lớp tôi tiến bộ rất rõ rệt không những giúp trẻ có ý thức trong mọi hoạt động mà còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và mạnh dạn trong giao tiếp. * Giải pháp 4: Phối kết hợp với phụ huynh Bên cạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở trường tôi cũng chú trọng đến việc trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục thêm cho trẻ lúc ở nhà. Vào những buổi họp phụ huynh lớp, lúc trả trẻ tôi trao đổi với phụ huynh về nội dung tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu rằng để giúp trẻ phát triển toàn diện thì việc giáo dục và hình thành kỹ năng sống cho trẻ là phải bắt đầu ngay từ “tuổi lên ba”, đó là giai đoạn bức phá về khả năng nhận biết, giao tiếp được thể hiện một cách rõ rệt qua các hành động của trẻ và được gọi là “khủng hoảng của trẻ lên ba”. Vì vậy với độ tuổi này phụ huynh không nên làm hộ trẻ, phải hình thành cho trẻ tính tự lập ngay từ bé. Trẻ càng được hướng dẫn sớm về kỹ năng sống, nhận biết mối nguy hiểm từ xung quanh và cách xử lý thì sẽ vững vàng vượt qua những thử thách trong mọi tình huống. Chính vì vậy cách bảo vệ trẻ tốt nhất chính là dạy trẻ thực hiện tốt kỹ năng sống của một con người chính nghĩa. Việc dạy trẻ kỹ năng sống phải là một quá trình liên tục và thường xuyên vì đặc điểm của trẻ là chóng nhớ mau quên do đó những việc làm thường xuyên sẽ giúp trẻ hình thành thói quen và có kỹ năng tốt. Trong cuộc sống hằng ngày nên dạy trẻ cách xử lý những tình huống bất trắc có thể xảy ra với trẻ bằng hình thức trò chuyện, tạo tình huống, gợi mở giúp trẻ tìm ra cách giải quyết, không cấm đoán, áp đặt trẻ, hãy nói những lời khuyến khích trẻ không nên nói những lời làm cho trẻ thất vọng Ví dụ: Không nên nói: Con còn nhỏ thì biết gì, đó là chuyện của người lớn Thấy chưa mẹ biết là con không làm được mà Những đứa trẻ khác nhỏ hơn con mà làm được thì con phải làm được Tại sao con không giống như các anh chị của con… Mà nên nói: Mẹ biết con mà, mẹ chắc là con sẽ làm được Con có tiến bộ lắm Mẹ cảm ơn con đã giúp mẹ làm việc Mẹ rất vui vì hôm nay con mẹ đã biết chủ động chào khách… Hoặc thay vì nói “Con không được làm thế này thế kia” thì hãy đưa ra một vài tình huống cụ thể thông qua thực tế giúp trẻ hiểu được tại sao không được làm như thế. Ví dụ: Muốn giáo dục trẻ không được leo trèo, chạy nhảy thì nên liên hệ một trẻ nào đó và kể cho trẻ nghe chuyện bạn đó bị đau chân hôm nay không đi học được và cho trẻ tìm ra lý do rồi từ đó giáo dục trẻ và thường xuyên nhắc nhở trẻ khi trẻ chạy nhảy, leo trèo… Phụ huynh phải tin tưởng vào trẻ và năng lực của trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ, không áp đặt ý kiến của mình, không đưa lời giải đáp có sẵn mà hãy đặt câu hỏi để khiến trẻ phải suy nghĩ và đưa ra câu trả lời, không vội vàng phê phán đúng – sai mà kiên trì giúp trẻ biết tranh luận để đưa ra kết luận. Chính từ những lời nói khuyến khích những suy nghĩ của trẻ để tìm cách giải quyết các tình huống cụ thể đó giúp trẻ dần dần có kỹ năng suy đoán, biết áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó dần hình thành cho trẻ kinh nghiệm kỹ năng ứng xử, hành vi văn minh và bảo vệ mình trong cuộc sống sau này. 3. Hiệu quả của sáng kiến: Qua việc áp dụng một số kinh nghiệm để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 45 tuổi ở lớp tôi phụ trách, bản thân tôi đã thu được một số kết quả như sau: * Đối với giáo viên: - Biết cách lựa chọn và xây dựng kế hoạch nội dung kỹ năng sống cho trẻ một cách khoa học, liên hoàn. - Biết cách tạo tình huống và xử lí tình huống khi dạy kĩ năng sống cho trẻ. - Phụ huynh đã có thói quen liên kết phối hợp chặt chẽ với cô giáo trong việc dạy trẻ các kỹ năng sống * Đối với trẻ: - Trẻ mạnh dạn, tự tin chủ động trong giao tiếp. - Trẻ biết nói và trả lời câu hỏi rõ ràng, trọn câu. - Biết yêu thương, giúp đỡ, đoàn kết và nhường nhịn bạn. - Trẻ có thói quen lao động tự phục vụ, chủ động làm một số công việc như: sắp xếp đồ chơi gọn gàng, biết nhặt rác và bỏ rác đúng nơi quy định. - Trẻ có ý thức trong mọi hoạt động (không nói chuyện riêng trong giờ học, giờ ăn, giờ ngủ, biết cảm ơn và xin lỗi, trao đổi nhỏ trong khi chơi, không leo trèo, ít chạy nhảy). - Trẻ có kĩ năng sống thể hiện rõ trong bản điều tra trẻ trong thời gian tôi áp dụng giáo dục vừa qua: BẢNG KHẢO SÁT TRẺ Số trẻ đạt STT Số trẻ chưa đạt Các mặt phát triển Tỉ lệ Số trẻ Tỉ lệ % Số trẻ % 1 Kỹ năng tự phục vụ 24 61,5 15 38,5 2 Kỹ năng tự bảo vệ 22 56 17 44 3 Kỹ năng vệ sinh 21 54 18 46 4 Kỹ năng giao tiếp- ứng xử 20 51,3 19 48,7 5 Kỹ năng bảo vệ môi trường 20 51,3 19 48,7 Với kinh nghiệm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ bước đầu đã thực hiện thành công ở lớp tôi, với hướng phấn đấu giáo dục trẻ kĩ năng sống đến cuối năm, kết quả giáo dục kĩ năng sống cho trẻ sẽ đạt 95% - 100% về các mặt phát triển. III. KẾT LUẬN 1. Ý nghĩa của đề tài: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là việc làm vô cùng quan trọng bởi thông qua giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ tự tin chủ động và biết cách xử lý các tình huống trong cuộc sống, khơi gợi khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ góp phần thúc đẩy sự phát triển nhân cách và hình thành cho trẻ các nề nếp thói quen, hành vi văn minh trong sinh hoạt hiện tại. Trẻ em được giáo dục kỹ năng sống tốt thì khả năng thích nghi và thành công trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, đây chính là bước đầu trong việc đặt nền tảng cho trẻ trở thành người có trách nhiệm và khả năng tự chủ trong tương lai. Thực tế, kỹ năng sống của trẻ lứa tuổi mầm non chỉ đơn giản là giao tiếp tốt, biết vui chơi với bạn, biết xin lỗi hoặc cảm ơn đúng lúc, để thích nghi với môi trường khác nhau….Một đứa trẻ chờ đến lượt chơi sẽ là người biết kiên nhẫn, một đứa trẻ được tập thích nghi với đám đông sẽ trở thành người biết tự chủ và tự tin sau này. Đó chính là những lợi ích về lâu dài để các bậc phụ huynh ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị kỹ năng sống cho con ngay từ tuổi mầm non. Cũng cần nói thêm rằng trẻ lứa tuổi mầm non chỉ có thể tích luỹ kỹ năng sống thông qua những trải nghiệm thực tế. Trong mỗi đứa trẻ đều có những tài năng tiềm ẩn. Sự chuẩn bị kỹ càng từ lúc đầu đời chính là chìa khoá thành công cho tương lai mỗi cháu. Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non chính là cơ sở giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ là nền tảng cho quá trình học tập suốt đời của trẻ. Giáo viên hãy luôn khuyến khích trẻ mạnh dạn tham gia các hoạt động, tự tin vào bản thân. Đồng thời, khuyến khích trẻ khi tham gia vào trò chơi, cần biết cải tiến, sáng tạo các cách chơi và cố gắng đạt mục đích, đây chính là những kỹ năng cơ bản để sống và làm việc sau này. Thường xuyên chỉ ra cái mới mà người lớn cũng tìm tòi một cách hăng hái bằng nhiều cách, hãy trao đổi với trẻ về những thông tin mà cô giáo, cha mẹ mới tìm thấy cho trẻ thấy rằng học lúc nào cũng vừa vui, vừa thử thách. Bên cạnh những lời nói khích lệ, nêu gương, khuyến khích những hành vi, lời nói tốt của trẻ. Các bậc làm cha mẹ, cô giáo, những người lớn cần nhẹ nhàng, khéo léo khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, không nên hạ thấp khả năng của trẻ, không dọa nạt hay bắt trẻ phải làm những việc quá sức của trẻ. Người lớn không nên nuông chiều, bao bọc trẻ thái quá, không nên nhồi nhét lượng kiến thức quá mức so với khả năng tiếp nhận từng lứa tuổi của trẻ. Người lớn cần sử dụng lời nói rõ ràng, câu hỏi gợi mở phối hợp cùng các cử chỉ, điệu bộ phù hợp nhằm khuyến khích trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh, bộc lộ, chia sẻ những cảm xúc với người khác bằng lời nói và hành động cụ thể. Đây là một trong những kỹ năng hết sức quan trọng để khi lớn lên trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống. Nhằm giúp trẻ hình thành tính tự lập và khả năng biết tự chăm lo cho mình, không bị phụ thuộc vào bố mẹ, ngay từ nhỏ chúng ta cần để trẻ làm tất cả mọi thứ mà chúng có thể, đừng vì quá thương con mà nuông chiều chúng quá mức. Vì thế cần có phương pháp dạy con phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ để trẻ có thể tiếp thu và học cách sống tự lập tốt hơn. 2. Kiến nghị, đề xuất: * Đối với Phòng giáo dục & Đào tạo Lệ Thủy: Tăng cường liên hệ với các chương trình giáo dục kĩ năng sống để tổ chức tập huấn cho giáo viên toàn huyện về giáo dục kĩ năng sống cho trẻ. * Đối với nhà trường: Trang bị thêm tài liệu về kỹ năng sống để giáo viên nghiên cứu học tập thêm kinh nghiệm. Trên đây là một số kinh nghiệm giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi, bước đầu đã thực hiện thành công ở lớp tôi phụ trách. Với thời gian nghiên cứu hạn hẹp, nên cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý bổ sung của các cấp lãnh đạo, sự chia sẻ đóng góp chân tình của các bạn đồng nghiệp để sáng kiến của tôi được tốt hơn và được áp dụng rộng rãi cho trẻ 4 – 5 tuổi ở các trường mầm non trong năm học này và những năm học tiếp theo đạt hiệu quả cao.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan