Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt môn chính tả...

Tài liệu Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt môn chính tả

.DOC
21
959
82

Mô tả:

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 5 HỌC TỐT PHÂN MÔN CHÍNH TẢ PHẦN I : ĐẶT VẤN ĐỀ Tiếng Việt là một trong những môn học quan trọng trong nhà trường nhằm mục đích giáo dục và phát triển nhân cách cho học sinh. Cuối bậc tiểu học, yêu cầu về kiến thức kĩ năng học sinh phải đạt được là đọc thông, viết thạo, sử dụng được ngôn ngữ nói và viết trong giao tiếp. Phân môn Chính tả cùng với các phân môn khác như Tập đọc, Tập làm văn, Luyện từ và câu, ... giúp cho người đọc chiếm lĩnh được môn Tiếng Việt là công cụ cần thiết trong giao tiếp, tư duy và học tập. Ở tiểu học riêng phân môn Chính tả có vị trí vô cùng quan trọng. Vì đây là giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành kĩ năng chính tả cho học sinh. Nhiệm vụ phân môn Chính tả là giúp học sinh nắm vững các quy tắc chính tả và hình thành các kĩ năng chính tả, nói rộng hơn là năng lực và thói quen viết đúng tiếng Việt văn hóa, tiếng Việt chuẩn mực. Bên cạnh đó phân môn Chính tả còn rèn cho học sinh tính cẩn thận, chính xác, có óc thẩm mĩ, bồi dưỡng lòng yêu quý tiếng Việt và chữ viết của tiếng Việt. Vì vậy phân môn Chính tả có vị trí quan trọng trong môn tiếng Việt nói riêng và các môn học khác nói chung. Tuy nhiên thực tế hiện nay, hiện tượng học sinh viết sai lỗi chính tả còn rất phổ biến. Đồng thời năm học này Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ; Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong Giáo dục gắn với cuộc vận động "Hai không" ; cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức về tự học và sáng tạo ; phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Để nâng cao chất lượng dạy học, mỗi giáo viên cần phải tự độc lập suy nghĩ, tự nghiên cứu, sáng tạo trong quá trình dạy học. Đối với học sinh lớp 5, tuy các 1 em đã được rèn luyện về chính tả ở các lớp dưới nhưng nếu không duy trì được việc rèn chính tả ở lớp và ở nhà thì sẽ dẫn đến tình trạng các em viết sai, đọc sai, hiểu sai ... Muốn khắc phục được tình trạng này, giáo viên cần phải có biện pháp rèn luyện kĩ năng viết chính tả cho học sinh để nâng cao chất lượng học tập nói chung và chất lượng môn chính tả nói riêng. Chính vì vậy trong năm học này tôi đã chọn, nghiên cứu đề tài : "Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt phân môn Chính tả". Theo phương pháp dạy học chương trình thay sách mới, mục tiêu của dạy chính tả là rèn luyện kĩ năng viết chính tả và kĩ năng nghe cho học sinh kết hợp rèn luyện một số kĩ năng sử dụng tiếng Việt và phát triển tư duy cho học sinh, mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống, con người, góp phần hình thành nhân cách con người mới. Theo yêu cầu của chương trình, học sinh cuối lớp 5 phải đạt yêu cầu cơ bản về chính tả như sau : 1/ Với chính tả đoạn bài : - Nghe - viết, nhớ - viết một đoạn trích từ bài tập đọc hoặc từ các văn bản khác có nội dung phù hợp với chủ điểm học tập của mỗi tuần, với độ dài khoảng 100 chữ (tiếng). - Học sinh cần viết chữ đúng mẫu, đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi / 1 bài, đạt tốc độ viết trung bình 90 chữ / 15 phút. 2/ Với chính tả âm vần : - Nội dung các bài tập chính tả âm, vần là ôn lại quy tắc viết một số chữ như c / k ; g / gh ; ng / ngh và tiếp tục viết đúng các từ có âm, vần, thanh dễ viết sai chính tả do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương. Các cặp âm, vần, thanh dễ lẫn được luyện viết gồm : + Phụ âm đầu : l / n ; tr / ch ; s / x ; r / d / gi. + Vần : an / an ; ăn / ăng ; ân / âng ; en / eng ; uôn / uông ; ơn / ơng; iên / iêng ; ăc / ăt ; ât / âc ; uôt / uôc ; ut / uc ; ơt / ơc ; iêt / iêc ; ên / ênh ; êt / êch ; im / iêm ; iu / iêu ; vần chứa âm chính o / ô. 2 + Thanh : thanh hỏi / thanh ngã : sẻ / sẽ ; nghĩ / nghỉ ; giã / giả ; bổng / bỗng ; mải / mãi ; ... - Về hình thức, các âm, vần, thanh dễ lẫn được luyện viết thông qua những kiểu bài tập khác nhau. 3/ Về chính tả viết hoa : Ôn luyện cách viết hoa chính tả tên người, tên địa lí Việt Nam, tên người, tên địa lí nước ngoài. Bước đầu rèn luyện để học sinh có ý thức về cách viết hoa tên riêng tổ chức, danh hiệu, giải thưởng, huân chương, ... Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên ngay từ đầu năm học, tôi đã điều tra, khảo sát các bài viết chính tả của 33 học sinh lớp 5 tôi đang dạy để nắm được lỗi chính tả phổ biến của lớp và của từng học sinh để từ đó có biện pháp khắc phục. Các bài khảo sát cụ thể: Chính tả (nghe - viết) : + Bài Việt Nam thân yêu (Tiếng Việt 5, tập I, trang 6). + Bài Lương Ngọc Quyến (Tiếng Việt 5, tập I, trang 17). Chính tả (nhớ - viết) : + Bài Thư gửi các học sinh (Tiếng Việt 5, tập Một, trang 26). Kết quả khảo sát qua 99 bài : STT Số lượng lỗi Số lượng bài Tỉ lệ % 1 Không có lỗi nào 06 6,0 2 Từ 1 - 2 lỗi 12 12,1 3 Từ 3 - 5 lỗi 26 26,3 4 35 35,4 Từ 6 - 10 lỗi 5 Trên 10 lỗi 20 20,2 3 Qua thống kê các lỗi của học sinh, tôi nhận thấy số lỗi mà các em mắc phải nhiều nhất (kể cả học sinh khá, giỏi) đó là : lỗi âm cuối (c - t, n - ng, n nh ...) ; lỗi âm đầu (ch - tr, s - x, d - gi ...) ; lỗi các vần khó (uôc - uôt, oan oang, yêt - iêt, uyên - iên , êt - êch ...) bên cạnh còn có lỗi thanh hỏi, lỗi thanh ngã, ... Sau khi tìm hiểu, tôi thấy trong quá trình viết chính tả học sinh Tiểu học thường mắc phải nhiều lỗi và ta có thể chia làm ba loại lỗi cơ bản sau : - Lỗi chính tả do không nắm vững chính tự (Lỗi này thường gặp khi viết các phụ âm đầu như : d / gi, tr / ch, ng / ngh, s / x ...). - Lỗi chính tả do không nắm vững cấu trúc tiếng Việt. - Lỗi chính tả do viết theo lỗi phát âm địa phương hoặc do không nắm vững chính âm. Bên cạnh đó, học sinh chưa có động cơ và thái độ đúng đắn trong việc rèn chính tả khi viết, các em còn lơ là, thiếu tập trung, cẩu thả, chữ viết xấu ; nhiều khi còn do các em chưa hiểu nghĩa của từ, chưa nhớ đầy đủ quy tắc viết chính tả. Ví dụ : ngành nghề -> nghành ngề, mơ ước -> mơ ướt. Trong một đất nước thống nhất, cùng chung một ngôn ngữ thì bao giờ cũng có nhiều phương ngôn khác nhau với những cách phát âm khác nhau dựa trên cơ sở một chính tả chung. Điều này đã dẫn đến những lỗi chính tả đặc trưng cho từng khu vực. Đặc biệt đối với địa bàn tỉnh ta là nơi tập trung dân từ các tỉnh khác trong nước nên phương ngôn cũng rất khác nhau. Đây cũng là điều kiện khó khăn trong việc rèn chính tả cho học sinh. Riêng ở địa phương ta thì hay mắc các lỗi âm đầu (ch - tr, d -gi, s - x), âm cuối c - t, n ng, vần êt - êch, it - ich ..., thanh hỏi, thanh ngã. Ví dụ : Cây tre -> cây che, bức tranh - > bức chanh, quả mít -> quả mích, giòn giã -> dòn dã, mặt trời -> mặt chời, gỗ tếch -> gỗ tết, ... 4 Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác ảnh hưởng không ít tới việc viết sai chính tả của học sinh như : Giáo viên chưa chú ý thực hiện nguyên tắc chọn bài chính tả theo khu vực, tức là chưa chú ý đến lỗi chính tả phổ biến của từng vùng vì nó gắn chặt với các phương ngữ, khi hướng dẫn chính tả còn sơ sài, chưa phân tích kĩ các từ khó, chưa giải thích đầy đủ, rõ ràng những từ khó trong bài. Từ những đặc điểm tình hình trên, bản thân tôi đã có nhiều suy nghĩ, nghiên cứu, thực hiện các biện pháp để rèn kĩ năng viết chính tả nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. PHẦN II : GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Trong thực tế, lỗi chính tả tiếng Việt rất đa dạng. Trước đây để khắc phục các hiện tượng chính tả của học sinh, ta dựa trên cơ sở là học sinh viết đúng chính tả thì phải phát âm đúng, nhưng từ năm 2000 trở lại cơ sở nêu trên là duy ý chí, không thể thực hiện vì có ảnh hưởng của phương ngữ khác nhau. Vậy để viết đúng (nhưng vẫn tôn trọng bản sắc địa phương) phải hiểu được từ ngữ đó (văn hóa đọc phải cao), phải nhìn thấy từ ngữ đó để viết đúng. Đó là sự xuất hiện của từ trong ngữ cảnh. Để khắc phục những lỗi về chính tả cho học sinh thì trước hết yêu cầu giáo viên phải phát âm chuẩn, chính xác, phát âm theo tiếng địa phương. Bên cạnh đó giáo viên cần phải chú ý : - Luôn luôn nhắc nhở cho học sinh có ý thức viết đúng chính tả, đúng kích cỡ vì nét chữ là nết người. Viết cẩn thận, viết đúng là thể hiện thái độ yêu mến chữ viết, giữ gìn sự thống nhất về mặt chữ viết trong cả nước và tôn trọng người đọc. - Tập phát âm đúng. Phát âm đúng được hiểu là phát âm theo chuẩn, có phát âm đúng thì mới viết đúng - vì chính tả Tiếng Việt là chính tả ghi âm. - Cố gắng nhớ từng chữ một. Kĩ năng ngôn ngữ đòi hỏi phải đạt đến mức tự động cao. Nhiều trường hợp chính tả khó quy về quy tắc hoặc "mẹo". 5 - Cách tốt nhất là phải kiên trì, nhẫn nại học nhớ từng trường hợp. - Nhiều trường hợp chính tả có thể khái quát thành quy tắc phổ quát đơn giản có cơ sở ngữ âm. Một số khác có thể kiểm tra bằng các "mẹo" chính tả. Nhờ các quy tắc, các "mẹo" sẽ giúp ta học nhanh hơn và khi cần có thể kiểm tra lại cách viết của mình. Các biện pháp tiến hành : 1. Biện pháp rèn chính tả ở lớp : Từ đầu năm sau khi khảo sát chất lượng ở lớp, tôi đã phát hiện ra những em viết sai chính tả nhiều. Khi sắp xếp chỗ ngồi, tôi cho những em đó ngồi ở những chỗ mà tôi dễ theo dõi, dễ kiểm tra hoặc ngồi cạnh những em viết chữ đẹp, học khá giỏi. Tôi cố gắng tăng thời gian hướng dẫn các em ngồi đúng tư thế, cách trình bày bài viết cho rõ ràng, sạch đẹp ... a) Hướng dẫn học sinh viết chính tả đoạn, bài : Để hướng dẫn học sinh viết chính tả đoạn, bài có kết quả tốt, tôi đã áp dụng một số biện pháp như sau : - Giúp học sinh nắm được hoặc nhớ lại được nội dung đoạn, bài cần viết. - Giúp học sinh nhận xét về các hiện tượng chính tả đáng chú ý trong bài và tập viết trước những trường hợp dễ viết sai. - Tổ chức cho học sinh viết bài theo đúng tốc độ quy định. - Chấm, chữa bài viết cho học sinh. Khâu hướng dẫn học sinh sửa lỗi cũng là khâu hết sức quan trọng, Giáo viên cần giúp học sinh hiểu cấu trúc của âm tiết tiếng Việt. Vì học sinh không hiểu cấu trúc nội bộ của âm tiết tiếng Việt nên các em thường viết thừa hoặc thiếu con chữ. Ví dụ : - "quét nhà" học sinh viết "quyét nhà" - "khúc khuỷu" học sinh viết "khúc khủy" 6 - "ngoằn ngoèo" học sinh viết "ngoằn ngèo". Trong trường hợp này, giáo viên phải phân tích cho học sinh thấy : - Tiếng "quét " trong từ " quét nhà" phần vần gồm có âm đệm "u", âm chính "e", âm cuối là "t". Vì vậy học sinh viết "quyét" là thừa con chữ "y". - Tiếng "khuỷu" trong từ "khúc khuỷu" có phần vần gồm âm đệm "u", âm chính "y" và âm cuối là 'u". Vì vậy nếu học sinh viết "khủy" là thiếu con chữ "u" thể hiện âm cuối. - Tiếng "ngoèo" trong từ "ngoằn ngoèo" có phần vần gồm âm đệm 'o", âm chính "e" và âm cuối "o". Vì vậy nếu học sinh viết 'ngèo" thiếu con chữ "o" thể hiện âm đệm. b) Hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả âm, vần : Tôi đã áp dụng một số biện pháp như : - Giúp học sinh nắm vững yêu cầu của bài tập bằng cách cho học sinh đọc thầm rồi trình bày lại yêu cầu bài tập, giáo viên giải thích thêm cho rõ nếu thấy cần thiết. Tổ chức cho học sinh thực hiện làm mẫu một phần của bài tập để cả lớp nắm được yêu cầu của bài tập đó. Ví dụ : a) Mỗi cột trong bảng dưới đây ghi một cặp tiếng chỉ khác nhau ở âm cuối n hay ng. Hãy tìm những từ ngữ chứa các tiếng đó. trăn trăng dân dâng răn răng lượn lương Mẫu : trăn trở / ánh trăng b) Thi tìm nhanh : Các từ gợi tả âm thanh có âm cuối ng. Mẫu : oang oang c) Tìm các từ láy theo những khuôn vần ghi ở từng ô trong bảng sau: 1 2 an - at ôn - ôt ang - ac ông - ôc 7 3 un - ut ung - uc Mẫu : man mát, khang khác - Khi tổ chức học sinh thực hiện bài tập, giáo viên cho học sinh làm việc cá nhân hoặc theo cặp, theo nhóm, cho học sinh báo cáo kết quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Giáo viên có thể trao đổi với học sinh, sửa lỗi cho học sinh hoặc tổ chức để học sinh góp ý cho nhau, đánh giá nhau trong quá trình làm bài. Cuối cùng giáo viên sơ kết, tổng kết ý kiến học sinh. - Bài tập trắc nghiệm : Vừa để tạo hứng thú cho các em, vừa để giúp các em nâng cao chất lượng học tập. Nội dung các bài tập trắc nghiệm bám sát các yêu cầu của từng bài học trong sách Tiếng Việt 5 song hình thức bài tập thì rất đa dạng. Qua việc thực hành các bài trắc nghiệm này, học sinh có thể tự luyện tập nhiều nội dung học tập nhằm hiểu kiến thức và thành thạo hơn các thao tác thuộc một kĩ năng đã học, tự luyện tập được khả năng giải thích, nhận xét, sắp xếp ý trong một câu, hoặc một đoạn, một bài ngắn. Ví dụ : * Khoanh tròn vào chữ cái trước những chữ viết đúng chính tả: a. Chim sẽ b. Chim sẻ c. Giải lụa d. Dải lụa e. Ngộ ngĩnh g. Ngộ nghĩnh * Điền chữ Đ vào ô trống trước những chữ viết đúng chính tả và chữ S vào ô trống trước những chữ viết sai chính tả: Rau muốn Rau muống Chải chuốc Chải chuốt Giặc quần áo Giặt quần áo * Nối tiếng ở cột A với tiếng ở cột B để tạo thành những từ viết đúng chính tả: A B bênh trái 8 bên vực bện tật bệnh tóc lên đênh lênh xuống c) Rèn kĩ năng nghe cho học sinh : Do phải thay đổi giáo viên chủ nhiệm nên ở những ngày đầu năm các em chưa quen với cách phát âm của tôi nên đã dẫn đến viết sai nhiều lỗi chính tả thông thường. Vì thế tôi đã dành ra hai tuần đầu để giúp các em nghe được cách phát âm chuẩn, chú trọng vào các tiếng thông thường. Ví dụ : (Đôi) mắt - mắc (cửi), (đi) lên - lênh (đênh) Buồn (vui) - buồng (chuối), nghỉ (hè) - (suy) nghĩ (Cây) tre - che (chở), sung (sướng) - xung (quanh) ... d) Đọc viết chậm, quen dần dẫn đến viết đúng tốc độ : Trong những tiết chính tả của các tuần học đầu, tôi hướng dẫn tỉ mỉ cách viết các chữ khó. Khi đọc, tôi đọc chậm hơn so với yêu cầu, đọc rõ ràng, phát âm chuẩn, sau đó nâng dần tốc độ theo đúng yêu cầu. e) Hướng dẫn học sinh hiểu được nghĩa của từ qua giờ chính tả nghe - viết cũng như chính tả nhớ - viết : Trong giờ chính tả nghe - viết, trước khi viết bài vào vở, tôi đọc toàn bài một lượt cho học sinh nghe. Khi đọc giáo viên cần phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải và phải đọc bằng giọng liên phương ngữ để tạo điều kiện cho học sinh chú ý đến những hiện tượng chính tả cần viết đúng. Cố gắng giúp học sinh hiểu nội dung bài chính tả, hướng dẫn học sinh nhận xét về các hiện tượng chính tả cần chú ý trong bài. Tổ chức cho các em luyện viết những từ dễ viết sai chính tả trên bảng con hoặc vở nháp. Qua đó tôi giúp cho các em biết cách phân tích từ, phân biệt nghĩa của từ đó, cần thiết là đặt từ đó trong câu văn cụ thể để học sinh hiểu thấu đáo hơn. 9 Ví dụ : Để viết đúng từ "giữ", tôi giúp học sinh hiểu nghĩa bằng cách phân tích : giữ = gi + ư + thanh ngã (~). Giải thích : Giữ : (giữ gìn, giữ trẻ, giữ nước) Giữ có nét nghĩa là chăm sóc bảo vệ. Dữ : (chó dữ, thú dữ, dữ dội). Dữ có nét nghĩa là hung bạo. Để học sinh phân biệt rõ nghĩa hơn, ta có thể đặt câu có từ đó : Nhân dân ta quyết giữ vững nền độc lập, tự do. Trong rừng có nhiều thú dữ. Đối với những câu văn dài, giáo viên có thể đọc cho học sinh nghe viết từng cụm từ (cụm từ ấy phải diễn đạt một ý nhỏ). Mỗi câu hay cụm từ được đọc 2 lần : đọc lần đầu chậm rãi, đọc nhắc lại một lần cho học sinh kịp viết theo tốc độ quy định ở lớp 5. Giáo viên không nên đọc quá chậm, làm gián đoạn nội dung thông báo của câu, không nên đọc từng từ riêng lẻ vì như vậy học sinh sẽ thiếu chỗ dựa ngữ nghĩa để xác định cách viết. Cuối cùng, giáo viên đọc toàn bài lần cuối cho học sinh soát lỗi. Ví dụ: Bài chính tả "Dòng kinh quê hương" (Sách Tiếng Việt 5, tập 1 trang 65). Đoạn viết có câu văn dài, giáo viên cần đọc ngắt ra từng cụm từ để học sinh viết : "Vẫn như có một giọng hò đang ngân lên / trong không gian có mùi quả chín,/ một mái xuồng vừa cập bến / có tiếng trẻ reo mừng,/ và sau lưng tôi,/ tiếng giã bàng vừa ngưng lại / thì một giọng đưa em lại cất lên ..." (Theo NGUYỄN THI) Trong giờ chính tả nhớ - viết, giáo viên tổ chức cho học sinh ôn lại đoạn, bài cần viết trước khi viết bằng cách gọi một, hai học sinh đọc thuộc lòng trước lớp ; các học sinh khác nhẩm theo. Hướng dẫn cho học sinh nhận xét về các hiện tượng chính tả cần chú ý rồi tập viết trước vào bảng con hoặc giấy nháp những lỗi dễ viết sai chính tả. 10 Ngoài ra tôi cũng rất chú trọng đến việc chấm và chữa bài chính tả. Mỗi giờ chính tả, tôi thường chọn chấm một số bài của học sinh. Đối tượng được chọn chấm bài ở mỗi giờ là: Những học sinh đến lượt được chấm bài ; những học sinh hay mắc lỗi, cần được rèn cặp thường xuyên. Qua chấm bài, tôi sẽ có điều kiện để rút ra những nhận xét và nêu hướng khắc phục lỗi chính tả cho cả lớp. Sau khi chấm bài xong cho một số học sinh, việc sửa lỗi và cho học sinh tự kiểm tra bài có thể thực hiện theo một trong hai cách sau : - Giáo viên viết toàn bộ bài chính tả trên bảng (bài có thể được chuẩn bị sẵn trên bảng gấp, bảng quay) hoặc chiếu bằng máy chiếu lên màn hình, chỉ dẫn cách viết những chữ dễ sai chính tả để học sinh rà soát bài làm của mình. - Giáo viên đọc từng câu, có chỉ dẫn cách viết những chữ dễ sai chính tả để học sinh tự rà soát bài của mình, sau đó đổi vở cho bạn để giúp nhau soát lỗi trong bài. Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả âm, vần, giáo viên cần căn cứ vào đặc điểm phát âm và thực tế viết chính tả của từng học sinh hoặc nhóm học sinh ở lớp mình để chọn bài tập nhỏ thích hợp cho học sinh, giúp học sinh nắm vững yêu cầu của bài tập, giúp học sinh chữa một phần của bài tập làm mẫu, tổ chức cho học sinh làm bài và báo cáo kết quả, chữa bài. Về hình thức các âm, vần, thanh dễ lẫn được luyện viết thông qua những kiểu bài tập sau : + Điền âm, vần vào chỗ trống hoặc điền thanh trên chữ chưa đánh dấu thanh trong câu, đoạn văn hoặc bài văn. Ví dụ : Tìm một vần có thể điền vào cả 3 chỗ trống dưới đây : Chăn trâu, đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít, gió đông thì nh........ Mải mê đuổi một con d......... Củ khoai nướng để cả ch......... thành tro. + Điền tiếng vào chỗ trống trong câu, đoạn văn hoặc bài văn. Ví dụ : Tìm tiếng có vần "uyên" thích hợp với mỗi ô trống sau : 11 Chỉ có mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biếât đi đâu, về đâu. + Chọn tiếng thích hợp để hoàn chỉnh đoạn văn, bài văn. Ví dụ : Tìm tiếng mở đầu bằng ch hoặc tr vào từng chỗ trống để hoàn chỉnh đoạn văn sau : Mỗi câu hát của bà thường đưa tôi tới những câu ..............(1) ngày xưa, dần dà, ................. (2) về .............. (3) ngày nay. ................. (4) mưa, có bài mưa. ................ (5) nắng, có bài nắng. Nào con tôm cất vó, nào con bống thổi cơm, nào con cò đi ................ (6), con mèo ............... (7) cây cau. Sao con tôm ............. (8) khó thế ? Sao cái bống bé tí mà ngoan ? Sao con cò lại vất vả ? Sao con mèo thích ............... (9) cây cau ? Hình như bà yêu cái bống nhất, bà thương con cò nhất ! + Tìm từ phù hợp với hình thức chính tả và nghĩa đã cho. Ví dụ : Tìm các từ ngữ có tiếng chứa vần ghi trong bảng sau : uôt uôc ươt ươc iêt iêc + Phân biệt các chữ viết đúng chính tả với các chữ viết sai chính tả. Ví dụ : Tìm những từ ngữ nào viết đúng chính tả : a. chanh chua b. bức tranh c. chiến tranh d. lanh chanh e. chanh giành g. cỏ tranh h. nhà tranh i. chanh chấp. hoặc : Tìm những từ ngữ nào viết sai chính tả : a. quý báu b. hổ báo c. tố cáo d. cáu kỉnh e. thuộc làu g. mào gà h. mào xanh i. nhào nát + Tìm những tiếng thích hợp với mỗi ô trống có thanh hỏi hay thanh ngã. 12 Lịch sử bấy giờ ngắn hơn. Thấy điểm kết môn Lịch - Ngày ông đi học, ông toàn được Thế mà bây giờ điểm Cháu suy của cháu thấp quá, ông : 9, điểm 10 môn Lịch sử. kết môn Lịch sử của cháu được có 5,5. sao đây ? Cháu đáp : - Nhưng thời ông đi học thì lịch sử ngắn hơn bây giờ ạ. + Ngoài ra giáo viên có thể đưa ra một số dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể như : Bài tập chọn lọc : Chọn từ thích hợp trong ngoặc đơn để điền vào chỗ trống trong câu sau : a) Em bé đang uống ......... . (sửa, sữa) b) Đôi ........ này đế rất ......... . (dày, giày) c) Sau khi ........ con, chị ấy trông thật ........... . (xinh, sinh) d) Lan thích nghe kể ............. hơn đọc .............. . (truyện, chuyện) e) Trời nhiều ......... gió heo ......... lại về. (may, mây) Bài tập điền khuyết : Điền vào chỗ trống : s / x : san ...ẻ, ...ẻ gỗ, ...uất khẩu, năng ...uất. ươn / ương : con l......., tiền l........., v.......... vấn, v..........thở. an / ang : g........ tấc, tim g........, miên m........., mênh m.......... + HS có thể ghi vào sổ tay chính tả các lỗi chính tả thường mắc và cách sửa những lỗi ấy. Đóù cũng là một cách để giúp các em khắc phục dần những lỗi chính tả của mình. g/ Sửa lỗi chính tả theo nhóm : Để phát huy cao hơn tinh thần tự giác học tập của các em, tôi còn áp dụng biện pháp sửa lỗi chính tả theo nhóm. Tôi chia các học sinh thường hay 13 mắc cùng loại lỗi chính tả thành một nhóm và dùng ngay tên lỗi chính tả đó đặt tên cho nhóm (nhóm viết hoa, nhóm âm đầu, nhóm âm cuối ...). Mỗi nhóm sẽ do một em có học lực khá, giỏi trong lớp phụ trách. Dưới sự gợi ý, dẫn dắt của giáo viên, nhóm trưởng sẽ hướng dẫn các bạn trong nhóm phát hiện các lỗi chính tả trong bài viết và cùng các bạn thống nhất cách sửa các lỗi đó. Các nhóm sẽ thi đua với nhau để xóa được tên nhóm (tức là khi mà số lỗi hay mắc đã giảm hơn một nửa) và nhóm nào xóa được tên nhóm trước thì sẽ được biểu dương trước lớp và sẽ có giải thưởng của lớp, của giáo viên hoặc của hội phụ huynh. Ngoài ra tôi còn chú trọng rèn luyện khả năng phối hợp các hành động nghe, nhìn, phát âm chuẩn, nhớ và viết. Trong một tuần chỉ có một tiết chính tả, với thời gian ít ỏi này tôi thường chú ý nhiều hơn đến các em yếu để phát hiện, sửa chữa kịp thời qua khâu luyện viết trên bảng con. Không những thế, ngay cả khi giảng những môn học khác, tôi cũng thường xuyên lưu ý nhắc nhở các em cách viết cho đúng chính tả. Nói chung, tuy chia ra các biện pháp như vậy, nhưng trong thực tế, người giáo viên phải có sự kết hợp hài hòa, cân đối và vận dụng các biện pháp một cách linh hoạt, sáng tạo tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể vì cũng không thể có một biện pháp nào là vạn năng cả. Mục đích cuối cùng ở đây là rèn cho các em tính cẩn thận, trình bày bài học, bài làm sáng sủa, sạch, đẹp, ghi chép đầy đủ và chính xác. Để việc rèn kĩ năng viết chính tả không lấn thời gian học các môn học khác, tôi đã đề ra các biện pháp rèn chính tả ở nhà. 2. Biện pháp rèn chính tả ở nhà: Ngay từ đầu năm học tôi đã yêu cầu mỗi em phải có một quyển vở rèn chính tả ở nhà. Cứ sau mỗi tiết học Tập đọc, tôi dặn các em về nhà viết lại một đoạn theo quy định để rèn chữ viết và ghi nhớ từ, nhất là một số từ khó trong bài. Sau mỗi tiết Chính tả, những em viết sai lỗi nào sẽ phải viết lại vào vở này những lỗi của những chữ đó, mỗi chữ 2 - 3 dòng. Đối với những em có điểm chính tả dưới 5 thì phải chép lại toàn bộ bài chính tả đó. Nhiệm vụ 14 này được coi như là một phần của bài tập về nhà. Đến buổi học sau, trong giờ truy bài tôi sẽ kiểm tra toàn bộ các vở rèn chính tả, tuyên dương kịp thời những em đã thực hiện đầy đủ và có tiến bộ đồng thời nhắc nhở, phê bình những em chưa thực hiện tốt. Ngoài ra tôi còn hướng dẫn, vận động các em tìm đọc thêm trong sách giáo khoa, truyện thiếu nhi, báo chí ... để các em thuộc và nhớ thêm các từ. Từ đó khi viết, các em sẽ ít mắc lỗi chính tả hơn và câu văn cũng trôi chảy, rõ nghĩa hơn. Trong thời gian học tập ở nhà, cách tổ chức học theo nhóm cũng là một biện pháp để rèn kĩ năng viết chính tả cho học sinh. Những nhóm này thường gồm các em ở gần nhau, có điều kiện học cùng nhau. Trong mỗi nhóm, em có học lực khá nhất sẽ phụ trách. Mỗi buổi học ở nhà sẽ có một tiết rèn chính tả, một em sẽ đọc một đoạn văn cho các bạn trong nhóm viết, sau đó cả nhóm sẽ mở sách ra đối chiếu, sửa và viết lại những từ đã viết sai. Thời kỳ đầu, giáo viên cần tăng cường kiểm tra, theo dõi và động viên kịp thời. Sau này khi các em đã thành nếp thì nhóm trưởng sẽ chịu trách nhiệm báo cáo lại với lớp trưởng trước giờ truy bài, lớp trưởng sẽ phản ánh lại cho giáo viên biết vào đầu giờ học. 3. Biện pháp dùng "mẹo" để nhớ một số từ khó : - Đặt các từ thành câu có vần điệu để dễ nhớ : Ví dụ : Tai nghe i ngắn bạn ơi Bàn tay là chữ y dài chớ quên. Hay : Cái bàn chữ cuối âm nờ (n) Cây bàng chữ cuối âm ngờ (ng) đừng quên. - Mẹo tương ứng thanh điệu trong từ láy : Từ láy tiếng Việt gồm hai tiếng luôn có sự tương ứng về thanh điệu. Một từ láy hai tiếng các dấu thanh bao giờ cũng cùng một nhóm : huyền, ngã, nặng và không, hỏi, sắc. Có thể dạy cho học sinh dễ dàng nhớ mẹo này qua câu lục bát : Chị Huyền mang nặng ngã đau Hỏi không sắc thuốc lấy đâu mà lành. 15 Theo mẹo này, nếu gặp một tiếng mà ta còn lưỡng lự không biết là dấu gì thì hãy thử tìm từ láy với tiếng đó. Nếu từ kia có dấu huyền hoặc nặng thì nó có dấu ngã. Ví dụ : nũng nịu, rộng rãi, lộng lẫy, sạch sẽ, vội vã, ngộ nghĩnh, .... Nếu từ kia có dấu sắc hoặc dấu không thì nó có dấu hỏi. Ví dụ : ngớ ngẩn, vớ vẩn, sáng sủa, bảnh bao, nhỏ nhen, lanh lảnh, ... - Mẹo theo tiếng cùng gốc hay gần nghĩa : Các tiếng cùng gốc hay gần nghĩa với nhau sẽ mang dấu cùng nhóm với nhau. Chẳng hạn : Nhóm huyền - ngã : cùng - cũng, dẫu - dầu, mõm - mồm. Nhóm hỏi - không - sắc : phản - ván, bảo - báo, quẳng - quăng ... Các lỗi về phụ âm đầu : + Lẫn lộn giữa tr / ch : Có thể dùng mẹo láy âm : Trong tiếng Việt, ch láy âm với các phụ âm khác (trừ 4 trường hợp ngoại lệ đều láy âm với phụ âm : trọc lóc, trụi lũi, trót lọt, trẹt lét). Như vậy, nếu gặp tiếng còn phân vân giữa tr hay ch mà có thể láy âm với các phụ âm khác thì đó là ch (trừ 4 ngoại lệ trên). Ví dụ : cheo leo, lanh chanh, loạng choạng, lởm chởm, ... + Lẫn lộn giữa s / x : Mẹo láy âm : Ví dụ : bờm xờm, lòa xòa, lao xao, xích mích ... chứ không viết : bờm sờm, lòa sòa, lao sao, sích mích. Mẹo kết hợp âm đệm : s không đi với 4 vần : oa, oă, oe, uê. Nên khi gặp 4 vần này ta phải viết là x. Ví dụ : xoa tay, xoay xở, tóc xoăn, xoèn xóet, xuề xòa ... Ngoại lệ : soát vé, soạn bài, kiểm soát, sửa soạn. Mẹo nhóm nghĩa : Tên các thức ăn, đồ uống đều viết x. Ví dụ : xôi, xúc xích, xà lách ... Ngoài ra giáo viên còn chú ý giúp cho học sinh nắm vững được "luật chính tả". Nội dung của "luật chính tả" được thể hiện trong các chữ này là : 16 - Khi đứng trước các nguyên âm hàng sau (ví dụ : o, ô, u, uô ; a, ă, â, ơ, ư, ươ ...) thì : + Phụ âm đầu "cờ" được viết bằng con chữ "c" + Phụ âm đầu "gờ" được viết bằng con chữ "g" + Phụ âm đầu "ngờ" được viết bằng con chữ "ng". - Khi đứng trước các nguyên âm hàng trước (ví dụ : i, ê, iê, e ...) thì : + Phụ âm đầu "cờ" được viết bằng con chữ "k" + Phụ âm đầu "gờ" được viết bằng con chữ "gh" + Phụ âm đầu "ngờ" được viết bằng con chữ "ngh". Với những biện pháp trên, tôi đã hình thành cho học sinh thói quen viết đúng chính tả ở lớp cũng như ở nhà. Khi đã hình thành được thói quen viết đúng, viết đẹp, các bài viết văn, chính tả của các em sẽ trình bày rõ ràng, sáng sủa và sạch đẹp hơn nhiều. Nó sẽ tạo ra thêm hứng khởi cho giáo viên và cũng tạo ra nhiều hứng thú đối với học sinh, các em sẽ có ý thức hơn trong việc viết bài nói riêng và học tập nói chung. Đồng thời cũng tạo cho học sinh tính tích cực học tập nhằm đáp ứng với việc thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Với sự nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, sự cố gắng phấn đấu vươn lên của các em học sinh, kết quả học tập nói chung và kết quả phân môn Chính tả nói riêng của lớp tôi đã được nâng lên rõ rệt. PHẦN III : KẾT QUẢ - BÀI HỌC KINH NGHIỆM Thống kê một số bài viết chính tả cuối kỳ của học sinh để đối chiếu với kết quả khảo sát ban đầu, tôi có kết quả cụ thể như sau : Các bài viết khảo sát : - Chính tả (nghe - viết) : + Bài Chuỗi ngọc lam (Tiếng Việt 5, tập I, trang 134). + Bài Về ngôi nhà đang xây (Tiếng Việt 5, tập I, trang 148). 17 - Chính tả (nhớ - viết) : + Bài Hành trình của bầy ong (Tiếng Việt 5, tập I, trang 117). Kết quả khảo sát qua 99 bài : STT 1 2 3 4 5 Số lượng lỗi Không có lỗi nào Từ 1 - 2 lỗi Từ 3 - 5 lỗi Từ 6 -10 lỗi Trên 10 lỗi Số lượng bài 27 52 12 8 0 Tỉ lệ,% 27,3 52,5 12,1 8,1 0 Qua kết quả trên chứng tỏ học sinh đã có tiến bộ rất nhiều trong khi viết chính tả. Đa số các em đã nắm được quy tắc viết chính tả và đã đạt được yêu cầu về kĩ năng viết chính tả theo chương trình quy định. Từ thực tế nêu trên, tôi rút ra một số kinh nghiệm sau : - Bản thân giáo viên cần thường xuyên học tập, bồi dưỡng để nâng cao khả năng phát âm chuẩn và trình độ chính tả bởi vì giáo viên luôn là tấm gương, là mẫu cho các em học sinh noi theo. - Cần thiết và sử dụng hợp lý các phiếu bài tập cho từng loại đối tượng học sinh để tăng cường sự luyện tập thực hành. - Giáo viên cần phải cung cấp cho học sinh quy tắc viết chính tả và rèn luyện để các em có kĩ năng, thói quen viết đúng chính tả. - Phải rèn luyện cho học sinh một số phẩm chất quan trọng như : tính cẩn thận, óc thẩm mĩ, ... ; bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu tiếng Việt và cách biểu thị tình cảm đó trong việc viết đúng chính tả. - Sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của giáo viên cùng với sự động viên, khuyến khích, tuyên dương và nhắc nhở kịp thời cũng là một biện pháp quan trọng để duy trì và phát huy nề nếp học tập nói chung và rèn kĩ năng viết chính tả nói riêng. 18 - Trong quá trình giảng dạy, mỗi giáo viên phải luôn luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với hoàn cảnh, với đối tượng học sinh vì không có phương pháp nào là vạn năng cả. Tạo không khí học tập vui tươi, nhẹ nhàng cũng là biện pháp giúp các em có sự say mê, hứng thú trong học tập. Làm được như vậy, tôi nghĩ chắc chắn việc dạy - học sẽ đạt hiệu quả cao. Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm của bản thân tôi qua quá trình giảng dạy. Với kết quả đạt được như vậy, tôi còn phải tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ, trao đổi, nghiên cứu để có thêm những biện pháp hay hơn, hoàn thiện hơn. Rất mong được sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp để bản thân tôi ngày càng có kinh nghiệm nhiều hơn trong công tác chuyên môn. 19 Tài liệu tham khảo : + Nguyễn Thị Hạnh, Bài tập trắc nghiệm Tiếng Việt 5, NXB Giáo dục, 2006. + Lê Phương Nga - Đỗ Xuân Thảo - Lê Hữu Tĩnh, Giáo trình phương pháp dạy học Tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2001. + Nguyễn Minh Thuyết, Sách giáo khoa và Sách giáo viên Tiếng Việt 5, NXB Giáo dục, 2006. + Võ Xuân Trang, Muốn viết đúng dấu hỏi - dấu ngã, NXB Trẻ, 1999. + Thế giới trong ta, CĐ 47+48-2006. + Thế giới trong ta, CĐ 50+51- 4+5/2006. + Thế giới trong ta, CĐ 73-3/2008. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan