Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Skkn giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường thpt...

Tài liệu Skkn giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường thpt

.DOC
18
1042
124

Mô tả:

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐỀ TÀI: "GIÁO DỤC Ý THỨC TỰ QUẢN CHO HỌC SINH LỚP 10 Ở TRƯỜNG THPT" Phần I: ĐẶT VẤN ĐỀ : 1.Lí do chọn đề tài: Đất nước ta đang trên đà đổi mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vây, Đảng và Nhà nước đang đặc biệt chú trọng tới sự phát triển của giáo dục.Và một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục hiện nay là hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh một cách toàn diện. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện ? Tôi thiết nghĩ , khâu quan trọng là vấn đề giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường THPT. 2. Mục đích nghiên cứu - Trên cơ sở tìm hiểu các đặc điểm của học sinh THPT, các nội quy nhà trường đề ra một số biện pháp giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường THPT.Từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục học sinh. 3. Đối tượng nghiên cứu - Học sinh lớp 10D trường THPT Ba Đình- Nga Sơn- Thanh hoá. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu - Biện pháp nâng cao hiệu quả việc giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường THPT. 5. Giả thuyết khoa học. Nếu áp dụng được việc giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường THPT vào lớp học thì nề nếp lớp sẽ tốt lên, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, có hiệu quả. 6. Phương pháp nghiên cứu. - Nghiên cứu lí thuyết: Đọc, phân tích tài liệu. - Thực nghiệm sư phạm. PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. 1. Cơ sở lí luận. Để giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 ở trường THPT , tôi đã căn cứ vào các văn bản sau: - Luật giáo dục 2005 có sửa đổi 2009 - Chương II của quy chế 40 của Bộ giáo dục và đào tạo: + Điều 3 căn cứ đánh giá, xếp loại các loại hạnh kiểm. + Điều 4 tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm. - Điều lệ trường THPT: + Điều 38 nhiệm vụ của học sinh. + Điều 39 quyền học sinh. + Điều 40 hành vi, ngôn ngữ, trang phục, ứng xử của học sinh. + Điều 41 các hành vi học sinh không được làm, điều 42 khen tưởng và kỉ luật. -Ngoài ra, tôi còn căn cứ vào mục tiêu giáo dục của nước ta hiện nay là phát triển toàn diện nhân cách học sinh bao gồm: Đức, trí, thể, mĩ. Trong đó yếu tố Đức được đặt lên hàng đầu. Vì vậy mà việc quản lí, giáo dục học sinh là điều quan trọng hàng đầu. 2. Cơ sở thực tiễn: Chúng ta ai cũng biết, lứa tuổi học sinh lớp 10-THPT về đặc điểm tâm lý hết sức điển hình. Đây là thời kỳ quá độ chuyển từ trẻ em sang giai đoạn người lớn. Những đặc điểm tâm lý, trình độ hiểu biết, vốn sống của học sinh lớp 10-THPT còn nhiều hạn chế.Bởi vậy, không thể không nói tới vai trò của giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT, Để làm tốt điều này, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện tốt những nhiệm vụ của một thầy cô giáo, phải nắm được đường lối, quan điểm, lí luận giáo dục. Đồng thời giáo viên chủ nhiệm phải tham gia các hoạt động chính trị xã hội tốt hơn, phải rèn luyện ở mức cao hơn. Đó là trách nhiệm ,nghĩa vụ và cũng là vinh dự vì học sinh của sự nghiệp trồng người. 3. Thực trạng của vấn đề: Lứa tuổi học sinh lớp 10-THPT- đó là lứa tuổi ưa hoạt động, ham hiểu biết. Các em không chỉ ao ước khám phá bí mật của thế giới xung quanh, mà còn rất muốn khám phá ra chính mình .Hơn nữa, trong mọi hoạt động hàng ngày, không em nào không nảy sinh ý thức muốn khẳng định mình và tìm cách hòa mình với tập thể. Các em rất cần tự biết mình là ai.Vì vậy, giáo dục ý thức tự quản không những thỏa mãn nét tâm lí phổ biến của các em, mà còn giúp các em có cơ hội để nuôi dưỡng, rèn luyện và phát triển theo hướng tích cực. Đối với các em học sinh lớp 10 ở trường THPT Ba Đình: một phần được tuyển sinh từ trườngTHCS Chu Văn An (trường trung tâm của huyện), còn phấn đông là từ các trương THCS ở các xã trong huyện- Các em chưa đi ra ngoài nhiều,chưa được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên còn nhiều bỡ ngỡ, hành động còn bồng bột…rất cần người thầy định hướng, giáo dục. 4. Thế nào là ý thức tự quản? Tầm quan trọng của ý thức tự quản đối với học sinh lơp10 ở trường THPT Ba Đình: * Nói đến ý thức tự quản là nói đến tính tự giác của mỗi học sinh ,của tập thể học sinh. Tự giác thực hiện nội quy, quy định của trường học, của đoàn thể, của lớp.Giám sát lẫn nhau xây dựng phong trào mọi người tự quản tốt sẽ có tập thể tự quản tốt dưới sự hướng dẫn, cố vấn của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp. Thực chất của việc giáo dục ý thức tự quản cho học sinh là quá trình từng bước chuyển hóa tâm huyết, nhiệt tình của thầy cô thành ý thức tự giác đầy trách nhiệm và hứng thú của học trò, biến lớp học của những cá nhân thành một tập thể học sinh biết tự quản. Đối với các em học sinh lớp 10 ở trường THPT Ba Đình, vấn đề giáo dục ý thức tự quản cho các em là mục tiêu, nhiệm vụ của năm học.Bởi trong tổng số 12 lớp khối 10 thì có tới 11 lớp học theo ban KHTN. Việc phân công công tác chủ nhiệm của nhà trường không phải lớp nào cũng là giáo viên giảng dạy các môn tự nhiên để có điều kiện sát sao lớp.Bản thân tôi gảng dạy bộ môn xã hội, được nhà trường giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp trái ban, tôi nhận thấy đó là một trọng trách lớn.Do vậy, việc giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 được tôi đặt lên hàng đầu trong công tác chủ nhiệm lớp. 5. Một số giải pháp và cách tổ chức thực hiện: * Việc giáo dục ý thức tự quản cho học sinh lớp 10 là việc làm cần thiết của bất kì GVCN nào. Vì GVCN không thể ôm đồm làm thay mọi việc của học sinh và không phải lúc nào chủ nhiệm cũng có mặt trên lớp để chỉ đạo những công việc thường ngày của lớp. Mặt khác, sự quá nhiệt tình của GVCN lúc nào cũng hiện diện ở lớp sẽ khiến cho học sinh nảy sinh tâm lí ỷ lại, trông chờ ở GVCN, thiếu trách nhiệm với bản thân và với tập thể, làm lu mờ vị trí, vai trò của chính các em ngay tại ngôi nhà mà các em là chủ nhân đang sống và gắn bó. Cần phải làm cho học sinh nhận thức được rằng tập thể lớp chính là ngôi nhà nhỏ của chính các em. Chính các em chứ không phải ai khác là người có trách nhiệm gắn bó xây dựng, tô điểm ngôi nhà thân thương của mình, làm cho nó ngày càng đàng hoàng hơn, đẹp lên trong mắt mọi người. Trong quá trình ấy, GVCN chỉ là người đóng vai trò cố vấn, điều khiển từ xa. Vì vậy, không có con đường nào khác, GVCN phải giáo dục ý thức tự quản cho học sinh ngay từ khi các em đang học lớp 10- lớp đàu tiên của khối THPT. *Vậy giáo dục ý thức tự quản được tiến hành như thế nào? Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, khi được phân công làm chủ nhiệm, tôi tiến hành làm các công việc như sau: -Công việc thử nhất: Thu thập thông tin cá nhân của từng HS và phân tổ, nhóm trong lớp. Ngay từ đầu năm học, mới nhận lớp, tôi đã tiến hành thu thập thông tin và nghiên cứu sơ yếu lí lịch trích ngang của tất cả học sinh. Cụ thể tôi đã tìm hiểu: - Kết quả xếp loại học tập, hạnh kiểm, những sở trường, năng khiếu, tính cách của các em từ học bạ ở các lớp dưới. - Trên cơ sở đó, tôi tiến hành phân học sinh theo tổ . Giữa các tổ có sự đồng đều về số lượng, tương đương về giới tính, về xếp loại học tập và hạnh kiểm cũng như nơi ở. Sau đó các thành viên trong tổ họp lại bầu một bạn có uy tín làm tổ trưởng. - Công việc thứ hai:Thành lập ban cán sự lớp: Đây là một việc hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của việc giáo dục ý thức tự quản nói riêng và công tác chủ nhiệm nói chung. Để làm công việc này không thể không nghiên cứu kĩ lí lịch trích ngang, thăm dò ý kiến HS trong lớp, tham khảo ý kiến của GVBM. Trên cơ sở đó, chọn ra 05 hạt nhân tích cực nhất hội tụ đầy đủ cả đức và tài cho 5 chức danh làm nên bộ khung BCS lớp gồm 01 lớp trưởng và 4 lớp phó phụ trách các mảng hoạt động của lớp suốt cả năm học. GVCN giao công việc cụ thể gắn với trách nhiệm từng HS . BCS chịu trách nhiệm trước GVCN về công việc được giao. Cụ thể: + Lớp phó học tập đảm nhiệm công việc liên quan đến mặt học tập như: chữa bài tập, theo dõi tình hình học tập của lớp; + Lớp Phó lao động phụ trách mảng lao động có nhiệm vụ phân công công việc,đôn đốc, nhắc nhở các tổ trực nhật làm vệ sinh hàng ngày trong lớp học, trong khuôn viên trường theo qui định. + Lớp Phó văn thể phụ trách hoạt động văn nghệ, thể thao, trang trí lớp; + Lớp Phó nề nếp có nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở các thành viên trong lớp thực hiện nội qui của trường, của lớp; + Lớp trưởng là linh hồn của lớp, là người điều hành BCS lớp, quản lí mọi mặt của lớp khi không có GVCN. Thành viên nào không chấp hành mệnh lệnh của lớp trưởng được xem như không chấp hành mệnh lệnh của GVCN và đương nhiên phải được xem xét đánh giá về mặt đạo đức. - Công việc thứ ba: Xây dựng nội qui lớp Để có thể xây dựng được lớp học tự quản có hiệu quả không thể không nói tới việc xây dựng nội qui lớp. Nội qui này được xây dựng trên cơ sở của nội qui Bộ GD-ĐT và nội qui nhà trường và được tập thể lớp nhất trí thông qua. Trên cơ sở đó, GVCN và BCS lớp thành lập bảng điểm thi đua của từng cá nhân. Bản nội qui của lớp và bảng điểm thi đua của từng học sinh được sự đồng ý của phụ huynh học sinh.Cụ thể: NỘI QUY LỚP 10D Năm học 2011 – 2012. I. Các tiêu chí thực hiện : 1. Về học tập. - Tất cả HS có đầy đủ sách giáo khoa, sách bài tập, vở ghi, dụng cụ học tập cho từng môn học theo quy định của giáo viên bộ môn. - Phải chuẩn bị bài chu đáo trước khi lên lớp bao gồm: học bài cũ ở nhà, làm bài tập đầy đủ, xem trước bài mới. - Trong giờ học luôn có tinh thần hăng say xây dựng bài, không chây lười, ỷ lại. 2. Về nề nếp. - Không xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường - Thực hiện đi học đúng giờ. Đúng trang phục nhà trường quy định. - Trong giờ học không làm việc riêng, nói chuyện, đánh nhau, ngủ gật… làm ảnh hưởng tới lớp. - Ra chào cờ, tập thể dục giữa giờ các ngày thứ 2,4,6 nhanh nhẹn, đúng giờ, không ra muộn không được ở lại lớp học. (Chỉ cử 1 bạn ở lại coi lớp là người làm trực nhật buồi hôm đó). - Không nói tục, chửi bậy, gây gổ, đánh nhau hoặc có những hành vi không phù hợp trong trường học. 3. Về lao động, vệ sinh. - Thực hiện vệ sinh lớp học theo sự phân công của GVCN và cán bộ lớp, không làm ẩu, làm bẩn, làm chậm. - Các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần tiến hành lao động theo khu vực lớp đã được giao, không được ra làm muộn. Làm xong phải mang dụng cụ vào lớp học (HS nào làm mất sẽ phải đền bù cho lớp). - Các buổi lao động cộng sản phải tham gia đầy đủ trừ trường hợp ốm đau, có lí do chính đáng thì phải viết đơn xin nghỉ có ý kiến phụ huynh, nạp trực tiếp cho GVCN. Trên cơ sở trên, lớp đưa ra một số tiêu chí, cộng và trừ điểm cùng với một số hình thức khen thưởng, kỉ luật học sinh. Mỗi tuần, mỗi bạn sẽ có 100 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm, làm tốt sẽ được cộng điểm. II. Cách cộng điểm 1. Học tập: Với tất cả các môn nếu xây dựng bài tốt hoặc làm bài kiểm tra được 9 điểm thì sẽ cộng thêm 5 điểm cho mỗi con điểm 9. Nếu được 10 điểm sẽ cộng thêm 10 điểm. 2. Lao động vệ sinh: - Tổ nào hoặc thành viên nào làm tốt sẽ được cộng như sau: Đối với tổ: cộng 3 điểm trên 1 thành viên, cá nhân: làm tốt thì cộng 5 điểm trên 1 thành viên - Trường hợp bạn bị ốm hoặc có lí do khác mà không làm được vệ sinh mà làm giúp bạn thì được cộng thêm 5 điểm III. Cách trừ điểm. 1. Học tập: - Nếu bị điểm kém dưới 5 điểm thì bị trừ điểm cụ thể như sau: Điểm từ 0-2 bị trừ 10 điểm/ 1 con điểm Điểm từ 3-4 bị trừ 7 điểm/ 1 con điểm. - Nếu làm bài tập thiếu trừ 3 điểm/ trên 1 bài. Chưa làm trừ 8 điểm. 2. Nề nếp. - Đi học muộn, vào giờ muộn, tập thể dục và chào cờ muộn trừ 5 điểm. - Bỏ giờ, bỏ tiết, nghỉ học không lí do hoặc không có ý kiến phụ huynh, trừ 15 điểm. - Trang phục không đúng quy định -5 điểm. - Trong giờ học, làm việc riêng, nói chuyện riêng, nghịch, đánh nhau mà tổ trưởng theo dõi được thì tổ trưởng trừ mỗi bạn đó 5 điểm. Nếu vi phạm mà bị giáo viên nhắc nhở hoặc ghi vào sổ đầu bài thì trừ 15 điểm. 3. Lao động: - Vệ sinh lớp học, lao động theo khu vực được giao vào thứ 3,5,7 làm bẩn hoặc bị nhắc nhở trừ 5 điểm trên mỗi học sinh, không làm thì trừ 15 điểm. IV. Khen thưởng và kỉ luật. Cuối tuần, các tổ trưởng trực tiếp tính điểm cho mỗi thành viên trong tổ, lớp trưởng, bí thư, lớp phó học tập, lớp phó lao động theo dõi chung báo cáo lại cho GVCN vào buổi sinh hoạt hàng tuần. Các thành viên trong tổ tính điểm cho mình và đối chiếu với phần tính điểm của tổ trưởng để tránh sai sót. 1. Kỉ luật. * Nếu điểm < 90 thì học sinh đó phải khắc phục ngay những khuyết điểm đã mắc phải đồng thời bị phạt trực nhật 1 tuần. - Về hạnh kiểm trong tháng: + Nếu trong tháng có 2 tuần điểm từ 81-90 thì học sinh bị xếp hạnh kiểm khá. + Nếu 3 tuần điểm 81-90 thì học sinh đó bị xếp loại hạnh kiểm trung bình + Nếu 4 tuần điểm từ 81-90 thì học sinh đó bị xếp loại yếu. * Nếu điểm < 80 thì phải khắc phục ngay khuyết điểm đồng thời phạt trực nhật 2 tuần và GVCN trực tiếp gọi điện thoại về thông báo cho phụ huynh. - Về hạnh kiểm trong tháng: + Nếu trong tháng có 1 tuần có điểm <80 thì bị xếp hạnh kiểm khá, + Nếu trong tháng có 2 tuần có điểm <80 thì bị xếp hạnh kiểm loại trung bình, + Nếu trong tháng có 3 tuần trở lên có điểm <80 bị xếp hạnh kiểm loại yếu. * Việc xếp loại hạnh kiểm của từng tháng sẽ là cơ sở cho xếp loại hạnh kiểm cả kì như sau: - Điểm trung bình trong học kì <80 không được xếp hạnh kiểm loại khá. - Điểm trung bình trong học kì từ 81-90 không được xếp hạnh kiểm loại tốt. - Điểm trung bình trong học kì > 90 trở lên xếp hạnh loại tốt. - Nếu có những vi phạm nghiêm trọng (ví dụ đánh nhau gây thương tích...) thì vẫn có thể không căn cứ vào điểm trung bình để xếp loại hạnh kiểm mà GVCN chuyển lên hội đồng kỉ luật nhà trường xử lí. 2. Khen thưởng: + Nếu điểm >100 thì học sinh đó được cộng cho tháng sau 3 điểm. + Nếu điểm từ 115 trở lên thì học sinh đó sẽ được miễn trực nhật trong tháng. Đặc biệt, nếu lọt vào tốp 3 người có số điểm cao nhất trong tháng thì sẽ được hội phụ huynh lớp trao thưởng. + Nếu được nhà trường tuyên dương, khen thưởng thì được cộng 5 điểm cho tháng sau, được miễn trực nhật trong tháng đó và được lớp tặng 1 món quà. + Ngoài ra, nếu học sinh nào có sáng kiến nâng cao chất lượng học tập hoặc nề nếp thì sẽ được hội phụ huynh trao thưởng như tốp 3 học sinh có điểm cao nhất của tháng. Trong mỗi tháng sẽ bình chọn một bạn thuộc ban cán sự lớp có kết quả rèn luyện tốt và đưa nề nếp lớp tiến bộ Như vậy, một tập thể có ý thức tự quản tốt hay không trước tiên phụ thuộc vào ý thức của các thành viên trong lớp và sự hoạt động tích cực của BCS lớp. Vậy làm thế nào để BCS lớp hoạt động có hiệu quả? - Sau khi đã thực hiện ba công việc trên , đã tạo nền tảng cho việc xây dựng lớp tự quản của mình thì GVCN phải tin tưởng, trao quyền làm chủ tự quản lớp cho BCS lớp. Hàng tuần, hàng ngày GVCN có gặp gỡ, trao đổi với BCS lớp để nắm thông tin, làm công tác cố vấn, tháo gỡ những vướng mắc cho CB lớp. Nhìn chung GVCN chỉ nên điều hành từ xa trừ những công việc học sinh không thể làm thay CN được. + Về phía CB lớp, GVCN cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu mỗi thành viên trong BCS lớp phải thực sự gương mẫu trong mọi hoạt động. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ của một người học sinh, cán bộ lớp phải xung phong, đứng mũi chịu sào trong các hoạt động chung của lớp, của trường và Đoàn thanh niên. + Hàng ngày CB lớp và tổ trưởng nhắc nhở, có sổ ghi chép việc theo dõi các thành viên trong tổ, trong lớp (coi trọng lấy nhắc nhở làm chính để ngăn ngừa vi phạm nội qui). + Vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, CN giao quyền cho tổ trưởng và BCS lớp tiến hành nhận xét, tuyên dương kịp thời, phê bình đối với các thành viên trong tổ, trong lớp một cách công khai. Trên cơ sở việc theo dõi thực hiện nội qui, đến tiết sinh hoạt cuối tháng, tổ trưởng và BCS lớp tiến hành bình bầu hạnh kiểm, thi đua của từng bạn trong lớp. Lớp sẽ có phần thưởng để động viên đối với những HS có thành tích cao. Trên cơ sở nắm bắt kế hoạch hành động của Đoàn trường hàng tuần/ tháng, BCS lớp tiến hành xây dựng kế hoạch hành động thích ứng, cụ thể. Những kế hoạch này được thảo luận dân chủ, cởi mở, được đông đảo thành viên trong lớp tích cực góp ý, đề xuất nội dung lẫn giải pháp thực hiện và được biểu quyết nhất trí thông qua với tỉ lệ tuyệt đối. Hễ còn có điều gì băn khoăn thì cả lớp phải tìm cách giải quyết nốt băn khoăn đó để đạt được sự đồng thuận cao. + Để tạo động lực cho thi đua, CN chỉ đạo BCS lớp thường xuyên cho các tổ đăng kí thi đua trên cơ sở thảo luận, trao đổi, bàn bạc công khai. Làm như vậy sẽ phát huy được sở trường và khả năng của các thành viên trong tổ, trong lớp và nhận được sự đồng thuận hưởng ứng cao. Từ đó HS nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với tổ, đối với lớp, qua đó mà hình thành và phát triển lòng tự tin, niềm phấn khởi hứng thú trong mỗi một cá nhân HS. 6. Kết quả đạt được: Việc giáo dục ý thức tự quản cho HS lớp 10 có tác dụng lớn trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Từ kinh nghiệm trên, tôi đã vận dụng trong công tác chủ nhiệm lớp10D, năm học 20112012.Kết quả đạt được như sau: *V ề nhận thức, tư tưởng: - Từ việc thực hiện tốt nội qui lớp, nội qui trường, các em sẽ có ý thức cao trong việc chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, trở thành một công dân tốt cho xã hội, cho đất nước. - Hình thành ý thức làm chủ bản thân, tránh dựa dẫm, thói quen ỷ lại vào người khác. - Giúp các em biết phân biệt việc xấu, việc tốt, những việc nên làm trong cuộc sống. Từ đó các em biết đấu tranh chống những hành vi tiêu cực, sai trái ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội. - Giáo dục các em có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, làng xóm và đất nước - Giáo dục các em tinh thần đoàn kết, kĩ năng hợp tác, làm việc theo nhóm có hiệu quả cao. - Giáo dục các em ý thức phê và tự phê để mỗi ngày tiến bộ, biết vươn lên trong cuộc sống. * Về thực hiện nề nếp, học tập - Vào những giờ sinh hoạt lớp theo quy định, BCS đã điều hành lớp sinh hoạt thực sự có chất lượng. Các em đã tin tưởng ở thầy cô, tin tưởng BCS lớp và có ý thức cao trong việc thực hiện nề nếp, học tập , rèn luyện… - Những giờ chào cờ đầu tuần, thể dục giữa giờ, lao động vệ sinh, sinh hoạt ngoại khóa…Các em đều tâp trung nhanh, đấy đủ,tham gia đạt kết quả tốt , được Nhà trường, Đoàn trường ghi nhận. * Kết quả xếp loại: - Học kì I: Về học lực: Giỏi: 2/42HS Khá: 30/42HS. TB: 10/42HS Yếu: Không Về hạnh kiểm: Tốt: 40/42HS Khá: 3/42HS TB,Yếu: Không Danh hiêu thi đua: Tập thể lớp có phong trào tự quản tốt. Tập thể lớp tiên tiến. - Học kì II: Về học lực: Giỏi: 4/42HS Khá: 30/42HS. TB: 8/42HS Yếu: Không Về hạnh kiểm: Tốt: 42/42HS Khá: : Không TB,Yếu: Không Danh hiêu thi đua: Tập thể lớp có phong trào tự quản tốt. Chi đoàn vững mạnh Tập thể lớp tiên tiến xuất sắc PhầnIII. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT,KIẾN NGHỊ Có thể nói rằng: việc giáo dục ý thức tự quản cho HS lớp 10 ở trường THPT là vô cùng quan trọng và cần thiết.Bởi đó là nấc thang đầu tiên để các em bước dần tới thành quả của ba năm vất vả đèn sách. Công việc cao cả ấy không phải chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai , mà nó là cả quả trình nỗ lực bền bỉ trong công tác chủ nhiệm của giáo viên THPT. Và đó cũng không phải là trọng trách của riêng GVCN, mà là trọng trách của tập thể sư phạm Nhà trường, của BGH, của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thì việc giáo dục ý thức tự quản cho HS lớp 10 mới thực sự có ý nghĩa thiết thực. Nga Sơn : ngày 25/ 4/2012 Người viết: Nguyễn Thị Nga. TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1. Điều lệ trường THPT. 2. Điều lệ trường THPT Ba Đình. 3. Luật giáo dục 2005 có sửa đổi bổ sung 2009. 4. Quy chế 40 của bộ giáo dục.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan