Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn dạy đọc hiểu văn bản chiếc thuyền ngoài xa (nguyễn minh châu) theo cấu trú...

Tài liệu Skkn dạy đọc hiểu văn bản chiếc thuyền ngoài xa (nguyễn minh châu) theo cấu trúc mở

.PDF
20
1445
96

Mô tả:

ĐẶT VẤN ĐỀ 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường không phải là vấn đề mới mẻ. Nhưng dạy như thế nào, làm sao để nâng cao hiệu quả và hứng thú cho một giờ học thì lại luôn là câu chuyện mang tính thời sự. Trong những năm gần đây chúng ta bàn rất nhiều về đổi mới phương pháp dạy học. Chúng ta đã có những bước đổi mới. Nhưng xem ra đây vẫn là một bài toán không dễ giải đối với những người trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Từ trước đến nay chúng ta thường tổ chức giờ đọc hiểu văn bản văn học theo cấu trúc khép kín. Với cấu trúc này chúng ta coi trọng tính chỉnh thể, trọn vẹn của bài học, của các khâu lên lớp. Cho nên giáo viên luôn đóng vai trò chủ động, tích cực dẫn dắt học sinh tham nhập văn bản bằng cách nêu những câu hỏi đã định sẵn, hướng học sinh trả lời theo ý của thầy, bỏ qua những nhân tố phát sinh, tránh việc để học sinh bày tỏ quan điểm riêng của mình. Vì vậy việc đổi mới phương pháp dạy như chúng ta nói chỉ là kiểu “bình mới, rượu cũ” mà thôi. Điều này đã làm mất đi sức hấp dẫn của một giờ đọc văn. Trong bối cảnh giáo dục ngày nay chúng ta đang đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi mới và nhất là trước một đối tượng học sinh mới. Các em không chỉ nhạy cảm, thông minh, mà còn táo bạo. Các em thích tự mình khám phá những vùng trời tri thức mới bằng con đường riêng của mình, thích bày tỏ chủ kiến, thậm chí có thể tranh luận tới cùng để bảo vệ ý kiến của mình. Vì vậy chúng ta cần biết cách nêu vấn đề để các em tự tìm hiểu, khuyến khích các em bộc lộ quan điểm của mình. Điều này không chỉ nâng cao tính sáng tạo mà còn giúp học sinh có năng lực tự đọc những tác phẩm văn học khác ở ngoài nhà trường. Điều này trong những giờ học trước đây chúng ta chưa làm được. 1.2. Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm được viết sau 1975. Nó đề cập đến một vấn đề hết sức nhạy cảm mà một thời gian dài trước đó văn học không dám nói đến: số phận con người cá nhân. Hơn thế con người cá nhân ở đây lại được đặt trong muôn mặt phức tạp của cuộc sống đời thường. Con người ở đây chỉ là những số phận bình thường, thậm chí tầm thường. Họ là những ngư dân nghèo khổ trong gánh nặng mưu sinh của cuộc sống gia đình. Hơn nữa lối viết của nhà văn cũng khác trước rất nhiều. Nguyễn Minh Châu không nhìn cuộc sống, con người bằng con mắt lãng mạn, lí tưởng nữa. Ông nhìn thấy ở họ một thế giới nội tâm phong phú, một nhân cách đa dạng với tốt – xấu, thiện – ác đan xen. Giọng văn tự sự - triết lí của ông cũng không nổi lên trên bề mặt văn bản qua những đoạn chính luận ngoại đề nữa mà hòa lẫn trong lời kể, lời thoại, tâm trạng nhân vật. Tác phẩm có hơi thở của cuộc sống hiện đại nên rất gần với học sinh ngày nay. Vì thế việc để cho các em tự mình nói lên cách hiểu về tác phẩm là điều cần thiết. Từ những lí do trên, tôi lựa chọn đề tài “Dạy đọc hiểu văn bản Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) theo cấu trúc mở.” 2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đề tài nghiên cứu về vấn đề dạy đọc hiểu văn bản Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu trong chương trình Ngữ văn lớp 12 theo cấu trúc mở. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Xây dựng một cấu trúc mở cho giờ đọc hiểu văn bản văn học để vận dụng vào việc dạy học trong trường THPT, nhằm kích thích hứng thú, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật và khả năng liên hệ thực tiễn đời sống của học sinh. 4. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp hệ thống – cấu trúc. - Phương pháp quan sát. - Phương pháp khảo sát, thống kê. - Phương pháp phân tích, tổng hợp. - Phương pháp thực nghiệm 5. Đóng góp của đề tài Xây dựng được cơ sở lý luận của việc xây dựng một cấu trúc mở cho giờ đọc hiểu văn bản văn học ở trương THPT. Bước đầu mô hình hóa được một giờ đọc hiểu văn bản văn học có cấu trúc mở qua giáo án thực nghiệm. NỘI DUNG I. Tính tương tác của giờ học hiện đại Phương pháp dạy học hiện đại quan niệm: một giờ đọc hiểu văn bản là sự tác động qua lại tích cực giữa ba nhân tố quan trọng giáo viên - học sinh - nhà văn (thông qua tác phẩm). Thậm chí có thể coi đây như một cuộc trò chuyện thú vị về một vấn đề mà họ cùng quan tâm. Giáo viên đóng vai trò tổ chức, tạo nhịp cầu nối để học sinh đối thoại với nhà văn thông qua tác phẩm, đồng thời phải tổ chức cho các chủ thể học sinh tương tác lẫn nhau, thậm chí tương tác với chính giáo viên thông qua hoạt động tranh luận. Học sinh thể hiện vai trò tích cực chủ động kiến tạo tri thức bằng cách tranh luận. Học sinh có thể tranh luận thoải mái với nhau, thậm chí có khi còn tranh luận với giáo viên trước một vấn đề nào đó trong tác phẩm. Tóm lại, giờ dạy văn không đơn thuần là giờ học kiếm tìm tri thức đơn thuần, mà nó “phải tạo được không khí, cảm xúc, sự đồng cảm, giao cảm, sự cộng hưởng xúc cảm giữa nhà văn – giáo viên – học sinh. Học sinh trò chuyện với nhà văn thông qua tác phẩm trung gian. Giáo viên là người hướng dẫn tổ chức cuộc nói chuyện ấy thật sự tự nhiên, bình đẳng, làm sao lôi cuốn và lay động được từng học sinh trong lớp học. Đó chính là hạt nhân của quá trình dạy học tác phẩm văn chương trên lớp. Mọi thiết kế giờ học văn phải đáp ứng được mục đích tối cao của hoạt động học văn ở học sinh trong mỗi giờ học.” II. Những hạn chế của mô hình giờ đọc hiểu văn bản hiện nay và các nỗ lực khắc phục Có thể nhận thấy rằng phần lớn giờ đọc hiểu văn bản văn học phổ biến hiện nay thường theo công thức cố định. Nó là kiểu cấu trúc khép kín với các bước quen thuộc lặp đi lặp lại cho tất cả các bài học, các đối tượng học sinh. Giờ dạy như thế đã tồn tại khá lâu và tất nhiên nó có những cơ sở khoa học, những ưu điểm nhất định như tiện cho việc kiểm tra, đánh giá, giáo viên chủ động trong quá trình dạy, học sinh quen thuộc với giờ học... Nhưng điều này lại trở thành vấn đề bất lợi trong dạy học văn hiện nay. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ tại đơn vị cơ sở về hứng thú học văn của học sinh. Khi được hỏi “Em có thích các giờ đọc hiểu văn bản văn học hiện nay không? Vì sao?”. Hầu hết các em đều trả lời rằng: các em rất thích đọc những tác phẩm được đưa vào trong nhà trường nhưng đều cảm thấy không thoải mái với không khí giờ học. Có tới 72,23% học sinh cho rằng giờ học văn nhàm chán vì cứ lặp đi lặp lại các bước lên lớp cố định. Thậm chí họ đoán được việc giáo viên hỏi gì, làm gì ngay cả khi giáo viên chưa ghi bảng. Có 37,05% học sinh cảm thấy giờ học không dân chủ vì giáo viên không để ý đến những ý kiến phát hiện của họ mà chỉ hướng dẫn họ đi vào những điều giáo viên đã chuẩn bị sẵn trong giáo án. Họ cảm thấy thất vọng khi những thắc mắc của mình bị phủ nhận và giáo viên thường chỉ định một vài gương mặt tiêu biểu trong lớp phát biểu ý kiến. Có tới 69% học sinh thừa nhận là mình quên ngay điều thầy cô vừa giảng và không vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề được... Trong những năm gần đây đã có rất nhiều giáo viên mạnh dạn tiến hành dạy học theo một hướng đi mới. Họ tiến hành một cách linh hoạt các khâu lên lớp. Họ sẵn sàng tạo điều kiện cho các học sinh tự tranh luận về một vấn đề nào đó trong tác phẩm. Giáo viên tham gia vào giờ học với tư cách là người đồng hành, người tham dự - chia sẻ chứ không phải người cung cấp tri thức. Những giờ học như thế đã thu được những kết quả bất ngờ. Phần lớn các học sinh trong lớp đều bị lôi kéo vào cuộc tranh luận. Họ hài lòng vì không khí học tập rất tự do, thoải mái và sôi nổi. Học sinh cảm thấy mình nhớ được bài học lâu hơn, có khả năng thực hành tốt hơn, phát huy được nhiều sở trường hơn. Và tất nhiên những giờ dạy như vậy các giáo viên cũng cảm thấy rất hứng khởi vì họ biết được học sinh nghĩ gì, cảm nhận như thế nào. Có những khi họ còn cảm thấy bất ngờ trước những phát hiện mới mẻ và sâu sắc của học sinh. Từ những cơ sở trên, chúng tôi cho rằng việc chúng ta tìm tới một cấu trúc mở, cho giờ đọc hiểu văn bản văn học ở trường THPT là điều tất yếu III. Cấu trúc mở, đặc điểm giờ đọc hiểu văn bản văn học theo cấu trúc mở III.1. Quan niệm về giờ học theo cấu trúc mở Cấu trúc ( struction), theo từ điển Tiếng Việt là sự quan hệ, tương tác giữa các yếu tố tạo nên chỉnh thể. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào là cấu trúc mở ? “Cấu trúc mở không có nghĩa là phi cấu trúc mà nó là một cấu trúc vận động mà với người ta chấp nhận sự linh hoạt trong việc phát hiện ra các mối tương quan (bao hàm cả trật tự trình bày về các mối tương quan) giữa các đơn vị cấu thành kiến thức, cấu thành bài học mà ta phải dạy, học. Cấu trúc mở của giờ học sẽ không từ chối mà ngược lại, sẵn sàng thâu nạp những tham số mới nảy sinh trong hoạt động của cả giáo viên lẫn học sinh, vượt ngoài dự kiến ban đầu vốn được thể hiện trong giáo án. Cấu trúc mở đó cũng cho phép ta nhận ra mối liên hệ hệ thống giữa giờ học này với giờ học khác, giữa hoạt động trong giờ học với hoạt động ngoài giờ học.” (Phan Huy Dũng - Về việc vận dụng lí thuyết liên văn bản vào dạy học văn ở trường phổ thông). Nghĩa là theo quan điểm của chúng tôi, cấu trúc mở là một cấu trúc linh hoạt, luôn có sự vận động, biến hóa để phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong giờ học, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của học sinh và đặc trưng của từng đơn vị bài học cụ thể. Dạy học theo cấu trúc mở chính là tạo điều kiện để phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, cũng tạo cho học sinh có một không gian mở để phát huy năng lực cảm thụ văn học của mình. “Học sinh được hướng dẫn tổ chức tìm tòi, phát hiện, lựa chọn kiến thức một cách chủ động và sáng tạo. Nghĩa là, giờ dạy văn không đơn thuần là giờ học kiếm tìm tri thức, mà nó “phải tạo được không khí, cảm xúc, sự đồng cảm, giao cảm, sự cộng hưởng xúc cảm giữa nhà văn – giáo viên – học sinh. Học sinh trò chuyện với nhà văn thông qua tác phẩm trung gian. Giáo viên là người hướng dẫn tổ chức cuộc nói chuyện ấy thật sự tự nhiên, bình đẳng, làm sao lôi cuốn và lay động được từng học sinh trong lớp học Với quan niệm này giờ học theo cấu trúc mở có sự khác biệt khá lớn so với giờ dạy học truyền thống. Nếu trong lối dạy cũ chúng ta chú trọng đến các khâu, các bước lên lớp, coi trọng tính hoàn chỉnh của đơn vị bài học thì với giờ học theo cấu trúc mở, chúng ta coi trọng mối quan hệ tương tác giữa các nhân tố. Giờ dạy học cũ mang tính chất tĩnh, không có nhiều sự biến đổi, trình tự các bước mang tính ổn định. Giờ học theo cấu trúc mở mang tính chất động, nghĩa là có thể thay đổi các khâu, các bước một cách linh hoạt nếu có “sự cố” xảy ra. Nếu trong giờ dạy cũ chúng ta rất muốn cung cấp cho học sinh đầy đủ lượng kiến thức cần đạt bao gồm cả yếu tố chính và phụ. Giờ học theo cấu trúc mở chỉ hướng học sinh vào những kiến thức trọng tâm, xử lí linh hoạt các yếu tố phụ. Điểm mấu chốt của giờ học theo cấu trúc mở là dạy cho các em không chỉ kiến thức của bài học đó mà quan trọng là dạy cho các em cách học. III.2. Đặc điểm của giờ học theo cấu trúc mở III.2.1 Xác định đúng vấn đề cốt lõi của bài học và linh hoạt trong việc xử lý các vấn đề phụ Khi áp dụng giờ học với cấu trúc mở chúng ta sẽ lựa chọn những vùng đơn vị kiến thức trọng tâm và đi sâu vào vấn đề ấy. Chúng ta đã làm được điều quan trọng là “giúp học sinh phát hiện những chỗ không hiểu, đối thoại với học sinh để phát hiện những chỗ chưa hiểu bởi quá trình hiểu đi từ chỗ không hiểu đến hiểu. Giúp học sinh phát hiện những chỗ mâu thuẫn, phi lí, phi logic, khó hiểu trong văn bản. Phải tìm cái chưa hiểu thì mới kích thích hứng thú của học sinh..., những điều học sinh đã hiểu mà cũng nêu vấn đề thì thực vô ích và nhàm chán. Vì thế không đòi hỏi cái gì cũng dạy. Cần tập trung vào chỗ học sinh khó hiểu, tô đậm hay “lạ hóa” những chỗ ấy, tạo thành vấn đề cho học sinh”. Và cũng từ đó để học sinh có thể “vận dụng những điều đã cung cấp, đã biết để lí giải chỗ không hiểu đó. Không bao giờ cung cấp sẵn ngay kết quả đọc hiểu cho học sinh”. Đây chính là cách chúng ta dạy cho học sinh cách học. Hơn nữa khi chúng ta hướng vào vùng kiến thức trọng tâm thì tư duy của học sinh cũng trở nên sáng rõ hơn, áp lực về thời gia cũng không còn. Giờ học vì vậy không nặng nề, căng thẳng nữa. III.2.2. Thâu nạp được những tham số mới nảy sinh trong giờ học Trong quá trình tổ chức dạy học không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, không phải bao giờ cũng như chúng ta dự kiến. Có những giờ học nảy sinh những vấn đề mà trong và sau khi thiết kế giáo án chúng ta không lường trước được. Thực tiễn bao giờ cũng sinh động và phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Chẳng hạn khi dạy bài Đàn ghi ta của Lorca, một học sinh thưa: Bài thơ này chẳng có sự liên kết nào cả, em không hiểu gì hết. Một học sinh lớp 10 thắc mắc: An Dương Vương là người cho Trọng Thủy kết hôn với Mị Châu, cho Trọng Thủy ở rể, lại chủ quan khi giặc đến, vậy tại sao lại chỉ kết tội Mị Châu? Còn một học sinh lớp 11 thì cho rằng Nam Cao tàn nhẫn và cực đoan quá khi để Thị Nở cự tuyệt con đường kiếm tìm hạnh phúc của Chí... Trước những tình huống như thế giáo viên không thể không giải đáp. Với giờ học theo cấu trúc mở, giáo viên sẽ xử lí các tham số ấy và chuyển hướng khai thác văn bản một cách hợp lí nhất. III.2.3. Tạo được sự nối kết với các giờ học khác và với những hoạt động ngoài giờ học Một giờ học thành công không phải là một giờ học chuyển tải được hết tinh thần giáo án của giáo viên đến với học sinh, quan trọng hơn là phải tạo nên một động lực, một ham muốn tìm tòi ở học sinh, tạo được tiền đề cho sự nối kết với những giờ học khác và những hoạt động khác. Tri thức thu nhận từ giờ học không đóng khung, cố định chắc chắn và cũng không tồn tại bất biến mà nó sẽ dần nảy sinh thêm. Học sinh biết cách vận dụng tri thức cũ để giải quyết vấn đề mới, dùng kĩ năng thực hành để thể nghiệm tri thức và nâng cao năng lực học tập. Chẳng hạn như khi dạy Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có thể yêu cầu học sinh so sánh với những tác phẩm viết về nhân vật bị tha hóa trong sáng tác của Nam Cao, hay “tuyên ngôn” về cách nhìn đời, nhìn người của ông qua Đôi mắt. Hay khi dạy bài Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo có thể gợi ý học sinh nhớ lại lối tưởng tượng “nhảy cóc” trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Cho nên một giờ dạy thành công phải biết gợi mở những vấn đề còn bỏ ngỏ, đánh thức những mối liên hệ tiềm ẩn giữa văn bản với cuộc sống bao quanh nó. Đây cũng chính là nguyên tắc tích hợp mà chúng ta bàn nhiều trong mấy thập kỉ nay. III. Giáo án thực nghiệm Đọc văn: CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA I. ĐỊNH HƯỚNG VỀ KIẾN THỨC, KĨ NĂNG, THÁI ĐỘ: Giúp học sinh: - Cảm nhận được những chiêm nghiện sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật : Mỗi người trên cõi đời, nhất là người nghệ sĩ, không nên nhìn đời và nhìn người một cách đơn giản, trái lại, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách sâu sắc, nhiều chiều. Nghệ thuật chân chính luôn gán với cuộc đời và vì cuộc đời. - Phân tích được những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: tình huống truyện độc đáo mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống; chọn được điển nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa chiều, ngôn ngữ nhân vật linh hoạt, sáng tạo. - Biết nhìn nhận, đánh giá cuộc đời, con người một cách toàn diện và có chiều sâu. II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH: 1. Giáo viên: - Soạn giáo án bài dạy chi tiết. Dự kiến tốt các tham số nảy sinh. - Chuẩn bị 1 trò chơi vui để tạo tâm thế cho học sinh khi vào bài. - Chuẩn bị không gian phù hợp để học sinh có thể thực hiện “cuộc giao tiếp văn học”. - Chuẩn bị các phương tiện trực quan như tranh, ảnh... 2. Học sinh: Chuẩn bị bài học chu đáo. Tìm đọc lại tác phẩm Bến quê đã học trong chương trình THCS và bài “Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám 1945 đến cuối thế kỉ XX” để nắm bắt kiến thức về văn học sau 1975 - Đọc kĩ tác phẩm và ghi lại trong một nhật kí đọc. - Tóm tắt truyện và hệ thống hóa nhân vật. - Chuẩn bị kĩ các câu hỏi phỏng vấn tham gia “giao tiếp văn học”. IV. PHƯƠNG PHÁP VÀ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC: 1. Phương pháp: - Đối thoại: đối thoại trực tiếp giữa GV-HS, HS-HS ( bằng hình thức tranh luận, phản biện hoặc nhập vai). - Bình giảng: Chọn điểm sáng thẩm mỹ trong văn bản và yêu cầu học sinh bình giảng. - Nêu vấn đề: Đưa câu hỏi nêu vấn đề để học sinh trả lời. 2. Phương tiện: - Sgk,Sgv, Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng... - Tranh ảnh, máy chiếu... V. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC: Hoạt động 1: Tổ chức một trò chơi vui để học sinh có tâm thế thoải mái khi vào học Trò chơi: Phỏng vấn nhà văn. Hình thức chơi: Gọi học sinh, một em đóng vai phóng viên, một em đóng vai nhà văn, thực hiện cuộc giao lưu. Phóng viên: Xin chào nhà văn. Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi. Nhà văn: Tất nhiên tôi rất sẵn lòng trò chuyện với các bạn. Các bạn là những bạn đọc rất thú vị mà. Thế bạn đã đọc tác phẩm nào của tôi rồi? - Phóng viên: Rất nhiều rồi ạ. Tôi đã đọc Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát, Chiếc thuyền ngoài xa... Nhà văn: Thế bạn cảm thấy như thế nào về các tác phẩm đó? Phóng viên: Tôi rất thích. Nhưng vẫn băn khoăn mãi một điều là: Tại sao các tác phẩm ông viết trước và sau 1975 có sự khác biệt lớn như vậy. Trước 1975 tác phẩm của ông mang màu sắc lãng mạn, nhân vật được lí tưởng hóa thật đẹp đẽ, thiên nhiên cảnh vật, cuộc sống cũng rất thi vị dù là trong mưa bom bão đạn. Còn sau 1975 văn ông có vẻ gai góc quá, cuộc sống, con người được khắc họa dữ dội quá. Nhà văn: Dữ dội thế mới chính thực là cuộc sống. Trước đây tôi quá say sưa trong lí tưởng chung của dân tộc nên không thấy, đúng hơn là không dám nói đên những khía cạnh gai góc của cuộc sống. Còn sau này tôi nhận ra rằng văn chương không phải chỉ cần đến cái Đẹp mà quan trọng hơn nó phải vì con người, vì cuộc đời. Nhà văn phải dám nói lên tất cả mọi khía cạnh dù nó tàn nhẫn, cay đắng. Văn chương không xuất phát từ cuộc đời thì cũng vô nghĩa Phóng viên: Vì vậy nên ông mới viết câu chuyện Chiếc thuyền ngoài xa bằng cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, và khắc họa một hiện thực trần trụi như vậy. Nhà văn: Không có hiện thực nào trần trụi khi nó đã đi vào tác phẩm văn chương đâu. Tôi viết tác phẩm này trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội khá phức tạp. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã kết thúc. Cuộc sống với muôn mặt đời thường đã trở lại sau chiến tranh. Con người phải đối mặt với cuộc vật lộn mưu sinh đầy nghiệt ngã. Nhiều vấn đề nhân sinh trước đây chưa được chú ý, bây giờ được đặt ra. Nhiều quan niệm đạo đức phải nhìn nhận lại. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh bấy giờ, vấn đề con người cá nhân thực sự cần phải được quan tâm hàng đầu. Nhất là con người trong muôn nỗi ám ảnh về mưu sinh, về nhân cách, về thân phận... Đây cũng không phải là ý của riêng tôi. Nó là suy nghĩ của các nhà văn trong công cuộc đổi mới văn học sau 1975. Hoạt động 2: Tái hiện nội dung câu chuyện: Gọi 2 học sinh đọc 2 đoạn tiêu biểu trong văn bản. Yêu cầu học sinh tóm tắt và hệ thống hóa nhân vật theo cách đã chuẩn bị ở nhà. Hoạt động 3: Khai thác văn bản. Giáo viên nêu vấn đề: Có người cho rằng câu chuyện Chiếc thuyền ngoài xa là câu chuyện của những điều thường gặp nhưng lại đầy những bất ngờ. Theo em, “những điều bất ngờ” đó là gì? Học sinh trao đổi: Đúng là câu chuyện đầy bất ngờ. Bất ngờ trước hết là sự đối lập tàn khốc trong 2 cảnh tượng mà người nghệ sĩ nhìn thấy trên bãi biển. Cảnh con thuyền lưới vó ở ngoài xa – “cảnh đắt trời cho” mà người nghệ sĩ khao khát kiếm tìm. Và cảnh người đàn ông hàng chài đánh người vợ một cách tàn nhẫn, đau khổ. Điều bất ngờ thứ hai là câu chuyện xảy ra ở tòa án huyện. Người đàn bà hàng chài thà chấp nhận bị chồng đánh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” chứ không chịu li dị chồng Giáo viên dẫn dắt vấn đề: Em hãy đặt mình vào nhân vật Phùng và thử tưởng tượng hoàn cảnh và cảm xúc của người nghệ sĩ trong tình huống thứ nhất. Học sinh tái hiện: Người nghệ sĩ đang kiếm tìm cảnh đẹp, bỗng phát hiện ra cảnh ngoài sức mong đợi: một chiếc thuyền lưới vó đang hướng vào bờ...: “Mũi thuyền in một nét lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào.Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc... toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối...”. Người nghệ sĩ suốt đời kiếm tìm vẻ đẹp nay bỗng phát hiện vẻ đẹp toàn bích trước mắt mình, quả thực rất xúc động. Cũng bởi vậy trong giây phút ấy tâm hồn người nghệ sỹ như được thăng hoa, thế giới xung quanh anh chỉ còn sự hiện hữu của cái Đẹp, của sự thánh thiện... Cho nên anh không chỉ cảm thấy dó là “cảnh đăt trời cho” trong cuộc đời cầm máy của mình mà còn như “ngộ” ra chân lí “cái đẹp chính là đạo đức”. Học sinh: Nhưng trong khi đang chìm đắm trong thế giới nghệ thuật thì âm thanh và hình ảnh cuộc sống đời thường đập ngay vào mắt anh. Tiếng quát thô lỗ của người đàn ông xé tan không gian yên bình trên bãi biển, hình dáng mệt mỏi của người đàn bà như một dấu ấn day dứt giữa cuộc đời sóng gió, hình ảnh người đàn ông hùng hổ lao vào đánh tới tấp người đàn bà như một nhát dao vô hình cắt đứt giây phút lãng mạn của người nghệ sỹ và kéo anh về với một hiện thực khổ đau. Phùng không chỉ ngạc nhiên sự độc dữ của người đàn ông mà càng kinh ngạc hơn vì sự chấp nhận của người đàn bà: “không hề kêu, không hề chống trả, không hề chạy trốn...”. Cứ như thể bà ta biết trước điều gì sẽ xảy ra và bình thản đón nhận nó. Trong hoàn cảnh đó người nghệ sĩ cứ như bị rơi tuột từ thiên đường xuống địa ngục. Anh kinh ngạc đến mức “cứ đứng há mồm ra mà nhìn” rồi sau mới “chạy nhào tới” chứng kiến tiếp một trận ẩu đả giữa người đàn ông hàng chài với thằng bé từ trên rừng lao xuống... và cuối cùng cũng chỉ biết ngơ ngác nhìn người đàn bà và người đàn ông đi về phía con thuyền trả lại cho biển vẻ “mênh mông và hoang sơ”. Chắc có một sự đổ vỡ ghê gớm trong tâm hồn người nghệ sĩ. Giáo viên nêu tình huống phản đề: Có lẽ nhà văn đã sai khi sắp xếp thứ tự hai cảnh tượng này. Tôi cho rằng nên đảo vị trí của nó. Như vậy người nghệ sỹ sẽ có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh biển và có sự thăng hoa tuyệt đối trong tâm hồn. Ý các em thế nào? Học sinh: Không nên thay đổi ạ. Người nghệ sỹ cần phải nhìn thấu được những nỗi đau trong hiện thực cuộc đời chứ không phải chỉ biết nhìn cái Đẹp. Cách sắp xếp của tác giả như vậy là có dụng ý. Việc nhìn thấy hiện thực có thể làm vỡ giấc mơ lãng mạn của người nghệ sĩ thật, nhưng nếu nhìn thấy cảnh tượng của gia đình hàng chài trước thì chắc anh ta không có tâm trí để nhìn thấy hay cảm nhận được vẻ đẹp của biển. Nhưng nếu anh ta vẫn điềm nhiên thưởng ngoạn cái Đẹp, không có chút day dứt nào trước cảnh tượng cuộc đời ấy thì anh ta không có phẩm chất của người nghệ sỹ. Học sinh: Em cho rằng nhà văn đã thực sự tạo nên một tình huống đặc sắc. Nó không chỉ tạo nên sự bất ngờ mà còn tạo nên nhiều thông điệp. Thứ nhất là phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính. Nghệ sỹ vừa biết thăng hoa với cái Đẹp, vừa biết đau nỗi đau cuộc sống đời thường. Thứ hai, nhà văn muốn nói với chúng ta một sự thật hiển nhiên rằng trong cuộc đời cái Xấu, cái Ác vẫn luôn tồn tại song hành cùng cái Đẹp, cái Thiện. Nói cách khác cuộc sống vốn đầy những bất ngờ, những mâu thuẫn, cái ta nhìn thấy có thể chỉ là hiện tượng bên ngoài, còn bản chất không dễ gì nhận ra. Giáo viên: Em có một ý kiến rất hay. Vậy giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về người đàn bà hàng chài và câu chuyện của chị ta ở tòa án. Các em nghĩ thế nào về điều này? (Giáo viên tạo điều kiện để học sinh tự bộc lộ) Học sinh: Người đàn bà này là người vợ, người mẹ đáng trân trọng. Nhưng sự lựa chọn của chị ta có vẻ không đúng. Học sinh: Em nghĩ chị ta không còn cách lựa chọn nào khác. Với chị ta đó là cách để bảo vệ gia đình mình, để các con chị được lớn lên bên cạnh cha, mẹ. Chị lo các con chị sẽ đói khổ bởi “cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc” và “đám đàn bà hàng chài cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba...để nuôi nấng đặng một sắp con...”. Hơn nữa chị bảo “cũng có lúc cả gia đình vui vẻ, hòa thuận” mà. Học sinh: Em cho rằng cách lựa chọn của người đàn bà hàng chài là sai lầm. Chị ta chỉ nghĩ rằng các con chị cần một gia đình với đầy đủ thành viên mà không cần biết thành viên ấy có ảnh hưởng thế nào. Nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến nhân cách của trẻ. Thằng Phác là một dẫn chứng. Học sinh tranh luận: Nhưng nếu li dị mẹ con chị ta sẽ mưu sinh thế nào giữa biển khơi bão tố.? Tôi cho rằng những lí do chị ta đưa ra rất hợp lí: vì các con, vì mưu sinh, vì lòng biết ơn với người đàn ông. Học sinh tranh luận: Nhưng nếu cam chịu như vậy chị ta sẽ chịu được bao lâu? Còn thằng Phác, nó có thể sẽ lại cầm dao giết cha nó. Vả lại nếu chấp nhận như vậy nghĩa là dung túng cho hành động tội ác. Người đàn ông đó quá “độc dữ”.. Học sinh: Không phải! Nếu chỉ nhìn bên ngoài, người đó có vẻ độc ác. Nhưng nếu quan sát kĩ hơn ta cũng có thể thông cảm được ít nhiều. Thứ nhất, anh ta từng cứu người đàn bà hàng chài khi chị ta bị người tình phụ bạc. Thứ hai theo lời người đàn bà trước đây anh ta rất hiền. Thứ ba, trong khi đánh vợ anh ta “nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn”. Thứ tư, anh ta đồng ý đưa vợ “lên bờ mà đánh”. Điều đó chứng tỏ rằng anh ta thực ra không muốn trở thành kẻ bạo ngược trong gia đình, anh ta đánh vợ trong tâm trạng đau đớn, anh ta cũng chỉ là một nạn nhân, một kẻ đáng thương xót. Học sinh: Nhưng rõ ràng anh ta đã không khống chế được bản thân. Giáo viên: (Tình huống tranh cãi quá căng thẳng, giáo viên khéo léo chuyển sang ý khác). Tại sao khi tất cả mọi người đều lên án hành động của người đàn ông thì người đàn bà có thể thông cảm cho chồng của mình như vậy? Học sinh: Chị là người hiểu rõ nỗi đau khổ của người đàn ông. Chị biết trước đây người đàn ông ấy “là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm”, chị biết anh ta “cũng nghèo khổ, túng quãn vì trốn lính”. Chị hiểu “lúc nào thấy khổ quá là lão lôi tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu...”. Chị nhận rằng “lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Chị cũng mang ơn người đàn ông vì ông ta chấp nhận lấy người phụ nữ vừa xấu vừa lỡ dở như chị. Người đó cho chị được làm vợ, làm mẹ, được có một gia đình. Dường như người đàn bà ấy thấu hiểu nỗi khổ tâm của chồng. Chị không hề oán trách anh ta. Chị không chỉ thấy biểu hiện bên ngoài mà còn thấu tận tâm can người đàn ông. Cho nên dù rất đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần nhưng chị không hề oán trách chồng. Giáo viên chốt ý chính: Tôi cho rằng ý kiến của các em rất hay. Vậy thì theo các em người đàn bà hàng chài ấy có những phẩm chất gì? Nghe xong câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong đầu Phùng và Đẩu như “vỡ ra điều gì đó”. Điều họ “vỡ” ra là gì vậy? Học sinh: Em cho rằng họ đã hiểu về hoàn cảnh của người đàn bà. Họ hiểu vì sao chị thà chấp nhận “đòn chồng” chứ không chịu li dị. Bây giờ họ mới thấy rằng người đàn bà ấy tuy thô kệch nhưng lại rất bao dung,giàu đức hi sinh, rất thương con và cũng rất thấu hiểu lẽ đời. Họ cũng biết rằng xung quanh họ còn nhiều số phận khổ đau. Học sinh: Có lẽ Đẩu và Phùng đã nhận ra họ nhìn cuộc sống quá đơn giản. Đẩu cho rằng chỉ cần dùng pháp luật để trừng phạt kẻ có tội là được. Nhưng bây giờ anh mới “ngộ” ra rằng cuộc đời phức tạp hơn nhiều. Luật pháp không thể áp dụng được trong trường hợp này. Anh có lòng tốt muốn bảo vệ người dân của mình nhưng nếu bắt người đàn bà kia bỏ chồng thì chị ta không bị đòn nhưng lại không thể mưu sinh nổi. Lòng tốt của anh rất đáng quý nhưng chưa đủ. Luật pháp rất cần thiết nhưng phải cần giải quyết trọn vẹn cả lí cả tình. Lòng tốt và luật pháp phải đặt vào hoàn cảnh cụ thể. Học sinh: Người đàn bà vùng biển kia dẫu thất học nhưng lại thấu hiểu cuộc đời nhiều hơn cả hai người thành đạt như Phùng và Đẩu. Chị không hề cam chịu một cách thụ động mà đó là kết quả của sự trăn trở để bảo vệ gia đình, là sự lựa chọn khôn ngoan trong hoàn cảnh ngang trái. Dường như Phùng bỗng thấy mình nhỏ bé, ngây thơ trước người đàn bà thất học này. Giáo viên: Vậy theo em nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì qua câu chuyện này? Học sinh: Em cho rằng nhà văn muốn chúng ta phải có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống và con người. Cần phải đi sâu vào bản chất vấn đề chứ không chỉ nhìn từ hiện tượng. Bởi vì nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà phán đoán thì có khi chúng ta sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng. Giáo viên: Tốt. Còn điều gì nữa không? Học sinh: Em nghĩ nhà văn đang trăn trở về nhân cách con người trong cuộc chiến mới: cuộc chiến mưu sinh. Người đàn ông trong câu chuyện này vì hoàn cảnh nên mới trở thành độc dữ. Thằng Phác cũng vì muốn bảo vệ mẹ nên đánh trả cha... Giáo viên: Tôi thấy những điều này rất quen. Dường như trước đó đã có nhà văn nào nói đến rồi thì phải. Các em nhớ giúp tôi được không? Học sinh: Em nghĩ là nó giống với những điều Nam Cao đã từng nói trong các tác phẩm của mình. Có điều điểm nhìn của Nam Cao là những nhân vật bị tha hóa nên cuộc đấu tranh nội tâm của họ được miêu tả tỉ mỉ hơn. Giáo viên: Rất đúng. Tôi nghĩ các nhà văn cũng đang trăn trở rất nhiều về nhân cách con người. Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu khác trước rất nhiều. Ông không quá lí tưởng hóa nhân vật, không “đặt nhân vật vào trong bầu không khí vô trùng” nữa. Ông nhìn con người trong đòi hỏi khắt khe của hiện thực khách quan, trong mối quan hệ xã hội phức tạp. Vì vậy nhân vật ông khắc họa cũng chân thực hơn. Họ phải đối mặt với những cuộc chiến phức tạp: cuộc chiến mưu sinh. Và trong cuộc chiến ấy, nhân cách con người có thể bị thay đổi. Tôi cũng nghĩ rằng trong câu chuyện này còn nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân sinh mà nhà văn muốn gợi ra nữa. Chẳng hạn như: làm thế nào để giải quyết triệt để bi kịch của gia đình hàng chài kia (mà thật ra là của rất nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh tương tự như thế)? Làm thế nào để trong cuộc chiến mưu sinh con người vẫn giữ được nhân cách? Tại sao câu chuyện này luôn nóng bỏng hơi thở cuộc sống? Giáo viên: Theo em chi tiết “bức ảnh” ở cuối tác phẩm mang thông điệp gì? Học sinh: Nó thể hiện quan niệm của nhà văn về mối quan hệ và giữa nghệ thuật và cuộc sống. Cuộc sống là chất liệu của nghệ thuật. Nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống mới là nghệ thuật chân chính. Giáo viên nêu vấn đề: Nhan đề tác phẩm có ý nghĩa gì? Học sinh: Nhan đề bao giờ cũng là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Tác phẩm này cũng vậy. Hình ảnh con thuyền ngoài xa là tượng trưng cho vẻ đẹp nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật lại được đặt trong một hiện thực nghiệt ngã. Qua đây nhà văn muốn nói với mọi người “tuyên ngôn nghệ thuật” của ông: Nghệ thuật chân chính phải gắn với hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ phải biết quan sát, lắng nghe, thấu hiểu muôn mặt cuộc sống và nỗi đau của thân phận con người. Hơn nữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa nó vẫn gợi lên một sự đơn độc, nhỏ bé, bất an trong lòng người đọc. Hoạt động: Tổng kết ( Giáo viên và học sinh có thể đối thoại bình đẳng cùng nhau). Giáo viên: Xét về phương diện nghệ thuật em thích điều gì ở tác phẩm này nhất? Vì sao? Học sinh: Em thích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện vì nó đầy bất ngờ . Người nghệ sĩ khao khát kiếm tìm vẻ đẹp. Khi anh đang say sưa trong hạnh phúc có được “cảnh đắt trời cho” thì phát hiện một hiện thực cay đắng. Người nghệ sĩ không thể ngờ rằng đằng sau bức tranh ấy là những bi kịch của các gia đình hàng chài. Điều bất ngờ nữa là chính người đàn bà hàng chài bất hạnh lại từ chối sự can thiệp của pháp luật. Chị ta thà rằng chịu đòn chứ không li dị chồng. Qua tình huống đó, người nghệ sĩ hiểu ra bao nhiêu điều về cuộc sống, con người và nghệ thuật. Học sinh: Em thích cách lựa chọn ngôi kể chuyện là một nhân vật trong chuyện. Em nghĩ trong câu chuyện này, Phùng đóng vai trò là người chứng kiến, người muốn được chia sẻ, người thuật lại câu chuyện. Như vậy thì ta có cảm giác câu chuyện rất thực, rất khách quan. Với ngôi kể như vậy, nhà văn có thể nhìn cuộc đời, con người ở nhiều góc độ khác nhau: lúc gần, lúc xa; lúc trực tiếp tham gia câu chuyện, lúc gián tiếp quan sát với tư cách là người kể chuyện; lúc đối thoại trực tiếp với nhân vật, lúc độc thoại nội tâm, lúc hỏi, lúc bình luận... Hơn nữa, Phùng và Đẩu từng là người lính đi qua chiến tranh, họ hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng khi hòa bình họ lại nhận ra có một cuộc chiến cũng khốc liệt không kém: cuộc chiến mưu sinh. Phùng còn là một nghệ sỹ nên anh như giác ngộ ra mối quan hệ sâu sắc giữa nghệ thuật và cuộc đời. Học sinh: Em thích nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện. Mỗi nhân vật một tính cách, một ấn tượng riêng. Nhưng tất cả đều gợi lên cảm giác chân thực như ta đã gặp họ đâu đó trrong cuộc đời này. Giáo viên: Vậy nếu được phát biểu một cách ngắn gọn về tác phẩm, các em sẽ nói gì? Kết quả thực nghiệm: Chúng tôi đã tiến hành dạy thử ở 2 đơn vị trường học có điều kiện tương đồng nhau, và thu được kết quả như sau: Bảng thống kê số liệu điều tra về khả năng chiếm lĩnh tri thức của học sinh. Xếp loại Số Trường Lớp bài Giỏi Khá kiểm tra THPT 12B5 47 Nghèn TN 12B6 48 Trung Yếu Kém bình SL % SL % SL % SL % SL % 2 4.3 17 36.2 25 53.2 3 6.4 0 0.0 1 2.1 10 20.8 30 62.5 7 14.6 0 0.0 1 2.2 11 24.4 28 62.2 5 11.1 0 0.0 0 0.0 7 29 69.0 4 9.5 2 4.8 ĐC THPT 12A4 45 Can TN Lộc 12B7 42 16.7 ĐC (ĐC: lớp đối chứng, dạy học theo phương pháp truyền thống. TN: Lớp thực nghiệm, dạy học theo cấu trúc mở.) Bên cạnh việc khảo sát bài làm của học sinh để kiểm tra kiến thức bài học, chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của các giáo viên và học sinh về giờ học theo cấu trúc mở. Hầu hết các giáo viên đều thừa nhận rằng mình đang dạy học theo mô hình giờ học tĩnh, gồm 5 bước cố định từ lâu. Có 17 trong số 22 giáo viên (chiếm 77,3%) được hỏi cảm thấy giờ học như vậy có phần nặng nề, công thức cứng nhắc và khó phát huy tính sáng tạo. Có 9 giáo viên trong số 17 giáo viên trên (chiếm 53%) đã thử thoát khỏi sự ràng buộc ấy và cảm giác giác giờ dạy thoải mái hơn. Trong số 22 giáo viên chúng tôi tham khảo, có đến 19 người (86,4%) người cho rằng tính ứng dụng của đề tài rất cao. Về phía học sinh chúng tôi thu được phản hồi khá tốt. Trong số 92 học sinh chúng tôi phát phiếu điều tra thì có đến 71 em (chiếm 77,1%) cảm thấy rất thích với mô hình học tập này. Trong số đó có 57 em (chiếm 80.2%) các em cho rằng họ dễ tiếp thu bài mới và họ hứng thú vì không khí học tự do, thoải mái. Có 43 học sinh (chiếm 60.5%) cho rằng họ thích giờ học theo cấu trúc mở vì họ được đối thoại với bạn bè, được bày tỏ suy nghĩ của mình. Có19 học sinh (chiếm 26,7%) thích vì được giáo viên và các bạn “gỡ” những vấn đề khó. KẾT LUẬN Qua những vấn đề chính đã trình bày ở các chương trên, chúng tôi rút ra một số kết luận sau: 1. Việc xây dựng cấu trúc mở cho giờ đọc hiểu văn bản văn học là điều thiết thực, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn dạy học. Với mô hình cấu trúc này, mối quan hệ giáo viên – học sinh – tác phẩm được phát huy tối đa hiệu quả. Học sinh không những có điều kiện đối thoại trực tiếp với giáo viên hay với các bạn trong lớp mà điều qua trọng hơn là họ có thể giao tiếp với nhà văn (qua tác phẩm), giao tiếp với một cộng đồng lí giải, từ đó kiến tạo tri thức cho bản thân. 2. Không khí giờ học với mô hình cấu trúc mở thực sự là một giờ học dân chủ. Qua giờ học ấy học sinh được tự do bày tỏ chủ kiến của mình, được bộc lộ năng lực tư duy, năng khiếu sở trường. Mỗi học sinh là một chủ thể năng động, sáng tạo để chiếm lĩnh tri thức theo con đường mà họ chọn. Đây cũng là hướng đi góp phần phát huy quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm” mà chúng ta theo đuổi trong nhiều năm qua. 3. Dù đây là một hướng đổi mới thì nó cũng không thể là con đường độc tôn. Cũng không phải là hoàn toàn có thể áp dụng được cho mọi bài học và thủ tiêu hẳn mô hình cấu trúc cũ. Nó cũng có những hạn chế nhất định, nhất là khi người dạy, người học không làm chủ được công việc của mình. Điều chúng ta dễ nhận ra nhất đó chính là việc gây nên tình trạng kiến thức gián đoạn, không hệ thống, không logic chặt chẽ hay không khí giờ văn thường bị đẩy lên kiểu tư duy tranh luận, phản biện. Vì vậy, cần biết lựa chọn bài dạy và đối tượng học sinh phù hợp. Để tổ chức được một giờ dạy học theo cấu trúc mở, giáo viên và học sinh cần phải chuẩn bị bài rất công phu, chu đáo. Giáo viên phải luôn trau dồi năng lực nghề nghiệp của mình để có thể ứng biến trong nhiều tình huống nảy sinh. Hơn nữa giờ học này thường tạo không khí tranh luận sôi nổi nên có thể gây ảnh hưởng đến các lớp khác. Vì vậy giáo viên cần có cách chủ động điều tiết. 4. Để có thể thực hiện dạy học theo cấu trúc mở này cũng cần một quá trình thể nghiệm và điều chỉnh để tạo nên sự cân đối hài hòa và đáp ứng được cao nhất yêu cầu của thực tiễn giáo dục. Sự đổi mới này cũng cần đến tính đồng bộ tiếp theo đó chẳng hạn như đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh và giáo viên...
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng