Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Sinh kế của người thái tái định cư thủy điện sơn la ...

Tài liệu Sinh kế của người thái tái định cư thủy điện sơn la

.PDF
226
748
116

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI PHẠM QUANG LINH SINH KẾ CỦA NGƯỜI THÁI TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN SƠN LA LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC Mã số: 62.31.03.02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS NGUYỄN NGỌC THANH 2. TS. ĐẶNG THỊ HOA HÀ NỘI - 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Nội dung trình bày trong luận án là kết quả nghiên cứu của tôi tại tỉnh Sơn La. Các số liệu, kết quả nghiên cứu và trích dẫn trong luận án hoàn toàn trung thực. Hà Nội, ngày tháng năm 2017 Tác giả luận án Phạm Quang Linh LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án tiến sĩ Sinh kế của người Thái tái định cư thủy điện Sơn La, tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của nhiều cơ quan, tập thể và cá nhân. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh và TS. Đặng Thị Hoa - hai giáo viên hướng dẫn khoa học đã tận tình chỉ bảo tôi trong việc xác định đề tài, tiếp cận lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, gợi ý các nội dung và góp ý để tôi hoàn thiện bản luận án này. Tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới: - Khoa Dân tộc học và Nhân học thuộc Học viện Khoa học xã hội đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu và bảo vệ luận án. - Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - nơi tôi đang công tác, đã tạo điều kiện cho tôi theo học chương trình nghiên cứu sinh, là nơi giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn và trưởng thành trong nghiên cứu khoa học. - Lãnh đạo, cán bộ các ban ngành các cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản và người dân tại những điểm TĐC của tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện, giúp đỡ tận tình tôi trong nhiều chuyến đi điền dã lấy tư liệu để viết luận án. - Cảm ơn gia đình, các quý thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong thực hiện và hoàn thành luận án. Trân trọng cảm ơn./. Hà Nội, ngày tháng năm 2017 Tác giả luận án Phạm Quang Linh MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1 1. Tính cấp thiết của luận án ....................................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.....................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án .....................................................3 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án .................................4 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án ...............................................................7 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án ..............................................................7 7. Cơ cấu của luận án...............................................................................................8 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN, THÔNG TIN VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu........................................................................9 1.2. Cơ sở lý luận ..................................................................................................22 1.3. Thông tin chung về dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.......................34 Tiểu kết chương 1.................................................................................................. 40 CHƯƠNG 2 CÁC NGUỒN VỐN SINH KẾ CỦA NGƯỜI THÁI TÁI ĐỊNH CƯ 2.1. Vốn tự nhiên...................................................................................................42 2.2. Vốn con người................................................................................................48 2.3. Vốn xã hội ......................................................................................................53 2.4. Vốn vật chất ...................................................................................................62 2.5. Vốn tài chính ..................................................................................................73 Tiểu kết chương 2.................................................................................................. 75 CHƯƠNG 3 HOẠT ĐỘNG SINH KẾ CỦA NGƯỜI THÁI TÁI ĐỊNH CƯ 3.1. Hoạt động trồng trọt........................................................................................77 3.2. Hoạt động chăn nuôi.......................................................................................97 3.3. Các nghề thủ công ........................................................................................ 107 3.4. Trao đổi hàng hóa và dịch vụ........................................................................ 110 3.5. Khai thác các nguồn lợi tự nhiên................................................................... 111 3.6. Các hoạt động sinh kế mới............................................................................ 115 3.7. Kết quả sinh kế tại nơi tái định cư................................................................. 117 Tiểu kết chương 3................................................................................................ 124 CHƯƠNG 4 MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN SINH KẾ BỀN VỮNG CHO NGƯỜI THÁI TÁI ĐỊNH CƯ 4.1. Những vấn đề sinh kế đặt ra trong công tác di dân, tái định cư, ổn định đời sống của người dân tái định cư..................................................................................... 127 4.2. Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo sinh kế bền vững cho người Thái tái định cư ......................................................................................... 134 Tiểu kết chương 4................................................................................................ 145 KẾT LUẬN......................................................................................................... 147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ .................................. 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 152 PHỤ LỤC 1: Một số thông tin liên quan đến luận án........................................... 164 PHỤ LỤC 2: Phương án bố trí TĐC TĐSL trên địa bàn tỉnh Sơn La .................. 168 PHỤ LỤC 3: Danh sách những người cung cấp thông tin chính .......................... 171 PHỤ LỤC 4: Một vài suy nghĩ của người dân tái định cư về cuộc sống tại nơi ở mới..174 PHỤ LỤC 5: Miêu tả sinh kế, thu nhập của một vài hộ dân hiện nay và trước TĐC ...176 PHỤ LỤC 6: Tiêu chí và thang điểm đánh giá tình hình ổn định sản xuất và đời sống nhân dân tại các điểm TĐC dự án di dân TĐC TĐSL năm 2015 ...................184 PHỤ LỤC 7: Một số hình ảnh liên quan đến luận án...............................................190 PHỤ LỤC 8: Một số bản đồ quy hoạch TĐC TĐSL trên địa bàn tỉnh Sơn La ......213 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BQL: Ban quản lý BQLDA: Ban quản lý dự án CAQ: Cây ăn quả DATĐC: Dự án tái định cư DATĐSL: Dự án thủy điện Sơn La DFID: Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development) GCNQSDĐ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) NLH: Ngoài lòng hồ VLH: Ven lòng hồ SKBV: Sinh kế bền vững TĐC: Tái định cư TĐCĐT: Tái định cư đô thị TĐCNT: Tái định cư nông thôn TĐCXG: Tái định cư xen ghép TĐCTT: Tái định cư tập trung TĐCVLH: Tái định cư ven lòng hồ TĐCNLH: Tái định cư ngoài lòng hô TĐSL: Thủy điện Sơn La THCS: Trung học cơ sở THPT: Trung học phổ thông UBND: Ủy ban nhân dân MỤC LỤC HÌNH Hình 1.1: Phân loại người dân TĐC TĐSL ............................................................ 27 Hình 1.2: Mô hình phân tích sinh kế...................................................................... 29 Hình 1.3: Khung phân tích sinh kế của người Thái TĐC TĐSL............................. 33 MỤC LỤC BẢNG Bảng 1.1: Tổng hợp kết quả bố trí các hộ dân tại các khu, điểm TĐC DATĐSL trên địa bàn tỉnh Sơn La................................................................................................ 34 Bảng 1.2: Số hộ phải di chuyển của dự án trên địa bàn tỉnh Sơn La ....................... 34 Bảng 1.3: Kết quả di chuyển dân ra khỏi vùng lòng hồ đợt 1 ................................. 35 Bảng 1.4: Kết quả di chuyển dân ra khỏi vùng lòng hồ đợt 2 ................................. 36 Bảng 1.5: Kết quả di chuyển dân ra khỏi vùng lòng hồ đợt 3 ................................. 36 Bảng 1.6: Phân bố người dân TĐC TĐSL ............................................................. 37 Bảng 1.7: Vài nét về các bản TĐC được chọn làm điểm nghiên cứu...................... 38 Bảng 2.1: Tổng hợp diện tích đất bị ngập bởi TĐSL.............................................. 43 Bảng 2.2: Tổng hợp giao đất ở cho người dân TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La ........ 43 Bảng 2.3: Kết quả giao đất sản xuất cho người dân TĐC....................................... 44 Bảng 2.4: Tình hình học vấn của dân tộc Thái ở 3 xã Ít Ong, Mường Chiên, Chiềng Ơn trước TĐC ............................................................................................................. 48 Bảng 2.5: Tình hình học sinh dân tộc Thái các cấp trong 19 xã vùng lòng hồ trước TĐC............................................................................................................. 48 Bảng 2.6: Trình độ học vấn của người dân TĐC.................................................... 49 Bảng 2.7. Hiện trạng đào tạo lao động vùng TĐC TĐSL ....................................... 50 Bảng 2.8: Tỷ lệ người dân TĐC thường xuyên thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật.............................................................................................................. 52 Bảng 2.9: Sự thay đổi trong thực hiện nghi lễ của người Thái trước và sau TĐC... 60 Bảng 2.10: Số lượng tài sản có giá trị trong nhà..................................................... 64 Bảng 2.11: Số tiền đầu tư xây dựng cơ bản trung bình cho 1 khu, 1 điểm TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La................................................................................................ 65 Bảng 2.12: Nhà vệ sinh của người dân trước và sau TĐC ...................................... 67 Bảng 2.13: Số tiền đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp học tại các điểm TĐC trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Châu................................................................................ 70 Bảng 2.14: Số tiền đầu tư xây dựng nhà văn hóa các bản TĐC ở xã Tân Lập ........ 72 Bảng 3.1: Diện tích trồng lúa bình quân đầu người trước TĐC .............................. 77 Bảng 3.2: Năng suất lúa bình quân trước TĐC ...................................................... 78 Bảng 3.3: Diện tích, sản lượng và năng suất lúa hiện nay ...................................... 79 Bảng 3.4: Bình quân diện tích đất tính theo đầu người trước TĐC......................... 84 Bảng 3.5: Diện tích, sản lượng và năng suất trồng ngô, sắn trước TĐC ................. 86 Bảng 3.6: Diện tích, sản lượng và năng suất trồng ngô, sắn hiện nay ..................... 86 Bảng 3.7: Diện tích, sản lượng và năng suất cây chè trước TĐC............................ 91 Bảng 3.8: Diện tích, sản lượng và năng suất cây chè hiện nay ............................... 91 Bảng 3.9: Diện tích, sản lượng và năng suất cây cà phê trước TĐC ....................... 93 Bảng 3.10: Diện tích, sản lượng và năng suất cây cà phê hiện nay......................... 93 Bảng 3.11: Thông tin về hoạt động trồng rau, củ, quả của các hộ gia đình ở bản Bỉa, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai...................................................................... 96 Bảng 3.12: Số lượng trâu người dân nuôi trước TĐC............................................. 97 Bảng 3.13: Số lượng trâu người dân nuôi hiện nay ................................................ 97 Bảng 3.14: Số lượng bò người dân nuôi trước TĐC............................................... 99 Bảng 3.15: Số lượng bò người dân nuôi hiện nay .................................................. 99 Bảng 3.16: Số lượng lợn người dân nuôi trước TĐC............................................ 101 Bảng 3.17: Số lượng lợn người dân nuôi hiện nay ............................................... 101 Bảng 3.18: Số lượng dê người dân nuôi hiện nay................................................. 103 Bảng 3.19: Số lượng gia cầm người dân nuôi hiện nay ........................................ 104 Bảng 3.20: Số lượng lồng cá người dân nuôi hiện nay ......................................... 106 Bảng 3.21: Thu nhập bình quân của người dân tại các vùng TĐC........................ 118 Bảng 3.22: Tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng TĐC ...................................................... 120 Bảng 4.1: Kết quả thu hồi đất dự án TĐSL tại tỉnh Sơn La .................................. 129 MỤC LỤC BIỂU Biểu 1.1: Phân bố số lượng người dân TĐC .......................................................... 37 Biểu 2.1: Tỷ lệ người lao động được đào tạo chuyên môn ..................................... 50 Biểu 2.2: Công trình nước sinh hoạt phục vụ người dân TĐC................................ 67 Biểu 2.3: Công trình điện sinh hoạt phục vụ người dân TĐC................................. 68 Biểu 2.4: Công trình giao thông phục vụ người dân TĐC ...................................... 69 Biểu 2.5: Công trình thủy lợi phục vụ người dân TĐC........................................... 71 Biểu 3.1: Thu nhập của người dân trước và sau TĐC........................................... 119 Biểu 3.2: Tỷ lệ hộ nghèo của người dân trước và sau TĐC .................................. 122 Biểu 3.3: Kết quả phân loại các điểm TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La.................... 123 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của luận án Trong những năm qua, cùng với tiến trình Đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhà máy thủy điện Sơn La (TĐSL). TĐSL là công trình trọng điểm đa mục tiêu, có quy mô lớn và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây cũng là công trình thuỷ điện lớn nhất ở nước ta hiện nay và là công trình thuỷ điện quy mô hàng đầu ở Đông Nam Á. Địa điểm xây dựng nhà máy TĐSL đặt tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, vùng ngập lòng hồ TĐSL lại trải dài trên một phạm vi rộng, bao gồm địa bàn nhiều xã của các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, nơi cư trú khá tập trung và chủ yếu là người Thái với hai nhóm Thái Đen và Thái Trắng. Để phục vụ cho việc xây dựng công trình, số dân phải di chuyển vì dự án TĐSL được Chính phủ phê duyệt là 20.340 hộ gia đình, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, riêng tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.584 hộ gia đình, 58.337 nhân khẩu, chiếm hơn 60% tổng số khẩu phải di dời, tái định cư (TĐC). Đặc biệt, trong số hơn 90.000 người phải TĐC TĐSL, người Thái chiếm hơn 80%. Ngoài tộc người Thái, một số tộc người ở vùng lòng hồ cũng phải di chuyển đến nơi ở mới (người Lào, Lự, Kháng, Khơ Mú…) nhưng với số lượng ít hơn. Đồng thời, một diện tích lớn đất đai, những cánh đồng ruộng nước phì nhiêu của người Thái và một số tộc người khác ở vùng lòng hồ cũng bị ngập, tác động trực tiếp không mong muốn đến sinh kế và đời sống của người dân. Tháng 12 năm 2012, nhà máy TĐSL chính thức đi vào hoạt động sớm ba năm so với dự kiến, lòng hồ TĐSL được đưa vào tích nước. Kể từ đây, cuộc sống mưu sinh và đời sống của nhiều người dân hoàn toàn thay đổi. Với những hộ dân TĐC ven lòng hồ (VLH), diện tích đất canh tác của họ đã bị suy giảm một cách đáng kể. Đất canh tác ở độ cao hơn so với trước đây, do đó độ dốc của đất tăng lên khiến cho nguy cơ xói mòn trở nên lớn hơn. Tại nhiều điểm TĐCVLH, người dân 1 phải chuyển từ trồng lúa, làm nương sang nuôi và đánh bắt thủy sản do phần lớn đất đai đã bị ngập dưới lòng hồ thủy điện. Với người dân TĐC ngoài lòng hồ (NLH), việc phải di chuyển đến nơi ở mới với những thay đổi đáng kể về thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước... khiến sinh kế của họ gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất canh tác, đặc biệt là đất ruộng của người dân hầu như đều suy giảm, có những điểm người dân chỉ có đất nương hoặc đất trồng cây công nghiệp. Tại nhiều điểm TĐC, hình thức canh tác lúa nước truyền thống đã được thay thế bằng lúa nương, ngô nương hoặc sắn, diện tích đất canh tác không đủ cho các hộ gia đình sản xuất theo phương thức luân canh truyền thống. Nguồn thu từ thủy sản cũng giảm mạnh ở một bộ phận người dân trước đây sinh sống ven sông Đà, nay phải di chuyển tới điểm TĐC có rất ít sông, suối. Có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất đối với người dân khi TĐC là phải đối mặt và thích nghi với sự suy giảm đáng kể về diện tích đất, chất lượng đất, những thay đổi về đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên cũng như thay đổi mô hình sinh kế để ổn định và phát triển tại nơi ở mới. Trong thực tế, sinh kế của người dân vùng TĐC TĐSL đang là vấn đề đặt ra không chỉ riêng đối với tỉnh Sơn La mà còn là một vấn đề lớn với Đảng và Chính phủ trong bối cảnh đất nước Việt Nam có hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng ở nhiều vùng, địa phương. Đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau khi sinh kế truyền thống không còn được duy trì trong khi các nguồn hỗ trợ sinh hoạt, sản xuất không thể kéo dài mãi. Do vậy, rất cần thực hiện những nghiên cứu cơ bản, cụ thể về bảo đảm sinh kế bền vững (SKBV) đối với vùng người dân TĐC nói chung, người Thái TĐC TĐSL ở tỉnh Sơn La nói riêng. Xuất phát từ thực tiễn trên, tác giả đã chọn Sinh kế của người Thái tái định cư thủy điện Sơn La làm đề tài luận án tiến sĩ. Việc thực hiện nghiên cứu chuyên sâu có hệ thống về vấn đề này dưới góc độ Nhân học không chỉ có đóng góp về phương diện khoa học mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích Tìm hiểu sinh kế của người Thái TĐC TĐSL trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ đó 2 đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh kế của người dân TĐC, giúp người dân TĐC có cuộc sống ổn định, ngày càng bền vững và tốt đẹp hơn. 2.2. Nhiệm vụ cụ thể - Xác định các nguồn vốn ảnh hưởng đến sinh kế của người Thái TĐC, bao gồm vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội, vốn vật chất và vốn tài chính, đồng thời tìm hiểu sự thay đổi của nguồn vốn này so với nơi ở cũ. - Tìm hiểu hoạt động sinh kế của Thái tại nơi TĐC, so sánh sự thay đổi trong hoạt động sinh kế hiện nay so với trước khi TĐC. - Đề xuất các giải pháp nhằm ổn định sinh kế của người Thái TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La theo hướng phát triền bền vững. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là sinh kế của cộng đồng người Thái phải di dời TĐC bắt buộc để phục vụ công cuộc xây dựng dự án TĐSL. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nội dung Luận án đi sâu phân tích những vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân. Cụ thể, tìm hiểu các hoạt động sinh kế và đánh giá ảnh hưởng của năm nguồn vốn tới hoạt động sinh kế của người Thái TĐC. - Phạm vi thời gian Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề sinh kế của người Thái TĐC kể từ khi cộng đồng này di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó, các điểm TĐC trên địa bàn huyện Mộc Châu đã TĐC từ năm 2003. Còn lại, đa phần số hộ gia đình người Thái TĐC trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung diễn ra trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010. - Phạm vi không gian Luận án tập trung nghiên cứu các điểm TĐC của người Thái trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó tập trung vào huyện Mộc Châu và huyện Quỳnh Nhai. Huyện Mộc Châu là nơi diễn ra quá trình TĐC thí điểm, đồng thời cũng là nơi có 3 khí hậu lạnh khác hẳn so với khí hậu nóng ẩm tại nơi ở cũ của người Thái. Huyện Quỳnh Nhai là huyện có số dân di dời chiếm gần 50% trên địa bàn tỉnh Sơn La và là nơi đón nhận gần 40% số dân TĐC. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Luận án được trình bày và biện giải trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo đó, luận án nhìn nhận hoạt động sinh kế của người Thái TĐC luôn không ngừng biến đổi và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật, hiện tượng xung quanh. Luận án coi những hoạt động sinh kế của người Thái TĐC là yêu cầu khách quan, là cơ sở của sự tồn tại, vận động và phát triển xã hội. Đồng thời, luận án tìm hiểu hoạt động sản xuất vật chất này trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất (con người) và tư liệu sản xuất (công cụ, khoa học kỹ thuật…). Luận án bám sát những quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, chính sách TĐC, chính sách hỗ trợ người dân các khu vực khó khăn trong bối cảnh phát triển của đất nước, quá trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai thực hiện. Luận án dựa trên quan điểm về phát triển bền vững và SKBV. Luận án không nghiên cứu tách rời sinh kế của người dân mà tìm hiểu sinh kế của người dân trong mối quan hệ với các yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, chính trị. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng hài hòa và không làm tổn hại đến các yếu tố khác. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp điền dã dân tộc học Điền dã dân tộc học là phương pháp nghiên cứu chủ đạo của luận án. Phương pháp điền dã dân tộc học được sử dụng bao gồm nhiều công cụ nghiên cứu cụ thể như quan sát, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, ghi chép, chụp ảnh, quay video. Trong đó, phỏng vấn sâu là công cụ quan trọng nhất trong quá trình tác giả tiến hành nghiên cứu tại thực địa. Các công cụ nghiên cứu khác (quan sát, quán 4 sát tham dự, thảo luận nhóm…) trong từng hoàn cảnh cụ thể cũng đã giúp tác giả thu thập được những thông tin quan trọng phục vụ luận án. Tác giả luận án đã triển khai nhiều chuyến nghiên cứu, điều tra, thu thập tư liệu tại nhiều điểm TĐC của người Thái trong những năm 2012 - 2016. + Quan sát, quan sát tham dự: Với mục đích hình dung được cảnh quan, môi trường cư trú, cách bố trí bản làng... của người Thái tại nơi ở mới, quan sát giúp tác giả luận án có được cái nhìn khái quát ban đầu về địa bàn nghiên cứu. Bên cạnh đó, quan sát tham dự kết hợp cùng ghi âm, chụp ảnh, quay phim... giúp tác giả có thể chứng kiến, lưu giữ hình ảnh về các hoạt động mưu sinh của người Thái, đồng thời thiết lập được mối quan hệ thân thiết với cộng đồng và các đối tượng, các thông tín viên khác nhau phục vụ cho việc khai thác các nguồn tư liệu liên quan. + Phỏng vấn sâu: Tác giả luận án đã thực hiện 50 cuộc phỏng vấn sâu với người dân trên địa bàn hai huyện, cụ thể: huyện Mộc Châu (hơn 15 cuộc), huyện Quỳnh Nhai (hơn 35 cuộc). Đối tượng tham gia phỏng vấn sâu được lựa chọn đa dạng về nghề nghiệp (nông dân, cán bộ, làm dịch vụ…), giới tính (nam, nữ), lứa tuổi (ngoài 60 tuổi, từ 30-50 tuổi, từ 25-30 tuổi…), trình độ học vấn (mù chữ, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học...) để có cái nhìn toàn diện và đánh giá từ nhiều chiều về vấn đề sinh kế của người Thái TĐC. Nội dung các cuộc phỏng vấn sâu được chuẩn bị sẵn bằng một bộ câu hỏi phù hợp với các nội dung nghiên cứu của luận án, nhưng được áp dụng một cách linh hoạt tại các điểm nghiên cứu được lựa chọn. + Thảo luận nhóm: Các cuộc thảo luận nhóm với nhiều thành phần tham dự (bí thư, trưởng bản, hội nông dân, người dân...) đã được tổ chức tại cộng đồng. Trong khuôn khổ luận án, tác giả đã tổ chức hơn 10 cuộc thảo luận nhóm, tại mỗi điểm TĐC đều tổ chức ít nhất một cuộc. Đây là công cụ đắc lực giúp tác giả luận án thu thập nguồn thông tin một cách đa dạng khi tìm hiểu, đánh giá về các nguồn lực mưu sinh, cuộc sống mưu sinh của người Thái TĐC và đề xuất các giải pháp chính sách cũng như giải pháp cụ thể nhằm giúp người dân có một cuộc sống ổn định, các hoạt động sinh kế mang tính bền vững hơn. 5 - Phương pháp thu thập tổng hợp và phân tích tài liệu thứ cấp Tác giả luận án đã chú trọng, thu thập các tài liệu, báo cáo, thông tin có liên quan về chính sách đền bù TĐC, những thông tin chung về tình hình kinh tế - xã hội của các điểm nghiên cứu, các văn bản thống kê đền bù, kiến nghị của người dân tại các điểm TĐC... Các công trình nghiên cứu (sách, báo, tạp chí...) có liên quan đến phạm vi nghiên cứu của luận án (sinh kế, người Thái, TĐSL...), đặc biệt là nguồn số liệu các công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Viện… được triển khai trong những năm gần đây cũng được tác giả luận án khai thác, kế thừa. Việc nghiên cứu, phân tích tài liệu thứ cấp giúp tác giả có cái nhìn tổng thể và khái quát về vấn đề nghiên cứu, đồng thời có sự tham khảo giải pháp từ nhiều nguồn tài liệu để từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp, có tính khả thi liên quan tới sinh kế của người Thái TĐC TĐSL. - Phương pháp so sánh Tìm hiểu các nguồn vốn sinh kế của người dân trước và sau TĐC để nhìn ra sự thay đổi. Tìm hiểu cảm nhận, đánh giá của người dân (ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính khác nhau…) về sinh kế và về cuộc sống trước và sau TĐC. Sử dụng những thông tin thu thập được để tìm hiểu mối liên hệ giữa các nguồn vốn và sinh kế của người Thái TĐC. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành Không chỉ nhìn sự thay đổi sinh kế của người dân TĐC dưới góc độ Nhân học/Dân tộc học, tìm mối liên hệ giữa sinh kế và văn hóa tộc người - vốn là yếu tố đặc trưng của ngành Nhân học/Dân tộc học, luận án còn nhìn sự thay đổi sinh kế của người dân dưới góc độ Địa lý (tìm hiểu sự thay đổi gắn với biến đổi điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng…), dưới góc độ Kinh tế (quy đổi mức thu nhập hiện nay của người Thái so với trước đây về cùng một hệ tham chiếu, dưới góc độ Nông nghiệp (phân tích những điểm phù hợp/chưa phù hợp của các giống cây trồng, vật nuôi)… để có cái nhìn toàn diện về sinh kế của người Thái TĐC gắn với 5 nguồn vốn. - Phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia Luận án tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành Nhân học/Dân tộc học và một số lĩnh vực liên quan nhằm trao đổi, bổ sung, hoàn thiện các kiến thức 6 mà tác giả nhận thấy chưa đầy đủ. Trong suốt thời gian thực hiện luận án, tác giả đã trao đổi với những nhà khoa học đi trước về khái niệm lý thuyết sinh kế, cách áp dụng khung lý thuyết vào vấn đề nghiên cứu, cũng như thường xuyên trao đổi với cán bộ của BQLDA TĐC để làm rõ các khái niệm, số liệu trong báo cáo hay những vấn đề chưa sáng rõ. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ Nhân học về sinh kế của tộc người Thái phải di dời, TĐC TĐSL. Kết quả nghiên cứu của luận án đưa ra cái nhìn đa chiều về sinh kế của người dân. Trên kết quả khảo sát thực địa, luận án đã phân tích làm rõ những thuận lợi về sinh kế của người Thái TĐC với sự hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Sơn La giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, người Thái còn phải đối mặt với những khó khăn khi điều kiện sinh hoạt, sản xuất thay đổi do thay đổi vùng sinh thái, thay đổi các kinh nghiệm sản xuất và những hạn chế do thiếu đất, chất lượng đất suy giảm, thiếu rừng, thiếu nguồn nước hay các tri thức địa phương về sản xuất truyền thống không còn sử dụng được… 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận án đã xây dựng được khung phân tích về sinh kế đối với người Thái TĐC TĐSL ở tỉnh Sơn La. Bên cạnh việc xác định các lý thuyết cơ bản trong áp dụng phân tích như lý thuyết khung SKBV, luận án đã làm rõ những khái niệm công cụ và các chiều cạnh phân tích để làm nổi bật lên những vấn đề đang đặt ra đối với sinh kế và đời sống người dân TĐC TĐSL từ khi bắt đầu di chuyển cư đến nay. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án cung cấp một cách có hệ thống cơ sở khoa học cho nghiên cứu về sinh kế ở vùng người Thái TĐC. Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm nâng cao cuộc sống của người dân TĐC và đúc rút ra một số bài học cho việc triển khai thực hiện các dự án sau này. 7 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được kết cấu 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận, thông tin về địa bàn nghiên cứu. Chương 2: Các nguồn vốn sinh kế của người Thái tái định cư. Chương 3: Hoạt động sinh kế của người Thái tái định cư. Chương 4: Một số vấn đề phát triển sinh kế bền vững cho người Thái tái định cư. 8 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN, THÔNG TIN VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về sinh kế trên thế giới và trong nước - Các nghiên cứu trên thế giới Trên thế giới, nghiên cứu về sinh kế bắt đầu được quan tâm khoảng 30 năm trước đây. Những ý tưởng về sinh kế đã được giới thiệu trong các nghiên cứu của Robert Chamber từ những năm 80 và sau đó được ông cùng Conway phát triển lên vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Trong cuốn Sustainable rural livelihood: Practical concept for the 21st century (Sinh kế bền vững nông thôn: khái niệm thực tế trong thế kỷ 21) [112], lần đầu tiên hai tác giả đã đưa ra khái niệm về sinh kế và SKBV. Theo đó, hai tác giả cho rằng sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản và các hoạt động cần thiết để sinh tồn. SKBV là sinh kế có thể ứng phó và phục hồi từ những cú sốc, có khả năng bảo toàn hoặc tăng thêm các khả năng và các tài sản hiện tại, đồng thời cung cấp cơ hội sinh kế cho các thế hệ tiếp theo. Hai khái niệm về sinh kế và SKBV đã được đón nhận và sử dụng trong rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khác sau này. Tổng hợp nhiều nghiên cứu riêng lẻ về sinh kế, Ngân hàng thế giới đã xuất bản cuốn sách Assets, livelihoods, and social policy (Tài sản, sinh kế, chính sách xã hội) [115] gồm các bài viết về vấn sinh kế, đánh giá mối quan hệ giữa các nguồn vốn, sinh kế của người dân và các yếu tố chính sách xã hội. Cuốn sách đã phân tích các chính sách có ảnh hưởng đến kết quả sinh kế bằng cách trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tiếp cận các tài sản của người nghèo như đất đai, nhà ở, tài nguyên thiên nhiên, vốn tín dụng. Các nghiên cứu trong cuốn sách khẳng định chính sách xã hội dựa trên các chiến lược tích lũy tài sản sẽ giúp người nghèo vượt qua những khó khăn của môi trường thể chế, giúp họ có sự an tâm hơn về sinh kế. 9 Cũng trong khoảng thời gian những năm 80, 90 của thế kỷ XX, môi trường là vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn nhân loại. Năm 1987, khái niệm “Phát triển bền vững” được đưa ra trong báo cáo Our Common Future (Tương lai của chúng ta) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới. Cũng từ đây, hai khái niệm sinh kế và SKBV gần như luôn song hành với nhau. Các giải pháp về sinh kế cho con người đồng thời phải được gắn với phát triển bền vững hay cũng chính là SKBV. Năm 2000, nghiên cứu Environment and Livelihood: Strategies for Sustainability (Sinh kế và môi trường: Chiến lược cho sự bền vững) [122] đã đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa sinh kế của con người và môi trường. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả Koos Neefjes đã đưa ra các chính sách và chiến lược bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, chống đói nghèo trên toàn thế giới. Nghiên cứu đồng thời nêu lên quan điểm về SKBV, cách thức để các chính sách có thể giải quyết được những nguyên nhân khiến cho môi trường xuống cấp và nghèo đói xuất hiện. Đề có hướng tiếp cận và nâng cao hiệu quả của các giải pháp đảm bảo SKBV cho người dân, nhiều khung phân tích SKBV đã được các tổ chức, cá nhân đưa ra. Có thể kể đến các công trình Sustainable Rural Livelihoods: A Framework for Analysis (Sinh kế nông thôn bền vững: Khung phân tích) [125], Sustainable livelihoods: lessons from early experience (Sinh kế bền vững: bài học từ những kinh nghiệm trước đây) [111], Sustainable Livelihoods Guidance Sheet (Tài liệu hướng dẫn về sinh kế bền vững) [118], Capitals and Capabilities: A Framework for Analyzing Peasant Viability, Rural Livelihoods and Poverty (Vốn và năng lực: Khung phân tích cho khả năng tồn tại, sinh kế vùng nông thôn và đói nghèo) [108]... Mỗi nghiên cứu kể trên đều nêu những lý thuyết về mô hình SKBV khác nhau. Hai tác giả Caroline và Diana xác định SKBV là một cách suy nghĩ về mục tiêu, phạm vi và ưu tiên phát triển nhằm nâng cao quá trình xóa đói giảm nghèo. Tác giả Scoones đưa ra khung phân tích sinh kế gồm vốn con người, vốn tài chính, vốn tự nhiên, vốn xã hội và các vốn khác. Còn Bebbington lại cho rằng, SKBV dựa trên năm yếu tố là vốn sản xuất, vốn con người, vốn tự nhiên, vốn xã hội và vốn văn 10 hóa. Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) đưa ra khung SKBV dựa trên năm nguồn vốn gồm vốn xã hội, vốn con người, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn tự nhiên. Hiện nay, khung SKBV của DFID vẫn đang là lý thuyết được đông đảo các tổ chức, các nhà nghiên cứu ủng hộ và áp dụng khi nghiên cứu về sinh kế. Năm 2004, Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) đã phát triển, kết hợp thêm một số thay đổi cho khung phân tích SKBV của DFID. Cụ thể, IFAD đưa ra khung phân tích mới sắp xếp các yếu tố ngang hàng, đặt người nghèo làm trung tâm, nhấn mạnh yếu tố đời sống tinh thần trong sinh kế. Khung phân tích này đã được IFAD giới thiệu trên website của mình là ifad.org. Ngày nay, sự biến đổi về chính trị và môi trường trên thế giới ngày càng mạnh mẽ. Đi cùng với sự biến đổi này, sinh kế của người dân cũng bị tác động và ngày càng trở nên bấp bênh hơn. Nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại một số nước ở châu Phi đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước uống, môi trường ô nhiễm… Do đó, sinh kế của con người ngày càng được quan tâm. Những nghiên cứu về sinh kế vẫn đang diễn ra hàng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc các công cụ nghiên cứu, các cách tiếp cận, khung lý thuyết mới đang liên tục xuất hiện và ngày càng được hoàn thiện. - Các nghiên cứu trong nước Việt Nam là một nước đang phát triển. Kể từ Đổi mới (1986), đất nước ta không ngừng đẩy mạnh tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Đi cùng quá trình này, cuộc sống và sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Do đó, rất nhiều nghiên cứu về sinh kế của người dân đã được thực hiện. Với đặc thù là một quốc gia đa tộc người, đa văn hóa, số lượng các nghiên cứu chuyên sâu về sinh kế của các tộc người ở Việt Nam rất đồ sộ. Có thể kể đến nhiều công trình nghiên cứu về sinh kế của các tộc người thiểu số như Sinh kế người Cơ Tu khả năng tiếp cận và cơ hội [1], Sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên rừng của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế [38], Sinh kế của người Dao trong quá trình hội nhập và phát triển (nghiên cứu trường hợp người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) [73], Sinh kế của người Hmông trong quá trình hội nhập và phát triển 11
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan