Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Sáng kiến kinh nghiệm về từ ngữ trong truyện ngắn thạch lam...

Tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm về từ ngữ trong truyện ngắn thạch lam

.DOC
32
8126
27

Mô tả:

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐỀ TÀI: “TỪ NGỮ TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM” MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Thạch Lam là một nhà văn có vị trí đáng kể trong văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945. Là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn, nhưng ông đã chọn cho mình một hướng riêng, hướng đi ấy thể hiện bản lĩnh, cá tính của một cây bút giàu chất nhân văn và đậm tính dân tộc, một tâm hồn nhạy cảm, một văn phong trong sáng và tinh tế. Thạch Lam không ưa sự ồn ào, hào nhoáng, mà thiên về kín đáo, bình dị. Ông mơ tới một xã hội có nhiều “công bằng và thương yêu” và muốn đạt tới điều đó không phải bằng hành động của một nhà cải cách xã hội mà bằng thiên chức của một nhà văn thuần tuý, luôn khát khao vươn tới sự hoàn thiện của cái đẹp Chân - Thiện - Mỹ. Thạch Lam đã sống một đời văn quá ngắn ngủi, nhưng những tác phẩm văn chương của ông chắc chắn sẽ có sức sống dài lâu, bởi ở đó, độc giả không chỉ nhìn thấy những vẻ đẹp hình thức, mà còn tìm thấy bóng dáng đời sống tinh thần, đời sống nội tâm phong phú của chính mình. 1.2. Tuy sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng nhắc đến Thạch Lam, người ta nghĩ ngay đến hai thể loại đã in đậm dấu ấn riêng ông trong sáng tạo là truyện ngắn và tùy bút. Cùng với Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Thạch Lam đã tạo nên một dòng truyện ngắn mang phong cách riêng: dòng truyện ngắn trữ tình, làm phong phú thêm diện mạo của văn xuôi hiện đại nước nhà. Người ta xem Thạch Lam là một trong những bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam hiện đại. 1.3. Có nhiều con đường tiếp cận giá trị truyện ngắn của Thạch Lam. Nhà văn học sử nhìn thấy vị trí của truyện ngắn Thạch Lam trong sự nghiệp của ông nói riêng và bức tranh văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Nhà lý luận văn học đánh giá những đóng góp của Thạch Lam cho thi pháp thể loại...Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu quen thuộc ấy, lối tiếp cận truyện ngắn Thạch Lam từ góc nhìn ngôn ngữ cũng là một hướng đầy triển vọng thì việc tìm hiểu, đánh giá mặt hình thức, trong đó có ngôn ngữ của một cây bút như Thạch Lam là việc làm cần thiết. Thành công về mặt ngôn ngữ của một cây bút truyện ngắn có thể biểu hiện ở mọi cấp độ, ở mọi lớp ngôn từ, trong đó, vấn đề từ ngữ là những phương diện nổi bật. Thạch Lam cũng không phải là một ngoại lệ. Đi sâu vào phương diện đó trong truyện ngắn Thạch Lam, chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp quan niệm về cái đẹp trong ngôn từ nghệ thuật, cách xử lí mang màu sắc của một phong cách. Và từ đó, ta có cơ sở để đánh giá không chỉ một quan niệm thẩm mĩ, một phong cách ngôn ngữ, mà cả những đóng góp của ông cho ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Đó là những lí do thúc đầy tôi chọn vấn đề “Từ ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam” Tiểu luận chọn khảo sát tập truyện ngắn “Nắng trong vườn" được in trong Tuyển tập Thạch lam văn và đời do Tân Chi tuyển, soạn (1999), Nxb Hà Nội và Thạch Lam tuyển tập năm 2004, Nxb Văn học và ứng dụng giảng dạy tác phẩm “Hai đứa trẻ” – SGK Ngữ văn lớp 11 tập I – NXB Giáo Dục và Đào tạo. 2. Phương pháp nghiên cứu Để triển khai đề tài, tôi sẽ sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau đây: - Phương pháp thống kê và phân loại; - Phương pháp so sánh đối chiếu; - Phương pháp tổng hợp NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỪ NGỮ TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM 1.Truyện ngắn trong văn nghiệp của Thạch Lam Sự nghiệp văn chương của Thạch Lam tuy không dài nhưng ông cũng đã thử ngòi bút của mình ở rất nhiều thể loại và ông chỉ thực sự thành công ở thể loại truyện ngắn và được đánh giá là “cây bút truyện ngắn biệt tài”, ở chỗ mà người khác dùng tư tưởng, dùng lời nói có khi rất đậm để tả cảnh, tả tình, ông chỉ nói, nói một cách rất giản dị cái cảm giác của ông. Tên tuổi của Thạch Lam gắn liền với thể loại truyện ngắn ngay từ khi tập truyện ngắn Gió đầu mùa ra đời. Tập truyện đầu tay và cũng là tập truyện ngắn gây tiếng vang trong lòng độc giả và tất cả những người yêu mến văn chương Thạch Lam lúc bấy giờ. Thạch Lam cùng với truyện ngắn đã góp phần khẳng định và đưa nền văn học hiện đại nước nhà tiến lên một tầm cao mới và truyện ngắn cũng từ đây mà gần gũi với người đọc. Thạch Lam bước vào văn đàn từ những năm 30 của thế kỷ, nhưng xuất hiện với tư cách truyện ngắn từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Phong trào quần chúng rộng rãi này có tác động hoàn toàn giống nhau đối với các cây bút văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn. Nhưng Thạch Lam không khẳng định mình bằng những tiểu thuyết dài, Ông xuất hiện với phong cách truyện ngắn đặc sắc và tiêu biểu trong Tự lực văn đoàn cũng như trong nền văn học Việt Nam, tính đến thời đại ông. Trong văn học nước ta, các nhà phê bình thường đồng ý là Thạch Lam - cây bút tự lực đã đưa thể loại truyện ngắn đến độ nghệ thuật cao hơn cả. Trước hết xét về mặt khối lượng tác phẩm, truyện ngắn là thể loại được ông viết nhiều nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình. Truyện ngắn cũng là thể loại thể hiện được phong cách ngôn ngữ trong sáng tác của Thạch Lam. Phong cách ấy - như nhiều nhà nghiên cứu phê bình nhận xét - giàu tính trữ tình, đậm chất thơ, không cầu kì, rườm rà, ngược lại, hết sức giản dị. Đặc biệt, ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam rất hiện đại. Hơn nửa thế kỉ đọc lại vẫn thấy mới mẻ như ngôn từ nghệ thuật của ngày hôm nay. 2. Từ ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam 2.1 Khái niệm từ Cho đến nay, trong ngôn ngữ học, các định nghĩa về từ đã được đưa ra không ít. Các định nghĩa ấy, ở mặt này hay mặt khác đều đúng nhưng đều không đủ và không bao gồm hết được tất cả các sự kiện được coi là từ trong ngôn ngữ và ngay cả trong ngôn ngữ cũng vậy. Chẳng hạn: Từ là một tổ hợp âm có nghĩa chăng? Từ là một tổ hợp các âm phản ánh khái niệm chăng?... Tất cả là những câu hỏi đã từng được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời xác đáng. "Từ là đơn vị cụ thể của ngôn ngữ. Khi nói đến một ngôn ngữ là phải nghĩ ngay đến từ vì ngôn ngữ mà không có từ thì không tồn tại được. Với tư cách là một công cụ giao tiếp, trước hết, ngôn ngữ phải là một công cụ bằng từ". "Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, có ý nghĩa độc lập trong lời nói, nghĩa của nó được vận dụng một cách tự do theo qui luật kết hợp của ngữ pháp". Mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận hoàn toàn, nhưng những cách hiểu về bản chất của từ của một số nhà nghiên cứu nêu trên đã cấp cho chúng ta một cơ sở lí thuyết để đi vào khảo sát từ ngữ trong tác phẩm văn học. 2.2. Nét riêng của Thạch Lam qua việc sử dụng từ ngữ trong truyện ngắn 2.2.1. Nhìn chung về vốn từ của Thạch Lam trong truyện ngắn Sức sống mãnh liệt của truyện ngắn Thạch Lam là sự thành công từ nhiều mặt, trong đó có phần không nhỏ của nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Trong quá trình sáng tác của mình, Thạch Lam đã thực sự trở thành người nghệ sĩ tài hoa trong việc phát huy khả năng vô tận của ngôn ngữ, tạo dựng được một phong cách riêng, độc đáo. Văn Thạch Lam được viết cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn luôn tươi mới, hiện đại. Là một con người tinh tế và nhạy cảm, Thạch Lam đã thể hiện những rung cảm của mình qua vốn ngôn ngữ phong phú, trong sáng và giản dị như chính con người ông. Đọc toàn bộ tác phẩm của Thạch Lam, người đọc như bị cuốn hút vào thứ ngôn ngữ tả tình và ngôn ngữ tả cảnh. Dù là tả tình hay tả cảnh thì từng từ, từng câu cũng luôn rất nhẹ nhàng, thắm thiết. Thạch Lam không ưa dùng thứ ngôn ngữ chát chúa, xô bồ hay miệt thị... Ông là một trong những nhà văn đầu tiên có ý thức khai thác chất thơ trong sáng tác. Truyện ngắn của ông mô tả uyển chuyển, tinh tế những diễn biến trong lòng người, cảnh giao mùa của thiên nhiên, cũng như sự giao hoà giữa con người và thiên nhiên. Ở bất cứ truyện ngắn nào, ta cũng nhận thấy tình trong cảnh và cảnh trong tình. Phần lớn truyện ngắn Thạch Lam bắt đầu bằng một cảm giác, cảm tưởng và kết thúc câu chuyện cũng bằng những cảm giác, cảm tưởng. Cách mở đầu và kết thúc đó không riêng biệt ở một vài tác phẩm mà trở đi trở lai trong nhiều tác phẩm của Thạch Lam như: Hai đứa trẻ, Người đầm,.... Trong truyện ngắn Thạch Lam, ta thấy từ ngữ chỉ cảm giác xuất hiện nhiều trong câu văn như: thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng nghĩ, thoáng ngửi, bỗng nhiên, mang mámg, không rõ rệt.... một cách liên tục. Chính vì thế mà cuộc sống hiện lên tựa hồ rất khó nắm bắt, như có như không nhưng lại có vẻ rất gần gũi với con người: “Đọc truyện ngắn Thạch Lam, thấy tần số chữ cảm giác xuất hiện cao. Chính nhờ cái cảm giác mà nhà văn tạo nhịp cầu nối những tâm hồn đồng điệu chia sẻ. Cảm giác đã tạo nên chất men đặc biệt trong văn Thạch Lam: say mà tỉnh, ảo mà thực, liên tục mà đứt đoạn, rõ ràng mà mơ hồ” . Những trang văn tả thiên nhiên trong truyện ngắn của Thạch lam cảnh vật đựơc hiện lên thật thuần khiết và sinh động. Ông đã phát hiện ra thiên nhiên, tâm trạng, “nó thay đổi cùng với tâm trạng con người trong cuộc”. Trong truyện ngắn Thạch Lam, ta bắt gặp những từ ngữ miêu tả cảnh ánh sáng và bóng tối xuất hiện nhiều lần, sự đối lập của hai thứ ánh sáng này cũng đã góp phần tạo nên cái đặc sắc trong các thiên truyện. Xét một cách tổng thể, vốn từ không phải chỉ là nhân tố tạo nên sắc thái riêng cho truyện ngắn mà còn là thành tố tạo nên sự mới mẻ, hiện đại cho ngôn ngữ truyện ngắn của Thạch Lam. Lớp từ được dùng với tần số cao trong truyện ngắn Thạch Lam là lớp từ chung hoặc là từ vựng toàn dân. Lớp từ này được sử dụng phần lớn ở tập truyện mà người viết đi sâu khảo sát. Điều này không có gì đặc biệt. Bất cứ nhà văn nào, sống và viết trong một thời đại cụ thể, vốn từ của anh ta sẽ là sự phản ánh khá trung thực từ vựng của toàn dân. Nói cách khác, vốn từ của một nhà văn luôn có nét thống nhất với từ ngữ trong ngôn ngữ văn hóa của thời đại. Trong toàn bộ truyện ngắn của Thạch Lam, lớp từ chung là khối từ ngữ lớn nhất, đóng vai trò nền tảng. Ta bắt gặp trong các truyện ngắn của nhà văn, những từ ngữ sách vở, từ ngữ thi ca, từ ngữ thông tục, từ ngữ sinh hoạt… của mọi lớp người được ông miêu tả. Từ ngữ nghề nghiệp cũng là lớp từ được dùng với tần số cao trong truyện ngắn Thạch Lam. Từ nghề nghiệp là lớp từ bao gồm những đơn vị từ ngữ được sử dụng phổ biến trong phạm vi những người cùng làm một nghề nào đó. Trong tập truyện ngắn được khảo sát, hầu hết lớp từ này đều được sử dụng để miêu tả nghề nghiệp của các nhân vật. Chẳng hạn, nghề bán hàng nước của Liên, An với điếu, đóm, thuốc lào, nước chè… trong Hai đứa trẻ; Đối với người viết văn xuôi, sử dụng từ nghề nghiệp một cách thông thuộc là đòi hỏi tất yếu. Các nhân vật văn học bao giờ cũng xuất thân từ một tầng lớp nào đó, mưu sinh bằng một nghề cụ thể nào đó. Khi miêu tả đời sống, số phận của nhân vật, nhà văn phải thật am hiểu đặc điểm nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của nhân vật thuộc lớp người nào, đặc biệt các từ ngữ được dùng trong các nghề cụ thể. Đây cũng là chỗ thử thách vốn sống, vốn từ ngữ của người cầm bút. Các lớp từ được dùng với tần số cao trong các tập truyện ngắn Thạch Lam chủ yếu vẫn là lớp từ biểu hiện cuộc sống của người nghèo, đây cũng là lớp từ thể hiện được tâm hồn, cảm xúc cũng như bản ngã của nhà văn. Lớp từ chung trở thành ngôn ngữ chính của truyện đồng thời cũng là lớp từ được dùng trong sinh hoạt giao tiếp chung của xã hội mà ông viết, lớp từ này là ngôn ngữ chung của con người thời ấy, xã hội thời ấy và là lớp từ chung của toàn bộ truyện ngắn Thạch Lam. Lớp từ được sử dụng với tần số cao cũng biểu hiện một khuynh hướng sáng tác cùng với nó là chất liệu sáng tác của nhà văn. 2.2.2. Các trường từ vựng ngữ nghĩa tiêu biểu Lý thuyết trường từ vựng ngữ nghĩa ra đời vào mấy chục năm gần đây. Tư tưởng của lý thuyết này là khảo sát từ vựng một cách hệ thống. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm trường từ vựng ngữ nghĩa nhưng ta có thể thấy ở hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất quan niệm: trường từ vựng ngữ nghĩa là toàn bộ các khái niệm mà các từ trong ngôn ngữ biểu hiện. Khuynh hướng thứ hai cố gắng xây dựng lý thuyết trường từ vựng trên cơ sở các tiêu chí ngôn ngữ học. Trường từ vựng không phải là phạm vi các khái niệm nào đó nữa mà là phạm vi tất cả các từ có quan hệ với nhau về nghĩa. Tuy vậy, chúng ta cũng chấp nhận với quan điểm trường từ vựng ngữ nghĩa là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa. Trường được hiểu là toàn bộ các đơn vị ngôn ngữ (chủ yếu là các đơn vị từ vựng) tập hợp lại do sự thống nhất về nội dung (đôi khi cũng có sự đồng nhất của các dấu hiệu hình thức) và phản ánh sự tương đồng về khái niệm, về đối tượng hay về chức năng của những hiện tượng mà các đơn vị ngôn ngữ đó biểu thị . 2.2.2. 1 Trường “vận động” Một lối tiếp cận đời sống và vốn ngôn ngữ riêng của một cá nhân. Có thể thấy rõ điều này qua việc khảo sát một số trường từ vựng trong truyện ngắn Thạch Lam bên cạnh sự tương quan với một số nhà văn cùng thời để nhận ra những nét đặc thù. Đây là một trong những trường phổ biến nhất trong tác phẩm tự sự. Các nhân vật trong truyện là những con người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, có cuộc đời và số phận riêng. Tất cả đều hoạt động nói cười, ăn uống, đi lại...trong không gian được nhà văn xây dựng. Chính vì thế, lớp từ thuộc trường “vận động” xuất hiện với tần số cao trong tác phẩm của bất kỳ nhà văn nào. Chẳng hạn trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng ta gặp những từ: rón rén, hấp tấp chạy vào, bước, bước đến, chạy đi, cuống cẳng, bỏ chạy, nhanh nhẹn, lên tỉnh, ung dung đi ra, đi nghễu nghện, dừng chậm đà chân, .... (Khảo sát các truyện Bộ răng vàng, Người có quyền,). Thật khó mà nhận ra những dấu hiệu riêng đặc sắc trong lớp từ ngữ chỉ sự vận động của con người trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng vì đó chỉ là những từ ngữ rất quen thuộc, không có gì đặc biệt, ai cũng có thể dùng như thế. So với Vũ Trọng Phụng thì lớp từ ngữ chỉ sự vận động trong truyện ngắn của Thạch Lam xuất hiện thường xuyên là: vội vàng quay lại, tất tả chạy qua đường, đi lên đây, về nhà, rảo bước, đến chơi, chạy khuất, thong thả bước, theo anh đến nhà, đi bộ, quay đi, quay ra, đưa về. Qua đây, chúng ta dễ nhận thấy trong lớp từ ngữ chỉ trường “vận động” của Thạch Lam khác hẳn với của Vũ Trọng Phụng . Nếu như trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lớp từ ngữ ấy thể hiện sự vận động của con người một cách thuần tuý và chính xác là của thế giới nhân vật với những tính cách mạnh mẽ, từ ngữ ấy cũng là những động từ có tính chất chuyển động nhanh, mạnh... như: cuống cẳng, hấp tấp chạy vào, cắm đầu cắm cổ đi, đi ra cho thoát, chạy trốn... những từ ngữ này dường như vắng bóng trong truyện ngắn của Thạch Lam. Lớp từ ngữ thể hiện sự vận động của con người trong truyện ngắn của Thạch Lam đã thể hiện cho nét tính cách của thế giới nhân vật mà ngòi bút Thạch Lam luôn hướng tới. Đó là những con người lao động nghèo trong xã hội, họ di chuyển để tìm cho mình một tương lai, một cuộc sống tốt đẹp hơn, mỗi bước đi của họ mang nặng những tâm tư, tình cảm như: lủi thủi trên đường, rụt rè bước… Cái độc đáo của Thạch lam ở lớp từ ngữ này là ông đã đưa nó đạt đến khả năng gợi nhiều hơn tả. Tác giả lựa chọn lớp từ ngữ này để làm nổi bật lối sống giản dị, tuy nhiên con người trong tác phẩm của Thạch Lam phần suy nghĩ nhiều hơn hành động. Chính vì thế tần số từ ngữ thể hiện sự suy nghĩ cũng xuất hiện rất cao trong tác phẩm của ông. 2.2.2.2. Trường “cảm giác” Là nhà văn có tâm hồn nhạy cảm, Thạch Lam thực sự có tài trong việc chuyển tải những cảm xúc mơ hồ, khó gọi tên trong lòng người một cách tự nhiên và uyển chuyển: “Thạch Lam có khả năng tái tạo những rung động tâm hồn con người nhiều khi chỉ khẽ như cánh bướm non - cái khả năng ấy chỉ có thể có ở một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cao độ. Chính nhờ sức mạnh của trực giác, văn Thạch Lam trong sáng mà không đơn giản, đa nghĩa mà vẫn tự nhiên” [28]. Đọc truyện của Thạch Lam, ta thấy có những cảm giác sâu kín trong tâm hồn, song lại được diễn tả rất nhẹ nhàng bởi tài năng của nhà văn. Thạch Lam có khả năng truyền đạt chính xác những cảm xúc phong phú và tinh tế của đời sống tinh thần con người. Văn chương của Thạch Lam là thứ văn chương mài sắc thêm cảm giác của con người về cuộc sống. Phần lớn, truyện ngắn Thạch Lam được bắt đầu bằng một cảm giác, cảm tưởng và kết thúc câu chuyện cũng bằng những cảm giác cảm tưởng. Những cảm giác, cảm tưởng ấy được Thạch Lam thể hiện qua lớp từ ngữ như: ruột nóng như lửa đốt, đi đi lại lại, chăm chú nhìn cánh cửa, thoáng nghe thấy, để ý dò xét nét mặt, tò mò ngắm nhìn, thấy một cảm tưởng lạ, hình như không có chút liên lạc gì,…(khảo sát các truyện ngắn Hai đứa trẻ, Người đầm). Đọc truyện ngắn Thạch Lam, có thể thấy những từ chỉ cảm giác xuất hiện với tần số cao. Chính nhờ cái cảm giác, mà nhà văn đã tạo nhịp cầu nối những tâm hồn đồng điệu chia sẻ. Cảm giác đã tạo nên chất men đặc biệt trong văn Thạch Lam: say mà tỉnh, ảo mà thực, liên tục mà đứt đoạn, rõ ràng mà mơ hồ. Nghệ thuật phân tích cảm giác là một trong những biệt tài của ngòi bút Thạch Lam. 2.2.2.3. Trường “đồ vật” Trong các tác phẩm, đồ vật thường gắn với đời sống sinh hoạt của các nhân vật. Qua thế giới đồ vật, ta có thể hình dung phần nào về cuộc sống của những con người, những lớp người được miêu tả. Từ ngữ chỉ đồ vật vì thế cũng là một lớp từ ngữ quan trọng. Nhân vật trong truyện Thạch Lam là những con người nghèo khổ, lam lũ thì gắn với họ cũng là những đồ vật bình thường, không có gì sang trọng như: chăn, màn đỏ, giường, phản, hòm, áo bông, thúng áo, áo rét, áo vệ sinh, áo dạ, siêu nước, vỉ buồm, sách, bàn giấy, bút, cặp, tờ báo, bàn viết, mũ, đồng hồ, va li, khăn mặt, xà phòng, quả thuốc sơn đen, chõng nan, ...). Trong truyện Thạch Lam ta bắt gặp cả một thế giới đồ vật bình thường, bình thường nhưng không tầm thường, bởi ở đó lại toát lên một đời sống sinh hoạt giản dị của những con người lao động nghèo khổ trong xã hội. Thạch Lam nói về thế giới đồ vật ấy là để thương cảm, xót xa cho con người trong cuộc sống đói nghèo túng quẫn, thể hiện lòng nhân đạo của một nhà văn với những trang viết “nặng nghĩa đời”. Cái quan trọng ở đây là Thạch Lam viết về những con người, những đồ vật trong truyện ngắn của ông xuất phát từ tấm lòng gần gũi, yêu thương con người chứ không phải từ sự căm thù xã hội như Vũ Trọng Phụng hay một số nhà văn cùng thời khác. Trong truyện của Thạch Lam, ta còn bắt gặp lớp từ ngữ thuộc một số trường khác cũng rất nổi bật như: trường “ánh sáng” và trường “bóng tối”. Đây là hai tập hợp từ được Thạch Lam chú ý và gửi gắm ý đồ nghệ thuật nhất định. Chí ít, nó thể hiện sự đối lập giữa hiện thực tăm tối của cuộc sống con người và khát vọng tươi sáng ở tương lai. Các trường từ vựng ngữ nghĩa tiêu biểu xuất hiện trong truyện ngắn của Thạch Lam không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Trong ý thức nhà văn, những tập hợp từ được sử dụng như vậy góp phần biểu đạt một cái nhìn, một quan niệm về đời sống, quan niệm về cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Và một khi các trường từ vựng ấy được tập hợp theo phép hội tụ (nhiều từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa đồng thời được sử dụng) thì đó còn là một dấu hiệu của một phong cách ngôn ngữ. CHƯƠNG 2 TÍNH CHẤT NGHỆ THUẬT CỦA TỪ NGỮ TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM 2.1. Sự giản dị, trong sáng nhưng sâu lắng, thấm đậm tình người. Lâu nay, các nhà ngôn ngữ học thường đề cập vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và sự trong sáng này phải được thể hiện ở các cấp độ, trước hết là từ ngữ. Đối với các nhà văn, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ là một nhiệm vụ cao cả, bởi cách sử dụng từ ngữ của họ có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và thói quen ngôn ngữ của cộng đồng. Ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực từ các nhà văn, nhất là những nhà văn nổi tiếng là hết sức rõ rệt. Trong số những cây bút văn xuôi hiện đại, Thạch Lam là nhà văn có văn phong trong sáng nhất. Một số nhà văn cùng thời với ông như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng đã nhận ra điều đó. Tiếp cận từ nhiều khía cạnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy, từ ngữ trong văn Thạch Lam giản dị và trong sáng. Sự thật, Thạch Lam không cố tình dùng từ ngữ, câu văn đơn giản nhưng nó lại đơn giản cả về văn lẫn cốt truyện. Trong văn Thạch Lam, ta thấy ông rất chú trọng về sự thật, nên khi tiếp cận với vốn sống thực tại ông cũng chỉ xây dựng những truyện giản dị, trong sáng, không thêm thắt, không tô điểm. Truyện ngắn của ông được tổ chức gọn gàng, diễn tả uyển chuyển, tinh tế những diễn biến trong lòng người. “Thạch Lam đã cố gắng và thành công trong việc tạo dựng một bối cảnh, gây một bầu không khí thích hợp hoàn toàn với những tình cảm dịu dàng êm ái của các nhân vật, với niềm mơ mộng và tình yêu thiết tha của những tâm hồn bén nhạy trước mọi kích thước từ ngoại giới. Bởi cảnh sinh tình, cảnh gợi tình và tình hoà với cảnh” . Cơ sở để tạo nên loại ngôn ngữ này không chỉ xuất phát từ vốn kiến thức, tính tình của nhà văn mà còn có cội rễ từ quan niệm nghệ thuật mà Thạch Lam từng kêu gọi “Bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, đi tìm cái giản dị, cái sâu sắc và cái thật bằng cách quan sát đúng và rung động đúng, đó là công việc mà các nghệ sĩ phải làm”. Không quá trau chuốt, cầu kỳ như Nguyễn Tuân, cũng không biệt tài về tiếng lóng như Nguyên Hồng, trào phúng như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam chinh phục trái tim độc giả bằng ngôn ngữ vừa cho ta nhìn vào vừa cho ta cảm. Ngôn ngữ ấy nhẹ nhàng, giản dị, trong sáng và thật đơn giản. Bên cạnh sự giản dị, trong sáng, mượt mà, từ ngữ trong truyện ngắn của Thạch Lam còn sâu lắng, đằm thắm và thấm đượm tình người. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng nhưng sức gợi mở lớn và có khả năng khơi sâu tìm vào cảm giác. Ông đã dùng thủ pháp so sánh để miêu tả tâm hồn nhân vật và thiên nhiên: “Tiếng mưa reo và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần” (Tiếng chim kêu);“Tâm hồn Thành trơ trọi như một cánh đồng thấp mà lúa đã gặt rồi” (Cuốn sách bị bỏ quên); “bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại như có một vết thương chưa khỏi” (Nhà mẹ Lê). Sử dụng nhiều thủ pháp so sánh với ngôn từ giản dị nhưng không nhàm chán, ngược lại, rất đắt, rất hay. Nó làm cho câu văn giàu hình tượng và sức biểu cảm. So sánh cùng với cảnh ngắt nhịp câu dài, ngắn nhịp nhàng uyển chuyển tạo cho tác phẩm giàu nhạc điệu: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru…” (Hai đứa trẻ); “có cái gì dịu ngọt, chăng tơ đâu đây”(Dưới bóng hoàng lan); “những thứ hàng nho nhỏ, khác nhau và xinh xắn: cuộn chỉ, bao kim, hộp bút, cúc áo, giấy lơ một trăm thứ lặt vạt qua lại trên ngón tay nhỏ bé của thiếu nữ, vừa quý báu lại vừa ít ỏi” (Cô hàng xén)… tất cả đều tạo nên một âm thanh dịu nhẹ, trong trẻo, man mác khiến cho lòng người vừa thanh thản, bằng lặng vừa níu kéo, ám ảnh khôn nguôi. Những khung cảnh, những nhân vật, những tâm trạng, những ý tưởng có trong câu chuyện đều nhỏ nhặt, thông thường, thân mật với mỗi chúng ta. Thạch Lam đã khẳng định sáng tác văn chương không phải để kể những chuyện thần tiên hay lãng mạn, mà là cuộc sống kín đáo giản dị quanh mình, là kể về cuộc sống con người với nhiều lo toan, vất vả, nhiều cạm bẫy, chông gai đang từng ngày vươn lên để tự hoàn thiện bản thân. Sự giản dị và trong sáng thể hiện ngay trong cách lựa chọn đối tượng miêu tả. Chất liệu làm nên những trang văn của ông không phải là phố xá hoa lệ, cảnh sắc mĩ miều, mà là những khung cảnh giản dị nơi thôn quê yên bình. Không là những vĩ nhân hay những người quyền quý sang trọng mà là những mảnh đời bình dị, đơn giản trong cuộc sống vùng quê như: mẹ con chị Tý, chị em Liên và An, vợ chồng bác xẩm, bác phở Siêu, bà cụ hàng nước, anh xe kéo... Thạch Lam luôn tạo nên thứ cảm xúc tự nhiên và diễn đạt bằng những từ ngữ cũng hết sức tự nhiên.. Đấy là chất liệu cũng là ngôn ngữ tạo dựng nên phong cách giản dị của Thạch Lam. Hơn thế, giản dị và trong sáng ở Thạch Lam còn được thể hiện ở tính cách nhân vật. Nhân vật của ông, nếu thống kê đầy đủ, hầu hết là những người nghèo, những người nông dân họ sống đúng với “bản ngã” của mình. Không nhiều nhà văn viết hay mà không hư cấu, với Thạch Lam sự trong sáng trong cách thể hiện văn chương thật đặc sắc nhưng ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn. chị em Liên ngây thơ chờ những ánh sáng nơi đường tầu trong Hai đứa trẻ; Hơn thế, ở sắc thái tình cảm đôi lứa, ta cũng nhận được sự nhẹ nhàng, trong sáng với cách thể hiện tình cảm trong Cuốn sách bỏ quên. Sự trong sáng, giản dị được thể hiện dưới nhiều góc độ ở cách biểu hiện cũng như ngôn từ thể hiện không lố bịch, không cầu kỳ, diêm dúa. Trong sáng ở văn Thạch Lam là ngòi bút chân thực quan sát, nhìn nhận, mô tả và thể hiện bằng chính cảm giác của mình. Càng đi sâu, ta càng thấy Thạch Lam có một lối văn không thích lối dùng từ to tát, không cố tỏ ra “uyên bác” đan dệt bởi những câu chữ mang tính sách vở. Thạch Lam dùng “một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. Những viên gạch dựng nên tác phẩm của ông là những viên gạch mộc, từ ngữ trong văn của ông trong sáng, giản dị không quá nhiều những phương pháp tu từ. Văn Thạch Lam giản dị mà nó không làm mất đi vẻ mềm mại, trong sáng, không làm duyên một cách cứng nhắc, cầu kỳ mà tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng đầy sức lan toả. Văn của ông lột tả những cảnh đời số phận của người nông dân, những người chất phác trong xã hội bấy giờ, vậy nên ngoài bút của ông tả một cách chân thực nhất về cái giản dị, mộc mạc, chất phác của những người nông dân, những người nghèo. Nó sẽ gượng gạo, sáo rỗng, thiên cưỡng nếu ông tô vẽ những người nông dân, người nghèo hàng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Để có sự giản dị trong sáng trong ngôn từ, nhà văn phải có mĩ cảm riêng, bởi xét cho cùng, cái đẹp của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm là kết quả của một quan niệm thẩm mĩ mà nhà văn luôn có ý thức trau dồi 2.2. Sự mới mẻ hiện đại Nói đến Thạch Lam, người đọc luôn nhớ đến một cây viết truyện ngắn xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn cũng như văn học giai đoạn 1930-1945. Là nhà văn của Tự lực văn đoàn nhưng ông lại hướng ngòi bút của mình theo một hướng riêng, hướng đi ấy thể hiện phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn, ông đã tạo cho mình một lối viết riêng mới mẻ, hiện đại. Trong những sáng tác viết về người dân lao động Thạch Lam khác với các nhà văn Tự lực văn đoàn, và cũng khác với các nhà văn hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng. Các nhà văn của Tự lực văn đoàn cũng quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ của dân nghèo thành thị nhưng họ chỉ quan tâm đến đời sống bên ngoài, những mối quan hệ xã hội và tập trung khai thác nguyên nhân của nỗi khổ đó. Họ kêu gọi tầng lớp trên cúi xuống ban ơn cho người nghèo, cứu vớt nhân dân trong cảnh "bùn lầy nước đọng".
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan