Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Rèn tư duy phản biện cho học sinh giỏi văn...

Tài liệu Rèn tư duy phản biện cho học sinh giỏi văn

.PDF
14
4802
71

Mô tả:

MÔN VĂN M C M ỂM V C UYÊN Ề T AM G A TRẠ È ÙNG VƯƠNG MÔN NGỮ VĂN TÊN C UYÊN Ề "RÈN TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO HỌC SINH GIỎI VĂN" Năm học 2 4 - 2015 1 A. Mở đầu Trong cuộc sống hội nhập và phát triển hôm nay của đất nước, bản thân mỗi người phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề quan trọng đó là tiếp nhận và xử lí thông tin. Xã hội ngày càng phát triển thì lượng thông tin càng lớn, mỗi người trong chúng ta hằng ngày phải tiếp nhận một khối lượng thông tin khác nhau, trong đó không ít thông tin thiếu chính xác và gây nhiễu. Trước vấn đề này, bản thân mỗi chúng ta phải biết trang bị cho mình các kĩ năng tư duy cần thiết để biết cách tiếp cận vấn đề trên nhiều phương diện, khả năng suy nghĩ thấu đáo, thực tế và sâu sắc, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động. Kĩ năng tư duy phản biện là một kĩ năng quan trọng giúp chúng ta khám phá những khía cạnh khác nhau của vấn đề, biết hoài nghi và đặt câu hỏi về mọi sự vật hiện tượng xung quanh mình, sự phản biện chính là động lực và con đường giúp chúng ta tìm ra chân lí. Đứng trước thực tế này, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo học sinh cũng đã có những chuyển biến tích cực và phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực của người học. Đặc biệt đối việc ra đề và kiểm tra đánh giá theo hướng mở, đòi hỏi học sinh phải tự biết bày tỏ suy nghĩ, đáng giá của mình về mọi vấn đề trong cuộc sống, từ đó có nhận thức và hành động phù hợp đối với xã hội. Riêng đối với bộ môn Ngữ văn, việc ra đề mở không chỉ cần thiết đối với học sinh nói chung mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh giỏi văn. Để làm tốt các đề mở thuộc dạng đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội một cách có hiệu quả, ngoài các kĩ năng làm văn cần thiết, quen thuộc; các em cần phải trang bị thêm cho mình kĩ năng tư duy phản biện để không thụ động trong tiếp nhận ý kiến, không dễ dàng thỏa hiệp với những luồng quan điểm khác nhau. Biết suy nghĩ toàn diện, nhiều chiều, biết bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ riêng về các vấn đề của đời sống xã hội hay trong văn học. Từ đó, các em sẽ biết cách đưa ra và bảo vệ những kết luận hợp lí và toàn diện của riêng mình, thuyết phục người đọc, người nghe. B. Nội dung 1 Xu hướng ra đề theo hướng mới Hiện nay xu hướng ra đề theo hướng mới là ra đề mở. Thế nào là một “đề mở”?. Có thể hiểu đó là loại đề văn mà nội dung chỉ nêu ra vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn bản tự sự, miêu tả..., không nêu mệnh lệnh cụ thể về thao tác lập luận như "hãy chứng minh, hãy giải thích, hãy phân tích..." hoặc về phương thức biểu đạt như "hãy kể, hãy tả, hãy phát biểu cảm nghĩ...". Cũng có dạng đề mở theo hướng nêu ra một gợi dẫn, HS sẽ tiếp tục phát triển theo các mạch cảm nhận và suy nghĩ riêng của mỗi cá nhân. Đề mở khác với loại đề theo truyền thống, thường có đầy đủ các yếu tố, từ lời dẫn đến yêu cầu về nội dung, thao tác cụ thể (trước đây gọi là kiểu bài), nguồn tư liệu cần huy động. Đề mở còn có thể được thể hiện ở những câu hỏi mở, những câu hỏi có thể chấp nhận nhiều cách trả lời, thậm chí có những câu 2 trả lời đối ngược nhau miễn là học sinh bộc lộ được nhận thức và lập luận lôgic trong quá trình đi đến câu trả lời. Làm văn trong nhà trường là hình thức để học sinh luyện tập viết các văn bản theo một chương trình định sẵn. Để học sinh luyện tập làm văn thầy cô giáo phải ra các đề văn. Đề văn có tác dụng dịnh hướng tư tưởng, tư duy, quy định phạm vi vấn đề, tri thức, giới hạn tư liệu, thao tác lập luận và cũng có tác dụng gây hứng thú viết văn đối với học sinh nữa. Đề văn hay gây hứng thú cho học sinh, đề văn khô khan, cứng nhắc có thể gây ức chế hứng thú của người làm văn. Đề mở là loại đề có khả năng tạo không gian thoáng cho học sinh suy nghĩ. Trước đây trong dạy học làm văn giáo viên thường ra đề văn hạn định, trong đó bao giờ cũng có một phạm vi vấn đề, tri thức và một yêu cầu dưới hình thức mệnh lệnh. Đặc điểm của đề văn đó là hướng dẫn học sinh suy nghĩ và viết về một vấn đề cụ thể, vận dụng một số thao tác, huy động một phạm vi kiến thức nhất định. Đặc điểm thứ hai là giáo viên có thể quy định một đáp án để dùng cho tất cả học sinh cùng làm một đề. Nhược điểm của nó là tính chất bắt buộc, gò bó, khả năng lựa chọn dành cho học sinh ít, chưa tạo cơ hội cho học sinh chủ động lựa chọn phương án và hào hứng làm văn. Đề mở có tác dụng cho học sinh được tự mình chủ động lựa chọn, gây hứng thú, phát huy sở trường và cá tính của học sinh, nhưng không có nghĩa là loại đề hạn định không còn ý nghĩa nữa. Trong nhiều trường hợp loại đề đó có tác dụng luyện tập thao tác làm việc cho học sinh trong kiểu bài cụ thể. Đề mở có ý nghĩa và tác dụng trong các kì thi cuối năm, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học. Loại đề này có tác dụng thử tài tư duy sáng tạo, phân hóa khả năng ứng phó linh hoạt của học sinh. Để học sinh làm được bài văn theo đề mở người giáo viên phải nghiên cứu, tập ra đề, trao đổi tập thể, thử các khả năng thực hiện đề mở, có biện pháp dạy học sinh làm quen, làm thử thì học sinh mới làm được. Đề mở đòi hỏi học sinh ngay trong khâu tìm hiểu đề đã phải tư duy nhiều, phải đọc hiểu đề, tìm ra các ý nghĩa ẩn chìm trong các đề tài và tài liệu mới có khả năng đề ra chủ đề và đặt nhan đề cho bài làm văn. Đặt nhan đề có nghĩa là xác định chủ đề cho mình và tự viết bài để thể hiện chủ đề ấy. Đề mở không phải là loại đề dễ làm hơn so với đề hạn định, mà phần nào còn khó hơn, vì bản thân sự lựa chọn là khó hơn việc học sinh không cần lựa chọn gì cả, cứ làm theo lệnh, chỉ đâu đánh đó. Đối với các học sinh quen học thụ động thì khi tự mình phải lựa chọn là đã cảm thấy khó. Cho nên đề mở đòi hỏi học sinh vượt qua tính thụ động của mình trong làm văn, và khi đã quen thì học sinh sẽ trở nên một con người khác, luôn luôn chủ động. Đề mở là một hướng tiến bộ trong dạy học làm văn, những vẫn đang là một vấn đề mới, chưa được nghiên cứu sâu, còn có những khía cạnh chưa rõ, phải qua thực tiễn thì mới nhìn thấy hết được. Vấn đề này đòi hỏi các giáo viên nghiên cứu, suy nghĩ, nhìn thấy chỗ mạnh, chỗ khó, thậm chí chỗ yếu của nó, nghiên cứu phương pháp dạy học phù hợp thì phương hướng này mới phát huy được tác dụng tích cực của nó. Một trong những kĩ năng cần thiết để rèn luyện cho học sinh hiện nay có thể làm tốt các đề mở là kĩ năng tư duy phản biện. 3 2. Tầm quan trọng của kĩ năng tư duy phản biện Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo một cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm. Tư duy phản biện không đơn thuần chỉ là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin. Vì vậy việc hình thành cho học sinh tư duy phản biện là hết sức cần thiết với những lợi ích quan trọng như sau: Thứ nhất, tư duy phản biện giúp học sinh vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen, truyền thống có sẵn. Với tinh thần phản biện, học sinh sẽ vượt khỏi những quan niệm truyền thống, thoát ra khỏi những rào cản của định kiến trong suy nghĩ, nỗ lực tìm cách tiếp cận cái mới. Học sinh sẽ tập trung tìm hiểu những ý tưởng mới hoặc tìm cách phát hiện những giá trị mới của vấn đề tưởng như đã là muôn thủa, cũ kỹ. Từ đó, có tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới, cái tiến bộ trong suy nghĩ, trong cuộc sống. Khi có ý thức rõ ràng trong việc phải nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn mới, chắc chắn sẽ đưa lại những kết quả khác, mới lạ, có tính sáng tạo cao. Vì vậy, việc rèn luyện cho học sinh suy nghĩ theo lối phản biện sẽ kích thích khả năng sáng tạo trong tư duy của các em. Thứ hai, tư duy phản biện giúp học sinh suy nghĩ một vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau với những cách giải quyết khác nhau với những cách giải quyết khác nhau. Do đó, học sinh sẽ có cái nhìn đa chiều trước một vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống, trong học tập, tránh được hiện tượng nhìn nhận xem xét vấn đề một chiều, phiến diện. Như vậy, việc suy nghĩ để giải quyết mọi vấn đề theo hướng xem xét kỹ mọi góc độ, mọi khía cạnh, đưa ra nhiều phương án khác nhau sẽ giúp học sinh biết lựa chọn được phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc. Thứ ba, tư duy phản biện giúp học sinh có ý thức rõ ràng hơn trong lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác trong lúc tranh luận, giảm tự ái (nếu có) và sẵn sàng chấp nhận sự thật hơn, cho dù có thể sự thật đó không làm bản thân hài lòng. Có tư duy phản biện, học sinh sẽ phát triển khả năng lắng nghe các ý kiến khác với ý kiến của mình và cố gắng tìm hiểu sự thật, tìm hiểu bản chất của vấn đề, thấu hiểu vấn đề trước khi đưa ra kết luận về vấn đề đó. Học sinh sẽ dám thừa nhận cái sai của mình, sẵn sàng hơn khi thừa nhận cái đúng của người khác và vì vậy dễ thiết lập được quan hệ tốt với mọi người. Thứ tư, tư duy phản biện giúp cho học sinh - với tư cách là chủ thể tư duy có phương pháp tư duy độc lập, nhìn ra những hạn chế và những sai lầm dễ mắc phải trong quá trình tư duy của chính mình. Từ đó, giúp học sinh đưa ra những nhận định, phán đoán tối ưu nhất có thể. Ngoài ra, học sinh sẽ nhận thức được rằng có nhiều ý tưởng là điều rất tốt nhưng quan trọng hơn là việc thực hiện ý tưởng có khả thi hay không? Làm thế nào để thực hiện được ý tưởng đó? Thứ năm, tư duy phản biện giúp cho học sinh suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm đươc trạng thái tâm lí buồn rầu, thất vọng, chán đời, mất lòng tin khi 4 gặp thất bại trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ...Khi từng học sinh đều suy nghĩ theo hướng tích cực, các em sẽ khám phá những tiềm năng vốn có trong bản thân mình và những tiềm năng này khi được khám phá, khai thác sẽ trở thành những "nội lực" giúp học sinh vượt lên chính mình, tự khẳng định mình, góp phần hình thành nhân cách tự chủ, độc lập và sáng tạo. Thứ sáu, tư duy phản biện giúp học sinh nỗ lực cập nhật, chắt lọc được thông tin cần thiết, có giá trị, bổ ích cho bản thân trong một biển thông tin rộng lớn. Từ đó nâng cao kĩ năng tiếp cận mọi nguồn tin, tìm tin và xử lí thông tin một cách sáng tạo. Việc học và rèn luyện tư duy phản biện một cách tích cực sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa kiến thức của học sinh. Giúp các em suy nghĩ độc lập, tư duy theo hướng mở, nhận thức mọi vấn đề một cách rõ ràng hơn, biết phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá, từ đó suy nghĩ chín chắn hơn, tự ra quyết định và hành động phù hợp. 3. Một số biện pháp thực hành tư duy phản biện cho học sinh a. Hệ thống lí thuyết Môn Văn là môn học đặc thù, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Việc cảm nhận, đánh giá một vấn đề văn học có thể thay đổi theo thời gian và theo thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người, mỗi thời đại. Có những vấn đề hôm nay là đúng nhưng ngày mai thì chưa chắc. Ngược lại, có những vấn đề ngày trước sai, ngày nay lại đúng. Một vấn đề có nhiều cách hiểu, gây tranh cãi nhiều thập kỉ mà không tìm ra chân lí. Vì vậy, trong học văn, rất cần có cái nhìn mới, cách cảm mới để tìm ra những giá trị mới. Học sinh như những bạn đọc sáng tạo có thể lập luận để đưa ra chân lí đúng đắn hơn cho vấn đề. Đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, mục tiêu đào tạo con người toàn diện, phát huy hết năng lực, năng động, sáng tạo trong công việc thì việc phát huy khả năng phản biện của học sinh cần thiết hơn bao giờ hết. Trang bị cho thế hệ trẻ tư duy phản biện cũng có nghĩa là trang bị cho các em khát vọng đổi mới và khát vọng thành công trong cuộc sống. Phát huy khả năng phản biện của học sinh cũng là một cách đề cao, coi trọng tính dân chủ trong giáo dục, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ trong giáo dục. Muốn phát huy được khả năng phản biện cho học sinh nói chung và học sinh giỏi văn nói riêng, trước hết cả người dạy và người học đều phải có tư duy phản biện. Trong quá trình học tập, tiếp thu tri thức, đặc biệt tri thức về các tác phẩm văn học, học sinh phải luôn suy nghĩ về những điều giáo viên trình bày, biết đặt ra và trả lời được các câu hỏi như: "Tại sao lại như vậy?", "Như thế thì đã thực sự đúng đắn chưa?"...; không tiếp thu kiến thức một cách thụ động, một chiều mà phải chủ động, chọn lọc, luôn luôn hướng tới chân lí của vấn đề. Nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách biện chứng. Người học phải biết nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề theo những cách mới mẻ, thậm chí, khi cần thiết có thể phủ nhận lại cách đáng giá của giáo viên. Nhiều người sẽ boăn khoăn vì học sinh thì sao đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng đây chính là yếu tố thúc đẩy người học luôn luôn có ý thức tìm tòi, khám phá nếu muốn vươn tới đỉnh cao tri thức. Thực tế, có 5 khá nhiều học sinh có hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực mà chưa có điều kiện hay môi trường thể hiện. Học sinh cũng cần có kĩ năng lập luận ( bao gồm các kĩ năng phân tích, tổng hợp, so sánh..) mới có thể phản biện tốt. Đối với các đề bài nghị luận theo hướng mở, học sinh hoàn toàn có thể lập luận đưa ra những suy nghĩ riêng của mình, tạo sự thuyết phục với người đọc. Như vậy, trong phản biện cần thuyết phục người khác hướng tới những kết luận chính xác hơn. Phản biện phải mang tính khánh quan, khoa học, tránh lấy "phản đối" làm "phản biện". Phản biện cần có tâm sáng, tầm cao, cách đúng. Giáo viên cần coi tư duy phản biện là tư duy của con người hiện đại, việc phản biện của học sinh là việc bình thường trong dạy và học. Trong quá trình dạy học sinh kĩ năng đọc - hiểu tiếp cận với các văn bản văn học, văn bản nhật dụng..., giáo viên cần đưa ra những câu hỏi mở, khuyết khích học sinh có nhiều cách trả lời độc đáo, sáng tạo....Giáo viên không nên tự cho mình luôn đúng, cũng không nên xấu hổ, ngại ngùng khi một học sinh đưa ra cách giải quyết vấn đề thuyết phục hơn thầy. Trong trường hợp này, quan hệ thầy - trò phải thực sự thân thiện, chân lí của vấn đề phải được đưa lên hàng đầu. Đối với kĩ năng viết, việc rèn luyện tư duy phản biện sẽ giúp các em xử lí tốt các đề mở. Đứng trước một vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội hoặc văn học, học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ khác nhau, bổ sung, hoàn chỉnh thêm ý nghĩa của vấn đề. Giáo viên tạo môi trường thuận lợi cho những phản biện của học sinh, bằng các biện pháp động viên, khích lệ làm cho học sinh thấy tự tin, hào hứng. Phản biện của học sinh có thể chưa đạt đến chân lí thì giáo viên cũng nên kết thúc bằng những lời động viên, tránh chỉ trích gây căng thẳng. Phản biện rất cần thiết trong quá trình dạy học nói chung và dạy văn nói riêng, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Nó góp phần quan trọng vào việc đào tạo con người mới: toàn diện, năng động, sáng tạo. Hình thành tư duy phản biện cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh giỏi văn không phải ngày một ngày hai mà có được, mà phải luyện tập trong một thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực của cả giáo viên và học sinh để đạt được ý nghĩa thiết thực và hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy và học. b. Hệ thống đề thực hành b1. Dạng đề nghị luận xã hội Nghị luận xã hội trong nhà trường trung học xoay quanh các vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống gần gũi với tuổi trẻ, bày tỏ ý kiến, suy nghĩ về một hiện tượng xấu hoặc tốt trong đời sống xã hội. Trong các bài văn nghị luận xã hội ở nhà trường, các em cần phát biểu những suy nghĩ nghiêm túc, chín chắn của mình về một vấn đề có ý nghĩa xã hội đặt ra cho mình, lứa tuổi mình. Bài văn nghị luận xã hội ở đây trước hết đòi hỏi người viết phải bày tỏ được tư tưởng của mình. Đó là tư tưởng phù hợp đạo lí, lẽ phải, thể hiện trách nhiệm của người viết đối với đất nước, gia đình, xã hội, con người. Tư tưởng trong bài văn nghị luận xã hội phải thể hiện nhiệt tình xây dựng, vun đắp cho xã hội ngày càng tốt đẹp, lên án, phê phán các hành vi trái đạo đức, trái lẽ phải, có hại cho đất nước, xã hội và văn hóa Việt Nam. Như vậy, với tư duy phản biện sẽ giúp các em có 6 những nhận thức toàn diện, đầy đủ về mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Các em sẽ có những suy nghĩ riêng, độc lập, khách quan để bổ sung và hoàn thiện hơn cho nhận thức, đạt tới chân lí từ các vấn đề xã hội quen thuộc hay mới mẻ, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tư duy phản biện cần được phát huy và rèn luyện tốt hơn khi các em vận dụng để giải quyết các dạng đề nghị luận xã hội: * Nghị luận về một tư tưởng đạo lí Đề tài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường là quan điểm đạo đức, lẽ sống, về văn hóa, tín ngưỡng, phương pháp tư tưởng...Với học sinh những vấn đề chung này bao gồm các nội dung vô cùng phong phú: về nhận thức (Lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp...), về tâm hồn, tính cách ( lòng yêu nước, nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, thái độ hòa nhã, khiêm tốn, thói ích kỉ, vụ lợi...), về các quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em...), về các quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...). Những vấn đề nghị luận phong phú và đa dạng như thế đòi hỏi học sinh phải huy động vốn kiến thức xã hội và những trải nghiệm sâu sắc của bản thân để giải quyết vấn đề. Đồng thời việc vận dụng các thao tác lập luận như: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh...là hết sức cần thiết. Ngoài ra, để nâng cao hơn hiệu quả bài viết của mình, các em còn cần biết sử dụng tư duy phản biện để thể hiện những suy nghĩ, nhận thức riêng, độc lập của mình về những điều tưởng chừng như rất quen thuộc. Các em hoàn toàn có thể đưa ra những suy nghĩ riêng, thậm chí đối lập với vấn đề của đề. Điều quan trọng là những ý kiến, quan điểm riêng đó có những lí lẽ phù hợp và thuyết phục người đọc. Có thể thấy rõ nét điều đó qua một số đề bài sau: ề bài : "Nhẫn nhịn là học phí phải trả để có được thiên nhiên, xã hội và bản thân con người. Nhẫn nhịn là phẩm chất của kẻ mạnh có tầm nhìn xa. " Bằng những hiểu biết và trải nghiệm của mình, anh/chị hãy bàn luận về ý kiến trên. ề bài 2 "Những ai không bao giờ bằng lòng với mình sẽ chẳng bao giờ biết quý trọng những gì hiện có. Ngược lại, những người luôn bằng lòng với những gì đã có sẽ không bao giờ có khát vọng vươn lên." (Bí mật của hạnh phúc - David Niven, NXB Trẻ, 2013) Hãy bàn luận ý kiến trên. ề bài 3 Suy nghĩ của anh/chị về câu nói của Frank A.clark : Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ. ( Dẫn theo Hành trang vào đời, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2008, trang 38) Để làm tốt ba đề bài trên, ngoài việc tìm hiểu đề, lập dàn ý, vận dụng tốt các thao tác lập luận quen thuộc, các em có thể nhất trí với những khía cạnh đúng đắn, hợp lí của vấn đề xã hội được đặt ra trong đề bài. Ở đề bài 1, phẩm chất nhẫn nhịn là phẩm chất tốt đẹp trên con đường chinh phục tự nhiên, xã hội và con người. Nhẫn nhịn thể hiện sức mạnh của trí tuệ và ý chí. Các em có thể khẳng định, đồng tình với điều đó, tuy nhiên cũng hoàn toàn có thể tạo thêm độ 7 sâu sắc cho bài viết khi phản biện rằng không phải bất cứ ở đâu, lúc nào con người cũng phải nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn quá trở thành yếu hèn, nhẫn nhục. Nhẫn nhịn quá mức đôi khi sẽ khiến hành động thiếu quyết đoán, đánh mất thời cơ, ý chí trở nên bạc nhược. Ở đề bài 2, các em không chỉ đồng ý với ý kiến của đề có thể đưa ra những ý kiến phản biện của riêng mình. Trong cuộc sống đôi khi phải biết bằng lòng chính mình, khả năng, năng lực của mỗi người là có giới hạn và phải biết chấp nhận kết quả đạt được khi đã làm hết khả năng của mình. Phải biết sống với những gì mình đang có nhưng không thực dụng, yếu đuối, hèn nhát mà phải luôn có ước mơ, ý chí vươn lên. Ước mơ, ý chí phải phù hợp với bản thân mình, không mơ ước viển vông, không ảo tưởng về bản thân. Ở đề bài 3, các em hoàn toàn có thể đồng ý với ý nghĩa của cả câu nói : Mọi con người đều luôn mơ ước làm được những điều thật lớn lao cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng thường không ý thức được một điều muốn làm nên việc lớn thì trước hết phải làm tốt những việc nhỏ. Câu nói đề cao ý nghĩa của những điều nhỏ những việc làm nhỏ của con người trong cuộc sống. Tuy nhiên, bài viết sẽ tốt hơn nếu các em biết phản biện lại vấn đề. Đó là biết trân trọng những việc làm nhỏ bé song không có nghĩa là phủ nhận mà cần phải khuyến khích, động viên để con người phấn đấu và vươn tới những điều lớn lao khi có đủ điều kiện, khả năng để khẳng định sự trưởng thành của bản thân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. * Nghị luận về một hiện tượng đời sống Ngoài những nét tương đồng với kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống có những điểm khác biệt cần lưu ý. Kiểu bài này lấy những hiện tượng xảy ra trong đời sống, hiện tượng xã hội đã hoặc đang diễn ra, đáng khen, đáng chê hay chứa đựng vấn đề đáng suy nghĩ để bàn bạc. Từ hiện tượng đời sống, học sinh phải phân tích, tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng, đạo đức mà bàn bạc, đánh giá. Đề tài để bàn bạc thường gần gũi với đời sống, sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh như: tình trạng tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, những tấm gương người tốt việc tốt...Trước những hiện tượng đời sống phong phú, đa dạng, đòi hỏi học sinh phải có vốn sống và nhận thức sâu sắc hơn, cách thể hiện nhận thức, tư tưởng, thái độ và hành động trước những hiện tượng đời sống hàng ngày cũng cần rõ ràng và dứt khoát hơn. Để làm tốt kiểu bài này, ngoài các thao tác lập luận giải thích, phân tích, bình luận, so sánh...các em cũng cần thiết nên phát huy tốt tư duy phản biện để bày tỏ cách nhìn nhận, đánh giá hiện tượng đời sống theo nhiều chiều, nhiều hướng để việc đánh giá trở lên khánh quan, toàn diện, hợp lí. Đồng thời, với tư duy phản biện, các em sẽ có được những suy nghĩ, nhận thức riêng sâu sắc và có ý nghĩa quan trọng với bản thân các em và mọi người, với xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Qua một số đề bài cụ thể về một hiện tượng đời sống sẽ thấy rõ nét hơn vai trò quan trọng của tư duy phản biện: ề bài : Có một vụ tai nạn giao thông, nạn nhân đang quằn quại. Có người lấy điện thoại ra quay phim, chụp ảnh; có người không ngớt chỉ trỏ, hỏi 8 han; có người nhanh chóng lặng lẽ rời đi; và cũng có người lao vào sơ cứu, đưa bệnh nạn nhân đi bệnh viện. Hãy viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về những người ấy. ề bài 2: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Phát biểu những suy tưởng của anh/chị được gợi ra từ hiện tượng nêu trên. ề bài 3 Suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng hiện nay một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang bị mai một. Cả ba đề bài trên đều nêu lên các hiện tượng đời sống đáng suy ngẫm và có ý nghĩa với mọi người trong xã hội. Trước các hiện tượng đời sống này, học sinh hoàn toàn có thể bộc lộ được rõ nét những suy nghĩ thái độ, cách đánh giá độc lập, khách quan, hợp lí, thuyết thục của mình. Ở đề bài 1, đây là hiện tượng đời sống rất quen thuộc song có ý nghĩa quan trọng thể hiện rõ nét đạo đức và văn hóa ứng xử của con người trong cộng đồng. Các em có thể bày tỏ thái độ phê phán, lên án những người thiếu đạo đức và văn hóa. Họ thờ ơ, vô cảm trước hoạn nạn của người khác. Ngược lại những người có đạo đức, văn hóa, họ sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn dù có thể đôi lúc bị thiệt thòi. Đó là cách sống nhân đạo, vị tha và giàu tính hi sinh. Họ đáng trân trọng. Vì vậy, có thể thấy lòng tốt là điều đáng quý của con người, nhưng trước hết mỗi người phải hành xử có trách nhiệm, có văn hóa, không thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, hoạn nạn của người khác. Trong cuộc sống, càng giúp được nhiều người càng tốt, nhất là trong hoàn cảnh hoạn nạn. Mỗi người, nếu có điều kiện hãy cư xử và hành động một cách có đạo đức, văn hóa. Ở đề bài 2, từ hiện tượng tự nhiên, học sinh có thể suy ra những ý nghĩa quan trọng đối với con người. Chính trong hoàn cảnh nhiều thử thách, nghị lực và sức sống tiềm tàng của con người càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn thử thách, con người cần rèn luyện cho mình bản lĩnh ý chí để thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận. Các em có thể phản biện về hiện tượng này ở những góc độ khác như: Có nhiều người sống trong điều kiện thuận lợi nhưng không biết tận dụng để phát triển năng lực của mình mà luôn ỉ lại, dựa dẫm, chỉ biết hưởng thụ, lãng phí thời gian, tiền bạc...Cũng có những người vì không được gặp may mắn trong cuộc sống mà buông xuôi và chấp nhận thất bại. Những người như thế sẽ không bao giờ thành công trên bước đường đời của mình. Ở đề bài 3, học sinh có thể đồng ý với hiện tượng này, đó là nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một do nhiều nguyên nhân như: Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, do quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa rộng rãi, do một số lĩnh vực văn hóa chậm đổi mới, chưa thu hút được thế hệ trẻ. Tuy nhiên, các em cũng có thể đưa ra ý kiến phản biện, vẫn có nhiều bạn trẻ yêu mến, say mê với nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Điều quan trọng ở đây là cần có nhiều giải pháp phù hợp để giúp các bạn trẻ có thêm hiểu biết về giá trị văn hóa dân tộc, thêm yêu và gắn bó, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó. 9 b2. Dạng đề nghị luận văn học Hiện nay xu hướng ra đề mở không chỉ ở dạng đề nghị luận xã hội mà còn ở cả dạng đề nghị luận văn học. Đề nghị luận văn học theo hướng mở yêu cầu học sinh không chỉ có kiến thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về các tác phẩm văn học, có kĩ năng lập luận tốt mà còn đòi hỏi học sinh có những cách cảm thụ riêng, suy nghĩ riêng độc đáo của mình về các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm. Đặc biệt với các dạng đề có các ý kiến, nhận định về tác phẩm văn học, đòi hỏi học sinh phải có khả năng phản biện tốt, các em có thể đồng tình hoặc phản đối, hoặc chỉ đồng tình một nửa, hoặc có thể bổ sung thêm ý nghĩa của tác phẩm theo cách cảm nhận, cách hiểu và lí giải của riêng các em. Điều này là vô cùng quan trọng với các em học sinh giỏi văn trong việc thể hiện được tư duy phản biện của mình. Có như vậy, các em mới có thể giải quyết tốt các đề mở về nghị luận văn học với các dạng sau: * Nghị luận về tác phẩm thơ trữ tình Tác phẩm thơ là một hiện tượng thẩm mĩ độc đáo, được sáng tạo theo quy luật riêng của tình cảm. Nó tiềm ẩn khả năng khơi gợi ở ở người đọc những rung động sâu xa. Vì thế, nguyên tắc trước tiên đối với người tìm hiểu, đánh giá tác phẩm văn học là phải đến với nó bằng tất cả tâm hồn, tình cảm của mình. Để làm tốt bài nghị luận về tác phẩm thơ, càng cần nhấn mạnh vai trò của tình cảm, của sự rung động nơi người viết. Người viết cần thâm nhập, phân tích tác phẩm thơ bằng tất cả tâm hồn, tình cảm, cần sống với không khí cảm xúc của bài thơ. Đồng thời trong quá trình nghị luận phải đảm bảo tính chỉnh thể, toàn vẹn của tác phẩm. Tác phẩm văn học là một cơ thể sống, là một chỉnh thể toàn vẹn, trong đó mỗi bộ phận chỉ là nó khi tồn tại, tương tác với các bộ phận, yếu tố khác. Bên cạnh đó, học sinh khi làm bài nghị luận về tác phẩm thơ trữ tình cũng cần bộc lộ được những cảm xúc, suy nghĩ riêng của mình, có những cách lí giải độc đáo về các giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm thơ một cách hợp lí, thuyết phục. Như vậy, tư duy phản biện cũng hết sức cần thiết để giúp các em làm bài nghị luận về tác phẩm thơ trữ tình đạt hiệu quả hơn. Sau đây là một số đề cho thấy rõ nét điều đó: ề bài 1: Bàn về hình tượng "em" trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu. Ý kiến khác lại cho rằng: Hình tượng em thể hiện vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ đang yêu. Từ cảm nhận về hình tượng "em" trong bài thơ Sóng, anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên. ề bài 2: Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận mỗi nhà thơ lại có cách khám phá thể hiện riêng. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". 10 Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết: "Những đường Việt Bắc của ta Đêm đêm rầm rập như là đất rung Quân đi điệp điệp trùng trùng Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Với hai đề bài nghị luận về tác phẩm thơ, đoạn trích thơ như trên, học sinh ngoài việc có thể đồng ý với ý kiến đánh giá nêu trong đề, các em hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến phản biện nhằm bổ sung, hoàn thiện hơn cho giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, đoạn trích thơ. Ở đề bài 1, các em có thể khẳng định tính đúng đắn của ý kiến đề cập tới vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu được thể hiện ở sự đằm thắm, dịu dàng, hồn hậu, dễ thương, ở sự chung thủy, son sắt. Và ở ý kiến khác là hình tượng em thể hiện vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ đang yêu. Đó là người phụ nữ mạnh dạn, chủ động bày tỏ khao khát yêu thương mãnh liệt, những rung động rạo rực của lòng mình. Người phụ nữ không nhẫn nhục, cam chịu; không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp mà luôn vươn tới cái lớn lao có thể đồng cảm, đồng điệu với mình. Nét đẹp hiện đại táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để đến với hạnh phúc .Khát vọng có được một tình yêu vĩnh hằng, bất tử ; được sống trọn vẹn trong tình yêu. Đồng thời các em có thể phản biện đưa ra cách đáng giá đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về giá trị bài thơ. Đó là nhân vật em vừa có nét dịu dàng, đằm thắm, dễ thương của người phụ nữ truyền thống vừa mang lại vừa mang nét đẹp hiện đại đáng trân trọng của người phụ nữ đang yêu. Ở đề bài 2, sau khi phân tích làm rõ vẻ đẹp của từng đoàn quân ra trận trong hai đoạn thơ của hai bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng và Tố Hữu, các em có thể đưa ra thêm những ý kiến, đánh giá so sánh để thấy rõ nét điểm giống và khác ở hai hình ảnh thơ của hai đoạn thơ này. Sự tương đồng đó là cả hai bài thơ đều viết trong thời chống Pháp. Đều sử dụng bút pháp sử thi, lãng mạn để miêu tả đoàn quân. Nhất là cảm hứng lãng mạn được hai nhà thơ khai thác triệt để. Người lính trong thơ Quang Dũng có cái đẹp vừa bi hùng, vừa hào hoa lãng mạn. Tố Hữu chủ yếu miêu tả cái đẹp toàn thể, hướng tới số đông. Tầm vóc người lính thật lớn lao, vĩ đại. Cả hai đoạn thơ, hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp, thật hào hùng. Và sự khác biệt tạo nên nét riêng cho từng đoạn thơ. Quang Dũng viết bài thơ "Tây Tiến" trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Do đó, hình ảnh người lính hiện lên rất hiện thực với nhiều khó khăn gian khổ. Nhưng không vì thế mà mất đi chất thép vốn có của người lính. Người lính trong bộ dạng dị thường mà cũng rất đỗi mộng mơ đượm chất lính Hà Thành. Bài thơ "Việt Bắc" được Tố Hữu viết sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hồn thơ Tố Hữu là hồn thơ trữ tình chính trị nên thiên về ngợi ca, biểu dương nên hình ảnh thơ bay bổng, tự hào. Hình ảnh đoàn quân ra trận mang tầm vóc lớn lao, kì vĩ. Tóm lại, cùng thể hiện hình ảnh những đoàn quân ra trận nhưng cảm hứng từ hai nhà thơ rất khác nhau. Chính vì vậy mà hình ảnh người lính thời chống Pháp hiện 11 lên trong hai đoạn thơ vừa có điểm chung vừa có điểm riêng biệt mang đến cho người đọc những ấn tượng khó phai nhòa. * Nghị luận về tác phẩm văn xuôi tự sự Tự sự là phương thức tái hiện đời sống qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người trong toàn bộ tính khách quan của nó. Ở đây, tư tưởng và tình cảm của nhà văn thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động của con người, nhà văn kể lại, tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là một thế giới tạo hình xác định đang tự tồn tại, phát triển, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của người viết. Để hiểu được nội dung phản ánh, để phân tích được các giá trị về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật của một tác phẩm tự sự, cần tóm tắt được chính xác cốt truyện, nắm chắc ý nghĩa tình huống truyện, đặc điểm nổi bật về phẩm chất, tính cách của nhân vật...Như vậy, trước tiên để làm tốt kiểu đề nghị luận về tác phẩm văn xuôi tự sự đòi hỏi học sinh cần có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về tác phẩm, có kĩ năng lập luận tốt với các thao tác lập luận như: Phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh...Tuy nhiên, để làm tốt các đề mở hiện nay, tất cả những điều đó là chưa đủ, các em còn cần thiết phải có tư duy phản biện ngay từ khi tiếp cận tác phẩm. Các e hoàn toàn có thể đưa ra những cách lí giải khác nhau về nội dung tư tưởng của tác phẩm, đó có thể là cách lí giải mới mẻ nhưng hợp lí, thuyết phục. Và khi tiếp cận với các đề bài theo hướng mở, học sinh cũng rất nên mạnh dạn đưa ra các ý kiến riêng, độc đáo, sâu sắc của mình. Thông qua một số đề bài sau có thể thấy rõ nét điều đó: ề bài Bàn về nghệ thuật xây dựng hai chân dung phụ nữ điển hình trong truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân), có kiến cho rằng: Chị vợ nhặt được khắc họa ở phương diện bên ngoài, còn bà cụ Tứ lại hiện lên qua những khắc họa nội tâm bên trong. Ý kiến của bạn? ề bài 2 Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh giọt nước mắt của nhân vật quản ngục sau khi Huấn Cao cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và hình ảnh giọt nước mắt Chí Phèo sau khi thưởng thức bát cháo hành của Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Để làm tốt hai đề bài này, ngoài các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng, học sinh cũng có thể dùng kĩ năng tư duy phản biện để giải quyết vấn đề được toàn diện, sâu sắc hơn. Ở đề bài 1, đề bài này yêu cầu học sinh nghị luận về nghệ nghệ thuật xây dựng hình tượng hai người phụ nữ trong truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân). "Chị vợ nhặt được khắc họa ở phương diện bên ngoài" nghĩa là hình tượng được xây dựng qua diện mạo, lời nói, cử chỉ, hành động. Còn "bà cụ Tứ lại hiện lên qua những khắc họa nội tâm bên trong" nghĩa là người mẹ hiện lên qua thế giới nội tâm bên trong với những diễn biến tâm lý, tình cảm...Học sinh có thể phản biện bổ sung thêm cho ý kiến của đề, đó là Chị vợ nhặt được khắc họa ở phương diện bên ngoài là nhận xét đúng nhưng chưa đủ. Chưa đủ bởi, hình tượng người vợ nhặt còn hiện lên qua những biểu hiện nội tâm khá tinh vi dưới ngòi bút của nhà văn. Và hình tượng bà cụ Tứ cũng vậy, đúng nhưng chưa 12 đủ bởi hình tượng người mẹ cũng được Kim Lân xây dựng thông qua phương diện bên ngoài, ở những chi tiết vô cùng đắt giá. Như vậy, nếu đánh giá về nghệ thuật xây dựng hình tượng hai nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong “Vợ nhặt”, mỗi hình tượng dù được xây dựng nghiêng về phương diện bên ngoài (chị vợ nhặt) hay bên trong (bà cụ Tứ) thì sự tham gia của các phương diện còn lại là không thể thiếu trong việc xây dựng, hoàn thiện chân dung nhân vật. Bởi vì, không có thế giới bên trong nào lại có thể hiện lên được nếu thiếu đi các yếu tố ngoại hiện; và không có một yếu tố nào miêu tả cử chỉ hành động lời nói của nhân vật lại không có ít nhiều ý nghĩa bộc lộ thế giới bên trong. Ở đề bài 2, học sinh có thể nêu cảm nhận của mình về giọt nước mắt của viên quản ngục và Chí Phèo. Hình ảnh nước mắt của quản ngục sau khi Huấn Cao cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là giọt nước mắt khóc vì tiếc một người tài cao, khí phách như Huấn Cao mà phải chịu án chém; khóc vì xúc động trước lời khuyên chân thành của Huấn Cao; khóc vì ý thức của cá nhân, thức tỉnh lương tri của chính mình, nhận ra bản chất của cái đẹp phải gắn liền với cái thiện chứ không phải gắn với cái ác, cái xấu. Giọt nước mắt cũng là kết thúc cuộc đời nhem nhuốc, nhơ bẩn bắt đầu cuộc đời mới: nho nhã, thiên lương...Hình ảnh nước mắt của Chí Phèo lúc thưởng thức bát cháo hành của Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao. Chí đã khóc vì xúc động trước tình cảm chân thành của Thị Nở. Giọt nước mắt của Chí cũng là giọt nước mắt của sự thức tỉnh, ăn năn nhận ra bản chất cuộc đời mình chỉ chìm ngập trong men rượu. Giọt nước mắt của Chí cũng là việc rũ bỏ quá khứ tối tăm của mình đề hướng đến cuộc sống của con người nhất là người lương thiện. Từ việc cảm nhận ý nghĩa của giọt nước mắt của hai nhân vật, các em có thể có những đánh giá chung về nhân vật, về tác phẩm và nhà văn. Đối với Nguyễn Tuân, thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc chính là thiên chức của cái đẹp, cái đẹp thức tỉnh con người, cái đẹp cứu rỗi thế giới. Với Nam Cao thì trong bất kì hoàn cảnh nào nhà văn cũng luôn đặt trọn niềm tin vào con người. Từ việc vận dụng kĩ năng tư duy phản biện để giải quyết các dạng đề văn nghị luận cụ thể sẽ giúp các em có thêm ý thức và rèn luyện được tốt hơn kĩ năng tư duy phản biện trong quá trình làm văn. 13 C. KẾT LUẬN Trong xu thế phát triển của giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội thì việc trang bị phương pháp, kĩ năng học tập phù hợp, cần thiết càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Một trong số những kĩ năng học tập quan trọng ấy chính là rèn luyện tốt cho các em khả năng tư duy phản biện. Có tư duy phản biện tốt sẽ giúp các em có những suy nghĩ, ý kiến độc lập, biết đánh giá mọi sự vật hiện tượng theo nhiều hướng, nhiều chiều. Từ đó, học sinh có thể nhìn nhận được vấn đề một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc và hợp lí. Đặc biệt, với học sinh giỏi văn việc rèn luyện tư duy phản biện lại càng trở nên quan trọng và cần thiết. Đối với các em học sinh giỏi văn, đòi hỏi các em phải có khả năng tự học, tự cảm thụ, tự phân tích, lí giải và đánh giá các hiện tượng văn học bằng những cảm nhận và ý kiến của riêng mình. Trước một tác phẩm văn học, mỗi em sẽ thu nhận cho mình một ý nghĩa, một nội dung và những cảm nhận riêng biệt về tác phẩm đó. Giáo viên chỉ có thể thông qua một số tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại văn học để trang bị cho học sinh cách phân tích, cách đọc hiểu, "con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn"...tức là cung cấp cho học sinh chiếc chìa khóa để các em có thể mở được cánh cửa kho tàng văn học dân tộc và nhân loại. Và để từ đó các em có thể tự mình tiếp tục đọc và tìm hiểu văn chương suốt cuộc đời. Từ việc đọc hiểu đến tạo lập văn bản, giải quyết các đề bài theo xu hướng ra đề mở hiện nay, tư duy suy nghĩ độc lập, biết tự bày tỏ một cách đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục trước các vấn đề xã hội hoặc văn học à đề bài nêu ra. Với tư duy phản biện, các em có thể lật đi lật lại vấn đề, đưa ra những suy nghĩ và lí giải phù hợp, đúng đắn bộc lộ được những suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình. Như vậy, việc nâng cao hơn ý thức rèn luyện tư duy phản biện và có kĩ năng phản biện tốt cho học sinh giỏi văn là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo phát huy năng lực toàn diện của học sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước và thế giới. 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan