Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của dạ ngân...

Tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của dạ ngân

.PDF
94
1005
163

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN SƯ PHẠM NGỮ VĂN --------------------------------------------- TRẦN THỊ NGỌC HIẾU QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG SÁNG TÁC CỦA DẠ NGÂN Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành: Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: TRẦN VĂN MINH Cần Thơ, 5/2010 LỜI CẢM ƠN  Trải qua bốn năm trên giảng đường đại học, tôi đã học hỏi được rất nhiều tri thức và kinh nghiệm từ quý thầy cô truyền đạt. Đó là những hành trang quý báu giúp tôi bước vào đời. Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn những người thân đã quan tâm, lo lắng cho tôi ăn học. Cảm ơn Trường Đại học Cần Thơ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập. Cảm ơn quý thầy cô của trường đặc biệt là quý thầy cô Khoa Sư phạm – Bộ môn Ngữ Văn đã tận tình chỉ dạy tôi trong những năm qua. Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn thầy Trần Văn Minh đã động viên, hướng dẫn tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình. Ngoài ra, tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ của quý thầy cô ở Trung tâm học liệu, Thư viện Khoa Sư phạm, Thư viện thành phố Cần Thơ đã tạo mọi điều kiện cho tôi tìm tài liệu để hoàn thành luận văn này. Sau cùng, tôi xin cảm ơn bạn bè đã động viên, giúp đỡ tôi trong thời gian qua. Mặc dù tôi đã rất cố gắng nhưng do thời gian và kiến thức hạn hẹp nên luận văn khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô và các bạn để luận văn được hoàn thiện hơn. Kính chúc quý thầy cô, các bạn luôn dồi dào sức khỏe và thành đạt. Cần Thơ, ngày 21 tháng 4 năm 2010 Sinh viên thực hiện Trần Thị Ngọc Hiếu ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương một: Tác gia Dạ Ngân 1.1. Cuộc đời 1.2. Quan niệm về văn chương 1.3. Sự nghiệp sáng tác 1.4 Phong cách nghệ thuật: Chương hai: Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong sáng tác của Dạ ngân 2.1. Lí luận chung của quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong sáng tác văn học 2.1.1. Giới thuyết quan niệm nghệ thuật về hiện thực 2.1.1.1. Quan niệm nghệ thuật 2.1.1.2. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực 2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới, từ sau 1986 2.2. Quan niệm nghệ thuật về hiện thực trong sáng tác của Dạ Ngân 2.2.1. Những hoài niệm đẹp về hiện thực chiến tranh bi hùng 2.2.1.1. Tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta 2.2.2. Những trăn trở trước hiện thực cuộc sống bề bộn, phức tạp thời hòa bình 2.2.2.1. Nỗi xót xa, bất bình trước những khó khăn chồng chất thời hậu chiến 2.2.2.2. Nỗi đau trước sự hoành hành của cái xấu, cái ác Chương ba: Quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Dạ Ngân 3.1. Lí luận chung của quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác văn học 3.1.1. Khái niệm 3.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới, từ sau 1986 3.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Dạ Ngân 3.2.1. Con người anh dũng, kiên cường trong bom đạn ác liệt 3.2.1.1. Con người mang tầm vóc sử thi 3.2.1.2. Con người với những khát vọng lãng mạn 3.2.2. Con người phong phú đến phức tạp trong cuộc sống thời bình 3.2.2.1. Con người đau khổ, nhọc nhằn giữa cuộc mưu sinh 3.2.2.2. Con người hạnh phúc và khổ đau trong những mối quan hệ gia đình 3.2.2.3. Con người khát khao hạnh phúc đích thực 3.2.2.4. Con người với những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, xấu xa PHẦN KẾT LUẬN THƯ MỤC MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Văn học là một tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống con người rất sinh động. Qua tác phẩm văn học, người tiếp nhận có thể thấy được những khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Thế nhưng, quan niệm về hiện thực và con người trong văn chương như thế nào còn tùy thuộc vào từng thời kì, từng cá nhân người cầm bút. Có nhà văn chuyên đi sâu vào khai thác những mặt trái của xã hội để phê phán, cảnh tỉnh con người. Cũng có nhà văn chỉ phản ánh những mặt tốt đẹp, tươi hồng của hiện thực cuộc sống và con người để ngợi ca. Thế nhưng hiện thực cuộc sống và con người đâu phải chỉ toàn mặt tốt hoặc mặt xấu mà nó bao hàm cả hai khía cạnh đối lập nhau. Do đó, những cách phản ánh như trên chỉ là phiến diện, một chiều. Hoàn cảnh đất nước đổi mới như hiện nay đòi hỏi người cầm bút phải thay đổi quan niệm lẫn thực tế sáng tác. Và sự đổi mới này đã được đề ra cụ thể trong đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986. Nhà văn phải có trách nhiệm phản ánh hiện thực và con người đúng như bản chất của nó. Từ quan niệm sáng tác mới này, nền văn học Việt Nam nói chung và văn học đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đã gặt hái được những thành tựu đáng kể với những tên tuổi đã và đang khẳng định vị trí trên văn đàn. Là một người con của đồng bằng Sông Cửu Long, tôi rất tự hào khi quê hương mình có những cây bút tên tuổi với những tác phẩm đã đi vào lòng độc giả. Nhắc đến nền văn học nơi vùng đất mới này chúng ta không thể nào không nhắc đến Dạ Ngân – một nhà văn nữ suốt đời tìm tòi, sáng tạo nên những trang văn đậm tính thời đại và rất giàu cảm xúc. Đọc tác phẩm của Dạ Ngân, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vấn đề thực đang xảy ra ngoài cuộc sống thực. Trong sáng tác của chị, cuộc sống diễn ra như dòng chảy của cuộc đời. Điều này đã làm nên sự hứng thú trong lòng độc giả. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu những tác phẩm của nhà văn nữ này. Chính vì vậy chúng tôi chọn vấn đề “Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của Dạ Ngân” làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp của mình. 2. Lịch sử vấn đề Dạ Ngân là một cây bút đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dạ Ngân viết văn từ khi còn trẻ. Đến nay, chị đã có một số lượng tác phẩm khá lớn với nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm ấy có một sức hút đáng kể đối với độc giả cũng như các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Trước hết, trên báo Văn nghệ số 48, ngày 29.11.1986, Chu Huy có nhận định về tập truyện Quãng đời ấm áp của Dạ Ngân: “Tập truyện khá dày (212 trang in) gồm 12 truyện ngắn với các mảng đề tài khác nhau, ở những thời gian và không gian khác nhau. Nhưng dù viết ở đề tài nào đi nữa Dạ Ngân đều hướng người đọc tìm đến cội nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp, từ những tình cảm trong sáng mãnh liệt, từ những tình cảm tư tưởng không bao giờ mờ phai của những năm chiến tranh giải phóng đầy hi sinh gian khổ mà rất đỗi hào hùng.”[10,6]. Bên cạnh những thành công mà Dạ Ngân đã đạt được, tác giả bài viết cũng chỉ ra nhược điểm mà tập truyện mắc phải: “Tuy nhiên truyện ngắn của Dạ Ngân còn đều đều, không có truyện thật nổi bật, và giọng văn kể chuyện ở ngôi thứ nhất ở hầu hết mọi chuyện dễ nhàm chán. Dạ Ngân còn thiếu một sự nhuần nhuyễn lô-ghích trong khi xử lí các tình huống, các kết thúc thường phải dùng đến một số yếu tố bất ngờ ngẫu nhiên, những sự cố như Thầy tôi, Thi vị cuộc đời…”[10,6]. Về tập truyện này, Nguyễn Văn Lưu cũng có nhận định đăng trên báo Nhân dân ra ngày chủ nhật 15.3.1987: “Truyện của chị đậm đà tâm tình của người phụ nữ Nam Bộ, giàu tình cảm và suy tư, luôn trăn trở về cuộc sống của cá nhân mình và đồng đội, bạn bè với gia đình, quê hương, với lý tưởng và nghĩa vụ, những khao khát nồng cháy của trái tim thiếu nữ trước cuộc đời… Chị viết về chiến tranh nhưng không nặng về mô tả chiến trận hay sự kiện. Qua những trang sách của chị hiện lên những con người cao cả anh hùng nhưng gần gũi giản dị, chân thật và thiết thực, những con người, những cảnh ngộ, những sự việc tưởng như nhỏ mọn vụn vặt nhưng lại là những biểu hiện phẩm chất của con người.” [11,5]. Những nhận định trên tuy khái quát nhưng khá xác đáng về tập truyện đầu tay của Dạ Ngân. Đến khi tập truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn được xuất bản, Ngô Ngọc Bội đã có nhận xét trên báo Văn nghệ số 42, ngày 19.10.1991: “Đến tập truyện này nữa Dạ Ngân lại xác lập thêm chỗ đứng văn chương của mình. Trong những năm 85-90, một thời văn chương có nhiều biến động: Tìm tòi - Trăn trở - Xô bồ thì Dạ Ngân vẫn bình tĩnh đi theo hướng đã chọn. Vốn là một cây bút từng trải, dày dạn vốn sống, biết khai thác sự uyên thâm của văn chương bác học, biết chắt lọc từ cuộc sống hiện thực của đồng bằng Sông Cửu Long – một cuộc sống đa dạng, một vùng ngôn ngữ đa cảm và giàu hình tượng – văn của Dạ Ngân lắng đọng, vừa ấm áp đôn hậu,vừa dữ dằn cay đắng rất Nam Bộ để rồi hướng tới cái thiện” [2,3]. Theo như tác giả bài viết thì tập truyện này cũng mắc phải những khuyết điểm là “vẫn ở dạng truyền thống ta thường thấy, chưa có nhiều sáng tạo về bố cục”. Riêng về tác phẩm Con chó và vụ ly hôn, trong bài Mấy vấn đề lý luận của văn xuôi hiện nay, tạp chí Văn học, số 6, năm 1986, Phan Cự Đệ cho rằng: “ Gần đây trong một số truyện đã in hoặc chưa in có tình trạng con người bản năng nổi bật hẳn lên với những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa trong khi đó con người xã hội lại quá mờ nhạt (Con chó và vụ ly hôn của Dạ Ngân). Không thể thay thế chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Phơrớt. Mác không phủ nhận con người sinh vật, con người tự nhiên, nhưng Mác nhấn mạnh đến con người như tổng thể của những quan hệ xã hội”[4,16]. Ngoài ra, Bùi Việt Thắng cũng có nhận định tương tự về tác phẩm này thông qua bài Trong tấm gương của thể loại nhỏ (nhìn lại truyện ngắn 1986) đăng trên tạp chí văn học, số 3, năm 1987: “Truyện này đọc hấp dẫn vì nó đi tới tận cùng của xúc cảm, các tâm trạng và hành vi của con người trong phần bản năng của nó. Nhưng có lẽ như thiếu một trình độ thẩm mĩ trong cách nhận thức, đặt và giải quyết vấn đề về hạnh phúc, tình yêu. Nếu xuất phát từ tiêu chuẩn của cái đẹp, từ nhiệm vụ của văn học là làm cho con người tin yêu cuộc sống và con người xung quanh hơn thì truyện ngắn này quả chưa đạt tới đích ấy”[21,58]. Có người đứng ở góc cạnh này mà nhìn nhận và cũng có người phê bình ở góc cạnh khác tùy theo quan điểm của mỗi người. Tất cả ý kiến trên đều đã phần nào chỉ ra được những ưu nhược điểm trong tác phẩm của Dạ Ngân. Gần đây, sự ra đời của tiểu thuyết Gia đình bé mọn đã gây được một tiếng vang trên văn đàn. Tác phẩm đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Có nhiều ý kiến bình luận về tác phẩm này. Trên báo Văn nghệ năm 2005, Hoàng Ngọc Hiến có nhận định: “Rộng lớn hơn đề tài “gia đình””: “ Sông Hậu là “hậu phương” bền vững, có thể nói là vĩnh cửu trong tập tiểu thuyết của Dạ Ngân. Nếu như nghệ thuật lớn là ở chỗ sự giao cắt của bình diện “hiện thực” và bình diện tuyệt đối thì sự thấp thoáng của cái “vĩnh cửu”, cái “tuyệt đối” trong một tác phẩm có thể xem là dấu hiệu của một tác phẩm “hiện thực” không tầm thường”[17,230]. Thông qua bài viết, tác giả đã chỉ ra một số khía cạnh về bản chất con người và hiện thực ở thời kỳ này được thể hiện trong tác phẩm. Cùng quan điểm với nhận định trên, Nhật Tuấn có bài Chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt trong “Gia đình bé mọn” đăng trên báo Văn nghệ ngày 28.05.2005: “Gia đình bé mọn của Dạ Ngân thật ra chẳng bé mọn chút nào, nó chứa đựng một dung lượng đồ sộ về đời sống của cả xã hội Việt Nam đương đại, nó diễn tả cái bi kịch lớn của dân tộc đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ: cái đẹp, cái cao cả đang bị cái xấu, cái ti tiện lấn át và tiêu diệt, nó lên tiếng về sự giãy chết của chủ nghĩa lãng mạn dưới bàn tay lông lá của chủ nghĩa vị kỉ cực đoan đang tràn lan hiện nay… Khác hẳn chiều hướng lảng tránh hiện thực tạo nên một thứ văn chương tào lao đầy rẫy trên văn đàn hiện nay, nhà văn Dạ Ngân đã dũng cảm rọi đèn vào những góc tối, khuất tất của cuộc sống, làm hiện rõ bức tranh xã hội đầy nhức nhối hiện nay”[17,318-319]. Đó là một nhận định thật xác đáng về tác phẩm này. Ai đã từng đọc Gia đình bé mọn chắc cũng không tránh khỏi những trăn trở suy tư về hiện thực cuộc sống và con người được phản ánh trong tác phẩm. Bên cạnh đó còn có Bốn lời bình cho “Gia đình bé mọn” của Hoài Nam được in trên báo Tuổi trẻ 2005: “Gia đình bé mọn không phải là một tác phẩm hoành tráng, đồ sộ về dung lượng hiện thực; nó cũng không phải là cuốn tiểu thuyết thể hiện những ý đồ tìm tòi thi pháp mới cho văn xuôi nghệ thuật. Nhưng nó đã khiến cho người đọc cảm động và thú vị chia sẻ với thân phận nhân vật và với những vấn đề mà tác giả đặt ra”[17,330]. Tất cả nhận xét trên đã phần nào làm nổi bật được những đặc điểm trong sáng tác của Dạ Ngân. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định khái quát về một hoặc một vài tác phẩm chứ chưa có công trình nào đi sâu vào nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong cả quá trình sáng tác của Dạ Ngân. Do đó những ý kiến trên được chúng tôi ghi nhận một cách trân trọng chứ nó chưa khái quát được quan niệm sáng tác của tác giả này. Những nhận định đó sẽ là cơ sở, là tiền đề để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của Dạ Ngân. 3. Mục đích yêu cầu Với đề tài Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của Dạ Ngân, mục đích, yêu cầu chính được đặt ra mà luận văn cần phải giải quyết là trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi, ví dụ như: Thế nào là quan niệm nghệ thuật về hiện thực và quan niệm nghệ thuật về con người? Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và cọn người được thể hiện trong thời kỳ đổi mới như thế nào? Dạ Ngân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong tác phẩm của mình ra sao?... Trên cơ sở giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi còn phải làm nổi bật được những đóng góp của Dạ Ngân đối với nền văn học đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và nền văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nói chung. Điều này góp phần giúp người đọc có một cái nhìn sâu sắc, đúng đắn hơn về những tác phẩm của nhà văn nữ này. 4. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của đề tài Quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người trong sáng tác của Dạ Ngân khá rộng lớn. Nó bao gồm toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Thế nhưng do thời gian và kiến thức hạn hẹp, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu trên một số tập truyện tiêu biểu như: Quãng đời ấm áp, Dạ Ngân truyện ngắn chọn lọc và tiểu thuyết Gia đình bé mọn… Qua những tác phẩm này, chúng tôi sẽ đi vào làm rõ những vấn đề mà đề tài đặt ra. 5. Phương pháp nghiên cứu Với đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng những phương pháp sau: - Phương pháp lịch sử: được sử dụng trong khi tìm hiểu những ý kiến, nhận định của các nhà phê bình, nghiên cứu về tác phẩm của Dạ Ngân. - Phương pháp tiểu sử: được sử dụng chủ yếu ở chương 1 khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Dạ Ngân. - Phương pháp so sánh để đối chiếu quan điểm nghệ thuật của Dạ Ngân với các tác giả của thời kỳ trước đó. Các phương pháp nghiên cứu trên không phải chỉ sử dụng riêng lẻ trong từng phần, từng đề mục mà được kết hợp chặt chẽ với nhau để nhằm đạt được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp với các thao tác phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận… để làm rõ vấn đề mà đề tài đặt ra. PHẦN NỘI DUNG Chương một: TÁC GIA DẠ NGÂN 1.1. Cuộc đời Dạ Ngân tên thật là Lê Hồng Nga, sinh ngày 6 tháng 2 năm 1952. Quê quán ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Theo như tiểu sử tự thuật thì quê gốc của chị ở miệt vườn Cao Lãnh ven sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp. Sau đó ông nội chị đã đưa cả nhà xuống Cần Thơ lập nghiệp. Gia đình sinh sống bằng nghề làm vườn. Dạ Ngân rất tự hào vì mình là một người phụ nữ miệt vườn ở vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Tuổi thơ của Dạ Ngân gắn chặt với miền quê sông nước. Đó là cái nôi êm đềm nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ. Ấn tượng về cuộc sống sinh hoạt của quê hương đã được chị đưa vào những trang viết thật bình dị, thân thuộc nhưng cũng không kém phần độc đáo. Dạ Ngân còn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ người cô ruột. Đó là một người phụ nữ góa bụa rất có cá tính và bản lĩnh. Cả cuộc đời bà đã hi sinh cho đàn cháu. Sau khi chồng mất, bà đã ở vậy đến già chăm nuôi những đứa cháu cho người anh an tâm đi đánh giặc. Dạ Ngân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là một chiến sĩ tham gia chống Mỹ - ngụy. Khi sa vào tay giặc, ông bị chúng kết án khổ sai lưu đày ngoài Côn Đảo và đã chết trong xà lim của giặc. Cái chết của người cha đã nung nấu ý chí căm thù giặc trong lòng những đứa con. Họ quyết tâm đứng lên đánh giặc trả thù nhà. Gia đình chị ở vào vùng giáp ranh giữa căn cứ kháng chiến của tỉnh Cần Thơ và căn cứ kháng chiến của khu IX. Do đó các chị em Dạ Ngân có điều kiện vào Cứ tham gia đánh giặc theo con đường của người cha anh dũng. Lúc đó, lý tưởng đã được đơn giản hóa thành thù nhà rồi sau mới là nghĩa nước. Dạ Ngân tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 14 tuổi đầu. Năm 1966, Dạ Ngân tham gia hoạt động ở Ban Thông tấn Báo chí tỉnh Cần Thơ. Năm 1976, chị chuyển sang công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hậu Giang. Từ 1981 – 1992 chị là ủy viên thường vụ Hội Văn học nghệ thuật Hậu Giang. Năm 1987, Dạ Ngân được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1993 đến năm 1996, Dạ Ngân theo học trường viết văn Nguyễn Du. Từ năm 2005 đến năm 2008, Dạ Ngân giữ chức vụ trưởng ban văn xuôi của tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc đời riêng của Dạ Ngân rất lận đận. Cũng như bao phụ nữ khác sinh ra trong thời kỳ đất nước trải qua cuộc chiến tranh ác liệt, Dạ Ngân phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát và không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng với một ý chí kiên cường, chị đã vừa công tác vừa học tập để nâng cao trình độ của mình. Tấm bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa là thành quả của những tháng ngày phấn đấu gian khổ trong bom đạn ác liệt của kẻ thù. Trong quá trình công tác ở ngành văn hóa, Dạ Ngân đã mày mò tìm hiểu và học hỏi từ các thế hệ nhà văn đi trước để trau dồi thêm kiến thức cho bản thân. Dạ Ngân lập gia đình từ những năm còn tham gia kháng chiến và có hai người con. Thế nhưng càng sống chung với nhau chị càng nhận ra giữa mình và chồng có một khoảng cách quá lớn. Chính vì thế chị đã quyết định ly hôn. Tháng 4 năm 1982, ở trại sáng tác của Hội Nhà văn tại Vũng Tàu, Dạ Ngân đã gặp nhà văn Nguyễn Quang Thân – người chồng sau của chị. Cuộc tình này phải trải qua rất nhiều sóng gió của dư luận. Lúc đó, cả hai đều đã có gia đình. Dạ Ngân vẫn còn sống với chồng và Nguyễn Quang Thân cũng đang sống với vợ con ở Hà Nội. Mặc dù cả hai đều không hạnh phúc nhưng họ vẫn còn bị hôn nhân ràng buộc. Chính vì mối quan hệ không chính thức này mà Dạ Ngân đã bị gia tộc từ bỏ, tổ chức lên án kiểm điểm, bạn bè xa lánh. Nhưng với tình yêu mãnh liệt, họ vẫn đến với nhau. Hơn mười một năm trời kẻ Nam người Bắc, chỉ trao đổi qua thư từ, điện tín và thỉnh thoảng mới được gặp nhau nhưng họ vẫn giữ được tình cảm với nhau. Sau khi nhà văn Nguyễn Quang Thân ly hôn với vợ, họ đã tổ chức lễ cưới (1993). Khi ấy Dạ Ngân đã 41 tuổi và Nguyễn Quang Thân 58 tuổi. Dạ Ngân ra Hà Nội sống và cư trú tại C6, khu Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. Hiện nay, Dạ Ngân đang sống ở P225 – Lô 2 – Cư xá Thanh Đa – quận Bình Thạnh – thành phố Hồ Chí Minh. 1.2. Quan niệm về văn chương Dạ Ngân là một nhà văn có quan niệm về văn chương rất nghiêm túc. Chị từng tâm sự: “Văn chương, đó không chỉ là nghề như mọi nghề mà còn là con đường khổ ải cho những người đàn bà cầm bút. Dù vậy, vẫn hơn, vì con đường ấy cho người ta sự cô độc tối cao, niềm tin dai dẳng và có thể khóc cười thoải mái một mình”[26]. Bên cạnh đó, Dạ Ngân còn cho rằng: “Văn chương hoàn toàn xứng đáng được coi như đạo, vì sứ mệnh giãi bày và cứu rỗi của nó. Người viết phải chấp nhận cày xới mặt trái của xã hội loài người và mảnh đất tâm linh của kiếp người. Có lẽ vì vậy mà tôi không dung hòa được với những gì nhè nhẹ, thoang thoáng, đèm đẹp. Tận cùng, đó là phương châm sống, phương châm viết của tôi và tôi không lùi bước khi phải trả giá” [26]. Trong tác phẩm Gia đình bé mọn, Dạ Ngân cũng để cho nhân vật của mình phát biểu quan niệm về văn chương: “Văn chương với nàng giống một thứ tín ngưỡng hơn là phương tiện.” Qua những tác phẩm của chị, độc giả nhận ra được “sứ mệnh giãi bày và cứu rỗi” của văn học. Dạ Ngân đã nêu lên những vấn đề nóng bỏng của gia đình và xã hội. Tác giả đã phơi bày thực trạng cuộc sống xã hội và hướng người đọc đến những băn khoăn, suy nghĩ để tìm cho bản thân một câu trả lời. Từ đó, Dạ Ngân đã góp thêm một tiếng nói nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Không những thế, Dạ Ngân còn sáng tác văn chương bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của mình. Chị xem quá trình sáng tác một tác phẩm văn học như “thời kì thai nghén”. Để cho ra đời một tác phẩm nhà văn thường phải tự “cách li” bản thân với mọi người xung quanh. Thời điểm đặt dấu chấm hết cho tác phẩm là khoảnh khắc tuyệt vời đối với người cầm bút: “Nó giống với khoảnh khắc đứa con trong bụng mình òa ra, kết thúc tình cảnh mang nặng đẻ đau và mình biết thế là nó đã được sinh xong và bắt đầu cuộc sống riêng giữa cõi đời này”[26]. Ngoài ra, Dạ Ngân còn quan niệm người viết văn là kẻ “cô đơn giữa bầy đàn của mình”. Mặc dù cũng có đôi lúc cảm thấy cô đơn giữa cộng đồng của mình nhưng chị vẫn không lùi bước. Chị vẫn kiên trì đeo đuổi sự nghiệp văn chương của mình. Theo Dạ Ngân, nhà văn phải sống trước đã: “Sống tức là viết được phân nửa điều mình muốn tuyên ngôn. Nghĩa là phải sống với tất cả các cung bậc tình cảm, với sự nhạy cảm của từng tế bào nguyên liệu sẽ sinh ra từ từng giây phút ấy”[26]. Dạ Ngân đã sống hết mình và viết cũng hết mình như thế. 1.3. Sự nghiệp sáng tác Dạ Ngân có được một niềm say mê văn học từ sớm. Ngay từ hồi ở Cứ, chị đã lén đọc “Sông Đông êm đềm” của Mikhain Sôlôkhôp. Đây là cuốn sách bị xem là có vấn đề về chính trị thời ấy. Chính vì vậy mà Dạ Ngân thường xuyên bị phê bình trước tập thể là có đầu óc lãng mạn, sinh hoạt theo kiểu tiểu tư sản. Cũng có một số người tiên đoán là trước sau gì Dạ Ngân cũng đi theo nghiệp văn chương. Năm 1978, truyện ngắn đầu tay của Dạ Ngân ra đời và được in trên tạp chí văn nghệ tỉnh số Tết. Đây là một tác phẩm không có gì nổi bật nhưng đối với Dạ Ngân lúc ấy nó có một sức động viên rất lớn, giúp chị thêm vững tin bước đi trên con đường sáng tác văn học đầy chông gai thử thách. Đầu năm 1982, lần đầu tiên một truyện ngắn của Dạ Ngân được đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tháng 4 năm ấy, Dạ Ngân được mời đi dự trại sáng tác của Hội ở Vũng Tàu. Tại đây chị được gặp các nhà văn có tên tuổi như Nguyên Ngọc, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Quang Thân, Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn…và được các thế hệ đi trước động viên, chỉ dẫn kinh nghiệm. Sự gặp gỡ này đã giúp chị thêm tin tưởng vào con đường văn chương của mình. Đặc biệt, việc được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1987) đã làm Dạ Ngân rất phấn khởi. Đây chính là bước ngoặt quyết định đưa chị “đi thật xa miệt vườn của mình” và trở thành nhà văn chuyên nghiệp với các bút danh Dạ Ngân, Lê Long Mỹ. Ngoài ra chị còn là một chuyên gia gỡ rối tâm lí cho các bạn trẻ với bút danh Dạ Hương. Dạ Ngân viết văn chủ yếu dựa vào những trải nghiệm của cuộc đời. Trong các tác phẩm của chị, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng của những người thân quen và chính bản thân người viết. Dạ Ngân sáng tác khá nhiều tác phẩm với các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Bên cạnh đó chị còn viết báo, bình luận văn học và viết kịch bản phim.  Các tác phẩm chính Truyện ngắn: - Quãng đời ấm áp - tập truyện - NXB Phụ Nữ - 1986 . - Con chó và vụ ly hôn - tập truyện - NXB Hội Nhà văn - 1990 - Cõi nhà - tập truyện - NXB Thanh Niên - 1993 . - Dạ Ngân truyện ngắn chọn lọc - NXB Văn Học - 1995. - Dạ Ngân & Nguyễn Quang Thân - tập truyện - NXB Phụ Nữ - 1997. - Nhìn từ phía khác - tập truyện - NXB Hà Nội - 2002. - Nước nguồn xuôi mãi - tập truyện - NXB Phụ nữ - 2008 Truyện dài: - Miệt vườn xa lắm - truyện dài - NXB Kim Đồng - 1992. Tạp văn: - 100 Tản mạn hồn quê – NXB Phụ nữ - 2007 Tiểu thuyết: - Ngày của một đời - tiểu thuyết - NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh - 1989. - Mẹ Mèo - tiểu thuyết (viết cho thiếu nhi) - NXB Kim Đồng - 1992. - Gia đình bé mọn - tiểu thuyết – NXB Phụ Nữ - 2005. Kịch bản phim: - Chuyến đi của mẹ - kịch bản phim nhựa, sản xuất 1988. - Chân trời nơi ấy - kịch bản phim nhựa 2 tập, sản xuất 1995.  Các giải thưởng văn học đã đạt: - Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1987 - Giải nhì truyện ngắn báo Tuổi trẻ, năm 1989 - Giải ba truyện ngắn báo Sài Gòn giải phóng, năm 1990 - Giải khuyến khích truyện dài Nxb Kim Đồng, năm 2002 - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2005 - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2004 – 2006 1.4 Phong cách nghệ thuật: Dạ Ngân là một cây bút có phong cách riêng, khá độc đáo. Chị sáng tác chủ yếu dựa vào trải nghiệm của bản thân. Dạ Ngân đã từng tham gia chiến đấu trong những tháng năm chống Mĩ ác liệt. Vì vậy, hiện thực hào hùng cũng như những mất mát, đau thương thời chiến đã in sâu trong lòng nhà văn nữ này. Sau khi giành được độc lập, đất nước ta lại trải qua một thời kì khó khăn mới. Hậu quả chiến tranh cùng với chế độ bao cấp của Nhà nước đã làm nền kinh tế trì trệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Dạ Ngân đã sống trọn vẹn trong giai đoạn này. Do đó, chị thấu hiểu rất rõ hiện thực của đất nước và đưa vào sáng tác của mình. Chính vì thế, những vấn đề mà nhà văn đặt ra đều chứa đựng bao suy tư, trăn trở của người cầm bút. Dạ Ngân viết về nhiều vấn đề khác nhau nhưng chiến tranh, gia đình là đề tài nổi bật trong sáng tác của chị. 1.4.1. Dạ Ngân tham gia kháng chiến từ khi mới mười bốn tuổi. Vì thế, chiến tranh là đề tài được nhà văn khai thác ngay từ những tác phẩm đầu tay. Tuy nhiên, chị không nặng về miêu tả những trận đánh ác liệt giữa ta với địch, về những chiến thuật sử dụng trong cuộc chiến này. Ngòi bút của Dạ Ngân hướng về cuộc sống tình cảm, sinh hoạt của con người trong hoàn cảnh khốc liệt ấy. Những con người gặp nhau rất tình cờ trong chiến tranh nhưng giữa họ đã hình thành nên một thứ tình cảm thật gắn bó, trong sáng. Giữa chú Tư Thọ và Đầm ngoài tình đồng đội còn có tình cha con. Do mất cha từ khi còn bé nên Đầm khao khát tình phụ tử thiêng liêng: “Khi gặp được chú Tư, chị mới hay trong lòng mình vẫn có một chỗ trống dành cho bóng dáng người cha. Người ấy, dù không có đường nét rõ ràng nhưng vẫn lung linh trong lòng chị nhờ những lời nhắc nhở đầy tự hào của thân tộc. Chú Tư là hiện thân của người cha tuyệt vời ấy, như từ trong trí tưởng tượng của chị bước ra.”[16,328]. Chú Tư cũng thế, ông đã xem chị như đứa con ruột thịt của mình và hết lòng lo lắng, thương yêu: “Con đã bù đắp được thiệt thòi đáng kể nhứt của chú là không có con gái. Chú thường nghĩ đến may mắn đó với niềm vui ý nhị và xúc động sâu xa”[16,329] (Quãng đời ấm áp). Tình cảm ấy cao đẹp biết bao! Mặc cho người khác nghi kị, hiểu lầm nhưng mối quan hệ giữa họ vẫn tốt đẹp. Bom đạn hiểm nguy cùng với sự thiếu thốn tình cảm đã gắn kết con người lại với nhau. Họ cố gắng đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người mình thương yêu. Trong tác phẩm Đường dây một người, má Ba Mối đã xem các anh bộ đội như những đứa con ruột thịt của mình. Các anh cũng dành cho má tấm lòng kính yêu vô hạn. Những tình cảm, các mối quan hệ của con người đã trở thành chủ đề xuyên suốt khi Dạ Ngân viết về đề tài chiến tranh. Bên cạnh đó, đề tài gia đình cũng được Dạ Ngân quan tâm phản ánh. Trong tác phẩm của chị, tình cảm gia đình luôn là vấn đề trăn trở khôn nguôi. Tác giả không chỉ miêu tả những mái ấm êm đềm mà còn đi vào phản ánh những nỗi bất hạnh, mất mát của họ. Trong cuộc sống xô bồ, có những người chỉ chạy theo vật chất, danh vọng mà quên đi những tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất. Một người mẹ lam lũ suốt đời hi sinh cho con nhưng khi về già lại bị chúng hất hủi đến nỗi phải tìm đến cái chết (Người của mỗi người). Thế nhưng, tác giả cũng không mất niềm tin vào nhân cách của con người. Ở truyện ngắn Chiều thanh thản, chị đã xây dựng hình ảnh một người con luôn quan tâm đến người mẹ thân yêu. Mặc dù là một vị giám đốc thành đạt nhưng anh con trai lại cùng mẹ ra chợ bán khế. Anh tâm sự với một người bạn: “Tao ngồi chợ với má không chỉ vì tao chiều bà già mà qua đó, tao muốn nói với bà rằng hãy còn nguyên cái giá trị con người mà má hằng sợ con đánh mất. Má tao có thể sống thêm vài năm nữa nhờ món ăn tinh thần đó!”[16,232]. Không chỉ thế, Dạ Ngân còn dành tấm lòng ưu ái của mình cho những người phụ nữ phải sống trong cảnh góa bụa (Nhà không có đàn ông). Cuộc sống của họ đầy nước mắt đắng cay. Chị cũng đi sâu vào phản ánh xung đột về tình cảm, đạo đức của vợ chồng. Nhà văn đã lên tiếng phê phán những con người chỉ vì sự thỏa mãn nhục dục của bản thân mà không quan tâm đến cảm giác của người bạn đời (Con chó và vụ ly hôn). Thông qua mảng đề tài này, Dạ Ngân đã đặt ra một vấn đề nóng bỏng về thực trạng của đời sống gia đình thời hậu chiến. Người đọc phải băn khoăn suy nghĩ để tìm cho mình một lối sống thật tốt đẹp. Ngoài ra, tác giả còn tỏ ra rất am hiểu đời sống, tâm tư tình cảm của từng đối tượng. Chị đã dành cho nhân vật của mình sự cảm thông chân thành và tình yêu thương sâu sắc. Có thật sự quan tâm đến đời sống con người thì Dạ Ngân mới có thể phản ánh chân thực và sinh động như thế. Qua tác phẩm của mình, Dạ Ngân muốn gởi đến người đọc một thông điệp: dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải lựa chọn cách sống sao cho thật xứng đáng để không phải hổ thẹn với hai tiếng “Con Người”. 1.4.2. Cốt truyện được Dạ Ngân xây dựng thường đơn giản, không có nhiều tình tiết phức tạp. Đôi khi chỉ với một vài chi tiết tưởng chừng như vụn vặt nhưng tác giả lại xây dựng nên một câu chuyện thật đặc sắc. Chẳng hạn như trong truyện Con chó và vụ ly hôn, từ việc anh chồng đánh đập, hành hạ con chó mà tác giả đã đặt ra nhiều vấn đề về sự suy thoái nhân cách, đạo đức của con người. Hay như trong truyện ngắn Chiều thanh thản, việc anh giám đốc cùng mẹ đi bán khế đã được Dạ Ngân xây dựng nên một câu chuyện thật cảm động. Kết cấu truyện thường theo dòng hồi tưởng của nhân vật: hiện tại – quá khứ hiện tại như trong tác phẩm Dù phải sống ít hơn. Mở đầu là cuộc sống của vợ chồng Thịnh – Niềm trong hiện tại. Tiếp theo là sự hồi tưởng của Niềm về những năm tháng đã qua. Câu chuyện kết thúc khi Niềm chấp nhận sống trong cô đơn để mang hạnh phúc đến cho người khác. Ngoài ra, Dạ Ngân còn xây dựng kết cấu theo trình tự thời gian mà truyện ngắn Chiều thanh thản là một ví dụ. Câu chuyện lần lượt kể về những hoạt động của má con Hậu trong một lần anh về phép. Tuy kết cấu truyện đơn giản nhưng tình tiết lại rất độc đáo. Chính vì thế, tác phẩm đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người đọc. 1.4.3. Dạ Ngân luôn viết về con người Nam Bộ, đặc biệt là người phụ nữ. Chị có biệt tài trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, đi sâu vào mọi ngóc ngách tâm hồn con người để miêu tả, phơi bày nỗi lòng và những suy tư trăn trở của họ. Chị như hóa thân vào nhân vật để nói hộ những suy nghĩ trong lòng của họ. Qua truyện ngắn Dù phải sống ít hơn, tác giả đã khắc họa rất thành công diễn biến tâm lí của Niềm – một người vợ phải khuyên chồng đón vợ bé, con riêng về cùng chung sống. Đây là một hành động vô cùng cao thượng. Chị đã tình nguyện chịu thiệt thòi để mang đến hạnh phúc cho nhiều người. Tuy nhiên, Niềm cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người khác. Chị đã vật vã đau đớn, héo hon khi phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc. Trong lòng chị diễn ra mâu thẫn gay gắt. Xét về lí trí thì chị đã hành động đúng đắn nhưng chị lại có vẻ nhẫn tâm với bản thân mình. Dạ Ngân tỏ ra hiểu thấu nỗi lòng của nhân vật nên đã miêu tả rất chân thực, cảm động. Đặc biệt, nhân vật của Dạ Ngân luôn khao khát kiếm tìm hạnh phúc: “Trong những truyện ngắn của mình, Dạ Ngân thường bộc lộ nỗi khát khao hạnh phúc, nói lên con đường tìm về hạnh phúc, sự đấu tranh để có được hạnh phúc. Con đường đó ở đâu cũng có, ai cũng phải trải qua nếu như người ta có ý thức về cuộc sống, về hạnh phúc. Con đường đó có trong chiến tranh, có ngay trong cuộc sống bình thường hôm nay, ở những hành động cao cả mãnh liệt hay trong những việc làm âm thầm, phải đối mặt một mình với cuộc đời và với ngay chính lòng mình” [11,5]. Hạnh phúc luôn là vấn đề được nhà văn đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các nhân vật của chị thường có sự giằng xé dữ dội về mặt tâm lí để tìm đường đi đến hạnh phúc. Trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn, Mỹ Tiệp phải trải qua quá trình xung đột nội tâm gay gắt giữa việc lựa chọn danh dự, tình gia tộc với tình yêu đích thực của mình. Ngòi bút của Dạ Ngân tỏ ra rất sắc bén khi đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật này. Bên cạnh đó, nhân vật của Dạ Ngân còn luôn khao khát tình yêu và dám sống hết mình vì tình yêu. Nhà văn quan niệm: “Nghệ thuật rất cần những người nghệ sĩ dám bộc bạch, phơi bày những suy nghĩ thầm kín trong chuyện tình yêu”[22]. Vì thế, chị rất mạnh dạn trong việc miêu tả những cung bậc tình cảm của con người. Điều đáng chú ý nũa là trong những tác phẩm của Dạ Ngân, cuộc sống sinh hoạt của con người Nam Bộ hiện lên rất sinh động. Đây là khung cảnh một mùa gặt: “Một buổi chiều như mọi buổi chiều khô ráo trong mùa gặt. Cánh đồng bỗng hực vàng xối xả, không trung lả tả chim lá rụng và chân trời sau ven lá dừa nước bên kia sông lựng đỏ như một mẻ than khổng lồ. Chung quanh bốc lên mùi nồng ngái muôn thuở của rơm rạ, mặt đất se se dưới chân mát rượi màu xanh của rau đắng đồng, rau bợ và vài thứ cỏ linh tinh khác mọc len lỏi giữa những hàng lúa. Kéo khăn rằn trùm đầu xuống cổ, nghe hơi gió lạnh mang tai chị biết nước sông đang rong bờ và lục bình đang nao nao đổ vào cái eo vịnh cong như sợi dây cung bên xóm” [16,236]. Đúng là một khung cảnh rất quen thuộc của Đồng bằng Sông Cửu Long. Không những thế, Dạ Ngân còn đặc biệt thành công trong việc miêu tả cảnh xuồng ghe tấp nập trên những con kênh rạch chằng chịt của vùng quê sông nước. Đây là cảnh dòng sông trong một buổi chiều êm ả: “Đó là những lúc sông nước Đục duềnh lên trong tiếng dào dạt của dầm chèo, đoàn quân đi dưới cái bóng âm thầm của rừng lá dừa nước dày như bức tường thành ven sông, hoàng hôn vãi xuống giữa dòng một dải lụa ửng tím. Vài cánh cò chểnh mảng trên không trung nghi ngút màu lam, màu trắng nuột nà trên đôi cánh trở thành điểm sáng riêng tư lãng mạn trên trời chiều. Tiếng bần rụng thảng thốt trong biển lá, từ đó vọng ra tiếng chim bìm bịp âm trên mặt sông như tiếng vỗ khắc khoải trên mặt trống”[16,246]. Khung cảnh đó thật êm đềm nhưng cũng rất riêng của vùng đất này. Ngoài ra, Dạ Ngân còn đi sâu vào miêu tả những nét đặc trưng làm nên sắc thái của quê hương. Đó là hình ảnh của những chiếc cầu khỉ bắc qua kinh thật ấn tượng: “Một con kinh nữa cắt ngang con đường. Giữa lòng lạch nhỏ, dòng nước đo đỏ từ trên ruộng ào ào đổ xuống mang theo những đám bèo tai tượng và mùi ngai ngái của nước cỏ. Tôi lưỡng lự ngước nhìn cây cầu tre ba nhịp lênh khênh phía trước. Nó được làm bằng những cây tre gai róc kỹ, ốm và dẻo quặt như những cánh tay quen làm lụng. Nhưng hai nhịp dưới quá dốc, chưa bước lên đã nghe gan bàn chân nhồn nhột và tay vịn nhịp giữa nằm trên sình, chắc là nạn nhân của các cậu học trò nghịch ngợm” [14,183]. Một hình ảnh rất quen thuộc của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Qua những trang viết của Dạ Ngân, người đọc có thể hiểu được phần nào cuộc sống cũng như tâm tình của người Nam Bộ: mộc mạc, bình dị nhưng cũng rất mãnh liệt, thiết tha. 1.4.4. Giọng điệu trong sáng tác của Dạ Ngân thường là giọng kể. Tác giả để cho nhân vật tự nói về cuộc đời mình vì thế tính chân thực đậm nét hơn. Bên cạnh đó, ngôn Ngữ Nam Bộ được Dạ Ngân vận dụng rất nhuần nguyễn. Chị là người con của vùng sông nước nên trong trang viết của mình ngôn ngữ quê hương tuôn ra rất tự nhiên. Đây là một mẩu đối thoại của hai mẹ con người nông dân: “- Về má ơi! – Chị kêu lên, bàn tay xoắn không chặt nuột lạt trên miệng bao. - Cái con nhỏ này! – Má chị trách nhẹ. Sau đó chị làm ộc lúa trong bao ra đất nẻ và cuối cùng thì bỏ béng mớ lạt dừa ở đâu đó nên chị bị mắng thật sự. - Vìa thì vìa! Bộ đói bủn rủn hết rồi ha? Chị vụt cười, nụ cười run rẩy sung sướng. Má chị ngạc nhiên nhìn chị, nhìn đến độ khi bà hiểu lờ mờ cái gì đó rồi mới buông tha chị. May thay bà chỉ phán một câu thật xứng đáng là một bà mẹ chiến sĩ, đúng như chức vị của bà hồi ấy: - Thế nào tối nay tụi nó cũng đáo vìa. Thôi, vô cơm nước cho sớm. Kiếm cái gì nấu cho tụi nó ăn giờ, Mật? Chèo sút mồ hôi mà tới nơi còn đào hầm đào hố”[16,240]. Đặc biệt, ngôn ngữ được chị sử dụng thường không cầu kì, trau chuốt mà giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Chúng ta hãy nghe câu trả lời của người chồng với vị chánh án trong một phiên tòa: “Tui tính không nói gì hết. Đã tới nước này, tui định bụng không nói một tiếng nào trước tòa. Cô Đoan cổ kéo tui ra đây tức là cổ đã quyết rồi, có nói gì cũng vô ích. Tính của cổ tui rành quá mạng, muốn gì được nấy mới thôi. Mà chuyện có đáng gì. Toàn chuyện vớ vẩn vì một con chó!” [16,276]. Đây là một dạng lời nói mang đậm tính chất khẩu ngữ. Ngoài ra, Dạ Ngân cũng đưa vào sáng tác của mình nhiều từ địa phương như vìa, rành rạnh, quẳng, trót… Tuy nhiên, chị không sử dụng tràn lan mà có sự chọn lọc. Chính vì thế nên người đọc không cảm thấy nặng nề, rối rắm. Đó là một nét độc đáo rất riêng của cây bút này. Tóm lại, Dạ Ngân là một nhà văn từng trải với cuộc đời vô cùng lận đận. Chị phải sống trong thời kì lửa đạn hiểm nguy của đất nước. Hơn nữa, Dạ Ngân còn chịu đựng cảnh đói kém khi hòa bình lập lại. Không dừng lại ở đó, chị còn mang lấy bao nỗi khổ đau trong cuộc sống riêng tư. Cuộc hôn nhân đầu tiên phải dở dang vì hai vợ chồng không cùng chung chí hướng. Trải qua bao lời dị nghị, dèm pha cùng với sự xa lánh của mọi người, Dạ Ngân mới tìm được hạnh phúc đích thực của mình khi tuổi đã xế chiều. Tuy nhiên, quãng đời cơ cực, đau khổ ấy lại là nguồn cảm hứng vô tận để nhà văn viết nên những tác phẩm giá trị. Sáng tác của Dạ Ngân đã phản ánh rất sâu sắc số phận con người cũng như hiện thực cuộc sống. Tác giả đã đưa ra ánh sáng bao vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thông qua tác phẩm, Dạ Ngân hướng người đọc suy ngẫm đến một lối sống tốt đẹp hơn. Điều này đã góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc trong các sáng tác của nhà văn nữ này. Chính vì những đóng góp trên, Dạ Ngân xứng đáng là người tiên phong của văn học Đồng bằng Sông Cửu Long với một phong cách đậm chất Nam Bộ.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan