Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Quan hệ việt- mỹ từ 1975-1979 cơ hội bình thường hóa bị bỏ lỡ...

Tài liệu Quan hệ việt- mỹ từ 1975-1979 cơ hội bình thường hóa bị bỏ lỡ

.PDF
18
209
133

Mô tả:

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO VIỆT NAM KHOA CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ VÀ NGOẠI GIAO BỘ MÔN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM II (1975- 2006) Tiểu luận QUAN HỆ VIỆT- MỸ TỪ 1975-1979 CƠ HỘI BÌNH THƯỜNG HÓA BỊ BỎ LỠ? Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Hải Ánh Lớp/ Khóa: E/33 Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2009 LỜI MỞ ĐẦU ................................................................................................... 2 NỘI DUNG ........................................................................................................ 5 I- NỖ LỰC NGOẠI GIAO THỜI HẬU CHIẾN........................................... 5 1- Đề nghị từ phía Việt Nam .......................................................................... 5 2- Thái độ và phản ứng của Mỹ ..................................................................... 6 II- CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ.................................................................................... 8 1- Thiện chí của chính quyền Jimmy Carter ................................................... 8 2- Lập trường cứng nhắc của Việt Nam ...................................................... . 10 III- QUÂN CỜ GIỮA MỸ- XÔ- TRUNG…………………………………..12 1- Quyết định muộn màng…………………………………………………..12 2- Quân cờ trong bàn cờ chiến lược Mỹ- Xô- Trung…………………………13 3- Ảnh hưởng của Brzezinski……………………………………………….14 KẾT LUẬN…………………………………………………………………….15 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………17 1 LỜI MỞ ĐẦU Ngày 12/7/1995 quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kì chính thức được thiết lập. Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước ngày càng được cải thiện và có những bước phát triển to lớn. Từ sự hợp tác còn nhỏ lẻ, bó hẹp trong vấn đề nhân đạo ban đầu, quan hệ giữa hai nước đã mở rộng sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học- công nghệ, chống buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Trước năm 1994, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là không đáng kể nhưng kể từ sau năm 1994 khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng mạnh, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 1,2 tỷ USD năm 2007. Tính đến tháng 9/2007, Việt Nam đứng thứ 31 trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ và thứ 61 về nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam năm 2007 đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ tám trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 17/11/2000, Tổng thống Bill Clinton là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh. Ngày 19/6/2005, nhân kỉ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải là vị lãnh đạo nhà nước cấp cao đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Hoa Kì. Ngày 17/11/2006, tổng thống George Bush đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự hội nghị Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội. Từ ngày 23-25/6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Washington. Những kết quả trên đây thể hiện những biến chuyển to lớn trong quan hệ mà Việt Nam- Hoa Kì đã đạt được từ sau năm 1995, nhưng trước đó quan hệ giữa hai nước đã phải trải qua một giai đoạn thù địch và đối đầu với chính sách cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam trong suốt hơn hai thập kỉ, mặc dù đã có cơ hội đầu tiên và những nỗ lực để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn 1975-1979. Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu ngăn cản hai nước bình thường hóa quan hệ trong giai đoạn này? Trong suốt 30 năm, kể từ năm 1945 đến năm 1975, Mỹ đã liên tục chống nhân dân Việt Nam. Không chỉ cung cấp vũ khí, tài trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp và có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân để cứu vãn tình thế thất bại của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi Pháp thua trận, Mỹ đã hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống chống hiệp thương tổng tuyển cử trong cả nước như quy định của Hiệp định Geneva 1954, Mỹ còn trực tiếp tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tàn bạo và khốc liệt nhất trong lịch sử. Mỹ đã ném xuống Việt Nam một số lượng bom đạn lớn hơn toàn bộ số lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ II. Cuộc chiến ấy đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam, khiến cho hàng trăm nghìn gia đình Việt Nam phải li tán và để lại nhiều hậu quả nặng nề, dai dẳng đối với kinh tế, xã hội 2 Việt Nam. “Trong suốt 30 năm đó, ta luôn coi Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của nhân dân ta. Đó là một điều rất rõ ràng và không cần phải bàn cãi”1 Sau khi chiến tranh kết thúc không lâu, do đặt nhu cầu khôi phục và phát triển đất nước lên hàng đầu, ngay từ năm 1975 Việt Nam đã chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ với điều kiện là Mỹ phải bồi thường chiến tranh, có trách nhiệm hàn gắn và xây dựng lại Việt Nam sau chiến tranh. Mặc dù chính quyền Ford vẫn giữ cầu đối với việc bình thường hóa quan hệ với chúng ta như: không chấp nhận bất kì chính phủ lưu vong nào và khẳng định không thù địch với Việt Nam nhưng do tâm lý cay cú chống Việt Nam trong chính quyền cũng như Quốc hội Mỹ còn rất mạnh mẽ, Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù địch với Việt Nam, phong tỏa tài sản, phủ quyết Việt Nam vào Liên hợp quốc và họ vẫn chưa đáp ứng với đề nghị bình thường hóa quan hệ của Việt Nam. Trong hai năm 1977-1978, hai bên đã có những cơ hội đầu tiên để bình thường hóa quan hệ. Chính quyền Jimmy Carter muốn tạo bộ mặt mới cho nước Mỹ, đưa Mỹ ra khỏi hội chứng Việt Nam, ngăn cản ảnh hưởng của Liên Xô lên các nước thế giới thứ ba, muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Cuba. Từ ngày 26/3/1976 hai bên đã trao đổi công hàm để xúc tiến đàm phán. Trong hai năm 1977 và 1978, Việt Nam và Mỹ đã có bốn cuộc hội đàm vào tháng 5, tháng 6, tháng 12/1977 và tháng 10/1978 liên quan đến ba vấn đề thuộc điều khoản Hiệp định Paris là điểm 22 về bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, điểm 21 về việc Hoa Kì đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương, và điểm 8b về việc giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong cuộc chiến đấu. Quan điểm của Việt Nam khi đó là Việt Nam sẵn sàng nhìn về tương lai nhưng không thể hoàn toàn cắt rời tương lai với quá khứ. Bình thường hóa quan hệ giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lâp, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình. Về vấn đề người Mỹ chết và mất tích trong chiến tranh, Việt Nam sẽ cố gắng lớn nhất theo khả năng của mình. Về điều 21 theo lập trường của chúng ta đó là nghĩa vụ của Hoa Kì, xét theo pháp lý hiệp định Paris về Việt Nam, về pháp lý quốc tế cũng như mặt đạo lý, lương tri của con người. Và việc chúng ta kiên quyết đòi Mỹ viện trợ 3,2 tỷ USD cho ta như đã hứa hẹn trước đây chính là trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước vì Quốc hội Mỹ khi đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ làm điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hai bên không đạt được sự thỏa thuận nào. Tháng 1Trịnh Xuân Lãng, “ Một vài suy nghĩ về chính sách của ta đối với các nước ASEAN và đối với Mỹ từ năm 1975 đến năm 1979”, Chính sách đối ngoại Việt Nam từ 1975-2006, tr 14 3 6/1978, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cấm chính quyền Mỹ bồi thường chiến tranh cho Việt Nam. Đến tháng 10/1978 khi Việt Nam điều chỉnh thái độ, không đòi Mỹ thực hiện ngay điều 21 thì lúc này Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nên đã hoãn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đòi Việt Nam giải thích các vấn đề về quan hệ Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Liên Xô và vấn đề người di tản. Lúc này cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã không còn. Phải chăng Việt Nam khi đó đã quá cứng nhắc khi đặt vấn đề Mỹ phải viện trợ hàn gắn vết thương chiến tranh làm điều kiện cho bình thường hóa? Và tại sao chúng ta phải chờ đến hơn 20 năm sau mới có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ, điều mà đáng lẽ ra chúng ta có thể thực hiện ngay từ những năm 1977-1978, phải chăng đó là một cơ hội đã bị bỏ lỡ của Việt Nam? Bài tiểu luận gồm ba phần: I- NỖ LỰC NGOẠI GIAO THỜI HẬU CHIẾN II- CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ III- QUÂN CỜ GIỮA MỸ- XÔ- TRUNG. 4 NỘI DUNG I- NỖ LỰC NGOẠI GIAO THỜI HẬU CHIẾN 1- Đề nghị từ phía Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, ngay trong tháng 5/1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã “gửi một thông điệp qua trung gian Thụy Điển cho Tổng thống Ford nói rằng Việt Nam muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ”2. Ngày 14/5/1975, tờ báo Washington Star của Mỹ cũng đăng tin là Việt Nam muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ và sẵn sàng chào đón một phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Sài Gòn dưới một chính phủ miền Nam Việt Nam mới. Và theo tác giả Trần Quang Cơ, thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại giao lúc bấy giờ thì “Vào quãng hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta có nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp miệng: Lãnh đạo VNDCCH tán thành có quan hệ tốt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, phía Việt Nam đã tự kiềm chế trong khi giải phóng, tạo cơ hội cho người Mỹ không bị cản trở trong việc tiến hành di tản nhân viên của họ. Phía Việt Nam đã cố gắng làm mọi sự cần thiết để không làm xấu đi quan hệ với Mỹ trong tương lai. Không có sự thù địch đối với Mỹ ở Việt Nam và Việt Nam cũng không muốn thấy như vậy ở phía Mỹ”3. Đầu tháng 6/1975, trong báo cáo trước quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lập lại việc Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ với điều kiện là Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh điều 21 của hiệp định Paris là viện trợ kinh tế cho Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh và Việt Nam sẽ coi đó là bước đầu tiên của việc bình thường hóa quan hệ. Một lần nữa, chúng ta khẳng định điều này trong thông điệp gửi cho Mỹ ngày 11/7/1975, chủ yếu nhắc lại đoạn nói về Mỹ trong Báo cáo của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh đọc trước Quốc hội ngày 4/6/1975: “Việc Chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam, làm nghĩa vụ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ bình thường giữa VNDCCH và Hoa Kỳ theo tinh thần Điều 22 Hiệp định Pa-ri về Việt Nam”4. Trong cả bức thông điệp của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi qua trung gian Thụy Sĩ và thông điệp miệng chúng ta nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ vào tháng 5/1975 đều không nhắc đến bất cứ điều kiện nào để bình thường hóa quan hệ, nhưng trong bản báo cáo trước Quốc 2 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_NVLong.htm Trần Quang Cơ, “Hồi ức và suy nghĩ”, tr 8 4 Nt, tr 9 3 5 hội tháng 6/1975 và bức thông điệp gửi cho Mỹ tháng 7/1975 chúng ta lại đặt vấn đề này là điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa quan hệ. Tại sao lại có sự thay đổi đó? Phải chăng đó là phản ứng của của chúng ta trước thái độ của Mỹ. 2- Thái độ và phản ứng của Mỹ Dường như do chiến tranh vừa kết thúc, thất bại ở Việt Nam còn là cú sốc quá lớn với Mỹ, tâm lý chống Việt Nam trong chính quyền cũng như trong quốc hội Mỹ còn rất mạnh mẽ, nên trước đề nghị xúc tiến bình thường hóa quan hệ của Việt Nam Mỹ không những không trả lời thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ngày 14/5/1975, Kissinger còn ra lệnh cho Bộ Tài chính cấm vận miền Nam Việt Nam và Campuchia một cách ngặt nghèo nhất. Sau khi nhận được lệnh của Kissinger thì Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ lập tức không cho công dân Mỹ gửi viện trợ cho cả miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Chính sách cấm vận của Mỹ khi đó còn ngặt nghèo hơn đối với miền Bắc trong thời gian chiến tranh. Công dân Mỹ chỉ được phép gửi thuốc men và sữa bột còn lại những hàng viện trợ khác như bút chì, phấn viết bảng, sợi len đan áo cho trẻ em hay dụng cụ làm chân tay giả đều bị cấm. Những người Việt Nam di tản sang Mỹ cũng bị cấm không được gửi thư liên lạc với gia đình vì Mỹ lo sợ rằng họ sẽ gửi tiền về giúp gia đình. “Khi Robert Miller, thứ trưởng ngoại giao, điều trần trước Quốc Hội và được hỏi là những việc cấm đoán nầy có liên hệ gì đến an ninh quốc phòng của Mỹ thì ông ta trả lời rằng: Chúng tôi cho rằng việc đưa ra những hạn chế nầy là một hành động sáng suốt và có trật tự để theo dõi những những thái độ sắp tới của các chính quyền mới nầy đối với Mỹ và đối với công dân của họ”5. Việc cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam là một hành động đánh đòn phủ đầu để thăm dò thái độ của phía Việt Nam, một hành động chưa từng xảy ra trong lịch sử ngoại giao nước Mỹ. Ngoài việc cấm vận Việt Nam, Mỹ còn không chịu cho các tổ chức Quốc tế viện trợ cho Việt Nam và gây áp lực lên các đồng minh của Mỹ buộc họ không được viện trợ hay buôn bán với Việt Nam. Hành động này của Mỹ chứng tỏ rằng Mỹ vẫn cay cú và thời gian đầu này Mỹ ko hề có ý định bình thường hoá quan hệ. Một ngày sau báo cáo trước Quốc hội Việt Nam của thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ ngoại giao Mỹ phản ứng một cách phẫn nộ là điều kiện của Việt Nam đưa ra là không thể chấp nhận được vì theo họ Việt cộng đã vi phạm hiệp định Paris nhiều hơn phía Mỹ từ 1973-1975. Tuy vậy, ngày 12/6/1975 Mỹ gửi đến đại sứ quán ta ở Paris bức thông điệp đáp lại với nội dung:“Về nguyên tắc, Mỹ không thù hằn gì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đề nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe bất cứ gợi ý 5 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_NVLong.htm 6 nào mà phía VNDCCH có thể muốn đưa ra”. Thông điệp này do Sứ quán Mỹ ở Paris gửi tới Sứ quán ta, nội dung không nói rõ là của Bộ Ngoại Giao Mỹ hay của cấp nào. Cũng trong tháng 6/1975, trên báo Nhân dân có đăng một bài xã luận là nếu Mỹ không viện trợ kinh tế cho cả miền Bắc và miền Nam thì Việt Nam sẽ không Mỹ tìm kiếm những lính Mỹ mất tích ở Việt Nam. Mỹ lập tức phản ứng lại rằng Mỹ sẽ không bàn luận việc bình thường hóa quan hệ nếu Việt Nam không thực hiện một cách thỏa đáng vấn đề lính Mỹ mất tích ở Việt Nam và phía Việt Nam không bãi bỏ điều kiện đòi Mỹ phải viện trợ. Rõ ràng trong lời nói và hành động của Mỹ luôn có sự mâu thuẫn. Trước đây đã vậy, lúc này vẫn vậy, điều 21 hiệp định Paris Mỹ cam kết bồi thường chiến tranh cho Việt Nam nhưng họ lại phản ứng gay gắt trước điều kiện bình thường hóa là Mỹ phải thực hiện điều kiện đó của Việt Nam. Mỹ nói không thù địch với Việt Nam nhưng lại ra lệnh cấm vận Việt Nam. Một sự kiện nữa nói lên thái độ và phản ứng của Mỹ đó là sau khi miền Nam được giải phóng chúng ta đã gửi hai phái đoàn quan sát viên đến Liên hợp quốc, một đại diện cho miền Bắc và một đại diện cho miền Nam. Ngày 15/7/1975, cả hai đoàn quan sát viên đại diện cho hai miền nộp đơn chính thức xin gia nhập Liên hợp quốc như là hai đại diện của hai nhà nước khác nhau. Khi đó Mỹ đã kịch liệt phản đối việc hai chính quyền mới của Việt Nam được gia nhập Liên hợp quốc vì nó biểu trưng cho sự thất bại nhục nhã của Mỹ và làm cho Mỹ mất mặt hơn. Nhưng Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc lúc bấy giờ là D. Moynihan đã gửi điện cho nhà Trắng thuyết phục rằng nếu Mỹ phản đối việc hai chính phủ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc ngay thì “thế giới sẽ cho rằng Mỹ có hành động thù hằn, mù quáng và sợ sệt, do đó sẽ làm cho thế giới khinh miệt Mỹ hơn”6. Moyanihan khuyên Mỹ nên đợi Hàn Quốc nộp đơn xin vào Liên hợp quốc trước vì ông ta tin chắc rằng Hàn Quốc sẽ không đủ phiếu để đưa việc này lên Hội đồng bảo an bàn cãi, khi ấy Mỹ có thế dựa vào cớ đó để phủ quyết việc hai miền Việt Nam xin gia nhập Liên hợp quốc. Và đúng như dự đoán của Moynihan, ngày 29/7 Hàn Quốc nộp đơn xin được là thành viên của Liên hợp quốc. Hội đồng bảo an không chịu để cho vấn đề Hàn Quốc được đưa ra để bàn nhưng ngược lại, lại bỏ 12 phiếu thuận và một phiếu chống để cho đơn xin gia nhập của hai miền Việt Nam được xem xét. Ngay lập tức Mỹ ra tuyên bố sẽ bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập của hai miền Việt Nam với lý do là Mỹ không thể chịu được tình trạng đơn xin gia nhập của Hàn Quốc bị bác bỏ trong khi đơn xin gia nhập của hai miền Việt Nam lại được chấp nhận. Điều đó chứng tỏ rằng việc Mỹ phủ quyết việc gia nhập của hai miền Việt Nam chỉ là một hình thức tiếp tục chiến tranh với Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. 6 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_NVLong.htm 7 Từ đầu tháng 5 cho đến tháng 6/1975 đã có một sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam, từ không nêu điều kiện, chúng ta đặt vấn đề Mỹ phải bồi thường chiến tranh và viện trợ cho Việt Nam là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước. Nguyên nhân của sự thay đổi đó là do chúng ta phản ứng lại thái độ thù địch của Mỹ không những phớt lờ đề nghị bình thường hóa của Việt Nam mà còn ra lệnh cấm vận thậm chí không cho các tổ chức Quốc tế và đồng minh viện trợ hay buôn bán với Việt Nam. Chúng ta đặt điều kiện Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh điều 21 của Hiệp định Paris để nhắc nhở Mỹ rằng chúng ta mới là những người đã chiến thắng trong chiến tranh và để chứng tỏ rằng chúng ta không quan tâm lắm đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện điều kiện mà Việt Nam đưa ra chứng tỏ rằng Mỹ đã phải công khai chịu trả giá để được bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và chúng ta biết rõ rằng một siêu cường như Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận điều kiện này. Hơn thế nữa, việc chính phủ Việt Nam đặt ra điều kiện này cũng là điều dễ hiểu, năm 1975 chúng ta vừa trải qua một cuộc chiến tàn bạo và khốc liệt nhất trong lịch sử, đất nước bị tàn phá nặng nề, hơn ba triệu người Việt Nam phải bỏ mạng, hàng nghìn gia đình Việt Nam phải li tán, người dân Việt Nam phải sống trong đói khổ, và tác giả của thảm cảnh này không ai khác chính là Mỹ. Gây ra tội ắt phải đền tội, việc Mỹ phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho Việt Nam là một lẽ đương nhiên. 3,2 tỷ USD chỉ là một khoản tiền quá nhỏ, nó chẳng là gì so với một siêu cường như Mỹ nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với Việt Nam. Chúng ta không thể bình thường hóa mà không có điều kiện sau những gì mà người Mỹ đã gây ra cho chúng ta trong suốt 30 năm chiến tranh. Trong hai năm 1975-1976, chính quyền Ford không hề có thiện chí đáp lại đề nghị bình thường hóa quan hệ của Việt Nam thậm chí nếu không muốn nói là Mỹ luôn luôn giữ một thái độ thù địch. Chúng ta kiên quyết đặt điều kiện cho bình thường hóa là Mỹ phải đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh, Mỹ nói là không thể bồi thường vì phía Việt Nam đã vi phạm hiệp định Paris, cả hai bên đều kiên quyết lập trường của mình chính vì vậy mà quan hệ Việt- Mỹ khi đó đã không có tiến triển gì nhiều. Nhưng cuối năm 1976 ở Mỹ diễn ra sự thay đổi quyền lực, Jimmy Carter lên làm Tổng thống thay cho người tiền nhiệm Gerald Ford. Chính quyền mới thực sự mong muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và trong năm 1977 chúng ta đã có cơ hội đầu tiên để bình thường hóa quan hệ với Mỹ. II- CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ 1- Thiện chí của chính quyền Jimmy Carter 8 Là Tổng thống đầu tiên thời kì sau chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, Jimmy Carter coi việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một biểu tượng nhằm chấm dứt sự chia rẽ bên trong, Carter cố gắng khắc phục “hội chứng Việt Nam” ở trong nước và phục hồi uy tín của nước Mỹ ở bên ngoài. Lúc này hai bên đã có cơ hội đầu tiên để bình thường hóa quan hệ. Tháng 3/1977 phái đoàn Woodcock sang Hà Nội để thăm dò khả năng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và cho rằng Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ không điều kiện với sự hiểu biết rằng sau khi đã bình thường hóa quan hệ hai bên thì Mỹ sẽ viện trợ cho Việt Nam. Trong năm 1977 đã diễn ra ba vòng đàm phán Mỹ- Việt nhưng do lập trường kiên quyết của chúng ta, hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào. Tuy vậy Mỹ đã nới lỏng một phần cấm vần đồng thời đồng ý không cản trở Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Ngày 6/1/1977, Mỹ thông qua Liên Xô đưa ra một bản kế hoạch ba bước về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam gồm: “1. Việt Nam cho biết tin về những người Mỹ mất tích trong chiến tranh. 2. Mỹ chấp nhận Việt Nam vào Liên hợp quốc và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao đầy đủ cũng như bắt đầu buôn bán với Việt Nam. 3. Mỹ có thể đóng góp khôi phục tại Việt Nam bằng cách phát triển buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp tác kinh tế khai thác”7. Một tín hiệu khác thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam của Mỹ là ngày 3/3/1977, chính quyền Carter quyết định nới lỏng một phần cấm vận đối với ta, cho phép tàu thủy và máy bay nước khác chở hàng sang Việt Nam được ghé các cảng và sân bay của Mỹ để lấy nhiên liệu, tuy nhiên Mỹ vẫn cấm người Mỹ buôn bán với Việt Nam, cấm tàu Mỹ đến Việt Nam đến các cảng và sân bay Mỹ. Ngày 9/3, Mỹ cho phép công dân Mỹ được đi thăm Việt Nam và một số nước khác kể từ ngày 18/3/1977. Từ ngày 1619/3/1977 phái đoàn Mỹ do Leonard Woodcock dẫn đầu đã sang Hà Nội để thương lượng vấn đề bình thường hóa. Sau chuyến thăm mở đường này hai bên đã thỏa thuận mở cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris. Đàm phán vòng một diễn ra trong hai ngày từ ngày 3- 4/5/1977, dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Richard Holbrooke, còn đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu. Mỹ tỏ ra lạc quan về triển vọng cuộc họp tại Paris. “Bình luận về cuộc họp sắp diễn ra, Tổng thống Carter nói rằng ông sẽ hăng hái vận động cho Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc và bình thường hóa quan hệ nếu Việt Nam hành động có thiện chí. Trong ngày đầu cuộc họp tại Paris, Holbrooke hồ hởi nói với Phan Hiền: Ngài thứ trưởng, ta hãy bỏ qua những vấn đề gây chia 7 Trần Quang Cơ, “Hồi ức và suy nghĩ”, tr 10 9 rẽ. Ta hãy ra ngoài và cùng tuyên bố với báo giới là chúng ta đã quyết định bình thường hóa quan hệ”8. Lập trường của Mỹ là hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện, còn những vấn đề khác giữa hai bên giải quyết sau, Mỹ sẽ không cản Việt Nam vào Liên hợp quốc. Còn về điều 21 của Hiệp định Paris, Mỹ có khó khăn về pháp luật nên không thực hiện được, hứa sẽ thực hiện khi đã có quan hệ, bỏ cấm vận buôn bán và xét viện trợ nhân đạo. Vòng hai hội đàm Việt- Mỹ diễn ra trong hai ngày 2-3/6/1975 tại đại sứ quán Mỹ ở Paris. Mỹ nêu lại các đề nghị hồi tháng 5. Trước thái độ kiên quyết của phía Việt Nam vòng đàm phán này cũng không đạt được thỏa thuận nào. Tuy vậy, dù bị quốc hội phê phán về cuộc hội đàm với Việt Nam ở Paris nhưng tổng thống Carter vẫn giữ lời hứa không ngăn chặn tấm vé gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam. Ngày 19/7/1977, tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Mỹ quyết định rút bỏ việc phủ quyết Việt Nam vào Liên hợp quốc. Đây là một hành động có thiện chí rõ rệt của tổng thống Carter, một cơ hội mà chúng ta nên nắm lấy. Vòng ba của cuộc đàm phán diễn ra trong hai ngày 19-20/12/1977, trước đòi hỏi kiên quyết ta, Mỹ đề nghị nếu chưa thỏa thuận được về việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập phòng Quyền lợi ở thủ đô hai nước, nhưng như vậy thì chưa bỏ cấm vận được. Sau khi có Phòng quyền lợi thì sẽ tùy tình hình mà xét bỏ cấm vận. 2- Lập trường cứng nhắc của Việt Nam Tại vòng đàm phán thứ nhất, theo chỉ thị nhận được trước khi đi là kiên quyết đòi phải giải quyết cả ba gói vấn đề gồm: ta và Mỹ bình thường hóa quan hệ, ta giúp Mỹ giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam và Mỹ viện trợ cho Việt Nam 3,2 tỷ USD như đã hứa hẹn trước đây nên ta từ chối đề lời đề nghị hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện của phía Mỹ. Nhưng Holbrooke trước khi đi đã nhận chỉ thị tìm kiếm sự khôi phục ngoại giao vô điều kiện đã bác bỏ yêu cầu của Việt Nam. Và trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hóa quan hệ là việc ta đòi Mỹ viện trợ cho ta vì Quốc hội Mỹ khi đó dứt khoát không chấp nhận viện trợ làm điều kiện cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tin tức từ vòng thứ nhất đàm phán bình thường hóa quan hệ ViệtMỹ diễn ra tại Paris tháng 5/1977 về yêu cầu bồi thường chiến tranh của Việt Nam đã làm cho những người chống bình thường hóa trong quốc hội Mỹ lập tức hành động nhằm ngăn cản nỗ lực ngoại giao của chính quyền. Trong cuộc họp của Hạ viện ngày 4/5/1977, các Nghị sĩ Cộng hòa đòi có biện pháp cấm Bộ Ngoại giao có thêm nhượng bộ đối với Việt Nam. “Và một sửa đổi đạo luật về viện trợ nước ngoài do các nghị sĩ Cộng hòa bảo trợ đã 8 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/05/080511_nixon_secret_letter.shtml 10 được Quốc hội Mỹ thông qua nhanh chống với số phiếu áp đảo 266/131. Sửa đổi này ngăn cấm chính quyền Mỹ không được đàm phán đền bù chiến tranh, viện trợ, hoặc bất cứ hình thức chi trả nào với Việt Nam. Trước làn sóng mạnh mẽ trong Quốc hội, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Cyrus Vance đã phải tuyên bố Mỹ sẽ không trả Việt Nam bất cứ khoản đền bù chiến tranh nào mặc dù lúc đầu Carter và Vance đều có tín hiệu ngầm cho phía Việt Nam rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam một khoản viện trợ gián tiếp nào đó sau khi quan hệ hai nước được bình thường hóa”9. Vòng đàm phán thứ hai, không khí bây giờ đã hoàn toàn đổi khác, Mỹ không còn nhìn Việt Nam với thái độ thân thiện như trước nữa, thay vào đó là sự nghi kị. Sau vòng hai, trưởng đoàn Phan Hiền đã bay về Hà Nội báo cáo và xin chỉ thị, thực chất là đề nghị cấp trên nên có thái độ thực tế và đối sách mềm dẻo hơn nhưng cả bốn vị lãnh đạo chủ chốt của ta lúc đó đều nhất trí lập trường giải quyết cả gói ba vấn đề nêu trên. Trong năm 1975 chúng ta nêu điều kiện Mỹ phải bồi thường chiến tranh còn có thể hiểu được nhưng mãi cho đến năm 1977 khi mà tình hình trong nước ngày càng trở nên khó khăn một phần là do lệnh cấm vận của Mỹ, hàng tiêu dùng và lương thực không đủ cho người dân chúng ta vẫn kiên quyết điều kiện này. Có lẽ chúng ta sẽ không từ chối đề nghị bình thường hóa quan hệ của Mỹ nếu như khi đó chúng ta cân bằng hơn giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vẫn giữ lập trường cứng nhắc đòi giải quyết cả gói ba vấn đề, vòng ba cuộc đàm phán, chúng ta từ chối đề nghị của Mỹ mở Phòng quyền lợi tại thủ đô hai nước. Cũng có nghĩa là chúng ta từ chối một tín hiệu tốt cho việc bình thường hoá và giúp giải quyết vấn đề cộng đồng người Việt mới di cư sang Mỹ. Rõ ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự mong muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngoại trưởng Vance đã tuyên bố ngày 10/1/1977 rằng: “Việc tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ- Việt Nam phù hợp với lợi ích của hai nước”. Chúng ta đã có cơ hội để bình thường hóa quan với Mỹ vào năm 1977 nhưng chúng ta đã bỏ qua. Việc Mỹ đề nghị mở Phòng quyền lợi ở thủ đô hai nước giống như Mỹ đã làm ở thủ đô Bắc Kinh và Lahabana chứng tỏ rằng Mỹ đặt Việt Nam ngang hàng với Cuba, một quốc gia cộng sản quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhưng chúng ta lại không cho là như vậy, chúng ta đã tự đặt mình ngang hàng với Trung Quốc, chúng ta bác bỏ đề nghị của Mỹ trong lúc khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ làm cái việc mà Trung Quốc đã làm. Lúc này rõ ràng chúng ta vẫn còn chìm đắm trong men say chiến thắng khi cho rằng chúng ta cũng đáng kể 9 Lê Linh Lan, “Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ: Kinh nghiệm và bài học”, Chính sách đối ngoại Việt Nam tập II, tr 359 11 như Trung Quốc trong con mắt người Mỹ. Có lẽ khi đó chúng ta vẫn chưa thỏa mãn với những thiện chí: nới lỏng cấm vận, không ngăn cản Việt Nam vào Liên hợp quốc, đề nghị thiết lập Phòng quyền lợi của Mỹ. Chúng ta lầm tưởng rằng việc chính quyền Carter nhượng bộ chúng ta hết lần này đến lần khác là do Mỹ có nhu cầu bình thường hóa hơn chúng ta và do đó chúng ta kiên quyết điều kiện bình thường hóa là việc Mỹ phải thi hành điều 21 của Hiệp định Paris. Chúng ta muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên vị thế của người chiến thắng, muốn chứng tỏ rằng một siêu cường như Mỹ phải công khai trả giá để được bình thường hóa với một Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu. Nhưng người Việt Nam chúng ta có câu “già néo đứt dây” và nó thực sự đúng trong trường hợp này. Trước thái độ kiên quyết của Việt Nam, trước áp lực của quốc hội, Tổng thống Carter không những đã phải từ bỏ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam mà còn phải rút lại lời hứa sẽ viện trợ cho nhân đạo cho Việt Nam. Kết quả là chúng ta đã tự mình vứt bỏ cơ hội quý giá để bình thường hóa quan hệ với Mỹ. III- QUÂN CỜ GIỮA MỸ- XÔ- TRUNG 1- Quyết định muộn màng Từ đầu năm 1978, quan hệ giữa ba nước lớn Mỹ- Xô- Trung bắt đầu chuyển từ hình thái đối đầu từng đôi sang hình thái Mỹ- Trung cấu kết chống Liên Xô. “Cũng từ năm 1978, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nước cờ “chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô” của cố vấn an ninh Z. Bzenzinski đã dần chủ trương lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng C. Vance và R. Holbrooke là “thúc đẩy song song việc cải thiện quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc”. Ngày 23/8/1978, trong lúc Mỹ đàm phán về bình thường hóa quan hệ với ta ở Paris, ngoại trưởng Mỹ Vance đã đi thăm Bắc Kinh. Cho đến khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Trung Quốc là NATO ở phương Đông” và “Việt Nam là Cuba ở phương Đông” (19/5/1978) và Bizezinski đi thăm Trung Quốc (20/8/1978) thì chính quyền Carter đã chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”10. Đến lúc này khi chúng ta quyết định rút bỏ đòi hỏi Mỹ phải bồi thường chiến tranh, viện trợ 3,2 tỷ USD mới bình thường hóa quan hệ và nhận công thức bình thường hóa quan hệ không điều kiện của Mỹ thì đã muộn nhưng chúng ta vẫn còn hi vọng mong manh là nếu chúng ta cho Mỹ biết là mình đã chịu bỏ điều kiện viện trợ và hứa sẽ giúp Mỹ hết lòng trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh thì Mỹ sẽ đổi ý. Trong tháng 7/1978, Việt Nam lặp đi lặp lại đề nghị này nhiều lần qua trung gian của nhiều nước, nhưng Mỹ cứ lờ đi. Ngày 31/7 Thủ tướng Phạm 10 Trần Quang Cơ, “ Hồi ức và suy nghĩ”, tr 14 12 Văn Đồng nói với một đoàn Mỹ do thượng nghị sĩ Kennedy dẫn đầu là Việt Nam không những bỏ điều kiện đòi viện trợ và muốn bình thường hóa với Mỹ mà muốn thật sự được làm bạn với Mỹ. Ngày 21/8/1978, Quốc hội Mỹ cử một đoàn gồm bảy Hạ nghị sĩ do G.V.Montgomery dẫn đầu sang Việt Nam chủ yếu để trao đổi với thứ trưởng Phan Hiền về vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Để tỏ rõ thiện chí hợp tác trong vấn đề này, ta đã trao trả cho Mỹ một số bộ hài cốt và lần đầu tiên chúng ta cho phép một đoàn Mỹ chính thức thăm thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng ngày 22 và 27/9/1978 chúng ta gặp đoàn Mỹ tại trụ sở Liên hợp quốc ở NewYork để đàm phán việc bình thường hóa. Sau đó một ngày, ngoại trưởng Vance đã gửi một báo cáo cho Tổng thống Carter với nội dung là sau khi bầu cử Quốc hội xong vào đầu tháng 11 thì Mỹ nên bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhưng cố vấn Brzezinski đã chống đối kịch liệt với lý do là việc này chỉ gây nguy hiểm cho cuộc thương lượng với Trung Quốc và đến ngày 11/10/1978 ông ta đã thuyết phục được Tổng thống Carter bỏ ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cuối tháng 10 năm đó, Mỹ đưa ra ba điều kiện tiên quyết mà Mỹ biết Việt Nam không thể nào thi hành trong hoàn cảnh bấy giờ: “ Một là Việt Nam phải giải quyết một cách thỏa mãn tình trạng chiến tranh sắp nổ ra với Campuchia; hai là Việt Nam phải cắt hết mọi quan hệ với Liên Xô và ba là Việt Nam phải chặn các làn sóng dân di tản từ nước mình”11- Một bước đi ngoại giao tầm cỡ của một nước lớn, không nói rõ là không muốn bình thường hóa với Việt Nam nhưng lại thể hiện rất rõ thái độ không muốn bình thường hóa với chúng ta. 2- Quân cờ trong bàn cờ chiến lược của Mỹ- Xô- Trung Vì sợ bị đánh gọng kềm từ Trung Quốc xuống và từ Campuchia qua mà không có ai giúp đỡ, đầu tháng 11/1978 chúng ta đã kí hiệp ước hữu nghị và tương trợ với Liên Xô. Lúc này Mỹ đã chuyển hướng hẳn sang phía Trung Quốc. Ngày 15/12/1978, Mỹ và Trung Quốc đã ra thông cáo chung chính thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/1/1979. Vấn đề Campuchia trở thành con bài trong trò chơi quyền lực giữa các nước lớn, đúng như cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ đã nhận định: “ Điều lý thú ở đây là trường hợp đầu tiên của cuộc chiến tranh qua tay người khác giữa Liên Xô và Trung Quốc: xung đột giữa Việt Nam được Liên Xô ủng hộ và Campuchia được Trung Quốc ủng hộ”. Từ ngày 29/1-4/2/1979 Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ và tuyên bố là sẽ dạy cho Việt Nam một bài học và muốn Mỹ ủng hộ tinh thần trong quyết định đó đồng thời yêu cầu có sự cộng tác giữa Mỹ và Trung Quốc để chống Liên Xô. Ngày 16/2/1979, Carter nêu sáu nguyên tắc xử sự khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam: Mỹ không can thiệp trực tiếp; khuyến khích các bên tự kiềm chế; Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam; cuộc 11 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_NVLong.htm 13 xung đột không đe dọa đến lợi ích trước mắt của Mỹ; không đặt lại vấn đề bình thường hóa với Trung Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe dọa. Như vậy có thể thấy rõ ràng rằng “ít nhất chính sách của Mỹ là một chính sách khoan dung đối với cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc trong khi lại lên án, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất cuộc xâm chiếm Campuchia của Việt Nam. Chính quyền Carter thậm chí không làm chậm lại quá trình bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Trung Quốc như là một dấu hiệu của sự bất bình, trong khi đối với trường hợp Việt Nam thì chính quyền đó đã bác bỏ hoàn toàn việc bình thường hóa”12. Cũng từ đó việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kì chính thức bị xếp lại. 3- Ảnh hưởng của Brzezinski Là một người có lập trường chống Liên Xô, ngay từ đầu năm 1978, Brzezinski đã xem xung đột Việt Nam- Campuchia là một “cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô”. Với cương vị là cố vấn an ninh quốc gia, Brzezinski ngày càng gây ảnh hưởng lên Tổng thống Carter, lấy ưu tiên là việc làm thân với Trung Quốc và xem Việt Nam là con bài để khuấy động mâu thuẫn Xô- Trung. Quan điểm này dần dần chi phối Nhà trắng, quanh câu hỏi làm thân với Việt Nam, Brzezinski thừa nhận “tôi liên tục nói với Tổng thống là một hành động như thế sẽ bị Trung Quốc diễn giải là động thái thân Xô, chống Trung”. Chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/1978 của Brzezinski đã đánh dấu việc Mỹ chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nó cũng chứng tỏ cán cân quyền lực về đối ngoại đã chuyển từ Bộ ngoại giao sang Hội đồng An ninh quốc gia. Chính Brzezinski là người đã thuyết phục Tổng thống Carter ủng hộ quyết định “sẽ dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình. Cũng chính Brzezinski là người đã phản đối kịch liệt báo cáo của Ngoại trưởng Vance gửi cho Tổng thống Carter về việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau khi bầu cử Quốc hội xong và cho rằng không nên có bước đi nào cho đến khi đã lập được quan hệ với Trung Quốc, ông ta đã rất hãnh diện với thành tích này “ tôi đã bắn rơi đề nghị đó”. Và đúng như một cuốn sách về quan hệ Việt- Mỹ đã viết rằng “dù cuộc xâm lấn được gọi là cuộc chiến của Đặng tại Trung Quốc, nó cũng có thể được gọi là cuộc chiến của Brzezinski ở Washington với ý nghĩa gián tiếp đối đầu với Moscow và thắng thế trước Vance”, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Brzezinski, Mỹ không còn xem Việt Nam là một nước độc lập trong vùng mà là một “Cuba phương Đông” tiêu biểu cho tham vọng bành trướng của Liên Xô. Và lập trường đối ngoại của Brzezinski đã tìm thấy điểm chung ở ban lãnh đạo Trung Quốc. 12 Nguyễn Tấn Cưu, “ Chân lý thuộc về ai”, tr 216 14 KẾT LUẬN Có thể thấy cơ hội bình thường hóa quan hệ Viêt- Mỹ đã xuất hiện ngay từ những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân cả từ phía Mỹ và phía Việt Nam, quan hệ giữa hai nước vẫn chưa thể bình thường hóa. Về phía Mỹ, do tâm lý cay cú vì thất bại trong chiến tranh Việt Nam trong nội bộ Mỹ, đặc biệt là trong Quốc hội Mỹ và những thay đổi trong chính sách của Mỹ từ năm 1978 đã ngăn cản chính quyền Carter tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Về phía chúng ta, do thiếu những thông tin và hiểu biết chính trị nội bộ nước Mỹ, chúng ta không nhận thấy sự thay đổi “trong những năm chiến tranh, Quốc hội Mỹ là một định chế phóng khoáng đối lập với nhánh hành pháp bảo thủ, nhưng sau cuộc chiến Việt Nam, cán cân giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp quay ngược hẳn”13. Chính vì thế mà chúng ta đã không đánh giá hết ảnh hưởng của Quốc hội Mỹ đối với chính sách đối ngoại của Nhà nước vào một thời điểm nhạy cảm ở nước Mỹ nên không điều chỉnh kịp thời lập trường đàm phán để nắm bắt cơ hội ngắn ngủi và mong manh đó, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh và san bằng khoảng cách với các nước trong khu vực. Chúng ta cũng không thấy được những thay đổi trong dư luận Mỹ sau năm 1975. Trong chiến tranh Việt Nam có thể tận dụng tình cảm của phong trào phản chiến quốc tế, nhưng lúc này đây, chúng ta chỉ là một trong rất nhiều các nước Thế giới thứ Ba có tiếng nói yếu ớt. Trong một thời gian dài chúng ta đã tin vào lời hứa bồi thường của Nixon, tin rằng nước Mỹ sẽ thực hiện trách nhiệm đạo lý đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng trên thực tế, cam kết của một Tổng thống tai tiếng và mất hết uy tín như Nixon càng bị xem như một sai lầm, một cam kết không có giá trị. Năm 1977, chúng ta từ chối đề nghị của Mỹ nếu chưa thành lập được quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có thể lập Phòng quyền lợi ở thủ đô hai nước. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu khi đó chúng ta đồng ý thành lập Phòng quyền lợi thì liệu quan hệ hai bên có khác đi hay không và chúng ta có thể tránh được nhiều năm bị bao vây cấm vận của Mỹ hay không? Một số người cho rằng nếu Mỹ và Việt Nam thành lập được Phòng quyền lợi thì quan hệ của hai bên có thể sẽ khác đi nhưng sẽ không nhiều, vì khi đó bình thường hóa quan hệ MỹCuba cũng được tiến hành song song, họ đã thành lập Phòng quyền lợi ở hai thủ đô song quan hệ của hai nước vẫn không thể tiến lên được và Cuba vẫn bị bao vây cấm vận cho dù có phòng quyền lợi. Nhưng rõ ràng là Việt Nam không phải là Cuba, ai có thể khẳng định 13 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/05/080511_nixon_secret_letter.shtml 15 chắc chắn quan hệ Mỹ- Việt sẽ ra sao nếu như khi đó chúng ta đồng ý đề nghị của Mỹ. Và nếu như Phòng quyền lợi được mở thì có lẽ vấn đề người di tản sẽ không là một trong ba điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa mà Mỹ nêu ra cho Việt Nam cuối năm 1978. Năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chúng ta có cơ hội để bình thường hóa và đã có khả năng thực tế để ta thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng chúng ta đã bỏ qua. Sang năm 1978, tình hình thế giới và khu vực đã có tác động bất lợi đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ. Mặc dù Việt Nam đã chủ động rút bỏ điều kiện đòi Mỹ bồi thường chiến tranh và đóng góp xây dựng nước Việt Nam hậu chiến nhưng Mỹ từ chối đàm phán do những tính toán chiến lược mới của Mỹ. Lúc này cơ hội để chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã không còn. Mỹ kịch liệt lên án hành động đưa quân vào Campuchia nhưng lại gián tiếp ủng hộ việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Quan hệ của hai nước tiếp tục trong trạng thái thù địch cho đến nửa cuối những năm 80. Phải chăng khi đó chúng ta đã quá cứng nhắc khi nhìn tình hình và đánh giá bạn thù dựa trên ý thức hệ và tư duy hai phe hai cực. Chúng ta coi Mỹ là kẻ thù trực tiếp, cơ bản và nguy hiểm, cho rằng Mỹ đang lăm le thi hành kế hoạch hậu chiến chống ta, nêu điều kiện cho bình thường hóa là Mỹ phải bồi thường chiến tranh. Chúng ta cũng chỉ chú trọng hợp tác một chiều với Liên Xô mà không tỉnh táo nhận ra chiến lược lấn sân của họ. Liên Xô gia tăng ảnh hưởng ở các nước thế giới thứ Ba, tìm cách buộc Việt Nam trở thành tiền đồn của Liên Xô ở Đông Nam Á đồng thời thực hiện chính sách bao vây Trung Quốc và Việt Nam là một mắt xích trong vòng vây đó. Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cũng chính là bỏ lỡ cơ hội củng cố thế đứng của chúng ta trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước sau chiến tranh. Thật đúng như lời nhận xét của thứ trưởng Trần Quang Cơ: “Việc ta từ chối lời đề nghị bình thường hóa quan hệ không điều kiện của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam gia nhập tổ chức khu vực này đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Pôn Pốt khích ta và có dám đánh ta năm 1979 nếu như Việt Nam sau chiến thắng 1975 có một chiến lược thêm bạn bớt thù thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật”. 16 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. “Chính sách đối ngoại Việt Nam tập II (1975-2006)”, Nguyễn Vũ Tùng, Học viện Quan hệ quốc tế. 2. “ Hồi ức và suy nghĩ”, Trần Quang Cơ. 3. “ Chân lý thuộc về ai”, Nguyễn Tấn Cưu. 4. Thời đại mới ( Số 6- tháng 11/2005), Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao và công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ sau miền Nam được giải phóng. Tapchithoidai.org, truy cập ngày 20/11/2005. 5. BBCVietnamese ( 2008), Lá thư mật Nixon và quan hệ Việt- Mỹ, bbc.co.uk, truy cập ngày 11/5/2008. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng