Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Biểu mẫu - Văn bản Văn bản Phân tích câu 43 câu 54 bài 'đất nước' nguyễn ngọc lan chi 12cv...

Tài liệu Phân tích câu 43 câu 54 bài 'đất nước' nguyễn ngọc lan chi 12cv

.DOCX
7
27630
138

Mô tả:

Nguyễn Ngọc Lan Chi – 12CV – 03 PHÂN TÍCH CÂU 43 ĐẾN CÂU 54 BÀI “ĐẤT NƯỚC” Bài làm Trong bài thơ “Sao chiến thắng”, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” Có thể nói, từ xưa đến nay, cảm hứng về quê hương đất nước luôn là một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ca Việt Nam, là mảnh đất màu mỡ cho biết bao thi nhân khai thác và ra đời nhiều tác phầm chiếm được sự yêu thích của biết bao độc giả. Mỗi nhà thơ lại có những cách cảm nhận và thể hiện riêng. Nếu như những nhà thơ cùng thời thường cảm nhận về Đất Nước qua những khía cạnh tráng lệ, hùng vĩ, thì trong thời kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cho mình một điểm nhìn vô cùng gần gũi, bình dị: “Đất Nước của nhân dân”. Tư tưởng ấy một lần nữa được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ từ câu 43 đến câu 54 trong phần 2 “Đất Nước”: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha (“Đất Nước” – Trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm) Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, Đất Nước qua những trải nghiệm của chính mình. Trong số những tác phẩm được ông sáng tác ở thời chống Mĩ, tiêu biểu phải kể đến trường ca “Mặt đường khát vọng”, tác phẩm được ông hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974. Đây là thời điểm miền Nam bị tạm chiếm, đế quốc Mĩ và bọn tay sai ra sức chống phá cách mạng, lôi kéo mua chuộc thanh niên vào chốn ăn chơi mà quên đi trách nhiệm với quê hương của mình. Đoạn trích “Đất Nước” (trích chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”) ra đời nhằm mục đích đánh thức tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với quê hương, đã cho thấy được những phát hiện của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước ở nhiều bình diện trong tư tưởng bao trùm: “Đất Nước của nhân dân”. Trong đó, đoạn thơ từ câu 43 đến câu 54, gồm mười hai câu nằm ở phần 2 của đoạn trích đã nói lên những cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc đáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mối quan hệ với những người con đất Việt. Trước hết, có thể nói, con người dân tộc và nhân dân nhiều thế hệ đã trở thành hình tượng chủ đạo xuyên suốt bài thơ. Bằng việc để cho các danh từ chỉ người đều xuất hiện đi liền với lượng từ số nhiều: “những người vợ nhớ chồng”, “cặp vợ chồng”, “những người dân nào”, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã bộc lộ sự đồng lòng, đoàn kết, cùng nhau hướng về đất nước của nhân dân. Không dừng lại ở đó, mỗi con người và sự vật xuất hiện trong tám câu thơ đầu đều ở một hoàn cảnh khác nhau và gắn liền với từng giai đoạn lịch sử bốn nghìn năm trải dài của dân tộc: bắt đầu từ thời vua Hùng dựng nước, buổi đầu đánh đuổi giặc ngoại xâm với truyền thuyết về cậu bé anh hùng Thánh Gióng cho đến những năm tháng vừa dựng nước, vừa giữ nước với nền văn hiến Đại Việt gắn với người học trò nghèo hiếu học, với những cuộc chiến tranh vệ quốc đã khiến bao gia đình li tán, người vợ phải chờ chồng trở về trong mỏi mòn. Tuy thuộc về những thời đại khác nhau nhưng con người Việt Nam dù ở trong bất cứ hoàn cảnh hay giai đoạn lịch sử nào đều có chung một nét thống nhất không thể tách rời: luôn hướng về quê hương, hướng về dân tộc. Kế đến, đoạn thơ mở đầu với hình tượng Đất Nước – một Đất Nước hùng vĩ, một giang sơm gấm vóc. Khắp nơi trên mọi miền đất nước ta, ở đâu cũng có những di tích văn hóa lịch sử, những địa danh, những danh lam thắng cảnh. Với cái nhìn của tác giả, thông qua nghệ thuật liệt kê, từ những cảnh quan thiên nhiên kì thú trên Đất Nước cho đến những cảnh vật vô danh bình dị đều gắn liền với lịch sử dân tộc, với cuộc sống của nhân dân. Những cảnh quan ấy trở thành hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống nhân dân, tâm hồn nhân dân và cốt cách nhân dân, gửi gắm số phận cũng như những ước mong của họ, là nững trang sử hào hùng, hoặc oanh liệt hoặc đau thương của dân tộc Việt. Không chỉ dừng lại ở đó, gắn liền với những không gian địa lý, những danh lam thắng cảnh được kể đến ở trên đều gắn liền với văn học dân gian, với truyền thống văn hóa và lịch sử 4000 năm hào hùng của dân tộc ta, để rồi từ đây, bài thơ còn mở ra một cảm nhận về Đất Nước theo chiều sâu văn hóa. Đó là tình nghĩa thủy chung thắm thiết của nhân dân Việt Nam từ bao đời: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái” Từ những “Núi Vọng Phu” ở Lạng Sơn, Thanh Hoa, Bình Định.. và “hòn Trống Mái” ở Sầm Sơn vốn là các địa danh đã đi vào huyền thoại cố tích của người dân Việt Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã có một cái nhìn khám phá đậm chất nhân văn. “Vọng” là chờ, “phu” là chồng. “Trống Mái” lại gợi hình ảnh lứa đôi thắm thiết. Thế nên, vợ có "nhớ chồng”, cặp vợ chồng có “yêu nhau” thì mới “góp cho Đất Nước”, mới “góp nên” những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái. Bên cạnh đó, dân tộc Việt Nam vốn đã phải trải qua rất nhiều những cuộc chiến tranh ngay từ buổi đầu lịch sử, những người đàn ông ra trận, người đàn bà cùng con ở nhà đợi người chồng trở về đã không còn là hình ảnh quá xa lạ. Ấy thế nhưng, hững cuộc chiến tranh vệ quốc đã khiến không biết bao gia đình Việt Nam phải rơi vào cảnh li tán, người vợ với tấm lòng thủy chung son sắt dù mòn mỏi chờ chồng đến hóa đá cũng không được nhìn thấy cảnh chồng mình trở về từ chiến trường khốc liệt. Bắt nguồn từ sự liên tưởng về “Sự tích nàng Tô Thị chờ chồng”, núi Vọng Phu không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, là tình yêu lứa đôi sắc son, thắm thiết, là ân tình thủy chung sâu nặng. Đó là truyền thống và sức mạnh bất khuất của dân tộc ta trong việc đánh đuổi ngoại xâm, với hình tượng cậu bé Thánh Gióng trong truyền thuyết đã bao đời trở thành biểu tượng cho tinh thần anh dũng, ý chí quật cường của con người Việt. Hình ảnh cây tre và cả con ngựa sắt biết phun lửa đã đi vào ước mơ của biết bao đứa trẻ: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt”, để rồi những gót ngựa mà vị anh hùng dân tộc đã đi qua trở thành những ao đầm vùng Hà Bắc, được người Việt Nam xem như niềm kiêu hãnh, là chiến tích của một lịch sử hào hùng. Đó là biểu tượng của nòi giống, của cội nguồn thiêng liêng dân tộc, với “chín mươi chín con voi” quần tụ bên vua Hùng, chung sức chung lòng dựng “đất Tổ Hùng Vương” tựa như tấm lòng nhân dân đồng thuận hướng về một quốc gia thống nhất. Đó là giang sơm gấm vóc, con người Việt Nam tài hoa với dòng sông Cửu Long xanh thẳm tựa như “những con rồng”, mang hình dáng thơ mộng, kiêu sa, bao đời nay đã đem lại cho quê hương Nam Bộ nhiều nước ngọt phù sa, nhiều cá tôm mênh mông biển lúa bốn mùa. Đó là truyền thống hiếu học “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” của nhân dân với “những núi Bút, non Nghiên” tựa như cây bút và nghiên mực đã gắn bó với cuộc đời của những người học trò, tuy “nghèo” về vật chất nhưng phong phú về tài năng, trí tuệ đã làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt, văn hiến Việt Nam. Đó là những “ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm” là những con người dân tộc cụ thể, mỗi con người mang một vẻ đẹp riêng đã mang mồ hôi, xương máu của mình góp công dựng xây đất nước. Đó là những “con cóc, con gà” vốn là những vật nuôi rất gần gũi với nền văn hóa nông nghiệp của Việt Nam ta, khiến người ta trông những hòn đá nơi Hạ Long kia lại liên tưởng đến những loài vật rất gần gũi quanh mình. Đặc biệt, ở hai câu cuối của đoạn thơ, tác giả Nguyễn Khoa Điểm đã nâng ý thơ lên tầm khái quát: “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…” Ở đây, tác giả muốn khẳng định lại một lần nữa về sự hóa thân của nhân dân vào bóng hình Đất Nước. Bởi lẽ tất cả các không gian được liệt kê trong tám câu thơ đầu đều hiện lên qua cảm nhận của nhân dân, gắn liền với cuộc sống nhân dân, khiến cuộc sống của nhân dân như hòa trong dòng chảy “bốn nghìn năm” lịch sử của dân tộc, họ chính là những người tạo dựng, đã đặt tên, ghi dấu ấn cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi dòng sông. Đoạn thơ tựa như một bức tranh thấm thía cảm động về cuộc sống nhân dân, với những vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và nỗi đau thương trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Có thể nói, đoạn thơ với bao địa danh và cổ tích huyền thoại không chỉ góp phần thể hiện rõ niềm tự hào của tác giả Nguyễn Khoa Điềm với không gian Đất Nước cùng biết bao danh lam tháng cảnh, địa điểm đẹp đẽ, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm hồn nhân hậu, cho trí tuệ và tài năng, cho đức tính cần cù và tinh thần dũng cảm của những con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Dường như các tác giả văn hóa dân gian mượn hình ảnh văn hóa dân gian không chỉ để góp phần lí giải những hình sông dáng núi trên thân hình của Đất Nước, mà đó còn là để làm tăng thêm sức thuyết phục cho câu chuyện về cuộc sống nhân dân, về lịch sử dân tộc, để thông qua đó bày tỏ nỗi thấm thía, xót thương, cảm phục đối với nhân dân cũng như niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, bằng phép điệp từ “góp” (“góp cho Đất Nước”, “góp nên”, “góp mình dựng đất”, “góp dòng sông”, “góp cho Hạ Long”, “góp tên”) cùng với chủ thể chỉ nhân dân – những con người bằng tình yêu, mồ hôi nước mắt và xuóng máu đã góp mình dựng xây Đất Nước, tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng đã khẳng định một chân lí lớn: Đất Nước là của nhân dân, do chính nhân dân góp công góp sức trong việc tạo dựng nên. Chủ thể của những sự đóng góp ấy là “những người vợ nhớ chồng”, là “cặp vợ chồng yêu nhau”, “là người học trò nghèo”, “là những người dân nào”.. là những con người vô danh đã lặng lẽ, bền bỉ, kiên cường trải qua bao thăng trầm lịch sử và khó khăn gian khổ góp phần tạo dựng nên Đất Nước, đã đặt tên, in dấu sâu đậm trên dáng hình của quê hương xử sở. Cái hay của tác giả Nguyễn Khoa Điềm nằm ở chỗ ông từ nhìn vào những không gian địa lý, những hình hài sông núi còn hiện hữu trên thân hình Đất Nước mà nhìn ra chân lý Đất Nước của nhân dân, khiến những con người Việt Nam như đã hóa thân trong từng ngọn núi, từng hòn đá, in dấu cuộc đời lên từng hình sông dáng núi, làm nên Đất Nước muôn đời. Ngoài ra, ta còn có thể nhận thấy, nếu đặt vào hoàn cảnh sáng tác của bài thơ là năm 1971, thời điểm Đất Nước vẫn còn bị chia cắt và cuộc chiến đấu chống Đế quốc Mỹ còn đang trong hồi căng thẳng, người đọc còn có thể nhận ra chan chứa trong đoạn thơ là một niềm tin mãnh liệt: không súng đạn nào có thể chia cắt Đất Nước, không chiến tranh nào có thể ngăn dân tộc Việt Nam mãi là một hình chữ S vẹn toàn với ba niềm Nam, Trung, Bắc. Các địa danh được liệt kê trong bài trải dài khắp mọi miền Đất Nước, từ miền Bắc với những núi Vọng Phu, vịnh Hạ Long, đến miền Trung với những núi Bút non Nghiên hay miền Nam với núi bà Đen và dòng sông Cửu Long đầy phù sa màu mỡ, tất cả đều đã thể hiện một chân lý sắc đá: dân tộc Việt Nam rồi sẽ đến ngày thống nhất. Đó không chỉ là ước vọng của riêng Nguyễn Khoa Điềm mà là của tất cả những người dân Việt Nam thời ấy. Song, giống như Lêônit Lêonôp đã từng nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và là một khám phá về nội dung”, đoạn thơ dẫu có mang ý nghĩa tuyệt vời đến đâu cũng không thể đạt đến sự thành công mà nó vốn có nếu không đi cùng với một hình thức tương xứng. Bằng việc chọn lọc từ những chất liệu nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa dân gian, thông qua cảm nhận và phương thức tư duy mới mẻ, độc đáo của nhà thơ hiện đại, Nguyễn Khoa Điềm đã làm hiện nên hình ảnh của nhân đân, được thể hiện qua tình yêu, nỗi đau cũng như vẻ đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Cùng với chất suy tư, xúc cảm lắng đọng gợi nhắc về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ vốn thường được tìm thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm, đoạn thơ thật sự đã thể hiện rõ chất trữ tình chính luận một cách thành công mà không phải bất kì nhà thơ nào trong thời đại này cũng có thể làm được. Như vậy, đoạn thơ trên chính là một điển hình tiêu biểu cho cái hay, cái đẹp của hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng”. Cùng với những câu thơ mở rộng, đậm chất văn xuôi; yếu tố chính luận và chất trữ tình, chất cảm xúc hòa quyện, làm cho chất thơ dào dạt, ý tưởng sâu sắc mới mẻ, hình ảnh một Đất Nước hào hùng với nhân dân anh dũng, cần cù, ham học hỏi, ân nghĩa thủy chung.. đã được tác giả cảm nhận với tất cả lòng tự hào và yêu mến nhất. Qua hình tượng Đất Nước, bằng việc vận dụng chất liệu văn hóa dân gian một cách sáng tạo, Nguyễn Khoa Điềm đã ca ngợi tâm hồn nhân dân, khẳng định bản lĩnh dân tộc và dáng đứng Việt Nam được soi chiều từ một tư tưởng nhất quán: Đất Nước là của Nhân Dân, chính Nhân Dân đã làm nên Đất Nước. Sêđrin đã từng nói: “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” Thật vậy! Thơ ca đích thực không chỉ giúp hồn người trở nên trong sáng, phong phú và cao thượng mà nó còn sống mãi với thời gian, trường tồn mãi trong lòng người đọc dù có trải qua bao thử thách. Đoạn thơ như một tiếng nói tâm tình “dịu ngọt”, như một lời đối thoại về Đất Nước và nhân dân, để rồi mỗi khi đọc lại đoạn thơ, tâm hồn mỗi người con Lạc cháu Hồng lại bang khuâng xúc động khi nghĩ về quê hương đất Việt. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên có viết: “Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ” (Chim lượn trăm vòng)
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan