Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nông thôn trong truyện ngắn vaxili sucsin...

Tài liệu Nông thôn trong truyện ngắn vaxili sucsin

.DOC
110
1097
65

Mô tả:

PHẦN MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài 1. Văn học Nga là “một hiện tượng kì diệu” (M. Gorki), với tốc độ phát triển phi thường, nó luôn khiến thế giới phải ngạc nhiên, sửng sốt. Nếu thế kỉ XIX được coi là thế kỉ vàng của văn học Nga thì thế kỉ XX được coi là thế kỉ bạc. Đóng vai trò chủ đạo trong nền văn học Nga thế kỉ XX là bộ phận văn học Xô viết. Épghênhi Xiđôrốp từng có phép so sánh rất hay: “Như cô Lọ lem trong truyện của Peco, văn học Xô viết nhất định sẽ nhiều lần đem lại cho người đọc thấy cái phong phú, cái đẹp của tâm hồn con người đương thời của chúng ta, sự phức tạp và đầy kịch tính của thế giới nội tâm của anh ta” [39,49]. Sau hơn 70 năm phát triển, nền văn học Xô Viết đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với đủ các thể loại, trong đó truyện ngắn là một thành tựu đáng kể. Truyện ngắn là một thể loại có từ rất lâu và không ngừng phát triển ở nước Nga. Có thời kì thể loại này không được quan tâm xứng đáng, giới phê bình và công chúng hướng sự chú ý nhiều hơn vào tiểu thuyết xã hội - triết lí, tiểu thuyết nhiều tập, truyện dài tập… nhưng “đến đầu những năm 50, chính truyện ngắn - thể loại dân chủ nhất của văn xuôi - đã phục hồi sự quan tâm đối với “con người bình thường” và thế giới tinh thần của anh ta” [39,49]. Với bạn đọc Việt Nam, văn chương Nga thời kỳ Xô viết nói chung và truyện ngắn Nga Xô viết nói riêng vốn rất gần gũi. Bạn đọc ta không chỉ say mê các nhà văn lớp trước như Gorki, Maicôpxki, Sôlôkhôp, Sêkhôp, Bunhin,… mà cả những nhà văn thuộc thế hệ sau - những nhà văn “cải tổ” đang sát cánh cùng với thế hệ lão thành để tạo ra những tác phẩm xứng đáng với thời đại mới như: Aimatôp, Raxpuchin, Kazakôp, Belôp, Bưcôp,… Trong đó V. Sucsin là một cây bút trẻ đầy tài năng và nghị lực. 2. Vaxili Makarovich Sucsin (25/7/1929 - 2/10/1974) là “nhân vật cổ điển của nghệ thuật Nga thế kỉ XX”, “một thiên tài bẩm sinh từ giữa đám đông nhân 1 dân” [45], người đã thể hiện tài năng của mình cả trong nền văn học cũng như trong ngành điện ảnh. Sucsin đến với nền nghệ thuật khi đã là một người trưởng thành vượt qua bao thử thách. Ông sinh tại Srôtxki, một làng nhỏ nằm trong vùng núi Antai, đó là một làng quê thanh bình, tĩnh lặng, ở đó có những người nông dân Nga cần cù với tâm hồn trong sáng, cao thượng. Những con người bình dị ấy đã “sống động” trong óc quan sát và ý nghĩ sáng tác của Sucsin mà sau này họ đã hiện lên trong hầu hết các tác phẩm của ông. Tuổi thơ Sucsin gặp nhiều bất hạnh. Ông sớm mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, dượng cũng là người tốt, rồi chiến tranh xảy ra dượng ra mặt trận và cũng không trở về. 13 tuổi Sucsin trở thành trụ cột của gia đình. Những năm tháng gian khổ ấy đã khiến ông phải làm những công việc nặng nhọc quá sức mình, nhưng ý chí đã khiến ông vượt lên tất cả. Tâm hồn khao khát hiểu biết của Sucsin được khích lệ và động viên rất nhiều bởi những thầy cô giáo từ Lêningrat tản cư về làng. Trước khi vào con đường nghệ thuật, ông đã trải qua rất nhiều nghề như thợ mộc, thợ nề, điện báo viên, lính thủy, giáo viên… Tự mình kiếm sống nuôi gia đình, bản thân, V. Sucsin đã trở thành một nhà văn, một đạo diễn, một diễn viên được công chúng yêu mến. Ông là một con người vì công việc, thường suy nghĩ, sáng tạo nghệ thuật ở mọi nơi mọi lúc, ông luôn mang theo “phòng sáng tác” bên mình, kê đầu gối làm bàn, viết trên xe lửa, nghĩ về những dự định sáng tác sắp tới trong bất kể hoàn cảnh nào. Một khối lượng công việc đồ sộ đã được ông hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời. Ông mất đột ngột vì đau tim khi đang quay dở bộ phim “Họ chiến đấu vì tổ quốc” (theo truyện V. Sôlôkhôp). Đường đời của Vaxili Sucsin chỉ vẻn vẹn 45 năm, nhưng ông để lại di sản nghệ thuật khổng lồ và một tấm gương lao động tuyệt vời. “Di sản văn học và điện ảnh của Sucsin gồm: hai thiên tiểu thuyết lịch sử - “Dòng họ Liubavin”, “Tôi đem tự do đến cho các người”; năm tiểu thuyết vừa - “Nơi ấy xa xăm”, tiểu thuyết điện ảnh “Hoa kim ngân đỏ”, “Họ thức dậy từ sáng tinh mơ”, tiểu thuyết vừa châm biếm “Quan điểm”, tiểu thuyết vừa - truyện cổ tích “Trước lúc gà gáy canh ba”; bốn kịch bản phim do ông đạo diễn… và ngót nghét một trăm truyện 2 ngắn hiện đại đã đưa nhà văn tới đỉnh cao của sự thăng hoa văn học mà ít có nhà văn đương đại nào sánh kịp” [5,215]. Sucsin đã được nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Lao động Cờ đỏ và Huân chương Lênin năm 1976. Ngày 25/7/2009 khắp nước Nga long trọng tổ chức kỉ niệm 80 năm ngày sinh của V. Sucsin. Nhà hát Nga gần đây đã dựng vở “Những truyện ngắn của Sucsin” khiến cho cả Matxcơva phải chấn động. Đặc biệt là những truyện ngắn viết về nông thôn của Sucsin ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong lòng công chúng Nga. 3. Năm 1958 Sucsin viết truyện ngắn đầu tiên. Những truyện ngắn mang phong cách cổ điển của ông từ đầu đã chiếm được cảm tình của độc giả. Bên cạnh văn xuôi viết về đề tài chiến tranh, những tác phẩm tiêu biểu viết về chủ đề nông thôn cũng đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, phản ánh rõ nét xu hướng nghệ thuật mới: đi sâu khai thác cuộc sống nhân dân, phân tích tâm lí đạo đức con người hiện đại, mối quan hệ của họ với cuộc sống nhân dân. Ông tập trung miêu tả những người nông dân bình thường với những nét đặc biệt, ấn tượng, với lối sống truyền thống và chuẩn mực đạo đức nghiêm túc. Ông biết nắm bắt những khoảnh khắc sáng chói, lấp lánh hương thơm trong tâm hồn những con người ấy từ đó nâng lên thành giá trị nhân văn cao cả. Cùng với thế giới thiên nhiên cỏ cây đẹp đẽ, quen thuộc Sucsin đã trở thành nhà văn Xô viết nổi tiếng viết về nông thôn. Nông thôn là mảng đề tài phong phú, quen thuộc thu hút nhiều tài năng, tâm huyết của các nhà văn, nó đã trở thành một trong những chủ đề chính đạt thành tựu xuất sắc của văn học Xô viết đương đại. Nói đến đề tài này phải kể đến những đóng góp quan trọng của các nhà văn đương đại có tên tuổi, như: Abramôp (“Dòng họ Priaxlin”), Belôp (“Công việc thường ngày”), Raxpuchin (“Thời hạn cuối cùng”, “Vĩnh biệt mẹ”), Axtaphiep (“Lời chào cuối cùng”, “Vua Cá”), Aimatôp (“Vĩnh biệt ”)… Riêng Sucsin - nhà văn có biệt tài trong việc xây dựng những tính cách điển hình của con người nông thôn Xô viết đương đại đã đóng góp vào giai đoạn này những tác phẩm hay, độc đáo được độc 3 giả Liên Xô rất ưa thích: tập truyện ngắn “Những người ở làng” (1965), “Nơi ấy phía xa” (1968), “Những tính cách” (1968)… Vốn có tình yêu con người, quê hương tha thiết, sâu nặng, hơn ba lần ra thành phố, xa Srôtxki, sống và làm việc ở Matxcơva và đi khắp nơi trong nước, nhưng rốt cuộc Sucsin vẫn trở về làng quê. Đối với ông cuộc sống thành phố thật khó hòa hợp. Khi phải đi học ông tranh thủ mọi ngày nghỉ để về với quê hương. Sống trên quê hương, gần gũi với người lao động ông cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Vì vậy ý tưởng chủ đạo trong tất cả các tác phẩm của ông là: “điều quan trọng nhất đối với con người chính là quê hương” [45]. Nhưng Sucsin không chìm đắm trong cái đẹp yên bình nơi làng quê mà còn tái hiện cả không gian, cả lối sống thành thị luôn được đối sánh với lối sống nông thôn. Thành thị và nông thôn trở thành cặp tương phản đối lập và chỉ khi chúng va chạm vào nhau mới làm toát lên cái giá trị nào là đáng quý, đáng trọng nơi tâm hồn con người. Chính sự trăn trở bấy lâu của nhà văn cũng như niềm khâm phục một tấm gương sáng đầy nghị lực đã thôi thúc chúng tôi lựa chọn đề tài: “Nông thôn trong truyện ngắn Vaxili Sucsin”. Đặt vấn đề này người viết muốn “đi tìm con người trong con người”, cố gắng đi sâu khai thác những điểm khuất lấp trong tâm hồn con người tưởng chừng như “gàn dở”, “lập dị”, “kì quặc”, cũng như để khẳng định cho những giá trị chân, thiện, mĩ mà Sucsin đã dày công vun đắp. Ở đây người viết đi tìm hiểu truyện ngắn nông thôn Sucsin cũng chính là khai thác chiều sâu của nông thôn đương đại Nga - thời kì nông thôn Nga đang chuyển mình, có xuất hiện nhiều luồng văn hóa cũng như lối sống khác nhau, từ đó Sucsin đưa ra lời cảnh báo đòi hỏi người đọc suy nghĩ và tìm ra cách lựa chọn thích hợp cho cuộc sống mới. Bước đầu tìm hiểu nghiên cứu đề tài này bao giờ chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu sót, kính mong nhận được sự góp ý, bổ sung của thầy cô, các anh chị và các bạn. II. Lịch sử vấn đề 4 Những năm 80 của thế kỉ XX độc giả Nga đã dành một sự quan tâm đặc biệt cho các nhà văn nông thôn và đặc biệt là V.Sucsin, người được giới phê bình Xô Viết nhận định “là nhà văn nhân dân với ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ này” [3,6]. Trong bài viết “Tác giả và người đọc năm 1980” của Nađazốp viết cho Báo văn nghệ số 9/1980 đã đưa ý kiến xác thực của các nhà xã hội học. Các nhà xã hội học đã trưng cầu ý kiến xã hội của người đọc tại 9 thành phố và 9 làng của Liên Xô: “Nếu tính các tác giả hiện đại thì trong năm 1980 ý thích của người đọc có thay đổi: chuyển từ từ các nhà văn “nông thôn” sang các nhà văn “thành thị”, riêng chỉ có một trường hợp đặc biệt là nhà văn “nông thôn” V. Sucsin… rất được người đọc tìm mua” [21,2]. Gavơrin Pêtrôxian - nhà bình luận về các vấn đề văn hóa của Liên Xô gửi cho báo Văn nghệ bài “Những nhà văn Xô viết nổi tiếng nhất trong năm” (Số 12/1984) đã thăm dò ý kiến bạn đọc rộng rãi và khẳng định chắc chắn tới 90% về “10 nhà văn thắng cuộc là: Bônđarep, Aimatôp, Axtaphiep, Abramôp, Sucsin, Raxputin, Traicôpxki, Xêmiônôp, Belôp, Bưcôp”. Nhà bình luận còn thông tin rằng: “Trong hội chợ triển lãm sách quốc tế tổ chức ở Maxcơva hồi tháng 9/1983, riêng tác phẩm của 10 nhà văn trên là được các NXB nước Nga mua nhiều nhất” [12,11]. Để đạt thành quả như vậy phần lớn là bởi trong “những cuốn sách đó có thể tìm thấy dấu tích chân thực của thời đại, khiến người đọc suy nghĩ được nhiều hơn những cuốn sách khác” [12,11]. Các nhà văn đã đến với nông thôn “miêu tả hiện thực trong những mối quan hệ phức tạp, đi sâu vào những mặt cắt, những lớp, những bình diện mới của hiện thực, biểu dương, miêu tả sâu sắc cái tốt, cái đẹp, cái cao thượng, khám phá những mặt tiêu cực trong đời sống” [22,27], họ quan tâm tới miêu tả sinh hoạt nông thôn từ đó bộc lộ đời sống tâm hồn sâu sắc của người nông dân Nga, tính cách dân tộc Nga. Đến Sucsin nội dung đó lại càng được đào sâu hơn, và ta càng khâm phục khi thấy ông đã mạnh dạn đặt niềm tin vững chắc, một niềm trân trọng đáng quý vào những con người nông thôn tưởng chừng gàn dở, nhân vật mà ông tự gọi là “kì 5 quặc”. Vì vậy văn học Xô viết hiện đại nói chung và sáng tác của Sucsin nói riêng mang giá trị giáo dục đạo đức cao. Người nghệ sĩ trước tiên phải “đọc cuốn sách đời”. Ngay Sucsin trước khi qua đời ít lâu đã từng thổ lộ: “Bây giờ cần phải bước lên những con đường tư duy thật phóng khoáng, cần phải có một sức mạnh mới, một sự can đảm, cần phải có tinh thần dũng cảm khám phá chiều sâu mới và sự phức tạp của cuộc sống đạo đức là sự thật”, “đạo đức là sự thật, tôi chỉ có thể kể sự thật về cuộc sống. Tôi cho rằng đó là nghĩa vụ thiêng liêng của người nghệ sĩ” [38,3]. Lời tâm sự chân thành ấy đã trở thành câu châm ngôn phổ biến và được nhiều nhà hoạt động nghệ thuật khẳng định, và bản thân Sucsin đã đưa những suy nghĩ nung nấu đó vào tác phẩm của mình để lần lượt cho ra mắt độc giả những tác phẩm hay, độc đáo đánh dấu một tài năng chói lọi trên văn đàn Xô viết. Hiện nay ở Việt Nam những tài liệu về Sucsin cũng như về truyện ngắn của ông có rất ít, đó là một khó khăn trở ngại cho người viết trong việc nghiên cứu đề tài. Chưa có một bài nghiên cứu, chuyên luận nào viết riêng về Sucsin. Các nhà nghiên cứu nhắc tới ông qua một số bài báo, tạp chí, giáo trình đại học, cao đẳng, song những điểm nhấn quan trọng nhất trong hành trình phát triển văn học Xô viết không thể thiếu vắng tên tuổi ông, bởi ông có những đóng góp không nhỏ trong thể loại truyện ngắn, đặc biệt là quan niệm về con người, về lối sống chuẩn mực đạo đức mà cho tới ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Giáo sư Nguyễn Hải Hà trong bài viết “Những chân trời của văn xuôi Xô viết hiện đại” cho Báo Văn nghệ số 45/1983 đã khẳng định : “V. Sucsin đã từng là “một hiện tượng lạ” trong văn học Xô viết. Có lẽ vì vào lúc đã đứng tuổi ông bỗng cùng một lúc nổi tiếng như là một nhà đạo diễn, biên kịch, diễn viên điện ảnh và một nhà văn xuất sắc. Đó là một tài năng nhiều mặt độc đáo. Nhưng mặt nổi bật nhất của ông vẫn là truyện ngắn, phần lớn viết về nông thôn. Đó không phải là truyện về sản xuất mà là một loại chân dung, tính cách vô cùng đa dạng, có khi rất phức tạp” [22,27]. Ông còn cho rằng: “Đằng sau trang sách thấm đượm nỗi buồn sâu lắng trong “Số phận con người” của Sôlôkhôp, “Vĩnh biệt 6 ngựa già Gun-xa-ri” của Aimatôp và khá nhiều truyện ngắn của Sucsin sáng lên lòng tin mãnh liệt vào con người, lòng trân trọng sức mạnh của con người. Tinh thần nhân đạo thấm đượm hầu khắp các tác phẩm”, “Sucsin đã tìm thấy chất thơ qua cái bình thường. Trái tim nhân đạo của nhà văn vui mừng phấn khởi trước “những tâm hồn trong sáng” và rung động sâu sắc trước nỗi buồn đau của con người” [22,27] Cũng trong “Văn học Xô viết đương đại”, Hoàng Ngọc Hiến cho biết: “Theo quan niệm của Sucsin, hiểu được “sự phức tạp và thế giới bên trong của con người” đó là “kinh nghiệm và lí trí của nhân loại”… Đọc truyện của Sucsin, tiểu thuyết của Triphônôp,… độc giả quen chờ đợi ở tác phẩm văn học tác động giáo huấn trực tiếp và chức năng giáo dục đơn thuần sẽ không khỏi ngỡ ngàng… “Không nên chỉ có dạy cho người ta” - Sucsin viết - cần giúp đỡ nghiên cứu cuộc sống, khám phá cái đẹp trong cuộc sống và hãy đi đến với con người bằng những ý nguyện này” [14,26]. Không chỉ trong giới nghiên cứu phê bình mà ngay trong các chương trình thông tin đại chúng tên tuổi của V. Sucsin luôn được nhắc đến với sự kính trọng và yêu mến đặc biệt: “Với Sucsin điều quan trọng hơn cả là: con người không chỉ sống cho mình, mà cần có ước mơ cao cả để thực hiện nó và điều chính yếu là phải trở thành một người lương thiện. Ý thức đó của Sucsin không hề có những ràng buộc dân tộc, mặc dù nó được thể hiện trong các sáng tác của ông thông qua các cốt truyện, tính cách Nga điển hình” (Nguyễn Thị Kim Hiền dịch theo Đài tiếng nói nước Nga) [43]. Hay trong bài viết “Vasili Makarovich Shukshin” trang trieuxuan.info, người viết có nhận xét rằng: “Sucsin nhìn thế giới trong sự đa dạng của các điển hình dân tộc và tâm lí xã hội, chú ý sự phân hoá về văn hoá và đạo đức của xã hội hiện đại” [41]. Rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh nhà văn V. Sucsin, song người viết tập trung vào những đánh giá sau của giới phê bình về vấn đề nhân vật, mà người viết cho là có liên quan đến đề tài đang nghiên cứu. 7 Huy Liên trong lời giới thiệu cho “Tuyển tập truyện ngắn Xô Viết”, tập II, NXB ĐH và THCN, 1987 đã xem V. Sucsin là một trong số tác giả “đã phát hiện chiều sâu của tính cách Xô Viết có gốc rễ sâu xa trong tâm hồn và trí tuệ của nhân dân… Các truyện ngắn của Sucsin xây dựng hàng loạt tính cách người Xô viết bình dị, bộc trực, giàu lòng nhân ái và tình thương, đồng thời cũng đầy nghị lực và khí phách quả cảm” [3,6]. Cho tới những năm 50 - 60 của thế kỉ XX cá tính con người được đặt ra rõ nét trong nền văn học Nga và Sucsin là một trong số những nhà văn thành công nhất khi xây dựng được tính cách điển hình của con người nông thôn. Trần Vĩnh Phúc trong “Báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học khoa Văn ĐHSP Hà Nội” (tháng 11/2004) đã đánh giá cao tài nghệ thuật của V.Sucsin “Sáng tác của Vaxili Sucsin… chiếm một vị trí đặc biệt, trước hết bởi ông xuất hiện trong văn học Nga là một nhà văn có biệt tài trong việc xây dựng những tính cách điển hình, sống động có một không hai của con người nông thôn hiện đại và trong lĩnh vực thể loại truyện ngắn hiện đại ưa thích và sở trường nhất của ông mà ít có nhà văn đương đại nào sánh kịp” [5,395]. Nhân vật chính diện trong các tác phẩm của Sucsin phải là những “con người đạo đức, có tâm… đó là những con người lao động bình dị, nhất mực đôn hậu, yêu thương đồng loại, nhạy cảm với thiên nhiên và con người, vô tư, bộc trực đến dễ mến, yêu lao động và ngay thẳng, gắn bó máu thịt với đồng ruộng, làng quê, xóm ngõ và cội nguồn cuộc sống nhân dân. Điều Sucsin quan tâm không phải địa vị xã hội hay nghề nghiệp của các nhân vật, mà là thực chất tâm hồn đạo đức của họ” [5,397]. Với ông tài sản quý giá nhất trên đời chính là con người, và ông luôn mong ước con người được sống trong “một xã hội tuyệt đẹp”. Sucsin đã “tạo dựng thành công hai tuyến nhân vật - nhân vật hiện thực, bình thường và nhân vật “kì quặc”, “lập dị”. Cả hai loại nhân vật này, với những sắc thái riêng, đều phản ánh rất chân thực và đậm nét tư tưởng chủ đạo trong sáng tác của Sucsin, tạo nên những tính cách điển hình, sống động nhất của con 8 người đương đại” [5,395]. Ở đây chúng tôi chú ý đến nhân vật “kì quặc” của Sucsin - kiểu nhân vật đặc trưng xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm của ông, hay còn gọi là những kiểu người “ngồ ngộ” “ngô nghê” “lẩm cẩm” “khờ khạo” “gàn dở” “hâm hấp” “nực cười”… Nhân vật kì quặc là nhân vật có những biểu hiện kì lạ đến mức trái hẳn với lẽ thường, khó hiểu. Nó có thể là do một đam mê quá mức, một lầm lỡ nhất thời, một nhược điểm khó sửa, một đôi chút gàn dở, hâm hấp. Sucsin không phải là người đầu tiên đưa nhân vật kì quặc vào văn học Nga. Chúng ta đã từng bắt gặp nhân vật kì quặc trong các tác phẩm của A.Sêkhôp, đáng nhớ nhất là người giáo viên dạy tiếng Hy Lạp Bêlicôp trong “Người trong bao”, một kiểu người luôn tự thu mình trong cái bao vô hình, có những suy nghĩ và hành động lập dị. Đó còn là các nhân vật buồn cười trong sáng tác của M.Sôlôkhôp - người đóng góp tiếng nói đầu tiên về cái “ngồ ngộ” trong tính cách con người vào văn học Nga đương đại: con người phải có một chút gì đó ngồ ngộ, không có tí ngồ ngộ ấy thì con người trần trụi, thảm hại như một cái roi thôi. Épghênhi Xiđôrôp trong bài “Vài ý nghĩ về truyện ngắn Liên Xô và thời đại chúng ta” (Văn học Xô viết số 330 - 1986 ) được dịch và đăng trong Báo văn nghệ số 34/1986 có viết: “Từ sau Cách mạng tháng Mười đã nhiều lần có những nhà văn, nhà phê bình tuyên bố rằng truyện ngắn là thể loại “bên lề” “ngoại vi” và đang tàn. Nhưng chỉ cần một tác giả mới xuất hiện (như V.Sucsin) là người ta lại thấy rằng chẳng những truyện ngắn vẫn sống mà nó còn đem lại cho toàn bộ văn học nhiều tư tưởng thẩm mĩ mới mẻ, độc đáo… Chính nhờ một truyện ngắn đầy tài năng mà một nhân vật mới được đưa vào văn xuôi” [39,49], và thực tế Sucsin đã đưa vào văn xuôi Xô viết một kiểu nhân vật mới. Các nhà nghiên cứu văn học đã dành sự quan tâm đặc biệt tới kiểu nhân vật “kì quặc” của Sucsin. Trong “Giáo trình văn học Xô Viết” tập II, NXB Giáo dục. 1988, Giáo sư Nguyễn Hải Hà và Đỗ Xuân Hà có nhắc tới V. Sucsin và kiểu nhân vật của nhà 9 văn “Sang những năm 60, chúng ta bắt gặp kiểu người ngộ nghĩnh lẩm cẩm trong truyện ngắn V. Sucsin” [25,84]. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn “ Văn học Xô Viết đương đại ” NXB ĐH và THCN, 1987 có viết “Sự đột nhập của những nhân vật có cá tính “ngồ ngộ” vào văn học Xô viết giai đoạn hiện tại - mà tiêu biểu là con người ngộ nghĩnh trong sáng tác của V. Sucsin - là biểu hiện của sự mở rộng chủ nghĩa nhân đạo và sự phát triển chiều sâu của những tư tưởng dân chủ trong văn học” [14,19]. Ngay bản thân Sucsin đã từng thú nhận: “Hình như dưới cây bút của tôi, trên trang giấy hiện ra những nhân vật sống động” [45]. Khi dịch tập truyện “Trăn trở” dịch giả Anh Trúc cho biết “Trong sáng tác Sucsin đã dành nhiều tâm huyết cho truyện ngắn. Truyện ngắn của anh có cấu trúc cổ điển, ngắn gọn. Nhân vật của anh là những người lao động bình thường, mà hành động của họ thường là cọc cằn, thô bạo, khờ khạo, nực cười… Nhưng cũng chính họ, một lúc nào đó lại để lóe ra những suy tư và hành động nhân hậu, cái vốn là bản chất Nga. Những suy tư lãng mạn, cao cả, nhân ái… Họ đòi hỏi một sự công bằng trong xã hội” [1,6]. “Những nhân vật của anh không có con người tròn trĩnh, hoàn thiện đến tột cùng. Đời sống trong truyện anh khắc nghiệt, hài hước, khi thô bạo, khi dịu dàng và bao giờ cũng bao hàm một nội dung nhân hậu, nhân bản” [1,7]. Trong bài viết “Văn xuôi Xô viết hiện đại viết về nông thôn: đề tài, tư tưởng và hình tượng” của Vxevơlôp Xuaganôp viết cho Báo Văn nghệ (Nguyễn Đăng dịch) được in Báo văn nghệ số 46/1982, nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: “Con người từ nông thôn chuyển vào thành phố mang theo những thói quen và nếp nghĩ của người nông dân về lao động, về cơ sở gia đình, về quan hệ vợ chồng, con cái vào nếp sống và làm việc ở thành phố. Sự tác động qua lại từ hai điểm xuất phát đó đã dẫn tới những xung đột nhiều khi gay gắt. Người đầu tiên khám phá ra quá trình phức tạp bậc nhất đó là nhà văn Vaxili Sucsin vừa mới đột ngột qua đời. Ông đã dành cho nó rất nhiều truyện ngắn của mình, những truyện ngắn 10 giàu kịch tính, thông minh, sâu sắc, giàu hình tượng và bám sát hiện tượng” [40,50]. “Hình tượng “con người kì quặc” có thể và cần phải trở thành hình tượng nghệ thuật mang tính cương lĩnh trong sáng tác của nhà văn Sucsin” [5,410]. Để xây dựng loại nhân vật văn học độc đáo “người kì quặc”, Sucsin đã sử dụng thành công nghệ thuật hài hước - ảnh hưởng nghệ thuật hài hước Sêkhôp nhưng vẫn mang những nét phát triển mới phù hợp với thời đại mới. Đằng sau tiếng cười hài hước nhẹ nhàng, mua vui ta nhận ra những bài học cuộc đời. Chất hài hước trong truyện ngắn Sucsin không mang tính trào phúng mạnh mẽ gay gắt, mà đôn hậu, thâm trầm “mang nội dung tâm lí, đạo đức, triết lí sâu sắc” [5,403], nó cũng “góp phần đáng kể tạo dựng nên khung cốt và tư tưởng cốt truyện, cũng như tính cách nhân vật” [5,400]. Được “thừa hưởng từ chất hài hước truyền thống Sêkhôp”, nhưng chính nó đã đưa Sucsin “tới đỉnh cao của sự thăng hoa văn học” [5,395]. “Chất hài hước của Sucsin giàu tính nhân đạo, chất hài hước đặc sắc Nga, mang đậm nét truyền thống nhằm phục vụ cho mục đích và lý tưởng cao đẹp của mọi thời đại” [5,410]. Trần Vĩnh Phúc trong “Nét đẹp trong ngôn ngữ và thơ ca Nga” đã xem xét ngôn ngữ truyện ngắn Sucsin dựa trên sự ảnh hưởng của ngôn ngữ Sêkhôp: “Thừa hưởng ngôn ngữ ngắn gọn của Sêkhôp, phong cách ngôn ngữ truyện ngắn của nhà văn Sucsin cũng mang sắc thái riêng, giản dị, ngắn gọn, cô đọng, không có những miêu tả dài hơi, nhiều lời, kế cả chân dung nhân vật, chủ yếu là những đối thoại sinh động, tự nhiên của các nhân vật với sắc thái ngôn ngữ nông dân vùng quê Xibiri của ông, pha trộn chất hài hước Nga đôn hậu” [5,410]. Tóm lại, hình tượng “con người kì quặc” đã trở thành hình tượng nghệ thuật “mang tính cương lĩnh trong sáng tác của nhà văn Sucsin” [5,410]. Với kiểu nhân vật này Sucsin đã cùng với các nhà văn cùng thời khai mở một đề tài lớn, quan trọng trong văn học Xô viết đó là số phận của nông thôn Nga, của những người nông dân Nga mang tính cách điển hình trong thời kì đô thị hóa. Đằng sau vẻ ngoài thô ráp, tiếng cười hài hước ta nhận ra vẻ đẹp tâm hồn thật 11 đáng trân trọng của những người nông thôn. Sucsin đã làm được nhiệm vụ lớn lao của một nhà nghệ sĩ: nhìn thấy cội nguồn của đạo đức nhân dân, có ý thức dân tộc bảo vệ những truyền thống tập tục tốt đẹp truyền lại cho thế hệ mai sau, đồng thời đẩy thành thị và nông thôn xích lại gần nhau hơn, để xã hội này ngày càng tốt đẹp, tiến bộ. Những năm gần đây tại ĐHSP Hà Nội luận văn Thạc sĩ cũng như khoá luận tốt nghiệp rất ít nghiên cứu về Sucsin, mới chỉ có hai khoá luận viết về ông là của Nguyễn Thị Mĩ Lương (“Kiểu nhân vật kì quặc trong truyện ngắn V. Sucsin”, 5/1997) và Tạ Hoàng Minh (“Tiếng cười trong truyện ngắn V. Sucsin”, 5/2001). Truyện ngắn cũng như bao thể loại khác nó cũng luôn thay đổi để phù hợp với hiện thực cuộc sống, với con người, song những tác phẩm thật sự có giá trị, mang tính thời đại như truyện ngắn của V.Sucsin sẽ còn tồn tại mãi, vị trí của ông sẽ ngày càng được trân trọng. Sucsin xứng đáng nhận được sự yêu mến, tự hào của nhân dân Nga nói riêng, bạn đọc toàn thế giới nói chung. Tuy những ý kiến trên đây không đề cập trực tiếp đến đề tài nghiên cứu, nhưng tất cả sẽ là gợi ý vô cùng quý báu giúp ích cho chúng tôi trong việc tìm hiểu “Nông thôn trong truyện ngắn Vaxili Sucsin”. Có thể chưa thật thấu đáo song người viết vẫn muốn trình bày những suy nghĩ của mình với hy vọng được hiểu sâu hơn về con người, cuộc sống người dân Xô viết những năm 60 - 70, và bày tỏ niềm kính trọng tới một trái tim nhân hậu, một nhân cách Nga, “một thiên tài bẩm sinh từ đám đông nhân dân” - Vaxili Sucsin. III. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của đề tài này là tìm hiểu một số truyện ngắn đặc sắc của Sucsin đã được dịch và giới thiệu qua các tuyển tập ở Việt Nam, cụ thể là 32 truyện ngắn ở những ấn phẩm sau: 1. Sucsin V. (1986), Trăn trở - Tuyển tập truyện ngắn (Anh Trúc dịch). Nxb Văn học, Hà Nội. 12 2. Sucsin V. (1989), Mặt trời, ông già và cô gái – tuyển tập truyện ngắn. Nxb Tpm, Hà Nội. 3. Nhiều tác giả (1987), Tuyển tập truyện ngắn Xô Viết tập II, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội. 4. Nhiều tác giả (1986), Ba giờ đồng hồ giữa hai chuyến bay: Tập truyện ngắn nước ngoài/ Crixti, Ibnatôp, Sucsin…, Nxb Mũi Cà Mau. 5. Trần Vĩnh Phúc (2003), Nét đẹp trong thơ văn và ngôn ngữ Nga, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tìm hiểu nông thôn Nga đương đại qua một số truyện ngắn của Vaxili Sucsin (gồm những truyện đã nêu trong phạm vi trên) IV. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 1. Mục đích nghiên cứu Làm sáng tỏ thế giới nông thôn, vấn đề con người, cuộc sống sinh hoạt nông thôn trong truyện ngắn V.Sucsin, đồng thời xác định những phương tiện miêu tả để thấy được phong cách sáng tác của nhà văn. 2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích trên, chúng tôi đề ra những nhiệm vụ cụ thể sau: - Xác định khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt trong truyện ngắn V.Sucsin. - Xác định các kiểu nhân vật nông thôn trong truyện ngắn V.Sucsin. - Xác định các kiểu cốt truyện nông thôn trong truyện ngắn V.Sucsin. V. Phương pháp nghiên cứu Người viết vận dụng phương pháp chủ yếu trong quá trình triển khai đề tài là phương pháp tiếp cận tác phẩm từ góc độ thi pháp: tách riêng các yếu tố cấu thành một chỉnh thể nghệ thuật thành các đơn vị riêng để khảo sát, từ đó khẳng định những nét độc đáo của Sucsin so với các nhà văn khác. Bên cạnh đó trong quá trình nghiên cứu người viết còn dùng các phương pháp bổ trợ sau: 13 - Khảo sát, thống kê. - So sánh, đối chiếu. - Tổng hợp, rút ra các kết luận cần thiết. VI. Đóng góp của luận văn Trên cơ sở tiếp thu và học hỏi những ý kiến đánh giá, bàn luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu đề tài “Nông thôn trong truyện ngắn Vasili Sucsin”: khung cảnh nông thôn, nhân vật nông thôn và cốt truyện nông thôn. Từ đó, chúng tôi chỉ ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức không gian, nhân vật, cốt truyện của nhà văn. Bước đầu tìm hiểu đề tài nông thôn trong truyện Sucsin, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về nông thôn Nga, con người Nga và về phong cách của một nhà văn được người dân Nga yêu mến, trân trọng. VII. Cấu trúc luận văn Ngoài Phần mở đầu và Kết luận, luận văn của chúng tôi dự kiến triển khai theo ba chương Chương 1: Khung cảnh nông thôn trong truyện ngắn V. Sucsin Chương 2: Con người nông thôn trong truyện ngắn V. Sucsin Chương 3: Cốt truyện nông thôn trong truyện ngắn V. Sucsin 14 CHƯƠNG I: KHUNG CẢNH NÔNG THÔN TRONG TRUYỆN NGẮN VAXILI SUCSIN Trong mọi hoàn cảnh thơ văn Nga luôn mang lại một sức sống mới làm tâm hồn người ta hạnh phúc và yêu đời hơn. Thế hệ các nhà văn “cải tổ” vẫn luôn nối tiếp truyền thống đẹp đẽ trước đó, nhiều nhà văn đã thành công với mảng đề tài nông thôn Nga. Vaxili Sucsin là một trong số những người đạt được thành công xuất sắc ấy. Sinh ra ở nông thôn, Sucsin hiểu sâu sắc vùng đất này và người nông dân. Ông đã góp phần cùng các nhà văn dựng lên chân dung nông thôn mà trước hết là khung cảnh nông thôn. Khung cảnh là toàn cảnh những gì ở xung quanh con người và tạo thành một không khí thường xuyên cho cuộc sống, nó gần nghĩa với “môi trường”. Hiểu như vậy thì thuật ngữ “khung cảnh” thống nhất thuật ngữ “không gian nghệ thuật” trong tác phẩm văn học. Vì vậy trong chương I, người viết tìm hiểu khung cảnh nông thôn cũng như không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Sucsin nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, khung cảnh sinh hoạt của người dân làng quê Nga những năm 60 - 70 của thế kỉ XX. “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật… không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó” [33,107]. Bản thân người viết bao giờ cũng nhìn sự vật, sự việc trong một khung cảnh, một góc nhìn nhất định. Nhờ điểm nhìn đó của chủ thể mà không gian có chiều cao thấp, rộng hẹp, xa gần… “Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả” [33,107]. Vì không gian nghệ thuật “là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, do đó không thể quy nó về sự phản ánh giản đơn không gian 15 địa lí hay không gian vật chất” [33,108]. Cấu trúc không gian nghệ thuật trong tác phẩm là “sự mô hình hóa các mối liên hệ với thời gian, xã hội, đạo đức của bức tranh thế giới thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của nhà văn” [45,109]. Như vậy việc tìm hiểu không gian nghệ thuật có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp ta thấy được cấu trúc nội tại trong tác phẩm, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của nhà văn. Không gian nghệ thuật cùng với thời gian nghệ thuật là những phạm trù bản thể của thi pháp học - khoa học nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật từ lĩnh vực hình thức chứa đựng nội dung, mang tính quan niệm. Không gian nghệ thuật là nền cảnh, là môi trường hoạt động của các nhân vật, sự kiện và quan hệ. Nghiên cứu không gian nghệ thuật trong tác phẩm sẽ giúp cho việc tìm hiểu sự triển khai ý đồ tư tưởng của tác giả thông qua sự gắn bó giữa nhân vật và khung cảnh. Tìm hiểu khung cảnh nông thôn trong truyện ngắn Vaxili Sucsin người viết xác định hai khung cảnh: cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt. 1. Cảnh thiên nhiên Sợi dây níu giữ tâm hồn Sucsin là đất nước Nga, là tấm lòng gắn bó với làng quê yêu dấu. Tuổi thơ thấm đượm nỗi buồn đã ban tặng cho Sucsin tâm hồn nhạy cảm và tinh tế. Nhà văn luôn trân trọng mỗi khi nhắc đến vùng Antai - nơi ông sinh ra và trưởng thành. Vùng đất Antai ở Tây Xibiri là vùng đất “có tất cả mọi thứ”: rừng cây, núi đồi, đồng cỏ, những con sông chảy xiết…, con người thì bình dị, thuần hậu với nếp sống truyền thống. Thiên nhiên, con người Nga đều được Sucsin đưa vào trong truyện với tất cả những gì tươi đẹp, bình dị, chân thật nhất. 16 Thiên nhiên là tri kỉ muôn đời của nghệ sĩ, và mô tả nó sống động luôn là cái đích cao nhất của tất cả các nhà văn, mỗi người có phong cách riêng để đạt đến điều đó. Sucsin ưu ái đặc biệt với phong cảnh thiên nhiên, thiên nhiên trong truyện của ông không hề khô cứng, vô hồn mà nó là một thế giới đa thanh, sống động như một sinh thể tràn đầy sức sống. Sucsin chú trọng nắm bắt những khoảnh khắc kì diệu của thiên nhiên rồi với bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, ông tô màu, phối sắc cho thiên nhiên thành họa phẩm. Và chẳng có một thiên nhiên nào tách biệt khỏi con người, mỗi chuyển động li ti nhất của cảnh vật xung quanh đều là chuyển động của cuộc sống. Bởi vậy, Sucsin luôn có ý thức nắm bắt thật nhanh những chuyển động li ti ấy, chớp lấy những nét thoáng qua của thiên nhiên những để lại nhiều cảm giác trong lòng người chiêm nghiệm. Bức tranh thiên nhiên trong truyện ngắn Sucsin vừa phản ánh hiện thực khách quan vừa phản ánh tâm lí nhân vật. Nhưng không phải đoạn thiên nhiên nào cũng thể hiện nội tâm nhân vật. Thế giới thiên nhiên trong truyện Sucsin rất đa dạng, người viết đã khái quát và tìm hiểu những nét đặc sắc nhất đặc trưng cho khung cảnh nông thôn, thể hiện rõ quan niệm và phong cách sáng tác của ông, qua đó giúp ta nhận ra điểm khác biệt trong cách miêu tả của nhà văn so với các tác giả nông thôn khác. Thiên nhiên đó hiện lên với các kiểu không gian: rộng hẹp khác nhau, đủ hương thơm, màu sắc, ánh sáng và thanh âm tương hợp giao hòa. 1.1. Hương đồng gió nội 1.1.1. Tiết trời bốn mùa Phong cảnh làng quê Nga yêu dấu luôn là niềm thương, nỗi nhớ của tất cả các nghệ sĩ. Nếu như Puskin yêu mến và cảm thương nỗi buồn của làng quê trong tiếng hát của người xà ích, tiếng nhạc ngựa đều đều vang vọng. Êxênin yêu 17 làng quê trong màu sắc của những cánh đồng đỏ thắm, trong dáng đứng bạch dương xõa tóc dưới trăng, trong những ngôi nhà gỗ. Aimatôp khát khao làng quê của thảo nguyên rộng lớn. Bunin lưu giữ trong tâm hồn mình một góc nhớ thương và mến yêu vời vợi với phong cảnh làng quê Nga, không gian mang nỗi buồn phong tục. Thì đến Sucsin, một nhà văn nông thôn hiện đại bên cạnh niềm trăn trở lo âu với sự chuyển mình của làng quê trong thời đại mới, ông đã tái hiện bức tranh phong cảnh thiên nhiên hiện thực, vừa xa gần, thoáng rộng, vừa gần gũi, yêu thương. Sêkhôp trong thư gửi một người bạn năm 1895 từng nói với nội dung rằng: Mô tả thiên nhiên trước hết cần phải như tranh vẽ, để cho bạn đọc khi nhắm mắt lại có thể tưởng tượng ngay ra được phong cảnh mô tả. Đây không phải tiêu chí mô tả thiên nhiên quan trọng của riêng Sêkhốp, mà nó đã là tiêu chí của tất cả những nghệ sĩ yêu thích thiên nhiên. Đến với truyện nông thôn của Sucsin ta dễ dàng nhận ra những bức tranh tươi đẹp tràn đầy sức sống với đủ bốn mùa. Mỗi mùa nước Nga lại thay một bức tranh mới và mùa nào cũng đẹp: mùa xuân “mùa chảy nhựa” [2,31] “hiền lành khờ khạo như cô gái chưa đến tuổi dậy thì” [1,178], bầu trời xanh trong bát ngát, cây cối tươi tốt; mùa hè “mùa sinh sản” [2,84], không khí trong lành, những thảo nguyên bao la lộng gió chan hòa ánh mặt trời, hoa nở rộ khắp nơi, đồng cỏ khô hương thơm ngào ngạt; mùa thu trăng hiền hòa, thanh bình, rất đẹp và cũng rất buồn, nỗi buồn chậm rãi và kéo dài lê thê bởi những cơn mưa âm thầm, trời âm u, những cơn gió lạnh thổi thốc lên như xoáy sâu vào lòng người một nỗi buồn, nhớ, tiếc nuối; còn mùa đông dữ dội bởi gió, bão tuyết, khắp nơi tuyết phủ đầy, trắng xóa trên các ngôi nhà, con đường. 19/32 truyện nhà văn chỉ rõ từng mùa, một số truyện tuy không nói tới mùa nào nhưng qua tác phẩm người đọc dễ nhận ra đang là thời tiết nào trong năm. 18 Sucsin miêu tả tiết trời từng mùa, từng tháng, từng ngày… vừa cụ thể, chân thực giúp ta nhận ra thời tiết đặc trưng làng quê Nga: đấy là “khí hậu Xibia khắc nghiệt và người dân ở đấy lao động rất cực nhọc” [2,3], “đêm tháng tám ẩm ướt” [2,29], “sáng tháng bảy mát mẻ” [2,77]… Nhưng bên cạnh tiết trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu, thoáng đãng, Sucsin còn hay đặc tả thời tiết dữ dội, nhất là trận bão tuyết mùa đông: “đường băng giá, tuyết dày đặc mặt đường trắng xóa, gió rít bên tai như đạn bắn vào mặt” [1,137], “gió hú trên đỉnh đầu” [1,136], hay cái nắng cháy mùa hè “ánh nắng thiêu đốt như có ai đặt cái bánh đa nóng lên đầu” [1,28], hay là cơn dông trên đồng cỏ được miêu tả đầy ấn tượng “cơn giông đã kéo đến ầm ầm, sấm chớp ì ùng từ tứ phía, mưa táp vào mặt ran rát… khi ở phía trên cao ánh chớp lóe sáng, thì mọi vật dưới mặt đất - những đụn lúa, đống rạ, cây cối, những bó lúa chất thành đụn có mái, những chú ngựa đứng bất động - trong khoảnh khắc dường như bị treo lơ lửng trong không trung, rồi sau đó bóng tối nuốt chửng tất cả, từ trên cao giội xuống tiếng ì ầm âm vang, nghe như tiếng những giọt nước không lồ từ trên núi rơi bắn xuống vực thẳm” [5,233]. Tất cả hiện lên như một nông thôn Nga có thật đang chuyển động trong từng khoảnh khắc thời gian. Cái dữ dội hay êm đềm của thời tiết đã in dấu ấn lên mọi cảnh vật của bức tranh phong cảnh đem lại ấn tượng khác nhau cho khung cảnh. 1.1.2. Hương vị đồng quê Thiên nhiên trong truyện ngắn của Sucsin là một thiên nhiên tươi xanh, thuần hậu, bình dị mà đầy sức hấp dẫn, mang đặc trưng tiêu biểu của làng quê Nga. Làng quê ấy trở nên yên bình, trong lành là nhờ có cây cối, hoa cỏ tươi tốt. Đến với truyện nông thôn của Sucsin người đọc được đến với những loài cây đặc trưng cho xứ sở Nga. Quen thuộc nhất là những hàng bạch dương. Nó vốn được 19 xem là loài cây thiêng ở Đông Âu, đặc biệt là ở Nga đây được xem là loài cây linh hồn của nước Nga, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của tình yêu và hạnh phúc. Và không ở đâu ta bắt gặp nhiều bạch dương bằng ở thôn quê: “cây bạch dương non mọc bên rào đung đưa” [2,145], “trên hàng bạch dương lá đã bắt đầu ráo nước ở ngoài đầu cành nhưng vẫn còn giữ được cái vẻ duyên dáng trẻ trung như vừa tắm gội lấp lánh trong cái ánh nóng bức” [1,25]. Và với người dân, bạch dương không chỉ là loài cây thân quen, là linh hồn của làng quê mà bạch dương còn giúp họ gửi gắm những tình cảm khó nói thành lời: “Mỗi khi gió Nam ấm áp thổi qua, những cành dương lay động, đung đưa muôn vàn chiếc lá như những bàn tay xanh mướt. Hình như chúng muốn nói một điều gì đó nhưng không nói lên được thành lời” [1,107]. Bạch dương còn đi vào cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, trở thành loài cây hữu ích: những thanh củi bạch dương dùng để nhóm lò tắm hơi của mỗi gia đình trong ngày đông lạnh giá: củi bạch dương “màu trắng phau và tươi rói, chất tinh khiết kín đáo…mùi thơm từ chúng thoảng ra tươi mới, từ nội tạng, hơi giá lạnh như hương sắc của rừng cây” [2,223], “mùi thơm của thanh củi bạch dương dịu dịu thoang thoảng” [2,225], thùng gỗ bạch dương là nơi ủ món bia dân dã thơm ngon. Bên cạnh bạch dương còn có những hàng phong reo bên sông, có hoa tử đinh hương thoang thoảng vị đắng xen vào gió trời, là khóm đũm hương dưới chân bờ rào, là muôn loài cây, loài hoa đồng nội “những cây xanh tươi còn non nớt đang hút nhưạ sống từ trong lòng đất. Xung quanh hoa nở rộ… những chỗ hoa vừa tàn đã nhú lên cái bầu nho nhỏ của trái non” [2,84], “muôn vàn thứ cỏ, đủ các loại hoa tỏa hương thơm ngào ngạt” [1,64]. Một không gian tươi đẹp với đủ sắc hoa đã khiến tâm hồn con người trở nên tươi trẻ, tha thiết yêu cuộc sống hơn biết chừng nào. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất