Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nội dung tư tưởng của phan thanh giản trong lương khê thi văn bổ lục...

Tài liệu Nội dung tư tưởng của phan thanh giản trong lương khê thi văn bổ lục

.PDF
70
413
75

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN PHAN THỊ KIM NGỌC NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CỦA PHAN THANH GIẢN TRONG LƯƠNG KHÊ THI VĂN BỔ LỤC Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: ThS. TẠ ĐỨC TÚ Cần Thơ, năm 2011 1 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT  A. Phần mở đầu 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu B. Phần nội dung Chương 1: Vài nét về Phan Thanh Giản và tác phẩm 1.1. Phan Thanh Giản 1.1.1. Tiểu sử 1.1.2. Con người 1.1.3. Sự nghiệp sáng tác 1.2. Vài nét về Lương Khê thi văn bổ lục Chương 2: Bối cảnh lịch sử và tư tưởng thời đại Phan Thanh Giản 2.1. Bối cảnh lịch sử 2.2. Tư tưởng trong thời đại Phan Thanh Giản Chương 3: Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê Thi văn bổ lục 3.1. Tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục 3.1.1. Quan niệm về đạo thần tử 2 3.1.2. Quan niệm về đạo trị quốc 3.1.3. Quan niệm về con đường cứu nước của Phan Thanh Giản 3.2. Vẻ đẹp phẩm chất của Phan Thanh Giản qua LươngKhê thi văn bổ lục 3.2.1. Ý thức và nỗi day dứt trách nhiệm 3.2.3. Có nhân cách và tinh thần nhân đạo cao cả 3 A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài: Phan Thanh Giản là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kì, một danh sĩ, đại thần từng giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới ba triều vua nhà Nguyễn. Cuộc đời và sự nghiệp của ông không bằng phẳng, luôn gặp nhiều biến cố thăng trầm trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Về chính trị, hành vi lịch sử của Phan Thanh Giản có nhiều nhận định, đánh giá rất khác nhau. Nhưng về đạo đức, Phan Thanh Giản là một tấm gương về “tính cương trực, khảng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm và được nhiều người xưng tụng”[7; 8]. Mặt khác, Phan Thanh Giản còn là nhà thơ, nhà văn, một học giả uyên bác. Phan Thanh Giản để lại sự nghiệp văn chương khá đồ sộ, đủ các thể loại, nội dung tương đối phức tạp. Thế nhưng, trước đây, do những hạn chế khách quan và chủ quan, các sáng tác thơ văn của ông chưa được quan tâm đúng mức. Ngày nay, thế giới quan và nhân sinh quan thay đổi, con người nhìn nhận những vấn đề lịch sử cởi mở hơn, toàn diện hơn. Do đó, vấn đề tìm hiểu về thơ văn Phan Thanh Giản ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình quan tâm. Chọn đề tài nghiên cứu Nội dung tư tưởng Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục, người viết mong muốn góp phần tìm hiểu một mảng nội dung tư tưởng trong thơ văn của ông. Đây là điều khá mới mẽ và thật sự hấp dẫn đối với người viết. Tuy Lương Khê thi văn bổ lục chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Phan Thanh Giản nhưng cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan điểm, lập trường tư tưởng, cũng như có cái nhìn toàn diện, trung thực và khách quan hơn về con người Phan Thanh Giản thông qua các tác phẩm của ông. Mặt khác, việc tìm hiểu tư tưởng Phan Thanh Giản trong Lương khê thi văn bổ lục có thể góp phần khẳng định giá trị lịch sử cũng như giá trị 4 văn học hiện hữu của các tác phẩm trong Lương Khê thi văn bổ lục nói riêng, thơ văn Phan Thanh Giản nói chung. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề tài này cũng là dịp người viết trở lại tìm hiểu sâu sát hơn về cuộc đời, sự nghiệp, cũng như tư tưởng tình cảm của vị Tiến sĩ nhiều gian truân này. Đồng thời, hiểu thêm về một giai đoạn được xem như dấu mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Chính những điều vừa trình bày trên, người viết đã chọn đề tài Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp của mình. Với chuyên luận này, người viết đánh giá khách quan tư tưởng tình cảm của vị Tiến sĩ Phan Thanh Giản qua nội dung những bài thơ cụ thể. Từ đó, có thể giúp ích cho những ai mong muốn nghiên cứu sâu hơn về thơ văn của ông. 2. Lịch sử vấn đề: Thơ văn Phan Thanh Giản cho đến nay đã được sự quan tâm, chú ý của giới văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu, phê bình văn học… Có khá nhiều công trình nghiên cứu về thơ văn của ông rất công phu, tâm quyết. Dưới đây người viết lần lượt điểm qua các công trình nghiên cứu về thơ văn Phan Thanh Giản nói chung, một số bài viết tranh luận hay giới thiệu có liên quan đến đề tài. Trước hết, người viết muốn nói đến công trình Thơ văn Phan Thanh Giản do Phan Thị Minh Lễ và Chương Thâu biên soạn, nhà xuất bản Hội nhà văn, H - 2005. Trong công trình nghiên cứu này, những người biên soạn đã sưu tầm và tập hợp các tác phẩm thơ văn của Phan Thanh Giản rất quy mô và công phu. Trong đó, có bộ Lương Khê thi văn bổ lục mà chúng tôi dùng làm tư liệu chính để nghiên cứu. Trong bài Giới thiệu di cảo Phan Thanh Giản Lương Khê thi văn thảo, Chương Thâu đã nhận định về văn của ông như sau: “Người đọc sẽ không chú ý nhiều đến “chất văn học” mà trân trọng cách viết thẳng thắn, không né tránh”[7; 19]. Điều đó cũng có nghĩa là qua những tác phẩm văn của Phan Thanh Giản như biểu, sớ, tấu… người đọc nhận ra một con người rất cương trực, khảng khái, đầy trách nhiệm với bổn phận tôi hiền. Điều này thể 5 hiện chí hướng, tư tưởng Phan Thanh Giản trong mối quan hệ giữa quân - thần, về trách nhiệm và quan niệm sống của ông. Ngoài ra, người đọc sẽ gặp “một nhà tư tưởng theo phái Nho học ở những bài luận biện. Trên lập trường nho học chính thống, Phan Thanh Giản bàn về vấn đề “hiếu để”, “hòa chiến”, mà các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam không thể bỏ qua”[7; 19]. Đấy là những lời nhận định rất đáng lưu ý của Chương Thâu về Phan Thanh Giản. Chứng tỏ thơ văn của Phan Thanh Giản chuyển tải những quan niệm tư tưởng nho gia của ông, giúp người viết dần tiếp cận và tìm hướng đi đúng cho đề tài. Một điểm đáng lưu ý nữa, trong bài viết này Chương Thâu đã phân tích nội dung một số bài thơ cụ thể để làm bật lên tư tưởng của nhà thơ. Chương Thâu cho rằng người đọc “dễ cảm nhận tâm hồn kín đáo, cảm giác tha hương” [7; 17] mà Phan Thanh Giản bộc bạch trong thơ. Từ đó bật lên tư tưởng của một vị Tiến sĩ không gặp thời phải mang nhiều nỗi niềm tâm sự. Nhìn chung, công trình này mang tính bao quát rộng, chỉ nhằm tập hợp lại sự nghiệp văn chương đồ sộ còn tản mát của Phan Thanh Giản chứ chưa khai thác rõ ràng, tỉ mẫn nội dung tư tưởng hay những khía cạnh khác của các tác phẩm. Mặc dù những ý kiến nhận định của Chương Thâu còn chung chung, chưa được triển khai cụ thể nhưng cũng đã mở ra hướng nghiên cứu cho người viết, giúp người viết nhận ra vấn đề và nội dung cần thể hiện của đề tài. Đó là cơ sở, kiến thức nền tảng để người viết nghiên cứu trong suốt quá trình thực hiện đề tài này. Trong quyển Từ điển văn học (Bộ mới), nhà xuất bản Thế giới, Đỗ Đức Hiểu chủ biên, H - 2004. Khi bàn về tác gia Phan Thanh Giản, các tác giả soạn từ điển đã khẳng định: “Nếu con người Phan Thanh Giản trong văn là con người ngay thẳng, trong sạch, thì con người Phan Thanh Giản trong thơ lại là con người rất giàu tình cảm. Đó là lòng thương nhớ gia đình, làng xóm, đặc biệt là tình cảm vợ chồng được ông diễn tả với một cảm xúc mạnh mẽ, chân thật”[3; 1396]. Các tác giả nhấn mạnh phương diện con người tình cảm, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, cao quý của Phan Thanh Giản thể hiện qua thơ văn. 6 Ngoài ra, các tác giả còn đánh giá “Văn thơ Phan Thanh Giản cho thấy hình ảnh một nhà Nho chính thống “An bần lạc đạo”, sống có tình với bạn bè, anh em, biết coi “trí quân trạch dân” là mục đích chân chính của mình. Mặt khác, con người ấy cũng có tầm nhìn khác thường và chính vì cách nhìn này mà đâm ra buồn nản trước thế cuộc”[3; 1396]. Chỉ vài dòng vắn tắt nhưng các tác giả đã có những nhận định khái quát về tư tưởng, tình cảm và con người Phan Thanh Giản. Tuy chỉ dừng lại ở những nhận định, đánh giá chung chung, chưa đi vào phân tích cụ thể, chi tiết nhưng những nhận định của các tác giả này đã góp phần khẳng định đúng đắn tấm lòng và tư tưởng của Phan Thanh Giản trước cuộc đời và trong thơ văn. Đây là công trình cung cấp cho người viết nhiều kiến thức bổ ích cho quá trình thực hiện đề tài. Tạ Ngọc Liễn trong quyển Bút hoa, nhà xuất bản Thanh Niên, H - 2006, có bài viết Con người Phan Thanh Giản qua thơ đã có lời nhận định về ông như sau: “Nếu xét về phương diện chính trị, hành vi lịch sử của Phan Thanh Giản đã và vẫn còn là vấn đề cần làm sáng tỏ hơn. Nhưng về con người Phan Thanh Giản, nhân cách, đạo đức cũng như tấm lòng của ông đối với nhân dân, đất nước thì có lẽ ít ai chê trách được. Thơ Phan Thanh Giản đã phản ánh rõ điều đó”[10; 258]. Như thế, thơ của Phan Thanh Giản không chỉ biểu lộ tình cảm với gia đình một cách chân thành như nhận xét của các tác giả quyển Từ điển văn học - bộ mới, mà Tạ Ngọc Liễn còn khẳng định tấm lòng của nhà thơ đối với nhân dân, với đất nước. Do đó, nhận định này ngoài ca ngợi phẩm cách Phan Thanh Giản còn nhằm khẳng định thơ ông cũng thể hiện tư tưởng yêu nước thương dân nữa. Trong bài viết này, Tạ Ngọc Liễn đã đi vào phân tích, chứng minh tấm lòng yêu nước, thương dân, làm nổi bật tư tưởng nhân đạo cao cả của Phan Thanh Giản trong những bài thơ thắm đượm tình người của ông. Nhìn chung, Tạ Ngọc Liễn đã có sự tiếp thu và kế thừa những nhà nghiên cứu trước. Cách nhận định của Tạ Ngọc Liễn về thơ của Phan Thanh Giản cũng thống nhất với ý kiến của Chương Thâu và các tác giả quyển Từ điển văn học - bộ mới. Dù chưa phải đầy đủ nhưng bài viết một lần nữa đã 7 khẳng định lại cách đánh giá của các tác giả trước. Vì thế, đây là tài liệu quý giúp người viết hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng Phan Thanh Giản thể hiện qua thơ văn nói chung. Từ đó, người viết có thể đánh giá sát đáng hơn về con người, tư tưởng của nhà thơ và mở rộng nội dung cần thể hiện cho đề tài. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Trong thơ văn Phan Thanh Giản là người theo tư tưởng nho học chính thống, có phẩm cách đạo đức đáng kính trọng và học tập. Tuy nhiên, về Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục, chúng tôi chưa tìm được những bàn luận, nghiên cứu về nó. Dù vậy, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của các nhà nghiên cứu, người viết sẽ cố gắng tìm ra những hướng nghiên cứu thích hợp nhất cho đề tài của mình. Giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và sâu sát hơn về những nội dung tư tưởng được Phan Thanh Giản gửi gắm trong Lương Khê thi văn bổ lục. Chúng tôi mong muốn góp phần khẳng định cái tâm và cái tài của một vị Tiến sĩ lỗi lạc không gặp đúng thời, cụ Phan Thanh Giản. 3. Mục đích nghiên cứu: Với đề tài Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục, người viết tập trung đi sâu nghiên cứu, lí giải vấn đề Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản một cách đầy đủ, sâu sắc nhất có thể, thông qua Lương Khê thi văn bổ lục để người đọc hiểu sâu hơn giá trị nội dung, tầm tư tưởng, cùng những tâm tư, tình cảm của “một tài năng văn chương đa dạng trong con người Phan Thanh Giản”[7; 14]. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến quý báu của các nhà nghiên cứu, phê bình, đề tài chú trọng các vấn đề sau: Hiểu những biến cố trong cuộc đời, bối cảnh lịch sử và tư tưởng thời đại Phan Thanh Giản đã sống…mà theo người viết đó là những nhân tố có ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng của tác giả. 8 Để hiểu đúng đắn Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục thì cần xác định được những nội dung cơ bản toàn bộ các tác phẩm trong Lương Khê thi văn bổ lục và một số thơ văn khác của Phan Thanh Giản để so sánh, đối chiếu. Từ đó, người viết phân tích chi tiết những câu thơ, câu văn cụ thể mà Phan Thanh Giản đã gửi gắm tư tưởng của mình vào đấy. Đồng thời, người viết sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá những chỗ chưa nhất quán, còn mâu thuẫn trong tư tưởng tình cảm của nhà thơ. 4. Phạm vi nghiên cứu: Đối với người viết, thơ văn Phan Thanh Giản nói chung, Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục nói riêng thật sự mới mẽ. Ở luận văn này, người viết giới hạn phạm vi nghiên cứu bao gồm phạm vi tư liệu và giới hạn đề tài. Về phạm vi tư liệu, người viết chọn bộ Lương Khê thi văn bổ lục trong quyển Thơ văn Phan Thanh Giản do Phan Thị Minh Lễ và Chương Thâu biên soạn, NXB Hội nhà văn, H - 2005, làm tư liệu nghiên cứu. Do yêu cầu đề tài đặt ra nên người viết chỉ khảo sát về phương diện nội dung tư tưởng Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục. Người viết chia làm hai phần lớn, cụ thể như sau: Phần một, người viết khảo sát tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục với ba nội dung cơ bản: Một là, quan niệm về đạo thần tử. Hai là, quan niệm về đạo trị quốc. Ba là, quan niệm con đường cứu nước của Phan Thanh Giản. Phần hai, người viết phân tích vẻ đẹp phẩm chất của Phan Thanh Giản được bộc lộ qua Lương Khê thi văn bổ lục. Trong đó có hai nội dung chính: Thứ nhất là ý thức và nỗi day dứt trách nhiệm. Và nội dung thứ hai là, có nhân cách và tinh thần nhân đạo cao cả. Để bài viết phong phú, vấn đề được giải quyết sâu hơn, người viết có liên hệ với một số tác phẩm khác của Phan Thanh Giản và một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu… nhằm làm nổi bật Nội dung tư tưởng của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục. 9 5. Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình thực hiện đề tài này, người viết chủ yếu sử dụng phương pháp ngữ văn học và văn bản học. Trong đó, người viết chú trọng các thao tác phân tích, tổng hợp, chứng minh, so sánh, đối chiếu để làm sáng rõ yêu cầu của đề tài, góp phần khẳng định giá trị của các tác phẩm thơ văn của Phan Thanh Giản trong Lương Khê thi văn bổ lục. Đặc biệt, người viết cố gắng chứng minh một số quan điểm thuộc lập trường tư tưởng của Phan Thanh Giản qua tập thơ văn này. Tất cả, nhằm góp phần làm rõ thêm tư tưởng Phan Thanh Giản trong thời đại của ông. 10 B. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: VÀI NÉT VỀ PHAN THANH GIẢN VÀ TÁC PHẨM 1.1. Phan Thanh Giản: 1.1.1 Tiểu sử: Phan Thanh Giản sinh 12 - 10 - 1796 (Bính Thìn), mất 4 - 8 - 1867 (Đinh Mão), tên tự là Tịnh Bá và Đạm Như, hiệu là Lương Khê và Mai Xuyên. Phan Thanh Giản “là người khai hoa tiến sĩ cho Lục tỉnh Nam Kì”[3; 1396]. Ông là danh sĩ, đại thần suốt ba triều vua nhà Nguyễn. Tổ tiên Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình danh giá ở Trung Quốc vào cuối thời nhà Minh (khoảng 1640) di cư sang Đại Nam, tới tỉnh Bình Định. Ông nội là Phan Tập, hiệu Ngẫu Cừ, bà nội là Huỳnh Thị Học. Cha là Phan Thanh Ngạn, hiệu Mai Dã, mẹ là Lâm Thị Búp. Khoảng năm 1770, dưới thời Lê Cảnh Hưng, xảy ra loạn Tây Sơn, ông nội Phan Thanh Giản mang gia đình di tản nhiều nơi. Cuối cùng, Phan Thanh Ngạn, cha của Phan Thanh Giản, về định cư ở làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Thuở nhỏ gia đình Phan Thanh Giản rất nghèo. Năm lên 6 tuổi thì mẹ ông qua đời, nhưng ông vẫn chăm chỉ học tập và quyết chí lập nghiệp bằng con đường khoa cử. Phan Thanh Giản được mẹ kế là bà Trần Thị Dương thương yêu và cho đi học với nhà sư Nguyễn Văn Noa. Năm 1825, ông đậu cử nhân trong kì thi Hương ở Gia Định. Năm 1826, tham dự kì thi Hội ở Huế, Phan Thanh Giản đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông trở thành vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kì. 11 Phan Thanh Giản có 3 đời vợ. Người vợ đầu của Phan Thanh Giản là bà Nguyễn Thị Mỹ, có 1 đứa con chết ngay lúc mới chào đời và chẳng bao lâu sau thì bà cũng qua đời. Phan Thanh Giản tái hôn với người tên Lê (có sách ghi họ Lê ), ở Long Hồ trước khi đi dự kì thi Hội ở Huế (năm 1826) 7 ngày. Bà này không có con nên bị từ bỏ, vì theo quan niệm phong kiến ngày xưa không có con nối dõi tông đường là tội bất hiếu rất lớn. Ông thành hôn với người vợ thứ 3 là bà Trần Thị Hoạch, con quan Án sát tỉnh Quảng Trị. Trần Thị Hoạch ở với Phan Thanh Giản có 3 người con trai là Phan Hương, Phan Liêm, Phan Tôn. Sau khi đậu Tiến sĩ, Phan Thanh Giản được sung chức Hàn lâm viện biên tu (hàm Chánh thất phẩm). Năm 1831, là Hiệp trấn Quảng Nam (tòng nhị phẩm), ở đây Phan Thanh Giản phái 1 phân đội quân lính đàn áp cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số ở Chiên Đàn, Quảng Nam nhưng bị thất bại. Triều đình truy cứu trách nhiệm, ông bị cách mọi chức tước, giáng làm Tiền quân hiệu lực tỉnh Quảng Nam. Năm 1832, Phan Thanh Giản phục chức với hàm Hàn lâm kiểm thảo sung Nội các Hành tẩu, rồi lần lượt được thăng đến Đại Lý Tự khanh, sung Cơ mật viện Đại thần (chánh tam phẩm). Năm 1836, vua Minh Mạng muốn ngự du Quảng Nam, Phan Thanh Giản dâng sớ can ngăn. Vì vào thời gian đó, việc đồng áng mất mùa thất bát, dân nghèo đói. Tuy vua ngưng việc tuần du nhưng rất không vừa ý đối với Phan Thanh Giản. Sau đó, Võ Duy Tân được cử tiến hành điều tra mật các quan chức Quang Nam. Vị quan này về tâu lại nhà vua rằng: quan chức các tỉnh rất lơ là sự vụ và cấp dưới đều tham nhũng. Do đó, Phan Thanh Giản từ Tòng nhị phẩm bị giáng xuống lục phẩm, giữ chức Hiệu phái, lo việc quét dọn công đường. Hai tháng sau, ông lại được thăng làm Nội các thừa chỉ (tòng ngũ phẩm), rồi đến Thư thị lang làm ở viện Cơ mật. Năm 1839, ông được giao chức Thông Chánh sứ ty Phó sứ, chẳng lâu sau thăng lên Hộ bộ Thị lang. Trong thời gian này, Phan Thanh Giản tỏ ra thận trọng, phản đối không kí tên vào bản án xử trảm đối với vụ án của đại thần Vương Hữu Quang đã nhân việc diễn tuồng “Lôi phong tháp” để khuyên vua sửa mình. Ông bị giáng chức làm Thông Chánh phó sứ và giữ nhiệm vụ giữ 12 kho vì nhà vua cho là Phan Thanh Giản bao che Vương Hữu Quang. Năm 1840, ông làm Phó chủ khảo ở trường Thừa Thiên, lại bị giáng 1 cấp vì sai sót trong việc chấm bài thi của cử nhân Mai Trúc Tùng. Năm 1842, làm Tham tri ở Cơ mật viện (tòng nhị phẩm). Năm 1852, Phan Thanh Giản cùng Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu 8 điều để can ngăn nhà vua và xin từ chức Kinh lược trở lại kinh thành nhưng không được chấp nhận. Ông vẫn giữ nguyên chức vụ và nhà vua ban cho Kim khánh ngoại hạng bằng vàng khắc 4 chữ: Liêm, Bình, Cần, Cán. Năm 1856, Phan Thanh Giản được cử làm Chánh tổng tài Quốc sử quán để biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Năm 1858 - 1859, chiến tranh với Pháp nổ ra ở Đà Nẵng, Gia Định, Biên Hòa, Phan Thanh Giản chủ trương “duy trì hòa bình và bảo đảm an ninh công cộng”[7; 903]. Năm 1862, Phan Thanh Giản cùng Lâm Duy Hiệp với tư cách Công sứ và Phó sứ Toàn quyền hòa nghị, đến Gia Định kí nhường cho Pháp 3 tỉnh: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (tức Hòa ước Nhâm Tuất, kí ngày 9 - 5 - 1862, tại Sài Gòn). Ngay sau đó, Phan Thanh Giản bị triều đình khiển trách rồi được cử làm Tổng đốc Vĩnh Long với nhiệm vụ tiếp tục điều đình với Pháp ở Nam Kì. Dù ông đã kiên trì thương lượng nhưng không được kết quả như mong đợi, Phan Thanh Giản vẫn được giữ chức Tổng đốc Vĩnh Long. Năm 1863, Phan Thanh Giản được triệu về Huế và được chỉ định làm Như Tây Chánh sứ cùng Phó sứ Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương lượng chuộc 3 tỉnh Đông Nam Kì, nhưng thất bại. Năm 1865, ông trình đơn lên vua Tự Đức xin được về hưu nhưng vẫn không được chấp nhận dù lúc bấy giờ ông đã 69 tuổi. Trong thời gian này, 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đang trong tình thế rất nguy kịch. Phan Thanh Giản được vua Tự Đức trao nhiệm vụ làm Kinh lược Đại thần, trấn nhận 3 tỉnh miền Tây để thương thảo với đại diện Pháp ở Nam Kì. Năm 1866, Phan Thanh Giản lại xin về hưu vì sức khỏe yếu nhưng vẫn không được Tự Đức cho phép. 13 Năm 1867, Đô đốc De la Grandière gửi tối hậu thư cho Phan Thanh Giản, buộc ông phải nhường 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho Pháp. Phan Thanh Giản lập tức lên tàu Đô đốc xin thương lượng. Trong lúc đó, Pháp lại dùng gian kế đánh úp chiếm thành, Vĩnh Long bị quân Pháp chiếm đóng. Chẳng lâu sau, An Giang và Hà Tiên cũng cùng chung số phận. Trong 5 ngày, ba tỉnh Nam Kì lần lượt bị rơi vào tay giặc. Phan Thanh Giản biết trách nhiệm của mình trong việc chấp nhận các cam kết với Pháp, làm mất đất, mất dân. Ông tự tay gói lại và niêm phong các triều phục, ấn tín kinh lược, 23 đạo sắc phong cùng tiền lương và một di chúc viết tay kính trình về vua Tự Đức. Sau đó, ông tuyệt thực 17 ngày. Ngày 4 - 8 - 1867, ông uống thuốc phiện hòa với dấm thanh để kết thúc đời mình, hưởng thọ 71 tuổi, đã nếm trải bao thăng trầm, vinh nhục, chịu đựng bao sầu hận trong cơn quốc biến. Năm 1868, vua Tự Đức cùng triều thần luận tội Phan Thanh Giản đã để mất 3 tỉnh Nam Kì, tước bỏ mọi chức hàm, ra lệnh đục tên ông trên bia tiến sĩ và ghi tội “trảm giam hậu” đời đời. Tuy vậy, vẫn có những trí thức yêu nước tỏ lòng thương tiếc tài năng và nhân cách của ông như Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Viết Chánh, Phạm Phú Thứ… Đến năm 1886, niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên, vua Đồng Khánh khôi phục lại nguyên hàm, cho chạm lại tên ông vào bia Tiến sĩ. Ông làm quan nhà Nguyễn trải qua 3 triều Minh Mạng (1820- 1840), Thiệu Trị (1841- 1847), Tự Đức (1848- 1883), giữ nhiều chức vụ quan trọng và từng đi sứ ở Trung Quốc, Inđônêsia, Tân Gia Ba, Tây Ban Nha, Pháp… Hơn 40 năm bôn ba chốn quan trường, đã từng nếm trải vinh nhục, thăng trầm, từng nhiều phen thăng giáng. Nhưng ở bất kì cương vị nào ông cũng luôn trung thành mẫn cán, luôn làm tròn nghĩa vụ phò vua, giúp nước, an dân theo quan niệm Nho giáo. 14 1.1.2. Con người: Khi đánh giá một con người đã không dễ mà đánh giá một nhân vật lịch sử lại càng phức tạp hơn nhiều, Phan Thanh Giản là con người như thế. Tuy nhiên, khi đánh giá về con người của ông, không ai có thể phủ nhận đây là một người có đầy đủ những phẩm cách tốt đẹp, ông Võ Văn Kiệt đã từng đề cao: “Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế”[19; 228]. Từ thuở nhỏ, Phan Thanh Giản đã là tấm gương sáng cho lòng hiếu thảo, tinh thần hiếu học, sự siêng năng, cần mẫn và một nghị lực lớn. Ông đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nghèo khó lại mồ coi mẹ, phấn đấu vươn lên để rồi chiếm được vị trí Tiến sĩ. Đó là thành đạt lớn mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đời Phan Thanh Giản. Đến lúc trưởng thành, Phan Thanh Giản trở thành vị quan thanh liêm, cương trực và có ý thức trách nhiệm với nước với dân. Vì chăm lo cho cuộc sống của người dân mà ông đã nhiều lần can gián vua, đề xuất những kế hoạch chính trị, chính sách để an dân trước thực tế đất nước. Chính vì tính cương trực, trung chính, lo cho dân cho nước ấy mà ông đã nhiều lần bị giáng chức. Tuy vậy, trong bất kì cương vị nào, trước sau ông cũng trung thành mẫn cán, tận lực hoàn thành trách nhiệm được giao. Ngoài ra, PhanThanh Giản còn là một nhà nho sống thanh bạch, an bần lạc đạo. Là quan đại thần quyền cao chức trọng nhưng Phan Thanh Giản luôn sống cần kiệm, không nhà cao cửa rộng cũng không xa cách với dân mà luôn gần gũi, yêu thương dân nghèo. Ông luôn tận tụy giúp đỡ dân chúng khi có điều gì oan trái. Trong xã hội đương thời, cảnh tham qua ô lại đục khoét nhân dân là hiện tượng rất phổ biến nhưng trước sau Phan Thanh Giản vẫn giữ được đức tính liêm khiết, khiêm tốn và ân cần với dân, thật là điều đáng trân trọng. Chính từ những phẩm chất tốt đẹp ấy ông đã tạo được uy tín đối với nhân dân. Có rất nhiều câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian nói lên chí hiếu học, hiếu nghĩa, cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, tinh thần yêu nước thương dân của Phan Thanh Giản. Tất cả đã nói lên sự yêu kính, ngưỡng mộ của nhân dân đối với ông. 15 Phan Thanh Giản là người yêu nước, thương dân nhưng cũng là một tín đồ Nho giáo với lòng trung quân sâu nặng. Ông là một nhà Nho được đào tạo để phục vụ cho triều đình phong kiến lúc mà Nho giáo đã suy yếu và tỏ ra quá bảo thủ, lỗi thời, không còn khả năng giúp con người nhận thức và xử lí những vấn đề mới của thời đại, chỉ còn một số ảnh hưởng tích cực ở một số phương diện về mặt đạo đức. Do đó, dù ông đã có cái nhìn bao quát, sâu sắc các mặt đời sống xã hội, tình hình đất nước. Song vẫn không thoát khỏi những hạn chế của lịch sử, của chế độ dẫn đến những hạn chế, bế tắt của Phan Thanh Giản. Từ đó, ông đã có những quyết định sai lầm trong lịch sử mà ông phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước bằng cách quyên sinh. Đó là bi kịch của đất nước cũng là bi kịch cuộc đời ông. Nhưng công bằng mà nói, Phan Thanh Giản trước sau vẫn là một trí thức có phẩm cách cao quý. Nhân cách, phẩm chất con người Phan Thanh Giản mãi là tấm gương sáng cho hậu bối hôm nay và mai sau trân trọng, học tập với tấm lòng yêu kính. 1.1.3. Sự nghiệp sáng tác: Ngoài tư cách là một đại thần triều Nguyễn, Phan Thanh Giản còn là một nhà sử học, là cây đại thụ uy tín trên văn đàn lúc bấy giờ. Về thơ, ông sáng tác cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Thơ chữ Hán chiếm tỉ lệ cao. Những bài thơ chữ Nôm còn lại không nhiều nhưng là những bài thơ hay, lời thơ giản dị, trong sáng, thể hiện tình cảm đằm thắm của một tâm hồn khoáng đạt trước người và cảnh. Thơ Phan Thanh Giản có khuynh hướng lịch sử, thường mang tính chất tự sự, tả cảnh ngụ tình, phản ánh khá đa dạng, sâu sắc cuộc đời và con người từng trải, trung hậu, sống giản dị và thanh bạch. Đồng thời, cũng có những vần thơ trăn trở, đau buồn cho thân phận, bộc bạch tâm sự và nỗi lòng của mình khi gặp những khó khăn thăng trầm trong cuộc sống. Nếu trong thơ Phan Thanh Giản là người giàu tình cảm thì con người trong văn luôn cương trực, ngay thẳng, trong sạch. Có các thể loại như tấu, sớ, biểu, thư, thuyết, luận, tựa… được làm trong suốt thời gian làm quan. 16 Thơ văn Phan Thanh Giản sáng tác khá nhiều. Những năm thi Hội, ông có tập thơ Du kinh. Khi người bạn thân Lê Bích Ngô mất, ông sáng tác tập Toái cầm để phúng viếng bạn, có cả phần phụ lục thơ của bạn trong đó. Trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, năm 1832, có tập thơ Kim đài. Tập Sứ trình nhật kí được sáng tác khi Phan Thanh Giản đi sứ Pháp (1863). Về sau, tất cả các sáng tác trên được tập hợp vào 2 bộ Lương Khê thi thảo và Lương Khê văn thảo. Hai bộ này tập trung hầu hết các chặng đường sáng tác trong cuộc đời của Phan Thanh Giản. Bộ Lương Khê thi thảo in năm 1876, gồm 18 quyển và 1 quyển Bổ di, 18 quyển thơ là 18 chặng đường bôn ba trong cuộc đời tác giả, mỗi quyển là một chặng đường dài ngắn khác nhau. Còn bộ Lương Khê văn thảo cũng in năm 1876, gồm 3 quyển và 1 quyển Bổ di. Cả 2 bộ bao gồm khá đầy đủ các thể loại văn học sở trường của Phan Thanh Giản, phần lớn văn mang tính chất hành chính. Hơn nữa, Phan Thanh Giản còn là nhà sử học, vị Tổng tài có uy tín của Quốc sử quán. Ông đã có đóng góp rất lớn trong việc chỉ huy biên soạn bộ chính sử Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, đây là 1 trong 2 bộ quốc sử lớn nhất được khắc in trong thời đại phong kiến Việt Nam. Ông còn chỉ huy biên soạn một loạt các công trình khác như Minh Mạng chính yếu, Đại Nam thực lục… Ngoài ra, ông còn có công cùng Nguyễn Thông xây dựng Văn thánh miếu và lập Văn Xương các ở Vĩnh Long. Do đó, Phan Thanh Giản đã có những đóng góp tích cực, có ý nghĩa lớn cho văn hóa nước nhà. Thơ văn Phan Thanh Giản còn khá nhiều hạng mục chưa được sưu tầm đầy đủ. Nhưng với những gì đã trình bày trên đây cũng đủ cho thấy sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông, góp phần khẳng định vị trí của Phan Thanh Giản, một danh sĩ - chính khách tầm cỡ của nước ta dưới thời cận đại. 1.2. Vài nét về Lương Khê thi văn bổ lục: Lương Khê thi văn bổ lục là phần thơ văn của Lương Khê được ghi thêm, bổ sung thêm, bộ gồm 3 phần: -Phần 1: Thơ Hán và Nôm. Thơ chữ Hán có 2 bài, thơ chữ Nôm có 7 bài và 5 bài thơ Nôm tồn nghi (không chắc của Phan Thanh Giản). 17 -Phần 2: Câu đối, gồm 3 cặp câu đối. -Phần 3: Văn xuôi, gồm những bài văn thuộc các thể loại: luận, sớ, thư, thơ, văn miếu… Đặc biệt, trong đó có nguyên văn bài văn bia Vĩnh Long văn thánh miếu bia bằng chữ Hán và thủ bút của Phan Thanh Giản gồm 24 chữ đề trên “minh tinh” mà ông đã để lại cho con cháu trước lúc mất. Các bài thơ thể hiện tâm tư tình cảm, những băn khoăn, trăn trở của nhà thơ trong những năm tháng thăng trầm của cuộc đời, lúc đi sứ,… Đó là một hồn thơ luôn mang nặng nỗi niềm đơn độc khi Qua ải Đồng Quang: Buổi sứ trình đêm mưa ngày tuyết, Bạn cố tri mảnh nguyệt quan san. Rạng ngày đến cửa Đồng Quang, Tiếng xưa “ thập khứ nhất hoàn” là đây. Hay, những lúc Qua cánh rừng vắng: Muôn dặm đường xa mới tới Kinh, Bao nhiêu non nước bấy nhiêu tình. Rừng không người vắng chim kêu rốn, Trăng lặng sao mờ, gió thổi rinh. Nỗi cô đơn cứ bám riết lấy ông nhưng không biết tỏ cùng ai, không người bầu bạn để sẻ chia tâm sự, chia sẻ những ước vọng, hoài bão, lí tưởng của mình. Đó là một hồn thơ đầy tâm huyết, tận tụy. Ông vì “trung quân ái quốc”, luôn bôn ba vất vả ngược xuôi lo cho nước cho dân với một tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao. Đôi lúc, nhà thơ chạnh lòng “cảm phận già”, rồi tự trách mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, chưa làm hết bổn phận đối với đất nước. Thời trời đất lợi lại người hòa Há dễ ngồi coi phải nói ra Làm trả ơn vua đền nợ nước Đành cam gánh nặng ruổi đường xa 18 Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ Vượt biển trèo non cảm phận già Cũng tưởng một lời an bốn cõi Nào ngờ ba tỉnh lại chầu ba. (Bài thơ tuyệt mệnh) Ngoài ra, người đọc còn bắt gặp giọng thơ triết lí sâu xa về nhân tình thế thái, luôn đau đáu trước thực trạng đạo lí, kỉ cương của xã hội ngày một suy đồi… Phần văn xuôi trong bộ Lương Khê thi văn bổ lục thực hiện chức năng ngoài văn học, có tính chất hành chính. Tuy vậy, đó cũng là những văn bản bộc lộ tâm quyết của một con người thẳng thắn, cương trực, một tôi trung suốt đời phục vụ cho dân, cho nước. Trong Lương Khê thi văn bổ lục, có nhiều bài sớ can gián vua, khuyên vua sửa mình, thể hiện lí tưởng “trí quân trạch dân” của ông. Chẳng hạn như: “Mưa to và nạn lụt lội là những triệu chứng không tốt, hạ thần cúi xin thánh thượng tự sửa mình làm điều nhân đức mà giảm bớt số cung nữ, phi tần. Như thế là thánh hoàng làm theo ý thiên địa, bách tính sẽ được sung sướng” (Sớ tâu vua Minh Mạng năm 1828). Và trong phần này, người đọc sẽ hiểu thêm về tư tưởng “chủ hòa” của ông, cũng như nguyên nhân ông chọn con đường hòa nghị trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú Lang Sa bằng võ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp. Mình lại kéo về phe mình một cách vô ích những tai hại lớn, để tai hại ấy đè lên đầu dân mà trời đã giao cho mình chăn” (Công thư của Phan Thanh Giản gởi quan Tổng đốc An Giang, Hà Tiên để trao thành), chính “tầm nhìn khác thường”[3, 1396] dẫn đến bi kịch cuộc đời ông. Nhưng cho đến cuối đời, ông vẫn luôn hướng về dân, về nước trong sự dằn vặt vì trách nhiệm chưa hoàn thành với lòng trung quân sâu nặng. Lương Khê thi văn bổ lục ngoài những giá trị văn học nó còn mang giá trị lịch sử. Đây còn là nguồn tư liệu lịch sử có giá trị về những năm tháng suy tàn của một chế độ phong kiến thời cận đại, triều Nguyễn. Đồng thời, giúp hậu thế hiểu thêm về một nhân cách lớn, Phan Thanh Giản. 19 Nói tóm lại, qua những vấn đề được khảo sát ở chương này, ta thấy cuộc đời Phan Thanh Giản có nhiều khúc quanh đau thương. Song, phẩm chất cao đẹp và những cống hiến của ông đối với đất nước trong suốt cuộc đời làm quan là cần được khẳng định và công nhận. Tuy bi kịch cuối đời ông là một hạn chế đáng tiếc, song đó cũng là hạn chế chung của lịch sử mà ít người có thể vượt qua được. Ngoài ra, với sự nghiệp văn chương khá đồ sộ mà ông để lại là mảnh đất còn hoang dã. Nó sẽ là thách thức mới đầy thú vị cho những ai muốn khai phá… Và Lương Khê thi văn bổ lục là một trong những mảnh đất như thế. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng