Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ nhungtinhhuongtrongthuctienquanligiaoduc...

Tài liệu nhungtinhhuongtrongthuctienquanligiaoduc

.DOCX
67
414
59

Mô tả:

nhung tinh huong trong thuc tien quan li giao duc
NHỮNG TÌNH HUỐNG TRONG THỰC TIỄN QUẢN LÝ GIÁO DỤC NHỮNG TÌNH HUỐNG TRONG THỰC TIỄN QUẢN LÝ GIÁO DỤC Tác giả: NSƯT. TS. Đặng Huỳnh Mai LỜI GIỚI THIỆU Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai là nhà quản lý giáo dục có sự trưởng thành khá hệ thống. Chị có nhiều năm tháng cọ xát với thực tiễn sư phạm của nhà trường, của đời sống giáo dục cộng đồng. Với thái độ cầu thị và chịu khó học hỏi, Đặng Huỳnh Mai luôn luôn có ý thức tổng kết thực tiễn, lấy lí luận của giáo dục học, của quản lí giáo dục phân tích các hiện tượng giáo dục để từ đó tổng kết thành sự kiện giáo dục, sự kiện quản lí giáo dục. Khi còn là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long, mặc dù công việc điều hành rất bận rộn, nhưng hằng năm chị vẫn dành thời gian nhất định làm các cuộc "hành hương" về Trường Cán bộ Quản lí Giáo dục - Đào tạo Trung ương I (nay là Học viện Quản lí Giáo dục) và đường Cán bộ Quản lí Giáo dục - Đào tạo Trung ương II. Tại các ngôi trường này, chị thực hiện việc "học" các tri thức mới, tiếp nhận thông tin mới từ thầy, từ bạn,… và trao đổi các tình huống thực tiễn mà chị đã tổng kết nhằm hoàn thiện tư duy quản lí, kĩ năng quản lí của mình. Cuốn sách Những tình huống trong thực tiễn quản lí giáo dục là kết quả của các cuộc "điền dã khoa học - thực tiễn", chủ yếu từ thời kì tác giả là cán bộ quản lí giáo dục ở địa phương, trước khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các tình huống trong cuốn sách phản ánh một cách chân thực những khía cạnh phong phú của đời sống giáo dục ở thời kì chuyển đổi giữa thời bao cấp và khi giáo dục đã bước đầu bước vào công cuộc đổi mới, thời kì mà Đặng Huỳnh Mai vừa là chứng nhân vừa là người tham gia vào sự hoá giải trên cái chính tâm của một nhà giáo, một cán bộ quản lí giáo dục. Giá trị trước hết của cuốn sách là sự chân thực phản ánh và sự hướng thiện trong hành động quản lí mà người viết sách như muốn giãi bày với bạn đọc niềm tâm sự của mình. Từ những tình huống đa dạng trong quản lí giáo dục được trình bày trong cuốn sách, bạn đọc, nhất là các nhà quản lí giáo dục, có thể tìm thấy những bài học kinh nghiệm quản lí, có khi cả những triết lí, những phương châm xử lí, xử thế để chia sẻ, suy ngẫm và tham khảo. Cuốn sách chắc chắn là một tài liệu có ích cho cán bộ quản lí giáo dục nói chung và cán bộ quản lí các nhà trường nói riêng. Nó cũng là sự đóng góp vào nguồn tài liệu đào tạo bồi dường cán bộ quản lí giáo dục tại các học viện, trường, khoa quản lí giáo dục ở nước ta, phục vụ cho các khoá huấn luyện đang mỗi ngày được mở rộng… Chúng tôi rất vinh dự được viết lời giới thiệu cho cuốn Những tình huống trong thực tiễn quản lí giáo dục của TS. Đặng Huỳnh Mai. Xin chúc mừng tác giả có một sản phẩm hữu ích cho "Tủ sách quản lí giáo dục" còn khiêm tốn ở nước ta. Chúng tôi ước mong tác giả và các nhà quản lí giáo dục khác trên cả hai mặt lí luận và thực tiễn tiếp tục đi theo hướng tổng kết các tình huống quản lí giáo dục để có thêm các chuyên khảo mới phục vụ việc đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng từ bỏ lối thuyết trình kinh viện hàn lâm, chuyển sang phương pháp giảng dạy gợi mở và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của người học. PGS.TS. Đặng Quốc Bảo - NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÍ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TW1 LỜI NÓI ĐẦU Chủ tịch Hồ Chí Mình đã viết: "Lí luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế". Đồng thời Người cũng chỉ rõ: "Thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lí luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lí luận mà không liên hệ với thực tiễn là lí luận suông". Hệ thống quản lí giáo dục là đối tượng nghiên cứu của khoa học quản lí giáo dục. Khoa học quản lí giáo dục có nhiệm vụ phát hiện những quy luật về cấu trúc, vận hành và phát triển của hệ thống quản lí giáo dục, một bộ phận chủ thể quản lí trong hệ thống giáo dục quốc dân, bộ phận này chiếm khoảng 8% trong tổng số gần một triệu cán bộ giáo viên của toàn ngành. Bộ phận quản lí với tư cách là chủ thể tuy không phải là chiếm đa số trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng lại giữ vai trò quan trọng. Lực lượng này phải điều hành mọi hoạt động vì sự phát triển của cả hệ thống giáo dục, tức là phải điều hành quá trình đào tạo con người, đào tạo thế hệ trẻ cùng lực lượng lao động của một đất nước. Sự điều hành này cần phải phù hợp với phương thức quản lí chung của xã hội. Điều này có nghĩa là chủ thể quản lí luôn xác định mục tiêu, phương thức tổ chức, nội dung và phương pháp quản lí sao cho đạt được mục tiêu, nguyên lí, nội dung và phương pháp giáo dục ở mỗi cấp học. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã nêu: "Sau khi đã xác định đường lối, phương hướng phát triển thì việc xây dựng một chế độ quản lí thích hợp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của bản thân đường lối đó. Quản lí giáo dục chính là quá trình mà lí luận và thực hành phải gắn bó với nhau, quá trình xây dựng cơ chế quản lí thích hợp như Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ ra. Quản lí giáo dục là sự tác động nhiều chiều, biện chứng giữa chủ thể quản lí và đối tượng quản lí. Yêu cầu của việc xây dựng một môi trường quản lí dân chủ, thân thiện là điều hết sức cần thiết. Bởi vì đối tượng quản lí trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất đa dạng. Trong đó cán bộ quản lí cấp dưới vừa là đối tượng quản lí của cấp trên, vừa là chủ thể quản lí một đơn vị. Bản thân giáo viên cũng vừa là đối tượng quản lí trong hệ thống quản lí giáo dục nhưng đồng thời cũng vừa là chủ thể quản lí trong một lớp học. Do đó, có thể xem hệ thống quản lí giáo dục như là một hệ thống điều hành, tức là trong quá trình quản lí cần sử dụng lí thuyết hệ thống, điều khiển học, lí thuyết thông tin - vận trù học để thể hiện quan hệ chỉ huy và chấp hành. Mối quan hệ này xem ra dường như không phức tạp lắm khi thực hiện nhiệm vụ quản lí quá trình giáo dục nói chung, quản lí tất cả các điều kiện để làm giáo dục. Nhưng xem ra không đơn giản chút nào đối với lĩnh vực quản lí con người, quản lí đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục. Đây là một lĩnh vực thuộc khoa học xã hội, mang đậm tính chất giai cấp, dân tộc, lịch sử, tâm lí,… Có thể nói quản lí đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục là một công việc khá phức tạp. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã dạy rằng: Khi mà dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ thì việc gì cũng không nên, và trong quản lí phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Tuy nhiên, Người cũng luôn nhắc nhở: "Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng". Trong quyển Sửa đổi lề lối làm việc mà Hồ Chí Minh viết vào tháng 10 năm 1947, khi đề cập đến "cách lãnh đạo", Người nhắc nhở đến đặc điểm tư tưởng của dân chúng và cho là họ hay "so sánh": Họ so sánh bây giờ và so sánh thời kì đã qua. Dân chúng sẽ không tin chúng ta nếu cán bộ không nhiệt thành, khiêm tốn, không chịu khó học hỏi dân chúng. Nhiệm vụ của người làm công tác giáo dục là giáo dục học sinh yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối xử tốt đối với người thân, với bạn bè. Các em sẽ tin tưởng và sẵn sàng làm theo khi có hình ảnh lí tưởng của mình từ những người thân yêu nhất trong gia đình và nhất là từ các cô giáo, thầy giáo của các em. Với một đơn vị nhà trường cũng thế, giáo viên cũng sẽ có niềm tin vào xã hội, vào đất nước khi mà họ có niềm tin vào cán bộ quản lí của mình. Vì vậy trong quá trình tổ chức và điều hành hệ thống quản lí giáo dục, điều quan trọng nhất chính là sự tạo dựng niềm tin, sự gắn kết với thực tiễn để thông qua việc quản lí đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục mà hoàn thiện dần cơ chế trên cơ sở vận dụng, triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo một cách hợp lí nhất. Quá trình hoàn thiện cơ chế cũng có thể xem như là một quá trình cải tiến và đổi mới công tác quản lí. Với thực tế gần 20 năm tham gia chỉ đạo, điều hành quản lí giáo dục ở địa phương, với tư cách là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo giữa hai thời kì bao cấp và đổi mới, chúng tôi đã được chứng kiến một số tình huống quản lí giáo dục hoàn toàn có thực mà trong quá trình quản lí giáo dục, chúng tôi đã tham gia xử lí. Chúng tôi mong muốn giới thiệu các tình huống này với các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên và tất cả những ai quan tâm, xin bạn đọc xem đây như là một kênh thông tin quản lí về thực tiễn. Những việc làm của chúng tôi có thể là đúng, có thể chưa hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi xin sẵn sàng đón nhận sự chia sẻ và góp ý của bạn đọc. Nếu được lực lượng cán bộ quản lí và người quan tâm xem đây là những kinh nghiệm có thể góp phần rút ngắn con đường hoạch định để cải tiến công tác chỉ đạo của một nhà quản lí giáo dục trong tương lai thì đó là hạnh phúc của chúng tôi. Bởi vì xét cho cùng thì lí luận của khoa học quản lí giáo dục cũng đã xác định việc cải tiến quản lí giáo dục là quá trình tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống quản lí giáo dục đang tồn tại trên cơ sở tuân thủ quy luật của việc tổ chức, điều hành hệ thống quản lí giáo dục, đồng thời đảm bảo quy luật của sự phát triển xã hội nói chung cũng như quy luật của quản lí nói riêng. Xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo, các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè và những người thân yêu đã quan tâm khích lệ tôi viết Những tình huống trong thực tiễn quản lí giáo dục. Cuốn sách này chắc chắn không thể tránh khỏi sự sơ sót. Rất mong nhận được sự thông cảm của bạn đọc cùng sự góp ý để cuốn sách tiếp tục được hoàn thiện. NGƯT. TS. Đặng Huỳnh Mai 1. VÌ CON MONG ƯỚC ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG Một bà mẹ từ nông thôn đưa đến Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD - ĐT) một hồ sơ để xin cho con mình được tuyển vào lớp 6 năm học 1995 - 1996. Đứa trẻ này sinh năm 1976, như vậy so với yêu cầu tuyển sinh là không chấp nhận được vì một số đứa trẻ sinh 1976 đã học năm thứ nhất hoặc thứ hai ở các trường đại học, số còn lại thì đang học ở các lớp cuối cấp THPT. Vì vậy câu đầu tiên mà một Giám đốc Sở GD - ĐT có thể trả lời là: Con của bà không đủ điều kiện để tuyển sinh. Nhìn bà mẹ buồn rầu ra về, tôi bỗng thấy có gì se thắt trong lòng và tự trách mình sao không hỏi cho rõ lí do. Đêm về, tôi chỉ mong trời sáng mau để nhờ Hội đồng nhà trường mời giúp bà lên Sở GD ĐT cho tôi gặp lại. Bà mẹ đã tâm sự: Con tôi bị khuyết tật và chiều cao chỉ bằng một đứa trẻ lớp 6 thôi. Cháu đã cố gắng rất nhiều và mơ ước được vào trường THCS để học lớp 6, cháu đã khóc suốt ngày, tôi đành phải mượn tiền của bà con và lần đầu tiên bạo dạn lên đến thị xã này và tìm đến Sở GD - ĐT. Hôm sau, tôi lại nhờ trường đưa đứa trẻ đến Sở GD - ĐT để trực tiếp tiếp xúc. Và đúng như bà mẹ đã giãi bày, đứa trẻ có một chút tật nhưng lại rất hồn nhiên và mong mỏi được đi học. Thế là chúng tôi đã quyết định xét đặc cách cho đứa trẻ khuyết tật này vào học lớp 6. Người mẹ thiếu may mắn đã thực hiện được mong ước đơn giản của con mình là được đến trường. Nhìn niềm vui ngời lên ánh mắt của hai mẹ con, tất cả chúng tôi thấy lòng mình ấm lại. 2. KHÔNG CÓ NHÀ TRƯỜNG AI SẼ GIÚP TÔI GIÁO DỤC ĐỨA TRẺ THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG? Có một anh thương binh ngồi trước bàn Giám đốc hơn 1 giờ đồng hồ. Mặc dù chưa đạt được nguyện vọng của mình nhưng anh vẫn kiên trì trình bày. Ba mươi năm về trước, anh là bộ đội đặc công, hay nói một cách chính xác hơn thì là bộ đội trẻ em, vì lúc đó anh mới 14 tuổi. Vậy mà chỉ với vũ khí được trang bị, với tài trí thông minh và lòng dũng cảm, một mình anh đã phá tan đồn giặc, góp phần mở rộng vùng giải phóng. Bây giờ, anh chỉ có một đứa con trai duy nhất, đứa con trai đang thi vào lớp 6 và đang thiếu điểm để đạt yêu cầu tuyển sinh. Anh cho rằng nếu đứa trẻ này không được vào trường phổ thông công lập thì xem như cả cuộc đời anh không còn gì nữa. Anh tha thiết nói: Không có nhà trường, ai sẽ giúp tôi giáo dục đứa trẻ theo con đường cách mạng? Điều này thì anh đã nghỉ đúng và anh cũng có quyền yêu cầu về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự hi sinh của anh. Trước sự việc đặt ra ở đây, người quản lí không thể thờ ơ. Nhưng làm cách nào để giải quyết việc này cho vừa đúng với quy chế, vừa có thể đại diện cho Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách cho người có công với đất nước một cách cụ thể? Chính sự trăn trở này đã đưa đến một quyết định quản lí về tuyển sinh là: Mỗi đồng chí thương binh được đặc cách xét cho 1 đứa con được ưu tiên tuyển vào lớp 6; con của bộ đội thương binh dự tuyển sinh vào lớp 10 có điểm tuyển sinh thấp hơn từ 1 đến 2 điểm so với điểm chuẩn (điểm tuyển sinh là điểm dựa trên kết quả thi tốt nghiệp 4 môn của THCS với Văn x 2 + Toán x 2 + điểm 2 môn thi tốt nghiệp còn lại) được xét tuyển vào lớp 10. Chính quyết định này đã làm mát lòng những chiến sĩ cách mạng vào những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. 3. CUỘC ĐỜI TÔI PHỤC THUỘC VÀO QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN CỦA LÃNH ĐẠO Trên bàn lãnh đạo là một tập hồ sơ kỉ luật giáo viên. Đây là một hồ sơ rất lạ không phải vì hình thức kỉ luật mà sự khác lạ ở đây chính là tội danh của một nhà giáo nữ. Có lẽ không ai có thể tin vào mắt mình khi đọc lướt qua dòng chữ: "Gái bán hoa". Tuy nhiên, chính dòng chữ này làm cho chúng tôi tò mò muốn hiểu sâu hơn một chút trước khi quyết định kỉ luật với hình thức buộc thôi việc giáo viên này. Khi được mời đến cơ quan, cô giáo chỉ nói: Tội tôi làm tôi xin gánh chịu, đề nghị Ti (là Sở GD - ĐT sau này) hãy sớm ra quyết định và xin đừng hỏi gì thêm. Chúng tôi đến tìm hiểu ở một số gia đình nông dân xung quanh trường và một số giáo viên nữ trong nhà trường này thì ai cũng nói: Đây là một cô giáo sau ngày miền Nam giải phóng được điều về vùng khó khăn này. Với đồng lương chỉ có 20 đồng, con ốm nặng, không có tiền điều trị cho con, cô giáo phải đi vay tiền từ một vài người. Trong số đó, có một người đã tỏ ra có tình cảm đặc biệt và ân cần chăm sóc cả hai mẹ con. Giữa họ xảy ra việc gì chúng tôi không biết. Nhưng có điều chúng tôi khá rõ là với sắc đẹp của cô giáo có một con đến từ thị xã thì có nhiều người đến thăm tại phòng ở tập thể. Và cũng chính tại đây cô giáo bị lập biên bản. Hồ sơ kỉ luật được Nhà trường lập với tội danh của cô giáo là “bán hoa” nên cô đã bị Hội đồng biểu quyết mức kỉ luật là buộc thôi việc. Cô giáo được mời trở lại Phòng Tổ chức cán bộ. Trước ý kiến của nhân dân và đồng nghiệp, cô đã thừa nhận là chính trong quá trình cô được giúp đỡ lúc khó khăn cực kì, giữa cô và người giúp cô đã nảy sinh tình cảm. Còn việc cô bị lập biên bản "bán hoa" khi đang ngồi cùng với người ấy ở trong nhà tập thể của trường thì cô không hiểu. Điều này quả thật cũng không thể làm rõ vì "người đó" không thừa nhận gì hết, nhưng biên bản thì đã được lập. Trước tình huống này, chúng tôi quyết định chuyển cô giáo về một vùng kinh tế mới, nơi đang thiếu giáo viên một cách trầm trọng. Cô giáo đã vui vẻ nhận lời và nói: Cuộc đời tôi bây giờ phụ thuộc vào quyết định đúng đắn của lãnh đạo. Và cô hứa là sẽ làm việc thật tốt và sống đúng mực để khẳng định bản thân. Ba năm sau, cô giáo đã lập gia đình với một giáo viên ở vùng kinh tế mới, có 1000m2 đất trồng ổi và có thêm một bé trai xinh xắn. 4. CHO HIỆU TRƯỞNG TỰ LỰA CHỌN QUYẾT ĐỊNH Một trường Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc Khmer có tổng số học sinh của hai lớp 5 là 65 em (một lớp 30 học sinh và một lớp 35 học sinh). Kết quả thi tốt nghiệp công bố là 0% đã làm giật mình tất cả chính quyền địa phương, từ tỉnh, huyện đến xã cũng như đối với cán bộ quản lí giáo dục. Kết quả này đã có một sức hút ghê gớm đối với báo chí Trung ương và địa phương. Để có thể trả lời một cách chính xác câu hỏi vì sao, chúng tôi phải đến tận nơi để khảo sát thực tế. Kết quả kiểm tra đã cho thấy nguyên nhân chính ở đây là do đồng chí Hiệu trưởng, một người dân tộc Khmer, vợ mất để lại 5 con nhỏ và 5000m2 đất ruộng. Vừa buồn, vừa lo không đủ sức nuôi con, đồng chí bám ruộng một cách quá chặt chẽ và đã buông lỏng hoàn toàn công tác quản lí. Chính sự vắng mặt thường xuyên của Hiệu trưởng đã đưa đến sự thiếu kỉ cương, dẫn đến tình trạng giảng dạy khá tuỳ tiện của giáo viên. Kết quả thi tốt nghiệp của trường đã gây chấn động dư luận và cũng làm ảnh hưởng phần nào đến vấn đề chính trị và xã hội của địa phương vùng dân tộc. Nhưng điều quan trọng chính là vụ việc này đã làm xúc phạm đến tình cảm của tất cả những nhà giáo dục cũng như đối với những ai tự thấy mình có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. Thế là chúng tôi phải khảo sát thực tế mảnh ruộng 5000m 2 của Hiệu trưởng, lập bài toán kinh tế, để đối chiếu thu nhập giữa tiền lương và phụ cấp của một Hiệu trưởng với những gì thu hoạch được từ nguồn lao động anh đã bỏ ra cho cánh đồng của mình. Một điều hết sức bất ngờ đối với chúng tôi là sau khi khấu trừ chi phí (chưa tính nhân công của chính anh và gia đình, chỉ tính phần thuê mướn) thì thu nhập từ 5 công đất ruộng là hoàn toàn thấp hơn tổng tiền lương, phụ cấp của anh ở nhà trường mà anh đã được lĩnh từ ngân sách Nhà nước. Chúng tôi đặt bản phân tích lên bàn cho anh và ra về, để lại anh một sự cân nhắc giữa hai lựa chọn: Một là nhà trường, là công việc, là sự nghiệp mà anh đã theo đuổi trong nhiều năm qua; hai là về với mảnh đất của anh. Sau một tuần, đồng chí Hiệu trưởng đến Sở GD - ĐT nộp bản tự kiểm điểm, bản cam kết với lời hứa khắc phục hạn chế. Với việc tạo điều kiện cho đồng chí Hiệu trưởng cân nhắc tự lựa chọn quyết định như vậy, một năm sau trường Tiểu học này đỗ tốt nghiệp với tỉ lệ là 90,5%. Tất nhiên là vẫn phải kèm một giải pháp quản lí là đưa một cán bộ Phòng GD - ĐT về "nằm vùng" ở đây, điều một giáo viên dạy lớp 5 khác đến thay và yêu cầu các giáo viên của trường phải dự giờ, rút kinh nghiệm hằng tuần. (Cũng phải nói thêm là ở đây khi thi tốt nghiệp Tiểu học, chúng tôi chuyển đổi cán bộ coi thi 100%.) Mặc dù vẫn phải nhận quyết định kỉ luật với hình thức cảnh cáo và thông báo toàn ngành, nhưng đồng chí Hiệu trưởng đã tự rút ra cho mình một bài học vô cùng sâu sắc. 5. MỘT QUYẾT ĐỊNH KỊP THỜI VÀ ĐÚNG LÚC Có một học sinh giỏi, vào giờ thi môn Sinh (môn sở trường của em), sau khi làm bài được khoảng 15 phút thì em bị ngất. Hội đồng thi đã cho em vào phòng cách li và nhờ bác sĩ chăm sóc dưới sự giám sát của giám thị. Còn 20 phút là đến giờ nộp bài thì học sinh này hồi phục và khóc xin được vào phòng thi để làm bài tiếp tục. Hội đồng coi thi đã khuyên em không nên vào phòng thi nữa để lập hồ sơ xin đặc cách theo quy chế. Em đã khóc và van xin cho em được tiếp tục làm bài. Hội phụ huynh học sinh thì vô cùng lo lắng và cũng tha thiết đề nghị Hội đồng cho em được làm bài tiếp tục, vì đây là hạt nhân ưu tú của trường. Trước tình thế này, Chủ tịch Hội đồng coi thi đã trực tiếp gọi điện thoại cho Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo các kì thi. Chúng tôi hiểu ngay, đây là một học sinh xuất sắc của trường, nếu để xét đặc cách thì chỉ được xếp loại trung bình và như vậy 12 năm phấn đấu, 12 năm học sinh giỏi liên tục của em sẽ trở thành vô nghĩa. Chúng tôi đã quyết định ngay là cho học sinh này được tiếp tục làm bài thi ở phòng cách li, cho thêm 10% tổng số thời gian làm bài của thí sinh. Hôm sau chúng tôi đến thăm và kiểm tra Hội đồng thi, điều làm tôi ngạc nhiên là các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và ngay cả các giáo viên cũng nhìn chúng tôi với cặp mắt hơi khác lạ so với những ngày bình thường. Chỉ đến khi đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn xã bắt tay, giới thiệu chúng tôi với phụ huynh học sinh, nhìn nụ cười của mọi người và ánh mắt rưng rưng của bố mẹ học sinh này thì chúng tôi mới hiểu rằng mình đã có một quyết định đúng. Học sinh này đã không cần xin thêm 10% thời gian, chỉ với 20 phút còn lại của mình, em đã tiếp tục làm xong bài đủ để đạt được kết quả chung cuộc là được xếp loại giỏi. Một quyết định kịp thời và đúng lúc của người lãnh đạo sẽ góp phần đưa cuộc đời của học sinh đến đúng nơi cần đến, bằng ngược lại, nỗi thất vọng đôi khi sẽ làm hỏng đời một con người. 6. KHI CON ĐƯỜNG PHẤN ĐẤU CHO GIÁO VIÊN ĐƯỢC MỞ Sau khi có kết quả chấm thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, có ba trường hợp của ba giáo viên làm chúng tôi băn khoăn: một giáo viên ở vùng sâu, một giáo viên dân tộc và một giáo viên nữ ở một khu vực chưa từng có ai đăng kí thi giáo viên giỏi bao giờ. Nếu căn cứ theo quy định chung để công bố cả ba giáo viên này đều không đạt thì vấn đề quá dễ dàng. Nhưng sau khi công bố kết quả, liệu có giáo viên nào khác ở các vùng này dám phấn đấu và đăng kí thi giáo viên giỏi nữa hay không mới là điều làm cho chúng tôi phải suy nghĩ và trăn trở. Như vậy thì phong trào giáo viên tự học, tự rèn, tự phấn đấu của chúng tôi chỉ đạo sẽ trở thành không có ý nghĩa đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và nhất là vùng đồng bào dân tộc. Còn, nếu công nhận ba giáo viên này là giáo viên giỏi thì chất lượng giáo viên giỏi sẽ bị giảm sút. Vấn đề quan trọng đối với người quản lí chúng tôi là làm thế nào để giải quyết đúng đắn và hài hoà mối quan hệ giữa chất lượng với việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán ở vùng khó khăn. Nhiệm vụ của nhà quản lí là phải làm thế nào để có thể vừa tôn trọng công sức của các nhà giáo đã bỏ ra vừa đảm bảo được chuẩn, đồng thời tạo được sự ảnh hưởng của chính trị trong chuyên môn. Từ sự trăn trở đó, chúng tôi đã đi đến quyết định là Hội đồng sẽ trực tiếp phúc khảo ba giáo viên này. Mỗi giáo viên phải dạy lại 1 tiết, dạy tại đơn vị giáo viên đang làm việc và đúng với lịch giảng dạy, tức là giáo viên phải dạy bài mới, không được dạy lại tiết cũ. Hội đồng chúng tôi đã thẳng thắn góp ý cho giáo viên những điều tốt và chưa tốt. Có thể nói qua việc phúc khảo, chúng tôi đã đạt được hai mục đích: Một là đánh giá lại sự đúng đắn của hội đồng giám khảo; hai là mang lại cho giáo viên những bài học thẳng thắn, bổ ích và thiết thực. Tuy nhiên để giúp cho giáo viên vùng khó khăn tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xã hội, chúng tôi đã thí điểm quyết định đặc cách cho ba giáo viên này là giáo viên giỏi 1 năm học (thay vì tất cả các trường hợp khác chúng tôi đều công nhận là 3 năm). Ngay cả số điểm mới của lần khảo sát này vẫn phải được công bố công khai. Điều quan trọng hơn cả và bài học kinh nghiệm mà chúng tôi đã rút ra được là 1 năm sau khi được nhận danh hiệu giáo viên giỏi, niềm vui, hạnh phúc đã đến với tập thể sư phạm của mỗi nhà trường, đã tạo nên một môi trường sư phạm sôi nổi hẳn lên. Chính tập thể sư phạm ở đó đã cùng nhau quyết tâm đầu tư xây dựng đội ngũ. Năm sau Hội đồng chấm thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đã không cần phải tổ chức phúc khảo mà ngay vòng đầu, cả ba giáo viên này đã đủ điểm để xét và công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ai cũng vui mừng và ngạc nhiên vì sự tiến bộ của cả ba nhà giáo đó. Có lẽ đối với công tác quản lí, việc nhìn đúng người, giao đúng việc và bồi dưỡng thẳng thắn, và sự quan tâm động viên kịp thời là cực kì quan trọng. Đặc biệt đối với giáo viên là người dân tộc, giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa, nơi lần đầu tiên có giáo viên đăng kí dự thi, nếu được Hội đồng đánh giá ở cấp tỉnh góp ý, hướng dẫn thì đó là một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Quyết định phúc khảo trong những trường hợp như đã trình bày chính là để người quản lí trực tiếp đánh giá về khả năng và triển vọng phát triển của từng người và để chỉ ra con đường cụ thể cho các nhà giáo rèn luyện và phấn đấu. Nhiều giáo viên đã tâm sự là được lãnh đạo dự giờ, đánh giá thẳng thắn còn quan trọng hơn cả việc được công nhận là giáo viên giỏi nữa, vì chúng tôi được lãnh đạo quan tâm và mở ra con đường phấn đấu cụ thể ở phía trước. 7. SỰ THÀNH ĐẠT LUÔN GẮN LIỀN VỚI CÁI GIÁ PHẢI TRẢ Có một trường THPT bán công ở huyện X, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp chỉ có 6%. Con số này đã làm xôn xao dư luận cả nước chứ không phải chỉ ở một huyện hay trong tỉnh. Khi báo chí vào cuộc và trước ống kính của Đài Truyền hình Việt Nam, đồng chí Hiệu trưởng đã dõng dạc trả lời về nguyên nhân của tình trạng trên là có hai lí do cơ bản: Một là do trường chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới; hai là vì nhà trường thuộc vùng khó cho nên năm học vừa qua chưa được Sở GD - ĐT bổ sung thêm giáo viên Toán. Phát biểu của đồng chí Hiệu trưởng là hoàn toàn đúng sự thật. Trường chưa xây dựng được là do vi phạm quy định về xây dựng cơ bản, vị trí nhà trường nằm trong vùng bán kính của một chiếc cầu mà nhà trường phải chịu sự giải toả. Còn địa phương lại chưa tìm được đất để xây dựng trường mới mặc dù trường đang bị xuống cấp nặng. Mặt khác ở năm học này cả tỉnh chỉ có hai giáo viên môn Toán lại là người địa phương thuộc một vùng khó khăn khác cũng đang thiếu giáo viên, vì vậy hai giáo viên đó được phân công về một vùng sâu hơn nữa. Để tìm hiểu rõ ràng về nguyên nhân, quyết định của chúng tôi lúc bấy giờ là mang tất cả bài thi của học sinh về trường và mời "bộ tứ" nhà trường cùng các tổ chuyên môn có môn thi cùng ngồi với nhau và nghiên cứu từng bài thi của học sinh. Điều bất ngờ đối với tất cả mọi người là học sinh trường này có yếu về môn Toán thật nhưng không phải là nguyên nhân chính để dẫn đến sự tốt nghiệp chỉ có 6% mà lí do cơ bản lại chính là từ môn Lịch sử. Đa phần học sinh bị điểm liệt (điểm dưới 2) ở môn học này. Thầy giáo dạy môn Lịch sử đành phải đứng lên và thú nhận lỗi của mình: Do nóng lòng muốn tạo thành tích cho cả thầy lẫn trò trong năm học này nên thầy phải đánh liều là "dạy tủ”. Nhưng chẳng may cho cả thầy và trò là không có câu nào “trúng tủ”. Và vì "trật tủ nên phải chấp nhận một kết quả thê thảm như thế. Có lẽ đây là bài học đau đớn của một thầy giáo nhưng cũng sẽ là bài học chung cho tất cả các nhà giáo khi muốn khẳng định chính mình. Sự thành đạt luôn gắn liền với cái giá phải trả, đó là quá trình phấn đấu bằng mồ hôi, nước mắt và trí tuệ. Sau đó, quyết định quản lí của chúng tôi là chi viện giáo viên Toán và giáo viên Lịch sử về làm nòng cốt và dạy mẫu cho nhà trường. Mỗi giáo viên chi viện 1 tháng và chỉ trong một học kì đầu thôi. Thế là cuối cùng, cũng với điều kiện cơ sở vật chất như thế, cũng chính đội ngũ giáo viên đó, năm học sau nhà trường đã tốt nghiệp với tỉ lệ 67,68%. 8. VIỆC ĐẦU TIÊN LÀ PHẢI BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO HỌC SINH Tổ bộ môn Lịch sử ở một trường THCS sau khi nhận hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp từ Sở GD - ĐT gửi về đã vui mừng khôn xiết. Tổ đã phân công mỗi giáo viên chịu trách nhiệm hai nội dung và luyện cho học sinh một cách nhuần nhuyễn với hi vọng thành tích của tổ sẽ là không có học sinh nào thi tốt nghiệp môn Lịch sử mà dưới điểm 6. Đồng chí tổ trưởng còn nói đùa với Hiệu trưởng là thầy hãy dành tiền thưởng cho tổ này nhé. Thế nhưng, kết quả lại hoàn toàn trái ngược, gần 50% học sinh bị điểm liệt, hơn 50% còn lại không có học sinh nào trên điểm 6. Với kết quả này, việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập của học sinh xem ra không có hi vọng gì (điểm tuyển sinh ở đây là Toán và Tiếng Việt hệ số 2, các môn còn lại hệ số 1). Điều bất thường này xảy ra là do tổ bộ môn Lịch sử Khi nhận được công văn hướng dẫn thi tốt nghiệp chỉ có 6 nội dung, tổ không những không tìm hiểu tại sao lại có một sự không bình thường so với các năm học khác, cũng như không bình thường so với các môn thi khác trong cùng một năm học như vậy, mà lại âm thầm luyện tập cho học sinh một cách máy móc như thế. Hiệu trưởng cũng không sâu sát, không kiểm tra chặt chẽ. Công văn hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử của Sở GD - ĐT có tất cả là 26 nội dung, không biết là do lỗi của đơn vị phát hành làm thiếu mất 1 trang hay là khi về trường bộ phận xử lí văn bản đã chuyển đến tổ Lịch sử thiếu hẳn một tờ A4? Và hậu quả của nó đã làm xôn xao dư luận của một huyện. Trong công văn gửi về Sở GD - ĐT, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã đã nêu: Sự việc này quá nghiêm trọng, nhiều học sinh không tốt nghiệp oan, nhiều gia đình chua xót khi con không được tuyển vào lớp 10 công lập mà đó lại là những học sinh khá giỏi của trường trong nhiều năm qua. Đồng chí Hiệu trưởng không phải là người của địa phương, không phải là người của mảnh đất cù lao đã từng kiên cường chiến đấu và chịu nhiều gian khổ trong thời kì chiến tranh nên đã không hết lòng vì con em chúng tôi. Chính sự vô trách nhiệm của ban lãnh đạo nhà trường làm cho học sinh chúng tôi bị thiệt hại đau đớn. Đề nghị Giám đốc kỉ luật, cách chức Hiệu trưởng và chuyển ra khỏi địa bàn huyện này ngay, không để đồng chí Hiệu trưởng tiếp tục dạy học trong huyện này nữa. Đây là một tội lỗi không thể tha thứ được. Đọc đi đọc lại công văn này nhiều lần, thật sự chúng tôi cảm thấy quá khó khăn để tìm ra giải pháp xử lí, để có thể ngăn được làn sóng phản đối của chính quyền địa phương cũng như của bà con xứ cù lao này. May quá, năm học này còn có kì thi tốt nghiệp lần thứ hai. Chúng tôi đã đến làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương, ban lãnh đạo nhà trường và đại diện phụ huynh học sinh. Đề xuất đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi học sinh, giao cho nhà trường tổ chức ôn tập thật tốt để học sinh thi lại, nhưng cũng nói rõ quy chế của Bộ là kết quả thi lần hai môn Lịch sử không thể thay đổi kết quả tức là không thể làm cho học sinh tốt nghiệp từ trung bình lên khá hoặc giỏi được, nhưng sẽ được đưa ra để xét lại việc tuyển sinh vào lớp 10. Việc xử lí kỉ luật Hiệu trưởng và giáo viên của nhà trường sẽ bàn sau khi thi xong lần hai. Ý kiến được chấp nhận trong không khí phấn khởi và cởi mở. Sau khi mọi việc hoàn tất, cấp uỷ và chính quyền địa phương lại có văn bản mới đề nghị chỉ nên cảnh cáo Hiệu trưởng thôi, bởi vì đồng chí đã có nhiều đóng góp với địa phương trong những năm qua. Thế mới biết tấm lòng vị tha của bà con mình, sự thông cảm của cấp uỷ và chính quyền địa phương đối với những người làm giáo dục. Nhưng đối với người Hiệu trưởng nhà trường thì đây là một bài học khó quên, bài học không thể tự tha thứ cho mình. 9. NÓI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY Đặt lên bàn một đơn xin thôi làm Phó Hiệu trưởng của một nữ nhà giáo với nhiều lí do khác nhau như là vợ của một nhà giáo luôn bận bịu với nhiều công việc, cần có thời gian để giúp chồng hoàn thành tất nhiệm vụ, phải chăm sóc bố mẹ già, phải dành cho con nhiều hơn nữa với vai trò làm mẹ v.v… Tất cả lí do nêu ra đều chính đáng. Là lãnh đạo, ai cũng thấy mình cần phải có trách nhiệm để giải quyết việc này. Để thận trọng hơn, chúng tôi cho mời đồng chí Phó Hiệu trưởng đến gặp lãnh đạo Sở GD - ĐT cùng lãnh đạo Công đoàn ngành. Nói chung, chúng tôi vừa lắng nghe, vừa khuyên giải, vừa tìm giải pháp để hỗ trợ. Nhưng cô giáo nhất quyết một mực xin được làm một giáo viên bình thường. Thế là chúng tôi đành phải chấp nhận và ra quyết định cho cô giáo thôi làm Phó Hiệu trưởng sau khi dành cho hai tháng để chờ đợi ý kiến cuối cùng của cô giáo. Nhưng chỉ một tuần sau khi ra quyết định, chúng tôi nhận được đơn đề nghị của Chủ tịch Công đoàn nhà trường xin lãnh đạo Sở GD - ĐT xem xét lại quyết định đề việc cho nữ nhà giáo thôi làm Phó Hiệu trưởng, bởi vì đây là một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nột người rất cần được Sở GD - ĐT quan tâm tạo điều kiện làm việc tốt để có lợi cho ngành, kèm theo đó là chữ kí của hầu hết giáo viên và bút phê của một đồng chí lãnh đạo địa phương. Đọc đi đọc lại văn bản đề nghị, chúng tôi thấy hình như quyết định của Sở GD - ĐT vừa qua là chưa chuẩn. Tại sao lại tin vào những giọt nước mắt của cô giáo mà không biết rằng tập thể nữ giáo viên nơi đây cần một đồng chí lãnh đạo nhà trường như thế? Xử lí bằng cách nào bây giờ? Sau vài ngày đắn đo suy nghĩ, chúng tôi cho mời lãnh đạo Phòng GD - ĐT, lãnh đạo nhà trường nên để tìm cách khắc phục. Nhìn chung, ai cũng cho rằng sự việc đã rồi thì thôi không bàn đến nữa, vả lại đây là nguyện vọng tha thiết của cô giáo thể hiện trên đơn xin thì không nên giải quyết lại, theo một đề nghị không phải của cô giáo. Tuy nhiên ở góc độ nhà quản lí, chúng tôi cho rằng với một cô giáo mà cả tập thể đang ăn, lại cho thôi không làm quản lí như vậy có phải là đã cố lỗi với nhà trường hay không, có khi lại phải xin lỗi và bổ nhiệm lại. Nhưng bổ nhiệm bằng cách nào đây? Thế là chúng tôi đã quyết định cùng lãnh đạo phòng GD - ĐT về trường. Đứng trước tập thể sư phạm, chúng tôi đã thành thật nêu lại suy nghĩ của mình và đề nghị tập thể sư phạm biểu thị lòng mong muốn của họ bằng ý kiến góp ý thẳng thắn về cách xử lí của Sở GD - ĐT, về nguyện vọng của tập thể hoặc cá nhân. Mấy phút im lặng trôi qua, vài cánh tay giơ lên nhưng lại không phát biểu mà chỉ xin được thể hiện bằng lá phiếu. Điều quá bất ngờ đối với tất cả chúng tôi là với gần 100 cán bộ giáo viên, tổng số phiếu tín nhiệm nữ nhà giáo đó chưa được 10%. Lúc bấy giờ tất cả đại biểu nhìn nhau và không còn biết làm gì và nói gì nữa. Giờ phút đấy, chúng tôi chỉ biết thương cho nữ nhà giáo của mình khi để xảy ra cơ sự này. Đúng là "nói vậy mà không phải vậy". 10. CẦN THỰC SỰ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC Có một năm học, để có thể vừa đánh giá chất lượng giáo dục thực ở cơ sở, vừa kiểm tra sự chỉ đạo ở các cấp quản lí và nhà trường, khi duyệt đề thi tốt nghiệp Tiểu học, Hội đồng Sở GD - ĐT đã "bí mật" chuyển đổi hai nội dung so với đề thi được giới thiệu như sau: 1. Đối với môn Toán: Hằng năm gần như 100% học sinh làm đúng câu hỏi tìm x với một dạng khá phức tạp. Sự thay đổi của chúng tôi là cho câu này đơn giản hơn. 2. Đối với môn Tiếng Việt: Thay vì làm theo đề thi được giới thiệu là "Hãy tả buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em" thì đề thi mới là: "Hãy kể lại cảnh gia đình em lúc treo cờ Tổ quốc nhân ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9". Đề thi đưa ra gần như đã gặp phải sự phản ứng của toàn thể giáo viên và cán bộ chỉ đạo giáo dục Tiểu học trong tỉnh. Về lí do để cơ sở phản đối đề thi môn Tiếng Việt là dễ hiểu vì đây là một dạng đề mới, không có trong các bài tập làm văn mẫu. Còn đề thi môn Toán mà bị phản đối thì là một điều khó hiểu với người ngoài cuộc, nhưng lại là một điều cần suy nghĩ đối với người trong cuộc là những cán bộ quản lí giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng. Kết quả chấm thi đã để lại cho chúng tôi hai câu hỏi: - Một là: Tại sao câu hỏi tìm x khó và phức tạp thì học sinh lại làm đúng mà câu hỏi tìm x với một phép tính đơn giản thì học sinh lại không làm được (kể cả đó là học sinh thủ khoa của tỉnh)? - Hai là: Tại sao bài tập làm văn mà tất cả giáo viên đều lo sợ thì học sinh làm được? Câu trả lời từ những nhà giáo trực tiếp giảng dạy gần như tập trung: - Chúng tôi cần phải dạy cho học sinh đạt điểm trung bình ở các môn thi, chúng tôi đã dạy cho học sinh một số bài tập làm văn mẫu, không đúng mẫu thì phải sợ. - Đề thi ra kiểu nào thì chúng tôi tập trung dạy theo kiểu ấy. Chẳng hạn lâu nay câu tìm x ở đề thi môn Toán sở dĩ đa số học sinh làm được là do chúng tôi tập trung vào luyện học sinh một cách máy móc theo hình thức của đề thi chứ không dạy cho học sinh nắm các nguyên tắc cơ bản. Để tránh những phản ứng không cần thiết từ nội bộ ngành, giải pháp tình thế của chúng tôi lúc đó là bổ sung ở đề thi thêm một câu về tính dãy số (như một câu hỏi bắt buộc). Chỉ có trong đáp án thì mới yêu cầu giáo viên chọn câu đúng của học sinh để chấm điểm. Nhờ vậy mới phát hiện được là không có học sinh làm đúng câu tìm x. Đối với đề thi môn Tiếng Việt thì thời gian chấm thi tăng gấp đôi hằng năm vì giáo viên phải đọc bài làm của học sinh chứ không phải đọc lại bài của chính mình. Điều bất ngờ là đối với kết quả thi môn Tiếng Việt, phần lớn học sinh viết bài rất thật, bằng chính ngôn ngữ của trẻ. Trong tổng số học sinh giỏi thì 40% học sinh giỏi vẫn là giỏi, 60% còn lại là "sao đổi ngôi". Bài học rút ra cho người quản lí chính là cần thực sự đổi mới về phương pháp dạy và phương pháp học. 11. SUỐT ĐỜI EM SẼ PHẤN ĐẤU VÌ NGHỀ DẠY HỌC Trong tập hồ sơ đề nghị kỉ luật với hình thức buộc thôi việc một giáo viên, điều làm chúng tôi quan tâm là ở câu chốt của kỉ luật: Đây là một giáo viên đã từng có học sinh giỏi, nhưng ngày nay đã sa sút về năng lực giảng dạy, kể cả phẩm chất đạo đức, không chấp hành sự phân công của tổ chức. Hồ sơ gần như đã hợp lệ, Hội đồng kỉ luật đã thông qua, chỉ còn kí nữa là xong. Thế nhưng có một câu hỏi thắc mắc luôn bám theo chúng tôi: Vì sao một người đã từng năng nổ, tháo vát lại có thể thay đổi một cách nhanh chóng như vậy? Chúng tôi yêu cầu được trực tiếp phỏng vấn nhà giáo này. Tuy nhiên cũng phải đến 4, 5 lần thì giáo viên này mới trình bày thật hoàn cảnh của mình: Anh là một thanh niên, một nhà giáo đầy nhiệt huyết, đã có gia đình riêng và sắp sửa có đứa con thứ hai. Nhà của đôi vợ chồng trẻ được che bằng những tấm ni lông giữa khoảng cách của hai căn nhà hai bên. Khi con ốm, anh vay của dân 3,5 triệu đồng, lãi suất 1 tháng là 10%. Như vậy, tiền lương của thầy giáo chỉ đủ để trả tiền lãi vay, anh đã phải chấp nhận làm bất cứ hình thức thuê mướn nào ngoài dân để nuôi vợ con. Do làm ở bên ngoài nhiều nên công việc giảng dạy của anh không đảm bảo kế hoạch, chất lượng thấp. Từ đó anh không được đứng lớp, không đứng lớp, không có phụ cấp ưu đãi thì lại phải tăng cường làm thuê. Phòng GD - ĐT đã điều anh đến một điểm khác sâu hơn điểm cũ chỉ có 2 km, nhưng anh đã phản đối không chấp hành. Thực ra, từ nhà anh đến điểm đang dạy đã là 4 km rồi, bây giờ phải di chuyển thêm 2 km nữa là 6 km, trong hoàn cảnh như thế giáo viên này không thể nào khắc phục được. Trước tình thế này, trước khi kỉ luật giáo viên chúng tôi phải giải quyết một số việc như sau: - Vận động quỹ tình thương trợ cấp cho thầy giáo 3,5 triệu đồng để có thể dựng được một ngôi nhà tạm bằng tre lá để ở. - Đề nghị bà con cho thầy giáo này khoảnh đất đang ở để làm nhà. - Yêu cầu thầy giáo chấp hành sự điều động của tổ chức là về dạy ở điểm sâu hơn để được đứng lớp. Sau khi xử lí xong mọi việc thì Giám đốc mới kí quyết định kỉ luật với hình thức cảnh cáo và thông báo toàn ngành. Khi nhận quyết định kỉ luật, hai vợ chồng thầy giáo đã vô cùng xúc động. Người vợ nói: Chúng em đã mang ơn nghĩa của ngành quá nhiều. Còn người chồng thì mấp máy: Em xin hứa sẽ phấn đấu suốt đời cho nghề dạy học của mình. 12. CHÍNH SÁCH PHẢI LUÔN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH ĐỂ TẠO HIỆU QUẢ Khi bắt đầu tổ chức phong trào thi giáo viên giỏi năm đầu tiên, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lí đã không ngớt lời khen ngợi về sự thành công của nó. Năm thứ hai tiếp theo, khi tổ chức khen thưởng lại thấy quá nhiều khuôn mặt quen thuộc và khí thế có vẻ không còn như năm đầu tiên. Chúng tôi phải tìm hiểu và kết quả là: - Thi giáo viên giỏi gần như mang tính hình thức, nặng về biểu diễn hơn là thực chất. Đồ dùng dạy học chỉ để phục vụ kì thi chứ không phải dùng để giảng dạy ở nhà trường như giáo viên đã thể hiện lúc thi. - Các nhà trường đã chọn ra một đội gọi là "thợ đi thi" để đỡ phải mất công xây dựng, mất thời gian giảng dạy của giáo viên.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan