Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH TÒ...

Tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN

.DOCX
66
351
108

Mô tả:

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN I. TỔNG QUAN VỀ TÒA ÁN, ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TÒA ÁN 1. Vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy Nhà nước 1.1. Chức năng của Tòa án a) Chức năng của Tòa án trong Bộ máy nhà nước ở các nước trên thế giới Tòa án của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có chức năng xét xử. Là một hoạt động của Nhà nước và với vai trò là cơ chế bảo vệ pháp luật của một quốc gia, “xét xử” hiểu theo nghĩa rộng là việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp - một trong ba quyền lực cơ bản, đặc trưng của một Nhà nước; theo nghĩa hẹp, “xét xử” được hiểu là việc xem xét chứng cứ, áp dụng pháp luật để đưa ra quyết định về các sự kiện hoặc hành vi pháp lý của các chủ thể trong một quan hệ pháp luật bị vi phạm hoặc tranh chấp và quyết định các biện pháp hoặc chế tài tư pháp đối với các chủ thể đó. Xét xử có vai trò rất lớn trong việc giữ vững ổn định và phát triển của xã hội. Sự ổn định của trật tự pháp luật trong nước, việc giữ vững kỷ cương xã hội, sự tự do và an toàn của con người... một phần quan trọng phụ thuộc vào hoạt động xét xử của Tòa án. Bằng việc xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội chẳng những có tác dụng trừng trị các phần tử phạm tội, giáo dục, cải tạo họ mà đồng thời còn góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm trong xã hội. Bằng việc giải quyết đúng các tranh chấp, Toà án góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi cho các giao dịch dân sự, kinh tế phát triển lành mạnh. b) Chức năng của Tòa án trong Bộ máy nhà nước ta qua các bản Hiến pháp Trong Hệ thống pháp luật của nước ta, các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992; Tòa án luôn được ghi nhận là cơ quan xét xử. Hiến pháp năm 2013, Tòa án được xác định là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy, có thể thấy rằng ở nước ta, Tòa án là cơ quan tư pháp trong Bộ máy nhà nước. Đánh giá về vị trí, vai trò của tư pháp trong Bộ máy nhà nước, trong Thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1948, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính”. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị tư pháp toàn quốc ngày 22-3-1957, Hồ Chủ tịch nói: “tư pháp cần góp phần mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”. Theo Hiến pháp năm 2013, thì chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được quy định như sau: “ 1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. 2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. 3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” 1.2. Yêu cầu phát triển của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền Với chức năng là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp - một trong ba quyền lực cơ bản, đặc trưng của một Nhà nước, Tòa án là bộ phận không thể thiếu được của bộ máy nhà nước. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án nhân danh nhà nước, căn cứ vào pháp luật để đưa ra các phán quyết đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực quan trọng nhất như tự do, danh dự, tài sản, nhân thân và cả tính mạng của con người, thể hiện thái độ của Nhà nước đối với những vụ việc cụ thể; bởi vậy, hoạt động xét xử phản ánh trực tiếp và sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước. Một hệ thống Tòa án độc lập, vững mạnh và uy tín để buộc tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của quốc gia là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra cho hệ thống tư pháp những nhiệm vụ cơ bản là “phải xây dựng được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phọng sự Tổ quốc”. Nhiệm vụ mà các Nghị quyết đề ra là những nội dung quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, các yêu cầu chủ yếu đặt ra đối với Tòa án trong nhà nước pháp quyền là: a) Bảo đảm tính độc lập của Toà án Một trong những đặc trưng của nhà nước pháp quyền là tính độc lập của nền tư pháp. Không thể nói đến nhà nước pháp quyền nếu không có Toà án độc lập. Các Thẩm phán và Hội thẩm phải thực hiện đúng nguyên tắc Hiến định “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Để bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, cần có nhiều điều kiện, trong đó có việc tổ chức Toà án theo cấp xét xử trên tinh thần của nguyên tắc hai cấp xét xử; mỗi Toà án là một cấp xét xử độc lập với Toà án cấp trên. Phải có một hệ thống pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng hoàn chỉnh; các thiết chế tư pháp bổ trợ phải đủ mạnh để giúp cho Toà án thực hiện tốt việc xét xử; cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động Toà án phải đầy đủ, hiện đại. b) Bảo đảm quyền cơ bản của công dân trong hoạt động tư pháp Quyền tự do dân chủ là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp quy định. Do vậy, trong hoạt động tư pháp, cần phải thực hiện đầy đủ các quyền của công dân như quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm… Cần thực hiện đầy đủ và chặt chẽ quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự (không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật) và tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự trong tố tụng dân sự. c) Bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và bảo đảm tính khách quan, vô tư trong các phán quyết của Toà án Quyền lực tư pháp chỉ có ý nghĩa khi nó tạo dựng và bảo vệ được sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân, tổ chức trước pháp luật và trước Toà án, tạo cho công dân niềm tin vào sự công bằng và đúng đắn của pháp luật. Trước tiên cần khẳng định rằng việc cải cách Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân phải dựa trên hai cơ sở khác nhau. Cơ sở thứ nhất phải là những chuẩn mực mới, những kiến giải khoa học về vị trí, vai trò và chức năng nhiệm vụ của Toà án trong nhà nước pháp quyền. Đó là khía cạnh đổi mới. Tuy nhiên, cơ sở thứ hai cũng không kém quan trọng cần phải được quan tâm thích đáng là tính kế thừa trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước trong đó có Toà án đã được thiết lập và kiểm nghiệm trong một thời gian dài và đã chứng tỏ sự phù hợp của chúng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Ở nước ta, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, trong đó có yêu cầu về nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp nói chung và năng lực xét xử của Tòa án nói riêng để đáp ứng các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với việc bảo vệ và thi hành pháp luật, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm và tôn trọng quyền con người. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”. Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đã nhấn mạnh vai trò, vị trí của Tòa án trong hệ thống tư pháp đó là: “Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”. d) Bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử của Toà án Tính nhân dân của Toà án được thể hiện từ những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân. Đó là một hệ thống Toà án gắn bó với dân, gần dân, vì dân. Những giá trị đó phải tiếp tục được củng cố và khẳng định trong nhà nước pháp quyền. Đại diện cho nhân dân cần phải tham gia vào xét xử, thông qua đó mà giám sát hoạt động của Toà án. Các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân cũng có trách nhiệm giám sát Toà án bằng những cách thức của mình do pháp luật quy định. Những đòi hỏi này được đáp ứng bằng việc thực hiện một loạt nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Toà án như nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc hai cấp xét xử, việc xét xử của Toà án có Hội thẩm nhân dân tham gia, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; nguyên tắc Toà án xét xử công khai; nguyên tắc quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm; nguyên tắc tranh tụng… 2. Vai trò của Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định “Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán và Thư ký Tòa án”. Theo yêu cầu tiêu chuẩn hóa các chức danh công chức của Nhà nước và của ngành, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án được chia thành 4 loại: công chức lãnh đạo, quản lý; công chức có chức danh tư pháp (bao gồm Thẩm phán và Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án); công chức nghiên cứu và chuyên gia; công chức hành chính tư pháp và công chức khác; cụ thể như sau: 2.1. Công chức lãnh đạo, quản lý Là người được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Tòa án nhân dân các cấp bao gồm: a) Tại Tòa án nhân dân tối cao - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: do Chủ tịch nước bổ nhiệm trong số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Là ngạch công chức lãnh đạo cao nhất trong hệ thống Tòa án; - Chánh tòa, Phó Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm trong số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, làm nhiệm vụ giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý, điều hành một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ thuộc thẩm quyền của Tòa án; - Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và tương đương của các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, làm nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực. Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương có thể đồng thời là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; - Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, giúp lãnh đạo các Tòa chuyên trách, lãnh đạo Vụ và tương đương theo từng nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể do lãnh đạo cấp vụ và tương đương phân công. b) Tại Tòa án nhân dân địa phương - Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm trong số Thẩm phán trung cấp, để lãnh đạo, điều hành hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, quản lý về tổ chức đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh và thực hiện các quyền năng về tố tụng theo quy định của pháp luật; - Chánh tòa, Phó Chánh tòa của các tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh: do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm trong số Thẩm phán trung cấp, làm nhiệm vụ giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý, điều hành một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; - Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh: do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, làm nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể đồng thời là Thẩm phán trung cấp hoặc Thẩm phán sơ cấp; - Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện: do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm trong số Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp để lãnh đạo, điều hành hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện và thực hiện các quyền năng về tố tụng theo quy định của pháp luật. Theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp đó là “Hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp” với những nội dung: “Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ; tăng cường công tác xây dựng Đảng, giáo dục, quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên; chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ trong các cơ quan tư pháp. Phân công đồng chí cấp ủy viên có trình độ, năng lực, uy tín và bản lĩnh bổ nhiệm làm viện trưởng viện kiểm sát và chánh án tòa án nhân dân các cấp”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp, ủng hộ của các bộ, ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác Tòa án, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án nhân dân trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, từng bước đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và của các địa phương. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo Toà án nhân dân các cấp hiện nay: đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Bí thư Trung ương Đảng; 49/63 đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh (gồm 44 Chánh án và 05 Phó Chánh án) tham gia cấp ủy cấp tỉnh; 462/697 đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp huyện (gồm 380 Chánh án và 82 Phó Chánh án) tham gia cấp ủy cấp huyện. Qua đó cho thấy, việc lãnh đạo Tòa án nhân dân các cấp tham gia cấp ủy địa phương sẽ góp phần tăng cường việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, là điều kiện thuận lợi để Tòa án các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời là một trong những phương thức đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp. 2.2. Công chức có chức danh tư pháp Bao gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp; Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án. Đây là những chức danh tố tụng theo quy định của pháp luật, là chức danh công chức không thể thiếu được trong tổ chức và hoạt động của Tòa án; cụ thể như sau: a) Thẩm phán Trong hoạt động tố tụng của Tòa án, Thẩm phán giữ vị trí chủ đạo; chức năng, nhiệm vụ của Tòa án chủ yếu do Thẩm phán thực hiện. Với tư cách là người được giao thực hiện chức năng xét xử và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Thẩm phán có vị trí quan trọng và vai trò không thể thay thế trong việc thực hiện một trong những quyền lực nhà nước-quyền tư pháp. Hơn nữa, Thẩm phán còn có vị trí, vai trò đặc biệt nếu xét từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm của họ trong cơ cấu tổ chức cán bộ của Tòa án, trong hoạt động tố tụng khi so sánh với những người tiến hành tố tụng khác và trong cơ chế bổ nhiệm, giao nhiệm vụ nếu so sánh với các chức danh công chức khác trong các cơ quan nhà nước. Từ các quy định của pháp luật tố tụng cho thấy, trong hoạt động tố tụng thì Tòa án và Thẩm phán luôn chiếm giữ vị trí trung tâm và vai trò quyết định cuối cùng đối với việc xét xử và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Mọi hoạt động tố tụng mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát tiến hành và các hoạt động bổ trợ tư pháp như cơ quan giám định, công chứng, luật sư… đều chỉ có ý nghĩa trợ giúp cho hoạt động xét xử của Tòa án. Trong số các chức danh cán bộ, công chức nhà nước thì Thẩm phán được xem là chức danh công chức đặc biệt, bởi lẽ các vấn đề về nghĩa vụ và quyền hạn, về những việc họ không được làm và các vấn đề về tổ chức cán bộ như quản lý, sử dụng, chế độ chính sách đối với Thẩm phán không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức mà còn phải tuân theo các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân về điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục tuyển chọn và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Thẩm phán. Từ những vị trí, vai trò cơ bản nêu trên của Thẩm phán, có thể thấy rằng địa vị pháp lý của Thẩm phán đã được ghi nhận và khẳng định một cách rõ ràng trong hệ thống pháp luật của nước ta. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tiếp tục khẳng định rõ vị trí, vai trò trung tâm của Tòa án và Thẩm phán cùng với việc đề ra các yêu cầu về xây dựng, củng cố đội ngũ Thẩm phán để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước hiện nay. b) Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên Thư ký Tòa án là một chức danh tư pháp, là công chức nhà nước được tuyển dụng và bổ nhiệm theo quy định của pháp luật vào ngạch Thư ký Tòa án của Tòa án các cấp. Cùng với sự hình thành của bộ máy nhà nước, ngành Tòa án ra đời từ năm 1945 nhưng chức danh Thư ký Tòa án xuất hiện rất muộn trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mãi đến năm 1992, Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới có quy định về chức danh Thư ký Tòa án và đến năm 1993 được bổ sung vào hệ thống các chức danh công chức trong các cơ quan nhà nước (hình thành một ngạch công chức riêng và có trình độ đào tạo ở bậc trung cấp). Từ năm 2004, vị trí, vai trò của ngạch Thư ký Tòa án được củng cố và được xếp ngang với ngạch chuyên viên (theo yêu cầu về trình độ đào tạo, mức lương). Đến nay, việc tuyển dụng công chức và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án được coi là công việc quan trọng hàng đầu của ngành Tòa án. Theo đó, người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của công chức, còn phải tuân thủ các quy định đặc thù của ngành Tòa án từ sức khỏe, hình thức, tác phong đến phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Thư ký Tòa án không chỉ là một chức danh tư pháp, một loại công chức nhà nước mà còn được xác định là một nghề. Khi vào làm trong Tòa án, Thư ký Tòa án ở một số quốc gia không nhất thiết phải có trình độ cử nhân luật mà sau khi được tuyển dụng, họ sẽ được đào tạo theo một chương trình riêng, chuyên sâu về các kỹ năng của nghề Thư ký Tòa án trong một khoảng thời gian nhất định và có thể phục vụ suốt đời với chức danh này. Khác với các các nước, những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án ở nước ta chưa được xác định là một nghề theo đúng nghĩa của nó và không được đào tạo nghề theo một chương trình chính quy và cơ bản của công việc Thư ký Tòa án. Họ học nghề Thư ký Tòa án chủ yếu thông qua thực tiễn công tác và kinh nghiệm của người đi trước. Đồng thời, chức danh Thư ký Tòa án được coi như là một bước quá độ để chuyển tiếp lên chức danh cao hơn là Thẩm phán. Trong thực tế, phần lớn đội ngũ Thẩm phán ở nước ta đều trưởng thành từ Thư ký Tòa án. Những người được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án, tuy công tác ở các cấp Tòa án khác nhau, tính chất công việc khác nhau nhưng đều có vị trí, vai trò như nhau: Một là, Thư ký Tòa án là công chức nhà nước và là chức danh tiến hành tố tụng không thể thiếu trong Tòa án được quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Cán bộ, công chức; Hai là, Thư ký Tòa án là người tiến hành tố tụng khi được phân công tham gia giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản như nhau: Một là, quyền và nghĩa vụ của Thư ký Tòa án theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Hai là, quyền và nghĩa vụ của Thư ký Tòa án theo pháp luật tố tụng, khi được phân công tham gia giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, cần phân biệt sự khác nhau giữa Thư ký Tòa án với Thư ký phiên tòa. Thư ký Tòa án là một chức danh công chức của Tòa án theo quy định của pháp luật; Thư ký phiên tòa là người tiến hành tố tụng, được Chánh án phân công làm nhiệm vụ Thư ký đối với từng vụ án cụ thể, có nhiệm vụ cùng với Thẩm phán và Hội đồng xét xử giải quyết vụ án. Thư ký phiên tòa có thể ở ngạch Thư ký Tòa án (ở hầu hết Tòa án các cấp) hoặc ở ngạch Thẩm tra viên (là một chức danh công chức của Tòa án và chỉ có ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao) được Chánh án phân công làm nhiệm vụ Thư ký trong từng phiên tòa cụ thể (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm). Đối với ngạch Thẩm tra viên: là một chức danh công chức Tòa án, có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án và những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao. Về cơ bản, ngạch Thẩm tra viên cao hơn ngạch Thư ký Tòa án. Trước đây, để chuyển lên ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án phải có 2 năm làm ở ngạch Thư ký Tòa án và phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch Thẩm tra viên hoặc là Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện khi không được bổ nhiệm lại Thẩm phán thì chuyển sang ngạch Thẩm tra viên. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của Tòa án, thực hiện thu gọn và chuẩn hóa các ngạch công chức thì ngạch Thư ký Tòa án tương đương với ngạch Thẩm tra viên (chẳng hạn: ở Tòa án nhân dân tối cao, sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng, công chức được xếp ngạch Thư ký Tòa án và sau thời gian tập sự sẽ được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên). 2.3. Công chức nghiên cứu và chuyên gia Đây là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng nghiên cứu về khoa học Tòa án. Được hình thành từ những người được đào tạo cơ bản và có trình độ chuyên môn cao, có tư duy và khả năng nghiên cứu, có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án. Những người này có thể là Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính hoặc Thẩm tra viên cao cấp và tương đương hoặc là những Thẩm phán lâu năm của Tòa án các cấp; đồng thời họ có thể được tiếp nhận từ những cơ quan pháp luật khác trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương hoặc từ những cơ sở đào tạo pháp luật trong nước hoặc là những chuyên gia trong từng lĩnh vực… Đội ngũ này, được xây dựng và thu hút làm việc tại Tòa án nhân dân tối cao để giúp lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao trong công tác nghiên cứu, để tìm ra những giải pháp trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Tòa án. Thực hiện các nhiệm vụ của cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, bảo đảm ngang tầm với nhiệm vụ được giao thì việc xây dựng đội ngũ công chức nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ công chức này. 2.4. Công chức hành chính tư pháp và công chức khác Đây là đội ngũ chủ yếu làm chức năng giúp việc, phục vụ trong Tòa án các cấp như tiếp dân, đánh máy, văn thư, lưu trữ… Về cơ bản, họ đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, thời gian qua nhiều chủ trương, định hướng quan trọng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Vai trò của Tòa án ngày càng được khẳng định có vị trí trung tâm trong hoạt động tư pháp. Nhiều cán bộ lãnh đạo Tòa án được cơ cấu và bầu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ hiện nay không những nâng cao vai trò của Tòa án trong bộ máy Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tòa án sâu sát hơn. Các Tòa án cũng có điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc củng cố cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác xét xử. II. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ THẨM PHÁN VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGÀNH TÒA ÁN 1. Về số lượng, chất lượng đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án 1.1. Về số lượng Tại Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tổng biên chế và số lượng Thẩm phán của Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp đã bổ sung cho các Toà án nhân dân địa phương đến năm 2013 là 1.713 biên chế, theo đó tổng số biên chế của Toà án nhân dân các cấp là 15.237 người, gồm: - Tổng biên chế của Toà án nhân dân tối cao là 722 người, trong đó có 120 Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (được giữ nguyên theo Nghị quyết số 770/2009/UBTVQH12 ngày 23/02/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội); - Tổng biên chế của Toà án nhân dân cấp tỉnh là 4.088 người, trong đó có 1.170 Thẩm phán trung cấp; - Tổng biên chế của Toà án nhân dân cấp huyện là 10.427 người, trong đó có 4.865 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. - Tổng biên chế Toà án quân sự các cấp được giữ nguyên theo Nghị quyết số 770/2009/UBTVQH12 ngày 23/02/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Tổng biên chế Toà án quân sự các cấp là 315 người, trong đó có 141 Thẩm phán. Cụ thể: Toà án quân sự Trung ương là 54 người, có 19 Thẩm phán; Toà án quân sự cấp quân khu là 108 người, có 54 Thẩm phán; Toà án quân sự khu vực là 153 người, có 68 Thẩm phán). Đến nay, số biên chế của ngành Toà án nhân dân và các Toà án quân sự đã được thực hiện tương đối đầy đủ, bảo đảm đúng cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn và thủ tục tuyển dụng theo quy định. Theo số liệu thống kê đến ngày 31/12/2012 toàn ngành Toà án nhân dân có 13.296 người, trong đó có 5.004 Thẩm phán và 8.292 Thư ký Toà án, Thẩm tra viên và cán bộ, công chức khác; hiện còn thiếu 1.941 biên chế so với chỉ tiêu được giao, thiếu 1.151 Thẩm phán; cụ thể: a) Toà án nhân dân tối cao: hiện có 717 biên chế, gồm 108 Thẩm phán (15,1%), 512 Thẩm tra viên (các loại) và Thư ký Toà án (71,4%), 97 công chức và nhân viên khác (13,5%). So với biên chế được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân bổ còn thiếu 05 biên chế (0,7%), thiếu 12 Thẩm phán (0,1%). b) 63 Toà án nhân dân cấp tỉnh: hiện có 3.442 biên chế, gồm 1.027 Thẩm phán (29,8%), 1.957 Thẩm tra viên (các loại) và Thư ký Toà án (56,9%), 458 công chức và nhân viên khác (13,3%). So với biên chế được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân bổ còn thiếu 646 biên chế (15,8%), thiếu 143 Thẩm phán. c) 697 Toà án nhân dân cấp huyện: hiện có 9.137 biên chế, gồm 3.869 Thẩm phán (42,3%), 4.438 chuyên viên và Thư ký Toà án (48,6%), 830 công chức và nhân viên khác (9,1%). So với biên chế được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân bổ còn thiếu 1.290 biên chế (12,4%), thiếu 996 Thẩm phán. 1.2. Về chất lượng a) Về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị: - Về trình độ chuyên môn: tiến sĩ 21 người (0,2%); thạc sĩ 518 người (3,9%); cử nhân 11.571 người (87%); trình độ khác 1.186 người (8,9%). - Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị 2.382 người (17,9%); trung cấp lý luận chính trị 3.786 người (28,5%); chưa qua đào tạo 7.128 người (53,6%). b) Về cơ cấu công chức: công chức nữ 6.732 người (50,6%); đảng viên 9.636 người (72,5%); dân tộc thiểu số 981 người (7,4%); tôn giáo 157 người (1,2%). c) Về độ tuổi: đến 35 tuổi 5.913 người (44,5%); từ 36 đến 45 tuổi 3.995 người (30%); từ 46 đến 55 tuổi 2.822 người (21,2%); trên 55 tuổi 566 người (4,3%). 2. Những tồn tại, bất cập và nguyên nhân 2.1. Những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án a) Về đội ngũ cán bộ, công chức - Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt các thế hệ cán bộ, công chức trong Tòa án các cấp còn phổ biến; thiếu đội ngũ cán bộ, công chức nòng cốt kế cận có trình độ chuyên môn cao và đội ngũ chuyên gia đầu ngành đủ sức giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ở một số Tòa án vùng sâu, vùng xa và miền núi, hải đảo tình trạng thiếu và yếu cán bộ còn chưa được giải quyết dứt điểm, rất khó khăn về nguồn cán bộ. - Đội ngũ cán bộ, Thẩm phán chưa thực sự ổn định, chuyên nghiệp. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán tuy đã được nâng lên một mức nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn nhiều bất cập, hạn chế về một số mặt: tri thức về xã hội, kinh tế thị trường, trình độ ngoại ngữ, kiến thức pháp luật quốc tế, hành chính nhà nước, kỹ năng thực thi công vụ, cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động công vụ. b) Về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã từng bước được hoàn thiện nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là về vấn đề phân cấp quản lý cán bộ, công chức còn nhiều quy định chưa rõ ràng; chưa có cơ chế phân cấp đi đôi với giám sát, kiểm tra trong việc thực hiện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; chưa xây dựng được cơ chế mang tính đột phá trong tuyển dụng đầu vào, nhất là đối với các địa phương có khó khăn về nguồn cán bộ. - Việc bố trí cán bộ, công chức ở nhiều Tòa án chưa có tỷ lệ phù hợp với đặc điểm, tính chất và yêu cầu công việc. Tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ các ngạch công chức đã được thực hiện tiêu chuẩn hóa, tuy nhiên vẫn còn chưa đồng bộ, thật chất và còn mang tính hình thức; việc rà soát, phân loại, đánh giá cán bộ còn hạn chế; công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ ngành Toà án nhân dân còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và chưa thể hiện sự gắn kết giữa các khâu trong công tác cán bộ. Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở một số Toà án địa phương còn chậm, kết quả rất hạn chế; việc bổ nhiệm cán bộ, công chức có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đúng khả năng của người được bổ nhiệm và chưa dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ; quy trình, thủ tục bổ nhiệm còn rườm rà, nặng về hình thức. - Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức và Thẩm phán hiện nay còn chưa phù hợp với đặc thù công tác Toà án, còn nhiều bất hợp lý, chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp và chế độ trách nhiệm pháp lý, chưa thực sự có sức hấp dẫn, chưa tạo được động lực khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức đề cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác; chưa có cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với công chức có tài năng trong hoạt động công vụ. - Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn chậm được đổi mới, chưa gắn với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhu cầu của sự nghiệp đổi mới. Chất lượng của một số khoá đào tạo chưa đồng đều, nhất là so với yêu cầu của cơ quan sử dụng cán bộ đặt ra; chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan trong việc đánh giá chất lượng đào tạo; số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; công tác đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa gắn với hoạt động thực tế (thực tập làm việc tại các cơ quan); đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự gắn kết với các khâu trong công tác cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ. - Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức chưa thống nhất trong toàn bộ máy nhà nước nói chung, trong đó có ngành Tòa án nhân dân. Cho đến nay, bước đầu đã chuẩn hóa được mẫu hồ sơ cán bộ, công chức và quy định việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức. Việc đưa công nghệ thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đủ độ tin cậy, đầy đủ, chính xác, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và hội nhập trong khu vực và trên thế giới. 2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án nhân dân còn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh theo đặc thù hoạt động Tòa án. Một số văn bản chưa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn một số vấn đề bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. - Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cơ quan Tòa án trong cải cách tư pháp chưa thực sự đúng đắn; còn có tư tưởng cho rằng, tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng giống như các cơ quan hành chính nhà nước, đã hình thành ổn định và đang vận hành bình thường; việc đổi mới hay cải cách là công việc thường xuyên, lâu dài của các cơ quan nghiên cứu, lãnh đạo ở cấp vĩ mô. Một số cơ quan ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền đại phương chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, trong đó quan trọng nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. - Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với nhau, giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác và với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án theo yêu cầu cải cách tư pháp còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. - Về thực hiện biên chế: Trong những năm qua, các địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, tích cực triển khai nhiều biện pháp để tuyển dụng công chức, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, nhiều địa phương đã thực hiện đủ số biên chế được giao. Riêng đối với một số địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng công chức do những nguyên nhân chủ quan thuộc về ngành Tòa án như: chưa chủ động nghiên cứu để tìm ra giải pháp; việc phối hợp với các cơ quan hữu quan và địa phương trong công tác tìm nguồn tuyển dụng còn chưa tốt…; bên cạnh đó, do những nguyên nhân khách quan: một là, tiền lương và các chế độ đãi ngộ công chức được tuyển dụng vào ngành Tòa án thấp so với mặt bằng chung, chưa đảm bảo cho đời sống, sinh hoạt cá nhân nên nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học luật không có nguyện vọng về ngành Tòa án công tác (số đông họ lựa chọn các ngành kinh tế, luật sư hoặc các cơ quan tư pháp khác có thu nhập cao hơn). Bên cạnh đó, cùng với áp lực công việc cao, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm lớn nên có không ít trường hợp sau khi được tuyển dụng lại xin chuyển công tác sang ngành khác hoặc xin thôi việc; hai là, không có chế độ nhà ở công vụ, cùng với điều kiện sinh hoạt, phương tiện đi lại khó khăn là một trở ngại không nhỏ đối với những người có nguyện vọng về công tác tại những địa phương thuộc khu vực này. Cơ chế tuyển dụng cán bộ còn nhiều bất cập do chưa đổi mới về cơ chế và các chính sách thu hút của ngành, chưa xây dựng được kế hoạch tạo nguồn cán bộ, nhất là đối với các vùng, miền có khó khăn về nguồn tuyển dụng. - Về công tác tổ chức cán bộ: nhiều quy định, quy chế trong công tác tổ chức cán bộ còn chưa được xây dựng để thực hiện thống nhất, nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra; công tác quy hoạch cán bộ còn chưa có tính khả thi, do chưa đánh giá đúng cán bộ; công tác luân chuyển cán bộ rất khó thực hiện do chưa có cơ chế, chế độ chính sách kèm theo luân chuyển và việc sử dụng cán bộ sau luân chuyển; chưa xây dựng được Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân để qua đó thực hiện thống nhất về quy trình, thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm nhằm bảo đảm tốt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do làm chưa tốt công tác quy hoạch cán bộ, chưa gắn kết giữa quy hoạch của cấp dưới với cấp trên, ở một số địa phương còn làm chậm, thậm chí còn chưa có quy hoạch do liên quan đến vấn đề phê duyệt quy hoạch (do cấp ủy địa phương hay Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt), làm ảnh hưởng đến công tác bổ nhiệm cán bộ. - Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: trong giai đoạn trước, do không được giao chức năng “đào tạo” cán bộ, công chức nên ngành Tòa án chưa chủ động trong công tác này. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp mà nhu cầu đào tạo của đội ngũ cán bộ, công chức là rất lớn nên hiệu quả trong công tác đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra của toàn ngành. Đồng thời, do chưa xây dựng được Chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành mang tính chiến lược, lâu dài nên đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Tòa án vẫn mang tính tình thế và chưa gắn kết với các khâu trong công tác cán bộ, nhất là các khâu luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan