Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ TRỌNG PHỤNG...

Tài liệu NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ TRỌNG PHỤNG

.PDF
148
361
142

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐINH TRÍ DŨNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VŨ TRỌNG PHỤNG Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 5.04.33 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: PGS. Nguyễn Hoành Khung HÀ NỘI - 1999 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Đinh Trí Dũng LỜI CẢM ƠN Luận án này được hoàn thành tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đ.H.Q.G Hà Nội, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của P.G.S Nguyễn Hoành Khung. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến thầy hướng dẫn đã dành cho NCS sự giúp đỡ tận tình trong quá trình học tập và từng bước hoàn chỉnh luận án. Tác giả cũng vô cùng biết ơn các thầy cô trong tổ Văn học Việt Nam II, khoa Ngữ văn, trường đại học Sư phạm, Đ.H.Q.G Hà Nội đã động viên, khuyến khích và đóng góp cho nhiều ý kiến quí báu trong quá trình hoàn thành luận án. Tác giả cũng chân thành cảm ơn các GS giới thiệu và phản biện luận án, các thành viên hội đồng bảo vệ đã đọc kỹ và đóng góp cho nhiều ý kiến để luận án thêm hoàn chỉnh. Tác giả cũng rất biết ơn Ban giám hiệu, phòng Quản lý khoa học Trường đại học Sư phạm, Đ.H.Q.G Hà Nội, Ban giám hiệu, khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Vinh đã tạo mọi thuận lợi trong quá trình học tập. Tác giả luận án MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................... 2 LỜI CẢM ƠN ................................................................................................................. 3 MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 6 1. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI .............................................................. 6 2. Lịch sử vấn đề .................................................................................................... 8 2.1. Thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945.................................................. 8 2.2. Thời kỳ từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến năm 1957 ....................... 13 2.3. Thời kỳ từ năm 1958 đến năm 1987..................................................... 15 2.4. Thời kỳ từ năm 1987 đến nay............................................................... 19 3. Nhiệm vụ, phạm vi và phương pháp nghiên cứu: ............................................ 23 3.1. Nhiệm vụ nghiên cứu: .......................................................................... 23 3.2. Phạm vi nghiên cứu: ............................................................................. 24 3.3. Phương pháp nghiên cứu: ..................................................................... 25 4. Đóng góp mới của luận án ............................................................................... 26 5. Cấu trúc luận án: .............................................................................................. 26 Chương 1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG TRONG TIỂU THUYẾT ............................................................................... 27 1.1. Nhìn con người trên "tinh thần giai cấp" ...................................................... 28 1.2. Quan niệm con người "tha hóa" .................................................................... 36 1.3. Con người tự nhiên bản năng và con người mang màu sắc của "chủ nghĩa định mệnh sinh lý" ............................................................................................... 46 1.4. Con người "vô nghĩa'lý" ................................................................................ 56 1.5. Tính thống nhất và mâu thuẫn trong quan niệm về con người ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ................................................................................................... 61 Chương 2 THẾ GIỚI NHÂN VẬT VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ CHỖ MẠNH, CHỖ YẾU CỦA NGÒI BÚT NHÀ VĂN .............................................................................. 65 2.1. Nhìn chung về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ............ 66 2.2. Các nhân vật phản diện và thành công xuất sắc trong điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa .............................................................................................................. 69 2.2.1. Nhân vật Nghị Hách và những đóng góp mới mẻ trong điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa ..................................................................................... 70 2.2.2. Xuân Tóc Đỏ và các nhân vật trong Số đỏ - những chân dung biếm họa và những điển hình hiện thực bất hủ .................................................... 76 2.3. Các nhân vật chính diện và bút pháp lý tưởng hóa ....................................... 85 2.3.1. Từ những nhân vật lý tưởng về đạo đức............................................ 86 2.3.2. ...đến những nhân vật hoạt động cải tạo xã hội ................................. 88 2.4. Các nhân vật "tha hoá" - Nhưng thành công và những chông chênh, lạc hướng trong điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa................................................... 96 2.4.1. Từ những nhân vật của chủ nghĩa hiện thực... .................................. 97 2.4.2. ...đến những hình tượng nhân vật minh họa .................................... 101 Chương 3 MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT CHỦ YẾU TRONG XÂY DỰNG NHÂN VẬT ................................................................................................................ 108 3.1. "Biệt tài ký họa chân dung" ........................................................................ 108 3.1.1. Những bức chân dung "hí họa" độc đáo .......................................... 108 3.1.2. Chân dung đám đông ....................................................................... 112 3.2. Đối thoại sinh động, giàu kịch tính ............................................................. 114 3.2.1. Đối thoại sinh động ......................................................................... 114 3.2.2. Kịch hóa trong tự sự và tính kịch trong ngôn ngữ nhân vật ............ 119 3.3. Những đột phá vào nội tâm nhân vật .......................................................... 123 3.3.1. Coi tâm lý như một đối tượng khảo sát, nghiên cứu ....................... 123 3.3.2. Độc thoại nội tâm ............................................................................ 129 KẾT LUẬN ................................................................................................................. 134 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................... 137 MỞ ĐẦU 1. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học phức tạp, đã từng là đề tài gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và trong dư luận bạn đọc. Thậm chí, có những thời kỳ, Vũ Trọng Phụng còn bị xem như một khu vực cấm, một "vụ án" văn học treo lơ lửng. Thế nhưng, thời gian luôn là người phán xét công bằng mọi giá trị văn học, và hiện tượng Vũ Trọng Phụng như một vật trôi nổi trong dòng xoáy dư luận "có khi chìm sâu xuống, tưởng chừng đã mất tăm, ấy thế mà cuối cùng lại hiện lên, từ tốn, lặng lẽ theo đúng quy luật ácsimét" [99, 15]. Cho đến nay, "vụ án" Vũ Trọng Phụng xem như đã kết thúc. Việc nghiên cứu Vũ Trọng Phụng đã tiến được những bước khá dài, vị trí của ông trong lịch sử văn học hiện đại dân tộc đã được khẳng định mạnh mẽ. Tuy vậy để thực sự làm chủ di sản văn học rất mực độc đáo này vẫn cần phải tốn nhiều công sức. Những thành kiến nặng nề đã được xóa bỏ, nhưng hiện tượng Vũ Trọng Phụng vẫn còn rất nhiều vấn đề, trong đó có những ngộ nhận mới nẩy sinh. Những giá trị, những đóng góp của Vũ Trọng Phụng đối với nền văn học dân tộc vẫn cần được tiếp tục tìm hiểu, khẳng định trên tinh thần khách quan khoa học. Trong bối cảnh xã hội hiện tại, chúng ta có nhiều điều kiện hơn trước để làm việc đó. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có được "một công trình nghiên cứu công phu khoa học về Vũ Trọng Phụng một cách toàn diện, hệ thống với sự lý giải, đánh giá thỏa đáng, tin cậy, trên cơ sở bao quát triệt để về tư liệu và sự vận dụng nhuần nhuyễn, mới mẻ về phượng pháp luận nghiên cứu, khả dĩ xứng đáng với tầm vóc nhà văn" [72, 330]. Mặt khác, cùng với sự hăng hái minh oan, khẳng định Vũ Trọng Phụng, không khỏi không có những ý kiến tỏ ra dễ dãi, bằng lòng với sự đề cao một chiều. Vì vậy, việc đi sâu tìm hiểu tác phẩm Vũ Trọng Phụng nói chung, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói riêng, vẫn đang được đặt ra như một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thời sự. 1.2. Vũ Trọng Phụng là một cây bút thành công trên nhiều thể loại nhưng trước hết, ông là một nhà tiểu thuyết, có những đóng góp lớn đối với tiến trình hiện đại hóa của thể loại này, một thể loại mà thiếu nó thì người ta khó hình dung được diện mạo 6 của văn học hiện đại một dân tộc. Đối với nhà tiểu thuyết, việc sáng tạo nhân vật được xem như có tầm quan trọng hàng đầu. Đây là "phương diện tất yếu quan trọng nhất để thể hiện tư tưởng" "là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của các tác phẩm ấy quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu nữa" [125, 18]."Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật" [150, 168]. "Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong mọi sáng tác" [60, 62]. Nói đến Vũ Trọng Phụng, người ta nghĩ ngay đến thế giới nhân vật đa dạng của ông, trong đó có không ít điển hình bất hủ sống mãi với thời gian: Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ... Nhưng đồng thời, đây cũng là đầu mối gây ra nhiều tranh cãi, nhiều bất đồng trong giới nghiên cứu. Đã xuất hiện nhiều cách tiếp cận nhân vật Vũ Trọng Phụng từ các góc độ phân tâm học, phong cách học, thi pháp học... Có cả cách tiếp cận hệ thống, khoa học và cả lối xé lẻ hình tượng để suy diễn, qui kết một cách dung tục, độc đoán. Có những loại nhân vật được quan tâm đúng mức nhưng cũng còn có loại bị hiểu nhầm, bị bỏ quên hoặc đang còn vấn để. Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, trong đó có thế giới nhân vật - theo chúng tôi, cần dược tiếp tục nhìn lại và tìm hiểu sâu hơn một cách khoa học, hệ thống. Trên nguyên tắc tiếp cận hệ thống đối với thế giới nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, luận án mong muốn đi sâu vào quan niệm và cách thức miêu tả con người của tác giả, một phương diện không thể thiếu khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật của nhà văn. 1.3. Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, các nhà văn hiện thực phê phán đã đóng góp phần không nhỏ trên nhiều phương diện, trước hết là ở thể loại văn xuôi. Chỉ nói riêng trong công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết đang diễn ra gấp rút từ những năm hai mươi của thế kỷ, Vũ Trọng Phụng đã chiếm một vị trí không thể thay thế, có ý nghĩa như một cột mốc trong nhiều cột mốc được nhắc đến: Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Tự lực Văn đoàn, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... Việc đi sâu nghiên cứu khảo sát thế giới nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng một cách hệ thống sẽ soi sáng những thành công và thất bại của tác giả, chỉ ra những chỗ dễ gây bất đồng, ngộ nhận, giúp cho các nhận định, đánh giá có đầy đủ căn cứ và có sức thuyết phục hơn. Từ đó, luận án cũng làm rõ hơn một phong cách tiểu thuyết, một trình độ chiếm lĩnh cuộc sống và con người, góp phần chỉ ra những đóng góp độc đáo của Vũ Trọng Phụng vào sự phát 7 triển của tiểu thuyết Việt Nam theo hướng hiện đại và đóng góp của cả trào lưu hiện thực phê phán. 1.4. Hiện nay, sau những thăng trầm kéo dài hàng chục năm, một số tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như Giông Tố, Số Đỏ đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở khoa Văn các trường đại học Sư phạm, đại học Khoa học xã hội và nhân văn và ở các trường phổ thông trung học. Đề tài của luận án, nếu thực hiện thành công, sẽ có ít nhiều đóng góp phục vụ công tác giảng dạy được tốt hơn. 2. Lịch sử vấn đề Theo thống kê của chúng tôi, cho đến nay (tháng 10/1998) đã có trên 180 bài viết, sách nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng. Con số đó đã cho thấy lịch sử vấn đề Vũ Trọng Phụng quả là phong phú và phức tạp. Ở đây, do yêu cầu của đề tài, không cần thiết đi sâu toàn bộ vấn đề lịch sử Vũ Trọng Phụng, chúng tôi chỉ xin điểm lại lịch sử phê bình nghiên cứu về nhân vật tiểu thuyết của ông. Về thời gian, tạm chia quá trình nghiên cứu Vũ Trọng Phụng làm bốn thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám, từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến cuối 1957, từ cuối 1957 đến năm 1987 và từ 1987 đến nay. 2.1. Thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945 Năm 1934, khi tiểu thuyết đầu tay của Vũ Trọng Phụng là Dứt tình vừa được đăng trên báo Hải phòng tuần báo đã xuất hiện ngay một số bài phê bình của các báo Tràng An, Đông Tây, Đuốc nhà Nam... Đặc biệt, các nhân vật trong Dứt tình, nhất là hai nhân vật chính Việt Anh và Tiết Hằng đã gây được sự chú ý của báo chí. Báo Tràng An viết: "Vũ Trong Phụng đã khéo vẽ nên cái ẩn tình khuất khúc của lòng người (...) Tác giả Dứt tình cũng không muốn tưởng tượng ra những nhân vật toàn thiện hay toàn ác để gợi lòng kính mến hay lòng ghét bỏ của người xem" [2, 31]. Tác giả Lệ Chi trên báo Đông Tây chú ý đến đặc điểm chung của các nhân vật trong Dứt tình: "Đào Quân, Việt Anh, cả đến Tiết Hằng đều toàn là những kẻ tầm thường, tục tĩu, rất không xứng đáng với địa vị của họ" [2, 33]. Tác giả bài báo cũng có những băn khoăn xác đáng về diễn biến tính cách khó hiểu của Việt Anh: "Tôi chưa hề gặp thấy ở Việt Anh một thái độ hay một lời nói gì đáng yêu đáng phục... Tôi không hiểu làm sao tác giả để cho hắn một vị trí đáng thương và đáng phục ngay lúc đầu truyện. Mà có phải hoàn cảnh xã hội làm hư tâm tính hắn đi! Tự hắn đã gây ra sỉ nhục cho hắn và thống khổ 8 cho người" [2, 34]. Báo Đuốc nhà Nam cũng đề cao tài năng của tác giả Dứt tình: "Cái tài nghệ tinh vi của ông Vũ Trọng Phụng trong cuốn Dứt tình thiệt là một điều không thể chối cãi được". Đồng thời, tác giả bài báo cũng chỉ ra tư tưởng bi quan định mệnh của tác giả thể hiện qua số phận các nhân vật: "Tác giả tin rằng ở ngoài cuộc đời có một sức mạnh rất màu nhiệm thiêng liêng cầm quyền sinh sát mọi người. Sức mạnh đó là "duyên kiếp" hay là"thế tất" (fatalité). Chính sức mạnh đó đã chi phối tới lũ người đang vùng vẫy và đang gây nên những tội lỗi đáng thương" [2, 38]. Tác giả Nguyễn Lê Thanh lại chú ý đến cách thể hiện tâm lý nhân vật trong Dứt tình. Tác giả đã nhận xét những lời khá nặng nề: "Tâm lý của toàn truyện đã hỏng, tâm lý của từng người cũng không có giá trị gì mấy… Việt Anh là một người không hành động theo lẽ tự nhiên của tâm lý" [2, 48 - 49]. Năm 1936, sau khi Vũ Trọng Phụng cho công bố Giông tố, Số đỏ trên Hà Nội báo, Vỡ đê trên Tương lai và Làm đĩ trên tờ Sông Hương thì tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã trở thành một sự kiện lớn trong đời sống văn học. Cách viết táo bạo của Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là viết về cái dâm ở nhiều nhân vật đã gây nên sự khó chịu của một số người như Thái Phi, Nhất Chi Mai [95], [113]. Sau cái chết đau đớn của Vũ Trọng Phụng, tạp chí Tao Đàn ra số đặc biệt với các bài viết của tám nhà văn Tam Lang, Nguyễn Tuân, Thanh Châu, Trương Tửu, Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật. Các nhà văn sống đồng thời, thân thiết và thấu hiểu Vũ Trọng Phụng đã cùng mạnh mẽ khẳng định nhân cách cao quí, tài năng độc đáo cũng như sức cuốn hút hiếm thấy của các tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Các bài viết này đúng như nhận xét của Trần Hữu Tá: "Có chú ý đến vấn đề đánh giá tài năng..., nhưng các cây bút kể trên lại còn chú ý nhiều hơn đến vấn đề nhân cách, phẩm hạnh" của tác giả. [141, 16]. Tuy vậy, trong các ý kiến của Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư... cũng có chỗ trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến sức sống của một số nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Về nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, thời kỳ này nổi bật hơn cả là các ý kiến của Trương Chính (Dưới mắt tôi, Hà Nội, 1939), của Lan Khai (Phê bình các nhân vật hiện thời, Nxb Minh Phương, Hà Nội 1941) và của Vũ Ngọc Phan (Nhà văn hiện đại, quyển 3, Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1942). Trương Chính, sau khi điểm qua một loạt nhân vật trong Giông Tố như Vạn Tóc Mai "đểu giả, trụy lạc", Long "thất vọng vì tình, điêu đứng vì tình", Tuyết "Phóng đãng, lẳng lơ", Hải Vân "một người phong trần, có chí khí 9 lớn, hoài bão lớn"... đã khái quát một cách chính xác tài năng và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả: "Lần lượt diễn ra trên màn ảnh tất cả các hạng người thuộc về các giai cấp, địa vị khác nhau. Mỗi nhân vật có những cử chỉ riêng, một vẻ mặt thích hợp. Ông Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết gia có óc quan sát và nhiều kinh nghiệm" [20, 114 - 117]. Lan Khai, một người bạn thân thiết với Vũ Trọng Phụng cũng chỉ ra một đặc điểm nổi bật ở các nhân vật của nhà văn: "Khi đọc các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ta thấy lúc nhúc một nhân vật đen tối, ngu xuẩn, ích kỷ, tàn nhẫn và dâm dật một cách vô cùng lố bịch", "sự thật các vai truyện do anh tạo ra đều chín phần mười là những kẻ đa dâm có khi rất quái ác" [72, 67]. Con số "chín phần mười" mà Lan Khai nêu ra có lẽ là cách nói tượng trưng, có ý nhấn mạnh vấn đề - một vấn đề mà ông đã phát hiện ở Vũ Trọng Phụng. Lan Khai đã dùng ngay cái lý thuyết của Phân tâm học Freud để lý giải động lực sáng tác cũng như đặc điểm nêu trên ở các nhân vật. Theo ông, Vũ Trọng Phụng là "một kẻ mắc bệnh càng ngày càng xa cách và không hiểu cái phần nhân loại lành mạnh nữa". "Cử chỉ của anh, sự hiểu biết, sự suy nghĩ, tính tình của anh đều là một kẻ ốm (...). Một bệnh nhân mà tính tình đã như thế lại thêm sự phẫn uất và cái khuynh hướng bảo thủ vào nữa thì ta đã có một nhân vật hoàn toàn khó chịu cho những kẻ bị Phụng ghét ghen hoặc khinh bỉ". Lan Khai còn tiếp tục đẩy vấn đề đi xa hơn nữa khi hạ bút viết những dòng sau: "Thế là, như trên đã nói, cái khuynh hướng của con người đa dục vì bệnh ấy đã bị cấm ngăn bởi luân lý, bởi thể chất, bởi sự thiếu đồng tiền. Ở Phụng, đã có tất cả một sự đè nén nguy hiểm. Và, sự đè nén kéo dài mãi mãi ấy đã khiến cho bản năng không thể chịu được nữa. Nó phải tìm một đường tiêu thoát. Con đường ấy đã khác hẳn những con đường quen thuộc của trường hợp này. Nó đã là văn chương. Chính thế, viết văn để tả những cảnh sôi máu, đối với Vũ Trọng Phụng tức là một cách hành dâm vậy. Anh đã tìm thấy sự thoả mãn quái gở trong khi anh tưởng mình làm việc tố cáo rất cần cho thuần phòng mỹ tục" [72, 69]. Chúng tôi dẫn bài viết cùa Lan Khai hơi dài vì nó tiêu biểu cho một cách tiếp cận nhân vật Vũ Trọng Phụng: kiểu tiếp cận phân tâm học, xem hành động sáng tạo chỉ là sự giải thoát, "thăng hoa" những ham muốn, dục vọng bị đè nén. "Mục đích của nghệ thuật ở Freud chỉ được lý giải như sự thỏa mãn những ham muốn ích kỷ, hám danh, đặc biệt là ham muốn tình dục" [155, 55]. 10 Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại bằng phương pháp phê bình khách quan, khoa học cố gắng đi sâu chỉ ra những đặc trưng và giá trị thẩm mỹ của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, ông cũng là người đầu tiên chỉ ra khá rõ ràng ảnh hưởng của Freud đối với các nhân vật Vũ Trọng Phụng. "Đến khi quyển Giông Tố ra đời, tôi đã đọc từ đầu đến cuối và thấy trong cái đoạn tôi vừa kể (đoạn Thị Mịch đã về nhà riêng Nghị Hách), tái giả là một đồ đệ của Freud. Tác giả tả Thị Mịch một cách vừa giản dị, vừa tỉ mỉ. Một cô gái quê khỏe mạnh, vốn nhà nghèo, đã "biết mùi đời" trong một chiếc xe hòm kín đáo, bây giờ lại sa vào cảnh nhàn hạ và phong lưu, cái cảnh làm cho những khối óc non nớt dễ mơ tưởng đến những điều dâm dục. Freud chả ví tình dục của người ta với một sự đói ăn khát uống là gì? Thị Mịch chính là một kẻ đói khát về đường tình đó" [111, 147 - 148]. Vũ Ngọc Phan cũng chỉ ra ảnh hưởng của Freud với một số nhân vật trong Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng. Nhưng Vũ Ngọc Phan không nhìn nhân vạt đơn thuần từ một phía. Ông phân tích chính xác ý nghĩa xã hội của các nhân vật trong Giông tố: "Cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng làm cho ta thấy rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh là nhường nào. Vì hoàn cảnh gia đình, vì hoàn cảnh xã hội, hai kẻ vốn tính hiền lành và ngay thẳng như Mịch và Long, rốt cuộc đã trở nên một người đàn bà bất chính và một thiếu niên hư hỏng"... "Tác giả lập truyện rất khéo, từ cái xã hội "xôi thịt" mục nát của thôn quê, đến cái xã hội "sâm banh xì gà" ở thành thị, từ cái óc bủn xỉn của một anh đồ kiết cho đến cái thói hoang tàng của một anh trọc phú, ta thấy đầy những ngu dốt, mê tín, bất công, mà vai trò nào cũng đều có mặt" [111, 148]. Nếu như nhận xét về Giông tố là chính xác, sắc sảo thì những nhận xét tiếp theo về Số đỏ của Vũ Ngọc Phan lại quá khắt khe, không công bằng: "Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một quyển tiểu thuyết hoạt kê, nhưng một lối hoạt kê không lấy gì làm cao cho lắm. Xuân Tóc Đỏ một gã nhặt ban ở sân quần chỉ nhờ ở sự may mắn, ở "Số đỏ" mà thấm thoắt từ số phận một gã lang thang trở nên vai "đốc tờ", đóng vai diễn giả, đứng lên cải cách phật giáo, rồi lại trở nên một tay cứu quốc, một bậc vĩ nhân!"... "Cái lối khôi hài của ông trong Số đỏ là một lối khôi hài nông nổi, tuy nhạo đời, nhưng không căn cứ..." [111, 150]. Như vậy, Vũ Ngọc Phan đã không nhìn Số đỏ như một tiểu thuyết trào phúng với những đặc điểm riêng, độc đáo của nó. 11 Cả ba tác giả trên tuy tiếp cận tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng bằng những cách khác nhau nhưng qua bài viết của mình đều tỏ ra không đồng tình với ngòi bút quá sa đà trong khai thác "cái dâm" ở nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Trương Chính khẳng định một cách dứt khoát: "Lỗi lớn của ông Vũ Trọng Phụng là đã hy sinh nghệ thuật mình để chiều theo một số độc giả trụy lạc. Văn ông là văn khiêu dâm. Ông cố tìm những cảnh dâm đãng để phô diễn ra trước mắt mọi người, không ngượng ngừng, không e lệ... Lúc ông tả Long và Tuyết trai gái trong một tiệm nào đó hoặc lúc ông tả "trò khỉ" của Nghị Hách và Thị Tình là những dịp cho ông nhằm hai cái đùi khoẻ mạnh, đầy đặn của Tuyết lúc "cái quần nhiễu trắng đã rơi xuống đất thành một vòng tròn" hoặc là những dịp cho ông viết những câu văn bẩn thỉu, khiếm nhã, ngang nhiên, sống sượng làm cho người đọc có giáo dục căm tức" [20, 116 - 117] Vũ Ngọc Phan tuy lời văn có nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không đồng tình với Vũ Trọng Phụng: "Trong Số đỏ cũng như trong những tiểu thuyết khác của Vũ Trọng Phụng, tác giả tin ở thuyết tính dục quá, sự tin cậy đôi khi đàn áp cả mọi sự xét đoán của ông, làm cho mỗi khi gặp một "ca" khó hiểu, ông lại đem thuyết ấy ra giải quyết... Cái thuyết của Freud không phải hoàn toàn đúng cả, vậy nếu lại tin ở thuyết tính dục một cách thiên vị, không khỏi có sự sai lầm". Vũ Ngọc Phan đã chỉ ra "sai lầm ấy" ở nhân vật Huyền trong Làm đĩ: "Quyển Làm đĩ còn một cái nhược điểm này làm cho người đọc mất cả hứng thú: tác giả đã dồn chứa đủ tất cả các việc làm cho Huyền nhất định phải sa vào vòng trụy lạc, không còn một sức gì để chống đỡ cả" [111, 153 - 162 163] Nhìn chung lại, các ý kiến đề cập đến nhân vật tiểu thuyết cùa Vũ Trọng Phụng trước cách mạng - do nhiều nguyên nhân, chưa đi thật sâu vào vấn đề. Phần quan trọng trong đó là các bài báo ngắn, các bài tưởng niệm, hồi ức, với cách viết trực cảm, sinh động chứ chưa phải là những công trình nghiên cứu công phu, trực diện. Tuy vậy, một số bài viết đã có được cảm nhận chính xác về tài năng của cây bút tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng và cả những phức tạp của tài năng ấy - trước hết là trong xây dựng nhân vật. Các ý kiến cũng đa dạng, không dễ dãi, một chiều, đã báo hiệu những phức tạp tiếp theo trong lịch sử nghiên cứu Vũ Trọng Phụng và nhân vật Vũ Trọng Phụng ở các thời kỳ sau đó. 12 2.2. Thời kỳ từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến năm 1957 Trong kháng chiến chống Pháp, tại hội nghị tranh luận Việt Bắc, một số ý kiến của Tố Hữu, Nguyên Hồng đã gián tiếp đề cập đến nhân vật Vũ Trọng Phụng. Sau hòa bình lập lại (1954), tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng được tái bản và được đón nhận nhiệt tình. Đáng chú ý là những bài tưởng niệm, một số lời giới thiệu tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Hoàng Cầm, Trương Tửu, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân... Hoàng Cầm nhận thấy tính chất điển hình phổ biến của nhân vật Số đỏ: "Đọc đi đọc lại Số đỏ, đối chiếu với cuộc sống thành thị lúc bấy giờ, tôi tìm ra rất nhiều nhân vật ấy trong thực tế: những Xuân Tóc Đỏ, những bà Phó Đoan, những thầy Min Đơ, Min Toa nhan nhản trên hè phố, trong tiệm nhảy và trong những chỗ sâu kín, tối tăm nhất của xã hội thuộc địa, phong kiến" [72, 154]. Nguyên Hồng nhìn thấy tính chất phê phán mãnh liệt "như mật đắng, như gai góc" ở các nhân vật trong Giông tố và Số đỏ, đồng thời thấy cả ước muốn khẳng định "những cái gì thật là trong sạch" ở Vũ Trọng Phụng: "Vũ Trọng Phụng vẫn thấy trên những cái phải phá bỏ này, có những cái tươi tốt trong sạch nở ra, nở ra với cách mạng cao quí, với cách mạng lý tưởng của con người mà Vũ Trọng Phụng đã lý tưởng hóa bằng một nhân vật khác thường trong Giông tố, ông già Hải Vân phiêu lưu và có nhiều hành động thô bạo" [72, 180]. Nguyễn Tuân trong lời giới thiệu Giông tố cũng đề cao tài năng xây dựng nhân vật, đặc biệt là nhân vật Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng, Ông hết lời khen chương XXIX của tác phẩm. Ông cho rằng: "Đọc đến đây thấy sợ Vũ Trọng Phụng" [72, 183 184]. Đi sâu hơn vào nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thời kỳ này có bài viết của nhóm Lê Quý Đôn trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam và cuốn chuyên luận của Văn Tâm: "Vũ Trọng Phụng nhà văn hiện thực". Các tác giả trong nhóm Lê Qúy Đôn nhận xét: "Vũ Trọng Phụng đặc biệt chú ý đến hai hạng người trong xã hội: một là những kẻ vì đồng tiền mà trở thành lưu manh, và một là những kẻ vì lưu manh mà trở thành giàu có, sang trọng (...), ở cả hai hạng người này, ông tìm được những nét phù hợp với ngòi bút trào lộng của ông, đồng thời cũng tìm được những khía cạnh hiện thực của xã hội". Các tác giả cũng có những nhận xét lý thú về nhân vật Nghị Hách, nhân vật Mịch trong Giông tố: "Vũ Trọng Phụng chú ý đến những tay tư bản, Nghị Hách trong Giông tố không phải là một ông nghị gật tầm thường, không phải Nghị 13 Quế của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn, Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan trong Bước đường cùng (...). Nghị Hách lại sắp ứng cử ghế nghị trưởng, sắp có Bắc đẩu bội tinh. Nói tóm lại, hắn là một nhân vật quan trọng trong xã hội ngày trước"... Về nhân vật Mịch, các tác giả viết: "Đối với Mịch, nạn nhân trong Giông tố, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng cũng không đều. Đoạn đầu ông tả Thị Mịch là một cô gái quê hiền lành, chất phác, giản dị, chung tình, và khi bị Nghị Hách làm nhục, ông có tỏ một chút thương hại. Nhưng về sau dưới ngòi bút của ông, Thị Mịch trở thành một nhân vật dâm đãng, và có những cử chỉ vô duyên đáng ghét của một người đang ở cảnh nghèo khổ bỗng được sống trong cảnh giàu có phong lưu" [87, 341 – 344]. Cuốn chuyên luận của Văn Tâm Vũ Trọng Phụng nhà văn hiện thực là công trình dày dặn đầu tiên đã nghiên cứu tương đối toàn diện, hệ thống về Vũ Trọng Phụng. Với ý thức gán tác phẩm Vũ Trọng Phụng nói chung, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói riêng với hoàn cảnh lịch sử xã hội đương thời, Văn Tâm đã có những phát hiện khá chính xác về "sự chuyển hoá cương vị xã hội" của các nhân vật. Theo tác giả sự "chuyển hóa" này "phản ảnh được sự phân hóa giai cấp mãnh liệt của xã hội Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng (1929 - 1934)". Văn Tâm đánh giá cao tài nghệ của Vũ Trọng Phụng trong xậy dựng các nhân vật phản diện: "Ngòi bút giải phẫu lành nghề của ông điểm danh từng đứa, dựng bọn chúng lên mà đánh chúng gục xuống không thể nào ngóc đầu lên được, từ những tên "phú gia định quốc" uy thế hét ra lửa mửa ra khói như Nghị Hách cho tới các "mẫu hàng" trung sản lép vế, tiểu tư sản với cảnh sinh hoạt tủn mủn eo sèo thường nhật". Văn Tâm cũng là người đầu tiên nói đến "trạng lợn tính" của nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Tuy vậy, nhược điểm dễ thấy của cuốn chuyên luận là đề cao, ca ngợi Vũ Trọng Phụng một chiều. Do cố qui nhân vật vào một "xu hướng", một chỗ đứng, giai cấp máy móc nên có những nhận định không tránh khỏi khiên cưỡng như cho rằng Long, Mịch, Xuân Tóc Đỏ... đều thuộc "xu hướng tư sản hóa". So sánh hai nhân vật Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ, tác giả cho rằng: "Ở mỗi bên, Vũ Trọng Phụng đã phát triển một trong hai lề lối hình thành từng con người tư sản: một bên nặng về nước mắt và máu, một bên nặng về quỉ thuật bịp bợm" [142, 80 111]. Như vậy, ở thời kì này, do hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, do đội ngũ các nhà nghiên cứu còn ít ỏi, nên việc tìm hiểu tác phẩm Vũ Trọng 14 Phụng nói chung, nhân vật của Vũ Trọng Phụng nói riêng chưa có được nhiều thành tựu. 2.3. Thời kỳ từ năm 1958 đến năm 1987 Sóng gió đã nổi lên với tiểu thuyết và nhân vật Vũ Trọng Phụng khoảng đầu năm 1958. Do Vũ Trọng Phụng được nhiều cây bút "Nhân văn-Giai phẩm" đề cao, nên khi phê phán hoạt đông phá hoại của nhóm này, người ta cũng phê phán Vũ Trọng Phụng một cách vội vàng. Hoài Thanh tuy thừa nhận tài năng của Vũ Trọng Phụng trong xây dựng một số điển hình phản diện, nhưng cũng lưu ý cảnh giác với một cây bút "có thái độ khinh bạc đối với nông dân", "đã vẽ nên những hình ảnh rất sai về người chiến sĩ cách mạng" [72, 215 - 216]. Ý kiến Hoài Thanh còn dè dặt, cũng có thể coi là cần thiết trong lúc bấy giờ. Nhưng đến Nguyễn Đình Thi thì vấn đề đã đi quá xa: "Vũ Trọng Phụng có thể tả một cách sinh động và hứng thú những mặt tàn ác, dâm ô của lớp người ăn trên ngồi trốc, hoặc lối sống sa đọa của lớp lưu manh ở thành thị. Nhưng qua toàn bộ những tiểu thuyết hoặc phóng sự của Vũ Trọng Phụng, không tìm thấy một hình ảnh nào chân thật về người lao động, công nhân hay nông dân. Khi mô tả người cách mạng thì ngòi bút Vũ Trọng Phụng trở thành ngớ ngẩn đến lố lăng, nếu không phải là xuyên tạc" [72, 218]. Bài viết của Hoàng Văn Hoan Một vài ý kiến về vấn đề tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam, tuy không được công bố nhưng đã để lại những tác hại nhất định đối với công việc nghiên cứu và giảng dạy Vũ Trọng Phụng. Dựa trên những cứ liệu không chính xác và bằng phương pháp xã hội học dung tục, Hoàng Văn Hoan đã tiến hành phân tích một loạt các nhân vật của Vũ Trọng Phụng để phủ nhận hoàn toàn những mặt tích cực trong tiểu thuyết của ông: "Có người nhìn qua hình tượng Nghị Hách mà nói rằng Vũ Trọng Phụng dám đả kích phong kiến và tư sản mại bản một cách mãnh liệt chưa từng thấy ở các nhà văn khác. Đó là một cách nói có phần ngây thơ". "Ở Giông tố, hình tượng Hải Vân (khóa Hiền) càng là một hình tượng rất đểu giả: là một người bao nhiêu năm bị tù tội ở nước ngoài, có nhiệm vụ lớn là về nước để thống nhất hai đảng quốc gia, mà lại là người đã thông dâm với vợ Nghị Hách và tuyên bố một cách trắng trợn, mà lại liên lạc với tên lưu manh Vạn Tóc Mai để tổ chức việc bắt quả tang vợ Nghị Hách, mà lại lúc ở nhà Nghị Hách thì bịp bợm bằng địa lý, tướng số, cũng thuốc phiện cũng gái, cũng trụy lạc, dâm đãng..." 15 "Phó Đoan, Vũ Trọng Phụng đã miêu tả là một người dâm phụ nhưng Vũ Trọng Phụng đã không phân tích nguồn gốc xã hội, không phê phán mà lại còn đùa cợt qua bài diễn văn của bác sĩ Trực ngôn..." "Trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng đã xuyên tạc vấn đề quốc gia và quốc tế, xuyên tạc cách mạng qua hình tượng của Hải Vân, và trong Vỡ đê thì qua hình tượng Phú và tòa báo Lao động, còn ở Số đỏ thì chửi xỏ phong trào bình dân..." [72, 228 231 - 235 - 242] Bài viết có thể xem là điển hình cho lối tiếp cận tác phẩm và nhân vật một cách máy móc, xã hội học dung tục, không dựa trên sự nghiên cứu khách quan, khoa học. Trong không khí không bình thường do các bài viết trên đưa lại, một số nhà nghiên cứu khác cũng triển khai vấn đề Vũ Trọng Phụng theo hướng phê phán. Họ cho rằng Vũ Trọng Phụng là nhà văn theo "khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa", cho rằng "Lão già Hải Vân thực chất chỉ là một tên lưu manh khoác áo cán bộ cách mạng" [33, 109], cho rằng "Các tác giả tự nhiên chủ nghĩa mà tiêu biểu là Vũ Trọng Phụng có một cái nhìn tàn nhẫn đối với xã hội, khinh miệt nhân dân lao động, có khi đề cao đế quốc, đề cao bọn Tờ-rốt-kít chống Đảng Cộng sản"... [116, 16]. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn có những bài nghiên cứu có giá trị, muốn đi sâu giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nguyễn Đăng Mạnh trong bài viết "Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng" (1971) đã tập trung phân tích về những "nhân tố cơ bản" vừa thống nhất vừa đối lập trong thế giới quan của Vũ Trọng Phụng, dẫn đến những mâu thuẫn biểu hiện trong sáng tác ở từng thời kỳ, chi phối và tạo ra những phức tạp, mâu thuẫn trong xây dựng nhân vật: "Mâu thuẫn ấy có khi hóa thân thành những cặp nhân vật đối lập với nhau về thái độ sống, chẳng hạn như anh Cả Thuận có thái độ phá phách liều lĩnh với ông bố và người vợ nhẫn nhục của mình (Không một tiếng vang); như Long, gã tình nhân bị sỉ nhục đang hăm hở muốn trả thù với Tú Anh, nhà triết lý hư vô chủ nghĩa (Giông tố); như Minh, Phú những thanh niên hăng hái hoạt động với tham Quang, anh viên chức hiểu đời nhưng an phận (Vỡ đê). Mâu thuẫn ấy thường dằng xé nội tâm nhiều nhân vật" [98, 98]. Về nhân vật Số đỏ, nhà nghiên cứu cho rằng: "Từ đầu đến cuối tác phẩm, toàn là những chuyện phóng đại đến vô lý, toàn những điều bịa đặt đến kỳ quặc, vậy mà không có 16 hình ảnh nào, chi tiết nào không có hạt nhân khách quan của nó. Bởi vậy, nhiều nhân vật trong Số đỏ đạt tới giá trị những điển hình hiện thực chủ nghĩa xuất sắc" [98, 106]. Phan Cự Đệ trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (tập I - 1974) đã từ góc độ phương pháp sáng tác cố gắng đi sâu lý giải những thành công của Vũ Trọng Phụng trong việc xây dựng các nhân vật điển hình. Nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị điển hình của nhiều hình tượng nhân vật: "Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đầy những nhân vật được cá thể hoá cao độ, đa dạng, phong phú về mặt thẩm mỹ, những con người đang theo đuổi những dục vọng cá nhân" [39, 118]. "Qua Nghị Hách, Vũ Trọng Phụng đã làm nổi bật tính chất đa dạng của một tính cách điển hình hiện thực chủ nghĩa" [39, 313]. "Xuân Tóc Đỏ đã trở thành một con người sống lừng lựng trong tác phẩm. Vũ Trọng Phụng phải phục tùng sự phát triển hợp lôgic nội tại của nó (...). Xuân Tóc Đỏ là một điển hình khá sinh động, có cá tính riêng biệt, có một sự phát triển hợp lôgic nội tại" [39, 321 - 322]. Cũng ở thời kỳ này, trong bộ "Từ điển văn học" (2 tập) đã có tới bốn mục từ về Vũ Trọng Phụng (Vũ Trọng Phụng, Giông tố, Số đỏ Nguyễn Hoành Khung viết, Vỡ đê Trần Hữu Tá viết). Các tác giả đã giới thiệu được một cách khái quát những đóng góp của Vũ Trọng Phụng và cả những hạn chế của ông trong các tiểu thuyết tiêu biểu. Về Giông tố, Nguyễn Hoành Khung viết: "Giông tố chứng tỏ một bản lĩnh nghệ thuật già dặn của một cây bút tiểu thuyết độc đáo, táo bạo: một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về xã hội với những quan hệ chồng chéo, phức tạp, những mảng đời sống được miêu tả thật sinh động, những nhân vật giàu sức sống, đạt tới giá trị điển hình sắc sảo. Tác phẩm có ảnh hưởng rõ rệt trong đời sống văn học đương thời và đã góp phần vào sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" [67, 265]. Số đỏ và các nhân vât trong tác phẩm này cũng được đánh giá bằng những lời xác đáng. "Số đỏ đã đưa ra một loạt chân dung biếm họa rất mực sinh động về gần đủ loại nhân vật tiêu biểu cho cái xã hội tư sản nhố nhăng... với trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo, Số đỏ là một trong những thành tựu nghệ thuật đặc sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại, nhất là trong thể loại tiểu thuyết trào phúng." [69, 307] Nhìn chung lại, ở miền Bắc, đây là thời kỳ ba mươi năm đầy "sóng gió đối với con người và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Cũng vì thế, nhiều nhân vật tiểu thuyết của ông cũng bị đòn oan. Những bất công đến với Vũ Trọng Phụng cũng do nhiều 17 nguyên nhân gây nên: do Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng phức tạp, đầy mâu thuẫn, trong khi đó tư duy, phương pháp nghiên cứu còn bất cập; do lối phê bình thô bạo, thiếu dân chủ; do căn bệnh xã hội học dung tục. Tuy vậy, nhờ cố gắng của nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu có quan điểm và phương pháp đúng đắn, vị trí của Vũ Trọng Phụng đã dần dần được phục hồi. Ở miền Nam, Vũ Trọng Phụng cũng là một nhà văn được giới nghiên cứu chú ý. Có nhiều số đặc san về Vũ Trọng Phụng. Có thể kể đến các ý kiến, nhận định về Vũ Trọng Phụng của Nguyễn Văn Trung [160], của Phạm Thế Ngữ [105], của Thanh Lãng [81], của Nguyễn Duy Diễn [25], của Nguyễn Triệt Luật [86], của Vũ Bằng [11] [12] [13] [14] v.v... Khuynh hướng chung của các tác giả là khẳng định, đề cao Vũ Trọng Phụng. Các bài viết chủ yếu nằm ở dạng hồi ký, bút ký, tạp văn... tuy có nhiều nhận định chính xác, nhưng cũng không có khám phá gì thật sâu sắc về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Điểm gặp gỡ của nhiều cây bút là họ thường cảm nhận, thưởng thức Vũ Trọng Phụng một cách thích thú, hào hứng, thường nhấn mạnh vào tính chất điển hình phổ biến và ý nghĩa "phổ quát", "muôn đời", sức sống lâu bền của hình tượng nhân vật Vũ Trọng Phụng. Dương Nghiễm Mậu viết: "Con người như Nghị Hách đủ làm một biểu tượng cho bất cứ một xã hội nào"... "Nhân vật của Vũ Trọng Phụng đã trở thành những mẫu người điển hình. Trong cuộc sống chúng ta không ngớt thấy những Xuân Tóc Đỏ, những Nghị Hách, những Typn, những bà Phó Đoan [101, 57 - 64]. Nguyễn Mạnh Côn cũng cho rằng: "Anh (Vũ Trọng Phụng) chỉ có một đời sống, nhưng đã tạo nên nhiều nhân vật, trong đó có những nhân vật hứa hẹn không bao giờ chết [23, 105]. Phạm Thế Ngũ, Mai Thảo, Nguyễn Duy Diễn… cũng có những nhận định tương tự. Nhược điểm dễ thấy ở nhiều bài viết là sự thiếu chính xác về tư liệu, một số nhận định mơ hồ, sai lầm kiểu như: "Nghị Hách là sự giải tỏa mặc cảm báo thù trong một người tự biết giá trị của mình và biết rõ giá trị, cùng ảnh hưởng cùa công việc của mình, nhưng biết thì biết, vẫn phải sống cuộc đời khó khăn thiếu thốn" [23, 102]. "Bằng Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã diễu cợt, không - đã nguyền rủa thậm tệ giới trí thức (...). Sự phá hoại gây nên bởi Số đỏ chỉ nhằm một số trạng thái xấu xa của giới trí thức" [23, 95 - 96]. 18 2.4. Thời kỳ từ năm 1987 đến nay Chúng tôi chọn mốc 1987 vì đây là thời điểm đầy ý nghĩa đối với lịch sử nghiên cứu Vũ Trọng Phụng. Cũng trong năm này, Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập) được nhà xuất bản Văn học cho ra mắt độc giả. Các hội thảo lớn, các buổi nói chuyện về Vũ Trọng Phụng được tổ chức. Trong giới văn học và trong dư luận, vị trí của Vũ Trọng Phụng đã được khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát. Với cách nhìn cởi mở, trong không khí đánh giá lại các hiện tượng văn học, lần lượt xuất hiện các bài nghiên cứu có tính chất nhìn lại, đồng thời đi sâu hơn vào các tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết và nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Đáng chú ý là các ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Phan Cự Đệ, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, Phong Lê, Vương Trí Nhàn, Lê Thị Đức Hạnh... Nguyễn Đăng Mạnh viết Lời giới thiệu tuyển tập Vũ Trọng Phụng, trong khi bao quát tư tưởng - nghệ thuật và đặc điểm phong cách nhà văn đã có những khái quát về nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng: "Một loạt những tình huống và nhân vật được dựng lên bằng sự phẫn uất và để trả thù. Đã phẫn uất và trả thù thì tất nhiên không giữ được chừng mực. Phải phóng thật to, phải tô thật đậm những cái ác, cái dâm, cái đểu giả lố bịch của chúng nó lên để cho thằng địa chủ, thằng tư sản phải trở thành một tên bạo chúa như Nghị Hách, sự dâm ô phải hiện hình thành mụ Phó Đoan, sự đểu giả phải như Xuân Tóc Đỏ, thầu khoán Khoát, Vạn Tóc Mai..." [99, 22] "Nhân loại trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng là một thứ nhân loại ồn ào, nhốn nháo, hoạt động quyết liệt và luôn luôn xung đột hoặc bóc lột nhau, ức hiếp nhau, hoặc lừa dối nhau, chơi xỏ nhau, rồi cãi nhau, kiện cáo nhau" [99, 48]. "Tài nghệ trào phúng của Vũ Trọng Phụng trước hết kết tinh ở những bức hý họa độc đáo của ông" [99, 54]. Nguyễn Hoành Khung trong Văn học Việt Nam (1930 - 1945), tập 1 (Nxb ĐH & GDCN, viết từ 1982, xuất bản 1988) vừa nhìn lại tác giả Vũ Trọng Phụng một cách thấu đáo, vừa có những phân tích chính xác về một số nhân vật của Vũ Trọng Phụng trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ... Đặc biệt, tác giả đã có một sự phân tích khá hệ thống về các nhân vật trong Giông tố từ Nghị Hách, Thị Mịch, Hải Vân, Tú Anh đến những đám đông nhân vật tiêu biểu cho từng loại người trong xã hội. Về Nghị Hách, nhà nghiên cứu nhận định: "Nghị Hách có một bản chất chính trị rất phản động mang tính giai cấp rõ rệt. Vạch ra được điều đó, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ một bước 19 tiến lớn trong nhận thức tư tưởng và trong điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa." [70, 236] Về nhân vật Hải Vân, sau khi chỉ ra những mâu thuẫn, phức tạp ở nhân vật này, tác giả kết luận: "Có căn cứ để nói rằng Vũ Trọng Phụng đã dựng nên hình tượng nhân vật người chiến sĩ cộng sản này với niềm kính phục, tin tưởng chân thành. Chính Hải Vân là nhân vật trực tiếp phát ngôn cho tác giả về nhận thức, quan điểm chính trị, cả về niềm tin vào "số mệnh" nữa. Trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, chỉ ở Giông tố mới xuất hiện xu hướng vượt tình thế, và điều đó cũng chỉ thực sự biểu lộ ở nhân vật Hải Vân" [70, 241]. Với nhân vật Tú Anh, tác giả chỉ ra cả sự nổ lực lẫn thất bại của Vũ Trọng Phụng trong việc xây dựng hình tượng: "Nhân vật lý tưởng được tác giả gửi gắm tin cậy nhất này lại hết sức giả tạo, không có giá trị hiện thực không chỉ vì nhà văn vụng về để cho nhân vật thuyết lý quá nhiều, làm cái loa cho tác giả mà chủ yếu vì nhân vật này chỉ là sản phẩm thuần túy chủ quan của nhà văn, không mang bản chất xã hội nào và không thể có trong cuộc đời" [70, 240]. Trong không khí nhìn lại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng - với tính chất độc đáo của nó, được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Phan Cự Đệ tiếp tục dùng lăng kính điển hình hoá để "đánh giá lại Số đỏ" trên một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Tác giả chi rõ tính chất độc đáo của các nhân vật trong tác phẩm: "Các nhân vật, từ những cảnh sát đường phố như Min Đơ, Min Toa đến những thành viên cao cấp của bộ máy thống trị như toàn quyền, thống sứ, vua ta, vua Xiêm... tất cả đều mất hết vẻ uy nghiêm, tôn kính, đều biến thành những anh hề trên sân khấu cuộc đời". "Xuân Tóc Đỏ là một điển hình thành công, sinh động, có sự phát triển hợp lôgic nội tại, một nhân vật được phóng đại nhưng vẫn hoàn toàn chân thật" [41,31 – 32 – 33]. Hoàng Thiếu Sơn trong bài viết: "Số đỏ cuốn truyện bợm kỳ tài" muốn đặt Số đỏ ngang hàng với nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của "dòng văn học picaresco" ở phương Tây là loại tiểu thuyết mà "tác giả đưa nhân vật của mình đi khắp đó đây, bắt trải qua đủ thứ phiêu lưu" [6, 98]. Hoàng Ngọc Hiến trong bài Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ muốn mở rộng ý nghĩa trào phúng của tác phẩm khi đặt vấn đề xem xét nhận định của nhà xuất bản Văn học trong lần in năm 1988: "Dùng tiếng cười làm vũ khí, Số đỏ đánh vổ mặt vào cả một lũ lĩ những "ông chủ", "bà chủ" của xã 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan