Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thể loại khác Chưa phân loại Nhân vật dương vân nga lịch sử và truyền thuyết (tt)...

Tài liệu Nhân vật dương vân nga lịch sử và truyền thuyết (tt)

.DOCX
28
85
110

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI HOÀNG THỊ HỒNG THẮM NHÂN VẬT DƯƠNG VÂN NGA - LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THUYẾT Chuyên ngành Mã số : Văn học dân gian : 9 22 01 25 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Hà Nội - 2020 Công trình được hoàn thành tại: ............................. Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà Phản biện 1: GS. TS Lê Chí Quế Phản biện 2: GS.TS Nguyễn Xuân Kính Phản biện 3: PGS. TS Trần Đức Ngôn Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường tại ............. vào hồi …..giờ … ngày … tháng… năm… Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Quốc Gia, Hà Nội hoặc Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 1. Hoàng Thị Hồng Thắm (2016), “Vụ án giết vua Đinh Tiên Hoàng từ lịch sử đến truyền thuyết”, Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học, tập 2 (Hội thảo khoa học Sau đại học ngành Ngữ văn – 2016), Nxb Đại học Sư phạm. 2. Hoàng Thị Hồng Thắm (2018), “Tiếp tục luận giải về các hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 2 (123). 3. Hoàng Thị Hồng Thắm (2018), “Dương Vân Nga – hai chiều dư luận”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 15 (2). 4. Hoàng Thị Hồng Thắm (2018), “Đôi điều suy nghĩ về vai trò của phương pháp điền dã nhân chuyến điền dã một nhân vật truyền thuyết có dư luận trái chiều”, Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông (Kỉ yếu hội thảo quốc gia), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài - Thế kỉ X là một thế kỉ đầy biến động với nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc ta. Nó chấm dứt gần 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập dân tộc, đồng thời cũng liên tục chứng kiến những cuộc thay bậc đổi ngôi, những chiến thắng ngoại xâm vang dội, những cuộc dẹp nạn cát cứ để thống nhất giang sơn về một mối. Lịch sử sôi động này tất yếu xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất, trong đó có một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ vương triều Đinh sang Tiền Lê, nhưng không được vinh danh như các nhân vật lịch sử cùng thời bởi những tồn nghi và dư luận trái chiều. Đó là Thái hậu họ Dương mà người đời sau quen gọi là Dương Vân Nga. Với đóng góp nổi bật xét trong tiến trình phát triển chung của lịch sử, bà xứng đáng được hậu thế ghi nhớ công trạng và tôn vinh. - Dương Thái hậu vốn là hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi nhà vua bị sát hại, triều đình rối loạn, con trai bà lên ngôi mới có 6 tuổi, nhà Tống lại lăm le xâm lược, bà đã trao ngai vàng của con trai mình cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, mời ông làm vua và sau đó tái giá với ông. Với hành động này, sử sách phong kiến ra sức phê phán bà nhưng truyền thuyết dân gian chủ yếu lại ca ngợi, ghi nhận công trạng của bà đối với nhân dân và đất nước. Sự trái chiều trong đánh giá, quan điểm khác nhau trong việc ghi công luận tội của hậu thế đã tạo ra sự hấp dẫn về vị “lưỡng triều hoàng hậu”, gợi dẫn chúng tôi tiếp cận nhân vật này từ truyền thuyết dân gian. - Xét trong hệ thống truyền thuyết người Việt, việc tiếp cận nhóm nhân vật có dư luận trái chiều nói chung, trường hợp Thái hậu họ Dương nói riêng ở phương diện truyền thuyết là cần thiết đối với công tác giảng 2 dạy và nghiên cứu văn học dân gian hiện nay. Hi vọng từ địa hạt của truyền thuyết, đề tài sẽ góp thêm cái nhìn mới mẻ về một trong những hiện tượng đặc biệt của lịch sử Việt Nam. 2. Mục đích nghiên cứu - Luận án nhằm tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt giữa lịch sử và truyền thuyết, từ đó có thể thấy quan điểm, thái độ của tác giả dân gian đối với nhân vật này, đồng thời mong muốn tìm hiểu sâu và trọn vẹn hơn về thể loại truyền thuyết, hỗ trợ cho việc nghiên cứu - giảng dạy truyền thuyết của chúng tôi ở bậc Đại học. - Từ góc độ truyền thuyết, chúng tôi đặt nhân vật này trong một phạm vi rộng hơn là văn hóa và xã hội đương đại (cụ thể là văn hóa tâm linh, văn hóa chính trị, văn học nghệ thuật đương đại và những nghi án hiện tồn) nhằm hướng đến những đánh giá đầy đủ, khách quan hơn về Dương Vân Nga cũng như thấy được những thể hiện mới mẻ và sức sống mạnh mẽ của nhân vật lịch sử đặc biệt này trong dòng chảy của thời gian. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống hóa tư liệu lịch sử và truyền thuyết về Dương Vân Nga - Tìm hiểu thêm hoặc xác định lại nguồn tư liệu sẵn có về nhân vật Dương Vân Nga qua việc điền dã ở các địa phương có đình, đền thờ bà - Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu nhân vật Dương Vân Nga dưới hai góc độ lịch sử - truyền thuyết và theo trục thời gian từ quá khứ đến đương đại - Xác định những vấn đề lí luận liên quan đến truyền thuyết nhằm làm chỗ dựa để nghiên cứu đề tài này - Tìm và phân tích các motif cơ bản cấu tạo nên truyền thuyết Dương Vân Nga - So sánh sự tương đồng và khác biệt (hoặc độ chênh) giữa sử sách và truyền thuyết về Dương Vân Nga và lí giải nguyên nhân 3 - Đưa ra và kiến giải, đánh giá về nhân vật Dương Vân Nga từ góc độ nghiên cứu đương đại 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là nhân vật Dương Vân Nga từ hai phương diện lịch sử và truyền thuyết dân gian. Về phạm vi tư liệu, chúng tôi khảo sát 27 truyền thuyết (bao gồm 13 truyền thuyết đã được sưu tầm và xuất bản, 14 truyền thuyết còn hiện tồn trong dân gian) liên quan đến Dương Thái hậu, kết hợp điền dã những nơi có dấu tích, bút tích lịch sử về nhân vật này. Về lịch sử, chúng tôi quan tâm đến những cuốn chính sử ghi chép về con người và thời đại của bà như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Đại Việt sử kí tiền biên (Ngô Thì Sĩ), Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) nhằm có một sự đánh giá tổng thể, hệ thống về bà với tư cách là nhân chứng lịch sử và nhân vật của truyền thuyết dân gian. Không gian nghiên cứu của đề tài tập trung ở Ninh Bình và mở rộng ra các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa và Nghệ An, những nơi có truyền thuyết hoặc thờ tự Dương Vân Nga. 5. Phương pháp nghiên cứu bao gồm: phương pháp điền dã, phương pháp so sánh loại hình, phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, phương pháp nghiên cứu ngữ văn dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành. 6. Dự kiến đóng góp của luận án Đề tài Nhân vật Dương Vân Nga - lịch sử và truyền thuyết là công trình đầu tiên tái hiện và hệ thống hóa các truyền thuyết về Thái hậu họ Dương thời Đinh - Lê. Dựa trên phương pháp so sánh loại hình, chúng tôi cũng đã tìm, phân tích bảy motif cơ bản cấu tạo nên truyền thuyết Dương Vân Nga. Những motif này cho thấy sự tương đồng giữa truyền thuyết về Dương Vân Nga với một số truyền thuyết khác, đồng thời là minh chứng sinh động cho đặc điểm chung của truyện kể dân gian. 4 Với 27 truyền thuyết về Dương Vân Nga mà chúng tôi đã hệ thống hóa, với 11 di tích thờ tự riêng và phối thờ bà, với việc hệ thống hóa các ý kiến và quan điểm trái chiều về bà…, luận án sẽ là một tư liệu tham khảo bổ ích về nhân vật Dương Vân Nga, đồng thời góp phần làm phong phú cho hệ thống truyền thuyết về các nhân vật lịch sử Việt Nam. Qua quá trình tìm và phân tích 7 motif chính, sơ đồ hóa mô hình kết cấu cốt truyện và so sánh sự tương đồng - khác biệt giữa sử sách và truyền thuyết về Dương Vân Nga, chúng tôi muốn khẳng định giá trị của nhóm truyền thuyết cũng như quan điểm của dân gian trong cách đánh giá nhân vật lịch sử phức tạp này. Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi muốn dành cho bà Dương Thái hậu thời Đinh – Lê một vị trí xứng đáng hơn trong đời sống văn hóa, xã hội hôm nay. Ở góc độ văn hóa học, luận án đã tiếp cận các phương diện: văn hóa tâm linh, văn hóa chính trị và văn học nghệ thuật đương đại, đồng thời cũng phân tích hai nghi án hiện tồn về Dương Thái hậu để thấy rằng những cuộc tranh luận liên quan đến bà trong xã hội đương đại vẫn còn hiện diện một cách sống động trong đời sống văn hóa người Việt. 7. Cấu trúc luận án: Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 4 chương, cụ thể như sau: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài - Chương 2: Khảo sát tư liệu lịch sử và truyền thuyết về nhân vật Dương Vân Nga - Chương 3: Nhân vật Dương Vân Nga qua lăng kính của tác giả truyền thuyết - Chương 4: Nhân vật Dương Vân Nga trong đời sống văn hóa, xã hội đương đại 5 NỘI DUNG CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI Nhiệm vụ trọng tâm của chương 1 là lược thuật tình hình nghiên cứu và trình bày những vấn đề lí thuyết cơ bản. Về lịch sử nghiên cứu, các tài liệu liên quan đến nhân vật Dương Vân Nga bao gồm sử biên niên và các công trình nghiên cứu độc lập. Về cơ sở lí thuyết, chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề cơ bản, làm chỗ dựa cho việc triển khai đề tài như: mối quan hệ giữa truyền thuyết và lịch sử, mối quan hệ giữa truyền thuyết và tục thờ, vấn đề truyền thuyết và văn bản hóa truyền thuyết cùng một số lí thuyết khác. 1.1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu đề tài - Về phương diện lịch sử: Thời trung đại, ngoại trừ Đại Việt sử lược, các cuốn sử phong kiến sau đó như Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt sử kí tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… đều phê phán rất gay gắt hành động Dương Thái hậu trao ngôi và trở thành hoàng hậu của Lê Hoàn. Sang đến thời kì hiện đại, một trong những người đầu tiên lên tiếng chiêu tuyết, bênh vực cho Dương Thái hậu là Song Cối (Hoa Bằng) vào năm 1942, tiếp đó, các nhà nghiên cứu như Văn Tân (năm 1971), Nguyễn Danh Phiệt (năm 1981), Nguyễn Thế Giang (năm 1982), Lã Đăng Bật (1998), Lee Seon Hee (năm 2000), Trần Trọng Dương (2019)…, một số hội thảo như Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn (2005), Thân thế, sự nghiệp và tượng đài Lê Đại Hành - Dương Vân Nga (2007)…, đã có những đánh giá khách quan, mới mẻ, trong đó chủ yếu là ca ngợi, khẳng định công trạng của bà Thái hậu trong hoàn cảnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc. - Về phương diện truyền thuyết, những tích truyện kể về Dương Vân Nga đã xuất hiện trong các diễn ca thời kì trung đại (Hoàn Vương ca tích, 6 Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca) và các bản kể của các nhà sưu tầm, biên soạn thời kì hiện đại như Nguyễn Văn Trò, Trương Đình Tưởng, Nguyễn Thị Kim Cúc… Bên cạnh đó, còn có những truyền thuyết về bà hiện đang được lưu truyền trong dân gian, tập trung ở những địa phương có đền thờ bà như Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An… Mảng truyền thuyết này hiện chủ yếu được sử dụng như những phụ chứng trong các nghiên cứu về xã hội, lịch sử thời Đinh – Lê mà chưa thực sự quan tâm đến nhân vật trung tâm của truyện kể là Dương Vân Nga. Đây chính là một hướng gợi mở để chúng tôi thực hiện đề tài của luận án. 1.2. Một số khái niệm, thuật ngữ - Khái niệm truyền thuyết: Luận án sử dụng khái niệm truyền thuyết của nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch: “Truyền thuyết là một thể tài truyện kể truyền miệng, nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân; biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng những yếu tố hư ảo, thần kì như cổ tích và thần thoại; nó khác cổ tích ở chỗ không nhằm phản ánh xung đột gia đình, sinh hoạt xã hội và số phận cá nhân, mà thường phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, dân tộc rộng lớn; nó khác thần thoại ở chỗ nhào nặn tự nhiên và xã hội trên cơ sở sự thật lịch sử cụ thể chứ không phải hoàn toàn trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng”. - Về tên gọi Dương Vân Nga: Khảo sát những cuốn sử biên niên lớn thời phong kiến và một số cuốn sử hiện đại, chúng tôi nhận thấy trong suốt hai triều đại Đinh - Lê không có bà hoàng hậu nào mang tên Dương Vân Nga. Tuy nhiên, tên gọi này lại phổ biến trong dân gian và đã được một số nhà nghiên cứu sử dụng. Một điểm trùng hợp ngẫu nhiên mà lí thú là 7 lịch sử đã ghi nhận có nhiều bà hoàng hậu họ Dương trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó, tên gọi vị hoàng hậu hai triều Đinh – Lê lại có sự thay đổi và gắn liền với những vị thế khác nhau của bà trong lịch sử. Từ thực tế trên đây, chúng tôi dùng tên gọi Dương Vân Nga trong luận án của mình nhằm hướng đến một sự thống nhất về mặt danh xưng cho nhân vật đặc biệt này. 1.3. Cơ sở lí thuyết - Mối quan hệ giữa lịch sử và truyền thuyết: Mối quan hệ mật thiết này đã được các nhà nghiên cứu như Đào Duy Anh, Phạm Văn Đồng, Kiều Thu Hoạch, Chu Xuân Diên… đề cập đến trong những bài viết, công trình nghiên cứu của mình. Mối quan hệ giữa lịch sử và truyền thuyết đã tạo nên sự tác động qua lại lẫn nhau giữa hai phạm trù này. Có hiện tượng lịch sử đi vào truyền thuyết và được tác giả dân gian tô vẽ, mở rộng biên độ sáng tạo. Ngược lại, cũng có hiện tượng lịch sử hóa truyền thuyết, nghĩa là các nhân vật, sự kiện vốn không có trong lịch sử nhưng đã được các nhà chép sử đời sau đưa vào trong sử sách, tạo nên độ nhòe nhất định trong cả lịch sử lẫn truyền thuyết. Mối quan hệ giữa truyền thuyết và tục thờ: Ngay từ thế kỉ XIV, nhà văn kiêm nhà chính trị Hồ Tông Thốc đã chú ý đến mối quan hệ giữa “tục truyền” và “đền miếu thờ cúng”. Sau này, các nhà nghiên cứu như Kiều Thu Hoạch, Nguyễn Bích Hà, Trần Thị An tiếp tục đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa truyền thuyết và tục thờ. Truyền thuyết là tiền đề cho sự tồn tại của tục thờ và ngược lại, tục thờ lại giúp truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, nhuận sắc qua thời gian và không gian. Nghi thức thờ cúng mang lại tính thiêng cho truyền thuyết, ngược lại, truyền thuyết giải thích và hợp thức hóa tục thờ. Cả hai thành tố này đã góp phần khẳng định, tôn vinh và thiêng hóa nhân vật được thờ phụng. 8 Cùng với hai lí thuyết trên, vấn đề truyền thuyết và văn bản hóa truyền thuyết cũng được sử dụng trong luận án. Folklore nói chung, truyền thuyết nói riêng được lưu truyền và tiếp nhận theo hai hướng: truyền khẩu và văn bản hóa. Quá trình lưu truyền truyền thuyết trở nên bền vững hơn khi được cố định hóa bằng văn bản, song nó cũng bị “cắt gọt”, chỉnh sửa cho phù hợp với tư tưởng, quan niệm của thời đại hoặc của người ghi chép. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, bên cạnh những lí thuyết chủ yếu đã nêu ở trên, chúng tôi còn vận dụng một số lí thuyết khác khi xử lí nội dung từng phần hoặc từng mục của luận án như lí thuyết về type và motif, lí thuyết về biểu tượng, lí thuyết tiếp nhận và lí thuyết so sánh văn học. Tiểu kết chương 1: Ở chương 1, chúng tôi đã tập trung trình bày hai nội dung: tổng quan lịch sử nghiên cứu đề tài và cơ sở lí thuyết của đề tài. Về lịch sử nghiên cứu, Dương Vân Nga chủ yếu được tìm hiểu ở vai trò chuyển giao quyền lực và vị thế hoàng hậu hai vua của bà trong hai triều đại Đinh – Lê. Tuy nhiên, mảng truyền thuyết dân gian với những cách nhìn, cách cảm của nhân dân về bà lại chưa được chú trọng khai thác. Những vấn đề lí thuyết đã trình bày sẽ là điểm tựa để chúng tôi tìm hiểu nhân vật Dương Vân Nga trong truyền thuyết cũng như đặt nhân vật này trong đối sánh giữa truyền thuyết và sử sách. Những nội dung này là bước khai mở quan trọng để chúng tôi tìm hiểu sâu hơn, chi tiết hơn về nhân vật Dương Vân Nga ở các chương sau. 9 CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT TƯ LIỆU LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THUYẾT VỀ NHÂN VẬT DƯƠNG VÂN NGA Như chúng tôi đã trình bày ở phần lí thuyết (chương 1), lịch sử và truyền thuyết là hai phạm trù có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Trong phạm vi của luận án, mối quan hệ ấy được thể hiện một cách sinh động qua lịch sử và truyền thuyết dân gian về Dương Thái hậu/ Dương hậu thời Đinh – Lê. Vì vậy, chúng tôi đã dành trọn chương 2 của luận án để khảo sát tư liệu lịch sử và truyền thuyết về bà hoàng hậu hai triều. Việc khảo sát tư liệu lịch sử của chúng tôi không phải để minh định lịch sử mà nhằm so sánh và soi sáng cho truyền thuyết, từ đó làm rõ vai trò của Dương hậu/ Dương Thái hậu trong hai triều đại Đinh – Lê. Đây mới là cái đích chủ yếu mà luận án hướng tới. 2.1. Nhân vật Dương Vân Nga qua tư liệu lịch sử 2.1.1. Bối cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam thế kỉ X Về lịch sử, thế kỉ X mở ra thời kì độc lập dân tộc, đồng thời cũng chứng kiến những biến động như chuyện thay bậc đổi ngôi, kháng chiến chống ngoại xâm, những cuộc đánh dẹp nạn cát cứ để thống nhất giang sơn về một mối. Ở thời kì này, chế độ quân chủ tập trung đã hình thành song còn đơn giản, chưa đảm bảo các nguyên tắc bản chất của nó. Các triều đại phong kiến giai đoạn này cũng chú ý xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc. Tuy Nho giáo đã xâm nhập vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc nhưng đến thế kỉ X, nó vẫn chưa có vị trí quan trọng trong thể chế chính trị. Những hiện tượng như trao ngôi báu, kết hôn với hoàng hậu của tiền triều... không chỉ đơn thuần là những hiện tượng của lịch sử mà ít nhiều gắn liền với cái phông văn hóa, xã hội thời kì này. Vì vậy, bối cảnh Việt Nam thế kỉ X sẽ là cơ sở để lí giải một số vấn đề liên quan đến đề tài của luận án. 2.1.2. Những giả thuyết về lai lịch, xuất thân và vị thế chính trị của Dương Vân Nga 10 Cho đến nay đã xuất hiện nhiều giả thuyết về lai lịch, xuất thân của Dương hậu nhà Đinh – Lê. Sử sách đều chép sự kiện vua Đinh lập 5 hoàng hậu nhưng không giải thích rõ tên tuổi, xuất thân của từng bà ra sao. Đã có một số nhà nghiên cứu đi tìm lời giải cho câu hỏi này nhưng đến nay vấn đề vẫn dừng ở sự tồn nghi. Về xuất thân của Dương Vân Nga, qua cách thức liên minh chính trị bằng con đường hôn nhân của vua Đinh, chúng tôi nghiêng về giả thuyết bà thuộc dòng dõi của Dương Tam Kha, một quý tộc danh thế đương thời. Về vị thế chính trị trong hoàng tộc, qua sử sách và thực tế điền dã, chúng tôi cho rằng bà chỉ là hoàng hậu của hai triều Đinh – Lê. Sở dĩ có sự phức tạp trong nhận định về thân thế và vị thế chính trị của bà là do sự ghi chép vắn tắt của các nhà chép sử cộng với độ lùi của thời gian đã làm cho việc minh xác tên tuổi của Dương Vân Nga trở thành một thách thức đối với hậu thế. 2.1.3. Từ việc lập hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng đến chuyện “một hậu mà lấy hai vua” Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông. Chúng tôi cho rằng việc vua Đinh lập nhiều hoàng hậu là biểu hiện của hình thái hôn nhân liên minh chính trị, đồng thời cũng chứng tỏ rằng ông chưa thực sự bị chi phối bởi quan niệm Nho giáo. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, chuyện một bà hoàng hậu có hai đời chồng không phải là hiếm gặp, nhưng một bà hoàng hậu có hai đời chồng đều làm vua và có vai trò chính trị to lớn trong cả hai triều đại thì Dương Vân Nga là hiện tượng độc nhất vô nhị. Hiện tượng này không chỉ phản ánh bối cảnh lịch sử, chính trị đương thời mà còn cho thấy sự hiện tồn của “mép lề phóng khoáng” của văn hóa Việt cổ. 11 2.1.4. Dương Vân Nga, người chuyển giao quyền lực từ triều Đinh sang triều Tiền Lê Đinh Tiên Hoàng mất, quân Tống lăm le xâm lược, con trai là Đinh Toàn lên nối ngôi còn quá nhỏ (6 tuổi), Dương Thái hậu cùng với triều thần đã tôn lập Lê Hoàn lên ngôi vua. Hành động này đã gây nên rất nhiều tranh cãi, khen chê. Chúng tôi cho rằng hành động chuyển giao quyền lực của bà chủ yếu xuất phát từ thực tế lịch sử lúc bấy giờ và truyền thống suy tôn người tài vẫn còn tồn tại trong lòng xã hội Đại Cồ Việt. Có thể nói sự kiện “chuyển vạc” Đinh – Lê xuất phát từ bối cảnh lịch sử, xã hội chứ hoàn toàn không thể do một cá nhân với những toan tính vị kỉ là có thể thay đổi được cục diện chính trị đương thời. 2.2. Nhân vật Dương Vân Nga qua tư liệu truyền thuyết 2.2.1. Tư liệu sưu tầm Qua quá trình điền dã, chúng tôi đã sưu tầm được 14 bản kể. Về hình thức, có một số truyện (ví dụ Sự tích đền Đồng Bến, Truyện phơi triều phục tiết thanh minh, Tượng bị đánh và đổ mồ hôi...) chưa thực sự là truyện mà chỉ là những mẩu truyện, tuy vậy, chúng tôi vẫn xếp vào phạm vi khảo sát bởi chúng sẽ góp phần làm cho hệ thống truyền thuyết Dương Vân Nga đầy đủ và toàn diện hơn. 2.2.2. Tư liệu khảo cứu Từ nguồn tài liệu thành văn đã sưu tập được, chúng tôi phân loại và chọn được 13 bản kể về nhân vật Dương Vân Nga. 2.2.3. Nhận xét kết quả khảo sát Về phạm vi khảo sát: tổng số truyền thuyết khảo sát là 27 bản kể và 7 motif. Về không gian lưu truyền, tâm điểm quy tụ truyền thuyết Dương Vân Nga là Ninh Bình và lan tỏa sang các địa phương khác như Nam Định, Nghệ An. 12 Về kết cấu, dựa theo cách phân loại của Kiều Thu Hoạch, chúng tôi xếp truyền thuyết Dương Vân Nga vào nhóm truyền thuyết nhân vật. Tiểu kết chương 2: Là người đương thời của thế kỉ X, Dương Thái hậu đã chứng kiến và tham gia vào những sự kiện trọng đại của hai triều Đinh - Lê. Từ không gian hậu cung, bà đã bước vào chính trường, gánh trọng trách với triều đình và đất nước khi lịch sử lựa chọn bà. Lịch sử chọn bà song cũng khiến bà chịu bia miệng ngàn năm khi các nhà chép sử đơn thuần đánh giá bà bằng thước đo đức hạnh “tam tòng, tứ đức”. Lịch sử với những góc khuất cần có thời gian để làm sáng tỏ, nhưng không thể phủ nhận rằng hành động của bà là tích cực và thức thời, tạo cơ sở pháp lí cho Lê Hoàn đăng quang hoàng đế, tránh được cho nước Đại Cồ Việt non trẻ mối họa binh đao từ nội bộ cho đến phạm vi lãnh thổ, tạo tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong triều đại kế tiếp là vương triều Tiền Lê. Ở chương 2, chúng tôi cũng đồng thời tiến hành khảo sát tư liệu sưu tầm và tư liệu khảo cứu về Dương Thái hậu, làm cơ sở cho việc tìm hiểu, phân tích các motif trong nhóm truyền thuyết Dương Vân Nga ở chương 3. 13 CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT DƯƠNG VÂN NGA QUA LĂNG KÍNH CỦA TÁC GIẢ TRUYỀN THUYẾT Ở chương 2, chúng tôi đã phác thảo nhân vật Dương Vân Nga trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam thế kỉ X, đồng thời cũng tiến hành khảo sát nhóm tư liệu sưu tầm và điền dã về nhân vật này. Trong chương 3, chúng tôi tập trung vào việc phân tích các motif trong nhóm truyện Dương Vân Nga cũng như đặt nhân vật trong đối sánh giữa truyền thuyết và sử sách nhằm tìm hiểu sự tương đồng - khác biệt trong cách đánh giá nhân vật này. 3.1. Các motif trong truyền thuyết Dương Vân Nga bao gồm: sự ra đời kì lạ, đặt tên theo đặc điểm lúc chào đời, hồng nhan họa thủy, tiếng hát mang khẩu khí đế vương, trao ngôi, luyến ái và hiển linh. Motif chiếm số lượng nhiều hơn cả là trao ngôi (7/ 27 truyện). Khi đi vào truyền thuyết, Dương Vân Nga được tái hiện qua một số motif quen thuộc như sự ra đời kì lạ, tiếng hát mang khẩu khí đế vương, hiển linh...; trong đó motif tiếng hát mang khẩu khí đế vương gắn liền với các nhân vật nữ sắc sảo, tài năng và khuynh đảo triều chính như Ỷ Lan, Đặng Thị Huệ... Đây là minh chứng cho sự tham gia của một số motif trong các nhóm truyện dân gian nói chung và truyền thuyết nói riêng. Bên cạnh đó, qua những motif đặc trưng của nhóm truyền thuyết như hồng nhan họa thủy, luyến ái, tác giả dân gian đã khắc họa một chân dung Dương Vân Nga độc đáo và có sức sống vượt thời gian. 3.2. Mô hình kết cấu cốt truyện Dương Vân Nga Tuy phần lớn những truyền thuyết về Dương Vân Nga chỉ tồn tại dưới dạng những mẩu truyện ngắn nhưng khi tập hợp lại, chúng vẫn tạo nên một cốt truyện chung với ba phần: hoàn cảnh, đặc điểm nhân vật - hành trạng - kết thúc sự nghiệp của nhân vật. 14 Hoàn cảnh và đặc điểm nhân vật Sự ra đời kì lạ Tên gọi Hồng nhan họa thủy Hành trạng của nhân vật Tiếng hát mang khẩu khí đế vương Luyến ái Trao ngôi Kết thúc sự nghiệp của nhân vật Hiển linh 3.3. Nhân vật Dương Vân Nga từ góc nhìn đối sánh giữa sử sách và truyền thuyết 3.3.1. Sự tương đồng – khác biệt giữa sử sách và truyền thuyết về Dương Vân Nga Về sự tương đồng: Cả sử sách phong kiến và truyền thuyết đều có nhiều điểm chung khi cùng đề cập đến những sự kiện liên quan đến Thái hậu họ Dương như: bà tư tình và trao ngôi cho Lê Hoàn, bà là hoàng hậu của hai vua Đinh – Lê và nghi thức thờ phụng bà. Những điểm tương đồng trên đây cho thấy sự tác động của lịch sử đến truyền thuyết và ngược lại. Về sự khác biệt: Nếu chính sử (chủ yếu là sử phong kiến) ghi chép rất ngắn gọn các sự kiện liên quan đến hành trạng của Dương hậu thì truyền thuyết lại cụ thể hóa chúng, nghĩa là lí giải những vấn đề mà lịch sử không đề cập hoặc chưa rõ ràng như lai lịch, thân thế của Dương hậu; địa điểm bà trao ngôi cho Lê Hoàn... Những sự kiện liên quan đến nhân vật lịch sử này 15 qua cách lí giải của truyền thuyết trở nên cụ thể, thấu tình đạt lí, từ đó, hình tượng Dương Vân Nga cũng sống động và gần gũi với cuộc đời hơn. 3.3.2. Lí giải nguyên nhân tương đồng, khác biệt giữa sử sách và truyền thuyết về Dương Vân Nga Nguyên nhân tương đồng: Dương hậu thời Đinh – Lê trở thành đối tượng phản ánh của lịch sử và truyền thuyết vì bà đã tham gia và tạo nên một phần của lịch sử thế kỉ X với hành trạng hết sức đặc biệt: trong bối cảnh nội loạn ngoại xâm đương thời, bà đã đưa ra một quyết định trọng đại: trao ngôi báu của con trai cho người ngoại tộc, kết thúc thời đại của vương tộc họ Đinh và mở ra triều đại Tiền Lê. Nguyên nhân khác biệt giữa truyền thuyết và sử sách về Dương Vân Nga một mặt xuất phát từ đặc thù của hai lĩnh vực này: Những ghi chép về bà trong chính sử chỉ là những lược thuật liên hoàn gắn liền với các biến cố lịch sử; còn trong truyền thuyết, cái lõi là sự thực lịch sử kết hợp với “thơ và mộng” đã chuyển hóa một bà Dương Thái hậu trong lịch sử thành một hình tượng vừa phức tạp vừa thống nhất. Mặt khác, sự khác biệt này còn bị chế định bởi hệ tư tưởng của thời đại: nhà chép sử phong kiến đánh giá Dương Thái hậu theo tiêu chuẩn đạo đức tam tòng, tứ đức của Nho giáo, còn tác giả dân gian lại chủ yếu đánh giá bà ở vai trò, trách nhiệm của người công dân trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy. Tiểu kết chương 3: Nhóm truyền thuyết Dương Vân Nga phản ánh những lớp văn hóa, phong tục, tư tưởng của người Việt qua các thời kì khác nhau. Với 7 motif nổi bật, tác giả dân gian đã tái dựng bức chân dung về một người phụ nữ quyền lực, sắc sảo và đa đoan ở thế kỉ X. Đặt nhân vật Dương Vân Nga trong sự đối sánh giữa truyền thuyết và sử sách, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: xét ở góc nhìn của các sử gia phong kiến, bà không phải là người vợ trung trinh, tiết liệt, không phải là người mẹ hết lòng vì 16 con, nhưng xét ở vai trò của một công dân đối với đất nước, bà đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của mình: đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của dòng họ nhà chồng, nhường ngôi báu của con trai cho người có tài cầm quân đánh giặc, cứu đất nước Đại Cồ Việt thoát khỏi cảnh tái Bắc thuộc. Những điều đó đã làm nên sức sống lâu bền của nhân vật Dương Vân Nga trong tâm thức dân gian.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan