Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn phan thị vàng anh...

Tài liệu Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn phan thị vàng anh

.PDF
109
1411
133

Mô tả:

2 LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, người đã tận tình hướng dẫn, định hướng cho tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài: Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, cô giáo trong Khoa Ngữ văn - những thầy cô đã từng dạy dỗ tôi, Thư viện trường - nơi tôi tìm được nhiều kiến thức và tài liệu hỗ trợ cho việc làm luận văn này, Phòng Sau đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 - nơi tổ chức khóa học. Tôi xin cảm ơn Trường THCS Kim Ngọc, gia đình, bạn bè và các đồng chí đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này. Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2013 Học viên Hoàng Thị Thùy Dương 3 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan tất cả các dữ liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là kết quả nghiên cứu của bản thân tôi dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, là sản phẩm khoa học trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam đoan mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn này đều được ghi rõ nguồn gốc. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2013 Học viên Hoàng Thị Thùy Dương 4 MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 1. Lí do chọn đề tài 1 2. Mục đích nghiên cứu 4 3. Nhiệm vụ nghiên cứu 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5 5. Phương pháp nghiên cứu 5 6. Đóng góp của luận văn 5 7. Bố cục của luận văn 5 NỘI DUNG 6 Chương 1: Những vấn đề chung về ngôn từ nghệ thuật 6 1.1. Những vấn đề chung 6 1.1.1. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật 6 1.1.2. Đặc trưng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật 8 1.1.3. Vai trò của ngôn từ nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học 15 1.2. Phan Thị Vàng Anh và ý thức sáng tạo ngôn từ nghệ thuật 20 Chương 2: Đặc điểm ngôn từ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh 25 2.1. Ngôn ngữ nhân vật 25 2.1.1. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm 25 2.1.2. Ngôn ngữ đối thoại 37 2.2. Ngôn ngữ người kể chuyện (Ngôn ngữ trần thuật) 45 2.2.1. Ngôn ngữ đậm chất triết lý, chiêm nghiệm 47 2.2.2. Ngôn ngữ hài hước, châm biếm 53 2.2.3. Ngôn ngữ hoài nghi 57 2.2.4. Ngôn ngữ hiện thực đời thường 60 5 2.2.5. Ngôn ngữ đậm chất trữ tình 65 Chương 3: Một số thủ pháp sáng tạo ngôn từ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh 71 3.1. Sử dụng biện pháp tu từ so sánh 71 3.2. Sử dụng hệ thống từ láy phong phú, độc đáo 78 3.3. Vận dụng phương ngữ, thành ngữ 86 3.4. Nhịp điệu đều đều, chậm rãi 90 KẾT LUẬN 98 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 100 TÀI LIỆU THAM KHẢO 101 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ ở đây không phải là phương tiện giao tiếp tự nhiên hàng ngày của đời sống mà là thứ ngôn ngữ được lựa chọn, sáng tạo theo chủ quan của người nghệ sĩ. Một tác phẩm có thể trở thành kiệt tác, ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả hay không, không chỉ tùy thuộc vào nội dung tư tưởng mà còn phụ thuộc vào chất lượng hình thức biểu hiện ngôn từ. Ngôn từ chính là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc khẳng định tài năng và phong cách nhà văn. 1.2. Truyện ngắn Việt Nam thời đổi mới được mùa, lên hương và khởi sắc. Làm nên diện mạo truyện ngắn hôm nay là thế hệ trẻ. Với tài năng của mình, họ đã tạo nên một vườn hoa nhiều hương sắc qua việc mở rộng biên độ, nội dung phản ánh, đổi mới cách viết và hình thức truyện. Những gương mặt tiêu biểu cho truyện ngắn đương đại là: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh… Đọc truyện của họ mỗi người một vẻ, nhưng có điểm chung là cách viết mạnh mẽ, lối viết “phá cách” rất tự do, khoáng đạt, uyển chuyển, linh hoạt. 1.3. Tiếp nối bước đi mạnh mẽ đầy bứt phá của văn học nước nhà, Phan Thị Vàng Anh cùng các cây bút trẻ, đặc biệt là các cây bút nữ nhanh chóng được độc giả trân trọng và mến mộ. Sự xuất hiện của chị gây tranh luận sôi nổi trong đời sống văn học. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận Phan Thị Vàng Anh là một tài năng trẻ, một chân dung sớm định hình. Chị được xem “Là một cây bút truyện ngắn biến ảo, lúc thì nghiêm trang, lúc sắc ngọt, lúc đắm đuối... Văn Phan Thị Vàng Anh là lối văn tung phá mang dấu ấn của kẻ trưởng thành không tránh khỏi sự bất thường” [1, tr.6]. Chỉ trong hai tập truyện ngắn “Khi người ta 2 trẻ” (1993) và “Hội chợ” (1995), cây bút nữ này đã tạo nên một phong cách truyện ngắn đặc trưng: ngắn gọn, súc tích, sắc sảo, thâm thuý, trí tuệ. Nhà văn Nguyễn Khải từng khen Phan Thị Vàng Anh một câu ngắn gọn mà “nức tiếng” “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy” bởi cách giống nhau cùng tạo nên một ấn tượng rực rỡ khi xuất hiện trên văn đàn. 1.4. Phan Thị Vàng Anh sáng tác truyện ngắn không nhiều nhưng so với các cây bút cùng thế hệ thì truyện ngắn của chị có sắc điệu riêng, độc đáo. Vì vậy, truyện của chị được nhiều bạn đọc yêu thích, các nhà phê bình quan tâm. Có thể điểm qua một số bài viết sau: Trong tập Không gian và khoảnh khắc văn chương dịch giả Huỳnh Phan Anh cho rằng “Vàng Anh là một tài năng trẻ, một cây bút nhà nòi, một nhà văn đã sớm định hình ngay từ tập truyện đầu tay, một giải thưởng quốc gia dành cho nhà văn trẻ... và còn gì nữa? Tất cả đều đúng, nhưng tôi không quên rằng vượt lên trên những thông tin đó, tác phẩm của Vàng Anh hay bất luận của ai khác dù bao người đã đọc tới và nói tới, vẫn còn và mãi mãi vẫn còn là một sự chờ đợi, một thách thức” [5, tr.16]. Đánh giá về truyện ngắn của chị, Huỳnh Phan Anh khẳng định: “Hai tập truyện ra đời trong khoảng cách hai năm, mỏng mảnh như nhau, bao gồm những truyện thường ngắn, có khi rất ngắn, bấy nhiêu cho một thế giới đang hình thành, sinh sôi nảy nở, một thế giới không ngớt trở về trên những trang giấy đang kêu gọi, bổ sung cho nhau, vẫn là nó nhưng không đơn giản là nó, bởi nó luôn được vén mở, soi rọi thêm, nó luôn tìm kiếm những bến bờ và những chiều sâu mới” [5, tr.18]. Trong Sân chơi của Vàng Anh, Huỳnh Như Phương đã nhận xét tinh tế về cách sử dụng ngôn ngữ của Phan Thị Vàng Anh “Văn chương Vàng Anh là trò chơi nói bằng ngôn ngữ của trò chơi”. Sức hấp dẫn của cây bút nữ này là “biết cách lạ hoá những điều quen thuộc, biết làm da diết những điều tưởng chừng nhạt nhẽo” và “trong thế giới của Vàng Anh, những sự vật gần gũi nhất lại đưa tâm hồn con người xa nhất” [1, tr.5]. 3 Khẳng định đóng góp của các nhà văn trẻ trong tiến trình đổi mới văn học, Nguyễn Thị Bình rất sắc sảo nhận ra: “Nhìn chung ưu thế và tốc độ ngôn ngữ cũng như trong sinh hoạt thuộc về lớp trẻ. Vàng Anh viết cứ “như chơi” mà lột tả thật chính xác cái nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu tâm lý của bao nhiêu hạng người, bao nhiêu lứa tuổi” [7, tr.17]. Phan Thị Vàng Anh luôn có ý thức trong tổ chức, sáng tạo ngôn từ nghệ thuật. Chị không bằng lòng với lối viết sáo mòn của văn chương. Ở mỗi truyện ngắn người đọc nhận thấy những phương diện mới lạ, đặc sắc trong cách nhìn nhận hiện thực và nhân sinh mới mẻ. Ghi nhận tài năng văn chương của Phan Thị Vàng Anh, Tuyết Ngân viết: “Những năm đầu thập kỷ 90, văn đàn “nổi sóng” và những truyện ngắn “Kịch câm”, “Đất đỏ” cho đến “Hoa muộn” của nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh. Khi đó chị mới ngoài 20 tuổi. Những truyện ngắn của chị đã khiến các nhà văn lớp trước và độc giả phải bàng hoàng về giọng điệu cũng như ý tưởng mới lạ của nó” [48, tr.46]. Trong bài viết Phan Thị Vàng Anh và Trần Thanh Hà hai phong cách truyện ngắn trẻ, từ chỗ đi sâu vào phân tích truyện ngắn Hoa muộn - tác phẩm đã đưa Phan Thị Vàng Anh đến với giải thưởng của tạp chí Thế giới mới, Tuyết Ngân lại một lần nữa khẳng định sự xuất hiện có ý nghĩa của chị trong đời sống văn học những năm gần đây: “Người ta hồ hởi đón nhận truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh và tác giả cũng đáp lại sự chờ đợi của mọi người bằng cách liên tục xuất bản những tập truyện ngắn” [47, tr.10]. Cảm nghiệm về sự mỏng manh của một số mối liên hệ con người trong đời sống hiện đại, về những con người nhỏ bé, lẻ loi trước những tình cảm hời hợt, những đứt gãy của cuộc sống ở một số nhân vật trong sáng tác của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Chí Hoan trong bài viết: Bơ vơ trong cái đời thường (Đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh - Nguyễn Trọng Nghĩa) cho rằng: Phan Thị Vàng Anh đã “cố gắng bóc đi những lớp vỏ sự kiện đời sống để trực quan các mối quan hệ giản đơn và vô hình giữa con người” [24, tr.30]. 4 Ngoài ra, còn một số bài phê bình, giới thiệu về truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh của Hội nhà văn, những bài giới thiệu truyện ngắn mới đăng trên các trang Web điện tử… Có thể thấy, các bài viết, công trình nghiên cứu về sáng tác của Phan Thị Vàng Anh trên các báo và tạp trí khá phong phú về số lượng. Tuy nhiên, tác giả của các bài viết đó mới đưa ra những nhận định có tính chất đặt vấn đề sơ lược chứ chưa đi sâu vào phân tích các phương diện cụ thể về ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh một cách hệ thống. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu đề tài: “Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh” là cần thiết và có ý nghĩa lí luận - thực tiễn thiết thực. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình đi trước. Luận văn của chúng tôi sẽ đi sâu, chỉ ra những nét độc đáo về ngôn ngữ truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, nhằm đánh giá, ghi nhận những đóng góp của chị vào tiến trình truyện ngắn Việt Nam đương đại. 2. Mục đích nghiên cứu - Chỉ ra những đặc sắc về ngôn ngữ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. - Ghi nhận những đóng góp quí giá của chị đối với nền văn học nước nhà, đồng thời khẳng định một hướng tiếp cận có hiệu quả trong nghiên cứu và thưởng thức văn học. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Dựa trên cơ sở lí luận về ngôn từ nghệ thuật, luận văn của chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách có hệ thống những đặc sắc về ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh 5 - Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung khảo sát hai tập truyện ngắn: + Khi người ta trẻ: Tập truyện gồm 19 truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn 1993 + Hội chợ: Tập truyện gồm 17 truyện ngắn, Nxb Trẻ 1995 5. Phương pháp nghiên cứu Trong luận văn chúng tôi sử dụng (riêng lẻ hoặc kết hợp) một số phương pháp nghiên cứu văn học chính sau: - Phương pháp tiếp cận thi pháp học - Phương pháp thống kê - phân loại - Phương pháp phân tích, tổng hợp - Phương pháp so sánh - đối chiếu 6. Đóng góp của luận văn - Trên cơ sở lí luận về ngôn từ nghệ thuật, vận dụng để tìm ra những đặc điểm ngôn từ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. - Khẳng định sự độc đáo của Phan Thị Vàng Anh trong sáng tác truyện ngắn (trên cơ sở đối sánh với một số nhà văn nữ cùng thời), qua đó thấy được sự đổi mới về tư duy nghệ thuật cũng như vị trí của nhà văn trong nền văn xuôi đương đại. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính gồm 3 chương: - Chương 1: Những vấn đề chung về ngôn từ nghệ thuật - Chương 2: Đặc điểm ngôn từ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh - Chương 3: Một số thủ pháp sáng tạo ngôn từ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh 6 NỘI DUNG Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT 1.1. Những vấn đề chung 1.1.1. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật Ngôn ngữ là chất liệu cấu thành tác phẩm, là cái vỏ của tư duy, là cơ sở để người đọc giải mã nội dung, ý nghĩa, những thông điệp mà nhà văn muôn gửi gắm. Ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa văn học với các ngành nghệ thuật khác: “Ngôn ngữ được gọi là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được coi là loại hình nghệ thuật ngôn từ” [54, tr.215]. M.Gorki khẳng định: “Yếu tố thứ nhất của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó cùng các sự kiện, hiện tượng của cuộc sống- là chất liệu văn học” [1]. Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học ngôn ngữ nghệ thuật được định nghĩa như sau: “Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, sắp đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật - thẩm mĩ” [59, tr.98 ]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Ngân Hoa trong cuốn Dẫn nhập môn ngôn ngữ học cho rằng ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương. Trong một tác phẩm văn học cụ thể, ngôn ngữ nghệ thuật được tổ chức theo mục đích thẩm mĩ của chủ thể, xuất hiện trong những hình thức cấu trúc riêng biệt, cụ thể. Ngôn ngữ được vận dụng trong tác phẩm có tính cá thể hóa cao độ, bao gồm nhiều thành phần, kiểu, dạng phụ thuộc vào các nhân tố: chủ thể, người kể, nhân vật, điểm nhìn, giọng điệu… Vì vậy, khi đề cập đến các thành 7 phần cấu trúc ngôn ngữ của một văn bản cụ thể, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, thi pháp học sử dụng khái niệm “lời nói”: lời người kể, lời nhân vật, lời đối thoại, lời độc thoại, lời trực tiếp, lời gián tiếp, lời nửa trực tiếp… Nhà nghệ sĩ, ngay từ ý đồ sáng tạo và tư duy hình tượng đã dựa vào khả năng, phẩm chất và thuộc tính của chất liệu. Vì thế, nhà văn không thể tư duy nghệ thuật bên ngoài các khả năng, phẩm chất và thuộc tính của ngôn từ. Ngôn từ là lời nói được sử dụng với tất cả phẩm chất thẩm mĩ và khả năng nghệ thuật. Nói văn học là nghệ thuật ngôn từ, thực chất là nói văn học là nghệ thuật sử dụng câu văn, lời văn, bài văn vào mục đích nghệ thuật. Ngôn từ trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Bất kì một tác phẩm văn học nào cũng được viết hoặc được kể bằng lời (văn học viết hoặc văn học dân gian truyền miệng). Ở phương diện thể loại văn học có lời văn, lời thơ. Ở phương diện chức năng và các thành phần cấu tạo của lời văn có lời tác giả, lời nhân vật, lời trực tiếp, lời gián tiếp…nói chung gọi là lời văn nghệ thuật. Như vậy “Lời văn nghệ thuật là dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật tạo thành cơ sở ngôn từ của văn bản nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của các tác phẩm văn học” [59, tr.130]. Tác giả Phương Lựu cho rằng: “Ngôn từ văn học là ngôn từ của một tác phẩm văn học, của thế giới nghệ thuật, kết quả sáng tạo của nhà văn. Đó là ngôn từ giàu tính hình tượng và giàu sức biểu hiện nhất, được tổ chức đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mỹ tới người đọc” [44, tr.185]. Cùng quan điểm trên, Huỳnh Như Phương khẳng định: “Ngôn từ trong tác phẩm văn học là kiểu lời nói nghệ thuật do nhà văn sáng tạo trên cơ sở sản phẩm ngôn ngữ của một xã hội mà ông ta đã tiếp thu được” [54, tr.170]. Ngôn ngữ đời sống là ngôn ngữ nhân dân, sử dụng trong đời sống hằng ngày, là công cụ giao tiếp, tạo thành văn bản trong quá trình phát và nhận 8 thông tin. Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ của quần chúng đã được cách điệu hoá, nghệ thuật hoá qua bàn tay “phù thuỷ”, qua sự nắm bắt tinh tế và nhạy cảm các tác động và hiệu quả thẩm mĩ của ngôn từ của nghệ sĩ sáng tạo văn học. M.Gorki cho rằng: “Ngôn ngữ nhân dân là tiếng nói nguyên liệu, còn ngôn ngữ văn học là tiếng nói đã được bàn tay thợ nhào nặn”. Như vậy, ngôn từ muốn được hoàn thiện được thành ngôn ngữ nghệ thuật phải nhờ vào khả năng sáng tạo của nhà văn. Ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là yếu tố “vật chất” duy nhất của tác phẩm văn học. Qua ngôn ngữ, người đọc khám phá ra thế giới hình tượng, tư tưởng, quan niệm…mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật lại chứa đựng cả thế giới nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo từ cảnh vật, con người đến cốt truyện, chủ đề… Trong mối quan hệ ấy, ngôn ngữ nghệ thuật trở thành phương thức tồn tại, phương tiện biểu hiện nội dung và thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. 1.1.2. Đặc trưng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật 1.1.2.1. Tính hình tượng Tính hình tượng là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của ngôn từ nghệ thuật. M.Gorki viết “Nhà văn không chỉ viết bằng ngòi bút mà còn vẽ bằng từ ngữ thể hiện một cách hoàn hảo những tư tưởng của tác giả, xây dựng một bức tranh đậm đà, đắp nên những hình tượng sinh động, có sức thuyết phục đến nỗi người đọc trông thấy được những điều mà tác giả mô tả”. Theo Từ điển văn học, hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, được nhận thức trực tiếp bằng cảm tính (chung cho các loại hình nghệ thuật). Hình tượng văn học là bức tranh sinh động nhất của cuộc sống được xây dựng bằng ngôn ngữ nhờ có trí tưởng tượng và óc sáng tạo và cách đánh giá của nhà nghệ sĩ. 9 Nhà văn phản ánh hiện thực và thế giới nội tâm bằng tư duy hình tượng nên họ mượn ngôn ngữ hình tượng để xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Được xây dựng từ chất liệu ngôn từ, hình tượng văn chương không tác động trực tiếp vào thị giác và thính giác giống như các loại hình nghệ thuật khác mà nó khiến người đọc phải huy động mọi giác quan để cảm nhận. Nó có khả năng khêu gợi trí tưởng tượng, đánh thức óc liên tưởng của độc giả. Nó không chỉ giúp người đọc cảm nhận được những thứ cụ thể mà còn giúp cảm nhận được những gì tưởng chừng mỏng manh, mơ hồ, thậm chí là vô hình. M.Gorki gọi văn chương là nghệ thuật tạo hình bằng ngôn ngữ. Tính hình tượng của ngôn ngữ văn học có khả năng tả, gợi màu sắc. Trong bài Đây thôn Vĩ Dạ chỉ một câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” đã gợi ra thôn Vĩ như một viên ngọc lấp lánh đang tỏa vào không gian sắc xanh của mình. Khung cảnh đơn sơ nhưng vô cùng lộng lẫy, bằng một vài từ gợi tả “mướt quá” và so sánh “xanh như ngọc” Hàn Mặc Tử đã tạo nên một bức tranh quê rực rỡ, chan hòa sự sống. Ngoài ra, ngôn ngữ văn học còn có khả năng gợi hình khối, đường nét. Câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Hồ Chí Minh) là một bức tranh phong cảnh đẹp, có tầng lớp. Nhìn lên: vầng trăng cao lồng cổ thụ - nét họa có tính trang nghiêm, cổ điển. Nhìn thấp xuống: bóng trăng và bóng cây cổ thụ lại in lồng trong hoa, trong những cây lá ở dưới - nét bút nhỏ, tinh tế. Câu thơ vẽ ra một không gian ba tầng với những mảng màu đen trắng lồng gắn lẫn nhau. Cảnh vật hiện lên rất tinh tế, giàu chất thơ. Hay trong câu “Lơ thơ tơ liễu buông mành” (Nguyễn Du) ba âm “ơ” (lơ, thơ, tơ) gợi đường nét thưa thớt của những chiếc lá liễu mềm mại buông rủ. Ngôn ngữ văn học không trừu tượng như ngôn ngữ triết học, ngôn ngữ chính trị, cũng không phải là ngôn ngữ kí hiệu hóa như một số môn khoa học. Ngôn ngữ văn học trực tiếp xây dựng hình tượng trong tác phẩm, nó mang 10 tính chất cảm tính cụ thể. Khi tái hiện đời sống, ngôn từ văn học không chỉ miêu tả sự vận động và tác động của các sự vật, hiện tượng mà còn tái hiện trạng thái tinh thần của toàn bộ sự vật và con người trong những thời khắc nhất định. Tố Hữu đã diễn tả tâm trạng của mình khi trở về thăm người mẹ nuôi xưa với ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh: Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa Một buổi trưa nắng dài bãi cát Gió lộng xôn xao sóng biển đu đưa Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát (Mẹ Tơm) Ông nói nhịp điệu của câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu của náo nức xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ, nơi đã nuôi mình. Tính hình tượng không chỉ biểu hiện ở các biện pháp tu từ, các phương thức chuyển nghĩa (so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, nhân hóa…) mang tính chất cục bộ bề ngoài mà còn nằm sâu trong bản chất hình tượng của sáng tác. 1.1.2.2. Tính tổ chức Ngôn từ trong mỗi văn bản đều yêu cầu phải có tính tổ chức, song do đặc thù của mỗi loại văn bản mà tính tổ chức được thể hiện khác nhau. Trong tác phẩm văn chương, ngôn từ nghệ thuật được sắp xếp tổ chức theo trình tự trước, sau, chặt chẽ. Nếu thay đổi trật tự nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn nội dung. Tính tổ chức của thơ thể hiện rõ ở vần, nhịp, niêm, đối chặt chẽ. Ở văn xuôi thể hiện qua cách dùng từ, cách sắp xếp từ ngữ vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ, uyển chuyển không rời rạc, luôn luôn biến chuyển. Tính tổ chức cho phép nhà văn vận dụng linh hoạt, sáng tạo với các loại hình ngôn từ như lối nói khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ngôn ngữ địa phương… Tính tổ chức cao 11 của ngôn từ văn học còn thể hiện ở dấu câu - một yếu tố tưởng chừng rất nhỏ trong sử dụng ngôn từ. Trong cuộc hội thảo khoa học nhà văn Tô Hoài cho rằng dấu câu là hình thức của chữ, của từ. Thật ra không phải chỉ có dấu câu mà ngay cả cách ngắt nhịp cũng cần được xem là một từ đa nghĩa, một từ đặc biệt (không có vỏ âm thanh) trong vốn từ chung của nhân loại. Ngoài ra, tính tổ chức trong văn bản nghệ thuật còn phụ thuộc vào sở trường, phong cách của nhà văn. Ngôn từ văn học mang tính tổ chức cao nhằm tạo nên hiệu quả nghệ thuật đem đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ. Ngôn từ văn học được tổ chức một cách đặc biệt để mỗi từ, mỗi câu đều đóng vai trò khêu gợi một cái gì lớn hơn nó tràn ra ngoài nó nhằm tạo dựng một ý lớn ở ngoài lời và hình thành một chỉnh thể hình tượng mới. Nhờ đó mà ngôn từ nghệ thuật khác với ngôn từ giao tiếp tự nhiên hàng ngày. 1.1.2.3. Tính chính xác Ngôn ngữ giữ một vai trò quan trọng trong sự duy trì tồn tại và phát triển của loài người. Nó là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là một hệ thống tín hiệu tinh vi và phức tạp, gắn chặt với tư duy (nhưng không đồng nhất), với chức năng cơ bản nhất là một công cụ giao tế giữa con người với con người. Vì vậy, sự chính xác là một yêu cầu rất lớn đối với ngôn ngữ. Nhà văn M.Gorki là người ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ.Ông kêu gọi chúng ta hãy chú ý đến ngôn ngữ, ngôn ngữ chính xác sẽ đem lại cho nó sức mạnh và vẻ đẹp. Khi viết văn ta phải dùng từ ngữ chính xác mới tái hiện đúng sự vật hiện tượng, miêu tả đúng cảnh, khắc họa đúng hình. Và “Bằng ngôn ngữ, nhà văn với tác phẩm của mình có thể làm cho con người thay đổi thế giới” (Nguyễn Đình Thi). 12 Ví dụ mấy trăm năm trước, Nguyễn Trãi viết: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén Ngày vắng xem hoa bợ cây” (Ngôn chí 10) Khi phiên âm đọc sang chữ Nôm, chữ quốc ngữ, có người đọc “bợ” thành “bẻ”. Xuân Diệu đã tìm ra sự sai sót này. Ông cho rằng “bợ” mới đúng tâm hồn cốt cách phong thái của người anh hùng - nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, tâm hồn yêu thương cái đẹp như nước triều đông cuồn cuộn. Chữ “bợ” khiến hình tượng chủ thể trữ tình trong thơ hiện lên với vẻ đẹp của nhà hiền triết phương đông. Nhà hiền triết ấy, thích ẩn dật nơi thanh vắng, tìm thú thanh cao để tâm hồn tự tại, thanh tĩnh vĩnh hằng. Vì vậy, đêm Nguyễn Trãi làm bạn với trăng. Ông nghiêng chén để ánh trăng hoà vào rượu và hớp nguyệt say với chất men nồng nàn mà cao nhã ấy. Và ánh sáng của vũ trụ đã nhập vào tâm hồn ông, nên ông sáng như sao Khuê. Ngày, ông “bợ” hoa vì hoa là cái đẹp mong manh và yếu ớt. Ông yêu cuộc sống, nên trân trọng sự sống. Nếu đổi “bợ” thành “bẻ” thì đã vô tình đày ải thơ và Nguyễn Trãi giữa chốn trần tục một cách thô bạo. Và như thế chất thơ sẽ tiêu và hồn thơ sẽ tan. Sự chính xác của ngôn ngữ văn học đòi hỏi chức năng biểu cảm thẩm mỹ cao. Nó phải miêu tả được trạng thái tâm hồn của con người (của nhà văn và của nhân vật). Nguyễn Du là nhà thơ đã làm cho ngôn ngữ có sức mạnh và vẻ đẹp thật tuyệt vời với nghệ thuật sử dụng những ngôn ngữ đến độ chính xác khó có thể thay thế được. Đây là đoạn ông tả Thuý Kiều tắm: Buồng the phải buổi thong đong Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên! (Truyện Kiều) 13 Tả một việc rất thô, mà lời văn thật thanh nhã. Ngôn ngữ chính xác đến nỗi như dựng lên trước người đọc một pho tượng khoả thân tuyệt mỹ, chứ không hề có cảm giác nhục dục. Chúng ta thật khó mà tìm được những từ ngữ để thay thế trong bốn câu thơ trên cho nó có thể hay hơn, thậm chí, để cho nó ngang bằng cũng đã là một việc quá khó. Do một sự vô tình hay cố tình nào đó, hai chữ “Dầy dầy” trong câu thứ tư được đổi thành “Rành rành” trong một bản in ở miền Nam, làm người đọc bỗng cảm thấy thật khó chịu, bởi nó không lột tả một cách chính xác tâm hồn bên trong của nhân vật Thuý Kiều. Trong kho tàng ngôn ngữ vô cùng phong phú của toàn dân, người viết phải chọn được từ “đắc địa” nhất, nghĩa là gọi đúng tên bản chất sự vật. Đó là quá trình khổ luyện, tìm tòi, tích lũy vốn sống... mới có được những chữ “thần” để có thể “lóe sáng” lên ở câu thơ, câu văn làm cho tác phẩm “nổi gió”, “cất cánh”. Nhà thơ Nga Maiacôpski đã viết: Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ Mới thu về một chữ mà thôi Những chữ ấy làm cho rung động Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài. Nguyễn Tuân là nhà văn bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ với phong cách rất riêng biệt. Nguyễn Tuân ngoài việc tìm kiếm chữ nghĩa độc đáo, ấn tượng, ông còn kỳ công làm cho từ ngữ bình thường bỗng toát lên những ý nghĩa mới. Đọc văn của ông, ta luôn được thưởng thức sự thú vị của chữ nghĩa, hết dòng này tới dòng khác, hết trang này sang trang khác mà không nhàm chán. Có thể nói, ông là nhà văn của ngôn từ. Ngôn ngữ chính xác không những làm cho người đọc hiểu, mà còn cảm nhận được những điều mà nhà văn muốn diễn tả đôi khi rất tinh tế, mỏng manh. Ngôn ngữ chính xác sẽ tạo cơ hội cho nhà văn dựng lên được những chân dung sinh động, khắc họa được tính cách điển hình, qua đó người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng, thái độ, tình cảm và cả tài năng nghệ thuật. Nhà văn luôn 14 có trách nhiệm với ngòi bút của mình để mỗi từ trong tác phẩm của họ “Không có từ nào khác trong ngôn ngữ có thể thay thế nó được” (L.Tônxtôi). 1.1.2.4. Tính biểu cảm Văn học là loại hình nghệ thuật nên ngôn từ văn học không thể thiếu tính biểu cảm. Văn học tác động tới cuộc sống bằng con đường tình cảm, con đường của trái tim. Để dẫn dắt người đọc đến bến bờ xa xôi của lý trí thì trước hết người nghệ sĩ phải có những câu văn, câu thơ có khả năng “làm tổ” trong trái tim độc giả. Nhà văn giúp người đọc, người nghe cảm thụ đời sống một cách mới mẻ hơn theo quy luật của cái đẹp. Tính biểu cảm của ngôn từ văn học gắn liền chức năng biểu hiện cảm xúc của văn học. Nghệ thuật nói bằng thứ tiếng duy nhất đó là ngôn ngữ của thế giới bên trong, ngôn ngữ của cảm xúc và biểu cảm. Hoạt động sáng tạo văn nghệ là phương thức vận dụng qui luật và đặc trưng của tình cảm. Khi Tú Xương viết: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông” thì từ “lèn” vừa diễn tả chính xác hành vi của kẻ cướp, lại vừa bộc lộ thái độ châm biếm, chế giễu tên quan tuần phủ. Tính biểu cảm của ngôn ngữ văn chương trước hết phải xuất phát từ xúc cảm chân tình, dào dạt của nhà văn. Việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để biểu đạt chỉ là phương tiện, là chất liệu. Nếu nhà văn cố tạo ra niềm vui hay nỗi buồn giả tạo thì họ chỉ đánh lừa được những người không có năng lực thẩm định văn chương. Tính biểu cảm biểu hiện trong tác phẩm bằng hình tượng bao quát và ở những từ ngữ cụ thể. Tính biểu cảm được tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau như: gián tiếp, trực tiếp, có hình ảnh hay chỉ là ngôn ngữ thuần túy. Tính biểu cảm bộc lộ rõ nhất khi tác giả muốn nhấn mạnh cảm xúc nội tâm. 1.1.2.5. Tính hàm súc và tính đa nghĩa Với tư cách là một văn bản thông tin, tác phẩm văn chương cần phải cung cấp cho người đọc những lượng thông tin lớn hơn lượng ngôn từ hạn hẹp trong 15 tác phẩm. Vì thế, tác phẩm văn chương đòi hỏi phải có tính hàm súc và tính đa nghĩa. Nếu hiểu hàm súc là súc tích, gắn gọn, hàm chứa nhiều ý nghĩa thì tính hàm súc của ngôn từ văn học có khả năng miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, lời ít mà ý nhiều “Ý tại ngôn ngoại”. Ngôn từ trong tác phẩm văn chương phải “nén chặt”, ý nén tối đa trong lời làm cho mỗi từ có sức nặng, có độ thừa và có nhiều lượng ngữ nghĩa. Tác giả Phạm Hổ cho rằng tiêu chuẩn nghệ thuật đời nào cũng giống nhau, nói ít mà gợi được nhiều là tiêu chuẩn cao nhất. Tính hàm súc và đa nghĩa do phương thức chuyển nghĩa của ngôn ngữ nhờ vào các biện pháp tu từ. Văn học là một hình thái ý thức xã hội và cũng là một hình thái nghệ thuật nhưng văn học khác với các ngành nghệ thuật khác nhờ đặc trưng chất liệu sáng tạo tác phẩm. Ngôn ngữ văn học có tính chính xác, tính tổ chức, tính hàm súc, đa nghĩa, tính hình tượng và tính biểu cảm… Ngôn ngữ văn học tạo được tác dụng và hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản văn chương. Tuy vậy, ngôn ngữ văn học chỉ có thể đẹp và phát huy những phẩm chất của chúng khi nhà văn thực sự tài năng, có năng lực làm chủ vốn ngôn ngữ và có cá tính sáng tạo độc đáo. Mỗi nhà văn phải có phong cách riêng. Một nghệ sĩ càng lớn thì hệ thống ngôn ngữ càng đa dạng, phong phú. Dùng chất liệu ngôn ngữ để xây dựng tác phẩm, nhà văn luôn tận dụng tối đa cái chất văn chương trong ngôn ngữ. Vì thế học tập trau dồi và sử dụng thành công ngôn ngữ trong tác phẩm là điều kiện tiên quyết trong quá trình sáng tạo văn chương. 1.1.3. Vai trò của ngôn từ nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học Bước vào thế giới văn học nghệ thuật là bước vào thế giới của ngôn ngữ. Những nhà văn lớn là những nhà ngôn ngữ trác tuyệt. Trong sự sáng tạo của nhà văn, sự sáng tạo về ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng “Phi ngôn ngữ bất thành văn”. Âm nhạc sẽ không xuất hiện và làm rung động lòng người nếu 16 cuộc sống không kì diệu với muôn ngàn âm thanh trầm bổng. Âm thanh là phương tiện biểu hiện của âm nhạc cũng như ngôn ngữ là chất liệu làm nên thế giới văn chương. Nhà văn không thể tư duy nghệ thuật bên ngoài các khả năng, phẩm chất, thuộc tính của ngôn từ. Nghệ thuật văn chương là nghệ thuật sử dụng ngôn từ, lao động nghệ thuật của nhà văn là quá trình hoạt động và sáng tạo ngôn từ. Người nghệ sĩ luôn khám phá không ngừng để mỗi câu, mỗi dòng viết ra đều được chắt lọc tinh tế, độc đáo đủ sức thuyết phục lòng người và lắng đọng với thời gian. Nguyễn Tuân tâm sự với những cây bút trẻ: ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Người nghệ sĩ không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay. Cùng một ngôn ngữ ấy, nhưng chúng ta sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Nhà văn chân chính phải làm con ong miệt mài đi hút nhụy hoa, sương đêm lắng đọng làm nên mật ngọt cho đời. Ngôn ngữ là phương tiện thiết yếu giúp nhà văn sản sinh ra hương mật văn chương. Bông hoa kia dù ngọt ngào hương sắc đến đâu, giọt sương đêm dù tinh sạch hơn cả khí trời vẫn là vô dụng nếu chú ong không thể tạo ra mật ngọt thơm lành. Ngôn ngữ của cuộc đời là một loại quặng còn lẫn tạp chất, nhà văn làm công việc của người tình nguyện loại bỏ những chất thừa thãi để đúc kết lại thứ kim loại hoàn hảo hơn, đủ sức lóng lánh phản chiếu tâm hồn con người. Nghề viết văn là một nghề cao quý, không phải bất cứ ai sinh ra cũng được trời phú cho khả năng thiên bẩm về văn chương, con số may mắn đó rất ít. Tuy nhiên, để trở thành nhà văn, trước hết đòi hỏi người viết phải bỏ nhiều tâm huyết, sức lực để “nhả” ra được những con chữ chắt lọc từ tâm can mình. Nhà văn phải biết chuyển “lượng sống” thành “chất sống” nghĩa là chuyển những trải nghiệm đời thực thứ hai trong văn chương ở dạng cô đặc nhất, tinh
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan