Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến để nuôi thương phẩm cá thát lát còm (chitala...

Tài liệu Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến để nuôi thương phẩm cá thát lát còm (chitala chitala hamilton, 1822)

.PDF
53
273
66

Mô tả:

MỞ ĐẦU GIỚI THIỆU Trong những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng tăng đáng kể. Năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hậu Giang là 6.500 ha với sản lượng đạt 56.056 tấn (Tổng Cục Thống kê, 2012). Đến cuối năm 2011, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Hậu Giang là 11.386 ha, sản lượng thu hoạch được 76.127 tấn với đối tượng nuôi chủ yếu là cá tra, cá rô đồng, cá thát lát, cá bống tượng, cá trê lai… (UBND tỉnh Hậu Giang, 2011). Cá thát lát phân bố tự nhiên nhiều ở các thủy vực nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Dương Nhựt Long, 2003). Ở tỉnh Hậu Giang, cá thát lát được khai thác và nuôi nhiều tại thị xã Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ. Cá thát lát còm (Chitala chitala) được nuôi đơn hoặc nuôi ghép trong ao đất và nuôi đơn trong vèo lưới. Sản phẩm cá thát lát là một trong các đặc sản của Hậu Giang. Trong tự nhiên, thức ăn ưa thích của cá thát lát còm là cá (chiếm tỷ lệ 20,05 – 40,65% thức ăn trong dạ dày), giáp xác (3,5 – 38,39%) và tỷ lệ này phụ thuộc vào vùng sinh sống của cá (Sarkar and Deepak, 2009). Vì thế, cá thát lát còm được nuôi bằng thức ăn cá tạp biển hay cá tạp nước ngọt. Tuy nhiên, khi diện tích nuôi cá thát lát còm tăng, nguồn cá tạp không thể đáp ứng nhu cầu nuôi do nguồn cá ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nhiều nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến để ương nuôi cá lóc (Hashim et al., 2004; Nguyễn Hoàng Huy, 2011), cá lóc bông (Nguyễn Thị Ngọc Lan, 2004; Trần Thị Thanh Hiền và ctv., 2010) và cá thát lát còm (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Hương Thùy, 2008; Phan Quốc Thứ, 2009) đã cung cấp nhiều dẫn liệu có giá trị làm cơ sở giải quyết vấn đề thức ăn cho các loài cá có tính ăn động vật. Tuy nhiên, khi phải sử dụng thức ăn bắt buộc thì tăng trưởng của các loài cá này giảm do khả năng tiêu hóa thức ăn chứa nhiều thực vật có hàm lượng carbohydrate cao kém (Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm, 2009). Trên cơ sở đó, nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến có hàm lượng protein khác nhau trong nuôi thương phẩm cá thát lát còm góp phần xây dựng qui trình nuôi thương phẩm cá thát lát còm bằng thức ăn chế biến, làm cơ sở phát 1 triển mô hình nuôi cá thát lát còm ở tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung là rất cần thiết. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU - Xác định hàm lượng protein thích hợp trong thức ăn công nghiệp phối hợp với cá tạp thành thức ăn chế biến để nuôi cá thát lát còm thương phẩm. - Xác định hiệu quả kỹ thuật và kinh tế từ mô hình nuôi thương phẩm cá thát lát còm trong ao đất bằng thức ăn chế biến. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, 2 nội dung chính sẽ được tập trung nghiên cứu gồm: 1. Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến từ thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein khác nhau và cá tạp để nuôi cá thát lát còm trong bể. 2. Nghiên cứu so sánh hiệu quả nuôi thương phẩm cá thát lát còm trong ao đất bằng thức ăn chế biến và bằng cá tạp. 2 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Đặc điểm sinh học cá thát lát 1.1.1. Phân loại và đặc điểm hình thái cá thát lát còm Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), FishBase (2010) cá thát lát còm có hệ thống phân loại như sau: Ngành có dây sống: Chordata Ngành phụ có xương sống: Vertebrata Tổng lớp miệng có hàm: Gnathostomata Bộ: Osteoglossiformes Họ: Notopteridae Giống: Chitala Loài: Chitala chitala Hamilton,1882 Tên khoa học khác: Notopterus chitala, Notopterus maculatus; Chitala ornata Tên tiếng Việt khác: cá còm, cá nàng hai, cá đao, cá cườm Tên tiếng Anh: Clown knife fish hay Feather back fish Cá có màu xám bạc, lưng sẫm hơn. Cá trưởng thành có 4 - 10 đốm đen, viền trắng nằm dọc phía trên vây hậu môn. Lúc cá còn nhỏ thân có 10 - 15 sọc đen ngang thân. Khoảng 2 tháng tuổi phần dưới của các sọc này xuất hiện các đốm nâu tròn. Cá càng lớn, đốm càng rõ nét trong khi các sọc mờ dần rồi mất hẳn (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương,1993). Thân cá dài, dẹp bên, lưng gù độ cong của lưng tăng dần theo kích thước của cá. Lườn bụng bên có hai hàng gai chạy dọc theo lườn bụng. Vảy nhỏ phủ khắp thân và đầu, vảy dính rất chắc, khó rụng, vảy ở đầu có cùng kích thước với vảy ở thân. Đường bên bắt đầu từ mép trên của lỗ mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Vi lưng của cá thát lát còm nhỏ, nằm lệch về phía sau của thân, gần điểm giữa gốc vi đuôi hơn gần chóp mõm. Gốc vi hậu môn rất dài, vi hậu môn nối liền với vi đuôi. Vi bụng rất nhỏ. Vi đuôi tròn, không chẻ hai (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). 3 Hình 1.1 Hình thái bên ngoài cá thát lát còm Cá có đầu nhỏ, nhọn, dẹp bên. Miệng trước, rạch miệng xiên kéo dài qua khỏi mắt, xương hàm trên phát triển. Răng nhọn, bén mọc ở hàm dưới, phần gai giữa xương hàm trước, xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi, ngoài ra còn có đám răng nhỏ mịn trên xương bướm phụ. Có một đôi râu mũi ngắn nhỏ. Mắt nằm lệch về phía lưng của đầu, gần chóp mõm hơn gần điểm cuối của xương nắp mang. Phần trán gần hai mắt cong và lồi tương đương đường kính mắt. Miệng rộng, màng da sau xương nắp mang rất phát triển (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). 1.1.2. Phân bố Trong tự nhiên cá thát lát còm phân bố ở nhiều nước trên thế giới như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia. Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng tây nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum). Mùa nước lũ, cá đi vào các đồng ruộng ngập nước sinh sống, mùa khô, cá ra sống ở các rạch lớn, sông chính, các vực nước sâu. Cá thát còm sống được ở vực nước có lượng oxy thấp, nhờ cơ quan hô hấp phụ. Trong điều kiện tự nhiên, cá sống ở tầng giữa và tầng đáy. Ban ngày cá thường ẩn nấp trong đám thực vật thuỷ sinh. Ban đêm cá hoạt động nhiều hơn, cá bơi lội chậm nhẹ nhàng, vây hậu môn hoạt động liên tục như làn sóng, cá thích sống trong môi trường có nhiều thực vật thuỷ sinh lớn, pH nước 6,5 – 7, nhiệt độ thích hợp cho cá từ 26 - 28ºC (Dương Nhựt Long, 2003). 4 Theo Lã Thị Ánh Nguyệt (2011) nhiệt độ không sinh học của cá thát lát còm là 11,6◦C. Cá 1 – 50 ngày tuổi có ngưỡng nhiệt độ dưới dao động trong khoảng 10,1 – 11◦C, ngưỡng nhiệt độ trên từ 41 – 41,7◦C; ngưỡng độ mặn của là 11 - 12‰, ngưỡng pH thấp là 3,5 – 4,5 và ngưỡng oxy là 0,53 – 0,77 mg/L. 1.1.3. Đặc điểm dinh dưỡng Hệ tiêu hoá của thát lát còm gồm miệng, thực quản, dạ dày và ruột. Cá có miệng trước, rộng, rạch miệng xiên và kéo dài ra khỏi mắt, xương hàm trên phát triển. Răng nhiều, nhọn mọc ở hàm dưới trên phần giữa xương trước hàm, trên xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi. Ngoài ra còn có đám răng nhỏ mịn trên xương bướm phụ, vì vậy chúng có thể bắt giữ, cắn xé con mồi. Thực quản của cá ngắn, rộng và có vách hơi dày. Dạ dày hình chữ J có vách hơi dày. Ranh giới giữa ruột non và ruột già không phân biệt rõ ràng. Tỉ lệ Li/L0 = 0,3 cho nên đây là loài ăn động vật (Dương Nhựt Long, 2003). Trần Thị Thanh Hiền và ctv. (2007) đã xác định tỉ lệ chiều dài ruột và chiều dài thân (Li/Ls) của cá thát lát còm từ ngày tuổi thứ 5 đến 30 biến đổi ít, dao động từ 0,31 - 0,5 và cá giai đoạn 30 ngày tuổi đã thể hiện tính ăn động vật. Theo Mai Đình Yên (1983) cá thát lát (Noptopterus) thuộc nhóm ăn tạp, trong ống tiêu hóa của chúng đã bắt gặp côn trùng, giáp xác, phiêu sinh thực vật, rễ thực vật thủy sinh, cá con, nhuyễn thể và bùn đáy. Trong dạ dày cá thát lát (Notopterus notopterus Pallat) cỡ cá 99 – 281 mm có 25,09% là giáp xác và 17,41% là cá, 14,95% côn trùng, 14,51 mùn bả hữu cơ, 20,18% mảnh thực vật, 0,4% tảo, 0,11% nguyên sinh động vật và 0,47% động vật thân mềm (Hossain et al., 1990). Trong khi đó, thức ăn ưa thích của thát lát còm (Chitala chitala Hamilton) là giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể và cá. Cá và tép là loại thức ăn ưa thích nhất của chúng. Cá chiếm tỷ lệ từ 20,05 – 40,65% trong dạ dày cá còm, còn giáp xác chiếm 3,5 – 38,39% và các tỷ lệ này phụ thuộc vào các vùng sinh sống khác nhau của thát lát còm ở Ấn Độ (Sarkar and Deepak, 2009). Thành phần thức ăn trong ống tiêu hóa của thát lát còm gồm có tảo lục (4%), tảo khuê (4%), tảo lam (3%), giáp xác (10%), nguyên sinh động vật (5%), mùn bả hữu cơ (3%), nhuyễn thể (13%), luân trùng (4%), côn trùng (15%), thực vật bậc cao thủy sinh (5%), cát và bùn (4%), cá (28%) và một số thức ăn không xác định được (2%) (Sarkar and Deepak, 2009). 5 Cá thát lát còm rất dữ. Cá tấn công những con cá khác để làm mồi khi đói. Khi bị sốc môi trường hoặc thay đổi mồi ăn đột ngột chúng có thể bỏ ăn cho đến khi kiệt sức và nhiễm bệnh chết. Do đó trong điều kiện nuôi không nên gây sốc môi trường hay thay đổi mồi đột ngột mà phải tập cho cá quen dần với thức ăn mới và cho cá ăn đúng giờ (Nguyễn Chung, 2006). Do cá thát lát còm có đặc tính ăn động vật nên khi sử dụng thức ăn hỗn hợp các hàm lượng carbohydrate cao để nuôi cá thì chúng phải được tập cho ăn từ nhỏ Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm, 2004). 1.1.4. Đặc điểm sinh trưởng Từ cá bột mới nở đến cá con 3 - 4 cm mất khoảng 30 - 40 ngày. Cá chậm lớn và phải mất thêm 30 - 40 ngày nữa cá mới đạt chiều dài 12 - 15 cm. Trong nuôi thương phẩm, từ tháng thứ 3 cá tăng trọng nhanh, sau 6 tháng nuôi cá có thể đạt khối lượng 400 - 500 g và sau 1 năm nuôi cá có thể đạt 1 kg. Mỗi năm cá có thể tăng trọng thêm 1-1,2 kg (Nguyễn Chung, 2006). So với cá cùng họ thì cá thát lát còm (Chitala chitala) có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn cá thát lát thường (Notopterus notopterus). Cá tăng trọng nhanh, thông thường cá sau 1 năm tuổi có chiều dài trung bình khoảng 30 - 40 cm và nặng từ 800 – 1.200 g/con. Trong ao nuôi, cá thát lát còm có thể đạt kích cỡ 500 – 600 g/con sau 6 tháng nuôi (Dương Nhựt Long, 2003). Theo Sarkar et al. (2008) cá thát lát còm thu được từ lưu vực sông Bhagirati, Koshi, Saryu và Ganga lớn nhất 6 năm tuổi tương ứng với chiều dài cá từ 103,3 – 107,4 cm. Cá thát lát còm bắt được ở lưu vực sông Banga, Ấn Độ có chiều dài từ 31 – 120 cm và khối lượng từ 0,55 – 12,0 kg (Sarkar et al., 2009). 1.1.5. Đặc điểm sinh sản và tình hình sản xuất giống cá thát lát còm Cá thát lát còm cái thành thục khoảng 3 năm tuổi, còn cá đực thành thục sớm hơn, khoảng 2 năm tuổi (Sarkar et al., 2007). Cá bố mẹ thát lát còm được nuôi vỗ bằng thức ăn tươi sống gồm cá nhỏ, cá rô phi và tép và hệ số thành thục của cá thát lát còm cái đạt cao nhất vào tháng 6 với giá trị là 4,63 ± 0,50% (Kohinoor et al., 2012). Theo Phạm Phú Hùng (2007), cá thát lát còm được nuôi vỗ sau 4 tháng sẽ thành thục. Cá đẻ trứng vào giá thể là vật liệu cứng. Ống nhựa có đường kính 25 cm được cá ưa thích hơn tấm Fibrociment có kích thước 30 x 200 cm. Phạm Minh Thành và 6 ctv. (2008) khẳng định sinh sản cá thát lát còm nhân tạo hay bán nhân tạo đều đạt hiệu quả cao. Cá được nuôi vỗ tham gia sinh sản 3 lần trong năm với thời gian tái thành thục khoảng 37 ngày. Sức sinh sản tương đối của cá là 432 – 535 trứng/kg cá cái (720 – 783 trứng/con cá cái). Theo Kohinoor et al. (2012), sức sinh sản của cá thát lát còm từ 5,65 – 14,33 trứng/g cá cái hay 8.238 – 18.569 trứng/con cá cái. Thức ăn cần thiết cho cá bột trong quá trình ương ở tuần đầu là động vật phiêu sinh. Từ tuần thứ hai thức ăn là trùn chỉ và Moina (Phạm Phú Hùng, 2007). Sarkar et al. (2008) cho rằng ương cá thát lát còm trong giai lưới sử dụng thức ăn là trứng cá trôi Ấn Độ đã đẻ ra (< 8 mm), trùn chỉ sống, và trứng cá (thu trứng này bằng cách giải phẫu cá Puntius ticto). Sau 28 ngày, tỷ lệ sống của cá dao động từ 65 – 85%. Cá thát lát còm được ương 30 ngày trong bể với 4 loại thức ăn là trùn chỉ, ấu trùng muỗi đỏ, phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá từ 80 – 100%; đối với thức ăn là phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá thát lát còm là 100%. Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất giống và ương thát lát còm ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp giống cá thát lát còm phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm đối tượng có giá trị kinh tế cao này. Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, năm 2006 lượng giống cá thát lát còm trong tỉnh sản xuất được là 3,5 triệu con. 1.2. Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến (TĂCB) để ương nuôi một số loài cá có tính ăn động vật Một số loài cá ưa thích thức ăn chế biến dạng ẩm, ướt hơn là thức ăn khô như cá chình Châu Âu (Anguilla anguilla), cá hồi Đại Tây Dương. Thức ăn chế biến ướt thường có ẩm độ từ 50 – 70%, còn thức ăn chế biến dạng ẩm khoảng 20 – 40%. Trong khi đó, thức ăn chế biến dạng khô có ẩm độ nhỏ hơn 10% (Goddard, 1996). Cũng theo Goddard (1996), thức ăn chế biến dạng ẩm, ướt có thể bảo quản lạnh từ 2 – 3 ngày nhưng tốt hơn là nên sử dụng chúng trong 24 giờ sau khi chế biến. Một vài nghiên cứu cho thấy khi sử dụng TĂCB kết hợp thức ăn tự nhiên thì hiệu quả sẽ tốt hơn là thay thế hoàn toàn bằng thức ăn chế biến. Sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá được cải thiện hơn khi kết hợp hai loại thức ăn này so với chỉ sử dụng thức ăn chế biến. Theo Nguyễn Ngọc Lan (2004), khi nghiên cứu 7 hiệu quả sử dụng các loại thức ăn khác nhau để ương cá lóc bông giai đoạn 0,2 – 3 g cho kết quả ở các nghiệm thức cá đã được cho ăn hoàn toàn trùn chỉ, hoàn toàn TĂCB và kết hợp TĂCB với trùn chỉ có tỉ lệ sống đạt 97 – 97,5% và khác biệt có ý nghĩa (P < 0,05) so với nghiệm thức cho cá ăn hoàn toàn cá xay và nghiệm thức kết hợp TĂCB với cá xay. Cá lóc bông sử dụng TĂCB hiệu quả nhất ở ngày thứ 7 sau khi nở. Lê Quốc Toán (2010) phối hợp thức ăn cá tạp 100%, 75%, 50%, 25%, 0% và thức ăn chế biến 0%, 25%, 50%, 25% và 100% để nuôi cá lóc bông. Kết quả có thể thay thế 50% cá tạp bằng thức ăn chế biến. Nghiên cứu xác định thời điểm và phương thức thay thế hiệu quả thức ăn chế biến của cá lóc đen (Channa striata) cho kết quả là thức ăn chế biến có thể sử dụng ương cá lóc đen từ ngày tuổi thứ 17 và tỷ lệ thứ ăn chế biến tăng dần 10% /ngày cho hiệu quả cao hơn so với cho cá ăn ở ngày tuổi sớm hơn và tỷ lệ tăng 20%/ngày (Trần Thị Thanh Hiền và ctv., 2011). Lam Mỹ Lan và Trần Bảo Trang (2011) nghiên cứu khả năng sử dụng thức ăn chế biến của cá leo (Wallago attu) giai đoạn hương lên giống đã khẳng định rằng sử dụng thức ăn chế biến có hàm lượng protein 50% cho cá leo từ 27 ngày tuổi thì tỷ lệ sống của cá không khác biệt so với nghiệm thức sử dụng cá tạp. Tuy nhiên, khối lượng của cá leo ăn thức ăn chế biến (26 ± 2,8 g/con) nhỏ hơn cá được cho ăn cá tạp (đạt khối lượng 64 ± 2,3 g/con). Đối với cá leo nuôi bè bằng thức ăn chế biến, cá đạt khối lượng trung bình sau sáu tháng nuôi và năng suất thấp hơn nghiệm thức đối chứng cho ăn cá tạp (Lam Mỹ Lan và ctv., 2011). Khi ương cá thát lát (Notopterus notopterus) với mật độ 100 con/m2 và sử dụng thức ăn cá xay cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao lần lượt là 0,026 g/ngày và 93,32% (Lê Ngọc Diện và ctv., 2006). Việc sử dụng thức ăn chế biến ở giai đoạn cá bột đã được nghiên cứu trên một số loài cá và đem lại kết quả khả quan. Theo Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Hương Thùy (2008), nghiên cứu xác định thời điểm cá còm (Chitala chitala) sử dụng hiệu quả thức ăn chế biến cho cá 5, 10, 15, 20, 25 ngày tuổi (tính từ lúc cá nở) cho kết quả tỉ lệ sống của cá còm ở các nghiện thức bắt đầu cho ăn TĂCB từ ngày tuổi thứ 20 khá cao (78 – 88,4%) và cá còm sử dụng hoàn toàn 8 thức ăn chế biến (tính từ lúc nở) sẽ chết hoàn toàn sau 12 ngày ương. Kết quả nghiên cứu của Phạm Hữu Bon (2011) đã xác định thời điểm thích hợp để cá bột sử dụng hiệu quả TĂCB là 25 ngày tuổi với phương thức tập ăn thay thế 10% TĂCB/ngày, cá tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống tương đương với sử dụng thức ăn trùn chỉ. Nguyên liệu để chế biến thức ăn gồm: bột cá, bánh dầu đậu nành, bột mì tinh, dầu cá, dầu đậu nành, vitamin, premix khoáng và gelatin, có bổ sung dịch cá kích thích cá bắt mồi. Theo Lã Ánh Nguyệt (2011), khi ương cá thát lát còm từ 21 ngày thì cá có khả năng sử dụng được thức ăn công nghiệp nhưng cá tăng trưởng chậm và tỷ lệ sống thấp hơn cho ăn thức ăn tươi sống. Cá thát lát còm có khả năng sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi thương phẩm nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn bằng thức ăn cá tạp do tập tính ăn động vật của cá chưa được thuần hóa tốt. Một trong các nguyên nhân đó là cá bố mẹ được nuôi vỗ bằng cá tạp (Kohinoor et al., 2012). Tốc độ tăng trưởng, khối lượng trung bình của cá ở nghiệm thức thức ăn cá tạp và thức ăn 50% cá tạp xay + 50% thức ăn công nghiệp cao hơn cá ăn 100% thức ăn công nghiệp TĂCN và thức ăn kết hợp 25 % cá tạp xay + 75% thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của hai nghiệm thức thức ăn này là tương đương nhau. Tỷ lệ thay thế thức ăn cá biển xay bằng thức ăn công nghiệp càng tăng thì cá tăng trưởng càng chậm (Phan Quốc Thứ, 2009). Vì vậy, mức độ và thời gian thay thế cá biển xay bằng thức ăn công nghiệp cần được tiếp tục nghiên cứu để đánh giá hiệu quả kỹ thuật và kinh tế khi nuôi thương phẩm cá thát lát còm trong ao đất. Theo Lê Ngọc Diện (2004) ương cá thát lát với mật độ 200 con/m2 sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm khác nhau cho thấy thức ăn cá tươi thì cho tốc độ tăng trưởng cao nhất 0,03 g/ngày và 0,02 g/ngày khi sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 25%. Nuôi thương phẩm cá thát lát với mật độ 10 con/m2 sử dụng thức ăn cá tươi cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao nhất (0,33%/ngày và 90,03%) và khi sử dụng thức ăn kết hợp 50% thức ăn viên (20% protein) + 50% thức ăn cá tươi thì tỷ lệ sống đạt 67% và tăng trọng 0,23 g/ngày. 9 1.3. Nhu cầu dinh dưỡng của cá thát lát còm và một số loài cá có tính ăn động vật Nhu cầu protein là lượng đạm tối thiểu có trong thức ăn nhằm thỏa mãn yêu cầu các acid amin để đạt tăng trưởng tối đa hoặc tối ưu. Tăng trưởng tối ưu thường được áp dụng trong chế biến thức ăn thương mại để cho sinh vật nuôi ăn nhằm đảm bảo tăng trưởng nhưng chi phí thức ăn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). Nhu cầu protein của cá dao động trong khoảng từ 25% đến 55%, trung bình 30%. Nhu cầu protein tối ưu của một loài nào đó phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu làm thức ăn, giai đoạn phát triển của cơ thể và các yếu tố bên ngoài khác. Khi thức ăn thiếu hoặc quá dư protein đều làm cho sinh trưởng của cơ thể giảm. Nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu protein cho cá sẽ dẫn đến cá chậm lớn hoặc ngừng tăng trưởng, thậm chí có thể giảm khối lượng, nhưng nếu lượng protein trong thức ăn vượt quá nhu cầu thì chỉ một phần được sử dụng để tạo protein mới, phần còn lại sẽ được chuyển sang dạng năng lượng, điều này sẽ làm tăng giá thành thức ăn không cần thiết (Trần Thị Thanh Hiền, 2004). Goddard (1996) đã khẳng định rằng loài cá ăn động vật có nhu cầu protein cao, khoảng 40 – 50% khối lượng khô của thức ăn và nhu cầu protein thay đổi theo giai đoạn phát triển của cá. Cá nhỏ có nhu cầu protein cho tăng trưởng cao hơn cá lớn. Vì thế, hàm lượng protein trong thức ăn ở giai đoạn có bột, cá giống thường cao hơn thức ăn cho cá giai đoạn nuôi thương phẩm từ 5 – 10%. Cá ăn các loại thức ăn có cùng hàm lượng protein nhưng tăng trưởng của cá không hoàn toàn giống nhau do hàm lượng acid amin trong các nguyên liệu chế biến thức ăn khác nhau, đặc biệt là các acid amin thiết yếu. Theo Goddard (1996) khi chế biến thức ăn cho các loài cá có tính ăn động vật, nguyên liệu là bột cá có chất lượng cao thường được sử dụng mới cung cấp đủ các acid amin thiết yếu. Thức ăn có hàm lượng protein cao được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật hay các động vật khác không phải là cá thì cần bổ sung thêm acid amin thiết yếu, đặc biệt là Methionine và Lysine mới đáp ứng nhu cầu acid amin của cá ăn động vật. Stickney (1979) đã chỉ rõ rằng bột cá là nguồn cung cấp acid amin thiết yếu tốt nhất. Ảnh hưởng của thức ăn có hàm lượng protein khác nhau lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá lóc (Channa striata) giống đã được nghiên cứu với 3 mức 10 protein 30, 40 và 50% (Trieu et al., 2001). Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm tiến hành ở 2 thời điểm khác nhau. Thí nghiệm 1 cá có khối lượng ban đầu 1,14 g đến 1,26 g, thí nghiệm 2 có khối lượng ban đầu của cá là 3,90 g đến 5,23 g. Kết quả của cả hai thí nghiệm thì nghiệm thức chứa 50% protein thô cho kết quả về tăng trưởng cũng như tỷ lệ sống cao nhất. Như vậy, giai đoạn giống cá lóc tăng trưởng nhanh khi sử dụng thức ăn có hàm lượng proetin cao (50%). Trần Thị Thanh Hiền và ctv. (2005) nghiên cứu nhu cầu protein của cá lóc bông (Channa micropeltes) cỡ 3 g và 6 g cho kết quả hàm lượng protein tối ưu cho cá ở giai đoạn này lần lượt là 50,8% và 46,5%. Lipid có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của động vật thuỷ sản, đặc biệt là ở giai đoạn ấu trùng và giống. Sự chia sẻ năng lượng từ protein của lipid được chứng minh trên nhiều loài động vật thuỷ sản. Việc bổ sung lượng lipid thích hợp sẽ giảm nhu cầu protein. Hàm lượng lipid thay đổi tuỳ loài cá. Đối với cá nước ngọt, hàm lượng lipid thay đổi tùy theo loài, tuy nhiên mức đề nghị từ 6 – 10% (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). Phạm Hữu Bon (2012) nghiên cứu xác định nhu cầu protein tối ưu ở các mức lipid khác nhau của cá thát lát còm (Chitala chitala) giai đoạn cá giống (2,42 g/con) được thực hiện trong 8 tuần với 12 nghiệm thức thức ăn gồm 4 mức protein (35%, 40%, 45% và 50%) và 3 mức lipid (6%, 9% và 12%). Thức ăn chế biến được ép viên (độ ẩm thấp hơn 11%). Mỗi nghiệm thức được lập lại ba lần. Bể thí nghiệm có thể tích 100 L và thả 30 con cá/bể. Cá được cho 2 lần/ngày và cho ăn thỏa mãn nhu cầu. Thức ăn thừa được vớt ra. Kết quả thí nghiệm cho thấy hàm lượng protein và lipid khác nhau trong thức ăn không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của cá. Tốc độ tăng trưởng của cá gia tăng theo hàm lượng protein trong thức ăn, tuy nhiên khi hàm lượng thức ăn là 50% protein thì sinh trưởng của cá giảm. Hàm lượng lipid không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá. Tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất ở nghiệm thức 45% protein và 6% lipid và hệ số thức ăn FCR thấp khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức 40% protein và 9% lipid, nhưng khác biệt có ý nghĩa với các nghiệm thức còn lại. Nhu cầu protein và lipid thích hợp cho các thát lát giai đoạn giống là từ 40 - 45% tương ứng với hàm lượng lipid trong thức ăn 9 - 6 %. Theo Huỳnh Tấn Đạt (2012) thì hàm lượng lipid trong thức ăn thích hợp cho tăng trưởng của cá cỡ 50 – 100 g/con ở mức 9% và nhu cầu protein thích hợp 11 cho cá thát lát còm giai đoạn này là 35 - 40% và hàm lượng protein cho cá tăng trưởng tối ưu là 38,6%. Nhu cầu protein thích hợp cho cá thát lát còm giai đoạn 200 - 300 g/con là 30 - 35% và hàm lượng protein cho cá tăng trưởng tối ưu là 33,6%. Carbohydrate là nguồn nguyên liệu cung cấp năng lượng rẻ tiền nhất cho động vật thủy sản. Nhóm cá ăn thực vật có enzyme tiêu hóa carbohydrate mạnh hơn so với cá ăn động vật (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). Do động vật thủy sản có khả năng sử dụng năng lượng biến dưỡng từ nguồn đạm trong thức ăn nên nhu cầu chất đạm của chúng có khả năng giảm khi mức năng lượng trong thức ăn tăng lên. Nhưng nếu thức ăn quá giàu năng lượng thì sẽ hạn chế sự tiêu thụ thức ăn của động vật thủy sản vì chúng sẽ ngưng bắt mồi khi thỏa mãn nhu cầu năng lượng. Do đó hàm lượng đạm tối ưu cho động vật thủy sản chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ tối ưu giữa đạm và năng lượng (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). 1.4. Nghiên cứu nuôi cá thát lát còm Theo Nguyễn Chung (2006), từ năm 2003 cá còm đã được nuôi thương phẩm ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hiện nay, thực tế các mô hình nuôi thương phẩm cá thát lát còm được người dân thả nuôi với nhiều mật độ khác nhau. Mặc dù cá thát lát còm có khả năng chịu đựng trong điều kiện môi trường oxy thấp, giàu hữu cơ. Tuy nhiên không nên nuôi ở mật độ quá cao do những sản phẩm trao đổi chất của cá hòa tan trong nước sẽ ức chế sự sinh trưởng của cá (Nguyễn Tường Anh, 2005). Theo Nguyễn Chung (2006) cá thát lát còm là loài ăn động vật sống và bắt mồi ở tầng giữa và tầng đáy nên các đối tượng được chọn nuôi ghép thường là cá rô phi, cá chép, cá mè vinh, cá trắm cỏ, cá sặc rằn, cá rô đồng… và mật độ thả nuôi ghép như sau: cá thát lát còm 10 - 15 con/m2 + cá mè trắng hoặc cá sặc rằn 3-5 con/m2 + cá rô phi 2-3 con/m2. Thức ăn sử dụng trong nuôi cá thát lát còm chủ yếu là tôm, tép, cá tạp cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn hoặc có thể cho ăn tấm, cám và bột cá nhạt. Việc tập cho cá ăn thức ăn chế biến là việc làm quan trọng để nâng cao hiệu quả nuôi. Cá giống khoảng 10 cm thả nuôi được cho ăn giảm dần lượng cá xay và thêm vào đó thức ăn chế biến hoặc thức ăn viên công nghiệp chìm độ đạm 20-25% và cũng tập cho cá ăn vào buổi chiều. 12 Thí nghiệm nuôi cá thát lát còm trong lồng nhỏ (1 m3) bằng thức ăn cá tạp trộn với cám (62% protein), xương gà trộn với cám (39% protein) và thức ăn chế biến (32% protein) được nghiên cứu bởi Rodrarang and Plungdi (2000). Sau 90 ngày, cá có khối lượng ban đầu là 30 g/con đạt khối lượng lần lượt theo thứ tự ba loại thức ăn là 178 ± 3,0 g, 130 ± 6,6 g và 98,5 ± 2,3 g. Hệ số chuyển hóa thức ăn thấp nhất ở nghiệm thức cho cá ăn cá tạp trộn cám (3,09 ± 0,08), kế tiếp là ở nghiệm thức xương gà trộn cám (3,86 ± 0,24). Ở thức ăn chế biến, hệ số chuyển hóa thức ăn cao nhất (4,12 ± 0,34) (p<0,05). Tỷ lệ sống của cá khác bị không có ý nghĩa thống kê giữa ba nghiệm thức thức ăn trên. Chi phí thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng khi cá thát lát còm cho ăn bằng thức ăn chế biến (122,47 Baht) cao hơn thức ăn là cá tạp (26,98 Baht) và xương gà trộn cám (42,45 Baht). Tại Hậu Giang và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang, Đồng tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, cá thát lát còm được nuôi đơn hoặc nuôi ghép trong ao đất, nuôi đơn trong vèo lưới. Diện tích nuôi cá thát lát còm ở Hậu Giang (Hình 1.2) lớn nhất vào năm 2007 là 85 ha. Diện tích nuôi năm 2008 – 2011 không biến động nhiều. Trong năm 2012, diện tích nuôi thát lát ở Hậu Giang là 18,6 ha. Theo Chi Cục Thủy sản Hậu Giang, diện tích nuôi giảm so với những năm trước một phần do các hộ nuôi bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn chế biến chưa đạt hiệu quả và giá cá tạp thì tăng cao trong khi giá cá thương phẩm biến động. Hình 1.2. Diện tích nuôi cá thát lát ở tỉnh Hậu Giang qua các năm (Nguồn: Số liệu từ Chi cục Thủy sản Hậu Giang, 2013) 13 Hiệu quả nuôi cá thát lát còm phụ thuộc nhiều vào giá thức ăn và con giống cũng như giá cá thương phẩm. Theo báo Sài gòn tiếp thị (ngày 11/06/2012), vào thời điểm tháng 6 năm 2012, cá thát lát cườm được các đại lý tại đồng bằng sông Cửu Long mua với giá khoảng 40.000 đồng/kg, chỉ bằng phân nửa so cùng kỳ năm trước, nhưng tiêu thụ vẫn khá chậm. 14 CHƯƠNG 2. PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phương tiện nghiên cứu 2.1.1. Địa điểm nghiên cứu Thí nghiệm nghiên cứu khả năng sử dụng thức ăn chế biến (TĂCB) của cá thát lát còm và so sánh hiệu quả sử dụng thức ăn chế biến với thức ăn công nghiệp được bố trí tại Bộ Môn Kỹ Thuật Nuôi Thủy sản nước ngọt – Khoa Thủy Sản, Đại Học Cần Thơ. Thí nghiệm nuôi thương phẩm cá thát lát còm bằng thức ăn chế biến trong ao đất 2.000 m2 được ngăn làm 4, gọi là ao 1, 2, 3 và 4 tại Trung Tâm Giống Nông Nghiệp Hậu Giang, một ao thuộc nông hộ tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy (ao 5) và một ao thuộc nông hộ tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (ao 6). 2.1.2. Đối tượng nghiên cứu Cá thát lát còm 14 ngày tuổi được mua từ trại giống ở Hậu Giang được ương và tập cho cá ăn thức ăn chế biến trong 2 tháng. Khi cá quen với thức ăn chế biến (chiều dài từ 11 - 12 cm/con và khối lượng 8 - 10 g/con) được bố trí thí nghiệm nuôi trong bể chứa lượng nước là 300 L. Cá thí nghiệm nuôi trong ao đất có khối lượng 5,11 ± 0,32 g/con (4,7 – 5,9 g/con) 2.1.3. Vật liệu và dụng cụ nghiên cứu Cá biển (cá bạc má và cá nục), thức ăn công nghiệp (TĂCN) dạng viên có hàm lượng protein 25%, 30%; 35% và 40%. Dụng cụ: + Bể composite thể tích thiết kế là 500 L + Hệ thống xử lí bằng cực tím và tách ammonia + Máy đo nhiệt độ, oxy, pH + Cân điện tử, cân đồng hồ. + Hộp chứa thức ăn và một số dụng cụ khác. 15 Hình 2.1 Cá thát lát còm nuôi trong bể composite Hình 2.3 TĂCN đã được làm ẩm Hình 2.2 Cá tạp xay nhuyễn Ao 4 Ao 3 Ao 2 Hình 2.4 Ao 2.000 m2 được ngăn lưới thành 4 ô 500 m2 16 Ao 1 Ao 5 Ao 6 Hình 2.5 Ao nuôi ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy Hình 2.6 Ao nuôi ở xã Đại Thành, Thị xã Ngã Bảy 2.2 Bố trí thí nghiệm 2.2.1. Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến từ cá tạp và thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein khác nhau nuôi thương phẩm cá thát lát còm trong bể Thí nghiệm được bố trí trong hệ thống bể composite. Nước duy trì trong bể khoảng 300L và được cấp liên tục với tỉ lệ thay nước khoảng 500%/ngày (1 L/phút). Nước được sục khí. Nước cấp được xử lí qua hệ thống xử lí bằng tia cực tím và tách Ammonia. Cá biển được rửa sạch, xay nhuyễn và trộn với chất kết dính đem cho cá ăn ở nghiệm thức đối chứng. Ở nghiệm thức II, III và IV, thức ăn công nghiệp dạng viên (kích cỡ 1 – 2 mm) được làm ẩm bằng cách thêm 15% nước vào cho ướt và sau đó trộn đều với cá biển xay. Tỉ lệ cá biển là 50% và thức ăn công nghiệp trước khi làm ẩm là 50%. Thức ăn sau khi chế biến sẽ được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 4◦C để cho cá ăn trong 3 – 5 ngày. Cá thát lát còm bột trong 2 tuần đầu cho ăn trùn chỉ. Giảm lượng trùn chỉ và tăng dần lượng cá tạp lên từ tuần 3 và 4). Khi cá đã ăn được thức ăn là cá tạp, tập cho cá ăn thức ăn chế biến (từ tuần thứ tư trở đi), trong khẩu phần ăn của cá sẽ giảm lượng cá tạp và thay thế dần thức ăn chế biến, lượng thức ăn chế biến ngày càng tăng cho đến khi cá hoàn toàn ăn được thức ăn chế biến. Thời gian ương và tập ăn cho cá được thức ăn chế biến là 2 tháng. 17 Tiến hành thí nghiệm khi cá đã sử dụng tốt thức ăn chế biến. Số lượng cá thả là 20 cá giống/bể. Thời gian thí nghiệm sử dụng thức ăn chế biến nuôi thương phẩm cá thát lát còm trong bể là 16 tuần. Bảng 2.1: Tỷ lệ phối chế thức ăn, hàm lượng protein trong TĂCN để phối chế thức ăn chế biến ở các nghiệm thức Nghiệm thức Cá biển (%) TĂCN (%) I II III IV V 100 50 50 50 0 0 50 50 50 100 Hàm lượng protein trong TĂCN (%) 8 tuần đầu 8 tuần sau 30 35 40 40 25 30 35 35 Thức ăn chế biến có bổ sung thêm chất kết dính là bột gòn (1%) giúp thức ăn lâu tan trong nước. Cá được cho ăn 2 lần/ngày (vào 8 giờ và 16 giờ) và cho ăn thỏa mãn nhu cầu. Lượng thức ăn cho cá ăn được ghi nhận hằng ngày để tính hệ số chuyển hóa thức ăn. Hằng ngày siphone phân và thức ăn thừa trong bể để giữ môi trường nước được sạch. Khi cho cá ăn quan sát khả năng bắt mồi của cá để tăng giảm lượng thức ăn cũng như tình trạng sức khỏe của cá. Theo dõi hoạt động của cá mỗi ngày. Khi có cá nuôi trong bể chết, khối lượng của cá chết được ghi nhận lại. Hình 2.7 Thức ăn chế biến dạng ẩm 18 2.2.2 Nuôi thương phẩm cá thát lát còm bằng thức ăn chế biến trong ao đất Thí nghiệm được bố trí với 2 nghiệm thức thức ăn là cá tạp và nghiệm thức thức ăn chế biến (50% cá tạp + 50% TĂCN 35 - 30% protein) – nghiệm thức đạt hiệu quả cao về tăng trưởng (khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05) so với hai nghiệm thức sử dụng thức ăn chế biến và tỷ lệ sống ở thí nghiệm này khác biệt không có ý nghĩa (p > 0,05) so với nghiệm thức đối chứng và hai nghiệm thức sử dụng thức ăn chế biến). Mỗi nghiệm thức được lập lại 3 lần trong 6 ao đất 500 m2/ao. Chuẩn bị ao Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2011 đến tháng 8/2012. Ao thí nghiệm tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang: sử dụng ao có diện tích 2.000 m2 được ngăn bằng lưới làm 4 ngăn nhỏ mỗi ngăn 500 m2 chân lưới được âm sâu dưới đất 40 cm, độ cao của lưới cao hơn mặt nước là 1 m. Hai ao ở thị xã Ngã Bảy và huyện Vị Thủy có diện tích khoảng 500 m2/ao. Ao nuôi đã được cải tạo (tát cạn ao, sên vét bùn đáy ao, bón vôi). Khi cho nước vào ao nước được lọc qua lưới, mực nước trong ao duy trì ở mức từ 1,2 – 1,5 m. Mật độ Cá thát lát giống có chiều dài 8,8 ± 0,6 cm/con và khối lượng 5,11 ± 0,32 g/con được thả với mật độ là 8 con/m2. Thả nuôi ghép cá sặc rằn với mật độ là 3 con/m2. Cá thát lát còm giống khi vận chuyển về ao được ương dưỡng trong giai có diện tích 20 m2. Trong thời gian dưỡng trong giai, cá được tập cho ăn thức ăn chế biến. Sau 6 tuần, cá được thả ra ao và cho ăn theo thức ăn của hai nghiệm thức. Chuẩn bị thức ăn Cá tạp mua về và bảo quản bằng nước đá trong thùng giữ lạnh. Cá tạp được xay ra cho cá thát lát còm ăn mỗi ngày ở nghiệm thức thức ăn cá tạp (nghiệm thức I). Ở nghiệm thức thức ăn chế biến (nghiệm thức II) thức ăn công nghiệp và cá tạp được phối trộn với tỷ lệ 1:1. Thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein là 35% được sử dụng cho cá ăn trong 4 tháng đầu, từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 9, thức ăn công nghiệp sử dụng có hàm lượng protein là 30%. Thức ăn công nghiệp được làm ẩm với lượng nước là 15% (1,5 L nước/10 kg thức 19 ăn). Sau đó xay cá tạp rồi trộn đều cá tạp và thức ăn công nghiệp có bổ sung 1% dầu đậu nành và 1% bột gòn làm chất kết dính. Khẩu phần ăn Cho cá thát lát còm ăn ngày cho ăn 2 lần: sáng từ 8 – 9 giờ và chiều cho ăn từ 16 – 17 giờ. Khối lượng thức ăn được điều chỉnh theo sự gia tăng về khối lượng cá nuôi và chất lượng nước trong ao nuôi. Trong 3 tháng đầu thì cho ăn khoảng 7 - 12% khối lượng thân, những tháng còn lại cho ăn 4 - 6% khối lượng thân. Cá sặc rằn ăn thức ăn dư thừa của cá thát lát còm và chất hữu cơ có trong ao nuôi. Phương pháp cho ăn Cho cá ăn ở chỗ cố định. Theo dõi mỗi ngày để tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp theo sức bắt mồi của cá. Quản lý chất lượng nước Trong quá trình nuôi, 3 tháng đầu thay nước mỗi tháng 1 lần, mỗi lần thay khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao. Từ tháng thứ 4 trở đi, nước được thay thường xuyên hơn (7 – 15 ngày/lần) với tỷ lệ thay nước từ 25 – 35% lượng nước trong ao. Bảng 2.2: Khẩu phần cho cá thát lát ăn khi nuôi thương phẩm trong ao đất Tháng nuôi Khẩu phần (% khối lượng cá) 1 10 - 12 2 8 – 10 3 7–8 4 6–7 5-6 5-6 7-9 3-5 Thu hoạch Cá được thu hoạch sau 9 tháng nuôi. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan