Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn nguyễn công hoan...

Tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn nguyễn công hoan

.PDF
84
1246
137

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN LÊ THỊ KIỀU NHI MSSV: 6106339 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN CÔNG HOAN Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: ThS.GV. NGUYỄN THỊ KIỀU OANH Cần Thơ, năm 2013 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích, yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 Giới thuyết về nhân vật văn học 1.1.1 Khái niệm về nhân vật văn học 1.1.1.1 Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học 1.1.1.2 Nhân vật văn học là phương tiện khái quát hiện thực 1.1.2 Loại hình nhân vật 1.1.2.1 Nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm 1.1.2.2 Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện 1.1.2.3 Một số kiểu cấu trúc nhân vật 1.1.3 Các phương thức, phương tiện, biện pháp thể hiện nhân vật 1.2 Tác giả Nguyễn Công Hoan 1.2.1 Cuộc đời, con người 1.2.2 Sự nghiệp sáng tác 1.2.3 Phong cách nghệ thuật CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT THÔNG QUA CÁC CHI TIẾT NGHỆ THUẬT 2.1 Thông qua ngoại hình của nhân vật 2.2 Thông qua hành động của nhân vật 2.3 Thông qua ngôn ngữ của nhân vật 2.4 Thông qua diễn biến tâm lý của nhân vật CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT THÔNG QUA MỘT SỐ YẾU TỐ NGHỆ THUẬT KHÁC 3.1 Thông qua tình huống truyện 3.2 Thông qua kết cấu truyện 3.3 Thông qua các biện pháp nghệ thuật PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong các nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, Nguyễn Công Hoan là một cây bút có tài năng nghệ thuật độc đáo và đầy tính sáng tạo. Ông được biết đến là một hiện tượng văn học sớm so với đương thời và đã góp thêm vào kho tàng văn học Việt Nam một số lượng văn phẩm đồ sộ. Sự nghiệp văn chương của ông đã phản ánh một cách sắc nét về tính cách và hoàn cảnh riêng tạo nên đặc điểm phong cách của ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Hơn nữa, Nguyễn Công Hoan chính là một trong những người cầm đuốc đi tiên phong soi đường dẫn lối cho nền văn xuôi hiện thực phê phán. Ông thuộc lớp nhà văn của những năm đầu thế kỷ hai mươi, thời kỳ nhiều khó khăn của nền văn học Việt Nam. Công lao của ông cũng như của những nhà văn đi đầu chính là người định hướng, dẫn đường cho những cây bút còn đang phân vân, thậm chí có thể lạc lối giữa những ảnh hưởng phức tạp của nhiều luồng tư tưởng văn học khác nhau trong và ngoài nước đang cùng tồn tại. Đứng trước những ngã đường giao nhau nhà văn đã chọn cho mình con đường đi về phía hiện thực của cuộc sống, về phía quần chúng bị áp bức, con đường của chủ nghĩa hiện thực Việt Nam. Đọc tác phẩm của Nguyễn Công Hoan như được nghe lại những câu chuyện dân gian gần gũi, dễ hiểu, trong sáng, tự nhiên và rất sinh động. Ông sử dụng câu chữ chọn lọc một cách tinh tế và sắc sảo, những cảnh huống xã hội, số phận các nhân vật như hiện hình dưới ngòi bút của nhà văn, sắc nét và chân thật đến mức khi truyện đã kết thúc nhưng vẫn tạo ra được những âm vang vừa chát chúa lại vừa sâu lắng dội mạnh vào trong tâm trí người đọc, khiến họ có thể khóc nức nở trong khi đang cười nghiêng ngả. Là một độc giả thế hệ sau, say mê tìm hiểu về văn xuôi hiện thực phê phán, người viết vô cùng mến mộ về con người, cá tính và đặc biệt là tài năng thiên bẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Thế nên, người viết muốn tìm hiểu về một phương diện trong những sáng tác của ông, đó là Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Theo sự nghiên cứu của người viết, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyện ngắn cũng như tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, nhưng chưa có công trình nào lấy vấn đề xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn làm xuất phát điểm, nghiên cứu một cách có hệ thống. Vì thế, để phần nào cảm nhận được tư tưởng nghệ thuật cũng như tài năng của nhà văn không gì tốt hơn ngoài việc thông qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật. Sau cùng, người viết hy vọng khi hoàn thành, luận văn có thể góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu phương diện xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn chương. Đồng thời, người viết có thể rèn luyện, trau dồi khả năng nghiên cứu một vấn đề văn học và bước đầu thực hiện việc nghiên cứu khoa học dù chỉ ở một phạm vi nhỏ. Từ những lý do trên người viết đi đến quyết định chọn đề tài Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. 2. Lịch sử vấn đề Nguyễn Công Hoan là một trong số không nhiều những nhà văn chịu được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian để giữ cho tên tuổi mình luôn hiện diện trên văn đàn của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn học giai đoạn 1930 – 1945. Ông viết ở nhiều thể loại, nhưng đặc sắc và có sức sống lâu bền nhất, có lẽ là ở thể loại truyện ngắn. Những tập truyện ngắn đầu tiên ra đời đã đưa nhà văn đến gần hơn với độc giả, nhất là sau khi tập truyện ngắn Kép Tư Bền được xuất bản năm 1935, thì truyện ngắn của ông càng được giới nghiên cứu, phê bình chú ý quan tâm nhiều hơn. Từ đó đến nay, đã có nhiều công trình tìm hiểu, đánh giá truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan nhưng chủ yếu ở nội dung – hình thức biểu hiện, thế giới nhân vật, xen kẽ vào đó là những nhận định, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Sau đây là một số nhận định, đánh giá mà người viết thống kê được có liên quan đến vấn đề nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Lê Thị Đức Hạnh, người đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về những vấn đề xoay quanh nhà văn Nguyễn Công Hoan. Trong một bài viết có nhan đề Nghệ thuật trào phúng trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Lê Thị Đức Hạnh viết: “Đọc sáng tác của ông, có thể bắt gặp nhiều loại người, thuộc nhiều tầng lớp xã hội, sừng sững hiện lên trên những trang sách: từ những vua quan, cường hào, địa chủ, tư sản, đến những người dân lao động, những kẻ nghèo khốn cùng…Với cái nhìn mạnh dạn, khám phá, Nguyễn Công Hoan đã chiếu thẳng ống kính vào nhiều mặt, nhiều vẻ, nhiều góc độ của những hình tượng mà ông xây dựng, nhất là đối với nhân vật phản diện,…Nếu so sánh truyện ngắn như một đoạn phim, thì những nhân vật phản diện rất được ông chú ý, đặc tả chi ly, trong khi nhân vật chính diện chỉ dùng làm bối cảnh” [5; tr.382, 384]. Bài viết này đã mang đến cho người đọc cái nhìn khái quát nhất về nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Lê Thị Đức Hạnh cũng đã chứng tỏ được sự hiểu biết sâu sắc về ngòi bút Nguyễn Công Hoan khi chỉ ra được nhân vật sở trường, được nhà văn đặc tả chính là nhân vật phản diện và nhân vật chính diện trở thành nền giúp nhân vật phản diện được phản ánh rõ nét, chân thật hơn. Trong bài Phê bình Kép Tư Bền, một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Công Hoan, Trần Hạc Đình có viết: “Nguyễn Công Hoan là nhà văn ưa tả, ưa vẽ cái xấu xa, hèn mạt, đê tiện của một hạng người xưa nay vẫn đeo cái mặt nạ giả dối... Ông không hề có tỉ mỉ, lôi thôi như phần nhiều các nhà văn tả chân. Vậy mà từ một lời nói, một cử chỉ của những nhân vật đều như chép nguyên sự thật. Ông làm “sống” một cách linh hoạt những nhân vật của ông” [5; tr.274]. Trong bài viết này, Trần Hạc Đình tỏ ra là một người khá am hiểu về nhà văn Nguyễn Công Hoan khi đã đưa ra những nhận định khá chính xác về đề tài ưa thích của nhà văn, khi mà chính nhà văn cũng đã từng bộc bạch “Tôi thích chú ý những cảnh thối tha, nhơ nhuốc, những thủ đoạn, mưu mô làm tội ác trong giới những người có thế lực, có địa vị” [6; tr.281]. Đồng thời, Trần Hạc Đình cũng đã chỉ ra được cái đặc sắc của ngòi bút Nguyễn Công Hoan là xây dựng được những cốt truyện luôn phập phồng hơi thở của hiện thực đời sống. Cũng trong một bài viết nói về tác phẩm Kép Tư Bền, có nhan đề Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Thúc Thuận nhận xét: “Nguyễn Công Hoan là nhà văn chuyên tả những cảnh khốn nạn vừa về vật chất vừa cả về tinh thần của hầu hết các hạng người trong xã hội. Ông tả những cảnh đáng thương, nhưng cũng không bỏ qua cái đáng khinh, đáng bỉ…Ông động lòng thương đến hạng người xấu số, nên ông cứ để mắt quan sát đến họ, “mắt thấy tai nghe” hết những cảnh đời khốn nạn xấu xa thô bỉ đau đớn của hạng người ấy và tả ra một cách thiết thực, sống sượng và cười cợt, nhất là cười cợt mà cay chua” [5; tr.275]. Như vậy, Thúc Thuận đã khái quát được những đặc điểm quan trọng đáng lưu tâm ở ngòi bút Nguyễn Công Hoan. Điều đó giúp độc giả có được cơ sở cần thiết, hữu ích trong việc tiếp cận, đánh giá các tác phẩm của nhà văn. Trong bài viết Nguyễn Công Hoan: Kép Tư Bền, Hai thằng khốn nạn, Đào kép mới, Trương Chính có viết: “Một điều đáng chú ý là nét bút ông Nguyễn Công Hoan chỉ thành thạo, điêu luyện lúc tả một khuôn mặt xấu xí hay một tính tình quái gở, chứ không thể vẽ được một khuôn mặt thông minh, ngây thơ, có duyên hay một tính tình cao thượng, thanh khiết. Cô gái tân thời của ông chỉ có thể là cô Kếu hay là vợ của Samadji. Tình ái dưới ngòi bút của ông chỉ là tình ái bẩn thỉu, xác thịt, của chú lính Ván Cách” [5; tr. 284]. Cũng như rất nhiều bài nghiên cứu khác, trong bài viết này Trương Chính cũng đã có những nhận định thật chính xác về bút pháp miêu tả nhân vật của Nguyễn Công Hoan. Trong bài viết này, người viết nhận thấy dường như có sự đồng điệu giữa Trương Chính và Lê Thị Đức Hạnh khi đều cùng nhận ra nhân vật yêu thích của nhà văn là nhân vật phản diện. Đặc biệt Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại của Nhà xuất bản Thăng Long, năm 1944 đã có ý kiến sắc sảo chỉ ra những ưu, nhược điểm về nhân vật của Nguyễn Công Hoan: “Ông tả đủ hạng người trong xã hội nhưng ít khi ông tả những ý nghĩ của họ nhất là những điều u uẩn của họ thì không bao giờ ông đả động đến. Bao giờ ông cũng đặt họ vào những khuôn riêng, đó là khuôn lễ giáo hay phong tục mà họ đã ra trò với những bộ mặt phường tuồng của họ” [11; tr.850, 851]. Có thể thấy Vũ Ngọc Phan là một trong số ít nhà nghiên cứu nhìn nhận một cách thấu đáo về nhân vật cũng như ngòi bút xây dựng truyện của Nguyễn Công Hoan. Gần đây cũng có rất nhiều những chuyên đề, luận văn tìm hiểu về văn chương Nguyễn Công Hoan ở phương diện nghệ thuật, ngôn ngữ, phong cách.…Đó là những công trình người viết sơ bộ, thống kê có đề cập đánh giá đến nhân vật. Tất cả những công trình nghiên cứu trên giúp người viết có được những gợi ý quan trọng và có hướng khám phá về toàn bộ các chi tiết, yếu tố nghệ thuật làm nên nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo của Nguyễn Công Hoan. 3. Mục đích nghiên cứu Khi tìm hiểu vấn đề Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, người viết mong muốn đạt được những mục đích như sau: Đầu tiên, người viết mong muốn mang đến cho người đọc một cái nhìn bao quát về cuộc đời, sự nghiệp cũng như con người của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tiếp theo, nghiên cứu và chỉ ra được những bút pháp nghệ thuật đặc sắc trong việc xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đặc biệt, thông qua các chi tiết và yếu tố nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng nhân vật trong các truyện ngắn đã khảo sát của Nguyễn Công Hoan, người viết mong muốn đem đến cho người đọc những khám phá ý nghĩa về tư tưởng, tình cảm cũng như tài năng nghệ thuật độc đáo của nhà văn được phản ánh trong tác phẩm. 4. Phạm vi nghiên cứu Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Nguyễn Công Hoan đã góp vào kho tàng văn học Việt Nam hơn hai trăm truyện ngắn và gần ba mươi truyện dài. Với số lượng tác phẩm lớn như vậy, nhưng do đề tài chỉ giới hạn ở phạm vi Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, nên người viết chủ yếu khảo sát phần lý thuyết về nhân vật văn học trong tác phẩm văn chương từ các nguồn tư liệu về Lý luận văn học. Và một tài liệu không thể thiếu đó là các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Người viết tập trung khảo sát ở hai tập Nguyễn Công Hoan truyện ngắn chọn lọc do Lê Minh sưu tầm và biên soạn với 113 truyện ngắn, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam ấn hành năm 1999 tại Hà Nội. Trong 113 truyện ngắn đó người viết chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu và đi sâu phân tích vấn đề của đề tài, chủ yếu ở 70 truyện ngắn đã được thống kê lại ở bảng phụ lục. Trong đó, người viết đi sâu vào tìm hiểu những thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn đã sử dụng để xây dựng hình tượng nhân vật trong tác phẩm của mình. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, người viết cũng có liên hệ so sánh với các tác phẩm văn chương của các nhà văn khác để vấn đề nghiên cứu được làm sáng rõ và có sức thuyết phục hơn. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, để đạt được những yêu cầu, mục đích đã đề ra, người viết đã vận dụng các phương pháp cơ bản sau: Phương pháp hệ thống: sắp xếp các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan theo hệ thống cùng một đề tài, chủ đề để thuận tiện hơn trong việc tìm hiểu nội dung tác phẩm cũng như các phương thức, phương tiện, biện pháp thể hiện nhân vật. Phương pháp phân tích – tổng hợp: phân tích biểu hiện của các yếu tố nghệ thuật xây dựng nhân vật. Sau đó tổng hợp để thấy rõ ý nghĩa, tư tưởng của nhà văn. Phương pháp so sánh: so sánh, đối chiếu nghệ thuật xây dựng nhân vật qua các tác phẩm của chính nhà văn, có cùng hệ thống đề tài, chủ đề. Bên cạnh đó, so sánh, đối chiếu với nghệ thuật xây dựng nhân vật của các nhà văn cùng một trào lưu văn học như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng,… nhằm làm nổi bật bút pháp nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ngoài ra, người viết còn sử dụng các thao tác như chứng minh, nhận xét, đánh giá để làm rõ thêm vấn đề mà đề tài đặt ra. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 Giới thuyết về nhân vật văn học 1.1.1 Khái niệm về nhân vật văn học 1.1.1.1 Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, giữ vai trò quan trọng nhiều ít, hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đến tác phẩm. Văn hào Đức W. Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú nhất với con người” [15; tr.114]. Con người chính là nội dung quan trọng nhất của văn học. Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người được miêu tả trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Đó là nhân vật có tên như Hoàng, Độ, Việt, Chiến, Xantiagô,… Đó là nhân vật trong truyện cổ tích, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những đồ vật, con vật,… Không chỉ trong truyện, tiểu thuyết của văn học viết hay văn học dân gian mà nhân vật văn học còn tồn tại trong thơ ca. Nhân vật trong thơ có thể xuất hiện với đại từ “tôi” hoặc hiện ra thấp thoáng với hình ảnh được gọi chung là nhân vật trữ tình, như trong bài Nhớ nhà của Phan Bội Châu, hoặc như “non”, “nước” trong bài Thề non nước của Tản Đà. Như vậy, nhân vật văn học không nhất thiết luôn là con người, mà có thể bao gồm tất cả những đối tượng mang nội dung và ý nghĩa con người được tác giả đưa vào trong những sáng tác của mình. Hơn nữa, nhân vật văn học có khi được sử dụng một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Chẳng hạn như mười loại người là nhân vật chính trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, thời gian là nhân vật chính trong sáng tác của Sêkhốp, chiếc lá là một nhân vật trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Henri. Ngoài ra, nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận ra. Thông thường đó là một cái tên như Chí Phèo, Thứ, Tràng,Vân, Sơn... Thứ đến là các dấu hiệu tiểu sử, nghề nghiệp hoặc đặc điểm riêng như chàng mồ côi, hai anh em sinh đôi, chú lính, ông quan huyện, thằng ngốc. Sâu hơn là các đặc điểm tính cách như ông tư sản học làm quý tộc, thằng đạo đức giả, người đi tìm hình của nước… Các dấu hiệu, đặc điểm ấy thường được đúc kết thành các “công thức” giới thiệu nhân vật. Chẳng hạn, về Kiều thì “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” dự báo cho cuộc đời truân chuyên, đầy sóng gió. Các công thức nhận ra ấy được chứng thực trong các quan hệ, được bộc lộ, phát triển hoặc điều chỉnh trong các xung đột, và cuối cùng ta có hình tượng hoàn chỉnh về một nhân vật văn học. Nhân vật văn học khác với nhân vật trong hội họa, điêu khắc, ở chỗ nó bộc lộ trong hành động (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các ngôn ngữ) và quá trình. Nó luôn hứa hẹn những điều sẽ xảy ra, những điều chưa biết trong quá trình giao tiếp. Đồng thời nhân vật văn học mang tính chất hồi cố, bởi vì mỗi bước phát triển đều làm nhớ lại công thức nhận biết ban đầu, đều làm cho nó sâu thêm, hoặc điều chỉnh cho nó xác đáng, nhưng không bao giờ bỏ quên hay xa rời cái chuẩn ban đầu. 1.1.1.2 Nhân vật văn học là phương tiện khái quát hiện thực Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kỳ vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về con người. Có thể hiểu tính cách, trong ý nghĩa rộng nhất, chung nhất, là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền với phẩm chất sinh lý của họ. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất của cá tính và cái chung xã hội lịch sử. Nhưng người ta chỉ gọi là tính cách khi những người mà sự thống nhất kia biểu hiện một cách nổi bật các phẩm chất xã hội lịch sử của nó. Tính cách được hiểu như là đặc điểm của nhân vật, khuynh hướng xã hội và là quy luật hành động của nhân vật. Đó là nhận thức chung nhất về tính cách như là nội dung của mọi nhân vật văn học. Tính cách đó được thể hiện trong toàn bộ sự miêu tả nhân vật, nhưng trước hết là trong các “công thức” và dấu hiệu đặc điểm nhận biết đã nói ở trên. Tuy nhiên, tính cách là hiện tượng xã hội, lịch sử, xuất hiện trong hiện thực khách quan. Do đó, chức năng khái quát của nhân vật cũng mang tính chất lịch sử. Trong thời cổ đại xa xưa, khi nhiệm vụ của xã hội con người là chinh phục thiên nhiên, khai phá địa bàn cư trú, tạo dựng dân tộc, chống ngoại xâm, thì xuất hiện các nhân vật thần thoại như Nữ Oa, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng... Ứng với xã hội phân hóa giai cấp trên cơ sở tư hữu xuất hiện nhân vật đối kháng về mặt phẩm chất. Đó là các nhân vật cổ tích với tính cách người giàu, kẻ nghèo, người thiện, kẻ ác. Mỗi nhân vật như vậy đều khái quát những tính cách có ý nghĩa xác định những chuẩn mực giá trị trong quan hệ xã hội giữa người với người. Mỗi nhân vật đều khái quát những tính cách có ý nghĩa, có giá trị xuất hiện trong thời của nó. Chẳng hạn, Hạng Vũ quyết đoán, liều lĩnh trong trận Cự Lộc, khẳng khái, cao thượng trong bữa tiệc ở Hồng Môn và nghĩa khí, đượm tình bi tráng trong bước “mạt lộ” ở Cai Hạ. Những nhân vật khái quát nổi bật những tính cách có ý nghĩa phổ biến sâu xa sẽ là những nhân vật điển hình. Nhưng ý nghĩa nhân vật không chỉ thể hiện ở tính cách. Vì mỗi tính cách là kết tinh của một môi trường, cho nên nhân vật còn là người dẫn dắt ta vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Với ý nghĩa như vậy, Phêđin nói rằng nhân vật là một công cụ. Ví dụ như trong Những linh hồn chết của Gôgôn, Sisicôp là trang chủ, và cuộc chu du của y tự nhiên mở ra cho ta thấy cả giới trang chủ các loại. Công cụ đó là như vậy, Sisicôp là phương tiện tốt nhất để phơi bày các bí mật của bọn trang chủ và cũng là của bọn ngốc. Chính vì nhân vật là công cụ, cho nên việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới. Nội dung khái quát của nhân vật không chỉ là cái tính cách xã hội, lịch sử và mảng đời sống gắn liền với nó, mà còn là quan niệm về tính cách và cái tư tưởng mà tác giả muốn thể hiện. Sẽ rất sai lầm nếu hiểu nhân vật văn học như những con người thật, yêu mến và phán xét nó như những kẻ ngoài đời. Do vậy, cũng đừng vì thương người đàn bà và những đứa con trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, mà lên án người đàn ông. Bản chất của người đàn ông ấy không xấu nhưng vì cuộc mưu sinh quá khó nhọc, mà ông tha hóa thành một kẻ vũ phu. Người đàn ông ấy, vừa là thủ phạm của nạn bạo lực gia đình, nhưng cũng vừa là nạn nhân của cuộc sống nghèo khó. Càng không có lý do để chê trách nói rằng người đàn bà làng chài ấy nhu nhược. Bởi cuộc sống nghèo khó lại đông con, buộc bà phải chịu đựng, để nhìn đàn con mình được ăn no. Cũng vậy, đọc Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, nên hiểu tư tưởng của nhân vật thể hiện ở chỗ con đường lập thân của Anđrây Bôncôxk là một con đường sai lầm, giả dối. Có thể không tán thành điểm này hoặc điểm khác trong tư tưởng của nhà văn, nhưng không thể bỏ qua nó, bởi vì nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện một tư tưởng về cuộc đời. Sau cùng, ta có thể nói tới chức năng của nhân vật văn học trong việc tạo nên mối liên kết giữa các sự kiện trong tác phẩm và cái vẫn thường được gọi là cốt truyện. Một phần lớn nhờ nhân vật mà kết cấu nhiều tác phẩm đạt được sự thống nhất, hoàn chỉnh, chặt chẽ và nhiều tiềm năng biểu đạt của các phương tiện ngôn từ được phát lộ, rồi chúng trở thành những phương tiện nghệ thuật độc lập, có thể được nghiên cứu riêng như một đối tượng thẩm mỹ chuyên biệt. Tóm lại, nhân vật văn học là hình thức khái quát đời sống. Đọc tác phẩm, cần tìm hiểu hết nội dung đời sống và nội dung tư tưởng thể hiện trong nhân vật. 1.1.2 Loại hình nhân vật Nhân vật văn học là hiện tượng hết sức đa dạng. Các nhân vật thành công thường là những sáng tác độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, trong các nhân vật, xét về mặt nội dung, cấu trúc, chức năng có thể thấy nhiều hiện tượng lặp lại, tạo thành các loại hình nhân vật. Các phương diện loại hình của nhân vật cũng rất đa dạng. Ở đây, chúng ta giới hạn phân biệt các nhân vật vào ba khía cạnh: kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc. 1.1.2.1 Nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều, giữ vị trí then chốt của cốt truyện hoặc tuyến cốt truyện. Đó là con người liên can đến sự kiện chủ yếu của tác phẩm, là cơ sở để tác giả triển khai đề tài cơ bản của mình. Nhân vật chính phải là người ở trong xung đột của tác phẩm, số phận của nó gắn liền với sự phát triển xung của truyện. Như vậy, nhân vật chính trong tiểu thuyết Thời gian của người của Nguyễn Khải là anh Quân, Chị Ba Huệ, bác Hai Riềng, linh mục Vĩnh. Đó là những người tham gia vào sự kiện chính của Thời gian của người. Trong các nhân vật chính của tác phẩm lại có thể nhận thấy nổi lên những nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm từ đầu đến cuối về mặt ý nghĩa. Đó là nơi quy tụ các mối mâu thuẫn của tác phẩm, là nơi thể hiện vấn đề trung tâm của tác phẩm. Đó là Quân trong Thời gian của người của Nguyễn Khải, là A Phủ trong Vợ chồng A phủ của Tô Hoài, là Xuân tóc đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, là Xô–cô–lốp trong Số phận con người của nhà văn Sô–lô–khốp. Cũng có khi nhân vật trung tâm là nhân vật được nói đến, chứ không phải là nhân vật chính trong cốt truyện. Chẳng hạn, Khải Định trong Vi hành của Nguyễn Ái Quốc. Ngoài nhân vật chính, còn có nhân vật phụ. Nhân vật phụ là nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Có nhiều loại nhân vật phụ. Có nhân vật phụ ở bình diện thứ hai, có tính cách, tình tiết như Thúy Vân, Vương Quan trong Truyện Kiều, lại có nhân vật phụ thứ ba, chỉ thấp thoáng trong các tình tiết như “mụ quản gia”, “thằng bán tơ”, hay đó là bà Năm, anh Nghị, anh Chung trong Thời gian của người của Nguyễn Khải. Nhân vật phụ mang các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ, bổ sung. Nhưng không thể coi nhẹ nhân vật phụ. Chúng chẳng những là bộ phận không thể thiếu của bức tranh chung, mà nhiều khi, nhân vật hàm chứa những tư tưởng quan trọng của tác phẩm. 1.1.2.2 Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với các lý tưởng, các nhân vật lại có thể chia ra làm nhân vật chính diện (nhân vật tích cực) và nhân vật phản diện (nhân vật tiêu cực). Sự phân biệt giữa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện gắn liền với những mâu thuẫn đối kháng trong đời sống xã hội, hình thành trên cơ sở đối lập giai cấp và quan điểm tư tưởng. Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện là những phạm trù lịch sử. Nhân vật chính diện mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức tốt đẹp của tác giả và của thời đại. Đó là những tác phẩm khẳng định và đề cao như những tấm gương về phẩm chất tốt đẹp của con người một thời. Nhân vật chính diện thời nào cũng tập trung thể hiện lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ thời đại mình. Chẳng hạn, các nhân vật như Hamlet, Ôthenlô của Shakespear thể hiện lý tưởng nhân vật của thời Phục hưng. Các nhân vật chính diện của văn hào Balzac như Egenie, mụ đầy tớ Nanon,… đều mang tư tưởng của thời đại mình. Nhân vật chính diện là một hiện tượng lịch sử, nên cũng mang hình thái lịch sử của nó. Trong các thời kỳ, các giai đoạn văn học trước văn học hiện thực, nhân vật chính diện đều là nhân vật lý tưởng hoặc ít nhiều mang tính chất lý tưởng. Nhân vật là hóa thân của lý tưởng được gọi là nhân vật lý tưởng. Nhưng nhiều khi nhân vật được lý tưởng hóa đều mang tính chất quy phạm và không tránh khỏi đơn điệu một chiều. Đến các nhà văn hiện thực, họ đã đổi mới khái niệm “nhân vật chính diện”. Họ khẳng định nội dung lý tưởng, nhưng giải phóng nó khỏi sự lý tưởng hóa. Nhân vật chính diện ở đây mang những khả năng, mầm móng của lý tưởng trong đời sống, thể hiện các khuynh hướng tư tưởng xã hội tiến bộ. Rõ nhất là các nhân vật chính diện trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như Độ trong Đôi mắt của Nam Cao, cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng và dân làng Xô Man trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Paven và các đồng chí của anh trong Thép đã tôi thế đấy của Ôxtrôpxki… Các phẩm chất tiến bộ ở đây phản ánh các phẩm chất chính diện của con người thực, bộc lộ trong thực tế, được nhà văn khái quát, nâng cao chứ không phải nhà văn tưởng tượng ra. Trái lại, nhân vật phản diện lại mang những phẩm chất xấu xa trái với đạo lý và lý tưởng, đáng lên án và phủ định. Chẳng hạn, như nhân vật Nghị Quế trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay lão Grandet, Charles trong tác phẩm Egenie Grandet của văn hào Balzac… Như vậy, hai loại nhân vật này luôn luôn đối kháng nhau như nước với lửa. Nhưng trong văn học hiện thực nhiều khi không dễ dàng tách bạch nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Sự tách bạch thuần túy đó chỉ thấy trong văn học cổ và văn học trung đại. Còn trong văn học cận đại, hiện đại, nhất là trong tiểu thuyết, theo Bakhtin, nhân vật tiểu thuyết “cần phải thống nhất trong bản thân mình vừa các đặc điểm chính diện lẫn các đặc điểm phản diện, vừa cái tầm thường lẫn cái cao cả, vừa cái buồn cười lẫn cái nghiêm túc” [2; tr.453]. Quả vậy, Chí Phèo là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, nhưng hắn lại có cái khát vọng làm người lương thiện, muốn sống lại cuộc đời bình thường, vậy sao có thể coi là phản diện? Do đó, việc phân biệt nhân vật chính diện và nhân vật phản diện ở văn học hiện thực có trường hợp chỉ mang tính tương đối, ước lệ. Khi xếp nhân vật vào một phạm trù nào chủ yếu là xét các khuynh hướng xã hội và phẩm chất cơ bản của nó. 1.1.2.3 Một số kiểu cấu trúc nhân vật Trong tiến trình lịch sử văn học đã xuất hiện và cùng tồn tại nhiều kiểu cấu trúc nhân vật đa dạng. Để hiểu đúng nội dung nhân vật, cần tìm hiểu một số kiểu cấu trúc của nó. Đầu tiên, ta tìm hiểu nhân vật chức năng (hay nhân vật mặt nạ). Trong văn học cổ đại và trung cổ có loại nhân vật không có đời sống nội tâm, các phẩm chất đặc điểm nhân vật cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, hơn nữa, sự tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định, đóng một số vai trò nhất định. Hạt nhân của loại nhân vật chức năng là các vai trò và chức năng mà chúng thực hiện trong truyện và trong việc phản ánh đời sống. Do đặc điểm đó, mà chúng dễ dàng trở thành cái tượng trưng trong đời sống tinh thần và được hình thái hóa trong sáng tác. Tiếp theo, nhân vật “loại hình”, là loại nhân vật thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đạo đức của một loại người nhất định của một thời. Đó là nhân vật nhằm khái quát cái chung về loại của các tính cách và nhờ vậy mà được gọi là điển hình. Hạt nhân của nhân vật này là bao giờ cũng có những phẩm chất loại biệt về mặt xã hội được nêu lên nổi bật hơn hẳn các tính chất khác. Nhân vật điển hình loại này ít nhiều đều có tính chất lược đồ. Chẳng hạn, lão Grandet hay Acpagông là điển hình cho thói keo kiệt, ham tiền. Một kiểu cấu trúc nhân vật cũng khá quan trọng, đó là nhân vật tính cách. Nhân vật tính cách là một kiểu nhân vật phức tạp, thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa. Chính vì vậy, tính cách thường có một quá trình tự phát triển, và nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó. Ví dụ như nhân vật Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải. Từ một người đàn bà chịu nhiều bất hạnh, chị sống táo bạo và liều lĩnh, bất cần đời nhưng rồi với hoàn cảnh, môi trường mới đã làm chị thay đổi dịu dàng, sâu lắng và chan hòa hơn với mọi người. Trong nhân vật tính cách, cá tính rất nổi bật, và cá tính là hạt nhân của nhân vật tính cách. Sau cùng, ta đề cập đến nhân vật tư tưởng. Trong văn học có những nhân vật mà hạt nhân cấu trúc của nó không phải cá tính, cũng không phải là các phẩm chất loại hình, mà là một tư tưởng, một ý thức. Nhân vật loại này cũng thể hiện một cá tính, một nhân cách, nhưng cái chính là một hiện tượng tư tưởng diễn ra trong đời sống. Nhân vật tư tưởng trong văn học cổ và văn học lãng mạn thường mang tính chất tượng trưng, trong chủ nghĩa hiện thực lại kết hợp mật thiết với yếu tố tính cách hoặc loại hình. Trong sáng tác, loại nhân vật này thường dễ rơi vào công thức, minh họa, trở thành cái loa tư tưởng của tác giả. Trên đây là các loại nhân vật thường gặp. Trong văn học cũng còn có thể gặp một số kiểu nhân vật khác. Những sự phân biệt loại hình trên đây còn rất tương đối, loại này bao hàm yếu tố của loại kia, nhưng cần thấy nét ưu trội trong cấu trúc từng loại. 1.1.3 Các phương thức, phương tiện, biện pháp thể hiện nhân vật Ðể xây dựng thành công một nhân vật văn học, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, phát hiện những đặc điểm bền vững ở nhân vật. Ðiều này đòi hỏi nhà văn phải hiểu đời và hiểu người. Nhưng có một điều không kém phần quan trọng là nhà văn phải miêu tả, khắc họa nhân vật ấy sao cho có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Ðây là vấn đề liên quan trực tiếp đến những biện pháp xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học. Trước hết, nhân vật được miêu tả bằng chi tiết. Đó là những biểu hiện mọi mặt của con người mà người ta có thể căn cứ để cảm biết về nó. Văn học dùng chi tiết để miêu tả ngoại hình, hành động, tâm trạng, thể hiện những quá trình nội tâm của nhân vật. Ngoại hình là khái niệm chỉ chân dung, diện mạo, cử chỉ, tác phong, trang phục,… biểu hiện cho dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Đây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật. Miêu tả ngoại hình là một biện pháp để thể hiện nhân vật. Trong mỗi thời đại, ở mỗi phương pháp sáng tác, ngoại hình nhân vật được miêu tả bằng những cách thức khác nhau. Trong văn học dân gian, khi xây dựng nhân vật thường ít chú ý đến ngoại hình. Còn trong văn học trung đại, ngoại hình nhân vật thường mang tính ước lệ, tượng trưng, công thức, tiêu biểu cho từng tầng lớp người trong xã hội. Đến văn học hiện đại, ngoại hình nhân vật được các nhà văn xây dựng với nhiều dáng vẻ khác nhau, chân thật, cụ thể và sinh động hơn. M. Gorki đã từng khuyên các nhà văn phải xây dựng nhân vật của mình đúng như những con người sống và phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét riêng độc đáo, tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt,… của nhân vật. Ngoại hình góp phần biểu hiện nội tâm và thường thống nhất với tính cách nhân vật. Vì vậy khi tính cách, đời sống bên trong của nhân vật thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng sẽ thay đổi theo. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngược lại. Chẳng hạn, nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, người có thân hình nhỏ thó, gầy guộc nhưng lại có một tâm hồn cao thượng, giàu lòng tự trọng và tình thương con vô bờ bến. Khi xây dựng ngoại hình nhân vật, nhà văn cần thể hiện những nét riêng biệt, cụ thể của nhân vật để qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại... Còn về hành động của nhân vật, có thể hiểu đó là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quá trình ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của đời sống. Đây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lý tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Mà bao giờ cũng thông qua hành động, chính hành động sẽ tạo ra quá trình phát triển của tính cách và đồng thời là cơ sở thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện trong tác phẩm. Thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật. Thông thường, khi miêu tả hành động nhân vật, nhà văn thường kết hợp với những biểu hiện nội tâm tương ứng vì đằng sau mỗi hành động, bao giờ cũng có một tâm trạng hoặc một động cơ nào đó. Dùng nội tâm để lí giải hành động, sử dụng hành động để làm sáng tỏ nội tâm là một hiện tượng phổ biến trong việc miêu tả nhân vật. Thể hiện nhân vật thông qua tâm trạng, quá trình nội tâm tức là nhà văn phải phản ánh được những phức tạp, sâu thẳm trong tâm hồn con người thông qua hình tượng nhân vật. Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc đời sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý,…của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà họ gặp phải trong cuộc đời. Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, việc thể hiện nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng. Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L.Tônxtôi: “Mục đích chính của nghệ thuật… là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được” [19]. Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất về đời sống bên trong của nhân vật. Trên đây là những biện pháp chung nhất trong việc xây dựng nhân vật. Ngoài những biện pháp trên, nhà văn còn có thể khắc họa nhân vật thông qua việc đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm, thông qua việc mô tả đồ dùng, nhà cửa, môi trường xã hội, thiên nhiên...mà nhân vật sinh sống. Ở những tác phẩm tự sự, ngôn ngữ người kể chuyện là một yếu tố rất quan trọng trong việc bộc lộ, miêu tả và đánh giá nhân vật. Việc phân biệt các biện pháp xây dựng nhân vật như trên chỉ có tính chất tương đối. Trong thực tế, các biện pháp này nhiều khi không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, nhân vật còn được thể hiện qua mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Các mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ cái phần bản chất sâu kín nhất của nó. Nhưng nhân vật thường bộc lộ mình nhiều nhất qua việc làm, hành động và ý nghĩ. Ngoài ra, nhân vật còn được thể hiện bằng các phương tiện kết cấu, bằng các phương tiện ngôn ngữ, bằng các phương thức miêu tả riêng của thể loại. Sự thể hiện nhân vật văn học bao giờ cũng nhằm khái quát một nội dung đời sống xã hội và một quan niệm sâu sắc, một cảm hứng tình điệu tha thiết với cuộc đời. Vì vậy sự thể hiện của nhân vật phải được xem xét trong sự phù hợp với nội dung nhân vật, đồng thời phù hợp với kiểu nhân vật. 1.2 Tác giả Nguyễn Công Hoan 1.2.1 Cuộc đời, con người Đời người chỉ là một khoảnh khắc, nhưng với khoảnh khắc ấy con người có thể làm nên những việc trường cửu. Và với khoảnh khắc đời mình nhà văn Nguyễn Công Hoan đã làm rực rỡ cho lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Từ khi xuất hiện trên văn đàn, ông luôn nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu phê bình, cùng sự yêu mến, trân trọng của nhiều thế hệ bạn đọc. Để có được những thành công ấy, ngoài tài năng thiên bẩm, nhà văn Nguyễn Công Hoan còn nhờ vào những trải nghiệm quý báu mà ông đã tích lũy được từ những năm tháng thăng trầm của cuộc đời mình. Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 – 3 – 1903 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nho học cuối mùa. Ông thân sinh là Nguyễn Đạo Khang, làm Huấn đạo, một chức giáo quan nhỏ. Thuở nhỏ ông thường được cha kể cho nghe nhiều về những chuyện thối nát, tồi bại của bọn quan lại. Bà nội là người hay dạy truyền khẩu cho ông nhiều thơ phú, truyện cổ dân gian, nên niêm luật của thơ ca, thanh điệu của ngôn ngữ và sự say mê văn học thấm vào ông ngay từ thời thơ ấu.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan