Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b. pasternak...

Tài liệu Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết “bác sĩ zhivago” của b. pasternak

.PDF
160
672
78

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Ngô Hồng Dạ Thảo NGHỆ THUẬT KẾT CẤU TRONG TIỂU THUYẾT “BÁC SĨ ZHIVAGO” CỦA B. PASTERNAK Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số : 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. TRẦN THỊ QUỲNH NGA Thành phố Hồ Chí Minh, 2012 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các tài liệu sử dụng trong luận văn này có nguồn gốc rõ ràng. Những đánh giá nhận định trong luận văn do cá nhân tôi nghiên cứu trên những tư liệu xác thực. Tác giả Ngô Hồng Dạ Thảo LỜI TRI ÂN  Tôi xin được cảm ơn các cán bộ Phòng Đào tạo Sau đại học trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Xin cảm ơn Quý thầy cô trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài, trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình giảng dạy cho tôi trong suốt khóa học. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Nga, giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này. Tôi cũng xin cảm ơn Ban Giám hiệu và các đồng nghiệp trường THPT Bình Chánh đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt khóa học. Trân trọng cảm ơn. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 2012 Ngô Hồng Dạ Thảo MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời tri ân DẪN LUẬN ...................................................................................................... 1 Chương 1 : NGHỆ THUẬT KẾT CẤU VÀ VAI TRÒ TỔ CHỨC HỆ THỐNG NHÂN VẬT ...................................................................... 17 1.1. Lý thuyết chung về nghệ thuật kết cấu ............................................................. 17 1.2. Hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago......................................... 21 1.2.1. Nhóm nhân vật lí trí ....................................................................................... 28 1.2.2. Nhóm nhân vật tình cảm ................................................................................ 45 1.2.3. Cặp đối lập ánh sáng và bóng tối ................................................................... 49 CHƯƠNG 2 : NGHỆ THUẬT KẾT CẤU VÀ VIỆC TỔ CHỨC KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT ........................................ 55 2.1. Không gian nghệ thuật ...................................................................................... 55 2.1.1. Không gian địa lí ............................................................................................ 57 2.1.2. Không gian tâm tưởng.................................................................................... 65 2.1.3. Không gian thiên nhiên .................................................................................. 71 2.2. Thời gian nghệ thuật ......................................................................................... 82 2.2.1. Thời gian lịch sử ............................................................................................ 83 2.2.2. Thời gian tâm lí .............................................................................................. 85 2.2.3. Thời gian vật lí ............................................................................................... 91 CHƯƠNG 3 : NGHỆ THUẬT KẾT CẤU VÀ VAI TRÒ TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ CÁC YẾU TỐ NGOÀI CỐT TRUYỆN ................ 97 3.1. Cốt truyện của tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago ........................................................ 97 3.1.1. Cốt truyện đa tuyến ...................................................................................... 100 3.1.2. Hạt nhân liên kết cốt truyện ......................................................................... 106 3.2. Các yếu tố ngoài cốt truyện ............................................................................. 112 3.2.2. Đàm thoại ..................................................................................................... 114 3.2.2. Những bài thơ của Zhivago .......................................................................... 119 KẾT LUẬN ...................................................................................... 131 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC DẪN LUẬN  1. Lý do chọn đề tài Nước Nga xa xôi và huyền bí, bao phủ bởi nhiều huyền thoại luôn gợi sự hấp dẫn lẫn niềm say mê khám phá cho người đọc. Sức hấp dẫn và vĩ đại của nước Nga không chỉ từ niềm vinh quang về quân sự, hay tiềm lực về kinh tế mà còn ở nền văn hóa lâu đời cùng những kiệt tác văn học sống mãi với thời gian. Ở đó, ta nhận thấy tâm hồn Nga sự giản dị và trong sáng, lòng quả cảm và thánh thiện, sự thông thái và cái đẹp. Tâm hồn ấy là mạch chảy xuyên suốt từ văn học dân gian Nga đến văn học cổ điển Nga, và tiếp sức mạnh mẽ ở văn học thế kỷ XX. Khác với thời đại hoàng kim của thế kỷ XIX, văn học thế kỷ XX chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nhiều biến cố lịch sử. Hai thời điểm mang ý nghĩa bước ngoặt là Cách mạng tháng Mười – 1917 đầu thế kỷ và Công cuộc cải tổ đưa tới sự tan rã của Liên bang Xô viết cuối thế kỷ. Những biến động dữ dội ấy tạo cho văn học bức tranh đa sắc màu và cả những thăng trầm cho chính chủ nhân của nó. Không ít chân dung và sự nghiệp phải chịu sự nhận thức lại và đánh giá lại trên những kiểm chứng khắc nghiệt của công chúng và thời gian. Chúng tôi muốn đề cập đến Boris Pasternak - hiện tượng kỳ lạ trong văn học Nga thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông có thể xem như một thiên tiểu thuyết. B.Pasternak được biết đến trước hết là “một nhà thơ trữ tình danh tiếng nhất thời đại”, nhà thơ thiên tài với những cách tân nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh đó, B.Pasternak còn để lại cho đời một tác phẩm văn xuôi vĩ đại, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago. Tác phẩm này là thiên tiểu thuyết duy nhất, đứa con muộn mằn đem lại cho ông cùng một lúc vinh quang và cay đắng “niềm hạnh phúc điên cuồng cùng với nỗi đau ghê gớm”. Cuốn sách ngay khi ra đời (1957) cùng với chủ nhân của nó đã trở thành nạn nhân của một “vụ án văn chương” nổi tiếng giữa thế kỷ. Từ đó, cuốn tiểu thuyết được tiếp nhận nhiều hướng khác nhau, trở thành đầu đề của nhiều cuộc tranh luận lớn. Vào năm 1987, tên tuổi của B.Pasternak được phục hồi, cuốn tiểu thuyết cũng được “phục sinh” như một tác phẩm nghệ thuật chân chính cần được khám phá. Trong công trình này, chúng tôi không xem xét lại “vụ án Bác sĩ Zhivago”, mà đi vào khai thác giá trị thẩm mỹ của tiểu thuyết. Vì thế đề tài nghiên cứu của chúng tôi là “Nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago”. Việc khảo sát, nghiên cứu tiểu thuyết về phương diện kết cấu sẽ làm sáng tỏ cái hay cái đẹp của tác phẩm, khẳng định giá trị và trả lại cho tiểu thuyết vị trí tương xứng. Đồng thời, đề tài khẳng định nhân cách và bản lĩnh sáng tạo của nhà nghệ sĩ thiên tài – “người đi trước thời đại”, hiểu rõ hơn thế giới nghệ thuật và tài năng của nhà văn B.Pasternak. Đề tài có ý nghĩa văn học sử, ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy học tập chuyên môn, trong quá trình tiếp nhận, giao lưu với tinh hoa văn hóa thế giới. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, tên tuổi của B.Pasternak vẫn được người đọc nhớ đến. Tìm đến với B.Pasternak như để minh chứng thêm một điều “Nghệ thuật là vĩnh hằng” và chỉ có những gì thật sự là giá trị mới bền vững theo thời gian như thế. Cuộc đời đầy thăng trầm của một nhà thơ thiên tài, giàu tình yêu cuộc sống, thánh thiện là bài học cho tất cả chúng ta để ngân mãi khúc ca về sự vĩnh hằng: “Nhưng cho dù cái chết cận kề Ta vẫn tin: có một ngày sẽ đến Sức mạnh của hận thù và đê tiện Sẽ cúi đầu trước tính thiện, lòng nhân”. (Giải Nobel – Pasternak) Những vần thơ dạt dào sức sống đưa người đọc đến với cuộc đời sống động, tràn ngập hạnh phúc, và sự lạc quan tin tưởng về sự vĩnh hằng của tình yêu bao la. Trước hết là tình yêu mãnh liệt và tha thiết với tổ quốc của nhà thơ – nước Nga như Anna Akhmatova nhận xét: “Và toàn bộ dải đất này đều là di sản của ông, ông đã chia sẻ hết thảy mọi thứ với chính dải đất ấy” [17, tr.21]. 2. Lịch sử vấn đề Bác sĩ Zhivago được B.Pasternak khởi thảo từ năm 1946, hoàn thành năm 1956, nhưng tác phẩm lại không được xuất bản ở Nga vì lý do chính trị, năm 1957 được xuất bản lần đầu tiên ở Italia. Năm 1958, Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố tặng giải thưởng văn chương cho B.Pasternak. Nhân việc này, bọn phản động đã lợi dụng tên tuổi và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của ông để chống Liên Xô khiến ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô. Trong trào lưu cải tổ và dân chủ hóa, danh dự và tác phẩm của B.Pasternak được phục hồi bên cạnh nhiều tên tuổi khác. Năm 1987, Ban thư ký Hội Nhà văn Liên Xô đã chính thức xóa bỏ quyết định bất công đó. Di sản của B.Pasternak được khôi phục và trả về vị trí xứng đáng. Tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago nguyên tác và toàn bộ thi phẩm của ông được ấn hành. Tiểu thuyết đã ra mắt bạn đọc trên tạp chí “Thế giới mới” đầu năm 1988. Trước đây, ở Việt Nam, các sáng tác của B.Pasternak không mấy được lưu hành. Sự nghiệp thơ ca của Pasternak hầu như không được biết đến. Người dân Việt Nam tiếp cận Pasternak qua bộ phim Doctor Zhivago dựa trên tác phẩm Bác sĩ Zhivago của ông, do đạo diễn người Anh David Lean dàn dựng năm 1965 với sự tham gia của nhiều tài tử phương Tây. Tuy nhiên, trong đời sống văn hóa đô thị miền Nam (giai đoạn 1954 - 1975), Paternak lại có một vị trí rõ rệt hơn. Tác phẩm Bác sĩ Zhivago có đến 3 bản dịch khác nhau. Tác phẩm được Trương Văn và Sơn Tịnh dịch vào năm 1959 (Nxb Trương Văn, Sài Gòn). Năm 1960, Văn Tự và Mậu Hải dịch Bác sĩ Zhivago (Nxb Chợ Lớn). Vào năm 1973, Nguyễn Hữu Hiệu phỏng dịch tiểu thuyết với nhan đề Vĩnh biệt tình em (Nxb Gió, Sài Gòn). Sau ngày Pasternak được minh oan ở Liên Xô, tác phẩm của Pasternak mới được biết đến rộng rãi hơn. Tuyển tập “B.Pasternak - Con người và tác phẩm” (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1988) gồm tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago (Lê Khánh Trường dịch), một số những bài thơ chọn lọc cùng những tư liệu về Pasternak ấn hành tại Việt Nam. Đây cũng là kết thúc có hậu cho những người yêu mến Pasternak nói riêng và nền văn học Nga nói chung. Nhà văn B.Pasternak được đưa vào giảng dạy hạn chế ở một số trường Đại học Việt Nam và cho tới nay chưa có một giáo trình nào (dành cho sinh viên chuyên ngành Ngữ văn) đề cập đến B.Pasternak như một hiện tượng văn học từ Văn học Xô Viết của Nguyễn Hải Hà – Đỗ Xuân Hà đến Lịch sử văn học Nga của các tác giả Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Hải Hà, Hoàng Ngọc Hiến. Liên quan đến tác phẩm của Pasternak, nhất là tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Điều này càng khẳng định cuốn tiểu thuyết vẫn là sự bí ẩn, cần sự kiến giải phù hợp. Việc tiếp nhận tác phẩm Bác sĩ Zhivago ở các đô thị miền Nam được đề cập trong công trình “Văn học Nga – Xô Viết tại các đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975”. Ở công trình này, thông qua phân tích nhiều xu hướng đa dạng và phức tạp trong việc tiếp cận nền văn học Nga của văn nghệ miền Nam, tác giả Phạm Thị Phương chỉ ra hai luồng tiếp nhận Bác sĩ Zhivago như sau: Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng Bác sĩ Zhivago là một tác phẩm viết ra là nhằm chống đối chính quyền Xô Viết, có những ý kiến khác lại đề nghị không nên nhìn vấn đề đơn thuần như thế. Họ coi tác phẩm như một hình thức triết lý về con người và cuộc sống [50, tr.24]. Đồng thời, tác giả công trình cũng cho rằng cùng thời đó ở miền Bắc, ít ai công khai nhận định như thế về tác phẩm của Pasternak. Qua đó, chúng tôi nhận thấy nhìn chung việc tiếp nhận và nghiên cứu về Bác sĩ Zhivago ở miền Nam lẫn miền Bắc giai đoạn 1945 – 1975 vẫn rất thận trọng và dè dặt (dù miền Nam có công khai hơn). Thời gian gần đây, việc tiếp nhận Pasternak thuận lợi hơn. Nhiều bài viết bàn về B.Pasternak và tác phẩm Bác sĩ Zhivago nhưng chủ yếu trên các khía cạnh như tiểu sử, mỹ học, thi pháp… như “Nét đẹp Nga trong thơ văn và ngôn ngữ Nga” của tác giả Trần Vĩnh Phúc, bài viết “Lời chú ở lề về văn xuôi của nhà thơ Pasternak” trong “Thi học và Ngữ học – Lý luận văn học phương Tây hiện đại” của R.Jakovson (Trần Duy Châu biên khảo). Phần viết về tiểu sử và sự nghiệp văn học của Pasternak được thể hiện sơ lược qua một số quyển sách về các nhà thơ, nhà văn đạt giải Nobel. Những công trình nghiên cứu về tác giả Pasternak cũng như tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago còn rất hạn chế. Công trình nổi bật là luận án tiến sĩ Ngữ văn của Hà Thị Hoà về “Cái ngẫu nhiên trong Bác sĩ Zhivago”. Ngoài ra, khoảng 30 bài báo, tạp chí và các bài viết trên một số Website điện tử chưa hẳn đã xứng đáng với tầm vóc của Bác sĩ Zhivago. Nhìn chung nghiên cứu về tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago có hai khuynh hướng: thứ nhất phủ nhận thành công của tác phẩm về phương diện nghệ thuật tiểu thuyết; khuynh hướng thứ hai khẳng định giá trị và những đóng góp của tiểu thuyết, nhìn nhận trong bối cảnh văn học thời đại, tôn trọng “cái bản chất hiện thực vốn có của nó”. Tuy nhiên, các bài nghiên cứu này chỉ tập trung một số phương diện nhỏ trong tác phẩm. Ở khuynh hướng phủ định, các nhà nghiên cứu đều xem tiểu thuyết thất bại với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều khiếm khuyết về tính chân thực, nội dung, nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật... R.P.Nabokov chê rằng “Tiểu thuyết không thành công cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” [26, tr.5]. A.Siniavski thì khẳng định trình độ tiểu thuyết không thành thạo thậm chí vụng về của Pasternak, ông nhấn mạnh rằng tiểu thuyết không đảm bảo tính xác thực của lịch sử và “xói mòn diện mạo tính cách nhân vật trung tâm” [26, tr.5]. D.Uronov khẳng định viết quyển tiểu thuyết, Pasternak đã “rồ dại vượt lên quá sức mình” [26, tr.7] khi lặp lại đề tài khai thác cạn kiệt từ lâu bởi những người trước ông - M.Gorky, A.Chekhov - đề tài về chủ nghĩa cá nhân ích kỷ kiểu trí thức trong thời đại Cách mạng. Khi đưa ra lời chỉ trích này, Uronov đã không thấy rõ tính chất kế thừa và sáng tạo của Pasternak. Sự phủ định tiểu thuyết còn xuất phát từ cái ngẫu nhiên bởi lẽ tác phẩm của Pasternak có quá nhiều chi tiết vụn vặt không cần thiết. Trong đó, nhận xét của P.Gorenlov trong “Suy ngẫm về tiểu thuyết” có liên quan trực tiếp về vấn đề kết cấu: “tiểu thuyết mất tính chỉnh thể, toàn vẹn, sa vào sự liệt kê theo kiểu toán học” [26, tr.7]. Trong bài viết “Pasternak – Những vần thơ dạt dào sức sống”, Ilya Ehrenburg đã thẳng thắn phủ nhận sự thành công của tác phẩm khi tác giả: “khắc họa hàng chục nhân vật trong tiểu thuyết, khắc họa thời đại, tái hiện cái không khí thời nội chiến, làm sống lại những cuộc đối đáp trên xe lửa – bởi lẽ anh chỉ nhìn thấy và nghe thấy chính mình” [27, tr.35]. Pasternak cảm nhận được thiên nhiên, tình yêu, được Goethe, Shakespeare, nhưng theo nhà nghiên cứu Ilya: lịch sử thì anh không tài nào cảm nhận được, anh nghe được cả những âm thanh mà nhiều người không nghe thấy, anh nghe được cả nhịp đập của con tim lẫn tiếng cỏ cây đang lớn ngoài kia; ấy thế nhưng tiếng bước chân của thời đại đang đi thì anh không hề nghe thấy [27, tr.32]. Lời đánh giá trên phủ nhận tính chân thật của tiểu thuyết bởi Iyia Ehrenburg cho rằng Pasternak đã thể hiện những điều mà nhà văn “chưa từng nhìn thấy, chưa từng nghe thấy bao giờ”. Ở khuynh hướng khẳng định, nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận những đóng góp của Pasternak về phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật hai bình diện chính theo quan niệm kết cấu nghệ thuật và không ít những lời biểu dương tán thưởng. Trước hết, về phong cách nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy mối quan hệ mật thiết giữa thơ và văn xuôi trong tác phẩm như biểu hiện sự độc đáo riêng của Pasternak. Lời giới thiệu mở đầu trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của nhà xuất bản Phụ nữ nhắc đến sự kiện năm 1958, Viện hàn lâm Thụy Điển tuyên bố tặng giải thưởng Nobel về văn chương cho Pasternak. Nội dung giải thưởng có ghi: “Vì sự đóng góp lớn lao vào nền thi ca trữ tình hiện đại của thế giới cũng như vào lĩnh vực các truyền thống vĩ đại của các nhà văn xuôi Nga” [46, tr.6]. Thơ và văn xuôi có mối quan hệ mật thiết, khó tách rời, tạo nên một diện mạo mới của văn xuôi Pasternak - văn xuôi của một nhà thơ như lời nhận xét của R.Jakovson trong bài viết “Lời chú ở lề về văn xuôi của nhà thơ Pasternak”: “là những giọt mưa sáng rực từ các đỉnh núi thi ca rơi xuống đến đặt mình trên các cánh đồng của văn xuôi” [20, tr.235]. Chúng tôi cho đây là những phát hiện thú vị về phong cách của Pasternak, vả chăng đó cũng chính là cái độc đáo riêng mà tác giả đem đến cho văn học Nga. Cũng trong bài viết trên, R.Jakovson rất tâm đắc về văn xuôi của Pasternak: “thứ văn xuôi của một thi sĩ thuộc vào một thời kỳ thi ca lớn. Nó mang trong mình tất cả những đặc trưng của nền thơ ca ấy… chuẩn bị cho sự cất cánh của nền văn xuôi Nga” [20, tr.237]. Sự hòa quyện giữa văn xuôi và thơ ca tạo nên chất trữ tình và sự mượt mà trong văn xuôi, thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo như Pasterank từng quan niệm: “Nghệ thuật nói chung, nói cách khác, đó là thơ ca” [20, tr.238]. Pasternak xây dựng thi pháp của mình trên kinh nghiệm cảm xúc đối với thực tại, trong cái mà “thi pháp ấy có được nét riêng tư” [20, tr.242]. Có thể nói văn xuôi là cách biểu hiện rõ nhất cảm xúc thi ca của nhà thơ, là ngôn ngữ của cảm xúc. Văn xuôi là hình thức chuyển tải thành công cảm xúc của nhà thơ, chỉ ở văn xuôi, nhà thơ mới thể hiện mình trọn vẹn nhất (vì không có giới hạn câu chữ). Dựa vào cảm xúc đối với thực tại, tiểu thuyết bộc lộ “thái độ thơ” đối với cuộc đời. Bên cạnh đó, trong bài “Nhận định về vụ Pasternak và Bác sĩ Zhivago” (Tạp chí Văn hóa Á Châu số 19, 20/1959), Hoàng Văn Chí khẳng định sự thành công của tiểu thuyết về phương diện nghệ thuật, đặc biệt nhà nghiên cứu khen ngợi chất thơ của Bác sĩ Zhivago: Tuy viết bằng văn xuôi, cuốn sách chứa đựng rất nhiều ý thơ. Chắc chắn trong bản dịch, phần nào cũng hao hụt ít nhiều. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận thấy tác giả là một thi sĩ. Nhiều đoạn tả cảnh thiên nhiên, cảnh rừng núi, lúc tuyết phủ, cảnh hoàng hôn, lúc đêm khuya thanh vắng, có thể nói là tuyệt diệu [61]. Theo Hoàng Văn Chí, mặc dù nội dung tác phẩm có nhiều ý phản bác xã hội, nhưng không nên xem đây là cuốn sách “chống Cộng”: “Chúng ta không nên quên rằng đó là một thiên tiểu thuyết, không phải là một cuốn khảo luận chính trị” [61]. Tuyển tập “Boris Pasternak – Con người và tác phẩm” ra đời vào năm 1988, tập hợp nhiều bài nghiên cứu về tiểu thuyết, Viện sĩ D.S.Likhachov có bài viết “Suy ngẫm về cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago” đã chỉ ra sai lầm của việc nghiên cứu về B.Pasternak trước đây. Hình thức, ngôn ngữ quen thuộc, ổn định vững vàng của Bác sĩ Zhivago thuộc về các truyền thống của tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX. Chính vì sự gần gũi với hình thức cổ điển “buộc người ta giẫm theo lối mòn, tìm ở nó cái không có, còn cái nó có thì lý giải theo tiểu thuyết truyền thống (chỉ thấy chất văn xuôi) không thấy chất thơ trong thái độ đối với thực tại” [31, tr.130]. Những người nghiên cứu trước không thấy cách “tiếp cận những sự kiện lịch sử” riêng biệt của nhà thơ. Likhachov nhận định Bác sĩ Zhivago là thể tự sự - một thứ tự sự kì lạ - trong đó vắng mặt những yếu tố bên ngoài trùng với cuộc sống có thực của tác giả. Hà Thị Hòa trong luận án “Cái ngẫu nhiên trong tiểu thuyết Bác sĩ Jivago của B.Paxternak” cũng cho rằng Pasternak lí giải lịch sử bị cảm xúc trữ tình che lấp: “một tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết thơ trữ tình diễn tả hết thảy mọi điều diễn ra xung quanh thông qua lăng kính của một trí tuệ siêu việt” [26, tr.13]. Nguyễn Hải Hà trong bài viết “Nhìn lại văn học Nga thế kỷ XX” (Tạp chí Văn học số 3- 1995) khẳng định thêm: Đây không phải là tác phẩm chống Cộng như có thời người ta – kể cả những kẻ chưa đọc tiểu thuyết này nhưng phao tin để truy bức tác giả. A.Camus, A.Miller, O.Paz cùng nhà nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago [65]. Từ đó, Nguyễn Hải Hà đánh giá về tầm vóc của Bác sĩ Zhivago, đặt nó cạnh Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy mà Pasternak vô cùng yêu quý và ảnh hưởng sâu sắc. Về phương diện thể loại, nhà nghiên cứu cho rằng Bác sĩ Zhivago không phải là “tiểu thuyết anh hùng ca, hay thiên ký sự, hay tiểu thuyết lịch sử” [65] dù tác phẩm bao quát sự kiện nửa đầu thế kỷ XX, dù có bộc lộ quan điểm của Pasternak về lịch sử. Trong bài viết “Thân thế và sự nghiệp Pasternak” (Tập san Văn, số 83, năm 1967), Vũ Đình Lưu cho rằng “Bác sĩ Jivago phản ảnh chính cuộc đời ông, sự bất lực của một người trí thức trước cơn bão tố của thời cuộc như một định mệnh lôi kéo cả tổ quốc thân yêu vào một cuộc thử thách cam go” [74]. Nhà nghiên cứu phát hiện cảm hứng nhân văn của tiểu thuyết bởi Pasternak đem đến một quan niệm mới mẻ về con người trong cuốn “tiểu thuyết toàn diện” của mình. Vũ Đình Lưu nhận thấy ở Châu Âu, bên cạnh những dư luận chú trọng đến kỹ thuật viết truyện và sự thật tâm lý, sự thật xã hội, còn có những dư luận cố gắng lập lại cái sinh khí sáng tác của nhà văn. Tác giả bài viết khẳng định Bác sĩ Zhivago là một tác phẩm lớn, “một câu chuyện ngụ ý hay một biểu tượng”. Có nhiều cách giải thích, cách suy diễn ý nghĩa của các tình tiết, tâm tình của các nhân vật bởi lẽ: ý nghĩa của một câu chuyện ngụ ý tràn qua nội dung của nó rất xa … nội dung câu chuyện tuy là một thứ tiểu sử của chính Pasternak dưới hình thức tượng trưng nhưng còn là kinh nghiệm sống của thử thách những giá trị chân xác của đời sống trên bình diện siêu hình, triết lý và xã hội… [74]. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cùng thống nhất Bác sĩ Zhivago là “bản tự thuật tượng trưng” (M.Aucouturier), “tự thuật tinh thần” của Pasternak (D.Likhachev), “một bản nhì của cuộc đời Pasternak” (Vũ Đình Lưu). Tiêu biểu có thể xem lời nhận xét của V.Brioussov trong bài viết “B.Pasternak – Câu thơ và bài thơ” như một sự giải đáp về sự khám phá lịch sử độc đáo của tác giả tiểu thuyết: Pasternak không đặc biệt viết về cách mạng, nhưng - có lẽ chính ông cũng không biết nữa – những câu thơ ông viết được nuôi dưỡng bởi tinh thần thời đại; thái độ của Pasternak không bắt nguồn từ sách vở cũ; thái độ ấy bày tỏ chính bản chất của nhà thơ, và chỉ có thời đại chúng ta mới sản sinh ra nhà thơ ấy. Do bản chất tài năng và quan niệm của ông về vai trò của nghệ thuật, Pasternak không thuộc về cách mạng. Thái độ của ông không tương xứng với tình thế lịch sử cụ thể, mà xác định bởi một lý tưởng trừu tượng về sự hoàn hảo tinh thần [53, tr.43]. Sự đánh giá trên gợi cho người viết hướng mới trong nghiên cứu khám phá tác phẩm, cần nhìn nhận tác phẩm gắn liền với chủ thể sáng tạo của nó, với hoàn cảnh ra đời cùng với những yêu cầu nhất định về thiên chức sáng tạo nghệ thuật mà không chỉ Pasternak mà cả văn học nghệ thuật đã đặt ra. Bác sĩ Zhivago rõ ràng là cuốn sách của một nhà thơ nhưng là “một nhà thơ không bao giờ khuất phục trước những quy phạm mà tiểu thuyết đòi hỏi, trước những quy tắc làm ông ta khó chịu” (Hà Thị Hòa). Vừa tiếp nhận truyền thống vừa sáng tạo, Pasternak đã tìm hướng đi riêng cho cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết của mình. Cùng nhận định về phong cách thể loại, V.Rubacov cho rằng: “đánh giá tiểu thuyết theo những tiêu chuẩn của chủ nghĩa hiện thực – tâm lí xã hội với những nguyên nhân tỉ mỉ của các sự kiện và nghiên cứu cặn kẽ các tính cách là rất ít hợp lý”. Không lí giải tiểu thuyết theo nguyên nhân – kết quả, mà chính những cái ngẫu nhiên – kì lạ đem lại cho Bác sĩ Zhivago dáng dấp của một “cuốn tiểu thuyết phiêu lưu” [26, tr.9]. Khái quát về nội dung tác phẩm, Hà Thị Hòa trong bài viết “Bác sĩ Zhivago của B.Pasternak và những suy ngẫm về nghệ thuật ngôn từ” nhìn nhận tiểu thuyết có đề tài rộng lớn, thâu tóm nhiều vấn đề đáng quan tâm: “cuốn tiểu thuyết về tình yêu, về cách mạng và nội chiến, về số phận người trí thức Nga trong thời đại cách mạng, về lịch sử nước Nga trong 40 năm đầu thế kỷ XX …” [66]. Về nhân vật, một số nhà nghiên cứu nhận thấy chúng không có những thuộc tính quen thuộc của các nhân vật văn học thế kỷ XIX. Chúng là những “tượng trưng hơn những tính cách” (Aucouturier). Cũng nhận xét về nhân vật, trong tuyển tập “B.Pasternak - Con người và tác phẩm” có một số ý kiến về nhân vật trung tâm Zhivago và một số nhân vật chính trong tác phẩm. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều nhất trí: Bác sĩ Zhivago là lời tự bạch trữ tình của chính B.Pasternak. Hình tượng trung tâm của tiểu thuyết có nhiều nhận định phức tạp. Likhachov nhận xét Yuri Zhivago chính là “nhân vật trữ tình của Pasternak – một nhân vật dù trong văn xuôi vẫn cứ là nhân vật trữ tình” [31, tr.134]. Nhà nghiên cứu A.Vozesensky cho rằng Zhivago là “trung bình cộng giữa Pasternak và Blok, Esenin, Maiakovski” [47, tr.15]. Eveny Evtushenko trong bài viết “Boris Pasternak – Nhà thơ lớn” khẳng định tính chất chân thực, điển hình của nhân vật trong tiểu thuyết: “những người như bác sĩ Zhivago là có thật, lịch sử của cuộc nội chiến sẽ không toàn vẹn nếu như vắng bóng gương mặt của những người như họ” [17, tr.24]. Ngoài ra, có nhận xét về một số nhân vật chính như “Lara đó cũng là nước Nga, chính là cuộc sống” (D.S.Likhachov). Về ngôn ngữ tiểu thuyết, trong bài viết “Tính chất siêu thực trong văn Pasternak” (đăng trên tạp chí Văn số 83), Lê Huy Oanh một mặt phân tích tính siêu thực trong văn của Pasternak ở thời kỳ đầu, mặt khác khẳng định khi viết Bác sĩ Zhivago, Pasternak “gần như bỏ rơi phương thức sáng tác siêu thực” đem đến cho người đọc “thứ văn chương phần lớn trong sáng, mực thước; các ý tưởng trong đó được trình bày có thứ tự đúng với những quy tắc hành văn thông thường” [75]. Một số Website cũng có đề cập đến nhà văn Pasternak và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, nhưng phần lớn mới dừng lại ở việc giới thiệu tiểu sử nhà văn và tóm tắt tiểu thuyết. Ở Việt Nam những năm gần đây, có một số công trình nghiên cứu trực tiếp Bác sĩ Zhivago, trong đó phải kể đến luận án tiến sĩ Ngữ văn của Hà Thị Hoà về “Cái ngẫu nhiên trong Bác sĩ Zhivago”, ĐHSP Hà Nội, 1996. Tác giả luận án nhận định: Phạm trù cái ngẫu nhiên như một phương thức có tính cắt nghĩa toàn bộ những yếu tố hợp thành tiểu thuyết. Dấu ấn của phương thức này có thể nhận thấy ở khắp nơi: trong cấu trúc hình tượng nhân vật, trong kết cấu nghệ thuật với tư cách là toàn bộ sự tổ chức bên trong của tác phẩm [26, tr.160]. Những nhận xét bước đầu này giúp định hướng chúng tôi tìm hiểu nghệ thuật kết cấu của tác phẩm. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hà Thị Hòa nhìn nhận nghệ thuật kết cấu chỉ là sự tổ chức bên trong, đồng thời sự nghiên cứu của tác giả là dùng cái ngẫu nhiên để giải quyết những vấn đề đặt ra của tiểu thuyết. Tổng hợp các ý kiến trên, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu có bàn về kết cấu của tiểu thuyết ở mức độ khác nhau về nội dung, hình thức của tác phẩm như thể loại, cốt truyện, nhân vật, đề tài, ngay cả luận án của Hà Thị Hòa cũng có nghiên cứu về kết cấu, nhưng chỉ tiếp cận từ cái ngẫu nhiên. Vấn đề kết cấu của tác phẩm vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, chưa có sự khái quát cần thiết, xứng tầm với tác phẩm. Bởi lẽ kết cấu của tác phẩm có vai trò quan trọng như chìa khóa giải mã bí mật cuốn tiểu thuyết. Tiếp thu ý kiến của người đi trước, luận văn nghiên cứu “Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak” trên một số phương diện: thế giới nhân vật, không gian và thời gian, cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng khảo sát của đề tài là tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago đã chuyển dịch sang tiếng Việt. Chúng tôi sử dụng chủ yếu văn bản sau: B.Pasternak - Bác sĩ Zhivago, dịch giả Lê Khánh Trường, NXB Phụ nữ, 2006. Đồng thời, chúng tôi có đối chiếu với văn bản: B.Pasternak - Bác sĩ Zhivago (dịch giả Lê Khánh Trường), trong tuyển tập “Boris Pasternak - Con người và tác phẩm”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988. Các vấn đề đặt ra trong nội dung đề tài được khảo sát dựa trên văn bản dịch. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Để có cái nhìn bao quát về tác phẩm, chúng tôi lựa chọn hướng tiếp cận đề tài là đi từ việc khảo sát vai trò và ý nghĩa nghệ thuật của yếu tố bộ phận để tái hiện vẻ đẹp chỉnh thể tác phẩm. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tập trung khảo sát nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago. Chúng tôi xem xét cách thức tổ chức nghệ thuật tác phẩm như là điểm trung tâm để từ đó khái quát diện mạo độc đáo của tác phẩm và phong cách của nhà văn. Không khảo sát tất cả các phương diện của tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, chúng tôi tìm hiểu vai trò nghệ thuật kết cấu trong việc tổ chức thế giới nhân vật, không gian và thời gian, cốt truyện và các yếu tố ngoài cốt truyện. Khảo sát những phương diện trên có thể bao quát những nội dung theo lý thuyết chung về nghệ thuật kết cấu, đồng thời có thể chỉ ra thế giới nghệ thuật độc đáo của tiểu thuyết. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp loại hình: tiểu thuyết là một thể loại có đặc trưng riêng. Vì vậy khi nghiên cứu nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết, chúng tôi bám sát những đặc trưng của thể loại này. - Phương pháp hệ thống: phương pháp này giúp tác giả luận văn sắp xếp các yếu tố vào hệ thống, khoanh vùng tác phẩm, lựa chọn chi tiết cần khảo sát thuộc phạm vi đề tài. - Phương pháp phân tích - tổng hợp: phương pháp này cần thiết cho những việc đi sâu phân tích chi tiết và khái quát nâng cao vấn đề trên các bình diện mà luận văn đặt ra. - Phương pháp so sánh – đối chiếu: Đây là phương pháp được sử dụng thường xuyên nhằm chỉ ra những tương đồng và dị biệt trên các phương diện được nghiên cứu. 5. Đóng góp của luận văn Việc nghiên cứu về tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago cũng như các sáng tác của Pasternak vẫn còn hạn chế. Thông qua việc thực hiện đề tài, chúng tôi muốn đóng góp: - Một cái nhìn vừa cụ thể vừa bao quát về những vấn đề cơ bản nhất trong nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, bởi vì chưa có một công trình riêng nào tập trung đi sâu nghiên cứu phạm vi đề tài. Từ đó, chúng tôi chỉ ra những nét mới trong nghệ thuật tiểu thuyết của Pasternak. - Nhận thức vai trò của kết cấu nghệ thuật đối với công việc sáng tác hay tìm hiểu, phân tích, tiếp nhận một tác phẩm văn học. - Khẳng định sức sống của tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago cũng như những đóng góp của B.Pasternak đối với nền văn học Nga và văn học thế giới. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Dẫn nhập (16 trang), Kết luận (4 trang), Thư mục tham khảo (7 trang), Phụ lục (13 trang), Luận văn gồm có ba chương: Chương 1: Nghệ thuật kết cấu và vai trò tổ chức hệ thống nhân vật. Ở chương này, chúng tôi tìm hiểu một số vấn đề lý thuyết như: nghệ thuật kết cấu tác phẩm, nhân vật văn học. Tiếp theo, chúng tôi tìm hiểu vai trò kết cấu trong việc tổ chức hệ thống nhân vật thông qua việc khám phá thế giới nhân vật từ góc độ loại hình, phong cách, đồng thời tìm hiểu nhân vật dựa trên những mối quan hệ.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan