Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ NGUYỄN KHẢI (KHẢO SÁT PHẦN TRUYỆN NGẮN...

Tài liệu NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ NGUYỄN KHẢI (KHẢO SÁT PHẦN TRUYỆN NGẮN)

.PDF
174
149
117

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH …..0O0….. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ NGUYỄN KHẢI (KHẢO SÁT PHẦN TRUYỆN NGẮN) LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC NGỮ VĂN Thành phố Hồ Chí Minh 11 – 2004 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH …..0O0….. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ NGUYỄN KHẢI (KHẢO SÁT PHẦN TRUYỆN NGẮN) LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC NGỮ VĂN Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số: 60 22 32 Người hướng dẫn GS.TSKH. Lê Ngọc Trà Thành phố Hồ Chí Minh 11 – 2004 LỜI CẢM ƠN Xin chân thành cảm ơn Quý Thầy, Cô trong Hội Đồng bảo vệ luận văn: GS.TS. Nguyễn Văn Hạnh Chủ tịch Hội Đồng PGS.TS. Trần Hữu Tá Ủy viên-Người phản biện 1 TS. Lâm Vinh Ủy viên-Người phản biện 2 TS. Hoàng Thị Văn Ủy viên-Thư ký Hội Đồng GS.TSKH. Lê Ngọc Trà Ủy viên-Người hướng dẫn Xin chân thành cảm ơn Khoa Ngữ Văn, Phòng NCKH Sau Đại học Đặc biệt là GS.TSKH. Lê Ngọc Trà, người thầy hướng dẫn khoa học đã tận tình hướng dẫn, góp ý, tạo điều kiện giúp em hoàn thành được luận văn này. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11-2004 Học viên: Nguyễn Thị Phương Thảo MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN ............................................................................................. 3 MỤC LỤC ................................................................................................... 4 DẪN NHẬP ................................................................................................. 6 1. Lý do chọn đề tài ..................................................................................................... 6 2. Lịch sử nghiên cứu .................................................................................................. 7 3. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................... 18 4. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................................... 19 5. Đóng góp của luận văn .......................................................................................... 20 6. Kết cấu luận văn .................................................................................................... 21 CHƯƠNG 1: CHỦ THỂ KỂ CHUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI ....................................................................................... 22 1.1. Chủ thể kể chuyện trong loại hình tự sự .......................................................... 22 1.2. Các hình thức chủ thể kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải .............. 23 1.2.1. Chủ thể kể chuyện kiểu "khách quan hóa" với ngôi kể thứ ba ................ 23 1.2.2. Chủ thể kể chuyện kiểu "chủ quan hóa" với hình tượng người kể chuyện xưng "Tôi" ............................................................................................................. 40 1.3. Sự “Chuyển cực” rốt ráo đáng chú ý từ ngôi kể thứ ba sang ngôi kể thứ nhất. ............................................................................................................................ 78 CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI ....................................................................................... 90 2.1. Cấu trức trần thuật trong tác phẩm tự sự ....................................................... 90 2.2. Một số mô hình cấu trức trần thuật qua khảo sát bố cục trần thuật và việc tổ chức điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải ............................ 91 2.2.1. Nguyễn Khải và lối viết truyện nêu vấn đề ................................................. 92 2.2.2. Nguyễn Khải và lối tự sự hay rẽ ngang, lồng ghép thành nhiều tầng bậc trần thuật, đặt trong nhiều thời điểm tự sự (kể cả tự truyện) ............................ 104 2.2.3. Nguyễn Khải và lối trần thuật với kiểu lời thoại độc quyền .................... 110 2.2.4. Nguyễn Khải và những truyện kể mang đậm chất ký với nhiều hồi ức có tính tư liệu............................................................................................................. 113 2.2.5. Nguyễn Khải và lối dẫn truyện bằng đường dây tâm lý - Một sự kế tục xuất sắc từ Nam Cao. ........................................................................................... 117 2.2.6. Đảo lộn trình tự thời gian trần thuật ........................................................ 131 CHƯƠNG 3: GIỌNG TRẦN THUẬT CỦA NGUYỄN KHẢI......... 137 3.1. Giọng trần thuật ............................................................................................... 137 3.2. Giọng trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải ....................................... 138 3.2.1. Giọng điệu mang màu sắc quan niệm duy ý chí của giai đoạn sáng tác trước 1980 ............................................................................................................. 138 3.2.2. Sự đa dạng, đa thanh trong giọng trần thuật của Nguyễn Khải từ sau 1980 ............................................................................................................................... 142 KẾT LUẬN ............................................................................................. 151 PHỤ LỤC ................................................................................................ 154 TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................... 161 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Nguyễn Khải là một trong những nhà văn được giới nghiên cứu phê bình văn học đánh giá cao về sức lao động liên tục và bền bỉ. Góp mặt vào tiến trình vận động của đời sống văn học dân tộc từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến những năm sau hòa bình, tiếp tục luyện bút trong thời kỳ đổi mới, cho đến nay Nguyễn Khải vẫn không ngừng tự làm mới mình. Không ít nhà văn cùng thời với ông nay đã hoặc đang có ý định gác bút ; không ít hiện tượng một số cây bút trẻ chỉ sau vài sáng tác đã đuối sức hụt hơi. Còn Nguyễn Khải vẫn miệt mài sáng tạo và cống hiến. Trên hành trình lao động nghệ thuật của mình, có mặt kịp thời với những thay đổi trọng đại của thời cuộc xã hội, của đời sống tinh thần - vật chất và ý thức tình cảm của con người, Nguyễn Khải vừa giữ được những sự nhất quán cần thiết của ngòi bút, lại vừa liên tục vận động, vượt qua cả những lối mòn của chính mình để làm nên một phong cách riêng biệt, độc đáo, với những đóng góp đáng kể vào diện mạo và thành tựu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo nghiêm túc và công phu, Nguyễn Khải đã tự khẳng định mình ở nhiều thể loại : truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký, tạp văn. Với một khối lượng khá lớn tác phẩm từng bước phản ánh kịp thời những nhiệm vụ cơ bản của mỗi giai đoạn cách mạng và những vấn đề thiết thực của cuộc sống, thành quả nghệ thuật của Nguyễn Khải đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng lớn, mà có lẽ, Giải thưởng văn học ASEAN 2000 và Giải thưởng Hồ Chí Minh 2000 chính là những sự công nhận xác đáng nhất, vinh dự nhất ... Cho đến nay, tác phẩm của Nguyễn Khải đã thu hút sự chú ý của nhiều thê hệ nghiên cứu phê bình ở các Viện nghiên cứu và các trường đại học. Nhưng nhìn chung, việc nghiên cứu về sáng tác của Nguyễn Khải - xét ở góc độ thi pháp học -vẫn còn có phần tản mác, riêng lẻ. Đóng góp của ông vào thành tựu văn xuôi Việt Nam hiện đại chưa được khảo sát thành hệ thống. Nếu có, chỉ ở góc độ một khứa cạnh, chẳng hạn : mảng đề tài, giá trị nội dung, một nét nghệ thuật, ... hoặc cao hơn, về một giai đoạn sáng tác trong đời văn Nguyễn Khải. Ít nhiều tâm đắc với suy nghĩ của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn - một người đặc biệt dày công nghiên cứu Nguyễn Khải - về "một công trình nghiên cứu riêng về phong cách của Nguyễn Khải" [73.4 ,119], chúng tôi muốn qua chuyên luận này, khảo sát nghệ thuật kể chuyện trong văn xuôi tự sự của nhà văn. Với khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi không có tham vọng "dựng" được một chân dung phong cách hoàn chỉnh về một nhà văn lớn của thời đại. Xuất phát từ những tìm tòi nghiên cứu của người đi trước về sáng tác của Nguyễn Khải, vận dụng một số kiến thức về lý luận văn học và văn xuôi hiện đại Việt Nam lãnh hội trực tiếp trong học tập cũng như từ các tài liệu đọc được, chúng tôi muốn bổ sung, sắp xếp, hệ thống lại các vấn đề có liên quan đến Nguyễn Khải theo một hướng mới, mong chỉ ra được một số đặc điểm phong cách nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khải (ở thể loại truyện ngắn), từ đó khẳng định đóng góp đặc sắc của nhà văn vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Hy vọng với chuyên luận này, chúng tôi có thể góp phần nhỏ vào công trình nghiên cứu chung về Nguyễn Khải - một gương mặt văn chương vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại. 2. Lịch sử nghiên cứu Không tạo ngay được tiếng vang từ những tác phẩm đầu tay, được viết với tư cách một phóng viên chập chững bước vào nghề văn (từ 1948 đến 1956), phải đến 1956, với Nằm vạ - một sáng tác "có thể chấp nhận được" và Xung đột (2 phần, 1957 - 1960), "người cầm bút" mặc áo lính Nguyễn Khải mới bắt đầu nghiệp văn chương, thật sự dấn thân vào hành trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Sáng tác liên tục, đời văn Nguyễn Khải vừa gắn liền với những bước ngoặc của lịch sử dân tộc, với mọi mặt vận động của đời sống xã hội và con người, vừa từng lúc đem lại cho người đọc những ấn tượng mới mẻ về một phong cách nghệ thuật ngày càng mang nét riêng biệt, độc đáo. Số lượng tác phẩm phong phú, đa dạng của Nguyễn Khải tuy có phần "kén" độc giả (theo nhận định của một số nhà nghiên cứu và cũng chính là lời tự nhận xét của tác giả), nhưng cũng chính nó đã tạo nên một sức hút đặc biệt đối với giới phê bình nghiên cứu văn học. Từ cuối những năm 50 sang những năm 60, Nguyễn Khải đã bắt đầu "làm rộn" các nhà nghiên cứu. Từ những năm 70 trở đi, số lượng bài viết, công trình nghiên cứu về sáng tác của Nguyễn Khải ngày càng nhiều. Có thể kể tên một số tác giả tiêu biểu đã ít nhiều tìm thấy nguồn cảm hứng và có tâm huyết với sáng tác của Nguyễn Khải như: Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Phong Lê, Nguyễn Văn Hạnh, Ngô Văn Phú, Lê Ngọc Trà, Chu Nga, Huỳnh Như Phương, Bích Thu, Đào Thủy Nguyên, v.v... Tùy cảm hứng tiếp cận, mục đích và phạm vi khai thác vấn đề, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến một số khía cạnh nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khải, với những mức độ đậm nhạt, nhiều ít khác nhau. Nhưng nhìn chung, các bài viết, công trình đã có sự gặp gỡ ở những nhận định về thành công, hạn chế và đóng góp của nhà văn về phương diện này. Một trong những nét nổi trội trong lối tự sự của Nguyễn Khải mà nhiều nhà nghiên cứu cùng đề cập, đó là chất hiện thực tỉnh táo, lối viết sắc sảo, nhạy bén, mang tính chất phát hiện, đã làm nổi bật lên trong làng văn xuôi Việt Nam hiện đại sau Cách mạng tháng Tám 1945 một Nguyễn Khải với "con mắt tinh đời" [37]. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ, trong các bài viết của mình, nhiều lần đánh giá cao lối văn có thế mạnh của "cái tỉnh táo sắc sảo mang nhiều tính chất phát hiện” của Nguyễn Khải [28.4,15]. Chẳng hạn ý kiến sau đây của ông : "Phong cách hiện thực tỉnh táo cũng tạo cho Nguyễn Khải một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Đó là một thứ ngôn ngữ trí tuệ, sắc sảo, đánh thẳng vào đối phương không kiêng nể, sẵn sàng phơi trần ra ánh sáng mọi thứ mặt nạ giả dối, một thứ ngôn ngữ mang tính chất chiến đấu, chân thật, khách quan, không cần một sự tô màu mỹ học lộ liễu nào" [28.4,114-115]. Nhận định về một trong những đóng góp làm nên thành công của Nguyễn Khải trong các tác phẩm Tầm nhìn xa, Chủ tịch huyện, nhà nghiên cứu Phong Lê, trước đó, cũng đặc biệt chú ý đến nét sắc sảo đáng quý của nhà văn [69.1]. Hàng loạt ý kiến - trước, sau - của các nhà nghiên cứu đều khẳng định đây là một trong những ưu thế của Nguyễn Khải : Vũ Tú Nam [75], Hồ Phương [92], Hà Minh Đức [32.1], Phan Hồng Giang [34.1], Song Thành [114], Nguyễn Văn Lưu [70], Lại Nguyên Ân [4.2], Nguyễn Tuyết Nga [77], v.v... Nhà nghiên cứu Đoàn Trọng Huy nhận định : "thông minh, sắc sảo, nhanh chóng tiếp cận đối tượng" chính là "hứng thú riêng theo phong cách của ông", để "nhanh chóng tiếp cận đối tượng và muốn thẳng thắn "lật áo" hay "đi guốc vào bụng" nhân vật" [53,87]. Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khải nổi tiếng với "lối văn linh hoạt", mà nhờ đó ông đã thể hiện được ''một phía khác của tài năng là rất tỉnh, không bao giờ chịu là tù nhân của những ảo tưởng mê muội" [85.7, 245]. Một đặc điểm nổi bật khác ở Nguyễn Khải cũng được chú ý đến, là lối viết nêu vấn đề. Chăm chú, tỉnh táo phát hiện và phản ánh hiện thực, mục đích của nhà văn, cuối cùng, vẫn là vấn đề. Từ nhân vật, sự kiện, chi tiết... đến xung đột, giải quyết mâu thuẫn ... trong tác phẩm của Nguyễn Khải đều phục vụ cho việc nêu vấn đề, để qua đó, nhà văn sẽ khẳng định một chân lý, đưa ra một triết luận về một hiện tượng nào đó của cuộc sống. Nhà nghiên cứu Thành Duy nhận định : chính cách nêu và giải quyết vấn đề "không theo lối kể lể, chạy theo sự việc" của Nguyễn Khải đã làm nên "một thành công mới" của nhà văn trong quá trình sáng tạo [22,199]. Nhà nghiên cứu Ngô Thảo cũng thấy rằng : Nguyễn Khải "kiên trì lối xây dựng tác phẩm nêu vấn đề..." [113.5], văn ông "cốt diễn dẫn ý là chính nên không rậm rạp ..." [1 13.2], bởi ''điều quan tâm trước tiên của nhà văn là vấn đề, tất cả những thứ khác đều đứng hàng thứ hai" [113.1,293]. Khai thác chất triết luận trong tác phẩm của Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nhận thấy Nguyễn Khải "luôn bận rộn và chật ních những vấn đề" [28.1] ; "Chất luận đề sẽ nâng cao tầm khái quát của các thể loại văn xuôi, gây một ấn tượng tập trung và tác động mạnh mẽ đến người đọc, tránh được sự dàn trải kể lể theo thời gian và sự kiện" [28.4,246 - 247]. Đồng điệu với nhận định của nhà nghiên cứu Hà Minh Đức về khả năng "giỏi phát hiện vấn đề" [33.3,11] ở Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng chỉ ra, thế mạnh của Nguyễn Khải ở chỗ "đặc biệt là biết khai thác đúng vào khía cạnh có vấn đề" mà không hề thấy có sự trùng lắp [85.4,101], vấn đề là "điểm nhất quán trong tư duy", làm nên chất luận đề đậm đặc trong tác phẩm của Nguyễn Khải [85.7]. Có thể thấy chỗ đồng quan điểm trong việc đánh giá đặc điểm nghệ thuật này ở Nguyễn Khải qua khảo sát thêm hàng loạt ý kiến của các nhà nghiên cứu khác như: Vũ Quần Phương (tác phẩm của Nguyễn Khải "cớ giá trị khảo luận triết học" [93]) ; Lê Thành Nghị ( "triết lý là yếu tố đặc sắc trong sáng tác của Nguyễn Khải" [79, 335]) ; Đoàn Trọng Huy ( "ở tác phàm Nguyên Khải, chát chính luận nhiều khi nổi lên như một thành phần lấn át, nhất là ở những sáng tác từ sau 1975. Rõ ràng là Nguyễn Khải có hứng thú và nhu cầu chính luận..." [53,89]) ; Đinh Quang Tốn (Nguyễn Khải có "lối viết khác người", luôn khởi từ vấn đề có chủ định trước [122]); Nguyễn Hữu Sơn (văn Nguyễn Khải "không màu mè, không thiên về tả trời, mây, non, nước. Bắt đầu vào trang viết là gặp ngay nhân vật, biến cố, sự kiện..." [101,383]) ; Lại Nguyên Ân (Nguyễn Khải - "Người trần thuật ham nói lý" [4.3 ,189]; Nguyễn Thị Bình (ở Nguyễn Khải, "hứng thú triết luận thường trực làm thành một giọng điệu riêng" [8.2, 67]); v.v... Điều đó cho thấy, đây là hai nét đặc điểm quan trọng trong nghệ thuật tự sự của Nguyễn Khải, được giới nghiên cứu dành nhiều sự quan tâm. Như một hệ quả tất yếu, nét ưu thế nổi bật nào cũng còn chỗ chưa kín cạnh của nó. Ở những mức độ khác nhau, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến những hạn chế trong đặc điểm nghệ thuật của Nguyễn Khải Nhà nghiên cứu Chu Nga có nhận định : "Đọc Nguyễn Khải đôi khi chúng ta rất thích thú thấy anh quả là thông minh và sắc sảo, song chúng ta vẫn cứ muốn đòi hỏi ở ngòi bút hiện thực của anh một cái gì khác nữa, chẳng hạn như một sự say mê, một tình cảm gắn bó, thương yêu nhiều hơn nữa đối với con người", sự "lạnh lùng khách quan" đã khiến nhà văn "tự tước mất của ngòi bút mình cái quyền tưởng tượng, cái yếu tố lãng mạn cách mạng mà nhờ nó tác phẩm mới có được đôi cánh nâng tâm hồn ta lên những đỉnh cao của cuộc đời (...) Tác phẩm anh hấp dẫn chúng ta căn bản bằng những vấn đề, những suy nghĩ thuyết minh, những nhận xét sắc sảo, đôi khi làm giật mình người đọc. Vì vậy đọc anh, chúng ta thấy phục và sợ nhiều hơn là yêu và say” [77,73 - 74]. Còn theo nhà nghiên cứu Văn Chinh, thì Nguyễn Khải "cần tỉnh táo hơn trong phong cách triết lý" [12]. Khảo sát thêm nhiều ý kiến khác : Hồ Phương [91], Nguyễn Huệ Chi [13], Nguyễn Phan Ngọc [83.2], Nguyễn Văn Hạnh [39.1 ; 39.2], Vương Trí Nhàn [85.7], v.v... , sẽ thấy các nhà nghiên cứu cũng đều ít nhiều đồng tình với các nhận định trên. Dành nhiều tâm huyết với sáng tác của Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã chỉ ra con đường đi vào lòng người đọc theo lối rất riêng của nhà văn : lối văn "lạnh" lúc đầu thường bị "kêu ca” đã từ chỗ khó tiếp cận, lâu ngày lại trở nên quen thuộc với người đọc về sự hình thành "một cách viết" [85.7, 246 - 247]. Đa số các ý kiến đều cho rằng, "quen" với lối viết nêu vấn đề và mục đích triết luận của Nguyễn Khải cũng chính là quen với hiện tượng nhà văn nhiều khi hơi sa vào "sính triết lý". Thậm chí khi cần, ông sẵn sàng "khiến" nhân vật đi theo sự sắp sếp của mình một cách lộ liễu, hoặc nhanh chóng giải quyết các mối quan hệ sao cho triết luận vấn đề mà mình nhắm tới được thể hiện nhanh nhất, khiến người đọc nhiều lúc bị "hẫng" bởi những hành trình dở dang của nhân vật, hay tính thiếu thuyết phục của các chi tiết, của cách kết thúc tác phẩm [64 ; 72 ; ...]. Có lúc nhà văn hăng hái "thuyết minh” hộ nhân vật [68] với tư cách "một người chủ đầy quyền lực" [35.1 ; 77], tự cho mình cái quyền "nâng" và "hạ" nhân vật tùy tiện, thậm chí "bỏ" nhân vật ở "ngã ba đường" [28.1 ; 77 ; 13 ;...]. Có lúc nhà văn "lấn nhân vật" của mình [93.1] bằng cách kể và phân tích nhiều hơn là miêu tả [28.1 ; 79 ; 85.4 ; 113.5 ;...]. Điều đó khiến nhiều lúc tác phẩm Nguyễn Khải thiếu sự rung động đối với người đọc [83.1] ; hoặc gây được chú ý bởi chất triết lý, nhưng lại có "nhiều đoạn trầm và hơi khô" [74.2], lối viết mạnh mẽ, dứt khoát, không du dương, ngọt ngào, lôi cuốn đôi khi làm cho tác phẩm thiếu độ "dày", "mọng" cần thiết [4.1], đôi khi còn "nặng nề, thiếu sinh động" [103]; hoặc có khi vì nặng tính ghi chép nên khái quát nghệ thuật của tác phẩm chưa cao [28.1]. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức nhận định, chính vì nhiều lúc nặng chát duy lý, nên sáng tác của Nguyễn Khải có cái cốt ly trí mà còn thiếu phần tươi thắm của da thịt, có được cái khung vững mạnh của thân cành mà còn thiếu chất xanh tươi của hoa lá [33.1,248 - 249]. Chất duy lý đôi khi hơi lộ liễu ở Nguyễn Khải khiến nhân vật có lúc trở thành "cái loa phát ngôn" cho tư tưởng nhà văn, [28.1 ; 85.9 ; ...], chịu sự đạo diễn của nhà văn ở mức đủ để phát ngôn cho triết luận đã định trước [70.1], hay để qua đó nhà văn hướng tới "công bố tư liệu" [4.3,160]. Vì thế, theo nhà nghiên cứu Vũ Cao, có một lúc, ở Nguyễn Khải, "cái tinh, cái sắc sảo có nhiều, người ta đọc thấy hay, nhưng cuối cùng cái dư hương chưa để lại được nhiều lắm" [12,227]. Nhân vật của Nguyễn Khải, vì thế, có khi "càng lúc càng đuối", chưa thật "thấm", không "sống" bền [24]. Có lúc có những "sứt mẻ đáng tiếc" [35.1]. v.v... Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, chất "lạnh" , "cái sắc sao đôi khi đến tàn nhẫn sẵn có" (từ dùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Kim - [64]) không phải là nét bản chất của Nguyễn Khải, bởi nó không có trong cái "tạng" của một nhà văn vốn rất dễ xúc động, "cớ những phút rất yếu lòng" [85.3, 94] . Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh, cái lạnh lùng của Nguyễn Khải phải được hiểu là cái "lạnh lùng nghệ thuật'" góp phần đắc lực làm nên "phong cách hiện thực tỉnh táo" ở Nguyễn Khải, nhằm "khách quan hóa sự kiện và nhân vật mà nhà văn miêu tả để gây một tác động nghệ thuật mạnh hơn” [39.1,58]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng thì đánh giá Nguyễn Khải "rất thành công" ở mặt này. Nhà văn - trong cách thức xây dựng hệ thống nhân vật chính - phụ phục vụ ý đồ nghệ thuật của mình, đã tạo ra những "nét", những "đỉnh điểm" để ""nhân vật chính đưa ra một triết lý bất ngờ nhằm thỏa mãn trí tuệ người đọc" [26, 371]. Khen, chê cái "tạng" văn chương đặc biệt, khó lẫn của Nguyễn Khải, không ít nhà nghiên cứu cũng đã nhìn thấy sự vận động "càng trở nên gần gũi với đông đảo bạn dọc" [104,30] của ông từ những năm 1959, 1960, mà đặc biệt là từ 1975 trở đi. Chẳng hạn ý kiến sau đây của nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà : theo thời gian, những thay đổi của cuộc sống đã khiến Nguyễn Khải ngày càng "uyển chuyển hơn, bên cạnh cái sắc sảo của óc nhận xét thông minh và tỉnh táo, cái thắm thiết của tình cảm đã hiện dần ra và mỗi lúc một rõ nét hơn' [38, 58 - 62]. Một trong những cách tân trong lối trần thuật của Nguyễn Khải là sự chuyển đổi vai người kể chuyện, vấn đề này tuy chỉ mới được khảo sát ở một giới hạn nhất định (về số lượng công trình nghiên cứu, mức độ nghiên cứu), nhưng bước đầu, các nhà nghiên cứu đã ít nhiều chú ý đến sự xuất hiện của chủ thể trần thuật "Tôi" ngày càng nổi trội trong những trang viết của Nguyễn Khải. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét : Nguyễn Khải đã công khai đưa tiểu sử riêng vào sáng tác từ sau 1975, chuyển cực từ "đóng chặt cửa" sang mở cửa thế giới riêng tư, "tìm cách đưa tất cả cuộc đời riêng, lai lịch riêng lên trang giấy, gần như cái gì phục vụ được cho trang viết thì đưa ra hết" [85.5,112]. Đọc những trang viết về Hà Nội của Nguyễn Khải sau 1975, nhà nghiên cứu Đinh Quang Tốn chú ý đến sự "cuốn hút, hấp dẫn' của phương pháp kể chuyện ngôi thứ nhất, "viết về người thân trong họ hàng hay bạn bè cũng là viết về những khát khao và những được mất của mình, đem chính cuộc đời mình ra làm chất liệu để sáng tác' [121, 381]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn cũng có nói đến khả năng nhập vai nhân vật "tôi", thuật chuyện thật đa dạng, sinh động của Nguyễn Khải, có khi với tư cách "người chứng kiến, xác nhận", có khi với tư cách "người trong cuộc, tự nếm trải, giãi bày [101,37]. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình thì chú ý đến Nguyễn Khải một ngòi bút "khiêm nhường" qua nhiều trang viết mang "tính tự thuật, tự chiêm nghiệm” [8,138 - 139]. . . . Nhà nghiên cứu Nguyễn Tuyết Nga chú ý đến Nguyễn Khải - người kể các mẫu chuyện với "sự khác biệt làm nên sự độc đáo cho bút ký, tạp văn” : "Đôi khi, nhà văn tự biến mình thành một nhân vật tham gia vào câu chuyện đế dẫn dắt, tạo tranh luận, hoặc như một dẫn chứng về một lối nghĩ, một lối hành động không đúng mà ông đang muốn phê phán" [78, 394]. Nghiên cứu nhân vật "Tôi" trong truyện ngắn Nguyễn Khải từ 1980 đến nay, tác giả Lê Thị Hồ Quang đánh giá : "Nhân vật "Tôi" là một hình tượng khá đặc sắc của Nguyễn Khải, một cái tôi đầy ý thức, luôn tự phân tích, xem xét và không ngại "chường mặt" mình trên trang viết" [96,123], với nhiều nét duyên khác nhau. Tác giả cũng chỉ ra "hạn chế không tránh khỏi" qua lối chuyển cực của Nguyễn Khải, nói như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, "từ cực đoan nọ đến cực đoan kia” [85.5, 112] . Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Hồ Quang, nó khiến tác phẩm của ông nhiều khi trở nên "lặp, đơn điệu", khiến lối văn "nhìn nhận, đánh giữ" của ông không phải lúc nào cũng hợp với mọi tạng người, nhất là với giới trẻ. Tuy vậy, tác giả cũng mạnh dạn đánh giá cao đóng góp của Nguyễn Khải : với việc xây dựng chủ thể "Tôi”, Nguyễn Khải đã có "một sáng tạo đặc sắc riêng" trong việc xây dựng "kiểu con người tụy thức của văn học giai đoạn mới". Sự thay đổi giọng điệu văn chương ở Nguyễn Khải là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý. Trong đó, một số tác giả, khi khảo sát những chặng đường văn Nguyễn Khải, vẫn xem Mùa lạc và loạt tác phẩm viết ở nông trường Điện Biên như một dấu hiệu "chín" của nhà văn, mà bẵng một lúc sau đó, người ta vẫn mong Nguyễn Khải tìm lại được cho mình chất giọng "tha thiết, đắm đuối", "đầm ấm, nhẹ nhàng, thiết tha rung động" [85.5, 88 ], với nhiều đoạn "ham ta cảnh" khiến người đọc ngạc nhiên, trước tình cảm say sưa trọn vẹn của một con người "hoàn toàn hòa mình với cuộc sống" Sức hút đôi với giới nghiên cứu văn xuôi tự sự của Nguyễn Khải về phương diện này chính là ở lối viết vẫn thiên về khám phá, “tóm bắt” một cách tinh nhạy, sắc sảo, nhưng lại không ngừng vận động qua từng thời kỳ, ngày càng "ấm nóng", "đôn hậu", "khoan hòa" [74.4 ; 85.5 ; 78 ; 104 ; 28.3 ; 93 ; ...]. Nhận xét khái quát về sự chuyển đổi giọng điệu văn chương Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà viết: "Giọng người kể chuyện vẫn thông minh, lôi cuốn như trước đây, nhưng mỗi ngày một mềm mại, uyển chuyển hơn. Trong cái nói đi đã có cái nói lại, bên cạnh sự tự tin đã có cái tự chế giễu mình, cuộc sống đã được nhìn từ nhiều phía khác nhau ...) Bản thân lời kể chuyện cũng giàu chất suy tư hơn, cái nghĩ đã thấm đượm nỗi buồn của người nhận ra ý nghĩa của thời gian và quy luật của đời sống" [123.2, 22 -23]. Khác một chút trong lối diễn đạt, nhưng cũng cùng sự nắm bắt, cảm nhận, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết về giọng văn Nguyễn Khải: ''Một cách nhìn có lui có tới, có thế này và có thế kia (...) từng trải hơn, nhẹ nhõm hơn” [85.5, 119]. Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ lối văn một giọng với cái nhìn xuôi chiều, phục vụ cho mục đích triết luận đến lối viết không ngừng khơi gợi đối thoại, Nguyễn Khải đã có ý thức phối hợp nhiều giọng văn khác nhau. Và chính ở đây, ông đã có đóng góp lớn vào việc hình thành “Lối văn hiện đại của thế kỷ XX" trong văn học ta [104, 29]. Nhà nghiên cứu Bích Thu cho rằng, ở Nguyễn Khải đã hình thành "lối văn tiểu thuyết đa thanh, hiện đại", các hiện tượng, vấn đề được Nguyễn Khải nhìn nhận, miêu tả "bởi sự phức hợp giọng điệu mang nhiều tiếng nối : giọng tác giả, giọng nhân vật, giọng người kể chuyện với nhiều sắc thái, âm điệu khác nhau, hòa trộn, đan xen, tranh cãi, đối lập" [1 19.1, 122 - 123]. Nhiều nhà nghiên cứu đã "bắt" được những sắc thái giọng điệu phong phú làm nên một phong cách không trộn lẫn ở Nguyễn Khải : vẫn sắc sảo mà vẫn đôn hậu ; hóm hỉnh có duyên ; vừa triết lý tranh biện lại vừa cà kê, tâm tình, chia sẻ ; vừa chiêm nghiệm, thâm thúy, sâu sắc lại vừa pha ngang tưng tửng, châm biếm, cười cợt, giễu nhại và tự giễu nhại ; ưu thế trong việc chắt lọc lối nói khẩu ngữ khi trang nghiêm trân trọng, khi đôn hậu trầm tư, khi thân mật suồng sã... [93 ; 85.5 ; 4.2 ; 14 ; 53 ; l01 ; 119.2 ;...]. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã khẳng định, chỉ có giọng văn đa thanh mới đủ khả năng phục vụ mục đích triết luận, và "Nguyễn Khải có ý thức rất rõ rằng ngôn ngữ đơn thanh sẽ khổng có đủ hiệu lực trong việc phân tích các vấn đề phức tạp của đời sống", và tất yếu, trong bảng pha màu ngôn ngữ của nhà văn "không thể thiếu tính phức điệu” nhờ đó, "nội dung của tác phẩm không bao giờ trùng khít với chính nó, mà vẫn có những khoảng trống chừa ra cho những liên tưởng của người đọc" [93.3, 362]. Chú ý đến hiện tượng càng về sau Nguyễn Khải càng có "biết bao khác biệt" [85.5], nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ, ngay từ cuối những năm 60, đã nhìn thấy những dấu hiệu chuyển biến ở văn xuôi tự sự của Nguyễn Khải : "càng về sau càng gắn kết chặt chẽ (...) với nhiều đoạn trữ tình phụ đề ngọt ngào, thi vị” [281,121]. Đó cũng là sự tin tưởng chắc chắn của nhà nghiên cứu Vũ Cao , tin rằng "Nguyễn Khải sẽ dần dần khắc phục bớt nhược điểm và chỗ mạnh riêng của anh ngày càng mạnh để tạo nên những tác phẩm có sức rung động sâu sắc, có nhân vật hoàn chỉnh hơn" [12, 228] Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng nêu ra thêm một đặc điểm làm nên sự "khác biệt", "không thể trộn lẫn” trong phong cách Nguyễn Khải : khả năng dung hòa nét "khô", "đơn điệu" ở những đoạn văn sính triết lý bằng cách "xổ giọng phong tục", đưa vào văn chương "giọng điệu dân dã, địa phương". Tuy "thành phần ngôn ngữ này ở trong tác phẩm Nguyễn Khải càng về gần đây càng hơi ít đi, (...), nhưng khi cảm thấy cần, anh vẫn biết dùng lại một cách hiệu quả” [4.2,121]. Về mặt này, theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khải - cùng với lớp nhà văn như Kim Lân, Võ Huy Tâm, Vũ Tú Nam, Ngô Ngọc Bội, ... có thể được coi như lớp hậu duệ, tiếp bước, duy trì và phát triển truyền thống văn xuôi phong tục. Các nhà văn đã khai thác, thể hiện khả năng quan trọng của ngôn ngữ tự sự chủ yếu ở khía cạnh miêu tả ngôn ngữ, xử lý chất giọng địa phương [4.1] ... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có nhận định về một phương diện văn chương góp phần làm nên phong cách Nguyễn Khải, qua những trang viết về Hà Nội và những con người của một thời Hà Nội xa xưa “Lấp lánh bụi vàng" : sự chiêm nghiệm, lịch lãm đã đưa văn Nguyễn Khải tiến đến gần sự "sang". Đó là những trang viết sang của một người "thích nói chuyện sang, thích nói giọng sang" [74.8, 322]. Nhà nghiên cứu Đinh Quang Tốn thì chỉ ra, "văn của Nguyễn Khải đã tiến gần đến sự sang", với những chi tiết miêu tả đã qua mà khiến người ta "cứ bâng khuâng mãi" [121, 378] . Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn - tuy không nói cụ thể như thế cũng ít nhiều đề cập đến phương diện này ở Nguyễn Khải : ngày càng trải đời, tinh tế, lịch lãm, có những nghiệm sinh sâu sắc từ quá khứ [101,138]. Hay với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, văn Nguyễn Khải về sau chuyển sang "giọng găm trầm, tâm thế hồi cố thích ngoái lại quá khư” [4.1,148 - 149]. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Anh thì chú ý đến giọng điệu ngày càng trĩu nặng nỗi nhân sinh của nhà văn [1]. Nhà nghiên cứu Vũ Quần Phương đã tìm ra lối đọc thích hợp với văn chương Nguyễn Khải: "Chỉ khó mấy trang vào truyện, khi nhập vào mạch nghĩ của anh rồi rất dễ bị cuốn theo anh. Thâm trầm nhưng sáng rõ, sâu sắc mà cụ thể. Và cách nói thì rất giản dị (...) Đọc anh, có cảm giác như cùng anh trò chuyện, anh khám, phá và ta cũng khám phá" [92, 345] Thâm nhập, khám phá cốt cách văn chương của Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn vừa chỉ ra được những sự vận động đổi mới của nhà văn, lại vừa thấy được sự nhất quán ở ông : "Vế mặt bút pháp thì trước sau Nguyễn Khải vẫn trung thành với mình : vẫn thích lối kể hơn lối tả. Vẫn không để ý nhiều tới cốt truyện, cái hình dáng của câu chuyện, mà tập trung vào việc làm nổi một nhân vật, một kiểu người, một cách sống. vẫn có một giọng văn vừa tự nhiên, vừa duyên dáng, cái duyên dáng dân dã, chứ khống phải do làm điệu làm dáng mà có. Dẫu sao, cho đến hôm nay, tương ứng với các nội dung nhân bản kia, giọng văn ấy mới trở nên hiền hòa thuần thục như chưa bao giờ nó từng cớ" [85.5, 119]. Thấy được đặc điểm vừa nhất quán, vừa có sự đổi thay, phát triển trong lối văn tự sự của Nguyễn Khải, trong Luận án Tiến Sĩ Ngữ văn 2000 của mình, tác giả Nguyễn Văn Kha cũng có viết : "Cái mới ở Nguyễn Khải không nảy sinh từ chỗ phá bỏ cái cũ, mà là mở rộng, làm đa dạng, phong phú hơn từ cái cốt ban đầu sẵn có, không ngừng đổi mới nhưng cũng hết sức nhất quán" [57, 67 - 70]. Sự nghiệp sáng tác đa dạng, phong phú và quá trình hình thành một phong cách nghệ thuật riêng biệt trong đời văn Nguyễn Khải - nhìn chung - quả đã có một sức hút mạnh mẽ với giới nghiên cứu văn chương, nhất là ở phương diện nghệ thuật tự sự. Tuy nhiên, điểm qua hệ thống các bài viết, công trình nghiên cứu về tác phẩm Nguyễn Khải, đặc biệt là ở phương diện này, theo chúng tôi, thật sự vẫn còn thiếu một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, toàn diện, sâu sắc. Khảo sát các ý kiến đánh giá, đóng góp, nhận định của các nhà nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc tiếp cận nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khải trước nay hoặc thiên về bao quát, tổng hợp, hoặc thiên về một khía cạnh nào đó, ở một dung lượng nhất định. Nhưng, những ý kiến, nhận định trên đều có những chỗ xác đáng, mà từ đó, có thể gợi ra tiếp những hướng nghiên cứu khoa học sâu hơn về Nguyễn Khải. Kế thừa, học tập, vận dụng và tổng hợp nguồn tài liệu phong phú có liên quan đến vấn đề nghiên cứu từ các nhà khoa học đi trước, trình bày những ý kiến riêng của một lớp bạn đọc Nguyễn Khải trong giai đoạn mới, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu nghệ thuật kể chuyện trong văn xuôi tự sự của Nguyễn Khải và phát triển nội dung nghiên cứu này thành một luận văn nghiên cứu khoa học. 3. Phạm vi nghiên cứu Nguyễn Khải là một trong những nhà văn hiện đại có những đóng góp đáng kể vào diện mạo và tiến trình văn học hiện đại Việt Vàm sau 1945 ở nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật, nên nghiên cứu Nguyễn Khải, không thể tách rời hai phương diện này. Tuy vậy, do nhu cầu nghiên cứu và những hạn chế nhất định của bản thân, của nguồn tư liệu và quỹ thời gian cho phép, chúng tôi chỉ tập trung vào nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khải. Mặt khác, do Nguyễn Khải là nhà văn có sức viết dồi dào, với hệ thống sáng tác đa dạng, phong phú về thể loại, nên việc nghiên cứu sâu toàn bộ tác phẩm của ông về phương diện nghệ thuật thật sự đòi hỏi nhiều sự đầu tư công phu. Trong giới hạn khả năng, chúng tôi chỉ đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải. Nhưng, vì ở Nguyễn Khải, đôi lúc có sự không dứt khoát trong việc xác định thể loại tác phẩm, đôi lúc ranh giới thể loại sáng tác của nhà văn không được rõ ràng, nên khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Khải, chúng tôi chủ yếu dựa trên các đầu sách mà trong giới hạn tìm kiếm, có thể có được. Trong đó, ngay bản thân các nhà xuất bản cũng chưa thật dứt khoát, thống nhất trong việc xác định tên gọi hợp lý về thể loại cho các tác phẩm, là truyện, truyện ngắn hay truyện vừa, chưa kể trường hợp được biệt loại trong truyện nghề. Chẳng hạn, các sáng tác Những người già, Lính chữa cháy được xếp vào phần tạp văn trong "Truyện ngắn và tạp văn Nguyễn Khải" (Nxb Trẻ, Tp. HCM 1997); và là truyện ngắn trong "Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải" (Nxb Hội Nhà Văn, H. 2002). Hiện tượng này có thể thây trong hàng loạt các tác phẩm khác của nhà văn, như : Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Hãy đi xa hơn nữa, Tầm nhìn xa, Người trở về, Một giọt nắng nhạt, Cái thời lãng mạn, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu, Danh dự, sống ở đời. Cho nên, trên thực tế, sự khảo sát truyện ngắn Nguyễn Khải cũng nằm trong giới hạn tương đối về thể loại, và theo chúng tôi nghĩ, không nên có sự dứt khoát, rạch ròi. Có như thế, việc nghiên cứu sẽ không bị rơi vào phiến diện, gượng ép, mà từ những tác phẩm cụ thể được khảo sát, chúng tôi vừa có thể đưa ra cái nhìn hệ thống hơn về những đặc điểm nghệ thuật riêng của truyện ngắn Nguyễn Khải, đồng thời thấy được sự thống nhất chung, những ảnh hưởng chung trong toàn bộ văn mạch của ông - một trong những gương mặt văn chương đặc biệt không ngừng phấn đấu, dấn thân trên hành trình lao động sáng tạo nghệ thuật, không ngừng tự vượt mình với những cuộc cách tân làm thành những dâu ấn đáng chú ý của một phong cách riêng biệt, không thể lẫn lộn. Ngoài ra, phục vụ cho mục đích tìm hiểu sự học tập, kế thừa và những ảnh hưởng qua lại giữa Nguyễn Khải với bối cảnh văn chương thời đại và các phong cách văn chương khác, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có tiến hành liên hệ, đối chiếu, so sánh sáng tác của Nguyễn Khải với sáng tác của một số tác giả văn học trước - cùng thời và sau ông , như : Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh,... 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau đây : PHƯƠNG PHÁP HỆ THỐNG Đây là một trong những phương pháp bao trùm trong thi pháp học. Nói đến hệ thống là nói đến chỉnh thể, trong đó có các yếu tố và những mối quan hệ tự thân giữa các yếu tố ấy với nhau. Sử dụng phương pháp hệ thống là thao tác cần thiết để xác lập được tính nhất quán trong phong cách nghệ thuật của một nhà văn. Bởi vì, những đặc điểm nghệ thuật đưa ra nghiên cứu, khảo sát không chỉ hiện diện trong một vài tác phẩm riêng lẻ, mà nó trở thành yếu tố bền vững trong suốt một chặng đường lao động nghệ thuật, suốt một đời văn. Với Nguyễn Khải, dù có những cách tân đến ngạc nhiên , trước sau ông vẫn giữ được những nét nhất quán trong ngòi bút. Trên cái nền ấy, mới có một Nguyễn Khải không ngừng tìm tòi, làm những cuộc tự vượt mình trong từng giai đoạn văn học, nhưng không vượt khỏi "cái đường ray nghệ thuật" căn bản của mình. Sử dụng phương pháp này, chúng tôi muốn nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải theo hướng khảo sát từng yếu tố của nghệ thuật kể chuyện vào hệ thống chung là nghệ thuật kể chuyện, phân tích những mối quan hệ giữa các yếu tố đó với nhau, đồng thời, đặt nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Khải vào tiến trình vận động và phát triển chung của thể tự sự dân tộc của văn học Việt Nam hiện đại sau 1945. PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH - SO SÁNH Áp dụng phương pháp này, chúng tôi muốn làm rõ những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khải. Ngoài việc đối chiếu, so sánh sáng tác của nhà văn trong từng giai đoạn để chỉ ra những điểm khắc phục, kế thừa và phát huy, chúng tôi còn tiến hành so sánh với sáng tác của các tác giả khác : Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh,... để thấy được nét riêng của phong cách nghệ thuật của nhà văn ở thể loại này. PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ PHÂN LOẠI Khảo sát nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Khải, nhất thiết phải chỉ ra được những thành công, hạn chế, những sự khắc phục và phát huy của nhà văn trong từng giai đoạn sáng tác. Cho nên, sử dụng phương pháp thống kê phân loại, chúng tôi muốn đưa ra được những cứ liệu cụ thể, chính xác trong quá trình nghiên cứu, nhằm tăng tính thuyết phục cho những vấn đề được trình bày trong luận văn. Các phương pháp trên đây có mối quan hệ mật thiết với nhau và được chúng tôi kết hợp sử dụng trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện luận văn này. 5. Đóng góp của luận văn Nói đến nghệ thuật kể chuyện, thì đối tượng là tác phẩm tự sự. Với Nguyễn Khải, văn xuôi tự sự được nhà văn vận dụng vào nhiều thể loại sáng tác khác nhau : tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn, tạp văn,... ở đây, phạm vi quan tâm của chúng tôi được giới hạn trong thể loại truyện ngắn. Tuy góp mặt từ sau 1945 và không có sự phân định thời kỳ sáng tác như các nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, v.v..., nhưng con đường lao động sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Khải cũng có những bước chuyển biến nhất định, gắn liền với những khúc quanh lịch sử của Cách mạng và thời đại. Ở mỗi giai đoạn, Nguyễn Khải được bạn đọc và giới nghiên cứu quan tâm, chú ý ở những phương diện khác nhau. Chúng tôi muốn tiến hành khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Khải qua các chặng đường văn ấy, để qua đó, thấy được rõ hơn độ "chín" của nghệ thuật kể chuyện
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan