Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nghệ thuật chơi chữ trên báo tuổi trẻ cười...

Tài liệu Nghệ thuật chơi chữ trên báo tuổi trẻ cười

.PDF
108
694
141

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC Xà HỘI&NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN NGUYỄN KHÔI NGUYÊN NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ TRÊN BÁO TUỔI TRẺ CƯỜI Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: ThS.GV NGUYỄN THỊ THU THỦY Cần Thơ, năm 2011 -1- PHẦN MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài Chơi chữ là sự vận dụng có nghệ thuật các tiềm năng ngôn ngữ trên các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… Chơi chữ luôn mang lại sự thú vị bất ngờ. Nghiên cứu về chơi chữ giúp người đọc khám phá và lĩnh hội những cái hay, cái đẹp mà nó đem lại. Từ trước đến nay, nghệ thuật chơi chữ trên báo chí vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ trong khi chơi chữ trên văn chương đã được đem ra phân tích, bình giá một cách phổ biến và rộng rãi. Hiện nay, báo chí Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa. Bên cạnh việc ghi nhận những giá trị tốt đẹp, báo chí còn kịp thời phản ánh những hiện tượng sai trái trong xã hội. Muốn phơi bày, đả kích có hiệu quả, người làm báo ắt hẳn sẽ vận dụng tối đa các biện pháp tu từ, trong đó có chơi chữ để gây ấn tượng, tạo nên hiệu quả diễn đạt sâu sắc tới người đọc. Việc vận dụng chơi chữ quả thật rất cần thiết để người làm báo đại diện nhân dân lên tiếng và góp phần tác động đến dư luận. Nghiên cứu chơi chữ trên báo chí, cụ thể là báo Tuổi Trẻ Cười là một công việc vừa lí thú, lại vừa thực tiễn. Luận văn này cố gắng phát hiện những ứng dụng của nghệ thuật chơi chữ vào trong đời sống. Nếu trước đây, nhiều người xem chơi chữ trong văn chương như biểu hiện tài năng của người sáng tác; thì nay, chơi chữ gắn liền với báo chí có một chức năng quan trọng hơn: đó là tác động dư luận bằng ấn tượng của mình. Chơi chữ không đơn thuần là trò vui chữ nghĩa của các bậc tiền bối bên cạnh trà dư tửu hậu mà là một cách tu từ có tác dụng quan trọng đối với người làm báo. Tóm lại, mục đích của người viết đề tài này là kiểm tra, vận dụng kiến thức bốn năm đã học trên giảng đường, đồng thời mong muốn mở ra một cái nhìn mới về chức năng, vai trò của chơi chữ trên báo chí mà trước đến nay hầu như rất ít được đề cập và tìm hiểu. Đó là những lí do mà chúng tôi quyết định chọn đề tài “Chơi chữ trên báo Tuổi Trẻ Cười” để khảo sát và nghiên cứu. II. Lịch sử vấn đề -2- Như đã nói, Chơi chữ trên báo Tuổi Trẻ Cười là một đề tài còn khá mới mẻ. Bài viết nghiên cứu về chơi chữ trên báo chí gần đây nhất là của Hoàng Anh với tiêu đề Chơi chữ trên báo chí đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ (số 3, năm 2003). Nhìn chung, bài viết của tác giả chỉ là những phác thảo rất sơ lược, chủ yếu tập trung vào việc phân loại các kiểu chơi chữ nhưng chưa có tính hệ thống và thiếu khách quan. Bài viết của Hoàng Anh vì thế có giá trị gợi mở để tìm hiểu, nghiên cứu. Trong khi đó, ngay từ những năm 1983, Cù Đình Tú trong Phong cách học tiếng Việt đã có nhận định: “Nó (chơi chữ) được dùng nhiều trong các phong cách ngôn ngữ: khẩu ngữ tự nhiên, phong cách chính luận, phong cách ngôn ngữ văn chương…Ở tất cả phong cách này, nó thường được dùng để châm biếm, đả kích cái trái cựa hoặc để đùa vui.” [ 25; 206]. Dù không đề cập đến phong cách ngôn ngữ báo chí (lúc này tác giả chưa xem phong cách ngôn ngữ báo chí là một phong cách chức năng) nhưng ý kiến trên của Cù Đình Tú đã khẳng định: chơi chữ được vận dụng rộng rãi và có gần như hầu khắp các phong cách ngôn ngữ chứ không riêng gì văn chương. Vậy mà cho đến nay, các công trình viết về chơi chữ luôn lấy các tác phẩm văn chương làm đối tượng. Vô tình, các tác giả đã tự thu hẹp phạm vi của việc vận dụng chơi chữ. Trở lại lịch sử các công trình nghiên cứu về chơi chữ, người viết tạm chia thành 2 giai đoạn chính: trước và sau 1975. Trước 1975, vấn đề về chơi chữ (lúc này được gọi là lộng ngữ) có được nhắc đến sơ lược trong công trình Việt Nam văn học sử yếu [5] và Việt Nam thi văn hợp tuyển [6] của Dương Quảng Hàm dưới hình thức phân tích cái hay của chơi chữ trong thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương… một cách tài tử. Sau 1975, cùng với sự phát triển của Phong cách học, vấn đề về chơi chữ dần được xem xét và hiển nhiên, nó trở thành một trong những đối tượng của Phong cách học tiếng Việt. Kể từ đây, các công trình chuyên khảo về chơi chữ trên văn chương lần lượt xuất hiện và đạt nhiều thành tựu. Nhìn chung, kể từ sau 1975, vấn đề chơi chữ bắt đầu được chú ý và được trình bày có hệ thống. Điều này được trình bày trên hai lĩnh vực: 1/ Trên lĩnh vực lí luận, nổi bật là bài giảng Tu từ học tiếng Việt hiện đại của Cù Đình Tú xuất bản năm 1975. Sau đó được chỉnh lí, bổ sung trở thành công trình Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt [ 25 ]. Ở công trình này, tác giả đã đề cập những -3- vấn đề chung nhất về chơi chữ. Tác giả đã định nghĩa chơi chữ và phân loại nó một cách có hệ thống, khoa học. Hình thức nói lái được nêu tiếp theo (cùng tiểu mục chơi chữ-nói lái). Theo tác giả: “Chơi chữ - nói lái là một trong những cách tu từ cấu tạo theo quan hệ tổ hợp bên cạnh: điệp từ, đồng nghĩa kép, tiệm tiến, đột giáng, tương phản, im lặng, khoa trương , nói giảm và tập Kiều” [ 25;197]. Đóng góp quan trọng của Cù Đình Tú là đã chỉ ra vị trí vai trò chơi chữ trong bức tranh chung của phong cách học tiếng Việt. Những kết quả này về sau được dẫn lại trong một số công trình nghiên cứu chơi chữ mà người viết sẽ làm rõ ở những chương sau. Mười năm sau công trình của Cù Đình Tú, hai tác giả Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa cho ra mắt quyển Phong cách học tiếng Việt [9]. Tác phẩm có nhiều phát hiện, đóng góp. Trong đó, quan trọng nhất là việc biện luận và đưa phong cách báo chí-công luận trở thành một phong cách chức năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi khảo sát về chơi chữ, các tác giả lại trình bày khá vắn tắt từ khái niệm đến việc phân loại. Nói lái lúc này được tách thành một mục riêng độc lập mặc dù các tác giả cũng khẳng định: “Nói lái cũng là một cách chơi chữ” [9; 221]. Dù khá sơ lược nhưng Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa đã chỉ ra thêm một số biện pháp chơi chữ, trong đó có lối tách từ, lối ghép từ mới. Cả hai cũng đi tìm các hình thức có sử dụng chơi chữ bắt nguồn trong dân gian như câu đố, hát đối đáp… Phan Ngọc đi tìm bản chất của chơi chữ và tâm lý tiếp nhận chơi chữ của người đọc, người nghe thông qua quyển Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học [11]. Nội dung xoay quanh chơi chữ được trình bày trong phần Cấu trúc ngôn ngữ và cảm giác thẩm mỹ. Phan Ngọc đã thử phân loại một số kiểu chơi chữ phổ biến. Từ đó, tác giả tập trung khai thác bản chất của các phương tiện ngôn ngữ để vận dụng chơi chữ và phản ứng thẩm mỹ của người đọc khi tiếp nhận một thông báo có chơi chữ. Theo ông, phân tích chơi chữ bằng phương pháp của ngôn ngữ học là việc cần làm và phù hợp hơn là chỉ ra chơi chữ để rồi phê bình cái hay cái đẹp theo dạng cảm thức, tài tử. Có thể xem đây là đóng góp quan trọng trong nỗ lực phân tích cái hay, cái lí thú bất ngờ của chơi chữ thông qua thao tác và con đường của ngôn ngữ học. Trên lĩnh vực chuyên khảo, không thể không nhắc đến quyển Chơi chữ của Lãng Nhân [12 ]. Sách chia làm 12 phần: 1. Hoành phi, trướng; 2. Câu đối; 3. Lục bát, song thất -4- lục bát; 4. Tập Kiều, vịnh Kiều; 5. Hát ả đào; 6. Thơ ngũ ngôn; 7. Thơ thất ngôn; 8. Văn biền ngẫu; 9. Thổ âm, thổ ngữ; 10. Dịch ngoại ngữ; 11. Văn thơ Việt Nam hóa; 12. Quốc ngữ chữ nước ta. Sách có nhiều tư liệu quý. Tiếc thay, do không định nghĩa chơi chữ nên rất nhiều phần trong tác phẩm không phải là chơi chữ lại được trình bày một cách công phu. Tình hình diễn ra tương tự với việc phân loại chơi chữ. Lãng Nhân không đưa ra cụ thể các kiểu chơi chữ mà chỉ đề cập đến nó bằng việc phân loại các hình thức có vận dụng chơi chữ nên dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu sót. Đến công trình Sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt - Thú chơi chữ [ 8 ] của hai tác giả Lê Trung Hoa (chủ biên)-Hồ Lê, chúng tôi nhận thấy đây là công trình có những thành tựu nhất định trong việc tìm tòi, phân định chơi chữ một cách có hệ thống. Trong từng biện pháp chơi chữ cụ thể, các tác giả cũng trình bày đặc điểm và bản chất của chúng. Tuy vậy, do không đưa ra định nghĩa về chơi chữ nên các tác giả không khu biệt được chơi chữ và các cách tu từ khác. Chính vì vậy mà một số trường hợp được xem là chơi chữ nhưng không được giải thích thỏa đáng. Ví dụ như “các lối chơi chữ xung quanh Truyện Kiều” [8 ; 259-274] thực chất là tập Kiều hoặc các hình thức họa thơ-trên đại thểkhông phải là chơi chữ. Chưa kể, có nhiều biện pháp chơi chữ như: tả chữ, xáo chữ, phái sinh thật và giả…vốn xa lạ với tâm lý người Việt và chưa được các tác giả giải thích một cách rõ ràng, thuyết phục. Mãi đến năm 2000, bức tranh chung về nghiên cứu chơi chữ mới xuất hiện thêm nhiều gam màu sáng. Triều Nguyên với tác phẩm Nghệ thuật chơi chữ trên ca dao người Việt [14] đã đề cập đến chơi chữ một cách tương đối đầy đủ, rõ ràng. Song, do phạm vi khảo sát của công trình là ca dao nên nguồn tư liệu về chơi chữ chưa phong phú. Trước những hạn chế trên, sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, Triều Nguyên đã công bố công trình Nghệ thuật chơi chữ trên văn chương người Việt. Công trình này được chia làm bốn quyển: Tập 1 - Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm, chữ viết; Tập 2 Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ nghĩa; Tập 3 - Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ pháp, luật thơ và phong cách văn bản; Tập 4 - Chơi chữ có sự tham gia của ngữ liệu ngoài văn bản. Có thể nói, cho đến nay, Nghệ thuật chơi chữ trên văn chương người Việt của Triều Nguyên là công trình chuyên khảo công phu, có hệ thống và tương đối đầy đủ nhất. Đó là sự tiếp thu, kế thừa có chọn lọc thành tựu của các tác giả đi trước, đồng thời -5- bổ sung nhằm hoàn thiện “bức chân dung chơi chữ”. Triều Nguyên là đã chọn ra khái niệm chơi chữ, phát hiện và biện luận một số biện pháp chơi chữ mới. Công trình của ông có nhiều phát hiện mới mẻ, chẳng hạn như chơi chữ dựa vào ngữ liệu ngoài văn bản, chơi chữ dựa vào luật thơ… Tuy nhiên, Triều Nguyên cần có thêm ý kiến đóng góp của những chuyên gia ngôn ngữ và văn chương để tác phẩm của ông đạt được mục đích: “nghiên cứu gần toàn diện các phương thức, ý nghĩa và hiệu quả của chơi chữ… để cho thấy cái hay, cái đẹp của một bộ phận sáng tác tài hoa.” [15; 5] Trên đây là toàn cảnh công việc tiếp cận phân tích chơi chữ. Qua những công trình vừa nêu, rõ ràng tìm hiểu chơi chữ trên báo chí vẫn còn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Chính vì thế, bằng tâm huyết và sự hết mình, sự nghiêm túc và cầu thị, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề về chơi chữ bằng tất cả khả năng của mình. III. Mục đích, yêu cầu Trong những năm gần đây, ngôn ngữ học nghiên cứu lời nói đang trở thành một xu hướng . Chính sức hấp dẫn và tính thực tiễn là hai trong số những nguyên nhân chính giúp cho việc nghiên cứu sự vận dụng ngôn ngữ trong lời nói, trong hoạt động giao tiếp xã hội trở nên phổ biến. Chơi chữ là một phương thức diễn đạt đặc biệt, dựa trên đặc điểm tiếng Việt để tạo nên ấn tượng đối với người đọc, người nghe. Nó trở thành một lĩnh vực có sức thu hút hấp dẫn cho cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Có điều, muốn vận dụng được những phương tiện, cách thức của tiếng Việt để tạo nên một thông báo có chơi chữ, đòi hỏi người sáng tạo phải vừa giỏi chữ nghĩa, vừa dí dỏm, hài hước. Người tiếp nhận hoặc nghiên cứu cũng phải trang bị vốn kiến thức về văn chương, ngôn ngữ mới có thể lĩnh hội và chỉ ra cái độc đáo, thú vị mà chơi chữ đem lại. Thông qua việc tìm hiểu đề tài Chơi chữ trên báo Tuổi Trẻ Cười, chúng tôi cố gắng thể hiện sự phong phú cũng như cái hay cái đẹp, cái lí thú bất ngờ của chơi chữ trên nhiều bình diện mà ở bình diện nào, nó đều đạt được những thành công nhất định. Trong đó, chơi chữ tỏ ra có hiệu quả khi đề cập những cái trái khoáy, bất thường đến nghịch lí trước những hiện tượng xã hội được đề cập trên báo chí, cụ thể là báo Tuổi Trẻ Cười. Chúng tôi sẽ chỉ ra tầm quan trọng cũng như tác dụng của chơi chữ trên báo chí. -6- Để đáp ứng những yêu cầu trên, chúng tôi sẽ hệ thống hóa các phương tiện, cách thức chơi chữ trong thực tiễn nói năng của người Việt. Từ đó, đi sâu vào chơi chữ trên lĩnh vực báo chí, chỉ ra hiệu quả thẩm mỹ đồng thời phân tích, lí giải ngữ liệu phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Tóm lại, đây là công trình vừa có tính chất lí thuyết vừa mang tính ứng dụng: nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ dưới ánh sáng của ngôn ngữ học. Ngoài ra, thông qua vấn đề về chơi chữ, chúng tôi mong muốn góp phần cho người đọc thấy cái hay, cái đẹp, sự linh hoạt của tiếng Việt để. Từ đó, có ý thức vận dụng tiếng Việt một cách chính xác, vừa hay và nghệ thuật, đúng như những gì mà Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải quý trọng nó, giữ gìn và làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”(Bài nói chuyện với Đại hội Nhà báo, 1962). IV. Phạm vi nghiên cứu Từ trước đến nay, do nhiều lí do, chơi chữ chỉ được xem xét trên phạm vi các tác phẩm văn chương, có lẽ vì văn chương luôn gây hấp dẫn và là “môi trường” đa dạng, phong phú để khảo sát. Trong luận văn này, người viết muốn đặt chơi chữ vào môi trường báo chí để thấy cái thú vị, độc đáo, cái trái cựa bất ngờ. Từ lẽ đó, người viết đã chọn báo Tuổi Trẻ Cười-một trong những phụ san châm biếm hàng đầu tại Việt Nam-để tiến hành khảo sát. Để công việc nghiên cứu đạt kết quả, khách quan, người viết đã chọn hai năm báo Tuổi Trẻ Cười với hơn 48 số làm ngữ liệu. Ngữ liệu ở đây là toàn bộ phần cốt lõi của báo bao gồm tiêu đề, nội dung chính trên tất cả các mục. Trong quá trình thực hiện, nhằm minh họa và làm rõ vấn đề cũng như để thuận tiện cho việc đối chiếu, so sánh, chúng tôi có sử dụng những ngữ liệu từ các tác phẩm văn chương, từ lời nói sinh hoạt hằng ngày và các báo, tạp chí khác. Đây được xem là nguồn ngữ liệu bổ sung có tác dụng làm rõ đề tài. V. Phương pháp nghiên cứu Trên thực tế, chơi chữ là sự vận dụng rất nhiều các phương tiện ngôn ngữ trên các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp nên chúng tôi đã vận dụng các kiến thức của mình trên các mặt của ngôn ngữ tiếng Việt. Chính vì vậy, chúng tôi đã có ý thức sử dụng các -7- phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ để làm kim chỉ nam cho việc tìm hiểu, phân tích đề tài. Các thao tác cụ thể như sau: 1/ Thống kê: Chúng tôi tập hợp ngữ liệu cần thiết trong khả năng và thời gian cho phép để từng bước chọn lựa những biện pháp chơi chữ phù hợp với định nghĩa đã được xây dựng. Ngữ liệu này như đã nói bao gồm ngữ liệu chính là các biện pháp chơi chữ trên báo Tuổi Trẻ Cười; ngữ liệu bổ sung bao gồm các phương thức chơi chữ tồn tại trên các tác phẩm văn chương, các báo và tạp chí khác…Đối với những hiện tượng chơi chữ còn nghi hoặc, người viết xếp loại riêng để dần khảo sát. Từ ngữ liệu, chia tỉ lệ phần trăm các phương thức chơi chữ để cho thấy tần số xuất hiện chơi chữ . Cứ liệu này sẽ được vận dụng để làm dẫn chứng minh họa. 2/ Phân tích: Từ nguồn ngữ liệu, xem xét và phân tích chúng thuộc dạng nào để phân loại cho hợp lí. Đồng thời chỉ ra bản chất và đặc điểm chơi chữ của từng loại. 3/ Mô hình hóa: Nhằm tiện theo dõi và cụ thể hóa vấn đề, chúng tôi cố gắng sử dụng phương pháp mô hình hóa các hiện tượng có liên quan đến chơi chữ và bản thân chơi chữ. Thao tác này giúp người đọc nắm bắt nhanh, có hệ thống vấn đề. Cũng cần nói thêm, trước khi thực hiện các thao tác nói trên, chúng tôi phải đọc các công trình nghiên cứu về chơi chữ để có điều kiện so sánh, rút ra những nhận định chung nhất để làm cơ sở lí luận cho việc phân tích các kiểu chơi chữ và tiện cho việc thống kê. -8- PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHƠI CHỮ 1.1 Khái niệm chơi chữ Trong bối cảnh của việc nghiên cứu khoa học nói chung và ngôn ngữ học nói riêng, thiết nghĩ, cần xác lập một hệ thống các khái niệm chính xác hoặc gần đúng nhất các thuật ngữ để từ đó làm tiền đề định hướng cho công tác nghiên cứu. Xác lập đúng và thống nhất các khái niệm-theo cá nhân người viết-giống như đã tìm ra được ngọn hải đăng để dẫn đúng đường mà không lạc lối. So sánh một cách hình ảnh, nhà khoa học-tức vị thuyền trưởng, người cầm lái con tàu sẽ chắc tay lái trên đại dương tri thức mênh mông một khi tìm được ngọn hải đăng cho mình. Tình hình tương tự với thuật ngữ “chơi chữ”. Nếu khái niệm được miêu tả gần nhất với bản chất hiện tượng thì từ đây, việc tiếp cận chơi chữ sẽ trở nên hợp lí, tránh sai sót. Tuy nhiên, dựa vào thực tế khảo sát từ trước cho đến những năm đầu của thế kỉ XXI, khái niệm về chơi chữ vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất. Trong Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê viết: “ Chơi chữ (lộng ngữ) là lợi dụng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa…trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước,..) trong lời nói” [18 ;166]. Từ điển văn học đưa ra nhận định: “Lộng ngữ là một biện pháp tu từ, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn cảnh,…được vận dụng một cách đặc biệt, nhằm đem lại những liên tưởng những bất ngờ, lí thú” [ 7;104]. -9- Chung quanh thuật ngữ này, Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa đưa ra ý kiến: “Chơi chữ là phương thức dùng âm thanh, từ ngữ, hàm ý để tạo ra lượng ngữ nghĩa mới bất ngờ, thú vị” [9 ;219 ]. Đáng chú ý là quan niệm của Cù Đình Tú, ông cho rằng: “Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh hoạt các tiềm năng về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt nhằm tạo nên phần tin khác loại song song tồn tại với phần tin cơ sở. Phần tin khác loại này-tức lượng ngữ nghĩa mới-là bất ngờ về bản chất và không có quan hệ phù hợp với phần tintức thông báo-cơ sở.”[ 25;206]. Nếu như nhận định của các tác giả như Hoàng Phê, Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa về khái niệm chơi chữ còn chung chung, mơ hồ, lẫn lộn giữa chơi chữ và các cách tu từ khác thì Cù Đình Tú cơ bản đã khắc phục được vấn đề này. Từ khái niệm, tác giả đã khu biệt được đâu là chơi chữ, đâu là ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa. Bên cạnh đó, ông đã xếp chơi chữ “là một trong những cách tu từ theo quan hệ tổ hợp cùng với điệp từ ngữ, đồng nghĩa kép, tiệm tiến, đột giáng, tương phản, im lặng, khoa trương, nói giảm”. [25;197] Các cách tu từ thuộc loại này “đều có tính ý thức và chủ động sắp xếp từ ngữ theo quan hệ tổ hợp nhất định trong khuôn khổ kết cấu tiếng Việt [25; 197] Quan điểm trên của Cù Đình Tú được đa số các nhà nghiên cứu Phong cách học tiếng Việt tán thành. Khái niệm về chơi chữ của ông được dẫn lại trong các công trình của Triều Nguyên, Phan Ngọc…Đóng góp của Cù Đình Tú trên lĩnh vực chơi chữ là đáng quý, đáng trân trọng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Trong khái niệm chơi chữ, tác giả có viết: “…Phần tin khác loại này-tức lượng ngữ nghĩa mới-là bất ngờ về bản chất và không có quan hệ phù hợp với phần tin-tức thông báo-cơ sở.” [25; 206]. .Xét về nghĩa, việc nội dung cơ sở và nội dung bổ sung “không có quan hệ phù hợp” như Cù Đình Tú đã nêu có thể hiểu, nghĩa của thông báo cơ sở và nghĩa của thông báo bổ sung hoàn toàn gây bất ngờ cho người đọc, chúng không tương hợp nhau, thậm chí trái ngược. Xét về hình thức ngữ âm (phần này Cù Đình Tú không nhấn mạnh), ta thấy giữa phần tin-tức nội dung cơ sở và phần tin khác loại-tức nghĩa mới là không phù hợp nhau nhưng chúng có cùng một hình thức biểu đạt ít nhất trên một bình diện nào đó. Ví dụ, câu ca dao sau có sử dụng chơi chữ: -10- “Người ta đãi đỗ đãi vừng Người ta đãi chị, chị đừng đãi em”. (Ca dao) Cùng hình thức biểu đạt là “đãi” nhưng đãi1 và đãi2 là thao tác gạn bỏ những tạp chất lẫn vào gạo hoặc ngũ cốc; đãi3 và đãi4 là hành động đối xử tệ bạc. Đây là trường hợp của biện pháp chơi chữ dựa vào hiện tượng đồng âm. Một ví dụ khác trong chơi chữ theo lối tách từ : “Lì xì”: lì mà không xì” (Mực Tím; 2-4-2002) Chơi chữ theo cách này vẫn khai thác hình thức biểu đạt làm phương tiện để chơi chữ. Có thể khẳng định, khi đọc một thông báo có sử dụng chơi chữ, ta sẽ thấy bề mặt ngôn ngữ tức hình thức biểu đạt hướng người đọc hiểu theo nghĩa này nhưng thực tế lại dẫn đến một nghĩa khác gây nên bất ngờ. Sự “đánh tráo” ngữ nghĩa này mới thực sự gây ấn tượng, thú vị cho người tiếp nhận chơi chữ. Có lẽ Triều Nguyên trong “Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt” đã thấy được điều đó. Ông kiến giải và giới thuyết: “Chơi chữ là phương thức diễn đạt đặc biệt, sao cho ở đó song song tồn tại hai lượng thông tin (ngữ nghĩa) khác hẳn nhau, được biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa” [14 ;13]. Từ những giới thuyết, phân tích của các tác giả đi trước kết hợp với thực tiễn khảo sát, chúng tôi xin đưa ra một cách hiểu về chơi chữ: “Chơi chữ là biện pháp tu từ đặc biệt bằng cách vận dụng các tiềm năng ngôn ngữ bao gồm: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…để tạo ra song song hai lượng thông tin khác nhau về nghĩa nhưng được biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ ít nhất trên một phương diện nào đó; từ đó, tạo nên sự bất ngờ, thú vị và hài hước”. 1.2 Cơ sở và đặc điểm của chơi chữ tiếng Việt Chơi chữ ở nước nào cũng có. Song, chơi chữ trong tiếng Việt của người Việt được nhận định là rất đặc biệt, đa dạng và đặc sắc hiếm có. Trong các giáo trình dạy ngoại ngữ Anh-Mỹ, chơi chữ được gọi là “pun on words” hoặc “play on words”. Tuy nhiên, bản -11- chất và đặc thù ngôn ngữ của mỗi quốc gia là khác nhau nên không thể chú thích “play on words” bên cạnh chơi chữ tiếng Việt như một số học giả đã làm. Sự phong phú đặc biệt trong chơi chữ của người Việt có thể được lí giải thông qua chính đặc điểm của tiếng nói dân tộc ta. Có thể nói, tiềm năng ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt có bao nhiêu cái hay, cái đẹp thì chúng đều được nhân dân ta tiếp thu, sáng tạo và làm nên chơi chữ. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, trong đó đơn vị ngữ âm dễ tri nhận nhất và trực tiếp trong lời nói chính là âm tiết. Tuy không phải là đối tượng của ngôn ngữ học nhưng mỗi một đơn vị âm tiết trong tiếng Việt đều có điểm dừng và có thể mang nghĩa. Vì vậy, âm tiết thường trùng với từ. Mỗi một âm tiết hoặc từ tương đương được bật ra thành một “tiếng”. Độ dài mỗi tiếng như vậy là ngang nhau. Thêm vào đó, mỗi một âm tiết tiếng Việt đều tồn tại năm âm vị: thủy âm, âm đệm, chính âm, chung âm và thanh điệu (âm vị siêu đoạn tính). Tại đây, chính âm và chung âm gắn bó với nhau làm nên phần vần. Phần vần này lại có quan hệ lỏng lẻo với phần âm đầu (lúc này trùng với thủy âm). Do đó, giữa một từ có 2 âm tiết thì phần vần và âm đầu rất dễ hoán vị cho nhau. Số lượng âm tiết tiếng Việt khá lớn. Theo thống kê của Hồ Lê, con số này là khoảng 21.096 đơn vị. Số lượng âm tiết trùng với từ là khoảng 10.000 đơn vị. Dựa vào tính toán, 10.000 đơn vị ấy có thể kết hợp lẫn nhau để tạo ra một lượng từ, ngữ hai âm tiết vô cùng lớn. Tuy không phải tổ hợp hai âm tiết nào cũng có nghĩa nhưng xác suất xảy ra chơi chữ, nhất là nói lái khá lớn. Tình hình trên cũng tương tự với hệ thống âm vị. Khả năng kết hợp giữa phụ âm và nguyên âm là rất phong phú. Giả sử ta có âm vị /b/ khi kết hợp với các nguyên âm /a/, /e/,/i/,/u/,/o/,/  /… khi phân xuất trong lời nói đều mang nghĩa. Đây là một trong những cơ sở quan trọng tạo nên chơi chữ bằng cách điệp phụ âm đầu. Ngoài ra, tính phân tiết còn là tiền đề khách quan của sự phong phú của hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt. Yếu tố Hán Việt trong tiếng Việt cũng làm nên những màu sắc đa dạng trên bức tranh chơi chữ. Mỗi một hình vị trong từ Hán Việt lại có thể đồng âm với một từ trong từ thuần Việt, ví dụ: “thủ” nghĩa là “đầu” nhưng đồng âm với thủ trong thủ thỉ. -12- 1.3 Chơi chữ trong mối tương quan với các cách tu từ khác Xuất phát từ định nghĩa chơi chữ mà người viết vừa trình bày, có thể rút ra hai nhận xét về bản chất và đặc điểm chơi chữ: Một là, chơi chữ được thể hiện trên hầu hết các cấp độ, bình diện của ngôn ngữ tiếng Việt, trong lúc các cách tu từ còn lại chỉ thể hiện trên một vài cấp độ nhất định. Chẳng han, các cách tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, hoán dụ… được thể hiện trên cấp độ từ vựng, có sự chuyển nghĩa lâm thời. Các cách tu từ điệp từ ngữ, đồng nghĩa kép, tăng tiến, tương phản,… thể hiện chủ yếu ở đơn vị câu. Trong khi đó, phạm vi thể hiện của chơi chữ rộng hơn hẳn (trong quá trình phân loại chơi chữ ở chương I, người đọc sẽ thấy rõ đặc điểm này). Hai là, chơi chữ tạo ra một lượng thông tin (ngữ nghĩa) mới, nghĩa mới này là hoàn toàn bất ngờ, khác loại không liên quan so với nội dung cơ sở. Trong khi đó, nội dung cơ sở và nội dung khác loại của ẩn dụ, hoán dụ…đều được xác lập nhờ mối quan hệ liên tưởng về tư duy (liên tưởng từ những nét tương đồng, liên tưởng về mối quan hệ có thực giữa hai đối tượng) và được thể hiện bằng phương thức chuyển nghĩa. Các cách tu từ như điệp từ ngữ, đồng nghĩa kép, tăng tiến, tương phản…được hình thành nhờ mối quan hệ phối hợp về nghĩa (để tạo ra lượng thông tin mới, phù hợp với các thành tố ngữ nghĩa đã kết hợp mà làm nên). Về khía cạnh này, Triều Nguyên ví von: “Có thể ví các cách tu từ này như sự tỉa gọt, tạo dáng các bộ phận của một cây cảnh, sao cho nó phát huy được vẻ đẹp có thể có của mình, còn cách chơi chữ là hiện tượng lai đột biến hoặc lai ghép, khiến tạo nên chiếc lá, một khúc cành, một thân cây khác hẳn với những chiếc lá, các khúc cành, thân cây mà cây cảnh vốn có, trên cùng một gốc.” [15;13] Theo Cù Đình Tú: “Đặc điểm chung của những cách tu từ thuộc loại này là tính có ý thức và chủ động sắp xếp từ ngữ theo những quan hệ tổ hợp nhất định trong khuôn khổ của kết cấu từ vựng- ngữ pháp tiếng Việt nhằm tăng nhằm tăng thêm hiệu lực cho sự diễn đạt về mặt chức năng nhận thức hay biểu cảm” [25; 197] Để khu biệt chơi chữ, Cù Đình Tú đã nhấn mạnh sự khác biệt về nghĩa. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm yếu tố làm nên chơi chữ, đó là hình thức biểu đạt. Như -13- đã nói, hình thức biểu đạt trong một thông báo có chơi chữ thường có hai cách hiểu: cách hiểu của thông tin bình thường theo thói quen mà tự thân hình thức đưa đến; cách hiểu thứ hai là cách hiểu gây liên tưởng bất ngờ. Muốn có được cách hiểu thứ hai (tức phần tin khác loại-và cũng để xuất hiện chơi chữ) thì bản thân người tiếp nhận phải tinh ý, đủ trình độ, sự thông minh và thậm chí phải dí dỏm mới có thể hiểu ngay được. Vì vậy, người sáng tạo chơi chữ cũng phải có đầy đủ những tư chất như thế. Một phát ngôn vận dụng chơi chữ là một phát ngôn có tính toán, có chủ ý, có cân nhắc lựa chọn. Đây là những thao tác cơ bản đúng với lí luận của Phong cách học về các cách tu từ nhằm tạo hiệu quả diễn đạt. Trong quá trình phân loại, phân tích, chúng tôi sẽ tập trung vào hình thức biểu đạt (mặt vật chất của tín hiệu ngôn ngữ, tiềm năng ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp…) và nghĩa khác loại (nghĩa mới gây bất ngờ). Như vậy, nói theo Triều Nguyên, chơi chữ như việc cấy ghép lai tạo mà ở đó, nghĩa cơ sở là cây lá cùng loại, nghĩa mới là cây lá khác biệt được tạo trên cùng một gốc-tức hình thức biểu đạt. 1.4 Phân loại các biện pháp chơi chữ phổ biến Trước khi đi vào phân tích các cách chơi chữ, chúng tôi xin điểm qua tình hình phân loại chơi chữ của một số tác giả với các công trình tiêu biểu. Theo lẽ thường, cái gì hay thường khó tiếp cận. Chơi chữ là cách tu từ mang tính nghệ thuật cao, là sự thực nghiệm ngôn ngữ với nhiều tiềm năng trên nhiều cấp độ. Vì vậy, chơi chữ phong phú, đa dạng nên phức tạp trong việc phân loại. Trong tâm lý của người đọc, dường như chỉ cần phát hiện một thông báo có chơi chữ là đủ chứ không cần quan tâm đến việc tác giả đã chơi chữ theo kiểu gì, thuộc hệ thống nào. Vì vấn đề phân biệt các loại chơi chữ là việc làm rất cần thiết nên đa số các tác giả viết về chơi chữ đều có ý thức phân loại, hạn chúng. Để tiện cho việc theo dõi, người viết đã sơ đồ hóa tình hình phân loại chơi chữ theo quan điểm của các tác giả gồm: Cù Đình Tú với Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt (1983); Hồ Lê-Lê Trung Hoa với Sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt-Thú Chơi chữ (1990) và Triều Nguyên với Nghệ thuật chơi chữ trên văn chương người Việt (2008). -14-  Tác giả Cù Đình Tú đã sắp xếp các biện pháp chơi chữ trên 3 bình diện chính: chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm, từ vựng; chơi chữ bằng các phương tiện từ vựng-ngữ nghĩa; chơi chữ bằng các phương tiện ngữ pháp. Đó là ba “cái hộp” chính để các kiểu chơi chữ từ đó được xem xét xếp loại. Cụ thể: Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm-chữ viết: -Dùng các phương tiện cùng âm -Dùng cách phiên âm tiếng nước ngoài -Dùng cách điệp âm -Dùng cách chiết tự Chơi chữ bằng các phương tiện từ vựng-ngữ nghĩa: -Dùng từ cùng nghĩa -Dùng từ nhiều nghĩa -Dùng từ trái nghĩa -Dùng các từ có cùng trường ý niệm -Dùng các từ tố Hán Việt và thuần Việt tương đương Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ pháp -Tách và ghép các yếu tố trong câu theo quan hệ ngữ pháp khác nhau -Đánh tráo quan hệ ngữ pháp trong câu Có thể sơ đồ hóa cách phân loại của Cù Đình Tú như sau: Chơi chữ Chơi chữ dựa vào các phương tiện ngữ âmchữ viết Chiết tự Cùng âm Phiên âm Điệp âm Chơi chữ dựa vào các phương tiện ngữ nghĩa Cùng trường nghĩa Cùng nghĩa Nhiều nghĩa Chơi chữ dựa vào các phương tiện ngữ pháp Trái nghĩa Từ tố Hán Việt-thuần Việt tương đương  Trong khi đó, Hồ Lê và Lê Trung Hoa có cách phân loại: -15- Đánh tráo quan hệ ngữ pháp tách, ghép các yếu tố -Chơi chữ bằng cách nói lái -Chơi chữ bằng cách đảo từ, đảo ngữ, đảo cú -Chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm -Chơi chữ bằng cách trùng điệp -Chơi chữ bằng cách mô phỏng -Chơi chữ bằng hiện tượng đồng nghĩa -Chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm và đồng nghĩa -Chơi chữ bằng cách tạo ra hiện tượng nghịch nghĩa, nói ngược -Chơi chữ bằng từ liên nghĩa thật và giả -Chơi chữ bằng cách sử dụng nghĩa phái sinh thật và giả -Chơi chữ bằng cách “tả chữ”, xáo chữ, chiết tự, tách từ. -Chơi chữ bằng cách hạn vận, hạn từ. -Các lối chơi chữ bằng thành ngữ, tục ngữ, ca dao. -Các lối chơi chữ xung quanh truyện Kiều.  Công trình của Triều Nguyên là công trình mới nhất, có cách phân loại như sau: Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết: -Chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm -Chơi chữ theo cách nhại, gần âm. -Chơi chữ theo cách phiên âm tiếng nước ngoài -Chơi chữ theo cách điệp âm -Chơi chữ theo cách lái âm (nói lái). -Chơi chữ theo cách đan xen ngôn ngữ -Một số cách chơi chữ về chữ viết: chữ Hán -Một số cách chơi chữ về chữ viết: chữ Quốc ngữ. Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ nghĩa -Dùng từ nhiều nghĩa -Dùng từ cùng nghĩa -Dùng từ lệch nghĩa -Chơi chữ theo cách khoán nghĩa Chơi chữ theo cách bác bỏ “A mà lại B”-tạo nước đôi về nghĩa. -Chơi chữ dựa vào trường nghĩa -Chơi chữ dựa vào sở chỉ Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ pháp: -Chơi chữ theo cách tách từ ngữ -Chơi chữ theo cách đảo trật tự từ ngữ -Chơi chữ theo cách chuyển từ ra câu, ra ngữ và rút gọn ngữ câu -Chơi chữ theo cách ngắt nhịp, buông lửng câu. Chơi chữ dựa vào phong cách văn bản: -Chơi chữ dựa vào phương ngữ, tiếng lóng. -Chơi chữ dựa vào luật thơ và cấu trúc văn bản. -Chơi chữ dựa vào phong cách văn bản. -16- Chơi chữ có sự tham gia của ngữ liệu ngoài văn bản Có thể sơ đồ hóa cách phân loại của Triều Nguyên như sau CHƠI CHỮ Ngữ liệu ngoài văn bản Ngữ liệu nội tại văn bản Các phương tiện Ngữ âm-chữ viết +cùng âm + nhại âm +phiên âm +điệp âm + nói lái +đan xen ngôn ngữ +chiết tự chữ Hán +chiết tự chữ Quốc ngữ Các phương tiện ngữ nghĩa Các phương ngữ pháp + cùng nghĩa + tách từ + trái nghĩa +đảo trật tự từ + nhiều nghĩa + chuyển từ ra + lệch nghĩa câu,ngữ và + khoán nghĩa rút gọn ngữ + tạo nước đôi về nghĩa + ngắt nhịp, + trường nghĩa +buông lửng + sở chỉ Phong cách văn bản +luật thơ +tiếng lóng +phương ngữ +phong cách văn bản Từ bối cảnh chung của việc phân chia chơi chữ theo quan điểm của ba nhà nghiên cứu trên. Có thể nhận thấy, Cù Đình Tú được xem là người đặt nền móng trong việc phân loại chơi chữ, việc làm này tuy chưa cụ thể nhưng có giá trị gợi mở. Cù Đình Tú cũng là người đầu tiên sắp xếp các biện pháp chơi chữ vào ba hệ thống chính: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp Hai tác giả: Hồ Lê và Lê Trung Hoa phát hiện thêm nhiều biện pháp chơi chữ nhưng không đặt nó vào hệ thống như Cù Đình Tú. Trong cách phân loại của Hồ Lê và Lê Trung Hoa, có nhiều biện pháp chơi chữ mới mẻ nhưng chưa được giới thuyết rõ ràng. Tiếp thu thành tựu của Cù Đình Tú, đồng thời phát hiện và bổ sung các loại chơi chữ, việc phân loại của Triều Nguyên thể hiện sự tìm tòi, dày công nghiên cứu nên đáng chú ý hơn cả. Tác giả đã cung cấp thêm những kiểu chơi chữ mới: chơi chữ dựa vào phong cách văn bản…và đề xuất một mảng chơi chữ lớn: chơi chữ dựa vào ngữ liệu ngoài văn bản. Từ sơ đồ phân loại chơi chữ theo quan điểm của Triều Nguyên có thể rút ra hai nhận xét: -17- Thứ nhất, chơi chữ tiếng Việt đa dạng, phong phú trên bình diện rộng và có quan hệ tầng bậc. Thứ hai, có hai loại chơi chữ cơ sở: Một là, chơi chữ dựa vào ngữ liệu nội tại văn bản (ở đây chính là các tiềm năng ngữ âm, từ vựng ngữ pháp của văn bản để tạo thành các kiểu chơi chữ cơ bản phổ biến như đồng âm, tách từ,…). Hai là, chơi chữ có sự tham gia của ngữ liệu ngoài văn bản (trong thế đối lập với chơi chữ dựa vào nội tại văn bản-tức là bao gồm tất cả tất cả các biện pháp chơi chữ mà các học giả đã khảo sát từ trước đến nay). Việc phân loại chơi chữ trên đây của Triều Nguyên được Phan Ngọc-tác giả của công trình Nghiên cứu văn học bằng ngôn ngữ học - tán thành, ông cho rằng: “Như vậy là có hai loại liên tưởng. Loại liên tưởng do đối lập về ngôn ngữ học trong câu tự nó tạo ra, không cần thêm gì nữa. Loại liên tưởng không do sự đối lập ngôn ngữ học trong câu thì phải có hoàn cảnh giao tiếp…” [11; 69] (Theo chúng tôi, sự đối lập về ngôn ngữ ở đây có thể hiểu là sự đối lập về nghĩa cơ sở và nghĩa khác loại mà chúng ta đã bàn ở phần trước). Để giới thuyết cho đề xuất về chơi chữ dựa vào ngữ liệu ngoài văn bản này, Triều Nguyên viết: “Phần tách ra để lập văn bản từ ngữ liệu, được đặt vào ngữ cảnh tạo ý nghĩa mới, trái với ý nghĩa vốn có khi chưa tách. Phần tách ra đóng vai trò của một tiền giả định văn học, văn hóa mà ai cũng biết” [15;18] Ông dẫn chứng: “Đọc câu Ngày ba bữa bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” dịch từ “ Quân tử thực vô cầu bão, thái bình chi thế , ngoại hộ bất bế”. Hiểu theo nghĩa này thì câu nói trên quả thật đang miêu tả tâm trạng an bần lạc đạo. Nhưng câu trên biến đổi nghĩa hoàn toàn khi Nguyễn Công Trứ đặt nó vào bài thơ của mình: “Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu… Đầu giàn, chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ. Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cần no; Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…” [15; 19 ] -18- Theo Triều Nguyên, hai câu thơ Nguyễn Công Trứ vừa đặt vào bài thơ lúc này đã mang một nghĩa hoàn toàn khác. Nhà thơ đang mỉa mai cái nghèo túng của mình. Như vậy, nội dung : “quân tử thực vô cầu bão”, “thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế”được viện dẫn với ý giễu cợt. Cách chơi chữ loại này có vẻ ứng với khái niệm, tức là cùng một hình thức có hai nghĩa. Hình thức ở cách chơi chữ dựa vào ngữ liệu ngoài văn bản tuy không thay đổi nhưng cần lưu ý: nghĩa của phần tin (ngữ liệu ngoài văn bản) được vận dụng lâm thời chuyển sang nghĩa thứ hai khi phần tin này được đặt vào văn bản mới. Nghĩa thứ nhất là nghĩa văn học văn hóa mặc định mà “người đọc- ai cũng đều hiểu” [15;17]. Đến đây, ta nhận thấy cách chơi chữ này của Triều Nguyên đã mâu thuẫn với khái niệm ở hai điểm: Khái niệm chơi chữ nói chung. Chơi chữ dựa vào ngữ liệu ngoài văn bản (đã được xác lập) (theo đề xuất của Triều Nguyên) -Sử dụng tiềm năng ngôn ngữ. -Sử dụng tiềm năng văn học, văn hóa mà người đọc có thể biết, hiểu. -Nội dung cơ sở và nội dung khác loại -Nội dung cơ sở của phần tin là nội dung song song tồn tại trên cùng một hình văn hóa văn học lâm thời được chuyển thức ngôn ngữ. nghĩa khi tham gia vào văn bản mới. Trong giới hạn thời gian và phạm vi khảo sát, cũng như tiếp thu thành tựu của các tác giả đi trước sao cho phù hợp với yêu cầu đề tài, chúng tôi xin được phân loại các biện pháp chơi chữ phổ biến như sau: 1.4.1 Chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm Mọi ngôn ngữ đều có hiện tượng đồng âm, khác chăng là mật độ xuất hiện đồng âm ở mỗi ngôn ngữ. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sự hạn chế của hình thức ngữ âm mà cụ thể là âm tiết. Trong tiếng Việt có khoảng 10.000 âm tiết được sử dụng tạo từ trong khi hiện thực khách quan có vô vàn sự vật, sự việc, sự tình cần được gọi tên. Để giảm bớt áp lực cho âm tiết, hiện tượng đồng âm xuất hiện. Vì vậy, một lớp vỏ âm thanh có thể miêu tả nhiều đối tượng. Kết quả là cùng hình thức ngữ âm nếu không đặt vào ngữ cảnh cụ thể có thể được hiểu hai ba cách. -19- Hiện tượng đồng âm tiếng Việt khá phong phú, đặc biệt là ở các từ đơn tiết. Từ hai âm tiết trở lên thì sự đồng âm càng ít xuất hiện. Đó là những tiền đề quan trọng cho chơi chữ dựa vào hiện tượng đồng âm. Mô hình I (C1) Trong đó: I: hình thức ngữ âm I (C2) C1: nghĩa thứ nhất C2: nghĩa thứ hai (mới)  Đồng âm giữa từ thuần Việt với từ thuần Việt: Trong ca dao : “Trời mưa trời gió Vác đó đi đơm Chạy vô ăn cơm Chạy ra mất đó Kể từ ngày ai lấy đó, đó ơi Răng đó không phân qua nói lại đôi lời đây hay?” “Đó” là công cụ để đánh bắt thủy sản, đồ đan bằng tre, hình ống, vốn quen thuộc với người nông dân. “Đó” còn mang nghĩa mới, là đại từ chỉ người, ngôi thứ 2. Bài ca dao có sự hòa lẫn giữa hai ý nghĩa trên.Vì thế, nó vừa miêu tả việc nhân vật trữ tình mất công cụ đánh bắt đồng thời lại là tâm sự mất người yêu vừa da diết lại vô cùng ý nhị và bất ngờ của chàng trai. Chơi chữ dựa vào hiện tượng đồng âm được vận dụng nhiều trong các câu đố dân gian, chẳng hạn: “Một trăm thứ dầu, dầu gì không ai thắp? Một trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang? Một trăm thứ than, than chi không ai quạt? Một trăm thứ bạc, bạc chi chẳng ai mua? Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa xin theo.” Đáp án: “dầu” (nhiên liệu thắp sáng)-“dầu” (xoa ngoài da); “bắp” (“ngô” trong ngôn ngữ toàn dân-“bắp” (bắp chuối); “than” (nguyên liệu tạo nhiệt lượng) và “than” trong “than thân, than thở”. -20-
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan