Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Nông - Lâm - Ngư Ngư nghiệp Mồi bột câu cá hanh...

Tài liệu Mồi bột câu cá hanh

.DOC
12
10211
137

Mô tả:

MỒI BỘT CÂU CÁ HANH 1. Cá luộc (hoặc hấp) 2. Axit béo omega 3 3. Men vi sinh 4. Enzym tiêu hóa (protease) 5. Acid amin (lysine) 6. Bánh AFC xanh vừa đủ ----------------------------------------------------1. Cá luộc (hoặc hấp): Thường dùng cá nục luộc chín gỡ lấy phần thịt, bỏ lớp da đen để tạo màu cho bột, bỏ 2 lớp gân màu nâu chạy dọc theo thân cá vì lớp gân này có chứa ít chất dinh dưỡng nhưng lại chiếm một tỉ lệ khá lớn trong thịt cá, mặt khác cá nục thường sống ở tầng nước nổi gần bờ nên lớp gân nâu này thường có chứa độc tố (hay lưu lại các hóa chất độc hại có trong môi trường nước). Nên mua cá nục còn tươi, thịt cá săn chắc và có độ đàn hồi cao, mắt cá trong, mang đỏ, cắt ra còn máu tươi, hậu môn ở gần đuôi cá nhỏ, vây cá dính chắc vào thân, có mùi tanh nhẹ vv… Nếu luộc cá mà thấy nước trong là được, còn thấy nước ố vàng, sủi bọt và đóng màng trên mặt nước thì loại cá đó đã được ướp qua đạm Urê (hoặc hàn the) do mấy bà bán cá hoặc do chính những người đánh cá bỏ vào để đánh lừa người tiêu dùng. Không nên sử dụng loại cá này để làm mồi câu (theo thống kê của cục vệ sinh an toàn thực phẩm, có đến 90% các loại cá có bán ở chợ đã ướp qua đạm Urê và rất khó phân biệt khi mua. 10% còn lại chắc do giá trị thấp hơn đạm Urê nên người ta không ướp :D) Cá nục có rất nhiều loại như: nục chuối, nục gai, nục châu vv… loại thường dùng để làm mồi câu là nục chuối (có nơi gọi là nục suôn) Cá nục chuối (chắc giống trái chuối :D) Những ngày biển động, nếu không có cá nục còn tươi thì dùng cá dò, dìa nhỏ v.v… câu được trước đó để thay thế, thậm chí dùng chính những chú hanh sinh viên (hanh nhỏ) làm bột câu hanh vẫn tốt như thường :)). Nhiều người cho rằng cá hanh là loại cá tinh khôn nên nó không ăn thịt đồng loại, nhưng đó là do chúng ta suy luận như thế. Thực tế khi ăn mồi, cá hanh chỉ ưu tiên chọn những loại mồi có những thành phần phù hợp với nhu cầu hiện tại của cơ thể. Nếu xét theo tiêu chí dinh dưỡng (đạm, chất béo, omega 3, vitamin, phốt pho, iốt…) thì thịt cá hanh là số 1, hơn nữa đây là loại cá mà chúng ta câu được nên chắc chắn là nó không có đạm Urê và các chất bảo quản trong đó. Có nơi người ta sử dụng thịt cá sống (xay nhuyễn) làm mồi bột, vì cho rằng ở dưới nước cá hanh làm gì biết đến cá luộc, cá tươi sống gần gũi với cá hanh hơn và do đó sẽ nhạy hơn. Tuy nhiên do thịt cá sống có chứa nhiều nước, protein ở thịt cá thường ở dạng liên kết không bền, mỡ cá dễ bị oxy hóa nên thịt cá sống dễ bị virut có hại phát tán, nhất là nấm men. Do đó mồi bột làm với thịt cá sống rất dễ bị phân hủy, biến tính… dễ bị các thành phần khác có trong mồi bột tác động làm thay đổi trạng thái, đặc biệt là khi thời gian câu kéo dài. Lưu ý: - Có thể sử dụng các loại cá đã được cấp đông để làm mồi bột, ở nhiệt độ thấp (- 45 độ), cá đông lạnh vẫn giữ được thành phần các chất dinh dưỡng. - Không nên dùng các loại cá hộp để làm mồi câu, cá hộp ra đời chỉ để thuận tiện cho những người không có thời gian nấu nướng. Các chất bảo quản có trong cá hộp có thể khiến thịt cá bị mất chất, mất mùi... và để bù lại những khiếm khuyết này, người ta bỏ vào đó các hóa chất công nghiệp như chất tạo mùi, tạo màu v.v… để đem lại cảm giác ngon ảo cho người tiêu dùng, tuy nhiên các hóa chất công nghiệp đó đều là những loại mà cá hanh rất kiêng kỵ. Chúng ta đang sống tại thành phố biển thì không có lý do gì để sử dụng các loại cá hộp này. - Không nên sử dụng cá ngừ để làm mồi câu (và cả mồi xả), mặc dù thịt cá ngừ rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit béo omega 3 là loại mà cá hanh rất thích, đặc biệt là hanh sinh viên :)). Tuy nhiên vì cá ngừ được đánh bắt xa bờ, nếu quá trình bảo quản không tốt hoặc được vận chuyển không đúng cách sẽ sản sinh ra chất histamine trong thịt cá. Đây là chất có thể gây dị ứng cho người mà cá hanh cũng rất kiêng kỵ. Nếu chọn cá ngừ loại này để làm mồi bột đi câu thì khả năng cháy là 99.99 %. - Không nên sử dụng các loại cá có kích thước lớn, sống lâu năm để làm mồi câu, vì thịt của các loại cá này có hàm lượng thủy ngân rất cao - Chỉ nên luộc (hoặc hấp) cá khi chế biến làm mồi câu, không nên chiên hoặc kho với dầu như một số cần thủ vẫn thường làm, vì ở nhiệt độ cao một số chất quan trọng trong thịt cá sẽ bị phân hủy, đặc biệt là axit béo omega 3. - Nếu dùng nước máy để luộc (hoặc hấp) cá thì nên đổ nước máy vào vại, can nhựa v.v… mở nắp ít nhất 1 ngày để chất khử trùng Clo có trong nước máy bay hơi bớt, hoặc dùng nước đun sôi để nguội (nếu có thể thì nên sử dụng nước giếng, nước sông). 2. Axit béo omega 3: Là loại axit béo thiết yếu không chỉ đối với cá hanh mà còn quan trọng đối với tất cả các sinh vật sống khác trong đó có con người. Tuy nhiên, dù là chất rất quan trọng nhưng các sinh vật sống nói chung không thể tự sản sinh ra axit béo omega 3 nên đều phải hấp thụ từ các nguồn bên ngoài, thông qua chế độ ăn uống. Cá hanh là loại cá tinh tường có não, mắt, hệ thần kinh, hệ cơ vv… rất phát triển, và đó là kết quả của việc bổ sung omega 3 theo bản năng sinh tồn mà nó đã hấp thụ trong đời sống. Chính vì vậy, thịt cá hanh có chứa hàm lượng omega 3 và có giá trị dinh dưỡng rất cao, rất được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc (đặc biệt là món sashimi). Ở môi trường nước, axit béo omega 3 thường có nhiều trong các loại rong rêu tảo biển (đặc biệt là Rong nho – một loại thức ăn ưa thích của cá hanh) và trong một số loại cá, nhất là các loại cá sống ở những vùng biển nước sâu. Vào mùa nước đục, cá hanh thường hay di chuyển vào bờ để tìm kiếm thức ăn và tìm nơi trú ẩn để bắt đầu cho một chu kỳ sinh sản mới. Ở giai đoạn này, cá hanh cần nhu cầu bổ sung axit béo omega 3 rất cao (chắc để dưỡng thai :D). Nếu buông câu vào những ngày nước đục, những loại mồi câu như dời, trùn huyết… sẽ phát huy tác dụng. Có người giải thích rằng, trong những ngày này, khả năng quan sát của cá hanh rất kém nên nó không nhìn thấy mồi câu thông thường, chỉ những loại mồi có mùi tanh như dời, trùn huyết… mới phát huy hiệu quả vì cá hanh có thể ngửi thấy mồi. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu không nhìn thấy mồi câu tại sao nó lại nhìn thấy những rạng đá sắc như dao cạo dưới đáy sông để né tránh, tại sao nó không đâm đầu vào các chân trụ bê tông :)), nhiều mồi bột có mùi tanh còn khiếp hơn, có độ khuếch tán mùi rộng hơn dời, trùn huyết… tại sao nó lại phũ phàng không ăn :)). Theo các tài liệu mà mình đã tham khảo, vào mùa nước đục, các loại rong rêu tảo biển có chứa omega 3 rất khó phát triển trong môi trường này, hơn nữa các loại sinh vật sống gần bờ chứa hàm lượng omega 3 rất thấp, khả năng săn mồi sống của cá hanh trong nước đục cũng hạn chế hơn, chu kỳ sinh sản mới cũng đòi hỏi cơ thể chúng cần bổ sung nhiều omega 3 hơn, chính vì vậy mà những loại mồi câu giàu omega 3 như dời, trùn huyết… luôn là sự lựa chọn ưa thích của cá hanh trong giai đoạn này. Do đó việc bổ sung axit béo omega 3 vào mồi bột để câu cá hanh vào những ngày nước đục thường đem lại kết quả cao hơn. Sau khoảng thời gian thử rất nhiều loại và phải trả nhiều khoản học phí khác nhau, cuối cùng mình tìm được những nguồn cung cấp omega 3 tin cậy có thể làm tăng độ nhạy khi bỏ vào mồi câu (trong mùa nước đục). Xắp xếp theo độ nhạy giảm dần, đó là: - Rong nho khô tinh chất của Nhật: đã qua công đoạn xử lý và phơi khô để bổ sung cho các bà mẹ đang trong giai đoạn mang thai. Khi sử dụng, xay Rong nho thật mịn rồi trộn chung với bột bánh AFC để trộn vào mồi câu. Đây là loại mình đang sử dụng, (hình như) chỉ có bán ở thị trường Nhật :D. Một người bạn câu ở nước ngoài thỉnh thoảng vẫn hay gởi về cho. (Trong các loại mồi xả câu hanh của Nhật đều có thành phần này). Hiện nay ở Nha Trang đã trồng được loại Rong nho này, và đã có sản phẩm Rong nho sấy khô. Tuy nhiên trong một lần vào Nha Trang chơi, mình định tìm đến để xin một ít Rong nho tươi đem về thử mồi. Khi đến nơi thấy một nhóm người đang phun phun, xịt xịt trên mặt biển, hỏi ra thì mới biết họ đang sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, vô đối toàn tập :)) - Dầu cá Ultra Nature Fish Oil của Mỹ: dầu cá được chiết xuất từ cá mập. Có hai loại, một là bổ sung vitamin (A, D), một là bổ sung omega 3 (loại chúng ta đang cần). Mỗi lần làm mồi chỉ cần bỏ vào 1 viên / 4.000 đ. Tuy nhiên giá trị đầu vào hơi cao: 1.600.000 đ / 1 hộp 400 viên. Không nên sử dụng các loại dầu cá của Việt Nam, dù hơi phũ phàng nhưng mình đã thử qua gần như tất cả các loại dầu cá Việt Nam có trên thị trường, giá cả rất chi là hợp lý - kết quả thu được rất chi là thê thảm :)) - Lòng đỏ trứng gà omega 3: hiện có bán tại Metro với giá 5.000 đ / 1 trứng . Để có được những quả trứng omega, người ta bổ sung vào thức ăn của gà mái các loại dầu cá và rong biển giàu omega… Gà đẻ trứng được nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng đặc biệt và được nghe nhạc giao hưởng hàng ngày. Trứng gà omega 3 có vị tanh hơn trứng gà bình thường, rất khó phân biệt khi mua. Nên sử dụng trứng gà của Dabaco hiện đã có uy tín trên thị trường. Ngoài omega 3 loại trứng này còn chứa nhiều loại acid amin, vitamin (A, D)… Trong trứng gà bình thường mà chúng ta ăn hàng ngày cũng có omega 3 nhưng với hàm lượng rất thấp nên không hiệu quả. Hơn nữa trứng gà bình thường đa số là trứng gà công nghiệp, nếu có omega 3 một phần thì dư lượng của chất tăng trọng tới trăm phần :)), bỏ vào mồi câu sẽ phản tác dụng. - Sữa bột chứa DHA: không thật sự hiệu quả, phải bỏ vào mồi câu số lượng nhiều thì mới đủ hàm lượng, như vậy sẽ làm mất cân đối tỉ lệ của các thành phần có trong mồi bột. - Cuối cùng là sữa… mẹ: mặc dù rất tốt nhưng kiếm đầu ra hơi khó, công đoạn thu hoạch sữa hơi phức tạp :)) Lưu ý: - Những ngày nước trong, cá Hanh có thể dễ tìm kiếm các loại thức ăn có chứa omega 3, nên không cần phải bổ sung omega 3 vào mồi câu để tiết kiệm chi phí. - Mồi câu có bổ sung omega 3 thường câu được hanh cái nhiều hơn hanh đực :)), tỉ lệ thông thường là 8 – 2. Nếu câu bằng mồi dời, trùn huyết... thì tỉ lệ cũng tương tự. - Một số cần thủ sử dụng lãi heo (một loại sán) lấy từ ruột heo để câu cá hanh vào những ngày nước đục thay thế cho dời, trùn huyết… cũng thấy hiệu quả. Tuy nhiên phải cẩn thận, dịch nhầy trong lãi heo có chứa độc, có thể gây mù nếu sơ ý để rơi vào mắt. - Cá hanh rất nhạy cảm với các loại mồi câu có chứa omega 3, chỉ bổ sung vào mồi câu một hàm lượng omega 3 vừa đủ, một liều lượng quá nhiều có thể sẽ phản tác dụng. - Nếu sử dụng trứng gà omega 3 thì chỉ dùng lòng đỏ chưa luộc, lòng trắng trứng không chứa omega. - Nếu sử dụng dầu cá, chúng ta nên bảo quản mồi câu trong các hộp nhựa sẫm màu có nắp đậy, tránh ánh sáng trực tiếp, đặc biệt là ánh sáng mặt trời vì dầu cá rất dễ bị oxy hóa. 3. Men vi sinh: (còn gọi là men khuẩn). Men vi sinh hoàn toàn khác với men tiêu hóa, men vi sinh chứa nhiều vi khuẩn có lợi bỏ trực tiếp vào mồi câu để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của cá hanh. Đây là thành phần quan trọng nhất có trong mồi câu. Nếu bổ sung men vi sinh đúng loại mà cá hanh cần vào mồi câu, chúng ta có thể câu được ở cả nước trong lẫn nước đục, và câu ở rất nhiều con nước khác nhau trong ngày. Cũng giống như các loại động vật khác, trong ruột cá hanh có chứa nhóm vi khuẩn có hại (gây bệnh) và nhóm vi khuẩn có lợi (hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa). Trong điều kiện bình thường, 2 nhóm vi khuẩn này cân bằng lẫn nhau, tuy nhiên do đặc điểm sinh thái của cá hanh, sau vài chu kỳ tiêu hóa, nhiều vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt dẫn đến trạng thái mất cân bằng đường ruột. Vì thế cá hanh thường có xu hướng ăn thêm các loại thức ăn đã lên men, chua, thối v.v… vì các loại thức ăn này khi phân hủy đã sản sinh ra một số vi khuẩn có lợi, giúp nó cân bằng lại đường ruột. Một số người câu sử dụng mồi quẹt (phân người) để câu cá hanh là vì lý do này (nhất là dân câu nghề). Thực tế mồi quẹt không có nhiều chất dinh dưỡng mà đơn giản là cá hanh tìm thấy ở đó nhiều loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của nó. Tuy nhiên sử dụng mồi quẹt thì rất mất vệ sinh và ảnh hưởng đến những bạn câu xung quanh. Hơn nữa, nếu gặp con nước mà cá hanh không cần bổ sung men vi sinh, thì câu bằng mồi quẹt vẫn cháy như thường… Dễ nhận biết con nước mà cá hanh tìm kiếm các loại thức ăn chứa men vi sinh là khi câu bằng mồi tôm chết nguyên con, cá hanh thường ăn phần đầu, bỏ lại phần thân cho cần thủ với rất nhiều sự nuối tiếc. Điều này xảy ra vì hệ tiêu hóa của con tôm nằm ở trên đầu, trong đó có chứa nhiều vi khuẩn có lợi mà cá hanh đang cần. Trong trường hợp này chúng ta nên móc lưỡi câu vào đầu tôm thay vì móc ở đuôi. Có một số lần câu tôm hay bị mất phần đầu, mình thử… đập cho con tôm sống chết đi :)), để cho ương một chút, ngắt khoảng 2-3 cái đầu tôm chết móc vào lưỡi câu thì thấy là hiệu quả hơn. Khi chọn men vi sinh trộn vào mồi câu, bạn phải chọn loại men có chứa những chủng loại vi khuẩn mà cá Hanh cần. Trong các loại men vi sinh thông dụng hiện nay như Biomycare, Lactogg… (hoặc trong sữa chua), có một số chủng loại vi khuẩn có lợi cho người, nhưng lại thiếu những chủng loại có trong đường ruột của cá hanh (bỏ vào mồi câu sẽ không có nhiều tác dụng). Theo một số tài liệu, các chủng loại vi khuẩn có lợi mà cá hanh cần là: Lactobacillus, Bacillus, Aspergillus, Saccharomyces, Lacidophilus vv… Nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm mua các loại men vi sinh chuyên dụng cho cá Hanh, được sản xuất để cung cấp cho những người nuôi cá hanh cao cấp ở một số vùng biển của Nhật Bản. nhưng giá của nó thì hơi xa rời dĩ vãng :)) Nếu có ít kiến thức về Hóa học, bạn có thể tự tạo ra (nuôi, cấy) các loại men vi sinh tự nhiên từ những thực phẩm, dụng cụ đơn giản có trong nhà bếp. Đây là cách mình hay làm để tiết kiệm chi phí, các bạn tự ngâm kứu nhé :D Hiện nay trên thị trường có bán men vi sinh Pro.enzyme – một loại men Đậm Đặc cho thuỷ sản, pha trộn vào mồi câu cũng thấy rất hiệu quả Men tổng hợp Pro.emzyme Lưu ý: - Nhiều loại mồi câu cũng lên men, cũng chua, cũng thối v.v… nhưng nếu quá trình phân hủy không sản sinh ra các loại vi khuẩn có lợi thì không có tác dụng với cá Hanh. (“ma túy” của tiệm câu Bảy nhỏ là một ví dụ điển hình :D). - Nếu không có men vi sinh ưng ý, chúng ta có thể bỏ vào mồi câu một ít Hành phi cũng thấy hiệu quả. Dù không cung cấp các vi khuẩn có lợi nhưng Hành phi có tác dụng kích thích sự hoạt động của các vi khuẩn có lợi có trong ruột cá, và do đó sẽ giúp ích cho quá trình tiêu hóa của chúng… 4. Enzym tiêu hóa (Protease): Sau khi ăn, hệ tiêu hóa của cá hanh sẽ hoạt động để kích thích cơ thể tiết ra các enzym tiêu hóa khác nhau như maltase, amylase, protease, pepsin v.v… để tiêu hóa các loại thức ăn có trong đường ruột. Tất cả các enzym tiêu hóa này đều đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cá hanh. Nếu vì lý do gì đó khiến cơ thể cá hanh không thể điều tiết các enzym thì chúng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, bỏ ăn thậm chí là chết. Do đặc điểm của môi trường sống, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu… nên thời điểm kiếm ăn của cá hanh rất thất thường, có khi chúng ăn rộ vào ban ngày, có khi ăn vào ban đêm, có khi chúng phải ăn rất nhiều để dự trữ năng lượng trước ngày biển động, cũng có khi chúng phải nhịn ăn một vài ngày khi thời tiết xấu vv… Chính vì vậy, hệ tiêu hóa của cá hanh không tuân theo một nhịp sinh học nhất định nào cả, dẫn đến việc bài tiết enzym tiêu hóa không ổn định, kết quả là cá hanh hay gặp vấn đề với hệ tiêu hóa. Ngoài ra, ở môi trường nước, thức ăn chủ yếu của cá hanh vẫn là tôm, tép, cua, cá vv… và đó đều là những thức ăn rất giàu protein, khó tiêu hóa hơn các thành phần khác, do đó đòi hỏi cơ thể chúng phải liên tục tiết ra các enzym tiêu hóa tương ứng, trong đó quan trọng nhất là enzym protease. Enzym protease giúp cá hanh tiêu hóa các loại protein có nhiều trong các loại thức ăn thông dụng, giúp cân bằng các enzym tiêu hóa khác. Tuy nhiên do đặc điểm sinh thái, cơ thể chúng thường không điều tiết đủ lượng enzym protease cần thiết (yếu tố ô nhiễm môi trường cũng tác động đến điều này), nên cá hanh bắt buộc phải tìm kiếm ngoài thiên nhiên. Giai đoạn này cá hanh vẫn đi kiếm ăn, nhưng chúng chỉ ăn các loại vi sinh vật phù du có chứa nhiều enzym protease để hổ trợ cho hệ tiêu hóa. Giai đoạn này rất dễ nhận biết khi câu ban ngày, chúng ta có thể quan sát thấy cá hanh đi kiếm ăn rất nhiều ở các rạng đá, chân cầu v.v… trong trạng thái vô cùng cảnh giác. Chúng tuyệt nhiên không đụng đến mồi câu, tệ hơn nữa là khi vừa nhìn thấy mồi câu, cá hanh hoảng hốt bỏ trốn :)). Điều này xảy ra vì mồi câu của chúng ta không chứa thứ mà chúng đang cần, đó chính là enzym protease. Ngay cả khi mồi câu có chứa enzym protease, thì đây vẫn là giai đoạn rất khó câu. Bạn đừng hy vọng cá hanh sẽ nuốt lưỡi câu trong giai đoạn này. Chúng chỉ nhẹ nhàng ngậm cục mồi, hút những thứ cần thiết rồi phun những thứ còn lại ra ngoài, trong đó có lưỡi câu :)). Do đó để bắt được cá hanh trong giai đoạn này đòi hỏi người câu phải có độ nhạy cao, cước câu phải thật mảnh, đọt cần phải thật dịu v.v… và phải đóng cần ngay khi vừa có cảm giác cá ăn thì mới có hy vọng xóc cá. Nếu bạn sử dụng men tổng hợp Pro.enzyme để bổ sung men vi sinh vào mồi câu như ở phần trước thì không cần bổ sung enzym tiêu hóa, chế phẩm này đã có đầy đủ các enzym cần thiết, đặc biệt là enzym protease. Trường hợp bạn sử dụng men vi sinh đúng loại từ các nguồn khác thì cũng không cần bổ sung enzym tiêu hóa, các vi khuẩn có lợi trong quá trình lên men đã tạo ra các enzym tiêu hóa trong mồi bột. Sử dụng bánh AFC rau cải thay thế cho bột mì để làm mồi câu cũng vì lý do này. Bánh AFC rau cải rất giàu enzym hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Nói chung phần này chỉ mang tính chất tham khảo, nếu các phần khác bạn đã làm hoàn chỉnh (bổ sung men vi sinh, bánh AFC rau cải) thì bột câu của chúng ta đã có đầy đủ các enzym tiêu hóa cần thiết, nên phần này không cần phải quan tâm. Lưu ý: - Mồi câu giàu enzym tiêu hóa rất hay câu được cá hanh lớn :)) 5. Acid amin (Lysine): Dưới tác dụng của các enzym tiêu hóa, thức ăn trong ruột cá sẽ được hấp thụ vào máu dưới dạng Acid amin. Có nhiều loại Acid amin mà cơ thể cá hanh không thể tự tổng hợp được, chúng chỉ hấp thụ từ các nguồn thức ăn ngoài tự nhiên được gọi là Acid amin thiết yếu. Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của cá hanh. Một vài Acid amin khi thiếu sẽ làm cho cá hanh ngừng lớn, ốm yếu, suy nhược v.v… ngay cả khi các chất dinh dưỡng khác vẫn được hấp thụ đầy đủ (nếu nuôi cá cảnh mà thấy vài chú không phát triển nữa, mặc dù kích thước vẫn còn rất nhỏ thì chắc chắn là do khẩu phần ăn bị thiếu lysine :D) Mặt khác, cá hanh không thể dự trự được các Acid amin thiết yếu trong cơ thể, nếu có một Acid amin thiết yếu nào đó bị dư thừa chúng sẽ được chuyển hóa thành Acid amin khác hoặc chuyển hóa thành năng lượng, do đó đòi hỏi cá hanh phải dung nạp Acid amin thiết yếu thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trong số các loại Acid amin thiết yếu cần thiết cho quá trình sinh trưởng của cá hanh thì Acid amin lysine là loại quan trọng nhất, vì đây là loại mà cá hanh cần nhiều nhất và khó kiếm nhất trong môi trường nước (các Acid amin thiết yếu khác, cá hanh có thể dễ dàng tổng hợp từ những nguồn thức ăn thông dụng trong tự nhiên) Thiếu Acid amin lysine có thể khiến cá hanh bị rối loạn quá trình tuần hoàn máu, làm mất cân bằng quá trình hấp thụ protein. Đối với cá hanh nhỏ, lysine giúp chúng hấp thụ Canxi, giúp phát triển xương và các mô liên kết v.v… Acid amin lysine có nhiều trong sữa bột (thường thấy trong các loại sữa giúp phát triển chiều cao), lòng đỏ trứng Gà omega 3 (chưa luộc), Phô mai Parmesan (là loại Phô mai cứng, làm từ sữa bò và phải mất từ 1-3 năm ủ mới đạt độ chín) v.v… đây là loại mình đang sử dụng. Phô mai Parmesan Giá trị dinh dưỡng của Phô mai Parmesan: Phô mai Parmesan là món ăn dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác kích thích cá thèm ăn và dễ tiêu hóa. Acid amin: Phô mai Parmesan chứa nhiều Acid amin, đặc biệt là lysine giúp hấp thụ canxi vào xương. Chất đạm: Protein trong Phô mai Parmesan rất cao, tương đương với thịt, cá, trứng… lượng protein này chủ yếu là casein, giúp cá dễ tiêu hóa. Giàu canxi: Lượng canxi có trong Phô mai Parmesan nhiều gấp 100 lần so với các loại thịt. Do đó Phô mai Parmesan đóng vai trò bổ sung canxi rất tốt cho cá. Men vi sinh: Có chứa một số chủng loại vi khuẩn có lợi hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Lưu ý: - Phô mai Pamesan hiện có bán tại Metro, đây là loại được các cần thủ người Pháp sử dụng nhiều để độ chế mồi câu với cách làm: Bỏ một ít Phô mai Parmesan vào bình nước đậy nắp ở nhiệt độ bình thường, ủ vài tuần để lên men chua (men có sẵn trong Phô mai). Sau đó dùng Cá Trích (giàu omega 3) + Phô mai Parmesan (giàu Acid amin lysine, protein, men vi sinh…) + bột bánh (không rõ bánh gì) + nước ủ lên men ở trên vừa đủ. Lúc đầu mình dùng công thức này cũng thấy hiệu quả, sau đó độ chế ra công thức mới thấy nhạy hơn nên bỏ:D - Phô mai Parmesan có sẵn một số chủng loại men khuẩn có lợi nhưng có hàm lượng thấp (lên men chậm), khi sử dụng Phô mai Parmesan vẫn cần bổ sung thêm men vi sinh để làm phong phú thêm các chủng loại vi khuẩn có lợi và có thể dùng ngay mồi câu mà không cần phải qua công đoạn ủ men. - Khi bổ sung Phô mai Parmesan vào mồi câu, chúng ta dùng dao bào mỏng, trộn từ từ vào mồi câu, khi ngữi thấy hỗn hợp thoang thoảng mùi Phô mai thì dừng lại, tránh trường hợp sử dụng quá nhiều sẽ phản tác dụng. - Không nên sử dụng Phô mai con bò cười để thay thế Phô mai Pamesan :)) - Mồi câu có chứa Lysine rất nhạy với cá hanh nhỏ :D Bánh AFC xanh vừa đủ: Bánh AFC xanh, còn gọi là AFC rau cải được sử dụng để thay thế bột mì, vừa cung cấp các chất dinh dưỡng vừa là chất kết dính để liên kết các thành phần có trong mồi bột. Có thể sử dụng nhiều loại bánh như Marie, Ritz… tuy nhiên tốt nhất là dùng bánh AFC xanh. Đây là loại bánh được sản xuất để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa (loại mà chúng ta đang cần), hơn nữa là loại bánh mà khi sản xuất người ta ít sử dụng các phụ phẩm công nghiệp nhất. Trong bánh AFC xanh có chứa nhiều thành phần mà cá Hanh rất thích như: Chất xơ: vừa tạo ra môi trường thuận lợi (Prebiotics), vừa là nguồn thức ăn cho các loại vi khuẩn có lợi (Probiotics) phát triển. Chất xơ còn cung cấp nhiều enzym protesea có lợi cho hệ tiêu hóa Hành phi: kích thích khả năng hoạt động của các vi khuẩn có lợi có trong đường ruột. Rau cải: cung cấp một số enzym tiêu hóa. Ngoài ra còn có một số chủng loại men, vitamin và khoáng chất khác… AFC rau cải Lưu ý: - Một số bạn câu khi làm mồi thường có thói quen rang vàng bột bánh (hoặc bột mì) cho thơm, tuy nhiên điều này là không nên, bởi cá hanh cảm nhận mùi, vị… của thức ăn khác chúng ta. Có những thứ vừa thơm vừa ngon rất hấp dẫn nhưng cá hanh lại chê, ngược lại có những thứ chúng ta thậm chí là không dám ngửi (như mồi quẹt) cá hanh lại nhào vào ăn :)). Việc rang vàng bột bánh có thể tiêu diệt một số loại men, làm biến tính các enzym tiêu hóa… - Khi sử dụng bánh AFC xanh, chúng ta xay thật mịn, bỏ vào mồi câu sau cùng, bỏ từ từ cho đến khi hỗn hợp vừa dẻo (không quá khô cũng không quá ướt) thì dừng lại. - Sử dụng bánh AFC xanh thì không cần bổ xung hành phi vào mồi câu. - Bánh AFC có 6 loại (lúa mì, rong biển, bít tết, rau cải…), rất dễ nhầm lẫn khi mua. Tổng kết Một trong những sai lầm của các bạn câu khi làm mồi bột là thường không nắm rõ tác dụng của các thành phần có trong công thức, không hiểu bản năng sinh tồn của cá hanh, nên thường hay pha trộn các thành phần theo kiểu may rủi, nghĩ ra thứ gì thì trộn thứ nấy, ra câu không hiệu quả thì hôm sau lại trộn thứ khác vào. Cách làm này rất mất thời gian mà hiệu quả lại thường không như ý muốn. Thực tế không có một loại vật chất nào đó (theo kiểu bí kíp :D) có thể chứa đầy đủ các thành phần để có thể câu được cá hanh mọi lúc mọi nơi. Mồi bột có ưu điểm hơn so với những loại mồi tươi sống khác như tôm, tép, cá phi lê v.v… ở chỗ chúng ta có thể thêm bớt vào đó những thành phần mà cá hanh có thể thích hoặc không thích, hoặc có thể dễ dàng thay đổi thành phần, tỷ lệ theo mùa sao cho buổi câu có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Nhưng có nhược điểm là khó câu, vì viên bột liên kết với lưỡi câu khá lỏng lẻo, chỉ cần rê nhắp quá tay, cá nhỏ rỉa, cua khều v.v… là bột sẽ tuột ra khỏi lưỡi. Do đó khi câu với mồi bột, nó đòi hỏi sự tập trung cao độ của người câu để nhận biết khi nào thì hết mồi, khi nào thì cá cắn câu, nhất là vào những hôm cá ăn nhát, khi cầm cần ta chỉ cảm nhận được một sự trì kéo rất nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là một sự rung động rất nhỏ truyền qua sợi cước, nếu không xác định được thời điểm này để đóng cần thì cá sẽ phun lưỡi. Đó là chưa kể vào những hôm mưa to gió lớn, hoặc tại những điểm câu có độ sâu lớn và có dòng chảy xiết, việc cảm nhận được viên mồi chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay là một điều hết sức khó khăn, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu câu bột... Có rất nhiều cần thủ đã loại bỏ mồi bột vì không vượt qua được giai đoạn thử thách này. Một số bạn đi câu không đạt hiệu quả như ý, thường nghĩ là do cần, máy và các thiết bị câu kéo khác chưa đạt tiêu chuẩn, nên ra sức mua sắm những dụng cụ đắt đỏ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chỉ số GDP của Nhật Bản :). Tuy nhiên ngoài kỹ thuật câu (như khả năng chọn địa điểm, khả năng dòng và bắt cá...), chỉ có 4 thứ duy nhất tiếp xúc trực tiếp với con cá và quyết định đến việc nó có cắn câu hay không, đó là: cước, chì, lưỡi, mồi. Đây chính là những thứ cần phải đầu tư trước tiên. Tâm lý khi câu kéo cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Hãy vững vàng, không dao động khi những bạn câu xung quanh lên cá và bắt đầu quăng… Bom :)), thay vào đó hãy đến chia vui, hỗ trợ bạn câu bắt cá. Hãy khiêm tốn, chừng mực trong trường hợp chúng ta có cá mà những bạn câu xung quanh chưa có… Đôi khi con cá không làm nên đẳng cấp mà là thái độ, cách hành xử… tại điểm câu mới chính là đẳng cấp của các cần thủ. Nói chung, khi đã xách cần đi câu, hãy cố gắng hòa mình vào thiên nhiên, trong trạng thái tĩnh tại, hư không biết đâu chúng ta có thể đạt đến ngưỡng “thăng hoa” mà có thể “đọc” được bằng cảm quan những vị trí mà cá hanh có thể đang ẩn nấp để rình mồi… :D Một số lưu ý khác khi độ chế mồi bột: - Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những loại mồi tươi sống hay câu được cá hanh là tôm, tép, cua, cá vv… hiếm khi nào chúng ta câu được cá hanh bằng thịt, mỡ của các loại gia súc như thịt heo, bò… vì protein và chất béo trong thịt, mỡ của các loại gia súc này khó phân hủy hơn và khó tiêu hóa hơn. Do đó khi làm mồi câu không nên thêm vào các loại thịt, mỡ có nguồn gốc từ gia súc, và cũng không nên sử dụng các loại dầu, bơ có nguồn gốc thực vật (đặc biệt là bơ Tường An). Mặc dù rất thơm, rất hấp dẫn, nhưng chế phẩm của các loại dầu, bơ này thường chứa hóa chất, đặc biệt là chất chống oxi hóa nhân tạo (BHA, BHT) để ngăn ngừa đồ ăn bị oxi hóa và bị thiêu. Ngoài ra các loại dầu, bơ thực vật còn lưu lại các hóa chất và thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng và chăm sóc cây. Việt Nam chúng ta vô đối trong lĩnh vực này :)) - Không nên sử dụng các loại bột có chức năng tạo ra độ kết dinh trong nuôi trồng thủy sản, các loại bột này sẽ giảm độ khuếch tán của mồi câu vào môi trường nước. - Cũng không nên sử dụng các loại thức ăn dưới dạng bột của các loại thủy sản cao cấp như la hán, dĩa, tép cảnh… để làm mồi câu. Mặc dù rất tốt, có những loại rất đắt đỏ, nhưng hạn chế của các loại bột này là có chất kết dính để tiết kiệm thức ăn và chống ô nhiễm nước, do đó độ khuếch tán của chúng không tốt… - Nếu làm mồi bột có bổ sung men vi sinh, enzym, acid amin… thì không nên để mồi bột này trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, vì nhiệt độ cao và tia cực tím sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh và làm các enzym bị biến tính. Mồi bột này còn có hạn chế là chỉ sử dụng được trong vòng 6 8 tiếng kể từ lúc trộn. Sau thời gian đó bột sẽ bắt đầu phân hủy, lên men, các enzym sẽ bị trung hòa, các acid amin sẽ bị phá hủy liên kết v.v… Nên nếu đi câu trong thời gian dài, giải pháp là để riêng các thành phần, khi nào cần thì mới trộn. - Một nhược điểm nữa của mồi bột là khi câu ban ngày, ở những nơi có nhiều cá vặt, chúng sẽ phá mồi với tốc độ rất khủng khiếp, nhất là cá thia, dò, rô… giải pháp là dùng mồi xả nổi để phân tán cá vặt ở một điểm và xả đáy câu hanh tại một điểm khác. - Nếu không có thời gian, sau khi trộn bột xong có thể cho ngay vào ngăn đông tủ lạnh (để ngăn chặn quá trình lên men trong bột) và để dành đi câu. Tuy nhiên cũng không nên để bột câu quá lâu trong tủ lạnh, bột vẫn bị lên men và phân hủy nhưng chậm hơn. - Bột đem đi câu không hết thì vất luôn :D, đừng tận dụng vì khi này có thể bột câu đã bước vào giai đoạn phân hủy. - Không sử dụng các loại chất bảo quản trong bột câu, các chất bảo quản này có thể tạo ra môi trường ức chế các loại vi khuẩn có hại, nấm men… nhưng chúng cũng ức chế luôn vi khuẩn có lợi trong men vi sinh :)) Nếu bạn dùng loại bột nào đó câu được cá hanh (nhất là hanh lớn), về mổ ruột thường thấy ruột cá đầy ắp thức ăn, thì mồi bột đó coi như đã đạt chuẩn. ------------------------------------------------------------------------- P/S: Đây không hoàn toàn là những bài viết của mình, đa số kiến thức ở đây đã được tổng hợp, lắp ghép từ nhiều nguồn (kể cả dịch thuật từ các trang nước ngoài, tiếp thu từ những bạn câu khác…), và một phần là do suy luận nên chắc chắn là có chổ đúng, chổ sai. Các bài viết chỉ nhằm mục đích trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm chứ không thể hiện điều gì, rất mong nhận được sự bổ sung, góp ý của các bạn câu để cùng hướng đến mục tiêu duy nhất: “CHỐNG CHÁY HIỆU QUẢ” :)) Cuối cùng, sở dĩ mình không chia sẽ chi tiết về tỷ lệ, chi tiết về những thành phần cụ thể có trong công thức mồi bột ở trên là vì mỗi người câu hãy cố gắng tự tìm ra cho mình một công thức riêng, một bản quyền riêng vì chính điều này mới tạo ra sự thú vị hơn là sử dụng một công thức chung mà ai cũng làm như thế. :)). Nhưng đảm bảo là nếu mồi bột làm ra có đầy đủ các thành phần ở trên, thì việc câu được cá Hanh không phải là điều quá khó.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng