Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận án tiến sĩ nghệ thuật tượng lăng mộ quận công thế kỷ xvii xviii ở đồng bằ...

Tài liệu Luận án tiến sĩ nghệ thuật tượng lăng mộ quận công thế kỷ xvii xviii ở đồng bằng bắc bộ

.PDF
248
40
112

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Nguyễn Văn Hùng NGHỆ THUẬT TƯỢNG LĂNG MỘ QUẬN CÔNG THẾ KỶ XVII - XVIII Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 9210101 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Hà Nội - 2020 BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Nguyễn Văn Hùng NGHỆ THUẬT TƯỢNG LĂNG MỘ QUẬN CÔNG THẾ KỶ XVII - XVIII Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 9210101 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS Lê Văn Sửu PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương Hà Nội - 2020 i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ Nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện. Những vấn đề nghiên cứu cùng những ý kiến tham khảo, tư liệu đều có chú thích nguồn đầy đủ. Hà Nội, ngày tháng năm 2020 Tác giả luận án Nguyễn Văn Hùng ii DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ĐBBB Đồng bằng Bắc bộ GS Giáo sư KHXH Khoa học xã hội LTH Lê Trung Hưng NCS Nghiên cứu sinh NXB Nhà xuất bản PGS Phó giáo sư TG Tác giả TK Thế kỷ TS Tiến sĩ ThS Thạc sĩ Tr Trang VHNT Văn hóa Nghệ thuật iii MỤC LỤC Trang LỜI CAM ĐOAN..................................................................................... i DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT…………………………………… ii MỤC LỤC……………………………………………………………….. iii MỞ ĐẦU………………………………………………………………… 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI......................................................... 8 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu…………………………………… 8 1.2. Cơ sở lý luận....................................................................................... 19 1.2.1. Khái niệm......................................................................................... 19 1.2.2. Cơ sở lý thuyết……….. ………………………………………….. 23 1.3. Khái quát lăng và tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ……………………………………………………….. 28 1.3.1. Khái quát lăng mộ …………………………………………………..... 28 1.3.2. Khái quát tượng lăng mộ………………………………………….. 35 Tiểu kết…………………………………………………………………... 48 Chương 2: NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TƯỢNG LĂNG MỘ QUẬN CÔNG THẾ KỶ XVII - XVIII Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 50 2.1. Nghệ thuật tạo hình tượng người………………………………….... 50 2.1.1. Bố cục hình dáng và khối tượng người ………………………….. 50 2.1.2. Tạo hình trang trí trên trang phục tượng người………………....... 64 2.1.3. Tạo hình chân dung và bàn tay tượng…………………………...... 67 2.2. Nghệ thuật tạo hình tượng thú…………………………………….. 78 2.2.1. Bố cục và hình dáng tượng……………………………………….. 78 2.2.2. Tạo hình khối tượng thú…………………………………………... 89 2.2.3. Tạo hình trang trí trên tượng thú………………………………...... 99 Tiểu kết…………………………………………………………………... 108 iv Chương 3: BƯỚC ĐẦU NHẬN ĐỊNH VỀ NGHỆ THUẬT TƯỢNG LĂNG MỘ QUẬN CÔNG THẾ KỶ XVII - XVIII Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ.................................................................................................. 110 3.1. Đặc điểm nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ……………………………………………………........... 110 3.1.1. Đặc điểm nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII.................. 110 3.1.2. Đặc điểm nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVIII................. 118 3.2. Chuyển biến tạo hình tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ……………………………………………... 131 3.2.1. Chuyển biến về bố cục và hình dáng tượng………………………. 131 3.2.2. Chuyển biến về tạo hình chân dung và bàn tay…………………… 135 3.2.3. Chuyển biến về trang trí trên tượng………………………………. 139 3.3. Vị trí của nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII trong hệ thống tượng lăng mộ ở Việt Nam…………………………………... 143 Tiểu kết……………………………………………………………………... 149 KẾT LUẬN……………………………………………………………........ 151 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN…………………………………………………… 156 TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………….. 157 PHỤ LỤC…………………………………………………………………... 168 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Thế kỷ (TK) XVII - XVIII đã đánh dấu sự phát triển của nhiều công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, sinh từ, lăng mộ… cùng các loại hình đồ gốm, điêu khắc Phật giáo, chạm khắc trang trí đình làng ở Đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB). Trong đó nghệ thuật điêu khắc tượng lăng mộ Quận công TK XVII XVIII đã đạt đến giá trị thẩm mĩ cao, tạo nên đặc điển nghệ thuật độc đáo, góp phần vào những thành tựu chung của mỹ thuật cổ truyền dân tộc. Chủ nhân sở hữu dòng nghệ thuật tượng lăng mộ chủ yếu là những Quận công vị thế trong xã hội, tự bỏ tiền xây cất lăng mộ, sinh từ to lớn, tạo bia đá ghi lại công lao, sự nghiệp để cho con cháu sau này noi theo và tôn thờ. Nhiều Quận công, quan tướng thời Lê Trung Hưng (LTH) là những người có học vấn, có công lao với triều đình, đương thời đã không ngần ngại gửi gắm những quan điểm, cách nghĩ của mình về cuộc đời thông qua hình thức, chất liệu, quy mô kiến trúc lăng mộ, độc đáo nhất là hệ thống tượng tròn trong mỗi không gian kiến trúc. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lăng mộ có một diện mạo đặc thù, khác hẳn với các công trình kiến trúc, điêu khắc gắn với tôn giáo, tín ngưỡng bởi chính vai trò, chức năng tưởng niệm của chúng. Đặc biệt là hệ thống tượng với những biểu hiện qua bố cục, hình dáng, đặc điểm khối, chạm khắc trang trí trên trang phục và sự biểu cảm trên gương mặt, bàn tay tượng người cũng như ở phần đầu tượng thú. Hiện nay, hệ thống tượng này đang có dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà dẫn tới nứt, vỡ, mòn khối, mờ nét, biến dạng, thậm chí là biến mất. Với những biểu hiện về giá trị nghệ thuật của hệ thống tượng lăng mộ và yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền, trong giai đoạn hiện nay rất cần những công trình chuyên sâu và hệ thống từ góc nhìn mỹ thuật để nghiên cứu, một cách chuyên biệt, kỹ lưỡng về đối tượng này. Hiện nay có một số công trình đã tìm hiểu, nghiên cứu về lăng mộ, tượng lăng mộ, tuy nhiên chưa có 2 công trình nào nghiên cứu một cách chuyên biệt ở chuyên ngành mỹ thuật. Vì vậy, nghiên cứu sinh (NCS) chọn hướng nghiên cứu “Nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ” thông qua 4 công trình lăng mộ tiêu biểu, còn khá nguyên trạng về không gian, kiến trúc, đặc biệt là tính nguyên trạng của hệ thống tượng tròn làm đề tài luận án tiến sĩ. Luận án đặc biệt tìm hiểu sâu đến đặc điểm tạo hình; bố cục và dáng tượng; cấu trúc hình thể; nghệ thuật tạo khối và trang trí trên tượng người, tượng thú. Từ đó phân tích, đánh giá và xác định rõ những đặc điểm, phong cách nghệ thuật tạo tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB trong bối cảnh chung của tiến trình phát triển nghệ thuật điêu khắc tượng lăng mộ cũng như vị trí của loại hình nghệ thuật này trong nền mỹ thuật cổ Việt Nam. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu - Nghiên cứu các nguyên nhân và tiền đề (hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội, kinh tế, xã hội, quan niệm…) cho sự ra đời lăng mộ và nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB. - Xác định những giá trị nghệ thuật tiêu biểu về hình thức, nội dung của các loại tượng tròn đặt trong hệ thống lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB. - Chứng minh sự chuyển biến về tạo hình tượng lăng mộ Quận công đi từ ước lệ đến tả thực. Tìm ra đặc điểm nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB. Đặc điểm và sự chuyển biến đó chịu sự tác động của lịch sử, văn hóa xã hội, kinh tế và quan niệm của người Việt trong việc tạo dựng các công trình gắn với ý nghĩa tưởng niệm người chết ở thời kỳ này. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Tập hợp, hệ thống, phân loại các tài liệu, tư liệu có liên quan đến tượng tròn trong lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB. Xác lập vấn đề nghiên cứu tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB thông qua hình thức bố cục và dáng tượng; trang trí trên trang phục 3 tượng, tạo hình chân dung và bàn tay tượng; biểu hiện khối ước lệ và biểu hiện khối tả thực trên tượng. Phân tích để làm rõ những đặc điểm bố cục hình dáng, cấu trúc hình thể, khối, họa tiết, hoa văn trang trí trên tượng người, tượng thú ở 4 lăng mộ tiêu biểu TK XVII - XVIII, thuộc 3 tỉnh thành ở vùng ĐBBB. So sánh, đối chiếu nghệ thuật tượng lăng mộ TK XVII - XVIII với các thời kỳ trước và sau để làm nổi bật những đặc điểm chung giống nhau về tạo hình bố cục dáng, cấu trúc hình thể, đặc điểm khối, chạm khắc trang trí trên tượng và những đặc điểm riêng khác biệt về bố cục dáng tượng, khối, chạm khắc trang trí tượng lăng mộ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án được xác định là nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII, trong đó bao gồm tượng tròn và chạm khắc trang trí trên tượng. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi không gian: Được xác định cụ thể tượng trong lăng mộ ở vùng ĐBBB, trong đó tập trung vào 4 lăng mộ tiêu biểu của hai thế kỷ: lăng Vũ Hồng Lượng, (1660), làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Chủ nhân lăng này là tướng công, không phải Quận công. Do hệ thống lăng mộ Quận công TK XVII ở vùng ĐBBB rất hiếm thấy và không còn nguyên trạng, nên NCS lựa chọn lăng mộ này với mục đích lấy những dẫn chứng cụ thể nhằm minh chứng cho tính đặc thù của tượng lăng mộ có niên đại TK XVII; lăng Họ Ngọ, (1695), xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; lăng Dinh Hương, (1729), thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; lăng Phạm Huy Đĩnh, (1777), thôn Cao Mỗ - (làng Voi đá, Ngựa đá), xã Chương Dương huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Việc chọn lựa 4 không gian lăng mộ trên làm đối tượng khảo sát chính của luận án là vì niên đại của kiến trúc, điêu khắc tượng ở mỗi lăng khá rõ và 4 cụ thể được hình thành ở các giai đoạn cụ thể ở các thế kỷ. Đặc biệt là tính nguyên trạng của toàn thể kiến trúc, điêu khắc tượng, trang trí trong những lăng này có biểu hiện đặc biệt về nghệ thuật. Thêm vào đó là căn cứ vào sự đa dạng về số lượng chủng loại tượng cùng xuất hiện và sinh động về tạo hình đặt hai bên đường linh đạo. Phạm vi thời gian: Hệ thống tượng tròn trong các lăng mộ Quận công tiêu biểu, còn nguyên trạng, được khởi dựng vào TK XVII và TK XVIII. Việc lựa chọn khung thời gian của hai TK với mục đích tìm hiểu sự chuyển biến tạo hình, những tác động làm chuyển biến về bố cục dáng, cấu trúc hình thể, tạo khối, đường nét chạm khắc, trang trí trên tượng. Đồng thời xác định rõ đặc điểm phong cách tượng lăng mộ thời Lê Trung Hưng (TK XVII - XVIII) ở vùng ĐBBB. 4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết khoa học 4.1. Câu hỏi nghiên cứu Nhìn nhận nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII cho thấy, quan niệm của người xưa về sự sống và cái chết được biểu hiện qua lăng mộ và nghệ thuật tượng lăng mộ. Giai đoạn này, tạo hình tượng người, tượng tượng thú có sự thay đổi rõ rệt so với giai đoạn trước, vậy do nguyên nhân, mục đích gì?. Làm thế nào để nhận diện nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII, cũng như vai trò, ý nghĩa của nó trong nền mỹ thuật cổ? 4.2. Giả thuyết khoa học Lăng mộ và tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB là một xã hội thu nhỏ, ở đó chia các tầng lớp địa vị khác nhau giữa người, linh thú và thú theo một quy luận nhất định, nhằm phản ánh quan niện về sự sống và cái chết của người xưa thông qua hình thức nghệ thuật. Do vậy, tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII đã tạo nên đặc điểm, phong cách nghệ thuật riêng biệt, đánh dấu sự thay đổi về nghệ thuật so với giai đoạn trước và các giai đoạn sau. Dòng nghệ thuật này được biểu hiện qua các yếu tố tạo hình như: bố cục và hình dáng; cấu trúc hình thể; nghệ thuật diễn đạt khối; cách 5 thức trang trí trên tượng; sự biểu cảm tinh tế ở chân dung và bàn tay nhân vật tượng người, cũng như sự sống động của tượng thú và linh thú ở nhiều tư thế, kiểu dáng khác nhau. 5. Phương pháp nghiên cứu Để triển khai đề tài luận án, NCS vận dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau: Phương pháp tổng hợp, phân loại, phân tích văn bản, tài liệu, kết hợp với phương pháp lịch sử, phân tích, so sánh nhằm kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tượng tròn trong lăng mộ từ trước đến nay. Qua việc tổng hợp, phân tích dựa trên tài liệu sẽ góp phần đưa ra cái nhìn tổng thể về đối tượng nghiên cứu, đồng thời có cứ liệu trong việc so sánh nội dung, hình thức biểu hiện, kỹ thuật chạm khắc, phong cách thể hiện các loại hình tượng tròn này trong nhiều giai đoạn lịch sử. Phương pháp điền dã/quan sát trực tiếp bằng mắt thường, so sánh ở góc độ mỹ thuật sẽ được vận dụng triệt để với mục đích làm rõ được hình thức nghệ thuật tượng lăng mộ TK VII - XVIII và chỉ ra sự giống, khác nhau về hình thức giữa tượng TK XVII và TK XVIII. Đồng thời thông qua so sánh để nghiên cứu và làm rõ những đặc điểm tạo hình bố cục hình dáng tượng, cấu trúc hình thể, diễn tả khối, chạm khắc trang trí của tượng người, tượng thú trong lăng mộ tiêu biểu giai đoạn này. Phương pháp điền dã, khảo sát thực địa, ghi chép cũng được sử dụng với mục đích xây dựng hệ thống dữ liệu hình ảnh, bản vẽ, bản rập và những thông tin cần thiết cho nghiên cứu của đề tài. Phương pháp so sánh, đối chiếu sẽ làm rõ được hình thức nghệ thuật tượng lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII và chỉ ra sự giống, khác nhau về phong cách tạo tượng giữa thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Đồng thời thông qua so sánh, đối chiếu để nghiên cứu và làm rõ những đặc điểm tạo hình có tính tiêu biểu của tượng người, tượng thú trong giai đoạn này. Đặc biệt chú trọng vận dụng triệt để phương pháp tiếp cận và nghiên cứu ở chuyên ngành mỹ thuật nhằm làm rõ những đặc điểm bố cục hình dáng, 6 cấu trúc hình thể, tạo khối và trang trí trên tượng khi chúng được đặt trong môi cảnh thực tế, chịu sự tác động của không gian, ánh sáng ngoài trời. Phương pháp nghiên cứu liên ngành được sử dụng với mục đích tìm kiếm và áp dụng những thành tựu của một số ngành có mối liên hệ với mỹ thuật như: Văn hóa dân gian, khoa học xã hội, lịch sử địa lý, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng... từ đó giúp cho NCS xác định được hình thái, cấu trúc, những biểu hiện của đối tượng nghiên cứu. Đồng thời, làm sáng tỏ hơn vẻ đẹp cũng như khẳng định phong cách đặc trưng riêng của nghệ thuật lăng mộ trong sự phát triển chung của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. 6. Đóng góp mới của đề tài luận án 6.1. Về mặt khoa học Nghiên cứu nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở ĐBBB sẽ góp phần làm rõ giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng tròn trong lăng mộ nói riêng, các công trình gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, tưởng niệm vùng ĐBBB nói chung. Việc tìm hiểu lý do cho sự xuất hiện của tượng người, tượng thú trong lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB là góp phần làm rõ vai trò, chức năng, ý nghĩa của nghệ thuật tượng lăng mộ, qua đó thấy được những tác động làm biến đổi đặc điểm và định hình xu hướng phổ biến của tượng lăng mộ ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Ở phương diện lý luận và lịch sử mỹ thuật, đề tài luận án tiếp cận, nghiên cứu về nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công TK XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ, qua đó để hiểu thêm một phần đời sống, văn hóa và các quan niệm về tôn giáo, tín ngưỡng, tưởng niệm… của con người trong giai đoạn lịch sử này. Tổng hợp một số vần đề về lý luận, hình thức nghệ thuật trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, gìn giữ nghệ thuật tượng lăng mộ TK XVII - XVIII vùng ĐBBB trong giai đoạn hiện nay. 7 6.2. Về mặt thực tiễn Đề tài nghiên cứu góp phần nhận diện rõ những đặc điểm tạo hình chung giống nhau và những đặc điểm tạo hình riêng khác biệt về hình thức kiểu dáng bố cục, cấu trúc hình thể, đặc điểm khối, chạm khắc trang trí ở hệ thống tượng người, tượng thú trong lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB. Chỉ ra đặc điểm tạo hình và xác định phong cách tạo hình của tượng lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB trong bối cảnh chung của ĐK truyền thống Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị thực tiễn, góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB trong giai đoạn hiện nay. Góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ảnh kỹ thuật số về loại hình tượng tròn bằng đá ở Việt Nam, bổ sung thêm nguồn tư liệu cho nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác tại đơn vị - nơi NCS công tác và ở các cơ sở đào tạo về mỹ thuật. Đóng góp của luận án là bổ sung thêm cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ và làm căn cứ giúp các dòng họ trong việc bảo tồn, gìn giữ, tu bổ tượng lăng mộ trong giai đoạn hiện nay. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần Mở đầu bao gồm (7 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (10 trang) và Phụ lục (74 trang), nội dung của luận án bao gồm 3 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận để nghiên cứu đề tài (41 trang) Chương 2. Nghệ thuật tạo hình tượng lăng mộ Quận công TK XVII – XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ (59 trang). Chương 3. Bước đầu nhận định về nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công thế kỷ XVII - XVIII ở Đồng bằng Bắc bộ (40 trang) 8 Chương1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Nghệ thuật điêu khắc lăng mộ đã hút được một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Nhưng tìm hiểu và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chuyên biệt về nghệ thuật tượng tròn ở không gian lăng mộ TK XVII - XVIII vùng ĐBBB đến nay chưa có công trình nào, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật. Tuy nhiên, có thể điểm qua một số công trình nghiên cứu của những tác giả (TG) đi trước đã đề cập tới đặc điểm tạo hình, giá trị nghệ thuật của tượng ở các loại hình di tích truyền thống, trong đó bao gồm một phần về tượng lăng mộ. Cụ thể như sau: 1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về nghệ thuật tượng của người Việt Nghệ thuật tượng của người Việt có bề dày lịch sử, ra đời từ thời dựng nước với nhiều di vật quý còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Những công trình nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này có thể kể đến là Tượng Cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc Việt [124] của tác giả Chu Quang Trứ. Ngay từ lời mở đầu ông khẳng định: Nghệ thuật tạo tượng là cốt lõi của nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam. Với chủ đích tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình cổ truyền của người Việt qua những pho tượng, nội dung công trình được chia làm 2 phần chính đề cập đến sự biến đổi của tượng cổ Việt Nam trong tiến trình lịch sử và nghiên cứu có hệ thống về tượng người, tượng thú trong một số di tích. Tác giả đã liệt kê sơ bộ những hình thức tượng và những hình thức có biểu hiện của tượng như: tượng người gắn ở chuôi dao găm; nhóm tượng voi và chim; tượng con hổ [124, tr 34]; tượng người đàn bà ở di chỉ Văn Điển, Hà Nội, thuộc Văn hóa Phùng Nguyên; tượng người đàn ông ôm đôi chó; bốn cặp tượng trai gái ân ái trên nắp thạp Đào Thịnh (Yên Bái). Về tượng lăng mộ, tác giả có những kiến giải riêng khi cho rằng: việc tạc tượng nhỏ bé, ngộ nghĩnh ở Lam Kinh là có chủ ý của triều đình và ông cũng 9 nêu ra sự khác nhau giữa tượng ở lăng mộ Lam Kinh và tượng ở lăng mộ thời Nguyễn là các con thú có khối ở phần chân được đục thủng. Từ một số nhận định trên, rác gải kết luận: Mỹ thuật thời Lê sơ với những thành tựu về điêu khắc lăng mộ đã tạo tiền đề cho xu hướng điêu khắc ngoài trời phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng với lăng mộ của quan tướng và các dòng tộc lớn [124, tr 100 - 111]. Năm 1993 tác giả Trần Lâm Biền với công trình nghiên cứu Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt (Tượng Phật Tượng mồ - Phù điêu) [17]. Trong công trình này, ông phác ra một lược đồ và một diện mạo cái nhân bản tiềm ẩn trong truyền thống điêu khắc ở nước ta theo cách tiếp cận từ những tư liệu lịch sử, từ triết lý Phật giáo và các dòng tư tưởng từng chảy trong mạch máu văn hóa cổ của đất nước… [17, tr 11]. Như thế, tác giả quan niệm những di sản truyền thống của cha ông là mạch máu để góp phần nuôi sống VHNT dân tộc bởi những ý nghĩa tiềm ẩn của nó. Trong mục “Vài nét về tượng đền và tượng mồ”, tác giả viết: Việc tạo tượng thần là một yêu cầu tự nhiên của quần chúng. Đó cũng là điều mà tầng lớp thống trị quan tâm. Cho nên, hầu như đền nào nổi tiếng cũng thường có tượng được tạo ra dưới dạng của một ông vua đương nhiệm. Thêm vào đó nhiều khi có cả tượng quan văn võ hay tượng phỗng quỳ hầu. Một trong những chứng tích ở đền thờ anh hùng văn hóa Phù Đổng Thiên Vương, đền Phú Đa…. Sự xuất hiện của tượng người (quan văn, quan võ, người hầu) không chỉ có ở lăng mộ, mà nó đã xuất hiện trong một số ngôi đền [17, tr 167]. Năm 2008 tác giả Lê Tạo trong công trình Một số đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống ở Thanh Hóa [99] đã làm sáng tỏ nét đặc thù tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc đá ở Thanh Hóa bằng cách phân tích, đối chiếu với NTĐK đá ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, TG còn đưa ra một số phân tích, nhận định, đánh giá các đặc trưng này thể hiện qua tượng trong 10 một số lăng mộ thời kỳ Lê sơ và Lê - Trịnh. Những kiến giải này rất hữu ích cho NCS trong việc tìm hiểu thông tin về các biểu tượng văn hóa gắn với tượng trong lăng mộ, đặc biệt là những giá trị chung của nghệ thuật chạm khắc đá ở Thanh Hóa - nơi được cho là khởi đầu của nghệ thuật tạo tượng bằng đá, từ đó mà dấu vết của làng nghề đá thuộc Núi Nhồi vẫn còn được lưu lại đến ngày nay ở một số lăng mộ: Phạm Huy Đĩnh, Vũ Hồng Lượng. Trong công trình Nghệ thuật xứ An Nam của tác giả tác giả Henri Gourden, Trương Quốc Toàn dịch, Nxb Nhã Nam tái bản năm 2017 [61]. Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, tác giả đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và các xu hướng phát triển của nghệ thuật “xứ An Nam”, kèm theo 16 bức ảnh minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật “xứ An Nam” đạt được tính đến thời điểm đó. Tác giả có một số nhận định bước đầu về nghệ thuật tượng của xứ An Nam như sau: Các bức tượng ở lăng mộ có hình dạng gần như thẳng đứng, nên trông như tạc bằng đá. Ngành chế tác tượng tôn giáo không phải là nơi để tìm kiếm tác phẩm ấn tượng nhất trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình này, mặc dù đây là lĩnh vực người An Nam tỏ ra có năng khiếu nhất. Chính ở đây tạo ra sự phân tách giữa các quy tắc ước lệ và thế giới tự nhiên, giữa truyền thống và cuộc sống thực tại [61, tr 85]. Với nhãn quan của một người phương Tây, qua thực tế và những nhận định bước đầu của tác giả là một giá trị quý báu. Tuy nhiên, nghệ thuật tượng của người An Nam nói chung, tượng lăng mộ của người Việt nói riêng còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tư tưởng khác sâu sắc hơn, đòi hỏi phải có thời gian trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa mới có thể thấu hiểu. Những nhận định bước đầu của tác gải là nguồn tư liệu quý báu giúp cho NCS cẩn trọng hơn trong vấn đề xác định những đặc điểm tạo hình tượng lăng mộ ở Việt Nam và ý nghĩa của chúng đối với cộng đồng, với chủ nhân dưới mộ. 11 Trong công trình Trí tuệ tạo hình người Việt, từ hình tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay [68] của tác giả Đoàn Thị Mỹ Hương, thông qua khá nhiều pho tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay trong các ngôi chùa ở Việt Nam (Thượng Phúc, Hội Hạ, Đa Tốn, Đào Xuyên, Bối Khê, Thượng Trưng, Đại phúc, Ngãi Cầu, Tam Sơn, Mễ Sở,...). Ở phần tư duy tạo hình Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của người Việt, tác giả có đưa ra ý kiến về tạo tượng: Thường được thực hiện trong một phường thợ, hay tốp thợ, trong đó người thợ cả đóng vai trò chính cho “phần hồn” của tác phẩm, đây là người đưa ra những nét chạm cuối cùng quyết định một chân dung, một diện mạo cụ thể cho bức tượng. Thông qua ý kiến trong công trình, tác giả đã gợi ý cho NCS xác định rõ thêm loại hình tượng tròn trong lăng mộ TK XVII – XVIII không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn đáp ứng nhu cầu của người đương thời trong việc tạo tượng đặt trong lăng mộ, đặc biệt là tượng người. Bên cạnh đó, thông qua ý kiến xác định vai trò quan trọng của người thợ cả trong việc tạo tượng đã góp phần cho NCS hiểu rõ hơn vai trò của phường thợ, đặc biệt là người thợ cả và những bí quyết về nghề chủ yếu được truyền lại qua các thế hệ chủ yếu bằng sự đúc rút kinh nghiệm. 1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu về lăng mộ Bộ chính sử đầu tiên viết về lăng mộ có lẽ là Đại Việt sử ký toàn thư [84], do những sử quan thời Lê viết. Bộ sử này đề cập đến quá trình xây dựng và trùng tu khu lăng mộ ở Lam Kinh của nhà Lê sơ, đồng thời có đề cập sơ lược đến hình thức điêu khắc tượng hầu và tượng thú ở một số lăng mộ vua mà chưa có những nhận định hay đánh giá về nghệ thuật tạo hình của tượng; Trong bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập [39] cũng nhắc đến một số cụm lăng mộ như lăng Trần Thủ Độ ở Thái Bình. Bộ sách điểm qua hiện trạng khu lăng, chỉ có một chi tiết nhỏ nhắc đến tượng hổ đá được đặt trong không gian này với tư cách như là một hổ thần cai quản vùng đất thuộc khuôn viên lăng mộ. 12 Đến thời Nguyễn, có nhiều công trình biên niên sử, trong đó công trình liên quan đến lăng mộ là Lịch triều hiến chương loại chí [29], hay được hiểu là phép tắc các triều đại, chép theo thể phân loại, do Phan Huy Chú soạn trong 10 năm (1809 - 1819); Công trình Đại Nam Nhất thống chí [98] được quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới thời vua Tự Đức, có 28 tập với 31 quyển, chép tay trên bản thường, khổ 28 và 16 cm. Mỗi quyển chép về một tỉnh và được trình bày theo các mục, trong đó mục 16 có ghi chép về lăng mộ của vua và quan. Nhìn chung, lăng mộ giai đoạn TK XVII - XVIII còn được nhắc đến trong một số công trình khác như Vũ Trung tùy bút [58] của Phạm Đình Hổ, nhưng chỉ mang tính chất giới thiệu, miêu tả, chưa đi sâu vào phân tích từng thành tố trong quần thể kiến trúc cũng như các yếu tố tạo hình của nghệ thuật tượng trong lăng mộ. Một số công trình sau này như Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam [115] của Trần Mạnh Thường cũng được viết mang tính chất thống kê danh mục một số ngôi đình, đền, chùa miếu, am, lăng mộ (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Túc Tông…) [115, tr 386 - 388], trong đó phần mô tả về kiến trúc là chính, phần điêu khắc chỉ được nhắc đến qua tên gọi và vị trí đặt tượng. Khu lăng mộ Lam Kinh của các vị vua nhà Lê Sơ cũng được nhiều học giả người Pháp quan tâm như Léopold Michel Cadière (1869-1955), sang Việt Nam với tư cách là linh mục truyền đạo nhưng lại được biết nhiều với tư cách một nhà sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học và dân tộc học. Học giả L. Bazacier có hai công trình nghiên cứu Các lăng vua đời Hậu Lê [15] và Nghệ thuật Việt Nam [14] được thực hiện dưới sự bảo trợ của trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Hai công trình này có đề cập đến một số thông tin về lăng mộ đời Hậu Lê như lăng hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyền, hay việc khai quật hầm mộ (nằm giữa lăng vua Lê Thái Tổ và vua Lê Hiến Tông)… Trong công trình của mình, L. Bazacier có những nhận định về sự tương đồng khi đối chiếu với lăng mộ nhà Minh - Trung Quốc. Sự thay đổi ở khu lăng mộ Lam Kinh cũng được mô tả khá chi tiết trong các nghiên cứu Khu di tích Lam 13 Kinh, Thanh Hóa [91] của Đặng Kim Ngọc và Phạm Như Hổ thực hiện năm 1980, Khảo sát quần thể di tích Lam Kinh -Thanh Hóa [45] của Nguyễn Huy Hạnh thực hiện năm 2000. Công trình Di tích Lam Sơn [52] của Nguyễn Hảo, Xuân Long, gồm 90 trang, giới thiệu khái quát về núi sông, con người và lịch sử Lam Sơn, mảnh đất thiêng, quê hương của anh hùng Lê Lợi, giới thiệu khu di tích Lam Kinh: điện miếu, lăng mộ, nghệ thuật điêu khắc, trang trí. Trong công trình Hà Bắc ngàn năm văn hiến [9] hai tác giả Phương Anh và Thanh Hương đã giới thiệu chi tiết về kiến trúc và điêu khắc của 08 khu di tích thời Lý ở Kinh Bắc. Tác giả Vũ Tam Lang trong công trình Kiến trúc cổ Việt Nam [78] giới thiệu sơ qua hai lăng mộ TK XVII - XVIII ở Hiệp Hòa, Bắc Giang là lăng họ Ngọ, (1697) và lăng Dinh Hương, (1729). Công trình Các vua và hoàng hậu táng ở Lam Kinh [129] của Lê Văn Viện đề cập sơ lược về lịch sử, văn hóa vùng đất Lam Sơn và quá trình xây dựng điện Lam Kinh, các di tích điện miếu, đền thờ, lăng mộ... của các Vua và Hoàng hậu ở Lam Kinh, công trình này cung cấp những kiến thức làm rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của các Vua và Hoàng hậu được an táng tại đây. Bài viết “Lăng mộ bi ký ở Đa Căng, xã Vạn Hoà, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá” [81, tr 65 - 68] của Vũ Duy Mền cho chúng ta biết thêm về một hình thức lăng mộ khác trong hệ thống lăng mộ ở nước ta. Bài viết “Thử xác định vị trí lăng mộ vua Lê Nhân Tông ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hoá)” [38] của Nguyễn Văn Đoàn đã đưa ra cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu liên quan đến lăng mộ thời Lê ở Thanh Hóa. Công trình Di tích lịch sử văn hoá Đền Đô [110] của Nguyễn Đức Thìn có giới thiệu toàn diện về khu di tích đền Đô, trong đó có đề cập đến các lăng mộ thời Lý. Tác giả Vũ Đức Thơm với công trình “Về di tích lăng mộ thời Trần ở Thái Đường - Hưng Hà - Thái Bình” [117, tr 110 - 114] cung cấp thêm một số tư liệu quan trọng về tượng lăng mộ thời nhà Trần. Có thể nói, những công trình nêu trên phần nào giới thiệu khái quát về một số quần thể di tích lăng mộ, trong đó có giới thiệu đến những yếu tố kiến trúc, điêu khắc, trang trí trong lăng mộ. Việc tổng hợp một cách bài bản và có 14 hệ thống sẽ giúp cho NCS có được một cách tiếp cận tổng thể trong việc nghiên cứu về lăng mộ nói chung và nghệ thuật tượng trong không gian lăng mộ TK XVII - XVIII ở ĐBBB nói riêng. 1.1.3. Nhóm công trình nghiên cứu về điêu khắc lăng mộ giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII ở châu thổ Bắc Bộ Công trình Mỹ thuật của người Việt [103] của hai tác giả Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng xuất bản năm 1989 có đề cập đến lăng mộ TK XVII như lăng Họ Ngọ, Vũ Hồng Lượng [103, tr 177 - 178]. Lăng mộ TK XVIII được nhắc đến: Phú Đa, Họ Đỗ, Nguyễn Diễn, Dinh Hương, Bầu, Cẩm Bào, Nội Tròn, Đoàn Văn Khôi [103, tr 204 - 206]. Công trình này chỉ điểm qua một số hình thức điêu khắc tượng lăng mộ mà chưa làm rõ những đặc điểm tạo hình bố cục, cấu trúc hình thể, đặc điểm khối và chạm khắc trang trí của tượng. Năm 1996 tác giả Nguyễn Tiến Vĩnh với khóa luận tốt nghiệp Điêu khắc lăng mộ Thanh Hóa [138] đã đi sâu nghiên cứu lăng mộ vua chúa ở Thanh Hóa từ TK XV đến TK XVIII. Nội dung của công trình này gồm 4 chương: Chương 1. Lịch sử điêu khắc đá lăng mộ Thanh Hóa; Chương 2. Tư tưởng xây lăng mộ; Chương 3. Kiến trúc lăng mộ; Chương 4: Không gian điêu khắc lăng mộ. Tác giả tập trung nghiên cứu không gian của lăng mộ, phần tượng ở lăng mộ được tác giả giới thiệu trong phần cuối (thể loại tượng trong lăng mộ, cách tạo khối…). Năm 1997 trong công trình Điêu khắc cổ Việt Nam [105], tác giả Phan Cẩm Thượng nhận định về tượng trong lăng mộ thời Lê Trịnh (TK XVII XVIII) như sau: Nhiều quan lại bất lực trước thời cuộc và chán nản hoạn lộ, rút về làng xây dựng sinh từ và lăng mộ nhằm xác lập một hình ảnh hoang tưởng về thế giới bên kia, về sự thất vọng về hiện tại [105, tr 9]. Năm 2003 tác giả Đặng Thị Phong Lan thực hiện công trình Nghệ thuật điêu khắc lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở Hiệp Hòa, Bắc Giang [77]. Đây là một công trình nghiên cứu tập trung khá sâu vào nghệ thuật điêu khắc lăng mộ, trong đó có đề cập đến tạc tượng và chạm khắc trang trí trong lăng mộ.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan