Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ luận án Giáo phận Thái Bình Lịch sử, thực trạng và những vấn đề đặt ra...

Tài liệu luận án Giáo phận Thái Bình Lịch sử, thực trạng và những vấn đề đặt ra

.PDF
217
327
74

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ XUÂN BÀN GIÁO PHẬN THÁI BÌNH: LỊCH SỬ, THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Ngành : Tôn giáo học Mã số: 62 22 03 09 LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÔN GIÁO HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Nguyễn Hồng Dương 2. PGS.TS Chu Văn Tuấn Hà Nội, 2017 LỜI CAM ĐOAN * * * Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Trên cơ sở kế thừa, phát triển những công trình nghiên cứu đi trước, những tư liệu điền giã, khảo sát của tác giả luận án đưa ra bức tranh tổng quát về giáo phận Thái Bình trong lịch sử và hiện tại, Đồng thời rút ra đặc điểm của giáo phận Thái Bình, nêu lên những vấn đề đang đặt ra và đề xuất một số khuyến nghị đối với người đứng đầu giáo phận và các nhà quản lý của chính quyền địa phương. Kết quả nghiên cứu này là trung thực và không trùng lặp hoặc sao chép của công trình nào khác. Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2017 Nghiên cứu sinh Hà Xuân Bàn LỜI CẢM ƠN * * * Tôi xin được cảm ơn Ban Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Phòng Quản lý đào tạo, Khoa Tôn giáo học cùng các quý thầy, cô của Học viện Khoa học xã hội đã giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Tôi xin được cảm ơn Tạp chí Công an nhân dân - Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Bộ Công an - nơi tôi đang công tác, đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi học tập và hoàn thành luận án. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Nguyễn Hồng Dương và PGS.TS Chu Văn Tuấn đã hết lòng dìu dắt, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để tôi hoàn thành luận án này. Xin được cảm ơn Ban Tôn giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, các giáo sĩ và giáo dân Công giáo ở giáo phận Thái Bình đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt thời gian điền dã và nghiên cứu luận án. Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã khích lệ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập. Xin chân thành cảm ơn./. Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2017 Nghiên cứu sinh Hà Xuân Bàn DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN BC/BCĐ Báo cáo/ Ban Chỉ đạo Caritas Caritas International (Hiệp hội của 164 tổ chức quốc tế cứu trợ nhân đạo và phục vụ phát triển xã hội của Giáo hội Công giáo Rôma hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới). Quốc tế Caritas Việt Nam Ủy ban Bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam điều hành, thành viên của Caritas Quốc tế CT/BNV Chỉ thị/ Bộ Nội vụ CT-TTg Chỉ thị - Thủ tướng HĐGX Hội đồng Giáo xứ HĐGH Hội đồng Giáo họ Nxb Nhà xuất bản NĐ-CP Nghị định - Chính phủ HHĐGMVN Hội đồng Giám mục Việt Nam HĐTV Hội đồng Tư vấn HĐLM Hội đồng Linh mục HĐKT Hội đồng Kinh tế HĐMV Hội đồng Mục vụ LM Linh mục DANH MỤC SƠ ĐỒ TRONG LUẬN ÁN STT TÊN SƠ ĐỒ Trang 1 Sơ đồ 2.1: Quá trình hình thành phát triển giáo xứ, họ đạo 33 2 Sơ đồ 2.2: Cơ cấu tổ chức giáo hội cơ sở 39 MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN 7 1.1- LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 7 1.2- KHUNG LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU VÀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM 17 Chương 2: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO 25 PHẬN THÁI BÌNH 2.1- THỜI KỲ TỪ BUỔI ĐẦU ĐẾN THỜI ĐIỂM THÀNH LẬP THÀNH 25 LẬP GIÁO PHẬN (1638-1936) 2.2- THỜI KỲ TỪ THỜI ĐIỂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN (1936) ĐẾN 50 NĂM 1954 2.3- THỜI KỲ TỪ NĂM 1954 ĐẾN NAY 56 TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 67 Chương 3: THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO Ở GIÁO PHẬN THÁI 69 BÌNH 3.1- THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH ĐẠO VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC 69 GIÁO HỘI 3.2- THỰC TRẠNG HÀNG GIÁO SĨ, GIÁO DÂN, TU SĨ 81 3.3- THỰC TRẠNG NIỀM TIN, THỰC HÀNH NIỀM TIN TÔN GIÁO VÀ 96 HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 110 Chương 4: ĐẶC ĐIỂM GIÁO PHẬN THÁI BÌNH, NHỮNG VẤN ĐỀ 111 ĐẶT RA VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ 4.1- ĐẶC ĐIỂM GIÁO PHẬN THÁI BÌNH 111 4.2- NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 122 4.2- MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ 126 TIỂU KẾT CHƯƠNG 4 140 KẾT LUẬN 143 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài luận án Giáo phận có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tổ chức giáo hội chặt chẽ có tính toàn cầu từ trung ương (Tòa Thánh) đến giáo hội địa phương (giáo phận) và giáo hội cơ sở (giáo xứ) của Công giáo. Giám mục có toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp quyết định mọi mặt hoạt động của Công giáo trong phạm vi giáo phận phụ trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo hoàng và trên cơ sở giáo luật. Vì vậy, xu hướng hoạt động hay sự thịnh, suy của Giáo hội Công giáo phụ thuộc vào từng giáo phận, nhất là người đứng đầu tổ chức này. Để hiểu rõ về Công giáo, cần đi sâu nghiên cứu kỹ từng giáo phận. Công giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI, đến nay đã là tôn giáo có số lượng tín đồ đứng thứ hai (sau Phật giáo) ở nước ta với trên 6,5 triệu tín đồ, chiếm gần 7% dân số cả nước, thiết lập được một hệ thống tổ chức chặt chẽ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Toà thánh Vatican, với 26 giáo phận, khoảng 3.000 giáo xứ, trên 4.000 linh mục, gần 20.000 tu sĩ nam, nữ, 8 đại chủng viện và hơn 5.500 cơ sở thờ tự. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam diễn ra lâu dài và phức tạp. Do đó, việc nghiên cứu để có hướng tác động làm cho Công giáo ở Việt Nam thực sự gắn bó, đồng hành với dân tộc, giúp cho công tác quản lý nhà nước vừa bảo đảm được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân vừa làm cho hoạt động của giáo hội tuân thủ pháp luật Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để tập trung xây dựng, phát triển đất nước càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết. Là một trong 26 giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam, giáo phận Thái Bình tập trung chủ yếu ở địa giới hành chính của tỉnh Thái Bình và một phần tỉnh Hưng Yên. Đây là những địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa của Bắc Bộ. Được thành lập từ năm 1936 đến nay, giáo phận Thái Bình nhìn chung theo xu hướng hoà đồng với cộng đồng dân cư và đã góp phần tô thắm thêm lịch sử của địa phương. Tuy nhiên, quá trình du nhập và phát triển, do nhiều nguyên nhân khác nhau hoạt động Công giáo ở giáo phận Thái Bình cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp. Thậm chí đã có thời kỳ gây xung đột, dẫn đến sự mặc cảm, kỳ thị khá nặng nề của những người không theo Công giáo đối với Công giáo. Hiện nay, 1 hoạt động tôn giáo ở giáo phận Thái Bình cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Để hiểu được nguồn gốc, bản chất nhằm đưa ra những kiến giải về những mâu thuẫn phát sinh từ Công giáo và đề xuất hướng giải quyết có cơ sở khoa học, cần thiết phải có sự nghiên cứu, nhìn nhận dưới góc độ tôn giáo học. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay Đảng, Nhà nước ta cũng như các địa phương Thái Bình, Hưng Yên đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vào khu vực và trên phạm vi thế giới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó việc quản lý tôn giáo nói chung và đối với hoạt động tôn giáo của giáo phận Thái Bình nói riêng cũng cần có sự đổi mới cho phù hợp. Nghiên cứu về giáo phận Thái Bình một mặt chỉ ra những đặc tính chung của một giáo phận về tổ chức, về thành phần Dân Chúa về đời sống tôn giáo, mặt khác qua nghiên cứu về một giáo phận cụ thể sẽ thấy được tính đặc thù về lịch sử hình thành, về đời sống tôn giáo, về hội nhập văn hóa… của mỗi giáo phận, mặc dù đó là tôn giáo độc thần với hệ thống tổ chức chặt chẽ, được điều hành bởi một giáo luật chung. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn vấn đề: “Giáo phận Thái Bình: Lịch sử, thực trạng và những vấn đề đặt ra” cho đề tài luận án tiến sĩ Tôn giáo học của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài luận án 2.1. Mục đích Trên cơ sở phân tích làm rõ lịch sử hình thành, thực trạng hoạt động tôn giáo và những vấn đề đặt ra của giáo phận Thái Bình hiện nay, luận án đề xuất một số khuyến nghị góp phần phát huy mặt tích cực, hạn chế những bất cập của Công giáo ở địa phương. 2.2. Nhiệm vụ - Nghiên cứu làm rõ khái quát lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Thái Bình 2 - Làm rõ thực trạng Công giáo ở giáo phận Thái Bình trên các phương diện cộng đồng (giáo dân, giáo sĩ, nhà tu hành, tổ chức giáo hội), niềm tin tôn giáo và thực hành niềm tin tôn giáo, các hoạt động xã hội, văn hóa, … - Nêu lên những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với giáo hội và chính quyền địa phương. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là lịch sử và thực trạng giáo phận Thái Bình, tập trung vào một số vấn đề cơ bản là: cộng đồng tôn giáo, niềm tin tôn giáo và thực hành niềm tin tôn giáo cũng như mối quan hệ tương tác đối với các thiết chế văn hóa, chính trị đương thời. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian, trong phạm vi địa giới hành chính của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên mà giáo phận Thái Bình đang hiện diện. Về thời gian, nghiên cứu giáo phận Thái Bình từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, đặc biệt là từ khi có chính sách đổi mới về công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đánh dấu bằng sự ra đời của Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đến năm 2014 (khi được Giám đốc Học viện Khoa học xã hội giao đề tài luận án), đồng thời có sự cập nhật một số số liệu năm 2015, 2016 trong quá trình thực hiện luận án. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài luận án 4.1. Cơ sở lý luận Đề tài được tiến hành nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, chú trọng sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu của tôn giáo 3 học, nghiên cứu liên ngành. Trong đó, chú trọng sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau: - Phương pháp nghiên cứu tài liệu (phân loại và hệ thống hóa) Phân loại là sắp xếp các tài liệu khoa học theo từng mặt, từng đơn vị, từng vấn đề có cùng dấu hiệu bản chất, cùng một hướng phát triển của giáo phận Thái Bình. Hệ thống hóa là sắp xếp tri thức thành một hệ thống theo logic trên cơ sở một mô hình lý thuyết để hiểu biết về Công giáo ở giáo phận Thái Bình. Với phương pháp này, luận án có thể khai thác được nguồn tài liệu phong phú từ phía giáo hội và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến đề tài. Trên cơ sở đó, có thể hệ thống hóa, xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung, hoàn thiện khung lý thuyết nghiên cứu và làm cơ sở khoa học cho các cơ quan chức năng tham khảo trong hoạch định chính sách. - Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn Phương pháp quan sát khoa học: là dùng tri giác trực tiếp hoặc gián tiếp một cách có hệ thống để thu thập thông tin về giáo phận Thái Bình. Phương pháp điều tra: là tiến hành khảo sát thực địa, tọa đàm, phỏng vấn, trao đổi với tín đồ và cán bộ làm công tác tôn giáo tại địa phương để thu thập thông tin nhằm củng cố cho những nhận định, đánh giá về giáo phận Thái Bình. Luận án sử dụng kết quả điều tra xã hội học với 1.500 phiếu bảng hỏi người Công giáo do Ban Dân vận tỉnh Thái Bình thực hiện năm 2000. Ngoài ra, tác giả luận án tiến hành điều tra xã hội học với 376 phiếu tại 3 giáo xứ có tính điển hình và coi đó như là tài liệu tham khảo gồm: (1) Giáo xứ Chính tòa, là giáo xứ trung tâm giáo phận Thái Bình tại thành phố Thái Bình; (2) Giáo xứ Hợp Châu là giáo xứ thuộc khu vực có đông đồng bào Công giáo thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; (3) Giáo xứ Võng Phan là giáo xứ giáo dân sống đan xen với những người không theo Công giáo thuộc tỉnh Hưng Yên. Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm: là tiến hành nghiên cứu và xem xét lại những thành quả thực tiễn trong quá khứ từ những công trình đã nghiên cứu đề cập tới các vấn đề của giáo phận Thái Bình. - Phương pháp phân tích, tổng hợp 4 Đây là hai phương pháp gắn bó chặt chẽ, quy định và bổ sung cho nhau trong nghiên cứu đề tài luận án. Phân tích là nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau bằng cách phân tích chúng thành từng bộ phận để tìm hiểu sâu sắc về giáo phận Thái Bình. Tổng hợp là liên kết từng mặt, từng bộ phận thông tin đã được phân tích tạo thành một hệ thống lý thuyết mới đầy đủ và sâu sắc hơn về giáo phận Thái Bình. Từ việc phân tích lịch sử truyền giáo qua từng giai đoạn, có thể rút ra đặc điểm cơ bản của giáo phận Thái Bình. Từ việc phân tích thực trạng hoạt động tôn giáo ở giáo phận Thái Bình, có thể tổng hợp và rút ra những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của giáo phận. Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng khá phổ biến trong luận án, nhằm đạt được hiệu quả cao, có sức thuyết phục trong nghiên cứu. - Phương pháp lịch sử Là phương pháp hồi cố, kết hợp giữa lịch đại và đồng đại đi tìm nguồn gốc phát sinh, phát triển của Công giáo ở giáo phận Thái Bình, từ đó rút ra bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu. - Phương pháp so sánh Việc sử dụng phương pháp này, giúp cho luận án có thể tiến hành đối chiếu và so sánh Công giáo ở giáo phận Thái Bình, từ đó rút ra những vấn đề nảy sinh và khuyến nghị đối với các cơ quan chức năng. - Phương pháp chuyên gia Phương pháp lấy ý kiến của chuyên gia là những nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng… sẽ giúp tác giả luận án xây dựng được cơ sở lý luận cho đề tài luận án một cách sâu sắc và toàn diện hơn. 5. Đóng góp mới của đề tài luận án - Đưa ra những đánh giá có tính khái quát về sự hình thành, phát triển của giáo phận Thái Bình. - Khắc họa bức tranh toàn cảnh về đời sống đạo, vai trò của Công giáo đối với đời sống cộng đồng và xã hội, cũng như đánh giá tác động của việc quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của giáo phận Thái Bình. - Từ góc nhìn tôn giáo học, cung cấp thêm những bằng chứng khoa học cho 5 những người đứng đầu giáo phận có sự điều chỉnh hoạt động để phù hợp với xã hội. Đồng thời, để các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong việc giải quyết vấn đề phức tạp liên quan đến giáo phận Thái Bình, nhằm góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của địa phương. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài luận án Ý nghĩa lý luận Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm sáng tỏ về hoạt động của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân giáo phận Thái Bình; sự biến đổi đời sống tôn giáo của giáo phận, chỉ ra những nét đặc thù của giáo phận, qua đó làm phong phú thêm những nét riêng biệt về đời sống tôn giáo của Công giáo ở Việt Nam. Đồng thời, kết quả nghiên cứu đóng góp thêm vào việc hoàn thiện lý luận quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của giáo phận Thái Bình và trên phạm vi cả nước nói chung. Ý nghĩa thực tiễn - Luận án có thể làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy tôn giáo học. - Làm tài liệu tham khảo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người làm công tác tôn giáo ở các địa phương. - Cung cấp thêm những luận điểm khoa học có tính hệ thống cho các nhà hoạch định chính sách về quản lý tôn giáo, khuyến nghị đối với những người có trách nhiệm của giáo phận Thái Bình về các hoạt động tôn giáo. 7. Kết cấu nội dung đề tài luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung đề tài luận án chia làm 4 chương, 10 tiết: Chương 1: Tổng quan Chương 2: Lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Thái Bình Chương 3: Thực trạng đời sống tôn giáo ở giáo phận Thái Bình Chương 4: Đặc điểm giáo phận Thái Bình, những vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị 6 Chương 1 TỔNG QUAN 1.1- LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 1.1.1- Những công trình nghiên cứu về Công giáo ở Việt Nam liên quan đến lịch sử và đời sống tôn giáo của giáo phận Thái Bình 1.1.1.1- Những công trình nghiên cứu về Công giáo ở Việt Nam liên quan đến lịch sử giáo phận Thái Bình Từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến Công giáo ở giáo phận Thái Bình, như cuốn “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hồng (quyển I), năm 1959 nhưng chỉ trình bày đến cuối thời các giáo sĩ dòng Tên. Cuốn “Việt Nam giáo sử” của tác giả Phan Phát Huồn (2 tập), trình bày khá hệ thống về Công giáo ở Việt Nam, trong đó có giới thiệu sơ lược về giáo phận Thái Bình với hơn 1 trang (278 - 279) ở chương 5, quyển II [87; tr. 278-279]. “Thập giá và lưỡi gươm” (Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1988) của linh mục Trần Tam Tỉnh đã đề cập đến những vấn đề lớn, cơ bản và phức tạp của Công giáo ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến năm 1975, như: mối quan hệ giữa truyền giáo và chủ nghĩa thực dân; chế độ phong kiến trong giáo hội; Công giáo trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh với giám mục Lê Hữu Từ; cuộc di cư năm 1954; Công giáo dưới chế độ cũ Sài Gòn và với vấn đề chiến tranh ở miền Nam; phong trào yêu nước của người Công giáo; Công giáo ở miền Bắc; Công giáo miền Nam trước và sau ngày giải phóng (30/4/1975)... Tác giả kết luận: “Muốn thật sự là Việt Nam, giáo hội cần cởi bỏ hết những biểu thức tôn giáo và văn hóa phát xuất từ não trạng ngoại lai và Tây phương, sáng tạo ra một nền thần học riêng của mình căn cứ trên cuộc sống và văn hóa dân tộc, đồng thời canh tân theo tinh thần Vatican II, hầu có thể đưa chứng từ về một đấng Kitô giải phóng và hòa giải” [174; tr. 253]. Trong những năm gần đây, việc tìm hiểu Công giáo Việt Nam nói chung, các giáo phận nói riêng đã được các học giả Công giáo quan tâm hơn. Tác giả Trương Bá Cần có cuốn “Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995)”, phát hành năm 1996 và chủ biên cuốn “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam” gồm 2 tập, phát 7 hành năm 2008. Đây là hai công trình được biên soạn khá công phu, nghiêm túc đề cập đến giáo phận Thái Bình. Cuốn “Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (19451954)”, tác giả đã giành chương 10 giới thiệu về giáo phận Thái Bình. Ngoài phần khái quát lịch sử, số liệu, danh sách giám mục và các linh mục, tác giả giới thiệu 48 giáo xứ trên địa bàn tỉnh Thái Bình và 16 giáo xứ ở tỉnh Hưng Yên. Cuốn “Giáo hội Công giáo ở Việt Nam” (4 quyển, năm 1998), tác giả Bùi Đức Sinh giới thiệu về sự truyền giáo ở Việt Nam, từ đầu đến năm 2000. Trong tập một, giới thiệu hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ dòng Tên ở Đàng Ngoài (từ năm 16271665) và giáo phận Đông Đàng Ngoài dưới sự cai quản của dòng Đa Minh (từ năm 1676 đến giữa thế kỷ XIX), trong đó có giáo phận Thái Bình. Quyển hai giới thiệu giáo phận Thái Bình từ thời vua Minh Mạng đến Tự Đức. Quyển ba, giới thiệu giáo phận Thái Bình từ khi thành lập (năm 1936), đến năm 1954 (từ trang 281 - 285); từ năm 1954 đến năm 1974 (từ trang 432 - 436), và quyển bốn giới thiệu giáo phận Thái Bình từ năm 1975 đến năm 1999, dưới thời các giám mục: Đinh Đức Trụ, Đinh Bỉnh và Nguyễn Văn Sang (từ trang 174-180), tuy vậy vẫn còn sơ lược dưới dạng biên niên. Tác giả Cao Thế Dung với tác phẩm “Việt Nam Công giáo sử tân biên” (3 quyển, 2002), đã đề cập tới Công giáo ở giáo phận Thái Bình, nhưng tản mát và sơ lược. Nhìn chung, các công trình trên đã cung cấp được nguồn tư liệu phong phú, đa dạng nhưng sơ lược và tản mát về giáo phận Thái Bình. Cuốn “Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám 2004”, chương 3 về giáo phận Thái Bình, ngoài trình bày về lịch sử truyền giáo, liệt kê 64 giáo xứ, còn giới thiệu về tổ chức điều hành giáo phận, số liệu thống kê, một số điểm đặc sắc của giáo phận, các cơ sở tu trì và danh sách 40 linh mục [78; tr. 592-600]. Cuốn: “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam” (năm 2008), chương 23, Tập II, trình bày về lịch sử truyền giáo ở giáo phận Thái Bình từ đầu đến năm 1939, đã viết: “Địa phận Thái Bình mới được thành lập năm 1936, nhưng Công giáo đã có mặt trong hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên hơn 300 năm trước đó, lúc phần đất của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên ngày nay còn nằm trong địa phận Đàng Ngoài (1659-1679), rồi Đông Đàng Ngoài (1679-1848) và giáo phận Trung - Bùi Chu (1848-1936) [15; tr. 705]. Đến khi được thành lập, giáo phận Thái Bình có 64 xứ, trong đó: “có 6 giáo xứ 8 được thành lập thời kỳ khai phá của các thừa sai dòng Tên (1627-1663), 8 giáo xứ được thành lập thời địa phận Đông (1679-1848) và 50 giáo xứ được thành lập thời giáo phận Trung - Bùi Chu (1848-1936); sau năm 1936 có xứ được lập nhưng cũng là những họ lẻ có từ thời Pháp thuộc được nâng lên thành giáo xứ” [15; tr. 713]. Ngoài ra, còn giới thiệu về cơ cấu nhân sự (các giám mục, linh mục), các dòng tu, cơ sở vật chất, giáo dục từ thiện xã hội của giáo phận cho đến cuối thời Pháp thuộc. 1.1.1.2- Những công trình nghiên cứu về Công giáo ở Việt Nam liên quan đến đời sống đạo của giáo phận Thái Bình Trên phương diện giáo luật Công giáo: Đáng chú ý có bộ sách “Giải thích giáo luật 1983” của linh mục Phan Tấn Thành (Rôma, 1995), gồm có 6 tập. Phần Nhập môn giáo luật (quyển một), tổng tắc nêu định nghĩa giáo luật theo quan điểm thần học; phân loại giáo luật; tục lệ, sắc luật và huấn thị; hành vi hành chính cá biệt; quy chế và điều lệ; thể nhân và pháp nhân; các hành vi pháp lý; quyền cai trị; các chức vụ trong giáo hội; thời hiệu và cách tính thời hiệu. Quyển hai với tên gọi: Dân Thiên Chúa, gồm bốn tập, Các thành phần Kitô hữu (tập 1), đề cập đến giáo dân, giáo sĩ (nghĩa vụ và quyền lợi). Tập 2: Cơ cấu phẩm trật của giáo hội, giải thích nguồn gốc, tên gọi, bản chất, sự hình thành và biến đổi của Giáo hội hoàn vũ (Giáo hoàng, tập đoàn giám mục, Hồng y đoàn, giáo triều Rôma, các phái viên của Giáo hoàng); Giáo hội địa phương (giám mục, giám mục giáo phận, giám mục phó và giám mục phụ tá; tổng giám mục và giáo tỉnh; hội đồng giám mục; các cộng đoàn toàn quốc; các hội đồng giám mục liên quốc gia); Tổ chức nội bộ giáo phận (công nghị giáo phận; phủ giáo phận; các cơ quan tư vấn); Giáo xứ và linh mục quản xứ (giáo xứ, linh mục chính xứ và các dạng thức; các cộng tác viên của linh mục chính xứ; giáo hạt, nhà thờ và tuyên úy). Tập 3 và 4: Các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, giải thích nguồn gốc, bản chất, tính chất, sự ra đời, phát triển, các loại hình hội dòng tận hiến (tu hội dòng và tu hội đời), tu đoàn tông đồ và các hình thức tu tập khác cũng như các hiệp hội tín hữu (hội đoàn Công giáo). Quyển bốn Nhiệm vụ thánh hóa của giáo hội, giải thích bản chất thần học, việc cử hành, thừa tác viên, người lĩnh nhận các bí tích và các việc phụng tự khác (á bí tích, phụng vụ giờ kinh, nghi lễ an táng, việc tôn kính các thánh, ảnh tượng, hài cốt, lời khấn và lời thề); nơi 9 thánh và thời gian thánh. Có thể nói, bộ sách này đã cung cấp những tri thức căn bản về Công giáo, nhất là về cơ cấu tổ chức, phẩm trật, đời sống tu trì, nghi lễ phụng tự giúp tác giả luận án nghiên cứu sâu hơn về Công giáo ở giáo phận Thái Bình. Trên phương diện tôn giáo học: có tác phẩm: “Sinh hoạt Họ nhà thờ Việt Nam thời xưa” của tác giả Đỗ Quang Chính (Bản tin Hiệp thông, số 5/1999), đã giải thích thuật ngữ xứ, họ đạo, các yếu tố cấu thành, ban chức việc đến giáo dân, vấn đề sinh hoạt tôn giáo và hội đoàn Công giáo. “Sống đạo theo cung cách Việt Nam” kỷ yếu hội thảo khoa học do Ủy ban Giáo dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức (năm 2004), thu hút cả các học giả ngoài Công giáo tham gia, đề cập đến lối sống đạo của giáo dân Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện đại. Phần lớn các bài viết đều khẳng định, giáo dân Việt Nam có “lòng sùng đạo, tổ chức giáo xứ, hội đoàn, kinh lễ, rước sách sầm uất” [206; tr.131], nhưng đó là “Một đời sống đạo gắn với nếp sinh hoạt và nặng về lề luật”, “đời sống đức tin có tính chất cá vị hình như yếu kém”, nhà thờ thường đông người dự lễ, tổ chức giáo xứ có ban bệ vững chắc, nhưng cách sống thấm nhuần Tin mừng lại không thể hiện được bao” [206; tr. 34]. Trên phương diện hội nhập văn hóa: Các tập kỷ yếu: “Vấn đề tôn kính tổ tiên nơi người Công giáo qua các thời kỳ lịch sử” (năm 1999); “Một số vấn đề văn hóa Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến thế kỷ XX” (tháng 10/2000), các bài viết đều khẳng định tiến trình hội nhập Công giáo với văn hóa dân tộc gặp khó khăn là do hệ lụy của một thời gian dài giáo hội áp đặt lối truyền giáo bất khoan dung, phủ nhận tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Dẫu vậy, văn hóa Công giáo cũng đã từng bước hội nhập vào văn hóa dân tộc trên nhiều phương diện, từ ngôn ngữ, chữ viết đến văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và đến cả lối sống đạo đã tạo nên một “lòng đạo đức bình dân trong lối sống đạo” theo cung cách Việt Nam. Cuốn “Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam” (năm 2001) của tác giả Nguyễn Hồng Dương là một chuyên khảo về lễ nghi và lối sống đạo Công giáo trong văn hóa Việt Nam. Phần một, nghi lễ Kitô giáo trong văn hóa Việt Nam đã phân tích khá chi tiết về nghi lễ Rôma, quá trình hội nhập văn hóa Kitô, 10 nhất là những biểu hiện của sự hội nhập nghi lễ Công giáo với văn hóa Việt Nam trong hình thức hát kinh, đọc sách, đọc kinh, múa hát dâng hoa, các hình thức diễn xướng trong tuần Thánh; nghi lễ sùng kính Mình Thánh Chúa Giêsu; lễ thánh quan thầy xứ, họ đạo; nghi lễ trong tết nguyên đán, đặc biệt là vấn đề nhìn nhận và ứng xử với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Công giáo. Tác giả nhận xét: “So với các dòng truyền giáo hoạt động ở Việt Nam như dòng Tên, dòng Phanxicô, hội Thừa sai Pari thì dòng Đa Minh là dòng có cái nhìn và ứng xử tiêu cực nhất đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên” [35; tr. 205]. Phần hai, lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam thể hiện ở niềm tin và thực hành niềm tin Công giáo, trong các mối quan hệ giữa giáo dân với giáo sĩ, với người đồng đạo, với người khác đạo và trong gia đình thân tộc. Tác giả nhận xét: “Cùng với quá trình hình thành nghi lễ trong văn hóa Việt Nam, một lối sống đạo được hình thành, dựa trên nền tảng của kinh thánh, của triết lý Công giáo, giáo luật, giới răn; mặt khác, còn bị chi phối bởi lối sống, phong tục, tập quán và tâm linh tôn giáo - văn hóa truyền thống của người Việt” [35; tr. 374]. Trong tác phẩm “Kỷ yếu tọa đàm khoa học Từ Công đồng Vatican II đến thư chung 1980”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2005, khi đánh giá về Công đồng Vatican II (1962-1965); Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và việc ứng dụng trong thực tế đời sống đạo của người Công giáo Việt Nam, linh mục Nguyễn Tấn Khóa khẳng định: “Những văn kiện của Công đồng chung Vatican II và bức Thư chung 1980 là những thông điệp vô cùng quan trọng không chỉ với giáo hội mà còn có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn, đặc biệt đã tháo gỡ cho người Công giáo không còn phải băn khoăn khi phải lựa chọn giữa bổn phận người tín hữu và nghĩa vụ của người công dân. Đối với phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam thì các văn kiện trên chính là cẩm nang, là tấm bảng chỉ đường. Không có những văn kiện này thì tổ chức và phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam không thể có điểm tựa và bệ đỡ để vượt qua những khó khăn thử thách và đạt được những kết quả to lớn như ngày hôm nay” [214; tr. 12-13]. Cuốn “Ảnh hưởng qua lại giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam” (Nxb Tôn giáo Hà Nội 2012) của tác giả Phạm Huy Thông đã phân tích làm rõ mối quan hệ 11 tác động ảnh hưởng qua lại (cả tích cực và bất cập) giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam trên nhiều phương diện. Trình bày về dấu ấn Công giáo trong văn hóa Việt Nam, tác giả nhận xét: “Dù trải qua nhiều biến động lịch sử phức tạp nhưng khi du nhập vào Việt Nam, đạo Công giáo đã thẩm thấu và trở nên một thành tố trong văn hóa nước nhà, đồng thời có những đóng góp tích cực với xã hội nước ta” [183; tr. 121-122]. Đến lượt nó: “Chính văn hóa Việt Nam là nhân tố thúc đẩy tiến trình hội nhập văn hóa và đồng hành cùng dân tộc của Công giáo Việt Nam” [183; tr. 209]. 1.1.2- Những công trình nghiên cứu về giáo phận Thái Bình 1.1.2.1- Những công trình nghiên cứu về lịch sử giáo phận Thái Bình Cuốn “Sử ký địa phận Trung” (năm 1916) do thừa sai Manuel Moreno dòng Đa Minh Tây Ban Nha biên soạn, trình bày khá rõ về lịch sử truyền giáo ở khu vực dòng Đa Minh, nhất là tại giáo phận Bùi Chu và Thái Bình. Phần một, trình bày về lịch sử truyền giáo ở giáo phận Trung từ buổi đầu đến năm 1916; về các giám mục coi sóc giáo phận; tên các tu sĩ, linh mục, số lượng người trong Nhà đức Chúa Trời. Phần hai, giới thiệu về xứ, họ đạo, tác giả viết: “Giáo phận Trung này chia ra làm 52 xứ: 27 xứ thuộc về tỉnh Nam Định; 19 xứ thuộc về tỉnh Thái Bình; còn 6 xứ thuộc về tỉnh Hưng Yên. Mỗi xứ gồm lại nhiều họ, mà họ nào cũng có nhà thờ riêng. Bằng về tên các xứ, thì xứ nào cũng lấy tên bởi họ đầu nhất, là nơi các thầy cả thường ở; nhưng mà xứ nào to rộng lắm, thì thường thường lại chia ra làm hai ba khu, mà mỗi khu thường có một thầy cả ở cho được dễ coi sóc. Trong các xứ ấy, có xứ thì các đấng coi sóc, có xứ thì các cụ coi sóc; song các xứ ấy chẳng rộng bằng nhau, vì có xứ thì gồm lại ba bốn tổng, có xứ thì một tổng, có xứ thì chỉ một xã mà thôi” [135; tr. 129]. Phần này còn viết về ban hành giáo xứ, họ đạo mà tác giả gọi là hội “Hàng phủ hay Hàng xứ, tùy nơi” [135; tr. 210]; về các hội đoàn, sinh hoạt tôn giáo, tổ chức Nhà Đức Chúa Trời (Nhà Chung), dòng tu (nữ Đa Minh), chủng viện và các cơ sở xã hội, y tế, giáo dục. Tuy vậy, cuốn sách này viết khá sơ lược và mới dừng lại năm 1916. Năm 1928, Marcos công bố cuốn “Lịch sử truyền giáo của dòng Đa Minh ở Đàng Ngoài” giới thiệu Công giáo ở các giáo phận do dòng Đa Minh cai quản như Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, trong đó có đề cập đến Công giáo ở Thái Bình, Hưng Yên dạng sơ lược, mới đến những năm 20 của thế kỷ XX. Năm 1927, Adrien Launy - học giả 12 thừa sai người Pháp có công trình nghiên cứu: “Lịch sử truyền giáo Đàng Ngoài”, viết về quá trình truyền giáo của giáo phận thuộc hội Thừa sai Nước ngoài Paris (MEP), trong đó có đề cập đến Công giáo ở Thái Bình, Hưng Yên đến đầu thế kỷ XX. Cuốn “Kỷ yếu năm Thánh giáo phận Thái Bình” (năm 1996), giới thiệu những mốc chính lịch sử giáo phận Thái Bình từ năm 1633 đến năm 1995; số liệu về giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh, giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, cơ sở vật chất của giáo phận tính đến năm 1995 (phần hai); về các Thánh tử đạo của giáo phận (phần ba); về các giám mục chủ chăn (phần bốn); về một số văn kiện của giáo phận (phần năm); về lịch sử nhà thờ Chính tòa (phần sáu); lịch sử 64 giáo xứ, 436 họ đạo của giáo phận (phần bảy) và danh sách các linh mục của giáo phận từ năm 1939-1995 (phần tám). Nhìn chung, tập kỷ yếu được biên soạn dưới dạng biên niên, có tính khái lược, như lời nhận xét của người biên soạn: “Tập kỷ yếu này ra mắt bạn đọc với mong ước khiêm tốn là giúp bạn đọc có được thoáng nhìn tổng quát về lịch sử của giáo phận Thái Bình từ ngày khai sinh giáo phận, qua những chặng đường dài phát triển” [191; tr. 5]. Trên cơ sở cuốn kỷ yếu năm 1996, năm 2011 Tòa giám mục biên soạn cuốn kỷ yếu: “75 năm thành lập giáo phận Thái Bình” (1936-2011), gồm sáu phần, trình bày khái lược về quá trình hình thành, phát triển của giáo phận, nhất là từ khi được thành lập (năm 1936), qua 7 vị giám mục (phần 2); phần 3, giới thiệu về cơ sở giáo phận và tổ chức điều hành; phần 4, giới thiệu 6 giáo hạt, 102 giáo xứ, là phần có dung lượng nhiều nhất, mỗi xứ đều được giới thiệu theo cấu trúc: vị trí, quá trình thành lập và phát triển, tổ chức và hoạt động; phần 5, giới thiệu các dòng tu (11 dòng) và các tu đoàn tông đồ (3 tu đoàn). Tập kỷ yếu nêu trên cung cấp những tư liệu phong phú, cập nhật, có độ tin cậy cao để nghiên cứu về giáo phận Thái Bình, tuy nhiên còn dưới dạng: “một tài liệu lịch sử ghi lại những mốc quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của gia đình giáo phận” [192]. Liên quan đến việc nghiên cứu về lịch sử giáo phận Thái Bình còn phải kể đến một số công trình nghiên cứu về lịch sử các giáo xứ cụ thể như: Lịch sử giáo xứ Bồ Ngọc, Lịch sử giáo xứ Ninh Cù, Lịch sử giáo xứ Lai Ổn, Lịch sử giáo xứ Lương Đống… Đúng như tên của đầu đề, mỗi công trình nghiên cứu về một xứ đạo cụ thể. Các công trình nghiên cứu trên nhìn chung được bố cục theo các nội dung: Lịch sử 13 hình thành và phát triển của giáo xứ, hiện trạng của các linh mục cai quản giáo xứ, đời sống đạo của giáo dân, vai trò của Ban Hàng phủ, hội đoàn. 1.1.2.2- Những công trình nghiên cứu về đời sống đạo của giáo phận Thái Bình Trước hết, phải kể đến công trình: “Sử ký địa phận Trung” (năm 1916), ngoài nội dung đề cập đến lịch sử địa phận Trung mà Giáo phận Thái Bình vào thời điểm đó (năm 1916) phụ thuộc, tác phẩm còn đề cập đến đời sống đạo của địa phận (trong đó có giáo phận Thái Bình) như giáo dân đọc kinh, lần hạt Mân Côi chia thành các bè [135; tr. 25]. Cuốn “Dòng Đa Minh trên đất Việt”, Calgary - Canada, 1943, quyển I; và “Dòng Đa Minh trên đất Việt”, Calgary - Canada, 1943, quyển II của tác giả Bùi Đức Sinh, cùng với việc nghiên cứu về lịch sử của dòng Đa Minh, về quá trình truyền giáo, phát triển Công giáo ở Việt Nam của dòng, hai tác phẩm còn đề cập đến đời sống đạo của các giáo phận thuộc dòng cai quản, trong đó có giáo phận Thái Bình. Chẳng hạn như việc đề cập đến việc giáo dân tham dự Thánh lễ, một số kinh được dịch ra tiếng Việt như: 15 kinh Mân Côi, nhiều kinh về Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đời sống đạo của giáo phận Thái Bình được thể hiện qua một số hương ước làng Công giáo thuộc giáo phận, hiện vẫn còn lưu giữ như: Hương ước xã Tăng Bồng, tổng Thuận Vi, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình, lập tháng Giêng năm Duy Tân thứ 2 (1908); Hương ước xã Bác Trạch, tổng Cai Mại, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình lập Thu năm Canh Tuất (1910); Hương ước làng Ngọc Đồng (Ngọc Đường) huyện Kim Thi, tỉnh Hải Dương, lập năm Duy Tân thứ 7 (1913); Hương ước làng Đông Châu, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình (không ghi thời gian thành lập). Các hương ước trên quy định những ngày lễ trọng trong năm giáo dân phải tham dự, hình thức, thái độ tham dự; quy định về tang chế, về lối sống đời cũng như lối sống đạo. 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan