Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Giáo án điện tử KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU...

Tài liệu KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU

.DOCX
40
408
50

Mô tả:

KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU
KỸ NĂNG XÉT XỬ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU Xét xử là một nghề đặc biệt, làm ra sản phẩm đặc biệt, đó là những Bản án. Để có được những Bản án đúng pháp luật, có lý có tình, đòi hỏi Thẩm phán phải có kĩ năng xét xử tốt, trong đó kiến thức chuyên ngành của mỗi Thẩm phán luôn là một trong những yếu tố quyết định. Do đó, việc thường xuyên củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức chuyên môn cho Thẩm phán là rất cần thiết và phải được coi trọng, đầu tư. Để có thể giải quyết tốt nhất một vụ án hình sự nói chung, một vụ án xâm phạm quyền sở hữu nói riêng, Thẩm phán cần phải nắm chắc các quy định tại phần chung và phần các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” quy định tại chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và nhiều quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các Thông tư Liên tịch của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương và các cơ quan chức năng. Đồng thời, đòi hỏi Thẩm phán phải có một phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án và điều hành phiên tòa một cách khoa học, hiệu quả nhất, đúng quy định của pháp luật, kết thúc một quá trình giải quyết một vụ án. Cần nhận thức rằng kĩ năng xét xử của Thẩm phán đối với một vụ án không chỉ ở phiên tòa công khai, mà nó bắt đầu từ khi Thẩm phán Chủ tọa nhận hồ sơ vụ án cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc vụ án được chuyển đến cấp xét xử cao hơn. I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN CẦN NẮM VỮNG KHI GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN CỤ THỂ 1. Một số nội dung thuộc phần chung của Bộ luật Hình sự 1.1. Về chủ thể Chủ thể của các tội phạm trong chương này là chủ thể bình thường, chỉ có một trường hợp chủ thể đặc biệt trong cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại Điều 144, trong trường hợp này, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn. Lưu ý các trường hợp các bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm mà khung hình phạt cao nhất từ 7 năm tù trở xuống. Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về “Tuổi chịu trách nhiệm hình sự” theo đó: “2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” Điều 8 Bộ luật Hình sự là “Khái niệm tội phạm”, tại khoản 3 của Điều này quy định:“Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.” Ví dụ 1: Về một vụ án cụ thể về việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt tù một bị cáo khi bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình: Bị cáo Phạm Trung Kiên và các bị cáo đồng phạm có hành vi cướp xe mô tô của người đang đi đường, cướp giật túi của người đang tham gia giao thông, lừa đảo chiếm đoạt xe mô tô bị TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm, trong đó có bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh bị xử phạt về hai tội Cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo; theo đó giữ nguyên tội danh Cướp tài sản đối bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (vì tội cướp tài sản là tội rất nghiêm trọng, mặc dù bị cáo Mạnh chưa đủ 16 tuổi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 8, Điều 12 Bộ luật Hình sự viện dẫn ở trên). Đồng thời tuyên bố bị cáo Mạnh không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì khi phạm tội Mạnh mới 15 tuổi 57 ngày (Mạnh cùng bạn mượn một xe mô tô SH 150, trị giá xe 80 triệu đồng, mang đi cắm được 40 triệu đồng; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm quy kết trách nhiệm hình sự về hành vi này của các bị cáo theo điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù, là tội nghiêm trọng; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng). 1.2. Về khách thể trực tiếp Như tên gọi của Chương XIV là “Các tội xâm phạm sở hữu”, khách thể trực tiếp bị xâm hại là quan hệ sở hữu, chỉ cần một trong ba quyền bị xâm phạm là quyền sở hữu đã bị xâm phạm. Người không phải là chủ sở hữu tài sản có thể có các quyền sử dụng, chiếm hữu tài sản, có nghĩa là người không phải chủ sở hữu tài sản cũng sẽ là người bị tội phạm tác động chứ không chỉ có người chủ sở hữu tài sản mới là người bị tội phạm tác động. Do đó người phạm tội chỉ cần có hành vi xâm phạm một trong các quyền này đã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo một trong những tội phạm quy định ở chương này. Nhận thức đúng nội dung này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, đó là có trường hợp người sở hữu tài sản bị chiếm đoạt không phải là người bị hại trong vụ án, và ngược lại có trường hợp người không phải là chủ sở hữu tài sản bị chiếm đoạt vẫn là người bị hại trong vụ án để từ đó xác lập đúng quyền của người bị hại trong Tố tụng hình sự. Ví dụ 2: Chị B mượn xe mô tô của anh A cùng cơ quan; chị B gửi xe vào siêu thị. Bị cáo C làm giả vé trông giữ xe, lấy được xe của chị B gửi. Bị cáo C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong trường hợp này, anh A, chị B không phải là người bị hại trong vụ án mà người trông giữ xe mới là người bị hại (hoặc là nguyên đơn dân sự) trong vụ án Lừa đảo. Khách thể trực tiếp của một số tội phạm trong chương này còn là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân thân của người sở hữu, người quản lý, người chiếm hữu tài sản như trong các tội Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung tặng nặng khi tính mạng, sức khỏe của những người này bị xâm hại. Trên thực tế xét xử ít gặp trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về một tội chiếm đoạt với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là gây thương tích hoặc dẫn đến chết người như Cướp tài sản theo điểm đ, khoản 2; điểm a, khoản 3; điểm a, khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự mà thường gặp các trường hợp bị cáo bị truy tố và xét xử về hai tội là tội Giết người “để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 93 và tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng khác. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết từng vụ án cụ thể, Thẩm phán cần tránh xu hướng cứ mặc nhiên chấp nhận kết quả điều tra, truy tố để xét xử bị cáo về hai tội, một tội xâm phạm quyền sở hữu và một tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, mà thực ra nếu làm kĩ, làm đúng, có khi bị cáo chỉ phạm một tội xâm phạm quyền sở hữu với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người quản lý tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm trong chương này, đó là tài sản. Theo điều 172 Bộ luật Dân sự năm 1995 thì “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Theo Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Các trường hợp chiếm đoạt tài sản là vật có thực gồm các động sản, tiền, vàng… thì đã rõ, không cần phân tích gì hơn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý những trường hợp khác, như: sử dụng điện không qua công tơ, sử dụng điện thoại liên lạc trốn phí, chiếm đoạt đồ cổ trong các đền chùa, chiếm đoạt sừng tê giác, ngà voi, cây cảnh, cây gỗ sưa… Khi tính giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các trường hợp này cần phải căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự để định tội và định khung hình phạt cho đúng. Lưu ý các trường hợp tài sản của các Công ty cổ phần, Công ty liên doanh… bị chiếm đoạt, trong đó có phần thuộc sở hữu Nhà nước để định tội và áp dụng tình tiết tăng nặng cho đúng, nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trong các trường hợp này thì cần phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự là “xâm phạm tài sản của Nhà nước”. Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của TAND tối cao và thực tiễn xét xử thì chỉ cần có tỷ lệ phần trăm tài sản của Nhà nước trong đó, người phạm tội đã bị coi là có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước, không cần phải tỷ lệ trên 50% như quy định tại Luật Doanh Nghiệp. Lưu ý, trong các trường hợp tài sản bị chiếm đoạt là các loại “giấy tờ có giá”, đây cũng là đối tượng tác động của một số tội phạm trong chương này. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá bao gồm: * Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005; * Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; * Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công năm 2009; * Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Chứng khoán; * Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐCP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Trên thực tế thường gặp các trường hợp can phạm chiếm đoạt Sổ tiết kiệm, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà trên đất, Đăng kí xe ô tô, mô tô… Theo các quy định trên, thì các loại giấy tờ này không phải là giấy tờ có giá. Do đó, những hành vi chiếm đoạt một trong các loại giấy tờ này không cấu thành tội phạm quy định trong chương tội “Xâm phạm quyền sở hữu” nếu không có các yếu tố khác để định tội. Tuy nhiên, nếu sau khi chiếm đoạt được giấy tờ này, người chiếm đoạt tiếp tục có hành vi sử dụng giấy tờ này bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi của họ vẫn cấu thành một trong các tội phạm quy định tại chương này. Ví dụ 3: Một người (chưa bị xử lý hành chính, chưa bị kết án về hành vi chiếm đoạt) trộm cắp được một cái túi xách của người đi đường, trong túi có một sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, cùng một số tài sản khác có giá trị 1,8 triệu đồng, ngay sau đó bị bắt giữ. Có ý kiến cho rằng phải truy tố, xét xử người này về tội Trộm cắp tài sản với giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 101,8 triệu đồng theo quy định tại điểm 2, khoản 2, Điều 138 Bộ luật Hình sự và áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự. Nhận thức như vậy là không đúng, trong trường hợp này chỉ có thể xử lý hành chính mà thôi; nếu người này dùng thủ đoạn để rút được số tiền tiết kiệm thì hành vi chiếm đoạt số tiền này có thể là hành vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức tín dụng chứ không phải của người có sổ tiết kiệm. Thực tế xét xử, rất nhiều vụ án người phạm tội có được giấy chứng nhật quyền sử dụng đất của người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, từ đó mạo ra các hợp đồng, giấy ủy quyền… của người này để vay tiền của các tổ chức tín dụng, không trả được đều bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền mà họ nhận được từ tổ chức tín dụng chứ không phải giá trị quyền sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất là tài sản bị chiếm đoạt; trường hợp này tổ chức tín dụng là Nguyên đơn dân sự trong vụ án lừa đảo; người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là người bị hại trong vụ án này. Ví dụ 4: Hai người A và B là bạn, cùng mang xe mô tô của B đến hiệu cầm đồ để cắm lấy 10 triệu đồng cho A vay. Không có khả năng trả nợ, A đã giết B, lục túi lấy được hợp đồng cầm cố và giấy đăng kí xe mô tô của B; A mang giấy tờ quay lại hiệu cầm đồ, nói với người cầm đồ là B xin vay thêm 10 triệu đồng nữa; người cầm đồ tin là thật nên đã đưa cho A 10 triệu đồng. Viện kiểm sát truy tố A phạm hai tội Giết người và tội Cướp tài sản theo khoản 1 Điều 93 và khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Tội Giết người đã rõ, nhưng tội Cướp tài sản thì không đúng vì như nói trên, Giấy đăng kí xe mô tô không phải là giấy tờ có giá; trong trường hợp này, hành vi của A còn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người cầm đồ. Riêng về “Quyền tài sản”: Gồm nhiều quyền như: quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, quyền hưởng thừa kế, quyền tác giả, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa… Như nói ở trên, đối tượng tác động của tội phạm trong chương này phải là những vật cụ thể, sờ thấy, nhìn thấy. Còn “Quyền tài sản” với tư cách là một khái niệm pháp lý thì không thể trở thành đối tượng bị tác động bởi các hành vi khách quan của các tội phạm trong chương này. Nếu có hành vi xâm phạm các quyền này thì sẽ được giải quyết bởi những quy định pháp luật khác, như tranh chấp về Quyền tác giả, về Bản quyền, về Nhãn hiệu hàng hóa… hoặc nếu xử lý về hình sự thì với các tội danh khác chứ không phải các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” mà chúng ta đang nghiên cứu. 1.3. Khái niệm về chiếm đoạt a) Khái niệm: Chiếm đoạt được định nghĩa “Là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình” (Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2004, Nxb Công an nhân dân, trang 368). Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Chủ tài sản không phải là người đang quản lý tài sản; theo chúng tôi, khái niệm trên chưa phù hợp với nội hàm của động từ “Chiếm đoạt” quy định trong chương này; chúng tôi thấy khái niệm Chiếm đoạt ghi trong Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội - Trung tâm từ điển, năm 1994, trang 151 có nghĩa sát hợp hơn: “Chiếm của người làm của mình bằng cách dựa vào vũ lực, quyền thế”, có như vậy mới giải thích được vì sao những hành vi sau đây vẫn bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội thuộc Chương này. b) Một số hành vi “Chiếm đoạt” cần lưu ý: - Hành vi cướp tiền tại một đám bạc: đã có nhiều vụ án người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc thủ đoạn khác để chiếm đoạt tiền, tài sản của những người đang đánh bạc, tất cả những hành vi này đều bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản hoặc Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tùy theo hành vi khách quan. Tất nhiên, toàn bộ tài sản đó không thể trả lại cho những người bị hại -những con bạc, mà phải tịch thu vì đó là tiền, tài sản do đánh bạc mà có hoặc là phương tiện dùng để đánh bạc. - Hành vi dùng vũ lực, thủ đoạn khác… để lấy tiền, tài sản đang thuộc quyền quản lý của con nợ để trả nợ cho chủ nợ (bắt nợ, bắt nợ thuê) cũng đều bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội Cưỡng đoạt tài sản hoặc tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, tùy theo hành vi khách quan. Trong trường hợp này, nếu các bên thỏa thuận được với nhau về giải quyết nợ thì ngoài việc xử phạt người có hành vi phạm tội; trên thực tế, Tòa án cũng giải quyết luôn cả phần tài sản, trả cho chủ nợ nếu sự thỏa thuận của các bên là hợp pháp. Có thể nêu một vụ án ở Thái Nguyên đối với bị cáo Nguyễn Văn Phước và các bị cáo đồng phạm bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, kết luận điều tra về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Bản Kết luận điều tra số 07 ngày 23/01/2013) nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ truy tố các bị cáo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo điểm a khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự (Cáo trạng số 21 ngày 18/4/2013). 1.4. Khái niệm về cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất Theo khái niệm về Cấu thành tội phạm hình thức:“Cấu thành tội phạm trong đó không có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Các tội phạm được xây dựng Cấu thành tội phạm là Cấu thành tội phạm hình thức là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm của tội phạm đó hoặc dấu hiệu nguy hiểm của tội phạm đó khó xác định” (Giáo trình Luật Hình sự nêu trên), thì trong chương các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” có 3 tội có cấu thành cơ bản là cấu thành hình thức, gồm các tội Cướp tài sản, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 1 của các điều 133, 134, 135 Bộ luật Hình sự; các khoản còn lại của các điều này là những cấu thành tăng nặng. Cũng theo Giáo trình nêu trên (trang 57) thì:“Mỗi loại tội phạm có một Cấu thành tội phạm cơ bản, ngoài ra có thể có một hoặc nhiều Cấu thành tội phạm tăng nặng hay giảm nhẹ”. Trên thực tế nhiều vụ án Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội không chiếm đoạt được tài sản bởi những lý do khách quan khác nhau, từ đó có những ý kiến cho rằng bị cáo phạm tội chưa đạt, có ý kiến cho rằng bị cáo phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn, dẫn đến áp dụng pháp luật khác nhau, không nhất quán khi giải quyết từng vụ án cụ thể. Còn lại 10 tội phạm khác trong chương này đều là những tội phạm có Cấu thành tội phạm vật chất, tức là “Cấu thành tội phạm trong đó có dấu hiệu mô tả hậu quả của hành vi phạm tội. Những tội phạm được xây dựng có Cấu thành tội phạm là Cấu thành tội phạm vật chất là những tội phạm mà riêng dấu hiệu hành vi chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm đó mà đòi hỏi phải có cả dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội.” Tuy không có nhiều ý kiến khác nhau như những trường hợp tội phạm có Cấu thành hình thức nhưng cũng cần lưu ý một số trường hợp người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản, liên quan đến lý thuyết về Chuẩn bị phạm tội và Phạm tội chưa đạt. 1.5. Áp dụng quy định về Chuẩn bị phạm tội, Phạm tội chưa đạt đối với các tội “Xâm phạm quyền sở hữu” a) Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định:“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”. Với quy định trên thì hành vi chuẩn bị phạm tội đã được liệt kê trong Điều luật, người nào đã thực hiện một hoặc tất cả những hành vi trên nhưng dừng lại không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa vì bất cứ lý do chủ quan hay khách quan thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, nhưng chỉ giới hạn đối với những tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, tức là nếu người đó vẫn tiếp tục thực hiện tội phạm thì hành vi phạm tội của người đó cũng chỉ bị xử phạt theo khung hình phạt có mức cao nhất đến 7 năm tù. Như vậy, trong Chương này chỉ có một tội Cướp tài sản là tội phạm có thể có trường hợp người phạm tội mới thực hiện những hành vi chuẩn bị phạm tội đã bị truy tố, xét xử nếu xác định được người đó đang chuẩn bị kế hoạch, chuẩn bị phương tiện để cướp tài sản, áp dụng khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự vì khoản 1 điều này có mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù (trên 7 năm tù, là tội rất nghiêm trọng) còn ở các tội khác quy định từ Điều 134 đến Điều 145 Bộ luật Hình sự thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi chuẩn bị phạm tội. b) Điều 18 Bộ luật Hình sự quy định:“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”. Khác với chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt phải có đủ ba dấu hiệu: - Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm; - Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội phải dừng lại khi hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm; - Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội phải dừng lại là vì nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các loại tội phạm này còn có vướng mắc, nhận thức chưa thống nhất về khái niệm phạm tội chưa đạt. Ví dụ 5: Có 4 vụ án về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” để minh họa như sau: * Án số 20/2012/HSST ngày 18/4/2012 của TAND tỉnh Nghệ An, áp dụng kiểm b khoản 4 Điều 134; Điều 19 Bộ luật Hình sự (Tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm) đối với các bị cáo Lê Hồng Quang, Hồ Văn Bình, Lương Văn An, Quách Thị Em, Lê Tuấn Anh; người bị hại là cháu Phạm Văn Phương, sinh 1996. Tại bản án phúc thẩm hình sự số 396/2012/HSPT ngày 24/7/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm, áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 (Phạm tội đối với trẻ em) và áp dụng Điều 18 Bộ luật Hình sự (phạm tội chưa đạt). * Án số 22/2012/HSST ngày 24/4/2012 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134 (Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 đến dưới 500 triệu đồng). Tại bản án phúc thẩm hình sự số 412/2012/HSST ngày 27/7/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã y án sơ thẩm. * Án số 22/2012/HSST ngày 28/6/2012 của TAND tỉnh Hải Dương, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự với các bị cáo Nguyễn Thị Thúy, Phạm Văn Thế, Lê Văn Sang, Trần Mạnh Khuê (bắt giữ người bị hại, ép phải viết giấy nhận nợ 227 triệu đồng, vợ người bị hại hứa sẽ trả nên các bị cáo thả bị hại ra, sau đó vợ chồng người bị hại trả các bị cáo được 40 triệu đồng, viết lại giấy nhận nợ 187 triệu đồng). Tại bản án phúc thẩm hình sự số 592/2012/HSPT ngày 01/11/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm, áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự với các bị cáo với phân tích số tiền các bị cáo chiếm đoạt được chỉ là 40 triệu đồng. * Án số 61/2012/HSST ngày 29/11/2012 của TAND tỉnh Cao Bằng, áp dụng khoản 1 Điều 133; điểm b khoản 4 Điều 134, xử phạt bị cáo Hoàng Văn Khương 03 năm tù về tội Cướp tài sản, 16 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tại bản án phúc thẩm hình sự số 131/2013/PTHS ngày 25/3/2013 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa bản án sơ thẩm: áp dụng Khoản 1 Điều 133; các điểm o, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 17; khoản 2 Điều 52; Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Khương 02 năm tù về tội Cướp tài sản. Áp dụng điểm b khoản 4 Điều 134; Điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 18; khoản 3 Điều 52; Điều 47 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Khương 12 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt cả hai tội là 14 năm Ví dụ 6: Về tội Cướp tài sản - Vụ Cướp xe taxi ở Hà Nội: hai bị cáo bàn bạc, cùng thuê xe taxi đi từ Cổ Nhuế đến đại lộ Thăng Long thì các bị cáo dùng dao khống chế, làm người lái xe bị thương tích 10%, dùng dây trói người lái xe đưa xuống ghế sau, một bị cáo lái xe đi tiếp, đến Đường Lâm, chúng định cho người lái xe xuống rồi đánh xe đi Hải Phòng tiêu thụ, sau đó một bị cáo sợ sẽ bị phát hiện, nên cả hai bị cáo đã bỏ lại xe ô tô, trên xe có người lái bị trói, bịt miệng, chúng lấy của người lái xe 2 chiếc điện thoại di động trị giá 800.000 đồng và 80.000 đồng tiền mặt, rồi cả hai bỏ trốn. Vụ án bị phát hiện, các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLHS vì giá trị của chiếc xe ô tô được định giá 250 triệu đồng; TAND thành phố Hà Nội đã phạt một bị cáo 14 năm tù, một bị cáo 13 năm tù. Khi giải quyết vụ án này ở Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, có một số vấn đề được đưa ra thảo luận: * Luật sư có ý kiến rằng mặc dù không bị ngăn cản gì nhưng các bị cáo vẫn từ bỏ ý định lấy xe ô tô, như vậy các bị cáo đã “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự, Điều luật quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Luật sư còn phân tích nếu không thuộc trường hợp bị cáo Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp Phạm tội chưa đạt; theo đó, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho các bị cáo. * Hội đồng xét xử đánh giá các bị cáo đã thực hiện xong hành vi khách quan của tội cướp tài sản là dùng vũ lực với người quản lý tài sản, các bị cáo đã chiếm đoạt được xe ô tô kể từ thời điểm người lái xe bị trói đưa xuống ghế sau, xe ô tô do một bị cáo điều khiển theo ý định của các bị cáo nên không chấp nhận ý kiến của Luật sư về “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” hoặc “Phạm tội chưa đạt” mà áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “… thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự vì người bị hại chỉ bị thương tích 10% và bị mất tài sản trị giá 880.000 đồng, theo đó giảm cho mỗi bị cáo một phần hình phạt. 1.6. Về đồng phạm Khái niệm đồng phạm được quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự, theo đó nhiều người có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Được coi là cùng thực hiện khi tham gia vào tội phạm với một trong bốn loại hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm và hành vi giúp sức thực hiện tội phạm. Tương ứng với bốn loại hành vi tham gia này là bốn loại người đồng phạm: người thực hành, người xúi giục, người tổ chức và người giúp sức. Những người đồng phạm đều cố ý cũng như biết và mong muốn sự cố ý của người khác khi cùng thực hiện tội phạm. Trên thực tế, nhiều trường hợp xác định vụ án có đồng phạm hay không rất phức tạp; để có thể xác định đúng, trước hết phải làm rõ hành vi của mỗi người đồng phạm theo từng giai đoạn diễn biến của vụ án. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải phân tích các giai đoạn thực hiện tội phạm, từ khi chuẩn bị phạm tội đến khi thực hiện tội phạm, khi nào thì tội phạm hoàn thành (về mặt pháp lý) khi nào thì tội phạm kết thúc (trên thực tế); người nào có hành vi tham gia từ đầu đến cuối, người nào tham gia vào từng giai đoạn… Thường có nhầm lẫn khi xác định người đồng phạm giúp sức trong các trường hợp tội phạm đã hoàn thành nhưng chưa kết thúc, do đó tùy trường hợp cụ thể để xác định có đồng phạm hay không. Về nguyên tắc, khi tội phạm đã hoàn thành về mặt pháp lý thì không có đồng phạm, hành vi của những người tham gia sau thời điểm tội phạm đã hoàn thành thường là cấu thành một tội độc lập như tội Che giấu tội phạm, tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy cũng tùy từng trường hợp cụ thể để xác định cho phù hợp. Sau đây là một vụ án cụ thể: Ví dụ 7: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo T về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi bị cáo T có 2 hành vi phạm tội. * Hành vi thứ nhất: do cần tiền kinh doanh, bị cáo T thuê của D một xe ô tô Innova tự lái nói rằng để phục vụ việc đi lại trong kinh doanh. Ngay sau khi nhận được xe, T mang đến cắm cho P để vay 200.000 đồng; hết thời hạn thuê 1 tháng, D không thấy T trả xe, liên lạc không được, D đã đi tìm và phát hiện xe của mình đang ở nhà P; D báo công an phường đến nhà P, lập biên bản, thông báo cho P biết xe đó là xe của D, công an phường giao xe cho P tiếp tục quản lý, không được di chuyển, chờ Cơ quan điều tra xử lý; trong khi chờ giải quyết thì P bán xe được 150 triệu đồng (xe được định giá 516 triệu, sau này không thu hồi được xe). * Hành vi thứ hai: cùng thời gian này, T vay của V 520 triệu đồng, hẹn 10 ngày trả, đến hạn không trả được, T thay số điện thoại, bỏ trốn khỏi địa phương. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự với T ở hai hành vi trên về cùng một tội là Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 140 Bộ luật Hình sự, buộc T phải bồi thường cho D và V. Bị cáo P bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt tù cho hưởng án treo. Bị cáo T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; người bị hại D kháng cáo phải xét xử P về tội đồng phạm với T và buộc P phải bồi thường toàn bộ xe ô tô; người bị hại V kháng cáo tăng hình phạt với T. Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá việc Tòa án cấp sơ thẩm kết tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với T ở hành vi thứ hai là đúng, nhưng với hành vi thứ nhất là không đúng, bởi vì: T có ý thức gian dối ngay từ khi chưa nhận được xe ô tô của D, nhận được xe, T mang cắm ngay cho P, đến thời điểm này hành vi của T đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ở thời điểm P nhận xe và giao tiền cho T thì P tin rằng xe ô tô không phải do T phạm tội mà có. Đến thời điểm D tìm được xe của mình đang do P quản lý, đưa công an đến, lập biên bản thì P mới biết xe ô tô mà mình đang quản lý là do T lừa của D mang đi cắm lấy tiền; P không chấp hành yêu cầu của cơ quan công an, vẫn mang xe đi bán mặc d� biết rõ đó là xe của D. Về lý thuyết, tội phạm Lừa đảo của T đã hoàn thành từ thời điểm T mang xe đi cắm, nhưng trên thực tế thì chưa kết thúc; hơn thế nữa, D đã tìm được xe của mình, chính P mới là người chiếm đoạt toàn bộ xe ô tô của D. Như vậy, thiệt hại xảy ra đối với D là do hành vi của cả T và P, cùng là cố ý, cho nên phải xác định T và P cùng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của D. Và theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Lưu ý, trường hợp vụ án có đồng phạm, trong đó có người đồng phạm có hành vi vượt quá, nếu hành vi vượt quá cấu thành một tội độc lập hoặc là tình tiết tăng nặng định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự, thì chỉ người có hành vi vượt quá phải chịu, không bắt các đồng phạm khác cùng chịu theo. Thực tế xét xử cho thấy việc xác định người đồng phạm có hành vi vượt quá thường rất phức tạp, dễ nhầm lẫn, cần phải khai thác kĩ về ý thức chủ quan của những người đồng phạm. 1.7. Xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ a) Về phạm tội nhiều lần: - Trong chương này chỉ có một tội “Sử dụng trái phép tài sản” quy định tại Điều 142 có tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” theo điểm a khoản 2 của điều luật. Cần hiểu rằng “Phạm tội nhiều lần” ở đây là nhiều lần sử dụng trái phép tài sản, mỗi lần phải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 của điều luật này, những lần vi phạm đó chưa bị xử lý và còn thời hiệu xử lý. - Các tội còn lại trong chương không có tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” nhưng vẫn có thể có trường hợp phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: người phạm tội thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt cùng loại, trong đó phải có ít nhất từ 2 lần trở lên và mỗi lần chiếm đoạt phải đạt cấu thành cơ bản của tội phạm đó. Ngược lại, nếu người có hành vi chiếm đoạt cùng loại, nhiều lần, mỗi lần không đủ cấu thành cơ bản thì họ không phải chịu tình tiết này, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản mà họ đã chiếm đoạt qua các lần. Ví dụ 8: Người A thực hiện 5 lần trộm cắp, trong đó có 2 lần mỗi lần trộm được 2 triệu, ba lần còn lại mỗi lần trộm được 1 triệu, người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự với tổng số tiền chiếm đoạt là 7 triệu đồng và phải chịu thêm tình tiết tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cả 5 lần trộm cắp, mỗi lần được 1 triệu đồng hoặc một lần trộm cắp được 2 triệu, 4 lần khác trộm cắp mỗi lần 1 triệu thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự, không phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” vì không có từ hai lần trở lên chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên theo như quy định tại khoản 1 của điều luật. b) Về tái phạm, tái phạm nguy hiểm: - Cần chú ý trường hợp bị cáo đã từng bị Tòa án quy kết trách nhiệm hình sự về tội phạm do bị cáo đã thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi, nay người này lại phạm tội mới thì không coi người này phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm (xem Điều 69 Bộ luật Hình sự). - Có 11/13 tội phạm quy định ở chương này quy định tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 của các điều luật là “Tái phạm nguy hiểm”, khi áp dụng tình tiết định khung này cần nắm hai vấn đề: Thứ nhất, hành vi mà họ đã thực hiện phải cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng (cấu thành cơ bản); Thứ hai, các lần phạm tội trước của người này không nhất thiết phải là phạm các tội chiếm đoạt mà chỉ cần thỏa mãn quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm là đủ. Thẩm phán cần nắm chắc quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 để định tội và xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm cho đúng; đây là nội dung phức tạp, dễ nhầm lẫn. Ví dụ 9: tháng 4/2009 bị cáo A bị Tòa án xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, trị giá 600.000 đồng; ngày 31/12/2009 ra tù theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội nêu trên; tháng 6/2010, A lại trộm cắp tài sản trị giá 2 triệu đồng, Tòa án xử phạt A theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, nhưng không được coi A phạm tội lần này là tái phạm vì A đã đương nhiên được xóa án tích kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi có hiệu lực ngày 01/01/2010 (tuy nhiên vẫn còn tranh luận...). Mở rộng trường hợp này, nếu A chỉ chiếm đoạt 1 triệu đồng thì A có phạm tội trộm cắp tài sản không? Hiện nay còn có nhận thức khác nhau, chờ hướng dẫn của TAND Tối cao và Liên ngành. Ngoài ra, Thẩm phán phải nắm chắc quy định về xóa án tích từ Điều 63 đến Điều 64, Chương IX Bộ luật Hình sự để xác định bị cáo đã được xóa án tích chưa, đã chấp hành xong bản án chưa… Có như vậy mới xác định chính xác bị cáo phạm tội có thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không. c) Về tình tiết tăng nặng phạm tội đối với người quản lý tài sản là người già, trẻ em: chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, không áp dụng đối với các tội chiếm đoạt có cấu thành vật chất quy định trong chương này. Tuy nhiên, vẫn phải áp dụng đối với các tội như Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản vì hành vi khách quan của các tội này cũng xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ là sự an toàn tính mạng, sức khỏe của người quản lý tài sản… (Xem mục 26 Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TAND Tối cao). d) Về tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: Đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho các bị cáo phạm tội chiếm đoạt. Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cũng rất khác nhau bởi hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra được khắc phục, sửa chữa, bồi thường bằng nhiều cách khác nhau. Trường hợp người thân của bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng bị can, bị cáo không biết việc này thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, không được áp dụng điểm b khoản 1 Điều này theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2000/HĐTP ngày 04/8/2000. Trường hợp người thân của bị can, bị cáo thực hiện bồi thường cho người bị hại theo yêu cầu của bị can, bị cáo thì bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
Văn hóa anh mỹ...
200
20326
146