Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Giáo án điện tử KỸ NĂNG SOẠN THẢO CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ...

Tài liệu KỸ NĂNG SOẠN THẢO CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

.DOCX
24
325
125

Mô tả:

KỸ NĂNG SOẠN THẢO CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
KỸ NĂNG SOẠN THẢO CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC LOẠI VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 1. Các loại văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự Văn bản pháp luật có ba loại: đó là Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống. Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành trên cơ sở những quy phạm pháp luật, nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể cụ thể hoặc xác định những biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Văn bản hành chính là văn bản được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước để điều hành hoặc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cấp dưới và để đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới thực hiện nhiệm vụ được giao; hoặc dùng để truyền đạt những thông tin quan trọng trong trường hợp khẩn cấp; hoặc dùng để truyền đạt ý kiến, kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc thông tin về những sự kiện pháp lý khác phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước tới các đối tượng có liên quan. Hiểu theo nghĩa này thì các loại văn bản được ban hành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự bao gồm hai loại văn bản là văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính. Trong đó chủ yếu là văn bản áp dụng pháp luật. Các loại văn bản được ban hành trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự là văn bản pháp luật vì: - Trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành những văn bản nhất định để tác động, điều chỉnh tới những con người cụ thể hoặc những cá nhân, tổ chức liên quan và những văn bản này đều có giá trị bắt buộc thi hành ở những mức độ khác nhau với các đối tượng có liên quan và đều được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. - Việc ban hành các loại văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự không phải là tuỳ tiện, thích thì ban hành, và ban hành như thế nào cũng được. Văn bản được ban hành phải có giá trị sử dụng, hiệu quả tác động. Vì vậy pháp luật mà ở đây trực tiếp là Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật khác có liên quan quy định cụ thể về các trường hợp được sử dụng, hình thức văn bản, thẩm quyền bàn hành văn bản, thủ tục ban hành văn bản cũng như một số vấn đề khác liên quan như thời hạn, thời hiệu, trách nhiệm thi hành, đối tượng thi hành…. 2. Đặc điểm của các loại văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự a. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được xác lập bằng ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ viết giúp chủ thể ban hành văn bản trình bày đầy đủ, mạch lạc ý chí của mình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, giúp đối tượng phải thi hành văn bản nắm bắt được để thực hiện. b. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định. Hiện nay chủ thể có thẩm quyền ban hành các loại văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự do Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật tố tụng hình sự quy định. Ví dụ đối với các Lệnh tạm giam bị cáo do Chánh án hoặc phó Chánh án phụ trách lĩnh vực hình sự được quyền ra lệnh. Các quyết định tạm giam do Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm ban hành. Chỉ những chủ thể do Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự quy định mới có quyền ban hành văn bản pháp luật. Nếu văn bản được ban hành bởi một cá nhân hay tổ chức mà pháp luật không quy định về thẩm quyền ban hành thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật. Ví dụ: Thẩm phán ra Lệnh tạm giam bị cáo trong quá trình chuẩn bị xét xử. Thì Lệnh tạm giam này không có giá trị pháp lý. c. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự có nội dung là ý chí của chủ thể ban hành nhằm đạt được mục tiêu giải quyết các vụ án hình sự. Nội dung văn bản là ý chí của chủ thể ban hành. Ý chí đó được xác lập trên cơ sở của pháp luật tố tụng hình sự và nhận thức của từng chủ thể tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử về những tình tiết khách quan của từng vụ án cụ thể phù hợp với mục tiêu giải quyết vụ án. d. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự có hình thức do pháp luật quy định. Hình thức văn bản bao gồm hai yếu tố cấu thành là tên gọi và thể thức của văn bản. Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và các văn bản có liên quan quy định có nhiều loại văn bản khác nhau được ban hành trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử như lệnh, quyết định, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, công văn, thông báo… Những quy định đó có ý nghĩa quan trọng trong việc phân biệt các văn bản khác trong trong cùng hoạt động, phân biệt văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự với văn bản trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính, kinh tế cũng như xác định vai trò của từng loại văn bản trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó pháp luật còn quy định về thể thức văn bản, tức là quy định về cách thức trình bày văn bản theo một kết cấu, khuôn mẫu nhất định, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung của văn bản, đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của ba cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Toà án trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự. e. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Thủ tục ban hành văn bản pháp luật trong tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự: Như các thông tư liên tịch, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán- Toà án nhân dân tối cao…. f. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Để đảm bảo thực hiện được các văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự, trên thực tế Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó biện pháp cưỡng chế được sử dụng là chủ yếu. Nếu các cá nhân, tổ chức có liên quan không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng các nội dung trong văn bản thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước. Tóm lại, văn bản pháp luật được ban hành trong hoạt động tố tụng hình sự là hình thức thể hiện ý chí của chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản, dưới dạng ngôn ngữ viết, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật nhằm đạt được những mục tiêu trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử người phạm tội. Văn bản pháp luật được ban hành trong hoạt động tố tụng hình sự thường được thể hiện ở hai dạng là văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính, trong đó chủ yếu là văn bản áp dụng pháp luật. 3. Các yêu cầu đối với văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự 3.1. Yêu cầu về nội dung của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. a. Nội dung trong văn bản phải phù hợp với đường lối của Đảng. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phải phản ánh kịp thời đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực, kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng cụ thể của các cơ quan Nhà nước. b. Nội dung trong văn bản phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân lao động. Nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thực chất đây chính là sự đảm bảo yếu tố phù hợp giữa nhu cầu của xã hội và chủ trương xây dựng pháp luật của Nhà nước. Hiệu quả tác động của các văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của các bên liên quan, vào việc Nhà nước có thể hiện và đáp ứng được những lợi ích của các giai tầng trong xã hội hay không. Vì vậy khi ban hành văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự cần cân nhắc, lựa chọn cách thức điều chỉnh để đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích của các nhóm đối tượng có liên quan, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, của toàn xã hội, của các nhóm xã hội khác nhau, của mỗi cá nhân hay tổ chức. c. Nội dung phải hợp pháp Khi soạn thảo văn bản cần đối chiếu các nội dung của văn bản đang soạn thảo với nội dung của những văn bản có liên quan để đánh giá về sự phù hợp và thống nhất về nội dung của chúng. Sự phù hợp ở đây được thể hiện các mệnh lệnh được đưa ra phải phù hợp với các quy phạm pháp luật hiện hành về nội dung và mục đích điều chỉnh. Văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự là sự cụ thể hoá các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự và các quy phạm pháp luật hình sự vào từng vấn đề để giải quyết những vụ án cụ thể. Ví dụ: Bản án hình sự có nội dung hợp pháp khi các mệnh lệnh cá biệt trong bản án phù hợp với những quy phạm pháp luật của Bộ luật hình sự, bộ luật dân sự và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan tới vụ án được đưa ra xét xử. Đối với văn bản hành chính thì các nội dung trong văn bản phải phù hợp với nội dung của của các văn bản áp dụng pháp luật có liên quan trực tiếp tới văn bản hành chính đó. d. Nội dung phải có tính khả thi Tính khả thi được thể hiện ở sự phù hợp giữa nội dung văn bản với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn văn bản đó được ban hành và được triển khai thực hiện. Nếu văn bản phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn… Tính khả thi còn thể hiện các quy định, mệnh lệnh trong văn bản được ban hành phải chi tiết, cụ thể để dễ dàng triển khai thực hiện trong thực tiễn, phù hợp với khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện văn bản và phù hợp với trình độ nhận thức của các đối tượng có liên quan. Các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, một nghĩa, cách diễn đạt, trình bày nội dung văn bản phải cô đọng, khoa học dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân để tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện văn bản pháp luật trên thực tế. 3.2. Yêu cầu về hình thức của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự Hình thức của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm tên gọi và thể thức của văn bản: Tên gọi của văn bản: Do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Quy định này phản ánh giới hạn về quyền lực của chủ thể ban hành văn bản. Nghĩa là khi cơ quan tiến h�nh tố tụng hình sự quyết định các vấn đề để giải quyết vụ án cụ thể thì chỉ có quyền ban hành văn bản cụ thể theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ví dụ: Để thực hiện việc bắt bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án thì Chánh án hoặc Phó chánh án ra Lệnh bắt và tạm giam bị cáo. Việc soạn thảo các văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự, thì sử dụng hình thức văn bản nào không hoàn toàn lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của người soạn thảo mà tuỳ thuộc vào từng vấn đề phát sinh trong vụ án cụ thể cần giải quyết. Thể thức văn bản: là kết cấu về hình thức của văn bản theo quy định của pháp luật. Thể thức của văn bản trước hết phải trình bày theo đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 55/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng chính phủ ngày 06/5/2005 hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 19/01/2011, thể thức của văn bản pháp luật bao gồm một số đề mục được trình bày ở những vị trí xác định. Do vậy người soạn thảo văn bản cần nắm vững được những quy định tại các thông tư này để soạn thảo văn bản được chính xác, khoa học. 3.3. Yêu cầu về ngôn ngữ của văn bản Thứ nhất: Ngôn ngữ của văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự là ngôn ngữ viết. Thứ hai: Ngôn ngữ văn bản pháp luật trong tố tụng hình sự là tiếng việt. Thứ ba: Là ngôn ngữ được Nhà nước sử dụng chính thức. 3.4. Yêu cầu đối với hoạt động xây dựng văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự Thứ nhất: Soạn thảo văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự phải đúng thẩm quyền. Thẩm quyền về nội dung: Tức là xác định đúng về thẩm quyền giải quyết công việc phát sinh trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án được ban hành những loại văn bản gì trong hoạt động tố tụng của mình. Ví dụ cần tiếp tục tạm giam bị cáo 45 ngày để đảm bảo cho việc thi hành án thì Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền ra quyết định tạm giam. Thẩm quyền về hình thức: Là thẩm quyền của các chủ thể trong việc ban hành những hình thức văn bản nhất định phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự. Mỗi chủ thể có thẩm quyền chỉ được ban hành một số loại văn bản nhất định. Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, chánh án, phó chánh án, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được quyền ban hành những loại văn bản nào cần được làm rõ. Bởi nếu xác định sai thẩm quyền về nội dung hay hình thức thì văn bản được ban hành đều không có giá trị pháp lý. Ví dụ: Để tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án trước khi mở phiên toà thì hình thức văn bản cần được ban hành là Lệnh tạm giam do Chánh án hoặc phó chánh án ban hành, nhưng tạm giam bị cáo sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì hình thức văn bản là quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Vấn đề xác định đúng thẩm quyền khi ban hành văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự là một vấn đề hết sức phức tạp. Nếu văn bản được ban hành trái thẩm quyền thì sẽ không có hiệu lực pháp luật và sẽ bị cấp có thẩm quyền bãi bỏ. Vì vậy để văn bản pháp luật phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự được ban hành đúng thẩm quyền thì người soạn thảo cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ pháp luật hiện hành để xác định chủ thể ban hành và hình thức văn bản cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thứ hai: Phải được tiến hành đúng thủ tục do pháp luật quy định và phải đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định và hướng dẫn khá rõ ràng cụ thể về hình thức của các loại văn bản. Ví dụ: Điều 104 (quyết định khởi tố vụ án án hình sự); Điều 108 (quyết định không khởi tố vụ án hình sự); điều 224 (bản án), các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao còn ban hành các mẫu văn bản cụ thể để thống nhất áp dụng thực hiện trong toàn ngành. Soạn thảo văn bản pháp luật: Khi soạn thảo cần xuất phát từ tính chất của mỗi vụ việc cụ thể để xác định phạm vi những vấn đề được đề cập và đối tượng tác động của văn bản. Trong văn bản cần giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan tới nội dung chính mà không được bỏ sót những nội dung phụ, trường hợp phức tạp không thể giải quyết cùng lúc và nếu được pháp luật cho phép thì cần nói rõ nội dung nào được tách ra để giải quyết sau. Ví dụ: Trong bản án hình sự, cần giải quyết cả vấn đề dân sự như bồi thường thiệt hại, xử lý tài sản bị tạm giữ, vấn đề cấp dưỡng, án phí… nhưng trong trường hợp pháp luật quy định thì có thể tách một phần dân sự liên quan đến vụ án để giải quyết trong vụ án khác (khi đó phải nói rõ trong bản án hình sự). Thông qua văn bản pháp luật: Việc thông qua văn bản pháp luật cũng được tiến hành theo những thủ tục do pháp luật quy định, có thể do cá nhân quyết định, cũng có thể do tập thể biểu quyết. Ví dụ, trước khi mở phiên toà, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại phiên toà thì Hội đồng xét xử thông qua quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ban hành văn bản pháp luật: Sau khi văn bản được ban hành thì gửi tới những cá nhân, tổ chức có liên quan để thực hiện. Việc giao nhận có thể gửi trực tiếp hoặc thông qua đường công văn tới từng đối tượng tiếp nhận tuỳ theo tính chất và yêu cầu của vụ việc cụ thể. II. KỸ NĂNG SOẠN THẢO VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 1. Soạn thảo một số đề mục chung, bắt buộc phải có trong tất các các loại văn bản a. Quốc hiệu Về nội dung phần Quốc hiệu được hợp thành bởi tên nước, chế độ chính trị và mục tiêu chính trị của Nhà nước ta. Phần này được trình bày ở bên phải, phía trên cùng của văn bản gồm hai dòng; dòng trên viết chữ in hoa; dòng dưới viết chữ thường có các gạch nối ở giữa các từ. Phía dưới cùng có đường gạch ngang, nét liền kéo dài đến hết dòng chữ: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc b. Tên cơ quan ban hành văn bản Trình bày ngang hàng với quốc hiệu, về phía trái văn bản Vì các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự có vị trí tương đối độc lập với cơ quan cấp trên trực tiếp nên chỉ ghi tên cơ quan ban hành văn bản mà không phải ghi cơ quan cấp trên (dòng trên) và cơ quan ban hành văn bản (dòng dưới). Ví dụ: đối với bản án do Toà án nhân dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ban hành thì chỉ cần ghi: TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA BÌNH Mà không cần ghi: TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA BÌNH c. Số, kí hiệu của văn bản Số, ký hiệu của văn bản được đặt dưới tên cơ quan ban hành văn bản. Số của văn bản là số thứ tự được ghi liên tục theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 tính từ ngày 01 tháng 01 hàng năm và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 của năm. Hiện nay thường sử dụng hai cách đánh số văn bản sau: Cách thứ nhất: Đánh số chung cho tất cả các loại văn bản, ví dụ các công văn, thông báo, quyết định, lệnh… đều sử dụng một số thứ tự chung, thống nhất. Cách thứ hai: Đánh số cho từng loại văn bản. Cách này được sử dụng chung và phổ biến trong hoạt động tố tụng hình sự. Bởi lẽ, trong một năm công tác, số lượng văn bản mà cơ quan tiến hành tố tụng ban hành là rất lớn, bao gồm nhiều loại văn bản khác nhau như lệnh, quyết định, thông báo, bản án. Trong số các lệnh lại có lệnh bắt và tạm giam, lệnh tạm giữ, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, hay các bản án thì có bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm, các quyết định có quyết định tạm giam, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung…. Vì vậy, việc đánh số thứ tự theo từng loại văn bản, tương ứng với từng loại việc cụ thể được áp dụng phổ biến và tiện dụng hơn cả. Ví dụ: Trong hoạt động tố tụng của Toà án. Việc đánh số văn bản Lệnh tạm giam, lệnh trích xuất; số quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả tự do cho bị cáo, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được theo dõi riêng theo từng loại sổ…. Đối với văn bản áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự thì sau phần số của văn bản là năm ban hành văn bản. Năm ban hành văn bản được ghi đầy đủ cả bốn chữ số và phân cách với các phần khác bởi dấu gạch chéo. Ví dụ: Số /2013/… Đối với văn bản hành chính thì sau phần số của văn bản không ghi năm ban hành văn bản mà sau phần số của văn bản là ký hiệu của văn bản. Phần số của văn bản được phân cách với phần ký hiệu của văn bản bởi dấu gạch chéo. Ví dụ: Số /TB- TA. Kí hiệu của văn bản được trình bày sau phần năm ban hành văn bản (Đối với văn bản áp dụng pháp luật) và sau phần số (Đối với văn bản hành chính). Thông thường đối với văn bản áp dụng pháp luật thì ký hiệu của văn bản là chữ viết tắt tên của cấp xử lý công việc và chữ viết tắt của tên loại việc mà văn bản giải quyết, chữ viết tắt của ký hiệu văn bản được phân định với nhau bởi dấu gạch ngang. Ví dụ: Số 15/2013/HSST- QĐ (Số 15/2013/ hình sự sơ thẩm/ quyết định). Đối với văn bản hành chính, ký hiệu của văn bản bao gồm chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản và chữ viết tắt của tên đơn vị soạn thảo văn bản. Ví dụ công văn, hoặc thông báo của Toà án do Toà hình sự soạn thảo: Số:…../TA-THS Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và chữ viết tắt của tên đơn vị soạn thảo văn bản phải được quy định cụ thể, đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu. d. Địa danh và thời gian ban hành văn bản Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương là tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tên của thành phố thuộc tỉnh (nếu có) nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở; Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp tỉnh là tên của thành phố trực thuộc trung ương hoặc là tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc của huyện nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở. Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp huyện là tên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong trường hợp tên tỉnh khác với tên tỉnh lị, tên huyện khác với tên huyện lị thì trong văn bản pháp luật của các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện ghi tên tỉnh lị hoặc huyện lị để tránh sự trùng lặp giữa các để mục trong hình thức văn bản. Ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam có tỉnh lị là thành phố Phủ Lý thì trong Quyết định tạm giam của Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam ghi là: Phủ Lý, ngày…. tháng… năm….. Địa danh được đặt dưới Quốc hiệu, về bên phải của văn bản. Ví dụ: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Phủ Lý, ngày….tháng….năm…… Thời gian ban hành văn bản: được ghi đầy đủ theo thứ tự ngày, tháng năm bằng số ả rập. Để đảm bảo sự chặt chẽ, chính xác những số chỉ ngày dưới 10, chỉ tháng dưới 3 phải viết số 0 ở trước. Ví dụ: Bắc Ninh, ngày 01 tháng 02 năm 2013. Hiện nay do chưa có các quy định cụ thể nên việc xác định thời gian của văn bản chưa thống nhất và chưa rõ ràng. Trong khi đó, thời điểm ban hành văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản, xác định việc phát sinh hoặc chấm dứt các quan hệ pháp lý, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các đối tượng có liên quan. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt ngày, tháng, năm văn bản pháp luật được ban hành với ngày mà nó có hiệu lực. Thông thường đối với những văn bản áp dụng pháp luật thì ngày tháng năm văn bản được ban hành là ngày có hiệu lực của văn bản. Ví dụ: Quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Nhưng đôi khi ngày tháng năm ban hành văn bản không phải là ngày có hiệu lực của văn bản, đó là những trường hợp nội dung của văn bản liên quan trực tiếp tới vấn đề thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định, như thời hạn tạm giam, tạm giữ. Ví dụ: Trong Lệnh tam giam ban hành vào ngày 06/5/2013, nhưng hiệu lực của Lệnh tạm giam bắt đầu từ ngày 10/5/2013. e. Tên gọi của văn bản pháp luật Các văn bản pháp luật đều có tên gọi riêng. Thông thường tên gọi của văn bản pháp luật được trình bày bằng kiểu chữ in hoa, khổ lớn và đậm; được trình bày ở vị trí giữa văn bản, phía dưới quốc hiệu và tên cơ quan ban hành văn bản. Tên gọi của văn bản là tên loại văn bản, ví dụ như Lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn… Tuy nhiên, cần lưu ý đối với Công văn và bản án khi trình bày thì không ghi tên văn bản. Tên gọi của văn bản được xác lập bằng ba cách: Một là ghép tên văn bản với từng loại chủ đề văn bản; Hai là dùng tên loại văn bản làm tên của dự thảo, sử dụng trích yếu xác định chủ đề văn bản; Ba là sử dụng tên loại văn bản chung cho mọi văn bản áp dụng pháp luật cụ thể. Khi lựa chọn cách thức trình bày tên gọi và trích yếu của văn bản áp dụng pháp luật cần lưu ý tới nét đặc thù của một số loại văn bản đã mang tính phổ biến và ổn định trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: Bản án, cáo trạng, bản kết luận điều tra chỉ có tên gọi mà không có trích yếu. Các Lệnh và Quyết định thường được ghép với tên chủ đề. Ví dụ: Lệnh truy nã, Lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định trả tự do, quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn… f. Trích yếu của văn bản Trích yếu là phần ghi tóm tắt một cách chính xác nội dung của văn bản. Phần trích yếu được trình bày phía dưới tên gọi của văn bản, trừ công văn là văn bản không có tên gọi nên trích yếu được trình bày dưới phần số và ký hiệu của văn bản. Tên gọi và trích yếu của văn bản hợp thành một thể thống nhất, xác định chủ đề của văn bản. Trích yếu thường được trình bày ngắn gọn, rõ ràng trong một câu. Trích yếu giúp người soạn thảo văn bản xác định đúng trọng tâm của nội dung văn bản. Đối với người tiếp nhận văn bản, trích yếu có tác dụng giúp cho việc vào sổ, tra tìm văn bản được thuận lợi. Ngoài ra cùng với các đề mục khác trong thể thức văn bản như số, ký hiệu văn bản, tên cơ quan ban hành văn bản, thời gian ban hành văn bản…, trích yếu có tác dụng cá biệt hoá văn bản, giúp cho việc phân biệt văn bản này với văn bản khác. Cũng cần lưu ý không phải các văn bản pháp luật phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự đều phải có trích yếu, mà tuỳ từng loại văn bản để xác định có trích yếu hay không. Ví dụ bản án hình sự không có trích yếu, hiện nay vẫn có một số Toà án địa phương ghi trích yếu bản án dưới phần số và ký hiệu của bản án là không chuẩn xác. Ví dụ: TOÀ ÁN DÂN DÂN HUYỆN YÊN PHONG Bản án số: /2013/HSST Vụ Nguyễn Văn Hoàng phạm tội Trộm cắp tài sản Công văn luôn có phần trích yếu. Đa phần các thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự cũng có phần trích yếu. Ví dụ: Thông báo về việc tiếp tục giải quyết vụ án. Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị… g. Xác lập cơ sở của văn bản Xác lập cơ sở pháp lý của văn bản: Cơ sở pháp lý của văn bản là Bộ luật tố tụng hình sự. Trong một số trường hợp ngoài việc viện dẫn các điều khoản của Bộ luật tố tụng hình sự cần phải viện dẫn những văn bản đã ban hành trước đó để minh chứng cho sự đúng đắn về thủ tục giải quyết công việc phát sinh. Ví dụ: Quyết định khởi tố bị can chỉ được ban hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, vì vậy khi ban hành quyết định khởi tố bị can phải căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án. Hay trong cáo trạng của Viện kiểm sát, phải căn cứ vào hàng loạt các quyết định ban hành trước đó, như quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, quyết định chuyển vụ án, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can… Trong trường hợp chỉ có một điều luât hoặc một văn bản áp dụng pháp luật là cơ sở pháp lý của dự thảo thì vấn đề lựa chọn không được đặt ra. Tuy nhiên, khi cùng lúc có nhiều điều luật liên quan đến dự thảo thì nên lựa chọn những điều luật thực sự có ý nghĩa đối với dự thảo. Nếu liên quan tới dự thảo là những điều luật có cùng hiệu lực pháp luật và cùng có quy định về vấn đề liên quan tới dự thảo (có điều luật quy định gián tiếp, có điều luật quy định trực tiếp) thì lựa chọn văn bản quy định trực tiếp về vấn đề được để cập trong dự thảo. Nếu có nhiều điều luật quy độc lập với nhau và đều liên quan tới nội dung cần được minh chứng về sự đúng đắn thì cần viện dẫn tất cả các điều luật. Nếu đó là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật khác nhau, trong đó văn bản có hiệu lực thấp giữ vai trò giải thích, hướng dẫn thi hành đối với văn bản có hiệu lực cao hơn thì chỉ viện dẫn văn bản được giải thích mà không viện dẫn văn bản giải thích như: Trong bản án chỉ viện dẫn Bộ luật hình sự mà không viện dẫn Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán. Cơ sở pháp lý vủa văn bản pháp luật chỉ là văn bản đang có hiệu lực pháp luật vào thời điểm văn bản đó được ban hành. Xác lập cơ sở thực tiễn của văn bản: Thông thường cơ sở thực tiễn của văn bản được bắt đầu bằng các từ như “xét”, “để” và được thể hiện bằng các câu do người soạn thảo lựa chọn mà không theo mẫu câu cố định. Ví dụ: trong quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, thường có các câu như: Xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng khác cho việc giải quyết vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được; Xét thấy trong vụ án còn có người đồng phạm khác… h. Phần ký trong văn bản Các văn bản trong hoạt động tố tụng hình sự do người có thẩm quyền ký. Phần ký được trình bày ở góc phải, cuối văn bản. Chức vụ của người ký phải được ghi trước chữ ký và được trình bày theo các thể thức nhất định, phù hợp với thủ tục thông qua và thẩm quyền của người ký văn bản. Theo quy định của pháp luật, thể thức ký có thể là TM (thay mặt), KT (ký thay), TL (thừa lệnh), TUQ (thừa uỷ quyền), Q (quyền). Thể thức thay mặt được sử dụng khi văn bản pháp luật được thông qua theo nguyên tắc biểu quyết tập thể và quyết định theo đa số. Khi đó, người ký chỉ xác nhận việc văn bản pháp luật đã được thông quan theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Ví dụ: TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ THẨM PHÁN - CHỦ TOẠ PHIÊN TOÀ Nếu là văn bản do cá nhân điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được quyền ban hành thì thể thức ký chỉ ghi chức vụ của người ký mà không ghi thay mặt. Ví dụ: TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH THẨM PHÁN Đối với văn bản do cấp phó ký khi được cấp trưởng uỷ quyền thì phải ghi KT trước chức vụ của cấp trưởng. Ví dụ: KT. CHÁNH ÁN PHÓ CHÁNH ÁN Trong một số trường hợp, thủ trưởng cơ quan có thể uỷ quyền cho một người khác là cấp dưới ký văn bản về một số việc nhất định. Trường hợp này có hai cách ký: Cách thứ nhất: Uỷ quyền cho một người giữ chức vụ hành chính là cấp dưới trực tiếp trong thời gian không hạn chế (uỷ quyền thường xuyên) thì khi người được uỷ quyền ký phải ghi TL và chức vụ của người được uỷ quyền. Cách thứ hai: Uỷ quyền cho người giữ chức vụ Nhà nước với sự hạn chế về thời gian hoặc nội dung công việc được uỷ quyền. Trong trường hợp này, người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại. Khi ký, người được uỷ quyền phải ghi TUQ và chức vụ của người được uỷ quyền. Ví dụ: Trường hợp người đứng đầu cơ quan được bổ nhiệm là quyền cấp trưởng thì khi ký cần ghi là Quyền trưởng, ví dụ: Quyền Chánh án. Người có thẩm quyền phải ký trực tiếp, không được ký bằng bút chì, bút mực màu đỏ hoặc bằng các vật liệu dễ phai mờ, phải viết rõ họ tên người ký bằng chữ thường, cách chức vụ của người ký 30 mm. Thông thường các văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ có một chữ ký, nhưng cũng có trường hợp văn bản có nhiều chữ ký như: Bản án, biên bản nghị án. i. Dấu trong văn bản pháp luật Sau khi văn bản pháp luật đã được người có thẩm quyền ký đúng thể thức, văn bản phải được đóng dấu. Dấu phải được đóng đúng chiều, rõ ràng và trùm lên từ ¼ đến 1/3 về bên trái chữ ký. Không được đóng dấu khi chưa có chữ ký. Chữ ký và dấu có vai trò đảm bảo tính hợp pháp của văn bản pháp luật. k. Nơi nhận Phần nơi nhận được trình bày ở góc trái, cuối văn bản, ngang phần chữ ký. Để trình bày phần này, người ký phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng việc và theo đúng những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác mà quyết định việc gửi văn bản. Thông thường, văn bản được gửi tới các cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan ban hành văn bản; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc thực hiện văn bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành văn bản và bộ phận có trách nhiệm lưu văn bản. 2. Soạn thảo nội dung của văn bản Xác lập đối tượng tác động của văn bản. Thông thường đối với những văn bản phát sinh trong hoạt động tố tụng hình sự, thì đối tượng tác động của văn bản là cá nhân. Để cá biệt hóa những dấu hiệu nhân thân của cá nhân, trước hết ghi họ tên theo chứng minh thư nhân dân hoặc các giấy tờ có trị pháp lý khác. Trường hợp một người có nhiều tên khác nhau (tên khai sinh, tên thường gọi, biệt danh) thì trong văn bản sử dụng tên chính thức còn các tên khác có thể coi như những dấu hiệu có tác dụng cá biệt hóa đối tượng tác động của văn bản. Thông thường để cá biệt hóa đối tượng tác động của văn bản có thể sử dụng một số dấu hiệu nhân thân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chức vụ và nơi công tác. Trong bản kết luận điều tra, cáo trạng hay bản án còn thể hiện một số dấu hiệu nhân thân như giới tính, dân tộc, quốc tịch, trình độ văn hóa, cha mẹ, vợ con của bị can, bị cáo, tiền án, tiền sự… của đối tượng tác động để cá biệt hóa đối tượng đồng thời để góp phần tạo nên sự đánh giá đúng đắn, toàn diện về những vấn đề có liên quan tới đối tượng, giúp cho việc giải quyết công việc được đúng đắn, tránh được sự phiến diện, lệch lạc. Xác lập các mệnh lệnh cụ thể trong văn bản. Trên cơ sở của pháp luật hiện hành, người soạn thảo cần đưa ra những phán quyết phù hợp với mỗi trường hợp cụ thể để áp dụng đối với từng đối tượng tác động. Tuy nhiên, ngoài việc căn cứ vào pháp luật, người soạn thảo còn phải xem xét những sự kiện pháp lý phát sinh trên thực tiễn để xác định việc có ban hành văn bản hay không và nội dung của văn bản được ban hành. Chỉ khi nào đã có sự kiện pháp lý liên quan, trực tiếp làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của đối tượng tác động thì mới ban hành văn bản để áp dụng pháp luật với đối tượng đó. Việc xác lập hành vi; xác lập các phán quyết về hành vi; xác lập cách thức thực hiện mệnh lệnh cá biệt thì tùy theo từng văn bản mà lựa chọn các thức xác lập phù hợp đảm bảo tính khoa học, lô gic, chính xác. Xác lập hiệu lực pháp luật theo thời gian của văn bản. Thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc hiệu lực của văn bản được xác lập theo hướng xác định rõ ngày, tháng, năm cụ thể hoặc gắn với mốc là hoạt động ký hay giao nhận văn bản.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
Văn hóa anh mỹ...
200
20326
146