Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học xã hội và nhân văn việt nam thời hội nhập trường hợp ngành văn hóa học...

Tài liệu Khoa học xã hội và nhân văn việt nam thời hội nhập trường hợp ngành văn hóa học

.PDF
13
71
91

Mô tả:

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP: TRƯỜNG HỢP NGÀNH VĂN HÓA HỌC Nguyễn Văn Hiệu* * Tiến sĩ, Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM 1 DẪN NHẬP Các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tính đặc thù, tính vùng miền của khoa học xã hội và nhân văn trong so sánh với tính chung, tính phổ quát của khoa học tự nhiên. Đúng là xét trong lịch sử, khoa học xã hội và nhân văn đã phát triển theo dân tộc, chủ yếu nghiên cứu những vấn đề quốc gia [Nhiều tác giả 2007: 20], nhưng không vì thế chúng ta bỏ qua tính phổ quát của khoa học xã hội và nhân văn với tư cách là một ngành khoa học. Đó là chưa kể từ nửa sau thế kỷ XX khoa học xã hội và nhân văn ngày càng thể hiện được tính khoa học khi coi trọng quan điểm liên ngành, kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp nghiên cứu định lượng để khám phá những quy luật hoặc những đặc điểm có tính quy luật của xã hội và con người, đồng thời qua đó cho thấy tính đặc thù, gắn với một xã hội – lịch sử cụ thể nào đó. Chính với đặc điểm trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay, mới thấy hội nhập quốc tế là nhu cầu tất yếu của khoa học xã hội và nhân văn để phát triển và qua hội nhập, thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các quốc gia, dân tộc, vùng miền với những vấn đề cụ thể - đặc thù của nó sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn thế giới. Cơ sở để hội nhập chính là những nền tảng, những thành tựu có tính phổ quát của khoa học xã hội và nhân văn về các quan điểm lý thuyết, các khung lý luận, các phương pháp nghiên cứu,… thể hiện được tính hiệu quả trong việc tiếp cận, nghiên cứu các vấn đề xã hội và nhân văn. Không thể quá nhấn mạnh đến tính đặc thù, tính vùng miền của khoa học xã hội và nhân văn để né tránh nhu cầu hội nhập để phát triển, nhất là ở nước ta khi thành tựu khoa học xã hội và nhân văn còn khá hạn chế, cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đi vào một số vấn đề về khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam gắn với một ngành cụ thể: ngành Văn hóa học. 2 VĂN HÓA HỌC: VẤN ĐỀ THUẬT NGỮ Còn khá mới so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác ở Việt Nam, nhưng Văn hóa học với tư cách là một khoa học chuyên ngành, cả trong nghiên cứu lẫn đào tạo ở các trường đại học và các viên nghiên cứu, cũng đã có lịch sử ở Việt Nam trên một thập niên. Từ thập niên cuối của thế kỷ trước đã xuất hiện cuốn Văn hóa học (1997) khá dày dặn của Đoàn Văn Chúc. Trước đó, trong Giáo trình môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam (1995) biên soạn theo chương trình giáo dục đại học đại cương của Bộ giáo vụ và Đào tạo, Trần Ngọc Thêm xác định đã tiếp cận từ Văn hóa học và xem giáo trình này có thể được dạy “như một môn học độc lập cho SV mọi ngành, nhưng cũng có thể xem như một môn học trong hệ thống của bộ môn VĂN HÓA HỌC” [Trần Ngọc Thêm 1996: 10]. Trong công trình này Trần Ngọc Thêm cũng bước đầu xác định các bộ phận của Văn hóa học như Cơ sở văn hóa, Lịch sử văn hóa, Địa lý văn hóa, Văn hóa học đại cương, và các chuyên đề đi sâu vào từng vấn đề văn hóa, từng vùng văn hóa [Trần Ngọc Thêm 1996: 10-11]. Về đào tạo thì từ năm 2000 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã có chương trình đào tạo Thạc sĩ Văn hóa học và từ đó đến nay trường này đã có một Khoa Văn hóa học đào tạo chuyên ngành Văn hóa học ở cả ba hệ: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; riêng hệ thạc sĩ, đến nay trường đã đào tạo trên 10 khóa với hàng trăm thạc sĩ Văn hóa học đã tốt nghiệp. Đến nay khó thể kể hết các giáo trình, công trình nghiên cứu được viết hoặc được giới thiệu qua con đường dịch thuật. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã có bộ phận đào tạo, nghiên cứu Văn hóa học. Đây là điều đáng mừng vì Văn hóa học là ngành đang phát triển mạnh trên thế giới, đạt nhiều thành tựu, ở Việt Nam ngành này cũng đã cho thấy tính khoa học và hiệu quả của nó trong việc nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Tuy nhiên từ góc độ hội nhập, ngay từ đầu đã xuất hiện vấn đề từ góc độ thuật ngữ, khái niệm và không chỉ dừng lại ở vấn đề thuật ngữ, khái niệm. Khi quốc tế hóa khái niệm/ thuật ngữ Văn hóa học qua tiếng Anh, chúng ta chọn khái niệm/ thuật ngữ nào, Culturology theo cách dùng phổ biến ở Nga hay Cultural Studies theo truyền thống nghiên cứu văn hóa Âu Mỹ ? Đây là điều không thể tùy tiện, sao cũng được vì Culturology và Cultural Studies không thật giống nhau trong cách quan niệm về đối tượng nghiên cứu, quan điểm và phương pháp nghiên cứu cùng nhiều bình diện hữu quan khác. 3 Trong truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu Âu Mỹ đã xem “Culturology” là một từ vụng về, ngớ ngẩn (a clumsy word). Đối với họ, chỉ có “Cultural Studies” mới là chuyên ngành văn hóa học thực sự. Đến nay vẫn còn nhiều nhà nghiên cứu Âu Mỹ hoặc ảnh hưởng truyền thống nghiên cứu văn hóa ở Âu Mỹ vẫn giữ cách nhìn này, hoặc cùng lắm cho rằng “Culturology” là cái có thể hình dung được nhưng không thấy gần gũi, quen thuộc (unfamiliar). Rõ ràng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giao lưu và hội nhập quốc tế. Không ít nhà khoa học Việt Nam ở trong nước thì dùng “Culturology” trên danh thiếp, chẳng hạn như trong “Faculty of Culturology”, nhưng khi đi nước ngoài thì dùng danh thiếp khác, trên đó ghi là “Cultural Studies”. Thậm chí có nhà khoa học dùng cả hai thuật ngữ trên danh thiếp, chẳng hạn dùng “Culturology” và trong ngoặt đơn là “Cultural Studies”, hoặc ngược lại. Đây là điều có thể chia sẻ được, cốt để dễ hơn trong tiếp xúc, giao lưu và hội nhập, nhưng quả là gợi lên rất nhiều điều về hội nhập quốc tế của ngành Văn hóa học ở Việt Nam. Đó là chưa kể, còn không ít vấn đề liên quan đến đối tượng nghiên cứu, quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Văn hóa học ở Việt Nam cũng cần được trao đổi thêm, ít ra là xét trong tương quan với Culturology và Cultural Studies. VĂN HÓA HỌC: CÁC TRUYỀN THỐNG NGHIÊN CỨU Sự khác nhau trong sự lựa chọn thuật ngữ Culturology và Cultural Studies thực ra xuất phát từ hai truyền thống nghiên cứu [Mikhail Epstein 2007]. Theo tôi, giới nghiên cứu Âu Mỹ không sử dụng thuật ngữ “Culturology”, và cùng đó là “culturologist” - vốn được Leslie A.. White đưa ra và phân tích khá thuyết phục trong công trình The Science of Culture: A Study of Man and Civilization (1949) [Leslie A. White 1949: 410-412] - vì ở Âu Mỹ đã có truyền thống lâu đời của Nhân học văn hóa (Cultural Anthropology) và của nhiều ngành nghiên cứu văn hóa hữu quan như Xã hội học văn hóa (Cultural Sociology), Tâm lý học văn hóa (Cultural Psychology),… Thay vì đó, khi nảy sinh nhu cầu nghiên cứu văn hóa đương đại một cách hệ thống, lấy văn hóa làm đối tượng chính và phải “đưa nghiên cứu văn hóa lên bản đồ của tri thức” [xem thêm: Mikhail Epstein 2007], một số nhà nghiên cứu văn hóa ở đại học Birmingham đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa đương đại (Contemporary Cultural Studies) năm 1964 và qua năm 1972 Trung tâm này đã có ấn bản đầu tiên Working papers in Cultural Studies. Cultural Studies rõ ràng đã không quá bận tâm trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi có tính “bản thể luận” về văn hóa vì đã có bề dày truyền thống nghiên cứu văn hóa trước đó và dành nhiều thời gian hơn cho những nghiên 4 cứu văn hóa đương đại. Chính vì điều này nhìn từ bên ngoài dễ thấy Cultural Studies có vẻ lỏng lẻo, thiếu hệ thống, thực tế có thể thấy ngược lại nếu đọc những công trình có tính trường lớp, học thuật của Cutural Studies dưới dạng giáo trình đại học, chẳng hạn Relocating Cutural Studies – Developments in Theory and Research – Routledge, London, 1993; Cultural Studies & The Study of Popular Culture (1996) của John Storey – Edinburgh Univesity Press; Cultural Studies (2007) của Chris Rojek - Polity Press, Cambridge;… Trong khi đó, theo A. Ia. Phlier, khác với truyền thống nghiên cứu văn hóa ở Âu Mỹ hiểu văn hoá thiên về ý nghĩa xã hội-dân tộc học và có những khoa học cơ bản về văn hóa, ở Nga khái niệm văn hoá trước hết gắn với thực tiễn và mảng đề tài nghệ thuật và giáo dục [A. Ia. Phlier 2004] nên khi xây dựng khoa học về văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa ở Nga thấy cần xây dựng một ngành thật sự với cả hệ thống lý thuyết vừa mang tầm triết học giải quyết những vấn đề có tính bản thể luận của văn hóa, vừa có ý nghĩa thực tiễn trong nghiên cứu các vấn đề, các nền văn hóa cụ thể. Trên cơ sở những thành tựu trong truyền thống nghiên cứu văn hóa ở Nga từ những công trình của Nikolai Danilevski (1822-1885) và Pavel Florensky (1882-1937), phát triển đến đỉnh cao trong những thập niên 1960-1980 với những công trình của Mikhail Bakhtin (1895-1975), Aleksei Losev (18931988), Yuri Lotman (1922-1993), Vladimir Bibler (1918-?), Georgy Gachev (1929-?), và Sergei Averintsev (1937-?) [Mikhail Epstein 2007], từ những năm 1960 các nhà nghiên cứu văn hóa Nga đã chọn thuật ngữ “Culturology” cho ngành nghiên cứu mới này về văn hóa. Culturology của Nga phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho khoa học xã hội và nhân văn thế giới. Trong các trường đại học Nga, Culturology hiện đang là một trong những ngành học chính của khoa học nhân văn Nga thời hậu Xô Viết. Cũng theo A. Ia. Phlier, ở Nga hiện cũng đang gặp phải vấn đề chuyển nghĩa tương đương thuật ngữ “Culturology” sang các thứ tiếng châu Âu và giải thích nội dung đầy đủ của nó. Điều thú vị là hiện nay thuật ngữ “Culturology” đã khá phổ biến ở phương Tây. Ở châu Âu đã có nhiều công trình dùng thuật ngữ Culturology để chỉ ngành chuyên nghiên cứu về văn hóa – Văn hóa học, tiêu biểu như trong công trình Social science under debate: a philosophical perspective xuất bản năm 1998 tại Canada, Mario Bunge đã dành nguyên một chương trên 100 trang cho Culturology, các chương kia là Sociology, Political Science, History, Law,… Tại Mỹ cũng đã và đang có những nhà nghiên cứu đang nỗ lực giới thiệu Cuturology với tư cách là một ngành nghiên cứu về văn hóa (Văn hóa học) gắn với thành tựu nghiên cứu văn 5 hóa của khoa học nhân văn Nga và bước đầu so sánh tương đồng và khác biệt giữa Culturology và Cultural Studies. Tiêu biểu trong số này là Mikhail Epstein - hiện là giáo sư về Lý luận văn hóa và văn học Nga tại Trường Đại học Emory, Atlanta, Georgia với công trình tiêu biểu liên quan đến phương diện này như After The Future: The Paradoxes of Postmodernism and Contemporary Russian Culture University of Massachusetts Press, 1995; Transcultural Experiments: Russian and American Models of Creative Communication - New York: St. Martin’s Press, 1999 - mà chúng tôi có dịp trích dịch giới thiệu [Mikhail Epstein 2007]. 6 THAY LỜI KẾT: VĂN HÓA HỌC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ HỘI NHẬP Văn hóa học ở Việt Nam vẫn là ngành khoa học còn đang được định hình. Chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu có tính đặt nền móng lý thuyết cho Văn hóa học ở Việt Nam. Giữa Cultulrology và Cultural Studies, tôi nghĩ, Văn hóa học Việt Nam nên theo hướng của Culturology của Nga vì chúng ta cũng không có bề dày nghiên cứu văn hóa và cần phải xây dựng ngành học mới này từ nền móng, trước hết là phù hợp với thực tiễn nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, Culturology vẫn mang dáng dấp quá hàn lâm, thiên về lý thuyết. Văn hóa học Việt Nam cần học tập ở Cultural Studies việc quan tâm đến văn hóa đương đại và tính năng động của Cultural Studies trong việc bám sát với thực tiễn văn hóa như mối quan hệ giữa văn hóa và quyền lực, văn hóa và kinh doanh,… Chắc sẽ còn rất lâu thuật ngữ “Văn hóa học” (tiếng Việt) mới có thể có tên trên bản đồ nghiên cứu văn hóa. Chúng ta có quyền hy vọng khi Việt Nam có những lý thuyết, những trường phái nghiên cứu Văn hóa học được thế giới biết đến, “Văn hóa học” sẽ có chỗ đứng. Hiện trong đào tạo chắc chắn đã có các tập bài giảng hay giáo trình lưu hành nội bộ, nhưng chúng ta cần có thêm những công trình dịch thuật, giới thiệu có hệ thống các giáo trình, các nghiên cứu có tính trường lớp, hệ thống về Văn hóa học – Culturology lẫn Cultutal Studies – trên cả hai bình diện: lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng hệ thống lý thuyết Văn hóa học ở Việt Nam vừa khoa học, hiện đại, vừa phù hợp với điều kiện, bối cảnh của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Có như thế, Văn hóa học Việt Nam mới có thể hội nhập quốc tế và trong lâu dài có thể có đóng góp cho Văn hóa học thế giới trên cả bình diện lý luận lẫn nghiên cứu thực tiễn. 7 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nhiều tác giả (Chu Tiến Ánh và Vương Toàn dịch), Khoa học xã hội trên thế giới, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007 2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam (in lần 2), Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM xuất bản, 1996. 3. Mikhail Epstein (Nguyễn Văn Hiệu dịch), Văn hóa học: Culturology và Cultural Studies, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9 – 2007. 4. Leslie A. White, The Science of Culture: A Study of Man and Civilization, New York, Farrar, Straus and Cudahy, 1949. 5. A. Ia. Phlier, Văn hóa học là gì ?, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 2.2004. 8 9 10 11 12 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan