Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khảo sát phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn của na...

Tài liệu Khảo sát phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn của nam cao

.PDF
72
647
86

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN ----------- TRƯƠNG THỊ THANH NGUYÊN KHẢO SÁT PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngành Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ lúc được cắp sách đến trường tôi luôn bị thu hút bởi những câu ca hay, những vần thơ đẹp. Tôi xuýt xoa và tự hào về Tiếng Việt của mình. Tôi cảm nhận được rằng Tiếng nước mình sao giàu đẹp đến thế. Nó là nguồn công cụ vô tận để tôi vẽ nên quê hương của tôi, để tôi bày tỏ và trao lời yêu thương đến những người xung quanh. Trong đôi mắt ngây thơ và sự hiểu biết nhỏ bé của mình ngôn ngữ gắn liền với lời ăn tiếng nói, với những câu ca dao mượt mà hay khoa học hơn là những câu với cấu trúc chủ-vị giản đơn. Nhưng khi đã trở thành một sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn, tôi đã được tìm hiểu sâu hơn ở hai lĩnh vực Ngữ và Văn. Tôi hiểu rằng tiếng Việt không chỉ giàu và đẹp mà còn vô cùng phức tạp. Dân gian có câu nói vui để ví von sự phức tạp đó “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Bốn năm đại học là bốn năm được trải nghiệm thật nhiều điều đã giúp tôi cảm nhận đầy đủ hơn câu nói dân gian ấy khi tìm hiểu ngôn ngữ và đặc biệt là ngữ pháp. Trong đời sống hàng ngày, khi ta nói ra một câu hay một vấn đề nào đó, ta cảm thấy thật dễ dàng. Nhưng đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ ta mới thấy rằng câu và ý nghĩa của câu là một vấn đề vô cùng phức tạp.Từ ngữ pháp học truyền thống cho đến sự ra đời của ngữ pháp văn bản, quan niệm về câu không còn là khái niệm xa lạ nhưng nó vẫn là đề tài thú vị thu hút đối với những ai yêu thích việc nghiên cứu ngôn ngữ. Trong một lần tình cờ đọc quyển sách có viết về vấn đề nghĩa của câu tôi bắt gặp một nhận định rất hay của Panfilov rằng: “không có phạm trù nào mà bản chất ngôn ngữ học và thành phần các ý nghĩa bộ phận lại gây ra nhiều ý kiến khác biệt và đối lập nhau như phạm trù tính tình thái”. Nhận xét này đã khơi gợi cho tôi lòng ham muốn được tìm hiểu vấn đề tính tình thái. Chính vì vậy đề tài “Khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn của Nam Cao” thật sự hấp dẫn tôi ngay từ ban đầu và tôi lựa chọn. Bên cạnh đó, tác giả Nam Cao là một người nghệ sĩ sáng tạo, tài năng, có những cống hiến giá trị cho dòng văn học hiện thực 1930-1945. Đã có nhiều công trình viết về tác gia và tác phẩm Nam Cao trên phương diện nội dung và nghệ thuật. Nhưng vấn đề tìm hiểu các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong tác phẩm Nam Cao vẫn còn khá mới mẻ. Đây cũng là một lí do để tôi chọn đề tài này với mong muốn được khám phá, mở rộng kiến thức ngữ pháp. Và đặc biệt là vận dụng lí thuyết này vào việc lĩnh hội và khám phá giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học. 2. Lịch sử vấn đề Nghiên cứu đề tài “Khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn Nam Cao” là một công việc khá mới mẻ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong ngữ pháp tiếng Việt và nghiên cứu truyện ngắn Nam Cao đã có rất nhiều tác giả nói đến. Nghĩa tình thái của câu là một phạm trù thuộc vấn đề nghĩa của câu. Vào khoảng thập niên 30 nhà ngôn ngữ học người Pháp Tesniere có bàn đến vai nghĩa trong cấu trúc nghĩa của câu. Ông cho rằng “cấu trúc cú pháp của câu xoay xung quanh vị từ và các diễn tố làm bổ ngữ cho nó. Vị từ này quy định cao tham tố tham gia vào cấu trúc nghĩa, nó do nghĩa từ vựng tạo ra…” [12, tr.81]. Nhưng ý kiến này vẫn chưa thỏa đáng, câu là một đơn vị được xây dựng từ một tiếng đến một tổ hợp từ hoặc tập hợp các tổ hợp từ. Nếu nghĩa của câu do nghĩa từ vựng tạo ra thì đó sẽ là những nghĩa rời rạc. Ở Việt Nam vào thập niên 80, xuất hiện công trình “Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng” của Cao Xuân Hạo. Công trình này đã thể hiện cách nhìn nhận về câu và nghĩa của câu một cách thấu đáo hơn. Cao Xuân Hạo cho rằng “Câu là một hoạt động ngôn ngữ diễn đạt một hoạt động tư duy khác với các đơn vị ngôn ngữ có nghĩa khác…” và “nghĩa của câu không đơn giản là một phép cộng nghĩa của các từ ngữ trong câu. Nghĩa của câu là một cấu trúc nhiều tầng…”. Để tìm ra được nghĩa của câu ta cần đặt trong nhiều mối quan hệ. Ngoài ý nghĩa câu đem lại, câu còn chứa đựng những thành phần biểu đạt thái độ của người nói đối với sự tình được nói đến trong câu. Cao Xuân Hạo cho vấn đề này là “thuộc lĩnh vực tình thái” và “đó là một phần quan trọng của bình diện nghĩa học”. Ý nghĩa tình thái của câu được biểu thị qua nhiều phương tiện. Các tác giả khi viết về từ loại có đề cập đến phương tiện biểu thị tình thái dùng nhiều thuật ngữ khác nhau. Vấn đề này, tác giả Nguyễn Minh Thuyết nhận xét “Trong nghiên cứu tiếng Việt khi phân định và mô tả các từ loại nhà nghiên cứu thường trình bày một cách sơ lược một lớp từ chuyên biểu thị tình thái câu. Lớp từ này thường được gọi tên là “tiểu từ kết thúc”, “trợ ngữ từ”, “trợ từ”, “ngữ khí từ”, “tiểu từ tình thái”, “tình thái từ”..” [17,tr.263]. Ngữ pháp truyền thống thường chia các từ tình thái thành hai từ loại là trợ từ và thán từ. Tác giả Diệp Quang Ban trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt” (tập 1), quan niệm trợ từ dùng trong câu biểu thị ý nghĩa tình thái bằng cách nhấn mạnh vào từ, kết hợp từ có nội dung phản ánh liên quan với thực tại mà người nói muốn lưu ý người nghe. Trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt-từ loại”, Đinh Văn Đức cho rằng: “tình thái từ cần phải được xếp riêng thành một phạm trù […] phạm trù này chỉ bao hàm hai tập hợp nhỏ: tiểu từ và trợ từ.”. Nguyễn Hữu Quỳnh trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt” đưa ra khái niệm: “trợ từ là từ chuyên dụng để nhấn mạnh thêm nghĩa của câu hoặc nhấn mạnh thêm nghĩa của từ và của câu hoặc dùng để biểu thị thái độ của người nói”. Tác giả khẳng định: “trợ từ thuộc tình thái từ” [16,tr.178]. Còn thán từ là từ dùng làm tiếng gọi, tiếng đáp, tiếng than hay làm dấu hiệu biểu thị cảm xúc của con người. Có thể nói cách gọi các phương tiện biểu thị tình thái vẫn chưa được thống nhất trong quan điểm của các tác giả. Về phía các tác giả trong nước cũng có nhiều quan niệm về phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái rất khác nhau. Trong quyển “Tuyển tập ngôn ngữ học” Hoàng Tuệ cho rằng các phương tiện biểu thị tình thái tựu trung có những loại chính: + Những phương tiện ngữ pháp được gắn với vị ngữ. + Những phương tiện từ vựng được dùng không gắn với vị ngữ mà ở ngoài cấu trúc của vị ngữ. + Kiểu câu thường được coi là câu ghép nhưng thành phần chính ở kiểu câu này biểu thị tình thái còn thành phần phụ biểu thị nội dung cốt lõi của câu. Tác giả Phạm Hùng Việt trong bài viết “Vấn đề tình thái với việc xem xét chức năng ngữ nghĩa của trợ từ tiếng Việt”, xác định rằng để biểu thị ý nghĩa tình thái của câu cần có các phương tiện như: phương tiện ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng… Theo tác giả Cao Xuân Hạo có ba loại tình thái: tình thái của hành động phát ngôn, tình thái vị ngữ và tình thái của câu. Phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu sẽ bao gồm: + Những yếu tố tình thái làm thành đề của câu. + Những yếu tố tình thái được xử lí như một phần thuyết. + Những yếu tố tình thái khác. Nhìn chung, vấn đề tình thái và phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu chưa được xem xét thỏa đáng và thống nhất. Các tác giả chỉ đề cập sơ bộ và phân tích chưa sâu sắc. Như tác giả Hoàng Trọng Phiến nhận xét: “Đối với tiếng Việt các phương tiện biểu hiện tình thái chưa được nghiên cứu sâu sắc và toàn diện” [15,tr.33]. Tuy nhiên các tác giả vẫn công nhận rằng: ý nghĩa tình thái và phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái là vấn đề thú vị và có vai trò quan trọng làm nên sự phong phú, giàu đẹp của Tiếng Việt. Về truyện ngắn Nam Cao, tuy thời gian sáng tác của ông không dài nhưng Nam Cao đã để lại nhiều tác phẩm văn chương có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật độc đáo. Mỗi tác phẩm của Nam Cao đều chứa đựng tư tưởng nhân đạo hết sức lớn lao, cao cả. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn trong truyện ngắn Nam Cao và thu hút nhiều công trình nghiên cứu, sách báo viết về Nam Cao với phương diện cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật, tiêu biểu như: - “Nam Cao-một đời người, một đời văn” của Nguyễn Văn Hạnh. - “Nam Cao - phác thảo sự nghiệp và chân dung” của Phong Lê. - “Nam cao đời người và tác phẩm” của Hà Minh Đức. - “Lời giới thiệu tác phẩm Nam Cao” của Hà Minh Đức - “Nhà văn tư tưởng và phong cách” của Nguyễn Đăng Mạnh - “Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc” của Hà Minh Đức Các công trình nghiên cứu trên đều nghiên cứu tác phẩm ở hai phương diện: nội dung và nghệ thuật. Riêng về nghệ thuật, các công trình xoay quanh những khía cạnh như: phương pháp xây dựng nhân vật, thời gian và không gian nghệ thuật, lối văn kể chuyện… Riêng về việc khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong truyện ngắn Nam Cao chưa được đề cập đến. Như vậy, đề tài “Khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn Nam Cao” là một đề tài khá mới mẻ. Các công trình nghiên cứu của các tác giả nêu trên sẽ là nguồn tư liệu vô cùng bổ ích cho việc định hướng của luận văn. 3. Mục đích nghiên cứu Chọn đề tài “Khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn Nam Cao”, chúng tôi trước hết hệ thống hóa lịch sử vấn đề, lí thuyết về các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái nói chung của câu tiếng Việt. bước đầu khảo sát một số phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong truyện ngắn Nam Cao. Đồng thời chỉ ra những giá trị của việc sử dụng các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái đó trong truyện ngắn của Nam Cao. Bên cạnh đó, qua việc thực hiện đề tài này người viết muốn củng cố thêm kiến thức của mình về nghĩa của câu. Mặt khác, bước đầu thử vận dụng những kiến thức ngữ pháp về câu vào việc tìm hiểu, khám phá giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học. Từ đó, thu thập thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho việc giảng dạy sau này. 4. Phạm vi nghiên cứu Đề tài luận văn này có đối tượng nghiên cứu là các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái trong truyện ngắn Nam Cao. Ý nghĩa tình thái của câu là một phạm trù mới và phức tạp được biểu hiện qua nhiều phương tiện: ngữ điệu, ngữ pháp, từ vựng… Tuy nhiên trong luận văn của mình, người viết chỉ đề cập đến phương tiện từ vựng, cụ thể là các từ, tổ hợp từ đặt ở đầu và cuối câu có chức năng biểu thị ý nghĩa tình thái. Do đó người viết sẽ triển khai những tài liệu nghiên cứu ngữ pháp có đề cập đến từ ngữ biểu thị ý nghĩa tình thái của câu. 5. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành luận văn này, người viết đã tổng hợp, so sánh đối chiếu các quan điểm của một số tác giả về các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái và chọn lọc những truyện ngắn tiêu biểu của Nam Cao để khảo sát. Người viết dùng phương pháp thống kê, phân tích để khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn Nam Cao. Người viết sẽ phân tích và chỉ ra giá trị của các phương tiện đó và những nét đặc sắc của Nam Cao trong việc sử dụng ngôn từ và xây dựng cấu trúc câu. CHƯƠNG 1 VÀI NÉT VỀ PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI TRONG CÂU TIẾNG VIỆT 1.1 Khái niệm tình thái Khái niệm tình thái tương ứng với modalité, modality biểu thị một khái niệm về cấu trúc ngữ nghĩa của câu. Tuy nhiên khái niệm này được hiểu theo nhiều cách khác nhau và chưa có sự thống nhất. Các tác giả nước ngoài có những khái niệm sau: Tác giả Lyons cho rằng tình thái là “thái độ của người nói đối với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tình trạng mà mệnh đề đó miêu tả” [17,tr.255]. Theo Palmer “tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói ra”. Từ khái niệm này Palmer chủ trương phân biệt trong câu “những yếu tố biểu thị tình thái với những yếu tố biểu thị mệnh đề” [17,tr.255]. Tuy nhiên, Bybee lại hiểu tình thái theo nghĩa rộng hơn rằng tình thái là “tất cả những gì mà người nói muốn thể hiện cùng với toàn bộ nội dung mệnh đề” [17,tr.255]. Còn Charles Bally định nghĩa “tình thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự việc hay trạng thái được diễn đạt trong câu”. Đối với các nhà ngôn ngữ học Châu Âu tình thái được nghiên cứu trong mối quan hệ với thức (mood). Tuy nhiên, theo Frawley cho rằng cần phân biệt hai khái niệm tình thái và thức: “tình thái là một hiện tượng thuộc về phạm trù ngữ nghĩa của câu, còn thức là một hiện tượng ngữ pháp” [17,tr.255]. Khái niệm tình thái được các nhà ngôn ngữ nước ngoài hình dung với những diện mạo khác nhau và chưa có sự thống nhất. Với các nhà ngôn ngữ Việt Nam quan niệm này được thể hiện qua những nghiên cứu của ngữ pháp chức năng, cụ thể là ở chủ trương phân biệt nhiều bậc tình thái khác nhau trong câu. Trong “Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học”, Nguyễn Như Ý định nghĩa rằng: “tình thái-phạm trù ngữ pháp, ngữ nghĩa biểu thị quan hệ của người nói với phát ngôn và quan hệ của nội dung phát ngôn với hiện thực khách quan…” [22,tr.296-297]. Theo Nguyễn Hữu Quỳnh trong “Ngữ Pháp Tiếng Việt” thì “tình thái là sự biểu thị về thái độ và ý thức hay sự biểu cảm nào đó của con người đối với nội dung câu…” [16,tr.208]. Hoàng Tuệ thì quan niệm rằng: “tình thái là một khái niệm trong sự phân tích ngữ nghĩa câu, sự phân tích theo cách nhìn tìm đến thái độ của người nói trong hành động phát ngôn, tức cũng là tìm đến các hành động ngôn ngữ trong thực tiễn hoạt động ngôn ngữ.” và “trong logic học, nội dung của một mệnh đề được chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất gọi là ngôn liệu…phần thứ hai gọi là tình thái, là cách thể hiện mối quan hệ ấy cho biết mối quan hệ ấy có thật hay là không, là tất yếu hay là không tất yếu, là có thể có được hay không thể có được…” [19,tr.742]. Nhìn chung, ta có thể thấy rằng quan điểm của các tác giả về khái niệm tình thái vẫn chưa có sự thống nhất. Ta có thể mượn lời Panfilov để nhận xét điều này rằng: “không có phạm trù nào mà bản chất ngôn ngữ học và thành phần các ý nghĩa bộ phận gây nhiều ý kiến khác biệt và đối lập như phạm trù tình thái”. Tuy nhiên ta có thể thấy phần lớn các quan điểm của các tác giả là tình thái thuộc về nghĩa của câu. Tình thái là sự biểu đạt thái độ của người nói đối với sự tình được nói trong câu và hướng điều này đến người tiếp nhận. 1.2 Các loại tình thái Việc phân chia các loại tình thái như thế nào vẫn còn là vấn đề bỏ ngõ với nhiều quan niệm khác nhau của các tác giả. Lypons phân biệt thành hai loại tình thái khách quan và chủ quan. Trong phạm vi tình thái chủ quan các nhà nghiên cứu phân biệt thành hai phạm trù chính là tình thái nhận thức (epistemic modality) và tình thái đạo nghĩa (deontic modality). Palmer giải thích vấn đề này như sau: “Khái niệm tình thái nhận thức không chỉ liên quan đến tính khả năng hay tính tất yếu mà còn liên quan đến mức độ cam kết của người nói đối với điều anh ta nói. Thuật ngữ này được dùng với nghĩa rộng hơn so với nghĩa thông thường về mặt từ nguyên là được phái sinh từ tiếng Hi Lạp có nghĩa là”hiểu” hay “biết” (hơn là xác tín) nhưng đã thay đổi nội hàm khá nhiều và cần được xem là dùng để chỉ ra vị thế (status) hiểu hay biết của người nói và rõ ràng là bao gồm cả sự xác nhận cá nhân cũng như đảm bảo của người nói về điều anh ta nói ra” [17,tr.256]. “Tình thái đạo nghĩa lại liên quan đến tính hợp thức về đạo lí của hành động do một người nào đó hay do chính người nói thực hiện” [17,tr.256]. Lyons lại cho rằng “tình thái đạo nghĩa liên quan đến tính tất yếu hay tính có thể của hành vi được thực hiện bởi một chủ thể có trách nhiệm về đạo đức.” [17,tr.256]. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có những quan điểm riêng của mình về vấn đề phân loại tình thái. Theo Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp thì “Trước hết cần phân biệt tình thái khách quan và tình thái chủ quan […] Các phạm trù thuộc tình thái khách quan được logic học quan tâm hơn cả là tính tất yếu, tính khả năng và tính hiện thực của nội dung mệnh đề. Tính tình thái khách quan trong logic loại trừ vai trò của người nói […] ngôn ngữ học lại chủ yếu quan tâm đến tình thái chủ quan và xác định tình thái là bộ phận thuộc nội dung ngữ nghĩa học của câu…” [17,tr.254]. Hai tác giả này ít nhiều chịu ảnh hưởng quan niệm cho rằng tình thái có hai loại là tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Trong “Tuyển tập ngôn ngữ học”, Hoàng Tuệ cho rằng: “tình thái hiện ra tương đối rõ: đó là “tình thái hiển ngôn” (explicite). Nhưng cũng có khi tình thái hiện ra không với phương tiện riêng mà nhờ các yếu tố ngôn bản, đó là “tình thái không hiển ngôn” (hoặc hàm ngôn” – Implicite)” [19,tr.740]. Khi nghiên cứu câu tiếng Việt, Cao Xuân Hạo cho rằng: “tình thái có ba loại: tình thái của hành động phát ngôn thuộc lĩnh vực dụng pháp của câu, tình thái của vị ngữ khảo sát trong ngữ đọan vị từ. Còn tình thái của câu hay ý nghĩa “lập trường” sẽ được biểu thị trong cấu trúc cú pháp cơ bản” [17,tr.259]. Theo tác giả này thì các loại tình thái trên được xem xét tương ứng với các cách hiểu sau đây: + Nhận định của người nói về về giá trị chân ngụy của điều được truyền đạt trong câu (khẳng định, phủ nhận, ngờ vực, nêu rõ giới hạn và điều kiện của tính chân lí). + Về tính khả năng hay tính tất yếu của điều đó (có thể hay không thể có, tất nhiên hay không tất nhiên, mức độ cao hay thấp của tính khả năng hay tính tất yếu). + Cách đánh giá của người nói đối với sự tình được truyền đạt (đáng mừng hay đáng tiếc, đáng hy vọng hay đáng e ngại,… nên có hay không nên có,…). + Sự giới thiệu của người nói về tính chất của câu nói (tính chất thành thật, tính đơn giản, tính áng chừng, tính chính xác…). + Mối liên hệ giữa câu nói và tình huống đối thoại hay với ngôn cảnh và nhiều nội dung khác thuộc các lĩnh vực của logic hoặc siêu ngôn ngữ. Từ các cách lí giải khác nhau đó, chúng tôi nhận thấy rằng giữa hai loại tình thái khách quan và tình thái chủ quan thì ngôn ngữ học chủ yếu quan tâm đến tình thái chủ quan. Vì tình thái chủ quan được các tác giả Việt ngữ học xác định là bộ phận thuộc nội dung nghĩa của câu. Tóm lại, việc phân loại tình thái còn rất nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau. Sự chưa thống nhất này đã tạo cho tính tình thái sự phức tạp nhưng không kém phần thú vị, hấp dẫn. 1.3 Ý nghĩa tình thái Ở phần lịch sử vấn đề, chúng tôi đã đề cập đến một phần nội dung cho rằng ý nghĩa tình thái là phạm trù thuộc về nghĩa của câu. Nghĩa của câu là một vấn đề phức tạp và tồn tại nhiều tranh luận. Ý nghĩa tình thái của câu được các tác giả đề cập ở một mức độ tương đối. Trên lập trường ngữ pháp chức năng, Đỗ Hữu Châu và Bùi Minh Toán cho rằng nghĩa của câu thường được bao hàm bởi hai phần: “nghĩa biểu hiện (hay nghĩa miêu tả, nghĩa sự vật) và nghĩa tình thái.”. Hai tác giả chỉ rõ: “nghĩa biểu hiện là thành phần nghĩa của câu phản ánh một sự tình (hay một sự thể - state of affairs) nào đó của hiện thực. Mỗi sự tình có một cấu trúc bao gồm một cái lõi cùng với các yếu tố tham gia vào sự tình. Cái lõi của sự tình (hay chính là nội dung của sự việc) được biểu hiện bằng một vị từ, còn các yếu tố tham dự vào sự tình là cái tham tố (hay tham thể - participante) của nó. Vị từ của các tham tố tạo nên cấu trúc sự tình. Còn tình thái là một khái niệm phức tạp trong bình diện nghĩa câu” [3, tr.47-52]. Tác giả Hồ Lê phân biệt ý nghĩa của phát ngôn và nội dung của phát ngôn: + Ý nghĩa của phát ngôn = nội dung phản ánh của phát ngôn = sự kiện + tình thái. + Ý tưởng được diễn đạt = nội dung toàn vẹn của phát ngôn = tiền giả định + ý nghĩa của phát ngôn. Tác giả này cho rằng “nghĩa của phát ngôn tương đương với “sự kiện” trong phát ngôn”, “ý của phát ngôn thì tương đương với “tình thái” trong phát ngôn”. [12,tr.50]. Theo tác giả Hoàng Phê trong “Logic ngôn ngữ học” thì “Nội dung ngữ nghĩa của câu/ lời cần được nghiên cứu trong quan hệ nhiều mặt, không những trong quan hệ cấu trúc nội tại mà còn trong quan hệ với nhận thức và với những yếu tố của chu cảnh (tạm dịch context): chu cảnh ngôn ngữ (ngữ cảnh) và chu cảnh tình huống (ngôn cảnh)” [14,tr.2] Trong “Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng”, tác giả Cao Xuân Hạo cho rằng: “nghĩa là cái điều được truyền đạt trong lời nói. Nó có phần độc lập đối với mục đích và tác dụng của hành động nói năng, vì cái mục đích và cái tác dụng ấy có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Trong đó có cả những cách hành động không phải bằng ngôn từ” [11,tr.18]. Khi đề cập đến cấu trúc nghĩa của câu, tác giả này cho rằng: “phần lớn các tác giả Phương Tây đều quan niệm nội dung của bình diện nghĩa của câu (và nghĩa của ngôn ngữ) là cái phần phản ánh (biểu hiện, miêu tả) những cái mảng của thế giới hiện thực (hay một thế giới nào khác ở bên ngoài ngôn ngữ)” Song song bên cạnh đó, nhiều tác giả khác quan niệm rằng nghĩa của câu còn có những mặt khác: nghĩa hàm ẩn, nghĩa tường minh… Trong các công trình nghiện cứu này, ta thấy còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều quan điểm chưa có sự nhất trí cao. Trong đó có một số tác giả đề cập đến ý nghĩa tình thái của câu. Ý nghĩa tình thái được một số tác giả quan niệm như sau: Trong “Tiếng việt tập 3”, Bùi Minh Toán và Nguyễn Ngọc San cho rằng nghĩa tình thái là: “nghĩa biểu hiện thái độ và tình cảm của người nói bao gồm rất nhiều sắc thái tinh vi, tế nhị. Nó có thể được biểu hiện một cách tường minh bằng các từ ngữ hoặc ngữ điệu khi nói, nhưng có thể chỉ được ngụ ý một cách hàm ẩn. Đồng thời, nghĩa này luôn gắn bó với hoàn cảnh giao tiếp với ngữ cảnh” [18,tr.78]. Trên cơ sở đó, hai tác giả chỉ ra nghĩa tình thái của câu bao gồm: thái độ của người nói đối với điều được nói đến trong câu (sự việc trong hiện thực) và thái độ của người nói đối với người nghe. Còn trong “Chuyên đề ngữ nghĩa học”, tác giả Phan Mậu Cảnh quan niệm ý nghĩa tình thái (còn gọi là nghĩa biểu lộ, nghĩa liên nhân) là “thành tố nghĩa biểu thị ý định, ý muốn, thái độ, tình cảm của người nói (mang tính chủ quan)” [2,tr.42]. Theo tác giả Cao Xuân Hạo, trong nội dung nghĩa của câu bao gồm hai hành phần: + Thứ nhất: phản ánh sự việc, sự kiện trong thế giới hiện thực khách quan gọi chung là nghĩa miêu tả. + Thứ hai: phản ánh sự nhìn nhận, đánh giá của người nói về sự việc khách quan gọi chung là nghĩa tình thái. Tác giả quan niệm nghĩa tình thái của câu không phải là thành phần phản ánh sự việc trong nhận định mà chỉ là thành phần phản ánh cái thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự tình được nói sau đó. Tóm lại, cũng như những vấn đề liên quan đến tính tình thái khác, vấn đề ý nghĩa tình thái vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nhưng có thể nhận thấy nghĩa tình thái là lớp nghĩa rất quan trọng thuộc cấu trúc nghĩa của câu. Nghĩa tình thái phản ánh được thái độ, sự nhìn nhận, cách đánh giá của người viết, người nói đối với hiện thực khách quan. Và tùy vào từng loại tình thái, từng ý nghĩa tình thái khác nhau sẽ có những phương tiện biểu đạt chúng khác nhau. 1.4 Quan điểm của các tác giả về phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu Khi xét các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái, các nhà nghiên cứu thường phân biệt các phương tiện ngữ pháp và các phương tiện từ vựng. Trong “Ngữ pháp tiếng Việt – câu”, tác giả Hoàng trọng Phiến cho rằng câu lệ thuộc vào hoạt động ngôn từ. Câu bao giờ cũng mang tính tình thái. Theo ý kiến của ông thì: “Tính tình thái là phạm trù của câu. Ở trong dạng tiềm tàng nó có mặt trong tất cả các kiểu câu.Qua câu người nhận hiểu rõ người nói có thái độ như thế nào đối với sự đánh giá của mình (đúng hay sai, tin hay ngờ, ước đoán hay đã tồn tại thực, khuyên bảo hay ra lệnh…) […] Tính tình thái của câu bắt nguồn từ sự tương ứng của nội dung câu và bối cảnh phi ngôn ngữ thông qua tư duy. Ý nghĩa cuả phạm trù tính tình thái không phải chỉ gắn với các thế của vị ngữ động từ mà nó gắn với toàn bộ các thành phần câu. Dung một phương tiện nào đó để bộc lộ ý nghĩa tình thái đồng thời cũng là bổ sung thêm yếu tố cho mô hình câu” [15,tr.30-31]. Trên cơ sở đó, tác giả cho rằng: “Trong các ngôn ngữ khác nhau tính tình thái được biểu hiện khác nhau. Thông thường nó được biểu hiện bằng ngữ điệu, bằng danh xưng của động từ, bằng trật tự từ và bằng các từ tình thái kiểu: à, ư, nhỉ, nhé, sao, chăng, tá,… [15,tr.30-31] Còn theo Hoàng Tuệ trong “Tuyển tập ngôn ngữ học” thì các phương tiện biểu thị tình thái trong câu Tiếng Việt khá phong phú và đa dạng. Hoàng Tuệ dẫn ra những phương tiện chính sau đây: + Phương tiện ngữ pháp gắn với vị ngữ. + Phương tiện từ vựng được dùng không gắn với vị ngữ mà ở ngoài cấu trúc của vị ngữ: phó từ, trạng từ. + Phương tiện “đó là kiểu câu thường được coi là câu ghép, nhưng thành phần chính ở kiểu câu này biểu thị tình thái, còn thành phần phụ biểu thị nội dung cốt lõi của câu”. Theo ý kiến của Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng trong các ngôn ngữ không biến hình như Tiếng Việt, sự phân biệt các phương tiện từ vựng và ngữ pháp trong việc biểu thị các nội dung tình thái không được đặt ra nghiêm ngặt như các ngôn ngữ biến đổi hình thái. Trên cơ sở đó, tác giả đã bổ sung vào danh sách các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của Hoàng Tuệ các động từ ngữ vi (có tác dụng đánh dấu trực tiếp các hành động phát ngôn trong các câu ngữ vi), tiểu từ tình thái ở cuối câu. Phạm Hùng Việt trong bài viết “Vấn đề tình thái với việc xem xét chức năng ngữ nghĩa của trợ từ tiếng Việt” thì phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu bao gồm: + Phương tiện ngữ âm: dùng ngữ điệu, trọng âm để thể hiện thái độ tình cảm hoặc để nhấn mạnh vào điểm mà người nói cho là cần chú ý. + Phương tiện ngữ pháp: đảo trật tự từ, thay đổi cấu trúc của câu để the hiện ý định của người nói nhằm tập trung vào điểm nhấn nào trong phát ngôn. + Phương tiện từ vựng: động từ tình thái (muốn, toan, định, hòng…), phụ từ (đã, sẽ, vẫn, cũng…), thán từ (chà, ôi!, chao!...) và một số đơn vị khác (có lẽ, có thể, huống chi, huống hồ,…). [21,tr.19] Cao Xuân Hạo thì khẳng định: “ tình thái của câu có thể được biểu thị bằng ngữ đoạn mở đầu câu như: “có lẽ”, “tất nhiên”…,những cấu trúc chủ vị (Đề- Thuyết) có “tôi” làm chủ thể của một vị từ, bằng những vị từ tình thái mà bổ ngữ là cấu trúc vị ngữ hạt nhân,…chúng có thể là từ hoặc tổ hợp từ được phân bố ở đầu hoặc cuối câu như: có lẽ, hình như, thì có, thì phải…” [17,tr.262]. Nhìn chung, việc khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái chưa được nghiên cứu sâu và toàn diện và chưa có những kết luận dứt khoát. Như đã đề cập ở phần mở đầu, trong luận văn của mình, tôi chỉ dừng lại tìm hiểu về một số phương tiện từ vựng cụ thể là các từ, tổ hợp từ đặt ở đầu và cuối câu có chức năng biểu thị biểu thị ý nghĩa tình thái của câu. CHƯƠNG 2: PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ Ý NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO 2.1 Vài nét về tác giả, tác phẩm Trong dòng văn học hiện thực thời kì 1930-1945 có những nhà văn tài năng đã khẳng định được vị trí của mình với phong cách riêng và độc đáo. Tiêu biểu như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… So với các nhà văn cùng thời Nam Cao là người xuất hiện muộn hơn nhưng ông đã để lại cho đời những tác phẩm có giá trị. Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh ngày 29/10/1917 trong một gia đình trung nông làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Gia đình Nam Cao nghèo về sau càng lam cảnh túng thiếu. Cuộc đời ông rất lận đận, gặp nhiều đắng cay. Nam Cao đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống: thư kí, dạy học, viết văn… Ông vừa viết văn vừa dạy học nhưng vẫn không đủ sống. Về cuộc đời của Nam Cao, có thể nói rằng ông là một người gặp nhiều trắc trở, lận đận trên con đường công danh sự nghiệp. Cuộc sống gia đình đói nghèo, làng quê ông là vùng ít đất, nghèo nàn, người dân cơ cực thiếu ăn, thiếu mặc. Chính hoàn cảnh bản thân và thực tế xung quanh ông đã đưa ông bước vào con đường sáng tác với bút pháp hiện thực xuất sắc. Bên cạnh những ảnh hưởng của đời sống nói trên, phong trào cách mạng cũng có sự tác động đến sáng tác của Nam Cao. Ông có cái nhìn vào cuộc sống thực tế. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho Nam Cao thành công với bút pháp sáng tác hiện thực. Ngòi bút của Nam Cao trước cách mạng đã gắn bó máu thịt với những người nghèo khổ, lam lũ của làng quê với những người trí thức. Ông viết về họ với tấm lòng nhân hậu và chan chứa tình yêu thương. Nam Cao phê phán thứ văn chương xa lạ, phù phiếm đối với cuộc sống cần lao của nhân dân lao động. Ông xác định cho mình một lập trường nghệ thuật hữu ích: “nghệ thuật vị nhân sinh”. Lời của nhân vật Điền trong tác phẩm “Trăng sáng” được xem như lời tuyên ngôn nghệ thuật của ông: “Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao đã sống cùng những người nông dân, cùng những người nghèo khổ, biết bao cảnh tượng ngang trái đã để lại cho ông những ấn tượng khó phai. Ông “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón nhận tất cả những vang động của đời”. Hơn thế nữa, Nam Cao còn đòi hỏi tác phẩm phải có giá trị, phải mang nội dung nhân đạo sâu sắc: “Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương người, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời Thừa). Những truyện ngắn của Nam Cao thành công nhất là trước cách mạng tháng Tám. Tác phẩm của ông trong thời kì này chủ yếu xoay quanh hai đề tài. Đó là viết về người nông dân và người trí thức nghèo. Khi viết về người nông dân, nhà văn đã phản ánh rõ bộ mặt xã hội bất công, tàn nhẫn. Và hơn thế nữa, Nam Cao đã lột tả được tất cả những nỗi khổ cùng cực của người nông dân. Họ là những con người thấp cổ bé họng, họ bị lăng nhục, bị ức hiếp nhiều nhất. Đôi khi họ phải đánh mất những giá trị làm người của mình. Tuy giọng văn lắm khi lạnh lùng nhưng ẩn đâu đó là một trái tim yêu thương hết mực mà Nam Cao dành cho những con người này. Ông không chỉ vạch ra những nỗi đau khổ của họ, lên tiếng phê phán xã hội bất công mà còn bênh vực che chở cho những bản chất cao quý, đẹp đẽ trong tâm hồn của họ. Đến với những tác phẩm thuộc mảng đề tài này như: Lão Hạc, Một đám cưới, Dì Hảo, Một bữa no, Tư cách Mõ, lang Rận, Chí Phèo…ta có thể hình dung rõ cái khung cảnh ngột ngạt, tăm tối đầy bất công của xã hội lúc bấy giờ, nó như những đám mây xám xịt, hiu hắt bao lấy cuộc đời những con người bé nhỏ. Những con người này chỉ biết lấy chút tâm hồn trong sáng chống chọi cuộc đời. Còn khi viết về người trí thức nghèo, đáng chú ý là các tác phẩm: Những truyện không muốn viết, Trăng sáng, Mua nhà, Truyện tình, Quên điều độ, Đời thừa,… Trong những sáng tác này, Nam Cao đã lột tả được tất cả những nỗi đau khổ, tủi nhục, sống dở chết dở của những nhà văn nghèo, những “giáo khổ trường tư”… Họ là những con người có những ước mơ và hoài bão đẹp nhưng rồi vì những lo toan cơm áo gạo tiền, những tính toán vật chất tầm thường đè nặng trên lưng họ đẩy họ vào bi kịch tinh thần. Khi mà những ước mơ, những hoài bão không còn và họ phải đi ngược lại với những điều lí tưởng của mình đặt ra. Đó là tấn bi kịch dai dẳng, thầm lặng mà đau đớn của những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sống và nhân phẩm, thế mà phải đối mặt với cuộc “sống mòn”, phải sống cuộc “đời thừa”… Những tác phẩm này là tiếng nói phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo đã bóp nghẹt những lí tưởng chân chính của con người. Đồng thời đó còn là sự tự đấu tranh bên trong của con người trí thức để tìm đến cuộc sống đẹp, có ý nghĩa. Để xây dựng nên những tác phẩm mang giá trị nội dung độc đáo như vậy, Nam Cao đã sử dụng bút pháp hiện thực sắc nét. Nhân vật trong sáng tác của ông là những con người trong đời sống hàng ngày, trong làng, trong xóm, và một phần trong con người ông. Nhưng những nhân vật này đã trở thành những nhân vật điển hình: Chí Phèo, Lão Hạc, Bá Kiến, Hộ, Điền… Không chỉ là nhà văn miêu tả hiện thực xuất sắc, xây dựng nhân vật tài tình, Nam Cao còn có ngôn ngữ, giọng điệu rất riêng, rất độc đáo không thể lẫn vào với ai được. Trải qua hơn một thế kỉ, ngôn ngữ đó dường như không phai mờ. Ngôn ngữ trong sáng tác của Nam Cao rất phong phú, ông vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ngôn ngữ bình dân và khẩu ngữ vào trong tác phẩm của mình. Khi nhân vật ứng xử, đối thoại thì ngôn ngữ linh hoạt, có từng nét riêng, có lúc nghiêm nghị, có lúc lạnh lùng, có lúc đắng cay, chua chát… Nhưng tất cả điều để lại những triết lí sâu sắc. Điều này đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người đọc. Chính vì vậy, đọc truyện ngắn Nam Cao người đọc không chỉ bị cuốn hút vào những trang viết với nội dung giàu tính triết lí mà còn bị lôi cuốn bởi những nét nghệ thuật độc đáo. Về phương diện nghệ thuật đã có hàng trăm công trình nghiên cứu nhưng các tác giả thường tập trung chú ý nghiên cứu đến góc độ cú pháp. Việc khảo sát các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong tác phẩm Nam Cao vẫn còn khá mới mẻ. 2.2 Phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu trong truyện ngắn của Nam Cao M.Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học…”. Đúng vậy, ngôn ngữ chính là chất liệu của văn học, không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học bởi vì chính ngôn ngữ chứ không phải cái gì khác đã cụ thể hóa sự biểu hiện của chủ đề và tư tưởng, tính cách nhân vật và cốt truyện. Để có những tác phẩm, người nghệ sĩ phải có quá trình lao động miệt mài và công phu. Nói về văn học Việt Nam ta thấy, nếu ở các nhà văn Tự lực văn đoàn, thành phần ngôn ngữ nhân vật thường bị lấn áp bởi ngôn ngữ tác giả, còn các nhà văn hiện thực, thành phần ngôn ngữ nhân vật có những phương ngữ hay biệt ngữ nổi bật thì ở Nam Cao do quan tâm truyền đạt những dao động của nội tâm nhân vật nên ngôn ngữ tạo nên được hệ thống ngôn ngữ gồm cả ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, cả ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật, thậm chí có sự đan xen nhau. Chính vì vậy đọc văn Nam Cao ta thấy ngôn ngữ không bị cũ đi với thời gian. Mỗi tác phẩm của ông đều đem lại sự sinh động và gần gũi cho người đọc. Dường như bao nhiêu tâm huyết, tình cảm Nam Cao đã đặt tất cả vào từng tác phẩm. Có lẽ vì ông là người hay băn khoăn về vấn đề nhân phẩm của con người. Đọc tác phẩm của ông ta thấy một vẻ ngoài lạnh lùng là một tấm lòng yêu thương cháy bỏng dành cho những số phận bất hạnh. Nam Cao đã âm thầm bênh vực họ, che chở họ, ngợi ca họ bằng ngòi bút của mình. Điều này được thể hiện một phần qua giọng điệu, ngôn ngữ của ông và có sự đóng góp không nhỏ chính là kết quả của việc sử dụng thành công các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái của câu. Đó là những từ tổ hợp từ biểu thị ý nghĩa tình thái của câu. Qua khảo sát 22 tác phẩm, người viết nhận thấy những phương tiện này xuất hiện với tần số khá cao: 347 lần. + Từ, tổ hợp từ xuất hiện ở vị trí đầu câu và giữa câu: 281 lần. + Từ tổ hợp từ xuất hiện ở vị trí cuối câu: 66 lần. 2.2.1 Từ và tổ hợp từ biểu thị ý nghĩa tình thái ở đầu câu và giữa câu 2.2.1.1 Từ và tổ hợp từ giới thiệu điều được nhận định hay trần thuật như có một giá trị chân lí tương đối hay một khả năng xác thực hạn chế. Trong trường hợp này bao gồm các từ và tổ hợp từ như: thật ra, kể ra, kể, xem ra, thiếu chút nữa… Trong 22 truyện ngắn của Nam Cao thì: Thật ra được sử dụng 29 lần. Kể được sử dụng 9 lần. Kể ra được sử dụng 4 lần. - Thật ra có ý nghĩa biểu thị điều sắp nói ra mới là sự thật và nó có phần trái với điều vừa nói ra. Ví dụ: 1) Thật ra các bà chẳng ưa gì những cô làm đởm thế đâu. (Ở hiền) 2) Thật ra các bà muốn xem Chí Phèo ra làm sao. (Chí Phèo) 3) Thật ra thì thị cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều đến thế. (Chí Phèo) 4) Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. (Những truyện không muốn viết) 5) Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế. (Lão Hạc) 6) Thật ra thì bà tức bụng không đi nổi. (Một bữa no) 7) Thật ra thì các ông chỉ phải nhường hắn ngồi chiếu trên. (Đôi móng giò) 8) Thật ra thì Điền chán lắm. (Trăng sáng) Xét ví dụ 3: Thật ra thì thị cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều đến thế. (Chí Phèo) Đây là lời kể của tác giả về nhân vật Thị Nở - một người dở hơi, ngẩn ngơ. Trước câu văn này là những chi tiết miêu tả Thị Nở ra bờ sông lấy nước, gặp cơn gió mát, thị cởi áo ra ngồi tựa vào gốc chuối, dáng ngồi không kín đáo… và hàng loạt những giả thuyết đặt ra cho Thị Nở rằng: Chí phèo đã về đâu và nếu có về thì cũng vào nhà ngủ và cho dù hắn có ra đây thì sao cũng chẳng làm gì, bởi một lẽ rất đơn giản là chưa ai phạm đến thị bao giờ… với những chi tiết này người đọc ngỡ rằng Thị Nở là một người thông minh, biết nghĩ đến phẩm giá của mình. Nhưng câu văn tiếp theo đã phủ định tất cả “thật ra thì Thị cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều đến thế”. Nam Cao đã sử dụng tổ hợp từ thật ra để khẳng định lại rằng Thị Nở là một con người dở hơi, vô tư đến mức ngẩn ngơ và điều này đã ăn sâu vào người thị trở thành một phần tính cách, thị không bao giờ nghĩ ngợi những điều sâu sắc như thế. Điều đó mới là sự thật. Nếu tác giả viết “thị là một người ngẩn ngơ không nghĩ đến những việc ấy bao giờ” thì vẫn thể hiện được ý nghĩa ban đầu của câu văn. Nhưng ta thấy Nam Cao đã khéo léo dùng tổ hợp từ thật ra có tác dụng phủ nhận điều nói phía trước và khẳng định sự thật mạnh hơn. Nó tạo cho người đọc cảm giác bất ngờ thú vị nhưng sau đó lại là nỗi xót xa cho con người bất hạnh này. Người đàn bà nghèo khổ xấu xí lại còn dở hơi, ngẩn ngơ đã là một bất hạnh và càng bất hạnh hơn khi không và chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có người chạm vào người mình – ý thức về bản thân không tồn tại. Tổ hợp thật ra đã làm tròn nhiệm vụ của mình khi qua câu văn này ta thấy được sự xót xa, thương yêu cho nhân vật của Nam Cao như thế nào. Hay xét ví dụ 6 Thật ra thì bà tức bụng không đi nổi (Một bữa no) Đây là lời kể của tác giả về nhân vật bà cụ trong truyện ngắn “Một bữa no”. Sau khi ăn một bữa no nê ở nhà bà Phó – một bữa ăn đánh đổi bằng cả danh dự, bà đi không được vì bà no quá “ruột gan bà lộn xộn”. Bà bảo: “Về muộn cho đỡ nắng”, nhưng “Thật ra thì bà tức bụng không đi nổi”. Lí do bà nêu ra ban đầu chỉ nhằm để bà cứu vớt phần nào danh dự của một người đói mà thôi. Còn sự thật là do bà đói, bà ăn nhiều và bà tức bụng không đi nổi. Câu văn đã vạch trần hoàn cảnh của một con người đói và vạch trần xã hội lúc bấy giờ khi mà cái đói ngày càng hoành hành, con người phải đánh đổi danh dự để lấy miếng ăn. Chết vì đói đau khổ về thể xác nhưng chết vì no như bà cụ chẳng những đau về
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng