Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong thiền uyển tập anh...

Tài liệu Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong thiền uyển tập anh

.PDF
168
123
107

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRUNG TÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN QUỐC GIA VIỆN VĂN HỌC NGUYỄN HỮU SƠN KHẢO SÁT LOẠI HÌNH TIỂU TRUYỆN THIỀN SƯ TRONG THIỀN UYỂN TẬP ANH Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 5.04.33 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS. NGUYỄN HUỆ CHI HÀ NỘI - 1998 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. NGUYỄN HỮU SƠN BẢNG CHỮ VIẾT TẮT - Hà Nội H - Khoa học xã hội KHXH - Nhà xuất bản Nxb. - Tạp chí văn học TCVH - Thành phố Tp. - Trang tr. - Trước công nguyên tr.CN MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 2 BẢNG CHỮ VIẾT TẮT ............................................................................................. 3 MỤC LỤC .................................................................................................................... 4 PHẦN MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 6 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................6 2. Lịch sử vấn đề .................................................................................................................8 3. Mục đích khoa học và những đóng góp mới của luận án .........................................13 4. Đối tượng, phạm vi và tính chất của luận án ............................................................16 5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................17 6. Cấu trúc luận án...........................................................................................................21 CHƯƠNG 1: KHẢO SÁT CẤU TRÚC CÁC TIỂU TRUYỆN THIỀN SƯ TRONG THIỀN UYỂN TẬP ANH .......................................................................... 24 1.1. Về sự ra đời của các thiền sư ...................................................................................27 1.2. Về cuộc đời tu hành, giáo hóa của các thiển sư ......................................................32 1.2.1. Các thiền sư có phép lạ ........................................................................................33 1.2.2. Các thiền sư nhập thế...........................................................................................36 1.2.3 Các thiền sư ẩn dật................................................................................................41 1.2.4. Các thiền sư có công hoằng dương Phật giáo .....................................................42 1.3. Về môtip “qui tịch” của các thiền sư .......................................................................45 CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VÀ VỊ TRÍ BỘ PHẬN “TÀNG TRỮ GIÁ TRỊ THI CA” TRONG THIỀN UYỂN TẬP ANH ................................................................. 54 2.1. Những bài thơ sấm ký và thơ thế tục ......................................................................54 2.2. Dấu ấn văn học chức năng và tính thuyết giáo ......................................................59 2.2.1. Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) .........................................................................64 2.2.2. Thiền sư Trí Bảo ( ? -1190) .................................................................................65 2.2.3. Thiền sư Y Sơn (? -1216) ....................................................................................66 2.3. Quan niệm về bản thể ...............................................................................................68 2.4. Những nẻo đường tu chứng và giải thoát ...............................................................78 2.5. Con đường trở lại với thiên nhiên và đời sống .......................................................93 2.6. Dòng thơ viếng tế và thơ - kệ thị tịch ......................................................................99 CHƯƠNG 3: CÁC YẾU TỐ FOLKLORE VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CỐT TRUYỆN THIỀN SƯ TRONG THIỀN UYỂN TẬP ANH VỚI THƯ TỊCH CỔ VÀ TRUYỆN CỔ TÍCH ......................................................................................... 112 3.1. Về khả năng tích hợp các yếu tố folklore trong tác phẩm thiền uyển tập anh . 116 3.1.1. Từ một môtip nhân vật độc đáo ......................................................................... 116 3.1.2. Các môtip tương đồng với văn hóa -văn học dân gian ......................................121 3.2. Mối quan hệ giữa cốt truyện thiền sư trong thiền uyển tập anh với thư tịch cổ và truyện cổ tích ..................................................................................................................130 3.2.1.Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? – 1117) ......................................................................132 3.2.2. Thiền sư Dương Không Lộ ( ? -1119 ) ..............................................................137 3.2.3. Quốc sư Minh Không (1066-1141) ...................................................................142 PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................................. 148 THƯ MỤC THAM KHẢO ..................................................................................... 152 PHỤ LỤC ................................................................................................................. 167 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Trong lịch sử văn học dân tộc, dòng văn học Phật giáo chiếm một vị trí quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu. Đến nay, trong các nguồn tư liệu Phật giáo còn lại, Thiển uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các chuyên ngành văn học, sử học, triết học, văn hóa học, lịch sử tư tưởng... Theo dòng thời gian, tác phẩm Thiền uyển tập anh ngày càng được giới khoa học xã hội và nhân văn quan tam tìm hiểu, kể từ việc biên dịch, giới thiệu văn bản đến sự phân định lịch sử các dòng thiền và thế thứ các đời; khai thác nội dung thơ văn và giới thiệu chân dung các thiền sư - thi sĩ..., mở rộng phạm vi từ trong nước tới các nhà khoa học nước ngoài. Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt về mặt văn học sử của bộ sách Thiền uyển tập anh, xứng đáng có những công trình nghiên cứu chuyên biệt, nhất là cho đến nay bộ sách đã được biên dịch toàn văn, qua hai bản dịch của Lê Mạnh Thát [174] và Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga [175]. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu, biên khảo văn hóa - văn học cổ - trung đại Việt Nam đều gặp nhau ở chỗ coi tác phẩm Thiền uyển tập anh in đậm đặc trưng “văn - sử - triết bất phân”. Do đó, mỗi chuyên ngành nghiên cứu đều có thể khai thác từng phương diện nội dung tác phẩm để phục vụ cho hướng đi riêng của mình. Ngay dưới thời trung đại, các nhà bác học lớn như Lê Quý Đôn (1726-1784), Phan Huy Chú (1782-1840) đều đã có mô tả về Thiền uyển tập anh như là những ghi chép sự tích và tông phái Thiền học của nước ta từ đời Lý trở về trước; hoặc tiến hành sao lục, trích tuyển thơ văn của các vị thiền sư. Sang đến thế kỷ XX, ngoại trừ việc biên dịch và giới thiệu văn bản, thì sự quan tâm tìm hiểu Thiền uyển tập anh cơ bản không ngoài ba mục đích sau : 1- Khai thác tư liệu để xây dựng các bộ lược sử Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam; 2- Xây dựng các bộ văn học sử Việt Nam; và 3Tiến hành nghiên cứu về từng vị thiền sư với tư cách là tác gia văn học – danh nhân văn hoá, và phân tích một số bài thơ thiền, kệ, lời viếng, lời thị tịch với ý nghĩa là những sáng tác thơ ca độc lập. Như thế, có thể nói Thiền uyển tập anh đã được soi rọi từ nhiều khía cạnh khác nhau, và trên mỗi phương diện đó đều đã đạt những kết quả học thuật ngỡ như khó có thể nói thêm điều gì. Song cũng chính với cái nhìn có phần chia lẻ, chuyên biệt như thế khiến cho việc đánh giá về Thiền uyển tập anh thiếu tính toàn cục, hay nói cho đúng hơn là thiếu tính bao quát tổng thể trên phương diện nghiên cứu văn học. Đặc điểm này càng bộc lộ rõ hơn khi người nghiên cứu thường bóc tách phần “tàng trữ giá trị thi ca” với phần “truyện - ghi chép tiểu sử”; hơn nữa, lại càng ít khi đặt các tiểu truyện thiền sư vốn có ý nghĩa độc lập tương đối trong tính tương quan, tương đồng của loại hình tiểu truyện thiền sư trong toàn bộ tác phẩm Thiển uyển tập anh. Đây chính là mục đích khoa học cơ bản và cũng là lý do chủ yếu trong việc xác định đề tài luận án. 1.2. Trong bối cảnh văn hoá - văn học Phật giáo đang ở vào giai đoạn phát triển hiện nay, việc đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực Phật giáo là hết sức cần thiết [138]. Xét trong khoảng mươi năm gần đây phong trào tìm hiểu văn hóa Phật giáo bột khởi cả ở việc xuất bản các ấn phẩm luật tạng, giải nghĩa kinh điển, xây dựng từ điển, dịch thuật các công trình nghiên cứu Phật học của nước ngoài, dịch thuật tư liệu cổ Phật giáo Việt Nam và từng bước tổng kết lịch sử Phật giáo dân tộc. Trong tình hình chung đó, việc nghiên cứu Phật giáo từ góc độ văn học cũng được chú trọng, đặc biệt đáng chú ý với việc thực hiện được số Đặc san văn học Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên trên Tạp chí Văn học [41]. Do đó, việc đi sâu tìm hiểu Thiển uyển tập anh chính là nằm trong xu thế chung, đóng góp một tiếng nói học thuật vào việc xác định những đặc điểm tư duy văn học Phật giáo cũng như chính giá trị tư tưởng Phật giáo thông qua các môtip, hình thức ước lệ nghệ thuật. Phải nhận rằng tinh thần “phục hưng” Phật giáo đương đại đã góp phần thúc đẩy chúng tôi mạnh dạn và hứng thú đi vào nghiên cứu tác phẩm Thiền uyển tập anh. 1.3. Như đã nói trên, bản thân tác phẩm Thiền uyển tập anh đã được thâm canh trên nhiều phương diện học thuật, song việc quan tâm theo dõi khu vực văn học Phật giáo cho phép chúng tôi thể hiện một cách đặt vấn đề ít nhiều không trùng lặp với những cách làm trước đây, hy vọng sẽ đưa ra được một số kết luận thoả đáng. Qua việc bao quát các tư liệu liên quan đến Thiền uyển tập anh, chúng tôi định hướng vận dụng lý thuyết loại hình để khảo sát một tác phẩm cụ thể, từ đó mở rộng so sánh với các tác phẩm văn xuôi đương thời cũng như sự vận động trong quá trình dân gian hoá, cổ tích hoá một số truyện thiền sư. Như thế, việc vận dụng phương hướng nghiên cứu mới cũng là cơ sở giúp chúng tôi tự tin hơn khi nhận đề tài này. 1.4. Mặc dù chưa thể có điểu kiện khảo sát toàn bộ loại hình các tiểu truyện thiền sư Việt Nam cũng như các tiểu truyện thiền sư của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... song qua so sánh bước đầu chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng về mặt loại hình, mang tính điển hình của văn hóa khu vực. Do đó, từ một góc nhìn hẹp về một tác phẩm cụ thể, đề tài luận án Kháo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh hứa hẹn sẽ mở ra việc nghiên cứu loại hình các tiểu truyện thiền sư Việt Nam và phương Đông, có thể đạt thành hướng nghiên cứu chuyên sâu lâu dài. Chung qui, với giá trị và tầm quan trọng đích thực của tác phẩm, với việc áp dụng một hướng nghiên cứu mới và sự quan tâm tới đề tài được cụ thể hoá bằng các bài viết riêng đã in trên các Nội san Vạn Hạnh, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tạp chí Văn học, Nghiên cứu văn hoá dân gian, Tạp chí Tác phẩm mới, Nhân dân, Văn nghệ quân đội, Tạp chí Kinh Bắc và một số bài viết in sách chung..., chúng tôi mạnh dạn đón nhận và hy vọng có thể hoàn thành được đề tài Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong “Thiền uyển tập anh” này. 2. Lịch sử vấn đề Trong giới hạn cụ thể của đề tài, từ toàn bộ lịch sử vấn đề liên quan đến tác phẩm Thiền uyển tập anh có thể tạm phân lập thành hai nội dung chính. Một là những vấn đề chung liên quan đến Thiền uyển tập anh, trong đó bao gồm việc giới thiệu văn bản, nghiên cứu lịch sử văn hoá - tư tưởng Phật giáo và nghiên cứu văn học Phật giáo từ góc độ tìm hiểu chân dung các thiền sư - thi sĩ. Thứ hai là những vấn đề liên quan đến cách nhìn nhận, đánh giá, tìm hiểu “tiểu truyện thiền sư” và “loại hình tiểu truyện thiền sư” ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Để tiện theo dõi, chứng tôi tạm chia các nội dung đó theo 4 mục khác nhau. 2.1. Tình hình giới thiệu, biên dịch văn bản Trước thế kỷ XX, lẽ đương nhiên là văn bản Thiền uyển tập anh chí có thể khắc in và lưu truyền bằng chữ Hán, kể cả các lời đánh giá, bình giải, trích tuyển thơ văn. Bước sang thế kỷ XX, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của chữ quốc ngữ, có lẽ Đệ nhị giáp Tiến sĩ Đinh Văn Chấp (1892-1953) là người đầu tiên lưu tâm giới thiệu thơ ca thời Lý – Trần, trong đó có tác phẩm của các thiền sư - thi sĩ trong Thiền uyển tập anh, với một số lượng lớn và có hệ thống trên tạp chí Nam phong ngay từ năm 1927 (113 bài). Từ đó cho tới năm 1945 hầu như không có những công trình chuyên biệt với mục đích văn bản học thực thụ mà thường sưu tầm, giới thiệu và dịch thêm thơ văn vốn tàng trữ trong Thiền uyển tập anh nhằm vào việc viết lịch sử văn hóa - văn học dân tộc. Giai đoạn từ sau 1945 đến nay có hai bộ sách cùng đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu về tác giả và khảo chứng văn bản Thiền uyển tập anh là Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I, của Nguyễn Lang [83] và Thơ văn Lý – Trần , Tập I, của Viện Văn học do Nguyễn Huệ Chi chủ biên [181]. Điều khấc biệt giữa hai bộ sách này là nếu Việt Nam Phật giáo sử luận xác minh vấn đề phục vụ cho việc viết “sử luận” thì Thơ văn Lý - Trần đặt trọng tâm vào việc trích tuyển, khảo chứng, phiên dịch sáng tác của các thiền sư - thi sĩ. Kế thừa kết quả học thuật qua nhiều thập kỷ, và mặc dù chưa đạt chất lượng như mong muốn, song phải đến năm 1990 thì văn bản Thiền uyển tập anh mới được biên dịch gần như trọn vẹn sát đúng với cấu trúc và nguyên tác bản Hán văn [211], [175]. Đồng thời cũng còn một công trình khảo chứng văn bản công phu khác nữa của Lê Mạnh Thát in Rônêô đã nêu trên. Đây cũng chính là các nguồn tài liệu cơ sở giúp cho chúng tôi thực hiện đề tài này. 2.2. Về các công trình nghiên cứu lịch sử Phật giáo Đồng thời với phong trào chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1930-1945, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp đã sớm cho in chuyên khảo Phật giáo Việt Nam, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII bằng tiếng Pháp (1932) và đã được dịch ra tiếng Việt [45]. Tiếp sau là công trình khá bao quát Việt Nam Phật giáo sử lược (1944) của Mật Thể Nguyễn Hữu Kiên [170]. Trên phương diện viết lịch sử tư tưởng Phật giáo còn có các bộ sách nối tiếp sau này như Phật giáo Việt Nam (1974) của Nguyễn Đăng Thục [ 182], Việt Nam Phật giáo sử luận (Tập I) của Nguyễn Lang [83], Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam (1986) [100], Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988) [86] và Lược sử Phật giáo Việt Nam (1993) [191]... Nhìn chung các bộ sách này đều sử dụng các nguồn tư liệu liên quan tới cuộc đời và nội dung thơ văn cũng như sự phân dòng các lưu phái Phật giáo được ghi chép trong Thiền uyển tập anh để mô tả lịch sử Phật giáo Việt Nam từ đời Lý trở về trước. Đương nhiên những cách nhìn từ góc độ sử học và lịch sử tư tưởng này cũng góp phần soi sáng mối quan hệ giữa cuộc đời các tác giả - thiền sư với đời sống xã hội và nội dung thi ca mà họ sáng tác. 2.3. Về các công trình nghiên cứu Thiền uyển tập anh Đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và viết lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam có liên quan tới Thiền uyển tập anh và giai đoạn từ vương triều Lý trở về trước hẳn phải kể đến hai bộ sách cùng in năm 1942 : Việt Nam văn học - Văn học đời Lý của Ngô Tất Tố [185] và Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi [19], trong đó cuốn sau có phần bề thế và nguồn tài liệu cũng phong phú hơn. Giai đoạn từ 1945 đến nay đáng chú ý có các bộ chuyên khảo và giáo trình văn học sử bậc đại học tiêu biểu như Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Quyển II [591], Lịch sử văn học Việt Nam (thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII) [74]. Liên quan xa gần tới vấn đề tác giả - thiền sư có thể kể đến một số bộ hợp tuyển, tuyển tập thơ văn và các nguồn sách như Thiền sư Việt Nam [193], Từ điển văn học (hai tập) [201], [202], Từ điển văn hóa Việt Nam [200], Từ điển văn học Việt Nam [5] .v.v.. Nhìn chung, các bộ sách này thường có ý nghĩa giới thiệu khái quát về cuộc đời và nêu nhận định chung về giá trị thơ văn của các thiền sư được biên chép trong sách Thiển uyển tập anh. Song về đại thể, những trang phân tích, đánh giá về phần thơ ca tàng trữ trong Thiền uyển tập anh tuy có sâu sắc nhưng chưa chú ý đúng mức tầm quan trọng của Thiền uyển tập anh như một đối tượng thể loại, một loại hình văn học riêng. Từ thực tiễn tiến trình nghiên cứu về tác phẩm Thiền uyển tập anh như đã nói trên, chứng tôi nhận thấy ở từng phương diện cụ thể như về tác gia thiền sư - thi sĩ, thiền sư - nhà tư tưởng hay giá trị tác phẩm ở tư cách lịch sử, văn hoá dân gian, thơ thiền - triết lý, thơ thiền - ý nghĩa nhân văn, thơ thiền – cảm hứng nhân sinh trong mối liên hệ xa gần tới thiên nhiên - đất nước - con người... thì đã có nhiêu trang phân tích, đúc kết sâu sắc. Nói ngay việc lý giải ở từng khái niệm, từng câu chữ liên quan tới triết lý lư tưởng Phật giáo cũng đã được xem xét kỹ lưỡng. Điểm qua Tạp chí Văn học (1960-1997) - cơ quan nghiên cứu, lý luận và phê bình của Viện Văn học - có thể nhận ra mối quan tâm chung của giới nghiên cứu về các tác giả thiền sư - thi sĩ có tên trong Thiền uyển tập anh, đơn cử như Bùi Văn Nguyên : Về mấy câu thơ đối đáp giữa sư Thuận và sứ nhà Tống Lý Giác [110]; Kiều Thu Hoạch: Tìm hiểu thơ văn của các nhà sư Lý – Trần [58]; Nguyễn Huệ Chi : Các yếu tố Phật, Nho, Đạo, được tiếp thu và chuyển hoá như thế nào trong đời sống tư tưởng và văn học Lý Trần [20], Nghĩ về văn học đời Lý [24], Mãn Giác và bài thơ thiền nối tiếng của ông [23]; Nguyễn Phạm Hùng : Thơ thiền và việc lĩnh hội thơ thiền đời Lý [65]; Phạm Ngọc Lan : Chất trữ tình trong thơ thiền đời Lý [82]; Trần Thị Băng Thanh : Một vài tìm tòi bước đầu về văn bản “Thơ văn Lý - Trần” [165], Mấy nhà thơ phụ nữ thời đại Lý - Trần [164], và một số bài của các tác giả khác như Đoàn Thị Thu Vân, Đỗ Văn Hỷ, Hà Văn Tấn, Tầm Vu, Trần Lê Sáng, Trần Nghĩa, Nguyễn Hữu Sơn... Song việc các tiểu luận nghiên cứu trên chưa tập trung đi sâu tìm hiểu Thiền uyển tập anh ở tư cách một loại hình tiểu truyện thiền sư một mặt bởi chính lý do mà ông Nguyễn Huệ Chi đã nêu về việc cần thiết khiến phải đặt lại câu chuyện về “loại hình”, phải “nhận thức đầy đủ các loại hình văn học Lý - Trần”, trong đó Thiền uyển tập anh thuộc loại hình truyện kể bao trùm cả sự tàng trữ một số thể thơ van khác : “Có thể xem là hình thức vừa nhảy vọt lại vừa kế thừa thủ pháp nghệ thuật của cả 4 loại hình nói trên (thơ ca, biền văn, tản văn, tạp văn - N.H.S thêm). Chỗ đặc biệt ở loại hình này là bắt đầu hình thành một cốt truyện, tình tiết hoặc phong phú hoặc đơn giản. Và xoay quanh cốt truyện là những nhân vật được khắc họa nhiều khi rất sinh sắc. Có 3 thể : truyện (gồm các thần tích, truyền thuyết, truyện cổ dân gian được ghi thành văn bản), sử (gồm tiểu sử các vua chúa, liệt nữ, anh hùng chép trong các bộ sử) và bia, ký (gồm tiểu sử những người có công lao với các tôn giáo, hoặc các bài ký sự được khắc trên đá” [21/183]; và mặt khác bởi các tác giả chủ yếu mới chú ý tới phương diện tàng trữ giá trị thi ca, trong khi bản thân Thiền uyển tập anh chưa được biên dịch và xuất bản một cách thật đầy đủ, hoàn chỉnh nghĩa là thiếu một tiền đề cho phép hướng tới một cách nhìn hoàn chỉnh, một cách hình dung và khảo sát chuyên sâu về Thiền uyển tập anh. Trên cơ sở kế thừa cấc kết quả học thuật nói trên, đề tài của chúng tôi chính là góp phần tiếp cận tác phẩm Thiền uyển tập anh từ góc độ loại hình và tiến hành khảo sát các đặc điểm chung đó trên phương diện loại hình văn học. 2.4. Lược sử về khái niệm “tiểu truyện thiền sư” Cho đến hiện nay cũng không thật rõ bản thân các tác giả Thiền uyển tập anh duy danh xác định cho tập sách - đứa con tinh thần của mình - theo một thể loại, loại văn nào. Xét ngay trong chính lời Tựa của một nhà nho chưa rõ tung tích được viết vào năm 1715 thì thể văn của bộ sách chính là “lục” : “Dự kiến lục trung đa hữu cao thiền danh tổ” ( Tôi đọc trong sách ấy thấy ghi chép nhiều bậc cao tăng, danh tổ). Tìm ngược trở lại một bộ sách khác của Lê Trắc (thế kỷ XIII - XIV) được viết cũng vào khoảng Thiển uyển tập anh ra đời là An Nam chí lược (1333) thấy có mục ghi chung là “Các vị thiền sư” và giới thiệu lược sử các vị như Mai Viên Chiếu, Không Lộ và Giác Hải, Thảo Dường, Từ Đạo Hạnh, Giới Châu, Hoàng Nguyên:” [186/190-192]. Lê Quý Đôn trong thiên Nghệ văn chí thì xếp vào loại “truyện ký” và ghi rõ : “Thiền uyển tập anh, một quyển, người đời Trần soạn, ghi tông phái Thiền học và sự tích các nhà sư nổi tiếng ở nước ta...” [175/5]. Tiếp đó Phan Huy Chú cũng mô tả tương tự rằng Thiền uyển tập anh là sách của người đời Trần “ghi chép sự tích và tông phái Thiền học của nước ta...” [21/116]. Cho đến thiền sư Phúc Điền (1784-1863) cũng xác định : “Xưa có sách Thiền uyển tập anh ghi chép đại lược tiểu sử các bậc cao tăng thạc đức của ba triều...” [21/115]. Như vậy, các nhà khảo cứu trước thế kỷ XX khá thống nhất trong cách xác định thể tài của Thiền uyển tập anh là “lục”, “ghi chép”, “truyện ký”... Có lẽ bản thân tính chất dung hợp về mặt thể loại và đặc trưng văn - sử - triết “bất phân” cũng như chính phương thức khảo cứu đã định hướng cho họ một cách phân loại chung như thế. Bước sang thế kỷ XX - đặc biệt trong khoảng vài ba thập kỷ gần đây có ý nghĩa như những bước kế thừa và tổng kết học thuật cả quá trình nghiên cứu về Thiền uyển tập anh thì khái niệm “truyện các thiền sư” vẫn thường được sử dụng khá phổ biến. Trên tinh thần chung, các cách gọi là “truyện thiền sư”, “truyện các nhà sư”, “sự tích thiền sư”, “ghi chép về các thiền sư”, “truyện kể thiền sư”, “hành trạng thiền sư”, “cuộc đời thiền sư”... đều để chỉ loại truyện thiền sư được viết theo nguyên tắc tiểu sử. Từ đây có thể thấy rõ rằng, nếu bám sát theo đúng từng câu chữ thì cách nói “truyện thiên sư” dường như còn có phần chung chung, mới thể hiện được tính chất “truyện” về đối tượng là các “thiền sư” chứ chưa xác định được đặc trưng bản thân các “truyện thiền sư” đó là như thế nào. Phải chăng do ý thức được điều này nên một số nhà nghiên cứu đã hướng tới một thuật ngữ khả dĩ có thể khu biệt rõ hơn về mặt nội hàm, đó là “tiểu truyện thiền sư”. Đơn cử một vài dẫn chứng, trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi xếp Thiền uyển tập anh và Tam tổ thực lục thuộc “loại sử và truyện”, “Đây là hai bộ sử về tôn giáo. Bộ trên chép tiểu truyện các bậc cao tăng của các dòng Thiền tôn từ lúc các dòng này được truyền sang Việt-nam (đời Đường) cho đến nhà Trần” [159/42]; ông Nguyễn Lang xác định trong Việt Nam Phật giáo sử luận : “Thiền uyển tập anh ghi chép tiểu sử các thiền sư từ cuối thế kỷ thứ sáu tới đầu thế kỷ thứ mười ba...” [83/120]; ông Nguyễn Huệ Chi viết về Thiền uyển tập anh trong Thơ văn Lý - Trần : “... cuốn sách là một tập chân dung các nhà thiền học... Toàn tập sách hiện còn, có 62 tiểu truyện nhân vật” [21/117] và đến Từ điển văn học lại xác định rõ hơn : “Tam tổ thực lục - Tập tiểu truyện về ba người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm đời Trần ở Việt Nam” [25/328] đồng thời nói về Thánh đăng lục : “... tập truyện kể về năm ông vua, cũng là năm “Phật tử” Việt Nam đời Trần” [26/351-352]. Cũng trong khoảng thời gian này, ở miền Nam, Khánh Vân Nguyễn Thụy Hoà có riêng chuyên đề mang tên Tiểu truyện các Thiền sư Việt Nam (phái Vô Ngôn Thông) [57]. Đồng thời, ông Đinh Gia Khánh xác định: “Thiền uyển tập anh... chép sự tích các cao tăng thuộc ba chi phái Thiền tông” [173/122]. Sau này, ông Ngô Đức Thọ trong Lởi giới thiệu cũng triển khai tiếp : “Ngày nay đọc Thiền uyển tập anh mà thấy tập ấy ghi chép tiểu truyện và tác phẩm của các nhà sư - thi sĩ đời Lý thì không có gì lạ... Chính nhờ vậy, ngoài thế thứ, tiểu truyện của các thiền sư thuộc dòng mình, Thường Chiếu có điều kiện để sưu tập tiểu truyện của các vị khác thuộc phái Tì-ni-đa-lưu-chi... Trong tập Thiền uyển không thấy chép tiểu truyện của Ẩn Không là người định cảo tập sách này nên ông không tự viết tiểu truyện về bản thân mình” [180/18,12-13]. Tiếp đó, các sách như Từ điển văn hoá Việt Nam - Nhân vật chí của nhiêu tác giả [200], Từ điển văn học Việt Nam - Quyển 1 của Lại Nguyên Ân - Bùi Văn Trọng Cường [5] và trong một số bài viết của chúng tôi [140], [142], [143], [147]... cũng đồng theo cách hiểu và vận dụng rộng rãi thuật ngữ “tiểu truyện thiền sư” nói trên. Theo chúng tôi thì khái niệm “tiểu truyện thiền sư” là sự chuẩn hoá hơn nữa cách gọi “truyện thiền sư” nhằm để chỉ loại truyện thiền sư được viết theo nguyên tắc tiểu sử. Ở đây, bản thân chữ “tiểu truyện” không nhằm vào sự liên hệ, so sánh mức độ với các chữ “đại”, “đoản thiên”, “trường thiên tiểu thuyết” chẳng hạn, mà chủ yếu bao hàm ý nghĩa là tiểu sử, truyện tiểu sử, tiểu sử thiền sư, Phật tích... thuật ngữ này tương hợp với các chữ trong tiếng với nghĩa xác định chỉ Nga về các Thánh tích, truyện tiểu sử các vị thánh, Phật tích hay là các truyện theo lối ghi chép tiểu sử nói chung [218/187], [217], [219]... 3. Mục đích khoa học và những đóng góp mới của luận án Luận án không nhằm vào việc bổ sung, xác minh những vấn đề thuộc về khảo chứng văn bản, vấn đề tác giả, niên đại tác phẩm cũng như lược sử quá trình khắc in và những thay đổi sai biệt về câu chữ trong tập sách. Ở đây chúng tôi chỉ nêu tóm tắt những kết quả học thuật mà các học giả đã đạt được nhằm xác định tính xác thực, khoa học của văn bản với tư cách là đối lượng khảo sát của luận án. 3.1. Về niên đại tác phẩm, ông Nguyễn Lang trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận xác định quá trình xây dựng và hoàn chỉnh bộ Thiền uyển tập anh : “Sách này bắt đầu được biên tập vào khoảng trước năm 1134 cho đến đầu thế kỷ thứ mười ba thì hoàn tất” [83/113]. Ông Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản ở sách Thơ văn Lý - Trần kết luận: “Có thể thừa nhận Thiền uyển tập anh được biên soạn trong khoảng đời Khai Hựu (1329-1341) mà cụ thể là hoàn thành vào năm Đinh Sửu, 1337” [21/117]. Sau này, Ngô Đức Thọ trong Lời giới thiệu sách Thiền uyển tập anh thì đoán định “Thiển uyển tập anh đã được biên soạn xong năm sáu chục năm trước đó, còn năm Khai Hựu Đinh Sửu (1337) chỉ là năm tác phẩm được in ra” [180/15]. Đi theo một hưởng khảo sát tương đối độc lập và tỉ mỉ, ông Lê Mạnh Thát đi tới khẳng định tương đồng với kết luận của ông Nguyễn Huệ Chi : “Thiền uyển tập anh được viết vào năm Khai Hựu Đinh Sửu, 1337” [169/24-35]. Ở đây xin ghi nhận theo chủ thuyết Thiền uyển tập anh hoàn thành vào năm 1337. Về tác giả, sách Thơ văn Lý - Trần hầu như không bàn gì về tác giả Thiền uyển tập anh. Ông Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Vậy ta có thể kết luận là tác giả sách Thiền uyển tập anh gồm có nhiều người, trong đó những vị sau đây là quan trọng nhất: 1/ Thống Điện 2/ Thường Chiếu 3/ Thần Nghi 4/ Ẩn Không [183/119]. Ông Ngô Đức Thọ cũng có kết luận tương tự : “Nói tóm lại, chúng ta có thể hình dung cuốn Thiền uyển tập anh này đã trải qua một quá trình biên soạn; khởi thảo bởi thiền sư Thông Biện, chuyển tiếp qua các thiền sư Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi, đến Ẩn Không (tức Na Ngạn Đại sư) là người cuối cùng hoàn thành việc biên soạn” [180/14]. Riêng ông Lê Mạnh Thát lại xác định theo một hướng gần như hoàn toàn mới mẻ: “Dẫu sao chăng nữa, tất cả những gì ta biết về Kim Sơn, tác giả Thiền uyển tập anh, chỉ gồm có việc Sơn là một trong những cao đệ của Pháp Loa có những liên hệ mật thiết với Minh Tôn và sống tối thiểu cho tới năm 1357” [169/42]... Đến đây chúng tôi xác nhận, trong tình hình biên dịch hiện thời, xin lấy bản dịch còn Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thuý Nga làm đối tượng khảo sát. Đương nhiên bản dịch và cả quan niệm xác định văn bản còn có điểm cần bàn thêm (chẳng hạn như việc lược bỏ tiểu truyện Thiền sư Minh Không [175/213] ), song đây vốn là công trình biên dịch hoàn chỉnh nhất đã được xuất bản chính thức, nhất là có phần dịch thơ, lời kệ, đối đáp vốn được trích tuyển lại từ nhiều công trình dịch thuật khác đã được công bố. Trong điều kiện có thể chúng tôi sẽ đối chiếu với nguyên bản chữ Hán hiện lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.3144 [221]. Ngoài ra chúng tôi cho rằng nên đưa cả tiểu truyện Thiền sư Minh Không (1066-1141) cho đúng với nguyên bản. Riêng trường hợp này sẽ được chúng tôi bổ sung bằng bản dịch của Lô Mạnh Thát [174/1501, 1136/48-50]... Như vậy, việc góp phần thẩm định văn bản, thẩm định các nguồn sử liệu, các chi tiết về cuộc đời nhân vật thiền sư tuy có tính độc lập tương đối so với toàn bộ nội dung song cũng là một phần cơ sở khoa học của luận án. Trong định hướng chung, chúng tôi đưa những khảo sát văn bản đã nêu vào mục này để khi bước vào phần chính của luận án sẽ khổng còn phải mô tả, giới thiệu lặp lại nữa. 3.2. Luận án xác định mỗi tiểu truyện thiền sư sẽ là một đơn vị tác phẩm có tính độc lập tương đối. Các bước khảo sát, mô tả chi tiết về các môtip, các cách thức dẫn chuyện, các đặc điểm nghệ thuật... có tính tương đồng, tính qui luật và tính hệ thống sẽ đưa đến kết luận và nhận thức chung về loại hình tiểu truyện các thiền sư trong Thiền uyển tập anh. Luận án góp phần chỉ ra sự tương hợp giữa hình thức nghệ thuật, giữa phương thức xây dựng cốt truyện - tiểu sử các thiền sư với chính cách thức tư duy, cách hình dung của Phật giáo về thế giới, về đời người - cũng chính là góp phần xác định tính nội dung của các tiểu truyện thiền sư. 3.3. Luận án hướng tới trình bày kết cấu các tiểu truyện thiền sư ở Thiền uyển tập anh trong chiều hướng diễn tiến, hay là sự tổng hợp và trầm tích còn có phần cơ giới giữa các thể thơ ca - biền văn - tản văn - tạp văn - truyện kể; hoặc nói cách khác, chúng thuộc “loại hình truyện kể, có thể xem là hình thức vừa nhảy vọt lại vừa kế thừa thủ pháp nghệ thuật cùa cả 4 loại hình nói trên”, và cũng là việc triển khai một cách cụ thể mục đích “Trình bày mối quan hệ và xu thế tiến triển của các loại hình văn học Lý-Trần...” [21/184]. Luận án đặt vấn đề tìm hiểu tác phẩm Thiền uyển tập anh trong tương quan với các tác phẩm văn xuôi cùng thuộc thời đại Lý – Trần, chủ yếu là Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, từ đó có thể gợi ra những nét chung của thể truyện và bia, ký cùng nằm trong loại hình truyện kể [21/170-187]. 3.4. Luận án hướng tới tìm hiểu các đặc trưng của tác phẩm văn học vốn chịu sự qui định chung của thời đại như về tính không rạch ròi, minh xác của các thể loại; về xu thế “văn - sử - triết” bất phân; hay về sự chi phối của cảm quan folklore còn đậm đặc sắc màu hư ảo, hoang dường và “lạ hóa”. Lựa chọn những truyện tiêu biểu nhất mà sau này đã chuyển hoá vào hệ thống các lễ hội, truyện ký, bia ký thánh tích và kho tàng truyện cổ tích..., luận án nhằm xác định những yếu tố còn bảo lưu cũng như cái “khả biến” vận động trong dòng chảy văn xuôi trung đại và văn học dân gian dân tộc. Trên cơ sở lựa chọn một phương pháp, một cách nhìn để soi rọi vào mội tác phẩm cụ thể, luận án áp đụng thao tác nghiên cứu tương đối “chính xác” bằng vào sự phân tích, khảo sát, thống kê có lớp lang, hệ thống, ít nhiều gần gũi với thi pháp học hình thức. Đây cũng là cơ sở ban đầu để có thể mở rộng tìm hiểu toàn bộ loại hình tiểu truyện thiển sư Việt Nam, văn hóa - văn học Phật giáo Việt Nam, và trong điều kiện cho phép sẽ tiến tới mở rộng tìm hiểu loại hình tiểu truyện thiền sư vốn có truyền thống lâu đời và phát triển mạnh ở toàn khu vực Đông Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên [77], [219], [49], [218]... 4. Đối tượng, phạm vi và tính chất của luận án Tuân theo định hướng thống nhất từ các mục trên, chúng tôi chủ ý không đi sâu tìm hiểu những vấn đề thiên vê lịch sử vãn bản, niên đại văn bản và tác giả - ngoại trừ những khảo cứu nhằm đính chính văn bản đồng thời thể hiện như một phần kết quả khoa học của luận án - mà coi văn bản Thiền uyển tập anh là một giá trị xác định và trở thành đối tượng nghiên cứu. Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi đã được thừa hưởng thành quả nghiên cứu về mặt khảo chứng văn bản của các thế hệ đi trước, thừa nhận những kết quả đó như một văn bản ổn định, hoàn chỉnh. Sự nối tiếp và khác biệt chủ yếu ở cách nhìn và việc sử dụng những thao tác nghiên cứu văn học cụ thể khi khảo sát và phân tích tác phẩm. Cũng xuất phát bởi chủ đích tìm hiểu Thiền uyển tập anh từ góc độ phương pháp loại hình, chúng tôi đồng thời tiếp tục xem xét những phương diện thuộc về nội dung tư tưởng xã hội, chẳng hạn như những đặc điểm tư tưởng Phật giáo chứa đựng trong tác phẩm, nội dung tư tưởng toát lên trong từng thiên truyện, cái hay cái đẹp và giá trị nhân văn của dòng thơ thiền; song không quá đi sâu tìm hiểu sự khác biệt của các dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và chính nội dung triết học cũng như ý nghĩa lịch sử, xã hội của chúng. Bởi lẽ, với ngay phần thơ ca được tàng trữ trong mỗi tiểu truyện thiền sư đã hầu như có thể trở thành đối tượng cùa một tiểu luận nghiên cứu. Và như thế, toàn bộ các phần thơ ca đó lại có thể trở thành đối tượng cho cả một đề tài nghiên cứu khác, trong đó thậm chí có thể phân chia thành nhiều chương mục với nhiều nội dung chuyên sâu khác - chẳng hạn như việc tìm hiểu về bối cảnh xã hội - thời đại, về vai trò đội ngũ các thiền sư - thi sĩ, về các đặc điểm nội dung và nghệ thuật của bộ phận thơ ca này. Do đó chúng tôi giới hạn và tập trung xác định các nội dung đó theo chủ điểm loại hình các tiểu truyện thiền sư, hoặc có bàn luận về thơ ca cũng cốt phục vụ cho hướng đi chính yếu của đề tài. Xét trên phương diện phạm vi tư liệu, do lấy tác phẩm Thiền uyển tập anh làm dối lượng đổ khảo sát liên mặc dù còn có nhiêu văn bản, nhiều loại ghi chép kiểu như Thượng sĩ hành trạng, Tam tổ hành trạng, Tam tổ thực lục, Thánh đăng ngữ lục, các thiền sư được biên chép tiểu sử trong Thiền uyển kế đăng lục hay về thiền sư Hương Hải (1628-1715), thiền sư Toàn Nhật (? -1832)..., song chúng tôi chỉ coi là tài liệu bổ trợ, khi thật cần thiết mới mở rộng sự liên hệ, so sánh. Cũng như thế, một phần các nguồn thi liệu liên quan đến loại hình tiểu truyện thiền sư ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... cũng chỉ được coi là dẫn chứng tham khảo khi thật cần thiết. Điều này có lý do bởi vốn kiến văn của chúng tôi còn hạn hẹp, hơn nữa việc ôm đồm quá nhiều các nguồn tư liệu e sẽ thành phân tán và thiếu sức thuyết phục. Một điểm cuối cùng, do tính chất luận án hướng tới đối tượng là tác phẩm Thiền uyển tập anh đã dược xác định về mặt văn học sử, song phương hướng tiếp cận lại là từ góc độ “loại hình”, thế tất phải điểm qua vấn đề lý luận loại hình và khả năng vận dụng lý thuyết loại hình vào việc nghiên cứu các tiểu truyện thiền sư. Điều này cũng có nghĩa là phải xác lập một phần cơ sở lý thuyết – dù là khái quát ngắn gọn nhất - để rồi từ đó soi nhìn vào đối tượng khảo sát. Như thế, để đi vào khảo sát một tác phẩm cụ thể hoá ra lại cần vận dụng một vốn kiến thức tương đối sâu rộng, mà trong trường hợp này là những hiểu biết chung về lý thuyết loại hình. 5. Phương pháp nghiên cứu Theo sát yêu cầu chung của luận án, chúng tôi đạc biệt chú trọng phương pháp thống kê, phân loại và mô hình hoá. Việc vận dụng phương pháp này một mặt sẽ tạo lập nên phần khung cốt cho các luận điểm và mở rộng đường hướng nghiên cứu, khảo sát, so sánh; và mặt khác nhằm minh chứng cho mức độ phổ biến của vấn đề cũng như việc kiểm tra lại độ tin cậy của các phán đoán, kết luận. Đồng thời với việc hướng tới mô hình hoá, chúng tôi cũng chú trọng áp dụng phương pháp so sánh đối chiếu, góp phần củng cố các mối liên hệ xa gần. Đương nhiên các phương pháp trên không thể tách rời các thao tác mô tả, phân tích cụ thể. Ngoài ra, do yêu cầu có khác nhau mà việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu vào từng chương mục cucng có mức độ đậm nhạt khác nhau. Trong toàn luận văn, chúng tôi quán triệt phương pháp duy vật và biện chứng. Cái nhìn duy vật thể hiện ở việc coi tư tưởng Phật giáo và tư duy văn học Phật giáo chính là một cách hình dung về thế giới tâm linh con người, là sản phẩm tinh thẩn của con người. Cách nhìn biện chứng thể hiện ở việc khảo sát những đặc điểm thuộc về hình thức nhưng vẫn chú ý đúng mức mối liên hệ chặt chẽ với nội dung tác phẩm. Nhằm xác lập cơ sở tiền đề cho phần chính của luận án, ở đây chúng tôi tập trung xác định khái niệm “tiểu truyện thiền sư” và phác họa những hiểu biết chung nhất về lý thuyết và phương pháp loại hình sẽ được triển khai trong luận án. Xem xét từ nội dung ngữ nghĩa, sách Từ điển tiếng Việt định nghĩa về danh từ loại hình là “Tập hợp sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc điểm cơ bản nào đó”, và loại hình học là “Khoa học nghiên cứu về các loại hình nhằm giúp cho việc phân tích và phân loại một thực tại phức tạp” [199/570]. Nhìn trên toàn thể đã thấy xuất hiện những loại hình nghệ thuật với các hình thức tồn tại ổn định : “Mỗi loại hình nghệ thuật có những đặc trưng riêng được quy định bởi đặc điểm của đối tượng miêu tả, phương thức tái hiện, nhiệm vụ nghệ thuật và bởi cả những phương tiện vật chất chủ yếu tạo nên hình tượng nghệ thuật” [198/127]. Giới hạn trong phạm vi văn học, chúng tôi xác định những đúc kết của Viện sĩ M.B. Khrapchenkô về phương pháp loại hình là cơ sở lý thuyết cơ bản : “Như hiện nay người ta thường nói, vẫn có những cấp độ khác nhau của sự khảo sát theo phương pháp loại hình. Ngoài sự phân định loại hình của những khuynh hướng văn học ra, sự phân định loại hình các thể loại có một ý nghĩa lớn. Sự phân định loại hình các phong cách từ lâu đã được phát triển, nhất là trong ngành nghiên cứu nghệ thuật. Sự phân định loại hình về sự phát triển lịch sử của các nền văn học là một điều cực kỳ lý thú và rất quan trọng - đó là sự tìm hiểu những loại thể, loại hình của quá trình văn học trong những thời đại lịch sử khác nhau, ở những dân tộc thuộc các nước khác nhau. Ở bên trong mỗi một lĩnh vực vừa được nhắc tới của việc nghiên cứu theo phương pháp loại hình, lại có sự phân hoá riêng biệt một cách đáng kể đối với những chủ đề và vấn đề.” [176/340]. Không chỉ quan tâm tới những vấn đề chung của lý thuyết loại hình mà M.B. Khrapchenkô còn lưu ý tới từng khía cạnh loại hình - tác giả, loại hình nhân vật, loại hình lịch sử, đồng loại hình... ở những phạm vi và mức độ rộng hẹp khác nhau; đồng thời chỉ ra mối tương quan giữa nghiên cứu văn học theo phương pháp loại hình với phương pháp so sánh, chỉ ra tương quan giữa phương pháp loại hình và so sánh loại hình với “quan hệ cấu trúc”, “phân tích cấu trúc”, “cấu trúc tác phẩm” [76/337-339, 353]... Từ sự lược tả trên cho thấy một quan niệm chung, xác định của M.B. Khrapchenkô về phương pháp loại hình và cả những biên giới, những đường viền, những bước giao thoa trong tương quan với phương pháp phân tích cấu trúc, xác định cấu trúc tác phẩm, hay mở rộng hơn nữa là cái nhìn loại hình lịch sử, so sánh loại hình... Tất cả những phương diện nói trên đều đã dược M.B. Khrapchenkô vận dụng vào thực tiễn nghiên cứu các tác giả và tác phẩm văn học lớn thuộc thế kỷ XIX, tức là đối tượng của “văn học hình tượn” thuộc phạm trù cận - hiện đại [76/353-378]. Đi theo định hướng nói trên, chúng tôi xác định trọng tâm việc khảo sát các tiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh từ góc độ loại hình, song vẫn thường xuyên chú ý vận dụng các thao tác nghiên cứu phân tích cấu trúc tác phẩm, khảo sát các môtip, các phương thức biểu hiện nghệ thuật hay có thể đối chiếu, so sánh trong trường hợp cần thiết. Mặt khác chúng tôi cũng ý thức được những giới hạn của việc vận dụng lý thuyết chung vào nghiên cứu một tác phẩm cụ thể, đặc biệt với một tác phẩm như Thiền uyển tập anh vốn thuộc khu vực văn học cổ - trung đại và có nhiều điểm khác biệt với văn học cận-hiện đại. Với cách hiểu như thế mà một số thuật ngữ, một số cách diễn dạt khi đi vào phân tích tác phẩm cụ thể sẽ có độ “nhòa”, có sự tương đồng với nhau trên những khía cạnh nhất định nào đó. Ngay ở Việt Nam, ngoài những công trình dịch thuật, giới thiệu về lý thuyết loại hình cũng như công trình nghiên cứu, khảo sát loại hình văn học - văn học truyền thống phương Đông của học giả nước ngoài thì nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta cũng đã chú ý vận dụng phương pháp loại hình vào việc tìm hiểu loại hình thể loại văn học, loại hình ngôn ngữ thơ ca, loại hình môtip chủ dể, loại hình tác giả, loại hình văn xuôi, kịch... Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu : Trước hết, có lẽ ngay từ khoảng trước năm 1957, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã sớm ý thức đặt vấn đề nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam từ góc độ loại hình. Ông đã triển khai ngay trong Phần thứ nhất : Nghiên cứu truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích Việt Nam, hướng tới mục đích “phân loại truyện cổ” và nhằm xác định “bản chất truyện cổ tích”, “ranh giới giữa truyền thuyết và cổ tích”, “đặc điểm của truyện cổ tích”... [13/51-88]. Cho đến khoảng trước năm 1982, sau khi đã hoàn tất bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam về mặt văn bản, trong Phần thứ ba : Nhận định tổng quát về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ông dã đi đến xác định “Yếu tố tưởng tượng trong loại hình truyện cổ tích Việt Nam nói chung ít xa lạ với nhân tính” và tiến hành phân loại thành “truyện sinh hoạt”, “truyện thần kỳ”, “truyện loài vật”, “truyện phiêu lưu mạo hiểm”... từ đó đi tới việc mô hình hóa bằng biểu đồ Lịch sử vận động loại hình của truyện cổ tích [16/2417-2431]; đồng thời khi đặt vấn đề Thử tìm nguồn gốc truyện cổ tích, ông đã mở đầu bằng việc giới thiệu khái quát Các trường phái cổ tích học xưa nay với vấn đề cái “chung” và cái “riêng” trong loại hình cổ tích [16/2519]... Mặc dù đối tượng ở đây là truyện cổ tích song cách nhìn loại hình đã được hiện thực hoá bằng các thao tác nghiên cứu, phân loại, tiểu loại và các môtip, các phương thức tư duy và cách thức thể hiện của truyện cổ tích, có thể coi là “bài tập mẫu” trong việc vận dụng phương pháp loại hình vào nghiên cứu vãn học. Một sự vận dụng phương pháp loại hình khác nữa được thực hiện vào khoảng trước năm 1977, trong công trình Thơ văn Lý – Trần, ở Phần thứ nhất: Khảo luận văn bản, trong đề mục Từ thực tế công tác văn bản, thử tìm mấy phương hướng nhằm khôi phục và giới thuyết lại diện mạo văn học Lý – Trần, ông Nguyễn Huệ Chi đã xác định nhiệm vụ “Nhận thức đẩy đủ các lọai hình văn học Lý - Trần”; trong đó ông đã biện giải về các khái niệm văn học, văn chương, tư duy hình tượng, hệ thống thể loại và tiến tới giới thuyết, lập bảng sơ đồ phân loại về các thể loại - loại hình văn học Lý – Trần [21/157-187]. Đứng trước thực tế các thể loại văn học còn chưa có sự phân định đường biên rõ nét, chưa có tính độc lập, thậm chí còn trầm tích trong nhau, ông đã xác lập một qui ước lý thuyết: “Mô hình phân loại của chúng tôi có thể còn chưa hợp lý, do tìm hiểu các hình thức nghệ thuật thơ văn Lý – Trần chưa đầy đủ. Và những thể loại đã vạch ra có thể còn phải thay đổi. Bên cạnh đó, cách trình bày về mối liên hệ giữa các thể, loại cũng có thể làm cho bạn đọc hiểu lầm. Các loại hình văn học chữ Hán ra đời trong thời kỳ phong kiến tự chủ nói chung đều có nguồn gốc ở Trung-quốc, đều từ Trung-quốc mà chuyển sang Việt-nam. Và ngay từ khi bước chân vào trường ốc, người Việt-nam học thức nào cũng đã bắt buộc phải làm quen với những loại hình đó; cho nên, không thể nói loại hình nào có trước, loại hình nào có sau, loại hình nào phát sinh từ loại hình nào, nhưng đứng về khả năng và hình thức biểu hiện thì rõ ràng chiều hướng diễn biến thơ ca - biền văn - tản văn - tạp văn - truyện kể là một chiều hướng hợp với quy luật...” [21/184]. Ở đây, với tư cách sự phân định loại hình – thể loại thơ văn Lý – Trần nhìn từ góc độ lý thuyết và đặt trong nhiệm vụ chính “Khảo luận văn bản” nên tác giả chưa đi sâu mô tả, phân tích các dẫn chứng, các thực thể văn học. Điều quan trọng là tác giả đã đưa ra một mô hình phân loại, chỉ ra tính chất hỗn dung và tương đối loại biệt của thơ văn Lý - Trần mà bất cứ người nghiên cứu nào khi tiếp cận với đối tượng này cũng không thể bỏ qua. Cuối cùng, chúng tôi xin dẫn chuyên luận Loại hình học tác giả văn học: Nhà nhơ tài tử và văn học Việt Nam của Trần Ngọc Vương [209] thể hiện như một phương hướng nghiên cứu loại hình học ở một đối tượng và phạm vi cụ thể. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong bài Loại hình học tác giả văn học và vấn dề phương pháp luận nghiên cứu đã giới thiệu tóm tắt nội dung chuyên luận [4]. Có thể nói đây cũng là một dẫn chứng hữu ích trong việc vận dụng lý thuyết loại hình vào nghiên cứu văn học - tác gia văn học. Về các bài giới thiệu và nghiên cứu ứng dụng liên quan đến phương pháp loại hình thuộc các lĩnh vực, các đối tượng, các phạm vi và từng phương diện văn học cũng đã được nhiều tác giả quan tâm công bố trên sách báo và tạp chí chuyên ngành. Xin xem : Đỗ Nam Liên : Vài nét về phương pháp so sánh loại hình lịch sử trong khoa nghiên cứu folklore ở Liên-xô [89]; Lê Chí Quế: V.Ia. Prôp (1895-1970) và phương pháp nghiên cứu folklore theo
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất