Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khái quát vềvăn xuôi việt nam sau năm 1975...

Tài liệu Khái quát vềvăn xuôi việt nam sau năm 1975

.PDF
18
435
55

Mô tả:

MÃ: V17 MỞ ĐẦU Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, giải phóng miền Nam giành được thắng lợi trọn vẹn, mở ra thời kì mới cho đất nước. Đất nước ta đã trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng thời hậu chiến với vô vàn những khó khăn, thách thức và từ năm 1986 đã bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Văn học Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc nên từ sau năm 1975 kéo dài đến gần chục năm sau đó, văn học Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng, sách in ra nhiều nhưng lại ế, người đọc quay lưng với văn học trong nước. Người ta chỉ đọc văn học nước ngoài hoặc văn học cổ. Điều đó khiến cho những người cầm bút hoang mang nhưng họ cũng nhanh chống nhận ra rằng: cuộc sống đã thay đổi rất nhiều mà văn học thì vẫn như trước. Đời sống trong hòa bình phức tạp hơn nhiều đời sống trong chiến tranh. Chiến tranh ác liệt nhưng đơn giản. Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại trong một quan hệ suy nhất: sống và chết. Người ta phải sống phi thường chính điều đó làm triệt tiêu đi những mối quan hệ bình thường nhưng cũng vô cùng phức tạp, phong phú của con người. Trong chiến tranh xã hội cũng an toàn hơn, trong sạch hơn về mặt đạo đức. Hòa bình thì khác. Hòa bình là trở lại đối mặt với cái bình thường hàng ngày, cái bình thường muôn thuở với tất cả nhiêu khê đã bị vùi lập đi trong chiến tranh. Chúng thức dậy vây quanh con người ở khắp nơi. Cuộc sống đặt ra biết bao câu hỏi mà con người chưa thể giải đáp được. Văn học nếu theo qui luật và guồng máy cũ sẽ không thể thỏa mãn được nhu cầu đó. Văn học không nghe, không hiểu những lo lắng tầm thường hôm nay của họ, văn học quay lưng lại với những ưu tư vụn vặt, bức xúc hàng ngày của họ, nên họ đã dửng dưng quay lại với văn học. Các nhà văn cũng là con người trong xã hội đó nên họ cũng nhanh chống nhận ra thay đổi. Ngay bản thân họ cũng có những vướng mắc, cũng bị cật vấn bởi biết bao câu hỏi của cuộc sống thời bình. Bởi vậy văn học cũng phải chuyển dần sang thời kì mới với những đặc điểm và quy luật vận động riêng. Trong sự vận động của văn học sau năm 1975, văn xuôi nghệ thuật có sự biến đổi thật sự mạnh mẽ và sâu sắc. Những hiện tượng mới lạ gây dư luận ồn ào và kéo dài những tranh cãi gay gắt, những diễn biến phức tạp và bất ngờ của quá trình tiếp nhận văn học…chủ yếu diễn ra ở văn xuôi. Văn xuôi thời kì này có những thay đổi quan trọng về phương diện tư tưởng và đặc biệt là đổi mới trong cách viết, thể loại hay nói cách khác là về nghệ thuật viết văn xuôi. NỘI DUNG I. KHÁI QUÁT VỀ VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU NĂM 1975 1. Diện mạo chung So với thơ văn xuôi có vị trí nổi trội hơn nó gây ra nhiều những tranh cãnh, những dư luận phức tạp. Chịu tác động của nền kinh tế thị trường văn học nói chung là giàu cá tính và càng thêm năng động sôi nổi nhờ hoạt động xuất bản, hoạt động báo chí phát triển mạnh. Số lượng tác phẩm hàng năm rất lớn, lực lượng người viết đông đảo. Có người tiếp nối dòng mạch quen thuộc, lại có người gây ngạc nhiên bởi những tìm tòi mới lạ, tạo nên sự gián đonạ rõ nét trong văn học.. Người viết muốn thể hiện những tìm tòi riêng mong tạo ra công chúng của mình. Người đọc được tự do tiếp nhận bằng king nghiệm và sở thích cá nhân. Việc bất đồng ý kiến xung quanh một tác phẩm ngày càng trở nên bình thường. Đã có thể nói đến những kêt tinh nghệ thuật mới ở những nhà văn trưởng thành từ trước như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Tô Hoài,…cũng như tư tưởng và bút pháp mới mẻ, độc đáo, đầy sức kích thích với giới trẻ như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh,…Văn xuôi sau năm 1975 vẫn đang cố gắng tiến về phía trước bằng khát vọng sáng tạo bềni ỉ, chấp nhận thử thách và những nghiệt ngã của thời gian để khẳng định những giá trị đích thực. 2. Các chặng đường vận động 1.1. Từ 1975 đến 1985 là chặng khỏi động chuẩn bị cho cao trào đổi mới Trong tình hình dư âm của cuộc kháng chiến chống Mĩ và hai cuộc chiến tranh biên giới khiến văn xuôi cơ bản trượt theo quán tính cũ. Đề tài chiến tranh những vấn đề thời sự, chính trị vẫn là mối quan tâm hàng đầu của văn học và người viết vẫn trung thành với cách xử lí chất liệu như giao đonạ trước. Tuy nhiên, có một số tác phẩm mẹnh dạn hơn khi lấy chiến tranh làm bối cảnh khám phá tâm lí, tính cách con người: Miền cháy (Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thụy, Kí sự miền đất lửa (Nguyễn Sinh và Kì Lân,…) Việc chọn bối cảnh như vậy nhà văn đã tránh được cái nhìn dễ dãi, giản đơn, có điều kiện soi chiếu hiện thực qua cả những hi sinh, mất mát và nhất là có thể khám phá sâu hơn những va đập của hiện thực đến tâm lí con người. Một số tác phẩm dành sự quan tâm hơn cho thời hậu chiến như quá trình hòa hợp dân tộc, từ bỏ những thói quen thời chiến để bước vào thời bình, những vấn đề đạo đức mới nảy sinh trong các quan hệ thường nhật, phổ biến. Văn xuôi giai đoạn này đã thấp thoáng những ái ngại trước sự xa lạ của những người lính khi trở về đời thường, đã nảy sinh mong muốn khước từ cái nhìn một chiều về người anh hùng. Đến đầu thập kỉ tám mươi nhu cầu đổi mới rõ rệt hơn. Nguyễn Minh Châu là người mở đầu cho quá trình đổi mới văn học. Tác phẩm Bức tranh của ông đã ghi nhận vấn đề mang tính luận đề. Tác phẩm như một lời tự vấn, một cuộc đối thại về văn chương trên một số khía cạnh: đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, sáng tạo, nhà văn. Từ đó, nhà văn mạnh dạn đề xuất hướng tiếp cận hiện thực từ khía cạnh đạo đức – thế sự, văn học phải khẳng định ý thức cá nhân, tư cách công dân trước những vấn đề bất cập của thời kì mới. 2.2. Từ 1986 đổi mới văn xuôi đạt đến cao trào sau đó lắng lại - Nửa cuối thập kỉ tám mươi: không khí dân chủ, cởi ở, các nghị quyết của Đảng tạo điểm tựa vững vàng cho người nghệ sĩ tự khẳng định mình. Khát vọng sáng tạo được giải phóng. Sự mở rộng giao lưu văn hóa đem đến nhiều kinh nghiệm nghệ thuật mới lạ. Thực tiễn phong phú sinh động của đất nước trong bước chuyển lịch sử đặt ra biết bao vấn đề nhận thức, bàn luận. Nhu cầu đổi mới bùng nổ trong văn xuôi thành cao trào sôi nổi, với hàng loạt cá tính nghệ sĩ độc đáo, nhiều tác phẩm làm xôn xao dư luận cả nước, Vẫn có những người thủy chung với cảm hứng sử thi như Hữu Mai, Chu Văn,…nhưng diện mạo cơ bản của văn xuôi giai đoạn này là do những cảm hứng mới quyết định. Ví dụ cảm hứng chống tiêu cực, cảm hứng phản biện nhận thức lại, cảm hứng chiêm nghiệm triết lí. Đa số các nhà văn vẫn dồn tâm huyết vào việc phát hiện và trình bày tư tưởng, thái độ trước các chuyển động của đời sống xã hội, của lịch sử và những khám phá về con người. Số ít hơn có ý thức kiếm tìm một ngôn ngữ nghệ thuật mới, coi cách viết là mối quan tâm hàng đầu để hiện đại hóa văn học. - Từ đầu những năm chín mươi trở đi không khí văn xuôi nhìn chung lắng xuống nhưng con đường đổi mới vẫn được tiếp tục. Sự bận tâm của các nhà văn lúc này chính là cách viết. Văn học buộc phải trở thành chính nó, phải tự kahwngr định trong thời đại truyền thông. Các tác giả hư Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư,…đa số đều còn trẻ và ý thức cá tính là chỗ mạnh của họ. Họ không thỏa mãn với những gì đã có và coi cách tân là chuyện sống còn của nghệ thuật. 3. Các khuynh hướng của văn xuôi Căn cứ vào chủ đề và cảm hứng có thể nhận ra văn xuôi giai đoạn này nổi bật với ba khuynh hướng sau: 3.1. Khuynh hướng nhận thức lại thường lấy những phần khuất lấp những vấn đề chưa được văn học thời trước quan tâm trong quá khứ làm đối tượng phân tích. Những sai lầm ấu trĩ, những định kiến hẹp hòi, căn bệnh chủ quan duy ý chí của một thời xa vắng gây nên bi kịch cho không ít cá nhân, làm hao mòn nhân tính được mổ xẻ khá thuyết phục trong các tác phẩm Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Phiên chợ Giát,…Các sự kiện lịch sử làm nền cho câu chuyện nhưng vấn đề mà accs tác giả quan tâm chính là số phận của con người. Lịch sử được đánh giá từ cái nhìn nhân bản. Theo tinh thần đó, chiến tranh cũng được nhận thức lại. Bên cạnh những chiến công hiển hách, chiến tranh còn gắn với những đau thương mất mát, những tổn thương về tinh thần và hạnh phúc. Đó là yếu tố tạo nên thành công cho Chim én bay, Bốn mươi chín cây cơm nguội, Người sót lại của rừng cười, Nỗi buồn chiến tranh…Khao khát dùng ngòi bút tác động vào tiến trình xã hội các nhà văn cũng có cuộc đối chứng với chính mình. 3.2. Khuynh hướng thế sự: Những tác phẩm thuộc khuynh hướng này thường lấy đề tài trực tiếp từ đời sống hiện tại. Điểm tựa cho kết cấu không phải những biến cố lịch sử mà là những câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày, những qan hệ nhân sinh muôn thuở, những ứng xử có tính phổ biến hay đột biến của con người. Qua đó nhà văn ý thức sâu sắc về nhân cách. Mỗi tình huống, hành động, mỗi tâm trạng đều được soi chiếu bằng sjw khắc khoải của người nghệ sĩ về hành trình con người tự khẳng định mình. Ở những tác phẩm thành công, người viết không chỉ xả lí tốt mối quan hệ của cánha n với cộng đồng, cá nhân với hoàn cảnh sống mà còn nắm bắt, diễn tả khi con người đối diện với chính mình như Sống lại với thời gian, Bức tranh, Đất kinh kì, Nắng Chiều,…. Đây là khuynh hướng thu hút đông người viết nhất. 3.3. Khuynh hướng triết luận: Cái nhìn triết học bao giờ cũng giúp cho văn học có chiều sâu và giá trị phổ quát. Trước năm 1975 một số tác phẩm của Nguyễn Khải viết theo khuynh hướng này. Khi đó cảm hứng triết luận gắn với những vấn đề chính trị - thời sự. Đến giai đoạn này, nhu cầu triết luận hướn mạnh đến các vấn đề thế sự mong khám phá qui luật nhân sinh từ cái hàng ngày như trong Bến quê, Thiên sứ, Thượng đế thì cười,… II. MỘT SỐ ĐỔI MỚI VỀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN XUÔI SAU 1975 1. Xu hướng nhạt dần chất sử thi tăng dần chất tiểu thuyết 1.1. Cảm hứng thế sự Văn học Việt Nam từ 1745 đến 1975 có đặc điểm quan trọng nhất là đậm đà chất sử thi đã tỏ ra phù hợp với thời đại lịch sử hào hùng khi cả nước có cùng . Cuộc kháng chiến chống mĨ kết thúc, đất nước bước vào kỉ nguyên phát triển trong hòa bình. Nhu cầu đổi mới toàn diện đời sống xã hội được ý thức như chuyện sống còn. Văn học cũng không thể viết như cũ. Văn xuôi ViệNt am từ đầu thập kỉ tám mươi đã chuyển mạnh sang cảm hứng thế sự - đời tư và thực tế. Trong các tác phẩm được dư luận chú ý sự chuyển dịch cảmh ứng này khá rõ. Từ năm 1975 đến 198, nhìn chung văn học vẫn đậm chất ửth I nhưng đã nới rộng phạm vi hiện thực như tập kí Tháng ba ở Tângy uyên của Nguyễn Khải, tiểu thuyết Miền cháy của Nguyễn Minh Châu… Từ năm 198 đến năm 1986 dư luận dành nhiều sự quan tâm cho các tác phẩm mang cảm hứng thế sự như tiểu thuyết Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, tập truyện ngắn Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu… Từ năm 1986 trở đi, người đọc hầu như chỉ còn quan tâm đến những tác phẩm với cảm hứng thế sự. Cảm hứng thế sự đem đến cho văn xuôi nhiều chất tiểu thuyết hơn, trước hết ở khả năng chiếm lĩnh con người từ góc độ đời tư. Nếu cảm hứng sử thi cuối cùng qui chiếu mọi vấn đề đời sống về hiện thực lịch sử thì cảmh ứng thế sự cuối cùng tìm đến với hiện thực con người, qui chiếu về số phận con người với những quan hệ xung quanh sự tồn tại của nó, phát hiệnnh ững vấn đề tự nó. Chỉ với cảm hững thế sự, đời sống riêng cá nhân, kinh nghiệm cá nhân mới đượ coi là đối tượng khám phá chủ yếu. 1.2. Đề tài Tư duy tiểu thuyết còn chi phối đến cách lựa chọn đề tài của các tác giả từ đó ảnh hưởng đến cơ cấu đề tài trong quá trình sáng tác.Văn xuôi trước năm 1975 ít dành chỗ cho những đề tài đời tư như gia đình, tình yêu, hạnh phúc cá nhân. Từ sau năm 1975, để bổ sung cho những thiếu hụt của giai đoạn văn học trước, mảng đề tài đời tư đã được nhiều tác giả chú ý khai thác. Đề tài gia đình có Heo may về qua phố, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Thời xa vắng của Lê Lựu,… Ngoài ra, văn học giai đoạn này còn chứng kiến sự xuất hiện rất nhiều tác phẩm viết về đề tài tình yêu đôi lứa, cuộc truy tìm hạnh phúc riêng.Ở lĩnh vực riêng tư này con người thường trút bỏ bộ cánh xã hội hành động theo những động cơ bên trong sâu kín và tính người của nó bị thử thách nhiều hơn. Bởi vậy tình yêu và hạnh phúc xuất hiện với muôn dạng muôn hình. Nó sống theo những chân lí và lẽ phải riêng phù hợp với cảnh ngộ của nó. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, của Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh là những minh chứng tiêu biểu. Con người khi xuất hiện trong cuộc sống đời tư nên cũng mang gương mặt có khi rất khác lạ. Nhân vật ông thiều tá trong truyện Đời khổ của Nguyễn Khải là một ví dụ. Chân dung của nhân vật được tác giả khắc họa qua hai cái nhìn. Từ cái nhìn của vợ ông thì ông là người Ông ấy vẫn phê bình tôi vô chính trị không như mấy bà ở tỉnh. Với người kể chuyện ông chỉ là kẻ đạo đức giả thật tầm thường Tên ông thiếu tá là gì tôi không biết, mặt ông tôi cũng quên chỉ nhớ mang máng một người đàn ông có bộ dạng đứng đắn, có thể rất tốt bụng nhưng không làm được việc gì nói được lời nào cho hàng xóm được nhờ. Ông thiếu tá chỉ biết đánh giặc và đọc sách thôi còn trong gia đình, vợ ông gánh chịu tất cả mọi lo toan. Bởi vậy, nhân vật ông thiếu tá sẽ bị đánh giá lại. Ngoài ra các nhân vật như Sài trong Thời xa vắng, ông tướng về hưu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Vạn trong Bến không chồng, Lực trong Cỏ lau,…đếu là những nhân vật được xây dựng theo nguyên lí dịch chuyển tiêu chí từ thế giới sử thi sang thế giới tiểu thuyết. Sự dịch chuyển này làm số phận cá nhân và cấu trúc nhân cách trở nên phức tạp hơn, chân thật và sinh động hơn, khiến người lính trở thành phạm vi đời sống, xuất hiện trong các mối quan hệ mang tính người của nó. 1.3. Không gian và thời gian nghệ thuật của tác phẩm Từ cái nhìn thế sự - đời tư, không gian, thời gian nghệ thuật của tác phẩm cũng có nhiều thay đổi. Ở văn xuôi 1945 – 1975, chúng ta bắt gặp chủ yếu kiểu không gianlichj sử to lớn nơi diễn ra các hoạt động tập thể. Trong văn xuôi sau năm 1975 không gian chủ yếu là không gian đời thường, mang tính cá nhân riêng tư. Trong không gian đó bắt buộc con người phải thể hiện đến tận cùng bản chất của mình, không có cơ hội lảng tránh trách nhiệm cá nhân. Nó tham gia vào cuộc đời mỗi con người, trở thành bầu sinh quyển gắnlieền với buồn vui, cảm quan cuộc sống của con người. Căn gác xép trong Đám cưới không có giấy giá thú là nơi lẩn tránh, ẩn trú cuối cùng của anh giáo Tự khi bị đồng loại xa lánh. Căn phòng mười sáu mét vuông trong Thiên sứ là nơi chen chúc của những dục vọng, những ảo tưởng của bày thành viên gia đình cô bé Hoài. Không gian sinh hoạt còn là nơi phi huyễn hoặc các thánh thần biến họ trử thành người hơn như Kiếm sắc, Vàng lửa, Mưa Nhã Nam, Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp. Trong kiểu không gian này mối quan quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh được xử lí phong phú hơn. Cảm giác mang tính cá nhân taooj ra những không gian ảo giác, hoang tưởng của tâm linh, của cảm thức tôn giáo khiến người đọc như được tiếp xúc ngỡ ngàng với loại không gian của niềm tin bí ẩn và thành kính này. Thời gian thế sự, thời gian đời tư phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân, bị chi phối bởi trạng thái tâm lí, tình cảm của cá nhân là vấn đề mà nhiều tác phẩm quan tâm. Ở khuynh hướng sử thi thời gian gắn liền với những biến cố lịch sử, trình bày theo tuyến tính. Nhân vật cảm nhận thời gian gắn liền với những biến cố lịch sử, điểm nhìn đặt ở tương lai, coi hiện tại là sự vận động hướng đến tương lai. Trong văn xuôi sau năm 1975, thời gian mang cảm quan lịch sử vẫn tồn tại nhưng được khúc xạ qua kinh nghiệm cá nhân nên các mốc thời gian không còn nguyên ý nghĩa khách quan. Lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu cảm nhận hiện tại qua nỗi cót ruột của chuyến đi mất của. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được cảm nhận qua nỗi nhớ thương đứa con trai. Cuộc đời lão được đánh dấu bằng những mốc thời gian hết sức tầm thường: Sợi dây chão lão mang từ chợ Cày về, đứa con trai thứ ba ra đời, thời điểm gia đình đi khai hoang,… Do xu hướng khai thác chiều sâu tâm lí nên nhiếu tác phẩm có giới hạn thời gian sự kiện rất ngắn. Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải được gói ghém trong vài tiếng đồng hồ, Phiên chợ Giát diễn ra từ sáng đến non trưa,... Bù lại thời gian tâm lí, thời gian hồi tưởng lại có thể kéo dài đến vô cùng. Với Kiên Nỗi buồn chiến tranh, Hai Hùng Ăn mày dĩ vãng, người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành,…thời gian quá khứ trải dài với điệp trùng những kỉ niệm. Quá khứ, hiện tại đồng hiện cùng tương lai. Các lớp thời gian chồng chất lên nhau có khi đứt nối, có khi nhòe mờ đã phá vỡ cấu trúc truyện truyền thống, đưa kiểu cốt truyện tâm lí lên hàng đầu. 1.4. Sự thể hiện “cái bi” và “cái hài đời” Một đặc điểm của chất văn xuôi đậm nét trong thời kì này đó là sự thể hiện cái bi và cái hài đời. Văn học 1945 – 1975 thường né tránh cái bi. Nếu có bi tráng bi hùng thì cái hùng, tráng thường lấn át cái bi. Với cảm hứng sử thi và định hướng cổ vũ kháng chiến nên cái bi ít xuất hiện. Chỉ khi văn học lấy cá nhân làm hệ qui chiếu, khi hệ giá trị nhân bản được xác lập thì sự xuất hiện của cái bi mới trở thành hiện tượng bình thường. Những biến thiên lịch sử tích cực vẫn chứa đựng cái bi vì số phận cá nhân không trùng khít với số phận cộng đông. Chừng nào cái xấu cái ác còn tồn tại thì con người còn phải đối diện với bi kịch. Chiếc thuyền ngoài xa là bi kịch của hạnh phúc gia đình, Mùa lá rụng trong vườn là bi kịch của khủng hoảng niềm tin vào đạo đức con người trước sức ép nền kinh tế thị trường. Trong mạch cảm hứng về cái bi là sự cảm nhận sâu sắc về cái nhỏ bé, hữu hạn của kiếp người. Nỗi buồn, nỗi đau, mất mát có thể không thích hợp với việc diễn tả con người sử thi nhưng lại rất bình thường khi diễn tả đời tư. Thể hiện cái đau, cái buồn văn học không chỉ cắt nghĩa nguyên nhân, truy tìm trách nhiệm mà còn bảo vệ và nuôi dưỡng nhân tính. Các tác phẩm Cỏ lau – Nguyễn Minh Châu, Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, Mẹ - Chu Lai,…đã đề cập đến nỗi buồn chiến tranh và số phận bèo bọt của con người. Khám phá phương diện này văn chương thể hiện giọng trầm lắng, xót xa người đọc thông qua nỗi buồn mà điều chỉnh lại cách sống của chính mình. Cái bi còn hiện hình qua cảm thức cô đơn, nỗi hoang mang, lo âu trước bao điều phi lí dường như đang đậm dần trong con người hiện đại. Con người dường như mất đi khả năng giao tiếp với người khác như thế giới cô đơn trong Thiên sứ khi cả gia đình với hơn chục thành viên nhưng mỗi thành viên lại là mảnh vỡ rời rạc, không có chất keo kết dính. Tướng Thuấn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trở nên lạc loài giữa những người trong gia đình. Trong những bi kịch đó văn học còn đi nói về bi kịch của chính mình. Hồi kí Tô Hoài, Tạp văn Nguyễn Khải chứ đựng những kinh nghiệm những nhận thức đau đớn của người nghệ sĩ trong cuộc vật lộn để tìm kiếm chính mình. Nhưng văn chương nhìn vào nỗi đau hay quá khứ chính là ý thức về thực tại và hạnh phúc. Chính điều này khiến cho văn học nõi về cái bi nhưng không lụy, bi nhưng vẫn làm sống dạy khát khao hạnh phúc, khát khao được cởi bỏ nỗi cô đơn. Cái hài đời xuất hiện trong quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa nhà văn và bạn đọc, nhà văn và nhân vật. Quan hệ đó đòi hỏi phải cóa bỏ khoảng cách sử thi, thái độ thành kính với người trần thuật, thể hiện ý thức chống lại khuynh hướng lí tưởng hóa, thi vị hóa đời sống. Sự nhận thức về cái hài sẽ tạo thành một cảm hứng độc đáo trong văn học: cảm hứng trào lộng. Văn học Việt Nam 1945 – 1975 đi cùng hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại hầu như không có cảm hứng này. Văn học với cảm hứng sử thi chủ yếu viết về những vấn đề trang nghiêm trọng đại của đất nước, dân tộc. Đây là điểm nhìn cộng đồng thống nhất, không có sự vênh lệch. Trong khi ấy cái hài lại xuất hiện khi có những lệch chuẩn gây cười, sự không tương xứng mà con người có thể nhận ra được. Sự vênh lệch ấy chỉ có khi con người có những cách đánh giá khác nhau, cách nhìn nhận khác nhau về cùng một vấn đề. Văn học Việt Nam 1945 – 1975 có cái nhìn thống nhất của cộng đồng về hiện thực tuyệt đối hợp lí không có chỗ cho cái hài là cũng vì thế. Trong công cuộc đổi mới, ý thức cá nhân được giải phóng, giá trị con người được đề cao, tư tưởng riêng trở thành đòi hỏi nghệ thuật đã làm cơ sở cho sự xuất hiện cái hài. Hướng tiếp cận đời sống từ góc độ đạo đức – thế sự cũng làm xuất hiện bao nhiêu cái khiếm khuyết, lệch lạc, xấu xa của con người. Cùng với cảm hứng về cái bi, cảm hứng về cái hài tạo nên diện mạo trong văn chương thời kì đổi mới. Cảm hứng trào lộng gắn liền với sự phát hiện cái xấu và phê phán cái xấu. Nếu trước kia văn học thiên về ca ngợi, biểu dương khẳng định cái tích cực, đẹp đẽ thì bây giờ bổ sung thêm việc khám phá mặt trái, phê phán cái tiêu cực và sức mạnh phê phán, hủy diệt của tiếng cười sẽ phát huy. Nếu như “khi cười cái xấu chúng ta đứng cao hơn nó”- Séc-nư-xép-xki, thì nhà văn chính là những chiến sĩ trên mặt trận chống tiêu cực. Họ cho độc giả cười thỏa thuê trước cái xấu nhưng đó là cách họ giúp con người nhận thức được cái xấu, cái lố lăng đáng cười trong đời sống. Ví dụ, Nguyễn KHắc Trường trong Mảnh đất lắm người nhiều ma đã phơi bày sâu sắc, sống động hiện thực nông thôn đầy giả dối ở Xóm Giếng Chùa vốn đứng đầu về cái sang cái giàu lại phải trải qua trận đói giáp hạt vàng cả mắt. Trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng lại khai thác một nghịch lí hài hước: Kẻ tự cho mình sứ mệnh ban phát hạnh phúc cho người khác lại là kẻ gây bất hạnh, làm tổn thương con người. Giang Minh Sài khi tổng kết về cuộc đời mình đã cay đăng nhận ra: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào thì cứ sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định của người khác cốt cho đẹp mọi người chứ không phải sống cho hạnh phúc của chính mình”. Đây là thái độ sòng phẳng trước hạnh phúc cá nhân, nhưng làm sao anh có thể sống mà không yêu cái người khác yêu, làm sao có thể chống lại cả một tập thể cứ đinh ninh mình đang làm điều tốt. Lão Khúng trong truyện Nguyễn Minh Châu bất ngờ nhận ra bi kịch cuộc đời mình qua giấc mơ kì dị về ông chủ tịch Bời. Lão không thể giải thích được cái tình thê nực cười: Người lãnh đạo huyện xuất thân từ tầng lớp với lão, ngày đêm lúc nào cũng chăm chăm cái cách mạng của người dân quê mà cuộc sống của người dân vẫn dậm chân tại chỗ. Số phận lão vẫn là cái vòng tuần hoàn nhọc nhằn, lam lũ, bức bối. Cơ chế cũ cũng xuất hiện rất nhiều những chuyện nực cười. Một đại tá đữ từng ba mươi năm cầm súng chiến đấu lại lóa mắt vì đồng tiền rồi bị đẩy đến điểm xuất phát. Thời mở cửa nhà binh thâm nghiêm lột xác thành khu phố sực nước mùi mĩ phẩm. Về mặt ý nghĩa cái hài đối lập với cái bi nhưng dường như cảm hứng về cái hài lại gắn liền với cái bi, gợi ra nỗi đau, sự lo âu hay ít nhất là sự chua xót. Có những chuyện bi kịch sinh ra từ tình huống hài kịch như trong Bến không chồng. Lại có những hài kịch sinh ra từ tình huống bi kịch như chuyện con đấu tố cha trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Thấy được sự chuyển hóa trong cái bi và cái hài là một chiều sâu nhận thức trong văn học hiện nay. Sự chuyển đổi giao thoa giữa cái bi và cái hài thể hiện khá rõ qua loại nhân vật “lạc thời”. Họ thường là sản phẩm của hoàn cảnh phi lí rồi vì đi trước thời đại hoặc lạc hậu so với thời đại mà rơi vào bi kịch. Loại nhân vật này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng. Khuynh hướng tự trào tuy ít phổ biến hơn nhưng đã có những thành tựu đáng trân trọng. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu ẩn chứa triết lí thâm trầm sau nụ cười nhẹ nhõm. Khi ông giễu nah nhà văn phải sắm vai trẻ trung, lịch thiệp cho đẹp lòng cô vợ trẻ đến nỗi biến thành lố bịch, xa lạ với chính mình, ta nghe như có cả sự xót xa trước những người nghệ sĩ cứ phải diễn với đời. Cảm hứng trào lộng như một khuynh hướng đổi mới quan trọng sẽ đưa đến những cách tân đáng kể về hình thức văn xuôi nghệ thuật về cả ngôn ngữ và giọng điệu. Tóm lại, cảm hứng trào lộng trong văn xuôi gắn bó mật thiết với quan niệm đa chiều về cuộc sống và con người, một quan niệm ít lí tưởng nhưng chân thực và sâu sắc hơn. 2. Sự trần thuật từ nhiều điểm nhìn Điểm nhìn là phạm trù quan trọng của thi pháp học hiện đại. Nó là vị trí để người kể chuyện hoặc nhà văn lựa chọn để quan sát, thâu tóm hiện thực được phản ánh trong văn học. Việc tìm hiểu điểm nhìn thực chất là tìm hiểu một kiểu quan hệ, một phương thức tiếp cận của nhà văn với hiện thực. Văn học sau 1975 hướng đến những vấn đề đạo đức – thế sự, một vấn đề luôn được nhìn từ nhiều người, nhiều góc đọ khác nhau bởi vậy cần có một phương thức trần thuật phù hợp với cái nhìn đa chiều đó. Sau năm 1975, những quan niệm về hiện thực, về công chúng và về con người đã thay đổi dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong trần thuật. Hiện thực không phải mục đích duy nhất mà chỉ là phương tiện để thể hiện quan điểm của nhà văn. Trong văn xuôi giai đoạn này chúng ta thấy có các khuynh hướng vận động nổi bật của điểm nhìn như sau: 2.1. Khuynh hướng cá thể hóa Sự vận động của điểm nhìn theo khuynh hướng cá thể hóa có nghĩa là theo chiều hướng ngày càng in đậm dấu ấn cá nhân, cá tính, phong cách riêng biệt độc đáo của chủ thể. Có thể nói hiếm có giai đoạn nào mà nhu cầu cá thể hóa được thể hiện trên một qui mô rộng và trở thành nhu cầu thời đại như giai đoạn sau 1975. Trước 1975, phần vì yêu cầu thời đại phần vì do nhu cầu tự thân nhà văn mà điểm nhìn trong văn xuôi chủ yếu qua lăng kính sử thi – cộng đồng. Chuyển sang thời bình văn học phải đối diện với bao nhiêu vấn đề của đời sống. Nhà văn không thể giữ mãi cái nhìn giai cấp qua lăng kính cộng đồng, dân tộc. Đặc biệt chủ trương dân chủ hóa của Đảng cùng sự phát triển của nên fkinh tế thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ý thức cá nhân của con người cũng như ý thức cá tính trong nghệ thuật bừng tỉnh. Vì vậy, dấu ấn cá tính trong điểm nhìn trở thành một tiêu chí của giá trị, một mối quan tâm của văn chương. Cá thể hóa là nhu cầu tất yếu cầu tất yếu của điểm nhìn phù hợp với quan điểm của nhà văn và yêu cầu thời đại. Biểu hiện của khuynh hướng này thể hiện rõ nét ở những nhà văn có xu hướng “vắt dòng” qua hai giai đoạn trước và sau năm 1975. Ở một số cây bút chúng ta thấy xuất hiện với tần số rất lớn tác phẩm được trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật tôi trong các tác phẩm của Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài khiến người đọc có cảm tưởng như đồng nhất với tác giả. ở một số tiểu thuyết xu hướng cá thể hóa được đẩy lên đến mức cá biệt hóa. Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh đặt điểm nhìn vào trạng thái tâm hồn bất định nhiều lúc bấn loạn. Tạ Duy Anh trong Thiên thần sám hối trần thuật câu chuyện từ điểm nhìn của cái bào thai trong bụng mẹ. Những điểm nhìn này bước đầu đã tạo nên những cảm nhận mới lạ để laijnhieeuf ámhảnh trong lòng người đọc. Sự vận động của điểm nhìn theo khuynh hướng cá thể hóa vừa đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa vừa là kết quả tất yếu của sự thức tỉnh ý thức cá nhân. Nó giúp nhà văn cắt nghĩa, lí giải hiện thực theo hệ qui chiếu riêng. Nó giúp nhà văn phản ánh hiện thực đồng thời giúp chiêm nghiệm, chất vấn, tự vấn trước hiện thực được phản ánh. 2.2. Khuynh hướng đối thoại Khuynh hướng cá thể hóa của điểm nhìn gắn liền với khuynh hướng đối thoại. Bởi cá thể hóa không có nghĩa là đơn giản hóa, thu hẹp hoặc áp đặt cái nhìn một chiều trước hiện thực. Sắc thái cá nhân của điểm nhìn chỉ được nhận diện đầy đủ trong đối thoại với điểm nhìn cá nhân khác., với quan điểm cộng đồng, thị hiếu truyền thống hoặc trong quan hệ với cái chung. Xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội đề cao tinh thần dân chủ, nhiều tác phẩm được tổ chức qua một hệ nhiều điểm nhìn, phổ biến nhất là dạng hai điểm nhìn: một theo quan điểm truyền thống và một theo quan điểm của người kể chuyện hoặc của nhà văn. Cả hai điểm nhìn soi chiếu cùng một hiện thực. Ví dụ: “Trong thư anh, chiến tranh mang bộ mặt tươi rói, hào hùng. Tôi lo âu chỉ bởi chiến tranh mang bộ mặt người đàn bà xót xa, khắc khoải” (Phạm Thị Hoài, Thiên sứ). “Trong từng chương một, Kiên viết về chiến tranh một cách rất tùy ý như thể ấy là cuộc chiến tranh chưa từng biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh” (Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh). Nhu cầu đối thoại không hản là phản ứng của nhà văn với chân lí có sẵn hay sự phủ định những chuẩn mực cũ mà đó là nhu cầu nhìn lại một cách nhìn, từ đó thiết lập một hệ giá trị mới, đáp ứng hoàn cảnh của lịch sử thời đại mới. Ngoài ra nó còn làm nảy sinh ở người đọc tâm lí tự vấn trước hiện thực được nói tới. Khuynh hướng đối thoại của điểm nhìn dẫn đến hệ quả là nhà văn, người kể chuyện thường di chuyển điểm nhìn theo nhiều chủ thể khác nhau. Hơn nữa, nhu cầu chiêm nghiệm, tự vấn trước hiện thực khiến điểm nhìn luôn có xua hướng dịch chuyển từ nhà văn hoặc người kể chuyện đến các nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài đến điểm nhìn bên trong. Bằng cách đó nhà văn có thể khám phá, chiêm nghiệm về con người một cách đa diện hơn. Ví dụ, trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp việc ngậm miệng ăn tiền, việc đường ra trận mùa này đẹp lắm được soi chiếu qua điểm nhìn của đứa trẻ, người cha, người ông của nó. Ở đây điểm nhìn được soi chiếu từ nhà văn vào nhân vật không nhằm tái hiện nội tâm nhân vật mà để nhìn nhận hiện thực đa chiều và tạo ra tiếng nói đa âm cho lời văn nghệ thuật. Khuynh hướng đối thoại của điểm nhìn trong văn xuôi sau năm 1975 đã thúc đẩy quá trình đa dạng cách nhìn hiện thực tới phương thức phản ánh hiện thực; từ quan niệm văn chương đến vai trò của người cầm bút trong thời kì mới. 2.3. Khuynh hướng gián cách Ở khuynh hướng gián cách chủ thể của điểm nhìn luôn ý thức sâu sắc về ranh giới nhằm tạo sự phân li giữa các đối tượng: người kể chuyện, nhà văn và độc giả; nhất là tạo khoảng cách giữa các phạm trù: hiện thực khách quan, hiện thực trong niềm tin của người cầm bút và hiện thực được phản ánh trong tác phẩm. Trước năm 1975 văn xuôi thường đòi hỏi người đọc phải thực sự thâm nhập vào hiện thực được phản ánh trong tác phẩm và hình dung nó như câu chuyện có thật ngoài đời. Thói quen ấy là do cách nhìn hiện thực đơn giản và vì hiện thực trong tác phẩm thường gắn liền với hiện thực các biến cố lịch sử, xã hội. Trong vă n xuôi thời kì đổi mới, việc lựa chọn điểm nhìn của nhà văn buộc người đọc phải ý thức rõ hiện thực trong tác phẩm là hiện thực văn chương khác với hiện thực ngoài đời. Sự xuất hiện hàng loạt các tác phẩm viết theo lối “giả liêu trai” hoặc lấy cảm hứng sáng tác từ cái phi lí, kì ảo cũng có phần xuất phát từ nhu cầu này. Chính điều đó tạo nên hiệu quả kép trong nhận thức của người đọc. Tính gián cách của điểm nhìn tạo ra sự gián cách giữa người đọc và hiện thực, giữa người đọc với nhà văn. Sự vận động điểm nhìn theo khuynh hướng gián cách trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 là hệ quả tất yếu của điểm nhìn mang tính chất đối thoại và nhu cầu cá thể hóa. Nó cho thấy người cầm bút ý thức sâu sắc về vai trò cũng như quyền hạn của người nghệ sĩ. Gián cách đặt ra yêu cầu rất cao ở tư chất nghệ sĩ của nhà văn và trí tuệ người đọc. Gián cách đòi hỏi người cầm bút phải tìm cách viết khác, người đọc phải hình thành thị hiếu khác, phê bình văn học đòi hỏi bậc thang giá trị khác. Các khuynh hướng vận động của điểm nhìn nói trên có sự chi phối chặt chẽ lần nhau: Cá thể hóa vừa là yêu cầu của đối thoại, vừa là điều kiện để gián cách. Ngược lại, gián cách giúp tăng màu sắc cá thể, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối thoại. Sự xuất hiện các khuynh hướng này dẫn đến sự thay đổi hàng loạt các phương thức tư duy cũng như phương thức biểu đạt của người cầm bút đem đến cho văn xuôi sau 1975 những luồn gió mới. 3. Sự đổi mới ngôn ngữ Ngôn ngữ là chất liệu là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Mặt khác ngôn ngữ cũng là hiện tượng xã hội. Sự vận động không ngừng theo sự thay đổi của đời sống và chính sự phát triển của ngôn ngữ thời đại cũng gớp phần chi phối tư duy văn học. Nhiều nhà văn sau năm 1975 cũng đặt vấn đề cách tân ngôn ngữ. Nguyễn Huy thiệp khẳng định: “Tôi biết thứ ngôn ngữ giản dị như đất - Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng – Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người - Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuồng hồ”. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một hiện tượng lạ vụt đến, ngoài khả năng biến ảo của bút pháp đa dạng, ngoài những tư tưởng độc đáo được trình bày dưới dạng phản biện với đời sống, ông còn gây cú sốc thực sự cho kinh nghiệm ngôn ngữ văn chương. Lối nói cộc lốc, sắc bén và hàm súc, câu văn ngắn gọn, dồn dập, ngắn gọn, hạn chế tối đa sự miêu tả và bình luận chứa một năng lượng bùng nổ dữ dội làm rung chuyển lối văn mực thước, trang trọng nhiều rào đớn đưa đẩy hoặc êm ái, du dương. Đổi mới về ngôn ngữ đã gớp phần không nhỏ đem đến hơi thở cuộc sống cho văn chương. Sự biến đổi của ngôn ngữ được ghi nhận ở những đặc điểm nổi bật sau: 3.1. Ngôn ngữ đậm chất hiện thực – đời thường Với cảm hứng sử thi văn xuôi 1945 – 1975 chủ yếu hướng tới cái cao cả, cái đẹp đẽ siêu phàm. Ngôn ngữ giai đoạn này giàu chất thơ, trang trọng và mĩ lệ. “CHất hiện thực” và “tính đại chúng” được nhìn bằng con mắt lí tưởng. Sau năm 1975, mạch cảm hứng thế sự nổi lên, văn xuôi chú trọng nhu cầu diễn đạt cá tính, nhu cầu thông tin trong điều kiện ý thức cá nhân đang được khơi dậy mạnh mẽ. Tư duy tiểu thuyết cho phép chất liệu đời thường ùa vào văn học. Bước chuyển đổi ngôn ngữ văn xuôi lúc đầu gắn với khát vọng được nói thật. Sự cổ vũ của Đảng nhìn thẳng cào sự thật kích thích văn học phanh phui cái ác, cái xấu, mặt trái của xã hội. Ngôn ngữ nghệ thuật dần dần mất đi vẻ trang trọng, thi vị, ít du dương, rào đón và tăng dần chất thô mộc, góc cạnh của đời thường, suồng sã trong giọng điệu riết róng trong từ ngữ. Chưa bao giờ ngôn ngữ văn học gần với ngôn ngữ sinh hoạt – thế sự như thế. Chưa bao giờ trong văn học xuất hiện những câu chửi thề, chửi tục, lối nói trần trụi, bụi bặm, dân dã nhiều như thế. Không còn lối văn đạo mạo của người rao giảng đạo đức, ngôn ngư văn xuôi hiện nay đầy hứng thú với cách định danh, định tính chính xác sự vật hiện tượng. Ví dụ: - “Tại vì đây là thứ tình yêu chẳng có hôn hít gì cả, chỉ có tình yêu với Đức thánh Trần mới như thế chứ”. (Nguyễn Huy Thiệp – Mưa) - “Vâng! Điều đó sẽ hoàn toàn chính xác nếu như tôi còn biết bẽ mặt hay còn có mặt để mà bẽ”. (Chu Lai – Ăn mày dĩ vãng) - “Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba chở một đứa con gái bé như cái kẹo không ôm iếc gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bịch” (Phan Thị Vàng Anh – Hoa muộn) Ngôn ngữ có khả năng dung nạp thoải mái thành phần khẩu ngữ, cố tình xô lệch cú pháp nhất là sự công khai nhại lại tất cả mọi ngôn ngữ kiểu cách vô hồn. Trong truyện ngắn Tướng về hưu là một ví dụ điển hình. Hay trong truyện Không có vua cũng vậy, “Theo đồn đại, đại thể đấy là một “xen” về tình yêu, giản dị, trong sáng, không vụ lợi, cuộc sống là duy vật biệnch ứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu”. Cùng với sự gia tăng khẩu ngữ là sự xuất hiện phổ biến các đại từ nhân xưng suồng sã: y, thị, hắn, gã. Chúng xuất hiện với chức năng dân chủ hóa, thân mật hóa các mối quan hệ của văn học, đồng thời biểu hiện quan niệmdđời thường hóa con người. Kết hợp với giọng điệu thản nhiên, suồng sã không quan trọng hóa bất cứ điều gì, hệ thống các đại từ nhân xưng này làm tăng thêm chất nghịch, chất hài cho văn chương. 3.2. Ngôn ngữ tăng cường tính tốc độ, thông tin và tính triết luận Trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại công nghệ cao và chuyển động siêu tốc như hiện nay, ngôn ngữ trong văn xuôi cũng đòi hỏi tăng cường tính tốc độ, thông tin. Tính tốc độ thể hiện ở lối vào truyện nhanh, mạch truyện dồn dập. Đối thoại giữ vai trò quan trọng trong sự mở rộng cốt truyện, dẫn dắt, liên tưởng tạo ra cảm giác căng của mạch truyện. Tính tốc độ thể hiện ở lối liệt kê miên man, giản lược các lời bình luận, đánh gia, ở sự đậm đặc các chi tiết như trong văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài,…Tính tốc độ của ngôn ngữ phù hợp cho nhu cầu diễn đạt đời sống thường nhật xô bồ, hỗn tạp, bề bộn lo toan, chồng chéo quan hệ như một dòngy cảy sôi sục. Ưu thế về tốc độ trong ngôn ngữ cũng như trong sinh hoạt thuộc về giới trẻ. Ý thức tốc độ giúp Phan Thị Vàng Anh viết cứ như chơi mà diễn tả thật chính xác nhịp điệu sống, nhịp tâm lí và phù hợp với mọi lứa tuổi: Sáng sơm, trời đùng đục, lành lạnh. Người nói sẽ mưa, người nói không mưa, mẹ tôi và chị Tương đưa ra cái lí thuyết nhỡ dọc đường…đến nơi thì ẩm ướt, hôi hám”. Tôi gắt: “Mưa sao được mà mưa, cuối mùa rồi, cuối năm rồi, chọc cũng không ra nước”.Lữ không nói gì, đi vòng quanh cây ổi, thỉnh thoảng giơ tay xem đồng hồ, mãi đến cuối chịu không nổi cái đám phụ nữ tẩn mẩn, vô ích này, nó làm bộ lơ đãng hỏi tôi: “Cúng đình lúc mấy giờ?”. Thế là vội vã kéo nhau đi thế là bà cụ quên kính, chị Tương quên đem theo hai gói xí muội, còn tôi thừa cơ hội giả quên luôn hai cái áo mưa ở nhà”. Phạm Thị Hoài dũng kĩ thuật loại bỏ các dấu câu, liệt kê la liệt, đặt chen chúc bên cạnh nhau những sự vật, hiện tượng, khái niệm, cảm giác không cùng mổ hệ thống để tạo tốc độ hoặc lối nói tắt trong sinh hoạt. Tăng cường tốc độ là tăng cường khả năng thông tin cho ngôn ngữ và ngược lại tăng cường thông tin tất sẽ đòi hỏi tăng tốc độ. Đó là lí do xuất hiện loại truyện cực ngắn, truyện mini. Tăng cường thông tin cũng chính là biết sử dụng và dung nạp những thành phần ngôn ngữ mới. Lượng thông tin đạt đến mức độ tối đa nằm ở một thứ ngôn ngữ đa nghĩa, nhiều ngụ ý. Ngôn ngữ này sinh ra từ tính phức điệu đa thanh của tiểu thuyết. Mặt khác ngôn ngữ đa nghĩa cũng là sản phẩm của hứng triết luận ngày càng cao trong văn học. Thế hệ các cây bút trẻ muốn trình bày đời sống qua chiều sâu cảm nhận cá nhân mà học sẵn lòng tin vào giá trị của nó, nên họ cũng rất ưa triết luận. Có thể nói tăng cường tính triết luận là đặc điểm nổi bật của văn xuôi thời kì đổi mới. 3.3. Sự đa dạng về giọng điệu Giọng điệu như một phạm trù thẩm mĩ có ý nghĩa rất lớn trong việc xác lập phong cách nhà văn. Giọng điệu làm thành bản sắc riêng của một trào lưu, một trường phái hay một thời đại văn học. Nhìn đại thể văn xuôi Việt Nam 1945 – 1975 tương đối nhất quán về giọng điệu: giọng khẳng định, ngợi ca của một cái nhìn tin tưởng, lạc quan bao trùm. Giọng điệu nhất quán phù hợp với yêu cầu thống nhất cao độ của cộng đồng, tuân thủ kinh nghiệm của cộng đồng. Văn xuôi từ sau 1975, đặc biệt từ khi đổi mới chủ yếu diễn đạt kinh nghiệm cá nhân, đáp ứng đòi hỏi cao về giá trị cá nhân. Ý thức cá tính lên ngôi, cái nhàm tẻ, cái công thức, đơn điệu bị chế giễu bị coi làt hiếu thẩm mĩ. Ví dụ: Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ ở nhà khác, trèo lên cây ổi nhà khác vặt quả…đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn vì nó lạ mà tôi chỉ cần lạ. (Phan Thị Vàng Anh – Mười ngày). Những giọng điệu thường gặp trong văn xuôi giai đoạn này đó là: Thứ nhất là giọng hoài nghi. Trong khoa học hoài nghi là động lực phát triển còn trong nghệ thuật hoài nghi là tinh thần của tiểu thuyết. Có thể ở một khái cạnh nào đó giọng hoài nghi khúc xạ tâm lí hẫng hụt, là âm vang của một cuộc khủng hoảng xã hội. Trong giọng hoài nghi chứa đựng nỗi khát khao nhân bản và niềm khao khát cái đẹp: “Trời ơi, mấy chục năm qua sự cạnh tranh của đời sống khốc liệt thế nào mà cả những con người hiền lành, thân thuộc với nhau cũng không thoát khỏi thói quen thường trực là phải soi mói lẫn nhau, phải tìm ra sự khác biệt để đối lập nhau, trái ngược hẳn với đời sống hòa bình vốn dĩ, nên bây giờ há miệng mắc quai”. Thứ hai, bện cạnh để bổ sung cho giọng hoài nghi là giọng chất vấn, đay đả. Giọng này thường đi với hành văn nửa nghiêm túc, nửa đùa cợt mỉa mai, nhấn mạnh vào thành phần định ngữ mở rộng hay mệnh đề phụ của câu., hoặc đi với những so sánh, liên tưởng tạt ngang có tính chất cường điệu hay cực tả, xuất hiện khi tác giả có ý định đi tìm căn nguyên cái xấu. Ví dụ: “Gạo vẫn đang lên đấy. Hai thành nay gạo đang lên chót vót ở cỡ hai ngàn hai. Sờ lên gáy khắc biết xóm Chùa chưa hết thời qui ra gạo” (Đất xóm Chùa) Thứ ba, hứng thú nghiên cứu cùng trải nghiệm cá nhân và thái độ tự tin về mình đemlại giọng điệu từng trải, lọc lõi. Điều này trước đây thường thấy trong văn Nguyễn Khải, Từ sau năm 1975 rất nhiều cây bút trẻ cũng sử dụng giọng điệu đó. Ví dụ: “Ở đời này người ta chỉ sẵn sàng chết rét, chết đói, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con em mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, vinh hoa, chứ không ai chịu tai tiếng, chịu sỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó” (Con chó và vụ li hôn – Dạ Ngân) Thứ tư, giọng điệu phổ biến nhất trong lớp nhà văn trẻ chính là giọng giễu nhại.Tuổi trẻ nhạy cảm với cái mới lại nhập cuộc gần như với kinh tế thị trường …họ công khai chống lại các nguyên tắc bảo thủ, lỗi thời, các qui phạm, thói trịnh trọng cứng đờ, tính giáo huấn, những quan hệ xã giao đạo đức giả,…Dường như không quá coi trọng văn chương của lớp đàn anh nên họ đối xử với nó tự do hơn. Họ thích cười đùa hơn là tư lự, trang nghiêm. Giọng giễu nhại có những biến thái khác đó là chất cay đắng tàn nhẫn. Trong mươi năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc văn xuôi nước ta mang giọng trần thuật chủ đạo là trầm tĩnh, khách quan. Từ giữa thập niên tám mươi trở đi văn chương mang giọng phê phán, phân tích xã hội với sự phát triển ồ ạt của dòng văn học chống tiêu cực. Sau đó giọng phê phán tràm xuống hòa đồng với rất nhiều giọng khác. Giọng điệu văn xuôi thường mang nhiều chất suy tư, khắc khoải nhiều chiêm nghiệm, tự vấn về thế sự nhân sinh. Từ đầu thập kỉ chín mươi trở lại đây giọng giễu nhại và hoài nghi chiếm ưu thế. Tóm lại, ngôn ngữ văn học, vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là chất liệu, phương tiện của hình tượng, vừa là nội dung với ý nghĩa cá tính, cảm quan, tư tưởng của nhà văn đã thật sự thay đổi. Cùng với sự vận động tư duy văn học, ngôn ngữ văn xuôi hiện nay ngày càng sinh động, linh hoạt và giàu chất đời thường. KẾT LUẬN “Sự đổi mới của văn học cũng như bao sự đổi mới khác là cả cuộc chuyển động biện chứng lâu dài, khẳng định nó bắt đầu từ đâu kể cũng võ đoán” (Hà Xuân Trường nhưng không thể phủ nhận sự đổi mới trong văn học sau năm 1975 là có thật. Nó diễn ra như cuộc nhận đường sâu sắc và toàn diện: từ ý thức nghệ thuật đến hành vi sáng tạo, từ nhà văn đến công chúng độc giả, từ bản chất chức năng văn học đến tư cách nghệ sĩ, từ tư tưởng đến thi pháp, từ quan niệm đến chi tiết,… Hơn bốn thập kỉ đã trôi qua văn xuôi cũng bộc lộ những cực đoan, ngộ nhận, không ít những thử nghiệm lạc hướng hoặc không tới đích nhưng rõ ràng nó đã một diện mạo mới, trẻ trung, sinh động nhờ tâm huyết và tài năng của biết bao người cầm bút. Xác định những đặc điểm trong sự đổi mới của văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 là vấn đề vô cùng cần thiết nhất là với học sinh THPT hiện nay. Chuyên đề này không chỉ giúp các em nắm được những đặc điểm cơ bản về nghệ thuật của văn học thời kì đổi mới mà còn là công cụ giúp các em định hướng tiếp nhận các tác phẩm mới hiện nay, đặc biệt khi đề thi THPT quốc gia chú ý đến kĩ năng đọc hiểu, mở rộng phạm vi ra các văn bản ngoài nhà trường. Tuy nhiên, chuyên đề mới chỉ đề cập đến một số những đổi mới về phương diện nghệ thuật của văn xuôi từ sau năm 1975 đến khoảng những năm chín mươi của thế kỉ, trong khi Đi qua một hành trình dài với nhiều sự kiện hấp dẫn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận nhiều người nghệ sĩ vẫn sáng tạp không ngừng nên quá trình đổi mới vẫn đang tiếp tục nên rất có thể những điều đề cập đến trong chuyên đề vẫn còn chưa đủ, còn nhiều tranh cãi. Trên đây chỉ là phác họa vài nét lớn trong sự đổi mới về phương diện nghệ thuật của văn xuôi từ sau 1975. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thị Bình, Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995 những đổi mới cơ bản, NXB Giáo dục, 2007. 2. Nguyễn văn Long – Lã Nhâm Thìn, Văn học Việt Nam sau năm 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, 2009. 3. Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Bình,…, Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại tập II, NXB Dại học Sư phạm, 2010.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan