Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Hướng dẫn học triết học

.PDF
432
23
76

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VIỆN ĐAỊ HỌC MỞ HÀ NỘI HƯỚNG DẪN HỌC TRIẾT HỌC DÙNG CHO HỆ CAO HỌC (Không thuộc chuyên ngành triết học) CHỦ BIÊN: PGS.TS.VŨ NGỌC PHA Hà Nội, tháng 10-2014 Chủ biên: PGS.TS.Vũ Ngọc Pha Tập thể tác giả: PGS.TS.Nguyễn Đình : Chương: I, II . Tường TS.Trần Hồng Thúy : Chương: III, IV (Phần I,II). PGS.TS.Vũ Ngọc Pha : Chương: IV( Phần III,IV ) PGS.TS.Vũ Ngọc Pha : Chương: V,VI,VII,VIII LỜI NÓI ĐẦU Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập triết học của học viên cao học. Viện Đại học mở Hà Nội, tổ chức biên soạn và ấn hành tập sách Triết học dùng cho học viên cao học,trình độ đào tạo thạc sỹ, không thuộc chuyên ngành triết học. Nghiên cứu triết học với tính cách là một hình thái ý thức xã hội có lịch sử phát triển từ thời cổ đại đến hiện đại giúp cho người học thâu tóm trí tuệ của mỗi thời đại lịch sử được kết tinh trong triết học nhằm làm giầu trí tuệ của mỗi người; nắm được quá trình hình thành và phát triển của thế giới quan và phương pháp luận khoa học, và tính chất hạn chế, sai lầm của thế giới quan duy tâm; hiểu rõ, sự xuất hiện triết học Mác - Lênin là một tất yếu lịch sử,phù hợp với lôgic khách quan của sự phát triển nhân loại và trong điều kiện mới của thời đại ngày nay việc mở rộng và phát triển triết học Mác-xit cũng là một tất yếu lịch sử. Hơn nữa, nghiên cứu triết học, giúp học viên hiểu biết quá trình nhận thức và vận dụng sáng tạo triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước ta vào việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.Trên cơ sở đó giúp học viên vân dụng tri thức triết học vào việc tiếp thu cac môn khoc học chuyên ngành nói riêng và vào hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn nói chung. Tập sách này được biên soạn dựa trên cơ sở “ Chương trình môn Triết học dùng cho khối không chuyên ngành Triết học trình độ đào tạo thạc sỹ các ngành khoa học xã hội và nhân văn” do Bộ giáo dục và đào tạo tạo ban hành kèm theo thông tư số; 08/2013/TT-BGDĐT ngày 8 tháng 3 năm 2013của Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Tham gia biên soạn là tập thể các thày cô giáo đã có kinh nghiệm giảng dậy cho học viên cao học và nghiên cứu sinh ở một số trường Đại học và Viện triết học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt nam.Trong quá trình biên soan các tác giả đã kế thừa trục tiếp giáo trình Triết hoc quốc gia và giáo trình của Bộ giáo dục và đào tạo. Các Tác giả đã làm việc rất cố gắng và tận tâm .Tuy nhiên,do còn hạn chế khách quan và chủ quan nên khó tránh khỏi những điểm còn phải sửa đổi, bổ sung.Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng của đông đảo bạn đọc . Tháng 10 năm 2014 VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI CHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN VỀ TRIẾT HỌC I. TRIẾT HỌC VÀ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC 1. Triết học và đối tượng của triết học a. Tính tất yếu và những điều kiện ra đời của triết học. Triết học ra đời khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI trước Công nguyên tại một số nền văn minh cổ đại ở phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ) và phương Tây (Hy Lạp và La Mã). Như vậy triết học ra đời vào thời kỳ chế độ chíêm hữu nô lệ, mà người ta thường gọi là thời kỳ cổ đại. Triết học ra đời không phải ngẫu nhiên mà nó có nguyên nhân, nguồn gốc của nó. - Nguồn gốc xã hội: Lịch sử loài người khởi đầu từ thời kỳ chế độ công xã nguyên thuỷ, thời kỳ này chưa có giai cấp, Nhà nước. Tiếp theo là thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sự phát triển của sản xuất đã thúc đẩy sự phân công lao động. Cùng với sự xuất hiện hai giai cấp cơ bản là giai cấp chủ nô và nô lệ, còn có sự xuất hiện các tầng lớp trung gian, trong đó có tầng lớp trí thức, chuyên lao động trí óc. Tầng lớp này chủ yếu phục vụ cho giai cấp chủ nô thống trị nên họ có điều kiện vật chất và trí tuệ để đi chuyên sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, triết học… Chính sự phân công lao động này đã tạo điều kiện cho sự hình thành triết học. - Nguồn gốc nhận thức: Cùng với nguồn gốc xã hội thì yếu tố nhận thức của con người, đặc biệt là trình độ hiểu biết về các lĩnh vực hoạt động tinh thần của tầng lớp lao động trí óc đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời của triết học. Trong thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ đã có được sự phát triển nhất định của khoa học về các lĩnh vực khác nhau, trong đó phải kể đến các tri thức về tự nhiên, đặc biệt là toán học, thiên văn học, vật lý học, y học… Chính sự phát triển của tri thức về khoa học nói trên đã tạo điều kiện cho sự hình thành tư duy trừu tượng và khái quát cao của con người về thế giới. Năng lực tư duy trừu tượng cao này là điều kiện cần thiết cho sự ra đời của triết học, nếu không có nó thì triết học không thể hình thành và phát triển được. Như vậy với nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức của triết học đã chứng minh rằng, triết học không thể xuất hiện trước đó ở thời kỳ chế độ công xã nguyên thủy được. Chính trong thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ, hay xã hội cổ đại, với sự xuất hiện giai cấp, sự phân công lao động cùng với sự phát triển của tri thức khoa học, tư duy trừu tượng và khái quát cao như là tính tất yếu và những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của triết học. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, triết học ra đời từ thực tiễn, do nhu cầu của thực tiễn, biểu hiện ở nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội của nó. b. Các cách tiếp cận và các quan niệm khác nhau về “triết học” trong lịch sử. Triết học hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử khoảng trên 2.500 năm ở cả phương Đông và phương Tây. Cũng trong khoảng thời gian đó đã xuất hiện nhiều cách tiếp cận và các quan niệm khác nhau về “triết học”. Ở Trung Quốc cổ đại thuật ngữ triết học có nguồn gốc ngôn ngữ là chữ “triết”. Theo nghĩa của từ này cho thấy, người Trung Quốc quan niệm triết học không phải là sự miêu tả mà là sự truy tìm bản chất của sự vật. Vì vậy, triết học chính là trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người. Ở Ấn Độ cổ đại thuật ngữ triết học lại có nghĩa là sự “chiêm ngưỡng” (Dar’sana), nhưng nó có ý nghĩa sâu xa là tri thức dựa trên lí trí, là con đường suy ngẫm để định hướng con người đến với chân lý, với lẽ phải. Còn ở phương Tây, thuật ngữ triết học xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, được phiên sang tiếng Latin là “Philosophia”, có nghĩa là “yêu mến sự thông thái”. Với nghĩa như vậy, triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức. Nhà triết học đồng thời là nhà thông thái có khả năng tiếp cận chân lý, nghĩa là hướng đến bản chất của mọi sự vật, hiện tượng của thế giới. Như vậy, với người Hy Lạp cổ đại, triết học vừa mang tính định hướng, vừa chứa đựng khát vọng, nhu cầu tìm kiếm sự đúng đắn, lẽ phải, chân lý của con người. Như vậy, đã có nhiều cách quan niệm khác nhau về triết học, nhưng đều bao hàm những nội dung cơ bản giống nhau. Triết học nghiên cứu thế giới với tư cách là một chỉnh thể, tìm ra những quy luật chung nhất chi phối sự vận động của thế giới nói chung, của xã hội loài người, của con người trong cuộc sống cộng đồng nói riêng và thể hiện nó một cách có hệ thống dưới dạng các lý luận, học thuyết, lý thuyết... Cho dù ở phương Đông hay phương Tây, ngay từ đầu, triết học đã là hoạt động tinh thần biểu hiện khả năng nhận thức, đánh giá của con người, nó tồn tại với tư cách là một hình thái ý thức xã hội và với tư cách là một khoa học. c. Vấn đề đối tượng của triết học Trong quá trình phát triển, đối tượng của triết học thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử của nó. Trong thời kỳ cổ đại chưa có sự tách rời, phân biệt giữa triết học và các khoa học cụ thể. Đối tượng của triết học cũng chính là đối tượng của các khoa học. Trong thời kỳ này, triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức, bao hàm trong nó tri thức về tất cả các lĩnh vực của các khoa học cụ thể. Đây là nguyên nhân cơ bản để hình thành nên quan niệm cho rằng “triết học là khoa học của mọi khoa học”, đặc biệt là triết học Hy Lạp cổ đại. Chính yếu tố này đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của triết học cổ đại và ảnh hưởng to lớn của nó đối với sự phát triển của triết học phương Tây sau này. Trong thời kỳ trung cổ ở Tây Âu, do sự thống trị của nhà thờ và giáo hội Kitô giáo đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cho nên triết học phát triển một cách chậm chạp. Hơn nữa triết học Hy Lạp cổ đại trong những năm đầu của thời kỳ này đã bị quên lãng và hầu như không có ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng Tây Âu trung cổ. Triết học chủ yếu của thời này là triết học kinh viện kết hợp với thần học có nhiệm vụ giải thích và bảo vệ các giáo điều của kinh thánh nhằm phục vụ cho giáo hội và tôn giáo. Chính vì vậy triết học không được tự do sáng tạo và bị biến thành “tôi tớ” cho thần học. Trong lịch sử, triết học ở giai đoạn này là yếu kém nhất và không phải ngẫu nhiên mà Tây Âu thời trung cổ được gọi là đêm trường trung cổ. Thời kỳ Phục Hưng và cận đại ở phương Tây với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản đã đòi hỏi và tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XV – XVI) cùng với những thành tựu của khoa học và sự ảnh hưởng của triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại, triết học thời kỳ này đã nghiên cứu các vấn đề về vũ trụ, chính trị - xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, con người … Nhưng trọng tâm của triết học Phục Hưng chính là chủ nghĩa nhân văn. Nếu như trong thời kỳ trung cổ vấn đề về Thượng đế được đề cao, con người bị hạ thấp, coi thường, thì ngược lại trong thời kỳ phục hưng con người được đề cao về các phương diện tự do, vẻ đẹp của cơ thể, của lý trí… Điều này thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của triết học Phục Hưng làm tiền đề cho triết học khai sáng sau này. Triết học Tây Âu cận đại thế kỷ XVII – XVIII là một bước phát triển về chất so với thời kỳ Phục Hưng. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã đạt được những thành tựu to lớn trong sản xuất, công nghiệp, kinh tế… khoa học tự nhiên đã có được sự phát triển mạnh mẽ và bước đầu tách ra khỏi triết học - tự nhiên để trở thành những khoa học độc lập. Trong thời kỳ này, triết học nghiên cứu về nhiều vấn đề như bản thể luận, nhận thức luận, chính trị - xã hội, con người, tôn giáo… Nhưng trọng tâm của triết học Tây Âu cận đại chính là vấn đề về nhận thức luận. Do sự phát triển của khoa học và triết học cho nên yêu cầu đặt ra là cần phải có phương pháp nghiên cứu phù hợp với từng lĩnh vực của chúng. Vì vậy hai phương pháp nhận thức cơ bản của triết học đã hình thành trong thời kỳ này, đó là chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa kinh nghiệm với các đại biểu điển hình như: Ph.Bêcơn, T.Hốpxơ, G.Lốccơ, G.Béccơli, Đ.Hium… Chủ nghĩa kinh nghiệm chiếm ưu thế trong thế kỷ XVIII với đặc điểm là đề cao kinh nghiệm, cảm tính mà coi nhẹ lý tính trong nhận thức. Còn ngược lại, chủ nghĩa duy lý với những đại biểu điển hình như: R. Đềcáctơ, Xpixôda, Lépnít… chiếm ưu thế trong trong thế kỷ XVII. Đặc điểm của chủ nghĩa duy lý là đề cao sức mạnh của lý tính, mà coi nhẹ kinh nghiệm. Triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc chuẩn bị tiền đề lý luận cho cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 – 1794. Đây là cuộc cách mạng triệt để nhất từ trước cho đến giai đoạn này, nó báo hiệu cho sự sụp đổ của chế độ phong kiến và hệ tư tưởng của nó là tôn giáo, mở đầu cho sự thắng lợi căn bản của chủ nghĩa tư bản. Kết thúc của triết học Tây Âu cận đại là nền triết học cổ điển Đức với những đại biểu điển hình như: I. Kant, G.V.Ph. Hêghen, Lútvích Phoiơbắc. Triết học cổ điển Đức được coi là đỉnh cao của sự phát triển triết học trước Mác. Trong triết học này nếu như I. Kant đặt ra 4 nhiệm vụ chủ yếu của triết học là về tri thức, đạo đức, mỹ học và con người, đặc biệt vấn đề con người là trọng tâm của đối tượng triết học, thì Hêghen lại coi triết học là khoa học của các khoa học. Hêghen cũng chính là nhà triết học cuối cùng của lịch sử triết học khi đưa ra quan niệm có tính hạn chế này. Chỉ khi triết học Mác ra đời xem triết học với tư cách là một khoa học thì đối tượng nghiên cứu của nó mới được giải quyết một cách triệt để. Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn đến sự ra đời của triết học Mác. Đoạn tuyệt triệt để với quan niệm triết học là “khoa học của các khoa học”, triết học mác xít xác định đối tượng nghiên cứu của mình là tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trên lập trường duy vật triệt để và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học nghiên cứu thế giới bằng phương pháp của riêng mình khác với mọi khoa học cụ thể. Nó xem xét thế giới như một chỉnh thể và tìm cách đưa ra một hệ thống các quan niệm về chỉnh thể đó. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tổng kết toàn bộ lịch sử của khoa học và lịch sử của bản thân tư tưởng triết học. Triết học là sự diễn tả thế giới quan bằng lý luận. Chính vì tính đặc thù như vậy của đối tượng triết học mà vấn đề tư cách khoa học của triết học và đối tượng của nó đã gây ra những cuộc tranh luận kéo dài cho đến hiện nay. Nhiều học thuyết triết học hiện đại ở phương Tây muốn từ bỏ quan niệm truyền thống về triết học, xác định đối tượng nghiên cứu riêng cho mình, hạn chế triết học chỉ còn là sự mô tả những hiện tượng tinh thần hay phân tích ngữ nghĩa và chú giải văn bản… Mặc dù vậy, cái chung về đối tượng của các học thuyết triết học vẫn là nghiên cứu những vấn đề bản chất của thế giới, của giới tự nhiên, của xã hội và con người; là nghiên cứu mối quan hệ của con người nói chung, của tư duy con người nói riêng với thế giới xung quanh. 2. Vấn đề cơ bản của triết học và chức năng cơ bản của triết học a. Vấn đề cơ bản của triết học Triết học cũng như những khoa học khác phải giải quyết nhiều vấn đề có liên quan với nhau, tuy nhiên trong số đó có nội dung được coi là quan trọng nhất mà việc giải quyết nó được coi là điều kiện xuất phát để thực hiện những vấn đề còn lại, đó chính là vấn đề cơ bản của triết học. Vấn đề cơ bản của triết học là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, hay là mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, giữa tinh thần và giới tự nhiên. Theo Ăngghen “vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại”. Sở dĩ mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại được xem là vấn đề cơ bản của triết học là bởi vì: trong lịch sử triết học từ thời kỳ cổ đại cho đến nay bất kỳ trường phái triết học nào cũng đều phải trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến mối quan hệ này;giải quyết vấn đề này là cơ sở để giải quyết tất cả các vấn đề triết học khác còn lại. Hơn nữa, từ việc giải quyết mối quan hệ này đã hình thành các trường phái triết học khác nhau: chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm, nhị nguyên luận và thuyết không thể biết. Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt là bản thể luận và nhận thức luận. Nội dung của hai mặt đó được thể hiện như sau: Mặt thứ nhất (bản thể luận): Giữa ý thức và vật chất cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Mặt thứ hai (nhận thức luận): Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Trả lời cho hai vấn đề trên là cơ sở để phân loại các trường phái và học thuyết khác nhau trong lịch sử triết học. Chủ nghĩa duy vật cho rằng, vật chất có trước và quyết định ý thức, còn ý thức là có sau và được sinh ra từ vật chất. Chủ nghĩa duy tâm cho rằng, ý thức có trước và quyết định vật chất, còn vật chất có sau và được sinh từ ý thức. Trường phải nhị nguyên luận coi ý thức và vật chất là hai yếu tố tồn tại song song, độc lập với nhau, không phụ thuộc vào nhau. Khả tri luận cho rằng con người có thể nhận thức được thế giới. Còn thuyết không thể biết (Bất khả tri) khẳng định con người không thể nhận thức được bản chất thế giới, mà chỉ nhận thức được hiện tượng của thế giới mà thôi. Ngày nay nhiều trường phải triết học phương Tây hiện đại phủ nhận vấn đề cơ bản của triết học. Tuy nhiên, cuối cùng dù trực tiếp hay gián tiếp thì các trường phái này cũng đều phải đề cập đến nó. b. Chức năng cơ bản của triết học (thế giới quan, phương pháp luận, giá trị luận và các chức năng khác). - Chức năng thế giới quan của triết học: Khái niệm thế giới quan: Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm chung của con người về thế giới, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó. Trong thế giới quan có sự kết hợp giữa tri thức và niềm tin. Trong đó tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan. Tuy nhiên tri thức đó chỉ trở thành yếu tố quan trọng của thế giới quan khoa học khi nó là đúng đắn và trở thành niềm tin định hướng cho hoạt động của con người. - Các loại hình thế giới quan: Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu về thế giới quan. Dựa vào quá trình và trình độ phát triển của thế giới quan, người ta phân chia ba loại hình cơ bản: thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học. Thế giới quan huyền thoại: Là phương thức cảm nhận thế giới của con người cuối nguyên thuỷ. Ở thời kỳ này, các yếu tố tri thức và cảm xúc, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng, cái thật và cái ảo… của con người kết hợp với nhau để thể hiện sự hiểu biết, quan niệm về thế giới bên ngoài. Nhìn chung thế giới quan này có yếu tố hợp lý làm cơ sở cho thế giới quan đúng đắn sau này, nhưng về cơ bản nó mang nhiều yếu tố tưởng tượng, thêu dệt nên không phản ánh đúng hiện thực khách quan. Thế giới quan tôn giáo: Trong thế giới quan tôn giáo, niềm tin tôn giáo đóng vai trò chủ yếu; tín ngưỡng cao hơn lý trí, cái ảo lấn át cái thực, cái thần vượt trội cái người. Thế giới quan triết học. Khác với huyền thoại và tôn giáo, triết học với tư cách là khoa học dựa vào khái niệm, phạm trù có tính khái quát cao trong quá trình nhận thức về thế giới. Điều đó có nghĩa là triết học thể hiện thế giới quan của mình dưới dạng hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật đóng vai trò như những cấp độ, bậc thang trong quá trình nhận thức sâu sắc về bản chất của thế giới. Nếu thế giới quan được hình thành từ toàn bộ tri thức và kinh nghiệm sống của con người, trong đó tri thức của các khoa học cụ thể là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành những quan niệm riêng biệt về từng yếu tố, bộ phận của thế giới, thì triết học với tư cách là khoa học, là một trong các hình thái ý thức xã hội đã tạo nên hệ thống lý luận bao gồm những quan niệm chung nhất về thế giới như là một chỉnh thể, hệ thống. Với những yếu tố tiến bộ như vậy, triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, giữ vai trò định hướng cho quá trình hình thành và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia trong lịch sử. Những vấn đề được triết học đặt ra và tìm lời giải đáp trước hết là những vấn đề thuộc về thế giới quan. Thế giới quan đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người và xã hội loài người. Tồn tại trong thế giới, dù muốn hay không con người cũng phải nhận thức thế giới xung quanh và bản thân mình. Những hiểu biết, quan niệm, tri thức này dần dần hình thành nên thế giới quan. Từ thế giới quan được hình thành này trở thành nhân tố định hướng cho con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Hơn nữa, thế giới quan triết học còn có vai trò xem xét bản thân chủ thể nhận thức để xác định cho mình mục đích, ý nghĩa của cuộc sống và lựa chọn cách thức sống và hoạt động một cách đúng đắn để đạt được chúng. Như vậy, thế giới quan triết học theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm quan niệm về tự nhiên, xã hội mà còn bao gồm cả quan niệm về con người nữa. Với nghĩa đó, thế giới quan triết học bao gồm cả nhân sinh quan. Thế giới quan triết học đúng đắn là cơ sở để xác lập nhân sinh quan tích cực và trình độ phát triển của thế giới quan là tiêu chí quan trọng về sự trưởng thành của mỗi cá nhân, cũng như của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Triết học được hình thành, phát triển dựa trên sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, những thành tựu văn hoá, khoa học của con người trong quá trình lịch sử. Vì vậy nó trở thành hạt nhân lý luận của thế giới quan, định hướng cho con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đó là chức năng thế giới quan của triết học. Các trường phái chủ yếu của triết học là thể hiện các thế giới quan khác nhau, thậm chí đối lập với nhau. Đó là các thế giới quan triết học, phân biệt với thế giới quan huyền thoại và tôn giáo. Các thế giới quan triết học: Đó là chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm, nghị nguyên luận và thuyết không thể biết. - Chủ nghĩa duy vật: Cho đến nay, chủ nghĩa duy vật đã được thể hiện dưới ba hình thức cơ bản: chủ nghĩa duy vật chất phác, chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng. + Chủ nghĩa duy vật chất phác là kết quả nhận thức của các nhà triết học duy vật thời cổ đại. Chủ nghĩa duy vật thời kỳ này trong khi thừa nhận tính thứ nhất của vật chất đã đồng nhất vật chất với một hay một số dạng vật chất cụ thể và những kết luận của nó mang nặng tính trực quan nên còn ngây thơ, chất phác. Tuy còn rất nhiều hạn chế, nhưng chủ nghĩa duy vật chất phác thời cổ đại về cơ bản là đúng vì nó đã lấy giới tự nhiên để giải thích giới tự nhiên, không viện đến Thần linh hay Thượng đế. + Chủ nghĩa duy vật siêu hình là hình thức cơ bản thứ hai của chủ nghĩa duy vật, thể hiện khá rõ ở các nhà triết học thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, mà đỉnh cao là vào thế kỷ thứ XVII - XVIII. + Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cơ bản thứ ba của chủ nghĩa duy vật, do C. Mác và Ph.Ăngghen xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ XIX, sau đó được V.I. Lênin phát triển. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ phản ánh hiện thực đúng như chính bản thân nó tồn tại mà còn là một công cụ hữu hiệu giúp những lực lượng tiến bộ trong xã hội cải tạo hiện thực ấy. - Chủ nghĩa duy tâm: Chủ nghĩa duy tâm chia thành hai phái: chủ nghĩa duy tâm chủ quan và chủ nghĩa duy tâm khách quan. + Chủ nghĩa duy tâm chủ quan thừa nhận tính thứ nhất của ý thức con người. Trong khi phủ nhận sự tồn tại khách quan của hiện thực, chủ nghĩa duy tâm chủ quan khẳng định mọi sự vật, hiện tượng chỉ là phức hợp những cảm giác của cá nhân, của chủ thể. + Chủ nghĩa duy tâm khách quan cũng thừa nhận tính thứ nhất của ý thức nhưng theo họ đấy là một thứ tinh thần khách quan, có trước và tồn tại độc lập với con người. Thực thể tinh thần khách quan này thường được gọi bằng những tên gọi khác nhau như ý niệm, tinh thần tuyệt đối, lý tính thế giới… - Thuyết không thể biết: Đây là kết quả của cách giải quyết mặt thứ hai vấn đề cơ bản của triết học. Đối với câu hỏi “Con người có thể nhận thức được thế giới hay không?”, tuyệt đại đa số các nhà triết học (cả duy vật và duy tâm) trả lời một cách khẳng định: thừa nhận khả năng nhận thức thế giới của con người. Học thuyết triết học phù nhận khả năng nhận thức của con người được gọi là thuyết không thể biết. Theo thuyết này, con người không thể hiểu được đối tượng hoặc có hiểu chăng chỉ là hiểu hình thức bề ngoài vì tính xác thực của các hình ảnh về đối tượng do các giác quan của con người cung cấp trong quá trình nhận thức không bảo đảm tính chân thực. - Chức năng phương pháp luận của triết học: Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp. Xét về phạm vi, tác dụng của phương pháp luận, có thể chia thành ba cấp độ: phương pháp luận ngành, phương pháp luận chung và phương pháp luận chung nhất (phổ biến). Phương pháp luận ngành (còn gọi là phương pháp luận bộ môn) là phương pháp luận của một ngành khoa học cụ thể nào đó. Phương pháp luận chung là phương pháp luận được sử dụng chung cho một số ngành khoa học. Phương pháp luận chung nhất (phổ biến) là phương pháp luận được dùng làm điểm xuất phát cho việc xác định các phương pháp luận chung, các phương pháp luận ngành và các phương pháp hoạt động khác của con người. Đó chính là phương pháp luận triết học. Triết học với tư cách là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó, là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, triết học thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất cùng với chức năng thế giới quan. Như vậy, phương pháp luận triết học là những quan điểm, nguyên tắc chung nhất, là xuất phát điểm cho việc xác định các phương pháp luận bộ môn, các phương pháp luận chung và các phương pháp hoạt động cụ thể của hoạt động nhận thức và thực tiễn. Các hình thức phương pháp luận trên hợp thành một hệ thống khoa học về phương pháp chỉ đạo nhằm xác định, lựa chọn và xây dựng các phương pháp cụ thể đúng đắn và khoa học. Trong triết học Mác- Lênin lý luận và phương pháp luận thống nhất hữu cơ với nhau. Phương pháp luận biện chứng duy vật là hệ thống những quan điểm, những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo chủ thể trong việc xác định phương pháp cũng như trong việc xác định phạm vi, khả năng áp dụng phương pháp hợp lý, có hiệu quả tối đa. Phương pháp luận biện chứng duy vật là học thuyết về phương pháp nhận thức khoa học và cải tạo thế giới. Phương pháp biện chứng duy vật là lý luận có khả năng phản ánh khái quát sự vận động và phát triển của thế giới hiện thực khách quan, cho nên nó không chỉ là lý luận về phương pháp mà còn là sự thể hiện quan niệm về thế giới, là thế giới quan. Trong hệ thống quan điểm, nguyên tắc, xây dựng phương pháp, yếu tố thế giới quan đóng vai trò định hướng cho quá trình lựa chọn và vận dụng phương pháp. Hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng với những yếu tố khoa học của nó đã trở thành yếu tố định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, trở thành những nguyên tắc xuất phát của phương pháp luận đúng đắn. Chính vì vậy, bồi dưỡng thế giới quan duy vật và nâng cao, phát huy tư duy biện chứng để khắc phục hạn chế của chủ nghĩa duy tâm và phương pháp tư duy siêu hình là mục tiêu và là kết quả của việc học tập nghiên cứu triết học nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng. II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC TRONG LỊCH SỬ. 1. Những vấn đề có tính quy luật của sự hình thành, phát triển tư tưởng triết học trong lịch sử Sự hình thành và phát triển của tư tưởng triết học trong lịch sử có tính quy luật khách quan của nó. Đó là sự hình thành, phát triển của triết học gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội, với cuộc đấu tranh giai cấp, với các lực lượng xã hội, với các thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, với sự đấu tranh giữa các trường phái triết học và các phương pháp nhận thức đối lập nhau trong lịch sử… a. Sự hình thành phát triển của các tư tưởng triết học phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội. Triết học ra đời có nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức của nó. Trong xã hội công xã nguyên thuỷ con người còn lạc hậu về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… cuộc sống còn thô sơ, hoang dã. Phương tiện để sống của người nguyên thuỷ lúc bấy giờ chủ yếu là săn bắt, hái lượm… Xã hội chưa có giai cấp, chưa có sự phân công lao động, con người không đòi hỏi nhu cầu nào khác ngoài sự tồn tại sống còn của mình. Vì vậy nhu cầu nhận thức, khám phát thế giới, con người đối với họ là không thiết yếu, đồng nghĩa với việc chưa thể xuất hiện triết học trong thời kỳ này. Bước sang thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ với sự tăng nhanh của sự phát triển kinh tế dẫn đến sự xuất hiện giai cấp và sự phân công lao động. Chính trong thời kỳ này do đòi hỏi của thực tiễn hoạt động sản xuất kinh tế con người cũng cần có những tri thức sâu hơn về thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Triết học ra đời như là ý thức hệ của giai cấp chủ nô thống trị đối lập với giai cấp nô lệ. Trong thời kỳ chế độ phong kiến do sự thống trị của giáo hội, nhà thờ Ki tô giáo, cũng như do sự phát triển kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp, triết học kinh viện ra đời thay thế cho triết học Hy Lạp cổ đại. Nền triết học này là hệ tư tưởng cho giai cấp địa chủ quý tộc và giới tăng lữ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và giáo hội. Khi chế độ tư bản chủ nghĩa thay thế xã hội phong kiến với nền sản xuất công nghiệp phát triển dẫn đến nền kinh tế thị trường tạo ra năng suất lao động chưa từng có trong lịch sử. Do nhu cầu đòi hỏi thực tiễn phát triển kinh tế và sự thống trị giai cấp tư sản lúc bấy giờ, triết học với tư cách là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản đã hình thành và phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVII – XIX. Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và sự phát triển của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn đến sự ra đời của triết học Mác. Như vậy, là một hình thái ý thức xã hội, sự hình thành, phát triển của triết học gắn liền với các điều kiện kinh tế - xã hội, với các cuộc đấu tranh giai cấp, với các lực lượng xã hội. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội, mỗi giai cấp, mỗi lực lượng xã hội khác nhau sẽ hình thành nên các hệ thống triết học khác nhau. Sự phát triển và thay thế lẫn nhau giữa các hệ thống triết học trong lịch sử là phản ánh sự biến đổi và thay thế lẫn nhau giữa chế độ xã hội, phản ánh cuộc đấu tranh giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội. Cho nên, nghiên cứu các tư tưởng triết học không thể tách rời các điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp đã sinh ra nó. b. Sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học phụ thuộc vào sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Cùng với nguồn gốc xã hội thì nguồn gốc nhận thức cũng là điều kiện, tiền đề cho sự hình thành của triết học. Ngay từ thời kỳ cổ đại do sự phát triển của các tri thức khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên mà tư duy của con người đã đạt đến trình độ khái quát cao (tư duy trừu tượng). Tư duy này gắn liền với sự xuất hiện ban đầu của triết học. Nếu như ở Trung Hoa cổ đại, triết học gắn với những vấn đề chính trị - xã hội, luân lý, đạo đức, ở Ấn Độ cổ đại, triết học gắn liền với những vấn đề tôn giáo, tâm linh, thì ở Hy Lạp cổ đại, triết học trong giai đoạn đầu không tách rời với khoa học tự nhiên mà có tên gọi là Triết học - tự nhiên. Đây cũng là cơ sở để hình thành nên quan niệm về triết học như là khoa học của mọi khoa học. Trong thời kỳ trung cổ ở Tây Âu, do sự thống trị của giáo hội, nhà thờ Kitô giáo mà khoa học tự nhiên không có điều kiện phát triển. Cũng như khoa học, triết học lúc bấy giờ có nhiệm vụ là phục vụ thần học. Vì vậy trong thời kỳ trung cổ, triết học hầu như không phát triển hoặc phát triển rất chậm chạp. Vào thời kỳ Phục Hưng ở Tây Âu (thế kỷ XV – XVI) cùng với sự xuất hiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, khoa học tự nhiên ngày càng phát triển. Khi đó, triết học duy vật phát triển gắn liền với yêu cầu phát triển của khoa học tự nhiên. Đặc biệt vào thời kỳ cận đại ở Tây Âu (thế kỷ XVII – XVIII), cách mạng tư sản nổ ra cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Khoa học lúc đó đang diễn ra quá trình phân ngành sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là cơ học của Niu tơn. Cùng với quá trình đó, triết học đã phát triển theo các hướng khá rõ nét, đó là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Các khuynh hướng này đều đề cao vai trò và sức mạnh của các yếu tố khoa học tự nhiên một cách cực đoan. Vào giữa thế kỷ XIX các nước Tây Âu đã đạt được những thành tựu nổi bật về khoa học tự nhiên, đặc biệt có ba phát minh quan trọng đối với sự hình thành triết học Mác. Đó là định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, thuyết tế bào và thuyết tiến hoá của Đác uyn. Như vậy, thực tế đã chứng minh rằng, triết học, nhất là chủ nghĩa duy vật, với tư cách là hình thái ý thức xã hội có tính khái quát cao luôn luôn gắn liền với các thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sự phát triển của triết học, một mặt phải khái quát được các thành tựu của khoa học, mặt khác phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy với mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, thì triết học cũng có một bước phát triển. Đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng, mỗi khi có những phát minh mới của khoa học tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật cũng thay đổi hình thức. Cho nên sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học không thể tách rời sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. c. Sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng triết học cơ bản - chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Một trong những động lực phát triển cơ bản của lịch sử triết học là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Trong lịch sử phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Cuộc đấu tranh này được Lênin gọi là cuộc đấu tranh giữa hai đường lối Đêmôcrít và đường lối Platôn. Chính cuộc đấu tranh này là nội dung và động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại. Trong triết học thời kỳ trung cổ, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm được thể hiện thông qua cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy danh và chủ nghĩa duy thực. Chủ nghĩa duy danh có khuynh hướng theo chủ nghĩa duy vật, còn chủ nghĩa duy thực theo khuynh hướng chủ nghĩa duy tâm. Chính cuộc đấu tranh này cũng diễn ra trong suốt quá trình phát triển của lịch sử triết học và cũng là nội dung cơ bản của nó. Trong triết học Tây Âu thời kỳ cận đại, chủ nghĩa duy vật phát triển mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII là chủ nghĩa duy vật Anh, Hà Lan, Pháp với các đại biểu điển hình như Ph. Bêcơn, T. Hốp xơ, G. Lốccơ (Anh), Xpinôda (Hà Lan), Điđrô, Henvêtiúyt, Hôn bách (Pháp). Còn các đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm Anh thế kỷ XVIII là Béccơli, Hium… Trong triết học cổ điển Đức, đó là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật của L. Phoi ơ Bắc với chủ nghĩa duy tâm của Hê ghen. Như vậy, trong lịch sử triết học luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa các trường phải triết học, mà điển hình nhất là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Trong quá trình đấu tranh đó, các trường phái triết học vừa gạt bỏ lẫn nhau, vừa kế thừa lẫn nhau và mỗi trường phái đều không ngừng biến đổi, phát triển lên một trình độ mới cao hơn. Chính cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học đã thúc đẩy triết học không ngừng phát triển. Đó cũng là nội dung và quy luật phát triển khách quan của lịch sử triết học. Cho nên việc nghiên cứu lịch sử triết học nói chung, các tư tưởng triết học nói riêng luôn luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học khác nhau, đối lập nhau trong lịch sử. d. Sự hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học phụ thuộc vào cuộc đấu tranh giữa hai phương pháp nhận thức trong lịch sử - phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Lịch sử hình thành, phát triển của các tư tưởng triết học cho thấy rằng, nó không tách rời cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, cũng như cuộc đấu tranh giữa hai phương pháp nhận thức đối lập nhau là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Thực chất của phương pháp biện chứng là xem xết mọi sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ lẫn nhau, trong sự vận động và phát triển, mà nguồn gốc của chúng là mâu thuẫn ở bên trong sự vật, hiện tượng. Ngược lại, phương pháp siêu hình lại xem xét sự vật và hiện tượng tách rời nhau hoặc phủ nhận sự vận động, phát triển cũng như mâu thuẫn nội tại bên trong chúng. Nếu có thừa nhận vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng thì nó lại quy về những biến đổi cơ học hoặc thuần tuý về lượng mà thôi. Cuộc đấu tranh giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình trong những trường hợp cụ thể lại biểu hiện dưới những hình thái khác nhau: phương pháp biện chứng có thể trên cơ sở duy vật hoặc trên cơ sở duy tâm, ngược lại phương pháp siêu hình có thể gắn liền với chủ nghĩa duy tâm và cũng có thể lấy chủ nghĩa duy vật làm cơ sở. Trong lịch sử triết học trước Mác, Hêghen đã sáng tạo nên phép biện chứng duy tâm một cách hệ thống sâu sắc nhất và ông đã đối lập nó với phương pháp siêu hình thế kỷ XVII – XVIII. Phép biện chứng của Hêghen đã trở thành tiền đề lý luận trực tiếp của triết học Mác. Phương pháp siêu hình đã từng thống trị trong triết học và khoa học tự nhiên Tây Âu thời kỳ cận đại, nó đã từng đóng góp đáng kể cho khoa học vào thời kỳ ấy, tuy nhiên trong quá trình phát triển mạnh mẽ của khoa học và triết học cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX thì phương pháp siêu hình đã tỏ ra lạc hậu và có nhiều hạn chế. Trong khi đó phương pháp biện chứng đã trở thành phương pháp luận đúng đắn cho khoa học và triết học. Cho đến ngày nay phương pháp biện chứng vẫn là phương pháp nhận thức khoa học đúng đắn và tối ưu nhất so với các phương pháp nhận thức khác. Lịch sử phát triển của triết học đã chứng tỏ rằng, cuộc đấu tranh giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình cũng là nội dung và là động lực thúc đẩy sự phát triển của các tư tưởng triết học trong các giai đoạn lịch sử. e. Sự hình thành, phát triển của tư tưởng triết học nhân loại phụ thuộc vào sự kế thừa và phát triển các tư tưởng triết học trong tiến trình lịch sử. Lịch sử triết học từ thời kỳ cổ đại cho đến ngày nay là một quá trình phát triển của các học thuyết, trường phái triết học qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, của các quốc gia, khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên lịch sử triết học không phải hình thành và phát triển một cách ngẫu nhiên, một sự kết hợp các trào lưu triết học một cách máy móc, cơ học, mà được phát triển theo quy luật khách quan, theo lôgic nội tại vốn có của nó. Lịch sử triết học nghiên cứu quá trình phát triển của tư tưởng triết học theo quan điểm lịch sử và phê phán mạnh mẽ quan điểm phản lịch sử, chủ nghĩa hư vô. Những quan điểm đó là thái độ coi thường, thậm chí phủ định sạch trơn những tư tưởng, học thuyết triết học của quá khứ, không giữ lại những yếu tố giá trị của chúng. Lịch sử triết học luôn gắn liền với phép biện chứng trong quá trình phát triển, mà một trong những quy luật của nó là quy luật phủ định của phủ định (phủ định biện chứng). Theo quy luật này thì tính chất kế thừa là một trong những yếu tố cơ bản của sự phát triển, nghĩa là không có sự kế thừa thì không có sự phát triển, tiến bộ. Lịch sử triết học thế giới đã chứng tỏ rằng triết học Hy Lạp cổ đại đã có ảnh hưởng rất lớn đến các khuynh hướng, trào lưu triết sau này của phương Tây và được các học thuyết đó kế thừa những giá trị tiến bộ của nó. Cũng như vậy, triết học Mác đã kế thừa những thành tựu quý giá của triết học cổ điển Đức trong quá trình hình thành và phát triển của mình, đặc biệt là phép biện chứng của Hêghen và chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc. Phép biện chứng của quá trình phát triển triết học cho rằng không thể gạt bỏ và thủ tiêu di sản văn hoá của quá khứ, mà cần phải kế thừa có phê phán những thành tựu văn minh của thế giới. Điều đó có nghĩa là duy trì và phát triển những gì có giá trị tiến bộ trong các thành quả của quá khứ, là kế thừa những tinh hoa trong quá trình phát triển, tiến bộ của nhân loại. Cho nên lịch sử triết học đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện, lịch sử - cụ thể, khách quan về thế giới quan của các nhà tư tưởng, cũng như nội dung các học thuyết triết học của họ. Từ đó nêu ra được những giá trị lịch sử và hạn chế của chúng. Chính vì vậy, sự hình thành, phát triển của tư tưởng triết học nhân loại gắn liền với sự kế thừa và phát triển các tư tưởng triết học trong tiến trình lịch sử. g. Sự hình thành, phát triển của tư tưởng triết học phụ thuộc vào sự liên hệ, ảnh hưởng, kế thừa, kết hợp giữa các học thuyết triết học trong mối quan hệ dân tộc và quốc tế. Lịch sử triết học là quá trình hình thành và phát triển của các học thuyết, trào lưu triết học của các dân tộc, quốc gia, khu vực khác nhau, qua các giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ cổ đại cho đến ngày nay. Trong lịch sử đã từng biểu hiện một số quan điểm, thái độ đề cao những nhà triết học, nền triết học của dân tộc này, hạ thấp, coi thường những nhà triết học, nền triết học của dân tộc, quốc gia, khu vực khác. Có một số nhà triết học phương Tây cho rằng triết học phương Đông có tính chất thần bí, tôn giáo, không phát triển mà chỉ có triết học phương Tây mới là đỉnh cao của sự phát triển, tiến bộ. Thực tế đã chứng minh những quan điểm đó là sai lầm, mang tính chất của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa sô vanh. Lịch sử triết học với tư cách là một khoa học đòi hỏi phải khẳng định vai trò và ý nghĩa to lớn của những điều kiện dân tộc, đặc điểm dân tộc trong sự phát triển của tư tưởng triết học ở các nước riêng lẻ, đồng thời kiên quyết chống lại xu hướng tuyệt đối hoá các đặc điểm dân tộc, chủ nghĩa sô vanh, nước lớn. Cùng với việc nêu rõ những đặc điểm dân tộc của sự phát triển triết học ở các quốc gia riêng biệt, lịch sử triết học cũng đã khẳng định rằng, những học thuyết, trường phải triết học hình thành và phát triển ở một quốc gia, dân tộc nào đó lại có mối liên hệ nhất định với những học thuyết triết học ở các nước khác, chịu ảnh hưởng, cũng như có sự tác động trở lại đối với chúng. Như vậy, sự phát triển của triết học không chỉ gắn liền với từng quốc gia, dân tộc, mà còn có sự tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau giữa tư tưởng triết học của các quốc gia, dân tộc cũng như giữa các vùng, khu vực với nhau. Chính sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, thâm nhập lẫn nhau đó góp phần thúc đẩy tư tưởng triết học nhân loại nói chung, của từng quốc gia, dân tộc nói riêng. Quá trình phát triển của tư tưởng triết học thể hiện sâu sắc tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại. Với những lý do như trên, sự hình thành, phát triển của tư tưởng triết học luôn luôn gắn liền với sự liên hệ, ảnh hưởng, kế thừa, kết hợp giữa các học thuyết triết học trong mối quan hệ dân tộc và quốc tế.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan