Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hoán dụ trong tiếng anh và việc chuyển dịch hoán dụ tiếng anh sang tiếng việt...

Tài liệu Hoán dụ trong tiếng anh và việc chuyển dịch hoán dụ tiếng anh sang tiếng việt

.PDF
124
3234
65

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --------------------------- NGUYỄN PHƯƠNG CHUNG LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC HOÁN DỤ TRONG TIẾNG ANH VÀ VIỆC CHUYỂN DỊCH HOÁN DỤ TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT (TRÊN CỨ LIỆU CÁC HOÁN DỤ CÓ PHẠM TRÙ NGUỒN LÀ TỪ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI) MÃ SỐ: 60 22 01 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS NGUYỄN HỒNG CỔN HÀ NỘI, 2007 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ XÃ HỘI NHÂN VĂN --------------------------- NGUYỄN PHƯƠNG CHUNG HOÁN DỤ TRONG TIẾNG ANH VÀ VIỆC CHUYỂN DỊCH HOÁN DỤ TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT (TRÊN CỨ LIỆU CÁC HOÁN DỤ CÓ PHẠM TRÙ NGUỒN LÀ TỪ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI) LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI, 2007 2 MỤC LỤC Mở đầu…………………………………………………………………...1 Chương 1. Lịch sử vấn đề và cơ sở lý thuyết…………………….….4 1. Lịch sử vấn đề …………………………………………………....4 Tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Anh …………………..…4 Tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Việt …………………....13 2. Hoán dụ và các khái niệm liên quan đến hoán dụ …………....17 Khái niệm hoán dụ ……….………………………………………..17 Phân biệt hoán dụ với ẩn dụ và cải dung ………………………….21 3. Tiểu kết …………………………………………………………...24 Chương 2. Khảo sát các hoán dụ có phạm trù nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh (có liên hệ với tiếng Việt)…....25 1. Mô tả đặc điểm cấu tạo của các hoán dụ có chứa từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh. ………………….................................25 1.1. Hoán dụ là từ độc lập ………………………………………….. 26 1.2. Hoán dụ là từ ghép …………………………………………….. 27 1.3. Hoán dụ là ngữ cố định …………………………………………28 2. Mô tả nghĩa hoán dụ có chứa các từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh (có liên hệ với tiếng Việt) ……………….……………….31 2.1. Eye ………..………………………………………………….. ..31 2.2. Ear …………………………………………………………......38 2.3. Head …………………………………………………………. ...42 2.4. Tongue ………………………………….....................................49 2.5. Mouth ……………………………………………………...... 54 2.6. Lip ……..……………………………………………………..60 3. Tiểu kết …………………………………………………………...64 Chương III. Các cách chuyển dịch hoán dụ từ tiếng Anh sang tiếng Việt...........................................................................................................67 1. Khái quát về các cách chuyển dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt …67 1.1. Chuyển dịch tương đương ………………………………………..68 1.2. Chuyển dịch không tương đương ………………………………….72 2. Cách chuyển dịch hoán dụ có phạm trù nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người từ tiếng Anh sang tiếng Việt …………………………………. 77 2.1. Chuyển dịch tương đương ……………………………………….77 2.2. Chuyển dịch không tương đương ………………………………..86 3. Tiểu kết …………………………………………………………….90 Kết luận ……………………………………………………………...91 Tài liệu tham khảo …………………………………………………….94 Nguồn tư liệu ……………………………………………………….101 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Hoán dụ là một trong nhiều biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ kể cả tiếng Anh và tiếng Việt. Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta sử dụng khá nhiều hoán dụ. Đây là một cách mà người nói dùng để truyền đạt tư tưởng, tình cảm của mình. Hoán dụ xuất hiện ở tất cả các trường từ vựng khác nhau nhưng có lẽ phổ biến nhất đó chính là các từ trong trường từ vựng chỉ bộ phận cơ thể người. Lý do hoán dụ xuất hiện nhiều ở trường từ vựng này vì con người là trung tâm của vũ trụ và con người luôn lấy mình làm trung tâm để nhận thức thế giới. Hơn thế nữa, hoán dụ là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của ngôn ngữ. Trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh, hoán dụ là một trong những biện pháp tu từ được sử dụng khá nhiều. Việc xử lý hay chuyển dịch các hoán dụ từ tiếng Anh sang tiếng Việt thường gặp khó khăn chính do người dịch cố gắng giữ đặc trưng của ngôn ngữ. Khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt việc tìm các tương đương hoán dụ một cách chính xác thường là rất khó. Ngoài ra, là một người học ngoại ngữ, tôi thấy hoán dụ có vai trò quan trọng trong khi sử dụng ngoại ngữ giao tiếp với người nước ngoài. Khi còn là sinh viên, tôi chỉ học tiếng Anh qua sách vở, thầy cô, bạn bè, và hầu như không có cơ hội giao tiếp với người Anh. Cho đến khi ra trường và trở thành một giáo viên ngoại ngữ (dạy tiếng Việt cho người nước ngoài), tôi mới có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Anh và những khiếm khuyết trong ngôn ngữ giao tiếp bắt đầu xuất hiện. Do thiếu vốn từ ngữ, đặc biệt là thiếu kiến thức về hoán dụ, đôi khi tôi đã có những hiểu nhầm trong giao tiếp hoặc không diễn đạt được chính xác suy nghĩ và ý mình muốn biểu đạt. Trong quá trình giảng dạy tôi thấy rằng việc hiểu biết sâu về hoán dụ và cách sử dụng chúng là rất cần thiết cho sinh viên 1 để họ biết được những cách nói thực tế mà người Việt vẫn sử dụng. Chính vì những lí do trên mà tôi đã chọn đề tài này làm đề tài luận văn cao học của mình. 2. Đối tƣợng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là hoán dụ có phạm trù nguồn là các từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh (có so sánh với tiếng Việt). Tuy nhiên, do số lượng các hoán dụ trong tiếng Anh lại khá lớn nên trong phạm vi của luận văn, chúng tôi chỉ xem xét các hoán dụ chứa các từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh ở sáu từ chính là eye, ear, lip, head, mouth và tongue. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài là: - Làm sáng tỏ đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của hoán dụ trong tiếng Anh thông qua các hoán dụ chứa từ chỉ bộ phận cơ thể người. - Tìm hiểu sự giống nhau và khác nhau trong nghĩa hoán dụ của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người của tiếng Anh và tiếng Việt. - Xem xét cách thức chuyển dịch các hoán dụ chỉ bộ phận cơ thể người từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Để thực hiện các mục đích trên, luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau: - Tổng quan các lý thuyết về hoán dụ trong tiếng Anh và tiếng Việt. Trên cơ sở đó, xác định các khái niệm , tiêu chí nhận diện hoán dụ và phương pháp tiếp cận hoán dụ. - Tìm hiểu đặc điểm ngữ nghĩa hoán dụ có phạm trù nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Anh (có so sánh với tiếng Việt). - Khảo sát cách chuyển dịch tương đương các hoán dụ có phạm trù 2 nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người từ tiếng Anh sang tiếng Việt. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu. Ngoài các phương pháp luận chung là diễn dịch và qui nạp, luận văn đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học khác nhau như: - Phương pháp mô tả, phân tích cấu trúc, phân tích ngữ nghĩa, so sánh đối chiếu và thống kê. - Tư liệu của luận văn bao gồm 145 hoán dụ chứa các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người được lấy từ các từ điển và một số văn bản tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng một số tư liệu được lấy từ Internet, khẩu ngữ hoặc từ công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước. 5. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo thì luận văn gồm có ba chương chính. - Chương 1: Lịch sử vấn đề và cơ sở lý thuyết. - Chương 2: Khảo sát đặc điểm cấu tạo và nghĩa các hoán dụ có phạm trù nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người. - Chương 3: Cách chuyển dịch hoán dụ từ tiếng Anh sang tiếng Việt (trên cứ liệu các hoán dụ có phạm trù nguồn là từ chỉ bộ phận cơ thể người). 3 CHƢƠNG 1. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT 1. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Anh Cùng với ẩn dụ, hoán dụ là một trong hai phương thức chuyển nghĩa của từ phổ biến và lâu đời nhất trong ngôn ngữ. Từ thời cổ đại đến nay, hoán dụ vẫn được các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu. Theo Stanford [73], các nhà ngôn ngữ học cổ đại như: “Herodotus và Thucydides, và sau này là Plato đều đã sử dụng từ μεтоνεν để đặt tên cho một sự vật mới hay đổi tên cho một sự vật nào đó, và theo cách nói bị động là sự vật đó được nhận một cái tên mới. Tuy vậy, trong tất cả ngữ cảnh của từ μεтоνεν thì không có một nét nghĩa nào liên quan đến thuật ngữ mà giờ đây được gọi là hoán dụ, mà chỉ là một kiểu cụ thể của ẩn dụ”. 1.1.1. Hoán dụ trong ngôn ngữ học truyền thống Những nhà nghiên cứu tiêu biểu về hoán dụ ở phương Tây là hai nhà tu từ học và triết học Hy Lạp cổ đại là Isocrate và Aristotle. Mặc dù các nhà triết học này nhận thấy có hiện tượng hoán dụ nhưng họ vẫn xếp hoán dụ là một loại trong ẩn dụ chứ không tách riêng hoán dụ thành một phương thức mới trong tu từ học. Isocrate, nhà triết học đầu tiên cố gắng phân biệt ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ phi thơ ca. Ông cũng vẫn chú ý đến ẩn dụ hơn là hoán dụ. Ông cho rằng các nhà văn không có đặc quyền sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ giống như các nhà thơ để thu hút sự chú ý của người nhận thông tin giao tiếp từ chính thông tin đó. Sở dĩ như vậy là vì các nhà văn luôn luôn tuân theo các khuôn (forms) và các từ ngữ đã được mọi người trong xã hội sử dụng một cách chính xác và chúng có liên quan đến những vấn đề mà họ đề cập. Theo Isocrate, ẩn dụ là điểm khác biệt của ngôn ngữ thơ ca vì nó có thể chuyển tải được các kinh nghiệm đầu tiên về thế giới và cung 4 cấp các kiến thức con người tri nhận về thế giới. Như vậy, Isocrate đã lấy phương thức ẩn dụ làm tiêu chí để phân biệt ngôn ngữ thơ ca và phi thơ ca mà không đề cập một chút nào đến phương thức hoán dụ. So với các nhà tu từ học và triết học thời kỳ này, Aristotle là người đã nhìn nhận rõ hơn về hiện tượng hoán dụ trong ngành tu từ học. Trong tác phẩm “Poetics and Rhetoric”, Aristotle đã giải quyết một số quan hệ hoán dụ theo cách thức của ẩn dụ chứ chưa sử dụng chính xác thuật ngữ “metonymy” (hoán dụ). Cũng trong tác phẩm này, ông cho rằng: “Ẩn dụ là một thuật ngữ lạ vì nó được dùng cho cả hiện tượng dùng một sự vật này để nói đến một sự vật khác hoặc từ một thực thể này tới một thực thể khác mà có sự tương đồng với nhau” [40]. Aristotle phân biệt bốn kiểu ẩn dụ khác nhau. Kiểu ẩn dụ đầu tiên và thứ hai là phép cải dung hiện nay, kiểu ẩn dụ thứ ba chính là hoán dụ và chỉ có kiểu thứ tư được coi là ẩn dụ. Aristotle đưa ra các ví dụ về ẩn dụ dựa trên quan hệ hoán dụ, tuy vậy ông không hề coi đó là hoán dụ. Chúng ta cùng xem xét một ví dụ mà Aristotle cho là ẩn dụ. Ví dụ: (1) A cup is to Dionysus what a shield is to Ares. (Cái cốc đối với Dionysus là cái khiên đối với Ares) Ví dụ trên được Aristole coi là một ví dụ của phương thức ẩn dụ nhưng trên thực tế nó lại là hoán dụ. Quan hệ hoán dụ ở đây trước tiên là dựa trên quan hệ tương cận (contiguty), trong đó các từ “cốc”(cup) và “rượu”(wine) được nhận biết trên quan hệ vật chứa đựng và cái được chứa đựng. Vì thế khi ta nói cốc của Dionysus nghĩa là ta đề cập đến hành động uống trong cái cốc và cái mà ta uống đó chính là rượu. Tương tự như vậy thì Dinoysus là người làm ra rượu và đấy chính là quan hệ hoán dụ giữa người tạo tác và vật tạo tác. Tương tự với cách lập luận như trên thì khiên biểu tượng cho chiến tranh. Ares là người làm ra khiên và do đó đây cũng là quan hệ giữa người tạo tác và vật tạo tác. Ở đây cũng xảy ra quan hệ hoán dụ giữa vật chứa đựng và cái chứa đựng - cái khiên chứa 5 đựng chiến tranh. Như vậy toàn bộ quá trình chuyển nghĩa này về cơ bản là giống với phép hoán dụ. Phương thức ẩn dụ chỉ xuất hiện sau khi các quan hệ về hoán dụ đã được giải quyết. Ẩn dụ ở đây là sự so sánh giữa cốc của Dinoysus (Dinoysus’cup) cũng giống như khiên của Ares (Ares’shield). Như vậy trong thời kỳ ngôn ngữ học truyền thống các nhà nghiên cứu mới chỉ xem xét đến hiện tượng ẩn dụ và coi hoán dụ là một loại của ẩn dụ chứ chưa tách riêng hoán dụ như là phương thức riêng biệt. Trong thời kỳ tiếp theo hoán dụ được nghiên cứu sâu hơn. 1.1.2. Hoán dụ trong ngôn ngữ học cấu trúc Bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ 20 đã xuất hiện nhiều lý thuyết ngôn ngữ học về hoán dụ. Những lý thuyết này gắn liền với tên tuổi các nhà ngôn ngữ học hoặc các nhà tu từ học nổi tiếng như : Jakobson, Ullman. Trong bài “Two Aspects of Language and Two Types of Aphasic Disturbances”, Roman Jakobson [58] đã xem xét văn học dưới góc độ ngôn ngữ để phân tích và giúp ngành văn học trở nên chính xác hơn và khách quan hơn. Bài viết của Jakobson đã làm dấy lên một mối quan tâm đáng kể và thu hút sự chú ý của giới ngôn ngữ và giới văn học về vai trò của hai phạm trù ngôn ngữ học là hoán dụ và ẩn dụ trong sự phát triển diễn ngôn. Lý thuyết của Jakobson về hoán dụ và ẩn dụ đưa ra một cách xử lý có tính chuyên môn cao vấn đề các hiện tượng lộn xộn (disorders) trong ngôn ngữ (Jakobson’s theory of metonymy and metaphor comes in a highly technical treatment of the subject of language disoders). Jakobson đã xây dựng lý thuyết riêng của mình dựa trên các nguyên tắc “lựa chọn” (selection) và “kết hợp” (combination) có liên quan đến hai khái niệm của Saussure là quan hệ hệ hình và quan hệ ngữ đoạn. Jakobson chia các phép 6 chuyển nghĩa thành hai loại là ẩn dụ và hoán dụ (bao gồm cả cải dung) và cho rằng hoán dụ hình thành là dựa trên quan hệ tương cận (contiguity) còn ẩn dụ là quan hệ tương đồng (similarity). Một tác giả khác là Stephen Ullmann đã giới thiệu một lý thuyết hoán dụ trong hai cuốn sách về ngữ nghĩa: “Principles of Semantic” [74] và “Semantic: An Introduction to the Science of Meaning” [75]. Tác giả xây dựng lý thuyết về này khi ông nghiên cứu về vấn đề chuyển nghĩa của hoán dụ và ông cho rằng trong hoán dụ có hai quan hệ, đó là quan hệ tương đồng và quan hệ tương cận. Theo Ullmann thì quan hệ tương cận có thể là sự lân cận giữa các cảm nhận hoặc giữa các tên riêng. Ví dụ: (2) “That girl’s mother tongue is French”. (Tiếng mẹ đẻ của cô ấy là tiếng Pháp) Trong ví dụ này, lưỡi được coi là bộ phận chủ đạo của hoạt động nói năng vậy nó có quan hệ tương cận với mother tongue (tiếng mẹ đẻ). Loại quan hệ tương cận thứ hai là quan hệ giữa các tên riêng Ullmann cho rằng hoán dụ thì không phong phú như ẩn dụ vì nó không tạo ra mối quan hệ mới mà nó chỉ tạo từ mới dựa trên quan hệ của các từ có liên quan với nhau. Ullman cũng cố gắng phân loại hoán dụ dựa trên quan hệ tương cận, ông chia hoán dụ thành hai loại: loại thứ nhất là hoán dụ biến đổi theo thời gian, ví dụ như sự chuyển nghĩa của từ “coxa” trong tiếng La tinh có nghĩa là “hip” (mông) thành từ “cussie” trong tiếng Pháp có nghĩa là “thigh” (đùi) vì hai bộ phận này có quan hệ tương cận với nhau. Loại hoán dụ thứ hai là dựa trên quan hệ tương cận về thời gian chẳng hạn như tên gọi cho các bữa ăn trong ngày như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối vì hành động “ăn” xảy ra vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Loại hoán dụ thứ ba mà Ullmann đề cập đến là dựa trên quan hệ bộ phận- chỉnh thể, ví dụ: từ “redbreast” (ngực đỏ) dùng thay cho từ “robin” (tên một loại chim) vì con chim này có ngực màu đỏ. 7 Ở đây ta thấy rằng Ullmann không phân biệt hoán dụ và cải dung. Loại hoán dụ thứ tư theo sự phân biệt của Ullmann là quan hệ tạo nhântạo vật hay quan hệ người sản xuất- vật được sản xuất. Ví dụ: (3) “One ampere is the current that one volt can send through one ohm”. (Một ampe bằng một vôn chạy qua một ôm). Ở đây tên của ba nhà khoa học phát minh ra các đơn vị này được đặt tên cho các đơn vị mà họ đã tìm ra. Đó là nhà khoa học người Pháp, Andre- Marie Ampere, nhà khoa học người Ý, Alessandro Volta và nhà khoa học người Đức, Georg Ohm. 1.1.3. Hoán dụ trong ngôn ngữ học tri nhận Một trong những nhà ngôn ngữ nghiên cứu sâu về hoán dụ theo hướng tri nhận trong ngôn ngữ học hiện đại là Lakoff. Lý thuyết về hoán dụ của Lakoff lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm “Metaphors We live by” [60]. Lakoff và Johnson đã định nghĩa về hoán dụ như sau: “ Hoán dụ là việc sử dụng một sự vật qui chiếu đến một sự vật khác mà chúng có liên quan với nhau”. Họ cũng cố gắng phân biệt hoán dụ với hiện tượng nhân hóa (personification) vì hiện tượng này thường bị coi nhầm là hoán dụ. Lý do có sự nhầm lẫn này là do nhân hóa là cái gì đó hữu sinh hay được hình thành từ một cái gì đó vô sinh hoặc phi chủ thể. Đây là một khía cạnh thông thường của hiện tượng hoán dụ. Ví dụ: (4) “The Times has not arrived at the press conference yet.” (Phóng viên báo Times chưa đến cuộc họp báo) Ví dụ này được coi là hiện tượng hoán dụ vì theo lập luận ở trên thì “The Times” được dùng để ám chỉ một sự vật nào đó hoặc cái gì đó chứ không là nó. Sự ám chỉ đó chính là chủ thể, là con người có liên quan đến sự vật. Sự khác biệt mà Lakoff và Johnson nhận thấy giữa nhân hóa và 8 hoán dụ chính là nhân hóa không đề cập đến con người. Chúng ta hãy xem xét một ví dụ khác: (5) “Inflation robbed me of my savings” (Lạm phát đã cướp hết tiền tiết kiệm của tôi) Từ “inflation” được dùng để chỉ thuộc tính của sự vật và chủ thể không phải là người. Chính từ lý do trên, Lakoff và Johnson đã giữ nguyên quan điểm coi ” ẩn dụ là phương thức chủ yếu tri nhận một sự vật mà có liên quan đến sự vật khác và chức năng chính của ẩn dụ là “tri nhận” (understanding). Trong khi đó, hoán dụ lại có chức năng “qui chiếu” (reference) vì nó cho phép ta sử dụng một sự vật này thay thế cho một sự vật khác” [60]. Từ quan điểm trên ta thấy Lakoff và Johnson đã coi chức năng của hoán dụ chỉ là phép chuyển nghĩa qui chiếu. Nhưng nếu hoán dụ chỉ là qui chiếu thì nó đã không còn trong phạm vi của quá trình nhận thức vì nó không giúp ta có thêm tri nhận mới về sự vật. Vì vậy, sau này Lakoff và Johnson đã thừa nhận rằng hoán dụ không chỉ có chức năng là qui chiếu mà còn có chức năng trong việc tri nhận thế giới quan của con người. Để minh họa cho hướng tri nhận của hoán dụ, Lakoff và Johnson đưa ra ví dụ như sau: (6) “We need some good heads” (Chúng ta cần một vài cái đầu tốt) Trong ví dụ này “đầu” (head) là từ chỉ bộ phận trên cơ thể người dùng để chỉ người vì vậy đây là mối quan hệ bộ phận- chỉnh thể (đầu- cơ thể người). Nhưng chúng ta đều biết rằng chức năng của hóan dụ không chỉ dừng lại ở mức độ qui chiếu mà nó còn mở rộng đến mức độ tri nhận vì cách dùng từ “đầu” (head) thay cho “người” (people) trong ví dụ này không phải là ngẫu nhiên. Trên thực tế nó có mục đích là muốn thông báo rằng:”chúng tôi cần người thông minh” chứ không phải người nào cũng được. Như vậy ba từ “thông minh”, “đầu” và “người” thay thế cho nhau 9 trong mối quan hệ tương cận và chúng nhân đôi ý nghĩa. “Đầu” (head) thay cho “thông minh” (intelligence) vì thông minh là một thuộc tính của bộ não người mà não người lại nằm ở đầu và đầu được coi là bộ phận quan trọng nhất của con người. Chính vì vậy “đầu” qui chiếu đến “người”. Để làm rõ thêm lập luận trên, Lakoff và Johnson đưa ra thêm một số ví dụ như sau: (7) I have been reading Shakespeare. (Tôi đang đọc sách của Shakespeare) (8) Table 10 is waiting for the order. (Khách ở bàn số 10 đang đợi gọi món) (9) The hamsanwich wants his check. (Khách ăn bánh mì kẹp thịt muốn thanh toán) Hai tác giả khác cũng nghiên cứu sâu về hoán dụ theo hướng ngôn ngữ học tri nhận là Radden và Kovecses. Ngay từ đầu tác phẩm “Towards a Theory of Metonymy” [69], Radden và Kovecses đã nói rõ mục đích của họ là muốn đưa ra một khung khái niệm cụ thể cho hoán dụ và họ cũng xem xét quan điểm truyền thống về hoán dụ. Họ cho rằng lý thuyết của họ vượt ra khỏi khái niệm truyền thống về hoán dụ. Radden và Kovecses chỉ ra bốn nhược điểm cơ bản của quan điểm truyền thống về hoán dụ. Thứ nhất là coi hoán dụ như là một hiện tượng ngoại biên của ngôn ngữ. Quan điểm này bị các nhà nghiên cứu theo quan điểm tri nhận phản đối bởi vì theo ngôn ngữ học tri nhận thì hoán dụ là một khái niệm cơ bản của tự nhiên. Nhược điểm thứ hai là quan hệ tự nhiên bên trong hoán dụ. Trong khi hai tác giả này cho rằng tiêu chuẩn của mối quan hệ tương cận giữa các sự vật là điều không phải tranh cãi thì họ lại đặt câu hỏi liệu thuật ngữ này đã đủ rõ ràng chưa để nhận diện. Nhược điểm thứ ba của quan điểm truyền thống về hoán dụ mà Radden và Kovecses đề cập tới là tiêu chuẩn phân biệt hoán dụ, coi hoán dụ chỉ có chức năng qui 10 chiếu. Họ cho rằng quan điểm này đã dẫn đến giả thuyết sai lầm rằng hoán dụ chỉ là sự thay thế giữa các sự vật với nhau. Theo lập luận của hai nhà ngôn ngữ học này thì hoán dụ sẽ xuất hiện “ở cấp độ khái niệm (phân loại, lý luận ngôn ngữ)” hay “ở các cấp độ khác nhau của ngôn ngữ (từ vựng học, cú pháp học, ngữ pháp học và diễn ngôn) và như là một sự liên kết các khái niệm bản thể (khái niệm, công thức và các sự kiện)”. Nhược điểm cuối cùng của quan điểm truyền thống là cách định nghĩa hoán dụ: “hoán dụ là một sự thay thế”. Radden và Kovecses lập luận rằng “hoán dụ không chỉ là sự thay thế của một sự vật này cho một sự vật khác mà còn kết nối chúng để tạo nên một nghĩa mới” [69]. Từ việc chỉ ra những nhược điểm trên hai tác giả này đã đưa ra một định nghĩa về hoán dụ như sau: “Hoán dụ là một quá trình tri nhận mà trong đó một sự vật, khái niệm được gọi là phương tiện- cung cấp một cách tiếp cận tinh thần tới một sự vật, khái niệm được gọi là mục đích trong cùng một mẫu tri nhận ý niệm hóa (idealised cognitive models)” [69]. Một nhà ngôn ngữ học tri nhận khác cũng rất quan tâm đến hoán dụ là Fauconnier. Fauconnier [51] với lý thuyết không gian tinh thần (mental spaces) chú trọng nghiên cứu vào ẩn dụ, hoán dụ và những biện pháp tu từ khác. Fauconnier đã cho rằng “các biện pháp tu từ trên cần được coi là trung tâm và có ảnh hưởng sâu rộng hơn những gì mà chúng vẫn được coi là”. Ông cũng đưa ra các thuật ngữ liên quan đến hoán dụ. Ông gọi yếu tố a là “nguồn” (trigger), yếu tố b là “ reference” (qui chiếu) và chức năng ngữ dụng là “liên kết” (connector). Ông đã định nghĩa không gian tinh thần như sau: “không gian tinh thần tạo ra sự khác biệt giữa các cấu trúc ngôn ngữ nhưng nó lại được tạo dựng trên bất kỳ diễn ngôn nào theo sự sắp xếp của các biểu hiện ngôn ngữ” (He then defines mental space as “constructs distintict from linguistic structures 11 but built up in any discourse according to guidelines provided by the linguistic expressions). Khái niệm của Fauconnier về không gian tinh thần là một quá trình tạo nghĩa liên tục và tương đối giống với khái niệm về hoán dụ. Khả năng nhận diện được xem như là thuộc tính chính của quá trình hoán dụ. Trên thực tế, Fauconnier cho rằng khả năng ngữ dụng cũng có thể nối các yếu tố với nhau từ các không gian khác nhau. Khái niệm hóa của Fauconnier dẫn tới lý thuyết về hoán dụ và coi hoán dụ như là một quá trình kết nối chức năng ngữ dụng của diễn ngôn cung cấp hàng loạt sự kết nối giữa các yếu tố trong cùng không gian và cũng nối các yếu tố ở các không gian khác nhau. Ví dụ: (10) Plato is the red book, Homer is the black book. (Plato là quyển sách màu đỏ, còn Homer là quyển màu đen) Trong ví dụ này, sự kết nối là giữa các yếu tố trong cùng một không gian. Sự kết nối ở đây là giữa tác giả và tác phẩm. Hai yếu tố này cùng ở trong một không gian tinh thần. Một ví dụ khác minh họa cho sự kết nối giữa các yếu tố ở không gian khác nhau.Ví dụ: (11) In that movie, Cleopatra is Liz Taylor. (Trong bộ phim ấy, Cleopatra là Liz Taylor) Sự kết nối trong ví dụ này là giữa nhân vật và diễn viên. Hai yếu tố này ở hai không gian tinh thần khác nhau. 12 Trên đây chúng tôi đã điểm lại một số cách tiếp cận về hoán dụ trong ngôn ngữ học truyền thống, ngôn ngữ học cấu trúc và ngôn ngữ học tri nhận với các nhà ngôn ngữ học tiêu biểu như: Aristole, Isocrate, Jakobson, Ullmann, Lakoff, Fauconnier, Radden và Kovecses. Luận văn xin rút ra một số kết luận như sau: Thứ nhất, các nhà ngôn ngữ học trên đã cố gắng phân biệt sự khác biệt giữa hoán dụ và ẩn dụ cũng như với các phép chuyển nghĩa khác. Thứ hai, họ sử dụng nhiều lý thuyết, mô hình khác nhau để định nghĩa và giải thích hoán dụ. Jakobson đã đưa ra khái niệm “tương cận” để phân biệt hoán dụ và ẩn dụ. Trong khi đó, Ullmann cũng sử dụng khái niệm “tương cận” để nói về hoán dụ nhưng ông lại xem xét hoán dụ khi ông nghiên cứu về phép chuyển nghĩa. Còn Lakoff thì đã coi hoán dụ là một phép chuyển nghĩa qui chiếu. Hay Fauconnier sử dụng lý thuyết không gian tinh thần để định nghĩa hoán dụ. Tuy nhiên, có thể nói cho đến nay các nhà ngôn ngữ học vẫn chưa hoàn toàn làm rõ được bản chất của khái niệm hoán dụ và đưa ra một định nghĩa đầy đủ và chính xác về hoán dụ. Trên đây là tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Anh, ở phần tiếp theo chúng tôi xin điểm qua tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Việt. 1.2. Tình hình nghiên cứu hoán dụ trong tiếng Việt Nghĩa của từ được chia thành hai loại: nghĩa từ vựng và nghĩa tu từ. Nghĩa từ vựng là nghĩa đã được cố định và phổ biến trong toàn dân. Nghĩa tu từ là nghĩa chưa cố định, mang tính chất cá nhân và tạm thời, được sử dụng nhằm làm cho sự diễn đạt tăng tính hình ảnh, tính biểu cảm và thêm sinh động. Hiện tượng đa nghĩa là kết quả của sự chuyển biến ý nghĩa của từ. Hoán dụ được coi là phương thức chuyển nghĩa nhưng dựa trên quy luật liên tưởng tương cận. Ở Việt Nam, hoán dụ cũng được 13 nghiên cứu, tuy nhiên số lượng các bài nghiên cứu vẫn chưa nhiều và thường được các nhà ngôn ngữ học xem xét trên hai phương diện chính là tu từ ngữ nghĩa và từ vựng còn phương diện nghiên cứu hoán dụ về mặt tri nhận thì ở Việt nam chưa được nghiên cứu nhiều. Dưới đây, chúng tôi sẽ điểm lại hai hướng nghiên cứu chủ yếu này về hoán dụ trong tiếng Việt. 1.2.1. Hoán dụ là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa Các nhà ngôn ngữ học như Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa, Cù Đình Tú, Hữu Đạt là những người chủ yếu nghiên cứu hoán dụ tu từ và coi hoán dụ như một biện pháp tu từ- ngữ nghĩa. Trong tác phẩm “Phong cách học Tiếng Việt” [9], Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa đã xếp hoán dụ trong nhóm hoán dụ. Vì theo hai tác giả này thì các biện pháp tu từ ngữ nghĩa trong nhóm hoán dụ này bao gồm hoán dụ, cải dung, cải số là phương thức chuyển nghĩa dựa trên cơ sở liên tưởng kế cận. Hai tác giả này cho rằng, hoán dụ xuất hiện thường xuyên ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn, khi muốn gọi tên một người nào đó mà ta không biết tên, hoặc muốn tránh, ta có thể nói: (12) Hỡi cô yếm thắm lòa xòa, Lại đây đập đất trồng cà với anh. Trong tác phẩm “Phong cách học Tiếng Việt” [9], Đinh Trọng Lạc cũng đã phân loại hoán dụ theo hai loại là hoán dụ từ vựng và hoán dụ tu từ. Hoán dụ từ vựng là hoán dụ trong đó tên gọi của một khách thể (thường là tên riêng) được chuyển sang chỉ một khác thể khác. Ví dụ: (13) Anh ấy có một đôi adidas (nghĩa là một đôi giày adidas). Còn hoán dụ tu từ là hoán dụ hiện thực hóa mối liên hệ mới mẻ, bất ngờ giữa hai khách thể. Ví dụ: 14 (14) Hai chữ sáng lòng của Tiếng Việt ta rất hay, trong lòng có sáng thì mắt mới sáng. Mắt sáng nhờ lòng sáng, lòng càng sáng, mắt càng sáng thì càng nhìn rõ cái mới. (Phạm Văn Đồng) Mắt sáng có nghĩa là nhận thức mới thêm, đứng đắn hơn. Lòng sáng có nghĩa là tình cảm tốt đẹp, cao quý. Cái mới, cái bất ngờ, cái sâu sắc trong cách diễn đạt còn ở chỗ tác giả vạch ra mối quan hệ biện chứng giữa con mắt và tấm lòng. Lòng có sáng thì mắt mới sáng có nghĩa là tình cảm tốt đẹp cao quý thì nhận thức xã hội mới có thể đúng đắn, minh bạch. Hữu Đạt cũng xếp hoán dụ trong nhóm các biện pháp tu từ ngữ nghĩa. Theo ông, hoán dụ là biện pháp được sử dụng thường xuyên và phổ biến nhất. Đây là biện pháp phổ dụng ở tất cả mọi phong cách chức năng, đặc biệt là ở các phong cách khẩu ngữ, phong cách báo chí và phong cách nghệ thuật. Ngoài ra tác giả cũng chý ý đến việc phân biệt hoán dụ với các kiểu lời nói có hình ảnh được diễn tả bằng cách mở rộng định ngữ. Chẳng hạn, cùng là cách nói về đặc điểm sự vật nhưng bản chất lại khác nhau. Ví dụ: (15) Thằng mũi lõ đã làm hại dân mình (16) Anh tóc quăn đứng dậy Ở ví dụ (15) “thằng mũi lõ” là hoán dụ vì được hiểu là bọn Tây (giặc Pháp). Còn ở ví dụ (16) “anh tóc quăn” không phải là hoán dụ mà chỉ là một cách nói hình ảnh, cách hiểu hoán dụ phải có sự trừu tượng hóa. Với lý do như trên, tác giả cũng đưa ra một số trường hợp không phải là hoán dụ như: anh bộ đội, bà bộ trưởng, cô thắt giải lưng xanh, cầu ái ân…. và để hiểu phương thức hoán dụ thì cần chú ý đến các mối quan hệ liên quan đến sự chuyển nghĩa. 15 Tóm lại, hoán dụ tu từ trong tiếng Việt được một số nhà ngôn ngữ coi là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa và được phân biệt với ẩn dụ, cải dung, cải số… 1.2.2. Hoán dụ là một phương thức chuyển nghĩa từ vựng. Bên cạnh hoán dụ tu từ, các nhà Việt ngữ học cũng quan tâm nghiên cứu các hoán dụ từ vựng. Theo Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến: “ Hoán dụ là một phương thức chuyển tên gọi dựa trên mối liên hệ logic giữa các đối tượng được gọi tên” [20]. Định nghĩa này có thể được thuyết minh lại như sau: Giả sử ta có từ T là tên gọi của đối tượng Đ1 và từ này có nghĩa S1. Khi cần gọi tên cho một đối tượng Đ2 mà giữa Đ2 và Đ1 có mối liên hệ logic nào đó (như liên hệ giữa bộ phận với toàn thể, giữa nguyên liệu với sản phẩm tạo thành chẳng hạn) thì người ta có thể dùng T để gọi tên luôn cho cả Đ2. Lúc này từ T được xây dựng thêm, được cấp thêm một nghĩa S2. Người ta bảo như thế là đã có một phép chuyển nghĩa hoán dụ. Ví dụ: (17) Vụng vá vai tài vá nách. Trong ví dụ này ta thấy rằng vai và nách là hai từ thay thế cho vai áo và nách áo. Trong trường hợp lấy bộ phận thân thể để gọi tên bộ phận trang phục tương ứng. Như vậy hoán dụ cũng là đối tượng nghiên cứu của từ vựng học. Hoán dụ từ vựng là nguồn tạo nên vốn từ vựng mới nhưng chỉ là tên gọi chứ không phải là loại hoán dụ tạo ra sắc thái ý nghĩa mới, nó không tác động vào trực giác để gợi mở mà tác động vào cách nhìn để chỉ suất. Theo góc độ này, trong tiếng Việt, hoán dụ mới chỉ được nghiên cứu, khảo sát ở đơn vị từ vựng. 2. HOÁN DỤ VÀ CÁC KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN HOÁN DỤ 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan