Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn “người dublin” của james joyce...

Tài liệu Hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn “người dublin” của james joyce

.PDF
137
173
53

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Lê Thị Tú Trinh HIỆN TƯỢNG EPIPHANY TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NGƯỜI DUBLIN” CỦA JAMES JOYCE LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2011 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Lê Thị Tú Trinh HIỆN TƯỢNG EPIPHANY TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NGƯỜI DUBLIN” CỦA JAMES JOYCE Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. ĐÀO NGỌC CHƯƠNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2011 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Các số liệu khảo sát, kết quả trong luận văn này là trung thực và chưa từng công bố ở các công trình khác. Người viết luận văn Lê Thị Tú Trinh Lớp Cao học Văn học nước ngoài K19 LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với PSG.TS Đào Ngọc Chương _ người thầy hướng dẫn đã tận tình giúp đỡ và động viên tôi trong quá trình thực hiện luận văn. Xin cảm ơn các thầy cô tổ Văn học nước ngoài, các thầy cô khoa Ngữ văn, phòng Sau Đại học trường ĐHSP Tp. HCM, gia đình và bạn bè đã góp ý, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tp. Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 11 năm 2011 Người viết Lê Thị Tú Trinh Lớp Cao học Văn học nước ngoài K19 MỤC LỤC Trang bìa phụ Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục Mở đầu ............................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ HIỆN TƯỢNG EPIPHANY VÀ “NGƯỜI DUBLIN” CỦA JAMES JOYCE 1.1. Epiphany- từ tôn giáo đến nghệ thuật............................................................. 15 1.2. Về tập truyện ngắn “Người Dublin” ............................................................... 31 1.2.1. “Người Dublin” – tập truyện bộc lộ tâm hồn người nghệ sĩ James Joyce ...................................................................................................................... 31 1.2.2. “Người Dublin” và thể loại truyện ngắn hiện đại ............................. 34 1.2.3 Vị trí của “Người Dublin” trong sự nghiệp sáng tác của James Joyce ...... 37 Tiểu kết chương 1....................................................................................................... 40 CHƯƠNG 2: EPIPHANY VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT CỦA “NGƯỜI DUBLIN” 2.1. Đặc trưng của những nhân vật liên quan đến hiện tượng epiphany trong “Người Dublin” ............................................................................................................... 43 2.1.1. Nhân vật bị giam cầm trong nhà tù cuộc sống................................... 43 2.1.2. Những nhân vật với khát vọng vượt thoát khỏi nhà tù cuộc sống........... 53 2.2 Hiện tượng epiphany của các nhân vật trong “Người Dublin” .................. 58 2.2.1 Thời gian của hiện tượng epiphany .................................................... 58 2.2.2 Không gian của những khoảnh khắc Epiphany .................................. 63 2.2.3. Điểm rơi epiphany của nhân vật ........................................................ 70 Tiểu kết chương 2....................................................................................................... 78 CHƯƠNG 3: ĐỘC GIẢ “NGƯỜI DUBLIN” VÀ HIỆN TƯỢNG PIPHANY 3.1 Vài nét về mỹ học tiếp nhận .............................................................................. 81 3.2 Lối viết khơi gợi epiphany cho độc giả “Người Dublin” ............................ 85 3.2.1 Độc giả và điểm rơi epiphany của nhân vật........................................ 85 3.2.2. “Người Dublin” với cách kiến tạo các epiphany hướng về độc giả ..... 88 Tiểu kết chương 3..................................................................................................... 116 KẾT LUẬN .......................................................................................................... 118 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 120 PHỤ LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1 Văn học thế giới từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX đã chứng kiến một bước ngoặc quan trọng để lại tên tuổi những nhà cách tân vĩ đại như James Joyce (1882-1941), Marcel Proust (1871-1922), Franz Kafka(1883- 1924), Virginia Woolf (1882-1941)...Một trong những tên tuổi ấy, nhà văn Ai-len, James Joyce nổi lên như một hiện tượng, một cây bút tiên phong của văn học chủ nghĩa hiện đại. Nghiên cứu các sáng tác của James Joyce là một trong những bước tiếp cận nền văn học hiện đại thế giới, kéo gần lại khoảng cách giữa nền văn học dân tộc và nhân loại. 1.2 Con đường sáng tạo của James Joyce đi từ những thể nghiệm ban đầu tới những bước đột phá càng về sau càng đa dạng, phức tạp, càng đòi hỏi người tiếp nhận sự kiên nhẫn và đam mê cao độ. Joyce thể hiện tài năng của mình trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, thơ, kịch và tiểu thuyết. Tuy các nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá rất cao những cách tân của James Joyce ở thể loại tiểu thuyết nhưng không vì thế mà truyện ngắn của ông bị xem nhẹ. “Người Dublin” được xem là tập truyện ngắn góp phần tạo nên diện mạo truyện ngắn hiện đại. Nếu nghiên cứu dưới góc nhìn liên văn bản thì những đề tài truyện ngắn còn trở lại và phát triển hơn trong các kiệt tác tiểu thuyết của Joyce sau này. Điều này gợi ý người viết bắt đầu đi vào thế giới nghệ thuật của James Joyce từ “Người Dublin”, tập truyện ngắn duy nhất của ông. 1.3 Khi sáng tác “Người Dublin” Joyce muốn tạo ra một chuỗi epiphany nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc ông cho nên epiphany chính là hiện tượng chi phối tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn trong toàn tập truyện. Epiphany còn là chìa khóa của toàn bộ thế giới nghệ thuật James Joyce hơn nữa cũng là hiện tượng chi phối sáng tác của nhiều nhà văn khác như là một lối viết, một mục đích sáng tác của các nhà văn hiện đại chủ nghĩa. Hiện tượng Epiphany trong “Người Dublin” là vấn đề nhiều gợi mở cho người muốn tìm hiểu về những cách tân của James Joyce ở lĩnh vực truyện ngắn. Epiphany sẽ hé lộ cho chúng ta cái tôi sáng tạo của nhà văn, những bí ẩn tâm hồn của người Dublin nói riêng và con người hiện đại nói chung. Người viết sẽ dùng khái niệm epiphany như chìa khóa bước vào thế giới nghệ thuật “Người Dublin” hi vọng tiếp cận được với một cách tân truyện ngắn hiện đại nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, giới thiệu một bậc thầy văn chương thế giới trong bối cảnh nền văn học phương Tây hiện đại đang ngày càng hấp dẫn độc giả và giới nghiên cứu Việt Nam. 2. Lịch sử vấn đề 2.1 Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này dựa trên phát biểu của chính James Joyce về tập truyện ngắn của mình. Trong một bức thư gửi cho một người bạn vào tháng 8 năm 1904, ông đã gọi tập truyện của mình là “một chuỗi epiphany”, cách gọi như thế còn được lặp lại lần nữa trong bức thư gửi cho anh trai ông sau đó. Và cũng chính Joyce thông qua diễn ngôn của Stephan Dedalus, nhân vật trung tâm trong “Stephen Hero”, tập bản thảo đầu tay mang tính tự thuật của nhà văn đã giải thích: “Epiphany là một biểu hiện tinh thần bất ngờ trong những lời nói thông tục, trong cử chỉ hoặc một giai đoạn đáng nhớ của tâm trí” [70]. Theo đó thì ý tưởng về việc sáng tác một chuỗi epiphany về đời sống Dublin đến với ông khi ông (trong vai Stephen Dedalus) đi bộ qua một con phố tồi tàn của Dublin và tình cờ nghe được những lời đứt quãng của cuộc trò chuyện giữa một người đàn ông và một người phụ nữ trẻ. Cuộc nói chuyện với những lời nói tầm thường, nhát gừng, gãy ra như những mảnh vụn ấy lại bất ngờ tiết lộ bản chất của đối tượng, khiến ông cảm nhận được nó như là tình trạng tê liệt của thành phố này. Ông nảy ra ý tưởng mình sẽ là người nghệ sĩ ghi chép lại những thời điểm của những nhận thức đột ngột như thế trong một tập truyện nghiêm túc mà ông gọi là “một chuỗi epiphany”. Nhà nghiên cứu Hofbauer Randy cho rằng James Joyce sử dụng hiện tượng epiphany để tiếp thêm sức mạnh cho người anh hùng Stephen (hay là chính chàng thanh niên James Joyce) để anh ta đến gần hơn với ước mơ trở thành một nghệ sĩ. Theo Hofbauer, epiphany có thể giúp người nghệ sĩ thấy được linh hồn , bản chất của đối tượng dù nó chỉ ẩn hiện sau lớp vỏ bề ngoài . Từ những tiết lộ của nhà văn mà các công trình nghiên cứu “Người Dublin” thường rất chú trọng đến hiện tượng epiphany. Hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn của James Joyce thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả đồng thời chính nó chi phối cách kể chuyện của ông, do đó các công trình nghiên cứu “Người Dublin” xem xét hiện tượng epiphany đã chi phối bút pháp kể chuyện của James Joyce như thế nào để từ đó tạo ra những thời khắc bừng ngộ của các nhân vật trong truyện và lôi kéo sự tham gia của độc giả vào việc hoàn thiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Mark Bendle trong bài viết “Tê liệt và epiphany trong Người Dublin” (Paralysis and epiphany in Dubliners ) xem epiphany như là một hiện tượng góp phần quan trọng thể hiện chủ đề của tập truyện – tình trạng tê liệt của các cư dân Dublin qua những khoảnh khắc epiphany của các nhân vật. Tác giả bài viết đi phân tích thời điểm epiphany của một số nhân vật trong “Người Dublin” và rút ra nhận xét rằng tại những thời khắc ấy họ nhận ra tình cảnh bế tắc của mình nhưng thường là họ không kiên quyết vượt thoát ra khỏi tình trạng ấy, thất vọng nhưng không giải quyết được bế tắc và cam chịu một cách tê liệt hoặc là trút giận vào con cái chẳng hạn như Little Chandle trong “Một đám mây nhỏ” hoặc Farington trong “Những bản sao”. Francesca Valente trong công trình “Người Dublin của Joyce như là những epiphany” (Joyce’s Dubliners as Epiphanies)[75] đã nghiên cứu sâu sắc hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn này của Joyce. Ông cho rằng không chỉ “Người Dublin” mà toàn bộ các sáng tác của Joyce là một loạt các epiphany. Francesca chú ý đến thủ pháp kết cấu các truyện ngắn để tạo thời điểm cho các epiphany xuất hiện. Đó là thời điểm mà các giác quan của nhân vật có sự tương tác với nhau như là mắt nhìn thấy và tai cùng lắng nghe. Các chuỗi epiphany của nhân vật góp phần thể hiện chủ đề của tập truyện là tình trạng tù túng, tê liệt mà các cư dân thành phố đang phải chịu đựng. Qua đó có thể thấy được thấp thoáng cái tôi James Joyce cũng bị mắc kẹt đâu đó giữa những ràng buộc gia đình, tôn giáo hay chính trị của xã hội Ailen. Theo nhà nghiên cứu này, epiphany của nhân vật cũng là epiphany của người nghệ sĩ James Joyce. Công trình này chưa chú ý đến vai trò của người đọc nhưng nó quan tâm đến dụng ý của nhà văn trong việc “viết một chương trong lịch sử đạo đức của dân tộc mình”. Trong khi đó thì Garry Martin Leonard lại cho rằng “ Cuốn Người Dublin là một chương quan trọng trong sự phát triển ngòi bút của người nghệ sĩ Joyce hơn là một chương trong lịch sử xã hôi Dublin” [71]. Bởi vì theo Garry, epiphany đã trở thành một kĩ thuật giúp tác giả “Người Dublin” thiết lập một liên kết thẩm mỹ giữa tác giả, văn bản và người đọc. Có thể nói công trình nghiên cứu “ Đọc lại Dubliner: Dưới cái nhìn của Lacan” (Reading Dubliners again: a Lacanian perspectiev) [71] của Garry Martin Leonard đã xem xét hiện tượng epiphany trong “Người Dublin” của James Joyce dưới những phương pháp luận nghiên cứu văn học rất hiện đại. Ông đánh giá cao khái niệm ephiphany và cho rằng không chỉ của riêng Joyce, epiphany còn phát triển thành một phương thức sáng tác của văn học hiện đại và đương đại. Thêm một điều thú vị nữa là Garry còn chú ý đến hiện tượng tương đồng của hiện tượng epiphany trong văn học hiện đại phương Tây với quan niệm sáng tác “ý tại ngôn ngoại” của văn học phương Đông. Từ đó ông đề cao vai trò của epiphany trong việc kêu gọi người đọc tham gia bằng trí tưởng tượng, bằng trải nghiệm của mình trong việc tiếp nhận “Người Dublin”. Garry tán đồng quan niệm của Beja khi cho rằng epiphany của Jamemes Joyce thường hướng đến người đọc hơn là nhân vật. Những ý kiến của Garry Martin Leonard thực sự là những gợi ý rất thú vị để chúng tôi tìm hiểu epiphany trong “Người Dublin” của James Joyce dưới quan niệm của mỹ học tiếp nhận. Cũng đồng quan điểm về vai trò của người đọc, Wallace Gray trong một bài giới thiệu tập truyện “Người Dublin” đã đưa ra nhận định “ Ý định khởi đầu của nhà văn không được diễn tả như một thông báo cuối cùng. Chính người đọc sẽ quyết định xem mỗi câu chuyện sẽ phát ra một ý mỉa mai hay đồng cảm” [78] .Chính vì thế mà James Joyce sử dụng lối viết giản lược (style of scrupulous meanness) và tập truyện ngắn này của ông được cho là điểm khởi đầu của chủ nghĩa hiện đại, chống lại lối viết của thế kỉ XIX. Wallace tiếp cận “Người Dublin” trên cả hai bình diện: một là phản ánh đời sống đầy thất bại của các cư dân Dublin từ trẻ thơ, phụ nữ, những người đàn ông trưởng thành; hai là qua các biểu tượng và motip phản ánh bản chất con người nói chung vào khoảng giao thời hai thế kỉ. Nhà nghiên cứu rất chú ý đến phong cách viết của James Joyce nhất là tính chất song đôi vừa hiện thực vừa tượng trưng; các độc thoại tự sự và những câu văn lặp lại những hình ảnh theo khuôn mẫu; lối văn xuôi tự nhiễm lây phong cách của nhân vật, chẳng hạn khi miêu tả cử chỉ và ngôn ngữ của Lyly (Cõi chết) ông dùng lối văn của ngững người đầy tớ gái, sau đó khi miêu tả vũ hội ông chuyển sang dùng ngôn ngữ của tầng lớp trung lưu, cứ như là khi miêu tả đến nhân vật nào ông sẽ để cho nhân vật đó cầm tay mình mà viết. Wallace đánh giá đó chính là lối viết của một nhà văn hiện đại. Thêm một nét độc đáo trong cách viết của Joyce được Wallace nhấn mạnh nữa là lối văn chuyển hoán ở câu thứ hai ( chiasmus). Cũng như các nhà nghiên cứu khác khi tìm hiểu “Người Dublin” của James Joyce, Wallace không thể bỏ qua hiện tượng epiphany trong các truyện ngắn. Nhà ngiên cứu so sánh và phát hiện ra điểm tương đồng giữa quan niệm về người nghệ sĩ có khả năng epiphany của James Joyce với “ Phương pháp soi sáng chi tiết” của Ezra Pound. Joyce cho rằng người nghệ sĩ có khả năng phát hiện ra những biểu hiện tinh thần bất ngờ dù chỉ qua những khoảnh khắc vụn vặt, tầm thường của cuộc sống; Ezra Pound cũng cho rằng nhà thơ chỉ cần lựa chọn một chi tiết không quan trọng trong một bối cảnh hoặc một giai đoạn lịch sử là đã có thể soi sáng bản chất xã hội đó. Tập “Người Dublin” do nhà xuất bản David Campbell, London in năm 1991 có phần giới thiệu rất sâu sắc của nhà nghiên cứu Jonh Kelly. Trước hết, Jonh khái quát ba đề tài mà theo ông được Joyce theo đuổi trong cả cuộc đời sáng tác của mình: Niềm khao khát tự do; mối quan hệ giữa hiểu biết thực tế và nghệ thuật tượng trưng; mối quan hệ tác giả, tác phẩm và độc giả. Ở đề tài tự do, Jonh tìm ra cái tôi James Joyce trong khát vọng tự do của các nhân vật, khát khao trốn thoát khỏi những ràng buộc của tôn giáo, chính trị và dân tộc để bước vào một cuộc sống có ý nghĩa thật sự; Ở đề tài mối quan hệ giữa kinh nghiệm thực tế và nghệ thuật tượng trưng, nhà nghiên cứu cho rằng Joyce đã đi tìm một kiểu, một kĩ thuật viết để có thể nối những điều tầm thường trong cuộc sống vào trong một cuốn sách sao cho sự phản xạ trở lại sẽ tạo ra một ý nghĩa rộng hơn. Đó chính là thời điểm epiphany, nơi một đối tượng nhỏ mọn nhất được soi sáng bằng việc tăng tột độ sự tượng trưng, ám chỉ của chúng và tạo ra một sự cộng hưởng của trí tưởng tượng. Đề tài thứ hai này chính là tiền đề cho đề tài thứ ba để đạt mục đích sáng tác của nhà văn là tạo ảnh hưởng lên độc giả nhằm báo động về một cuộc sống nhỏ nhen, tù đọng. Nhìn chung, ba mảng đề tài mà Jonh Kelly phân tích đã bao quát phần lớn quan niệm và kỹ thuật sáng tác “Người Dublin” của James Joyce, chỉ vì phạm vi của một bài giới thiệu sách nên nhà nghiên cứu mới chỉ gợi và hướng đi tiếp được mở ra với nhiều khả năng hơn cho đề tài của chúng tôi. Nhà nghiên cứu văn học hiện đại người Nhật Bản- Suzuki Takashi trong một báo cáo khoa học về James Joyce được đọc tại đại học Aoyamagakuin, Nhật Bản “Epiphany trong Người Dublin” (Epiphanies in Dubliners) [77] quan tâm đến cách thức mà nhà văn để cho một Epiphany xuất hiện trong truyện ngắn. Ông phân tích nhiều truyện ngắn tiêu biểu để chứng minh cho sự đa dạng trong thủ pháp tái hiện epiphany của Joyce. Có những khi epiphany xuất hiện trực tiếp rõ ràng cho người đọc dễ nắm bắt ví dụ epiphany của Jimmy ở cuối truyện “Sau cuộc đua”; có những epiphany xuất hiện tại thời điểm có sự chuyển dịch không gian, thời gian, ánh sáng và bóng tối như “Hai chàng ga lăng”; cũng có khi epiphany xuất hiện nhờ vào yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên như trong “Một cuộc chạm trán”.Suzuki còn chú ý đến mối liên hệ có tính phát triển giữa các nhân vật trong các truyện ngắn khác nhau. Ông cho rằng Gabriel có thể là phiên bản trưởng thành của các cậu bé trong “Một cuộc chạm trán”. Gabriel không còn ở tuổi ngây thơ nên các khát vọng, sự ngưỡng mộ hướng và tới một thế giới khác với xã hội Ailen tù túng được thể hiện rõ ràng và mãnh liệt hơn cũng vì thế mà sự thất vọng cũng cay đắng hơn. Những phân tích của Suzuki Takashi gợi ra rất nhiều khía cạnh có thể đào sâu vào thế giới nhân vật của “Người Dublin”. Bài viết còn gợi ý cho chúng ta về sự đa dạng của các dạng thức và thời điểm epiphany trong tập truyện. Các nhà văn của chủ nghĩa hiện đại chống lại lối viết của các nhà văn hiện thực thế kỉ XIX bằng việc sáng tạo ra một lối viết hoàn toàn mới thay vì miêu tả hiện thực từ bên ngoài bản thân nó, các nhà văn hiện đại miêu tả một hiện thực nằm sâu trong bản chất của đối tượng. Một trong những cây bút tiên phong của lối viết hiện đại ấy chính là James Joyce và tác phẩm đầu tiên phá vỡ các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực kinh điển chính là “Người Dublin” của Joyce. Đó là ý kiến của Codell D.K. Yee trong công trình “Theo từ ngữ dến với James Joyce: tái hiện lại một cách viết” ( The word according to James Joyce: reconstruction representation) [68]. Codell đã dẫn và chứng minh ý kiến của Colin MacCabe rằng Joyce bắt đầu phá vỡ nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực với khái niệm epiphany. Sự thiếu vắng các ngữ cảnh hoặc sự miêu tả không đầy đủ làm cho những hiểu biết về các truyện ngắn đôi khi nằm ngoài văn bản, đòi hỏi người đọc phải có khả năng phán đoán. Joyce không chịu trách nhiệm hoàn toàn nội dung của văn bản mà đó là câu hỏi mà người đọc phải trả lời bằng sự tương tác qua lại giữa những thông tin ít ỏi mà văn bản cung cấp với trải nghiệm của bản thân anh ta. Ý kiến của Codell bổ sung cho các ý kiến của các nhà nghiên cứu khác, cung cấp thêm những thông tin thú vị cho việc tìm hiểu “Người Dublin” 2.2. Ở trên chúng tôi đã giới thiệu một số công trình nghiên cứu có liên quan đến hiện tượng epiphany trong “Người Dublin” của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Nghiên cứu về James Joyce và truyện ngắn của ông ở trong nước trên thực tế chưa có nhiều công trình chuyên sâu. Những năm cuối thế kỉ XX trong một số công trình về văn học phương Tây hiện đại các nhà nghiên cứu như Hoàng Nhân, Hoàng Trinh, Phương Lựu, Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu… có nhắc đến tên tuổi James Joyce như một tác giả tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại với những cách tân trong tiểu thuyết, khai sinh ra kỹ thuật dòng ý thức. Thời điểm đó chưa có bài viết nào đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn tiên phong này, tên tuổi ông được nhắc đến cùng với tên tuổi các nhà văn hiện đại khác mà không có sự nhấn mạnh đáng kể nào. Đến đầu thế kỉ XXI, Nguyễn Thế vinh với sự giúp đỡ của Susan J.Dadam, một người Mỹ rất có tâm huyết với James Joyce, đã dịch cuốn tiểu thuyết đầu tay “Chân dung một chàng trai trẻ” (A portrait of the artist as a young man) ra tiếng Việt. Cũng chính Nguyễn Thế Vinh sưu tầm và giới thiệu một số bài đánh giá chung về sự nghiệp Joyce tổng hợp lại trong Tạp chí văn học nước ngoài số 6-2005. Trong số tạp chí này còn có một bài “Phê bình hình thức tác phẩm Cõi chết” của Susan j. Adam. Bài viết phân tích những yếu tố thần thoại Xen-tơ, Na-uy và La mã trong truyện ngắn Cõi chết, bóc tách nhiều lớp vỏ huyền thoại và văn học dân gian bao trùm lên hoặc ẩn hiện trong nhiều lớp ngôn từ của truyện ngắn được đánh giá là hay nhất thế kỉ XX này. Cùng thời gian này, Lê Huy Bắc trong ấn phẩm “ Đặc trưng truyện ngắn Anh Mỹ” [4] đã nhận định truyện ngắn của Joyce là truyện ngắn “Đốn ngộ” (epiphany) một trong ba đặc trưng của truyện ngắn hiện đại Anh – Mỹ . Nhà nghiên cứu đã mượn một khái niệm tu tập của phật giáo Thiền Tông để dịch từ Epiphany của Joyce. Theo đó ông giải thích “Đốn ngộ có nghĩa là nhân vật đạt đến sự giác ngộ về bản chất tồn tại, cái đẹp hay giá trị nhân văn nào đó chỉ trong một khoảnh khắc được chiếu rọi bởi những tiêu chí tự thân của bản thể”.[4,207] Có thể nói Lê Huy Bắc là người đầu tiên quan tâm đến truyện ngắn của James Joyce và xác nhận đặc trưng trong lối viết truyện ngắn của nhà văn. Ông cũng chú ý đến cả sự “đốn ngộ” của độc giả , tuy nhiên ông lại cho rằng độc giả sẽ chỉ “đốn ngộ” tại giây phút “đốn ngộ của nhân vật”. Khi khảo sát sự xuất hiện của hiện tượng Epiphany của độc giả “Người Dublin” chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và bổ sung hướng nghiên cứu này. Cùng quan niệm với nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc, Lê Minh Kha trong luận văn thạc sĩ “Góc khuất cái tôi James Joyce trong Người Dublin” dành một phần để khai thác hiện tượng epiphany đối với các nhân vật của “Người Dublin” nhưng Lê Minh Kha gọi đó là khoảnh khắc “bừng ngộ” của nhân vật. Lê Minh Kha không chú trọng đến epiphany của độc giả cùng với nhân vật mà chú ý đên góc khuất cái tôi James Joyce trong những thời điểm bừng ngộ ấy. Người viết nhấn mạnh “ Sự bừng ngộ của nhân vật thường diễn ra trên hai phương diện: nhận thức về đời và ý thức về mình. Trong đó ý thức về mình là vấn đề cốt lõi. Ý thức về mình gắn liền với sự bừng tỉnh của cái tôi- cái tôi như một cá thể tự do, không nô lệ.”[26,79] Và cái tôi trong từng nhân vật ẩn hiện bóng hình cùa tác giả với ý thức phản tỉnh dù không đưa được các nhân vật của Joyce vượt thoát khỏi cuộc sống bế tắc nhưng là dấu hiệu cho khát vọng mạnh mẽ của người nghệ sĩ James Joyce sẽ làm một cuộc tẩu thoát sau này. Khi nhắc đến sự tiếp nhận của người đọc Lê Minh Kha cho rằng những khoảnh khắc bừng ngộ của nhân vật sẽ ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Tác giả luận văn chưa đẩy lên thành sự bừng ngộ của độc giả có lẽ vì điều đó nằm ngoài phạm vi đề tài nghiên cứu của anh. Ngoài một số công trình trên, trong nước ta còn một luận án tiến sĩ của Nguyễn Linh Chi, một người chuyên tâm và say mê nghiên cứu James Joyce trong nhiều năm gần đây. Đề tài mà cô nghiên cứu là “Nhân vật Stephen Dedalus của James Joyce và mô típ mê cung”. Vậy đối tượng và phạm vi của công trình sẽ là các tiểu thuyết của Joyce. Tuy thế, hiện tượng Epiphany vốn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Joyce cũng sẽ là một phần trong “ cái mê cung” mà Joyce xây dựng. Tác giả luận án này xem epiphany như là “một dấu hiệu của tâm điểm để từ đó người bị giam giữ (trong mê cung) có thể thoát ra ngoài”[7,15]. Trong hành trình khám phá mê cung, Nguyễn Linh Chi nhận ra cái kết cấu vòng tròn trong kỹ thuật epiphany của James Joyce. Đây là một gợi ý quý báu nếu chúng ta dự định xem xét kết cấu các truyện ngắn trong “Người Dublin” vì đó là kiểu kết cấu quen thuộc của James Joyce. Để chuẩn bị cho công trình luận án chuyên sâu và nghiêm túc của mình, trước đó, Nguyễn Linh Chi đã biên soạn ấn phẩm “Tác gia tác phẩm văn học trong nhà trường- James Joyce”. Cuốn sách đã khái quát cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn trong đó dành một phần giới thiệu tập truyện “Người Dublin”. Nhà nghiên cứu có sơ lược về chủ đề, kết cấu của tập truyện nhưng chỉ dừng ở mức giới thiệu chứ không đi sâu vào khía cạnh nào. Khi “Người Dublin” được dịch giả Vũ Mai Trang xuất bản năm 2009, nhà văn Mai Thục đã viết một bài giới thiệu khá công phu cho tập truyện. Trong đó nhà văn cũng rất chú ý đến hiện tượng epiphany như là một đặc trưng cơ bản của các truyện ngắn nghĩa là một tập truyện hé lộ những bí ẩn tâm hồn con người hiện đại. Mai Thục dùng “hiển lộ” để dịch “Epiphany”, theo đó, các truyện ngắn sẽ lần lượt bộc lộ “những bí ẩn, những khoảng tối nằm sâu trong tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tù đọng, dối trá, đói khổ, tối tăm, bế tắc…của Dublin” [25,15] … “Là những khoảnh khắc bất ngờ, ngẫu nhiên, bình thường và lặng lẽ, là giây phút mà tính cách bên trong của con người bỗng hiển lộ qua những chi tiết sinh hoạt thường ngày chân thật” [25,15]. Mai Thục không lí giải sâu nhưng có vẻ như nhà văn xem epiphany trong “Người Dublin” là một khía cạnh của thủ pháp miêu tả tâm hồn nhân vật tại một thời điểm đặc biệt nào đó, thời điểm mà người đọc có thể nhìn rõ bản chất nhân vật, rộng hơn là chiều sâu tâm hồn con người Dublin. Bài giới thiệu cũng khái quát những nét cơ bản về phong cách nghệ thuật của James Joyce trong tập truyện, đó là cách kể kiệm lời để người đọc tự suy ngẫm và kết luận, cốt truyện không rõ ràng, không có xung đột kịch tính…Dừng lại ở giới hạn của một bài giới thiệu sách, bài viết chưa cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc nhưng nhìn chung cũng một lần nữa khẳng định epiphany là một đặc trưng quan trọng của tập truyện “Người Dublin”. Hướng theo những gợi ý của nhà văn Mai Thục, khóa luận tốt nghiệp của Lê Thị Như Vân “Nghệ thuật kể chuyện trong Người Dublin của James Joyce” cũng xem epiphany của Joyce là “phút tâm hồn hiển lộ”. Theo tác giả khóa luận, nghệ thuật kết cấu cốt truyện của James Joyce trong “Người Dublin” gồm hai đặc trưng: một là truyện không có cốt truyện; hai là xây dựng phút tâm hồn hiển lộ. “Điều làm nên đặc sắc cho truyện của Joyce chính là cách ông xây dựng những khoảnh khắc, những giây phút mà tính cách bên trong của con người bỗng hiển lộ qua những chi tiết sinh hoạt thường ngày, chân thật.” [60,42] Có thể thấy khóa luận đã bám sát ý kiến của nhà văn Mai Thục khi nhận định và phân tích epiphany trong “Người Dublin”. Đó là quan niệm xem epiphany như một khoảnh khắc bất ngờ hé lộ bí ẩn tâm hồn nhân vật và James Joyce đã cố tình tạo ra những khoảnh khắc ấy một cách tự nhiên và chân thật nhất. Đề cao tài năng của James Joyce trong việc xây dựng “phút tâm hồn hiển lộ” làm nên sức hấp dẫn cho các truyện ngắn nhưng cả Mai Thục là Lê Thị Như Vân đều chưa đi sâu lí giải các thủ pháp mà Joyce sử dụng để kiến tạo thời khắc ấy. Chúng tôi sẽ tiếp thu gợi mở này và cố gắng đi xa hơn cho phù hợp với mục đích đề tài của mình. 2.3. Quá trình tìm hiểu lịch sử vấn đề, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà nghiên cứu nước ta đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các sáng tác của James Joyce nhưng cho đến thời điểm hiện tại chỉ có các công trình tập trung khảo sát tiểu thuyết của Joyce hoặc nghiên cứu truyện ngắn của ông ở phương diện “Góc khuất cái tôi nhà văn” hoặc “Nghệ thuật tự sự”, chưa có công trình nào chuyên sâu nghiên cứu hiện tượng epiphany trong tập truyện ngắn người Dublin của James Joyce dù đã có vài ý kiến mang tính gợi mở. Trong khi đó các công trình liên quan đến đề tài này ở nước ngoài lại tương đối phong phú và đa dạng. Các nhà nghiên đã đề cập đến nhiều hướng tiếp cận truyện ngắn James Joyce dưới sự chi phối của hiện tượng epiphany: từ chủ đề của tập truyện, cách viết của tác giả và cả vai trò của người đọc. Tuy nhiên, số lượng khá nhiều nhưng nội dung còn phân tán. Điều này vừa là thuận lợi cho chúng tôi trong việc tìm kiếm tư liệu, tiếp thu các gợi ý quí báu nhưng cũng chính là thách thức khi chúng tôi quyết tâm tìm một hướng đi của riêng mình để không lặp lại thành tựu của những người đi trước. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu “Người Dublin” là tập truyện ngắn duy nhất của James Joyce và hiện nay ở Việt Nam cũng chỉ có một bản dịch của Vũ Mai Trang do Công ty sách Bách Việt và nhà xuất bản Văn học phát hành. Tập truyện là đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trên cơ sở đối sánh với nguyên bản tiếng Anh “Dubliners” của nhà xuất bản David Campbell, London phát hành năm 1991. Với đề tài “Hiện tượng Epiphany trong tập truyện ngắn người Dublin của James Joyce” chúng tôi sẽ đi tìm một cách hiểu khái niệm Epiphany mà James Joyce sử dụng trong tập truyện ngắn duy nhất này của ông. Epiphany là hiện tượng giúp nhà văn thể hiện chủ đề của tập truyện mà ông gọi là “ một chuỗi epiphany để thức tỉnh tinh thần dân tộc”. Vậy Epiphany đã chi phối các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn từ việc khắc họa bức chân dung tinh thần của nhân vật đến việc bộc lộ cái tôi của mình và sử dụng các biểu tượng, cách kết cấu…nhằm hướng đến hiện tượng Epiphany của độc giả- đối tượng mà nhà văn muốn đánh thức. 4. Phương pháp nghiên cứu Sau khi cân nhắc chúng tôi quyết định sẽ vận dụng ba phương pháp chính trong quá trình nghiên cứu đề tài này: phương pháp văn hóa lịch sử, phương pháp phân tích cấu trúc, phương pháp hiện tượng học. Bên cạnh đó sẽ cần thêm một số phương pháp và thao tác hổ trợ khác như phân tích, tổng hợp, so sánh và thống kê. Trước hết, phương pháp văn hóa- lịch sử sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của điều kiện sinh sống tự nhiên cùng những di sản tích tụ từ xa xưa của dân tộc Ailen lên các sáng tác của James Joyce. Chủng tộc, môi trường dường như đều ghi dấu ấn sâu đậm lên các truyện ngắn của ông dù ông có là một nhà văn lưu vong, xa cách tổ quốc, từ bỏ tôn giáo truyền thống của gia đình và dân tộc. Hyppolyte Taine, nhà nghiên lỗi lạc người Pháp đã viết rằng: “nghệ thuật chỉ tổng kết cái mà lịch sử đã tạo nên” có nghĩa là dù với những phương pháp đặc thù của riêng mình thì việc sáng tạo nghệ thuật cũng là một hiện tượng văn hóa phản ảnh trung thành lịch sử. Điều này hoàn toàn phù hợp với dụng ý của James Joyce khi sáng tác “Người Dublin” là “Viết một chương trong lịch sử đạo đức của dân tộc” mình. Với cách kể chuyện đầy ẩn ý của James Joyce chúng tôi thấy rằng có thể vận dụng phương pháp giải cấu trúc theo quan niệm của Roland Barthes để “phân cắt tác phẩm” thành từng “đơn vị đọc” sau đó sẽ mượn các mật mã của tác phẩm để phân giải và mở rộng ý nghĩa của nó. Chúng tôi đặc biệt tâm đắc với lối ví von của Roland Barthes “đọc tác phẩm cũng như động tách bóc củ hành, không hề có lõi gốc bên trong”. Quan niệm này rất gần gũi với việc đọc các truyện ngắn của James Joyce cũng như tất cả các tác phẩm khác của ông. Với phương pháp cấu trúc, chúng ta sẽ khám phá được “mô thức tự sự” của James Joyce trong “Người Dublin”. Đó là kiểu trần thuật lấy nhân vật làm trung tâm với điểm nhìn đa dạng, đa chiều với dụng công xây dựng không gian thời gian nghệ thuật nhằm khơi gợi được hiện tượng epiphany của cả nhân vật và người đọc. Cái “mô thức tự sự” này thể hiện quan niệm của tác giả về bản chất con người và bức tranh xã hội (hay nói khác đi là “mô hình quan niệm về con người và thế giới của tác giả”(Đào Ngọc Chương) ). Phương pháp quan trọng thứ ba mà chúng tôi lựa chọn cho luận văn của mình là phương pháp Hiện tượng học. Phương pháp này có hạt nhân tư tưởng là triết học hiện tượng của Edmund Husserl được học giả người Ba Lan Roman Ingarden phát triển thành lí luận văn học. Trong luận văn này chúng tôi vận dụng phương pháp phân tích kết cấu tác phẩm thành các lớp của Roman Ingarden và đặc biệt chú ý đến tầng bậc thứ tư “Tầng bậc mô thức hóa”. Mỗi tác phẩm văn học, theo Roman là một “khách thể mang tính ý hướng” và khách thể ấy chỉ được xuất hiện hạn chế với một số phương diện cơ bản gọi là mô thức, còn rất nhiều “điểm không xác định” chờ người đọc lấp đầy. Những điểm không xác định sẽ được gợi ý từ những điểm đã xác định trong tác phẩm. Do đó chúng tôi có tham vọng sẽ dựa vào những gợi ý trong các truyện ngắn của James Joyce để thâm nhập vào các tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm liên quan đến hiện tượng epiphany mà Joyce muốn gợi ra ở người đọc truyện ngắn của mình. Ở đây nếu kết hợp với phương pháp trực giác và thấu cảm chúng ta sẽ có đủ hai cách cụ thể hóa cái mô thức trong từng truyện ngắn. Một là, như trên đã trình bày, người đọc có thể từ những gợi ý trong tác phẩm để suy tưởng lấp đầy các khoảng trống; hai là, tưởng tượng, liên tưởng theo ý hướng của mình. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng sẽ tiến hành so sánh đối chiếu các dạng nhân vật, không gian, thời gian hoặc các kết cấu khác nhau giữa các truyện ngắn. Song song đó cũng cần thống kê các thời điểm mà hiện tượng epiphany xuất hiện, các dạng nhân vật… vì vậy so sánh và thống kê sẽ là những công cụ hổ trợ đắc lực cho các phương pháp chính ở trên. 5. Dự kiến đóng góp của luận văn Ý nghĩa khoa học: trong luận văn này, chúng tôi cố gắng đề xuất và lí giải một cách hiểu về hiện tượng Epiphany mà Joyce xem như một tiêu chí sáng tác. Vận dụng cách hiểu ấy chúng tôi tiến hành khảo sát sự chi phối của hiện tượng epiphany đối với việc hình thành các đặc trưng của nhân vật; nghệ thuật xây dựng thời gian, không gian và điểm rơi epiphany nơi các nhân vật đạt được sự nhận thức bất ngờ về bản thân và thế giới. Luận văn cũng nghiên cứu lối viết của James Joyce nhằm hướng tới và khơi gợi hiện tượng epiphany nơi độc giả “Người Dublin”. Ý nghĩa thực tiễn: James Joyce là một nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại. Tác phẩm của ông không chỉ được các nhà nghiên cứu say mê mà còn được đưa vào chương trình học của rất nhiều trường phổ thông và đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam ta, tên tuổi, sự nghiệp và tác phẩm của Joyce hãy còn vắng bóng và chưa được quan tâm đúng mức.Với luận văn của mình, chúng tôi hi vọng có thể góp phần thúc đẩy niềm hứng thú nghiên cứu và học tập tác phẩm của Joyce ở trường đại học. Luận văn cũng sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu hiện tượng epiphany trong các sáng tác khác của James Joyce . 6. Bố cục của luận văn Luận văn gồm 3 phần: Phần mở đầu với sáu mục nhỏ: sau phần lí do chọn đề tài, người viết đi vào Lịch sử vấn đề để khái quát tình hình nghiên cứu “Người Dublin” ở trong và ngoài nước. Mục thứ ba sẽ giới hạn lại đối tượng và phạm vi nghiên cứu vì tập truyện duy nhất của James Joyce có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Phương pháp nghiên cứu cũng cần được xác định bởi nó là chìa khóa để người viết thâm nhập vào đối tượng nghiên cứu của mình. Hai mục cuối của phần này là dự kiến đóng góp và cấu trúc của luận văn. Phần nội dung với ba chương: Chương 1 của luận văn dành một phần quan trọng để giới thuyết hiện tượng epiphany từ trong tôn giáo đến với văn học. Kế đến là phần xác định vị trí của tập truyện “Người Dublin” trong thể loại truyện ngắn hiện đại, trong sự nghiệp sáng tác cũng như trong việc giúp người đọc nhận ra góc khuất tâm hồn của tác giả James Joyce. Trong khi chương 2 dành để nghiên cứu thế giới nhân vật của “Người Dublin” dưới sự chi phối của hiện tượng epiphany thì chương ba khám phá lối viết của nhà văn nhằm gợi epiphany từ phía độc giả. Hai chương cơ bản này sẽ soi chiếu vào nhau để làm sáng tỏ dụng công nghệ thuật của James Joyce trong việc thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Cuối cùng là Phần kết luận tổng kết lại kết quả nghiên cứu trước khi giới thiệu phần phụ lục và danh mục tài liệu mà người viết đã tham khảo trong quá trình làm việc với đề tài của mình.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan