Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “những giao diện ẩn” của thiên di...

Tài liệu Giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “những giao diện ẩn” của thiên di

.PDF
59
172
132

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NV BỘ MÔN NGỮ VĂN NGUYỄN THỊ THANH KIỀU GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TÁC PHẨM “NHỮNG GIAO DIỆN ẨN” CỦA THIÊN DI Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn : ThS Bùi Thanh Thảo Cần Thơ, năm 2011 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương I. Những vấn đề chung về tiểu thuyết 1.1 Khái niệm tiểu thuyết 1.2 Đặc trưng của thể loại tiểu thuyết 1.2.1 Đặc nội dung của tiểu thuyết so với các thể loại khác 1.2.2 Đặc trưng về hình thức của tiểu thuyết Chương II. Giá trị nội dung của tác phẩm “Những giao diện ẩn” 2.1 Con người từ góc nhìn tuổi trẻ 2.1.1 Tuổi trẻ vươn lên vì những khát vọng chân chính 2.1.2 Con người tuổi trẻ đầy tham vọng 2.1.3 Cái nhìn về thế hệ 9x 2.2 Những mối quan hệ tình cảm trong tác phẩm 2.2.1. Tình bạn chân thành của tuổi trẻ 2.2.2 Tình yêu của tuổi trẻ 2.2.3 Tình thương con Chương III. Gía trị nghệ thuật của tác phẩm “ Những giao diện ẩn” 3.1 Cách đặt tên nhân vật 3.2 Cách đặt tên chương 3.3 Ý nghĩa tên truyện “ Những giao diện ẩn” 3.4 Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm 3.5 Đặc sắc ngôn từ PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong suốt bốn năm trên giảng đường đại học, luận văn tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu lớn nhất mà tôi thực hiện. Với công trình này tôi có dịp vận dụng những kiến thức đã được trang bị, trau dồi trong suốt những năm ngồi ghế nhà trường. Đây cũng là thước đo cho việc đánh giá năng lực học tập của một sinh viên trước khi ra trường. Trong thời gian tìm kiếm đề tài luận văn cho riêng mình, có một sự kiện văn học diễn ra làm tôi chú ý, ngày 05.9.2010 báo Tuổi Trẻ đã trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần thứ IV với đề tài “Hãy khám phá và viết về con người, cuộc sống và khát vọng của lứa tuổi 20, nhằm tái hiện chân dung tiêu biểu của người trẻ hôm nay”. “Biển” của Trương Anh Quốc đạt giải nhất, “Cô con gái ngỗ ngược” của Võ Diệu Thanh đạt giải nhì, “Visa” của Hải Miên và “Giảng đường yêu dấu” của Mai Anh Tuấn đạt giải ba, “Những giao diện ẩn” của Thiên Di, “Tạm trú” của Đỗ Duy, “Những chuyển điệu” của Thiên Ngân và “Thuê bao quí khách” của Hương Thị đồng giải tư. Mỗi tác phẩm thể hiện một khát vọng, một tư duy, trăn trở riêng của tuổi trẻ, lứa tuổi tràn trề nhựa sống nhưng cũng đầy những giông bão. Tất cả các tác phẩm này đều rất mới, rất lạ với độc giả, gần như chưa có ai đi sâu nghiên cứu. Đó là một môi trường thuận lợi để tôi chọn một đề tài luận văn tốt nghiệp của mình. Tôi không chọn “Biển” của Trương Anh Quốc, cũng không chọn “Cô con gái ngỗ ngược” của Võ Diệu Thanh hay một tác phẩm nào khác mà tôi chọn “Những giao diện ẩn” làm đề tài nghiên cứu của mình. “Những giao diện ẩn”, thoạt nghe qua dễ làm người ta liên tưởng đến những giao diện máy tính. Chính tên tác phẩm đã cuốn hút tôi ngay lần đầu tiên. Đọc tác phẩm lại càng thích hơn khi tôi, chính tôi tìm thấy tôi trong tác phẩm. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tôi và tính cách của một vài nhân vật như tính cứng cỏi, độc lập, dấn thân nhập cuộc của Ngỗ Ngáo, cái bận rộn của Cục Đất hay cái vất vả, chật vật thời sinh viên của Bướng Bỉnh…Với “Những giao diển ẩn”, Thiên Di đã thật sự cuốn hút người đọc bằng rất nhiều sự khác lạ: sự khác lạ về cách đặt tên chương truyện, khác lạ về việc đặt tên nhân vật theo tình cách và cả cách dẫn truyện âm dương lẫn lộn xen lẫn những yếu tố kì ảo, những khát vọng của tuổi trẻ muốn chứng tỏ khả năng, muốn sống đúng với bản chất của mình… Với đề tài nghiên cứu “giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Những giao diện ẩn” của Thiên Di” tôi muốn tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề mà tác phẩm đã đề cập. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp cho bản thân làm việc một cách nghiêm túc và hoàn chỉnh với một tác phẩm văn chương. 2. Lịch sử vấn đề Là một trong những tác phẩm còn rất mới với độc giả, “Những giao diện ẩn” cũng như những tác phẩm khác gần như chưa có ai đi sâu nghiên cứu, có chăng thì cũng chỉ dừng lại ở những nhận định khái quát về tác phẩm. Trên trang phapluat.vn (02/9/2010) có những dòng nhận xét về tác phẩm như sau: “Những giao diện ẩn viết về tình bạn, ước mơ tuổi trẻ và cách thức biến nó thành hiện thực. Cái đáng quí của truyện này là người viết đã biết cách làm lạ hóa một chủ đề rất đỗi bình thường. Tiểu thuyết dạng như văn học kỳ ảo viết về những góc khuất của cuộc sống dưới cái nhìn của một cô gái đã đi về thế giới bên kia. Văn phong gãy gọn, giàu cảm xúc”[1]; Một nhận định khác của nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên “Tác giả đã cho thấy một khả năng viết truyện sáng tạo, gây được ám ảnh để câu chuyện không chỉ dừng lại ở chuyện kể, mà còn buộc người đọc phải nghĩ ngợi nhiều hơn. Tôi có niềm tin mong manh là tác giả sẽ con đi tiếp được trên con đường văn chương đã mở ra từ sách này. Như những giao diện mới sẽ còn xuất hiện”[4]. Cả hai nhận xét đều chỉ ra một vài đặc điểm nổi bật của tác phẩm, tuy nhiên cũng chưa đủ để khái quát cả nội dung tác phẩm. Trong phần giới thiệu cho tác phẩm, Phạm Xuân Nguyên cũng đã khái quát một vài cái hay của tác phẩm như sau : “cuốn sách đã hút người đọc ngay từ sự khác lạ. Khác lạ cách đặt tên chương cũng như những câu thơ khơi gợi tò mò. Khác lạ cách đặt tên nhân vật theo biệt danh. Khác lạ cách dẫn chuyện, cõi âm dương lẫn lộn. Khác lạ tạo nên sự khác biệt về nội dung truyện. Vẫn là những người trẻ của ngaỳ hôm nay học hành ra trường, muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, muốn chứng tỏ khả năng của mình, có nhiều đam mê và liều lĩnh, dám thử và dám chịu, có thể đánh đổi nhiều thứ nhưng không chịu mất đi chất người trẻ trong mình”[4, 5]. Trên kênh truyền hình VTV, trong chuyên mục mỗi tuần một cuốn sách có phần giới thiệu về Những giao diện ẩn như sau: “Mỗi tiểu thuyết đoạt giải của cuộc thi văn học tuổi 20 là một mảng của cuộc sống trẻ, tâm tư, tình cảm của con người trẻ. Cũng bàn tới khía cạnh đó nhưng “Những giao diện ẩn” được tác giả Thiên Di sáng tạo để lại những suy nghĩ trong tâm trí độc giả sau khi gập cuốn sách lại. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự trở đi trở lại của những giao diện. Một giao diện của thế giới thực và một giao diện của thế giới ảo. Một giao diện của hiện thực buồn chán khiến ta luôn muốn thoát ly khỏi nó và một giao diện của hư vô, hoàn hảo nhưng khi ở đó rồi thì ta lại thèm muốn tha thiết được quay trở về cái giao diện cũ. Và rồi họ vẩn vơ, vật lộn giữa một giao diện mơ hồ lẫn lộn - đó chính là chốn của văn học. Ba người bạn với ba cá tính khác nhau, họ gọi nhau bằng những cái tên đậm cá tính đó. Họ gặp nhau ở một nơi đó chính là niềm đam mê cho văn chương. Họ thổi vào niềm đam mê của mình với những trăn trở khác nhau và tự khi nào nó đã lái cuộc đời họ theo những ngã rẽ khôn lường tới. Bướng bỉnh hay chính là tác giả cuốn tiểu thuyết là người kể ra câu chuyện về mình và hai người bạn Ngổ Ngáo, Cục Đất, cùng với Tử Tế, Cỏ Hoang, Nhóc Không Cười đã hợp lại và tạo nên cho cuốn tiểu thuyết vừa đậm chất trẻ, vừa đậm chất đời. Nhưng Ngổ Ngáo mới là cá tính mà tác giả muốn gây ấn tượng... dù ở giao diện thực, ảo hay ở cõi trung gian, cô gái ấy không lúc nào không bất cần với thời cuộc nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ thì không lúc nào dừng tìm kiếm những chất liệu mới cho sự nghiệp văn chương của mình, để không trở thành một kẻ viết văn salon. Cục đất - cái tên đã nói lên tính cách của một gã thanh niên hiền khô và có một cuộc sống phẳng lặng, có vẻ như là người bằng lòng nhất với hiện tại đang có so với 2 người bạn kia. Họ đều là những người trẻ thực sự đam mê, hoài bão, thực sự hết mình để theo đuổi hoài bão đó. Những người tuổi trẻ khi đọc cuốn truyện này đều thấy thấp thoáng thấy mình trong các nhân vật, trong những suy nghĩ ở từng không gian, thời điểm khác nhau của những nhân vật này. Dù cho họ có đi trên các con đường khác nhau để đến được với khát vọng của cuộc đời mình, dù cho con đường đấy có dẫn họ đến tới những ngã rẽ thì cuối cùng họ cũng đã thành công với một tác phẩm ghi dấu của tất cả. Cuộc đời ta là hàng loạt những giao diện như những giao diện thay đổi không ngừng khi ta mở Microsoft ra và điều tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm này chính là “Chết là một thách thức. Nó bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian. Nó bảo chúng ta nói thẳng với nhau là chúng ta yêu nhau”.”[2 ] Những nhận xét trên đã khái quát khá toàn diện về tác phẩm. Tuy nhiên, đó chưa phải là một công trình nghiên cứu, dựa trên những nhận định đó tôi muốn đi sâu vào từng khía cạnh trong tác phẩm. Chẳng hạn như tác phẩm viết về những góc khuất của cuộc sống, vậy những góc khuất đó là gì, được thể hiện ra sao dưới cái nhìn của cô gái đã chết? Hay cái khác lạ, độc đáo về cách đặt tên các chương truyện, tên nhân vật như thế nào, có đóng góp gì cho sự thành công của tác phẩm?...Chính vì lẽ đó mà việc chọn đề tài nghiên cứu về “giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm” là một điều cần thiết. 3. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu đề tài “giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Những giao diện ẩn” của Thiên Di”, tôi muốn tìm hiểu thêm về những vấn đề được tác giả đề cập đến trong tác phẩm như những khát vọng của tuổi trẻ hay những quan niệm văn chương. Đồng thời đề tài nghiên cứu cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, cũng như biết đến một cây bút trẻ Thiên Di đầy tài năng và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để bản thân vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, đó là làm việc một cách nghiêm túc với công trình nghiên cứu một tác phẩm văn chương. 4. Phạm vi nghiên cứu Với đề tài là “Giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Những giao diện ẩn” của Thiên Di” và vì đây cũng là tác phẩm mới nên quá trình nghiên cứu chủ yếu là dựa vào tác phẩm. Bên cạnh đó cũng kết hợp với tham khảo một vài nhận xét trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù không có nhiều nhận xét về tác phẩm nhưng người viết cố gắng tìm đọc để lập luận, so sánh và sau cùng là đưa ra ý kiến, cách hiểu của bản thân về tác phẩm. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài “giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm “Những giao diện ẩn” của Thiên Di”, trước tiên người viết tham khảo những nhận xét về tác phẩm trên các phương tiện thông tin để chọn lọc và rút ra những cảm nhận riêng của bản thân về tác phẩm. Tiếp theo đó, để làm nổi bật lên những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm người viết đã kết hợp sử dụng nhiều phương pháp, thao tác như: phân tích, chứng minh, tổng hợp, so sánh, diễn dịch, quy nạp…Trong đó, phân tích, chứng minh là thao tác chủ yếu nhằm làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Phương pháp so sánh dùng để chỉ ra điểm khác biệt về phong cách nghệ thuật của Thiên Di với các tác giả khác…Ngoài ra còn có sự kết hợp với việc dựa vào lí luận, lấy lí luận làm cơ sở chính để làm nổi bật giá trị của tác phẩm. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 . Những vấn đề chung về tiểu thuyết 1.1 Khái niệm tiểu thuyết So với các thể loại như thơ, truyện kí hay sử thi thì tiểu thuyết là thể loại ra đời muộn hơn. Tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc, trong các trang sách của Trang Tử để chỉ các câu chuyện vặt không được là một thể loại văn học. Đến đời Đông Hán với Ban Cố “Tiểu thuyết” được hiểu là mọi chuyện kể đủ loại tạp nham ngoài phạm vi lục kinh. Thế nhưng tiểu thuyết vẫn chưa được coi là một thể loại văn học. Phải đến đời Đường Tống thì mới có tiểu thuyết thoại bản. Khái niệm tiểu thuyết hiện đại phải đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX mới có và được gọi là tiểu thuyết trường thiên, trung thiên hoặc đoản thiên. Còn ở phương Tây thì người ta dung từ “Story” chỉ các truyện ngắn, và từ “Novel” chỉ các truyện “mới lạ”, “tân kì” hay còn gọi là tiểu thuyết trường thiên. Ở Việt Nam, đến đầu thế kỉ XX người ta mới sử dụng thuật ngữ tiểu thuyết như Trung Quốc nhưng đồng thời vẫn sử dụng thuật ngữ truyện. Truyện dài, truyện vừa hay truyện ngắn thì hoàn toàn đồng nghĩa với các thuật ngữ trường thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết hay đoản thiên tiểu thuyết. Tiểu thuyết được một số nhà lý luận văn học định nghĩa như sau : “Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại. Với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả cụ thể điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng”. [2,387] Tiểu thuyết còn được hiểu là “sử thi của đời tư” chỉ ra khái quát nhất về một dạng thức tự sự, trong đó sự trần thuật tập trung vào số phận của một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Sự trần thuật ở đây được khai triển trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt cơ cấu của nhân cách… Chung qui lại, hai khái niệm trên đều có nét tương đồng, khái quát toàn diện thể loại tiểu thuyết. Nói tóm lại, tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua hoàn cảnh sự việc để phán ánh bức tranh xã hội rộng lớn với những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo chủ đề xác định. 1.2. Đặc trưng của thể loại tiểu thuyết 1.2.1 Đặc trưng nội dung của tiểu thuyết so với các thể loại khác Có những điểm đặc trưng về nội dung làm cho tiểu thuyết khác với các thể loại văn học khác. Thứ nhất, nếu như đối tượng của sử thi là miêu tả con người anh hùng dân tộc thì tiểu thuyết miêu tả con người hiện tại trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Con người trong tiểu thuyết có cả nét chính diện lẫn phản diện, có cả cái cao cả, tầm thường, cái buồn cười, nghiêm túc lẫn cái thấp hèn. Thứ hai, tiểu thuyết khác với sử thi, truyện thơ, trường ca… ở chất văn xuôi; tức là tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lý tưởng hóa. Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống như một thực tại đang diễn ra với bao ngổn ngang của cuộc đời. Thứ ba, cái làm cho nhân vật tiểu thuyết khác với nhân vật sử thi ở chỗ nhân vật trong tiểu thuyết là “con người nếm trải”. Tức là con người có tư duy, có nội tâm mâu thuẫn, dằn vặt. Tiểu thuyết không miêu tả con người trong hoàn cảnh một cách nhân tạo, không cô lập nó cũng không cường điệu sức mạnh của nó. Trong sử thi, nhân vật có địa vị như thế nào thì hành động như thế ấy phù hợp theo cương vị của nó. Tiểu thuyết thì khác, con người có đôi khi ở một địa vị cao nhưng có thể hành vi lại rất thấp và ngược lại có những con người dưới đáy xã hội thế nhưng lại có những hành động cao thượng. Thế nên việc miêu tả nội tâm, phân tích tâm lý nhân vật là một phương diện rất đặc trưng của tiểu thuyết. Thứ tư, tiểu thuyết chứa rất nhiều cái “ thừa”, việc xây dựng nhân vật, các mối quan hệ của nhân vật cũng được tiểu thuyết triển khai một cách toàn diện… Tóm lại, tiểu thuyết là thể loại tự sự dân chủ, năng động và giàu khả năng phản ánh đời sống nhiều mặt bậc nhất trong các thể loại văn học. 1.2.2 Đặc trưng về hình thức của tiểu thuyết Tiểu thuyết là một thể loại tự sự có dung lượng lớn, không chỉ tiểu thuyết có đủ các yếu tố cơ bản như nhân vật, cốt truyện, hoàn cảnh, chi tiết, kết cấu, lời văn... như các thể loại khác mà còn phát tiển phong phú hơn rất nhiều. Nhân vật trong tiểu thuyết được miêu tả toàn diện về nhiều mặt, tinh tế, chi tiết như một con người thực thụ. Trong tiểu thuyết, từ tính cách đến số phận, từ hành động đến tâm lý, từ các mối quan hệ đến ngôn ngữ đều được các nhà viết tiểu thuyết chăm chút từng bình diện một cách chu đáo. Nhân vật của tiểu thuyết có cá tính, tính cách, có tính chỉnh thể và cả quá trình phát triển. Nhân vật ở đây có thể là một khách thể đầy đặn, mà cũng có thể là một dòng nội tâm, hoài niệm, cũng có thể chỉ là một tượng trưng, kí hiệu, thế nhưng lại khá toàn vẹn từ ý thức đến vô thức, từ tư tưởng đến bản năng, từ mặt xã hội đến sinh học… Trong khi đó hoàn cảnh trong tiểu thuyết được khắc họa, phân tích rất chi tiết. Đó có thể là hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh chiến tranh, miêu tả phong tục văn hóa, thậm chí là hoàn cảnh tưởng tượng… Chức năng của hoàn cảnh trong tiểu thuyết khá đa dạng. Ngoài việc cung cấp không gian cho nhân vật hoạt động, hoàn cảnh còn có tác động thúc đẩy nhân vật hành động, làm phương tiện bộc lộ tính cách, phân tích tâm lý, phân tích xã hội, tạo không khí chung cho tác phẩm. Cốt truyện của tiểu thuyết phức tạp hơn, có thể là cốt truyện đơn tuyến, đa tuyến hay đan bện nhiều quãng thời gian. Nói chung thì cốt truyện tiểu thuyết khá linh hoạt và tự do trong việc chọn điểm mở đầu và kết thúc. Ngay cả kết cấu của tiểu thuyết cũng sử dụng điểm nhìn khá linh hoạt và phong phú hơn các thể lọai khác. Ngoài điểm nhìn của người trần thuật ra thì điểm nhìn của nhân vật còn được sử dụng trong các tiểu thuyết bằng thư, tiểu thuyết bằng nhật ký, bằng các hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp hoặc độc thoại nội tâm. Các hình thức nghệ thuật đó làm cho người đọc dễ thâm nhập vào thế giới của nhân vật và thấu hiểu nhân vật hơn. Xét về hình thức lời văn trong tiểu thuyết lại càng phong phú và đa dạng như: đối thoại, đa giọng, đa thanh, lời văn nhại, lời mỉa mai, lời văn nửa trực tiếp…Trong tiểu thuyết, lời văn trở thành đối tượng miêu tả của nhà văn như những sản phẩm cá thể hóa cao mang đặc điểm cá nhân của từng nhân vật một cách cụ thể, rõ nét. Từ thế kỷ XX trở đi, xuất hiện một số dòng tiểu thuyết với những hình thức thể hiện mới. Bên cạnh sự kế thừa và phát huy phong cách truyền thống lại có những dòng tiểu thuyết do thay đổi về quan niệm thế giới cũng như quan niệm về văn học đã tạo nên những thay đổi lớn trong hình thức thể hiện. Trong 30 năm đầu thế kỉ XX, với sự xuất hiện của Henry James (Mĩ), Marcel Proust (Pháp), James Joyce (Ai Len),… đã hình thành một trào lưu tiểu thuyết “hướng nội”, sử dụng điểm nhìn nhân vật, hình thức độc thoại nội tâm, dòng ý thức, liên tưởng tự do khám phá thế giới nội tâm con người. Ngoài ra còn một dòng tiểu thuyết khác gọi là dòng tiểu thuyết huyền thoại với sự xuất hiện của F.Kafka (Áo), cùng một loạt các nhà văn Mỹ latinh như Borges, G.Marquez… Tiểu thuyết huyền thoại sử dụng môtip huyền thoại xưa để tạo huyền thoại mới dựa trên sự sáng tạo, trong đó có sử dụng các yếu tố huyền ảo, huyễn hoặc làm nên những đặc sắc nghệ thuật độc đáo. Nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại cũng được thay đổi. Nếu như tiểu thuyết truyền thống đặc biệt chú ý đến hình thức bên ngoài của nhân vật từ quần áo, nhà cửa, tổ tông, điạ vị, ăn mặc…thì đến tiểu thuyết hiện đại điều đặc biệt đáng chú ý ở nhân vật là thế giới nội tâm đầy bí ẩn. Ngoài ra, tiểu thuyết hiện đại ít miêu tả thiên nhiên hơn so với văn học truyền thống mà chỉ chú tâm đến thế giới nội tâm của nhân vật. Chương 2. Giá trị nội dung tác phẩm “Những giao diện ẩn” 2.1 Con người từ góc nhìn tuổi trẻ Tuổi trẻ là cái tuổi mà người ta mang trong mình nhiều khát khao, hoài bảo nhất. Thế nhưng ở mỗi con người lại có một chọn lựa để thực hiện những khát khao của mình một cách rất riêng. Tuổi trẻ đôi khi có những chọn lựa đúng đắn, nhưng lại cũng có những chọn lựa rất bồng bột, nông nỗi. Với “những giao diện ẩn”, Thiên Di đã chỉ ra cho người đọc một vài kiểu người như thế thông qua góc nhìn của một cô gái đã chết. 2.1.1 Tuổi trẻ vươn lên vì những khát vọng chân chính Tiểu thuyết “Những giao diện ẩn” có những con người trẻ tuổi vươn lên vì khát vọng lớn lao, sống hết mình vì sự nghiệp văn chương như Ngỗ Ngáo, Bướng Bỉnh, Cục Đất. Điểm chung của ba con người này là khát khao được viết và viết chân thật cho ra hồn chứ không đơn thuần chỉ là những bài báo lá cải để người ta đọc rồi lại quên ngay sau khi đọc, hay một tác phẩm chỉ làm người ta bị “ghẻ ngứa” hay bị “ung thư”, hoặc để cho người ta “đốt phong long”. Chung một khát khao, chung một niềm đam mê văn chương, thế nhưng ở mỗi con người họ lại có một cách sống và tìm tòi những điều để viết một cách khác nhau. Bướng Bỉnh, một cô gái hai mươi hai tuổi mang trong mình đầy khát khao và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cô đã đi qua thời sinh viên với những chật vật, đầy khó khăn. So với những sinh viên khác được sự hậu thuẫn của gia đình về việc chi tiêu, học hành thì Bướng Bỉnh lại không được như thế. Cô ý thức được cái nghèo đã ba đời không ngóc dậy nổi của mình “nhà tôi nghèo, nghèo mạt rệp. Ông cố tôi là bần nông, ông nội tôi là chăn trâu… Rời quê ra phố, cha tôi thành dân bốc vác…”[4,22], và đến Bướng Bỉnh, để thoát khỏi cái nghèo nên cô cố học, cố làm, cố chịu khổ, chịu nhục để sống, để tồn tại và vươn lên. Ước mơ trở thành giáo viên dạy văn được Bướng Bỉnh cho là ước mơ thực dụng vì chỉ có học sư phạm mới không tốn tiền học phí. Rất thực tế, rất hợp với hoàn cảnh của cô. Học phí không tốn tiền đã đành, thế nhưng để tồn tại được ở đất Sài thành đắt đỏ thì Bướng Bỉnh phải nỗ lực rất nhiều “khi bạn đồng khóa ở giảng đường, tôi đang bận ở chỗ làm thêm, có khi là siêu thị, có khi ở trước cổng trường. Lúc bạn ngồi nghe giảng, chắc tôi đang nhễ nhại mồi hôi với xấp tờ rơi, hoặc đang cắn chặt môi nghe người ta chửi”[4,27]. Đời sinh viên, chắc cũng có đôi lần chúng ta thử làm một công việc bán thời gian nào đó, dù cho là mục đích thu nhập hay để học hỏi thêm kinh nghiệm sống thì hẳn chúng ta cũng sẽ hiểu được sự vất vả của những công việc như thế, cần có sự nhạy bén và kiên nhẫn. Bướng Bỉnh cũng thế, cô đã làm được những việc đó với ý nghĩ “mình nhất định sẽ vượt qua, mình nhất định sẽ làm được”[4,27]. Thật sự Bướng Bỉnh là một cô gái đầy nghị lực và niềm tin, chính niềm tin sẽ là động lực rất lớn giúp cô vượt qua những khó khăn, trở ngại. Cô trang bị cho bản thân những suy nghĩ rất tích cực, luôn luôn tự động viên bản thân và không lùi bước. Ý chí của Bướng Bỉnh thể hiện cái ước mơ lớn lao của tuổi trẻ, khát khao thoát khỏi cái nghèo đã ba đời bám riết lấy gia đình cô. Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, Bướng Bỉnh chịu khó và kiên nhẫn trong công việc làm thêm với suy nghĩ nếu mất những cơ hội làm việc đó thì cô khó mà sống được ở đất Sài Gòn, nơi mà cái gì cũng khiến cô ngửa cổ nhìn. Không chỉ làm thêm ngoài phố, Bướng Bỉnh làm nhân viên tiếp thị cho một shop sữa, mang tiếng là nhân viện tiếp thị nhưng ở đây cô làm công việc không khác chi một người giúp việc “phải kiêm luôn việc lau nhà, rửa chén và thậm chí là đút cơm cho con của chủ shop” [4,27,28]. Vất vả là thế, nhưng với ý thức của một sinh viên đang cần việc, cần sống để tồn tại và học tập Bướng Bỉnh cố gắng đảm nhận như một người cam chịu. “Nếu mất cơ hội free đó tôi khó mà sống và đi học ở Sài Gòn” [4,28], một suy nghĩ khiến người đọc thương cảm cho Bướng Bỉnh, cô không có chọn lựa nào khác ngoài cam chịu và cố gắng. Thế nhưng việc tát tay con của chủ shop khi bị nó hất nguyên chén cơm chan canh bí vào mặt đã làm Bướng Bỉnh mất luôn cơ hội làm việc ở đó. Đó là điều tất yếu của một cơn thịnh nộ, sự chịu đựng và lòng kiên trì. Thế nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn điều khó khăn mà Bướng Bỉnh gặp phải trong quãng đường chật vật thời sinh viên. Bước ngoặc tiếp theo của cô là làm gia sư cho một thằng nhóc “mù đạo đức”. Ngay từ đầu cô đã đón nhận sự sĩ nhục từ miệng một thằng nhóc quen thói con nhà giàu và coi gia sư như một thứ rác rưởi. Tức giận nhưng Bướng Bỉnh cố kìm lòng “tôi vung tay, chợt nhớ tới thằng nhóc con ông bà chủ shop và chén canh bí, tôi lại nhớ tới gương mặt nhăn nhúm của bà chủ nhà và cái bụng sôi ùng ục mỗi khi ví lép kẹp. Tôi hạ tay. Tôi cần ở. Tôi cần ăn. Vì thế tôi cần trở thành cô giáo của thằng nhóc “mù đạo đức”. Nhục không ăn được cũng phải ăn, không nuốt được cũng phải nuốt. Vì nhục không khiên người ta no, ngược lại còn khiến người ta chết nhăn răng vì đói” [4,58]. Sự mâu thuẫn giằng xé trong con người của cô gia sư trẻ, thật là không thể chấp nhận nổi một học trò vô giáo dục như Kính Cận nhưng vì những chật vật bộn bề của cuộc sống khiến Bướng Bỉnh một lần nữa lại nhẫn nhịn. Lòng tự trọng đôi lúc cũng nên nép mình vì bản năng sinh tồn. Hơn nữa Bướng Bỉnh không làm gì xấu, chỉ là cô cố gắng trở thành cô giáo của một học trò xấu. Đó là một điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng rồi cô cũng phải bỏ cuộc sau một tháng vật lộn với nhóc Kính Cận “tôi có thể kiên nhẫn với nỗi nhục nhưng không thể chịu đựng được những điều quá sức tưởng tượng” [4,59]. Một thằng nhóc chỉ biết trốn trong phòng xem sex. Thật là một tháng kinh hoàng đối với Bướng Bỉnh. Đến Nhóc Không Cười, tưởng rằng cô bé sẽ là một học trò ngoan. Hỡi ôi! Thật trớ trêu thay cho Bướng Bỉnh, cô bé như lá khoai và những lời Bướng Bỉnh nói là giọt nước, nước thì đổ mãi, đổ mãi mà lá khoai vẫn cứ không thấm. Đỉnh điểm lại trào dâng khi Không Cười tự rạch tay mình, Bướng Bỉnh nhận một cái tát tay đau điếng từ mẹ của cô nhóc vì cho rằng cô giáo vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm ư? “hai mươi hai tuổi, mới ra trường. Cầm cái bằng cử nhân để đi dạy kèm và chưa từng học qua lớp nghiệp vụ sư pham vì chưa kiếm đủ tiền học phí….” [4,64,65], mà trách nhiệm có thuộc về phạm vi của Bướng Bỉnh trong trường hợp này đâu. Thật là xót xa cho tình cảnh của Bướng Bỉnh, ta hoàn toàn có thể thấu hiểu và cảm thông cho cô. Tự lo cho cuộc sống đã là một khó khăn, đằng này cô gái tuổi 20 còn phải lo tự học nữa. Công việc sẽ chi phối và ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và để đảm bảo được cả hai thì cần có sự cố gắng rất nhiều, phải là một con người đầy nghị lực và ý chí. Hoàn cảnh chi phối tính cách, nhưng tính cách không lệ thuộc hoàn cảnh. Trong trường hợp này Bướng Bỉnh có thể làm khác nhưng cô để cho nghị lực của mình phát triển theo một chiều hướng tích cực. Nghĩa là cô cố gắng làm hết khả năng của mình có thể chứ không chùn bước, cô tự đứng trên đôi chân của mình bằng lòng kiên trì, sự chịu đựng, kiên nhẫn và niềm tin mạnh mẽ trong tâm hồn của tuổi 20 tràn trề khát khao và hoài bão “ai là người sống để tin tôi không biết. Còn tôi, tôi tin để sống. Tôi tin vì như Ngỗ Ngáo nói, tôi luôn là người coi trọng mọi thứ”[ 4,54 ]. Bên cạnh những nỗ lực vươn lên để thoát khỏi cái nghèo đã ba đời bám riết lấy gia đình mình, Bướng Bỉnh còn theo đuổi một niềm đam mê văn chương. Niềm đam mê ấy xuất phát từ niềm say mê sách từ thuở nhỏ của Bướng Bỉnh, đặc biệt là truyện cổ tích, cộng thêm một chút năng khiếu văn chương mà Bướng Bỉnh luôn mang về cho mẹ cô những phần thưởng học tập xứng đáng “giải thi học sinh giỏi văn cấp huyện, tỉnh”[4,26]. Lớn lên, làm việc trong một môi trường liên quan tới một chút văn chương, Bướng Bỉnh tìm tòi những điều để viết, song cô vẫn chưa viết được tác phẩm nào cho ra hồn “Toàn viết những thứ nhảm nhí! Viết xong đọc lại chỉ muốn đem cho người ta làm giấy đốt phong long thôi!”[4,20]. Chính vì đam mê nên Bướng Bỉnh cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến “chuyện văn chương của mình viết ra chỉ khiến cho người ta nổi ghẻ”[4,20]. Tuy chưa viết được những điều lớn lao nhưng Bướng Bỉnh không hề nản lòng. Cô vẫn kiên trì tìm những chất liệu mới cho sự nghiệp văn chương của mình, cô đi cùng với Ngỗ Ngáo về miền Tây để tìm những điều mới lạ, cô trăn trở và suy tư về những con người vùng sông nước, cô muốn viết về anh Cỏ Hoang, Chị gái Fashion hay chị nước Da Bánh Mật, hoặc là chợ người trên bến sông…, mặc dù họ không thích hoặc chưa bao giờ đọc sách. Bướng Bỉnh chăm chỉ ngồi trước máy tính mỗi đêm vì cô muốn chạm tới ước mơ của mình là viết một quyển tiểu thuyết tuyệt vời. Thế nhưng, có lẽ vì cô quá cầu toàn và thiếu đi tự tin nên cứ nhiều lần viết rồi lại xóa, viết xong rồi mà đọc tiểu thuyết của ai đó thì lại cảm thấy tiểu thuyết của mình không hay rồi lại xóa, cứ như thế mà cô chẳng bao giờ hoàn thành được ước mơ của mình. Mãi khi đã đi về bên kia thế giới rồi mà cô vẫn muốn viết một cuốn sách “ước mơ mà! có chết cũng không bỏ được” [4,109]. Hoài bão, khát khao, cố gắng nhưng cuối cùng Bướng Bỉnh cũng không thay đổi được số phận. Bướng Bỉnh cố vùng vẫy khỏi những bế tắc thì càng bị kẹp cứng trong bế tắc “ông trời đã nhìn thấy sự bất mãn và phẫn nộ đối với cuộc sống mà tôi cố giấu kín trong lòng nên đang trừng phạt tôi sao?”[4,89]. Chi tiết từng giác quan của Bướng Bỉnh từ từ rời khỏi cơ thể sống chỉ còn trơ lại thính giác khiến người đọc mủi lòng. Còn gì đau đớn bằng khi ta có thể nghe mà không thể nói, có thể suy nghĩ, tư duy mà không thể giải bày. Bướng Bỉnh nằm đấy, một cái xác không hồn lặng lẽ, bất lực để cuối cùng là sự ra đi vĩnh viễn để lại ước mơ dở dang là viết thành công một tiểu thuyết để đời “Tôi đã bỏ phí cả tuổi trẻ của mình vì chưa một lần dám cố hết sức vì ước mơ nào đó. Nếu tôi bớt thời gian để giận dỗi cuộc đời này, bớt thời gian để tính xem sẽ làm gì để có cái ăn và mặc trong ngày mai, bớt thời gian để ngồi ngần ngừi phân vân, sợ tốn công tốn sức…Thì tôi đã có thể viết xong tiểu thuyết mà bản thân luôn ấp ủ. Dù đó có là một tiểu thuyết chẳng ra sao thì cũng là thành quả của việc tôi đã cố hết sức. Nếu cố hết sức thì chẳng có gì là hối hận”[4,93]. Bướng Bỉnh tiếc, tiếc vì mình chưa làm xong những điều mình muốn, tiếc vì cuộc sống này quá khó để cô tồn tại. Và chúng ta cũng tiếc, tiếc vì một tuổi trẻ cố gắng nhưng không thành công, tiếc cho cô gái tuổi hai mươi tràn trề nhựa sống và tiếc cho những hoài bão dở dang... Thiên Di đã nêu lên một hiện thực của những con người trong xã hội. Họ cũng ước mơ, cũng cố gắng nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà bị trói buộc trong bế tắc và rồi lại nuối tiếc… Nhưng dù thế nào chăng nữa thì cũng không nên bi quan mà hãy cố gắng hết sức mình, cố gắng thì sẽ không bao giờ hối hận vì mình đã làm hết khả năng mà mình có thể. Bướng Bỉnh mặc dù tự trách mình nhưng thật ra cô đã sống như thế. Trái ngược với cách sống cam chịu, kiên nhẫn của Bướng Bỉnh là Ngỗ Ngáo “Đây là một nhân vật được coi là một thành công lớn của người viết. Đó là một phác họa về một tuổi trẻ tìm cách chứng tỏ, thể hiện mình qua cái vẻ ngông nghênh, bất cần bề ngoài, mà kỳ thực bên trong là muốn dấn thân, nhập cuộc vào đời, muốn được sống đúng mình, thực mình. Ngỗ Ngáo khiến người ta thương cảm và đồng cảm”[4,6], nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận định như vậy. Thật đúng như thế, đọc tác phẩm ta dễ lầm tưởng Ngỗ Ngáo là một nhân vật bất cần đời nhưng thật ra cô rất muốn sống, muốn viết và viết đúng với những gì mình đã trải nghiệm. Nghĩa là cô không muốn trở thành kẻ viết văn Salon chỉ ngồi một chỗ mà viết về những điều không có hoặc xa rời sự thật. Mà chính bản thân cô, cô muốn trải nghiệm và viết. Khác với bản tính bám trụ của Bướng Bỉnh, “Ngỗ Ngáo còn “không biết trời cao đất dày” hơn khi không hề có ý định trụ lại bất cứ cơ quan hoặc công ty nào có qui định ngày làm 8 tiếng”[4,30]. Không bám trụ mà cũng không cam chịu “nếu tao bị dí vào đường cùng, tao nhất định sẽ làm liều! Làm liều rồi sẽ sống”[4,26]. Đó là tính cách của Ngỗ Ngáo, rất cá tính, cá tính đến ngỗ ngược, không cần biết đến người khác, không cần hiểu ai cảm giác như thế nào, cô sống với bi kịch của bản thân cô, với những bế tắc. Ngỗ Ngáo cũng như Bướng Bỉnh, cũng vùng vẫy khỏi bế tắc, chỉ khác ở chỗ cách cô chọn để thoát khỏi đó là một con đường khác. “Ngỗ Ngáo lại đi, như một con ngựa quen chân không cách gì dừng lại được. Cứ 15 ngày, một tháng lại thấy Ngỗ Ngáo nhét vài bộ đồ vào cái ba – lô con. Có khi nghe nó nói đi Tây Nguyên, có khi lại nghe nó nói ra vùng biển. Mỗi lần về Sài Gòn nó chẳng kể gì ngoài bảo thoải mái quá”[4,31], đó là cách để Ngỗ Ngáo giải tỏa những bức bối trong lòng mình mà ta thường hay gọi là xả stress. Đi để tìm cảm giác thoải mái, để thoát khỏi những ngột ngạt quanh mình, đi để trải nghiệm mà như Ngỗ Ngáo nói là “thu thập kinh nghiệm cảm giác”[4,19]. Và hơn hết mỗi lần Ngỗ Ngáo đi là lúc “những mềm yếu trong lòng cô đang thức dậy”[4,35], “Ngỗ Ngáo đi. Đi đến một nơi mà chưa có ai nhìn thấy con người quậy phá thường ngày. Nơi đó, nó sẽ cho người ta thấy cái mềm yếu trong lòng mình”[4,35], Ngỗ Ngáo ngụy trang cho mình một bề ngoài cứng rắn thế nhưng trong lòng cô lại rất yếu mềm và những lúc đó cô giấu cái yếu mềm trong những sự nỗi loạn. Cô không ràng buộc mình với bất cứ mối quan hệ nào vì cho rằng “Tao không biết mày nghĩ gì, chứ tao chỉ nghĩ, con người cứ tưởng những mối quan hệ xung quanh đang ràng buộc mình nhưng thực ra là tự bản thân họ buộc mình với những mối quan hệ”[4,32], thế nên cô cứ đi, cứ dấn thân nhập cuộc vào bất cứ cuộc vui nào cô cho là thoải mái, là có thể nỗi loạn, có thể thu thập được cảm giác kinh nghiệm và đó là một bi kịch. Bi kịch vì Ngỗ Ngáo cũng muốn viết, viết một cái gì đó, thật trọn vẹn. Ngỗ Ngáo luôn tỏ ra không cần ước mơ đó chỉ vì quá khát khao về nó và cuối cùng cô cũng hiểu rằng cô không thể “bởi vì tao đã để lòng mình không coi trọng điều gì cả. Vì không coi trọng nên chẳng thể theo đuổi đến cùng. Tao không thể! Mày ạ, không coi trọng điều gì cũng là một kiểu sống mất cân bằng – Mày không giống tao. Mày có thể viết vì mày biết cách tự cột mình vào cuộc sống. Còn tao… Xung quanh , không có dây buộc”[4,43,44]. Thật là một bi kịch của một kẻ muốn viết, chọn một con đường văn chương đúng đắn nhưng cũng không thể thực hiện được ước mơ, lại bế tắc và bất lực. Ngỗ Ngáo cứ kiếm tìm “Năm 20 tuổi, Ngỗ Ngáo không biết ước mơ thực của mình là gì. Có lúc Ngỗ Ngáo nghiêm túc suy nghĩ về bản thân nhưng rồi lại không nghĩ ra. Ngỗ Ngáo muốn đi tìm, Ngỗ Ngáo nghĩ nếu cứ đi hoài thì chắc sẽ tìm được thôi”[4,45]. Ước mơ, khát khao, dấn thân, nhập cuộc nhưng Ngỗ Ngáo thiếu đi sự kiên nhẫn, có thể chưa bao giờ Ngỗ Ngáo hối hận về những gì mình đã làm, nhưng giá như Ngỗ Ngáo có một chút kiên nhẫn của Bướng Bỉnh, có một chút ràng buộc với cuộc sống thì hẳn cô sẽ viết được những điều cô muốn viết. Đằng này, cô đam mê, tìm kiếm, trải nghiệm nhưng rồi cô cũng không thể viết vì cô không gắn mình được với cuộc đời “Ngỗ Ngáo thường bỡn cợt là nó sống để làm nghệ sĩ, mà “ làm nghệ sĩ thì không phải nghĩ, làm lính thì không phải tính. Nếu nghĩ, nếu tính thì thần kinh đứa đó bị … dẫm đinh, uốn ván mất rồi”.”[4,24]. Thật ra một người nghệ sĩ không chỉ phải nghĩ, phải tính, phải nhập cuộc mà còn phải biết chấp nhận cuộc sống, hòa mình vào cuộc sống để cảm nhận, trăn trở, đồng cảm và để rồi viết nên những điều xuất phát từ tâm tư tình cảm của mình dành cho cuộc sống “nếu anh muốn viết thì phải viết cho anh trước đã”[4,104]. Bướng Bỉnh cũng như Ngỗ Ngáo cuối cùng đều bỏ lại ước mơ dở dang của mình nơi dương thế. Ngỗ Ngáo chết trong một lần đua xe khi đang trong tình trạng say thuốc, chỉ vì muốn viết những trang viết chứa chan cảm giác thật mà cô chấp nhận trả một cái giá quá đắt bằng tính mạng của mình. Chúng ta trân trọng cá tính của Ngỗ Ngáo nhưng cũng phê phán sự quá đà cuả cô. Gía như cá tính đó có một hạn mức nhất định thì cô không phải trả một cái giá quá đắt như thế. Lại một lựa chọn vươn lên hoài bão không thành công. Một con người khác cũng bận rộn vươn lên khát vọng, có cùng chung niềm đam mê văn chương như Ngỗ Ngáo và Bướng Bỉnh, đó là Cục Đất. Cục Đất thuộc tuýp người bận rộn của thời đại “nói như Ngỗ Ngáo thì Cục Đất như con chuột tàu chạy lọc xọc trong cái đu quay hình ống”[4,14], cứ chạy, chạy suốt không có điểm dừng và cũng không thay đổi. “Ra trường, Cục Đất suốt ngày cần cù với những bài phỏng vấn cho một tạp chí thị trường”[4,28], anh sống bận rộn và rất thực tế “mấy bà bán rau trong chợ đầu mối hay mấy nhà sản xuất hàng tiêu dùng chẳng bao giờ phát biểu rằng “Vì Kafka quan niệm như thế mà tôi như thế…”[4,29]. Thực tế là lý thuyết không thể làm người ta no mà muốn no thì phải lao động, mà lao động thì phải gắn với thực tại khách quan. Cục Đất sống và làm việc với một thời gian biểu dường như khó mà thay đổi “Vẫn cái dáng vẻ nặng nề với ba – lô đựng laptop, máy ảnh, sách vở… Thậm chí cả quần áo, bánh kẹo. Mỗi sáng bước ra khỏi nhà thế nào Cục Đất cũng mang đủ các thứ dùng cho một ngày. Sáng tới cơ quan hoặc đi viết bài, trưa đi viết bài hoặc tới cơ quan, giờ nghỉ giải lao thì đi cà phê với bọn tôi; ngày nào không cà phê với bọn tôi thì bù khú đâu đó với bạn nhậu ở những góc quán cóc dọc bờ kè;tối lại cặm cụi ở lớp văn bằng hai”[4,14]. Lối sống của những con người thời đại, Cục Đất làm việc chăm chỉ và có những phút thư giản bên bè bạn một cách hợp lý, không những thế anh còn phấn đấu vươn lên nữa chứ. Học văn bằng hai chứng tỏ anh là một con người không bằng lòng với thực tại, muốn vươn lên và thực hiện ước mơ bằng tri thức của mình. Cuối cùng Cục Đất cũng thành công với tác phẩm dở dang mà Bướng Bỉnh để lại dương thế. Có thể nói Cục Đất là sự tổng hợp của Bướng Bỉnh lẫn Ngỗ Ngáo. Trải nghiệm, Cục Đất cũng trải nghiệm bằng công việc viết báo thị trường mỗi ngày, va chạm, lăn lộn với giá cả thị trường giúp anh có một vốn sống rất lớn; kiên nhẫn và chăm chỉ, cái đức tính của Bướng Bỉnh thể hiện trong sự bận rộn lặp đi lặp lại hàng ngày của anh; và cái thực tế trong con người anh đã góp phần tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh cho một sự thành công. Cục Đất xác định rất rõ quan niệm cầm bút của mình “nếu anh muốn viết thì phải viết cho anh trước đã”[4,104]. Quả đúng như vậy, khi ta viết được cho mình thì lúc đó mới có thể viết cho mọi người, viết cho ta chính là viết cho những cảm giác thật của mình về một vấn đề nào đó, đừng bao giờ đứng trên lập trường của người khác để viết mà hãy đứng trên lập trường của chính mình, lấy cái nhìn, cái cảm nhận của bản thân mà viết. Cùng một niềm đam mê thế nhưng kết quả thành bại lại khác nhau do cách chọn lựa con đường theo đuổi đam mê khác nhau. Qua đó ta có thể hiểu và tự rút ra bài học cho bản thân mình trong việc lựa chọn con đường thực hiện đam mê như thế nào cho đúng, cho hợp lý. Sự thành công cần có ý chí, sự mạo hiểm, kinh nghiệm sống và cần cả sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm lẫn tính điềm tĩnh. Mạo hiểm, dấn thân tạo cho ta cơ hội tiếp cận với những điều ta muốn khám phá, kiên nhẫn giúp ta bám trụ mục đích ta muốn vươn tới và điềm tĩnh sẽ giúp ta có đủ lý trí và bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan nhất. Và Cục Đất đã làm được điều đó. Tuổi hai mươi, cái tuổi mang trong mình đầy ước mơ, hoài bão và đang căn tràn nhựa sống. Ai cũng mong muốn được đi đến đích của khát vọng và ở mỗi con người có những chọn lựa con đường đi của mình khác nhau. Dù cho con đường đấy có dẫn họ đến tới những ngã rẽ thì cuối cùng họ cũng đã thành công với một tác phẩm ghi dấu của tất cả. 2.1.2 Con người tuổi trẻ đầy tham vọng Cũng cùng là tuổi trẻ với những ước mơ và hoài bão lớn lao, nhưng Tham Vọng lại đi trên một con đường khác, một con đường mà đúng với cái tên cũng như tính cách của anh – Con đường đầy Tham vọng. Anh “là kiểu người khi làm gì cũng xác định trước mục đích, kể cả mục đích cho một thói quen”[4,84], thậm chí để vươn lên thì anh sẵn sàng giẫm đạp lên tất cả. Trong những con người mà Tham Vọng giẫm đạp có Bướng Bỉnh. Bướng Bỉnh cùng lớn lên thời thơ ấu, cùng gắn bó suốt 10 năm vui buồn, khổ cực với Tham Vọng. Thế nhưng cái khát khao vươn lên đã chiếm hết tình cảm của anh “Tham vọng là người con trai nhiều hoài bão và làm hết sức lực cho hoài bão đó của mình. Bên nhau 10 năm, tôi hiểu rõ nỗi đau và cả oán hận trong lòng Tham Vọng. Tham vọng cố gắng chạy đến đích đến nỗi ai muốn chạy theo thì chỉ bị đứt gân chân mà thôi”[4,82]. Mục đích là kim chỉ nam cho sự nỗ lực để đi đến thành công, tuy nhiên để đi đến thành công mà bất chấp tất cả thì thật là một sai lầm. Thành công mà giẫm đạp lên người khác thì lại càng đáng phê phán. Sở dĩ Tham Vọng cố gắng như thế thật ra anh cũng có lý do của riêng anh “Tham Vọng là một đứa trẻ được sinh ra trong một căn nhà rách. Tham Vọng cùng tôi đi bươi rác để kiếm thức ăn vặt, cùng tôi vật vã với những việc làm thêm. Người ta dành cho Tham Vọng cái nhìn khinh thị, sự hất hủi và chê bai. Tham Vọng muốn đứng ở vị trí mà chỉ có anh ấy cúi xuống nhìn và tất cả phải ngẩng lên. Cái mong ước đó của anh ấy lớn đến nỗi che lấp hết tất cả mọi thứ, nó khiến tôi không còn nhìn thấy trái tim hiền hòa ngày nào của Tham Vọng”[4,83], sự khinh khi của người đời, sự mặc cảm trong con người anh đã biến anh thành một con người khác. Tham vọng cố gắng hết sức để đi đến cái đích mà mình mong muốn. Anh cũng như Ngỗ Ngáo, cùng đáng thương hơn đáng trách. Thật ra bản thân Tham Vọng vẫn còn có bản chất của một người từng là hiền hòa và rất hiếu thảo với cha mẹ, anh chưa bao giờ khiến cho cha mẹ anh thất vọng về anh.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan