Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Di tích chùa dạm trong hệ thống các chùa thời lý tiếng anh tt...

Tài liệu Di tích chùa dạm trong hệ thống các chùa thời lý tiếng anh tt

.PDF
27
85
59

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI -------- NGUYỄN VĂN ĐÁP DI TÍCH CHÙA DẠM TRONG HỆ THỐNG CÁC CHÙA THỜI LÝ Ngành: KHẢO CỔ HỌC Mã số: 9 22 90 17 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHẢO CỔ HỌC HÀ NỘI, 2019 Công trình được hoàn thành tại HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN 2. TS. TRỊNH HOÀNG HIỆP Phản biện 1: GS.TS. NGUYỄN QUANG NGỌC Phản biện 2: PGS.TS. BÙI VĂN TIẾN Phản biện 3: TS. LÊ THỊ LIÊN Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện tại Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Vào hồi: giờ , ngày tháng năm 201. Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện, Học viện Khoa học Xã hội. DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 1 PHẠM VĂN TRIỆU, ĐỖ ĐỨC TUỆ, NGUYỄN VĂN ĐÁP (2013), Khai quật tháp Lý ở chùa Phật Tích, Tạp chí Khảo cổ học (4), tr.28-36. 2 TRỊNH HOÀNG HIỆP, NGUYỄN VĂN ĐÁP, ĐỖ TUẤN KHOA, NGUYỄN VĂN PHONG, LƯU XUÂN THUYẾT (2015), Kết quả khai quật chùa Đám Trì (Bắc Giang) năm 2014, Tạp chí Khảo cổ học (6), tr.46-55. 3 NGUYỄN VĂN ĐÁP (2016), Giá trị văn hóa khảo cổ học Tây Yên Tử và một vài định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, Tạp chí Khảo cổ học (1), tr.82-92. 4. NGUYỄN VĂN ĐÁP (2017), Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang qua tư liệu khai quật khảo cổ học, Tạp chí Khảo cổ học (4), tr.43-59. 5. NGUYỄN VĂN ĐÁP (2017), Kết quả khai quật khảo cổ khu di tích chùa Dạm (Bắc Ninh), Tạp chí Khảo cổ học (6), tr.48-62. 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. Tham gia biên soạn sách Các Vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh, Nxb Văn hóa Dân tộc năm 2003. Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh, Nxb Văn hóa Dân tộc năm 2004. Văn miếu Bắc Ninh, tại Xưởng in Báo Bắc Ninh năm 2006. Di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh, tại Xưởng in Báo Bắc Ninh năm 2008. Các di tích tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, tại Công ty in Minh Đạt năm 2009. Một số tài liệu và hiện vật di tích tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, tại Công ty Cổ phần Văn hóa Hà Nội năm 2010. Làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2014 Khu di tích Luy Lâu - Giá trị lịch sử văn hóa và vấn đề bảo tồn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2016. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chùa Dạm có tên chữ “Đại Lãm tự” nằm trên núi Dạm thuộc thôn Tự, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng từ năm 1086 đến năm 1094 nhiều công trình nguy nga đồ sộ theo lối đại danh lam kiêm hành cung. Kết quả khai quật khảo cổ học chùa Dạm đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc chùa tháp hoàn chỉnh thời Lý - Trần, đây là trường hợp chùa tháp thời Lý đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại được tiến hành khai quật toàn bộ mặt bằng kiến trúc. Hệ thống di vật, hiện vật khảo cổ chùa Dạm được phát hiện trong quá trình khai quật tương đối phong phú, mở ra nhận thức về chùa Dạm. Từ những lý do đó, NCS chọn đề tài “Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý” để làm luận án tiến sĩ ngành Khảo cổ học, hy vọng thông qua luận án sẽ đóng góp trực tiếp vào mảng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng và giá trị di sản văn hóa nói chung. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích Đề tài luận án sẽ tập trung đưa ra những giải thích về di tích chùa Dạm: Mặt bằng kiến trúc, quy mô, kỹ thuật xây dựng, trang trí kiến trúc... Thông qua kết quả khảo cổ học thu được, đề tài luận án đưa ra bằng chứng về những lần trung tu vào thời Trần, thời Lê Trung Hưng và mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn cũng như các loại hình hiện vật được dùng trong di tích. 2.2. Nhiệm vụ - Tổng hợp, cung cấp kết quả nghiên cứu về một số hạng mục kiến trúc, đưa ra những nhận định về cột đá và tháp chùa Dạm sau khi so sánh với các tháp khác cùng thời và đưa ra những nhận định bước đầu về hệ thống tháp chùa Dạm qua kết quả khai quật khảo cổ thu được. - Thông qua so sánh, phân tích giữa chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Cao (Bắc Giang), di tích Ngô Xá, Long Đọi (Hà Nam), chùa Lạng (Hưng Yên), chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa tháp Tường Long (Hải Phòng)... để tìm hiểu về lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam. 1 - Phân tích, đánh giá giá trị di sản văn hóa, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích khu di tích chùa Dạm. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Các di tích, di vật khảo cổ học ở di tích chùa Dạm và một số ngôi chùa thời Lý trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Tập trung chính vào việc trình bày về di tích chùa Dạm (mặt bằng kiến trúc, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành...); trình bày khái quát về một số ngôi chùa thời Lý trên địa bàn các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... - Về không gian và thời gian: Di tích chùa Dạm và mối quan hệ văn hóa với các ngôi chùa thời Lý ở Bắc Việt Nam. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án - Phương pháp khảo cổ học truyền thống: Đo vẽ, bản ảnh, bản vẽ, bảng biểu. - Phương pháp đa ngành, liên ngành: Sử học, mỹ thuật, kiến trúc, địa lý học, dân tộc học, Hán Nôm học… - Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Đóng góp vào lịch sử nghiên cứu về di tích thời Lý nói chung, chùa Dạm nói riêng từ góc độ kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ học thông qua việc phân tích thực trạng khu di tích chùa Dạm hiện được khai quật khảo cổ học tổng thể và so sánh với các chùa, tháp thời Lý khác đã được khai quật. Đồng thời, lý giải về hiện trạng, đặc điểm, mô hình, chức năng và cấu trúc các di tích thời Lý. - Luận án cung cấp những thông tin mới, đầy đủ hơn về chùa Dạm so với những hiểu biết từ trước đến nay. - Luận án góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích chùa Dạm nói riêng, các di tích thời Lý nói chung. 2 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Căn cứ vào so sánh các đặc trưng di tích, di vật, thư tịch cổ, văn bia, truyền thuyết dân gian... có thể xác định các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ là thuộc thời Lý. Di tích đã được tu bổ, sửa chữa trong thời Trần, thời Lê và thời Nguyễn. Đây là một di tích có giá trị lịch sử - văn hóa lớn. - Những di tích đã xuất lộ cho chúng ta thấy dấu tích một ngôi chùa, tháp của Hoàng gia thời Lý có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam hiện biết. - Mặc dù hệ thống di vật chùa Dạm đã bị thất lạc và mất mát về cơ bản, những di vật thu được trong quá trình khai quật cũng khá phong phú. Các di vật kiến trúc phản ảnh đặc điểm của vật liệu và nghệ thuật trang trí chùa Dạm qua các thời, các di vật gốm sứ phản ánh lịch sử lâu dài của di tích từ thời Lý qua thời Trần cho đến ngày nay. - Tổng thể các di vật tìm thấy và phản ánh tính chất Hoàng gia hàng đầu của chùa Dạm trong hệ thống chùa tháp thời Lý ở Bắc Ninh. Bên cạnh đó, các di vật này cũng cung cấp nguồn tài liệu mang tính xác thực cao phục vụ cho việc nghiên cứu bảo tồn tôn tạo, phục dựng di tích và phát huy giá trị của di tích. - Kết quả khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích chùa Dạm đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu hệ thống chùa tháp Hoàng gia thời Lý ở Bắc Ninh nói riêng, Bắc Việt Nam nói chung cũng như bổ sung tư liệu cho việc thiết kế xây dựng chùa Dạm (mới). 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án được chia thành 4 chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài. - Chương 2: Di tích kiến trúc và niên đại. - Chương 3: Hiện vật và niên đại. - Chương 4: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Vị trí địa - văn hóa 3 1.1.1. Vị trí địa lý, môi trường cảnh quan Bắc Ninh nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng có tọa độ từ 0 ’ 105 54 06’’ đến 106018’50’’ kinh độ Đông, 20058’30’’ đến 210016’00’’ vĩ độ Bắc; Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, Đông giáp tỉnh Hải Dương, Nam giáp tỉnh Hưng Yên, Tây giáp thành phố Hà Nội. Chùa Dạm nằm ở sườn phía Nam của dãy núi Dạm, nổi giữa những cánh đồng, ao hồ, sông, ngòi, bờ bãi là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Nếu nhìn từ trên cao, toàn cảnh núi Dạm là một bức tranh thủy mặc hữu tình, với cánh đồng lúa trải rộng và kéo dài đến bờ Bắc của sông Đuống. Dòng sông Đuống cổ kính như một dải lụa mềm, uốn lượn, bao quanh một vùng đồng bằng trù phú, quanh năm tươi tốt. Các làng mạc nằm quanh chân núi Dạm được gọi là các “làng Dạm” gồm: Triều Thôn, Sơn Trung, Thái Bảo, Sơn Đông, Sơn Nam, Đa Cấu, Tự Thôn, Môn Tự và Đông Dương. Vẻ đẹp của chùa Dạm từ xưa đã được nhắc đến trong các thư tịch cổ. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng ghi chép về núi Dạm như sau: “Ngọn núi lởm chởm, cao vút, có thể lên cao để nhìn ra xa. Trong núi có chùa Thần Quang trông ra sông Thiên Đức, thông bách xum xuê xanh tốt, nhìn rất dịu mắt”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nói về núi Dạm: “Núi Lãm Sơn ở huyện Quế Dương, có 16 xã ở quanh núi, có rất nhiều chùa cổ, cảnh trí sông núi rất âm u tịch mịch. Trên núi là chỗ tu hành của sư Không Lộ, dấu cũ nay vẫn còn”. Vào thời Nguyễn, sách Bắc Ninh toàn tỉnh dư địa chí nói về chùa Dạm: “Suối chảy vòng quanh núi. Cây cối rườm rà, trông cả vùng như một bức tranh vẽ. Từ xưa ở đây có tiếng là cảnh danh thắng, thi nhân đề thơ rất nhiều”. 1.1.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa 1.1.2.1. Tên gọi và địa giới tỉnh Bắc Ninh trong lịch sử Trong lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc, tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới, đơn vị hành chính. Căn cứ vào các nguồn tài liệu lịch sử và địa chí, thấy được sự thay đổi như sau: Thời Hùng Vương và An Dương Vương là bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc, đồng thời là nơi đặt quốc đô của nhà nước Âu Lạc là kinh thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Thời thuộc Hán thuộc quận 4 Giao Chỉ. Thời thuộc Ngô thuộc quận Giao Châu. Thời thuộc Tấn thuộc quận Giao Chỉ. Đầu đời thuộc Đường, Bắc Ninh được gộp trong địa phận Giao Châu, Đạo Châu, Long Châu thuộc Giao Châu đô hộ phủ, sau thuộc An Nam đô hộ phủ. Thời Lý, vùng đất tỉnh Bắc Ninh ngày nay thuộc hai đơn vị hành chính của Lộ Bắc Giang là: Phủ Thiên Đức; Phủ Siêu Loại. Thời Trần, Bắc Ninh thuộc lộ Bắc Giang. Thời Hồ, Bắc Ninh thuộc lộ Bắc Giang. Thời thuộc Minh, thuộc phủ Bắc Giang. Thời Lê thuộc Bắc Đạo: Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) Lê Thánh Tông đổi là đạo Bắc Giang. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đến năm 1469 đổi là Kinh Bắc. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi là Kinh Bắc xứ. Triều Gia Long (1802 - 1840) đổi tên là trấn Bắc Ninh (1822) và tỉnh Bắc Ninh (1831). Thời thuộc Pháp, vào ngày 10/10/1895, chính quyền thực dân chia tỉnh Bắc Ninh làm hai tỉnh là Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh gồm các đơn vị hành chính ở phía Nam sông Cầu. Các đơn vị hành chính thuộc phía Bắc sông Cầu thuộc tỉnh mới mang tên tỉnh Bắc Giang. Ngày 01/4/1963 hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc, gồm: thị xã Bắc Ninh, các huyện Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Sơn, Quế Võ, Gia Lương. Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. 1.1.2.2. Lịch sử vùng đất và dân cư Bắc Ninh là vùng đất có bề dày văn hiến. Nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Hồng nên từ rất sớm, nơi đây đã trở thành địa điểm tụ cư của dân tộc Việt và được coi là “cái nôi của người Việt cổ”. Thế kỷ II-III, thành Luy Lâu được xây dựng, thủ phủ Giao Châu đóng tại đây và trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước và trong khu vực. Bắc Ninh là chốn tổ đình của Phật giáo Việt Nam. Bắc Ninh là địa điểm truyền bá Hán học đầu tiên của nước ta. Ngoài ra, Bắc Ninh còn là quê hương của nhà Lý... Bước vào kỷ nguyên Đại Việt, Bắc Ninh - Kinh Bắc là đất phên dậu phía Bắc của Thăng Long- Đông Đô, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong 5 việc khai mở vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt cũng như công cuộc bảo vệ đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa. Nằm tại vị trí sớm là trung tâm tụ cư của người Việt cổ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là một trong “tứ trấn” về sau nên Bắc Ninh đã hình thành, truyền nối được bản sắc văn hóa riêng biệt, chính là văn hóa Kinh Bắc. 1.2. Tư liệu và vấn đề 1.2.1. Chùa Dạm qua tài liệu cổ sử Theo thống kê, những tư liệu thư tịch cổ ghi chép về chùa Dạm không nhiều, tuy nhiên xâu chuỗi các sự kiện đó lại có thể giúp ta nhận định một cách chính xác tên gọi của chùa cùng với niên đại xây dựng và lịch sử trùng tu. Các thư tịch ghi chép về chùa Dạm gồm: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử lược, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, văn bia: Đại Lãm Thần Quang tự bi ký. Căn cứ vào các dấu tích còn lại trên thực địa, các tài liệu thư tịch và văn bia, thì “Đại Lãm Thần Quang tự” có thể hiểu là chùa Thần Quang ở núi Đại Lãm. Như vậy, có thể hiểu năm 1086, vua Lý Nhân Tông cho xây chùa Lãm Sơn trên núi Đại Lãm, đến năm 1094 khi khánh thành tên chùa được đặt là Cảnh Long Đồng Khánh, trong khoảng thời gian từ đó đến đời vua Trần Nhân Tông, thời điểm ra đời bài thơ “Đại Lãm Thần Quang tự”, chùa mang tên chữ là Thần Quang cho đến nay. Quy mô, kiến trúc chùa Dạm như thế nào cho đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến, tài liệu chỉ cho biết tại đây có 3 ngôi tháp chỏm bằng đá. Trong 3 cây tháp xây dựng tại chùa Dạm, có tháp xây dựng khá lâu kéo dài 5 năm 6 tháng mới khánh thành: năm 1088 “Mùa đông tháng 10, xây tháp ở Lãm Sơn” - năm 1094 “Mùa hạ tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong”. Ngôi chùa xây trên núi Lãm Sơn khi hoàn thành được vua ban tên là “Cảnh Long Đồng Khánh”. Ngôi chùa cũng phải xây trong 8 năm (1086 - 1094) mới hoàn thành và chỉ sau 11 năm (năm 1105) chùa lại được tôn tạo thêm cho bề thế đẹp đẽ với 3 ngọn tháp chỏm đá. Chùa Dạm (Cảnh Long Đồng Khánh) là một trung tâm Phật giáo lớn thời Lý đến thời Trần, đây vẫn là một Đại Danh Lam. Khi Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đến thăm chùa, chùa đó mang tên là Thần Quang. Các 6 tên gọi khác trong dân gian như: chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian, chùa Dạm thì đều là chỉ chùa Thần Quang được khởi dựng từ thời Lý (1086) với các dấu tích vật chất còn tồn tại cho đến ngày nay. 1.2.2. Thám sát khảo cổ học năm 2009 Để phục vụ công tác đầu tư, phục hồi khu di tích chùa Dạm và yêu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác bảo vệ, trùng tu tôn tạo chùa Dạm, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 4571/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2009 cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ học tại khu vực Tam bảo chùa Dạm (cấp nền 3) với diện tích 20m2. Đợt khai quật này, mặc dù các dấu tích kiến trúc của ngôi chùa được khởi dựng năm 1086 chưa xuất lộ do phạm vi hố thám sát nhỏ, dấu tích kiến trúc tìm được có niên đại muộn. Tuy nhiên, hệ thống các di vật hết sức phong phú với đầy đủ các loại hình từ vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí kiến trúc, đến đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ cúng có niên đại từ thời Lý đến thời Lê đã thể hiện tính chất của di tích là ngôi chùa có quy mô lớn, quan trọng trong suốt các thời kỳ lịch sử. 1.2.3. Nghiên cứu chùa Dạm Nghiên cứu chùa Dạm được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn trước khi khai quật khảo cổ học (từ năm 2009 trở về trước) và giai đoạn sau khi khai quật khảo cổ học (từ năm 2009 đến nay). Giai đoạn thứ nhất, các nghiên cứu chủ yếu dựa vào những ghi chép về chùa Dạm trong lịch sử cũng như căn cứ vào các phế tích hiện tồn của chùa Dạm. Ngoài một số bài nghiên cứu về đối tượng chùa Dạm với tư cách là một ngôi quốc tự thời Lý thì giai đoạn này các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu công năng và giải mã ý nghĩa biểu tượng của cột đá chùa Dạm. Liên quan đến việc giải mã ý nghĩa biểu tượng của cột đá chùa Dạm, có hai thuyết chính được nêu ra là: Cột đá chùa Dạm thực chất là linga và cột đá chùa Dạm là phế tích của một công trình kiến trúc. Cột đá chùa Dạm là hiện vật đặc biệt quan trọng đối với việc nghiên cứu về chùa Dạm, ngoài ra nó còn có gia trị nghiên cứu tư tưởng mỹ thuật Phật giáo thời Lý. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cột đá chùa Dạm mới 7 chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể kiến trúc ngôi đại danh lam này. Những vấn đề về tổng thể mặt bằng kiến trúc chùa Dạm nói riêng, mặt bằng kiến trúc chùa - tháp thời Lý nói chung vẫn chưa được sáng tỏ. Để làm được điều này, cần có kết quả của những cuộc khai quật khảo cổ học quy mô lớn đối với di tích này. Giai đoạn hai, di tích chùa Dạm được tiến hành khai quật tổng thể với tổng diện tích 6.000m2 . Kết quả khai quật đã phát lộ được mặt bằng tổng thể của chùa Dạm với 4 cấp nền, qua đó xác định được vị trí, quy mô kiến trúc hoành tráng của chùa Dạm. Ngoài ra, kết quả khai quật còn cho thấy một mặt bằng kiến trúc chùa tháp hoàn chỉnh thời Lý-Trần cùng nhiều loại hình vật liệu trang trí và gốm sứ… đã cung cấp một chỉnh thể tư liệu vô cùng quý giá cho nghiên cứu chùa tháp thời Lý-Trần, nếu không muốn nhấn mạnh đây là trường hợp chùa tháp Lý duy nhất cho đến thời điểm hiện nay được khai quật toàn bộ mặt bằng kiến trúc. Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, đây là nghiên cứu toàn diện, đầy đủ nhất về tổng thể mặt bằng chùa Dạm nói riêng, mặt bằng chùa - tháp thời Lý nói chung. 1.3. Tiểu kết chương 1 Trong chương 1, NCS khái quát những vấn đề chung về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử vùng đất và con người Bắc Ninh trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Tiếp đó khái quát tình hình nghiên cứu của đề tài và bước đầu làm rõ lịch sử, vai trò, vị trí của chùa Dạm thông qua các kết quả nghiên cứu thu thập được từ các nguồn thư tịch cổ cùng kết quả khảo sát thực địa, kết quả của các đợt khai quật. Qua việc nghiên cứu, xem xét, điều tra tổng thể di tích và cảnh quan xung quanh có thể thấy, chùa Dạm là khu di tích còn khá nguyên vẹn kể từ thời khởi dựng. Mặt bằng kiến trúc hiện còn 4 cấp nền vươn cao theo sườn núi và được giữ nguyên trạng kể từ khi xây dựng cho đến nay. Ngoài các cấp nền được kè đá hiện còn, dấu tích cảnh quan của các di tích liên quan đến ngôi chùa còn khá rõ nét với các di tích như: ngòi Con Tên, Thùng Thối, Đền Vua, Bãi Hội,... Hình thành nên một tổng thể khu di tích liên hoàn từ sông Thiên Đức đến núi Đại Lãm, trong đó chùa Dạm giữ vai trò là vị trí trung tâm. 8 Chương 2 DI TÍCH KIẾN TRÚC VÀ NIÊN ĐẠI 2.1. Chùa Dạm qua các dấu tích trên thực địa Chùa Dạm sau khi bị tiêu thổ kháng chiến được người dân địa phương dựng trên nền chùa cũ, đó là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán cây bên sườn núi. Hiện trạng mặt bằng cho thấy, từ chân đồi đi lên chùa được tạo nên bốn cấp nền kiến trúc khác nhau, chênh nhau vươn cao theo độ cao của núi. Mỗi cấp nền được xây xếp kè bằng đá khối thẳng đứng khá vững chắc. Trên cảnh quan tổng thể, xung quanh còn các ngọn núi với các tên gọi của bộ “tứ linh”. Núi Rùa, nằm bên cạnh về phía Tây của ngòi Con Tên, núi Phượng nằm về phía Tây Bắc, núi Long có chùa Dạm và chùa Hàm Long, núi Ly nằm về phía Đông Bắc gần với thôn Thái Bảo. Đây là những hình ảnh địa điểm có niên đại muộn, mang tư tưởng của Nho giáo. Hiện nay, thuộc phạm vi di tích vẫn còn các dấu tích vật chất minh chứng cho quy mô to lớn, đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc tinh mỹ của một Đại danh lam thời Lý. Tuy nhiên, trước nhịp sống hối hả, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh nên cảnh quan chùa Dạm hiện nay đã có những đổi khác. Qua thực địa cho thấy, trên cả 4 cấp nền dấu tích của các công trình kiến trúc có niên đại kéo dài từ thời Lý cho đến những năm gần đây. Trong đó nổi bật lên là hệ thống 4 cấp nền với các bờ kè bằng đá kiên cố, cột chạm rồng bằng đá sa thạch có niên đại thời Lý, và chân móng tháp đá chạm khắc hoa văn “thủy ba” có niên đại thời Lý đã xác định các dấu tích vật chất của một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời Lý có quy mô lớn thuộc hàng “Đại danh lam” do triều đình xây dựng. 2.2. Địa tầng chung, mặt bằng tổng thể bốn cấp nền thời Lý 2.2.1. Địa tầng chung - Lớp mặt: Lớp đất đồi màu nâu đỏ lẫn sạn sỏi laterite và mảnh gạch, ngói, đá, dày trung bình từ 15cm – 180cm. - Lớp văn hóa: Xuất hiện nhiều di vật chủ yếu là vật liệu kiến trúc thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn dày trung bình từ 30cm – 150cm và các dấu tích móng nền kiến trúc thời Lý. 9 - Sinh thổ: Đá gốc. 2.2.2. Mặt bằng tổng thể bốn cấp nền Tính từ dưới lên, các cấp nền đã lần lượt xuất lộ các dấu tích kiến trúc như sau: 2.2.2.1. Cấp nền 1 Hai phía Đông và Tây xuất lộ 2 hành lang cùng một trục với những kiến trúc thời Lý đã xuất lộ ở cấp nền 2, 3 và 4, kiến trúc có 5 vì. Ở chính giữa kiến trúc cấp nền 1 có 02 chân tảng, 04 hố gia cố chân tảng kép, 10 hố gia cố chân tảng đơn (hiện còn lại 06 hố gia cố chân tảng), tạo thành 4 hàng cột, 1 hàng 4 cột. Trong khu vực này có thành bậc đá chạm rồng, rồng hướng về phía trong công trình kiến trúc (phía Bắc). Ở giữa lối lên trung tâm được lát đá, hai bên được kè đá vát, dài 12,10m, rộng 3,80m. Giữa 2 hành lang Đông và Tây cấp nền 1 có 2 lối lên cấp nền 2. Hai lối lên này còn lại từ 6 - 16 bậc đá, phía trước thành bậc có nền gạch lát bằng gạch vuông và gạch chỉ dài, một số viên trang trí hoa cúc dây. Tại bậc thứ nhất, bậc thứ bảy và bậc mười ba đều được đục 2 hố ở mỗi bậc ở hai đầu Đông, Tây bậc đá. 2.2.2.2. Cấp nền 2 Xuất hiện móng tháp thời Lý chạm sóng nước và cột đá chạm rồng. Ở hai phía Đông và Tây xuất lộ dấu vết của hai công trình kiến trúc chạy dài theo chiều Bắc - Nam, nằm trên cùng một trục so với những kiến trúc thời Lý đã xuất lộ ở hai phía Đông - Tây cấp nền 3, 4. Nối với công trình kiến trúc trung tâm về phía Bắc và phía Nam là hành lang có cấu trúc 4 vì. Công trình kiến trúc phía Đông và Tây cấp nền 2 có 2 lối lên cấp nền 3 dài 11,10m (chiều Bắc - Nam); rộng phía dưới 2,33m; rộng phía trên 2,33 - 2,39m (chiều Đông - Tây). Hai lối lên này còn lại từ 5 - 12 bậc đá. Phía trước thành bậc về phía Nam ở cả 2 lối lên đều có nền gạch được lát bằng gạch chỉ. Cột đá chạm rồng thời Lý: Hiện tượng gia cố ở cột này tương tự như hố gia cố đặt chân tảng kê cột trong công trình kiến trúc. Như vậy, có thể khẳng định cột đá Chùa Dạm được dựng lên đúng như vị trí ban đầu. Móng tháp thời Lý: Cho thấy tháp có một cửa, quay về hướng Đông phía cột đá chạm rồng. Cửa tháp nằm chính giữa cạnh phía Đông 10 tháp; lòng tháp được đắp bằng đất laterite lẫn sỏi và mảnh ngói, gạch. Kích thước móng tháp: dài 8,46 - 8,49m (chiều Đông - Tây); dài 8,46m (chiều Bắc - Nam). Móng tháp được ốp những hàng đá trang trí văn núi, còn lại 5 hàng. Có hai di tích quan trọng, đó là cột đá chạm rồng ở phía Đông và chân móng tháp đá hình vuông ở phía Tây. Hai di tích này nằm đăng đối thẳng hàng nhau theo trục Đông - Tây, và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trên tổng thể chung toàn bộ khu di tích. Trong đó đôi rồng ở cột đá quay đầu chầu về hướng tháp đá, ngược lại cửa tháp quay về hướng cột đá chạm rồng chầu. Giếng Bống thời Lý: Giếng được đào xuống đá gốc, có độ sâu khoảng 3,0m đến 5,0m. Hiện nay, lòng giếng đã bị cư dân lấp nhiều đất, đá nên đã bị biến đổi nhiều. Thành giếng được kè bằng đá, đá kè thành giếng giống với đá kè trên 4 cấp nền và đá gốc ở khu di tích chùa Dạm. 2.2.2.3. Cấp nền 3 Hành lang phía Đông và phía Tây: Hai phía Đông và Tây xuất lộ dấu vết của hai công trình kiến trúc chạy dài theo chiều Bắc - Nam, nằm trên cùng một trục so với những kiến trúc thời Lý đã xuất lộ ở hai phía Đông - Tây cấp nền 1, 2, 4. Kiến trúc phía Đông xuất lộ 26 hố gia cố chân tảng, 06 chân tảng đá chạm cánh sen ở khu vực hiên phía Đông, 03 chân tảng đá chạm cánh sen ở gian phía Bắc. Còn kiến trúc phía Tây xuất lộ 27 hố gia cố chân tảng, 02 chân tảng đá chạm hoa sen ở hành lang phía Bắc, 02 chân tảng đá chạm hoa sen ở gian chính. Có 2 cống thoát nước nằm về phía Tây hành lang. Kiến trúc trung tâm: Tại trung tâm cấp nền 3 xuất lộ móng tháp và cửa của ngôi tháp. Tháp có hướng Nam lệch Đông 150. Quy mô móng tháp cấp dưới cùng là 7,90 x 7,90m; cửa tháp phía Nam rộng 1,60m. Móng phía Đông dài còn lại 1,40m, rộng 70cm; móng phía Tây dài còn lại 5,20m, rộng 78cm. Có thể có 2 lối lên tháp, lối thứ nhất ở phía Đông rộng 1,60m, lối thứ hai ở phía Tây rộng 1,27m. Móng tháp cách kiến trúc phía Đông 17,30m và cách kiến trúc phía Tây 17m. Như vậy, tháp nằm gần như ở vị trí chính giữa 2 công trình kiến trúc ở cấp nền 3 và cũng nằm chính giữa gian chính của kiến trúc trung tâm ở cấp nền 4. 11 Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn có hướng Nam lệch Đông 150, diện tích khoảng 400m2 (chiều Đông - Tây 19m; chiều Bắc - Nam 21m) gồm 5 gian. Ba gian giữa rộng 2,70m (chiều Đông - Tây); 1,38m (chiều Bắc Nam). Hai gian bên rộng 2,58m (chiều Đông Tây). 2.2.2.4. Cấp nền 4 Dấu tích kiến trúc thời Lý xuất lộ các loại di tích: Bó nền, sân nền, hố gia cố chân tảng, chân tảng... Các loại hình di tích này cấu trúc thành hệ thống mặt bằng kiến trúc liên hoàn có niên đại thời Lý bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm 5 gian, 2 chái; phía Bắc kiến trúc trung tâm có cửa dẫn vào gian chính, hai bên có thành bậc đá chạm rồng ở hai mặt thành. Hình tượng rồng chạm ở thành bậc có hình dáng tiêu biểu rồng thời Lý, thân nhỏ, trơn, mình uốn... Chân rồng xòe ra 5 móng sắc nhọn. Đầu rồng hướng về phía Nam (hướng vào trong tòa nhà - gian trung tâm). Ngoài ra còn có hai kiến trúc nhỏ hơn liên hoàn với kiến trúc trung tâm ở hai phía Đông và Tây. Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: Có diện tích khoảng 71,28m2 (chiều Đông - Tây dài khoảng 8,80m; chiều Bắc - Nam rộng khoảng 8,10m). Công trình kiến trúc thời Nguyễn có hướng gần như trùng với hướng của công trình kiến trúc thời Lý trước đó. 2.3. Kè đá, hố cột và hố gia cố chân tảng thời Lý 2.3.1. Kè đá thời Lý 2.3.1.1. Kè đá cấp nền 1: Bờ kè được xếp giật 3 cấp. Giật cấp 1 cao 2,72m, giật cấp 2 cao 2,29m, giật cấp 3 lên bề mặt của cấp nền cao 2,15m. Chân của bờ kè hơi choãi tạo thành góc chếch khoảng 700 làm tăng thêm độ vững chãi và kiên cố cho toàn bộ bờ kè. 2.3.1.2. Kè đá cấp nền 2: Bờ kè được xếp giật 3 cấp. Giật cấp 1 cao 1,95m, giật cấp 2 cao 1,64m thu vào so với giật cấp 1 khoảng 1,20m, giật cấp 3 cao 2,94m thu vào so với giật cấp 2 khoảng 1,60m. Chân bờ kè hơi choãi tương tự như bờ kẽ của cấp nền 1. 2.3.1.3. Kè đá cấp nền 3: 12 Bờ kè được xếp giật 3 cấp. Giật cấp 1 cao 1,63m, giật cấp 2 cao 2,50m thu vào so với giật cấp 1 khoảng 1,20m, giật cấp 3 cao 1,28m thu vào so với giật cấp 2 khoảng 1,20m. Chân hơi choãi tạo độ vững chãi cho bờ kè. 2.3.1.4. Kè đá cấp nền 4: Bờ kè được xếp giật 3 cấp. Giật cấp 1 cao 2,30m, giật cấp 2 cao 2,40m thu vào so với giật cấp 1 khoảng 1,20m, giật cấp 3 cao 4,15m thu vào so với giật cấp 2 1,40m. Chân bờ kè hơi choãi tương tự như bờ kè của các cấp nền khác. 2.3.2. Hố gia cố chân cột: 158 chiếc hố, phân bố trên 3 cấp nền 2, 3, 4 (cấp nền 2: 2 hố; cấp nền 3: 15 hố; cấp nền 4: 141 hố). 2.3.3. Hố gia cố chân tảng: 218 hố gia cố chân tảng đã xuất lộ rõ ràng, trong tổng số 254 hố gia cố chân tảng sẽ có trên toàn bộ 4 cấp nền (những hố gia cố chân tảng đã phát hiện ở cấp nền 1: 39/50 hố, cấp nền 2: 53/76 hố, cấp nền 3: 60/76 hố, cấp nền 4: 66/68 hố). 2.4. Tiểu kết chương 2 Tính từ dưới lên, các cấp nền đã lần lượt xuất lộ các dấu tích kiến trúc: Cấp nền 1: Hai phía Đông và Tây xuất lộ 2 hành lang thời Lý. Kiến trúc có 5 vì. Lối lên ở giữa và hai bên được lát đá. Hai bên lối lên được kè đá vát. Cấp nền 2: Xuất hiện móng tháp thời Lý chạm hình núi và cột đá chạm rồng. Ở hai phía Đông và Tây đã xuất lộ dấu vết của hai công trình kiến trúc chạy dài theo chiều Bắc – Nam. Giếng Bống: Giếng được đào xuống đá gốc. Thành giếng kè bằng đá. Cấp nền 3: Ở hai phía Đông và Tây đã xuất lộ dấu vết của hai công trình kiến trúc thời Lý chạy dài theo chiều Bắc - Nam. Kiến trúc trung tâm: Tại trung tâm cấp nền 3 xuất lộ móng tháp và cửa của ngôi tháp. Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn có hướng Nam lệch Đông 150, diện tích khoảng 400m2 gồm 5 gian. Cấp nền 4: Hệ thống mặt bằng kiến trúc liên hoàn có niên đại thời Lý bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm 5 gian, 2 chái và hai kiến trúc nhỏ hơn liên hoàn với kiến trúc trung tâm ở hai phía Đông và Tây. 13 Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: Có diện tích khoảng 71,28m2. Công trình kiến trúc thời Nguyễn có hướng gần như trùng với hướng của công trình kiến trúc thời Lý trước đó. Chương 3 HIỆN VẬT VÀ NIÊN ĐẠI Hiện vật của chùa Dạm được phát hiện qua hai nguồn: Thứ nhất, những phế tích lộ thiên còn sót lại: Cột đá, móng chân tháp đá, bờ kè đá, chân tảng chạm cánh sen (thời Lý), bia đá (thời Lê)... Thứ hai, những hiện vật trong lòng đất, được phát hiện sau khi tiến hành khai quật: Vật liệu trang trí, kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt… có niên đại kéo dài và liền mạch từ thời Lý (thế kỷ XI) đến thời Nguyễn (thế kỷ XX). Hệ thống hiện vật là nguồn tư liệu gốc phản ánh chân xác nhất về tình trạng, diễn biến của di tích qua từng thời điểm lịch sử khác nhau. 3.1. Di vật lộ thiên còn sót lại 3.1.1. Bia đá Trong phạm vi chùa hiện nay còn 2 tấm bia đá, tấm thứ nhất được đặt trên lưng rùa ở trên bề mặt của móng tháp đá ở cấp nền 2, tấm thứ hai hiện được đưa bảo quản tại ngôi chùa tạm ở cấp nền 3. Tấm thứ nhất: được khắc chữ trên cả hai mặt, nhưng đã bị mờ hết, không còn đọc được, duy nhất ở mặt sau tiêu đề còn 2 chữ “信... 施” - tín... thí, chắc hẳn mặt này ghi tên những người công đức cho việc xây dựng, trùng tu chùa Tấm bia thứ hai: (bia một mặt). Bia có nhan đề “大 覧 神 光 寺 新 造 護 法” (Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo hộ pháp - Bia ghi chép về việc làm tượng Hộ pháp tại chùa Đại Lãm Thần Quang). Nội dung ghi chùa Đại Lãm Thần Quang xưa vốn là nơi danh lam cổ tích, nhưng chưa có 2 vị Hộ pháp. Bấy giờ vào ngày tốt tháng 12, có vị Tiểu tăng trụ trì bản tự đã cùng với các Hội chủ bỏ ra tiền của hưng công tân tạo 2 vị Hộ pháp, nhân dịp hoàn thành, nên tạc bia đá để lưu truyền. Bia dựng vào ngày tốt tháng 9 năm Chính Hòa 17 (1696). 14 3.1.2. Chân tảng Tổng số có 86 chân tảng còn lại phân bố trên 4 cấp nền (cấp nền 1: 13 chân tảng; cấp nền 2: 16 chân tảng; cấp nền 3: 45 chân tảng; cấp nền 4: 12 chân tảng). 3.1.3. Cột đá Cột đá được coi là một trong những hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, và cột đá này đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hiện nay, cột đá được đặt tại cấp nền thứ hai bên Đông của chùa được chia làm 2 phần: Phần cột và phần bệ. 3.1.4. Móng chân đế tháp Trên tổng thể, chân đế tháp đá còn khá nguyên vẹn. Kích thước móng chân đế tháp, chiều Đông - Tây rộng 8,46-8,49m, chiều Bắc - Nam rộng 8,46m. Các tảng đá xây dựng quanh chân móng tháp đều có chất liệu sa thạch, màu nâu xám, hoặc nâu hồng, có chạm khắc hoa văn sóng nước nằm chồng xếp lên nhau. 3.2. Di vật được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học 3.2.1. Vật liệu kiến trúc Gồm các hiện vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII XIX như: Gạch, ngói, mô hình tháp đất nung, đao ngói, đầu phượng, gạch ốp… 3.2.2. Đồ gốm men Hiện vật gồm loại hình như: Bát, đĩa, chậu, chén, chậu, vò, đèn, bát hương, lư hương..., được phân chia theo niên đại. Chúng tôi không phân chia theo chức năng là đồ gia dụng và đồ thờ vì phân loại kiểu này chỉ mang tính khai quát, vì có nhiều loại hình hiện vật như: bát, đĩa, âu, chén, đèn... đôi khi vừa được dùng là đồ gia dụng vừa được dùng trong việc thờ tự. 3.2.3. Sành mịn Gồm các hiện vật như: Nồi, chậu, vò, bát, bình… hiện vật có niên đại trải dài từ thời Lý (thế kỷ XI) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). 3.3. Tiểu kết chương 3 - Về hiện vật: Tổng số hiện vật thu được khá nhiều và phong phú với nhiều tiêu bản hiện vật là mảnh v của vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, các hiện vật liên quan đến chất liệu đất nung, gạch, 15 gói, gốm, gốm men, sành mịn, kim loại và đá, trong đó chúng tôi lựa chọn các tiêu bản tiêu biểu để miêu tả chi tiết. Các sưu tập hiện vật có từ thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn… - Về niên đại: Di tích chùa Dạm chứa nhiều hạng mục công trình kiến trúc khác nhau, niên đại hiện vật ở mỗi vị trí, cấp nền đào cơ bản có sự đồng nhất về chất liệu như: Đá (chân tảng, trang trí); đất nung (trang trí kiến trúc); vật liệu xây dựng (gạch, ngói)... Qua nghiên cứu sưu tập thu được có niên đại từ thời Lý cho đến thời cận hiện đại, tương ứng với giai đoạn xây dựng và tồn tại của công trình. Trong đó, hiện vật thuộc thời Lý vẫn chiếm số lượng lớn, riêng vật liệu kiến trúc chiếm 66.47 , bên cạch đó còn thu được một số đồ gốm men Trung Quốc từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX. Chương 4 DI TÍCH CHÙA DẠM TRONG HỆ THỐNG CÁC CHÙA THỜI LÝ 4.1. Hệ thống chùa, tháp thời Lý Nhà Lý xây dựng nhiều công trình kiến trúc tại các địa phương trong cả nước, trong đó đáng chú ý nổi bật là các chùa tháp, hành cung, chùa kiêm hành cung. Đến nay, khảo cổ học đã khai quật và nghiên cứu tại những địa điểm có các di tích của thời Lý như sau: 4.1.1. Địa điểm núi Ngô Xá Địa điểm này được đào thám sát lần đầu tiên vào năm 1965, sau đó từ tháng 12/1966 đến tháng 3/1967 Đội Khảo cổ học (tiền thân của Viện Khảo cổ học ngày nay) tiến hành khai quật trên tổng toàn bộ diện tích của các hố khai quật, 1.036m2, đã tìm được các di tích có niên đại từ thời Lý. 4.1.2. Địa điểm tháp Tường Long Được khai quật 3 lần vào các năm 1978, 1998 và 2009 do Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, đã làm rõ được các phế tích nền móng của chùa và cây bảo tháp được xây dựng bằng gạch, có niên đại thuộc thời Lý.. 4.1.3. Địa điểm chùa Lạng Được Viện Khảo cổ học khai quật năm 1972 và năm 1973, đã tìm được 6 lớp kiến trúc, trong đó lớp kiến trúc thứ nhất mặt bằng hình tứ giác gần vuông thuộc thời Lý, có niên đại khoảng năm 1115. 16 4.1.4. Địa điểm đền Cầu Từ Trong các năm 2006, 2007 và 2009, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tiến hành khai quật địa điểm này đã tìm được nhiều di vật là vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt có niên đại của thời Lý và thời Trần. Đặc biệt đã phát hiện được một số nền móng di tích kiến trúc được xác định thuộc thời Lý thế kỷ XII. 4.1.5. Địa điểm chùa Cao Chùa Cao (Hưng Phúc tự) được phân biệt với chùa Thấp (Khám Lạng tự), bởi chùa Cao năm trên đỉnh "Đồi chùa", còn chùa Thấp nằm cạnh làng Bến, dưới chân đồi cách chùa Cao khoảng 500m về phía Đông Nam. Chùa Cao thuộc thôn Hòa Nội, làng Nồi, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Di tích này được điều tra, khảo sát, khai quật vào các năm 1989, 1997, 1999 và năm 2013. 4.1.6. Địa điểm chùa Phật Tích Cuối năm 2008 đầu năm 2009, trong quá trình trùng tu xây dựng chùa Phật Tích đã phát hiện dấu tích móng tháp được xây dựng bằng gạch có niên đại thuộc thời Lý. Bình đồ chân móng tháp gồm 4 bức tường nằm theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, trong đó hướng nam thẳng với đường “chính đạo” với các bậc đá dẫn lên chùa. Các tường móng tháp uốn cong lên ở 4 góc kiểu đao đình, được xây dựng bằng gạch có khắc chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057), hoàn toàn không thấy một viên gạch nào có niên đại khác. 4.1.7. Địa điểm chùa Linh Xứng Từ tháng 10/2009 đến tháng 11/2009, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa khai quật địa điểm chùa Linh Xứng do Thái úy Lý Thường Kiệt xây dựng năm 1126 trên núi Ngư ng Sơn. 4.1.8. Địa điểm chùa Long Đọi Sơn Năm 2001, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) lần đầu tiên tiến hành khai quật nhằm xác định vị trí, quy mô và dấu tích có liên quan đến cây bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý đã được ghi chép trong văn bia. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất